Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 45)
Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang sáu mươi mốt. Mời xem Kinh văn:
“PHỤC THỨ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT! NHƯỢC VỊ LAI HIỆN TẠI CHƯ THẾ GIỚI TRUNG LỤC ĐẠO CHÚNG SANH, LÂM MẠNG CHUNG THỜI, ĐẮC VĂN ÐỊA TẠNG BỒ TÁT DANH, NHẤT THANH LỊCH NHĨ CĂN GIẢ, THỊ CHƯ CHÚNG SANH VĨNH BẤT LỊCH TAM ÁC ĐẠO KHỔ. HÀ HUỐNG LÂM MẠNG CHUNG THỜI, PHỤ MẪU QUYẾN THUỘC, TƯƠNG THỊ MẠNG CHUNG NHÂN XÁ TRẠCH, TÀI VẬT, BẢO BỐI, Y PHỤC, TỐ HỌA ÐỊA TẠNG HÌNH TƯỢNG, HOẶC SỬ BỆNH NHÂN VỊ CHUNG CHI THỜI, NHÃN NHĨ KIẾN VĂN TRI ĐẠO QUYẾN THUỘC TƯƠNG XÁ TRẠCH BẢO BỐI ĐẲNG, VỊ KỲ TỰ THÂN TỐ HỌA ÐỊA TẠNG BỒ TÁT HÌNH TƯỢNG”.
(Lại vầy nữa này Quán Thế Âm! Trong các thế giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau, những hàng chúng sanh trong sáu đường, như có kẻ sắp mạng chung mà đặng nghe một tiếng danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ Tát thoáng qua lỗ tai, thì kẻ mạng chung đó không còn bị đọa vào chốn khổ ba ác đạo. Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng thân quyến đem của cải nhà cửa, vật báu, y phục v.v... của người sắp mạng chung đó mà làm của chi phí để tô đắp hay họa vẽ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát).
Đây là chuyển ác nghiệp trong lúc lâm chung. Sự việc này đã có rất nhiều người chú ý đến rồi. Lần này tôi ở Úc Châu, đã có một vị đồng tu đến hỏi tôi về chuyện người già trong gia đình của mình, đến lúc lâm chung phải xử trí như thế nào, giúp đỡ họ như thế nào? Những vị đồng tu này chưa chắc có nhận thức thật sâu sắc về Phật pháp, nhưng họ cũng có quan tâm đến việc lớn lúc lâm chung. Nhà Phật thường nói: “Việc lớn sinh tử”. Bởi vì con người lúc lâm chung, không phải nói là người này đã chết rồi, chết rồi thì mọi thứ đều chấm dứt, vậy thì không cần đến những sự quan tâm lo lắng này nữa. Nhưng thế gian này có không ít người thông minh, có không ít người có trí tuệ, hiếm có hơn nữa là những tín đồ tôn giáo. Mặc dù họ không hiểu rõ ràng đạo lý của việc lớn sinh tử là thế nào, nhưng sự tồn tại của sự thật này, họ đều có thể tin sâu không nghi, đều có thể lo nghĩ sau khi chết rồi sẽ đi đầu thai vào cõi nào? Đi thọ thân vào cõi nào? Có thể giác ngộ được điểm này là tương đối không dễ rồi. Thông thường nói chính là nhân duyên quả báo, họ có thể ý thức được đến mức này, thì khi ở thế gian khởi tâm động niệm, mọi thứ tạo tác họ cũng sẽ thúc liễm được chút ít. Đây cũng là ý nghĩa mà cận đại Ấn Quang Đại Sư muốn cứu vãn thế đạo nhân tâm, tiêu trừ kiếp nạn cho thế gian, nên Ngài đặc biệt đề xuất giáo dục nhân duyên quả báo, đạo lý là ở chỗ này. Nếu như nói với họ về đạo lý lớn của vũ trụ nhân sinh, thì người thật sự có thể thể hội, lý giải được không nhiều. Nhưng nói lý luận và sự thật về nhân quả báo ứng thì người bình thường đều có thể hiểu được, đều có thể lĩnh hội được. Và đối với việc thay đổi lòng người trong thế gian, khuyến khích mọi người đoạn ác tu thiện, tiêu trừ một số tai nạn trong thế gian, cũng có thể thu được hiệu quả tốt đẹp. "Kinh Địa Tạng" đối với đường lối này, cách dạy học này có thể nói là có khối lượng rất nặng. Đây cũng là điều mà phần trước chúng tôi có nhắc đến, tại sao sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, Ngài đã đem nhiệm vụ giáo hóa chúng sanh ủy thác cho Bồ Tát Địa Tạng, đạo lý là ở chỗ này.
Kinh văn khi vừa mở đầu liền gọi Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm đại biểu cho chúng sanh lục đạo. Gọi Bồ Tát Quán Thế Âm là cũng giống như gọi tên chúng ta vậy. Lời khai thị của Kinh văn từ nay về sau đối với chúng ta mà nói là vô cùng thân thiết. Đặc biệt chúng ta nhìn thấy: “Vị lai hiện tại chư thế giới trung” (Trong các thế giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau), đem vị lai đặt lên phía trước. Ngài nói “hiện tại” là đem đại chúng trong pháp hội lúc đó đặt ở vị trí thứ hai, đem vị lai đặt lên hàng đầu. Có thể thấy Kinh này trên thực tế ý của giảng Kinh là giảng cho chúng ta. “Chư thế giới trung” (Trong các thế giới) là không chỉ mỗi thế giới Ta Bà, cũng chứng tỏ cho thấy pháp môn Địa Tạng là tận hư không, khắp pháp giới, nó không có khác gì so với với Kinh Tịnh Độ, "Kinh Hoa Nghiêm". Từng li từng tí tỏ rõ được phạm vi của pháp Đại Thừa là tận hư không, khắp pháp giới. Đối tượng của Đại Thừa là tất cả chúng sanh trong pháp giới. Chúng ta thể hội được ý nghĩa này thì tâm lượng của chúng ta mới có thể mở rộng được. Đây là chân tâm, đây là tâm lượng vốn có của chúng ta. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” là tâm vốn có của tất cả chúng sanh, không có khác gì so với chư Phật Như Lai. Tại sao tâm lượng hiện nay lại trở nên nhỏ bé như vậy? Tâm lượng nhỏ mới bị tà môn ngoại đạo này lừa gạt, mới gặp phải những chuyện bị thiệt thòi, bị lừa gạt này. Tâm lượng mở rộng thì sẽ không bị như vậy. Hư không pháp giới mọi thứ đều không hai. Cho nên Kinh văn từng câu từng chữ đều có ý nghĩa sâu rộng vô hạn, chúng ta cần thể hội cho được, cần học tập ở trong đây, cho nên viết là “Chư thế giới trung” chứ không có viết là thế giới Ta Bà. Trong đây đặc biệt là nói: “Lục đạo chúng sanh”. Cõi nước chư Phật đều có chúng sanh lục đạo. Cõi không có chúng sanh lục đạo là có nhưng không nhiều. Giống như thế giới Tây Phương Cực Lạc là không có chúng sanh lục đạo. Đại đa số cõi nước chư Phật đều có chúng sanh lục đạo, đều rất khổ, mê rất sâu.
“Lâm mạng chung thời đắc văn Địa Tạng Bồ tát danh” (Lúc sắp mạng chung mà đặng nghe một tiếng danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ tát). Chữ mấu chốt ở đây là chữ “Văn”. Chữ văn ở đây là văn tuệ trong tam tuệ của Bồ Tát. Bạn mới biết không phải tùy tiện mà nghe được. Người bình thường trong thế gian chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa ở chỗ này. Đây là Kinh Đại Thừa, tất cả đều phải dùng tiêu chuẩn của Bồ Tát Đại Thừa để đo lường. Tam tuệ của Bồ Tát được xây dựng ở trên cơ sở tam học của Thanh Văn. Hiện nay có rất nhiều người nói tụng "Kinh Địa Tạng", cũng dựa theo những gì trong "Kinh Địa Tạng" nói mà tu hành, nhưng không đạt được quả báo, thế là phỉ báng Phật, phỉ báng pháp, nói "Kinh Địa Tạng" không linh. Họ không có nghĩ rằng bản thân họ đã hiểu sai ý nghĩa chân thật của Như Lai, chứ không phải Kinh không linh. Trong Kinh nói kẻ thiện nam, người thiện nữ, bạn có đạt được tiêu chuẩn của “Thiện” chưa? Chưa có người nào nghĩ đến. Tiêu chuẩn của “thiện” là gì? Tam Phước, đã nói với chúng ta rất rõ ràng. Tiêu chuẩn của người thiện trong thế gian là “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, từ tâm không giết hại, tu thập thiện nghiệp”, bạn có làm được chưa? Bạn làm được rồi, thì bạn là người thiện của thế gian. Phật pháp là được xây dựng trên cơ sở của thiện thế gian. Ngay cả tiêu chuẩn này bạn cũng không làm được, thì việc học Phật của bạn chỉ mới ở ngoài cửa, chưa vào cửa Phật được. Tu như thế nào đi nữa cũng là kẻ ở ngoài cửa, chưa vào cửa được, đạo lý này nhất định phải biết. Sau khi có cơ sở này rồi, vậy mới có thể vào cửa Phật. Tiêu chuẩn vào cửa Phật là phước thứ hai: “Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”. Bạn đã làm được chưa? Tam quy, mọi người ngày nay chỉ làm trên hình thức, không có nội dung thực chất, thì sao có thể có cảm ứng được? Trong Giới Kinh đã nói với chúng ta rất rõ ràng, bạn thật sự thọ trì Tam Quy, thì bạn sẽ được ba mươi sáu vị thần hộ pháp ngày đêm bảo vệ bạn. Ngày nay bạn đã thọ trì Tam Quy rồi, mà không có vị thần hộ pháp nào. Bạn thọ ngũ giới, bạn thọ một giới liền có năm vị thần hộ pháp bảo vệ bạn. Nếu đầy đủ ngũ giới liền có hai mươi lăm vị thần hộ pháp ngày đêm bảo vệ bạn. Ngày nay bạn chẳng có vị thần hộ giới nào cả, chẳng có vị thần hộ pháp nào cả, vậy là thọ Tam Quy, Ngũ Giới của bạn là uổng công rồi.
