Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 42)
Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang bốn mươi bốn. Mời xem Kinh văn:
“PHI ĐẢN NHỮ ĐỘC HỘ THỊ NHÂN CỐ, DIỆC HỮU THÍCH PHẠM QUYẾN THUỘC, CHƯ THIÊN QUYẾN THUỘC ỦNG HỘ THỊ NHÂN”
(Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Đế Thích, quyến thuộc của chư Thiên ủng hộ người đó)
Kinh văn là tiếp theo phần trước. Kiên Lao Địa Thần hộ trì, cúng dường cho người chuyển độc, dựa theo phương pháp, lý luận của bản Kinh này tu hành. Thế Tôn ở chỗ này là nói cho chúng ta biết, không chỉ là có địa thần hộ pháp, hộ trì. “Thích Phạm”. “Thích” là vua trời Đế Thích. Người Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế. Ở trong tôn giáo nước ngoài gọi là Thượng Đế, Chúa Trời. Phạm là Đại Phạm Thiên Vương. Những vị thiên vương và những vị thiên thần này, chữ “Quyến thuộc” đều là thuộc về thiên thần, không có người nào không ủng hộ người này. Người này là người như thế nào? Ở trang thứ bốn mươi hai phía trước: “Nhược vị lai thế trung hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân cúng dường Bồ Tát, cập chuyển độc thị Kinh. Đản y Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh, nhất sự tu hành giả” (Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Địa Tạng Bồ Tát cùng đọc tụng Kinh điển này, chỉ có thể tu hành theo một việc mà trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã dạy), chính là loại người này. Chữ vị lai thế trong Kinh văn chính là chỉ chúng ta hiện nay. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa giảng Kinh nói vị lai thế, nói Mạt Pháp là chỉ thời đại hiện nay của chúng ta. Mấu chốt là chữ “Thiện”, thiện nam tử, thiện nữ nhân, chữ thiện là một tiêu chuẩn. Người như thế nào mới có thể gọi là thiện? Tiêu chuẩn đơn giản nhất, trong “Quán Kinh” nói Tam Phước. Ở trong tổng kết Thế Tôn nói cho chúng ta biết đó là “Tịnh nghiệp chánh nhân của tất cả ba đời chư Phật”. Ở trong phước thứ nhất đã nói cho chúng ta bốn câu: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, từ tâm không giết hại, tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu này thảy đều làm được mới gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân, đây là mức thấp nhất của chữ “Thiện”. Nếu như không làm được bốn câu này thì không thể gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân được. Đây là điểm chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, phải hiểu rõ. Tại sao chúng ta đọc Kinh, tu hành theo phương pháp của Kinh điển, mà kết quả thu được không giống như trong Kinh nói, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Đều ở trên một chữ này. Trong Kinh nói rất rõ ràng, thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nếu không phải thiện nam tử, thiện nữ nhân mà dựa theo phương pháp này tu hành thì quả báo sẽ kém đi rất nhiều, không có thù thắng được như vậy, đây là điều nhất định phải hiểu.
Tối hôm qua, chúng tôi đọc thấy trong "Kinh Hoa Nghiêm", “Vua cõi trời Ba Mươi Ba”, đại biểu cho Bồ Tát sơ địa, hoan hỷ địa. Vua cõi trời Ba Mươi Ba chính là vua trời Đao Lợi. Ngài đại biểu cho ý gì vậy? Ngũ giới thập thiện. Hay nói cách khác vẫn là phước thứ nhất ở trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy tổ, dùng tâm đại từ bi tu thập thiện nghiệp đạo, đây là hoan hỷ địa. Nếu như chúng ta không thể y giáo phụng hành, ngay cả tiêu chuẩn thiện nam tử, thiện nữ nhân thấp nhất chúng ta cũng không thể đạt được. Cả đời học Phật chỉ có thể nói là kết thiện duyên với Phật mà thôi. Có thể thành tựu hay không? Không thể thành tựu. Thành tựu thù thắng nhất cũng chẳng qua là đời sau được phước báo nhân thiên, không có cách gì liễu sanh tử, ra khỏi luân hồi được, đạo lý này nhất định phải hiểu. Trong Kinh, tất cả Kinh luận đều nói chữ “Thiện”, chúng ta nhất định phải nghiêm túc học tập, phải đạt được tiêu chuẩn “Thiện” trong Kinh điển. Quả báo ở trong đây nói quá thù thắng rồi. Tiêu chuẩn như thế này có thể thu được quả báo thù thắng như vậy không? Không thể. Tại sao vậy? Cái thiện này của bạn là vừa mới đạt đến tiêu chuẩn. Đây là thiện sơ cấp, thiện nhỏ. "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện" là Kinh Đại Thừa, không phải là Kinh Tiểu Thừa. Cho nên tiêu chuẩn của chữ Thiện này còn phải nâng cao lên nữa. Phước thứ hai trong Tam Phước là: “Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”. Cái này cao hơn phía trước nhiều rồi, đây là thiện Nhị Thừa, là thiện của A La Hán và Phật Bích Chi. Họ tu hành có thể được quả báo này hay không? Vẫn không thể, vẫn thiếu một khoảng. Nâng cao lên nữa là thiện Đại Thừa, còn phải thêm: “Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Đó chính là tiêu chuẩn của thiện ở chỗ này. Bạn dùng thiện tâm, thiện hạnh như vậy cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, chuyển đọc "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện", dựa theo lý luận, phương pháp của Kinh điển này mà chuyên tu, chuyên hoằng. “Một việc tu hành” là chuyên tu chuyên hoằng. Bạn mới có thể được Kiên Lao Địa Thần ủng hộ, bạn mới có thể được thiên thần, vua trời Dục Giới, vua trời Sắc Giới ủng hộ. Họ dựa vào cái gì để ủng hộ bạn vậy? Bởi vì bạn là Bồ Tát. Thiện nam tử, thiện nữ nhân không phải người khác, là Bồ Tát. Họ sao có thể không ủng hộ được? Tam Phước, bạn làm được điều thứ nhất thì bạn chỉ là người thiện thế gian, tất cả thiện thần trong cõi trời Dục Giới sẽ phù hộ bạn, thần thổ địa ở nơi này của bạn sẽ phù hộ bạn. Kiên Lao Địa Thần là tổng địa thần của toàn thế giới, không cần ông đến, ông phái vài vị thổ địa nhỏ đến là đủ rồi. Nếu như thiện của bạn đạt đến thiện Nhị Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, bạn đã không phải là phàm phu rồi. Ở trong Tiểu Thừa bạn đã nhập vào dòng Thánh rồi, là bạn có thể cảm được thiên thần đến ủng hộ bạn, những vị Thiên Vương này tôn kính, thiên thần ủng hộ bạn. Bạn là Bồ Tát, thì Thiên Vương cũng tôn kính bạn, ủng hộ bạn.
Phần trước Kiên Lao Địa Thần cũng đã nói rồi, lời trong “Kinh Quang Minh” ở trong chú giải nói, tức là hàng sau cùng, trang thứ bốn mươi ba của chú giải, bắt đầu xem câu sau cùng: “Kiên Lao Bạch Phật ngôn” (Kiên Lao Địa Thần bạch cùng đức Phật rằng:). Kiên Lao Địa Thần là tổng địa thần của toàn thế giới, không phải địa thần phổ thông. “Thuyết pháp Tỳ Kheo, tọa pháp tòa thời, ngã thường trú dạ vệ hộ bất ly, ẩn tế kỳ hình, tại pháp tòa hạ, đỉnh tải kỳ túc” (Khi tỳ-kheo thuyết pháp, lúc ngồi trên pháp tòa, ngày đêm tôi thường hộ vệ chẳng rời khỏi, ẩn hình dưới pháp tòa, đầu đội phía dưới chân vị ấy). Cho nên cái này không phải thiện nhỏ mà có thể cảm được. Địa vị của Kiên Lao Địa Thần còn cao hơn cả vua Diêm La. Vua Diêm La là thống trị một nước, là một quốc gia. Kiên Lao Địa Thần là thống trị thế giới này. Thế gian này của chúng ta vẫn chưa có, khi toàn thế giới thống nhất rồi thì vị quốc vương đó mới là Kiên Lao Địa Thần. Kiên Lao Địa Thần ở dưới chỗ ngồi của bạn, đầu Ngài đội chân của bạn. Bạn có phước báo bao lớn! Cho nên thiện nam tử, thiện nữ nhân đó là thiện lớn chứ không phải thiện nhỏ. Thiện nhỏ cảm được vị thổ địa nhỏ, đầu đội dưới chân của bạn, bạn đã là rất tuyệt vời rồi. Thổ địa nhỏ là trưởng làng, trưởng thôn. Cho nên từng câu từng chữ trong Kinh nói, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của nó thì mới không đến nỗi sinh ra hiểu lầm. Từ đó cho thấy, bạn không phát tâm lớn làm sao được? Bồ Tát khác với phàm phu là tâm lượng lớn. Quý vị tham gia rất nhiều pháp hội Phật sự, đọc sớ văn vừa mở đầu đều đọc là: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”. Ý nghĩa của hai câu nói này là gì vậy? Chính là phát tâm Bồ-đề. Vừa phát tâm Bồ-đề thì tâm lượng đó chính là hư không pháp giới. Người tâm lượng rất nhỏ, chưa phát tâm Bồ-đề, tâm đó của bạn là mê. Bồ-đề là giác ngộ. Tâm giác là tận hư không, khắp pháp giới. Lượng chu sa giới. Lượng lớn phước lớn. Cảm động được chư thiên, thiên vương, thiên thần đến ủng hộ bạn, cảm động được Kiên Lao Địa Thần dùng đỉnh đầu mà đội chân của bạn, cung kính đối với bạn như vậy. Đoạn này trong chú giải rất quan trọng, chúng ta hãy đọc qua nó một lượt.
