Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Chia sẻ Tâm đắc học tập Đệ tử quy

Chia Sẻ Tâm Đắc Học Tập Đệ Tử Quy (Tập 3)

Thứ ba - 18/05/2021 22:41

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 3

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 1 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà HồngKong.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Hôm qua, chúng ta bắt đầu học tập "Đệ Tử Quy". Sư phụ thượng nhân đã chỉ rõ cho chúng ta "Đệ Tử Quy" là khóa trình căn bản của người học Phật, nhất định phải thực hiện "Đệ Tử Quy" được 100% thì đạo nghiệp của chúng ta mới có thể thành tựu. Sư phụ thượng nhân còn nói "Đệ Tử Quy" và "Kinh Hoa Nghiêm" là không hai không khác, cho nên hôm qua chúng ta đã dùng phương pháp mở đầu thập môn của "Kinh Hoa Nghiêm" để học tập "Đệ Tử Quy". Từ cách học này thì thấy quả nhiên "Đệ Tử Quy" cũng có đầy đủ cảnh giới của "Kinh Hoa Nghiêm", thật sự là “một tức là tất cả, tất cả tức là một”.  Nguyên tắc của từng điều nói trong "Đệ Tử Quy" đều có thể tương ứng với "Kinh Hoa Nghiêm", người kiến thức sâu rộng thì thấy rất sâu, người kiến thức nông cạn thì thấy rất cạn cợt. Nhưng cạn sâu đồng thời, cạn sâu không hai, từ cạn chúng ta cố gắng tu học thì cũng có thể ngộ nhập vào cảnh giới thâm sâu.

Hôm qua chúng tôi bắt đầu giảng phần cương lĩnh của "Đệ Tử Quy", giảng xong thì sang chương một “Nhập tắc hiếu”. Hôm nay chúng ta tiếp tục học “Nhập tắc hiếu”. Từ việc học tập này chúng ta phải biết mục đích chúng ta học tập là vì xây dựng nền tảng sâu dày cho việc học Phật, như vậy thì việc tu học đạo nghiệp mới có thể thuận buồm xuôi gió.

Chúng ta xem câu thứ tư trong “Nhập tắc hiếu”: “Cha mẹ trách, phải thừa nhận”. Giải thích trên mặt chữ là khi cha mẹ trách mắng thì chúng ta phải có thể tiếp nhận, có thể cố gắng phản tỉnh bản thân, thừa nhận sai lầm, có thì sửa, không thì khích lệ. Dùng thái độ như vậy để tiếp nhận sự phê bình, trách mắng của cha mẹ, đó chính là một cách thể hiện tâm hiếu. Nếu cha mẹ trách mắng nhưng tâm chúng ta không thoải mái thậm chí còn mang tâm oán trách cha mẹ, vậy thì hoàn toàn trái ngược với tâm hiếu. Chúng ta phải biết, nếu cha mẹ trách mắng chúng ta là đúng thì đương nhiên càng phải thừa nhận, bản thân cần phản tỉnh sửa sai. Bởi vì cha mẹ lớn hơn chúng ta mấy chục tuổi, kinh nghiệm từng trải cuộc đời rất nhiều, cho nên sự trách mắng của họ nhất định có đạo lý, do vậy chúng ta cần khiêm tốn tiếp nhận. Nếu sự trách mắng của cha mẹ là sai lầm, không đúng thì chúng ta vẫn phải thừa nhận. Bởi vì nếu cha mẹ nói không đúng, chúng ta biết cha mẹ nói sai, trong tâm chúng ta biết rõ là được rồi, sau này cần chú ý đề phòng không để phạm lỗi như vậy nữa. Nếu bản thân không có lỗi, vậy phải làm thế nào để không khó chịu, thậm chí là không oán giận cha mẹ? Cha mẹ trách mắng, thậm chí đánh chúng ta chính là tiêu nghiệp chướng cho chúng ta đấy.

Mẹ tôi thường nói với tôi rằng: “Trên thế giới này chẳng có ai có thể thật lòng phê bình góp ý cho con như vậy, thật sự [chỉ có] cha mẹ yêu thương con cái mới yêu cầu nghiêm khắc với con”. Cho nên mẹ tôi rất có trí huệ, bà biết dạy dỗ tôi không thể dùng cách nuông chiều, không chỉ bà yêu cầu tôi rất nghiêm khắc hơn nữa nếu có thầy cô giáo, thậm chí người ngoài phê bình, yêu cầu nghiêm khắc đối với tôi thì trong tâm mẹ tôi không những không có chút khó chịu nào mà bà còn tùy thuận, tán thành ý kiến của họ.

Sau khi tôi trưởng thành thì mẹ nói với tôi rằng: Lúc nhỏ tôi học ở trường mầm non, tôi ở nội trú trong trường mầm non, một tuần ở trường sáu ngày, Chủ Nhật mới trở về nhà. Mỗi cuối tuần khi mẹ tôi đến trường mầm non đón tôi về thì cô giáo của tôi luôn phàn nàn với mẹ tôi rằng: “Đứa con này của chị rất nghịch ngợm, phá phách, thường không giữ kỷ luật.” Bởi vì lúc nhỏ tôi thích chơi, hiếu động cho nên khiến cô giáo phải hao tâm tổn trí rất nhiều. Kết quả, mẹ tôi nói với cô giáo rằng: “Nếu như Mậu Sâm vi phạm kỷ luật thì xin cô hãy yêu cầu nó nghiêm túc, nghiêm khắc, thậm chí cô có thể mắng nó, đánh nó cũng không sao cả.” Bạn xem mẹ tôi đã trao quyền lực này cho cô giáo, sau này cô giáo có yêu cầu nghiêm khắc đối với tôi thì tôi cũng không còn cách gì khác, bởi vì mẹ tôi đã chặn hết đường rút lui của tôi rồi.