Phật giáo ngày nay chúng ta phải hiểu rõ ràng, mọi người phát tâm tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sinh, đây là sự nghiệp lớn tuyệt vời, bất kỳ sự nghiệp thế gian nào cũng không thể sánh bằng sự nghiệp này. Cho nên Phật pháp quan trọng ở hành, chứ không phải nói. Nói nhiều đi nữa cũng không có tác dụng, nhất định phải làm được. Đầy đủ phước thứ hai thì văn tuệ mới có cơ sở. Đây là Phật pháp sơ cấp, tu tam học giới, định, tuệ. Nhờ giới đắc định, nhờ định khai tuệ. Sau khi tuệ khai rồi mới có văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ. Chữ “Đắc văn” (được nghe) ở chỗ này là Bồ Tát văn danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Vừa nghe danh hiệu liền tương ưng ngay. Tương ưng với cái gì? Tương ưng với toàn Kinh. Bồ Tát Địa Tạng là tên của bộ Kinh này. Nghe thấy cái tên này thì lý luận, phương pháp, cảnh giới mà trong Kinh này nói đồng thời đều có thể hiện tiền. Bạn mới có thể ngộ nhập cảnh giới này. Cho nên nói: “Nhất thanh lịch nhĩ căn giả, thị chư chúng sanh vĩnh bất lịch tam ác đạo khổ” (Vừa qua căn tai, thì các chúng sanh này vĩnh viễn không còn trải qua nỗi khổ trong ba ác đạo), là vĩnh viễn không còn bị đọa ba ác đạo. Đây là cảnh giới gì? Các bạn đồng tu đều biết rõ, các bạn đã học qua giáo lý rồi. Chứng quả Tu-đà-hoàn thì vĩnh viễn không còn bị đọa ba ác đạo. Nếu như chưa chứng được quả Tu-đà-hoàn, thì không thể tránh khỏi ba ác đạo được. Ở đây nói nghe được danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng liền chứng sơ quả. Địa vị này ở Đại Thừa viên giáo chính là Bồ Tát quả vị sơ tín. Vậy chẳng phải là nói với bạn đã siêu phàm nhập Thánh rồi sao?
Bạn muốn hỏi sao họ vừa nghe danh hiệu Bồ Tát là có thể vào được cảnh giới này? Quý vị thử nghĩ rất nhiều công án của Thiền Tông trước đây ở Trung Quốc, không nhất định là nghe danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát, không chừng bạn nhìn thấy một cái gì đó, nghe thấy âm thanh gì đó liền hoát nhiên khai ngộ. Đây là chuyện chúng ta nghe thấy rất nhiều ở trong công án Thiền Tông. Việc đó khó, đó là cảnh giới khế nhập tự tánh. Việc này thì dễ, Giáo Hạ dễ hơn Tông Môn. Nhưng mà mức ngộ nhập của Giáo Hạ thì không triệt để giống như Tông Môn được. Tông Môn không ngộ thì vô phương, vừa ngộ họ kiến tánh. Còn ở đây khi ngộ nhập chưa chắc là kiến tánh. Nhưng mà một niệm nghĩ đến thì những lời giáo huấn, những lời căn dặn trong Kinh giáo chỉ dạy chúng ta tự nhiên sẽ sinh khởi lên trong tâm mình, liền có thể ngay đó mà sám trừ nghiệp chướng của mình, là có thể phát tâm noi theo hành nghi của Bồ Tát Địa Tạng, vậy là vào quả vị Bồ Tát sơ tín. Quả vị Bồ Tát Sơ Tín ở trên đoạn đức mà nói, là tương đồng với sơ quả Tiểu Thừa. Thật sự là vĩnh viễn không còn trải qua ba ác đạo. Tuy chưa có ra khỏi lục đạo luân hồi, nhưng chắc chắn không còn đọa ba ác đạo. Bạn muốn hỏi tại sao không đọa ba ác đạo? Là cắt đứt duyên của ba ác đạo rồi. Duyên của ba ác đạo là gì? Là tham, sân, si, mạn. Người này luôn luôn nghĩ đến Bồ Tát, luôn luôn noi theo Bồ Tát, nên cái tâm tham, sân, si, mạn, nghi này đều dứt hết, thật sự không còn nữa, niệm niệm tương ưng với thanh tịnh, bình đẳng, giác, từ bi. Người mê khởi tâm động niệm không có quên bản thân mình, lúc nào cũng lấy mình làm trung tâm, đây là mê, chấp trước, không buông xả. Người giác ngộ rồi thì luôn luôn nghĩ đến tất cả chúng sanh. Tai nạn của thế giới này nhiều như vậy, chúng sanh khổ như vậy. Người giác ngộ khởi tâm động niệm là luôn nghĩ chúng ta làm sao giúp đỡ họ, làm sao cứu vãn tai nạn này. Bản thân chúng ta không đủ trí tuệ, không đủ năng lực, cũng không có phước báo. Vậy khởi cái tâm này, động cái niệm này chẳng phải là khởi vọng tưởng sao? Không sai, đó là vọng tưởng. Nếu như dùng chân tâm nghĩ đến vấn đề này, thì tự nhiên sẽ được Phật Bồ Tát gia trì. Chúng ta không có trí tuệ, nhưng Phật có trí tuệ, chúng ta không có năng lực, nhưng Phật có năng lực, chúng ta không có phước báo, nhưng Phật có phước báo. Điều này trước đây Đại sư Chương Gia chỉ dạy tôi. Chính ông cụ dạy tôi phải nương tựa Phật Bồ Tát mới được, không nên nương tựa người. Người có người hộ pháp lớn, họ ở trong thế gian này làm quan lớn, phát tài to, bạn nương tựa những người đó, những người đó không đáng tin cậy. Nương tựa Phật Bồ Tát mới đáng tin.
Chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác, dùng tâm đại từ bi vì xã hội, vì chúng sanh, đặc biệt là vì chúng sanh khổ nạn, vậy là rất tương ưng với Bồ Tát Địa Tạng rồi. Chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, pháp thân, báo thân, ứng hóa thân của các Ngài đều ở trong tận hư không, khắp pháp giới. Nơi nào có cảm thì nơi đó liền có ứng, cảm ứng đạo giao không mảy may sai chạy. Đạo lý lớn này chúng ta phải thông đạt, sáng tỏ, sau đó tâm của bạn mới thanh tịnh được, bạn mới có thể có cảm ứng. Chúng ta học Phật nương nhờ vào điều gì? Là nương nhờ vào điểm này. Bản thân chúng ta thành tựu thì chúng sanh có phước, bản thân chúng ta không thành tựu thì chúng sanh sẽ thọ khổ, sẽ gặp tai nạn. Cho nên sự khổ nạn của tất cả chúng sanh, trước đây tôi thường hay nhắc nhở các đồng tu, ai tạo nên khổ nạn vậy? Do ta tạo nên, do ta tu không tốt mới khiến chúng sanh thọ khổ, nhất định phải tự mình gánh vác trách nhiệm này, tuyệt đối không được đùn đẩy cho người khác, [cho rằng] việc này không có liên quan gì đến ta. Có vị Phật Bồ Tát nào nói chúng sanh khổ nạn là không có liên quan gì đến mình không? Bạn tra hết Kinh điển cũng không thấy nói như vậy. Phật Bồ Tát khác với người thế gian, mọi người đều biết giác, mê khác nhau. Người mê hoặc điên đảo họ đùn đẩy trách nhiệm, chối bỏ trách nhiệm. Người giác ngộ thì hoàn toàn không đùn đẩy trách nhiệm. Cho nên đoạn đức giống nhau, nhưng trí tuệ khác nhau. Trí tuệ của Bồ Tát quả vị sơ tín cao hơn quá nhiều so với sơ quả Tiểu Thừa, đây là điều chúng ta cần phải học tập. Bạn hiểu rõ đạo lý, sáng tỏ chân tướng sự thật này, bạn sẽ không còn nghi hoặc khi đọc đoạn Kinh văn này, mới biết đây là lời chân thật.
Dưới đây là nói tu phước. Có thể tu phước thì sẽ tốt hơn nữa. Đây là nói: “Hà huống lâm mạng chung thời, phụ mẫu quyến thuộc, tương thị mạng chung nhân xá trạch, tài vật, bảo bối, y phục” (Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng thân quyến đem của cải nhà cửa, vật báu, y phục v.v...). Đoạn này rất quan trọng. Nhất định là của chính họ, là đem tài sản của chính họ ra để tu phước, vậy mới có công đức. Đem tài sản của người khác ra để tu tích công đức, thì chính mình không được gì cả, công đức tu tích được là của người khác, mình vẫn rơi vào tình trạng tội nghiệp đầy mình. Điều này phải biết, nhất định phải là của mình. Tài sản của mình mới gọi là tịnh tài. Nếu như họ ở thế gian phước báo rất lớn, nhà cửa của gia đình họ rất lớn, rất nhiều đất đai. Thời cổ đại ở Trung Quốc chúng ta nhìn thấy, thường thường họ đem nhà cửa đất đai của mình ra hiến tặng làm đạo tràng, điều này trong lịch sử chúng ta nhìn thấy rất nhiều. Giống như cư sĩ Dương Nhân Sơn thời cận đại, đó là vị trưởng giả rất giàu có. Trước lúc ông vãng sanh, lúc chưa vãng sanh, ông đã viết di chúc, đem nhà cửa đất đai của mình ra hiến tặng làm Kim Lăng Khắc Kinh Xứ. Hiện nay các bạn đến Nam Kinh hãy đến thăm Kim Lăng Khắc Kinh Xứ, đó là nhà của Dương Nhân Sơn. Số tài sản này của ông, ông không có để lại cho con cháu của mình, mà đem ra hiến tặng làm sự nghiệp Phật giáo. Đây là tấm gương rất tốt cho chúng ta. Tài sản, vật báu của ông thật sự là đều đem ra hiến tặng hết. Bố thí, y phục, quần áo của bạn quá nhiều đem tặng người khác, người khổ nạn trong thế gian rất nhiều. Họ không có cơm ăn, không có quần áo mặc, tại sao bạn không đem ra hiến tặng bố thí? Đây là tu phước đích thực. Bản thân chúng ta dùng vài bộ quần áo thay ra thay vào là đủ rồi, có vài đôi giày thay ra đổi vào cũng đủ rồi. Sự giàu có của một người, chúng tôi trước đây xem thấy ở trên báo, có một vị phu nhân của tổng thống, giày của bà có đến mấy nghìn đôi, còn nhiều hơn cả tiệm bán giày. Quần áo bao nhiêu bộ thì chúng tôi không biết, vì trên báo không có đăng. Một mình bạn làm sao mang nổi? Bố thí là tu phước.
