(Trích lục từ Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất)
Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Báo Ân Đường Học hội Tịnh Tông Singapore
Thời gian: Tháng 08 năm 2000
Phần 1
Xin mời mở kinh văn, Khẩn Na La Vương, xem từ câu kệ tụng thứ năm: “Ngã quán Như Lai tự tại lực, giai do vãng tích sở tu hành, đại bi cứu vật linh thanh tịnh, thử Bảo thọ vương năng ngộ nhập”.
Đây là Bảo Thọ Quang Minh Bồ Tát, ở trong văn xuôi chúng ta xem thấy, pháp môn mà Ngài tu học là “Đại bi an lập, nhất thiết chúng sanh, linh giác ngộ sở duyên, giải thoát môn”, từ chỗ này mà tu hành chứng quả. Kệ tụng là tán thán của Ngài, cũng là báo cáo tu học tâm đắc của Ngài. Cho nên chúng ta đọc đến chỗ này thì phải nên biết tu học như thế nào.
Câu thứ nhất, Bồ Tát quan sát sức tự tại thần thông của chư Phật Như Lai, đích thực Phật đầy đủ trí tuệ viên mãn. Thần thông là thế nào vậy? Thông là thông đạt, thông đạt đạo lý đối với vũ trụ nhân sanh, lý sự thông đạt, nghiệp nhân quả báo đều thông đạt, cho nên các Ngài mới được đại tự tại. Quay đầu lại xem những phàm phu chúng ta, chúng ta mê hoặc đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh, không thông đạt. Sau khi mê hoặc, liền tùy theo vọng tưởng phân biệt chấp trước của chính mình để nhìn sự việc, để xử lý mọi sự việc, thế là chướng ngại trùng trùng. Có chướng ngại thì không tự tại, Phật thị hiện như vậy cho chúng ta là để cho chúng ta quan sát. Sau khi chúng ta xem rồi thì phải học tập với Ngài, vì sao Ngài có được trí tuệ viên mãn, đức năng viên mãn như vậy? Việc này Phật kinh thường nói về đức tướng là: đức là đức năng, tướng là tướng hảo, tướng hảo đích thực là từ trí tuệ đức năng biến hiện ra. Bạn xem Trung Quốc xem tướng đoán mạng đều biết nói là tướng tùy tâm chuyển. Tâm này tràn đầy trí tuệ, tràn đầy đức năng thì tướng này tương đối tốt, đây là đạo lý nhất định. Không những tướng hảo (tướng hảo đó là chánh báo trang nghiêm) mà hoàn cảnh sinh hoạt của bạn nhất định sẽ rất tốt (hoàn cảnh sinh hoạt là y báo). Phật đã nói: “y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. Y báo này người Trung Quốc chúng ta gọi là phong thủy.
Phong thủy là tùy theo tâm của người mà thay đổi, cho nên người xem phong thủy nói hai câu nói, bạn tỉ mỉ mà phân tách, nó rất có ý nghĩa, nếu phân tách thấu đạt hai câu nói này thì bạn sẽ không cần mời họ xem phong thủy. Nếu bạn đem nó phân tách thấu đạt, thì “người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”, hay nói cách khác, đất phước chính là phong thủy tốt. Phong thủy tốt thì người thế nào ở vậy? Người có phước ở. Muốn có phước thì bạn phải tu phước, chỉ cần bạn tu phước thành rồi thì nơi của bạn ở, phong thủy liền chuyển đổi tốt. Cho nên nếu như bạn không có phước báo, bạn ở ngay nơi đất phước đó thì phong thủy của nơi đó liền sẽ dần dần chuyển xấu đi. Không phải phong thủy không thay đổi, mà là thay đổi từng ngày. Thế gian vạn vật đều đang thay đổi từng mỗi sát na. Nhân tố thứ nhất của của việc thay đổi này là gì vậy? Là ý niệm của chúng sanh. Ngày nay cái địa cầu này của chúng ta không tốt, có rất nhiều người nói địa cầu này bệnh rồi, toàn bộ hoàn cảnh sinh thái tự nhiên đều bị phá hoại. Ai phá hoại vậy? Con người phá hoại. Con người bởi vì tự tư tự lợi, không hề tiếc hoàn cảnh tự nhiên, nên làm cho tất cả chúng sanh trên toàn thế giới đều chịu khổ nạn. Chúng ta nói, thiên tai nhân họa. Nhân họa là chỉ chiến tranh, thiên tai chính là hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh tự nhiên chuyển xấu đi.