Không giống một số phụ huynh hiện nay, nếu như ở trường con cái mình không nghe lời, thầy cô có chút nghiêm khắc phê bình, học sinh này về nhà vừa nói với cha mẹ, thì cha mẹ liền đến trường nói lý lẽ với thầy cô, thậm chí còn kiện cáo thầy cô, nghe nói có người còn uy hiếp thầy cô giáo, như vậy thì thầy cô giáo làm sao có thể nghiêm túc dạy dỗ học sinh được? Cho nên cách dạy này của mẹ tôi rất có trí tuệ. Mặc dù tôi là con một nhưng thực sự bà chưa bao giờ nuông chiều tôi, do vậy tôi mới có ngày hôm nay. Thông thường những người cùng trang lứa thấy tôi dường như rất có thành tựu, hơn 30 tuổi làm giáo sư trong trường đại học, xem ra cũng rất tốt. Sở dĩ tôi có ngày hôm nay thực sự là nhờ sự giáo dục rất trí tuệ đó của cha mẹ.

Cần phải biết, con người cho dù bị oan, bị phê bình lầm nếu bạn có thể thuận theo, có thể tiếp nhận, còn có thể tâm bình khí hòa thì người này mới có thể tiêu nghiệp chướng, có thể tăng phước báo. Mẹ thường nói với tôi một câu: “Phước báo đều do nghịch duyên mang đến”. Khi chúng ta bị phê bình, trách móc, gặp phải những chuyện không thuận ý hoặc là gặp phải một số người rất nghiêm khắc, không khách khí với chúng ta, nếu chúng ta có thể nhẫn nhục chịu đựng thì phước báo sẽ được tăng thêm.

Mẹ thường nhắc nhở tôi rằng: “Mỗi một người đều khó tránh khỏi gặp phải một số khó khăn trong cuộc đời, không thể cả đời đều thuận buồm xuôi gió được”. Bà nói: “Con nghĩ xem tổ tiên của con”, giống như cha mẹ của mẹ tôi là ông bà ngoại tôi, họ đã trải qua cuộc cải cách ruộng đất. Bởi vì trước giải phóng họ là nhà tư bản, lúc đó bởi vì cuộc cải cách ruộng đất nên họ đã chịu không ít khổ nạn. Thời đại mẹ tôi đã trải qua đại cách mạng văn hóa, vốn dĩ thành tích học tập của mẹ tôi rất xuất sắc nhưng không thể đi học mà bị ép về nông thôn tham gia đội sản xuất. Đây đều là những trắc trở mà thế hệ trước trải qua trong đời này, cho nên mẹ khuyên tôi rằng: “Cuộc đời của con đến hôm nay, hơn 30 năm đều là thuận buồm xuôi gió, cần phải thường nghĩ xem con có thể vượt qua thử thách hay không? Nếu như khi gặp khó khăn, trắc trở con có thể đứng vững không bại, còn có thể tràn đầy hy vọng để đón nhận tương lai hay không?”. Cho nên chúng ta phải thường phản tỉnh, thanh niên thế hệ này của chúng ta phước báo rất lớn, chưa trải qua khổ nạn nào cả, tất cả dường như đều là thuận buồm xuôi gió. Hơn nữa, như mẹ tôi nói thì sự cố gắng của chúng ta đều sẽ có kết quả. Như tôi đi học cố gắng chịu khó thì có thể lấy được học vị tiến sĩ, những mục tiêu bạn mong cầu đều có thể thông qua sự nỗ lực của bạn mà đạt được. Nhưng vào thời của cha mẹ chúng ta, thế hệ trước của chúng ta, thì dù bạn có cố gắng cũng chưa chắc đạt được mục tiêu mà bạn mong cầu. Cho nên phải thường suy nghĩ rốt cuộc chúng ta hưởng phước nhiều hay tu phước nhiều?

Làm sao để tu phước? Khi có người mang đến nghịch cảnh cho bạn, họ trách mắng bạn, họ khiến bạn chịu khổ, đây đều là lúc chúng ta tu phước. Bởi vì phước là do nghịch cảnh mang đến, thuận cảnh thì không phải phước. Như Liễu Phàm tiên sinh, Viên Liễu Phàm là một tiến sĩ thời nhà Minh, ông đã viết cho con trai mình một bài văn giáo huấn là “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Ông dạy con trai rằng: “Mạng mình gặp lúc vinh hiển, phải thường nghĩ tới lúc còn nghèo hèn. Gặp thuận lợi phải thường nghĩ tới lúc gặp khó khăn. Cho dù trước mắt sung túc, phải thường nghĩ tới lúc nghèo khó. Khi được người kính nể, phải thường có ý e dè sợ sệt. Khi gia thế được người trọng vọng, phải thường nghĩ tới lúc mình còn thấp kém. Khi học vấn cao thâm, phải thường nghĩ tới lúc mình còn nông cạn, thô thiển”. Phải có một thái độ luôn đề cao cảnh giác, dù cho bây giờ bạn vinh hiển, rất giàu có thì phải nghĩ đến lúc nhỡ mình bần cùng thì phải làm sao? Cho dù hôm nay bạn làm mọi việc đều thuận lợi như ý cũng phải nghĩ đến lúc nhỡ mình làm mọi việc đều không như ý. Cuộc đời những việc không như ý chiếm hết 80-90%, trước sự không như ý liệu mình có mất đi lòng tin với tương lai hay không? Có tự chê tự bỏ hay không? Cho dù hiện nay bạn được ăn no mặc ấm cũng phải thường nghĩ nếu bạn gặp lúc nghèo cùng, thậm chí là không có cơm ăn thì bạn có thể chịu đựng sống tiếp hay không? Cho dù mọi người cung kính, yêu thương chúng ta, được người khác cung kính thì phải nghĩ mình có đức hạnh như vậy không, có đáng được người cung kính hay không? Cần phải khiêm tốn, nhún nhường.

