Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (Tập 30)

Thứ sáu - 08/12/2023 21:33

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 30)

Kinh văn phía trước đã nêu ra một ví dụ, ví dụ tương đối rõ ràng đơn giản và dễ hiểu. Kinh văn từ đây về sau, đây là pháp hợp, là hợp chung với đoạn ví dụ này để nói. Mời xem Kinh văn, ở hàng thứ nhất.

THỊ CỐ ĐỊA TẠNG BỒ TÁT CỤ ĐẠI TỪ BI CỨU BẠT TỘI KHỔ CHÚNG SANH, SANH NHÂN THIÊN TRUNG LỊNH THỌ DIỆU LẠC. THỊ CHƯ TỘI CHÚNG TRI NGHIỆP ĐẠO KHỔ, THOÁT ĐẮC XUẤT LY, VĨNH BẤT TÁI LỊCH”.

(Vì thế nên Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát đủ đức từ bi lớn, cứu vớt chúng sanh mắc tội khổ, muốn cho chúng nó sanh lên cõi trời cõi người để hưởng lấy sự vui sướng tốt đẹp. Những chúng sanh tội khổ đó rõ biết sự khốn khổ trong con đường ác nghiệp rồi, khi đã được ra khỏi, chẳng còn trở vào nữa).

Đoạn văn này vô cùng đáng để chúng ta cảnh giác. Bồ-tát ở trong ba ác đạo khuyên dạy tất cả chúng sanh ở trong đây, khiến cho họ giác ngộ, sám hối, quay đầu. Hễ ai ở trong ác đạo sinh lên một niệm tâm sám hối chân thật, thì đều có thể lập tức thoát khỏi ác đạo. Những sự việc này chúng ta xem thấy rất nhiều trong Kinh điển. Có rất nhiều đồng tu sau khi xem xong, không thể sinh khởi niềm tin, cho rằng trong đời này đã tạo rất nhiều tội nghiệp, đọa vào trong ác đạo, thật là không dễ gì thoát ra được. Trong Kinh nói là đọa lạc vào ác đạo rất khó thoát ra. Tại sao có một niệm sám hối chân thành thì họ dễ dàng thoát ra như vậy? Thật sự mà nói, chúng sanh tạo ác nghiệp thì không dễ gì sinh lên một niệm tâm sám hối chân thành nhỏ bé đó được, đạo lý là ở chỗ này. Họ có thể sinh một niệm tâm là họ thật sự sám hối, chứ không phải giả, thật sự quay đầu. Ngạn ngữ thời xưa thường nói: “Lãng tử quay đầu, dù có vàng cũng không đổi”. Họ vừa quay đầu như vậy thì họ là người tốt trong người tốt, việc đó hy hữu biết bao! Vấn đề là họ đang ở trong ác đạo. Bạn thấy ở trong cõi người chúng ta, được mấy người có một niệm thật tâm quay đầu? Đầu óc của con người sáng suốt hơn nhiều so với đầu óc của chúng sanh đang ở trong ba ác đạo. Chúng ta cũng có thể nói như vậy, Thập Pháp Giới càng đi lên phía trên, thì đầu óc càng sáng suốt không mê mờ, càng đi xuống phía dưới thì càng mê hoặc, càng không sáng suốt. Địa ngục là xuống đến cực điểm rồi, mê đến cực điểm rồi! Ở trong hoàn cảnh đó, nếu họ sinh một niệm tâm thanh tịnh, một niệm tâm sám hối, bạn mới biết được là hy hữu! Vì thế đức Phật mới nói ở trong ác đạo rất khó ra khỏi, đạo lý là ở chỗ này.

Cùng một đạo lý giống nhau, tại sao chúng ta đọa lạc vào trong luân hồi, vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, là nguyên nhân gì? Bạn mới biết một niệm thật tâm sám hối đó là khó phát khởi đến như vậy, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên phàm Thánh thật sự cách nhau chỉ có một niệm. Một niệm giác liền siêu phàm nhập Thánh, một niệm mê thì vĩnh viễn ở trong luân hồi, chỉ ở trong khoảng một niệm này. Phật Bồ-tát cứu độ chúng sanh không có gì khác, tức là khuyên chúng sanh một niệm giác. Nếu sinh một niệm giác họ liền siêu sanh. Siêu sanh đến cảnh giới nào? Vậy thì phải xem trình độ giác của họ. Nếu như là giác ngộ triệt để, thì từ địa ngục có thể thành Phật ngay. Bạn có tin không? Chúng ta đọc "Kinh Vô Lượng Thọ" thì tin, nguyện thứ bốn mươi tám trong "Kinh Vô Lượng Thọ" có thể khiến cho chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng thành Phật. Đây là điểm thù thắng của pháp môn này. Lợi ích công đức của pháp môn này là không thể nghĩ bàn. Nếu như đức Phật không thể dạy chúng sanh địa ngục lập tức thành Phật, vậy thì trí tuệ, năng lực của đức Phật đáng để chúng ta nghi ngờ, đức Phật vẫn không thể làm được việc này! Đức Phật là thật sự có thể làm được, vấn đề là chúng sanh địa ngục có chịu hợp tác hay không? Không chịu hợp tác, không chịu tin, không chịu y giáo phụng hành thì Phật cũng đành vô phương thôi! Đây là không phải năng lực của Phật không đủ, mà do đối phương có chướng ngại, có nghiệp chướng. Sau khi mọi người hiểu rõ đạo lý này rồi, bạn mới biết chân tâm đáng quí.

Chúng ta ngày nay ở trong xã hội, bạn học Phật rồi. Thế nào gọi là học Phật? Bạn là thật sự học Phật hay là học Phật giả? Học Phật thật sự thì không có gì khác, phải dùng chân tâm, không lừa dối chính mình, không lừa dối chúng sanh, là bạn dùng chân tâm. Nếu như vẫn còn dối mình dối người, dù một ngày bạn niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng vô ích. Đúng như lời cổ đức nói: “Gào rát cổ họng cũng uổng công”. Chúng ta bước vào niệm Phật đường, có bao nhiêu người được nhất tâm, bao nhiêu người vãng sanh phẩm vị cao, hãy xem tâm họ dùng là tâm gì? Vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, tứ độ, tam bối, cửu phẩm, bạn sanh vào phẩm nào, cũng phải xem bạn dùng là tâm gì? Nếu như bạn dùng tâm chân thành rốt ráo viên mãn, thì bạn chắc chắn sanh về thượng phẩm thượng sanh của cõi Thực Báo Trang Nghiêm Độ. Quí vị phải biết đến nơi thượng phẩm thượng sanh của cõi Thực Báo Độ, đó là làm Phật, là thành Phật rồi. Cho nên xem trình độ bạn dùng là chân tâm.

Chân tâm vẫn có khác biệt sao? Có. Sao mà không có khác biệt chứ? Trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ đều là dùng chân tâm. Dùng chân tâm nhiều hay ít là khác nhau; mới dùng một phần, dùng một chút gọi là chân tâm, đó chính là Bồ-tát sơ trụ viên giáo. Nhiều hơn một chút nữa, vậy bạn là Bồ-tát nhị trụ. Cho nên dùng chân tâm rốt ráo viên mãn thì bạn ở vào quả vị Phật, là quả địa Như-lai. Bồ-tát đẳng giác ở trong chân tâm vẫn còn xen tạp một phẩm vọng. Bốn mươi mốt phẩm hư vọng này gọi là vô minh, họ vẫn còn một phần vô minh chưa có dứt trừ, họ vẫn chưa viên mãn. Cho nên sự việc này hoàn toàn xem chúng ta dùng mấy phần chân tâm. Biết được đạo lý này, biết được sự thật này, thì tại sao không dùng chân tâm viên mãn? Chúng ta cứ việc dùng tâm chân thành đối xử với người, dùng đức báo đức, dùng đức báo oán, đây là Bồ-tát đạo. Quên ơn phụ nghĩa, dùng oán báo oán, đây là chúng sanh trong ác đạo, vẫn không phải ba đường thiện ở trong lục đạo, mà là ba ác đạo. Dùng vọng tâm vậy là đọa ác đạo. Lục đạo đều là ác đạo. Dùng chân tâm thì siêu phàm nhập Thánh. Cho nên chúng ta không quan tâm người khác dùng tâm gì đối với mình, họ dùng là vọng tâm, thậm chí là phỉ báng ta, làm nhục ta, hãm hại ta, ta đều vui vẻ tiếp nhận, vẫn dùng tâm chân thành đối với họ như thường. Tại sao vậy? Ta muốn làm Phật, ta muốn vãng sanh phẩm vị cao. Họ không muốn làm Phật, họ muốn vào ba ác đạo. Đây chính là việc lớn sanh tử mà tôi thường hay nói, sanh tử sự đại. Sau khi chết, Thập Pháp Giới bày ngay trước mắt, chúng ta chọn cõi nào? Điều này rất quan trọng. Cõi ta chọn là cõi Phật Bồ-tát. Họ vẫn tạo lục đạo như cũ, họ tạo là việc của họ, ta cứ đi đường của ta, không thể bởi vì họ xử oan chúng ta, họ hãm hại chúng ta, mà chúng ta nhất định phải trả thù. Tư tưởng này, loại hành vi này, họ tạo ba ác đạo, ta cũng đi theo sau họ, cũng đọa ác đạo, đây gọi là ngu si.