Có rất nhiều phương pháp bố thí tu phước, ở đây là nêu ra một ví dụ. Cho nên chúng ta đọc Kinh cũng không nên chết cứng ở trên câu Kinh, thế là sai rồi. Phương pháp bố thí rất nhiều, ở đây chỉ nêu ra một ví dụ là “Tố họa Địa Tạng hình tượng” (Đắp vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng). Tại sao vậy? Việc này là dễ làm nhất. Nếu như bảo bạn làm giống như Dương Nhân Sơn đem nhà cửa đất đai hiến tặng làm đạo tràng, vậy thì khó rồi. Rất nhiều người sẽ nói tôi không có sức lớn như vậy được, nhà của tôi rất nhỏ, có quyên góp thì cũng không thể làm đạo tràng được. Nêu ra ví dụ này, nếu như nói đắp vẽ hình tượng Địa Tạng, cái này thì không khó. Tùy theo tài lực của bạn, bạn có khả năng thì đắp nặn hình tượng Bồ Tát Địa Tạng trang nghiêm cao lớn. Sức mình nhỏ thì nhờ một người vẽ cho bạn một bức hình Bồ Tát Địa Tạng, đây chính là tùy theo sức lực. Nhưng vào thời đó thì được, không có vấn đề gì, công đức tạo tượng rất lớn. Hiện nay thời đại này tạo tượng, hỏi bạn có công đức hay không? Là có công đức, không thể phủ nhận, nhưng không rõ rệt, hiện tiền không nhận được quả báo. Đạo lý này ở chỗ nào vậy? Phật pháp hoằng dương không được rộng lớn. Người tụng "Kinh Địa Tạng" rất nhiều, nhưng mấy người hiểu được ý nghĩa ở trong "Kinh Địa Tạng"? Từ đó cho thấy, nếu như khiến tất cả chúng sanh tạo công đức chân thật ở trong cửa Phật, có thể nhận được quả báo ngay hiện tiền, thì nhất định phải có người tuyên dương, đem pháp môn Địa Tạng giảng thật thấu triệt, thật rõ ràng. Người ta vừa nhìn thấy hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng, cảm nhận của họ sẽ khác. Nếu như đối với Phật pháp hoàn toàn không hiểu rõ, không sáng tỏ, thậm chí là có hiểu lầm, cho đây là tượng đất vô tri. Hình tượng Bồ Tát Địa Tạng thờ cúng khi họ nhìn thấy không hề có mảy may tâm cung kính, vả lại còn phê bình là thờ tượng đất vô tri, là mê tín! Chúng ta thử hỏi đối với loại người phê bình, chỉ trích này có lợi ích hay không? Có lợi ích, “Vừa qua căn tai vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, thế là vô lượng kiếp về sau mới khởi tác dụng, chứ hiện nay không khởi tác dụng. Trong Kinh nói rất rõ ràng, tội phỉ báng vẫn là phải đọa địa ngục để thọ tội. Đợi đến sau khi thọ xong cái tội đó rồi, thì hạt giống đạo vừa qua căn tai này, tương lai gặp được thiện duyên, họ có thể khởi hiện hành. Từ đó cho thấy, công việc hoằng pháp thời hiện nay là quan trọng hơn hết. Bất kỳ sự nghiệp thế gian và xuất thế gian nào cũng không thể quan trọng bằng sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.
Đồng học chúng ta phát tâm xuất gia, bất kể nhân duyên xuất gia của bạn là gì, tóm lại là do thiện căn, phước đức, nhân duyên hiện nay đầy đủ rồi. Nhân duyên phát tâm có thể không cần phải bàn cãi, trong đời này có cơ hội tiếp xúc được chánh pháp, có cơ hội nghe được chánh pháp, tu học chánh pháp, vậy là thành công rồi. Đây không chỉ là việc đáng vui mừng trong đời chúng ta. Đúng như lời cổ đức nói, đó là cơ hội hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay. Đời này chúng ta gặp được rồi, nhất định phải biết quý trọng, nhất định phải hăng hái. Hăng hái là khắc phục tập khí phiền não của chính mình, đây gọi là hăng hái. Chúng ta trong đời này không có bỏ phí cơ duyên này. Nếu không thể khắc phục tập khí phiền não của mình, thuận theo tập khí phiền não của mình thì vô cùng đáng tiếc. Trong Kinh đức Phật gọi là “Kẻ đáng thương xót”. Đáng thương xót là không phải chỉ người khác. Một người trong đời không có gặp được Phật pháp, vậy thì có gì đáng thương chứ? Gặp được Phật pháp mà ngay đó bỏ lỡ, thì người này thật đáng thương. Từ đó cho thấy trong Kinh đức Phật nói “Kẻ đáng thương xót” là chỉ ai vậy? Là chỉ hạng người chúng ta đây, bỏ lỡ cơ hội ngay trước mặt. Không thể khế nhập cảnh giới ngay trong đời này, nguyên nhân là bạn vẫn cứ thuận theo tập khí phiền não, bạn vẫn không thể khắc phục được chính mình. Sau khi niệm Phật đường xây dựng xong, rất nhiều đồng tu đã làm nên tấm gương khắc phục bản thân cho chúng ta thấy. Vốn dĩ bản thân phiền não rất nặng, tập khí rất nặng, ngủ rất nhiều, uể oải rã rời, bước vào niệm Phật đường không có một chút niềm tin nào, làm sao có thể chịu đựng nổi suốt từ hai mươi bốn giờ đến ba mươi sáu giờ đồng hồ? Sau khi bước vào, niệm được mấy lần là có thể khắc phục được tập khí phiền não rồi, đây là tấm gương rất rõ rệt. Cho nên niệm Phật đường đã thành tựu được rất nhiều người, nên công đức của nó là vô cùng thù thắng. Người lớn tuổi nhìn thấy người trẻ tuổi tinh tấn như vậy, cảm thấy mình không còn nhiều thời gian, nên càng phải tinh tấn hơn nữa, họ nhận được sự khích lệ. Người tuổi trẻ nhìn thấy người lớn tuổi, tuổi tác cao như vậy mà suốt hai mươi bốn giờ đến ba mươi sáu giờ họ không ngủ không nghỉ, thì người trẻ sẽ càng hổ thẹn hơn, khích lệ lẫn nhau, cảnh sách lẫn nhau, nó có thể thu được hiệu quả này. Một người niệm Phật sẽ dễ bị giải đãi, rất dễ thuận theo tập khí phiền não. Đây chính là nguyên nhân tại sao đại sư Mã Tổ và Bá Trượng thời triều Đường đề xướng cộng tu.
Xây tùng lâm chính là đề xướng cộng tu, cái hay của cộng tu là ở chỗ này, là nương tựa vào đại chúng. Trước thời gian này, đức Phật giảng Kinh thuyết pháp, hướng dẫn đại chúng tu hành, đó là việc của cá nhân mình. Ở trong Kinh Phật chúng ta không có nhìn thấy đức Phật lãnh chúng tu hành, không có! Đức Phật chỉ có giảng Kinh thuyết pháp, còn tu hành là chuyện của mỗi người. Thời đó mỗi người đều biết dụng công, không cần người khác đốc thúc, mà người nào cũng thành tựu. Từ thời Chánh Pháp đến Tượng Pháp, sau đó thời Tượng Pháp chuyển đến Mạt Pháp, căn tánh của con người mỗi đời một tệ, dần dần giải đãi, lười biếng, phóng dật, rất khó khắc phục tập khí phiền não của mình, cho nên Ngài Mã Tổ, Bá Trượng mới đề xướng cộng tu. Mã Tổ, mọi người nghe cho rõ, đó không phải là Mã Tổ mà dân gian thờ cúng. Nếu bạn hiểu như vậy, là bạn đã quá đỗi sai lầm rồi. Tổ, Ngài là Tổ Sư của Thiền Tông, họ của Ngài là họ Mã, mọi người xưng Ngài là Mã Tổ. Pháp danh của Ngài là Đạo Nhất, là thiền sư Đạo Nhất, người ta thường quen gọi Ngài là Mã Tổ, chứ không phải là Mã Tổ mà dân gian thờ cúng. Thiền sư Đạo Nhất và thiền sư Bá Trượng hai Ngài là người phát khởi xây tùng lâm đề xướng cộng tu, đề xướng nương vào đại chúng. Đây là điểm đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc, đặc biệt là thời kỳ Mạt Pháp. Trước đây tiên sinh Phương Đông Mỹ đã nói với tôi rất nhiều lần. Ngài nói Phật giáo muốn phục hưng trở lại, thì nhất định phải khôi phục lại chế độ tùng lâm. Khôi phục chế độ tùng lâm tức là khôi phục chế độ cộng tu. Ngày nay chúng tôi đề xướng làng Di Đà chính là muốn hiện đại hóa tùng lâm. Trên hình thức là khác với tùng lâm trước đây, nhưng thực chất là giống nhau. Đây chính là nhà Phật thường nói tiếp nối huệ mạng Phật. Chúng tôi thay đổi ở trên hình thức, nhưng thực chất là không có thay đổi. Cho nên nền giáo dục của nhà Phật, chúng ta nhất định phải làm cho xã hội nhận biết.