“Sơ cú, vị bất đản nhữ địa thần độc hộ” (Câu đầu, nói rằng không phải chỉ riêng mình địa thần ông ủng hộ người ấy). Đây là lời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chữ Nhữ là chỉ Kiên Lao Địa Thần. Nói người cúng dường, đọc Kinh, y giáo tu hành này, không những là một mình địa thần ông đến hộ trì người ấy. Ngài phát nguyện hộ trì họ. “Nhược quả như thượng tu vi” (Nếu như bạn có thể tu hành như trên). “Nhược” là lời nói giả thiết. Thật sự bạn có thể y giáo tu hành như lời trong Kinh nói. Hiện nay nói là bạn thực hiện rồi, bạn đã có thể làm được nó rồi, thì sẽ được nhiều người hộ trì. “Diệc hữu Thích Phạm chư thiên quyến thuộc giai lai ủng hộ” (Cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Đế Thích, quyến thuộc của chư Thiên ủng hộ người đó). Bên dưới Đại sư Thanh Liên trích dẫn Kinh điển để chứng minh câu nói này. “Như Tứ Thiên vương bạch Phật ngôn:” (Như Tứ Thiên vương bạch cùng đức Phật rằng). Đây là Tứ Đại thiên vương cõi trời Dục Giới. “Thị nhân nhược đắc văn thị Kinh điển, năng đắc vị lai, hiện tại chủng chủng vô lượng công đức. Ngã đương ẩn tế, bất hiện kỳ thân. Vị thính pháp cố, đương chí sở chỉ giảng pháp chi xứ” (Nếu người đó được nghe Kinh điển này sẽ được vô lượng công đức trong hiện tại, vị lai. Vì để nghe pháp, tôi sẽ tới chỗ đang giảng pháp, ở lại đó, nhưng ẩn hình không hiện thân). Đây là nói rõ Tứ Đại thiên vương. Khi Tỳ Kheo thăng tòa giảng Kinh, thì Tứ Đại thiên vương sẽ dẫn đầu bát bộ quỷ thần đến nghe Kinh, nghe pháp, họ đến hộ trì đạo tràng. Ở trong đây quan trọng nhất là bản thân chúng ta phải suy nghĩ xem, chúng ta dựa vào cái gì mà có thể cảm động những vị thiên thần, những vị thần linh hộ pháp này? Dựa vào đức hạnh của mình. Đức gì vậy? Tánh đức của tự tánh. Tánh đức bộc lộ ra, đây là đức hạnh. Bạn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều tương ưng với những gì trong Kinh luận của đức Phật nói. Những gì trong Kinh luận Phật nói đều là bộc lộ ra từ trong tự tánh của Như Lai. Tương ưng với Kinh điển chính là tương ưng với tánh đức của tự tánh, cho nên mới có thể cảm động trời đất quỷ thần, đạo lý là ở chỗ này. Phía dưới lại nói “Đại Phạm thiên vương”, vua cõi trời Sắc Giới, cõi trời Sơ Thiền. “Thích Đề Hoàn Nhân” là thiên chủ cõi trời Đao Lợi. “Đại Biện thiên thần, công đức tôn thiên, Tán Chi quỷ thần, đại tướng quân đẳng, nhị thập bát bộ quỷ thần đại tướng, Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà quỷ thần đại tướng. Quỷ Tử Mẫu cập ngũ bá quỷ tử” (Đại Biện thiên thần, công đức tôn thiên, Tán Chi quỷ thần, đại tướng quân, v.v., hai mươi tám bộ quỷ thần đại tướng, Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà quỷ thần đại tướng. Quỷ Tử Mẫu và năm trăm quỷ con).
Bên dưới là: “Vô lượng bách thiên vạn ức na-do-tha quỷ thần chư thiên, như thị đẳng chúng, vị thính pháp cố, tất tự ẩn tế, bất hiện kỳ thân, chí thị nhân sở chỉ giảng pháp chi xứ” (Vô lượng trăm nghìn muôn ức na-do-tha quỷ thần cõi trời, những vị ấy vì muốn nghe pháp nên phải tự ẩn hình, chẳng hiện ra, và đến đứng ở chỗ người đó giảng pháp). Chúng ta ngày nay chính mình tu học không đạt đến trình độ này, không đạt đến trình độ thượng thiện. Trình độ trung thiện cũng chưa chắc đạt được. Trình độ thấp nhất phải làm được là hạ thiện, là hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy tổ, từ bi tu thiện, đây là trình độ thấp nhất. Trước đây chúng tôi giảng rất nhiều, những băng ghi âm này quý vị có thể làm tham khảo. Ở trong đây có một nguyên tắc chung, tức là dùng chân tâm, tâm chân thành, không lừa dối mình, không lừa dối người khác. “Tất cả phải làm từ trong tâm chân thật”. Bạn mới có thể đạt đến tiêu chuẩn của thiện, bạn mới là thiện nam tử, thiện nữ nhân như trong Kinh nói. Sau cùng Ngài lại nêu ra: “Kim Quang Minh, Phương Đẳng Viên Kinh”. Trong câu này hàm chứa rất nhiều Kinh luận. Viên là Kinh điển Viên Giáo. “Thiên long quỷ thần ủng hộ nhược tư. Huống kim khai hiển tối thượng chi điển” (Thiên long quỷ thần còn ủng hộ như vậy, huống chi nay khai hiển Kinh điển tối cao). Cổ đức thừa nhận câu nói này. "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện" là Kinh điển tối thượng. Hai chữ khai hiển này là cùng một ý nghĩa với “Khai hóa hiển thị chân thật chi tế” mà trong "Kinh Vô Lượng Thọ" nói. Bộ "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện" này cũng là khai hóa hiển thị chân thật chi tế. “Kỳ Phạm Thích thiên đẳng ủng hộ chi lực, hề sĩ cánh ngôn tai” (Sức ủng hộ của các Phạm Thiên, Thích Đề Hoàn Nhơn đâu cần nói thêm). Đâu cần phải nói nhiều nữa? Nhất định sẽ cảm được thiên thần và vua cõi trời Sắc Giới, cõi trời Dục Giới đến ủng hộ. Người phát tâm học giáo, bất kể là tại gia hay xuất gia, người hoằng pháp lợi sinh đều không thể không biết về chân tướng sự thật này. Bạn sáng tỏ, hiểu rõ sự việc này rồi thì phải toàn tâm toàn lực nghiêm túc làm. Nếu như bạn không nghiêm túc, cứ làm công việc này một cách cẩu thả, không những có lỗi với người, mà còn mắc tội với những quỷ thần này. Điều này nhất định phải biết. Ý nghĩa của đoạn Kinh văn này dưới đây còn hay hơn nữa.
“HÀ CỐ ĐẮC NHƯ THỊ THÁNH HIỀN ỦNG HỘ”
(Tại sao lại được các vị Hiền Thánh ủng hộ như thế?)
