(Trích lục từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không.
Giảng tại: Hiệp hội Giáo dục Phật Đà HongKong.
Thời gian: ngày 4 tháng 09 năm 2006.
-------------------
Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu. Xin mời ngồi. Mời xem phẩm Hiền Thủ thứ 12, câu kệ sau cùng:
Lượt thị thắng năng
Thị cố y hành thuyết thứ đệ
Tín nhạo tối thắng thậm nan đắc
Thí như nhất thiết thế gian trung
Nhi hửu tùy ý diệu bảo châu
Bài kệ này đại sư Thanh Lương đã giải thích cho chúng ta là tổng kết thắng năng. Phía trước là pháp thuyết, hai câu phía sau là thí dụ, dụ thuyết. Chúng ta xem sớ giải của đại sư Thanh Lương là “Tín nhạo giả, tín Tam Bảo tánh dĩ, ư phương tiện chư độ, cầu dục tu hành”. Hai chữ Tín Nhạo là chánh ý của Bồ Tát. “Do thử nhị cố, ư chư hành hửu năng, cố danh tối thắng, phi Phật bất tín, cố vân nan đắc” là một đoạn. Đoạn này chính là nói sự tín tâm của đại Bồ Tát. Chúng ta thường niệm “Bồ Tát Ma Ha Tát”, Ma Ha là tiếng Phạn, ý nghĩa chính là Đại, thông thường chúng ta gọi là Phật, Bồ Tát trong pháp giới bốn thánh. Phật trong pháp giới bốn thánh cũng gọi là Bồ Tát. Trong pháp giới nhất chân, Viên giáo từ sơ trụ trở lên đều gọi là Ma Ha Tát. Trong Biệt giáo Thiên Thai gọi là Tam Hiền, gồm Thập tín, Thập hạnh, Thập hồi hướng chính là Phật Bồ Tát trong pháp giới bốn thánh. Sơ địa của Biệt giáo thì phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân là “Ma Ha Tát”. Đoạn chứng sơ địa của Biệt giáo và sơ trụ Viên giáo là như nhau. Sơ trụ Viên giáo cũng là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân như sơ địa Biệt giáo. Thế nên thông thường chúng ta nói Tam Hiền Thập Địa là nói Biệt giáo. Đây là thường thức Phật học, không thể không biết.
Chúng ta xem khai thị của đại sư Thanh Lương: “ Tín nhạo”. Nhạo so với tín cao hơn một bậc, nhạo là ham thích, chúng ta gọi là vô cùng yêu thích. Chữ này đọc trại âm, không đọc là lạc, vì lạc là lạc của khoái lạc. Nhạo là yêu thích và có sự mong cầu rất khẩn thiết từ nơi tín tâm.
“Tín Tam Bảo tánh dĩ”, tánh của Tam Bảo chính là Phật tánh. Phật nói: “ tất cả chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Chúng sanh trong câu nói này là chúng sanh hữu tình trong mười pháp giới, bao gồm cả súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục đều có đầy đủ Phật tánh.
Tánh Tam Bảo là Phật tánh, Pháp tánh, Tăng tánh. Tăng là thanh tịnh, Pháp là bình đẳng, Phật là Chánh giác. Các vị thử nghĩ xem, có phải là như vậy không? Trên đề Kinh Đại Thừa Vô lượng Thọ đã nói: Thanh tịnh, bình đẳng, giác. Giác là Phật, Bình đẳng là Pháp, Thanh tịnh là Tăng; Thanh tịnh là giới, Bình đẳng là định, Giác là huệ. Giới, Định, Huệ là Tam học; Phật, Pháp, Tăng là Tam Bảo, Bạn xem, ngay trên đề mục đã đầy đủ cả Tam học, Tam Bảo, Tam tánh thì bạn liền biết sự thù thắng của bộ kinh này. Bộ kinh này không thể nghĩ bàn. Kinh Hoa Nghiêm cũng giống như vậy, cũng đầy đủ như vậy. Cổ đức gọi Kinh Hoa Nghiêm là đại bổn của Kinh Vô lượng Thọ, Kinh Vô lượng Thọ chính là trung bổn của Kinh Hoa Nghiêm. Nói đến trung bổn thì đương nhiên có tiểu bổn, tiểu bổn là gì vậy? là Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Người xưa đem ba bộ kinh này xem thành một bộ, Kinh Hoa Nghiêm là đại bổn, kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn, Kinh Di Đà là tiểu bổn, đem ba kinh này xem thành một thể. Phân lượng ba kinh này có lớn nhỏ không đồng nhau, nhưng nghĩa lý không có khác biệt, không lớn nhỏ, không hai. Kinh Vô Lượng Thọ nếu như giảng tỉ mỉ thì chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh; nếu như lượt giảng thì chính là Kinh A Di Đà. Chúng ta ở ngay chỗ này xây dựng tín tâm, tín tâm làm thế nào để kiến lập? Thông hiểu rồi, tín tâm mới có thể sanh khởi, nếu như không thông hiểu đối với kinh này, lý giải không đủ, thì tín tâm không thể phát khởi.
