Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH
CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP
CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”
Tập 7
Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 4 tháng 3 năm 2007
Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.
Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị đồng học, các vị bằng hữu xin chào mọi người!
Hôm nay, chúng ta tiếp tục học tập "Đệ Tử Quy". Hôm qua chúng tôi giảng đến chương “Cẩn”, toàn chương giảng nói đều là những chuyện nhỏ nhặt như ăn mặc ở làm việc, nhưng phải biết bắt đầu thực hành đạo Thánh Hiền từ đâu? Đều là trong cuộc sống thường ngày. Cho nên trong những việc nhỏ cũng phải luôn nuôi dưỡng tâm của Thánh Hiền, phải dưỡng khí phách quang minh chánh đại của mình. Hôm nay, chúng ta học điều thứ mười bốn. Bắt đầu xem từ điều thứ mười bốn:
“Cầm vật rỗng, như vật đầy”
Ý nghĩa bên ngoài của câu này là chúng ta phải dạy bảo trẻ nhỏ khi cầm đồ vật phải cầm như thế nào? Phải cầm cung kính cẩn thận. Bạn cầm một cái ly, một chiếc bát cho dù bên trong không đựng thứ gì nhưng cũng phải cầm giống như bên trong đựng nước vậy. Chữ “Doanh” này nghĩa là đầy. Đồ đựng đầy nước thì khi cầm lên tự nhiên bạn sẽ hết sức cẩn thận, sẽ không cẩu thả vội vàng nhằm tránh nước bị đổ ra ngoài. Từ đây, chúng ta phải biết khi cầm vật rỗng mà có thể cung kính cẩn thận, thận trọng dè dặt thì khi họ cầm một chiếc ly hoặc một chiếc bát đựng đầy nước tự nhiên họ sẽ càng thận trọng cẩn thận hơn. Cho nên thật sự công phu của “Cẩn” đều là trong những lúc bình thường, luyện tập công phu khi cầm chiếc ly rỗng cũng giống như cầm chiếc ly đựng đầy nước. Cũng như người lính đánh trận, gọi là “nuôi quân ba năm, dùng quân một giờ”. Bình thường khi luyện binh dường như cũng giống như đánh trận thật vậy. Có một vị nguyên soái từng nói rằng: “Lúc đánh trận phải xem như lúc bình thường, lúc bình thường phải như xem lúc đang đánh trận”. Sau khi công phu này luyện thành thì bất luận gặp phải tình huống như thế nào họ đều sẽ nghiêm túc cẩn thận để đối diện. Người xưa bồi dưỡng phẩm hạnh của mình cũng hiểu được phải rèn luyện công phu ngay trong cuộc sống thường ngày. Phải biết những người có phẩm hạnh kinh thiên động địa được rèn luyện từ đâu? Trong những tình huống thường ngày họ đều rèn luyện như đứng bên vực thẳm, như bước trên băng mỏng.
Câu này ở đây chúng ta cũng có thể mở rộng ra một chút, bạn xem câu này là “Cầm vật rỗng”, tức là cầm vật không đựng gì. Nếu để bạn đi lấy một chiếc bát rỗng và một chiếc bát đựng đầy nước thì bạn sẽ thích lấy chiếc bát rỗng hay là thích lấy chiếc bát đựng đầy nước? Cái nào tương đối dễ cầm hơn? Mọi người nhất định sẽ nói bát không đương nhiên tương đối dễ cầm hơn. Cầm bát đựng nước cho dù bạn rất thận trọng nhưng vẫn sợ không cẩn thận nước sẽ đổ ra ngoài. Từ đạo lý nhỏ này chúng ta cũng có thể biết mọi người đều mong muốn, đều thích lấy những thứ rỗng không, khiêm hư.
Trong “Kinh Dịch” có một đoạn nói như vậy: “Đạo Trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiếu hụt. Quy luật của đất là chỗ đầy tràn chảy xuống chỗ trũng thấp. Đạo người thì ghét người tự mãn mà thương yêu người khiêm hạ. Quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn”. Trong “Kinh Dịch” nói với chúng ta, trong sáu mươi bốn quẻ duy chỉ có quẻ “Khiêm” là sáu hào đều cát tường. Một quẻ có sáu hào, mỗi hào đều cát tường thì duy chỉ có quẻ “Khiêm”, các quẻ khác đều có cát có hung.
Từ những đạo lý tự nhiên chúng ta có thể hiểu được, con người nếu có thể khiêm tốn thì người này sẽ có phước. Giống như chúng tôi vừa hỏi mọi người rằng bạn thích lấy vật rỗng hay là thích lấy vật đầy? Mọi người tự nhiên đều thích lấy vật rỗng. Đó chính là “Đạo người thì ghét người tự mãn và thương yêu người khiêm hạ”. Mọi người đều thích người khiêm tốn còn chán ghét những người ngạo mạn, người ngang ngược. Thiên địa quỷ thần cũng đều như vậy.
