Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Chia sẻ Tâm đắc học tập Đệ tử quy

Chia Sẻ Tâm Đắc Học Tập Đệ Tử Quy (Tập 2)

Thứ ba - 18/05/2021 22:40

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 2

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 28 tháng 2 năm 2007.

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Chúng ta tiếp tục thảo luận "Đệ Tử Quy". Hôm nay, chúng tôi chủ yếu giảng về phần huyền nghĩa của "Đệ Tử Quy", xem như là phần báo cáo tâm đắc học tập "Đệ Tử Quy" của chính tôi. Tôi dùng phần mở đầu thập môn của "Kinh Hoa Nghiêm" để giải thích "Đệ Tử Quy". Mục đích có thể nói là dùng một chút kiến giải thiển cận của bản thân hy vọng chứng minh "Đệ Tử Quy" xác thực có cảnh giới của “Hoa Nghiêm”, chứng minh lời của lão Pháp sư nói "Đệ Tử Quy" và “Hoa Nghiêm” không phải là hai, mà nó là căn bản để học tập “Hoa Nghiêm”, vào Phật đạo. Đây là cách nhìn của người học “người nhân thấy điều nhân, người trí thấy điều trí”.

Trong “Di Đà Kinh Yếu Giải” của Ngẫu Ích Đại sư có nói “nhìn ngang thì là dãy núi, nhìn nghiêng thì là đỉnh núi”. Bạn nhìn "Đệ Tử Quy" như thế nào? Mỗi người đều có thể hội tâm đắc riêng. Hôm nay tôi hy vọng từ góc độ của “Hoa Nghiêm”, từ góc độ của người học Phật để học tập, hy vọng có thể cung cấp một chút tài liệu tham khảo cho những người đời này thực sự muốn tu hành.

Chúng ta xem phần mở đầu thập môn “Hoa Nghiêm”, thứ sáu là “Tạng giáo sở nhiếp”. Trong này kỳ thực là nói thông thường Kinh Điển đều thuộc một trong Tam Tạng. Tam Tạng là chỉ Kinh, Luật, Luận. Kinh là chỉ giáo huấn của Phật, Ngài trực tiếp giảng nói, đây là Kinh. Luật là chỉ quy phạm trong cuộc sống, giới luật do Phật quy định, đó đều là những hành vi quy phạm mà đệ tử Phật phải tuân thủ. Luận là tác phẩm nghiên cứu của một số Tổ sư Đại đức khi đọc Kinh có những tâm đắc thể hội viết ra. Kinh Luật Luận thường là để phân biệt Phật Kinh hay là Phật Luận, đây là phương pháp phân loại cơ bản. Trong Kinh Luận thì "Đệ Tử Quy" nên xếp vào loại nào? Gọi là “Tạng giáo sở nhiếp”, tức là ở trong Kinh Luận nó xếp ở vị trí nào?

Đương nhiên "Đệ Tử Quy" không thuộc Kinh Phật, không thể quy nó vào Kinh Luật Luận của Phật giáo. Nhưng nếu nói nó tương thông và có chỗ giống với Kinh Luật Luận thì có thể đem "Đệ Tử Quy" quy về Luật. Gọi là Luật vì đó là những quy phạm trong cuộc sống do Phật chế định ra, "Đệ Tử Quy" cũng là những quy phạm trong cuộc sống do Thánh nhân của chúng ta chế định ra, chúng ta nên tuân thủ. Phải biết Phật chế định ra giới luật là Ngài muốn người tu hành thông qua việc tu trì giới luật có thể quay về tự tánh của Thánh nhân và Phật. Cho nên giới luật là hành vi của một người chứng nhập Phật tánh tự nhiên làm ra, đó chính là giới luật.

Người chưa chứng nhập Phật tánh thì họ dùng giới luật để tu học, như vậy họ cũng có thể chứng được Phật tánh. Cùng đạo lý như vậy có thể biết "Đệ Tử Quy" cũng là như vậy. "Đệ Tử Quy”, “Thánh nhân huấn", lời giáo huấn của Thánh nhân là quy phạm đời sống của các bậc Thánh nhân. Cho nên thông qua tu trì "Đệ Tử Quy" cũng sẽ có một ngày chúng ta trở thành Thánh nhân.

Trong phán giáo, Hiền Thủ Đại sư là một học giả “Hoa Nghiêm” nổi tiếng trong lịch sử. Thông thường Ngài chia phán giáo thành năm phần là: Tiểu, Thủy, Chung, Đốn, Viên. Ở đây chúng ta không triển khai năm loại giáo này. Trên thực tế năm loại giáo này chính là những Kinh Điển mà Phật đã nói, có thể dựa vào năm phương diện này để phân loại.

Phần đầu tiên gọi là Tiểu thừa, những Kinh giáo Tiểu thừa. Cuối cùng là Viên Giáo, như “Hoa Nghiêm”, “Pháp Hoa” là thuộc về Viên Giáo, tức là một đời viên thành Phật đạo. "Kinh Vô Lượng Thọ", “Kinh A Di Đà” cũng thuộc về Viên Giáo. Nếu đặt "Đệ Tử Quy" vào trong Ngũ giáo để xem thì trên thực tế nó là căn bản của Ngũ giáo.

Phần đầu tiên là Tiểu thừa, mục tiêu của Tiểu thừa là liễu thoát sanh tử, chứng A La Hán, nhất định phải lấy "Đệ Tử Quy" làm quy phạm căn bản. Vì một vị A La Hán nhất định phải làm tốt, làm viên mãn "Đệ Tử Quy". Cuối cùng là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, lập tức thành Phật rồi mà các Ngài cũng phải làm viên mãn "Đệ Tử Quy", thực hành được một trăm phần trăm. Cho nên thông qua tu học "Đệ Tử Quy" chính là nhập môn tu học Phật đạo, điều này vô cùng quan trọng. Vì vậy trong Kinh Giáo "Đệ Tử Quy" xếp ở vị trí nào? Nó là cơ sở của Ngũ giáo. Những sự lý trong cuộc sống mà nó giảng nói cũng thông với Ngũ giáo, đã là cơ sở lại thông Ngũ giáo thì có thể thấy đây là khóa trình bắt buộc để vào cửa Phật.