Chữ NHẠO này càng đặt biệt hơn, nhạo là ham thích. Bạn thấy ngày nay, không ít người có lòng tin đối với kinh này. Họ có thích học tập hay không? có thích học tập. Họ có phải là chân thật thích học tập hay không? Nếu thật lòng thích học tập thì không thiếu một buổi học nào. Người thường hay vắng học thì là không có yêu thích, có tín mà không có nhạo. Nếu như có cái chữ nhạo này, khẳng định sẽ không thiếu một buổi nào. Vì sao vậy? “học nhi thời tập chi, bất diệt thuyết hồ”. Nếu như ở trong kinh giáo không có được pháp lạc, pháp hỉ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỉ thì cái tâm yêu thích này không thể sanh khởi. Phàm hễ chân thật có yêu thích thì là mười phần hoan hỉ, hoan hỉ tột cùng. Đó là được thọ dụng. Không luận thế pháp hay Phật pháp, nếu như bạn không thể có được thọ dụng ở trong đó, tâm hoan hỉ này làm sao có thể sanh khởi?
Hoa Nghiêm pháp môn vô thượng, người xưa gọi là pháp Nhất thừa, so với Đại thừa còn cao hơn một cấp. Vì sao gọi là pháp Nhất thừa vậy? là pháp thành Phật. Chúng ta xem thấy điểm này ở phần sau: Thiện Tài Đồng tử một đời thành tựu, không nói đến đời thứ hai mà ngay một đời thành tựu. Hoa Nghiêm là pháp Nhất thừa. Kinh Pháp Hoa có Long Nữ, Long Nữ 8 tuổi thành Phật, là một đời thành tựu. Một đời thành tựu thì mới được gọi là Nhất thừa. Đại thừa một đời không thể thành Phật được, thành được Bồ Tát. Bồ Tát phải tu đến đời thứ 2, thứ 3, dần dần về sau mới thành Phật. Mục tiêu của Tiểu thừa là A La Hán. Trong Tiểu thừa chứng được A La Hán chính là viên mãn thành tựu. Trong Đại thừa nhất định phải là “phá một phẩm vô minh, chúng một phần pháp thân”, đó là cứu cánh thành tựu, thành tựu nhỏ. Sơ quả Tiểu thừa là chứng Tu Đà Hoàn, sơ tín Đại thừa là sơ tín của mười tín vị của chúng ta. Nếu thật đã là Sơ tín, thì đối với pháp môn này sẽ vô cùng yêu thích. Chúng ta có được cơ duyên như thế này để cùng nhau học tập, thì đích thực sẽ không bỏ sót một buổi học nào, không luận là có chuyện cần thiết gì, họ đều sẽ an bài thỏa đáng, không chướng ngại đến học tập cho dù là chuyện rất quan trọng. Nếu họ không có cách gì phân thân thì họ nhất định sẽ học bù lại rất nhanh. Cho nên chữ Nhạo này là then chốt, từ nơi nhạo này bạn có thể thể hội là họ thể nhập được sâu cạn. Trong lòng tin phải có ham thích. Ba nhà Nho, Thích, Đạo cũng không ngoại lệ. Chỉ cần khế nhập rồi, họ nhất định sẽ thực tiễn ngay cuộc sống, nếu không thực tiễn ngay cuộc sống, cái ham thích này không phải là thật. Có thực tiễn ngay trong cuộc sống chính là chúng ta đem cái đã học cùng đời sống kết thành một thể, cùng với tư tưởng kiến giải của chúng ta kết thành một thể, cùng với lời nói việc làm ngay trong cuộc sống thường ngày hòa thành một thể. Như vậy mới có nhạo. Cho nên câu sau cùng