“Di Lặc! Thị vi Bồ Tát đương đắc thành tựu nhị thập chủng lợi. Bất trước danh văn lợi dưỡng quả báo, hành nhiêu ích sự, nhi vi thượng thủ thường vi chúng sanh dĩ vô hy vọng tâm thanh tịnh thuyết pháp”.
Câu này một mặt vừa dặn bảo, một mặt quả quyết. Phía trước Phật nói 20 loại, phía sau lại nói ra 20 điều cho chúng ta nghe. Có thể thấy được không có tâm mong cầu vì chúng sanh nói pháp thì công đức lợi ích là vô lượng vô biên. Chúng ta xem tiếp đoạn phía sau.
“Phục thứ Di Lặc! Nhược Bồ Tát dĩ vô hy vọng tâm, hành pháp thí thời, bất trước danh văn lợi dưỡng quả báo, dĩ nhiêu ích sự nhi vi thượng thủ, thường vì chúng sanh quang tuyên chánh pháp, hựu năng thành tựu nhị thập chủng lợi”.
Hai mươi lợi ích này, phần nhiều một số người nói pháp là niệm niệm mong cầu: Cầu muốn hiểu được lý luận, muốn hiểu được phương pháp, cái gọi là như lý như pháp. “Phật thị môn trung hữu cầu tắc ứng”, làm thế nào như lý như pháp vậy? Không cầu quả báo danh vọng lợi dưỡng, đó gọi là như lý, thì liền đúng pháp. Dùng tâm thanh tịnh vì chúng sanh nói pháp, chính là không có tâm hy vọng thanh tịnh nói pháp.
“Vân hà danh vi nhị thập chủng lợi? Sở vi: Vị sanh biện tài nhi năng đắc sanh”.
Đây là lợi ích thứ nhất. Có rất nhiều người đều hy vọng đạt được biện tài vô ngại. Biện tài vô ngại từ đâu mà có? Ở chỗ này Phật nói với chúng ta, bởi vì biện tài vô ngại là tánh đức của chính chúng ta, trong bổn tánh vốn dĩ đầy đủ, hiện tại vì sao biện tài này không còn chứ? Không có là vì có chướng ngại, nghiệp chướng, do đời quá khứ hoặc ngay hiện tại tạo tác quá nhiều khẩu nghiệp, cho nên không còn biện tài, tâm không thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì biện tài liền hồi phục.
Thứ hai, “dĩ sanh biện tài, chung bất vong thất”.
Khi bạn đạt được biện tài rồi thì sẽ không mất đi.
Thứ ba, “thường cần tu tập, đắc Đà La Ni”.
Đà La Ni là tiếng Phạn, dùng lời hiện đại mà nói chính là cương lĩnh. Không luận bạn tu học một pháp môn nào, bạn rất dễ dàng nắm lấy được cương lĩnh, đại cương, đây là khi bạn tu học bạn liền có được thọ dụng.
Thứ tư, “dĩ thiệu công dụng, thiện năng lợi ích, vô lượng chúng sanh”.
Không cần dùng rất nhiều thời gian, cũng không cần dùng rất nhiều tinh thần liền có thể lợi ích rất nhiều rất nhiều chúng sanh. Có thể thấy được đây chính là trí tuệ cao độ, biểu hiện khéo léo. Xem câu phía sau:
“Dĩ thiệu công dụng, linh chư chúng sanh, khởi tăng thượng tâm, cung kính tôn trọng”.
Cung kính tôn trọng này là đối với Tam Bảo. Một phần cung kính được một phần lợi ích, một phần tôn trọng được một phần lợi ích. Nếu như không có tôn kính tôn trọng, chư Phật Bồ Tát thuyết pháp có khéo léo hơn, người nghe cũng không có được lợi ích, cho nên cái điều này rất quan trọng.
Thứ sáu, “đắc thân khẩu ý, thanh tịnh luật nghi”.
Đây là ba nghiệp thanh tịnh.
Thứ bảy, “siêu quá nhất thiết, ác đạo bố úy”.
Đây là cái lý đương nhiên, bởi vì chính mình cho dù có chủng tử ác nghiệp, ngay trong đời này đích thực đã cắt đứt đi cái duyên ác rồi, chủng tử ác không có cái duyên thì không thể kết quả. Không những cắt đứt duyên của ba đường ác, duyên của sáu cõi cũng cắt đứt luôn. Không chỉ cắt đứt duyên của sáu cõi, cũng cắt đứt luôn duyên của mười pháp giới, con người này ngay trong một đời nhất định chứng được pháp giới Nhất Chân. Vậy phải làm bằng cách nào? Thành thật niệm Phật thì làm được, thế giới Tây Phương Cực Lạc không ở trong mười pháp giới, người vãng sanh đều siêu vượt mười pháp giới.