Tiếp theo là phương diện thứ bảy “Bộ loại sai biệt”. Bộ loại tức là chỉ bộ "Đệ Tử Quy" này, có bộ Kinh Điển nào cùng loại với nó không? Lão Pháp sư giảng Kinh thường nói, đời nay mong muốn thật sự vãng sanh Tịnh Độ, đời này có thể viên mãn Phật đạo thì căn bản của ba nhà Nho Thích Đạo phải cắm cho vững, đây là cơ sở của đức hạnh. Căn bản đức hạnh của nhà Nho nằm trong "Đệ Tử Quy". Căn bản đức hạnh của nhà Đạo nằm trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Căn bản đức hạnh của nhà Phật nằm trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo”.

Nếu nói tìm bộ Kinh tương tự, cùng loại trong ba nhà Nho Thích Đạo thì “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” và “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” cùng "Đệ Tử Quy" là cùng loại, đều giảng về đức hạnh căn bản của chúng ta. Đương nhiên "Đệ Tử Quy" là căn bản trong căn bản, gốc trong gốc. Bạn làm được "Đệ Tử Quy" sau đó nâng lên “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. "Đệ Tử Quy" là giảng về giáo dục luân lý đạo đức, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là giáo dục nhân quả, “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” giúp chúng ta thành tựu viên mãn thiện hạnh. Đây là nền tảng để ngộ nhập tâm tánh, là nền tảng để thành Phật, cho nên các giáo trình cùng loại chúng ta cũng cần nghiêm túc học tập.

Sau khi giảng xong "Đệ Tử Quy", tôi sẽ tiếp tục ở HongKong giảng bộ tiếp theo chính là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, chúng ta sẽ cùng nhau học tập. Lão Pháp sư bảo tôi dùng tiếng Quảng Đông để giảng “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” và “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, giảng lại những Kinh điển mà lão Pháp sư đã từng giảng, đối với tôi thì đây là cơ hội học tập vô cùng tốt. Tôi vừa mới giảng qua một lần "Đệ Tử Quy" bằng tiếng Quảng Đông, bởi vì có rất nhiều đồng tu nghe không hiểu, ngoài những đồng tu ở HongKong ra thì rất nhiều đồng tu ở đại lục cũng rất hy vọng nghe thảo luận về "Đệ Tử Quy". Cho nên tôi lại dùng tiếng quốc ngữ giảng qua một lượt. Ba môn học này là khoa mục đức hạnh căn bản của chúng ta, đều cần nghiêm túc học tập.

Trong các Kinh Điển của nhà Nho, cùng loại với "Đệ Tử Quy" thì có thể thấy Trần Hoằng Mưu tiên sinh, đây là một vị quan triều nhà Thanh, ông đã biên tập một bộ sách là “Ngũ Chủng Di Quy”. “Ngũ Chủng Di Quy” có năm phương diện, thứ nhất là “Dưỡng chánh di quy”. Thứ hai là “Huấn tục di quy”. Thứ ba là “Giáo nữ di quy”. Thứ tư thứ năm là nói người làm quan làm thế nào để tu dưỡng bản thân. Bộ thứ nhất “Dưỡng chánh di quy” chính là chú giải tường tận cho "Đệ Tử Quy". Trong đó có “Chu Tử Đồng Mông Tu Tri”, “Chu Tử Luận Định Trình Đổng Học Tắc”, “Giáo Tử Tề Quy” của Chân Tây Sơn. “Tiểu Học Thi Lễ” của Trần Bắc Khê, “Ấu Nghi Tạp Châm” của Phương Chánh Học. Đây đều là những tài liệu vô cùng tốt để bồi dưỡng đức hạnh cho trẻ nhỏ. Dưỡng chánh trẻ thơ không phải chỉ để dạy trẻ nhỏ, mà quan trọng hơn là hiện nay người lớn chúng ta đều chưa làm được, nên bây giờ phải bổ túc. Đây đều thuộc về “Bộ loại sai biệt”.

Chúng ta xem phương diện thứ tám trong phần mở đầu thập môn là “Truyền hội giảng thích”. Kỳ thực phần mở đầu thập môn của "Kinh Hoa Nghiêm" là nói “Dịch hội hiệu thích”. Dịch là phiên dịch, hội là hội tập, hiệu là hiệu đính, thích là giải thích, chú thích. Đó là do Kinh Điển được truyền đến từ Ấn Độ cổ, sau đó được phiên dịch, nên cần giảng rõ những nhân duyên này. Còn "Đệ Tử Quy" thì có sẵn ở nước ta, đó là khóa trình cơ bản của giáo dục gia đình, giáo dục luân lý đạo đức. Cho nên tôi đổi một chữ là chữ truyền, không gọi là dịch, không phải là do phiên dịch mà là những lời dạy quý giá do lão tổ tông của chúng ta truyền lại.

Truyền là do ai truyền? Từ trong “Luận Ngữ” chúng ta thấy những lời giáo huấn của Khổng Tử, đó là lời giáo huấn được truyền từ đời này sang đời khác của Khổng Tử, là lời chỉ dạy của Thánh nhân. Còn trên phương diện hội tập thì cụ thể là do tiên sinh Lý Dục Tú thời nhà Thanh hội tập, Giả Tồn Nhân cải biên, sửa đổi thành "Đệ Tử Quy". Sư phụ thượng nhân lão Pháp sư Tịnh Không đã đem "Đệ Tử Quy" đặt vào trong khóa mục tu học căn bản cho người học Phật, người học Tịnh Tông chúng ta. Ngài đem ba trăm sáu mươi câu trong "Đệ Tử Quy" chia làm bảy phần gồm có: Hiếu, Đễ, Cẩn, Tín, Ái chúng, Thân nhân, và Học văn. Bảy phần phân thành một trăm mười ba điều nhỏ, nói về một trăm mười ba sự việc. Từ trong này lão Pháp sư lại chọn ra bảy mươi câu tinh yếu để chúng ta chú trọng học tập. Cho nên, Ngài có một bộ sách gọi là "Đệ Tử Quy Tiết Yếu" bảy mươi câu, đều là những tài liệu rất tốt mà chúng ta có thể học tập.