Trước tiên đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa ra vấn đề này, nhắc nhở mọi người chú ý. Nguyên nhân gì, lý do gì bạn được những vị Thánh Hiền này ủng hộ? Đức Phật nói hai chữ Thánh Hiền, là nói rõ những vị vua trời, thiên thần này, kể cả Kiên Lao Địa Thần, họ không phải là phàm phu, họ là Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian, ở trong lục đạo. Được các Ngài ủng hộ chính là được chư Phật Bồ Tát ủng hộ. Tại sao bạn có thể được ủng hộ? Dưới đây nói:
“GIAI DO CHIÊM LỄ ĐỊA TẠNG HÌNH TƯỢNG, CẬP CHUYỂN ĐỘC THỊ BỔN NGUYỆN KINH CỐ”
(Đều do vì những người ấy chiêm lễ hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát và đọc tụng Kinh Bổn Nguyện này)
“Chiêm lễ” có phải là thờ cúng tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng rồi mỗi ngày cúi lạy, cúng bái không? Mỗi ngày đem "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện" đọc vài lần từ đầu đến cuối phải không? Như vậy là bạn có thể có được lợi ích lớn như thế này sao? Nhớ kỹ câu nói phần trước là chuyên tu chuyên hoằng, y giáo tu hành, vậy mới được. Ở trong “Chiêm lễ” không chỉ là hình thức, mà thấy người hiền muốn học theo, học Bồ Tát Địa Tạng. Nhìn thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, ta phải học theo Bồ Tát Địa Tạng, ta phải noi theo Bồ Tát Địa Tạng. Lấy Bồ Tát Địa Tạng làm khuôn mẫu, hình mẫu học Phật cho bản thân mình. Ta phải học giống y như Ngài vậy, vậy gọi là chiêm lễ. “Chuyển độc” mấu chốt là ở chữ “Chuyển”. Chúng ta ngày này biết đọc mà không biết chuyển. Chuyển là gì vậy? Là chuyển cảnh giới của mình. Trước khi chưa có đọc Kinh thì rất nhiều cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của chúng ta thảy đều sai cả. Bây giờ mở bộ Kinh này ra, sau khi đọc rồi mới hoát nhiên đại ngộ, sáng tỏ rồi, bèn đem tất cả sai lầm chuyển trở lại, giống như Phật Bồ Tát vậy, vậy gọi là chuyển. Chữ chuyển này nói một cách đơn giản là chuyển biến. Bình thường chúng ta thường nói chuyển phàm thành Thánh. Đọc Kinh này nếu bạn biết chuyển thì công đức sẽ rất lớn. Cái chuyển này của bạn không thể coi thường, bạn không phải là vị Thánh nhỏ, không phải A La Hán, không phải Phật Bích Chi, không phải vị Bồ Tát thông thường, mà là Bồ Tát Địa Tạng. Có tưởng tượng nổi không? Cho nên phải thường đọc Kinh, đọc mỗi ngày, chuyển mỗi ngày. Bạn không đọc thì bạn làm sao biết chuyển? Câu “Đọc tụng Đại thừa” ở trong Tịnh Nghiệp Tam Phước này là rất quan trọng, phải đọc mỗi ngày, phải đọc cho thật thuộc, thì lúc khởi tâm động niệm bạn mới có thể chuyển trở lại được, đạo lý là ở chỗ này. Đọc Kinh mà không chuyển cảnh giới được là uổng công rồi. Cho nên mở Kinh điển ra có người biết đọc, có người không biết đọc. Người không biết đọc là đọc cho Phật Bồ Tát nghe, chứ không có liên quan gì đến mình. Người biết đọc là đọc cho chính mình nghe, chứ không liên quan gì đến người khác, nhất định chuyển đổi cảnh giới của mình. Ở trong “Đàn Kinh”, thiền sư Pháp Đạt tụng "Kinh Pháp Hoa", tụng ba nghìn biến mà không khai ngộ. Sau khi ngộ rồi, Ngài rất cảm khái thưa với Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư: “Tuy trước đây mỗi ngày đọc "Kinh Pháp Hoa", đã đọc ba nghìn biến là bị “Pháp Hoa” chuyển. Nay khai ngộ rồi thì chuyển “Pháp Hoa””. Đây gọi là chuyển đọc. Ngài Pháp Đạt đã làm nên một tấm gương tốt rõ ràng cho chúng ta thấy. Đến khi nào bạn có thể chuyển được Kinh mà không bị Kinh chuyển? Bị Kinh chuyển là bạn kẹt ở trong câu Kinh, bạn đọc sách cứng nhắc, bạn không khai ngộ. Bạn chuyển được Kinh là bạn khai ngộ từ trong Kinh. Sau khi ngộ rồi thì từng câu từng chữ đều là sống động, từng câu từng chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Bạn giải thích cho chúng sanh, nói dài nói ngắn, nói sâu nói cạn, không có gì là không tự tại. Cho nên đọc Kinh có phải là tu hành hay không? Là tu hành. Người biết đọc là tu hành, người không biết đọc thì không phải tu hành. Cổ đức dạy chúng ta “Tùy văn nhập quán”, đó là tu hành. Theo những gì đức Phật dạy, thấy quan niệm của chúng ta tương ưng, khế nhập, đây là chân tu, viên tu viên chứng. Ai làm được? Thiện Tài Đồng Tử trong "Kinh Hoa Nghiêm". Bạn thấy Thiện Tài Đồng Tử nghe pháp, mỗi lần tham vấn một vị thiện tri thức thì địa vị của ông nâng cao lên một cấp. Ông tham vấn tỳ kheo Đức Vân là Bồ Tát Sơ Trụ, tham vấn tỳ kheo Hải Vân là Bồ Tát Nhị Trụ, tham vấn tỳ kheo Diệu Trụ là Bồ Tát Tam Trụ, không ngừng đang nâng cao, đến cuối cùng tham vấn Bồ Tát Phổ Hiền. Thập Đại Nguyện Vương của Bồ Tát Phổ Hiền hướng về Cực Lạc, ông thành Phật rồi, quả vị ông chứng được là Phật quả cứu cánh viên mãn. Tại sao ông chứng được? Tùy văn nhập quán. Theo sự khai thị, hướng dẫn của thiện tri thức, ông liền khế nhập cảnh giới.
Ngày nay chúng ta tu học, đã tu mấy chục năm mà vẫn là phàm phu, chưa có chuyển động chút nào cả, khổ là ở chỗ này, niệm niệm vẫn là thuận theo phiền não, vậy làm sao được? Đến khi nào chúng ta có thể chuyển phiền não thành Bồ-đề, bạn có thể thuận theo Bồ-đề, chứ không thuận theo phiền não nữa, thì bạn thành tựu rồi, bạn thành Phật rồi. Cho nên chữ quan trọng nhất ở trong đoạn Kinh văn này là chữ “chuyển”. Xem bạn có biết chuyển hay không? Thật sự có thể chuyển đọc bộ Kinh này, dưới đây là nói quả báo.
“TỰ NHIÊN TẤT CÁNH XUẤT LY KHỔ HẢI, CHỨNG NIẾT BÀN LẠC”
(Tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng được Niết Bàn yên vui)
Đây là nói quả của họ. “Xuất ly khổ hải” (Xa lìa biển khổ), phía trước nó có thêm chữ “tất cánh” (rốt ráo). Nếu như không thêm chữ tất cánh. Xuất ly khổ hải là chỉ lục đạo luân hồi. Thêm vào chữ tất cánh vậy thì không chỉ lục đạo luân hồi, mà bao gồm cả thập pháp giới. Tất cánh xuất ly khổ hải là thoát khỏi thập pháp giới, chứng đại Niết Bàn. Đây là quả vị gì? Mức thấp nhất là Bồ Tát Sơ Trụ Viên Giáo, là Bồ Tát Sơ Địa Biệt Giáo, đây là nói mức thấp nhất. Nhưng thực tế thì sao? Thực tế không phải vậy, không phải địa vị này. Thoát khỏi thập địa mới gọi là tất cánh xuất ly khổ hải. Cũng tức là nói phá sạch vô minh rồi, chứng đại Niết Bàn yên vui của quả vị Như Lai Viên Giáo.
“DĨ THỊ CHI CỐ, ĐẮC ĐẠI ỦNG HỘ”
(Vì thế nên được sự ủng hộ lớn lao)
Đạo lý và nguyên nhân là như vậy, cho nên được các vị chư Phật Như Lai này đến hộ niệm, thiên vương, thiên thần ủng hộ. Chúng ta muốn hỏi, chúng ta có thể làm được hay không? Đương nhiên có thể. Nếu như không thể, thì đức Phật sẽ không nói với chúng ta những lời này. Những gì đức Phật nói, để chúng ta không làm được, vậy chẳng phải là đức Phật bỡn cợt, đùa giỡn hay sao? Vậy thì đức Phật có lỗi rồi. Những gì đức Phật dạy đều là việc chúng ta có thể làm được, vấn đề là bạn có chịu làm hay không. Nếu như bạn chịu làm thì không có chuyện làm không được. Chuyển biến chỉ ở trong khoảng một niệm. Trong đại giáo viên đốn chỉ cần đem ý nghĩ tự tư tự lợi xả sạch, là bạn có thể làm được. Chỉ cần bạn khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sanh. Tất cả ở đây không phải là khu vực này, không chỉ là một quốc gia này, cũng không chỉ một thế giới này, cũng không phải tam thiên đại thiên thế giới này, mà là tất cả chúng sanh tận hư không, khắp pháp giới, bạn mới thật sự làm được tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới, cảnh giới của bạn chuyển trở lại rồi, liền nhập cảnh giới của chư Phật Như Lai. Bạn liền được chư Phật Như Lai hộ niệm, gia trì, trí tuệ đã mở rồi, dứt được phiền não rồi. Làm sao dứt phiền não đây? Bạn phải biết gốc của phiền não là gì? Gốc chính là chấp ngã, tự tư tự lợi, đây là gốc của phiền não. Ngày nay ý nghĩ tự tư của bạn không còn, niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì Phật pháp, niệm niệm vì hư không pháp giới, thì gốc rễ phiền não của bạn sẽ không còn nữa, đâu cần phải đoạn? Không đoạn mà tự nhiên sẽ hết. Phiền não hết rồi, thì trí tuệ Bát Nhã trong tự tánh hiện tiền. Các bạn hằng ngày cầu trí tuệ mà không chịu phát tâm vì tất cả chúng sanh, thì làm sao có trí tuệ được? Sao có thể hiện tiền được? Niệm niệm đều là tự tư tự lợi, đây là chướng ngại lớn. Không những bạn không thể thoát khỏi thập pháp giới, mà còn không thể thoát khỏi lục đạo. Không những không thể thoát khỏi lục đạo mà còn không thể thoát khỏi Dục Giới, bạn nói không gian sống của bạn nhỏ cỡ nào, bạn sống vất vả biết bao! Nguyên nhân gì vậy? Do chấp ngã kiên cố, phân biệt, chấp trước. Chúng ta đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay bị cái này hại, nên chịu cái thiệt thòi này. Tự mình nhất định phải biết, nhất định phải hiểu rõ, buông xả phân biệt, chấp trước, buông xả tự tư tự lợi, thì tiền đồ của bạn là một mảng quang minh, đại tự tại, đại phước đức liền hiện tiền ngay. Chúng tôi cũng đã từng nghe đức Phật nói như vậy ở trong Kinh điển.
