Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 36)
Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang ba. Mời xem Kinh văn:
“NHĨ THỜI PHẬT CÁO ÐỊA TẠNG BỒ TÁT: “NGÔ KIM Ư ÐAO LỢI THIÊN CUNG NHẤT THIẾT CHÚNG HỘI, THUYẾT DIÊM PHÙ ÐỀ BỐ THÍ, GIẢO LƯỢNG CÔNG ĐỨC KHINH TRỌNG, NHỮ ĐƯƠNG ĐẾ THÍNH, NGÔ VỊ NHỮ THUYẾT”
(Bấy giờ Ðức Phật bảo Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát rằng: “Nay ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Ðao Lợi này giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ông phải lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”).
Bồ Tát Địa Tạng ở phía trước thỉnh giáo lên Thế Tôn, chúng sanh lục đạo tu phước, tu phước khác nhau, nên quả báo cũng khác nhau, thỉnh giáo Thế Tôn giảng rõ chân tướng sự thật này cho chúng ta biết. Đoạn Kinh văn này là Thế Tôn kể lại. Chữ “Nhĩ thời” trong Kinh văn chính là lúc mà Bồ Tát Địa Tạng thỉnh giáo về sự việc này. Thế Tôn nói cho Bồ Tát Địa Tạng biết. Chữ “Ngô” là Thế Tôn tự xưng, hôm nay tại cung trời Đao Lợi, trong tất cả chúng hội. “Nhất thiết chúng hội” là bao gồm cả đại chúng của mười pháp giới. Pháp hội này hy hữu, thù thắng vô cùng. Chúng ta xem qua trong phẩm tựa, thấy tất cả chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát mười phương, đương nhiên trong đây cũng bao gồm cả chúng sanh trong chín pháp giới. Vì vậy pháp hội này trên thực tế là không có khác gì so với hải hội Hoa Nghiêm. Chỉ có điều pháp hội này là mượn cung trời Đao Lợi để mở hội, thực ra là đã đột phá không gian và thời gian rồi. Chúng ta nhìn thấy chúng sanh lục đạo trong tận hư không khắp pháp giới đến tham dự pháp hội này, cũng giống như tình hình trong "Kinh Hoa Nghiêm", đều là chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở lục đạo, ứng hóa ở ác đạo, dùng thân phận của những vị quỉ vương này xuất hiện ở trong đại hội, cho nên tất cả hội chúng là vô cùng hy hữu.
“Thuyết Diêm Phù Đề bố thí giảo lượng công đức khinh trọng” (Giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề). Đây chính là đáp ứng lời thỉnh cầu của Bồ Tát Địa Tạng. Nói “Diêm Phù Đề” chính là địa cầu của chúng ta, những người trên địa cầu này tu phước được quả báo nặng hay nhẹ. Hai câu sau cùng đặc biệt căn dặn Bồ Tát Địa Tạng, trên thực tế là căn dặn đại chúng chúng ta.
“Nhữ đương đế thính” (Ông phải lóng nghe). “Đế thính” là phải nghe cho thật kỹ.
“Ngô vị nhữ thuyết” (Ta sẽ vì ông mà nói).
Sau đó đây là Thế Tôn muốn thuyết pháp cho chúng ta. Mời xem Kinh văn:
“ÐỊA TẠNG BẠCH PHẬT NGÔN: “NGÃ NGHI THỊ SỰ, NGUYỆN NHẠO DỤC VĂN”.
(Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: “Chính con nghi ngờ về việc ấy. Con xin ưa muốn nghe”).
Nói thực ra Bồ Tát Địa Tạng hoàn toàn là đại biểu cho chúng ta. “Con rất nghi ngờ về việc này, nay con vô cùng hoan hỷ mong cầu Thế Tôn vì chúng con nói ra cái chân tướng sự thật này”. Ở trong chú giải Pháp sư Thanh Liên đã nói với chúng ta mấy câu, mấy câu này đều là tình trạng trong đời sống hiện thực. Chúng ta hãy đọc qua chú giải một lần: “Diêm Phù Đề nhân, năng hành bố thí giả, tất báo sanh thiên thượng.” (Người cõi Diêm Phù Đề có thể làm việc bố thí, thì quả báo nhất định sẽ sanh về cõi trời). Thật sự tu bố thí, bố thí đúng như lý như pháp. Bố thí là phước, tu phước. Phước báo lớn hơn sẽ sanh về cõi trời để hưởng phước. Cho nên Thế Tôn nói công đức bố thí nặng hay nhẹ ở cung trời, tại sao Ngài không nói ở nhân gian mà nói ở cõi trời? Đây là Ngài chỉ ra cái ý này cho chúng ta rồi. “Đương đế thính giả, phù bố thí chi nghiệp, nãi chúng hạnh chi nguyên” (Nay hãy lắng nghe, nghiệp của sự bố thí là nguồn gốc của các hạnh). Hai câu nói này là cương lĩnh, là nói chung. “Thả tài vật vô thường, ngũ gia tranh đoạt, phàm ngu lận tích, mĩ hữu xả tâm” (Tài vật vô thường, năm nhà tranh đoạt, kẻ phàm phu ngu muội keo kiệt, không có tâm xả). Đây là nói tình trạng thế gian. Xã hội hiện nay càng đúng như vậy hơn nữa, họ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đoạt lấy tài vật, đây là tạo tội nghiệp. “Toại sử thê nhi giác mục” (Khiến cho vợ con dòm chừng nhau). Đây là gia đình bất hòa. “Huynh đệ huých tường, quyến thuộc quái ly, thân bằng cách tuyệt” (Anh em tranh chấp bất hòa trong nhà, quyến thuộc trái nghịch xa lìa, bạn thân tuyệt giao). Đây đều là nói ra tình trạng xã hội hiện thực của chúng ta. Rốt cuộc là do nguyên nhân gì tạo nên vậy? Hiện nay tình trạng này quá bình thường, quá nhiều rồi. Ở trong nước, ở ngoài nước, hầu như sáu căn chúng ta tiếp xúc toàn là cảnh giới này. Chúng ta muốn hiểu rõ nghiệp nhân quả báo này, vậy thì phải nghe thật kỹ lời khai thị dưới đây của Thế Tôn. Trang thứ tư, mời xem Kinh văn:
“PHẬT CÁO ÐỊA TẠNG BỒ TÁT: “NAM DIÊM PHÙ ÐỀ HỮU CHƯ QUỐC VƯƠNG, TỂ PHỤ ĐẠI THẦN, ĐẠI TRƯỞNG GIẢ, ĐẠI SÁT LỢI, ĐẠI BÀ LA MÔN ĐẲNG”
(Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Ở cõi Nam Diêm Phù Ðề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Trưởng Giả, Ðại Sát Lợi, Ðại Bà La Môn v.v...)
Những người này đều là người có địa vị, có của cải, có thể bố thí ở trong xã hội.
“NHƯỢC NGỘ TỐI HẠ BẦN CÙNG, NÃI CHÍ LUNG TÀN ÂM Á, LUNG SI VÔ MỤC, NHƯ THỊ CHỦNG CHỦNG BẤT HOÀN CỤ GIẢ”
(Gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế)
Đây là đối tượng được bố thí. Trong Phật Pháp gọi đó là ruộng phước. Ruộng phước có ba loại, loại này là “ruộng bi”, là kẻ đáng thương nhất của thế gian. Những người này trong đời quá khứ không có tu phước, tuy được thân người, nhưng đời sống vô cùng khốn khổ. Những người có khả năng như chúng ta nhìn thấy những chúng sanh này cần phải dùng tâm đại từ bi, hết lòng hết sức để giúp đỡ họ. Nghiệp nhân quả báo, Pháp sư Thanh Liên ở trong chú giải cũng có đề cập sơ lược. Câu sau cùng Ngài trích dẫn lời trong Kinh nói: “Muốn biết nhân đời trước, xem thọ hưởng đời nay. Muốn biết quả đời sau, xem việc làm đời nay. Phước báo như bóng theo hình, nên không thể không biết”. Gieo phước được phước là như bóng theo hình, cần phải hiểu rõ đạo lý này. Dưới đây là Thế Tôn dạy chúng ta cần phải dùng tâm thái như thế nào để tu bố thí.
“THỊ ĐẠI QUỐC VƯƠNG ĐẲNG”
(Khi các Ðại Quốc Vương đó)
Chữ “đẳng” là chỉ hàng Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Trưởng Giả, Sát Lợi, Ðại Bà La Môn mà phía trước nói. Tức là nói người có địa vị, có của cải, có năng lực trong xã hội cần phải tu bố thí. Đức Phật thường nói trong Kinh, có phước báo phải nên hưởng chung với tất cả chúng sanh, thì phước báo này lớn rồi, loại phước báo này mãi mãi hưởng thụ không hết. Nếu như tham tiền của, keo kiệt, chỉ dành riêng cho mình hưởng thụ. Mặc dù phước báo của bạn rất lớn, đời này sau khi bạn thọ dụng hết rồi, thì đời sau sẽ không còn phước. Không có phước báo vậy họ sẽ đi về đâu? Điều này chúng ta biết rất rõ ràng, minh bạch. Nếu như không phải đi vào ác đạo, ở cõi người cũng là bần cùng, các căn không được đầy đủ, cũng sẽ đọa lạc vào giai cấp này. Cho nên chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì phải nên tu phước. Người giàu sang có thể tu phước, người nghèo cùng cũng có thể tu phước, vả lại tương lai được quả báo cũng là bình đẳng, chỉ cần hết lòng hết sức tu phước, đều là viên mãn.