Hiện tại các nhà khoa học nói với chúng ta, ở Nam Cực có một mảng không gian to lớn cạnh Úc Châu, diện tích gần lớn bằng như Âu Châu vậy, tầng ôzôn đó đã bị phá hoại. Ôzôn đối với địa cầu rất là cần thiết, nó hấp thu tia cực tím. Nếu như tầng ôzôn bị phá hoại, tia tử ngoại trực tiếp chiếu vào thân thể chúng ta, chúng ta sẽ dễ dàng bị ung thư da. Cho nên chúng ta ở Úc Châu, xem thấy người ở Úc Châu bị ung thư da rất nhiều, do vì không cẩn thận để lộ ra dưới ánh mặt trời. Hiện tại chúng ta xem thử một số học sinh ở Úc Châu đều mặc áo tay dài, không những phải đội nón, phía sau nón còn có một miếng giống như nón của quân đội Nhật trước đây, ngay đến cổ cũng quấn bít lại hết, sợ ánh mặt trời chiếu vào. Đây đều là do con người phá hoại. Y báo, chánh báo cũng không ngoại lệ. Bồ Tát ở nơi đây chính là để dạy bảo chúng ta. Vị Bồ Tát này là hiện thân là Chúng thần, Khẩn Na La Vương là bát bộ thiên thần, Khẩn Na La Vương cùng Càn Thát Bà Vương đều là nhạc thần, Đạo Lợi Thiên Vương là đội trưởng đội nhạc của Đạo Lợi Thiên Vương, tất cả đều là chư Phật Như Lai hóa thân, họ không phải là quỷ thần chân thật. Chân thật quỷ thần làm gì có trí tuệ lớn như vậy? Cho nên trên kinh Phật thường nói, những chúng sanh này đáng dùng thân gì để độ, Ngài liền hiện ra thân đó. Đáng dùng thân Khẩn Na La Vương để độ, Phật Bồ Tát liền hiện ra Khẩn Na La Vương. Chúng ta phải thể hội được cái sự thật này, hiểu rõ cái đạo lý này, phải biết được thế xuất thế gian, trong tất cả tôn giáo, những thần minh mà họ tôn kính đều là Phật Bồ Tát hóa thân.
Vậy thì Phật là ai vậy? Phật không phải là một người. Ngày nay chúng ta học Phật, cái khó khăn lớn nhất chính là chấp tướng. Nói đến Phật, bạn liền nghĩ đến một tượng Phật, vậy thì sai rồi. Trong kinh điển Phật nói cho chúng ta nghe, Phật không có hình tướng. Không có hình tướng mới có thể hiện ra tất cả tướng, có hình tướng rồi thì không được, thì không thể biến thành tướng thứ hai. Vô tướng thì mới có thể hiện tất cả tướng, vô vi mới có thể vô sở bất vi. Cho nên việc đầu tiên Phật dạy cho chúng ta phải lìa tướng, ly tất cả tướng tức tất cả pháp, việc này trên kinh Lăng Nghiên đã nói. Cho nên Phật có thể tùy loại hóa thân, có thể tùy cơ nói pháp. Tùy cơ là gì vậy? Hiện tại chúng ta cần thứ gì thì Ngài dạy chúng ta thứ đó, chúng ta không cần đến thì Ngài tuyệt đối sẽ không nói, có nói ra chúng ta cũng không dùng, chúng ta không có được chỗ tốt. Cho nên giáo học của Phật pháp rất hiện thực, dạy chúng ta làm sao trải qua ngày tháng tốt đẹp, làm thế nào phát triển sự nghiệp của bạn, đều dạy bạn làm đến đệ nhất. Trong Phật pháp không có thứ hai, không luận là bạn từ nơi một ngành nghề nào, bạn ở nơi ngành nghề đó đều là đệ nhất, việc này chúng ta có thể tin tưởng. Ngài có trí tuệ, Ngài có thần thông, thần là thần kỳ khôn lường, chính là phàm phu chúng ta không thể tưởng tượng được. Loại trí tuệ đó của Ngài, loại năng lực đó của Ngài, thọ dụng của Ngài, đây gọi là thần thông, cũng chính là gọi “tự tại lực”. Ngài được đại tự tại. Từ đâu mà có được vậy?
Câu thứ hai thì đã nói ra rồi, là “giai do vãng tích sở tu hành”. Trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp đều đã tu hành, tu sửa tất cả hành vi sai lầm của chính mình, hiện tại thuật ngữ thông thường chúng ta gọi là cải tiến. Cải tiến là gì? Là cải chính sai lầm. Cải chính sai lầm thì bạn tiến bộ, câu thuật ngữ này ở trong xã hội hiện tại này rất là phổ biến. Tu hành có ý nghĩa chính là cải tiến, cải chính sai lầm của chính mình thì bạn nhất định sẽ nâng lên cao. Sai lầm của mình rất nhiều rất nhiều nhưng chính mình tuyệt nhiên không hề biết. Đại thánh đại hiền của thế xuất thế gian, những gì các Ngài đã dạy chúng ta chính là đời sống, lời nói, việc làm của chính các Ngài. Cách đối nhân xử thế tiếp vật của chính các Ngài được các học trò ghi chép lại thì liền biến thành mô phạm cho cuộc sống, là gương mẫu. Trong nhà Phật gọi là giới luật, trong nhà Nho gọi là lễ, cho nên lễ cùng giới luật không phải là do một người chế định, mà là đời sống hành vi của thánh hiền, nó vốn dĩ chính là như vậy. Học trò ghi chép lại cho chúng ta tham khảo. Đời sống của các Ngài là bình thường, đời sống của chúng ta là không bình thường; tư tưởng của các Ngài là bình thường, tư tưởng của chúng ta là sai lầm; lời nói của các Ngài là chính xác, lời nói của chúng ta là sai lầm, mọi chỗ đều phải học tập với các Ngài, đó gọi là học Phật.