Cách thức dạy học của chúng ta khác với cách thức dạy học của xã hội hiện nay. Tại sao khác nhau? Mục đích khác nhau. Giáo dục của xã hội là bồi dưỡng dạy kỹ năng, còn mục đích giáo dục của Phật pháp là nhằm khai mở trí tuệ, phá mê khai ngộ, là hướng đến trí tuệ chân thật, chứ không phải đặt kỹ thuật, năng lực lên hàng đầu. Chúng ta là đem trí tuệ chân thật đặt lên hàng đầu, vậy là hoàn toàn khác nhau. Nền giáo dục nhà Phật là ở giới, định, tuệ. Sách giáo khoa của chúng ta cũng là giới, định, tuệ tam học. Bộ “Đại Tạng Kinh” này người ta gọi là Tam Tạng. Tam Tạng là ba tạng Kinh, Luật, Luận. Nội dung bên trong nói chính là giới, định, tuệ tam học, cái này là hoàn toàn khác với cách dạy học trong trường học thế gian. Chúng ta cần phải đem điều này nói cho người đời biết. Nếu như dùng khái niệm của họ để nói, thì nhà Phật chú trọng ở giáo dục đức hạnh. Nền giáo dục xã hội hiện nay thiếu sót ở khâu này, là không có cái khâu này. Nếu như muốn xã hội ổn định, thế giới hòa bình, muốn xã hội đa nguyên văn hóa, có thể đạt đến đôi bên tôn trọng lẫn nhau, yêu thương, kính trọng lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, thì giáo dục đức hạnh là vô cùng quan trọng. Đây là nền giáo dục đặc thù, chứ không phải là giáo dục phổ thông. Nếu như dùng khái niệm giáo dục phổ thông, dựa theo pháp lệnh, quy tắc của họ, thì giáo dục Phật giáo sẽ không có cách gì đạt đến mục tiêu của mình được. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải biết. Nền giáo dục cổ đại của Trung Quốc là rất gần với giáo dục Phật giáo. Nhưng nền giáo dục hiện nay là hoàn toàn khác với giáo dục cổ đại Trung Quốc và giáo dục nhà Phật. Chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng, cũng cần phải khiến cho đại chúng xã hội cùng biết, khiến cho tương lai giáo dục Phật giáo có thể thông suốt chứ không có chướng ngại gì. Chúng ta có thể cống hiến thành quả của chúng ta cho xã hội, chúng ta bồi dưỡng, huấn luyện những vị pháp sư này. Pháp sư có pháp sư xuất gia, có pháp sư tại gia. Pháp sư xuất gia, tại gia là người có cống hiến đối với xã hội. Đây là đoạn này nói ra việc tu phước.
Đoạn này dưới đây, đây là nói chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp tốt nhất là khiến cho bệnh nhân biết, biết người thân quyến thuộc tu phước cho họ. Tại sao vậy? Trong Kinh luận thường nói “Cảnh chuyển theo tâm”. Người thân quyến thuộc tu phước cho họ, mà bản thân họ không biết thì khó chuyển đổi, chuyển đổi chậm, bởi vì họ không biết, không biết mình có phước, họ có tâm tự ti. Nếu như biết mình có phước báo thì sẽ chuyển đổi nhanh. Trong đại Kinh thường nói: “Cảnh chuyển theo tâm”, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Cho nên chúng ta tu phước cho họ nhất định phải khiến cho họ biết. Họ biết mình đã tu được những phước báo nào, có phước báo chân thật thì họ sẽ sinh tâm hoan hỷ, vì vậy chuyển nghiệp dễ dàng. Bởi vì nguyên nhân này, khiến cho bệnh nhân lúc chưa lâm chung, đầu óc họ còn tỉnh táo, nói cho họ biết người nhà đem tiền của của họ đi làm rất nhiều việc phước báo như vậy. Hôm qua cư sĩ Lý đến bàn tính với tôi. Niệm Phật đường kiến nghị của tôi là thờ một vạn bức tượng Phật A Di Đà. Cho nên ông cùng tôi nghiên cứu, một vạn bức tượng Phật A Di Đà là dùng cách thức điêu khắc gỗ hay là đắp phù điêu, cách làm như thế nào? Trong niệm Phật đường, tại sao chúng ta lại thờ nhiều tượng Phật như vậy? Có hai ý nghĩa; ý nghĩa thứ nhất là đây là tất cả chư Phật Như Lai gia trì, tất cả chư Phật Như Lai đều niệm Phật A Di Đà. Cho nên bạn bước vào niệm Phật đường này, thì tất cả chư Phật mười phương ba đời đều gần gũi. Ý nghĩa thứ hai là, người niệm Phật chúng ta tương lai đều thành Phật, niệm Phật A Di Đà đều làm Phật A Di Đà, mỗi người chúng ta đều là hóa thân của Phật A Di Đà. Bước vào niệm Phật đường, tượng Phật trong niệm Phật đường có một bức là mình, bạn nói thân thiết biết bao! Cho nên bước vào trong đây là ta người không hai, chúng sanh và Phật không hai, chúng sanh với Phật là một. Ở trong đây có chứa đựng ý nghĩa biểu tượng, công đức này là vô cùng thù thắng, vô cùng trang nghiêm. Mỗi người chúng ta khi bước vào niệm Phật đường cảm thấy rất thân thiết. Cho nên tượng Phật phải tạo cho thật trang nghiêm. Chúng ta cũng dùng cách thức này để phát triển đạo tràng này, khiến cho mọi người đều có thể sinh tâm hoan hỷ, hết lòng hết sức để thành tựu đạo tràng này. Hy vọng đạo tràng này trở thành tấm gương tốt cho đạo tràng niệm Phật trên toàn thế giới. Hiện nay mỗi tháng các tổ chức đoàn thể từ các nơi ở hải ngoại phát tâm đến nơi đây để niệm Phật ngày càng nhiều rồi, tự nhiên nơi đây trở thành một ngôi niệm Phật đường trung tâm niệm Phật, cho nên có được cảm ứng không thể nghĩ bàn.
Quả báo phía sau, quý vị lật qua xem.
“THỊ NHÂN NHƯỢC THỊ NGHIỆP BÁO HIỆP THỌ TRỌNG BỆNH GIẢ, THỪA TƯ CÔNG ĐỨC TẦM TỨC TRỪ DŨ, THỌ MẠNG TĂNG ÍCH”.
(Người bịnh đó nếu có nghiệp báo phải mang lấy bịnh nặng, thời nhờ công đức này liền được lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu).
Đã tạo công đức này rồi, thì bệnh của họ sẽ khỏi ngay. Không những khỏi bệnh, mà còn tăng thêm tuổi thọ, không hề giả chút nào cả. Trong chú giải nói rất hay, chúng ta hãy đọc qua nó một lần. “Hà cố tu vị bệnh nhân ư Địa Tạng xứ tu cúng tố tượng” (Tại sao phải vì bệnh nhân đắp nặn, thờ cúng tượng Bồ Tát Địa Tạng). Đây là trước tiên nêu ra vấn đề, tại sao làm như vậy. “Dĩ năng dũ bệnh, ích thọ dã.” (Vì có thể lành bệnh, tăng thêm tuổi thọ vậy). Nguyên nhân là ở chỗ này, có thể khiến cho bệnh tật tiêu trừ, có thể kéo dài phước thọ. Có thọ mà không có phước như vậy cũng rất khổ, có thọ vừa có phước, bởi vì họ tu có phước. Thờ Phật có thể kéo dài tuổi thọ. “Chỉ Quán vân” (Sách Ma Ha Chỉ Quán nói rằng). “Chỉ quán” là giáo nghĩa của tông Thiên Thai. “Bố úy ác đạo, nhân mệnh vô thường, nhất tức bất truy thiên tải trường vãng” (Ác đạo đáng kinh sợ, mạng người vô thường, một khi trút hơi thở thì sẽ đi vào đó cả ngàn năm). Đây là Phật tổ đưa ra lời cảnh cáo cho chúng ta, đây là chân tướng sự thật. Trong thế gian thật sự có người không sợ ác đạo. Người này trong Kinh Phật gọi là “Nhất Xiển Đề”, người không có thiện căn, họ không biết nỗi đáng sợ trong ác đạo, vẫn cứ tạo tác tội nghiệp. Đặc biệt là những người lấy danh nghĩa Phật giáo để lừa gạt tất cả chúng sanh, mong được danh vọng lợi dưỡng, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Nghiệp họ tạo đều là nghiệp báo địa ngục. Tuổi thọ con người rất ngắn ngủi. “Nhân mạng vô thường, nhất tức bất truy” (Mạng người vô thường, một khi trút hơi thở), là một khi trút hơi thở, là đọa lạc rồi. “Thiên tải trường vãng, u đồ miên mạc” (Vào trong đó cả nghìn năm, đường tối tăm dài dằng dặc”). Đây là miêu tả ba ác đạo. Ba ác đạo rất dễ dàng rơi vào, nhưng rất khó bước ra. Dưới đây nói: “Vô hữu tư lương” (chẳng có hành trang). Dùng cách nói hiện nay để nói, không có điều kiện thoát khỏi ba ác đạo, lúc này bạn làm thế nào? Sau khi đọa lạc Tam Đồ, muốn tu phước mà không có duyên. Con người chúng ta ở thế gian này, có rất nhiều người giàu có, có phước báo, có năng lực, mà trong đời không gặp được nhân duyên tu phước, muốn tu phước mà không có chỗ để tu. Thường thường bởi do ngu si không biết được ruộng phước đích thực, họ đem của cải, sức lực của mình đi hộ trì tà đạo. Không những không có gieo phước, trái lại còn chiêu về những tai ương. Loại tình trạng này rất nhiều rất nhiều, chúng ta cũng thường hay nhìn thấy. Từ đó cho thấy, tiêu trừ nghiệp chướng, câu nói này nói thì nghe dễ dàng, nhưng khi làm thì thật sự không dễ. Nhất định phải có tuệ, phải có phước. Không có phước tuệ, mà muốn tiêu trừ nghiệp chướng thì không thể tiêu nổi.