Trên phương diện giảng giải, giải thích thì thầy Thái Lễ Húc của chúng ta đã ở hiệp hội Giáo Dục Phật Đà HongKong này giảng tọa đàm nhân sanh hạnh phúc là “Làm thế nào để trở thành một người tốt chân thật đúng như pháp”. Thầy đã đem tinh thần trong "Đệ Tử Quy" giảng bốn mươi giờ, giảng giải rất tỉ mỉ. Ở học viện Tịnh Tông Úc Châu cũng giảng bốn mươi giờ chủ đề là “Tu học Đệ Tử Quy và Phật Pháp”. Đương nhiên ở học viện Tịnh Tông Úc Châu là thầy đã kết hợp với Phật Pháp để giảng. Ở HongKong là giảng cho người bình thường, chú trọng giảng cho đại chúng xã hội thông thường.

Mấy năm trước ở học viện Tịnh Tông Úc Châu còn có cô giáo Dương Thục Phương cũng giảng qua "Đệ Tử Quy". Ở trường đại học Thành Công Quốc Lập Đài Loan có giáo sư Trương Hữu Hằng, thầy đã làm một bộ chú giải tường tận cho "Đệ Tử Quy" đề mục là “Kiến Tạo Nhân Sanh Hạnh Phúc”. Trong phần lời tựa của mình thầy đã viết là thầy hội tập "Đệ Tử Quy" do cô Dương và thầy Thái giảng cùng với tâm đắc học tập của bản thân. Đây đều là những tài liệu vô cùng hay đáng để chúng ta nghiêm túc học tập và tham khảo.

Tiếp theo phương diện thứ chín là “Tổng thích danh đề”, tức là giải thích danh đề. Tên gọi của thiên văn chương này có ba chữ là "Đệ Tử Quy", xem hình thức là biết nội dung. “Quy” là quy củ, “Đệ tử” là Khổng Tử yêu cầu học trò của Ngài thực hiện những quy củ này. “Đệ tử” chính là học trò. Học trò của ai? Nghĩa hẹp mà nói thì là đệ tử của Khổng Tử, những học trò học tập đạo Thánh Hiền với Khổng Tử, họ cần phải tuân thủ. Cho nên rất nhiều người nói "Đệ Tử Quy" là để trẻ nhỏ học, vậy thì hơi thiên lệch.

 "Đệ Tử Quy" trên thực tế vốn dĩ là Khổng Tử yêu cầu học trò của mình, môn đồ của mình phải làm được. Học trò của Khổng Tử đều không phải trẻ nhỏ mà đều là người lớn. Họ phải làm được “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”, đây là do Khổng Tử yêu cầu. Trên mặt nghĩa rộng mà nói thì "Đệ Tử Quy" là khóa trình căn bản mà tất cả những người học đạo Thánh Hiền phải học. Muốn học đạo Thánh Hiền thì nhất định phải tuân thủ quy củ, gọi là không có quy củ thì không thành chuẩn mực. Chúng ta học Phật thì cũng phải học đạo Thánh Hiền. Phật là đại Thánh, Bồ Tát là đại Hiền. Muốn thành Phật, thành Bồ Tát cũng phải bắt đầu học từ "Đệ Tử Quy".

 Nhìn từ cái tên "Đệ Tử Quy" này thì thấy tất cả những người mong muốn đời này có thể thành tựu phẩm hạnh tốt, người tu đức lập nghiệp muốn làm Phật làm Bồ Tát, người muốn thành Thánh thành Hiền đều phải học tập quy củ, cho nên nó vô cùng quan trọng.

Tiếp theo, phương diện cuối cùng trong phần mở đầu thập môn chính là “chánh thích văn nghĩa”. Cũng là chúng ta nói xong giáo khởi nhân duyên, thể tánh, tông thú, phương tiện lực dụng của bộ Kinh Điển này thì vị trí của nó trong giáo điển và trong giáo điển có bộ Kinh nào cùng loại với nó, còn có truyền hội giảng thích, ai giảng qua, ai chú thích, còn có danh đề, sau khi giảng xong hết thì mới giảng đến Kinh văn. Trên thực tế thì phần cuối cùng chính là phần bắt đầu giảng Kinh văn, chín phần lớn phía trước của chúng ta xem như là nghĩa lý, kết cấu bao hàm trong "Đệ Tử Quy". Tất cả tôi đại khái đã giới thiệu xong với mọi người.

Có một số khái niệm, chúng ta học tập chánh văn của "Đệ Tử Quy" trước tiên phải hiểu vì sao phải học tập "Đệ Tử Quy". Đây là một bộ Bảo Điển vô cùng quan trọng, cho nên phần huyền nghĩa chúng ta chú trọng chỉ ra tính trọng yếu của việc học tập "Đệ Tử Quy".

Bây giờ, chúng ta chính thức học tập phần chánh văn của "Đệ Tử Quy". "Đệ Tử Quy" tổng cộng có bảy phần lớn, giảng nói bảy sự việc. Phần đầu giảng là tổng cương lĩnh, phần sau là kết khuyến, tổng cộng có chín phần. Phần cương lĩnh có chút giống phần tựa trong Kinh Phật, ở giữa là bảy đoạn lớn: Hiếu, Đễ, Cẩn, Tín, Ái chúng, Thân nhân, Học văn. Bảy phần này giống như phần chánh tông trong Kinh. Cuối cùng là “chớ tự chê, đừng tự bỏ, Thánh và Hiền, dần làm được”, đây là kết khuyến, cuối cùng là kết thúc và khuyên bảo mọi người học tập Thánh Hiền. Phần này giống như phần lưu thông trong Kinh Phật. Cho nên bạn xem ba phần trong Kinh thì "Đệ Tử Quy" cũng có. Bảy phần ở giữa tổng cộng giảng về một trăm mười ba điều. Chúng ta sẽ nghiêm túc học tập từng câu. Trước tiên xem phần cương lĩnh.