Cho nên thường nghĩ như vậy chính là sanh bước báo, tư duy như vậy sẽ dưỡng thành thái độ “cha mẹ trách, phải thừa nhận”. Cho nên đừng sợ thiệt thòi, đừng sợ bị người trách mắng, thậm chí là bị đánh mắng. Phải biết chịu thiệt chính là phước, cần học cách hằng thuận. Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, trong hết thảy hoàn cảnh biết được hằng thuận thì người như vậy sẽ có phước. Bởi vì họ có đức, người có đức thì sẽ có phước.

Xin xem câu tiếp theo “Đông phải ấm, hạ phải mát”. Ý nghĩa trên mặt chữ là nói con cái phải tận hiếu với cha mẹ, thật sự là mọi lúc quan tâm, nơi nơi chú ý. Bạn xem thời xưa mùa đông không có lò sửa, cho nên người con hiếu họ sẽ lên giường nằm trước, dùng hơi ấm của mình để làm ấm chăn chiếu sau đó mới mời cha mẹ vào ngủ. Mùa hè oi bức, lúc cha mẹ đi ngủ con cái có thể quạt cho cha mẹ. Đây đều là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng từ những chuyện nhỏ nhặt này, chúng ta có thể thấy được tấm lòng thuần hiếu của một hiếu tử. Tấm lòng thuần hiếu này biểu hiện ra trong những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống là mọi nơi đều quan tâm cha mẹ, yêu kính cha mẹ. Như vậy lâu ngày từ tâm thuần hiếu này tự nhiên họ sẽ trở thành một người thuần tịnh thuần thiện. Sau khi tâm thuần thiện thuần tịnh được dưỡng thành thì đối với tất cả mọi người họ đều sẽ yêu kính như vậy. Tâm yêu kính này nhất định là vô tư, vô cầu, họ không phải cầu danh, không phải cầu lợi, cũng không phải mong được báo đáp mà đó là tâm thuần hiếu tự nhiên lưu xuất ra. Bạn xem thời nhà Hán có một người con tên là Hoàng Hương, mẹ ông mất sớm, lúc 9 tuổi ông đã phụng sự cha vô cùng hiếu thuận. Ông đã làm được “đông phải ấm, hạ phải mát”, đó thật sự là tâm thuần hiếu tự nhiên lưu xuất ra.

Học câu này chúng ta phải hiểu rằng học hiếu thuận cha mẹ quan trọng là phải biết học và áp dụng cho linh hoạt. “Đông phải ấm, hạ phải mát”, hiện nay vào mùa đông bạn không cần phải nằm lên giường cha mẹ dùng hơi ấm của mình để làm ấm chăn chiếu, mùa hè cũng không nhất định phải quạt cho họ nữa, nhưng tâm hiếu này là gì? Chăm sóc cha mẹ chu đáo tỉ mỉ, ví dụ mùa đông mua cho cha mẹ một chiếc lò sưởi hoặc là lò sưởi tay, đây đều thuộc về “đông phải ấm”. Ở nhà lắp máy điều hòa, mùa hè sẽ dễ chịu hơn, đây là “hạ phải mát”. Cho nên bạn có tiền thì mọi nơi cần nghĩ đến việc chăm sóc cha mẹ, giúp cuộc sống của cha mẹ an vui hơn. Giống như ông bà nội của tôi đã hơn 80 tuổi rồi, bởi vì sống trong căn nhà của tổ tiên đã quá lâu rồi không sửa lại được nên năm ngoái hai ông bà muốn chuyển đến sống trong viện dưỡng lão. Kết quả ở trong viện dưỡng lão không quen, bởi vì hai người đều học Phật đều ăn chay nhưng viện dưỡng lão không thể làm riêng món chay cho họ. Cho nên tôi liền nghĩ đến việc mua cho ông bà nội một ngôi nhà ba phòng ngủ, một phòng khách. Tôi từ Úc Châu, tôi vẫn đang dạy học ở trường đại học Queensland liền nhanh chóng trở về. Trước đêm giao thừa năm ngoái tôi đã cầu Phật lực gia trì, bởi vì thời gian rất ngắn, mua một căn nhà cũng không phải chuyện dễ dàng nên đã cầu Phật lực gia trì. Kết quả trong vòng bảy ngày đã hoàn thành mọi việc từ mua nhà đến sửa nhà, mua đồ dùng nội thất. Nội trong bảy ngày đã làm viên mãn giúp ông bà nội có thể chuyển về nhà mới trước Tết, ông bà rất vui mừng. Tôi còn thuê một cô giúp việc đến chăm lo cho cuộc sống của họ để họ có một hoàn cảnh sống tương đối như ý, sống cuộc sống như họ yêu thích, như họ có thể ăn chay, có thể tu học, có thể niệm Phật. Đây chính là chăm sóc cuộc sống cho ông bà nội.

Điều này quan trọng là giúp chúng ta dưỡng thành cái tâm chăm sóc cho cha mẹ, khi chúng ta có tâm chăm sóc cha mẹ thì tự nhiên có thể hiểu được cách chăm sóc người khác. Hơn nữa, một người biết chăm sóc người khác thì nơi nơi họ đều được hoan nghênh, nơi nơi họ đều được mọi người yêu mến, bởi vì “người thương yêu người khác thì thường được người khác yêu thương, người kính trọng người khác thường được người khác kính trọng”. Cho nên chân thật tâm hiếu được dưỡng thành rồi thì bản thân sẽ nhận được quả báo được người khác yêu kính.