Chư Phật Bồ-tát đại từ đại bi chỉ dạy chúng ta, đây chính là hai câu nói ở trong Kinh: “Đủ đức từ bi lớn, cứu vớt chúng sanh mắc tội khổ”. Bởi vì tâm họ dùng không phải là tâm chân thành, tâm thiện ở trong vọng tâm đó cũng xem như tốt lắm rồi, họ không phải dùng tâm ác, mà là dùng tâm thiện. Niệm tâm thiện này sinh lên, thì họ có thể thoát khỏi ba ác đạo, đến cõi trời, người. Đến cõi trời người, Phật Bồ-tát vẫn không bỏ họ, đây gọi là từ bi. “Trong cửa Phật không bỏ người nào cả”. Có phải sự việc như vậy hay không? Phải. Chư Phật Bồ-tát thường xuyên quan tâm chúng ta, quan tâm đến mỗi người chúng ta. Nhưng bản thân chúng ta đúng như ví dụ trong Kinh nói, rất dễ bị mê hoặc, rất dễ bị đọa lạc. Sanh về cõi trời người, cõi trời người thì vui sướng hơn nhiều so với ba ác đạo, nhưng hưởng vui sướng trong cõi trời người thì lại mê rồi. Cho nên khi Phật Bồ-tát quan tâm, thì chúng ta nhất định phải hợp tác với các Ngài. Cũng chính là nói, gặp được nhân duyên này mình phải nắm lấy, không được dễ dàng bỏ qua. Sau đó niềm vui mà đời này chúng ta thọ nhận, niềm vui này gọi là “Diệu lạc”. “Diệu lạc” là ở trong đời dù có thọ dụng vẫn là niệm niệm giác chứ không mê thì niềm vui này mới là diệu. Nếu như bị mê ở trong hưởng lạc, vậy thì không còn diệu nữa, rốt cuộc là mê nhiều, giác ít. Người giác họ thật sự biết vui, người mê thì không có vui. Người thế gian đều cho rằng hưởng thụ ngũ dục lục trần, như vậy gọi là vui. Ở trong ngũ dục lục trần khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là không có vui sướng rồi. Lúc nào cũng so đo với người khác, người ta có, tôi cũng có, người ta không có, tôi cũng phải có, có rồi còn muốn hơn người ta nữa, vậy niềm vui này là không diệu rồi. Niềm vui này đều có áp lực rất lớn về vật chất và tinh thần đối với mình, niềm vui này đâu thể gọi là diệu được? Nếu như chúng ta làm cuộc so sánh giữa Trung Quốc với nước ngoài, thì sẽ nhận thấy rất rõ ràng.

Người Trung Quốc ngưỡng mộ người nước ngoài, họ ở nhà đẹp, mỗi người đều có xe hơi, đi ra đường đều có xe, ở trong nhà đều là điện khí hóa, hiện đại hóa, sống rất thoải mái. Người Trung Quốc nhìn thấy rất ngưỡng mộ, cho rằng mình rất lạc hậu, và cảm thấy buồn tủi, cảm thấy rất khổ. Bạn chỉ nhìn thấy bề ngoài chứ chưa có nhìn sâu vào bên trong. Nếu nhìn sâu vào bên trong thì người Trung Quốc hạnh phúc, người nước ngoài rất khổ, bạn đã nhìn thấy chân tướng sự thật, tại sao người nước ngoài khổ? Tất cả mọi hưởng thụ của họ đều là do mượn nợ mà có, như vay ngân hàng, vay công ty bảo hiểm mà có, mang trên người toàn là nợ. Họ hạnh phúc ở chỗ nào? Mỗi ngày làm trâu làm ngựa, làm việc rất vất vả, tiền đó để trả nợ. Họ sống cuộc đời như vậy. Tuy người Trung Quốc sống cuộc sống rau dưa đạm bạc, ở nhà tranh, xây vách đất, lợp mái lá mà không có nợ. Không nợ thì nhẹ cả người. Cuộc sống như vậy người nước ngoài có nằm mơ cũng không thấy được. Người Trung Quốc sau khi làm việc xong, tan ca xong thì tâm trạng thong dong, tự tại biết bao! Vài người bạn ngồi tán dóc với nhau rất hạnh phúc, ăn vài hạt đậu phộng, uống vài chung rượu, sung sướng vô cùng. Người nước ngoài đâu có loại hưởng thụ này chứ? Thời gian nghỉ phép họ đi tìm chất kích thích, tìm chất kích thích cũng như hút thuốc phiện, để cho đời sống của mình thoải mái một chút. Vĩnh viễn ở trạng thái căng thẳng, nợ nần, trả nợ, bị nợ nần bức bách thì còn vui sướng gì? Tôi sống ở Mỹ mười lăm năm, tôi cảm thấy người Mỹ không hạnh phúc bằng người Trung Quốc. Đây là do văn hóa khác nhau, bối cảnh lịch sử không giống nhau, đương nhiên chúng ta cũng cần phải nâng cao chất lượng đời sống, và càng phải nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.

Tôi còn nhớ lúc tôi thọ giới, đây là chuyện của gần bốn mươi năm trước, Hòa thượng đắc giới của tôi là lão Pháp sư Đạo Nguyên. Ở trong giới đàn, thầy đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, để lại ấn tượng rất sâu cho chúng tôi. Đây là chuyện có thật chứ không phải giả. Thầy là người Tô Bắc, lúc nhỏ thầy xuất gia làm tiểu Sa-di, trong vùng của thầy ở có một người ăn mày. Con trai của người ăn mày này là thương nhân của vùng đó, là một thương nhân rất giàu có, kinh doanh phát tài. Con trai phát tài mà cha đi ra đường xin ăn, xin ăn ở ngoài đường, cho nên bạn bè thân thích nhìn thấy ai cũng trách mắng người con đó, bản thân người con cũng cảm thấy rất khó chịu, mất thể diện, bèn phái rất nhiều người đi tìm khắp nơi, khó khăn lắm mới tìm được ông cụ về. Sau khi tìm về rồi, thì thay quần áo cho ông, phụng dưỡng rất tốt, còn sai mấy người hầu hạ ông, để ông hưởng chút phước. Ông cụ này rất kỳ lạ, đại khái ở trong nhà khoảng chừng gần một tháng, nhân lúc không có người chú ý, ông lại lén bỏ đi, đi ra ngoài ông lại xin ăn tiếp. Về sau người ta cảm thấy rất kỳ lạ? Họ hỏi: Con trai ông mời ông về nhà để hưởng phước, tại sao ông bỏ đi? Ông bảo tôi về đó giống như thọ tội, giống như bị người ta nhốt vào lồng vậy, giống như con chim bị nhốt vào lồng, mỗi ngày người ta cho ăn, cuộc sống như vậy khó chịu lắm. Ông nói tôi ra đường xin ăn, trên người tôi chẳng có gì cả, đến đâu cũng có cơm ăn, mỗi ngày ngao du sơn thủy, mệt rồi thì tìm chỗ nghỉ ngơi một chút, đời sống như vậy hạnh phúc vô cùng. Người này biết “thọ diệu lạc”. Từ đó cho thấy, người đời hằng ngày ở nhà hưởng thụ những thứ thọ dụng vật chất, đó không phải diệu lạc, mà là niềm vui thế tục, hết sức là phàm tục, đâu có biết được diệu lạc? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện cho chúng ta thấy ba y một bát, Ngài là thọ diệu lạc. Nhu cầu ăn mặc hàng ngày, ăn no mặc ấm là đủ rồi. Thật sự biết sống, thì người đó thường ngao du sơn thủy, tiêu diêu tự tại. Đây gọi là nhân sinh, đây gọi là hạnh phúc. Nếu có duyên thì hết lòng hết sức giúp đỡ tất cả chúng sanh, giúp đỡ xã hội, hy sinh phụng hiến cũng là diệu lạc, không cần danh, không cần lợi, không cần quyền, không cần địa vị. Ngày nay gọi là làm thiện nguyện. Bất kể ở chức vị nào thảy đều làm thiện nguyện, ở trong đây có lạc thật sự, ở trong đây gọi là diệu lạc. Đức Phật nói ở trong Kinh quá nhiều, quá nhiều rồi. Rất đáng tiếc chúng ta nghe xong, đọc xong vẫn không giác ngộ như cũ, vẫn bị phiền não trói buộc như cũ. Lỗi lầm này là ở bản thân chúng ta, không được oán trời trách người. Đời người rất ngắn ngủi, mấy chục năm thật sự như cái khảy móng tay, nhất định phải giác ngộ, nhất định phải biết sống.

Sống như thế nào mới là chính xác? Những gì đức Phật chỉ dạy chúng ta là chính xác nhất. Nhất định phải nhìn thấu thế tục, phải thoát khỏi được thế tục, đây chính là siêu phàm nhập Thánh mà nhà Phật thường nói. Phải nhìn thấu được thế tục, thoát khỏi thế tục.

“Thị chư tội chúng, tri nghiệp đạo khổ” (Những chúng sanh thọ tội này, biết nghiệp đạo khổ). Hai câu này vô cùng quan trọng. Bạn thấy vừa mở đầu bản Kinh, tất cả chư Phật tán thán Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện thành Phật ở đời ngũ trược ác thế: “Biết pháp khổ lạc”. Đức Phật biết, pháp nào là khổ? Pháp nào là lạc? Chúng ta nghe lời giáo huấn của đức Phật xong, phải biết nghiệp đạo khổ. Nghiệp đạo là gì? Tạo nghiệp mà không giác ngộ bèn gọi là nghiệp đạo. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm mê chứ không giác, tà chứ không chánh, nhiễm chứ không tịnh bèn gọi là nghiệp đạo. Ngược lại, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh mà không nhiễm, đó gọi là Bồ-tát đạo, đó chính là Phật đạo. Phật đạo với nghiệp đạo ở trên sự không có gì khác biệt. Chỉ khác biệt là ở trên niệm mà thôi. Một niệm giác chính là Phật Bồ-tát, một niệm mê chính là nghiệp đạo khổ.