Bạn nhìn trời thì thấy rất rõ ràng, từ chu kỳ của mặt trăng trong một tháng chúng ta có thể hiểu được. Hôm nay là ngày mười lăm Tết Nguyên Tiêu, là lúc mặt trăng tròn nhất, chúng ta gọi là ngày Rằm. Từ ngày mai mặt trăng bắt đầu khuyết dần. Cho nên khi một người gặp lúc thịnh vượng nhất thì chúng ta biết ngày suy bại của họ cũng không còn xa nữa. Đạo lý trên trái đất này cũng là như vậy, sông hồ biển cả, nếu một cái hồ đã đầy rồi thì nước phải chảy tràn ra ngoài, phải chảy tới nơi khác, mà nước đều là chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, chảy đến chỗ khiêm tốn khiêm hư. Nếu hiểu được đạo lý này thì biết người cung kính, khiêm tốn sẽ có phước. Chúng ta xem câu tiếp theo:
“Vào phòng trống, như có người"
Ý nghĩa trên mặt chữ nói với chúng ta nếu vào phòng, cho dù căn phòng đó không có ai, bạn biết có thể là không có người thì bạn cũng phải có thái độ giống như bước vào phòng có người vậy. Trước khi bước vào nhất định phải gõ cửa, nếu nhỡ có người thì cũng không đến nỗi bạn làm họ giật mình, lâm vào tình thế khó xử. Chúng ta biết cho dù trong phòng chỉ có một mình thì cũng không được phóng dật mà phải như có người ở bên cạnh vậy. Đây chính là công phu “Thận độc” (cẩn thận lúc ở một mình) mà người xưa đề xướng. Trong sách “Trung Dung” có nói: “Quân tử cho dù lúc ở một mình, không ai nhìn thấy họ thì họ cũng luôn cảnh giác sợ sệt, không dám phóng túng, vẫn luôn cung kính”. Cho nên “Quân tử luôn thận trọng khi ở một mình”. Mà công phu “Thận độc” là cách tốt nhất để dưỡng tâm thành kính của mình. Ở trước mặt người khác thì một kiểu, khi ở một mình lại một kiểu thì tâm này không chân thành.
Bởi vì người chân thành bất luận họ đi đâu, bất luận người ta có thấy tôi hay không, bất luận người ta có biết tôi hay không thì tôi cũng vẫn như cũ, vẫn làm những việc bản thân cần làm. Công phu “Thận độc” này là một loại phương pháp tu hành vô cùng quan trọng, tâm chân thành được trưởng dưỡng từ đây. Cho nên “Thái Căn Đàm” là một cuốn sách do một ẩn sĩ tên là Hồng Ứng Minh viết, dạy chúng ta làm sao để tu tâm dưỡng tánh. Trong “Thái Căn Đàm” có nói đến “Phẩm chất thanh cao chánh đại được dưỡng thành từ trong phòng tối không người thấy”. Cho nên, trong phòng tối không được buông thả, tức là trong phòng tối không ai nhìn thấy bạn, khi đó chính là lúc tu dưỡng phẩm hạnh thanh cao chánh đại của mình, nên không được phóng dật. Tiếp theo xin xem điều thứ mười sáu:
“Chớ làm vội, vội sai nhiều”
Người hiện nay đều rất vội, vội vàng nhưng kỳ thực chúng ta thấy rất nhiều việc không cần phải bận như vậy. Tại sao lại bận rộn như vậy? Kỳ thực phần lớn nguyên nhân đều là do bản thân không thể quản lý tốt thời gian của mình, không lên kế hoạch tốt, cho nên khi gặp phải chuyện cấp bách thì lúng ta lúng túng. Trong sách “Đại Học” nói với chúng ta rằng: “Việc có đầu cuối, biết được trước sau là gần với đạo vậy”. Mọi việc đều có mở đầu và kết thúc, đều có thứ tự trước sau. Khi bạn biết được thứ tự trước sau thì tự nhiên hiểu rành mạch rõ ràng việc gì cần làm hiện tại, việc gì tương lai mới làm. Chúng ta thấy một số người lãnh đạo thành công hoặc là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thông thường cuộc sống của họ đều không quá bận rộn. Họ vẫn còn có thời gian đi đánh gôn, có thời gian đi tham gia một số trò chơi giải trí, họ không giống những người bận tối tăm mặt mũi. Vì sao vậy? Chính vì họ có trí huệ này, họ hiểu được làm việc phải có thứ tự trước sau, hiểu được nặng nhẹ, nhanh chậm trong công việc. Do vậy, gặp chuyện tự nhiên họ có thể ung dung thong thả.
Khi chúng ta bận rộn thường sẽ làm sai việc. Bản thân tôi thường có kinh nghiệm như vậy. Khi tôi làm nghiên cứu ở trường Đại học, mỗi hạng mục nghiên cứu đều tương đối phức tạp. Ví dụ như giải một số bài toán, làm một số kiểm nghiệm thống kê, trước khi làm thường không có kế hoạch tốt, vội vàng bắt tay vào làm thì đều thường làm sai. Nếu sai thì phải làm lại từ đầu nên những khoảng thời gian đó đều bị lãng phí một cách vô ích. Cho nên, càng sai thì càng vội, càng vội lại càng sai, quả thực là bước vào một cái vòng luẩn quẩn. Cho nên, chúng ta phải hiểu rằng trước khi làm việc thì đầu tiên chúng ta phải để tâm tĩnh lặng lại, nhìn kỹ xem nên làm như thế nào sau đó mới bắt tay làm. Người xưa nói rằng: “Cân nhắc kỹ rồi mới làm”, như vậy thì xác xuất xảy ra sai lầm sẽ ít, đương nhiên hiệu quả sẽ cao.