Bộ Kinh này hay. Vừa mở đầu đức Phật phóng mây Quang Minh. Thế Tôn nói ra cho chúng ta biết mười loại mây Quang Minh, đó là do tự tánh hiển lộ. Trong đây có đại phước đức, đại kiết tường, đại viên mãn , chỉ cần xả hết một niệm tâm tư lợi, thì bạn sẽ đạt được toàn bộ. Chư Phật Bồ Tát đạt được, vì họ không có tâm tư lợi, họ không có tư dục. Phàm phu chúng ta không thể đạt được là do tư dục chướng ngại kín rồi. Trong Kinh Phật thường nói hai chướng, ba chướng. Hai chướng là phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng chính là dục vọng, tự tư tự lợi. Sở tri chướng chính là thành kiến, là cách nghĩ của chính mình, cách nhìn của chính mình là sở tri chướng. Hai loại chướng ngại này chướng kín tánh đức của bạn khiến nó không thể hiện tiền. Bạn nói đáng tiếc biết bao! Ở trong chú giải có mấy câu nói rất quan trọng. Chúng ta đọc qua một lượt, trang bốn mươi lăm, đếm ngược đến hàng thứ ba, bắt đầu xem từ chữ thứ tư. Đây là nói “Tất cánh xuất ly khổ hải” (Rốt ráo thoát khỏi biển khổ). Ý nghĩa của khổ hải là gì? “Kim chỉ nghiệp hải, khổ hữu vạn đoan” (Nay chỉ biển nghiệp, khổ có muôn mối). Khổ hải mà chỗ này nói là biển nghiệp. Biển nghiệp rất lớn. Bạn tạo nghiệp, bạn tạo nghiệp thiện sẽ có thiện báo, tạo nghiệp ác sẽ gặp ác báo. Thiện báo, ác báo đều không tự tại. Nếu như dựa vào lục đạo để nói, thì mọi người thường hay nghe nói ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, ba đường thiện là trời, người, A-tu-la. Lục đạo là biển nghiệp. Nếu như mở rộng ra nữa, thì pháp giới Tứ Thánh là nghiệp thiện, còn ở trong lục đạo đều là nghiệp ác, vẫn là biển nghiệp. Thập pháp giới là biển nghiệp lớn, thì lục đạo là một góc nhỏ, khổ nhất ở trong biển lớn rồi. Thoát khỏi biển nghiệp, là thoát khỏi thập pháp giới. Trong chú giải nói: “Ký do lễ độc, chiêm lễ, chuyển độc, xuất ly vô nan. (Đều do lễ, đọc, chiêm ngưỡng, lễ bái, thoát ly không khó). Mỗi ngày bạn chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, ngưỡng mộ Bồ Tát Địa Tạng, tôn trọng Bồ Tát Địa Tạng, noi theo Bồ Tát Địa Tạng, học tập theo Bồ Tát Địa Tạng, lại có thể đọc Kinh, y giáo phụng hành, thì bạn thoát khỏi biển nghiệp sẽ không khó. “Ngôn tự nhiên, tự nhiên tất cánh. Thuyết tự nhiên, tắc bất gia miễn cưỡng. Thuyết tất cánh tắc đáo để bất hư” (Nói tự nhiên, thì tự nhiên rốt ráo, nói tự nhiên thì chẳng miễn cưỡng thêm, nói rốt ráo thì đích thực chẳng hư dối). Những chữ này đều vô cùng quan trọng. Cho nên tu hành nhất định phải tu tâm thanh tịnh, tu bình đẳng, giác, bạn sẽ thấy tất cả đều tự nhiên. Có nguyện chứ không mong cầu, nguyện sinh Tây Phương Tịnh Độ, đây là nguyện, không có mong cầu. Nguyện là chân tâm. Cầu là vọng tâm. Sự khác biệt ở trong đây bạn phải biết. Nguyện là tùy duyên. Cầu là phan duyên. Tôi xin nêu ra ví dụ để nói, mọi người sẽ dễ dàng hiểu được. Chúng ta mong cầu có một ngôi niệm Phật đường tốt thì cái mong cầu này là nguyện. Tôi mong cầu lúc nào vậy? Các bạn thử xem tôi viết trong bản bút ký, vào năm 1961, là lúc tôi cầu, đây là cầu nguyện, tôi không có phan duyên, không có đi khắp nơi nói với mọi người để hóa duyên, để xây dựng. Hơn ba mươi năm nay cứ thuận theo tự nhiên, đến nơi đây, chỉ nói qua là họ thật sự làm được, đây gọi là tùy duyên. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên và đồng tu bên đây họ làm thật, làm hết lòng. Chẳng qua chúng tôi chỉ khởi cái vọng tưởng mà thôi, đã khởi vọng tưởng hơn ba mươi năm, chứ hoàn toàn không có mong cầu trong đời này tôi sẽ thật sự xây cái đạo tràng này, không có cái ý nghĩ này, không có ý nghĩ. Họ nghe tôi nói như vậy bèn cố gắng làm, là việc tốt, tôi bèn thuận nước đẩy thuyền. Từ chỗ này quý vị sẽ nhận ra nguyện khác với cầu, thuận theo tự nhiên mà thành tựu, chứ không có mảy may miễn cưỡng, bạn liền tự tại ngay. Nếu như cầu mỗi ngày, hy vọng có thể nhanh chóng thành công, thế chẳng phải mệt chết, khổ chết sao? Cái gánh này của bạn nặng cỡ nào! Có nguyện không có mong cầu, thì không có mảy may gánh nặng nào cả. Chúng sanh có phước, thì chư Phật thiện thần ủng hộ, nó tự nhiên sẽ xuất hiện. Chúng sanh không có phước báo, chúng ta miễn cưỡng thế nào đi nữa cũng làm không thành công. Nhà Phật thường nói: “Ở trong cửa Phật có cầu ắt ứng”, chữ cầu đó là nguyện. Nguyện là tùy duyên, chứ không phải loại mong cầu đó của thế gian, kiểu cầu đó là phan duyên. Phan duyên mặc dù thành tựu, nhưng phiền phức rất nhiều, nó không phải tự nhiên thành, nó thành tựu rất miễn cưỡng, hậu quả về sau nhất định là bất như ý, không lý tưởng. Từ xưa đến nay rất nhiều bậc đại đức, trong hành nghi các Ngài thị hiện độ hóa chúng sanh chúng ta có thể nhìn thấy, không có gượng ép. Trong đời tôi, tôi chưa từng có ý nghĩ đi xây đạo tràng. Tại sao vậy? Thấy phước của mình rất mỏng. Trong đời xưa nay chưa hề mở miệng đi hóa duyên người ta bao giờ, đây là thiên tánh của tôi. Chìa tay xin tiền người ta là tôi cảm thấy rất ái ngại. Làm cho bản thân tôi tôi còn không chịu, thì làm sao làm cho người khác, làm gì có đạo lý này? Cho nên chỉ có nói qua ở trên bục giảng thôi. Tôi người nói thì vô tâm, nhưng người nghe thì hữu ý, họ làm thật. Làm thật, tốt! Các bạn cứ làm, tôi cũng không phản đối, cũng không ngăn cản. Thư viện Hoa Tạng Cảnh Mỹ Đài Bắc là được thành tựu như vậy.