Phật là một người chân thật cứu cánh viên mãn, không tìm ra khuyết điểm, không luận là ở phương diện nào cũng không tìm ra khuyết điểm, Phật là một con người rất hoàn mỹ. Trong Phật kinh thường có thí dụ: “mặt Phật như mặt trăng”, đây là hình dung trăng tròn, là trăng sáng của ngày mười lăm. Bạn không nên y theo văn mà giải ý, theo văn mà giải ý thì bạn sẽ lắc đầu, mặt của Phật tròn tròn như mặt trăng thì có gì đẹp đâu? Vậy thì bạn sai rồi, tròn là không có khiếm khuyết, là hình dung cái đẹp của con người tròn đầy không có khiếm khuyết, trong Phật kinh thường tán thán là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Đây là người thế gian chúng ta cho rằng như vậy là tốt đẹp, nên Phật thảy đều thị hiện cho chúng ta xem. Còn trong kinh điển, đối với chư Phật Như Lai trong pháp giới Nhất Chân, chúng ta có thể lý giải đây là chỉ cho hoàn cảnh đời sống hiện tại, nâng lên trên cao nữa thì chúng ta không biết, cho nên chính ngay trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta chính mình nhất định phải biết lỗi lầm của chính mình, nhà Phật thường gọi là khai ngộ. Cái gì gọi là khai ngộ? Rất ít người hiểu được. Có một năm tôi giảng kinh ở Lusanchi, nghe nói ở Lusanchi có năm người thanh niên khai ngộ, là do những Lạt Ma Hoạt Phật Tây Tạng thọ ký cho họ đã khai ngộ. Tôi ở đó giảng kinh, họ cũng đến nghe. Sau khi nghe rồi, họ yêu cầu tôi chứng minh cho họ là họ đã khai ngộ rồi. Năm người này đến trước mặt tôi nói với tôi, tôi lắc đầu, tôi nói các người chưa khai ngộ. Họ nói vì sao vậy? Những Lạt Ma Hoạt Phật đều nói tôi đã khai ngộ rồi, vì sao Ngài nói tôi chưa khai ngộ? Tôi nói, tôi chưa có khai ngộ, các người đến hỏi tôi về việc khai ngộ, có thể thấy được các người chưa có khai ngộ.
Hiện tại xã hội này, những chuyện gạt người rất nhiều. Bạn là người khai ngộ thì bạn còn phải hỏi tôi nữa hay sao? Trong đầu của bạn còn nghĩ khai ngộ hay không khai ngộ, bạn còn có những vọng tưởng này, còn có những phân biệt chấp trước này, thì bạn nhất định chưa khai ngộ. Người khai ngộ, trong lòng một tạp niệm cũng không có, bạn từ sớm đến tối nghĩ tưởng xằn bậy thì bạn lấy gì để khai ngộ? Người ta nói bạn khai ngộ, rõ ràng là gạt bạn, nghe gạt không nghe khuyên. Tôi nói, tôi thành thật mà nói với bạn, tôi không gạt bạn, bạn chưa có khai ngộ.
Thế nào gọi là khai ngộ vậy? Biết được tâm bệnh của chính mình gọi là khai ngộ. Cho nên bạn ngày ngày phản tỉnh, mỗi ngày kiểm điểm, tìm tâm bệnh của chính mình, thì bạn ngày ngày có giác ngộ. Tìm được tâm bệnh của chính mình, phải đem tâm bệnh sửa đổi lại, đó gọi là tu hành. Bạn không biết khuyết điểm, không biết được tâm bệnh, thì bạn tu cái gì? Bạn cho rằng mọi thứ đều là đúng, Bạn đối mặt với hiện thực, bạn đối với tất cả người, với tất cả việc, với tất cả vật, bạn nghĩ xem có đúng không? Bạn thấy có đúng không? Bạn nói có đáng hay không? Bạn làm có đúng hay không? Chúng ta chính mình không có năng lực phân biệt phải quấy, không biết là đúng hay là không đúng, cho nên phải lấy ngôn hạnh của thánh nhân làm tiêu chuẩn. Xem cách nhìn của Phật đối với người, với việc, với vật như thế nào, cách nghĩ của Ngài như thế nào; sau đó so sánh cách nhìn cách nghĩ của ta với cách nhìn cách nghĩ của Phật. Chúng ta phải khẳng định Phật là đúng, nếu như cách nghĩ cách nhìn của ta giống như Phật, vậy thì ta cũng đúng; cách nhìn cách nghĩ của ta không giống với Ngài, phải biết ta đã sai rồi, không phải là các Ngài sai.
Phật dạy cho chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, chúng ta phải kiểm điểm chính mình xem là chúng ta còn sát sanh nữa hay không? Cho dù là hành vi không sát sanh, còn có ý niệm sát sanh hay không? Hành vi không có, ý niệm có cũng không được, có ý niệm là ý nghiệp, như vậy là sai rồi, bạn nghĩ sai rồi. Bạn đem những sai lầm này tu sửa lại thì gọi là tu hành. Về khẩu nghiệp, có phải chúng ta vẫn còn vọng ngữ, vẫn còn nói hai chiều, hai chiều là khiêu khích thị phi? Về ác khẩu, nói năng rất thô lỗ, vẻ mặt rất khó coi. Về ỷ ngữ, nói lời ngon ngọt để gạt người, mê hoặc người khác, đó là lỗi lầm; Phật không có, Phật đối với tất cả chúng sanh nói lời ôn hòa. Trong tâm này còn có tham sân si, vậy thì bất thiện, chúng ta khởi tâm động niệm đều là rơi vào trong bất thiện. Phật nói ra mười điều này là tổng cương lĩnh, để chúng ta thường phải kiểm điểm phản tỉnh. Kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh Độ rất hay, Kinh Vô Lượng Thọ đặc biệt giảng rõ đối với mười thiện, từ phẩm thứ 33 đến phẩm 37, một đoạn kinh văn rất dài. Hiện tại chúng ta đem đoạn kinh văn này chọn làm thời khóa tối, cho nên sau khi thành lập Tịnh Tông Học Hội, tôi biên tập lại thời khoá tụng sớm tối.