Làm thế nào mới có thể: “Thoát đắc xuất ly”? “Thoát” là thoát khỏi ác đạo, không những thoát khỏi ba ác đạo, mà còn thoát khỏi lục đạo nữa. Đến khi nào thoát khỏi vậy? Hiện tại thoát khỏi rồi. Làm sao để hiện tại giải thoát vậy? Đứng trước tất cả pháp trong tâm không phân biệt, không chấp trước là giải thoát rồi. Giải thoát      không phải thoát ly hoàn cảnh này, không phải cái ý này, không phải bảo bạn chạy trốn thế giới này, thế là sai lầm. Ngay trong thế gian mà thoát khỏi thế gian. Chúng ta đang ăn cơm, dù ăn cơm mà giải thoát rồi. Người thế gian ăn cơm có phân biệt, chấp trước đối với ăn uống, đó là nhiễm, đó là mê, là sống đời sống mê hoặc, tà, nhiễm. Ăn cơm còn tương ưng với mê, tà, nhiễm, đây là tạo lục đạo, đây chính là tạo ra ba ác đạo, đây là nghiệp đạo khổ. Ăn cơm như thế nào mới giải thoát vậy? Không có phân biệt, không có chấp trước, cái gì cũng ngon cả. Lạt có sự thú vị của lạt, mặn có sự thú vị của mặn, không có phân biệt, không có chấp trước, vậy trong khi ăn cơm đã thoát khỏi lục đạo luân hồi rồi. Trong mặc áo, tức là từng li tưng tí trong đời sống thường ngày, sống đời sống không có khác gì so với mọi người. Một bên là sống đời sống của lục đạo, một bên là đời sống xuất ly, một bên là có phân biệt chấp trước, một bên là không có phân biệt, chấp trước, một bên là tâm không thanh tịnh, một bên là tâm vô cùng thanh tịnh. Có thể duy trì vĩnh viễn tâm địa thanh tịnh, vĩnh viễn không sinh phân biệt, chấp trước, thì đó là “vĩnh bất tái lịch”, bạn không trở lại con đường cũ, bạn vĩnh viễn thoát khỏi ác đạo. Lục đạo đều là ác đạo. Xin thưa với quí vị, thập pháp giới cũng là ác đạo. Phật Bồ-tát chỉ dạy chúng ta, chúng ta thật sự nghe rõ ràng, thật sự nghe sáng tỏ rồi, tại sao không làm?

Chúng ta xem tiếp Kinh văn dưới đây:

NHƯ MÊ LỘ NHÂN, NGỘ NHẬP HIỂM ĐẠO”

(Như người quên đường kia lạc vào đường hiểm).

Cái này hợp chung với ví dụ phía trước, giống như bạn đi đường, bạn bị lạc mất phương hướng. “Lạc vào đường hiểm”, trong con đường này có những loài như sư tử, lang sói, hổ báo, rắn độc, thú dữ rất nguy hiểm.

NGỘ THIỆN TRI THỨC TIẾP DẪN LỊNH XUẤT, VĨNH BẤT PHỤC NHẬP”

(Gặp vị tri thức dẫn dắt cho ra khỏi không bao giờ còn lạc vào nữa).

Đây là bạn gặp được một người tốt, họ biết rất rõ mọi thứ nguy hiểm ở trong con đường này, và khuyên bạn không nên đi con đường đó. Bạn hiểu rõ, bạn sáng tỏ, bạn có thể thay đổi phương hướng, đi con đường khác, không nhất thiết phải mạo hiểm. Sau khi bạn hiểu rõ rồi, nhìn thấy người khác đi lạc vào đường ác, bạn cũng phải khuyên họ.

“PHÙNG KIẾN THA NHÂN, PHỤC KHUYÊN MẠC NHẬP”

(Gặp gỡ người khác lại bảo chớ vào đường ấy)

Đây chính là khéo léo giáo hóa.

TỰ NGÔN: ‘NHÂN THỊ MÊ CỐ, ĐẮC GIẢI THOÁT CÁNH, CÁNH BẤT PHỤC NHẬP’”.

(Tự nói rằng mình là quên đường nên đi lạc vào đó, nay đặng thoát khỏi rồi, trọn hẳn không còn trở vào đường đó nữa).

Nói cho người khác biết, bây giờ anh muốn đi con đường này, tôi trước đây đã từng mê lầm đi lạc vào con đường này, gặp được một vị thiện tri thức, vị ấy khuyên bảo tôi, tôi quay đầu rồi. Giúp người khác quay đầu. Quay đầu từ đâu? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quay đầu, từ thị phi nhân ngã, tham sân si mạn quay đầu, đây là ác đạo. Chúng ta gặp được Phật Bồ-tát, đây là thiện tri thức. Phật Bồ-tát dạy cho chúng ta những đạo lý này, chúng ta giác ngộ rồi. Những sự tướng mà các Ngài nói, chúng ta cũng quan sát rõ ràng rồi, chúng ta không đi vào con đường đó nữa. Mọi lúc, mọi nơi, đối với người, với sự, với vật nhất định không bị mê hoặc nữa. Không bị mê hoặc nữa, nghĩa là không khởi tâm động niệm, không còn phân biệt, chấp trước nữa, bạn đã giác ngộ rồi. Bạn vẫn còn khởi tâm động niệm, còn phân biệt chấp trước, vậy là bạn lại sai lầm rồi, bạn lại đi lạc vào đường ác. Cảnh giới ở trong đây cực kỳ vi tế, lại sợ mọi người nghe xong sinh ra hiểu lầm, như vậy có phải là không cần quan tâm đến mọi người, mọi việc trong thế gian hay sao? Tôi không có bảo bạn đừng quan tâm, tôi không có bảo bạn đừng làm, mà chỉ bảo bạn không khởi phân biệt, không khởi chấp trước. Không phải bảo bạn đừng ăn cơm, vẫn ăn cơm bình thường, một ngày ba bữa, không thiếu một bữa nào. Đức Phật dạy chúng ta ăn cơm không nên phân biệt, không nên kén chọn. Đâu có bảo bạn không ăn cơm? Đối với xã hội, đối với tất cả chúng sanh, Bồ-tát đại từ đại bi, tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp. Chư Phật Bồ-tát vô cùng bận rộn! Các Ngài không phải không làm, việc gì các Ngài cũng làm, thị hiện ở trong các ngành các nghề. Chúng ta xem thấy ở trong "Kinh Hoa Nghiêm", bất kỳ ngành nghề nào cũng làm nên thành tích tốt nhất, làm tấm gương tốt cho tất cả đại chúng, đâu có chuyện các Ngài không làm? Có thể thấy các Ngài làm thật. Trên sự làm viên mãn như vậy, nhưng trong tâm rất sạch sẽ, không nhiễm mảy bụi. Người thế gian chúng ta làm xong thì kể công, kiêu ngạo, kể tôi đã làm nhiều việc tốt như vậy, tôi có rất nhiều cống hiến cho xã hội, cho chúng sanh như vậy, vậy là bị ô nhiễm rồi, bạn không ra khỏi lục đạo, làm nhiều việc tốt đi nữa cũng chỉ hưởng phước trong lục đạo. Phước đó không phải diệu lạc. Chư Phật Bồ-tát thị hiện làm nhiều việc tốt đi nữa, nhưng trong tâm của mình chẳng hề dính một dấu vết nào. Nghĩa là: “Làm mà không làm, không làm mà làm”, đó gọi là diệu. Làm thì chúng ta hết lòng hết sức làm, không làm thì tâm địa thanh tịnh, tuyệt đối không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. Ý nghĩa này nhất định phải hiểu cho rõ ràng, hiểu cho sáng tỏ, mới không đến nổi sinh ra hiểu lầm. Những gì mình làm là vì tất cả chúng sanh, chúng ta nhất định hết lòng hết sức. Làm thành công rồi là do chúng sanh có phước, chứ không phải ta có công. Ta có công gì chứ? Làm không thành công, là do nhân duyên phước đức của chúng sanh không chín muồi, ta cũng không có lỗi. Cho nên tự hành hóa tha đều là tùy duyên chứ không phan duyên. Phan duyên là gì? Chấp tướng là phan duyên, lìa tướng tức là tùy duyên. Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là phan duyên. Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là tùy duyên. Những lý và sự này nhất định phải làm cho rõ ràng, minh bạch, mới không đến nổi sinh ra hiểu lầm.

Xem tiếp Kinh văn dưới đây:

NHƯỢC TÁI LÝ TIỄN DO THƯỢNG MÊ NGỘ, BẤT GIÁC CỰU TẰNG SỞ LẠC HIỂM ĐẠO, HOẶC TRÍ THẤT MẠNG. NHƯ ĐỌA ÁC THÚ”.

(Nếu còn đi vào đường ấy nữa thời là còn mê lầm, không biết đó là con đường hiểm nạn mà mình đã từng sa lạc rồi, hoặc đến nỗi phải mất mạng. Như chúng sanh bị đọa vào chốn ác đạo).