Sự thành tựu của thư viện đó rất nhiều người không biết, là do thính chúng nổi giận mà nên. Có một năm tại pháp hội Nhân Vương, lúc đó hội pháp thí Hoa Tạng do Hàn Quán Trưởng dẫn đầu, lúc đó còn có lão Pháp sư Đạo An nữa. Chúng tôi thuê đạo tràng hội Phật giáo Đài Bắc Trung Quốc, mượn đạo tràng này để giảng “Kinh Nhân Vương” hai mươi ngày. Những vị pháp sư đại đức trong hội Phật giáo này làm khó chúng tôi, họ nghĩ đủ mọi cách để ngăn cản chúng tôi giảng Kinh viên mãn. Bởi vì giảng Kinh này là cầu phước cho quốc gia, chúng tôi kiên quyết nhất định phải giảng viên mãn. Họ làm thật không vui, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giảng Kinh cho xong. Sau khi giảng xong, hội Phật Giáo bèn nói, đạo tràng của họ vĩnh viễn không cho bất kỳ người nào thuê để giảng Kinh. Thính chúng của chúng tôi nghe thấy sự việc này mới nổi giận. Anh không cho mượn, thì tự chúng tôi xây đạo tràng. Mọi người mới hùn tiền mua thư viện Cảnh Mỹ, tôi không có bảo họ mua, tự mọi người họ phát tâm. Cho nên thư viện Cảnh Mỹ là do thính chúng nổi giận mà có, cũng hay, dành cho chúng tôi ở bên ấy giảng Kinh hơn hai mươi năm. Đã đặt cơ sở hoằng pháp cho chúng tôi, tự nhiên tùy duyên mà thành tựu.
Đạo tràng thứ hai ở Đài Loan là Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà, không phải tôi tìm họ, mà họ tìm tôi. Đó là tài sản của cư sĩ Giản Phong Văn, ông xây cao ốc này, phát tâm muốn tặng cho tôi một tầng làm giảng đường. Tôi cũng không quen biết ông, bình thường cũng không có qua lại, đột nhiên ông đến muốn tặng cho tôi một tầng lầu. Cái tầng lầu đó không phải ít tiền. Ông nói như vậy tôi thấy rất hoài nghi, nghĩ nghe cho vui thôi, anh tặng cũng tốt, không tặng cũng tốt, hoàn toàn không có để tâm. Ông biết tôi không có niềm tin đối với ông. Qua hai tuần sau, ông đã viết một lá thư gởi đến tôi, biểu thị ông có thành tâm, thành ý cúng dường đạo tràng này. Lá thư đó không có hiệu quả trên pháp luật, chỉ là biểu đạt thành ý của ông. Chúng tôi cũng rất hoan hỷ tiếp nhận. Tốt, khen ngợi mấy câu, thôi! Đi đi! Sau đó tôi đến nước Mỹ để hoằng pháp, và để lấy được thẻ xanh ở Mỹ, cho nên dường như sống ở Mỹ khoảng mười tháng, thời gian ở Mỹ lần đó là dài nhất. Sau khi trở về, cao ốc này của ông xây xong rồi. Ông ra sân bay để tiếp đón tôi, và đem giấy quyền sở hữu giao cho tôi. Đây là thật chứ không phải giả. Đây mới được xem là thật. Tôi bèn hỏi ông, tôi hỏi, ông quyên hiến tặng rồi, sau này có muốn lấy lại không? Ông nói, không cần, nhất định sẽ không lấy lại. Tôi nói, tốt. Không lấy lại, thì tôi sẽ làm một cái công chứng cho ông, chúng ta ra tòa án công chứng. Ông nói tôi không cần nơi đó. Bèn thành lập “Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà”, đây là tài sản của hội Cơ Kim. Đến ngày nào hội Cơ Kim giải tán, không làm nữa, thì tài sản này thuộc về quốc gia, chứ không thuộc về bất kỳ người nào. Ông đồng ý. Chúng tôi bèn làm như vậy. Anh tặng cho tôi, tôi không lấy. Đạo tràng này tự nhiên thành tựu, tôi không có yêu cầu ông. Đạo tràng ở Dallas Mỹ của chúng ta, nơi đó tôi không thích. Quán Trưởng cũng không thích, mà họ cứ xây ở bên đó, là do Phật Bồ Tát xây dựng. Mọi người mang tiền đến tặng, đạo tràng xây xong thì tiền cũng hết đến, không có ra ngoài hóa duyên, không có xin tiền người khác, thành tựu một cách rất tự nhiên. Cho nên đời này chúng tôi sống rất tự tại, sống rất hạnh phúc, không có một tí áp lực nào. Chúng tôi tuyệt đối không tự gây phiền phức cho mình, tuyệt đối không khiến cho mình sống trong đau khổ. Cầu người khác rất khổ, dò xét vẻ mặt người ta, rất khó coi. Ở nước ngoài mượn tiền ngân hàng, bạn nói gánh nặng đó nặng cỡ nào! Tôi thì không được, nếu tôi có mắc nợ thì tối không thể ngủ được. Có một số người rất có bản lĩnh, họ nợ đầy mình mà tối vẫn ngủ ngon, tôi rất khâm phục họ. Tôi tuyệt đối không làm chuyện nợ nần, tuyệt đối không thể làm cái việc đi cầu người khác. Chúng tôi sống trong lành, khổ cực đi nữa, nhưng thân tâm yên ổn, tự tại an vui, không có mảy may gánh nặng nào cả. Như vậy bạn mới có thể tự nhiên lìa khỏi biển khổ.
Tu hành cũng lại như thế. Thật thà niệm Phật là được, phát nguyện cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, đừng nên sốt ruột, đừng nên trông ngóng mỗi ngày, sao Phật A Di Đà vẫn chưa đến? Tôi vẫn chưa có nhìn thấy? Nếu bạn có tâm như vậy, vậy là có cầu, là tâm phan duyên, e rằng sẽ không thể đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tại sao vậy? Lúc bạn niệm Phật bị xen tạp, xen tạp cái vọng tưởng này. Chỉ cần một câu Phật hiệu niệm đến cùng, nguyện sanh Tây Phương, đi ngày nào cũng được, khi nào Phật đến cũng được, không nên phan duyên, tùy duyên mới tốt. Nếu vẫn chưa đi, thân thể này vẫn còn ở thế gian, thì hết lòng hết dạ giới thiệu, tiến cử pháp môn này cho tất cả đại chúng, đem lợi ích công đức cái hay của pháp môn này giảng giải rõ ràng cho mọi người, vậy là rất tốt. Cứ như vậy mà yên tâm đợi đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn bạn, không có chút khẩn trương nào, vậy là tốt. Chú giải dưới đây chúng ta xem tiếp.
“Thị cố hành giả ưng đương chí tâm. Nhược chí tâm giả, sở cầu tất hoạch, xuất khổ chứng lạc” (Do đó hành giả nên chí tâm, nếu chí tâm thì cầu gì cũng đều được, thoát khổ chứng được an vui). Mấy câu này nói rất hay. Hành giả chính là người y giáo tu hành. Bạn cần phải tu như thế nào? Cần phải dùng chân tâm. Chí tâm chính là chân tâm, bạn cần phải dùng chân tâm để tu. Nếu xen tạp vọng tưởng vào thì không phải chân tâm, không được phép xen tạp vọng tưởng, chỉ cần là chân tâm tu học, thì nhất định có cảm ứng. “Sở cầu tất hoạch” (Cầu gì cũng đều được), Cầu ở đây là nguyện. Nguyện của bạn nhất định sẽ được mãn nguyện. “Xuất khổ chứng lạc” (Thoát khổ chứng được an vui). Không những thoát khỏi lục đạo, mà còn phải thoát khỏi thập pháp giới, vãng sanh bất thoái thành Phật. Sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc đều làm Bồ Tát A Duy Việt Trí. Loại lợi ích công đức thù thắng này, thật sự là hiếm có.
Sau cùng mấy câu này: “Thử chánh Giáo Chủ thiên cung phó chúc chi tâm” (Đó chính là tâm của Giáo Chủ phó chúc ở nơi cung trời). Giáo Chủ chính là Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Thiên cung, bộ Kinh này là giảng tại cung trời Đao Lợi. Đem sự nghiệp độ hóa chúng sanh sau khi Thế Tôn diệt độ mà giao phó cho Bồ Tát Địa Tạng. “Diệc Địa Tạng u đồ hóa nhân chi niệm thiết tại chuyên hành, nhân quả bất sảng như mao phát giả” (Cũng là ý niệm của Địa Tạng giáo hóa chúng sanh ở chốn u đồ, mấu chốt ở chỗ chuyên hành, nhân quả dẫu nhỏ như sợi tóc cũng chẳng sai). Ở đây một bên là người phó thác, một bên là người tiếp nhận lời phó thác. Bồ Tát Địa Tạng tiếp nhận sự phó thác của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài vô cùng từ bi, phát nguyện làm giáo chủ cõi U Minh. U Minh, mọi người thường hay nhìn thấy hai chữ này liền nghĩ đến là ngạ quỷ, địa ngục. Thực ra ý nghĩa của hai chữ này rất rộng. U Minh là vô minh, vô minh chưa phá thì đều ở trong U Minh cả. Nhìn từ ý nghĩa này thì thập pháp giới cũng là U Minh. Phật, Bồ Tát ở trong thập pháp giới chưa có phá vô minh, chưa có thấy pháp thân. Cho nên phạm vi của hai chữ U Minh này rất rộng. Bồ Tát Địa Tạng phải gánh vác sứ mệnh độ hóa chúng sanh của Thế Tôn ở trong thập pháp giới. “Dĩ thị chi cố, đắc đại ủng hộ” (Vì thế nên được sự ủng hộ to lớn). Hai câu này tổng kết, bởi vì nguyên nhân này, cho nên bạn được chư thiên, thiên vương, thiên thần ủng hộ. Phẩm này giảng đến đây là xong rồi.