“THỊ ĐẠI QUỐC VƯƠNG ĐẲNG, DỤC BỐ THÍ THỜI”
(Lúc các vị Quốc Vương đó v.v... muốn bố thí)
Lúc làm việc bố thí, nói thực ra, bố thí là mọi lúc, mọi nơi không được phép gián đoạn. Điều quan trọng là, bạn dùng tâm như thế nào để giúp đỡ người khác.
“NHƯỢC NĂNG CỤ ĐẠI TỪ BI, HẠ TÂM HÀM TIẾU, THÂN THỦ BIẾN BỐ THÍ, HOẶC SỬ NHÂN THÍ”.
(Nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó hoặc bảo người khác đem cho)
Cách bố thí này là thù thắng nhất, là tâm từ bi đích thực. “Đại từ bi” tà tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh, không có phân biệt, không có chấp trước, đối với tất cả chúng sanh có cùng một tâm yêu thương giống nhau, đây gọi là đại từ bi. “Hạ tâm” là khiêm tốn, tôn trọng người, không có một mảy may tập khí ngạo mạn, càng không được có thái độ ngạo mạn.
“HẠ TÂM HÀM TIẾU, THÂN THỦ BIẾN BỐ THÍ”
(Lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó)
Tự tay mình đi làm việc bố thí này. Nếu như lúc nhân duyên không đầy đủ, mình không có cách gì đích thân đến nơi đó để làm bố thí được, thế thì phải phái người khác đi, phái người đại diện. Phái người khác đi cũng phải chỉ cho họ biết tâm thái bố thí.
“NHUYỄN NGÔN ÚY DỤ”
(Lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi)
Dùng lời lẽ ôn hòa dịu dàng, an ủi những người tiếp nhận bố thí này, họ đều đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, nên phải có lời an ủi họ.
“THỊ QUỐC VƯƠNG ĐẲNG, SỞ HOẠCH PHƯỚC LỢI, NHƯ BỐ THÍ BÁCH HẰNG HÀ SA PHẬT CÔNG ĐỨC CHI LỢI”.
(Các vị Quốc Vương, Đại Thần đó v.v... đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy).
Mọi người đều biết, công đức bố thí cúng dường Phật là lớn nhất, người nào cũng đều thích cúng dường Phật, nhưng lại lơ là đối với những người nghèo cùng này. Bên dưới nói, ngày nay gọi là những người tàn tật trong xã hội, bố thí cho họ, phước báo mà bạn nhận được không có khác gì so với bố thí cúng dường chư Phật Như Lai. Chúng ta bố thí lên chư Phật Như Lai là vô cùng thành kính, cung kính, nếu dùng loại tâm thái này để bố thí cho những người nghèo hèn, thì phước báo đó là giống nhau. Tại sao vậy? Bởi vì tâm bạn là bình đẳng, nên phước bạn được là phước bình đẳng. Thật sự là cảnh chuyển theo tâm. Cho nên nếu quý vị thật sự muốn học Phật, nếu muốn trong đời này thật sự làm Phật, không phải làm không được. Lời Phật dạy chúng ta ở trong Kinh là chân thật, không phải giả. Nhất định phải xem tất cả chúng sanh như là cha mẹ trong quá khứ, và chư Phật vị lai của chính mình. Chúng sanh rõ ràng có người giàu sang, chúng ta biết họ đời trước có tu phước, là cha mẹ quá khứ của chúng ta. Trong chúng sanh có người nghèo cùng, chúng ta cũng hiểu rõ do trong đời quá khứ không có tu phước, họ cũng là cha mẹ của chúng ta trong quá khứ. Chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng giống nhau để hiếu thuận. Bố thí cúng dường là hiếu dưỡng cha mẹ, là phụng sự chư Phật. Cho nên đức Phật dạy chúng ta, tất cả chúng sanh có quan hệ gì với chúng ta? Là cha mẹ trong đời quá khứ, là chư Phật Như Lai vị lai. Nếu như chúng ta dùng tâm thái như vậy để nhìn tất cả mọi người, nhìn tất cả chúng sanh, thì thời gian thành Phật của bạn sẽ rút ngắn, rút ngắn với biên độ lớn. Nếu như bạn niệm Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì đời này chắc chắn vãng sanh. Hay nói cách khác, tại sao bạn niệm Phật mà không thể vãng sanh làm Phật? Là do bạn xem thường chúng sanh, bản thân có thái độ cống cao ngã mạn, nên bỏ lỡ cơ hội vãng sanh bất thối thành Phật ngay trong đời này của mình. Không phải chư Phật Bồ Tát không giúp đỡ bạn, mà do bạn bỏ lỡ cơ hội ngay trước mắt, đây là điểm đáng để chúng ta soi lại, đáng để chúng ta kiểm điểm. Nếu như trong những việc này, thật sự giác ngộ, hiểu rõ rồi, thì con đường Bồ Tát đạo của chúng ta sẽ thật sự thuận buồm xuôi gió, làm gì có chướng ngại được? Bất kỳ một người nào, chỉ cần có đủ thái độ như thế này, không phải nói xem tất cả chúng sanh là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai của mình. “Xem là” như vậy thì tâm địa của bạn vẫn chưa thanh tịnh. Hay nói cách khác, bạn thử suy nghĩ thật kỹ xem, bạn vẫn còn một phần tâm ngạo mạn chưa có đoạn hết. Nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, họ thật sự là cha mẹ quá khứ, thật sự là chư Phật vị lai, chứ không phải xem là. Lời Phật nói đâu có sai lầm, chúng ta chưa có nhìn thấy, Phật nhìn thấy chân tướng sự thật. Chúng ta trong đời quá khứ, quá khứ còn có quá khứ nữa, quá khứ vô thỉ. Vô lượng vô biên kiếp đến nay có quan hệ thân thuộc với chúng sanh này. Tại sao quan hệ thân thuộc không được tốt đẹp? Phần lớn là do keo kiệt, tạo ra biết bao nhiêu là tội nghiệp. Trong tâm nhìn thấy số tiền của này liền khởi tham, sân, si, mạn, tạo tác rất nhiều ác nghiệp, nên phải nhận những quả báo trước mắt này. Ngày nay chúng ta có may mắn gặp được Phật Pháp, gặp được Đại Thừa, đức Phật đem những chân tướng sự thật này nói rõ ràng, sáng tỏ cho chúng ta biết, chúng ta giác ngộ rồi. Sau khi giác ngộ, trong tâm chúng ta sinh ra sự thay đổi rất lớn. Hôm nay chúng ta đề xướng xây dựng thôn Di Đà, hoan nghênh đồng tu đến nơi này để cộng tu. Tất cả nhân viên phục vụ trong thôn Di Đà từ trên xuống dưới xem những vị đồng tu này như là cha mẹ, như là tôn trưởng, như là chư Phật Như Lai. Chúng ta dùng tâm chân thành hiếu thuận để cúng dường đại chúng. Phước báo đúng như trong này nói: “Như bố thí bách Hằng hà sa Phật công đức chi lợi” (Đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy). Cơ duyên hiếm có, hy hữu khó gặp. Trong đời này chúng ta đã có thể gặp mặt nhau ở mảnh đất Singapore này là may mắn biết bao! Càng nghĩ càng thấy sự việc này hiếm có, càng nghĩ càng thấy không thể nghĩ bàn. Thật sự sáng tỏ, thật sự giác ngộ thì tự nhiên sẽ toàn tâm toàn lực phụng hiến cho sự nghiệp lớn này. Sự nghiệp lớn này chính là cúng dường cha mẹ, cúng dường chư Phật.
Mời xem Kinh văn dưới đây:
“HÀ DĨ CỐ”
(Tại sao vậy?)
Thế Tôn giải thích đạo lý này cho chúng ta.
“DUYÊN THỊ QUỐC VƯƠNG ĐẲNG, Ư THỊ TỐI BẦN TIỆN BỐI, CẬP BẤT HOÀN CỤ GIẢ PHÁT ĐẠI TỪ TÂM”
(Chính bởi vị Quốc Vương đó v.v... phát tâm đại từ bi đối với kẻ rất mực nghèo cùng và với những người tàn tật kia)
Đây là điều kiện quan trọng nhất. Bởi vì người tu bố thí, tâm họ phát là tâm đại từ bi. Tâm đại từ bi giống như tâm Phật. Nhà Phật nói từ bi nói sơ lược có bốn loại. Người thế gian chỉ có “Ái duyên từ bi”. Họ yêu mến bạn mới từ bi với bạn, họ không yêu mến bạn thì sẽ không có tâm từ bi với bạn. Từ bi là quan tâm, yêu thương bảo vệ, toàn tâm toàn lực giúp đỡ bạn. Họ không yêu mến bạn thì không có chuyện này. Người có trí tuệ, có phước đức lớn trong thế gian, họ có “Chúng sanh duyên từ bi”. Họ biết yêu chính mình và yêu người trong gia đình, yêu người trong gia đình nên họ cũng yêu quốc gia, yêu dân tộc, thậm chí là yêu thương tất cả chúng sanh trên thế giới, tâm lượng của người này là lớn rồi. Người có tâm lượng lớn, phần lớn đều là những nhân vật thuộc về giai cấp lãnh đạo ở trong xã hội, họ có tâm yêu thương rộng lớn, phạm vi bố thí cúng dường phục vụ của họ rất rộng.
Đến Bồ Tát, Bồ Tát giác ngộ rồi, tâm từ bi của Bồ Tát được gọi là “Pháp duyên từ bi”. Giống như chúng tôi vừa mới nói, chúng ta xem tất cả chúng sanh là cha mẹ quá khứ và chư Phật vị lai của mình, bạn tu hiếu kính, tu cúng dường như vậy là thuộc về pháp duyên từ bi. Pháp duyên vẫn là có điều kiện.