Nếu như chúng ta thật bình tĩnh mà quan sát, không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn đồng tu học Phật, là những người xung quanh chúng ta đây. Bạn quan sát thật kỹ, họ rất là hy vọng tiêu nghiệp chướng, cũng rất chăm chỉ nỗ lực đang làm công việc tiêu nghiệp chướng. Tự mình cho rằng cách tu phước đó là tiêu nghiệp chướng. Nhưng khi bạn quan sát thật kỹ, những việc mà họ làm là hoàn toàn trái ngược lại với mục đích của họ. Muốn tiêu nghiệp chướng mà công việc họ làm là đang tăng thêm nghiệp chướng, chứ không có tiêu trừ nghiệp chướng. Tại sao họ làm như vậy? Không có trí tuệ. Tại sao không có trí tuệ? Do đọc Kinh quá ít. Đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh họ mê hoặc, họ không hiểu rõ. Phật pháp cái nào là chánh pháp? Cái nào là tà pháp? Họ không có khả năng phân biệt, xem cái giả cho là thật. Ngạn ngữ thường nói: “Nhận giả chứ không nhận thật, thích nghe gạt chứ không thích nghe khuyên”. Ngu si! Người thế gian thường nói: “Xả tài tiêu tai”. Họ xả tiền tài rồi, mà không tiêu tai nổi. Không những không có tiêu tai mà còn tăng trưởng thêm tai họa, ngu si đến cùng cực. Bạn nói đáng thương biết bao! Cho nên chúng ta mới biết, ở trong Kinh đức Phật đã nhiều lần căn dặn, không những chúng ta phải hiểu nghĩa, mà còn phải hiểu sâu nghĩa thú. Bạn hiểu cạn vẫn không được, phải hiểu cho thật sâu. Sau đó mới biết tu phước như thế nào, tích lũy công đức ra làm sao, làm sao tiêu trừ nghiệp chướng, làm sao vào cảnh giới Phật, mấu chốt đều ở trong câu hiểu sâu nghĩa thú này. Cho nên chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian, sự nghiệp của họ chính là làm cái việc này cho tất cả chúng sanh. Đức Thế Tôn làm nên tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Trong đời Ngài mỗi ngày giảng Kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, giúp đại chúng hiểu sâu nghĩa thú. Đến đời sau này mới có người xuất gia từ bỏ giảng Kinh, dẫn dắt đại chúng huân tu, đây cũng là sự biểu hiện của đại từ bi. Họ có thể giảng được không? Giảng được. Không phải họ không giảng được. Tại sao từ bỏ giảng Kinh để dẫn dắt đại chúng tu hành vậy? Mục đích là giống nhau, giúp đỡ đại chúng trong một đời nhanh chóng thành tựu, đạo lý là ở chỗ này. Ngày nay hai việc này phải quan trọng như nhau mới có thể thu được hiệu quả. Chỉ dựa vào giảng Kinh mà không đề xướng tu hành, thì con người chỉ có văn tuệ, chỉ có giải ngộ. Giải ngộ thì không thể dứt sanh tử, không thể ra khỏi tam giới. Mặc dù tu phước, thì phước này cũng là phước báo trời người. Hoặc giả nói là phước báo hữu lậu ở trong lục đạo, chỉ có thể cứu được nỗi khổ nhất thời, chứ không thể giải thoát được. Cho nên nhất định phải đề xướng pháp hành. Có hiểu có hành, hiểu và hành quan trọng như nhau, định tuệ đồng thời, đối với chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp mới thu được hiệu quả. Nếu không thì có hành mà không giải, công phu hành dùng lâu rồi, nếu như không đạt được hiệu quả thì họ sẽ sinh tâm nghi, họ sẽ nghi hoặc, sẽ thối chuyển. Bởi vì họ không rõ lý. Đạo tràng hiện nay giảng đường kết hợp chung với niệm Phật đường, như vậy rất tốt! Đây là đường hướng chúng tôi đề xướng, chúng tôi hết lòng hết sức mở rộng, cố gắng làm. Quả báo mà trong Kinh điển nói chúng ta nhất định sẽ đạt được. Xem tiếp đoạn sau cùng này.
“THỊ NHÂN NHƯỢC THỊ NGHIỆP BÁO MẠNG TẬN, ỨNG HỮU NHẤT THIẾT TỘI CHƯỚNG NGHIỆP CHƯỚNG, HIỆP ĐỌA ÁC THÚ GIẢ, THỪA TƯ CÔNG ĐỨC MẠNG CHUNG CHI HẬU, TỨC SANH NHÂN THIÊN THỌ THẮNG DIỆU LẠC, NHẤT THIẾT TỘI CHƯỚNG TẤT GIAI TIÊU DIỆT”.
(Còn nếu người bịnh đó có nghiệp báo số mạng đã hết, lại có đủ tất cả tội chướng nghiệp chướng đáng lẽ phải đọa vào chốn ác đạo, song vì nhờ công đức này nên sau khi mạng chung, liền được sanh vào cõi trời, cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều tiêu sạch).
Cho nên nói y giáo phụng hành sẽ được hai loại quả báo khác nhau; một cái là khi tuổi thọ chưa hết, thì có thể tiêu nghiệp chướng kéo dài phước thọ. Thứ hai là nghiệp báo đã hết, nghiệp báo hết rồi thì những tội nghiệp mà họ tạo trong đời này, họ chắc chắn đọa ba ác đạo. Có thể trước lúc lâm chung, họ nghe được danh hiệu Phật Bồ Tát, thấy hình tượng Phật Bồ Tát sinh tâm sám hối chân thật. Chiêm lễ, phần trước đã nói rồi, trong chiêm lễ sinh tâm hổ thẹn, sinh tâm sám hối, thật sự phát tâm sửa chữa lỗi lầm. Nếu như cái tâm như vậy không thể sinh khởi ra thì hiệu quả của chiêm lễ sẽ rất yếu ớt, như vậy vẫn phải đọa ác đạo, vậy chỉ là gieo hạt giống nhân thiện trong A-lại-da-thức mà thôi, nó không thể khởi hiện hành được. Nếu như trong chiêm lễ có sinh tâm hổ thẹn, sinh tâm sám hối, thì họ có thể chuyển nghiệp ở ngay trong hiện hành. Hạt giống này lập tức sẽ khởi hiện hành, họ liền có thể thoát khỏi nỗi khổ ba ác đạo, chắc chắn được phước báo cõi trời, cõi người. Sao biết chắc chắn họ sẽ sinh vào cõi trời, hoặc là cõi người? Đều dựa vào sự khác nhau ở sức một niệm sám hối đó. Chân tâm khẩn thiết sám hối, thì sức mạnh sẽ rất lớn, là có thể từ quả báo ba ác đạo sinh lên cõi trời. Nếu như có tâm hổ thẹn, tâm sám hối mà sức không mạnh lắm, thì họ sẽ sinh vào cõi người. Thọ sanh vào hai cõi trời người, quả báo khác biệt rất lớn, đều ở sự chuyển đổi trong một tâm niệm. Nếu như lúc lâm chung, có thể nghe được pháp môn Tịnh Độ, nhất tâm khẩn thiết nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ, vậy thì phước báo là vô cùng thù thắng. Cho nên pháp môn Tịnh Độ được tất cả chư Phật mười phương khen ngợi, tất cả chư Phật Bồ Tát tuyên dương, khuyến khích tất cả chúng sanh vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là có đạo lý. Pháp môn này mới có thể khiến tất cả chúng sanh tội khổ giải thoát rốt ráo. Nhưng mấu chốt vẫn là một câu nói, nếu như không thể khắc phục tập khí phiền não của chính mình thì cũng chỉ có thể kết pháp duyên với Tịnh Độ, chứ đời này không thể thành tựu được. Hễ là người vãng sanh Tịnh Độ, trong "Kinh Di Đà" nói rất rõ ràng: “Không thể có ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi nước đó”. Từ đó cho thấy đều là người nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên mới có thể vãng sanh trong đời này. Người như thế nào mới là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên? Điều kiện thứ nhất là được thân người, điều kiện thứ hai là nghe Phật pháp, nghe được Kinh luận Tịnh Độ, đây là chứng minh bạn có nhiều thiện căn. Thế nào là nhiều phước đức? Tiếp xúc Tịnh Độ, nghe thấy pháp môn này liền sinh tâm hoan hỷ. Có thể tin, có thể phát nguyện, có thể y giáo phụng hành là nhiều phước đức. Chúng ta nghe, nghe xong không thể tin, nghe xong không thể hiểu, hiểu rồi lại không chịu làm, không chịu thật sự tu hành, tu hành cũng không thể khắc phục tập khí phiền não của chính mình, đây đều gọi là ít phước đức. Tuy có thiện căn, duyên có, bạn gặp được rồi, nhưng phước đức của bạn rất mỏng, vẫn là khiếm khuyết cái điểm này, nên đời này không thể vãng sanh. Vậy thì lại phải đợi đời sau, đời sau không phải đợi một đời sau, chưa chắc. Cơ hội kế tiếp có thể là sau vô lượng kiếp nữa rồi. Bạn mới biết cái việc này rất phiền phức. Cho nên gặp được cơ hội, thì người thông minh đời này phải lập tức nắm chắc nó, đừng nên đợi đến đời sau, lần sau nữa. Lần sau không biết là phải đợi đến khi nào nữa, tuyệt đối không phải là đời kế tiếp, đời thứ hai, đời thứ ba, không phải vậy. Lần sau có thể sẽ là rất nhiều kiếp nữa, rất nhiều vạn ức năm bạn mới có thể gặp được trở lại. Chân tướng sự thật này bạn nhất định phải biết rõ. Làm thế nào mới có thể nắm vững cơ hội trong đời này? Không có gì khác là buông xả. Thật sự có thể buông xả được.