Đây là hợp chung với ví dụ phía trước. Tập khí ác của chúng ta quá nặng, rất khó khắc phục. Nhược tái lý tiễn, do thượng mê ngộ” (nếu còn đi vào đường ấy nữa, thời là còn mê lầm). Hai câu nói này chính là tính cảnh giác của chúng ta không đủ cao. Mặc áo ăn cơm lại khởi phân biệt, lại muốn kén chọn rồi. Chúng ta hãy làm từ chỗ nhỏ nhất, mỗi ngày bạn ăn cơm, hôm nay chọn món này ngon, ngày mai chọn món kia, bạn phải biết đó là nghiệp đạo khổ. Ham muốn mùi vị, ham muốn hưởng thụ, là bạn đang tạo nghiệp, bạn chưa có giác ngộ. Chúng ta trong khi ăn cơm, đang chắp tay niệm chú cúng dường, cúng dường Phật, có nghĩ đến Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa đi trì bát không? Người ta cho cái gì thì ăn cái ấy, Ngài có kén chọn là hôm nay anh cho tôi thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị của tôi hay không? Đức Phật có bao giờ nói như vậy không? Đệ tử của Phật có bao giờ động ý nghĩ này hay không? Không có. Chúng ta ngày nay kén chọn đủ thứ, chúng ta đang tạo nghiệp mà chính mình không biết được. Uống trà phải chọn trà nào ngon. Tôi xưa nay không biết trà nào ngon, trà nào dở. Người ta tặng trà cho tôi, tôi đều chuyền tay tặng cho người khác. Tặng đồ vật cao quý gì cho tôi cũng là rất uổng công. Tại sao vậy? Tôi không biết giá trị, không biết mắc hay rẻ, có đồ ăn là tốt rồi, có đồ mặc là được rồi. Nhất định phải áp dụng những Kinh giáo này vào trong đời sống. Bắt đầu tu từ đâu vậy? Mỗi ngày phải ăn cơm, mỗi ngày phải mặc áo, mỗi ngày phải làm việc, hãy phản tỉnh từ trong đời sống thực tiễn, quay đầu từ trong đời sống hiện thực. Quay đầu là bờ. Sửa đổi tập khí, sửa đổi lỗi lầm.

“Bất giác cựu tằng, sở lạc hiểm đạo” (không biết đó là con đường hiểm nạn mà mình đã từng sa lạc rồi). Đây là bản thân bạn không giác ngộ, trong đời quá khứ chúng ta đều đã từng trải qua ở trong ba ác đạo. Không chỉ là từng trải qua, mà còn trải qua vô số lần. Ngày nay chúng ta có thể lìa khỏi ba ác đạo được thân người, còn không phải nhờ Bồ-tát Địa Tạng cứu vớt sao? Toàn bộ tất cả chư Phật Bồ-tát thị hiện vào trong địa ngục, ngạ quỉ để độ chúng sanh, đều gọi là Bồ-tát Địa Tạng. Tương lai chúng ta thành tựu rồi, nhìn thấy chúng sanh địa ngục khổ, chúng ta cũng hóa thân vào địa ngục để độ hóa chúng sanh, người trong địa ngục cũng xưng chúng ta là Bồ-tát Địa Tạng. Bồ-tát Địa Tạng là danh hiệu chung, chứ không phải danh từ chuyên chỉ cho một người nào đó. Chúng ta hiện nay được thân người, liền quên hết sạch sẽ nỗi khổ trong ba ác đạo trước đây rồi. Chúng ta nhìn thấy chúng sanh trong ba ác đạo có nảy sinh giác ngộ hay không? Nhìn thấy súc sanh, súc sanh khổ, ta đã từng làm súc sanh rồi. Nhìn thấy ngạ quỉ, địa ngục, ngạ quỉ địa ngục khổ, ta đã từng đọa địa ngục, từng đọa ngạ quỉ rồi. Còn muốn làm tiếp nữa hay sao? Tại sao họ biến thành súc sanh? Do ngu si. Tại sao bị đọa ngạ quỉ? Do tham dục. Tại sao bị đọa địa ngục? Do sân hận. Tham, sân, si đọa ba ác đạo. Ngày nay trong tâm ta vẫn thường xuyên khởi tham sân si, thì bạn chính là “nhược tái lý tiễn”, nghĩa là bạn đi vào lại đường cũ rồi. Khó khăn lắm mới thoát khỏi ba ác đạo, mới được thân người. Được thân người vẫn tiếp tục không ngừng tạo nghiệp ba ác đạo. Khi bạn mất đi thân người, lại trở vào ba ác đạo rồi! Chẳng phải giống như trong Kinh phía trước nói hay sao? Mới thoát khỏi ác đạo, đi một vòng chưa được bao lâu họ lại trở về rồi.

Độ lệch thời gian của nhân gian chúng ta với ba ác đạo là rất lớn. Thông thường nói một tháng ở nhân gian là một ngày của cõi ngạ quỉ. Thực ra cõi ngạ quỉ, cõi súc sanh, cõi địa ngục độ lệch thời gian ở trong mỗi cõi của họ cũng khác nhau. Một ngày ở trong địa ngục có nơi là mấy trăm năm ở nhân gian, có nơi đến mấy nghìn năm của nhân gian, khác biệt rất lớn. Chúng ta tính độ lệch thời gian nhỏ một chút, tính một trăm năm thôi. Bạn từ địa ngục thoát ra được thân người, cho dù bạn sống đến một trăm tuổi, bạn lại tạo tác ngũ nghịch thập ác. Một trăm năm tuổi thọ hết rồi, lại trở vào địa ngục, khi người trong địa ngục nhìn thấy bạn, bạn mới ra đi có một ngày, sao bạn lại trở về rồi? Chính là tình trạng này. Quên hết sạch sẽ lời giáo huấn của Bồ-tát rồi.

Mời xem Kinh văn dưới đây:

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT, PHƯƠNG TIỆN LỰC CỐ, SỬ LỆNH GIẢI THOÁT, SANH NHÂN THIÊN TRUNG, TOÀN HỰU TÁI NHẬP”.

(Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát dùng sức phương tiện cứu vớt cho được thoát khỏi, sanh vào cõi trời, cõi người, rồi cũng vẫn trở vào ác đạo nữa).

Đây chính là ví dụ mà tôi vừa mới nói. Chữ “Toàn” nghĩa là rất nhanh, mới ra khỏi lập tức lại trở về rồi. Nếu như dựa theo cách nói thông thường, trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ở trong các buổi giảng tại trường đại học chuyên về Phật học, đã giảng cho chúng tôi nghe về tình trạng trong địa ngục. Thầy nói một ngày trong địa ngục là bằng hai nghìn bảy trăm năm nhân gian chúng ta. Há chẳng phải bạn đến nhân gian, cho dù sống đến một trăm tuổi, hai trăm tuổi, cũng chẳng phải mấy phút lại trở về rồi sao? Vừa mới ra hít một hơi lại quay trở về rồi, thật sự là loại tình trạng này. Đây là nhờ bạn học Phật cũng tương đối có căn bản, Bồ-tát Địa Tạng vừa khuyên bạn, bạn khởi lên một niệm tâm thiện liền ra khỏi ngay. Sau khi ra khỏi rồi, lập tức lại mê lại.

NHƯỢC NGHIỆP KẾT TRỌNG, VĨNH XỬ ĐỊA NGỤC, VÔ GIẢI THOÁT THỜI”.

(Nếu chúng sanh đó kết nghiệp quá nặng, thời ở mãi chốn địa ngục không lúc nào được thoát khỏi).

Đây là nói nghiệp của bạn rất nặng. Bồ-tát Địa Tạng ở trong đó dạy bạn không nghe, bạn không tin. Nghiệp chướng nặng như vậy ở trong địa ngục, địa ngục là nơi mà Bồ-tát Địa Tạng thường hay đến giáo hóa, bạn cũng không nhận ra, bạn nhìn thấy Bồ-tát cũng không thèm màng tới. Chư Phật Bồ-tát giáo hóa ở cõi nào, thì nhất định thị hiện cùng loại thân ở      cõi đó, mới có thể giáo hóa được. Không phải dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, không phải dùng loại thân này. Loại thân này người không có phước báo không thể nhìn thấy được. Thấy là cùng một     loại thân, cùng loại thân là rất khó nhận ra. Thế gian chúng ta Phật Bồ-tát ứng hóa rất nhiều. Thời xưa nhiều, hiện nay còn nhiều hơn nữa. Tại sao nói hiện nay nhiều hơn nữa? Hiện nay chúng sanh khổ nhiều hơn, nên Phật Bồ-tát thị hiện nhất định là nhiều hơn. Nhưng thị hiện cùng loại thân như chúng ta mà chúng ta không biết người nào là Phật? Người nào là Bồ-tát? Chúng ta làm sao biết được. Nhất định phải hiểu thật sâu Phật pháp, bạn hiểu tương đối thấu triệt về giáo lý của Phật, tâm địa thanh tịnh, tính cảnh giác cao, dần dần bạn mới phát hiện ở xung quanh thật sự có rất nhiều Phật Bồ-tát, từng giây từng phút đang quan tâm chúng ta. Tướng mà những vị Phật Bồ-tát này thị hiện không giống nhau, có thiện, có ác, thị hiện cảnh giới có cảnh thuận, có cảnh nghịch, chẳng qua là giúp chúng ta giác ngộ, giúp chúng ta quay đầu. Ở trong cảnh thuận giúp chúng ta đoạn tham, đoạn tham ái. Ở trong cảnh nghịch giúp chúng ta đoạn sân hận. Giúp cho tâm chúng ta ở trong cảnh giới thiện ác, thuận nghịch được tâm thanh tịnh, được tâm bình đẳng. Khi chúng ta ở trong cảnh thuận sinh tham ái, ở trong nghịch cảnh sinh sân hận, trong Kinh nói như vậy làlại mê rồi, lại đọa lạc rồi, thoát khỏi ác đạo chưa được mấy ngày liền quay trở lại rồi. Điều này đức Phật ở trong Kinh cũng thường nói, chỉ cần ở trong lục đạo luân hồi, thì chắc chắn thời gian ở trong ba đường ác dài, thời gian ở trong ba đường thiện ngắn, là đạo lý nhất định. Nếu như bạn không thể nhận biết rõ hoàn cảnh, không thể tiếp nhận sự giáo huấn, như vậy là nghiệp chướng của bạn quá nặng. “Vĩnh xử địa ngục, vô giải thoát thời” (thời ở mãi chốn địa ngục không lúc nào được thoát khỏi). Đây là chân tướng sự thật. Cho nên đọa vào địa ngục thì tuổi thọ là vô lượng kiếp.