Tâm đại từ bi trên quả địa Như Lai là không có điều kiện, nhất định không có phân biệt, không có chấp trước, hoàn toàn là rất tự nhiên. Trong Phật Pháp gọi là “Pháp nhĩ như thị”, đây mới gọi là đại từ bi. Phước báo đó là vô lượng vô biên, tuyệt đối không phải chúng sanh duyên, pháp duyên có thể sánh nổi. Tâm người này phát ra là tâm đại từ bi, là giống như đức Phật vậy. Ngày nay chúng ta muốn học Phật, muốn tu phước báo lớn, bạn phải hiểu được đạo lý này, bạn phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta có thể làm được. Người có tiền, có của cải bố thí, họ bố thí được nhiều. Chúng ta không có của cải, không có năng lực, mỗi tháng ta chỉ kiếm được hai nghìn đồng, ta có thể đem hai nghìn này thảy đều bố thí hết, thì công đức của ta là viên mãn. Người ta mỗi tháng kiếm được mấy trăm nghìn, mấy triệu đồng, họ bố thí mấy chục nghìn, nên công đức của họ không viên mãn. Tại sao vậy? Là chỉ chiếm một phần nhỏ trong khả năng của họ. Phước báo của tôi tuy nhỏ, nhưng tôi đem toàn bộ ra bố thí, vậy tỉ lệ bố thí cúng dường này của tôi là một trăm phần trăm, tâm là một trăm phần trăm, sự cũng là một trăm phần trăm, nên được quả báo là một trăm phần trăm. Phật Pháp như vậy mới gọi là pháp bình đẳng, tuyệt đối không phải người có thế lực, có của cải mới có thể tu bố thí, còn người nghèo cùng thì không thể tu bố thí. Nếu như vậy thì người nghèo cùng chẳng phải đời đời kiếp kiếp mãi nghèo cùng, giàu sang chẳng phải đời đời kiếp kiếp mãi giàu sang sao? Đâu có loại đạo lý này? Vì thế chúng ta thật sự sáng tỏ lời đức Phật dạy trong Kinh, thường thường người nghèo hèn thì đời sau sẽ được giàu sang, còn người giàu sang trong đời này đến đời sau thì sự giàu sang của họ sẽ giảm bớt, sẽ xuống thấp. Tại sao vậy? Lúc hưởng thụ giàu sang thì rất khó làm việc bố thí viên mãn, đạo lý là ở chỗ này, đây mới gọi là đạo trời công bằng. Người nghèo hèn cũng có thể tu phước báo lớn. Ở trong Kinh đức Phật cũng đã từng nêu ví dụ cho chúng ta thấy, dường như chỗ này Ngài không có nêu ra câu chuyện này, nhưng có nói qua trong Kinh Tiểu thừa. Có một người ăn mày, đây là hạng nghèo hèn đến cực điểm. Người ta cho bà một xu, là rất ít. Người ăn mày này đúng lúc gặp được đức Phật đi trì bát, nghĩ đến thân thế của mình vô cùng thê thảm, trong đời quá khứ không có tu phước, nhìn thấy đức Phật đang đi bát, bèn đem một xu này cúng dường lên đức Phật một cách rất cung kính. Người ăn mày này là một người nữ. Bảy ngày sau thì bà qua đời. Bởi do gieo cái phước này, nên bà đầu thai vào gia đình trưởng giả giàu có, là đi hưởng phước rồi. Sau khi trưởng thành bà đã làm hoàng hậu. Bố thí cúng dường một xu lên đức Phật, được phước báo lớn như vậy. Đây là điều mà người bình thường rất khó tin nổi. Tại sao được phước báo lớn như vậy? Tâm bà phát là tâm đại từ bi, tâm chân thành cung kính. Phước là được sinh ra từ chỗ này, chứ không phải ở trên một xu. Một xu thì có đáng gì? Ở trên tâm của bà. Vua thì có nhiều tiền của rồi, bố thí cho nhân dân, nuôi dưỡng nhân dân, giáo dục nhân dân, nếu như không phải dùng tâm đại từ bi, khiêm tốn, hạ mình, thì phước báo mà họ tu sẽ không được hoàn toàn. Đời này làm vua, đời sau sẽ làm đại thần, đời sau nữa chức quan sẽ ngày càng nhỏ dần, càng ngày càng đi xuống. Tuy bố thí về mặt tiền của là nhiều, nhưng tâm không thanh tịnh, tâm không đủ từ bi. Cho nên từ đại từ bi hạ xuống đến pháp duyên từ bi, chúng sanh duyên từ bi, ái duyên từ bi, đó chính là mỗi đời một tệ dần. Đức Phật trong Kinh luận đem đạo lý này nói với chúng ta rất nhiều, nói rất tỉ mỉ, chúng ta phải hiểu cho thật kỹ. Phải nhớ kỹ, mọi lúc, mọi nơi, đối nhân xử thế, luôn nhớ kỹ lời Phật dạy chúng ta là chân thật. Cho nên phải dùng tâm khiêm tốn, cung kính đối xử tất cả mọi người, toàn tâm toàn lực giúp đỡ mọi người. Giúp đỡ mọi người là giúp đỡ cha mẹ của mình, là giúp đỡ chư Phật Như Lai. Bạn nói tâm này của chúng ta vui sướng biết bao, hạnh phúc biết bao! Quả báo được phước lợi lớn hay nhỏ hoàn toàn ở cách dụng tâm của bạn, chứ không phải ở vật bạn bố thí có nhiều hay ít, mà là ở tâm của bạn. Dưới đây, đây là nói quả báo.
“THỊ CỐ PHƯỚC LỢI”
(Cho nên phước lành được hưởng)
Phước mà họ được, lợi ích mà họ có được.
“HỮU NHƯ THỬ BÁO”
(Quả báo như thế này)
Đây chính là ví dụ ở phía trước, quả báo của họ bằng với quả báo bố thí lên một trăm hằng hà sa số chư Phật Như Lai. Từ đó cho thấy, nếu chúng ta muốn bố thí cho một trăm hằng hà sa chư Phật Như Lai, đâu có cơ hội này! Bạn làm sao có thể tu được cái phước này? Nhưng có loại phước báo ngang bằng. Bạn có thể dùng tâm đại từ bi, đây chính là lời đức Phật nói, thật sự là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai. Thấy người nghèo cùng, thấp hèn, bạn dùng loại tâm chân thành, cung kính này để bố thí cúng dường, bạn sẽ được phước ngang bằng với bố thí chư Phật Như Lai nhiều như số cát sông Hằng vậy. Sông Hằng còn dài hơn sông Trường Giang của Trung Quốc. Bạn thử nghĩ xem cát ở nơi đó nhiều hay ít? Đức Phật nói đến số lượng thông thường đều dùng số cát sông Hằng để làm ví dụ. Cát của một con sông Hằng đã ngoài sức tưởng tượng rồi, số cát của một trăm con sông Hằng thì vô phương tính được. Phần trước đức Phật ở trong câu chuyện đã kể cho chúng ta nghe, một người nữ ăn mày nghèo khó, chỉ dùng một xu bằng tâm chân thành cung kính cúng dường đức Phật, đời sau được quả báo làm hoàng hậu. Bạn có thể cúng dường bố thí một trăm hằng hà sa số chư Phật Như Lai, vậy quả báo này của bạn, phước báo của bạn bao lớn? Là không cách gì nói được. Đức Phật nói những lời này, nói thực ra tuyệt đối không phải là phương tiện thiện xảo nhằm bảo chúng ta đi chăm sóc người nghèo hèn, chăm sóc người già nghèo khổ, không phải cái ý này. Lời đức Phật nói là lời chân thật, một chút cũng không giả, sự thật quả đúng là như vậy. Phàm phu chúng ta đã mê mất tự tánh, không nhìn thấy chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Cho nên ở xung quanh chúng ta chỗ nào cũng là ruộng phước, mà chúng ta không biết gieo phước, trái lại đi tạo tội nghiệp. Đây chính là trong Kinh Phật thường gọi là “kẻ đáng thương xót”. Ruộng phước là ở xung quanh bạn, mà bạn không biết gieo phước, bạn vẫn đang tạo nghiệp. Bạn nói đáng thương biết bao! Sao gọi là hạnh Bồ Tát? Người biết tu phước đều là Bồ Tát, người biết bố thí cúng dường chính là Bồ Tát. Chúng ta sống là bố thí, cúng dường, chúng ta làm việc cũng là bố thí cúng dường. Bất kể bạn làm trong ngành nghề nào, ngành nghề này của tôi, công việc này của tôi là phục vụ cho đại chúng xã hội, là phục vụ cho tất cả chúng sanh, chỉ cần bạn có tâm thái như vậy là bố thí cúng dường. Ngành nghề này của tôi là để cho tôi kiếm tiền, là lo nghĩ cho gia đình và con cháu của tôi, là bạn bỏ lỡ ruộng phước ngay trước mặt này. Làm cùng một sự việc giống nhau, chỉ khác nhau trong một niệm; một niệm tự tư chính là phàm phu liền tạo nghiệp, một niệm vì chúng sanh, vì xã hội đó chính là Bồ Tát, đó chính là Phật, chỉ trong khoảng một niệm. Ý nghĩ này chuyển trở lại liền siêu phàm nhập Thánh, phước lợi mà bạn được là vô lượng vô biên, giống như trên quả địa của chư Phật Như Lai vậy. Chúng ta nhìn thấy Phật Tỳ Lô Giá Na ở trong "Kinh Hoa Nghiêm", nhìn thấy Phật A Di Đà ở trong "Kinh Vô Lượng Thọ", phước lợi mà các Ngài đạt được, chúng ta cũng có thể đạt được, các Ngài tu được, nếu như chúng ta biết những chân tướng sự thật này thì chúng ta cũng có thể tu được, phước lợi cũng ngang bằng chư Phật Như Lai.