Chương thứ nhất là “Tổng cương lĩnh”:

Phép người con, Thánh nhân dạy, hiếu đễ trước, kế cẩn tín, yêu bình đẳng, gần người nhân, có dư sức, thì học văn”.

Đoạn này lấy từ điều thứ sáu trong chương Học Nhi của “Luận Ngữ”, là những khóa mục mà Khổng Tử dạy bảo học trò. “Luận Ngữ” là ngôn hạnh của Khổng Tử, ghi chép lại những hành trì trong cuộc sống mỗi ngày của bậc chí Thánh tiên sư Khổng Tử. Bạn xem "Đệ Tử Quy" là “Thánh nhân huấn” (lời dạy của Thánh nhân), Khổng Tử là bậc Thánh nhân dạy bảo chúng ta. Cho nên "Đệ Tử Quy" không phải quy định chúng ta nhất định phải làm mà đây là lời giáo huấn của Thánh nhân, lời giáo huấn của Thánh nhân được lưu xuất ra từ trong tự tánh.

Những lời dạy bảo do các Ngài nói ra cũng là tánh đức mà mỗi người chúng ta đều có. Nó không phải từ bên ngoài thêm vào cho chúng ta mà chúng ta vốn đã sẵn có. Đó là những điều mà các bậc Thánh nhân tự mình đích thân thể nghiệm chứng đắc, sau đó các Ngài đem nó nói ra. Cho nên trong “Kinh Kim Cang” Phật thường nói: “Như Lai không có pháp để nói”, Như Lai chính là Phật, Ngài không nói pháp gì cả, vì sao rõ ràng Ngài đã thuyết pháp bốn mươi chín năm nhưng Ngài lại nói Ngài không hề thuyết pháp? Đó là vì Ngài nói đều là những thứ mà chúng ta vốn sẵn đầy đủ, Ngài không cho chúng ta thêm một pháp mới, cho nên Ngài không có pháp để nói. "Đệ Tử Quy" cũng như vậy, Thánh Nhân mặc dù nói ra "Đệ Tử Quy" nhưng đó cũng là những cái chúng ta vốn sẵn có, nó không phải được thêm từ bên ngoài vào. Cho nên có một lý niệm như vậy rồi thì chúng ta mới có niềm tin để học tập "Đệ Tử Quy". Mỗi điều trong này chúng ta đều có thể làm được, vốn dĩ là thứ sẵn có thì đương nhiên chúng ta có thể làm được.

Tánh đức vốn có là vô lượng vô biên, nếu nói ra thì nói đến cùng kiếp cũng không hết, nhưng Thánh nhân các Ngài dùng cách quy nạp, quy nạp thành bảy điều “Hiếu đễ trước, kế cẩn tín”. Thứ nhất là “Hiếu”, Hiếu là căn bản mà Thánh nhân dạy bảo trong "Đệ Tử Quy". Trong “Hiếu Kinh” Khổng Tử nói: “Hiếu là gốc của đức hạnh, mọi sự giáo dục đức hạnh đều bắt nguồn từ hạnh hiếu[1]”. Hiếu là nền tảng của tất cả đức hạnh, nó là khởi điểm trong giáo dục của tất cả Thánh nhân, cho nên "Đệ Tử Quy" phải nói đến hiếu trước tiên. Hiếu là một quan niệm, quan niệm gì? Cha mẹ và ta là một thể, đó là quan niệm “phụ tử hữu thân”, có quan niệm về hiếu thì tự nhiên họ có thể hành hiếu. Đương nhiên Hiếu cần phải mở rộng ra, không chỉ cha mẹ và con cái là một thể, còn có thầy giáo, người xưa nói rằng: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”, nên thầy giáo và mình cũng là một thể.

Trong Kinh Phật có nói: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ mình. Vậy thì tất cả chúng sanh và mình cũng là một thể. Bạn nhìn như vậy thì tất cả chúng sanh trong vũ trụ này đều cùng một thể với ta. Bạn có quan niệm như vậy thì chính là Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát đối đãi với người chính là như vậy. Ngài coi tất cả chúng sanh như cha mẹ của mình, Ngài cúng dường chúng sanh như cúng dường chư Phật Như Lai, cho nên tu hạnh Phổ Hiền thì có thể thành Phật đạo. Lão Pháp sư từng nói: “Tất cả sự tu học trong Phật Pháp chính là thực hành hiếu đạo”, chính là đạo lý như vậy. Nó đã bao hàm Phật đạo viên mãn, lại còn là nền tảng của hết thảy đức hạnh. Giáo học cũng phải bắt đầu từ đây, cho nên Hiếu vô cùng quan trọng.

Tiếp theo là “Đễ”, tức là chỉ quan niệm về cung kính, nó được sinh ra từ tâm hiếu. Sự biểu hiện ra của Hiếu chính là cung kính, chúng ta trước tiên phải cung kính cha mẹ, mở rộng ra chúng ta cũng phải cung kính tất cả trưởng bối, hết thảy chúng sanh chúng ta cũng phải cung kính. Cho nên, phạm vi dùng của Đễ cũng không thể đo lường, hết thảy đều cung kính, đó mới là nghĩa vốn dĩ của Đễ. Đây cũng là [hạnh của] Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát nói điều thứ nhất là “Lễ kính chư Phật”, lễ kính chư Phật tức là thực hành hiếu đạo. Đễ sanh ra từ đâu? Lễ kính chính là Đễ. Đễ phải sanh ra từ tâm hiếu. Từ góc độ này chúng ta thể hội được những điều nói trong "Đệ Tử Quy" kỳ thực có thể thông với cảnh giới của “Hoa Nghiêm”.