Xem tiếp Kinh văn dưới đây:

NHĨ THỜI ÁC ĐỘC QUỶ VƯƠNG HIỆP CHƯỞNG CUNG KÍNH BẠCH PHẬT NGÔN: “THẾ TÔN, NGÃ ĐẲNG CHƯ QUỶ VƯƠNG, KỲ SỐ VÔ LƯỢNG TẠI DIÊM PHÙ ĐỀ, HOẶC LỢI ÍCH NHÂN, HOẶC TỔN HẠI NHÂN, CÁC CÁC BẤT ĐỒNG, NHIÊN THỊ NGHIỆP BÁO SỬ NGÃ QUYẾN THUỘC DU HÀNH THẾ GIỚI, ĐA ÁC THIỂU THIỆN”.

(Bấy giờ, Ác Ðộc Quỷ Vương chắp tay cung kính bạch đức Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Chúng con là hàng Quỉ Vương số đông vô lượng, ở trong cõi Diêm Phù Ðề, hoặc có vị làm lợi ích cho người, hoặc có vị làm tổn hại cho người mỗi mỗi đều không đồng nhau. Nhưng vì nghiệp báo khiến quyến thuộc chúng con đi qua thế giới ác nhiều lành ít”).

Phần trước chúng ta đã từng đọc thấy những vị đại quỉ vương tham dự pháp hội này. Trong Kinh có nêu ra mấy mươi vị. “Ác độc quỉ vương” là thủ lĩnh, vị này là đại biểu, được xếp tên lên hàng đầu. Đức Phật nói cho chúng ta biết những vị đại quỉ vương này đều là Pháp Thân Đại Sĩ, đều là chư Phật Bồ-tát thị hiện, chứ không phải thật sự là quỉ vương. Thật sự là ngạ quỉ thì đâu có tư cách tham gia pháp hội thù thắng như vậy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni? Các Ngài là thị hiện thân quỉ vương để độ chúng sanh ở trong cõi quỉ, trên thực tế các Ngài là Bồ-tát. Giống như trong cửa Phật chúng ta thường hay đốt vàng mã, trước bục đốt vàng mã, thường hay dùng giấy để bồi thành hình tượng một vị quỉ vương, mặt xanh nanh nhọn, hình dạng rất dễ sợ, gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ. Là người nào vậy? Là Bồ-tát Quan Thế Âm. Quan Thế Âm ở trong cõi quỉ cũng thị hiện thân phận quỉ vương. Nếu như Ngài thị hiện thân phận trời người thì không thể độ nổi loại chúng sanh đó. Ở trong cõi quỉ nhất định phải hiện thân ngạ quỉ, cho nên đây là Bồ-tát Quan Thế Âm.

Quỉ Vương “chắp tay cung kính”, đây là bạch với đức Phật. Phía trước là lễ tiết, chúng ta cũng không cần nói tỉ mỉ nữa. “Thế Tôn” là tôn xưng đối với Phật Thích Ca Mâu Ni. “Ngã đẳng chư quỷ vương, kỳ số vô lượng tại Diêm Phù Đề” (chúng con là hàng Quỉ Vương số đông vô lượng, ở trong cõi Diêm Phù Ðề). Ở trong thế gian này số lượng quá nhiều quá nhiều rồi, quỉ nhiều hơn người. Nói lời thành thật, hễ nơi nào có con người ở thì nơi đó sẽ có quỉ, người và quỉ ở chung với nhau. Chúng ta sống trong hai không gian khác nhau, nên có thể xếp chồng với nhau được, hai bên không có cản trở gì với nhau. Nhà của con người ở có thể xếp chồng với nhà của quỉ mà không có trở ngại gì nhau. Tường vách của con người chúng ta không có chướng ngại gì đối với họ, họ có thể đi xuyên qua được. Nhưng nhà họ ở, họ không thể đi xuyên qua được. Tức là tường nhà của quỉ, con người chúng ta có thể đi xuyên qua mà không có chướng ngại, nhưng họ có chướng ngại. Đây là hai loại không gian và thời gian khác nhau, nó xếp chồng với nhau được. Con người chúng ta nói thực ra, có khi cũng thường hay gặp quỉ. Nếu như chúng ta bình tĩnh suy nghĩ, sẽ thấy mình nhất định có kinh nghiệm gặp quỉ. Nhiều khi chúng ta ở trong nhà, hoặc là ở ngoài vườn, bỗng nhiên cảm thấy không thoải mái, sởn da gà, đó là gì? Đó là gặp quỉ rồi, bị ảnh hưởng bởi sóng của quỉ phát ra. Hiện nay nhà khoa học gọi là từ trường. Từ trường của chúng ta tiếp xúc với từ trường của họ, nếu như sức từ trường của chúng ta mạnh thì sẽ không bị quấy nhiễu. Nếu như từ trường của chúng ta tương đối yếu thì sẽ bị họ quấy nhiễu. Bị họ quấy nhiễu thì sẽ cảm thấy không thoải mái. Họ có thể quấy nhiễu chúng ta, chúng ta cũng có thể quấy nhiễu họ. Khi từ trường của chúng ta quá mạnh, họ sẽ tránh xa, không thể lại gần được. Tại sao vậy? Lại gần họ thấy khó chịu. Cho nên ở trong Phật pháp thường hay nói, trong Kinh thường hay nói, một người tu hành, thật sự công phu tu hành đắc lực thì trong vòng phạm vi bốn chục dặm, những ác quỉ, ác thần này đều tránh xa. Tại sao vậy? Từ trường quá mạnh. Khi họ tiến lại gần sẽ cảm thấy rất khó chịu, sức mạnh từ trường của bạn có thể khống chế được phạm vi đến bốn chục dặm, nên họ tránh xa. Người tu hành vẫn gặp quỉ, hay nói cách khác, là công phu tu hành của bạn quá kém cỏi, ngay cả quỉ cũng bắt nạt bạn, cũng cười nhạo bạn. Công phu tu hành đó của bạn là giả không phải thật, làm bộ dạng ở bề ngoài, trong tâm vẫn tham sân si mạn, cho nên quỉ cũng coi thường bạn, đạo lý là như vậy. Con người sợ quỉ, nhưng quỉ còn sợ người hơn. Lẽ nào không nghe người ta thường nói: “Con người có ba phần sợ quỉ, còn quỉ có bảy phần sợ người”. Cho nên có rất nhiều người thường hay sợ quỉ, vậy có kỳ lạ không? Quỉ phải sợ bạn mới đúng. Sao bạn lại đi sợ quỉ? Tâm địa ngay thẳng thì quỉ cũng tránh né bạn ba phần. Quỉ tôn kính người tốt. Tâm địa ngay thẳng, thanh tịnh, từ bi thì quỉ thần cũng tôn kính bạn, sao dám làm tổn hại bạn được? Quỉ thần ủng hộ bạn, đó là họ làm lợi ích cho con người. Quỉ thần đến trêu đùa bạn, đó là họ làm tổn hại con người, mỗi loại khác nhau. Chúng ta muốn hỏi, rốt cuộc quỉ thần làm lợi ích cho con người nhiều, hay là làm tổn hại nhiều? Vấn đề này không phải ở họ, mà ở trên bản thân chúng ta. Nếu như bản thân chúng ta giữ tâm tốt, làm việc tốt, lợi ích xã hội, lợi ích cho đại chúng, thì quỉ thần chắc chắn làm lợi ích cho bạn, hộ niệm bạn, ủng hộ bạn. Nếu như chúng ta khởi tâm động niệm là tà ác, mọi hành động đều làm tổn hại người khác, tổn hại xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình thì quỉ thần sẽ làm tổn hại đối với bạn. Cho nên không phải ở đối phương, mà là ở chính mình.

Ngài phía sau này cũng nói rất hay: “Nhiên thị nghiệp báo, sử ngã quyến thuộc, du hành thế giới, đa ác thiểu thiện” (nhưng vì nghiệp báo khiến quyến thuộc chúng con đi qua thế giới ác nhiều lành ít).

“Đa ác thiểu thiện” là chứng tỏ người thế gian tạo nghiệp ác nhiều. Ác giao cảm với ác, thiện cảm ứng với thiện. Tiêu chuẩn của thiện ác, tiêu chuẩn đơn giản nhất là ngũ giới, thập thiện. Tiếp đó lại nêu ra ví dụ. Những lời này đều là do ác độc quỉ vương nói.

QUÁ NHÂN GIA ĐÌNH, HOẶC THÀNH ẤP TỤ LẠC, TRANG VIÊN PHÒNG XÁ, HOẶC HỮU NAM TỬ NỮ NHÂN TU MAO PHÁT THIỆN SỰ, NÃI CHÍ HUYỀN NHẤT PHAN NHẤT CÁI, THIỂU HƯƠNG THIỂU HOA, CÚNG DƯỜNG PHẬT TƯỢNG CẬP BỒ TÁT TƯỢNG, HOẶC CHUYỂN ĐỘC TÔN KINH, THIÊU HƯƠNG CÚNG DƯỜNG NHẤT CÚ NHẤT KỆ”.

(Ði qua sân nhà người, hoặc thành ấp, xóm làng, trại vườn, buồng nhà, trong đó như có người trai kẻ gái nào tu được chút phước lành bằng mảy lông sợi tóc, cho đến treo một lá phan, một bảo cái, chút hương, chút hoa cúng dường tượng Phật cùng tượng Bồ tát, hoặc đọc tụng tôn Kinh, đốt hương cúng dường một bài kệ một câu Kinh v.v...).