******************
PHẨM THỨ MƯỜI HAI
THẤY NGHE ĐƯỢC LỢI ÍCH
Trong phần Lưu Thông thì đây là Kiến Văn Lợi Ích Lưu Thông. Hàng thứ nhất trang bốn mươi sáu của chú giải, có một cách giới thiệu đơn giản, giới thiệu về chương này: “Vị kiến Địa Tạng chi tượng, văn Địa Tạng chi danh, vô bất hoạch đại lợi ích. Liệt đồng Quán Âm văn danh, kiến thân tâm niệm giả giai năng diệt khổ” (Nói nhìn thấy tượng Địa Tạng Bồ Tát, nghe danh hiệu Địa Tạng, chẳng có ai không đạt được lợi ích to lớn. Xếp cùng với nghe danh hiệu, nhìn thấy hóa thân, tâm niệm Quán Âm đều có thể diệt khổ). Ý nghĩa ở trong đây rất sâu. Nhìn thấy hình tượng Bồ Tát, nghe thấy danh hiệu Bồ Tát có thật sự có thể diệt khổ hay không? Là thật. Nhưng mà không phải hiện tại mà là tương lai. Hiện nay gieo là nhân, như câu nói: “Vừa qua căn tai vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”. Mắt bạn thấy tướng, đó là “Vừa qua căn mắt vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”, cho nên lợi ích này là không thể nghĩ bàn. Lợi ích này đến khi nào đạt được vậy? Phải xem đến khi nào tâm hạnh của bạn tương ưng với Bồ Tát, thì lợi ích này mới có thể hiện tiền. Tuy là thấy hình tượng, nghe danh hiệu, nhưng tâm của bạn, hành vi của bạn không tương ưng với Bồ Tát, thì lợi ích này hiện nay không thể hiện tiền, đạo lý là ở chỗ này. Dưới đây nói: “Kiến thân trí lễ, tức thân nghiệp cơ” (Thấy thân biết lễ, đó là nghiệp thân). Nhìn thấy thân Bồ Tát, bạn liền biết lễ kính, đây là thuộc về nghiệp thân. Nghe danh hiệu bạn cũng biết xưng niệm, bạn biết niệm “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát”, đây là nghiệp khẩu. Bạn có thể thân lễ bái, khẩu xưng danh, đây là ý nghiệp. “Cơ cảm ký thành, minh hiển tự ứng” (Cơ cảm đã thành thì sẽ tự ứng âm thầm hay rõ rệt). Dưới đây là nêu ra ví dụ để nói. Cảm ứng đạo giao có cảm ứng âm thầm và rõ rệt. Thông thường chúng ta nói lợi ích công đức không thể hiện tiền đó là cảm ứng âm thầm, lợi ích công đức hiện tiền đó là cảm ứng rõ rệt. Cảm ứng rõ rệt là bạn lễ kính, xưng danh hiệu, tâm hạnh của bạn tương ưng với Bồ Tát. Hay nói cách khác là tương ưng với lý luận, phương pháp, cảnh giới trong Kinh điển nói, thì sự cảm ứng này rất rõ rệt, là cảm ứng rõ rệt. Nếu như tuy chúng ta cũng lễ kính, cũng xưng danh hiệu, cũng đọc Kinh, nhưng tư tưởng, hành vi của chúng ta không tương ưng với trong Kinh nói. Những gì trong Kinh nói chúng ta thảy đều chưa có làm được, thì cảm ứng của Phật Bồ Tát là cảm ứng âm thầm, không rõ rệt. Cũng chính là nói bạn hiện tiền vẫn thọ khổ như thường, vẫn gặp nạn như thường, thậm chí là vẫn phải đọa lạc như thường, vẫn rơi vào lục đạo luân hồi như cũ. Bạn không thể nói là không có cảm ứng, là cảm ứng âm thầm, sức cảm ứng đó rất yếu, nhưng chắc chắn là có cảm ứng, sóng không mạnh, rất yếu. Sóng tập khí phiền não của bạn rất mạnh, cho nên không thể hiển thị ra được sự phù hộ, gia trì của Phật Bồ Tát đến bạn. Nếu như bạn thật sự có thể y giáo phụng hành, bạn làm được, thì lực cảm của bạn sẽ rất mạnh. Lực ứng của Phật Bồ Tát cũng mạnh, có thể chuyển nghiệp ngay hiện tại. Đây là vô cùng rõ rệt. Đạo lý này chúng ta phải biết, nó giúp ích rất lớn cho việc tu học của chúng ta.
Phẩm thứ mười hai: Thấy Nghe Được Lợi Ích. Đoạn này Pháp sư Thánh Nhất ở núi Đại Dự xưng phẩm Kinh này là Tăng Bảo. Ngài quy kết phần sau bản Kinh vào Tam Bảo, đây là điểm mà đại đức xưa chưa từng nói. Pháp sư Thánh Nhất lần đầu tiên giảng bộ Kinh này là ở núi Cửu Hoa, đoạn cuối Ngài quy kết về Tam Bảo, giảng hay vô cùng, tôi rất khen ngợi về Ngài. Quy về Tam Bảo đó mới là lợi ích chân thật. Bộ Kinh này phối hợp trước sau rất hay, vừa mở đầu Kinh văn đức Phật phóng ra vầng mây Đại Quang Minh. Lúc sắp kết thúc Kinh, bạn thấy ở chỗ này lại phóng ra tia sáng lớn. Chúng tôi đọc qua rất nhiều Kinh điển Đại Thừa, và nhìn thấy ở trong Kinh đức Phật nói phóng quang phần lớn là chỉ một lần, loại Kinh nói đến hai lần, ba lần, hoặc rất nhiều lần như vậy là không nhiều. Đức Phật ở trong hội này, trước sau đều phóng quang. Mời xem Kinh văn:
“NHĨ THỜI THẾ TÔN, TÙNG ĐẢNH MÔN THƯỢNG PHÓNG BÁCH THIÊN VẠN ỨC ĐẠI HÀO TƯỚNG QUANG”
(Lúc đó, từ trên đảnh môn đức Thế Tôn phóng ra cả trăm nghìn muôn ức tia sáng lớn)
“Nhĩ thời”, là lúc Thế Tôn giảng xong, người y giáo tu hành này được Kiên Lao Địa Thần, vua trời Dục Giới, vua trời Sắc Giới, thiên thần ủng hộ. Và đã nói ra lý do họ ủng hộ người này. Sau khi nói xong, thì từ trên đảnh môn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng quang. Trong chú giải cũng nói rất hay, chúng ta hãy đọc qua chú giải một lần. “Tự Nhĩ Thời chí cáo chư đại chúng, giai Kinh gia sở thuật chi văn” (Từ chữ “Nhĩ thời” tới chữ “cáo chư đại chúng” đều là lời các vị kết tập Kinh thuật lại). Kinh Gia là người kết tập Kinh Tạng, các Ngài thuật kể lại chuyện này. Bởi vì đây không phải là lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, đây là ghi lại tình hình lúc đó.
“Kháp ư địa thần hộ pháp phẩm hậu phóng quang giả, vi chứng tiền khởi hậu, lịnh chư chúng sanh đổ tướng ngộ tâm, các các tự tri nhất đoạn bất tư nghị bổn hữu chi thường quang dã” (Ở ngay sau phẩm Địa Thần Hộ Pháp, đức Phật liền phóng quang là để chứng minh những điều đã nói trong phần trước, dẫn khởi những điều sẽ giảng trong phần sau, khiến cho chúng sanh thấy tướng liền ngộ tâm, ai nấy đều biết tới một đoạn thường quang chẳng thể nghĩ bàn mà chính mình sẵn có).