là: “ư phương tiện chư độ, cầu dục tu hành”. “Phương tiện” là phương tiện khéo léo, còn “chư độ” trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là mười Ba La Mật, thông thường ở trong Đại thừa gọi là Lục Ba La Mật. Họ sẽ thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày, hành vi đời sống của chính mình chính là Phương tiện khéo léo của sáu phép Ba La Mật. Dùng sáu phép này để tu sửa lại tất cả những hành vi sai lầm đã phạm phải ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Phép thứ nhất trong sáu phép Ba La Mật là Bố Thí. Bố Thí Ba La Mật vào mọi lúc, mọi nơi và không hề gián đoạn. Ý nghĩa của Bố Thí là gì vậy? chính là phục vụ theo cách nói hiện nay, vì tất cả chúng sanh phục vụ. Bạn ở trong gia đình, vì người cả nhà phục vụ, đó là bố thí. Từ trẻ đến già, mỗi người có công tác của mỗi người, mỗi người có đều có thể làm tốt công việc của mình, chính mình không những làm tốt công việc của chính mình, mà còn có thể giúp đỡ người khác. Ở trong nhà thì cha mẹ giúp đỡ con cái, con cái giúp đỡ cha mẹ. Trong đại gia đình có anh em chị em, có người lớn, có người nhỏ, người người đều có một nhiệt tâm vì gia đình này mà phục vụ tất cả mọi người. Đó là tu bố thí Ba La Mật. Buông bỏ san tham, san là bỏn xẻn, tham là tham dục, con cái hiểu được rồi, thì thực tiễn được “ Đệ Tử Quy”. Sáng thức đã dậy sớm, không dám tham ngủ. Tham ngủ cũng chính là tâm tham, tâm tham chính là bỏn xẻn, không chịu vì người nhà phục vụ. Sáng sớm thức dậy, vẻ mặt tỉnh táo đó chính là bố thí Ba La Mật dùng ở trong gia đình. Vào thời xưa, người nam ra ngoài làm việc kiếm tiền nuôi cả nhà là bố thí tài; người nữ ở trong nhà dạy bảo con cái là bố thí pháp. Cả nhà hòa thuận cùng sống với nhau, chăm sóc lẫn nhau, làm cho người cả nhà không có lo lắng buồn rầu là bố thí vô úy. Bố thí Ba La Mật dùng ngay trong nhà.
Trong nhà có quy củ, gọi là quy củ không thành văn, không có dùng văn tự viết ra, phụ từ tử hiếu, anh thương em kính, mỗi người tuân thủ quy phạm đạo đức của chính mình, mỗi người có công việc của mỗi người, đem công việc làm cho tốt, giúp đỡ lẫn nhau là trì giới Ba La Mật. Người là phàm phu, phiền não tập khí chưa dứt, thỉnh thoảng cũng có phiền não khởi lên, đôi bên bao dung lẫn nhau là nhẫn nhục Ba La Mật. Một lòng mong cầu mức sống trong gia đình dần dần được nâng lên, như lý như pháp cải thiện hoàn cảnh đời sống, nâng cao luân lý đạo đức và trí tuệ của chính mình đó là tinh tấn Ba La Mật. Ở mọi lúc, thân thể thoải mái, không có gì để khẩn trương, tâm địa an định, không hề bị cảnh giới bên ngoài dao động đó chính là thiền định Ba La Mật. Ở trong nhà hay ra bên ngoài (bên ngoài nhà là xã hội) đều rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, không bị mê hoặc là Bát Nhã Ba La Mật.