Thời khóa tụng sớm tối do các đại đức xưa biên tập, hiện tại chúng ta dùng thật là không thể vừa sức. Y theo quyển khóa tụng đó thì không đạt được lợi ích thực tế, cho nên nhất định phải vì chính chúng ta mà chân thật tu hành, cải đổi tự làm mới, chúng ta trùng biên lại một quyển khóa tụng sớm tối. Tinh thần của khóa tụng sớm tối phải hiểu được là, khóa sớm là nhắc nhở chính mình, tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát, hy vọng ngày này hôm nay từ sớm đến tối không trái phạm, nhắc nhở chính mình, không phải niệm để Phật Bồ Tát nghe; Khóa tối là phản tỉnh, là kiểm điểm, một ngày hôm nay có lỗi lầm hay không? Có thì thay đổi, không có thì khích lệ. Thời khóa sớm tối bạn làm như vậy là chân thật có công đức. Không phải nói sớm tối đem kinh văn đọc qua một lượt, niệm để Phật Bồ Tát nghe thì Phật Bồ Tát liền hoan hỉ, còn chính mình đối nhân xử thế tiếp vật vẫn là phạm phải rất nhiều lỗi lầm, việc tụng sớm tối như vậy có ích gì chứ? Tôi nói, thời khóa sớm tối như vậy còn có tội. Tội lỗi gì vậy? Bồ Tát bằng gỗ xi măng bày ra nơi đó, sáng sớm gạt Ngài một lần, buổi tối lại gạt thêm lần nữa, một năm 360 ngày, ngày ngày gạt họ, bạn nói xem tâm của bạn tàn nhẫn đến dường nào? Ngay đến Bồ Tát bằng gỗ xi măng mà bạn còn một ngày gạt hai lần, vậy thì đương nhiên bạn gặp bất cứ người nào, bạn đều lừa gạt, bạn làm sao có thể có được thành tựu? Chính mình mê hoặc điên đảo còn cho rằng chính mình tu hành không tệ, thời khóa sớm tối của tôi một ngày cũng không thiếu, tương lai đọa địa ngục còn không biết vì sao mà đọa. Quan niệm hành trì thời khóa sớm tối đã sai lầm, thời khóa sớm tối không phải tụng để Phật Bồ Tát nghe, cúng dường hình tượng của Phật Bồ Tát là kỷ niệm Ngài.
Phật Bồ Tát làm thế nào bảo hộ chúng ta vậy? Giáo huấn ở trong kinh điển là bảo hộ chúng ta, chúng ta có thể lý giải, có thể y giáo phụng hành, trồng nhân thiện được quả thiện, đó là bảo hộ. Cho nên, sai lầm ngay trong cuộc sống thường ngày không thể không sửa đổi, chúng ta phải thay đổi mỗi ngày, mỗi ngày phải tìm cho ra sai lầm. Con người rất không dễ gì phát hiện ra sai lầm của chính mình, đều thấy lỗi lầm của người khác. Thấy lỗi lầm của người khác cũng không phải là không tốt gì, đem lỗi lầm của người khác để ở trong tâm của chính mình, xem thường người khác, phê bình người khác, hủy báng người khác, vậy thì bạn tội càng thêm tội, bạn sai rồi. Xem thấy lỗi lầm của người khác, để có thể quay đầu lại nghĩ xem ta có cái lỗi lầm này không? Nếu như có phải mau thay đổi lại, không có thì khích lệ chính mình không nên phạm phải lỗi lầm của họ, đó là việc làm tốt. Cho nên Phu Tử nói: “ba người cùng đi ắt có thầy ta”. Ba người này chính mình là một người, một người thiện và một người ác. Người thiện là thầy của ta, ta phải học theo thiện hạnh của họ; người ác cũng là thầy của ta, ác hạnh của họ để ta phản tỉnh, để ta kiểm điểm chính ta có lỗi lầm hay không? Tất cả đều là thầy ta, không một ai không là thầy của ta. Tất cả đều là ân nhân, chúng ta phải tri ân báo ân. Họ có thể thành Bồ Tát, Bồ Tát có thể thành Phật, không gì khác hơn là mỗi ngày tu hành, hay nói cách khác là mỗi ngày thay đổi hành vi đời sống của chính mình.