“BÁCH THIÊN SANH TRUNG THƯỜNG ĐẮC THẤT BẢO CỤ TÚC, HÀ HUỐNG Y THỰC THỌ DỤNG”
(Trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ để thọ dùng như y phục đồ uống ăn v.v…)
Phước báo này không phải một đời một kiếp, mà đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn hưởng không hết. Chỉ xem cái ý nghĩ đó của bạn có thể chuyển trở lại được không? Khi con người có phước báo thì trí tuệ cũng mở mang. Đúng như câu nói “Phước đến thì tâm linh”, phước báo hiện tiền, thì tâm tư cũng linh hoạt nhạy bén, trí tuệ liền hiện ra ngay. Đức Phật dạy chúng ta phước tuệ song tu. Nói thực ra, tuệ chính là giác ngộ, chính là sáng suốt. Phước là làm việc. Cái này một khi sáng suốt rồi, hiểu rõ chân tướng sự thật, thì tuệ liền mở ra ngay. Biết được vì tất cả chúng sanh là đúng, là phải nên làm, vì mình là sai rồi, là không nên làm, trí tuệ của bạn mở rồi. Từ nay về sau khởi tâm động niệm, niệm niệm vì chúng sanh, vì xã hội, vì nhân dân, không còn có một mảy may tâm tư lợi nữa, vậy là trí tuệ của bạn mở rồi. Bạn ở trong đời sống thường ngày, từ sáng đến tối, từ mồng một đến ba mươi, không có cái gì là không phải phụng hiến, không có cái gì là không phải bố thí cúng dường, vậy phước báo này của bạn bao lớn? Chú giải của Pháp sư Thanh Liên quý vị hãy tự mình xem, Ngài chú giải rất hay, có trích dẫn căn cứ Kinh điển.
Mời xem Kinh văn dưới đây:
“PHỤC THỨ ĐỊA TẠNG! NHƯỢC VỊ LAI THẾ HỮU CHƯ QUỐC VƯƠNG, CHÍ BÀ LA MÔN ĐẲNG”
(Lại vầy nữa, này Địa Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v...)
Đây cũng là nói về người có thể bố thí ở phía trước.
“NGỘ PHẬT THÁP TỰ, HOẶC PHẬT HÌNH TƯỢNG NÃI CHÍ BỒ TÁT, THANH VĂN, BÍCH CHI PHẬT TƯỢNG, CUNG TỰ DOANH BIỆN, CÚNG DƯỜNG BỐ THÍ”
(Gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến hình tượng Bồ Tát, Thanh Văn hay Bích Chi Phật, đích thân tự sửa sang, cúng dường bố thí).
Phía trước đây là nói bố thí cho người nghèo khó, đây là bi điền. Đoạn thứ hai nói bố thí chùa tháp, Thánh tượng, đây là tịnh điền. Trước tiên nói về người có thể bố thí, nêu ra ví dụ, nói thực ra làm những việc này, tu những phước này, thì người nào cũng có phần cả, chỉ cần có tâm chân thành cung kính để tu bố thí thì quả báo cũng như lời trong Kinh nói. Chỗ này chúng ta nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật. Ngày nay chúng ta xây tháp, chúng ta xây chùa, đúc tạo hình tượng Phật, tương lai được quả báo có giống như lời trong Kinh nói hay không? Đương nhiên là giống nhau, nhưng phải đầy đủ duyên bố thí thì mới giống nhau được. Nếu như duyên không đầy đủ, thì phước báo mà trong Kinh nói bạn không đạt được. Phước báo phía trước nói lớn như vậy, là dùng tâm từ bi của Phật để tu, sẽ dễ dàng đạt được. Ngày nay bố thí chùa tháp Phật, bố thí đạo tràng Phật, bạn trước tiên phải đi quan sát, nơi này có phải là nơi có đạo thật hay không? Xây dựng đạo tràng, tôi đã từng nói qua với quý vị đồng tu rồi. Từ xưa đến nay không phải nói xây đạo tràng xong, rồi đi khắp nơi tìm người tu hành, không phải vậy, đó là phan duyên, không thể được phước. Cần phải tu như thế nào? Nhìn thấy có người tu đạo chân chánh, bạn mới xây đạo tràng cho họ, thì phước báo này mới lớn. Dùng năng lực của bản thân bạn để giúp đỡ họ, để thành tựu cho họ, đây là phước báo chân thật. Ngày nay chúng ta thật sự nhìn thấy có một số đạo tràng hoàn toàn không đúng như pháp. Đạo tràng không đúng như pháp hầu như khắp nơi đều có. Đạo tràng xây rất nguy nga tráng lệ, nhưng bên trong không phải làm việc đạo, là để mấy người ở trong đó hưởng phước, sống ở trong đó tạo nghiệp. Vậy chúng ta bố thí cúng dường nơi đây là giúp họ tạo nghiệp. Bạn còn mong có phước sao? Họ tạo nghiệp là do bạn giúp họ tạo nghiệp, khi họ đọa lạc thì bạn cũng phải bị liên lụy theo. Đến lúc đó bạn lại phỉ báng Tam Bảo, bảo trong "Kinh Địa Tạng" rõ ràng nói bố thí chùa tháp, đúc tạo hình tượng được phước, tôi ngày nay bị ác báo, vậy lời đức Phật nói là không linh. Thế là bạn phỉ báng Phật, Pháp, Tăng, làm nặng thêm tội nghiệp, đọa địa ngục A Tỳ. Đức Phật không có nói sai, do bạn hiểu sai ý nghĩa. Đây là điều chúng ta cần phải làm cho rõ ràng. Phía trước nói bố thí cho người nghèo cùng thì không có vấn đề gì, chỗ này nói bố thí chùa tháp thì có vấn đề, là phải có người tu đạo chân chánh. Bố thí cúng dường phải như thế nào? Phải đúng như lý như pháp. Nơi này có vài ba người tu hành, che cho họ cái am tranh là được rồi, do người ít, không cần phải có đạo tràng lớn như vậy. Hay nói cách khác, đạo tràng lớn hay nhỏ, hình thức phải thích hợp dùng cho việc hành đạo hiện tại của họ, vậy là như pháp, như lý như pháp. Nếu như làm quá mức, nơi này của họ chỉ có mấy người tu hành, mà xây đạo tràng thật lớn, vậy thì có tội lỗi. Tại sao vậy? Đạo tràng lớn như vậy, nếu như trong đó chỉ có năm sáu người ở, thời gian mỗi ngày quét dọn môi trường còn không đủ, chẳng phải bạn làm cho người ta mệt chết rồi sao? Họ còn thời gian đâu mà tu hành nữa? Chúng tôi từng thấy đạo tràng rất lớn, đạo tràng trang nghiêm, hỏi họ trong đó có bao nhiêu người ở? Họ trả lời khoảng năm sáu người. Dọn dẹp môi trường phải làm thế nào? Rất nhiều gian nhà phải đóng cửa lại, không có thời gian quét dọn. Một năm chỉ có mở cửa mấy lần khi tổ chức pháp hội, tìm một vài tín đồ giúp đỡ dọn dẹp, bình thường thì chẳng dùng tới, vậy là rất không đúng như pháp. Cho nên ở thời đại này, giai đoạn này hiện nay, tu phước ở trong cửa Phật, sự việc nào là quan trọng nhất vậy? Bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Trước đây có thể bố thí chùa tháp, cúng dường tượng Phật sẽ có phước báo lớn, là bởi vì đại chúng xã hội đều nhận thức, đều biết rõ, đều có tâm cung kính đối với Phật Pháp, phước báo mới lớn. Tu phước ở trong cửa Phật, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng, vào thời xưa Phật Pháp có thể tuyên dương, có thể mở rộng phổ biến, vì đại chúng xã hội đều có nhận thức, đều biết tôn kính đối với Phật Pháp, sự tôn kính này hơn hẳn đối với tất cả người trong thế gian. Nói thực ra các tín đồ đối với Phật, Bồ Tát tôn kính còn hơn cả cha mẹ, hơn cả những bậc tôn trưởng. Nguyên nhân là bởi vì thời cổ đại nhà vua thường đề xướng Phật Pháp, và họ chăm chỉ học tập. Phật, Bồ Tát là thầy của vua. Nhân dân đối với vua tôn kính, thì thầy của vua đương nhiên sẽ được tôn kính hơn nữa. Có được chút tâm kính này, vậy là được phước. Chuyển đổi tâm tôn kính Phật Bồ Tát thành ra tôn kính đại chúng xã hội, tôn kính tất cả chúng sanh, đây chính là học tập theo Phật, Bồ Tát, cho nên tu phước như vậy thì phước báo mới lớn. Hiện nay Phật Pháp suy yếu rồi, đặc biệt là hai trăm năm trở lại đây, nền giáo dục Phật Đà đã rơi xuống thành tôn giáo. Cách nhìn của đại chúng xã hội về Phật Pháp là mê tín, nhìn thấy chùa miếu là mê cung, nhìn thấy hình tượng Phật, Bồ Tát là tượng gỗ. Hay nói cách khác, hoàn toàn không có tâm cung kính. Không những không có tâm cung kính, mà còn giúp họ tạo nghiệp. Từ đó cho thấy, ngày nay xây dựng chùa tháp, tạo tượng Phật, thì đại chúng xã hội cho rằng bạn đề xướng mê tín, đâu thể tu phước được? Đại chúng xã hội cần phải đều hiểu rõ Phật Pháp là gì, đều có thể hiểu được Phật Pháp là có lợi ích đối với chúng ta, sau đó bạn bố thí chùa tháp, đắp tạo tượng Phật, vậy thì có công đức rồi. Sự việc này bạn có được phước hay không, phải xem sự phản ứng của đại chúng xã hội, phải xem sự nhận thức của đại chúng xã hội. Mọi người thử nghĩ xem có đạo lý hay không? Cho nên nếu thật sự muốn tu phước, thì cần phải đánh thức đại chúng xã hội.