Chúng ta nghe thấy rất nhiều người than trách, rất bất lực nói rằng: “Tôi không biết rốt cuộc đời này tôi phải làm gì. Khi còn nhỏ, lúc còn là một đứa trẻ tôi nhìn thấy người lớn trong lòng rất ngưỡng mộ, luôn vội vàng muốn nhanh chóng trưởng thành, sau khi lớn lên sẽ không bị người khác bắt nạt nữa. Sau đó lớn lên học trung học, thấy người khác lên đại học trong lòng rất ngưỡng mộ, từ sáng đến tối chỉ muốn lên đại học, khao khát vô cùng. Lên đại học rồi lại muốn mau chóng tốt nghiệp, sau đó có thể tìm được một công việc tốt. Tốt nghiệp đại học tìm được công việc rồi, sau đó lại muốn nhanh chóng kết hôn. Nhìn thấy người ta lấy vợ sanh con trong lòng cũng rất ngưỡng mộ nên vội vàng lập gia đình. Lập gia đình rồi lại rất muốn có con. Kết quả sau khi có con rồi nhưng con cái lại rất khó nuôi rất khó dạy, lại muốn con cái nhanh chóng khôn lớn, khôn lớn rồi thì tôi có thể thoải mái một chút. Sau khi lớn rồi thì con cái càng khó dạy dỗ hơn, càng khó ứng phó, khiến họ rất phiền não. Họ nghĩ công việc vừa mệt, việc nhà lại nhiều họ hy vọng có thể nhanh chóng nghỉ hưu, có thể sống một cuộc sống thanh nhàn một chút nên lại vội vàng muốn nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, họ lại nghĩ bây giờ không có công việc rất vô vị, thường xuyên đau yếu lại nghĩ khi nào sẽ chết. Đột nhiên có một ngày thật sự sắp chết rồi, lại nghĩ cả đời này rốt cuộc tôi vội vàng để làm gì?”.
Cho nên đời người cũng không thể quá bận rộn. Khi trên tay chúng ta bận rộn một số việc thì tâm thường biến thành mù mịt. Sau khi mù mịt thì mục tiêu cuộc sống sẽ biến thành mù mờ, không biết ý nghĩa chân thật của nhân sanh rốt cuộc là ở đâu. Giống như "Kinh Vô Lượng Thọ" đã nói: “Người thế gian bận rộn với những việc không cần thiết”. Việc họ bận rộn thật sự đều gọi là những việc không cần thiết. Việc cần làm thì họ không làm, việc không cần làm thì họ lại ra sức làm, bận rộn đến cuối cùng thật sự là biến thành mù mịt. Cho nên chúng ta sống ở thế gian phải hiểu rằng đời này chỉ là một sự chuyển tiếp. Mỗi đời mỗi kiếp đều là sống như vậy, kỳ thực vô cùng khổ sở. Nếu không muốn liễu thoát sanh tử, vượt khỏi lục đạo luân hồi thì đời đời kiếp kiếp đều sống trong sự bận rộn, vội vội vàng vàng như vậy, thật sự là đáng thương.
Phật thở dài nói với chúng ta, đó gọi là: “Sanh tử mệt mỏi”. Chúng ta phải thật sự giác ngộ từ trong những việc không cần thiết, phải hiểu được việc quan trọng nhất trong cuộc đời này của chúng ta chính là niệm Phật cầu sanh Thế Giới Cực Lạc. Đời này phải thật sự liễu thoát sanh tử luân hồi, thì đời này mới xem là có ý nghĩa. Nếu đời này không thể vãng sanh Tịnh Độ, mà vẫn trôi lăn trong lục đạo luân hồi thì có ý nghĩa gì chứ?
Bạn kiếm được nhiều tiền hơn nữa, có địa vị cao hơn nữa, cho dù gia đình của bạn có như ý hơn đi nữa thì cuối cùng vẫn là một mảng trống không. Cho nên, chúng ta phải thật sự nghiêm túc suy ngẫm, sau đó mới thật sự phát khởi tín nguyện chân thật cầu vãng sanh Tịnh Độ. Xin xem điều tiếp theo:
“Không sợ khó, chớ qua loa”
Chúng ta học tập, làm việc, hay tu đạo cũng được, bất luận là làm gì chỉ cần lập định mục tiêu, kiên trì không mệt mỏi thì nhất định có thể thành công. Mà trong khi kiên trì không mệt mỏi cũng nên biết rằng phải thận trọng cẩn thận, không được khinh suất, không được lơ là. Một sự việc không thành công thường có hai chướng ngại lớn. Một cái chính là “sợ khó”, một cái là “qua loa”. Họ sợ khó khăn, cảm thấy học tập quá vất vả. Bạn xem trẻ nhỏ hiện nay đi học, ngày ngày phải đeo một chiếc cặp lớn. Từ tiểu học đã bắt đầu rất cực khổ rồi. Tiểu học sáu năm, trung học sáu năm, đại học bốn năm, tương lai có thể còn học nghiên cứu, học tiến sĩ. Đi học ít nhất là mất hai mươi năm. Bản thân tôi đã học hai mươi năm, cũng xem như là học khá nhanh, thực sự cũng không dễ dàng gì.
Con đường cầu học cũng là một con đường rất gian khổ, nhưng bạn cũng không nên nghĩ nó quá khó. Trước đây mẹ tôi viết thư cho tôi, tôi đi du học ở Mỹ, mẹ tôi ở Trung Quốc. Mẹ viết thư cho tôi và nói với tôi rằng: “Sách con nên đọc từ từ, nếu đọc sách con cũng làm như vậy, làm việc con cũng làm như vậy, đương nhiên con cố gắng đọc sách, thanh tịnh đọc sách như vậy thì con làm việc sẽ không có phiền não”.