Tiếp theo là “Cẩn”. Cẩn là một thái độ trong cuộc sống, kính cẩn, cẩn thận, mọi việc mọi vật chúng ta đều phải cẩn thận, thận trọng. Từ trong cẩn thận bồi dưỡng nên những phẩm đức của Thánh nhân cho chính mình. Bởi vì con người có cẩn thận thì họ mới có thể lưu tâm đến những tật xấu tập khí của chính mình có khởi hiện hành hay không? Nếu như quên mất, mê mất, quên những tập khí phiền não của mình đang khởi hiện hành, chúng khởi hiện hành mà họ mê không biết thì đó là không cẩn thận. Cho nên bạn nghĩ xem, một người tu hành chân thật trong những tiểu tiết rất nhỏ, cho dù là động một ý niệm thì họ cũng nhất định rất cẩn trọng. Nếu là ác niệm thì họ sẽ không để nó tiếp tục mà phải lập tức hóa giải, trừ bỏ, họ phải cẩn thận tới mức như vậy. Đây chính là công phu khắc kỷ của Thánh Hiền, khống chế ý niệm là Thánh nhân, thông qua việc khắc chế ý niệm của chính mình sẽ thành tựu đức hạnh của Thánh Hiền.

 “Tín” ý nói làm người nhất định phải giữ chữ tín, nếu người không giữ chữ Tín thì sẽ không có ai tin tưởng bạn, bạn không thể có chỗ đứng trong xã hội. Đặc biệt là các nước phương Tây hiện nay, họ coi trọng chữ Tín. Chữ Tín bị phá hoại thì cả đời này bạn xong rồi. Tín bao gồm cả lòng tin, lòng tin ý nói nhân sanh nhất định phải có chí hướng, có mục tiêu, lấy cái gì làm mục tiêu? Ở đây lấy việc làm Thánh làm Hiền làm mục tiêu. Nếu một người không có chí hướng cao xa như vậy thì cuộc đời của họ không có ý nghĩa gì cả, cho dù họ ăn no mặc ấm thì có khác gì cầm thú chứ? Cho nên lòng tin vô cùng quan trọng. Bạn xem cuộc thảo luận giữa Khổng Tử và các học trò. Có một hôm Tử Cống hỏi Khổng Tử, ông nói: “Một đất nước cần đầy đủ điều kiện gì thì mới có thể không bại?”.

Khổng Tử nói cần ba phương diện. Thứ nhất cần binh, binh trong từ binh khí, tức là quân đội, cảnh sát, chúng ta nói là bộ máy của quốc gia. Thứ hai là thực, tức là đồ ăn, lương thực để nhân dân có thể sinh tồn. Thứ ba là Tín, niềm tin của con người. Một quốc gia dân tộc không có lòng tin thì làm sao được? Tử Cống lại hỏi: “Trong ba điều này nhất định phải bỏ đi một điều thì bỏ điều nào trước?” Khổng Tử nói: “Bỏ binh trước”. Một quốc gia không có vũ khí quốc gia, không có quân đội, cảnh sát, nhưng nếu mọi người vẫn có ăn, cơm no áo ấm, dân tộc có lòng tin thì nó vẫn có thể đứng vững không bại. Tử Cống lại hỏi: “Nếu phải bỏ thêm một điều nữa thì là điều nào?” “Nếu bỏ đi một điều nữa thì đó là thực”. Nhân dân có thể không có vũ khí phòng vệ, có thể không có lương thực nhưng không thể không có lòng tin. Một dân tộc không có lòng tin thì nhất định phải diệt vong. Cho nên Khổng Tử mới nói: “Nhân vô tín bất lập”, tức là không có lòng tin thì không thể đứng vững được. Con người như vậy, dân tộc quốc gia cũng là như vậy, nên Tín rất quan trọng.

Tiếp theo là “Phiếm ái chúng, nhi thân nhân”. “Phiếm” tức là rộng khắp, ái tức là nhân ái, có tâm yêu thương đối với hết thảy chúng sanh. Đây là ý nghĩa của “Phiếm ái chúng”. Tâm yêu thương này được sanh ra từ đâu? Sanh ra từ Hiếu Đễ. Khổng Tử nói: “Bất ái kỳ thân nhi ái tha nhân giả, vị chi bội đức”. Ý nói nếu cha mẹ bạn mà bạn cũng không yêu thương thì làm sao có thể yêu thương người khác chứ? Bạn yêu thương người khác, biểu hiện ra dường như là bạn rất có ái tâm, kỳ thực đó không phải là lòng yêu thương chân thật. Vì sao? Cha mẹ cũng không thương yêu thì làm sao có thể yêu thương người khác được? Bạn biểu hiện ra là yêu thương người khác, đó là đóng kịch, bên trong nhất định có mưu đồ, không phải là tâm yêu thương chân thật. Cho nên Mạnh Tử nói: “Thân thân nhi nhân dân”, ý là trước tiên phải “thân thân” là phải yêu thương, hiếu kính với cha mẹ, sau đó mới nói đến “nhân dân”, mới có tâm nhân ái đối với dân chúng. Ở đây nó có thứ tự. Cho nên tâm yêu thương rộng khắp trong “Phiếm ái chúng” cũng là tâm hiếu của chúng ta được mở rộng ra. Mạnh Tử nói: “Hiếu thuận cha mẹ mình cũng như hiếu thuận cha mẹ người; yêu thương con cháu mình cũng như yêu thương con cháu của người[2].

Tiếp theo là “Thân nhân”, ý nói chúng ta phải thân cận những người nhân đức, các bậc Thánh nhân quân tử, học tập với họ, ở cùng họ thì phẩm hạnh, học vấn cũng có thể nâng cao. Điều thứ sáu này là điều mà người làm đệ tử như chúng ta, đệ tử của Khổng Tử, đệ tử nhà Phật nên tu học, chúng ta cũng nên dùng những đức hạnh này để dạy bảo con cháu mình.