Câu tiếp theo, xin xem câu thứ bảy, thứ tám: “Sáng phải thăm, tối phải viếng”. Điều này cũng là một chuyện nhỏ trong cuộc sống. Buổi sáng thức dậy nhất định phải đến trước giường vấn an cha mẹ, buổi tối lúc cha mẹ đi nghỉ nhất định phải trải gối chăn cho cha mẹ giúp cha mẹ có thể ngủ ngon giấc, đây cũng là một cách báo đáp cha mẹ. Bởi vì lúc chúng ta còn nhỏ, sau khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời ai là người có thể ngày đêm chăm sóc chúng ta? Ai là người có thể vì chúng ta mà ban đêm cũng không ngủ? Giả dụ mình đái dầm làm ướt chăn chiếu, cha mẹ đặt chúng ta ra chỗ khô ráo còn cha mẹ phải ngủ ở chỗ ướt. Từ những chi tiết nhỏ này chúng ta có thể hiểu được ân đức của cha mẹ đối với chúng ta, thật sự là còn cao hơn núi, sâu hơn biển. Hiện nay cha mẹ tuổi tác đã cao rồi cũng là lúc chúng ta nên báo đáp ơn cha mẹ, cho nên nhất định phải tận phần tâm hiếu này.

Ví dụ về “sáng phải thăm, tối phải viếng” là ví dụ vào đầu thời nhà Chu do Chu Văn Vương khai lập, ông chăm sóc cha vô cùng hiếu thuận, mỗi ngày nhất định ba lần đi thăm hỏi cha mình. Khi Văn Vương biết cha bị bệnh, trong tâm ông vô cùng bất an, thậm chí vì giúp cha trị bệnh mà ông đã hầu hạ cha ngày đêm. Đợi khi cha khỏi bệnh rồi Văn Vương mới có thể an tâm, do vậy nên có câu “Văn Vương một ngày ba lần thăm viếng” (Văn Vương tam tỉnh).

Những việc nhỏ nhặt này chúng ta không được xem thường. Nếu cha mẹ ở bên cạnh thì nên học cách thực hành những chuyện nhỏ nhặt này. Bản thân tôi cảm thấy, kỳ thực cha mẹ rất thích con cái ở bên cạnh, đây là một niềm an ủi. Tôi và mẹ cùng sống ở Úc, mỗi buổi tối tôi đều nói chuyện với mẹ. Mẹ tôi nằm trên giường, tôi ngồi bên cạnh cùng bà nói chuyện, có lúc nói mãi thì phát hiện ra mẹ tôi đã ngủ say với nụ cười trên khuôn mặt. Chúng ta nghĩ xem để mẹ sống trong hoàn cảnh ấm áp như vậy thì nhất định ngủ rất ngon giấc, cho nên “sáng phải thăm, tối phải viếng” chúng ta có thể thực hành được. Đặc biệt sau khi cha mẹ tuổi tác đã cao họ đều hy vọng con cái có thể về phụng dưỡng họ. Cái tâm này chúng ta có thể tưởng tượng ra được, bởi vì khi chúng ta buồn khổ hoặc là thân thể không khỏe có phải chúng ta rất mong có một người ở bên cạnh để an ủi hay không? Nếu chúng ta cũng muốn như vậy thì vì sao chúng ta không dùng cách này để đối xử với cha mẹ mình? Tâm hiếu được dưỡng thành từ chính những việc nhỏ nhặt này.

Rất nhiều người lơ là những việc nhỏ, họ cho rằng tôi có tâm hiếu với cha mẹ là được rồi. Trên sự, làm việc lớn không cần để ý những chuyện nhỏ nhặt, chuyện nhỏ không làm cũng không sao. Thế nhưng phải biết, nếu chuyện nhỏ cũng không làm tốt thì làm sao bạn có thể tận tâm tận lực làm việc lớn được chứ? Trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử nói với chúng ta rằng: “Đài cao chín tầng được xây lên từ đống đất nhỏ, lộ trình ngàn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”. Bạn xây lầu cao nhà lớn đều phải dùng đất đá từ từ bồi đắp lên, một hạt cát một viên gạch đều là một phần không thể tách rời của tòa nhà chín tầng, vậy thì làm sao có thể xem nhẹ nó được chứ? Lộ trình ngàn dặm, tức là đi xa thì bạn cũng phải đi từng bước một, không thể một bước mà nhảy tới được. Cho nên không nên cho rằng đây là chuyện nhỏ nên không làm, “đừng cho thiện nhỏ mà không làm, đừng cho ác nhỏ mà cứ làm”.

Xin xem câu tiếp theo: “Đi phải thưa, về phải trình”. Chữ “thưa” này âm cổ đọc là “cố”, ý câu này là làm con cái khi ra khỏi nhà thì nhất định phải thưa với cha mẹ một tiếng rằng: “Thưa cha mẹ, con xin đi trước ạ”; sau khi về nhà cũng nhất định phải báo với cha mẹ một tiếng “con về rồi ạ”. Những việc này không chỉ là lễ phép với cha mẹ mà đó là thể hiện của hiếu tâm, vì sao? Bởi vì câu này dạy chúng ta trong tâm thường có cha mẹ. Trong tâm thường có cha mẹ thì tự nhiên có thể làm được hành động “đi phải thưa, về phải trình”. Nếu như trong tâm không có cha mẹ mà chỉ nghĩ đến việc của mình thì làm sao họ có thể nhớ trước khi rời khỏi nhà cần chào cha mẹ, hoặc khi trở về là báo cáo với cha mẹ?