Phương tiện khéo léo ứng dụng sáu phép Ba La Mật này trong gia đình, đó là gia đình Bồ Tát. Nếu bạn làm việc ở trong công ty, xí nghiệp, sáu phép Ba La Mật vẫn có thể ứng dụng ở trong công ty, trong công việc của bạn, trong xử thế tiếp vật, ở mọi lúc, vào mọi nơi. Phương tiện khéo léo hành sáu phép Ba La Mật, trong kinh Hoa Nghiêm nói tỉ mỉ hơn là mười phép Ba La Mật. Năm phép ở sau là Bát nhã Ba La Mật khai mở rộng ra. Bát nhã Ba La Mật là căn bản trí, nếu như Lục Độ, hậu đắc trí cũng ở trong một điều. Mười Ba La Mật thì Bát nhã Ba La Mật là căn bản trí, bốn điều phía sau là hậu đắc trí. Có phương tiện, có nguyện, có lực, có trí, bốn thứ này họp lại, thông thường ở trong Phật pháp dùng một câu để nói là “phương tiện khéo léo”. Bạn học rồi sẽ biết dùng sáu phép Ba La Mật.
Nếu muốn đạt đến thiện xảo, nhất định phải phối hợp “Tứ nhiếp pháp”. Thế Tôn dạy cho chúng ta Tứ nhiếp pháp này là pháp quan hệ qua lại giữa người và người, gồm có bốn điều. Điều thứ nhất cũng là bố thí, thứ hai ái ngữ, thứ ba là lợi hành, thứ tư đồng sự. Phần sau chúng ta sẽ giảng giải tỉ mỉ những điều này. Cho nên đây là phương tiện chư độ, là ở mọi lúc, vào mọi nơi, không luận là đời sống riêng của mỗi cá nhân hay là đời sống đoàn thể, bạn đều có thể dùng được. Lấy việc này làm tiêu chuẩn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, đối nhân tiếp vật, phàm hễ hành vi của chúng ta, nếu không tương ưng với đây thì là sai lầm, tương ưng với đây thì chính xác là Bồ Tát hạnh. Sai lầm thì mau tu sửa lại thì gọi là tu hành. Cho nên, nếu họ không chân thật có được pháp hỉ, không chân thật ở trong đây có được niềm vui, thì họ không thể làm được. Lục độ học qua, Tứ nhiếp pháp cũng đã học qua nhưng không thể dùng được. Không luận là ở đời sống cá nhân của mình, đời sống gia đình, đời sống đoàn thể, thảy đều không thể dùng được. Chúng ta đều đã học Phật, không thể nói là chưa học, nhưng đều không thể ứng dụng nên không được lợi ích, không được pháp hỉ. Sau khi ứng dụng rồi mới chân thật có được pháp hỉ.
Người xuất gia, người tại gia đã về hưu không có việc làm, tuổi tác cũng lớn, thì chúng ta dùng phương pháp gì để tu bố thí? Phương pháp thù thắng nhất là đọc kinh, nghiên cứu kinh điển, niệm Phật, nâng cao cảnh giới của chính mình, ba loại phương pháp này chính là tu Giới-Định-Huệ. Đem công đức tu hành của chính mình hồi hướng cho người cả nhà, thậm chí hồi hướng đến khắp hư không pháp giới, hồi hướng cho tất cả chúng sanh, pháp hỉ sung mãn, ta không uổng qua một ngày. Không phải không có công việc mà là đổi một công việc khác, việc này không thể không biết. Phải chăm chỉ. Người già có thể đem chỗ tâm đắc, chỗ ngộ của chính mình, tranh thủ thời gian rảnh mỗi ngày để giảng giải cho người nhà nghe, không có chuyện phiếm xen tạp; bạn bè thân thiết đến thăm viếng, có thể đem tâm đắc tu học của mình để nói cho họ nghe, một người cũng được, hai người cũng được, không nói chuyện phiếm xen tạp. Nếu làm như vậy đôi bên đều có được lợi ích, họ nghe được rồi thì họ sẽ được lợi. Chính mình nói qua một lần, nói qua hai lần, như người xưa đã nói “ Ôn cũ biết mới”, thường hay đọc, thường hay nói cho người nghe, liền có rất nhiều chỗ ngộ. Người thông thường không khai ngộ là do chính mình không chịu làm, cũng không chịu nói với người, phàm hễ là gặp người khác đều là nói chuyện tạp thì họ làm sao được khai ngộ.