“Đại bi cứu vật linh thanh tịnh”, câu phía trước là tự hành, chính mình tu sửa hành vi sai lầm của chính mình, sau đó mới có thể giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác không nhất định phải giảng kinh nói pháp, dạy học. Các vị đều biết mà, ngoài ngôn giáo ra còn có thân giáo, bạn làm ra một gương tốt để cho người khác thường hay xem thấy, thời gian lâu dần thì người xem thấy bạn có thể giác ngộ. Họ xem thấy con người bạn không giống như nhau, đang thay đổi mỗi ngày, càng thay đổi càng tốt, nên họ liền ngưỡng mộ. Bạn cần phải nhận biết rõ ràng ý nghĩa về mô phạm cho người khác xem. Chúng sanh xã hội hiện tại có những lỗi lầm nghiêm trọng gì, chúng ta phải giúp đỡ họ. Giúp đỡ họ bằng cách nào? Phải từ ngay bản thân. Chúng sanh xã hội hiện tại đa số đều tham tài, chúng ta dạy họ thế nào vậy? Chúng ta xả tài, chúng ta không cần tài, quyết không tích chứa tài vật. Họ nhìn thấy chúng ta trong một thời gian lâu, chúng ta vẫn là tự tại, chúng ta vẫn là trải qua ngày tháng rất hạnh phúc, họ từ ngay chỗ này dần dần liền sẽ quay đầu. Họ tham sắc, chúng ta viễn ly tất cả sắc, làm cho người ta xem như vậy mới được. Họ tự tư tự lợi, chúng ta phải đại công vô tư. Họ có sân hận đố kỵ, chúng ta có hoan hỉ tán thán, không những không có tâm đố kỵ, nhất định phải làm đến được thành tựu việc tốt cho người. Người khác có việc tốt, ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, hiệp trợ họ. Chúng ta làm ra để cho người khác xem, đây gọi là Đại bi cứu vật.
Chúng ta chính mình làm như vậy sẽ được tâm thanh tịnh, được tâm bình đẳng, chân thành, từ bi hiển lộ ra bên ngoài, không cần bất cứ thứ gì, thành thật mà nói thì bạn sẽ không thiếu hụt bất cứ thứ gì. Vì sao vậy? Đó là đạo lý của nhân quả. Tài phú từ do đâu mà ra? Việc này trên kinh Phật thường nói là tài từ bố thí mà ra. Chúng ta phải nên hiểu, tài bố thí là nhân, trong đời quá khứ bạn đã từng tu qua cái nhân này. Đây chính là ngạn ngữ thường nói: “trong mạng của bạn có tài”, việc này người xem tướng đoán mạng cũng biết. Trong mạng có tài nhưng bạn không thể ngồi ở đó mà đợi tài sẽ rơi xuống, không thể có việc này, mà là bạn đi làm bất nghề nghiệp nào thì cũng đều kiếm được tiền. Bạn làm những nghề nghiệp đó là gì, đó là duyên, nhân thêm vào duyên thì quả báo liền hiện tiền. Có nhân mà không có duyên thì quả báo không thể hiện tiền. Giống như dưa hấu, nhân của dưa là hạt dưa, hột giống, nếu như hạt giống này không thêm cho nó duyên, để nó ở trong ly, để một trăm năm nó cũng sẽ không thể kết thành trái dưa, nó cần phải có duyên. Duyên là cái gì vậy? Thổ nhưỡng, lượng nước, ánh mặt trời, phân bón. Duyên không giống như nhau, có duyên rất đầy đủ thì nó sẽ lớn lên rất tốt, có duyên không đầy đủ như chỗ này thổ nhưỡng không được tốt, không có phân bón, không đủ ánh sáng, thì nó lớn sẽ không được tốt. Chúng ta từ nơi bất cứ nghề nghiệp nào đó là duyên, thế nhưng bạn nhất định phải có nhân, nếu như không có nhân, duyên có tốt hơn cũng sẽ không kết thành quả, bạn nhất định phải hiểu rõ cái đạo lý này.
Phật nói không hề sai. Trong đời quá khứ, chúng ta đã từng tu tài bố thí thì trong mạng của ta có tài, có cái nhân này thì hiện tại không luận là từ nơi nghề nghiệp nào, chúng ta cũng phải có duyên tốt. Cái gì gọi là duyên tốt? Nghề nhiệp của chúng ta là làm lợi ích chúng sanh, làm lợi ích xã hội, tuyệt đối không tổn hại chúng sanh. Hiện tại có rất nhiều nghề nghiệp làm tổn hại chúng sanh, lừa gạt chúng sanh, làm rất nhiều thứ hàng giả mạo, hàng giả, lấy giả tráo thật, nghiêm trọng nhất là thuốc men. Hiện tại có rất nhiều thuốc giả, kỳ thật trong mạng của họ thật có tài, họ hoàn toàn dùng thật, nhất định không dùng giả thì họ vẫn là kiếm được rất nhiều tiền, dùng hàng giả để lừa gạt người khác thì vẫn là kiếm được nhiều tiền như vậy thôi, không thể hơn được chút nào. Cho nên trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói: “Quân tử an vui làm quân tử, tiểu nhân oan uổng vẫn phải làm tiểu nhân”, hà tất phải lừa gạt chúng sanh làm gì? Tuyệt đối không phải bởi vì lừa gạt chúng sanh thì bạn mới phát tài, làm gì có đạo lý này, vậy thì nói không thông. Cho nên duyên của bạn phải là thiện, phải vì lợi ích chúng sanh thì