 Câu này mở rộng ra chúng ta có thể biết, nếu trong tâm có cha mẹ thì sẽ thường thăm hỏi cha mẹ để cha mẹ an lòng. Đặc biệt là người không sống cùng cha mẹ, có thể bạn ở bên ngoài đi du học, làm việc, đi công tác, đi du lịch v.v. Bạn sống xa nhà thì cha mẹ sẽ luôn nhớ nhung bạn. Cha mẹ nhớ nhung con cái cũng là một loại thiên tánh, chẳng ai dạy mà là tự nhiên họ thương nhớ con cái. Đây là một tình yêu tự nhiên, tình yêu thương thuộc về thiên tánh. Chúng ta cũng nên báo đáp cha mẹ giống như vậy. Nếu sống ở bên ngoài cũng nên thường gọi điện hỏi thăm cha mẹ, báo cáo với cha mẹ một số tình hình của mình về cuộc sống, công việc, sức khỏe để cha mẹ an lòng.

Tôi nhớ khi tôi rời xa cha mẹ đến Mỹ du học, thật sự là cách xa ngàn trùng. Cha mẹ chỉ có mình tôi là con một, 22 tuổi tốt nghiệp đại học đến Mỹ du học. Trong thời gian du học, mỗi tuần tôi nhất định gọi một cuộc điện thoại đường dài về cho cha mẹ, cứ hai tuần lại viết cho cha mẹ một bức thư dài để báo cáo với cha mẹ [tình hình] học tập cuộc sống của mình để cha mẹ yên tâm. Đặc biệt là gọi điện thoại nói chuyện với cha mẹ thường quên thời gian, gọi một cuộc điện thoại nói chuyện một, hai giờ là chuyện thường xuyên. Viết một bức thư cũng là thao thao bất tuyệt, viết 5 - 6 trang, 6 - 7 trang là chuyện nhỏ. Cha mẹ có thể biết chúng ta ở nước ngoài du học chăm chỉ tiến bộ thì họ cũng rất yên tâm. Có rất nhiều bạn ở nước ngoài du học có một câu nói dí dỏm là “năm thứ nhất thường nhớ cha mẹ, năm thứ hai thì ít hơn, năm thứ ba thì quên luôn cha mẹ”. Chúng ta ra ngoài, dường như học sinh nước ta đến Mỹ du học năm thứ nhất còn chân thật, rất nhiều thứ không biết, năm thứ hai đều biết hết rồi, năm thứ ba thì cha mẹ cũng quên luôn. Như vậy thì đạo đức sẽ bị tổn giảm, bạn nghĩ xem học nghiệp và sự nghiệp của họ làm sao có thể thuận lợi được?

Câu này có thể mở rộng ra trên nhiều phương diện, chúng ta không chỉ có thái độ “đi phải thưa, về phải trình” với cha mẹ, mà trong công ty làm việc cũng phải có thái độ này đối với lãnh đạo. Lãnh đạo và chúng ta là quan hệ quân thần, người xưa gọi là quân thần tức là chỉ quan hệ giữ người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Quan hệ quân thần là “quân nhân thần trung”, chúng ta phải có tâm trung thành đối với lãnh đạo. Tâm trung thành từ đâu sanh ra? Bởi vì ở nhà chúng ta đã dưỡng thành tâm hiếu đối với cha mẹ, trung và hiếu là một tâm không phải hai tâm. Ở nhà họ có thể hiếu thuận cha mẹ thì tự nhiên ở công ty có thể trung thành, có trách nhiệm với ngành nghề của mình. Cho nên người xưa thường nói “trung thần xuất thân từ người con hiếu thảo”. Hiếu là một tiêu chuẩn mà người xưa dùng để tuyển chọn người tài, tuyển chọn người làm quan. Ngoài hiếu ra còn có liêm, “cử hiếu liêm” chính là ý như vậy. Họ có thể hiếu thuận cha mẹ thì có thể trung thành với tổ quốc, có thể yêu thương nhân dân, cộng thêm bản thân liêm khiết, tuân thủ pháp luật, không tham ô, không nhận hối lộ, đời này họ thực sự có thể làm những việc tốt cho đất nước nhân dân.

 Cho nên bạn xem chúng ta trung thành với lãnh đạo thì trong những vấn đề cụ thể biểu hiện ra là lúc nào cũng xin ý kiến và báo cáo với lãnh đạo. Bởi vì có những việc chúng ta chưa chắc đã hiểu được kế hoạch của lãnh đạo, trong lúc làm việc nếu cứ dựa vào ý kiến của mình thì có thể sẽ xảy ra sai lầm. Cho nên thường bàn bạc thảo luận với lãnh đạo thì tự nhiên làm việc sẽ phù hợp với phương hướng chung của cả đoàn thể đơn vị.

Cậu tôi ở trong nước làm kỹ sư cao cấp, cũng là một trưởng phòng lãnh đạo về ngành đường sắt, hiện nay đã nghỉ hưu rồi. Trong lúc nói chuyện, cậu thường kể cho chúng tôi nghe về những trải nghiệm trong cuộc đời của cậu, cậu kể với chúng tôi rằng: “Làm việc có một điều quan trọng là trước khi làm phải xin ý kiến của lãnh đạo, sau khi làm phải báo cáo lại với lãnh đạo. Xin ý kiến trước khi làm có thể bảo đảm công việc làm đúng theo phương hướng của lãnh đạo, báo cáo sau khi làm xong có thể làm lãnh đạo an tâm.” Đương nhiên chúng ta làm như vậy không phải vì lấy lòng lãnh đạo mà thật sự hy vọng giúp đơn vị có thể đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt công việc cần làm, đây là một thái độ có lòng trách nhiệm, một sự trung thành. Chúng ta hiểu được, hy vọng quan hệ giữa người với người có thể hài hòa, thì nên thảo luận nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn. Đây cũng là ý nghĩa của “đi phải thưa, về phải trình”. Khi chúng ta thường thảo luận bàn bạc thì rất nhiều chướng ngại, rất nhiều những hiềm nghi trong lòng tự nhiên được hóa giải.