Thứ tám, “lâm mạng chung thời, tâm đắc hoan hỉ”.
Người thông thường khi lâm chung rất thống khổ, rất đau buồn, cũng là việc rất bất đắc dĩ. Thế nhưng khi tu hành, họ biết được khi lâm chung đi về đâu, cho nên họ rất hoan hỉ, rất an vui, chân thật thoát ly khổ hải, họ muốn đến nơi tối cực thanh tịnh, tối cực thù thắng để sinh sống, họ biết được.
Thứ chín, “hiển dương chánh pháp, tồi tà dĩ luận”.
Thế nên năng lực nói pháp của họ dường như gần giống với chư Phật Bồ Tát.
Thứ mười, “nhất thiết hào quý oai đức tôn nghiêm, do tự bất năng hữu sở khuy vọng, hà huống hạ liệt thiếu phước chúng sanh”.
Câu này là tán thán đối với họ, tán thán đối với thành tựu của họ, không phải thế gian tất cả chúng sanh. Phía trước là nói hào quý, hạ liệt thiếu phước là nói bần tiện. Người thế gian phú quý bần tiện, không thể cao thâm tôn quý như họ, đây là nói cảnh giới của họ.
Thứ mười một, “chư căn thành tựu”.
Thứ mười hai, “vô năng ánh bi”.
Trí tuệ năng lực của họ đều rất rõ ràng, biểu hiện không kém thiếu, không có người nào có thể chướng ngại họ.
Thứ mười ba, “cụ túc nhiếp thọ, thù thắng ý lạc”.
Câu này nói hưởng thụ đời sống của họ, họ có được là hạnh phúc an vui viên mãn. Hạnh phúc an vui này là từ trong nội tâm lưu lộ ra bên ngoài, không phải được từ bên ngoài, đây mới gọi là ý lạc thù thắng. Phàm phu đời sống ý lạc này là có được từ bên ngoài, hưởng thụ năm dục sáu trần cảm thấy đó là an vui. Chư Phật Bồ Tát thì không như vậy, từ trong nội tâm, trong tâm tánh vô lượng trí tuệ, vô lượng tài nghệ, vô lượng đức năng, từ ngay chỗ này sanh khởi lên an vui, đây là an vui chân thật.
Thứ mười bốn, “đắc Xỉ Ma Địa”.
Thứ mười lăm, “Tỳ Bà Xá Na”.
Hai câu này nói hai sự việc, hai câu này đều là tiếng Phạn. Xỉ Ma Tha là chỉ là định, Tỳ Bà Xá Na là quán. Chúng ta nói thông thường một chút thì mọi người dễ hiểu, Xỉ Ma Tha là từ buông bỏ tất cả mà được định, bạn có thể buông bỏ vạn duyên mà được định thì gọi là Xỉ Ma Tha; Tỳ Bà Xá Na là từ nhìn thấu mà được định. Đều là được định, thế nhưng một cái là từ nhìn thấu mà được định, một cái là từ buông bỏ mà được định, từ buông bỏ mà được định thì gọi là Xỉ Ma Tha, từ nhìn thấu thì gọi là Tỳ Bà Xá Na. Cách nói này của tôi thì mọi người sẽ rất rõ ràng, rất tường tận.
Thứ mười sáu, “nan tín chi hạnh, giai đắc viên mãn”.
Thế pháp có pháp khó tin, xuất thế gian pháp cũng có pháp khó tin, bạn đều có thể rất thuận lợi, rất viên mãn, tại vì sao vậy? Bởi vì bạn có trí tuệ, có khéo léo.
Thứ mười bảy, “phát khởi tinh tấn”.
Thứ mười tám, “phổ hộ chánh pháp”.
Tinh tấn rất là khó được, tấn là tấn bộ, vĩnh vô thoái chuyển. Trong tấn bộ phải cầu tinh, tinh thuần chuyên nhất mà không xen tạp, đây gọi là tinh tấn.
“Phổ hộ chánh pháp” thì vô cùng quan trọng, chỉ cần là chư Phật Bồ Tát nói ra tất cả pháp đều dùng tâm chân thành để ủng hộ, mà quyết không phải là ta tu Tịnh Độ thì ta ủng hộ pháp Tịnh Độ, con người đó tham thiền thì ta không ủng hộ họ, vậy thì sai rồi, vậy thì bạn không hộ trì họ. Pháp mà tất cả chư Phật Như Lai đã nói phải dùng tâm bình đẳng, tâm chân thành để hộ trì, vậy mới là đúng. Đúng như trên kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, bạn xem 53 vị thiện tri thức tuy chính họ chỉ tu một pháp môn, thế nhưng họ đều tán thán đối với tất cả pháp môn khác, quyết định không có hủy báng. Đây là phổ hộ chánh pháp, chúng ta phải nên học tập.
Thứ mười chín, “tốc tật năng siêu, bất thoái chuyển địa”.