Đây là nói rõ dụng ý phóng quang của đức Thế Tôn. “Chứng tiền khởi hậu”, phần trước ở phẩm hội tập, phẩm tựa tại cung trời Đao Lợi đức Phật phóng ra vầng mây sáng rỡ lớn. Trước sau hô ứng. Dụng ý ở chỗ này, mọi người nghe Kinh, hầu như là nghe gần viên mãn rồi. Khiến cho đại chúng nhìn thấy tướng lành này có thể khai ngộ. Ngộ điều gì? Những gì đức Thế Tôn nói từ đầu đến cuối, đều là nói tự tánh của chúng ta. Đúng như câu nói: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không cótâm”. Nhưng những gì trong bản Kinh nói đều là nói tình trạng ở trong lục đạo Tam Đồ. Lục đạo, Tam Đồ từ đâu mà có vậy? Là do tự tánh biến hiện ra, không có lìa khỏi tự tánh. Điểm này chúng ta phải chiêm nghiệm cho thật kỹ. “Đảnh môn” là đỉnh đầu. Phóng quang từ đỉnh đầu. Chứng tỏ đây không phải ánh sáng thông thường, mà là phóng ánh sáng hiện tướng lành. Đảnh môn phóng quang, trong chú giải cũng có nói rõ, là biểu thị cho nhất thiết chủng trí. Điều này có cùng ý nghĩa với phóng quang hiện tướng lành ở trên hội Lăng Nghiêm của đức Thế Tôn. Trong chú giải hướng dẫn chúng ta, để cho chúng ta nhận ra được ý nghĩa của tướng lành này. “Do thử Địa Tạng diệu tượng gia danh, chiêm lễ xưng niệm nhi tiến ư cực quả giả” (Từ danh hiệu tốt đẹp và hình tượng nhiệm mầu của Ngài Địa Tạng, người tu hành chiêm lễ, xưng niệm sẽ đạt đến cực quả). Khiến chúng ta ngộ nhập ý nghĩa này. Bốn vị Bồ Tát lớn ở Trung Quốc là đại biểu cho cấp bậc tu học. Bắt đầu học từ đâu vậy? Bắt đầu học từ Địa Tạng. Nếu như dùng cách nói hiện nay để nói, thì Địa Tạng là đại biểu cho việc xây dựng tâm lý. Nếu như không phải là tâm tốt, không phải là tâm thiện, vậy thì không biết sẽ tu học từ đâu. Địa là tâm địa. Tạng là kho báu. Kho báu là dụ cho trí tuệ, đức năng. Ở trong chân tâm của chúng ta hàm chứa vô lượng trí tuệ, đức năng, đó gọi là Địa Tạng. Bạn phải nhận ra được, phải mở ra được trí tuệ đức năng trong tự tánh. Dùng phương pháp gì để mở ra? Hiếu kính. Cho nên Kinh này là Kinh hiếu trong cửa Phật. Làm sao thực hiện hiếu kính đây? Gần đây chúng tôi giảng Kinh thường hay nhắc đến, phải xem tất cả chúng sanh hữu tình là “Cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật vị lai” của chính mình, bạn phải thực hiện hiếu kính đến mức như vậy. Toàn bộ tất cả chúng sanh chính là cha mẹ của mình, chính là chư Phật vị lai. Đối với cha mẹ của mình bạn biết tận hiếu, chư Phật vị lai bạn có thể tôn sư, đây là sự thực hiện hiếu kính. Tôi đã từng nói qua rất nhiều lần rồi, xem họ như là thì vẫn là cách một lớp, mà họ thật sự là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai của mình. Không được xem họ như là. Như là thì xa rồi, phải thật sự là. Cho nên tôi khuyến khích những vị hộ pháp trong niệm Phật đường, tất cả những người hộ pháp niệm Phật đường này xem mỗi người niệm Phật như là cha mẹ, chư Phật Như Lai của mình. Bạn dùng tâm thái như vậy để phục vụ thôn Di Đà, để chăm sóc niệm Phật đường, bạn mới cảm động được tất cả chư Phật hộ niệm. Trong Kinh nói vua các cõi trời và thiên thần đến ủng hộ. Đạo lý gì vậy? Do tâm chân thành cảm ứng. Điều này khác với với viện dưỡng lão về hưu thông thường. Ngày nay trong xã hội này, con cái bạn chưa chắc có thể hiếu thảo với bạn, chưa chắc có thể tôn kính bạn. Bạn tham gia vào thôn Di Đà, niệm Phật đường Cư Sĩ Lâm ở Singapore, thì mỗi người đều xem bạn như là cha mẹ, xem bạn như là Như Lai. Tại sao đạo tràng này lại hưng vượng như vậy? Các bạn ở nơi đây niệm Phật mấy ngày, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí ở nơi đây khác với tất cả đạo tràng ở nơi khác, do tâm người khác nhau. Tâm trạng họ đối xử với các bạn khác nhau, đây là điểm mà ở các đạo tràng khác không có. Tại sao người trong đạo tràng này có thể làm được? Vì hằng ngày nghe Kinh, hằng ngày nghe pháp, chúng tôi giảng giải mỗi ngày, khuyến cáo mỗi ngày, dần dần họ giác ngộ, sáng tỏ, chuyển đổi ý nghĩ trở lại. Chúng tôi dùng tâm hiếu thảo, dùng tâm cung kính để đối xử tất cả chúng sanh. Không chỉ là trong niệm Phật đường, mà đối với mọi người, mọi sự, mọi vật, chúng tôi đều dùng tâm hiếu thảo, tâm cung kính để đối xử. Tâm chuyển đổi rồi, tư tưởng chuyển đổi rồi, kiến giải chuyển đổi rồi, đây chính là chuyển phàm thành Thánh. Cho nên xây đạo tràng không khó, hiện nay mọi người đều có tiền của và sức lực này. Khó ở chỗ là tìm ở đâu ra số con cháu hiếu hiền như vậy? Bạn đi tìm ở đâu ra? Con hiếu cháu hiền là ai? Là chư Phật Như Lai, pháp thân đại sĩ, các Ngài mới là con hiếu cháu hiền đích thực, người như vậy không dễ gì tìm được. Có những người này hộ niệm, có những người này ủng hộ (ủng hộ tức là hộ pháp), thì đạo tràng này mới thù thắng, đạo tràng này mới có thể thành tựu cho người trong một đời vãng sanh bất thoái thành Phật. Cho nên đạo tràng này hy hữu là ở chỗ này, khó gặp cũng là ở chỗ này. Có đạo tràng mà không có người đến thâm nhập giảng giải, nói rõ tường tận thì không được, không thể tương ưng. Công tác này phải dựa vào những vị đồng học, xuất gia phát tâm học giáo này của các bạn, các bạn phải phát tâm gánh vác sứ mệnh này. Tất cả đại chúng ở đây làm thế nào tương ưng với Kinh giáo, làm sao tương ưng với chư Phật Như Lai, phải dựa vào, các bạn phải nghiêm túc, nỗ lực giảng giải, khuyến hóa. Mời xem đoạn Kinh văn này dưới đây:
“SỞ VỊ BẠCH HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI BẠCH HÀO TƯỚNG QUANG, THỤY HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI THỤY HÀO TƯỚNG QUANG, NGỌC HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI NGỌC HÀO TƯỚNG QUANG, TỬ HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI TỬ HÀO TƯỚNG QUANG, THANH HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI THANH HÀO TƯỚNG QUANG, BÍCH HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI BÍCH HÀO TƯỚNG QUANG, HỒNG HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI HỒNG HÀO TƯỚNG QUANG, LỤC HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI LỤC HÀO TƯỚNG QUANG, KIM HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI KIM HÀO TƯỚNG QUANG, KHÁNH VÂN HÀO TƯỚNG QUANG, ĐẠI KHÁNH VÂN HÀO TƯỚNG QUANG, THIÊN LUÂN HÀO QUANG, ĐẠI THIÊN LUÂN HÀO QUANG, BẢO LUÂN HÀO QUANG, ĐẠI BẢO LUÂN HÀO QUANG, NHẬT LUÂN HÀO QUANG, ĐẠI NHẬT LUÂN HÀO QUANG, NGUYỆT LUÂN HÀO QUANG, ĐẠI NGUYỆT LUÂN HÀO QUANG, CUNG ĐIỆN HÀO QUANG, ĐẠI CUNG ĐIỆN HÀO QUANG, HẢI VÂN HÀO QUANG, ĐẠI HẢI VÂN HÀO QUANG”.
(Như là: tia sáng sắc trắng, tia sáng sắc trắng lớn, tia sáng lành tốt, tia sáng lành tốt lớn, tia sáng ngọc, tia sáng ngọc lớn, tia sáng sắc tía, tia sáng sắc tía lớn, tia sáng sắc xanh, tia sáng sắc xanh lớn, tia sáng sắc biếc, tia sáng sắc biếc lớn, tia sáng sắc hồng, tia sáng sắc hồng lớn, tia sáng màu lục, tia sáng màu lục lớn, tia sáng màu vàng y, tia sáng màu vàng y lớn, tia sáng tướng mây lành, tia sángtướng mây lành lớn, tia sáng tướng nghìn vòng tròn, tia sáng tướng nghìn vòng tròn lớn, tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn, tia sáng vừng mặt trời, tia sáng vừng mặt trời lớn, tia sáng vừng mặt trăng, tia sáng vừng mặt trăng lớn, tia sáng tướng cung điện, tia sáng tướng cung điện lớn, tia sáng tướng mây biển, tia sáng tướng mây biển lớn).