Đây là quỉ thần nhìn thấy người tu thiện. Chúng ta nói sơ lược qua đoạn này một chút. Quỉ thần đi qua nhà người ta là chuyện thường, thường hay xảy ra, hầu như ngày nào cũng có. “Thành ấp tụ lạc” đây là nói đô thị của chúng ta, trong thành thị có quỉ thần. Ở trên đường ban ngày dương khí rất mạnh, nên họ tránh xa. Hễ là quỉ thần đều sợ ánh sáng mặt trời, cho nên họ xuất hiện đều là lúc trời âm u, hoặc vào ban đêm. Đại khái đến hoàng hôn khi mặt trời lặn xuống, thì quỉ thần này sẽ xuất hiện, nhưng số lượng rất ít, là giống như lúc bốn đến năm giờ sáng, trời vừa tờ mờ sáng, có một số ít người đi ra ngoài để vận động, phần lớn vẫn còn đang ngủ chưa có thức dậy. Đến lúc nào nhiều nhất vậy? Đại khái khoảng mười, mười một, mười hai giờ đêm, thì đầy cả đường, rất náo nhiệt, trên đường đều là quỉ. Con người chúng ta có cửa hàng, có dãy phố hàng hóa, họ cũng có phố hàng hóa, cũng có cửa hàng của họ. Lần trước cư sĩ họ Lôi đã báo cáo với quí vị ở đây rồi, chuyện đó là thật chứ không phải giả, là người thật việc thật. Người và quỉ ở lẫn với nhau. “Trang viên phòng xá”, đây là nơi họ đi qua, xóm làng, trại vườn, nhà cửa có người ở, những nơi này. Họ ở nơi này nhìn thấy có người đang làm việc thiện, đây là một niệm tâm thiện, họ đang làm việc này. “Hoặc hữu nam tử nữ nhân tu mao phát thiện sự”. Thiện nhỏ, ở đây đã làm một chút việc thiện nhỏ. Những việc thiện nào vậy? Dưới đây nêu ra vài ví dụ: “Nãi chí huyền nhất phan, nhất cái”. Ý nghĩa của phan và cái phía trước đã giảng rồi. Thời xưa treo phan, treo tràng, chính là hiện nay gọi là tuyên truyền Phật pháp. Trước đây dùng phương pháp này để truyền bá tin tức, báo cho đại chúng biết ở nơi này có giảng Kinh, có pháp hội. Mọi người biết rồi, nếu họ muốn thì có thể đến tham gia, đây là phát ra thông tin. Hiện nay thì không cần, hiện nay truyền thông phát triển, họ có phương pháp tiến bộ hơn, thù thắng hơn, nhanh chóng hơn những cách này. Nhưng những thứ phan và cái này vẫn còn có tác dụng đối với quỉ thần, nó không còn tác dụng đối với con người nữa, nhưng vẫn còn tác dụng đối với quỉ thần. Nhưng quí vị phải nhớ kỹ, đây là truyền phát thông tin. “Thiểu hương thiểu hoa”, đây là biểu thị cho tu hành. Một nén hương, một cánh hoa, chưa phải là một đóa, chỉ một cánh hoa. Biểu thị điều gì? Biểu thị cho tu hành. Mọi người đều biết, hương biểu thị cho giới, định, hoa biểu thị cho lục độ. Họ đã khởi một niệm giới, định, lục độ. Chúng ta thắp hương, cúng hoa, liền sinh ra lợi ích chân thật. Tuy niệm này rất yếu ớt, việc thiện chỉ bằng mảy lông sợi tóc, nhưng họ thật sự là khởi một niệm thiện. Niệm thiện rất yếu, thời gian của niệm thiện rất ngắn ngủi, đều đáng được khen ngợi. Không dễ gì khởi một niệm thiện, bình thường khởi niệm đều là niệm ác. “Cúng dường Phật tượng, cập Bồ-tát tượng”. “Cúng dường” là chiêm lễ, chiêm ngưỡng, lễ bái. “Hoặc chuyển đọc tôn Kinh” là bạn đang đọc Kinh. “Thiêu hương cúng dường nhất cú nhất kệ”. Khi đọc Kinh có thể thắp hương. Thắp hương là cúng dường Pháp Bảo. Lúc bạn đang đọc Kinh có quỉ thần nghe. Người xưa lúc đọc Kinh thường có thắp hương, người hiện nay đọc Kinh đã rất ít thắp hương rồi. Chúng ta chỉ có thắp hương khi cúng Phật, khi chúng ta đọc Kinh đã rất ít khi thắp hương rồi. Nhưng khi đọc Kinh niệm Phật, không ở niệm Phật đường, mà ở trong trường hợp khác, chúng ta đọc Kinh niệm Phật có khi sẽ ngửi thấy hương thơm lạ, sẽ ngửi thấy một làn hương, không giống như những mùi hương mà lúc bình thường chúng ta thắp. Mùi hương rất đậm đà. Thường hay xảy ra tình trạng này. Đây là chuyện gì vậy? Đây là lúc chúng ta đang đọc Kinh, có những vị thiên thần, quỉ thần đi ngang qua nơi đây, họ cung kính cúng dường, chúng ta rất khó nhận ra được. Thiên thần họ đi ngang qua đây, họ nhìn thấy, họ ở đó chắp tay dừng lại một chút. Trên người thiên nhân có mùi thơm, cho nên bạn ngửi thấy mùi thơm. Đây là hiện tượng rất thường hay xảy ra, và có rất nhiều đồng tu đã từng trải nghiệm điều này. Chúng ta gặp được cảnh giới này cũng không nên sinh tâm vui mừng, đây là chuyện rất phổ thông, rất bình thường. Nếu như bạn gặp phải những chuyện này, bạn cảm thấy rất kỳ lạ, cảm thấy rất không bình thường, cảm thấy rất vui mừng, bạn sinh tâm cống cao ngã mạn, thế là bạn sai rồi, bạn bị dính ma rồi. Dùng tâm bình thường để đối xử, thì đây là cảnh giới tốt.

Xem tiếp đoạn Kinh văn dưới đây:

“NGÃ ĐẲNG QUỈ VƯƠNG, KÍNH LỄ THỊ NHÂN”

(Hàng Quỉ Vương chúng con cung kính làm lễ người đó)

Đối với người tu thiện, những vị quỉ vương này đều tôn kính, đều hành lễ với họ.

“NHƯ QUÁ KHỨ HIỆN TẠI VỊ LAI CHƯ PHẬT”.

(Như kính lễ các Ðức Phật thuở quá khứ, đương hiện tại cùng lúc vị lai).

Họ đối với người tu thiện, đương nhiên đây không phải là quỉ thông thường, quỉ thông thường không có cảnh giới này. Con người khởi một niệm tâm thiện, làm một chút xíu việc thiện, là họ xem người lúc này giống như chư Phật vậy. Đây là thật chứ không phải giả. Cho nên tôi thường nói những đại chúng niệm Phật trong niệm Phật đường này, mỗi người đều là Phật, là không có khác gì so với trong Kinh này nói. Bởi vì lúc bạn ở trong niệm Phật đường, buông xả vạn duyên, nhất tâm chuyên niệm Phật A-Di-Đà, vậy bạn tương ưng với Phật A-Di-Đà. “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Bạn không phải là Phật thì ai là Phật? Chúng ta ngày nay những người hộ trì, hộ pháp, người cúng dường, chúng ta là thật sự đang cúng dường chư Phật Như-lai. Phước này lớn biết bao. Bạn rời khỏi niệm Phật đường, tiếp xúc với mọi người, sự, vật lại khởi tâm động niệm, thế là bạn lại lui sụt, lại thối chuyển rồi, việc tu hành như vậy là hết tiến lại lùi mãi. Có điều hiện nay bạn vẫn chưa có đi vào Tam Đồ, nhưng bạn thối chuyển rồi, lại tạo nghiệp Tam Đồ. Quả báo Tam Đồ vẫn chưa hiện tiền, vậy thì vẫn không quan trọng. Cho nên thời gian huân tập ở trong niệm Phật đường, ở trong giảng đường càng dài càng tốt. Chúng tôi hy vọng tương lai xây dựng thôn Di Đà, niệm Phật đường niệm Phật mỗi ngày hai mươi bốn giờ không gián đoạn. Hiện nay là làm được mười hai giờ, tương lai hy vọng làm được hai mươi bốn giờ. Đạo tràng như vậy, nếu như ở trong đó an định tâm lại được, ở được ba năm, thì đâu có lý nào không thành tựu? Đây chính là thâm nhập một môn, huân tu trường kỳ, sức mạnh này sẽ rất lớn, năm ba năm chắc chắn sẽ thành tựu. Pháp môn Tịnh Tông thật sự là có thể khiến tất cả chúng sanh tội khổ thành Phật ngay trong đời này     . Pháp môn này vô cùng thù thắng. Chúng ta đều là chúng sanh tội khổ, tại sao chúng ta không thể thành tựu nổi trong một đời? Do không đủ duyên, không có cơ hội. Nói thực ra có thiện căn, có phước đức mà không có nhân duyên. Hôm nay xây dựng niệm Phật đường, xây dựng thôn Di Đà, chính là xây dựng nhân duyên được độ cho tất cả chúng sanh, khiến cho ba điều kiện thiện căn, phước đức, nhân duyên của bạn thảy được đầy đủ, bạn sẽ thành tựu ngay, trong đời này có phần nắm chắc vãng sanh, không thối chuyển thành Phật, là thành tựu ngay trong đời này. Cho nên chúng ta biết phát ra một niệm tâm thiện, thì quỉ thần cũng xem bạn giống như Phật vậy, bạn là chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, xem bạn giống như chư Phật ba đời vậy.

SẮC CHƯ TIỂU QUỶ CÁC HỮU ĐẠI LỰC, CẬP THỔ ĐỊA PHẬN TIỆN LỊNH VỆ HỘ”.