Bạn xem lão Pháp sư của chúng ta đã có những cống hiến rất lớn trong việc đoàn kết tôn giáo ở Singapore. Ngay đến Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc nói chuyện với giới truyền thông trước công chúng đã vô cùng tán thán sự cống hiến của lão Pháp sư đối với việc hài hòa tôn giáo ở Singapore. Bởi vì sau khi lão Pháp sư đến Singapore trong vòng ba năm thật sự đã đoàn kết chín tôn giáo lại với nhau, khiến chín tôn giáo lớn ở Singapore giống như người một nhà vậy. Ngài đã dùng phương pháp gì vậy? Chính là đối với chín tôn giáo thường giao lưu, thường nói chuyện, bố thí nhiều, cùng dường nhiều, khiến khoảng cách, những hiềm nghi, những điều không hiểu rõ giữa các tôn giáo đều được hóa giải, tự nhiên họ liền tin tưởng nhau, cùng chung sống hài hòa, thậm chí có thể đoàn kết hợp tác. Ví dụ, một tôn giáo họ cần tiền để làm từ thiện thì một tôn giáo khác có thể quyên góp tiền để giúp đỡ họ, ở Singapore có thể làm được điều này.

Xin xem câu tiếp theo “Ở ổn định, nghề không đổi”. Trên mặt chữ câu này có nghĩa là nơi chúng ta sinh sống phải cố định, không được thường chuyển nhà. “Nghề không đổi” tức là sự nghiệp, nghề nghiệp của chúng ta cũng không được thường thay đổi. “Ở ổn định” không chỉ là nhà ở không được thường thay đổi, bởi vì nhà có biến động thì tâm người sẽ không an định. Trước đây khi tôi ở Mỹ, rất nhiều bạn người Mỹ nói với tôi rằng, họ sợ nhất là chuyển nhà, vì sao? Hễ chuyển nhà là giống như lột một lớp da vậy, quá vất vả. Bởi vì bạn vừa chuyển nhà thì sẽ liên quan đến bán nhà, mua nhà, bạn chuyển đến một nơi mới, mua một căn nhà mới, phải liên lạc với công ty chuyển nhà để chuyển đồ dùng đi, sau đó bản thân phải đóng gói chỉnh lý, đến nơi mới lại phải mở ra, điều này thật sự rất mệt, hao tốn rất nhiều thời gian, tinh lực. Đương nhiên bạn thực sự muốn tiến đức tu nghiệp, hạ công phu trên học vấn, đức hạnh mà thường chuyển nhà thì sẽ tạo thành khó khăn. Bởi vì nhà ở ổn định sẽ giúp tâm người có thể an định, rất nhiều việc khi con người an định, tâm định tự nhiên có thể dễ dàng thành công. Chúng ta nghiên cứu học vấn, nhất định phải hiểu được tu định, an trụ ở một nơi, không động thì học vấn sẽ nâng cao rất nhanh. Nếu luôn thay đổi, thường chuyển tới chuyển lui thì học vấn rất khó thành tựu.

Trừ khi bạn là người tái lai, bạn đã tu thành tựu rồi, gặp hết thảy cảnh giới tâm của bạn đều không khởi phân biệt, không chấp trước, hoàn cảnh không ảnh hưởng tới bạn, vậy thì bạn có thể xem nhẹ chuyện này. Vậy bạn là gì? Bạn thường sống ở trong định rồi, không vì hoàn cảnh bên ngoài thay đổi mà tâm bị dao động, như vậy thì có thể chuyển nhà. Thông thường người sơ học vừa nhập môn thì làm sao có thể làm được điều này? Cho nên, nhất định phải thông qua chỗ ở ổn định để đạt được tâm an định, khi tâm an định, việc cần làm tự nhiên bạn sẽ làm được. Như cha mẹ già rồi, bạn muốn tận hiếu với cha mẹ bạn cũng không thể thường chuyển nhà, bạn phải thường ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ. “Ở ổn định” cũng có thể giải thích là trong cuộc sống thường ngày của chúng ta phải có quy luật, cuộc sống có quy luật là một nhân tố quan trọng giúp một người khỏe mạnh. Dậy sớm ngủ sớm, không được thường thức đêm. Bạn xem HongKong nơi này có thể nói là thành phố không có ban đêm, rất nhiều người ban đêm không ngủ, đến sáng cũng không dậy. Như vậy thì quả thực có rất nhiều việc đều không làm được.

Tăng Quốc Phiên tiên sinh là một vị quan lớn thời nhà Thanh, đây là một vị quan người Hán vô cùng tài giỏi. Thời nhà Mãn Thanh mà một người Hán có thể làm đến chức quan cao như ông, làm đến tổng đốc bốn tỉnh, đó là điều rất hiếm có. Trong bài văn khuyên dạy con cháu mình, ông đã viết: Con người nhất định phải dậy sớm, có thói quen dậy sớm thì gia đình sẽ có chánh khí. Một người có thể dậy sớm ngủ sớm thì tinh thần của họ sẽ vô cùng tốt. Nếu như là cú đêm, ban đêm không ngủ thì sắc mặt xanh xao rất khó coi. Bạn nghĩ xem họ có thể dậy sớm ngủ sớm thì họ sẽ hấp thu được dương khí, chúng ta nói là cùng đồng bộ với trời, cùng hoạt động với trời. Họ hấp thu dương khí thì tự nhiên tinh thần sẽ vô cùng tốt, tinh lực sung mãn, làm việc rất có hiệu quả. Hoạt động trái ngược với trời, buổi tối không ngủ, buổi sáng không thức dậy, như vậy thì người này âm khí rất nặng. Chúng ta nhìn sắc mặt người đó thì thấy một luồng âm khí, như vậy thì tinh thần sẽ không đủ. Người xưa nói “tinh thần đầy đủ ắt sanh trí huệ”. Một người tinh thần, thể lực, tinh lực đầy đủ thì trí huệ của họ sẽ dễ sanh ra. Một người rất mệt mỏi, tinh thần không đủ thì sẽ khó sanh trí huệ.