Xây dựng tháp, ở trong tháp là nơi cất giữ xá-lợi Phật, đây là kỷ niệm. Niệm niệm không quên ơn đức của Phật, Tổ, dạy người ta biết ơn, báo ơn, là có ý nghĩa này. Xây chùa. Chùa là gì? Phần trước đã từng nói qua với quý vị rồi. Chùa là cơ quan làm việc, nơi chốn làm việc. Làm việc gì vậy? Làm việc dạy học của Phật, giáo dục Phật Đà, là địa điểm này. Nếu như nơi này không phải làm công việc giáo dục Phật Đà, không phải làm công việc dạy học của Phật, thì không thể gọi là chùa Phật được. Đắp tạo hình tượng Phật, Bồ Tát có hai ý nghĩa: một là báo ơn nguồn cội, hai là thấy người hiền mong sao cho bằng. Nhìn thấy tượng Bồ Tát, nhìn thấy Quan Âm Bồ Tát lập tức liền nghĩ đến, ta phải đại từ đại bi đối với tất cả chúng sanh, chúng ta phải học theo Quan Âm, phải noi theo Quan Âm. Hễ nhìn thấy hình tượng Quan Âm Bồ Tát, bạn có sinh lên ý nghĩ này hay không? Nếu sinh lên được ý nghĩ này, thì bạn tạo tượng phước báo sẽ lớn. Không thể sinh lên ý nghĩ này, thì phước báo tạo tượng của bạn là nhỏ bé. Nhìn thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng lập tức phải nghĩ đến hiếu thảo cha mẹ, phụng sự thầy tổ, phải liền nghĩ đến lời giáo huấn trong bộ "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện" này, dùng hình tượng này nhắc nhở chúng ta. Nếu như không hiểu được ý nghĩa này, khi nhìn thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, bèn đi đến nơi đó thắp hương, bố thí cúng dường, cầu mong Phật Bồ Tát phù hộ thăng quan phát tài, là sai rồi! Là mê tín. Hoàn toàn sai rồi, làm sao bạn có thể được phước nổi? Từ đó cho thấy, tu phước trong cửa Phật, nhất định phải thật sự hiểu rõ, thật sự sáng tỏ về Phật Pháp. Ai vì đại chúng xã hội đi làm công việc giải thích đây? Điều này thì phải cần những vị đại đức tại gia, xuất gia thật sự hiểu rõ, đi giảng Kinh thuyết pháp ở trong xã hội, đem những đạo lý và chân tướng sự thật này giảng rõ ràng, giảng minh bạch, khiến cho đại chúng xã hội không đến nỗi hiểu sai, không đến nỗi hiểu lầm, sau đó bạn bố thí cúng dường mới có phước. Đây là việc ngay hiện tiền chúng ta cần phải nói rõ ràng, nói minh bạch, không được phép hiểu lầm. Trong Phật Pháp tuyệt đối không có mê tín. Nhưng hiện nay hình tượng này thật sự là đã tràn đầy mê tín. Từ đó cho thấy, người thật sự giác ngộ, sáng suốt, thì cách nghĩ, cách nhìn của họ không giống như người bình thường. Hành vi việc làm của họ chắc chắn là có lợi ích chân thật đối với xã hội, đối với nhân dân, đối với đại chúng. Phật Pháp là giáo dục, Phật Pháp là dạy học, dạy người ta đoạn ác tu thiện, dạy người ta phá mê khai ngộ. Kết quả dạy học của Phật Pháp là giúp người lìa khổ được vui, đây là nền giáo dục tốt nhất của thế gian. Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, nó kết hợp với truyền thống vốn có của Trung Quốc thành một thể, biến thành văn hóa của Trung Quốc. Chúng ta ngày nay nói Phật Pháp Đại Thừa đã là không phải của Ấn Độ nữa rồi, nó đã dung hòa thành một thể với truyền thống văn hóa Trung Quốc, đã không thể tách rời, thật sự là như nước hòa chung với sữa rồi. Ngày nay trên toàn thế giới nói đến Phật Pháp là nói Phật Pháp của Trung Quốc, chứ không phải Phật Pháp của Ấn Độ. Phật Pháp Ấn Độ đã biến mất từ lâu rồi. Phật Pháp hoàn toàn di cư đến Trung Quốc, con cháu của Phật Thích Ca Mâu Ni, tộc này của Ngài, thời gian khoảng thế kỷ thứ mười bốn trước Công Nguyên, tín đồ Hồi Giáo chinh phục Ấn Độ, họ phải lánh nạn di dân đến Tây Tạng, về sau định cư tại Hậu Tạng, không còn trở về nữa. Thế kỷ 11 họ di dân đến Trung Quốc, đã ở Trung Quốc đến một nghìn năm, một nghìn năm thì đương nhiên coixem như là người Trung Quốc rồi, sao có thể xem là người Ấn Độ được nữa? Chúng ta hiện nay ở ngoại quốc, ở được một hai chục năm thì người ngoại quốc thừa nhận là công dân của họ rồi. Tộc Thích Ca đến Trung Quốc ở đã một nghìn năm rồi, chúng ta vẫn không xem họ là người Trung Quốc hay sao? Cho nên nói toàn bộ di dân đến Trung Quốc. Ngày nay nói đến Phật Pháp, thì phải nói đến Phật Pháp của Trung Quốc, Đại Thừa của Trung Quốc. Hiện nay Phật Pháp Ấn Độ dần dần mới bắt đầu phục hưng, từ Trung Quốc truyền trở lại. Người Ấn Độ tương lai học Phật Pháp là học Phật Pháp của Trung Quốc, chúng ta phải hiểu rõ sự thật này. Phật Pháp Đại Thừa có thể cứu vãn thế giới này, có thể giúp toàn nhân loại trong thế kỷ 21 đạt được hòa bình hạnh phúc, phồn vinh thịnh vượng. Cho nên chúng ta cần mở rộng tâm lượng, quan tâm đến mình thì cũng phải quan tâm người khác, ta người không hai, mới có thể đạt đến hòa bình, ổn định vĩnh cửu cho toàn thế giới. Nếu như chúng ta có tâm tư lợi, có cái nhìn lệch lạc, thì không cách gì làm được. Thật sự phải làm cho được thương người như thương mình, yêu thế giới này giống như nhà của mình vậy, thì mới có thể thật sự đạt được hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng cho toàn thế giới. Dưới đây nói, đây là bố thí, đặc biệt phải chú ý đến, nhất định không được mê tín. Xem tiếp đoạn Kinh văn dưới đây:
“THỊ QUỐC VƯƠNG ĐẲNG ĐƯƠNG ĐẮC TAM KIẾP VI ĐẾ THÍCH THÂN, THỌ THẮNG DIỆU LẠC”
(Vị Quốc Vương đó sẽ đặng trong ba kiếp làm vị trời Đế Thích hưởng sự vui sướng tốt lạ)
Đây là nói quả báo có được từ sự bố thí của họ. “Tam kiếp” là ba tiểu kiếp, cũng là hiếm có rồi, phước báo này là quá lớn rồi. “Tam kiếp vi Đế Thích thân” (Ba kiếp làm vị trời Đế Thích). Người Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, họ sanh về trời Đao Lợi để làm vua trời. Cho nên có rất nhiều người, đọc đoạn Kinh văn này chẳng hiểu gì cả, bèn đi xây dựng chùa tháp, đắp tạo tượng Phật khắp nơi, cầu mong đời sau sanh về trời Đao Lợi để làm vua trời. Có thể làm được hay không? Điều đó phải đặt dấu hỏi rất lớn. Mọi người hãy nghĩ thật kỹ đoạn mà tôi vừa mới nói này. Ngày nay muốn tu phước trong Phật Pháp, hãy đề xướng nền giáo dục Phật Đà, đây mới thật sự là tu phước. Những nhân sĩ thật sự có nhiệt tâm làm công việc này, chúng ta hãy giúp đỡ họ xây dựng đạo tràng hoằng dương Phật Pháp. Chúng ta phải thật sự nhận thức từ bản thân của Phật Thích Ca Mâu Ni cho đến đệ tử của Ngài, bao gồm cả những đệ tử tại gia, xuất gia trong cửa Phật hiện nay của chúng ta, nhất là người xuất gia, rốt cuộc thân phận của họ là gì? Chúng ta phải xác định vị trí và phải khẳng định vai trò của họ. Việc họ làm là công việc giáo dục xã hội, đây là thân phận của họ. Việc họ làm là giáo dục xã hội, hơn nữa càng hiếm có hơn, họ là người làm giáo dục thiện nguyện. Giảng Kinh thuyết pháp chính là dạy học. Dạy học ở trường học thông thường còn có tính tiền giờ, tính tiền lương. Những người xuất gia đệ tử Phật này đi ra giảng