(Chúng con truyền các hàng Tiểu Quỉ có oai lực lớn, và kẻ có phần chức trách về cuộc đất đai đó, đều phải hỗ trợ giữ gìn).

Đại quỉ vương nhìn thấy liền sai Tiểu Quỉ, Tiểu Quỉ đi chăm sóc. “Cập thổ địa phận”. Chữ “Thổ địa” chúng ta gọi là thần Thổ Địa. Sai những Tiểu Quỉ và những thần Thổ Địa đi bảo vệ, thông thường người ta gọi là phù hộ. Họ phù hộ không phải phù hộ con người, là bởi vì bạn làm việc thiện họ mới phù hộ. Việc thiện này chắc chắn là do một chút tâm thiện đó, một chút niệm thiện đó, mới cảm động quỉ thần đến bảo vệ bạn. Nhưng người thế gian thường hay hiểu sai ý nghĩa, họ mong cầu quỉ thần bảo vệ cái gì? Bảo vệ tham sân si của họ, vậy là sai rồi! Phù hộ họ thăng quan, phù hộ họ phát tài. Phát tài to rồi, họ trở lại cúng dường quỉ thần, ra điều kiện với quỉ thần: “Ngài giúp tôi phát tài một triệu, tôi sẽ cúng dường Ngài mười nghìn”. Hành động này là gì? Hối lộ quỉ thần. Họ làm việc xấu, hy vọng quỉ thần giúp đỡ họ, thành tựu họ làm việc xấu. Như vậy không những không được quỉ thần giúp đỡ, mà quỉ thần còn đến làm hại họ, cho nên quỉ thần làm ác là rất nhiều. Làm vậy sẽ cảm được là ác quỉ, ác thần. Họ cũng có thể giúp bạn phát tài, sau khi phát tài rồi sẽ khiến cho bạn thất bại thảm hại. Thần mà bạn cảm được không phải chánh thần, mà là tà thần, tà mị, là yêu ma quỉ quái. Chánh thần sẽ rời xa bạn, không đến bảo vệ bạn. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Việc thiện của bạn nhất định là tâm thiện, nhất định là niệm thiện, khác biệt là ở chỗ này. Tâm địa tà ác dù hằng ngày lễ bái thần, lễ bái Bồ-tát cũng vô ích, chắc chắn không tương ưng. Cho nên một đạo tràng, mà người trụ trì đạo tràng và đại chúng ở trong đạo tràng tâm không ở nơi đạo, trong tâm cũng là làm chuyện danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, thử hỏi đạo tràng này có Phật Bồ-tát hay không? Không có. Đắp lên là hình tượng Phật Bồ-tát, nhưng Phật Bồ-tát dứt khoát sẽ không đến đạo tràng này. Những người nào đến vậy? Yêu ma quỉ quái giả mạo Phật Bồ-tát ở nơi đây lừa gạt chúng sanh, cái bạn cảm được là yêu ma quỉ quái, người bạn lễ bái là yêu ma quỉ quái, không phải Phật Bồ-tát. Những quỉ thần này bảo vệ bạn. Bên dưới nói:

BẤT LỆNH ÁC SỰ HOÀNH SỰ, ÁC BỆNH HOÀNH BỆNH, NÃI CHÍ BẤT NHƯ Ý SỰ, CẬN Ư THỬ XÁ ĐẲNG XỨ, HÀ HUỐNG NHẬP MÔN”.

(Còn chẳng cho việc dữ cùng sự tai nạn bất kỳ, bịnh tật hiểm nghèo thình lình, cho đến những việc không vừa ý đến gần chỗ của các nhà đó, huống là để vào cửa).

Đều ở một niệm thiện chân thật. Thiện cảm ứng với thiện. Bạn có quỉ thần bảo vệ bạn. Trong Giới Kinh của đức Phật có nói, khi bạn thọ trì Tam Quy, liền có 36 vị thần hộ pháp ngày đêm bảo vệ bạn. Bạn giữ ngũ giới, giữ được một giới liền có năm vị thần hộ giới bảo vệ bạn. Giữ trọn năm giới, liền có hai mươi lăm vị thần hộ giới bảo vệ bạn. Bạn tu thập thiện, chính là trong Kinh chỗ này nói, những Quỉ Vương này sẽ sai khiến Tiểu Quỉ, thần Thổ Địa bảo vệ bạn. Chúng ta đều thọ Tam Quy Y rồi, cũng có thọ Ngũ Giới, thọ Bồ-tát giới, vậy có những vị thần hộ pháp này bảo vệ hay không? Chưa chắc. Tại sao nói chưa chắc? Giới mà bạn thọ là giới danh tự, là hình thức chứ không phải thực chất.

Bạn thọ Tam Quy, bạn có quy hay không? Có y hay không? Nếu như chỉ mời một vị pháp sư tổ chức nghi thức cho bạn, trên thực tế bạn cũng chưa có quay đầu, bạn cũng chưa có nương tựa, bạn vẫn giống như trước đây vậy, người này không có thần hộ pháp. Tam Quy. Quy là thật sự quay đầu. Y là từ nay về sau thật sự đã có chỗ nương tựa. Phải tương ưng với những gì bạn nương tựa, bạn mới là thật sự quy y, bạn mới có thể cảm được thần hộ pháp bảo vệ bạn. Không phải nói làm một cái hình thức, hình thức không có tác dụng. Cho nên từ trong đoạn Kinh văn này, chúng ta có thể thể hội được, đều là ở một niệm chân tâm, tuyệt đối không phải hư vọng. Quy là quay đầu. Quay đầu từ đâu vậy? Quay đầu từ mê, tà, nhiễm. Phải nương vào Giác, Chánh, Tịnh. Đây là điều kiện cơ bản, nguyên tắc cơ bản của học Phật. Quy y Phật. Ý nghĩa của chữ Phật là giác. Chúng ta phải từ mê hoặc quay đầu lại nương vào giác. Giác chứ không mê, đối với người, sự, vật, mọi lúc, mọi nơi giác chứ không mê, thì bạn mới gọi là quy y Phật, Tam Quy này bạn đã thọ một điều. Ở mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi vừa mới nói rồi, khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước chính là mê, là bất giác. Không khởi tâm, không phân biệt, không chấp trước đó là giác, đó là không mê. Chúng ta có làm được không? Làm được bạn mới là đích thực quy y. Pháp là thấy biết như thật, thấy biết như Phật (Chánh tri chánh kiến, Phật tri Phật kiến), không phải vọng tưởng. Vọng tưởng là thấy biết sai lệch. Từ thấy biết sai lệch quay đầu lại, nương vào thấy biết như thật, vậy gọi là quy y pháp. Ý nghĩa của chữ Tăng là thanh tịnh, là hòa hợp. Không những phải sáu căn thanh tịnh, vả lại khi chung sống với tất cả đại chúng, nhất định phải tuân thủ lục hòa kính. Người khác có tuân thủ hay không không liên quan gì đến ta, ta nhất định phải tuân thủ, như vậy bạn mới là tam quy danh phù hợp với thực, bạn mới được ba mươi sáu vị thần hộ pháp phù hộ bạn. Nếu như tổ chức Tam Quy trên hình thức, vẫn cứ mê chứ không giác, tà chứ không chánh, nhiễm chứ không tịnh như cũ, thì không có một vị thần hộ pháp nào cả. Thần hộ pháp xem bạn có phải thật sự quy y hay không? Nếu thật sự quy y, dù không có hình thức thì thần hộ pháp cũng hộ trì bạn. Thần hộ pháp là nói thực tế, chứ không nói hình thức. Ở trên hình thức dù được cao tăng đại đức nổi tiếng, có tu hành tổ chức nghi thức cho bạn đi nữa cũng không có tác dụng. Vấn đề là bạn thật sự làm được, dù không có người làm hình thức quy y cho bạn cũng có tác dụng.

Năm xưa lúc tôi mới học Phật, Đại sư Chương Gia đã nói với tôi như vậy. Đại sư Chương Gia dạy tôi học giới, làm được một điều là bạn đã thọ được một điều, chứ không phải ở hình thức đăng đàn, việc đó không có tác dụng. Thầy bảo tôi đi học giới, nhất định phải thật sự làm được. Làm được một điều, thì điều này bạn thật sự đắc giới rồi. Bạn đắc được một điều giới rồi, bạn mới cảm được thần hộ giới bảo vệ bạn. Trên hình thức đã thọ giới rồi mà không thọ trì được, không thể làm được, thế là phạm hai tầng tội, một là bạn phạm tội làm ác, hai là bạn phạm tội phá giới, cho nên tạo hai tầng tội. Nhất định phải làm, nghiêm túc, nỗ lực mà làm, từng giây từng phút nhắc nhở mình. Cho nên thời nay đọc tụng Đại Thừa là vô cùng quan trọng. Trong Tam Phước của “Quán Kinh” nói: “Tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa” đối với người hiện nay của chúng ta mà nói là vô cùng quan trọng, tuyệt đối không được lơ là. Bởi vì mỗi ngày bạn đọc, bạn mới biết mình cần phải làm như thế nào. Bạn không đọc thì làm sao bạn biết được? Tin sâu nhân quả, thì tâm cảnh giác của bạn sẽ cao, mới thật sự có thể làm được không mê, không tà, không nhiễm. Bạn tin sâu nhân quả, nên phải biết mê, tà, nhiễm chắc chắn đọa ác đạo. Mạng sống của chúng ta quá ngắn ngủi, mấy chục năm, một cái khảy móng tay là hết rồi. Việc gì phải tạo tội nghiệp? Việc gì phải chiêu cái quả báo khổ như vậy? Cho nên bạn thật sự tin, thì bạn sẽ không làm việc này rồi. Hiện tại cho dù sống khổ một chút cũng có thể cắn răng chịu đựng qua ngày, không sao cả! Chút khổ này có đáng gì chứ? Về sau có thể được đại tự tại, được niềm vui lớn. Trước mắt vì ham muốn chút xíu tiện nghi nhỏ này, mà sau này phải thọ khổ lớn. Cho nên người không hiểu nhân quả, người không tin nhân quả, họ mới dám làm. Người tin nhân quả, họ chắc chắn sẽ không làm. Quỉ Vương nói họ có tâm thái như thế nào đối với tất cả người có tâm thiện, người làm việc thiện. Chúng ta ở chỗ này đã hiểu rõ rồi. Tâm thiện, hạnh thiện, thì ác quỷ cũng đến ủng hộ bạn, cũng không làm tổn hại bạn.