Không buông xả được thì làm thế nào? Ấn Quang Đại Sư dạy cho chúng ta phương pháp rất hay. Đích thân Ngài đem chữ “Tử” dán ở trên trán. Luôn luôn nghĩ rằng ta sắp chết rồi, thì bạn còn thứ gì có thể mang đi được? Bạn còn gì không buông xả được? Bạn hãy thử xem những người chết xung quanh mình, họ có thể mang đi được những gì? Cho nên Tổ sư Ấn Quang dạy người ta thường xuyên nghĩ đến chết, ta sắp chết rồi. Phương pháp này hay vô cùng. Đích thân cụ đã làm hình mẫu cho chúng ta thấy, Ngài tự mình trong niệm Phật đường nhỏ, trong thất của mình chỉ thờ một bức tượng Phật A Di Đà, phía sau tượng Phật có viết một chữ “Tử” rất lớn. Từng giây từng phút luôn nhắc nhở mình đối với danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần thế gian không mảy may dính nhiễm, buông xả triệt để, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, là chắc chắn được sanh. Tại sao người thế gian niệm Phật vẫn không thể vãng sanh được? Chưa có buông xả, vẫn còn lưu luyến như cũ. Chỗ này nói buông xả quý vị cũng đừng nên hiểu lầm, không phải bảo bạn ở trên sự đều buông xả tất cả, đều không làm, cứ nhất tâm vào niệm Phật đường, như thế sẽ được phước báo rất lớn. Chúng ta hiện nay xuất gia, ngạn ngữ thường nói: “Làm hòa thượng một ngày, thì đánh chuông một ngày”. Đây chính là chứng tỏ việc bổn phận của chúng ta, chúng ta sống một ngày thì làm việc một ngày. Tuy làm mà tuyệt đối không chấp trước, đó là buông xả, tuyệt đối không lưu luyến, giữ gìn tâm địa thanh tịnh, điều này quan trọng, không dính nhiễm một mảy may nào. Việc ta cần làm trong ngày hôm nay ta thảy đều làm cả, ngày mai có làm hay không thì không cần nghĩ đến nó. Luôn luôn nghĩ Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, niệm niệm mong cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc, vậy là đúng rồi. Ngày mai vẫn chưa đi, thì ngày mai làm tiếp. Chúng ta cũng không phải mong cầu Phật A Di Đà mau mau đến tiếp dẫn chúng ta, mọi việc cứ tùy thuận, thuận theo tự nhiên, tất cả hãy để cho Phật A Di Đà an bày. Phật A Di Đà vẫn chưa đến, ý nói là muốn chúng ta phải làm thêm mấy ngày nữa. Chúng ta đang làm rất chăm chỉ, rất nỗ lực, niệm niệm đều tương ưng với đức Phật A Di Đà. Khi tuổi thọ vẫn còn chưa hết, thì hãy giúp đỡ mọi người nhiều hơn, đem pháp môn này hết lòng hết sức giới thiệu cho đại chúng, tiến cử cho đại chúng. Việc chúng tôi làm ngày nay chính là việc này. Ngoài sự việc này ra, thì tất cả pháp thế gian và xuất thế gian hoàn toàn không có liên quan gì với chúng ta. Làm như vậy là đúng rồi! Cách làm này chính là thường xuyên đem chữ tử dán ở trên trán. Không phải nói chữ tử dán ở trên trán là không làm việc gì cả. Như thế là bạn hoàn toàn hiểu sai ý của Tổ sư rồi. Chữ này dán ở trên trán chính là buông xả vạn duyên, buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì Phật pháp trụ lâu ở thế gian. Chúng tôi đang làm hết lòng hết sức.
Xem tiếp đoạn Kinh văn dưới đây, đây là đoạn thứ ba. “Thị Tiên Vong Sanh Giới” đây cũng là sự cảm ứng không thể nghĩ bàn.
“PHỤC THỨ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT! NHƯỢC VỊ LAI THẾ HỮU NAM TỬ NỮ NHÂN, HOẶC NHŨ BỘ THỜI, HOẶC TAM TUẾ, NGŨ TUẾ, THẬP TUẾ DĨ HẠ, VONG THẤT PHỤ MẪU NÃI CHÍ VONG THẤT HUYNH ĐỆ TỶ MUỘI, THỊ NHÂN NIÊN KÝ TRƯỞNG ĐẠI, TƯ ỨC PHỤ MẪU CẬP CHƯ QUYẾN THUỘC, BẤT TRI LẠC TẠI HÀ XỨ, SANH HÀ THẾ GIỚI, SANH HÀ THIÊN TRUNG”.
(Lại vầy nữa, này Quán Thế Âm Bồ Tát! Về đời sau, nếu có kẻ nam tử, người nữ nhơn nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, hoặc lúc lên năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất cha mẹ cho đến chết mất anh chị em. Đến khi người đó khôn lớn nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng thân quyến không rõ đọa lạc vào chốn nào, hay sanh về thế giới nào, hoặc sanh lên cõi trời nào).
Loại tình trạng này ở thế gian cũng có, những năm trước thường có, người hiện nay ít có rồi. Người hiện nay có thể còn nghĩ đến cha mẹ, anh chị em, thật sự là không nhiều rồi. Đây là chứng tỏ lòng người ngày càng bạc bẽo. Lòng người ngày càng bạc bẽo chính là tình thân ngày càng bạc bẽo, đạo nghĩa ngày càng bạc bẽo. Trái lại hiện nay phiền não ngày càng nặng, tạo ác ngày càng nghiêm trọng, chỉ biết lợi cho bản thân, chứ không quan tâm người khác. Thậm chí là người thân quyến thuộc cũng không quan tâm đến. Cư sĩ Lý thường hay nói chuyện với chúng tôi, có một số người làm con cái, cha mẹ già rồi thì đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Tháng đầu tiên còn gởi một ít tiền, viện dưỡng lão nhận nuôi người già, ví dụ mỗi tháng phải đóng tiền phí năm trăm đồng, tháng đầu tiên họ đóng, đến tháng thứ hai đại khái kéo thời gian rất dài mới gởi tiền đến, đến tháng thứ ba thì không còn gởi nữa. Không cần cha mẹ nữa rồi. Nói thực ra hiện nay người như vậy rất nhiều, ngay cả súc sanh cũng không bằng. Súc sanh còn biết chăm sóc cha mẹ. Bạn nghĩ thế gian này bi thảm biết bao! Người già đáng thương biết bao! Già rồi, khả năng làm việc không còn nữa, thể lực suy yếu rồi, mình tích góp được một ít tiền đều bị con cái nghĩ đủ mọi cách lấy đi rồi. Đời sống tuổi về già, có một số người dựa vào chính phủ phụ giúp, có một số người dựa vào xã hội cứu tế, bi ai biết bao! Đây là cảnh mà chúng ta có thể nhìn thấy mọi lúc mọi nơi. Những người già không có người nuôi sống này phải dựa vào nhân sĩ từ tâm trong xã hội đến cứu tế, giúp đỡ. Làm loại sự nghiệp từ thiện này cũng có người làm thật, cũng có người làm giả. Làm thật thì đương nhiên đó là tích lũy công đức, quả báo thù thắng. Nhưng có người làm giả, làm giả là mượn những sự nghiệp này để mang lại danh lợi cho mình, dùng cái này làm chiêu bài, chiêu bài cứu tế từ thiện để đi quyên góp khắp nơi, lấy số tiền này một nửa cho mình hưởng thụ, còn một nửa kia mới đem chăm sóc cho người già. Người xưa có một câu nói rất khó nghe: “Nhà từ thiện, nhờ từ thiện mà nên nhà”. Câu nói phía sau này là nói, tại sao nhà từ thiện họ phát đạt? Là dựa vào quyên góp bên ngoài, làm cái việc này mà nên nhà nên cửa. Hạng người này trước mắt là họ được một số hưởng thụ, nhưng quả báo đều ở Tam Đồ. Họ chưa có làm tròn trách nhiệm làm từ thiện. Thật sự làm sự nghiệp từ thiện, quy mô làm sự nghiệp từ thiện này của bạn rất lớn, nuôi người nên cũng cần rất nhiều người phụ giúp, đương nhiên cần phải chi tiêu. Ngoài việc cần phải chi tiêu ra, tất cả số tiền của này còn phải cúng dường cho những người già này, vậy mới chính xác. Chúng tôi ở Úc Châu có đi tham quan các làng về hưu ở nơi đây. Làng về hưu này là do tư nhân lập nên, chỉ chuyên chăm sóc người già. Họ có thu phí. Chúng tôi đi khảo sát, thấy họ thu phí rất hợp lý. Ở trong chi phí có phí phục vụ. Phí phục vụ là gì? Là tiền lương cho những nhân viên này ở trong đó. Thu bao nhiêu vậy? Năm phần trăm. Người già ở trong đó phải trả phí, một tuần là 170 đô. Phí sinh hoạt của họ, bao gồm ở trong đó là dọn dẹp vệ sinh, toàn bộ tất cả chi phí ở trong đó, là 170 đô. Trong 170 đô đó trích ra 5% để trả tiền lương cho nhân viên ở trong đây, vậy là hợp lý. Cho nên tôi đối với họ rất tôn kính, việc họ làm là sự nghiệp từ thiện đích thực, là nhận về một chút đãi ngộ rất ít, đời sống của mình có thể sống được là đủ rồi, đem tinh thần của mình, năng lực của mình thảy đều cống hiến cho làng về hưu này, hết lòng hết sức chăm sóc những người già về hưu này. Không thể nói chăm sóc mà mình không sống được, đó là điều không thể. Tóm lại bạn phải chăm sóc cho đời sống của những nhân viên này, cho nên họ nhận tiền công một cách hợp lý, vậy là đúng như pháp. Giống như cách thức sự nghiệp từ thiện này, đáng cho chúng ta khen ngợi, đáng cho chúng ta giới thiệu phổ biến. Nó không phải mô hình từ thiện, hoàn toàn thu nhận người già, còn mình đi ra ngoài hóa duyên, quyên góp, cái đó rất dễ tạo tội nghiệp. Xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, trong đây có Phật Bồ Tát đang làm lợi ích chúng sanh, cũng có một số yêu ma quỷ quái, mượn những danh nghĩa từ thiện này để mang lại danh lợi cho mình, tổn hại chúng sanh, đều có cả, chúng ta phải nhận thức rõ ràng, phải có năng lực phân biệt. Cho nên hiện nay thế gian này vô cùng bi thảm. Vẫn còn có người đạo nghĩa, tâm địa vẫn còn phúc hậu, không phải không có, rất ít, càng ngày càng ít những người biết ơn báo ơn này. Trong Kinh này là nói về những người này.