Chúng tôi trong những năm gần đây sâu sắc thể hội được là Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng kinh nói pháp 49 năm. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, nghe đến câu nói này tôi rất hoài nghi, luôn cho rằng khi Thích Ca Mâu Ni Phật lên lớp giảng kinh cho mọi người một ngày chỉ có mấy thời. Nào ngờ mỗi ngày đều là 8 giờ đồng hồ, 49 năm không hề gián đoạn. Chỉ cần Thích Ca Mâu Ni Phật mở miệng ra nói, thì là giảng nói kinh giáo, không luận là lúc nào, không luận là ở trường hợp nào, đối với một người hay là đối với rất nhiều người đều như nhau, chưa từng nói qua một lời nói vô ích, chỉ cần mở miệng đều là làm cho người được lợi ích. Không những lời nói, hành vi thân thể cũng không ngoại lệ. Hành vi là thân giáo, hành vi chính là giới luật. Bạn đem toàn bộ việc làm một ngày của Thích Ca Mâu Ni Phật ghi chép lại, đó gọi là giới luật. Giới luật không phải là do ngài phát minh, cũng không phải là do ngài chế định, mà là hành vi trong cuộc sống thường ngày. Mỗi ngày đều là như vậy, không luận vào bất cứ lúc nào, bất cứ trường hợp nào, khi bạn xem thấy Ngài đều như vậy. “Hành vi thế phạm”, nhất cử nhất động đều là tấm gương tốt nhất cho thế gian, là mô phạm tốt nhất. Từ việc nhỏ như mặc áo ăn cơm, mặc áo có cái tướng của mặc áo, ăn cơm có cái tướng của ăn cơm, việc này trong nhà Phật gọi là “ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh”. Họ có chủ ý làm hay không? Không có, là tự nhiên làm, không phải là cố ý mà là tự nhiên thị hiện ở thế gian này (cố ý là chỉ làm ra kiểu dáng thôi).
Không luận ở thế gian này thời gian dài hay ngắn, chỉ có một mục đích là làm lợi ích cho chúng sanh. Như vậy, đối với chính mình có lợi ích hay không? Có. Bồ Tát có lợi ích gì đối với chính mình? Chúng ta biết được Bồ Tát vô minh tuy là đoạn rồi nhưng vô minh tập khí chưa đoạn. Vô minh tập khí tuy là chưa đoạn nhưng nó không chướng ngại, không chướng ngại Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, Bồ Tát cùng chúng sanh cảm ứng đạo giao không chướng ngại, chúng sanh có cảm, Bồ Tát liền có ứng, đáng dùng thân gì để độ thì hiện thân đó để độ. Việc này không phải là ở phía Bồ Tát mà là ở phía chúng sanh. Cho nên trên kinh Đại thừa thường nói: tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Các vị phải nên biết, Bồ Tát không có tâm tưởng mà là chúng sanh có tâm tưởng, bởi vì Bồ Tát thì phân biệt chấp trước đều đã đọan rồi, các Ngài không có nghĩ, nếu là pháp thân Bồ Tát, vô minh đều phá hết, càng không có nghĩ, họ có thể cảm ứng tương thông cùng với chúng sanh, chúng sanh có cảm, họ liền có ứng, chúng sanh hy vọng Phật đến độ họ, ngài liền hiện thân Phật để độ, chúng sanh hy vọng Cơ Đốc đến độ họ, ngài liền hiện thân Cơ Đốc để độ.