Cho nên không nên xem[DTNT1] chuyện này quá khó khăn, hãy dùng tâm bình thường để đối diện, từ từ làm thì cuối cùng nhất định có thể thành công, hoàn thành học nghiệp của bạn. Đương nhiên làm việc cũng là như vậy. Kỳ thực bản thân công việc không nhất định rất khó, vậy vấn đề nằm ở đâu? Bản thân cảm thấy khó thì đã tự tạo chướng ngại cho mình rồi.
Hiện nay, chúng ta học Phật cũng phải biết, con đường học Phật, chúng ta thường thấy trong Kinh nói rằng: “Thành Phật phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp”. Điều này quá khó, năm tháng dài dằng dặc như vậy thì khi nào mới có thể thành Phật chứ? Việc này chúng ta cũng không nên nghĩ quá nhiều. Bởi vì thành Phật nói khó thì nó cũng rất khó, phải ba đại A-tăng-kỳ kiếp, nói dễ thì nó cũng dễ, vì sao vậy? Thành Phật trong một ý niệm. Vấn đề ở chỗ trong ba A-tăng-kỳ kiếp chúng ta vẫn tu chưa thành công ý niệm này. Cho nên khó là khó ở đâu? Khó ở chỗ bản thân chúng ta không chịu tu, không phải nói con đường thành Phật khó bao nhiêu mà khó ở chỗ chúng ta tự tạo chướng ngại cho chính mình.
Như "Kinh A Di Đà" nói với chúng ta là nếu muốn thành Phật cũng không khó: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày hoặc ba ngày cho đến bảy ngày có thể niệm Phật niệm đến nhất tâm bất loạn thì có thể vãng sanh”. Cho nên bạn niệm một ngày một đêm mà có thể niệm đến nhất tâm bất loạn thì bạn thành Phật rồi, vãng sanh thì sẽ thành Phật. "Kinh Vô Lượng Thọ" nói với chúng ta điều kiện để vãng sanh thành Phật nằm ở “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Tức là chân thật phát ra đại tâm Bồ Đề tự lợi lợi tha, tin sâu nguyện thiết cầu sanh Tịnh Độ, cộng thêm nhất hướng chuyên niệm. Nhất hướng chuyên niệm tức là mỗi ngày đều niệm, ngày ngày đừng để gián đoạn thì chính là nhất hướng chuyên niệm, như vậy thì thành tựu rồi. Cho nên đừng nghĩ nó quá khó. Bạn nghĩ quá khó ngược lại tâm địa sẽ không thanh tịnh, trở thành chướng ngại cho việc niệm Phật của bạn.
Người học kinh giáo, hoằng pháp lợi sanh cũng cần thiết, con đường hoằng pháp lợi sanh mặc dù rất khó nhưng cũng không được sợ khó. Bạn xem Sư phụ thượng nhân thường nhắc nhở chúng ta. Sư phụ lấy lời của Lý lão sư [DTNT2] năm xưa nói với Sư phụ để nói lại với chúng ta rằng: “Việc hoằng pháp, người nào mới có thể chân thật hoằng pháp? Là người thông đạt thế pháp và xuất thế gian pháp”. Người minh tâm kiến tánh họ mới chân thật có tư cách hoằng pháp. Chúng ta hiện nay vẫn còn sớm, vậy không cần làm nữa hay sao? Cũng không được, bởi vì chúng ta không làm thì người trên thế gian này không ai làm. Chúng ta chỉ còn cách miễn cưỡng đi làm mà thôi. Phải làm như thế nào? Sư phụ thượng nhân nói với chúng ta, nếu không thể thông đạt thế xuất thế gian pháp thì phải dùng tâm chân thành của chính mình, chí thành cảm thông, dùng tâm chí thành của chúng ta để cảm thông. Như vậy, khi lên đài giảng hãy giao thân thể của mình cho Phật Bồ Tát, xem như Phật Bồ Tát dùng thân thể của chúng ta để giảng nói những đạo lý Thánh Hiền này. Như vậy cũng có thể đạt được hiệu quả của việc hoằng pháp.
Cho nên, khó là khó ở chỗ chúng ta có thể phát ra tâm chí thành hay không. Ở trong vẫn còn rất nhiều lo lắng, vẫn còn rất nhiều mối bận tâm, vẫn còn tâm trạng sợ khó thì tất cả đều chướng ngại tâm chí thành của chúng ta. Từ những việc này chúng ta có thể nghiêm túc suy ngẫm, khi làm bất cứ chuyện gì, bao gồm làm hộ pháp, làm nghĩa công trong đạo tràng, việc gì cũng được, chúng ta nhẫn nại mà làm, thành khẩn, lão thật đi làm là được rồi, nhất định đừng vì khó mà thoái lui.
Từ “qua loa” phía sau cũng rất quan trọng, cần phải chú ý. “Qua loa”, nếu bạn xem thường nó, lơ là việc này cũng không được. Giống như người niệm Phật nếu như lơ là, cho rằng dù sao khi lâm chung tôi có thể niệm được mười câu Phật hiệu là được rồi. "Kinh Vô Lượng Thọ" nói rằng lúc lâm chung có thể niệm được mười câu Phật hiệu thì có thể vãng sanh nên họ xem thường. Bình thường họ không chịu dụng công. Có thái độ lơ là này thì không thể vãng sanh. Vì sao? Vì bản thân họ có tâm đầu cơ trục lợi, có tâm cầu may, "Kinh Vô Lượng Thọ" nói vậy mà, nên chúng ta dùng nó làm một lý do để lười biếng. Như vậy thì không có tâm chân thành, tâm không thanh tịnh, đương nhiên niệm Phật cũng không thể có cảm ứng.