Như khi tôi học Trung học, từ nhỏ mẹ tôi đã yêu cầu cuộc sống hằng ngày của tôi rất nghiêm khắc, yêu cầu cuộc sống của tôi phải có quy luật, dậy sớm ngủ sớm, vì sao? Bởi vì bản thân bà đã làm như vậy, bà đạt được lợi ích, cho nên bà yêu cầu tôi cũng phải làm như vậy. Buổi sáng thức dậy phải ra ngoài tập luyện thân thể, hiện nay mẹ tôi đã tập thành thói quen sáng thức dậy là ra công viên tập thể dục. Buổi sáng thức dậy, hiện nay thông thường bốn giờ là bà thức dậy, sau đó ra công viên, rồi về ăn chút đồ. Bà thực hành công phu sáng tụng Kinh, lạy Phật xong rồi thì thường ra công viên đi bộ một giờ, [sau đó] trở về ăn cơm sáng, ăn xong cơm sáng vẫn chưa đến tám giờ. Cho nên bà có rất nhiều thời gian, tinh lực cũng rất tốt, tinh thần thể lực thật sự như thanh niên vậy. Đạt được điều này là do cuộc sống có quy luật trật tự. Từ nhỏ tôi cùng làm với mẹ nên tự nhiên tập thành thói quen cuộc sống có quy luật, trật tự.

Sau này khi tôi học Trung học, tôi học ở trường Trung học trực thuộc trường Đại học sư phạm Hoa Nam Quảng Châu. Đó là trường Trung học hạng nhất của toàn tỉnh, trường Trung học hạng nhất của tỉnh Quảng Đông, trong các kỳ thi tuyển sinh Đại học hằng năm có thành tích tốt nhất trong toàn tỉnh. Sau sáu năm học ở đó, bây giờ nghĩ lại, khi học Trung học, nguyên nhân thời học Trung học có thành tích như vậy là do đâu? Kỳ thực một nguyên nhân rất quan trọng là ở quy luật sinh hoạt trong trường. Bởi vì chúng tôi đi học đều ở trong trường, nội trú ở trong trường, chỉ có cuối tuần mới về nhà, bình thường đều ở trường. Buổi sáng trường quy định chưa đến sáu giờ phải thức dậy, sau đó đến bãi tập rèn luyện thân thể, tập thể dục buổi sáng, ăn cơm sáng, sau đó đi học, buổi trưa quay về nghỉ ngơi, buổi chiều lại đi học. Sau khi tan học trường quy định nhất định phải đến bãi tập để tập thể dục, đánh bóng, bơi lội, buổi tối tự học. Đương nhiên không được xem truyền hình, mười giờ nhất định phải tắt đèn đi ngủ, nếu không ngủ thầy cô bắt được sẽ bị phạt. Ép bạn bài tập ngày hôm nay nhất định hôm nay phải hoàn thành không được kéo dài sang ngày mai, cũng không được thức đêm, ép bạn thì thành tích sẽ nâng cao. Cho nên học sinh trường Trung học trực thuộc Đại học sư phạm Hoa Nam ai cũng thân thể khỏe mạnh, tinh thần tốt, học tập tốt. Một nhân tố thành công quan trọng là do việc họ “ở ổn định”, sinh hoạt có quy luật.

“Kinh Dịch” nói: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, người quân tử cần phải học theo trời, trời vận động rất có quy luật. Ban ngày, lúc cần sáng thì trời liền sáng, lúc mặt trời cần lên thì nó phải lên, lúc cần xuống núi thì nó liền xuống núi, thời khóa biểu này vô cùng chính xác. Quân tử học tập theo sự thường hằng của trời, lấy việc sinh hoạt có quy luật để tu học, dưỡng thành một tâm thái thường hằng thì tự nhiên họ có thể tự cường không nghỉ. Tự cường không nghỉ không phải bảo bạn phải tinh tấn ban đêm cũng không ngủ, cũng không ăn cơm, như vậy thì quá khắc khổ. Trong Kinh Phật nói: Phật cũng không khích lệ việc khổ hạnh quá mức, như vậy thì họ không thể duy trì được lâu dài. Người thật sự duy trì được lâu dài là như thế nào? Là có tư tưởng trung dung, trung là không thiên lệch, dung là thường hằng, kiên trì bền bỉ, đây là tiến bộ nhanh nhất. Nếu có thái độ gấp gáp muốn thành công thì phải biết “dục tốc tắc bất đạt”, tu hành học Phật cũng phải có tâm thái như vậy.

Như khi niệm Phật bạn không nên nôn nóng, rất nhiều người niệm Phật họ nhất định phải gặp Phật, nhất định phải vãng sanh. Đương nhiên tâm nguyện này khiến chúng ta rất kính phục, nhưng nếu họ quá nóng vội, thì tâm vẫn chưa được thanh tịnh. Niệm A Di Đà Phật quan trọng là phải niệm đến tâm thanh tịnh, lúc nào Phật đến tiếp dẫn bạn cũng không cần gấp, bạn cứ nhẫn lại mà niệm, đến giờ thì A Di Đà Phật sẽ tiếp dẫn bạn, bạn đừng nóng vội. Bạn nóng vội chứng tỏ niềm tin của bạn đối với A Di Đà Phật vẫn chưa đủ, niềm tin đầy đủ thì bạn cứ vậy cố gắng mà niệm. Tôi một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ, khi nào A Di Đà Phật đến đó là việc của A Di Đà Phật, bây giờ tôi chỉ cố gắng niệm Phật đợi Ngài đến là được, nhất định không được nôn nóng.