Tôi vừa rồi còn nghe được có một đồng tu nói, bà nhà của ông là Cơ Đốc giáo (hay là Thiên Chúa giáo gì đó), bà vãng sanh đi đến cõi trời rồi, nghe nói làm thần hộ pháp. Tâm tưởng sanh, bạn nghĩ cái gì thì Ngài liền hiện ra thân đó. Cho nên tôi thường hay nói, tôn giáo trên thế giới là một nhà, là Phật trong mọi hoàn cảnh khác nhau thì hiện ra thân không đồng nhau, nói pháp không giống nhau. Tuy là nói không giống như nhau, nhưng nếu bạn tỉ mỉ mà quan sát, thì sẽ thấy phương hướng mục tiêu của Ngài là như nhau, đều là hướng đến vô thượng Bồ Đề nhưng là có giai đoạn. Giống như học ở trường học vậy, mục tiêu cuối cùng là phải làm nghiên cứu sinh để bạn lấy được học vị tiến sĩ. Học vị tiến sĩ cũng giống như là Phật, phải thành Phật, nhưng nếu trình độ của bạn hiện tại là trình độ tiểu học thì trước tiên phải học tiểu học cho thích hợp với trình độ của bạn. Điều này mới giúp cho bạn đến được tốt nghiệp đại học. Tốt nghiệp tiểu học xong thì bên trên phải học trung học, khi tốt nghiệp trung học rồi bên trên còn có đại học. Đây gọi là tuần tự mà tiến, chính là phương tiện khéo léo.
Đối với trẻ em thiên tài, người rất thông minh lanh lợi, không cần trải qua những cấp này thì chính là đốn siêu. Pháp môn có đốn có tiệm, có viên có biệt, đều là tùy theo căn tánh không đồng nhau mà nói. Đối với Phật, Bồ Tát, nhất là Bồ Tát nhất chân pháp giới, những sai biệt này hòan tòan đều không còn tồn tại, vì vọng tưởng phân biệt chấp trước đều không còn thì sao còn có gì khác biệt chứ? Cho nên tùy tâm ứng lượng, tùy tâm chúng sanh mà ứng sở tri lượng, cảm ứng đó liền sẽ đạt đến chỗ thích hợp nhất. Chúng ta hiểu được đạo lý này, thông suốt chân tướng sự thật thì gọi là thiện xảo. Xảo là phương pháp xảo diệu, thiện là khéo dẫn dắt, không ngừng làm cho họ được nâng lên cao.
Phía sau nói: Tín nhạo nhị tự, thị Bồ Tát chánh ý. Câu nói này của đại sư, chúng ta không nên xem thường. Chúng ta thường hỏi, ý này của Ngài là gì vậy? Bồ Tát là ý gì? Vậy chúng ta cũng phải có cái ý này: mình chính là Bồ Tát. Tín ở trên đã nói qua rất nhiều, dùng tiêu chuẩn đã nói ở trên để so sánh thử xem là tín tâm của chúng ta ở đẳng cấp thứ mấy? Không thể nói không có tín tâm, mà trong cái tín tâm này có đẳng cấp: có mê tín, có cưỡng tín (miễn cưỡng mà tin), có chánh tín, có chân tín. Trong mỗi đẳng cấp bạn đem phân tách nó thì sẽ rất nhiều. Chính chúng ta cũng biết được là hiện tại chính mình ở đẳng cấp nào, có phải là mỗi năm cảnh giới đều nâng lên cao? mỗi tháng đều nâng lên không? Mỗi năm nâng lên cao thì đã không tệ rồi, rất thong thả, nhưng cũng rất nguy hiểm. Nguy hiểm gì? mê hoặc bên ngoài quá nhiều, mê hoặc danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần hiện tiền. Nếu bạn không cách gì khống chế, thì bạn liền buông bỏ cái tín tâm này, tín tâm của bạn thay đổi, thì bạn sẽ tín danh vọng lợi dưỡng, tín năm dục sáu trần, bạn sẽ sanh ra yêu thích đối với những thứ này. Nghề nghiệp nào cũng có thể kiếm được tiền, một tháng có thể kiếm được mấy chục vạn, mấy trăm vạn đồng, thì liền chuyển mất, cho rằng từ từ sẽ học Phật, đợi khi tôi già rồi tôi sẽ đến học.
Khi tôi học Phật, có một trưởng bối - là bạn già của phụ thân tôi - rất tán thán nhưng ông không thể buông bỏ sự nghiệp. Ông nói việc học Phật rất tốt, đợi tôi tương lai già rồi, về hưu rồi thì tôi sẽ học. Nhưng ông thật đã già rồi, khi nói chuyện với tôi, ông cũng đã hơn 60 tuổi, chỉ sống thêm khoảng mấy năm thì qua đời. Đây chính là vì không thể buông bỏ được. Trước mắt được một chút danh lợi nhưng không hề có được lợi ích thù thắng như học Phật. Một lòng chuyên tu Tịnh Độ khoảng mấy năm sau đi đến thế giới tây phương Cực Lạc, phước báo đó lớn biết chừng nào. Nếu vì danh lợi ở thế gian nay mà không thể buông bỏ thì cho dù là có được danh lợi ở thế gian đi chăng nữa, sau khi chết rồi cũng là ba đường ác.