Người hoằng pháp lợi sanh cũng là như vậy, mặc dù chúng ta nói tâm chí thành, đưa thân thể cho Phật Bồ Tát mượn dùng, lên đài giảng thân thể này không phải của tôi nữa mà là của Phật Bồ Tát, thay Phật tuyên giảng pháp. Nhưng phải biết ở dưới đài giảng chúng ta vẫn phải nghiêm túc chuẩn bị, bản thảo vẫn phải chuẩn bị đầy đủ. Nếu không nghiêm túc cố gắng chuẩn bị bài giảng mà nghĩ rằng tôi lên đài giảng có Phật gia trì là được rồi, thì tâm này lại là tâm đầu cơ trục lợi, không có cách gì để cảm ứng với Phật. Vì sao vậy? Bạn không có tâm chí thành, cho nên tâm chí thành biểu hiện ở đâu? Bình thường ở dưới đài giảng dụng công nỗ lực, lên đài giảng cho dù bạn nói đều không phải là những điều mà bạn chuẩn bị, đó là Phật lực gia trì thì bản thảo mà bạn đã chuẩn bị cũng nhất định cần. Nếu như bạn không chịu chuẩn bị, bạn lên bục giảng Phật không thể gia trì bạn được. Cho nên tâm chí thành nhất định phải thực hiện trên hành động.
Bạn xem “Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký”, chúng tôi mới dùng tiếng Quảng Đông để giảng giải. Táo thần đã nhắc nhở Du Tịnh Ý công, làm việc thiện phải như thế nào? Nếu có năng lực làm việc thiện mà không mong quả báo, không cầu danh, bất luận việc to nhỏ khó dễ, chân thành nhẫn nại mà làm, như vậy là thật sự đã làm được chân thành, dần dần lâu ngày làm như vậy, tự nhiên sẽ có hiệu nghiệm bất ngờ. Sau khi chúng ta dụng công đoạn ác tu thiện lâu ngày, không hay không biết chúng ta sẽ phát hiện bản thân đã tiến gần về phía của Thánh Hiền, cách Thánh Hiền không xa nữa.
Niệm Phật cũng là như vậy, chúng ta nhẫn nại mà niệm, mỗi ngày đều làm tốt công khóa, lão lão thật thật, cũng không cần hỏi khi nào Phật đến tiếp dẫn con, cũng không cần hỏi tôi niệm Phật khi nào mới đạt được công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn, những thứ đó đều phải buông xuống. Không cầu danh, không mong quả báo, cũng không cần quan tâm nó là việc to nhỏ khó dễ, chỉ chân thành nhẫn nại mà làm, niệm lâu rồi không hay không biết đã thành phiến, không hay không biết đã tu thành công. Đây đều là những lời giáo huấn của Thánh Hiền trong "Đệ Tử Quy" giúp chúng ta có được những khải thị hay đối với sự nghiệp, đạo nghiệp của mình. Xin xem điều tiếp theo:
“Nơi ồn náo, không đến gần”
Đây là nói phải chú ý không được để trẻ nhỏ đến những nơi không tốt, những nơi không lành mạnh. Bạn xem bao gồm cả những nơi đánh bạc, những nơi hút những chất gây nghiện, những nơi sắc tình, những chốn vui chơi giải trí không lành mạnh như hiện nay v.v. Phạm vi bao gồm của “nơi ồn náo” rất nhiều, cũng bao gồm cả những nơi đánh nhau. Bởi vì nếu bạn bước vào những nơi ồn náo, có thể bạn thường bị liên lụy vào đó. Cho nên thấy những nơi không nên đến, thì phải nhanh chóng tránh xa, đừng để những thứ ở những nơi không tốt như vậy làm ô nhiễm tâm thuần thiện thuần tịnh của chính mình. Đây đều là những cách để bảo vệ tâm địa thanh tịnh của chính mình.
Khi chúng ta thường làm như vậy, xem nó như giới luật để làm, thời gian lâu rồi sẽ cùng thiện tương ưng. Phàm là những nơi thiện lành chúng ta tự nhiên sẽ cùng cảm ứng với nó, những người thiện sẽ trở thành bạn bè của chúng ta. Những nơi thiện ví dụ như hiệp hội giáo dục Phật Đà HongKong. Nơi đây có thể nói là một vùng Tịnh Độ ở HongKong. Trong một xã hội danh lợi, thương nghiệp như vậy mà lại có thể có một nơi như thế này, mọi người có thể cùng nhau học đạo, nghe Kinh, thính Pháp, nghiên cứu học tập đạo lý Thánh Hiền. Đây là một nơi thiện lành, đây chính là Tịnh Độ, chúng ta tự nhiên có thể gần gũi những nơi này.