Trong Kinh văn đặc biệt là chỉ “Vị lai thế” (Đời vị lai), Ngài không có nói hiện nay. “Nhược vị lai thế hữu nam tử, nữ nhân, nhũ bổ thời” (Về đời sau, nếu có kẻ nam tử, người nữ nhơn nào, hoặc lúc còn bú mớm). Lúc này là lúc còn rất nhỏ, lúc vẫn còn bú mớm, cha mẹ, hoặc giả anh em của họ qua đời, lúc còn nhỏ như vậy, đã gặp phải nỗi bất hạnh này, hoặc giả là “Ba tuổi, năm tuổi, đến mười tuổi trở xuống”, đại khái người thân qua đời, sau khi lớn lên đều nhớ không rõ ràng, ký ức mơ hồ, đây là thời trước đây. Hiện nay tương đối thuận tiện rồi, hiện nay có chụp hình, hình màu, còn có ghi hình nữa. Cho nên tuy cha mẹ qua đời lúc mình còn rất nhỏ, nếu như người nhà giữ gìn lại những tư liệu này của họ, khi họ lớn lên vẫn có thể nhìn thấy dung mạo của người đã mất, vẫn có thể nhìn thấy. Nếu như ghi âm họ nói chuyện lại, thì âm thanh vẫn còn, là thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. Khi chúng ta đọc đến những đoạn Kinh văn này, thì chúng ta phải hiểu âm thanh, hình ảnh ở trong đời sống gia đình này, nhất là ghi lại những hình ảnh về sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của cha mẹ đối với con cái, là rất hay! Đến lúc họ tuổi già quên mất cha mẹ thì chiếu lại cho họ xem. Anh thấy cha mẹ anh lúc nhỏ chăm sóc anh như thế nào? Nhắc nhở đạo hiếu nơi họ. Ngày nay bạn dùng thái độ gì để đối xử với cha mẹ mình? Chúng ta đọc Kinh này, phải hiểu được đạo lý này, phải biết được cách làm này, khiến cho họ tự mình tư duy thật kỹ, liền có thể biết tình trạng người thân quyến thuộc sau khi chết rồi. Nếu họ có trí tuệ, suy nghĩ nhiều cũng có thể hiểu được, đời sống hành trì trong đời của cha mẹ lúc còn sống, nhân thiện chắc chắn cảm được quả thiện, nhân ác nhất định gặp ác báo, nhân quả báo ứng không mảy may sai chạy. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển vô cùng thuận tiện, mỗi gia đình tự mình cũng có thể ghi hình lại đời sống của mình. Thời xưa khi chưa có nhưng công cụ khoa học này, người này tuổi tác cao rồi, họ nhớ nghĩ đến cha mẹ của mình, nhớ nghĩ đến người thân quyến thuộc của họ, không biết người thân quyến thuộc thị hiện ở cõi nào? Ở thế gian nào? Hoặc giả là sanh vào cõi trời người nào? Người có những suy nghĩ này, đại khái đều là người học Phật, đều là tín đồ tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo rất nhiệt tâm, họ mới nghĩ đến những điều này. Người không tin tôn giáo họ sẽ không nghĩ đến người thân quyến thuộc đi đầu thai vào cõi nào? Sinh vào cõi trời nào? Họ sẽ không có ý nghĩ này. Người có tín ngưỡng tôn giáo họ mới có những tư tưởng này.
Ở nước ngoài họ thông thường rất coi trọng tín ngưỡng tôn giáo. Thời gian tôi sống ở Mỹ rất lâu, từ tiểu học ở Mỹ đã coi trọng tín ngưỡng tôn giáo, thầy giáo đã khuyên học sinh lựa chọn một tôn giáo. Nếu như học sinh này không có tín ngưỡng tôn giáo, thì thầy giáo sẽ cho rằng học sinh này là học sinh có vấn đề. Họ có tín ngưỡng tôn giáo, bất kể bạn tín ngưỡng tôn giáo nào thì thầy cũng đều vô cùng hoan hỷ, tôn trọng bạn, yêu thương bạn, giúp đỡ bạn. Ở nước ngoài họ vô cùng coi trọng tín ngưỡng tôn giáo. Tôn giáo là duy trì nhân phẩm đức hạnh của một con người. Họ có thể tôn kính thần, họ có thể đọc Kinh, thì tư tưởng hành vi của họ, tự nhiên sẽ có những sự ràng buộc, không dám làm càn làm bậy. Cho nên họ xem việc này là giáo dục đạo đức. Trái lại người Phương Đông cận đại đã lơ là việc này. Chúng ta xem đoạn Kinh văn dưới đây:
“THỊ NHÂN NHƯỢC NĂNG TỐ HỌA ĐỊA TẠNG BỒ TÁT HÌNH TƯỢNG, NÃI CHÍ VĂN DANH, NHẤT CHIÊM NHẤT LỄ, NHẤT NHẬT CHÍ THẤT NHẬT MẠC THOÁI SƠ TÂM, VĂN DANH KIẾN HÌNH CHIÊM LỄ CÚNG DƯỜNG”.
(Người đó như có thể tô vẽ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, nhẫn đến nghe danh hiệu của Ngài rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường).
Đây là đức Thế Tôn dạy chúng ta phương pháp tu hành. Nếu bạn muốn biết người thân quyến thuộc của mình sau khi qua đời sanh về chốn nào, hay thế giới nào, cũng có thể thỏa mãn nguyện vọng của bạn. Đức Phật dạy cho bạn phương pháp tu học. Phương pháp này câu nói quan trọng nhất chính là ở bốn chữ “Mạc thối sơ tâm” (Đừng thối thất tâm ban đầu) này. Phương pháp tu học có rất nhiều loại: “Tố họa Địa Tạng Bồ Tát hình tượng” (Đắp vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng), đây là một loại. “Văn danh chiêm lễ” (Nghe danh hiệu chiêm lễ) cũng là một loại. Hay nói cách khác, có rất nhiều pháp môn, chỉ nêu ra một vài cách. Mấu chốt là ở: “Nhất nhật chí thất nhật mạc thoái sơ tâm, văn danh kiến hình chiêm lễ cúng dường” (Từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường). Đây là lặp lại một lần nữa. Sự việc này ở trong sách xưa có ghi chép rất nhiều. Người Trung Quốc coi trọng đạo hiếu, đề xướng giáo dục hiếu kính. Cho nên gốc rễ của giáo dục Trung Quốc chính là dạy hiếu, dạy kính. Tư tưởng giáo dục này, từ xưa đến nay mãi cho đến cuối năm triều Thanh cũng không có thay đổi. Có thể nói đây là tông chỉ của giáo dục Trung Quốc, là ở hiếu kính. Thực hiện hiếu kính chính là ở việc cúng tế. Cho nên ở trong đời sống nhân dân thời xưa việc cúng tế là một hạng mục quan trọng nhất ở trong đời sống.