Điều thứ sáu làm tốt rồi, có công phu thực hành rồi thì bạn có thể làm được “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”. “Tắc” nghĩa là lập tức, ý nói bạn làm được điều thứ sáu rồi, bạn còn dư sức thì phải lập tức học văn, cho nên học văn cũng rất quan trọng. Bạn hành có lực rồi thì không thể không học văn. Nếu bạn không học văn mà bạn muốn sự tu hành của mình được thăng tiến là điều tương đối khó khăn, thậm chí có thể đi sai đường. Căn cứ vào “Luận Ngữ Điểm Tinh Bổ Chú” của Ngẫu Ích Đại sư, Ngài có nói đến điều này, điều này không phải bạn làm được sáu điều phía trước rồi sau đó mới học văn, không phải ý như vậy, mà nên giải thích như thế nào? Thực hành và học văn cần làm đồng thời. Đương nhiên cần chú trọng thực hành, nhưng học văn cũng không được coi thường.

Học văn nghĩa là gì? Là học giáo huấn Thánh Hiền, dùng những lời giáo huấn trong Kinh điển để chỉ đạo hành vi của chúng ta. Bạn xem trong "Đệ Tử Quy" có nói “Nếu gắng làm, không học văn, theo ý mình, mù lẽ phải”. Nếu như bạn chỉ thực hành mà không học giáo dục Thánh Hiền, vậy sẽ trở thành tự cho mình là đúng, dùng kiến giải của mình để làm việc, học đến cuối cùng đâu là đúng, đâu là sai cũng không biết. Mù lẽ phải, hành vi đều trái ngược với chân lý. Vậy cần chú trọng cái gì? Thực hành và học văn cần làm đồng thời, cần hợp nhất, gọi là “tri hành hợp nhất”, giải hành đều quan trọng như nhau, như vậy thì tiến bộ mới nhanh, mới tương ưng. Phần cương lĩnh này trên căn bản xin giới thiệu sơ lược đến đây.

Tiếp theo chúng ta sẽ học tập kỹ càng từng điều trong bảy phương diện lớn này. Thứ nhất là “Nhập tắc hiếu”, ở đây căn cứ theo sự phân loại của lão Pháp sư Tịnh Không, có thể phân làm hai mươi bốn điều, hai mươi bốn sự việc. Nhìn thì biết chương thứ nhất là giảng về “Hiếu đạo”, “Hiếu đạo” là căn bản của đức hạnh, phía sau cũng nói đó là căn bản đức hạnh của Thánh nhân. Vì sao? Vì Phật Pháp nói vũ trụ vạn vật là một thể, đây là chân tướng sự thật, quan niệm nhất thể này chính là “Hiếu đạo”. Khi chúng ta chân thật nhập tri kiến Phật thì chúng ta sẽ nhìn hết thảy chúng sanh với mình là một thể. Chúng ta làm thế nào để nhập tri kiến Phật? Bắt tay từ đâu? Nhập, chúng ta có thể giải thích là bắt tay, bắt tay làm từ đâu? Bắt tay từ “Hiếu đạo”. Cho nên mọi sự giáo dục đức hạnh đều bắt nguồn từ “Hạnh hiếu”, giáo dục phải bắt tay từ đây, vì sao? Vì nếu bạn có quan niệm về nhất thể thì bạn mới có tâm yêu thương, đối đãi với hết thảy chúng sanh, thương yêu họ như yêu thương chính mình vậy.

Điểm khởi nguồn của tâm yêu thương là ở đâu? Lão Pháp sư của chúng ta nói: “Gốc của tâm yêu thương là ở phụ tử hữu thân”, tức là tình thân ái giữa cha mẹ và con cái chính là điểm khởi nguồn của tâm yêu thương. Điều này giúp chúng ta dễ dàng thể hội nhất về quan niệm cái gì là nhất thể. Chúng ta và cha mẹ là một thể, điều này thì ai cũng hiểu, chúng ta từ đâu sanh ra? Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, chúng ta do cha mẹ sanh ra, mỗi tế bào của chúng ta đều bắt nguồn từ tế bào của cha mẹ rồi dần dần trưởng thành, dần dần lớn lên, cho nên chúng ta và cha mẹ chính là một thể, điều này tương đối dễ dàng thể hội. Sau đó mới dần dần mở rộng quan niệm nhất thể này bao trùm khắp vũ trụ vạn vật. Đây chính là tâm lượng của Thánh nhân.

Lão Tử lại nói: “Đài cao chín tầng được xây lên từ đống đất nhỏ, lộ trình ngàn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”, cho nên muốn chứng được tri kiến của Thánh nhân, nhìn thấy vũ trụ vạn vật là nhất thể, đây là tri kiến của Thánh nhân, vậy phải bắt tay từ đâu? Phải dần dần làm, thực hành từ những việc nhỏ, từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Sau đó ngộ được đạo lý tâm tánh từ trong này. Vậy chúng ta xem những sự việc đó là gì?

Câu thứ nhất “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”. Câu này giải thích trực tiếp từ mặt chữ thì tức là làm một người con, cha mẹ gọi thì chúng phải lập tức trả lời ngay, đây là ý nghĩa trên mặt chữ. Vì sao phải “Trả lời ngay”? “Trả lời ngay” chính là biểu hiện sự cung kính. Nếu cha mẹ gọi mà chúng ta lề mề, chần chừ, chậm chạp thì dáng vẻ đó là không cung kính, mà hiếu nhất định phải thể hiện trên chữ kính. Hiếu kính! Bạn không có tâm cung kính cha mẹ thì làm sao có thể nói là có tâm hiếu? Cho nên “Trả lời ngay” là một sự hiếu kính. Từ nghĩa rộng mà nói, chúng ta nhìn thấy cha mẹ thì phải xem tất cả những người lớn tuổi giống như cha mẹ của chúng ta vậy. Cho nên chúng ta đối đãi với người già, đối đãi với trưởng bối cũng nên giống như đối đãi với cha mẹ mình.