phước báo này của bạn sẽ tăng thêm, hậu phước vô cùng. Nếu như là dùng cái duyên tổn người lợi mình này, trái lại làm cho phước báo của bạn bị mài mòn, phước bị tổn hại, đây là một sai lầm cực lớn. Con người vì sao phải làm như vậy? Vì không hiểu nghiệp nhân quả báo, không biết được chân tướng sự thật nên mới làm việc sai lầm. Họ cho rằng hại người có thể lợi mình, chẳng hề biết được hại người là chân thật hại mình, lợi người mới là chân thật lợi mình. Cái đạo lý này PhậtPhật Bồ Tát biết được, bậc thánh hiền, người sáng suốt, các Ngài biết, phàm phu chúng ta không biết. Thế nên Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mà Phật nói, đều là giảng quả báo của mười thiện, không hề nói quả báo của mười ác. Phía sau của quyển sách này của chúng ta có thêm vào tiết yếu của Đại sư Ngẫu Ích. Đại sư Ngẫu Ích cũng nói ra hết mặt trái của nó, quả báo của mười ác Ngài đều nói ra hết, chúng ta nhất định phải biết. Chúng ta thật đã biết rõ ràng, thật đã thông suốt rồi, thì chúng ta mới biết được cái gì gọi là thiện, cái gì gọi là ác. Thiện nhất định là lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh; ác đều là tự tư tự lợi. Cho nên tự tư tự lợi là gốc của tội ác, là căn bản của tham sân si. Chúng ta phải từ chỗ này mà trừ bỏ. Bạn xem trong tông môn giáo hạ, tổ sư đại đức dạy bảo chúng ta tu hành từ phải tu từ căn bản. Cái gì gọi là căn bản? Tự tư tự lợi là căn bản, nhất định phải chuyển đổi ý niệm này lại. Ta sống ở thế gian này không phải vì ta, mà phải vì chúng sanh, vì xã hội. Chư PhậtPhật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian, các Ngài là vì hư không pháp giới tất cả chúng sanh, bạn xem cái tâm đó quá lớn, cái tâm này là tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới. Các Ngài là thật, không phải giả, cho nên phước báo này rất lớn. Ngày nay tâm lượng của chúng ta quá nhỏ, ngày nay chúng ta gọi xả mình vì người, là vì người nào vậy? Vì chỗ này của chúng ta, vậy thì quá nhỏ; vì cái quốc gia này của ta cũng không lớn, vì toàn thế giới là mức thấp nhất. Phải vì toàn thế giới mà lo nghĩ, thì thế giới này mới có hòa bình, xã hội mới có an định, chúng sanh toàn thế giới mới có thể hòa thuận cùng ở với nhau, cùng đối xử bình đẳng, mới chân thật có thể nói là có hạnh phúc. Tai nạn do con người làm có thể đọan trừ, có thể tiêu hết. Xin nói với các vị, con người không còn gây họa thì thiên tai cũng sẽ hết, việc này chân thật là y báo tùy theo chánh báo chuyển. Để lòng người đều hướng thiện, thì phải dựa vào giáo dục.
Phật pháp là giáo dục, Phật pháp không phải là tôn giáo. Hiện tại có người không tin tôn giáo. Không tin tôn giáo thì có gì đâu, ngày trước khi tôi giảng kinh cũng thường nói, chúng ta ở trong xã hội, người ta hỏi bạn tín ngưỡng tôn giáo nào? Bạn nói không tin một tôn giáo nào, việc này không có gì là đáng trách, không có gì là khó nói cả. Nếu như nói là chưa tiếp nhận qua giáo dục, thì lời nói này sẽ rất khó nói ra, rất khó mở miệng. Phật pháp là giáo dục, không phải tôn giáo. Tôn giáo thì bạn có thể tin, có thể không tin, còn giáo dục thì bạn cần phải tiếp nhận, đặc biệt là giáo dục của Phật pháp. Giáo dục của Phật pháp và giáo dục của phổ thông là không giống nhau. Giáo dục Phật pháp đó là giáo dục hiện thực nhất, là giáo dục có quan hệ mật thiết nhất đối với chúng ta ngay trong một đời này. Giáo dục Phật pháp dạy chúng ta phải sống như thế nào, Nếu dùng lời hiện đại mà nói là dạy chúng ta làm thế nào để phát tài, dạy chúng ta làm thế nào thông minh ra, dạy chúng ta làm thế nào khỏe mạnh sống lâu. Bạn nói xem loại giáo dục này có quan trọng hay không? Mọi người chúng ta đều không hoan hỉ khi phát tài hay sao? Có thích thông minh, thích khỏe mạnh sống lâu hay không? Phật chính là dạy chúng ta những thứ này, bạn có muốn học không? Hiện thực hơn so với bất cứ thứ gì. Nếu chúng ta muốn được tiền của thì phải bố thí tài vật, tận lực bố thí, không nên nghĩ đến bố thí hết sạch rồi. ngày mai ta không còn thì phải làm sao, không nên nghĩ đến vấn đề này. Bạn thật đã bố thí hết sạch rồi thì ngày mai sẽ đến càng nhiều, họ còn có được thêm lời vào, điều này thật không thể nghĩ bàn. Ngày nay chúng ta cũng làm ra dáng vẻ này để cho mọi người xem.