Chúng ta đọc sách lễ xưa, sáu loại lễ quan trọng nhất ở trong lễ xưa, thứ nhất là tế lễ. Tế lễ còn gọi là Cát Lễ. Là chữ cát trong cát tường. Cát lễ chính là tế lễ, tế tự. Đối tượng của cúng tế ở Trung Quốc là cúng tế tổ tiên. Ở trong Kinh điển Phật nói quỷ thần, quỷ thần là nói tổ tiên, chứ không phải nói gì khác, là cúng tế tổ tiên. Không phải tổ tiên của mình, bạn đi cúng tế họ, như thế là nịnh nọt, bợ đỡ, không có liên quan gì đến bạn, bạn việc gì phải đi nịnh nọt người khác? Cúng tế tổ tiên là đạo lý muôn đời, là việc nên làm. Tế tự quan trọng nhất là cúng tế thần giống như thần đang hiện diện, chính là ý nghĩa mà chỗ này nói. Người chủ tế gọi là “Trai công”. Tức là phải trai giới khi cúng tế, người chủ tế gọi là trai công. Bạn sẽ nghĩ “Trai” là gì? Là trai giới. Trước khi tế tự ba ngày, người chủ tế phải trai giới. Ý nghĩa của chữ trai là gì? Trai là tu tâm thanh tịnh. Nếu dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói, người chủ tế phải đóng cửa ba ngày, là thận trọng như vậy. Ba ngày này không tiếp khách, tất cả mọi việc thảy đều buông xả. Ba ngày này ở trong căn phòng nhỏ, đồ ăn thức uống có người đưa đến, có người chăm sóc, giống như bế quan vậy. Trong ba ngày này làm việc gì vậy? Tưởng nhớ. Bởi vì họ cúng tế cha mẹ tổ tiên của chính họ, tưởng nhớ đến tình trạng đời sống cha mẹ tổ tiên lúc sinh tiền. Nhà Phật chúng ta gọi là quán tưởng, phải tưởng như họ hiện về. Sau đó đến lúc cúng tế mới có cảm ứng. Ba ngày ba đêm nghĩ về âm thanh, hình ảnh cử chỉ hành động của tổ tiên họ lúc còn sống, nhớ nghĩ như vậy. Cho nên lúc tiến hành cúng tế giống như là nghe được âm thanh, giống như là nhìn thấy hình dáng, thì việc cúng tế này mới có hiệu quả. Chứ đâu có giống như cúng tế hiện nay? Loạn tâm. Khái niệm căn bản cũng không có, họ đến nơi đó hành lễ để biểu thị cho qua, chứ một chút thành ý cũng không có, hoàn toàn là đang biểu diễn cho có hình thức, làm sao họ có cảm ứng được? Phật pháp còn coi trọng hơn so với việc cúng tế này của chúng ta, đến bảy ngày bảy đêm, một ngày đến bảy ngày. Người chủ tế của chúng ta mới có ba ngày, trai giới ba ngày. Phật pháp nói bảy ngày. “Mạc thối sơ tâm, văn danh kiến hình, chiêm lễ cúng dường” (Đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường). Cúng dường là cúng dường với tâm thanh tịnh, chứ không phải ở những vật phẩm này. Tâm cung kính chính là cúng dường. Nếu dùng cách nói bình thường của chúng ta để nói là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đây là cúng dường. Từ đó cho thấy, cúng dường không phải ở những phẩm vật dâng cúng, không phải cái này, đó là hình thức không quan trọng. Hình thức là làm hết lòng hết sức, không cần phải cầu kỳ, không cần quá mức, tùy theo khả năng sức lực nhằm biểu thị tâm kính trọng thành ý của chúng ta. Thật sự gia đình mình rất thiếu thốn, rất nghèo khó, cúng một ly nước là đủ rồi, cũng biểu thị lòng thành kính của chúng ta rồi. Nếu như nhất định phải làm cho đẹp, nở mặt nở mày, đi vay mượn khắp nơi để sắm cho được những vật phẩm cúng dường này là sai lầm. Tổ tiên của bạn chắc chắn không mong bạn bị mắc nợ. Chúng ta mắc nợ để cúng dường, vậy là không cung kính, là đại bất kính. Tại sao vậy? Cha mẹ tổ tiên bạn nhìn thấy hình ảnh này tâm trạng lo lắng. Bạn mắc món nợ này tương lai phải trả như thế nào? Không nợ nhẹ cả người. Tùy theo sức lực của mình mà cúng dường hết lòng là viên mãn rốt ráo. Phải hiểu được đạo lý này. Trong Phật pháp đặc biệt là coi trọng vấn đề này.
Ở trong hết thảy cúng dường thì cúng dường pháp là đứng đầu. Trong cúng dường pháp, đứng đầu là cúng dường y giáo tu hành. Nghĩ đến cha mẹ tổ tiên đã chỉ dạy cho chúng ta điều gì? Chúng ta có làm được chưa? Chúng ta học Phật, lời giáo huấn của Phật Bồ Tát dạy chúng ta, chúng ta có hiểu rõ chưa, có nhớ kỹ chưa, có phụng hành chưa? Đây là cúng dường đích thực. “Văn danh kiến hình” cũng là nhắc nhở, khi nghe thấy danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng là nghĩ đến tất cả lời giáo huấn trong bộ Kinh này, không chỉ là câu danh hiệu này mà thôi. Trong danh hiệu có ý ở trong đó. Trong ý có lý, có hành. Đây chính là ở trong Phật pháp Đại Thừa gọi là: “Một tức tất cả”. Một danh hiệu là đã chứa đựng toàn bộ Phật pháp ở trong đó. Không chỉ là “Đại Phương Quảng”, danh hiệu của đức Phật A Di Đà chứa đựng tất cả, mà bất kỳ danh hiệu của vị Phật Bồ Tát nào cũng chứa đựng tất cả. Cho nên chữ “Nhất” không phải cố định một cái. Nhất là bất kỳ một cái nào. Không chỉ là Phật pháp, mà pháp thế gian cũng không ngoại lệ. Có pháp nào mà không viên dung tất cả pháp đâu? Pháp nào cũng đều viên dung cả. Vậy mới nói đến chỗ chân thật, nói đến chỗ rốt ráo. Như vậy chúng ta mới biết thế nào mới gọi là “Tu kính”. Ngày nay niệm Phật đường của chúng ta chính là tu pháp môn này. Quan trọng nhất là không thối thất tâm ban đầu. Tâm ban đầu đáng quý. Cổ nhân thường nói: “Sơ phát tâm thành Phật hữu dư” (Giữ tâm như lúc mới phát thì thừa sức thành Phật). Nhưng tại sao hầu hết mọi người không thể thành tựu? Không giữ được tâm ban đầu. Tâm ban đầu là chân tâm. Trải qua thời gian lâu rồi họ bèn mệt mỏi, lười nhác, chán mỏi rồi, tâm đã thay đổi rồi! Mặc dù có tu nhưng đều là hình thức, không còn cái tâm chân thành đó nữa, cho nên không thể thu được hiệu quả. Cúng dường ở chỗ này đặc biệt phải hiểu rõ, cúng dường là cúng dường tu hành đúng như giáo lý.
Xem tiếp phần dưới đây, đây là được quả báo:
“THỊ NHÂN QUYẾN THUỘC, GIẢ NHÂN NGHIỆP CỐ ĐỌA ÁC THÚ GIẢ, KẾ ĐƯƠNG KIẾP SỐ”
(Thời quyến thuộc đã sớm khuất của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào ác đạo tính ra phải chịu đến số kiếp).
“Thị nhân” chính là người đã khuất. “Giả nhân nghiệp cố” (Nếu do ác nghiệp), “Nghiệp” là nói những nghiệp báo mà họ đã tạo trong đời quá khứ, ác nghiệp mà họ tạo tác. Tạo ác nghiệp chắc chắn phải bị đọa vào ác thú. Ác thú là chỉ ba ác đạo. Thời gian đọa ác thú rất dài.
“THỪA TƯ NAM NỮ HUYNH ĐỆ TỶ MUỘI, TỐ HỌA ĐỊA TẠNG HÌNH TƯỢNG CHIÊM LỄ CÔNG ĐỨC, TẦM TỨC GIẢI THOÁT”
(Nay nhờ công đức tô vẽ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát và chiêm lễ cúng dường của con cái, hay của anh em chị em, nên liền đặng giải thoát).
Người thân quyến thuộc đời sau của họ thường hay nhớ nghĩ đến họ, thường xuyên có thể y giáo tu hành, và đem công đức này hồi hướng cho họ, họ có thể được lợi ích, có thể nhờ đó mà thoát khỏi ba ác đạo. Trong Kinh này cũng nói đến, chúng ta bình thường, đặc biệt là người học Phật, bạn nằm mơ thấy người thân quyến thuộc, sau khi tỉnh dậy, nói tôi mơ thấy cha mẹ, người thân quyến thuộc đã qua đời. Họ đến tìm bạn để làm gì vậy? Cầu mong bạn giúp đỡ. Sau khi bạn tỉnh dậy, tốt nhất là bạn tụng Kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, là họ đến cầu mong bạn giúp đỡ. Người thế gian, người không học Phật, khi nằm mơ thấy cần phải làm thế nào? Đốt một ít giấy tiền cho họ, họ cần. Những người mà bạn có thể nằm mơ thấy phần lớn là ở cõi quỷ. Ở cõi súc sanh họ sẽ không tìm bạn. Họ đến cõi người cũng sẽ không đến tìm bạn. Còn ở cõi địa ngục thì họ không cách gì ra được, nên phần lớn là ở cõi quỷ. Lúc tôi mới học Phật, có một người bạn đồng nghiệp tin Cơ Đốc Giáo. Cả nhà đều là tín đồ Cơ Đốc Giáo. Vợ của anh bạn đồng nghiệp này qua đời rồi, ở hàng xóm cũng có một vị đồng nghiệp. Anh bạn đồng nghiệp này có học Phật, cũng thường hay gần gũi với chúng tôi, chúng tôi đều rất thân quen nhau. Người vợ của anh bạn đồng nghiệp học Phật này chỉ trong một tuần năm mơ đến ba lần, thấy người vợ của người hàng xóm tin Cơ Đốc Giáo đó đến xin tiền bà. Bởi vì trong mơ nên bà cũng quên mất người đó đã chết rồi. Cho nên bà bèn nói với người đó: Chị xin tiền thì đừng nên xin tôi, chị phải xin chồng chị mới đúng. Người đó nói: Chồng tôi không có tiền, mong cô giúp đỡ. Người đó bèn đem sự việc này kể cho tôi nghe. Tôi nói, các bạn tin Cơ Đốc Giáo không đốt tiền, không đốt giấy tiền, cho nên cô ấy không có tiền. Cô ấy đến tìm bạn để làm gì? Chính là hỏi bạn xin tiền, bạn nên đốt một ít giấy tiền cho cô ấy. Người đó bèn đốt một ít giấy tiền tặng cho cô ấy, thì về sau biến mất, không còn mơ thấy nữa. Chuyện này đều là chân tướng sự thật. Cho nên ở cõi quỷ, cõi ngạ quỷ, đốt giấy tiền thật sự là có tác dụng. Họ đến tìm bạn, bạn thật sự giúp đỡ, thật sự có thể lìa khổ. Bạn tụng Kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ. Họ được lợi ích nhiều hay ít là xem sự thành tâm niệm của bạn. Bạn niệm càng thành kính, càng thanh tịnh, thì phước họ nhận được sẽ càng lớn.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây. A Di Đà Phật!
*******************************
Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện (tập 45)
Người giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Địa Điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Tháng 5, năm 1998.
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 193
Hôm nay : 34605
Tháng hiện tại : 685237
Tổng lượt truy cập : 58081655
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.