Tổng cộng là mười sáu câu, ba mươi hai loại hào quang. Đoạn này ở trong chú giải nói rất tỉ mỉ. Trên đảnh môn tỏa ra hào quang. Hào là chỉ cái gì vậy? Bạch hào. Trên đỉnh đầu và giữa hai chân mày của đức Phật có hai sợi lông trắng. Lông trắng là một trong ba mươi hai tướng tốt. Chúng ta thường hay niệm bài kệ tán Phật: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di”. Báo thân của đức Phật rất lớn. Hai sợi lông này của Ngài xoắn lại với nhau, giống như hạt châu ở giữa lông mày vậy, thực ra nó không phải là hạt châu, mà do hai sợi lông trắng quấn vào nhau. Đức Phật thường hay phóng quang từ sợi lông trắng này. Trong chú giải nói: “Hào tướng thị nhất, tức dụng chi thể, quang sắc bất đồng, tức thể chi dụng” (Hào tướng là một, là thể của dụng. Quang sắc khác nhau, là dụng của thể). Điều này chứng tỏ mười sáu câu là một sự việc. “Một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói pháp giới lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Ba mươi hai câu, trong chú giải cũng phân thành ba mươi hai câu để nói. Ba mươi hai tức là một, hào tướng quang, “Nhiều tức là một”. Trong hào quang có đủ thứ màu sắc khác nhau, “một tức là nhiều”. Nói một là nói thể, nói nhiều là nói tác dụng. Tuy thể là một, nhưng tác dụng khác nhau. Ở chỗ này Pháp sư Thanh Liên chú giải, Ngài trích dẫn “Pháp Hoa Văn Cú”, dùng năm màu để dụ cho năm đường: “Thanh sắc thí như địa ngục nhân quả, hoàng sắc tỉ dụ ngạ quỷ nhân quả, xích sắc biểu súc sanh nhân quả, bạch sắc biểu nhân thiên nhân quả” (Màu xanh ví như nhân quả địa ngục, màu vàng ví dụ cho nhân quả ngạ quỷ, màu đỏ biểu thị cho nhân quả súc sanh, màu trắng biểu thị cho nhân quả cõi trời người). Ở trong đây chia ra thành màu lớn và màu nhỏ. Màu nhỏ đây là dụ cho Nhị Thừa, màu lớn đây là dụ cho Bồ Tát. Phần sau còn có màu ngắn là dụ cho Bồ Tát Biệt Giáo. Màu dài là dụ cho nhân quả của Phật. Nhân quả của Phật chính là Bồ Tát của Viên Giáo.
“Chư văn khai hiệp tùy ý” (Các đoạn văn hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp tùy ý). Sự giảng giải Kinh văn có thể hiểu theo ý, không có cách nói nhất định. Là hoàn toàn giống như ý nghĩa của pháp tượng trưng trong "Kinh Hoa Nghiêm" vậy. Người nhân từ sẽ thấy nhân từ, bậc trí sẽ thấy trí. Theo cái thấy của bản thân bạn, bạn thấy sâu, thì bạn hiểu sẽ sâu. Bạn thấy rộng thì bạn nói cũng sẽ rộng. Nhưng sâu hay rộng vẫn phải khế cơ. Bởi vì giảng Kinh thuyết pháp ở trên bục giảng là không phải tự thọ dụng, mà là vì lợi tha, nên nhất định phải quan sát căn cơ của thính chúng, họ có thể tiếp nhận được bao nhiêu thì bạn giảng bấy nhiêu. Nếu như chỉ giảng theo cảnh giới của chính mình, thì thính chúng chưa chắc có thể tiếp nhận được. Họ không thể tiếp nhận được, đây chính là thuyết pháp không khế cơ. Khế cơ, khế lý vậy mới là Như Lai thuyết, Bồ Tát thuyết, chúng ta cần phải học tập. Phật ở trong Đại Kinh nói cho chúng ta biết, khế lý mà không khế cơ, thì đây không phải Phật thuyết. Đối với loại hiện tượng này, đức Phật dạy rất hay, đó là nói chuyện phiếm, là nói lời thừa. Khế lý không khế cơ, không thể nói bạn sai, nhưng thính chúng nghe không hiểu, không lĩnh hội được, không có được chút lợi ích nào cả. Nói chuyện phiếm, nếu dùng lời hơi khó nghe thì đó là lời vô ích. Nếu như khế cơ mà không khế lý, đức Phật gọi đó là ma nói. Điểm đáng quý của Phật Bồ Tát thuyết pháp là khế cơ, khế lý. Khế lý là tương ưng với tánh đức, khế cơ là thích hợp với trình độ của thính chúng, đây là điểm chúng ta cần phải chú ý đến.
Ý nghĩa pháp tượng trưng này của Tông Thiên Thai, sau cùng có hai câu nói rất hay: “Thử do Pháp Hoa cửu giới đồng quy, tam thừa hàm hội” (Đó là do Pháp Hoa là nơi hướng về của chín pháp giới, là nơi hội tụ của Tam Thừa). Hai câu nói này nói rất hay. Cửu giới là chỉ chín pháp giới. Tam Thừa là nói Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Cũng có người gọi là Ngũ Thừa. Ngũ Thừa lại thêm vào nhân, thiên nữa. Giống như trong Tịnh Độ nói “Ngũ Thừa khế nhập báo độ”, là cảnh giới vô cùng không thể nghĩ bàn.
Dưới đây, đây là tướng thứ nhất: “Bạch hào tướng quang”. Thứ nhất là nói màu trắng. Màu trắng là màu căn bản. Cách nói này là nói thuận theo chúng sanh, chúng sanh đều cho rằng màu trắng là màu căn bản. Đức Phật là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, nên cũng nói màu trắng là màu căn bản. Tại sao vậy? Chỉ có màu trắng mới có thể tiếp nhận tất cả màu sắc khác. Một tờ giấy trắng nếu bạn vẽ lên đó, bạn sẽ vẽ rất thoải mái, thích vẽ cái gì thì vẽ cái ấy. Nếu như đưa cho bạn giấy màu để vẽ tranh, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn. Giấy màu đỏ thì không thể tiếp nhận màu đỏ, nhất định phải là màu khác với nó thì mới có thể hiện màu lên được. Giấy màu xanh thì không thể tiếp nhận màu xanh. Chỉ có giấy màu trắng mới có thể tiếp nhận bất kỳ màu sắc nào. Cho nên dùng nó để biểu thị cho màu căn bản. Bạch hào của đức Phật hiện giữa hai chân mày. Chỗ này nó có ý nghĩa tượng trưng của nó. Ở hàng thứ sáu của chú giải: “Đại Luận Vân”. “Đại Luận” là chỉ “Đại Trí Độ Luận”. Trong “Đại Trí Độ Luận” có cách nói như thế này: “Bạch hào mi giãn trĩ. Bạch quang dụ lưu ly” (Bạch hào đứng sừng sửng giữa lông mày, hào quang trắng tựa như Lưu Ly). Câu thứ nhất nói vị trí của bạch hào là ngay giữa hai chân mày. Lúc nó phóng quang còn hơn cả lưu ly. Ý nghĩa dưới đây là rất quan trọng. “Tại nhân hành bố thí thời, thích khả tiền nhân ý, khởi tự tại nghiệp nhân duyên” (Lúc tu nhân làm việc bố thí, nếu bố thí các vật vừa ý người nhận, sẽ tạo được nhân duyên các nghiệp tự tại). Mấy câu nói này vô cùng quan trọng. Trong tướng tốt của Như Lai, tướng bạch hào là do đâu mà có vậy? Do tu bố thí. Bố thí cái gì? Là cái rất thích hợp với ý người nhận bố thí. Hay nói cách khác, vật bố thí của bạn đúng là cái mà họ cần. Loại nhân hành này có thể cảm được quả báo bạch hào. “Khởi tự tại nghiệp nhân duyên”. Câu này nói rất hay, đức Phật được đại tự tại. Tại sao chúng ta ngày nay không được tự tại? Chúng ta cũng tu bố thí, kết quả bố thí như thế nào? Chưa chắc đúng như ý người nhận. Hoặc giả là bạn tu bố thí, bạn phát tâm rất gượng gạo, trong khi phát tâm có nghi ngờ. Ví dụ cứu giúp tai nạn, chúng ta nhìn thấy những tai nạn này ở Đại Lục, lần lũ lụt chưa từng thấy này, rất nhiều người muốn bố thí. Bố thí lại hoài nghi, số tiền bố thí này của tôi có đến được tay người dân gặp tai nạn không? Có bị người trung gian cắt xén bớt không? Nghi ngờ đủ thứ, không dám bố thí. Muốn bố thí lại không dám bố thí, thì sao bạn có thể tự tại được? Loại tình trạng như vậy là quá nhiều, quá nhiều. Biết đây là việc tốt, vừa muốn làm lại không dám làm. Lúc tu bố thí suy nghĩ quá nhiều, đắn đo quá nhiều, nên bạn được quả báo sẽ không như ý. Trong Kinh đức Phật thường dạy, bố thí tài được giàu có. Bạn kiếm tiền kiếm được không như ý, kiếm được rất vất vả. Đó chính là lúc bạn tu bố thí tài không đúng như lý, bạn bố thí không sẵn lòng, bố thí rất vất vả. Tương lai bạn được quả báo cũng rất vất vả, cũng không tự tại, đạo lý nó là như vậy.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
*******************************
Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện (tập 42)
Người giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Địa Điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Tháng 5, năm 1998.
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 203
Hôm nay : 36873
Tháng hiện tại : 687505
Tổng lượt truy cập : 58083923
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.