Bạn xem thấy Tịnh Tông Học Hội chúng ta cùng với Cư Sĩ Lâm nơi đây, chúng ta bố thí trước giờ chưa từng suy nghĩ, tài nguyên từ đâu mà đến cũng chưa hề nghĩ qua. Cư Sĩ Lâm hiện tại tháng 7 này làm pháp hội siêu độ. Các vị đến bên đó xem, mỗi ngày hoạt động của Cư Sĩ Lâm có ba bốn ngàn người. Ba bốn ngàn người ở nơi đó ăn cơm nhưng một phân tiền cũng không lấy, mỗi ngày cúng dường là ba bữa cơm, hai lần điểm tâm. Thường ngày thì mỗi ngày số người ăn cơm cũng không dưới một ngàn người. Rất nhiều người đến đây xem thấy đều rất kinh ngạc, chi phí của các vị ở đây rất nặng, tiền này của các vị từ đâu mà ra vậy? Lý Mộc Nguyên nói với tôi là ông và mọi người ở đó rất thoải mái, một tí lo lắng cũng không có. Tiền từ đâu mà ra vậy? Không hề biết, không ai biết được. Bạn xem nhiều người ăn đến như vậy, nhưng không hề mua dầu, không hề mua rau, cũng không hề mua qua muối, gạo, mì, rau. Dầu, muối chất đống như núi, ăn không hề hết. Nhiều đồ đến như vậy, mọi người nên biết, lại không thể để lâu, để lâu thì sẽ hư, cho nên chúng ta mỗi một tuần phải dùng xe tải, từng xe từng xe chở đến tặng cho viện dưỡng lão, cô nhi viện của các tôn giáo khác. Nhiều đến như vậy, càng cho càng nhiều, bạn phải lo gì chứ? Bạn không chịu bố thí thì không có.
Trong những năm gần đây, kinh tế của Đông Nam Á bị suy thoái, nghề nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng, nhà Phật cũng không ngoại lệ. Thu nhập của rất nhiều đạo tràng chỉ còn phân nữa, Cư Sĩ Lâm cùng đạo tràng này của chúng ta, một chút ảnh hưởng cũng không có, thu nhập của đạo tràng này của chúng ta mỗi tháng đều tăng thêm, họ cảm thấy dường như bị ảnh hưởng kinh tế, chúng ta thì không hề có cảm giác này. Nhân cùng duyên rất tốt, đạo tràng mỗi ngày giảng kinh, mở phát băng đĩa giảng kinh 24 giờ không gián đoạn, niệm Phật đường niệm Phật 24 giờ không gián đoạn. Người đạo tràng này có trí tuệ, bạn xem thấy nhiều người đến như vậy cùng sống với nhau nhưng không hề có ý kiến, việc này rất là hiếm thấy, rất nhiều người đến chỗ này xem thấy đều cảm thấy kinh ngạc. Bạn xem thử trên khuôn mặt của mỗi một người đều vui vẻ hòa nhã, hoan hỉ hân hoan, không có tranh chấp, không có ý kiến. Do nguyên nhân gì vậy? mỗi ngày nghe kinh. Xin nói với các vị, cái đạo tràng này, nếu như ba ngày không nghe kinh thì sẽ có người cãi nhau, thì nghiệp chướng sẽ hiện tiền. Muốn cãi nhau với người nhưng vừa nghe được giảng kinh thì sẽ nghĩ: thôi đi. Như vậy thì tâm liền bình lặng lại. Do chính nhờ như vậy, nên mỗi một người, bạn thấy người già, người trẻ tuổi đều có thể chăm sóc người già, người già thì rất là thương yêu người trẻ, giống như một đại gia đình, khỏe mạnh sống lâu. Ở nơi đây, bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, chúng ta mỗi ngày đều làm, làm rất phấn chấn, cho nên tiền của, thông minh, khỏe mạnh sống lâu, đều có thể nhìn thấy ở đây. Chúng ta làm ra những điều này để cho người xem.
Cư Sĩ Lâm cùng Tịnh Tông Học Hội từ trước đến giờ chưa từng ra ngoài hóa duyên, chưa hề bảo người cúng dường. Vì sao vậy? Làm như vậy thì phải gánh chịu, thì sẽ rất mệt, chúng ta có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, có thì làm, không có thì không làm, bạn nói xem tự tại dường nào! Thế nhưng mỗi ngày vẫn cứ đến nhiều như vậy, thì đành phải làm vậy, chăm chỉ mà làm thôi. Nhất định phải làm ra gương tốt cho người xem. Công việc có khổ cực hơn, có bận rộn hơn, nhưng tâm địa nhất định thanh tịnh, không hề lo lắng. Chúng ta tuyệt đối không hề suy nghĩ ta phải làm cái gì, vì như vậy thì sẽ rất khổ tâm, đều là việc đến thì làm, duyên chín muồi rồi thì làm, tùy duyên mà không phan duyên, việc làm như vậy thì sẽ làm được rất tự tại. Nếu chính mình phải nghĩ là phải làm như thế nào, thì bạn rất là khổ, thì trong tâm của bạn bị dính mắc. Chúng ta làm mà trong tâm không hề có việc gì, chỗ này trong Phật pháp thường gọi là làm mà không làm, không làm mà làm”. Công việc mỗi ngày rất là náo nhiệt, nhưng trong lòng không chút dính mắc, vậy mới gọi là đại tự tại. Có thấy làm thì rất là khổ, tâm có lo buồn, thân có mệt mõi, không làm mà làm thì bạn liền được đại tự tại, bạn liền được an lạc. Đạo lý này phải ứng dụng ngay trong cuộc sống thì đời sống an vui, ứng dụng ngay trong công việc thì công việc không những thoải mái, mà còn rất thuận lợi.