Bạn thân cận những nơi tốt lành này thì tự nhiên sẽ có sự trợ giúp rất lớn đối với việc nâng cao thân tâm, phẩm đức, học vấn của mình. Nhìn thấy những nơi không tốt, nơi ồn náo tự nhiên chúng ta sẽ không muốn bước vào đó cùng họ. Trong vô tình tự nhiên chính mình đã trở thành một người thiện. Như người xưa nói rằng: “Nhập chi lan chi thất”, tức là bước vào một căn phòng tràn đầy hương thơm của hoa lan thì “cửu bất văn kỳ hương”, tức là lâu ngày thì chính bạn dường như không ngửi thấy hương thơm của hoa lan nữa, nhưng thực tế trên người bạn đều có hương thơm. Như vào hàng mắm, lâu ngày sẽ không ngửi thấy mùi hôi thối nữa. Nếu thường ở những nơi không tốt, nơi ồn náo, giống như ở những nơi chợ búa. Bạn xem những quầy bán cá, mùi cá tanh rất khó ngửi, bạn ở đó lâu ngày thì trên thân đều có mùi tanh hôi nhưng bạn cũng không ngửi thấy. Cho nên phải hiểu những nơi mình đến đều phải cẩn thận. Xin xem điều tiếp theo:
“Việc không đáng, quyết chớ hỏi”
“Tà” chính là những việc bất chánh, không chánh đáng. “Tích” chính là những việc kỳ quặc, cổ quái. Những việc không nên công khai thì nhất định đừng đi hỏi, thậm chí là nghe cũng đừng nghe, không nghe không hỏi. Như vậy có thể giữ gìn tâm địa thanh tịnh của mình, nuôi dưỡng tâm thuần tịnh thuần thiện của mình. Bạn xem Khổng Tử chưa bao giờ nói về những chuyện kỳ quái quỷ thần. Tức là những chuyện kỳ quái giả thần giả quỷ, tất cả đều không nói cũng không hỏi. Hiện nay, những chuyện quỷ thần hoang đường, những chuyện yêu ma quỷ quái dẫn dụ tâm hiếu kỳ của mọi người vô cùng nhiều. Bản tin thời sự cũng đặc biệt hứng thú đối với những chuyện này, đăng tải rất nhiều, trong các bản tin thời sự còn bao gồm một số những ngôn luận thái quá, một số những báo cáo thiên lệch. Đây đều thuộc về những việc không chánh đáng. Vậy chúng ta nên dùng thái độ như thế nào? Không nghe không hỏi.
Hiện nay, trên thực tế những nội dung chân thực nhưng khó nghe, những việc chánh đáng giúp con người hướng thiện mà phương tiện truyền thông đăng tải, phát sóng thì vô cùng ít ỏi. Bạn xem Sư phụ thượng nhân đã kiến nghị mọi người rằng chân thật muốn tu tâm thanh tịnh thì chí ít chúng ta không nên xem truyền hình, phim truyện cũng không xem, thậm chí là thời sự cũng không xem. Tôi không xem những thứ đó. Những thứ vô vị trên báo, tạp chí, mạng Internet, thậm chí là phim ảnh sắc tình, những thứ không tốt, không lành mạnh hết thảy đều không xem.
“Phi lễ không nhìn, phi lễ không nghe” thì tâm địa có thể thanh tịnh, tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ. Sanh trí huệ gì? Khi thật sự có vấn đề xảy ra thì bạn liền có phương pháp giải quyết. Mặc dù bạn không nhất định hiểu biết rất nhiều, bởi vì bạn nghe ít, bạn không nhất định biết những bản tin thời sự nhưng khi người khác nói với bạn thì bạn liền hiểu chuyện đó, bạn thấy rất rõ ràng đầu đuôi ngọn ngành, thậm chí phương pháp giải quyết vấn đề bạn đều rành rẽ trong lòng. Đây chính là trí huệ. Cho nên Lão Tử nói với chúng ta rằng: “Người cầu học, học càng nhiều càng tốt; người cầu đạo, học càng ít càng tốt”. Tức là bạn học kiến thức thì học được càng nhiều càng tốt, mỗi ngày đều học nhiều hơn. Nhưng nếu bạn tu đạo, những người niệm Phật như chúng ta chân thật muốn được nhất tâm thì càng ngày càng ít, ngày ngày giảm thiểu, giảm thiểu những thứ ngoại duyên thì mới đạt được tâm thanh tịnh. Bạn xem Sư phụ thượng nhân giảng kinh cũng vậy, tại sao Sư phụ giảng kinh có thể thu nhiếp tâm người? Không phải là do Sư phụ giảng nhiều về những bản tin thời sự, những vụ án hiện nay, không phải giảng nhiều những thứ đó, rất nhiều sự kiện đều là Sư phụ giảng lại, nhưng mọi người càng nghe càng có ý vị, vì sao vậy? Bởi vì đó là từ tánh đức trong tự tánh của Sư phụ lưu xuất ra. Những cái Sư phụ giảng đều hoàn toàn là tự tánh lưu lộ ra. Sư phụ không cần phải nhờ nhiều vào những bản tin thời sự, những án kiện, những cái đó biết nhiều rồi ngược lại sẽ làm ô nhiễm tâm mình, tự tánh của mình. Xin xem câu tiếp theo:
“Sắp vào cửa, hỏi có ai”
Đây cũng là lễ tiết mà trẻ nhỏ nên học từ bé. Khi chúng ta muốn bước vào phòng, thông thường đều phải gõ cửa, hỏi chủ nhân bên trong là “Chúng tôi có thể vào được không?”, hoặc là nói “Trong nhà có ai không?”. Đó là lễ phép căn bản nhất. Vì sao phải làm như vậy? Nếu bạn vào phòng người đó mà gõ cửa hỏi họ rằng “Tôi có thể vào không?”, đó là tôn trọng họ. Nếu họ thật sự có việc hoặc là không tiện thì họ sẽ nói: “Xin anh đợi một chút”. Nếu bạn không gõ cửa mà đã mở cửa, không may nhìn thấy người ta đang làm những việc không tiện hoặc là thay y phục vậy thì bạn sẽ rất ngượng ngùng. Đến một căn phòng, ví dụ là phòng trống, bạn cho rằng không có người thì bạn cũng phải gõ cửa, nếu nhỡ có người thì cũng không đến nỗi bạn đột nhiên bước vào khiến họ giật mình. Cho nên đây đều là những biểu hiện tôn trọng người khác. Xin xem câu tiếp theo:
“Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”
Điều này cũng tương tự với điều vừa rồi, nếu bạn muốn vào phòng người khác thì nhất định phải lên tiếng, lớn tiếng nói “Có ai không?” hoặc là nói “Tôi Chung Mậu Sâm đến rồi”, nói tên ra, như vậy để họ chuẩn bị tâm lý, không đến nỗi thất lễ. Xin xem câu tiếp theo:
Người hỏi ai, nên nói tên. Nói ta tôi, không rõ ràng”
Ở đây nói, ví dụ người ta hỏi tên của chúng ta thì chúng ta nên trả lời như thế nào? Nên nói ra tên của mình. Ví dụ nói bạn tên là gì, hoặc là bạn là ai. Thông thường trên điện thoại thường xuất hiện tình huống này. Bạn gọi điện thoại, ví dụ bạn gọi điện cho một người, có thể đã rất lâu rồi không liên lạc với người bạn đó. Bạn gọi điện thoại tới nói “Chào anh” thì họ sẽ hỏi bạn “Anh là ai vậy?”. Nếu bạn nói: “Là tôi đây, chẳng lẽ anh không nhận ra tôi sao?” có thể đối phương thật sự không nhận ra, vậy thì rất ngượng ngùng. Vậy họ nên trả lời bạn thế nào đây? Chẳng lẽ họ nói “Tôi không nhận ra anh là ai”, như vậy thì cũng không hay. Cho nên bạn phải nói dứt khoát “Tôi là Chung Mậu Sâm”, nói tên mình ra thì đối phương tức khắc sẽ biết bạn là ai. “Nói ta tôi, không rõ ràng”, bạn nói “là tôi”, ta tôi ý nghĩa giống nhau, là tôi, tôi này là ai cũng không rõ ràng.
Cho nên trong khi nói chuyện chúng ta phải hiểu mọi thứ đều nên rõ ràng, ứng đối cần phải phân minh. Bạn diễn giảng, giảng bài, báo cáo sự việc đều phải rõ ràng, đem sự việc nói tường tận rõ ràng khiến người nghe cũng nghe được rõ ràng thì họ sẽ hiểu được phải xử lý như thế nào. Đối với người giảng bài, như chúng tôi hiện nay học giảng kinh, cũng phải hiểu cần giảng bài một cách phân minh, rõ ràng, tường tận, mục đích là vì giúp thính chúng nghe được tường tận. Nếu thính chúng nghe không rõ ràng thì bạn hà tất phải giảng? Đó đều là một sự tôn trọng, một tấm lòng thương yêu giúp đối phương giảm bớt những phiền phức không cần thiết. Xin xem câu tiếp theo:
“Dùng đồ người, cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm”
Đây cũng là một điều giới luật, điều này trong nhà Phật gọi là “Giới trộm cắp”. Nếu bạn muốn dùng đồ vật của người khác, nên biết bạn nhất định phải công khai mượn người ta. Nếu bạn không công khai mượn đồ của người ta mà đã lấy dùng, không hỏi ý họ, vậy thì cũng bằng với trộm cắp. Bởi vì đối phương chưa đồng ý mà bạn đã lấy dùng, trong nhà Phật gọi là “không cho mà lấy” đây thuộc về tội trộm cắp. Kỳ thực người phạm giới trộm cắp vô cùng nhiều, cũng rất dễ phạm. Ví dụ chúng ta làm việc trong công ty, dùng đồ của công để làm việc riêng của mình mà không được sự đồng ý của lãnh đạo, đây đều thuộc về tội trộm cắp. Gọi một cuộc điện thoại nói chuyện riêng đó cũng là trộm cắp, phạm giới trộm cắp. Tuyết Lư lão nhân là thầy của Sư phụ thượng nhân. Trước đây Ngài cũng là nhân viên làm trong chính phủ. Khi Ngài dùng công văn, một số giấy của đơn vị, lúc gấp phải viết một số thứ, nếu những thứ đó là chuyện riêng của mình thì Tuyết Lư lão nhân nhất định sẽ xin ý kiến lãnh đạo là ‘tôi muốn mượn dùng một tờ giấy của đơn vị có được không?”, thông thường lãnh đạo đều đồng ý, chẳng có gì không đồng ý, một tờ giấy thôi mà. Nhiều lần nói nên lãnh đạo cảm thấy phiền, nói rằng: “Anh không cần hỏi, anh cứ dùng là được rồi”. Nhưng Tuyết Lư lão nhân nói: “Không được, chúng tôi học Phật, giữ năm giới nên không thể phạm giới trộm cắp được. Nếu anh không đồng ý mà tôi đã lấy dùng thì đây thuộc về giới trộm cắp, phạm giới rồi.” Chúng ta thấy người chân thật có đức lớn đều vô cùng cẩn thận thận trọng từ những chỗ nhỏ nhặt như vậy, họ sẽ không phạm giới. Xin xem câu tiếp theo:
“Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”
Ở đây ý nói muốn mượn đồ của người khác, mượn tiền, mượn đồ vật thì mấu chốt là họ đồng ý rồi bạn mới được mượn và bạn phải hoàn trả đúng hẹn. Nếu bạn không hoàn trả đúng hẹn, nhỡ họ cần dùng đến nhưng lại không có thì đương nhiên trong tâm họ sẽ khởi lên phiền não. Sau này bạn muốn mượn nữa e rằng họ sẽ không bằng lòng. Cho nên nếu bạn thật sự tôn trọng người khác thì khi mượn đồ phải trả đúng hẹn, đến lúc đó bạn muốn dùng họ cũng sẽ cho bạn mượn. Bạn kính trọng người “Người kính trọng người khác thì thường được người khác kính trọng”. Bạn tôn kính họ thì đương nhiên họ sẽ tôn kính bạn, họ sẽ phối hợp với bạn. Nếu bạn không tôn kính họ thì tương lai họ cũng không tôn kính bạn. Mượn tài vật của người khác càng nên biết rằng phải trả lại đúng hẹn, không được sanh ý niệm tham lam, tham lợi, thậm chí là không muốn trả. Sau khi khởi lòng tham thì lúc này bạn đã phạm giới trộm cắp rồi.