Mạnh Tử nói “Hiếu kính cha mẹ người như hiếu kính cha mẹ mình”. Mở rộng cái tâm hiếu kính đối với người già trong nhà mình, từ cha mẹ của mình đến hết thảy cha mẹ, hết thảy người già trong thiên hạ. Cho nên những vị trưởng bối này gọi thì chúng ta cũng phải trả lời ngay, họ có yêu cầu thì chúng ta phải lập tức giúp đỡ. Chữ “gọi” này không nhất định chỉ ở trên mặt ngôn ngữ mới là “gọi”. Tiếng gọi trong tâm cũng phải “trả lời ngay”. Trong tâm của trưởng bối có yêu cầu, không đợi họ nói ra, chúng ta đã phải đi giúp đỡ, đi chăm sóc họ, đây chính là “trả lời ngay”.

Phật Pháp nói chúng sanh đều là cha mẹ của chúng ta, cho dù là muỗi trùng kiến, cho dù là những sanh linh không nhìn thấy, trong đời quá khứ rất có thể họ là cha mẹ chúng ta nên chúng ta cần đối xử với họ như đối đãi với cha mẹ vậy. Họ có nhu cầu chúng ta cũng phải giúp đỡ ngay. Giống như Quán Thế Âm Bồ Tát “Ngàn nơi cầu, ứng ngàn nơi”. Bạn xem Quán Thế Âm Bồ Tát thực hành chẳng phải là câu này trong "Đệ Tử Quy" đó sao? Bạn thành Đẳng Giác Bồ Tát rồi vẫn phải thực hành "Đệ Tử Quy". Từ đây có thể thấy nếu làm được viên mãn "Đệ Tử Quy" thì có thể thành Phật đạo.

Vì vậy từ cha mẹ có thể mở rộng ra, chúng ta ở thế gian thì từ cha mẹ có thể mở rộng ra là thầy giáo, thầy giáo gọi chúng ta cũng phải trả lời ngay? Cha mẹ, thầy giáo muốn gọi chúng ta cái gì? Họ hy vọng chúng ta làm gì? Họ hy vọng chúng ta tu đức lập nghiệp, làm một người chánh nhân quân tử. Bạn xem “Hiếu Kinh” nói: “Hiếu trước tiên là hiếu với cha mẹ, tiếp theo là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”. Nó có ba tầng, tầng thứ nhất là phụng sự song thân. Tầng thứ hai là trung thành với tổ quốc, thương yêu nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Tầng thứ ba là lập thân hành đạo, thành tựu phẩm hạnh của Thánh Hiền, đây mới là thực hành “Hiếu đạo”. Thầy giáo dạy chúng ta cũng là như vậy. Hy vọng của thầy cô chúng ta đã thực sự đi làm hay chưa? Nếu không làm thì chúng ta có lỗi với cha mẹ, có lỗi với thầy cô giáo, vậy thì câu thứ nhất của "Đệ Tử Quy" chưa làm tốt.

Từ góc độ này bạn suy nghĩ xem điều thứ nhất bao hàm nghĩa lý là vô lượng vô biên. Cho nên trong "Đệ Tử Quy" cũng thể hiện tinh thần của Hoa Nghiêm “một tức tất cả, tất cả là một”. Điều thứ nhất “Cha mẹ gọi, trả lời ngay” đã bao hàm toàn bộ "Đệ Tử Quy", cũng có thể nói bao hàm hết thảy đạo lý của Thánh Hiền. Điều thứ nhất chưa làm được, vậy thì những điều khác cũng chưa làm được. Những điều khác làm được rồi thì điều này mới có thể làm được viên mãn. Bạn xem đây chẳng phải là một tức là tất cả hay sao? Vậy thì từ những việc nhỏ cụ thể trong cuộc sống, cha mẹ gọi chúng ta phải lập tức chạy đến trước mặt cha mẹ mà trả lời, tu dưỡng tâm lễ kính của chính mình. Trong cuộc sống thường ngày, hễ có người muốn tôi giúp đỡ thì tôi lập tức tận sức giúp đỡ họ, đây chính là “trả lời ngay”. Bởi vì thời gian có hạn nên không thể giải thích tường tận, học giáo học văn quan trọng nhất là có ngộ tính. Mặc dù không thể giống như Bồ Tát nghe một hiểu cả ngàn thì cũng phải học một biết mười, như vậy chúng ta học Thánh giáo đến khi vận dụng mới có thể linh hoạt tự nhiên, không đến nỗi hiểu chết cứng, chỉ giới hạn ở cha mẹ. “Cha mẹ gọi, trả lời ngay” chỉ giới hạn ở cha mẹ gọi tôi, tôi mới trả lời ngay, vậy thì học thành kẻ ngốc rồi.

Chúng ta xem câu thứ hai: “Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Đây là nói cha mẹ dạy dỗ chúng ta, muốn chúng ta làm việc gì đó, sai bảo chúng ta, chúng ta phải lập tức làm ngay, không được lười nhác. Ý nghĩa câu này đương nhiên cũng có thể dùng nguyên lý vừa nói để mở rộng ra. Cha mẹ nhất định bao gồm hết thảy chúng sanh, họ hy vọng chúng ta làm thì chúng ta cũng không được lười nhác mà nhất định phải mau chóng đi làm, tâm tâm niệm niệm vì lợi ích hết thảy chúng sanh. Vậy bắt đầu làm từ đâu? Cũng phải bắt đầu làm với cha mẹ của mình ở nhà. Cha mẹ là người có ân đức lớn nhất đối với chúng ta, chúng ta báo ân thì nhất định phải từ cha mẹ.