Kinh thuyết pháp, dạy học cho mọi người, không có tiền lương, không có tính tiền giờ, chẳng mong cầu gì cả, cho nên đây là người giáo dục xã hội, người làm công việc giáo dục xã hội thiện nguyện. Nếu như chúng ta dùng ánh mắt như thế này để nhìn, thì bạn sẽ thật sự sinh khởi lòng tôn kính đối với những người làm công tác giáo dục này. Tại sao vậy? Người khác không làm được. Nói theo cách thông thường là họ thật sự hy sinh phụng hiến. Lúc học rất vất vả, sau khi mình học xong phục vụ cho xã hội cũng rất vất vả, cả đời vĩnh viễn sống đời sống trong sạch vất vả, làm tấm gương, làm hình mẫu tốt cho đại chúng xã hội, giúp người giác ngộ. Đương nhiên ở trong cửa Phật cũng có rồng rắn lẫn lộn, có người xuất gia rất tốt, thật sự phát tâm, là học trò tốt của đức Phật, cũng có một số người mượn cửa Phật giở trò gian dối, lừa gạt tín đồ, ham muốn cúng dường. Là có, chứ không phải không có. Người tu phước chúng ta phải có con mắt trí tuệ, phải nhìn cho thật rõ ràng. Nếu như gặp phải những người xuất gia hư hỏng, ham muốn cúng dường, lừa gạt chúng sanh, chúng ta cũng không cần phải trách mắng, chúng ta không cúng dường cho họ là được rồi, không giúp họ tạo nghiệp, vậy là rất tốt. Hy vọng họ có thể quay đầu là bờ. Con người đâu có ai mà không có lỗi lầm. Người xưa thường nói: “Con người không phải Thánh Hiền, không có ai mà không lỗi. Có lỗi mà biết sửa, thì thiện vô cùng”. Cho nên chúng ta cúng dường cho người khác, phải khuyên bảo họ, nhắc nhở họ, hy vọng họ quay đầu. Họ biết quay đầu, có thể tu phước, có thể dùng trí tuệ và thân thể của mình, thật sự dấn thân vào công tác dạy học xã hội thiện nguyện, đây chính là đại bố thí. Dùng toàn bộ thân tâm dâng hiến cho xã hội, dâng hiến cho nhân dân, dâng hiến cho chúng sanh. Tôi nhìn thấy biển hiệu rất lớn ở Bắc Kinh, trên đó là chữ của Mao chủ tịch viết: “Vì nhân dân phục vụ”. Phật giáo chính là vì nhân dân phục vụ, vì tất cả chúng sanh phục vụ, tuyệt đối không có mảy may tâm tư lợi, tuyệt đối không có mảy may loại tâm nguyện mong được đền đáp, đây gọi là Phật, Bồ Tát rồi. Nếu như trong khi phục vụ có chiếm hữu, ham muốn hưởng thụ, đó chính là phàm phu, đó thì không gọi là Phật, Bồ Tát được. Hy vọng người học Phật chúng ta đối với nghĩa thú của Kinh Phật, trong Kinh thường nói: “Hiểu sâu nghĩa thú”. Bạn hiểu cạn vẫn chưa đủ, phải hiểu sâu. Quả báo trong Kinh Phật nói, đúng là không có một chút giả dối nào cả. Được quả báo, ví dụ nói bạn được ba kiếp làm vua trời, liền dùng thân vua trời làm việc bố thí tiếp. Nhà Phật nói: “Xả - đắc”. Bạn được quả báo cũng phải đem nó xả sạch. Cách xả như thế nào vậy? Có phước báo thì hưởng chung với tất cả chúng sanh, không phải chỉ hưởng cho riêng mình. Hưởng chung với tất cả chúng sanh, thì phước báo này đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn hưởng không hết. Xem tiếp đoạn Kinh văn dưới đây:
“NHƯỢC NĂNG DĨ THỬ BỐ THÍ PHƯỚC LỢI, HỒI HƯỚNG PHÁP GIỚI, THỊ ĐẠI QUỐC VƯƠNG ĐẲNG, Ư THẬP KIẾP TRUNG THƯỜNG VI ĐẠI PHẠM THIÊN VƯƠNG”
(Nếu có thể đem phước lành bố thí đó mà hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong pháp giới, thời vị Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị trời Đại Phạm Thiên Vương).
Việc bố thí giống nhau, không có tăng thêm, vẫn là bố thí nhiều chừng đó, nếu tâm khác nhau thì phước báo cũng khác nhau. Phước của bố thí, tùy theo tâm lượng của mình mà có sinh ra biến đổi. Có thể đem số phước bố thí này, mình không cần, mình không hưởng thụ, sẵn lòng đem phước báo mình bố thí, phước báo tu hành này cho tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới hưởng thụ, bản thân hoàn toàn xả bỏ sạch. Có phải phước báo của bạn thật sự không còn không? Không phải! Càng lớn hơn. Phía trước là ba tiểu kiếp, còn đây là mười đại kiếp. “Thường vi đại phạm thiên vương” (Thường được làm vị trời Đại Phạm Thiên Vương). Phước báo này của bạn sao có thể xả hết được? Không thể xả hết. Càng xả càng được nhiều, càng thí phước càng lớn. Vậy phải thật sự hiểu được đạo lý này, thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật họ mới sẵn lòng làm, vui vẻ làm, tuyệt đối không có keo kiệt, toàn tâm toàn lực mà làm, một mảy may lưu giữ cũng không có. Họ hiểu được đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật, biết cách làm này mới là đúng, mới là đáng nên làm. Trong đoạn này, Pháp sư Thanh Liên chú giải rất nhiều, chú giải rất tỉ mỉ, nói rõ tại sao phải hồi hướng, quý vị có thể tự mình xem hiểu được, chúng tôi không nói nhiều nữa. Hãy tiếp tục xem Kinh văn dưới đây:
“PHỤC THỨ ĐỊA TẠNG! NHƯỢC VỊ LAI THẾ HỮU CHƯ QUỐC VƯƠNG, CHÍ BÀ LA MÔN ĐẲNG”
(Lại thế này nữa, này Địa Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, nếu có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v…)
Câu này đều là nói người hay bố thí. Chữ “Đẳng” là bao gồm mọi người chúng ta ở trong đó.
“NGỘ TIÊN PHẬT THÁP MIẾU, HOẶC CHÍ KINH TƯỢNG HỦY HOẠI PHÁ LẠC, NÃI NĂNG PHÁT TÂM TU BỔ”
(Gặp chùa tháp của đức Phật thuở trước, hoặc là Kinh điển hay hình tượng bị hư sụp rách rã, liền có thể phát tâm tu bổ lại)
Đoạn này là dạy chúng ta tu bổ chùa miếu, tháp tượng cũ, công đức đó hơn hẳn xây dựng mới. Đạo lý này là ở chỗ nào? Lý của nó rất sâu rất rộng. Theo cách nói của chúng ta hiện nay, đạo tràng cũ có nguồn gốc lịch sử của nó, có bối cảnh văn hóa của nó. Ở trong đây Ngài đã nói ba ý nghĩa. Thứ nhất là “Nhân thắng”, là quá khứ có rất nhiều người ở chỗ này tu hành chứng quả. Chúng ta bước vào đạo tràng này, quả thật tự nhiên sẽ khởi lên ý nghĩ thấy người tốt nên sửa mình, sinh lên cái tâm này, sức mạnh này là rất lớn rất lớn. Giống như ngày nay nếu như chúng ta đến Lô Sơn xem Chùa Đông Lâm, lập tức liền nghĩ đến năm xưa Đại sư Huệ Viễn niệm Phật ở nơi đây, thành tựu tại nơi này, thì tâm tôn kính, tâm noi theo lập tức liền sinh khởi lên. Xây đạo tràng mới không có năng lực này. Cho nên đây là công đức tu sửa đạo tràng cũ hơn hẳn xây mới. Thứ hai là “Khiến người ta sinh khởi niềm tin”. Đạo tràng này liên tục lưu truyền, từ xưa đến nay đời đời không dứt. Bởi vì xây dựng đạo tràng mới, người ta đến nơi đó thăm viếng, niềm tin không được vững chắc bằng thăm viếng đạo tràng cũ. Thứ ba là “báo ơn”. Báo ơn tổ sư đại đức, phải duy trì bảo vệ đạo tràng của tổ sư đại đức. Chúng ta ngày nay đến Tô Châu, nhìn thấy đạo tràng núi Linh Nham, liền nhớ đến đức hạnh của Đại sư Ấn Quang. Đây là đạo lý nhất định. Các vị đệ tử của Ngài ở hải ngoại, chỉ cần có cơ duyên, là họ bỏ tiền bỏ sức khôi phục lại đạo tràng của Tổ Sư, là báo ơn tổ đình. Đây là chứng tỏ công đức tu sửa đạo tràng cũ lớn hơn xây đạo tràng mới.