“PHẬT TÁN QUỈ VƯƠNG: “THIỆN TAI! THIỆN TAI!”

(Ðức Phật khen Quỉ Vương rằng: “Hay thay! Tốt thay!”)

Đức Phật nghe họ báo cáo xong vô cùng hoan hỷ, và khen ngợi họ.

“NHỮ ĐẲNG CẬP DỮ DIÊM LA”

(Các ông cùng với Vua Diêm La)

 Vua Diêm La là Quỉ Vương lớn nhất.

“NĂNG NHƯ THỊ ỦNG HỘ THIỆN NAM NỮ ĐẲNG”.

(Có thể ủng hộ kẻ thiện nam người thiện nữ như thế)

Họ tham gia pháp hội tại cung trời Đao Lợi này, pháp hội này của Như-lai là pháp hội chân thật. Ở trong đây lời của mỗi người nói ra, biểu hiện của mỗi người đều là bộc lộ ra từ trong tâm chân thành, hoàn toàn không có một mảy may hư vọng nào. Cho nên những biểu hiện này của họ được đức Phật khen ngợi. Đức Phật khen thưởng họ cũng lợi ích cho những quỉ vương này.

“NGỘ DIỆC CÁO PHẠM VƯƠNG ĐẾ THÍCH, LỆNH HỘ VỆ NHỮ”

(Ta cũng truyền cho các vị trời Phạm Vương, Ðế Thích hộ vệ các ông)

Đây là quả báo của họ. Họ có thể phát tâm hộ niệm những người thiện này, thì đức Phật cũng khuyên bảo Đại Phạm Thiên Vương, Đao Lợi thiên chủ đến hộ vệ họ. Đây là thiện có quả báo của thiện, nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Chúng ta cần hiểu đạo lý này cho thật sâu, hiểu cạn thì không được, phải hiểu cho thật sâu. Sau đó bạn mới biết tu thiện, cái hay của tu thiện, lợi ích của tu thiện, bạn cũng chịu làm rồi. Bày ngay trước mắt chúng ta, người hiện đại, bất kể là người Trung Quốc hay người nước ngoài, có người nào không thích tiền của? Đều bị tiền của làm cho mê rồi. Thời trước đây, lúc thế hệ của tôi còn trẻ, đại khái trước ba mươi tuổi đều xem tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ rất lợt lạt, đều có một chút hoài bão, muốn lập công lao sự nghiệp hay làm một việc gì đó cho quốc gia dân tộc, vẫn còn cái ý nghĩ này. Nhưng người tuổi trẻ hiện nay, bạn đi hỏi thử xem? Phát tài là đứng đầu, làm sao kiếm tiền, nó hoàn toàn khác so với cách nghĩ của chúng tôi thời đó. Đừng nói là biết chuyện, hai mươi tuổi trở lên là biết chuyện rồi. Trong đầu óc của mỗi người luôn nghĩ làm sao kiếm tiền? Môn học họ học ở trường, phải học ngành kiếm tiền, phải học những môn học này. Tương lai vào trong xã hội nhất định làm ngành kiếm tiền, ngành không kiếm được tiền thì không làm. Nếu như bạn quan sát tỉ mỉ thêm, bạn thử hỏi học sinh tiểu học, học sinh tiểu học lớp một lớp hai, làm sao kiếm tiền? Việc đầu tiên là phải kiếm tiền, vậy thì nguy hiểm quá! Đây là giáo dục thất bại hoàn toàn rồi. Tự tư tự lợi đạt đến đỉnh điểm rồi. Xã hội còn có thể ổn định được sao? Lời Mạnh Phu Tử nói: trên dưới cùng nhau tranh lợi, thì quốc gia này sẽ nguy hiểm rồi. Xã hội ngày nay thật sự nhìn từ trên xuống dưới là gì? Lợi đặt ở hàng đầu. Đạo không có, nghĩa không có, lễ cũng không có, không cần gì cả, chỉ có tranh lợi. Mỗi người đều tranh lợi, thì chẳng phải đánh nhau sức đầu mẻ trán sao? Xã hội hiện nay, chúng ta xem thấy ở trong tin tức, mỗi địa phương đều có bạo động, cướp giật, họ làm gì vậy? Tranh lợi. Tranh không được thì cướp. Làm những việc gì? Làm những việc tổn người lợi mình. Câu nói tổn người lợi mình này là sai rồi, không thể nói như vậy được. Nếu như mọi người đều nói như vậy, mỗi người đều làm chuyện tổn người lợi mình. Tổn người thì không thể lợi mình được, tổn người là hại mình. Chúng ta cần chỉnh sửa lại câu nói này. Khi mọi người nghe tổn người hại mình, thì họ sẽ không làm chuyện tổn người nữa. Tại sao vậy? Họ không hại mình. Tổn người lợi mình, thấy không có quan hệ gì, nên giết thêm vài người cũng không sao, bản thân mình phát tài. Sai rồi! Tổn người nhất định là không lợi mình. Không lợi mình còn ở phía sau, tương lai nhất định đọa ba ác đạo.

Chuyện nhân quả ở trong Phật pháp nói rất thấu triệt, nói rất rõ ràng, thiếu nợ nhất định phải trả nợ, nợ mạng nhất định phải đền mạng. Bạn giết người tương lai nhất định sẽ bị người giết, không thể trốn được. Bạn giết thêm một người, giết thêm một chúng sanh, thì tương lai bạn sẽ bị họ giết thêm một lần nữa. Ngay cả động vật cực nhỏ cũng không được phép giết hại. Nó có mạng sống, nó cũng có tâm sân hận, bạn giết nó, tương lai khi nó có thế lực, nó nhất định sẽ giết bạn. Đức Phật nói rất hay: “Khi nhân duyên gặp nhau, thì quả báo vẫn phải tự nhận”. Bạn lừa người ta, thì nhất định sẽ bị người ta lừa bạn. Bạn ức hiếp người ta, thì nhất định người ta sẽ ức hiếp bạn. Nhân như thế nào thì nhất định sẽ gặp quả báo như thế đó. Chúng ta hiểu sâu sắc đạo lý này, tại sao không làm người tốt? Tại sao không làm thêm việc tốt? Làm người tốt, làm việc tốt, bạn sẽ gặp quả báo tốt.

Thế nào gọi là việc tốt? Tiêu chuẩn của việc tốt là gì? Nhất định phải đọc Kinh Đại Thừa, bạn mới biết việc nào là việc tốt. Quả báo của việc tốt là gì? Việc tốt đích thực của thế gian là sự nghiệp Bồ-tát, hiện nay thông thường chúng ta gọi là Phật sự. Phật sự là việc tốt đích thực. Nhưng dùng từ Phật sự lại sợ người ta hiểu lầm. Phật sự là gì? Tụng Kinh cho người chết, đó gọi là Phật sự, vậy thì quá sai lầm rồi! Cho nên hiện nay thuyết pháp là việc vô cùng vô cùng khó khăn. Thường khiến cho người ta nghe thấy sinh ra hiểu lầm. Chữ “Phật” này là dùng âm tiếng Phạn của Ấn Độ dịch thành, Ý nghĩa là trí tuệ, là giác ngộ. “Phật sự” chính là tất cả việc mà chúng ta ở trong đời sống thường ngày làm, bạn đều phải có trí tuệ, đều có giác ngộ. Như vậy tất cả mọi việc đều gọi là Phật sự. Thuật ngữ danh từ, chúng ta nhất định phải hiểu cho thật rõ ràng, minh bạch. Chúng ta đối với người, sự, vật, đều phải nương vào trí tuệ cao độ. Dùng cách nói hiện nay để nói là dùng lý trí, không phải tình cảm. Tình cảm là mê, lý trí là giác. Đối nhân xử thế chúng ta phải có lý trí, không dùng tình cảm. Đời sống của chúng ta dùng là trí tuệ cao độ, đây đều gọi là Phật sự. Phật sự như vậy mọi người sẽ hoan hỷ, mọi người rất vui lòng, chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Cho nên trong tất cả tâm hạnh sự tướng, thì các việc của Phật Bồ-tát là viên mãn nhất, thù thắng nhất. Những việc mà Phật Bồ-tát làm không có khác gì so với đời sống hiện thực của chúng ta. Chỉ là chuyển ý nghĩ trở lại một chút, chuyển mê, tà, nhiễm thành giác, chánh, tịnh thì đời sống của bạn là Phật sự, công việc của bạn là Phật sự, bạn đối nhân xử thế việc nào cũng là Phật sự. Quả báo của Phật sự vô cùng thù thắng. Hạnh phúc mỹ mãn đích thực là sống đời sống của Phật Bồ-tát.

 Được rồi, hôm nay chúng ta chỉ giảng đến đây.

**********************************

Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện (tập 30)

Người giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Địa Điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: Tháng 5, năm 1998.

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ

Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 118


Hôm nayHôm nay : 17968

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 702092

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 56763791

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.