Ở đây tôi đã cơ bản giới thiệu, giới thiệu sơ lược xong chương “Cẩn” với mọi người rồi. Chương này mấu chốt là nói với chúng ta rằng: phải học tập thái độ thận trọng cung kính từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, trong những việc quét dọn ứng đối, quan hệ với mọi người. Nếu từ nhỏ có thể tập thành thái độ này thì tương lai bất luận làm chuyện gì lớn, đều sẽ không có sai lầm, nhân phẩm của họ cũng được dưỡng thành như vậy.
Tiếp theo chúng ta xem chương thứ tư “Tín”. Chương này chia thành mười lăm điều, cũng là do lão Pháp sư phân chia. Từ tên chương có thể thấy chương này dạy chúng ta giữ chữ tín như thế nào. Chữ tín cũng có thể mở rộng thành một loại lòng tin. Khi con người có lòng tin, có lòng tin để mong cầu những thứ cao thượng, vĩ đại thì người này cũng có thể mỗi ngày đều bước về phía đạo của Thánh Hiền. Chúng ta xem "Đệ Tử Quy" dạy chúng ta học thành tín như thế nào. Điều thứ nhất:
“Phàm nói ra, tín trước tiên. Lời dối trá, sao nói được”
Ở đây nói cần nói chuyện như thế nào, nói chuyện quan trọng ở chỗ phải giữ chữ tín. Khổng Tử nói: “Người không giữ chữ tín thì chẳng làm được chuyện gì”. Nếu nói chuyện không giữ chữ tín, đồng ý rồi nhưng sau đó lại làm trái, không giữ lời thì dần dần người này sẽ không được mọi người tín nhiệm nữa. Mọi người không tín nhiệm họ thì họ sẽ không thể có chỗ đứng trong xã hội. “Lời dối trá” ý nói khi nói chuyện phải chú ý không được gian xảo, hư ngụy. “Vọng” là vọng ngữ, không được nói khoác lác, không được lừa người. “Hề khả yên” có nghĩa là “sao có thể làm như vậy?”. Cho nên nếu nói chuyện thì luôn phải dựa trên thái độ thành tín, không có chút hư dối nào phải giấu diếm. Như Tư Mã Quang từng nói rằng: “Ông cả đời chẳng có chuyện gì không thể nói cho người biết”. Có thể thấy được chân thật tu dưỡng đức lớn đều là thực hành từ thành tín.
Một ví dụ về thành tín có thể nói là vô cùng thanh cao. Đó là vào thời nhà Chu có một vị công tử nước Ngô tên là Quý Trát. Có một hôm ông phụng mệnh đi sứ sang nước Lỗ, trên đường gặp được quốc vương nước Từ. Vị quốc vương này nhìn thấy trên người Quý Trát có đeo một thanh kiếm, ông rất thích. Lúc đó Quý Trát cũng hiểu được ý của vị quốc vương này, trong lòng đã muốn tặng thanh kiếm đó cho ông, nhưng vì phải gấp rút đi sứ cho nên không thể tặng được. Đợi trên đường trở về ông lại đi qua nước Từ, lúc đó sẽ tặng kiếm cho vị quốc vương này. Nhưng không may là vị quốc vương nước Từ này đã qua đời. Quý Trát đã đến trước phần mộ của quốc vương nước Từ và nói trước phần mộ rằng: “Lúc đó tâm tôi đã hứa sẽ tặng thanh bảo kiếm này cho ngài, mặc dù hiện nay ngài không còn nữa nhưng tôi vẫn để thanh bảo kiếm này lại cho ngài”. Vậy là ông treo thanh bảo kiếm lên cành cây bên phần mộ rồi trở về. Chuyện này có tên là “Quý Trát treo kiếm”. Bạn xem người xưa đối với một ý niệm của mình cũng giữ lời hứa như vậy, cũng thành tín như vậy. Nếu chúng ta nói lời mà không giữ lời thì thật sự là vô cùng hổ thẹn.
Bây giờ đã hết thời gian rồi. Chúng ta tạm thời nghỉ năm phút, sau đó chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về chương “Tín” này. Xin cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 221
Hôm nay : 34146
Tháng hiện tại : 684778
Tổng lượt truy cập : 58081196
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.