Tiếp theo là “nghề không đổi”, đây là nói nghề nghiệp, sự nghiệp của chúng ta không được thường thay đổi. Bởi vì chúng ta giữ trọn bổn phận nghề nghiệp của mình thì trong tâm sẽ rất định, tâm định thì trí huệ sanh. Bạn xem trong nhà Phật nói “giới định huệ”, từ giới mà sanh định, từ định mà sanh huệ. Nếu sự nghiệp nghề nghiệp luôn thay đổi, người hiện đại luôn thay đổi công việc vậy thì tâm họ sẽ không định. Vì sao họ luôn chuyển việc? Bởi vì truy cầu danh lợi, tâm truy cầu danh lợi thì tự nhiên không tương ưng với đạo. Chúng ta đã chọn ngành, chọn nghề rồi, nếu đã chọn thì không nên thay đổi, cho nên lúc chọn lựa nhất định phải thận trọng. Bạn xem tục ngữ có nói “nam sợ chọn sai nghề, nữ sợ gả lầm chồng”, lựa chọn nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Lựa chọn nghề nghiệp cần lấy việc chọn những nghề chính đáng làm tiêu chuẩn, nhất định không làm những việc tổn hại đến lợi ích đại chúng xã hội và chúng sanh. Phật Pháp gọi là chánh nghiệp, những nghề không chính đáng thì không được làm. Ví dụ như nghề sát sanh, nghề bán heo dê, bán thịt đều có liên quan đến sát sanh, những nghề này đều không tốt, đó là nghề tạo nghiệp.

Phàm là việc không tương ưng với thập thiện nghiệp [thì không nên làm như] nghề sát sanh, nghề trộm cắp. Hiện nay nghề trộm cắp rất nghiêm trọng, thường có sách lậu, làm sách lậu cũng thuộc về hành vi trộm cắp. Còn có nghề tà dâm, nghề vọng ngữ, nghề vọng ngữ là gì? Thường lừa gạt người để đạt được lợi ích. Những nghề này có rất nhiều, tôi xin lấy một ví dụ, ví dụ một luật sư lên tòa án, họ không thật sự làm việc vì pháp luật, không biện bạch cho người vô tội mà nói những đạo lý không chính xác, biến phi lý thành hợp lý, cái họ cần chính là phí luật sư, đây thuộc về vọng ngữ. Bởi vì phải biết luật sư là một ngành nghề bảo vệ pháp luật, họ là Thần Thánh, nếu dùng tư tâm, tâm mưu lợi để làm nghề này thì chính là vọng ngữ, tạo tội nghiệp rất nặng. Ỷ ngữ, ỷ ngữ là gì? Như rất nhiều phương tiện truyền thông hiện nay họ nói rất nhiều chuyện khiến mọi người khởi tà tư, khởi ác niệm, khởi xung đột, những điều này đều thuộc vào ngành nghề không chính đáng. Cho nên việc lựa chọn ngành nghề vô cùng quan trọng, sau khi đã chọn ngành nghề cố định rồi thì không thay đổi. Bởi vì thực sự muốn gây dựng sự nghiệp của mình, thật sự muốn lập gia, lập nghiệp thì nhất định phải kiên trì bền bỉ. Bạn chọn nghề chính đáng cộng thêm sự kiên trì bền bỉ thì đời này nhất định có thành tựu. Người thế gian họ làm sự nghiệp thế gian đều là như vậy. Ví dụ một người nghiên cứu học vấn hoặc là nghiên cứu khoa học, nhà khoa học kiên trì bền bỉ thì họ nhất định có thể có những phát hiện khoa học quan trọng. Nếu luôn thay đổi, đổi nghề, đổi khóa mục như vậy thì rất khó thành tựu.

Tôi dạy tài chính trong trường Đại học, khi hướng dẫn các sinh viên học tiến sĩ tôi đều nói với họ rằng: Về học thuật nếu bạn thực sự muốn nhanh chóng nâng cao trình độ thì khi chọn đề mục nghiên cứu bạn nhất định phải có tâm kiên trì bền bỉ. Giáo sư hướng dẫn có thể giúp bạn chọn lựa chủ đề nghiên cứu hay, sau khi lựa chọn xong thì bạn phải nhất môn thâm nhập đi sâu vào nghiên cứu, không nên thay đổi, không được nản lòng, cuối cùng bạn sẽ có thể đạt được thành tích cao. Ngành nghề ở thế gian còn phải như vậy, nghề học Phật, học Phật là lập đạo nghiệp thì càng phải “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Lão Pháp sư thường dùng tám chữ này để khuyên dạy chúng ta. Người học giáo cần chọn một bộ Kinh, nền tảng đức hạnh căn bản của chúng ta là "Đệ Tử Quy", “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, những đức hạnh căn bản đều làm được rồi thì bạn chọn một bộ Kinh nhất môn thâm nhập, giảng đi giảng lại, học đi học lại thì bạn có thể khai ngộ trên bộ Kinh này. Người niệm Phật niệm một câu Phật hiệu cần phải một lòng một dạ mà niệm, đoạn vọng tưởng phân biệt chấp trước của chính mình, không phân biệt, không xen tạp, không gián đoạn thì niệm Phật nhất định có thể thành tựu.

Bây giờ đã hết thời gian, chúng ta nghỉ năm phút trước, sau đó sẽ tiếp tục cùng mọi người thảo luận "Đệ Tử Quy". Cảm ơn mọi người, A Di Đà Phật!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 113


Hôm nayHôm nay : 18007

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 542085

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 56603784

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.