“Ngộ tiên Phật tháp miếu, hoặc chí Kinh tượng” (gặp chùa tháp của đức Phật thuở trước, hoặc là Kinh điển hay hình tượng). Kinh sách, Kinh sách cũ có giá trị rất cao. Kinh sách cũ đã truyền bao nhiêu đời rồi. Bạn thử nghĩ xem, trước đây bao nhiêu người đã đọc qua, ngày nay truyền đến tay của chúng ta, sau khi chúng ta đọc xong, còn phải truyền cho người đời sau, mối ân tình này bạn biết sâu cỡ nào? Đây là Kinh sách cũ hơn hẳn in ấn mới. Ở trong đây nó có mối tình cảm, ơn đức chứa đựng ở trong đó. Đây là điểm mà ở trong Kinh sách in ấn mới không có, bản cũ có chứa ân tình ở trong đó, cho nên Kinh sách cũ phải tu bổ. Nhưng hiện nay loại giấy chúng ta in ấn này tu bổ không dễ dàng. Đây đích thực là quan niệm của người phương Tây, sách cũ rồi thì không cần nữa, vứt bỏ hết. Trung Quốc trước đây, những sách xưa này có thể tu bổ, sách đóng bằng dây chỉ, giấy vô cùng mềm mại. Ở Trung Quốc đại lục in sách, phổ biến nhất là giấy Mao Biên. Chúng ta ngày nay quý vị nhìn thấy sách này là giấy Đạo Lâm. Loại giấy này có thể giữ được bao lâu? Đại khái giữ được hơn một trăm năm. Sau một trăm năm, thì sách này sẽ biến thành tro, biến thành bột. Bạn thấy loại giấy này rất đẹp, nhưng không thể chống nổi với sự khảo nghiệm của thời gian. Giấy Mao Biên của Trung Quốc bạn nhìn thấy rất quê mùa, màu vàng, mềm mại, không có đẹp bằng giấy ngoại quốc, nhưng nó có thể giữ được năm trăm năm. Sách nào tương đối có tính khảo cứu một chút thì dùng giấy Liên Sử. Không biết hiện nay ở đại lục sách đóng dây chỉ có còn giấy Liên Sử hay không? Giấy Liên Sử mềm vô cùng. Trước đây đầu năm Dân Quốc, “Tần Già Tạng” do Hiệp Đồng in tại Thượng Hải là dùng giấy Liên Sử. Trước đây sách tương đối hay một chút, đều dùng giấy Liên Sử để in. Giấy Liên sử vô cùng mềm mại, có thể bảo tồn được một nghìn năm. Nếu như bị hư hỏng thì có thể bồi lại được. Cho nên thật sự là có thể bảo tồn mấy nghìn năm mà không có vấn đề gì. Đây là chỗ khác nhau của văn hóa Trung Quốc với đồ của ngoại quốc. Đồ của ngoại quốc rất đẹp nhưng không chịu được lâu, đồ của Trung Quốc không đẹp nhưng chịu được rất lâu. Cho nên tu bổ Kinh sách cũ, tượng Phật cũ. Tượng Phật cũ bao nhiêu người đã từng lễ bái, bao nhiêu người đã từng cúng dường. “Hủy hoại phá lạc, nãi năng phát tâm tu bổ” (Bị hư sụp rách rã, liền có thể phát tâm tu bổ lại). Chúng ta nhất định phải có quan niệm, đây là quan niệm chính xác, đừng cho rằng tu bổ tượng Phật cũ thì công đức không lớn, xây mới công đức mới lớn. Xây những công trình mới thấy nguy nga tráng lệ, vô cùng đẹp đẽ. Không biết rằng công đức tu bổ tượng Phật cũ lớn hơn gấp nhiều lần xây đắp tượng mới, nói thực ra không cách gì nói hết. Xem tiếp đoạn Kinh văn này dưới đây:
“THỊ QUỐC VƯƠNG ĐẲNG, HOẶC TỰ DOANH BIỆN, HOẶC KHUYẾN THA NHÂN, NÃI CHÍ BÁCH THIÊN NHÂN ĐẲNG BỐ THÍ KẾT DUYÊN”
(Vị Quốc Vương đó, hoặc tự mình đích thân lo sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác cho đến khuyến hóa trăm nghìn người khác cùng chung bố thí cúng dường để kết duyên lành)
Đây là nói chúng ta gặp được những đạo tràng, chùa miếu cũ, hình tượng Phật Bồ Tát cũ, Kinh điển cũ, nếu như sau khi bạn gặp được, bạn phát tâm để tu bổ, sửa sang cho nó, một mình bạn có năng lực tự mình làm, là tốt, công đức của bạn viên mãn. Nếu mình không có khả năng, thì khuyên bạn bè thân thích của bạn mọi người cùng nhau làm, cho đến khuyên một trăm người, một nghìn người, tập hợp sức mạnh của quần chúng, bạn đứng ra đề xướng, nói rõ chân tướng sự thật này và lợi ích của nó cho mọi người biết. Nhưng việc tu sửa đạo tràng cũ, thì nhất định phải lễ thỉnh Pháp sư đến trụ trì. Nếu như trong đó đã có pháp sư rồi, cũng phải thỉnh pháp sư hoằng pháp lợi sinh. Sự việc này trước đây, năm xưa tại nơi này tôi thường hay khuyến khích thính chúng của chúng ta. Các vị thính chúng thường hay nói không có pháp sư đến nơi đây để giảng Kinh thuyết pháp, Phật Pháp khó nghe. Tôi nói với mọi người họ, không phải không có pháp sư đến giảng Kinh thuyết pháp, mà là do quý vị không thích nghe Phật Pháp. Họ nghe xong không hiểu. Tôi giảng Kinh thuyết pháp tại nơi này, thính chúng nhiều như vậy, tại sao nói họ không thích nghe Phật Pháp chứ? Tôi lại phải giải thích cho họ tiếp nữa. Quý vị nghe tôi giảng, tôi đã giảng bao nhiêu năm rồi? Giảng Phật Pháp phải trui rèn trên bục giảng bao nhiêu năm mới có thành tích như ngày hôm nay, quý vị đến hưởng thụ quả báo, quý vị đến hưởng thụ thành quả. Lúc tôi mới học đó, cũng giảng vấp lên vấp xuống, quý vị có muốn nghe không? Bạn không thích nghe. Vậy khi không thích nghe thì pháp sư giảng Kinh sẽ nản chí lui xuống bục giảng rồi, không giảng Kinh nữa. Bạn phải biết bồi dưỡng pháp sư, giống như trồng cây vậy, bạn phải chịu trồng cây thì tương lai mới có quả, mới có thu hoạch. Bởi vì ý này đã được giảng rất nhiều lần nên đồng tu bên này mọi người dần dần hiểu được. Mới học thì đâu thể giảng hay được? Giảng không hay cũng phải đi nghe mỗi ngày. Giảng hay rồi thì không nghe cũng không có quan hệ gì, chẳng sao cả.
Người mới vừa học giảng Kinh cần phải có người cổ động, cần phải có người cổ vũ. Mọi người các bạn đều không đi nghe, thì họ sẽ hoàn toàn mất hết niềm tin. Cho nên tôi nói thích nghe Kinh là thế nào? Là thích nghe người mới học giảng Kinh. Nhất định không sót buổi nào, để cho những người mới học giảng Kinh, những vị pháp sư này có niềm tin, nghĩ rằng: “Có lẽ mình giảng cũng không tệ, nên mới đông thính chúng như vậy”. Đồng thời những vị thính chúng này ép họ phải giảng Kinh mỗi ngày, họ mới có thể hoàn thiện được, họ mới có thể chăm chỉ nỗ lực tu học. Tại sao vậy? Nếu họ không chăm chỉ, thì họ sẽ mất thể diện, nên nhất định phải có sự chuẩn bị đầy đủ. Mặc dù giảng không hay, nhưng cũng có thể ứng phó được buổi giảng này. Cho nên thính chúng là người giám sát, thính chúng là thầy, thính chúng là người đốc thúc họ. Trải qua năm ba năm như vậy họ mới có thể giảng ở trên bục giảng trôi chảy, mới có thể giảng đúng như pháp được. Thật sự muốn giảng hay, thì chí ít phải có mười năm kinh nghiệm, mười năm không được gián đoạn. Cho dù không thể giảng mỗi ngày, nhưng nhất định không được ít hơn ba lần mỗi tuần, phải duy trì liên tục mười năm như vậy, thì bạn mới có kinh nghiệm mà đứng trên bục giảng. Đúng như câu nói mở quyển Kinh ra giảng rất thông suốt, suông sẻ mọi bề. Nếu như không có địa điểm này để luyện tập, cho dù bạn học được cũng không có tác dụng. Ba tháng đến nửa năm không giảng Kinh thì sẽ thấy lạ lẫm, quên mất. Cho nên chúng tôi lập ra lớp bồi dưỡng, điểm đặc sắc của lớp bồi dưỡng là mỗi học sinh, mỗi tuần chí ít phải lên bục giảng một lần, đây mới là học. Sau khi bạn giảng xong bộ Kinh này, sau đó giảng lần thứ hai, thì hy vọng một tuần có thể giảng hai lần. Bởi vì bạn đã giảng qua một lần, có nền tảng rồi, nên phải nỗ lực gấp đôi mỗi tuần giảng hai lần. Khi đến lần thứ ba, thì hy vọng mỗi tuần có thể giảng ba lần. Hay nói cách khác, khi giảng đến lần thứ tư, mỗi tuần tốt nhất bạn có thể giảng bốn lần, bạn mới có thể học thành công, nếu không thì bạn không thể thành tựu được rồi. Cho nên chúng ta xây đạo tràng mới cũng tốt, tu sửa lại đạo tràng cũ cũng tốt, nhất định phải thỉnh pháp sư giảng Kinh. Đương nhiên họ giảng không hay. Giảng không hay mình cũng đến nghe, mỗi ngày ta đều đến nghe, ta còn mời thêm những người khác đến nghe nữa, buộc bạn không giảng không được, buộc bạn phải cố gắng, buộc bạn phải tu học. Không những ép bạn phải nghiên cứu giáo lý, mà còn ép bạn phải làm tấm gương tốt cho chúng tôi, ép bạn phải tu hành, vậy thì công đức của bạn là lớn rồi. Những vị pháp sư này tương lai thành tựu, họ đi giảng Kinh thuyết pháp, phổ độ chúng sanh ở các nơi trên thế giới, đều là do công đức của bạn. Tại sao họ thành tựu? Bạn giúp họ thành tựu.