Năm trước tôi ở Kiết Long Ba, bạn thấy tôi dạy cư sĩ Lý Kim Hữu làm thế nào ứng dụng đạo lý của Phật pháp, thực tiễn ngay trong khách sạn đẳng cấp sáu sao của ông. Nếu bạn thật có thể hiểu được thông đạt rồi thì ông chủ của bạn là Phật Đà, công nhân của bạn là Bồ Tát, người đến ở nơi khách sạn của bạn, đó đều là chúng sanh mà bạn độ. Phật không độ người không có duyên, người đến ở nơi khách sạn của bạn thì có duyên với bạn rồi, bạn có thể độ được họ. Phật pháp là vô biên, không luận ở một nơi ngành nghề nào đều có thể ứng dụng được, không luận bạn trải qua đời sống như thế nào, bạn trải qua ngày tháng nghèo thiếu, trải qua ngày tháng giàu có cũng đều có thể ứng dụng được. Bạn sẽ có được an vui chân thật, bạn sẽ có được hạnh phúc chân thật. Giáo dục tốt đến như vậy, nếu bạn nói bạn không học thì thật là đáng tiếc. Khi tôi còn trẻ, phát tâm làm cái công việc này, chính là xem thấy giáo dục của Phật giáo quá tốt nhưng trong xã hội không có người biết. Ta không biết thì cũng không hề gì, cũng có thể cho qua, ta biết rồi, nếu ta không đem nó giới thiệu cho mọi người thì ta có lỗi với người. Trước tiên là có lỗi với Phật Bồ Tát, thứ hai là có lỗi với lão sư. Lão sư nhiều đời truyền lại, vào ngay lúc này truyền đến tay của mình, mình thông đạt rồi, mình hiểu rồi, thay đổi được vận mạng của chính mình rồi, đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp rồi, nếu mình không đem nó giới thiệu cho người khác thì mình có lỗi với Phật tổ, cũng có lỗi với tất cả chúng sanh. Cho nên sống ở cái thế gian này không phải vì chính mình, chính mình không hề có bất cứ việc gì.
Sống ở cái thế gian này chính là để đem Phật pháp giới thiệu với mọi người, chỉ làm cái việc như vậy, rất là đơn thuần, cho nên đời sống rất là an vui, rất là tự tại, tâm địa thanh tịnh không nhiễm. Các vị cảm thấy những thứ của thế gian này mọi thứ đều đáng yêu, thứ yêu thích nhất là cổ phiếu, nhưng những thứ này đã không còn tác dụng gì với tôi, tôi cũng sắp gần hơn hai mươi năm không có dùng qua tiền, một xu tiền cũng không có dùng, cho nên thứ này không có tác dụng với tôi. Tôi xem thấy không ưa, người ta xem thấy rất hoan hỉ, tôi xem thấy thì không ưa, cho nên mọi người cho tôi, tôi liền chuyền tay chuyển đi ngay.Cư Sĩ Lâm xây dựng thôn Di Đà, bên đây thì tôi bảo họ làm VCD, bởi vì người cần đến đĩa VCD quá nhiều. Tất cả đồ cúng dường, tôi chưa hề mở bao đỏ ra xem, mở bao đỏ tay sẽ rất mệt, tiền kia rất dơ, rất nhiều người sờ vào nó, có phải vậy không? Tôi không làm những việc này, toàn bộ cho mang đi. Bất cứ việc gì duyên chín muồi rồi thì dễ làm, nếu bạn muốn làm mà duyên chưa chín muồi thì bạn tự chuốc lấy cái khổ. Thế nhưng tâm nguyện giúp đỡ chúng sanh của chúng ta nhất định không thoái chuyển.
Singapore muốn xây dựng thôn Di Đà, chúng ta đã tìm mấy nơi nhưng thảy đều chưa đủ duyên. Những đồng tu hải ngoại biết được sự việc này nên thường hay gởi tiền qua, hiện tại cũng đã thu được không ít tiền rồi, công việc nhất định phải làm. Tìm không ra đất thì phải làm sao đây? Trong Cư Sĩ Lâm vẫn còn một miếng đất trống, hiện tại quyết định đem nó xây thành mười tầng lầu, tương lai có thể ở trong đó, sẽ có hơn 400 gian phòng, cũng tốt. Chúng ta tập trung nhân lực, tài lực, vật lực. Hiện tại tòa nhà lớn này có năm tầng, giảng đường của chúng ta theo kế hoạch của cư sĩ Lý Mộc Nguyên là bên trên thêm hai tầng nữa, miếng đất trống bên cạnh đều xây dựng, đại khái cuối tháng 9, đầu tháng mười thì có thể khởi công. Chúng ta không phải không làm, phải làm. Rất nhiều quyên hiến bên ngoài, chúng ta nhất định phải sử dụng chính đáng, chân thật để mọi người bồi phước.
Ngay trong sự nghiệp Phật giáo, then chốt nhất là bồi dưỡng nhân tài, đây là việc quan trọng thứ nhất. Ngay trong một đời này của chúng ta có làm được tốt hơn, chúng ta cũng có lỗi với Phật Bồ Tát. Mạnh tử đã nói “bất hiếu có ba, không người kế thừa là lớn nhất”. Nếu như chúng ta không truyền lại đời sau thì vấn đề của chúng ta nghiêm trọng rồi. Cho nên hiện tại bồi dưỡng nhân tài chính là truyền lại cho đời sau, là một việc lớn bậc nhất. Đời sau có người kế thừa, tương lai chúng ta đi thì sẽ đi được rất thoải mái, chúng ta có giao phó rồi. Đời sau không có người, chết không nhắm mắt, vậy thì có được chăng? Lớp bồi dưỡng chúng ta đã làm được ba năm, cũng xem là có chút ít thành tựu, cũng có được khẳng định của quốc gia.
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
(Còn tiếp)