Cho nên Bồ Tát ở trong cái chương này, câu thứ nhất chính là nói chúng ta không cầu năm dục, cho đến ngôi vua cũng không cầu. “Phú nhiêu lạc đại, danh xưng bất năng cầu”, hai câu này chính là “danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần”. Chúng ta sống ở thế gian này, nhu cầu đời sống rất ít, hà tất phải đem tinh thần, thời gian để vào trong đó. Thật đáng tiếc! Ngày ăn ba buổi, mấy bộ quần áo thay đổi là đủ rồi, có một nhà nhỏ có thể tránh mưa nắng, tri túc thường lạc, không cần phải nhiều. Con người không thể không biết tri túc, người không biết tri túc là người rất khổ, trên kinh Phật thường gọi là kẻ đáng thương. Thánh nhân thế xuất thế gian đều nói với chúng ta, người biết đủ thì giàu, họ thật là giàu có, vì sao vậy? họ không có mong cầu, người không biết đủ thì nghèo, họ vẫn là nghèo cùng, vì sao vậy? vì họ luôn mong cầu, họ luôn mong muốn. Ở đây không mong cầu, những cái mong cầu thì đã có đầy đủ, bạn nói xem an lạc dường nào! Bạn thử nghĩ xem, một người đầy đủ thì an vui, hay là người không đầy đủ thì an vui? từ ngay chỗ này liền có thể biết được, khổ vui không như nhau. Tuyệt nhiên không thể nói là tràn đầy tất cả thì sẽ vui, vậy thì sai rồi. Thích Ca Mâu Ni Phật không có bất cứ thứ gì, Ngài hoàn toàn buông bỏ, thật an vui; Khổng Phu tử, Mạnh Phu tử đời sống đều rất thanh đạm, không giàu có, hay nói cách khác, đời sống thường ngày có thể miễn cưỡng qua được, các ngài không mong cầu nên rất an vui. Mỗi ngày các Ngài làm việc gì vậy? cầu học, tu hành, trong đó chân thật an vui.
Cho nên không luận là pháp thế gian hay xuất thế gian, nếu bạn không chân thật khế nhập, bạn sẽ không có được, bạn cũng không hiểu. Xem thấy thông thường người thế gian mong cầu danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần thì cho rằng đó là khoái lạc; nếu như bạn bình lặng mà quan sát, phàm hễ những người mong cầu thì tâm thần của họ bất định, sợ được sợ mất, khi không có được thì nghĩ hết cách mong cầu, sau khi cầu được rồi, lại sợ nó mất đi, thân tâm bất an, sáu thần vô chủ, họ làm gì có được những ngày tháng bình lặng, làm gì có được những ngày tháng chân thật an vui. Người trong tâm chân thật an vui thì không có lo buồn, không có vướng bận, không có phiền não, người hiện tại chúng ta gọi là không có áp lực, thân tâm không có áp lực. Những người mong cầu thì buổi tối sẽ không ngủ được ngon giấc, phải uống thuốc an thần (cho nên người bán thuốc an thần sẽ rất khá), không thể so với người biết đủ. Người biết đủ thì có Tín Nhạo, người không biết đủ thì không có được hai chữ này. Cho nên đại sư Thanh Lương nói rất hay: hai chữ này là chánh ý Bồ Tát. Nếu không phải chúng ta đã buông bỏ nhiều năm như vậy, năm dục sáu trần, danh vọng lợi dưỡng thảy đều buông bỏ, thì không thể hiểu được hai chữ này. Không thể thể hội được ý vị của nó, thì bạn làm sao có thể nói ra được?
Hiện tại thời gian đã hết, chúng ta nghỉ ngơi vài phút. A Di Đà Phật!
Cẩn Dịch: Cư Sĩ Vọng Tây
Biên tập: Cư sĩ Diệu Hiền