Lúc tôi còn trẻ, hai mươi sáu tuổi tôi học Phật, thời gian này đã từng học mười năm với Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam, trên bục giảng tôi chưa từng gián đoạn bao giờ, hầu như đều giảng mỗi ngày. Cơ hội này là do cư sĩ Hàn Anh giúp tôi mà nên. Bà biết đây là một việc tốt. Bà không có tài lực, không có cách gì xây đạo tràng cho tôi. Cho nên vào lúc đó, bởi vì bạn phát tâm giảng Kinh, đáng thương là không có chỗ ở. Vào trong chùa để xin quải đơn, bạn phải làm Kinh sám Phật sự cho họ, thì đạo tràng nào cũng hoan nghênh cả. Nếu như bạn vào đạo tràng để giảng Kinh, thì chẳng có đạo tràng nào hoan nghênh, bị vào đường cùng. Bà giúp tôi, bảo tôi về nhà bà ở. Tôi ở trong nhà bà mười bảy năm. Bà cho tôi một căn phòng nhỏ trên lầu nhà bà. Đến đâu để giảng Kinh vậy? Thuê phòng, thuê địa điểm. Bà có rất nhiều bạn bè, thuê văn phòng của bạn bè. Văn phòng buổi tối không làm việc, bèn giảng trong văn phòng của họ. Cho nên địa điểm giảng Kinh thường hay di dời. Mỗi địa điểm đại khái giảng khoảng vài ba tháng, bèn đổi một địa điểm khác. Thính chúng có năm sáu chục người, lúc nhiều thì có hơn một trăm người, cứ như vậy mấy chục năm không gián đoạn. Ở trong đây còn có một khoảng thời gian, đại khái khoảng ba bốn năm, là mỗi ngày giảng ba lần. Buổi sáng giảng một thời, chiều giảng một thời, tối giảng một thời. Tôi còn nhớ lúc đó một tuần giảng hơn ba mươi giờ. Tôi thật làm, thích giảng ở trên bục, tôi có cơ hội luyện tập. Về sau này khi thính chúng dần dần nhiều lên, tập hợp sức mạnh của đại chúng, mua được một tầng chung cư ở Đài Bắc, mua được một căn chung cư, chính là thư viện Hoa Tạng Cảnh Mỹ Đài Bắc hiện nay. Ban đầu mua được một căn rất nhỏ. Ở Đài Loan tính bằng đơn vị bình, là năm chục bình. Bên này nói thước, là một nghìn năm trăm thước, đạo tràng nhỏ như vậy. Đại khái lớn hơn khoảng một phần ba căn phòng này của chúng ta, địa điểm chỉ lớn như vậy. Về sau dần dần mở rộng, mua thêm căn kế bên. Cho nên hiện nay đạo tràng này, mở rộng gần ba trăm bình, là gần mười nghìn thước, hiện nay quy mô của nó lớn như vậy, vẫn là ở trong căn chung cư, mấy chục năm vẫn như vậy. Con đường giảng Kinh ở hải ngoại này cũng do bà mở ra, đã giúp tôi đi kết duyên khắp các nơi trên thế giới. Bà đi tìm thính chúng, đi tìm địa điểm. Sở dĩ ngày nay chúng tôi có được thành tựu như thế này, là không thể không có công đức ba mươi năm hộ trì của Viện trưởng Hàn. Tại sao ngày nay ở trong giảng đường, trước bục giảng chúng tôi luôn thờ hình của bà? Là cảm ơn! Việc người chết như người sống, giống như bà đang nghe Kinh tại hiện trường vậy, bà nhìn thấy sẽ hoan hỷ. Chúng tôi luôn giữ cái tâm báo ơn để thuyết pháp, để dạy học. Nếu như chúng tôi không chăm chỉ, không nỗ lực, không nghiêm túc tu trì, không dốc sức hoằng pháp lợi sinh, là có lỗi với họ. Cho nên chúng tôi ở trong đạo tràng, ở trong giảng đường, trong niệm Phật đường, chỉ cần là đạo tràng của tôi, thì tôi sẽ treo ảnh của thầy và các vị hộ pháp. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm không phải là đạo tràng của tôi, cho nên chỉ có mỗi lần chúng tôi giảng Kinh, tôi đều hồi hướng cho bà. Quý vị niệm kệ hồi hướng của quý vị, tôi niệm kệ hồi hướng của tôi, không giống như quý vị. Tôi hồi hướng cho thầy, hồi hướng cho hộ pháp. Đức Phật dạy chúng ta phải biết ơn báo ơn.
Kinh văn dưới đây nói về phước báo, phước báo của bố thí.
“THỊ QUỐC VƯƠNG ĐẲNG, BÁCH THIÊN SANH TRUNG THƯỜNG VI CHUYỂN LUÂN VƯƠNG THÂN. NHƯ THỊ THA NHÂN ĐỒNG BỐ THÍ GIẢ, BÁCH THIÊN SANH TRUNG THƯỜNG VI TIỂU QUỐC VƯƠNG THÂN”.
(Vị Quốc Vương đó, trong trăm nghìn đời thường làm Vua Chuyển Luân, còn những người khác chung cùng làm việc bố thí đó, trong trăm nghìn đời thường làm vua nước nhỏ).
Phước báo này rất lớn. “Chuyển Luân Vương” có bốn loại, trong Kinh đều có nói.
“NHƯ THỊ THA NHÂN, ĐỒNG BỐ THÍ GIẢ, BÁCH THIÊN SANH TRUNG, THƯỜNG VI TIỂU QUỐC VƯƠNG THÂN”
(Còn những người khác chung cùng làm việc bố thí đó, trong trăm nghìn đời thường làm vua nước nhỏ).
Người dẫn đầu tu bố thí phước báo lớn nhất. Người đi theo tu bố thí cùng với họ, cùng kết cái duyên như vậy thì tương lai quả báo vẫn cùng ở với nhau. Làm vua nước nhỏ là nước chư hầu thời xưa. Vua nước lớn giống như tổng thống quốc gia hiện nay, vua nước nhỏ là giống như bộ trưởng, trưởng tỉnh, trưởng huyện thị, những người này là vua nước nhỏ vào thời xưa. Từ đó cho thấy, một quốc gia hay một chính thể, từ trên xuống dưới trong đời quá khứ đều có duyên với nhau, chứ không phải ngẫu nhiên. Cùng một sự việc giống nhau nhưng tu phước báo lớn như vậy. Trong chú giải nói rất hay, đều là ý trong Kinh điển, chúng ta hãy đọc qua chú giải một lần.
“Quốc vương đẳng hành thí” (Làm việc bố thí như quốc vương). Ý nghĩa của bố thí là nghĩa rộng, phục vụ cho quần chúng chính là bố thí. Đích thực là dùng tâm từ bi, tâm thanh tịnh, tâm cung kính phục vụ cho đại chúng xã hội, phục vụ cho nhân dân thì phước báo này rất lớn. “Tự hiệp thượng thăng”, “thượng thăng”, đáng lẽ họ phải sanh thiên. “Hà phục báo vi nhân vương”, tại sao quả báo của họ là Chuyển Luân Thánh Vương? Tại sao họ không sanh thiên? Phía dưới trích dẫn. “Như ngũ đạo tội phước Kinh vân: Nhân nhi hào quý quốc vương trưởng giả, tùng lễ sự tam bảo trung lai” (Kinh Ngũ Đạo Tội Phước nói: “Người giàu sang phú quý, quốc vương trưởng giả đều do lễ kính, phụng sự Tam Bảo mà ra”). Đây là chứng tỏ toàn thế giới đều không ngoại lệ, không những là lãnh tụ trong chính trị, mà lãnh tụ trong bất kỳ ngành nghề nào, đều là do lễ kính phụng sự Tam Bảo mà ra. Đây là nói rõ nghiệp nhân của họ. “Vi nhân đại phú, tài vật vô hạn, tùng bố thí trung lai” (Làm người giàu có tột bậc, tiền của vô hạn đều từ trong bố thí mà ra). Trong xã hội ngày nay chúng ta có thể nhìn thấy, trên thế giới thật sự có rất nhiều người giàu sang, có địa vị, tiền của tính đến mấy chục tỉ, mấy trăm tỉ Mỹ Kim. Tại sao họ có nhiều của cải như vậy? Là do trong đời quá khứ tu bố thí lớn mà có. Nhưng những người này có lẽ trong đời quá khứ tu phước mà không tu tuệ. Ngày nay được giàu to mà không biết tu phước tiếp. Mặc dù có tu phước, làm được một chút sự nghiệp phúc lợi xã hội, nhưng trả lại cho xã hội rất ít, chiếm tỉ lệ rất ít, không thấm tháp vào đâu trong toàn bộ số tài sản của họ, đây là do họ không có trí tuệ, họ tu phước không tu tuệ. Nếu như họ có trí tuệ thì hoàn toàn khác rồi. Họ có thể đem tiền của của họ giúp cho một nước, giúp cho một khu vực, thì tương lai họ nhất định là vua của một nước này, nhất định là thủ lĩnh của khu vực này. Họ tu phước báo lớn. “Cố tri nhược bất ư Phật pháp trung tu hành bố thí, chung bất năng hộ tư thắng báo” (do đó mới biết, nếu chẳng tu bố thí trong Phật pháp thì rốt cuộc sẽ không thể được quả báo thù thắng như vậy), sẽ không có được phước báo lớn như vậy. Phước báo lớn như thế này chắc chắn là tu được từ trong bố thí mà có. Chỉ cần bạn tu học đúng như lý như pháp, thì nhất định sẽ đạt được quả báo thù thắng.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
****************
Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Quyển Thượng (tập 36)
Người giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Địa Điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Tháng 5, năm 1998.
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư SĨ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 116
Hôm nay : 23276
Tháng hiện tại : 547354
Tổng lượt truy cập : 56609053
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.