Bạn xem có rất nhiều người, cha mẹ bảo họ làm một chút chuyện, họ từ chối kịch liệt, mượn rất nhiều lý do, ngay tới việc cha mẹ bảo họ ăn một bữa cơm họ cũng luôn từ chối, luôn lấy lý do là bận việc, lấy bận việc làm lý do để lười biếng. Đây là một hành vi bất hiếu. Bạn xem họ bận chuyện gì? Ở Quảng Châu vào Ngày Của Mẹ vào tháng Năm năm ngoái, nhật báo Quảng Châu đã cử một số phóng viên đi phỏng vấn một số người mẹ và cũng tiến hành phỏng vấn con cái của những người mẹ này.

Phóng viên hỏi những người con này rằng, đến Ngày Của Mẹ rồi, các vị làm thế nào để có thể hiếu kính mẹ? Để họ nói xem nên hiếu kính như thế nào, kết quả những người con này đều nói với họ rằng, hiện nay tôi muốn kiếm một khoản tiền lớn, kiếm thật nhiều tiền để sau này có thể mua cho cha mẹ một căn nhà hiện đại, mua ô tô để họ hưởng thụ cuộc sống. Sau đó phóng viên lại hỏi mẹ của họ: “Cô hy vọng con cái của cô hiếu thuận cô như thế nào?”. Những người mẹ này căn bản chẳng có ai nói “Tôi hy vọng con tôi mua nhà, mua ô tô cho tôi”, thật sự không có ai nói vậy mà rất nhiều bà mẹ đều nói: “Tôi hy vọng con tôi đừng quá bận, Ngày Của Mẹ cuối tuần này chúng có thể ăn với tôi bữa cơm”. Bạn nói xem, hy vọng của cha mẹ đối với chúng ta, chúng ta có thể hiểu được không? Chúng ta có thể “chớ làm biếng”, “trả lời ngay” hay không?

Cho nên thường lấy lý do bận việc để lười biếng, đây là không đặt cha mẹ ở vị trí đầu tiên. Đem việc kiếm tiền so sánh với cha mẹ thì đặt kiếm tiền ở vị trí đầu tiên cho nên họ mới bận. Mặc dù đây là những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng từ đó luôn xem chúng ta thật sự có tâm hiếu kính hay không? Không thể không cẩn thận.

Tiếp theo là “Cha mẹ dạy, phải kính nghe”, đây là điều thứ ba. Giải thích trên mặt chữ thì tức là lời dạy bảo của cha mẹ chúng ta phải cung kính lắng nghe. Cha mẹ đều là những người lớn hơn chúng ta mấy mươi năm, tục ngữ nói: “Họ ăn muối nhiều hơn chúng ta ăn cơm, họ đi trên cầu nhiều hơn chúng ta đi trên đường”. Lời giáo huấn của cha mẹ nhất định có ý nghĩa chỉ đạo rất quan trọng đối với nhân sanh của chúng ta. Cho nên chúng ta cần khiêm tốn, cung kính lắng nghe, như vậy có thể ít đi rất nhiều đường vòng.

Tục ngữ thường nói: “Không nghe lời người xưa thiệt thòi ngay trước mắt”. Tôi có một người thân, thời tuổi trẻ cô ấy yêu một người, cha mẹ cô ấy rất phản đối người bạn trai bạn trai này, nhìn người bạn trai này không thuận mắt nên phản đối hôn sự của họ, nhưng người thân này của tôi vẫn trái ý của cha mẹ mà kết hôn. Sau này thực sự gia đình xảy ra xung đột không hạnh phúc, vợ chồng thường cãi vã, cuối cùng là ly hôn. Cho nên bạn xem cha mẹ phản đối việc của bạn nhất định là có đạo lý của họ, cuộc đời của họ từng trải rộng như vậy, nhiều như vậy, chí ít là nhiều hơn chúng ta, chúng ta nghe ý kiến, kiến nghị của cha mẹ thì nhất định có lợi ích. Hiện nay, đều nói tự do yêu đương, đối với ý kiến của cha mẹ họ không cách gì nghe lọt tai, cho nên vì sao hiện nay tỉ lệ ly hôn của chúng ta lại cao như vậy, do không làm được điều này.

Bạn xem người xưa rất ít nghe nói ly hôn, vì sao? Vì người xưa đều là “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, là do cha mẹ quy định đối tượng. Chúng ta nói vậy thì không có tự do yêu đương, không có tự do yêu đương nhưng gia đình hạnh phúc, không nghe nói có ly hôn, điều này thật sự có lợi ích. Em họ của tôi đã nói một câu rất có trí huệ khiến tôi rất bội phục. Cô ấy nói nếu hôn nhân của một người không nhận được sự chúc phúc của cha mẹ thì chẳng có hạnh phúc gì đáng nói, quả thực là như vậy. Cho nên “Cha mẹ dạy” phải cung kính lắng nghe, dưỡng cái đức khiêm tốn của chính mình. Đối với những lời giáo huấn của cha mẹ, họ dạy đúng thì chúng ta càng phải nghe, họ dạy không đúng chúng ta cũng phải nghe, vẫn phải cung kính nghe, đây là dưỡng đức khiêm tốn của chính mình. Mở rộng ra, tất cả mọi người, cho dù họ có đưa ra cho chúng ta một số ý kiến, cho chúng ta một số kiến nghị, chúng ta nên cố gắng học tập, lắng nghe. Như vậy sẽ dưỡng đức hạnh khiêm hư của Thánh Hiền cho chính mình.

Bây giờ thời gian hết rồi, phần “Nhập tắc hiếu” của chúng ta mới bắt đầu. Bắt đầu từ ngày mai chúng ta tiếp tục học tập. Hôm nay tôi giảng có chỗ nào không thỏa đáng, xin các vị Đại đức phê bình chỉ giáo nhiều hơn. Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!



  
 

 

[1] Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã

[2] Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão; ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 251


Hôm nayHôm nay : 35943

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 985155

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43229299

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.