Tốc tật là nhanh chóng, nhanh chóng bạn có thể siêu việt chứng đắc bất thoái chuyển địa. Câu này chính là chuyên chỉ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu như không cầu sanh Tịnh Độ, nếu muốn được bất thoái chuyển địa thì thật là quá khó, chỉ có vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc lập tức liền được tam bất thoái.
Thứ hai mươi, “tất cả hành trung, tùy thuận nhi trụ”.
Đây chính là được đại tự tại, không luận là thuận cảnh, là nghịch cảnh, không luận là cõi thiện cõi ác, họ đều có thể tùy thuận, cũng chính là họ đều có thể tùy duyên, đều có thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức. Phật hằng thuận tùy hỷ thành tựu vô lượng công đức. Trên đây là hai mươi điều lợi.
“Di Lặc! Thị vi Bồ Tát, đương đắc thành tựu nhị thập chủng lợi. Bất trước danh văn lợi dưỡng quả báo, hành nhiêu ích sự nhi vi thượng thủ thường vi chúng sanh dĩ vô hy vọng tâm thanh tịnh thuyết pháp”.
Câu này trùng lập lại rất nhiều lần. Biến số trùng lập càng nhiều thì câu này càng quan trọng. Hy vọng chúng ta nghe thêm vài lần, ghi nhớ cho thật kỹ, ở ngay trong cuộc sống thường ngày y giáo tu hành.
Mời xem tiếp đoạn sau, Phật muốn nói rõ với chúng ta, hiện tại vô số ác hạnh, vô số lỗi lầm của thế gian, chúng ta sau khi đọc rồi phải cố gắng sâu sắc mà phản tỉnh, nơi nơi tỉ mỉ cẩn trọng mà phòng ngừa.
“Phật cáo Di Lặc: Nhữ quán vị lai, hậu ngũ bách tuế”.
Câu này chính là chỉ thời đại hiện tại này của chúng ta.
“Hữu chư Bồ Tát, thậm vi vô trí”.
Những vị Bồ Tát này đều là Bồ Tát sơ phát tâm. Ngày nay chúng ta gặp được Phật pháp, mọi người đã thọ tam quy rồi, đã thọ năm giới rồi, đã thọ Bồ Tát giới rồi, chính là Bồ Tát chỗ này nói. Bồ Tát gì vậy? Bồ Tát ngu si, không có trí tuệ.
“Hành pháp thí thời”.
Trong bố thí đặc biệt là nói pháp bố thí. Trong pháp bố thí, bậc nhất chính là giảng kinh nói pháp. Không luận là Bồ Tát tại gia hoặc giả là Bồ Tát xuất gia, việc này ở tỉnh này của chúng ta thì rất là rõ ràng, tỉnh này người giảng kinh nói pháp rất nhiều.
“Nhược hữu lợi dưỡng, sanh hoan hỉ tâm”.
Việc giảng kinh nói pháp người cúng dường rất nhiều, người cung kính tán thán rất nhiều, rất vui mừng rất hoan hỉ.
“Nhược vô lợi dưỡng, bất sanh hoan hỉ”.
Nếu như nói không có người cung kính cúng dường, nguyện vọng giảng kinh liền sẽ xuống thấp, thậm chí sẽ không còn.
“Bỉ chư Bồ Tát vi nhân thuyết pháp, tác như thị tâm”.
Đây là khởi tâm động niệm. Khởi cái tâm gì? Động cái niệm gì?
“Vân hà đương linh, thân hữu đàn việt, quy thuộc ư ngã”.
Câu nói này chính là người hiện tại gọi là lôi kéo tín đồ, nghĩ hết phương cách, dùng đủ loại phương pháp, hiện tại gọi là thủ đoạn, tóm lấy tín đồ, không để tín đồ chạy đi mất, không để cúng dường chạy mất. Các người muốn cúng dường chỉ có thể cúng dường ta, không được đi cúng dường người khác; các người muốn đến đạo tràng, chỉ có thể đến đạo tràng của ta, không được đến đạo tràng bên cạnh. Ôm lấy cái tâm này, khởi lên cái ý niệm này.
“Phục cánh niệm ngôn: Vân hà đương linh, tại gia xuất gia, chư Bồ Tát đẳng, nhi ư ngã sở, sanh tinh tín tâm, cung kính cúng dường, y phục phạn thực, ngọa cụ thang dược”.
Hiện tại những thứ này thảy đều đổi thành ngân phiếu hết. Khởi lên ý niệm này mà hoằng pháp lợi sanh thì làm sao có thể tương ưng? Đây là hiện tượng xã hội hiện đại.
“Như thị Bồ Tát, dĩ tài lợi cố, vi nhân thuyết pháp”.
Mục đích của việc nói pháp là vì tài vì lợi.
“Nhược vô lợi dưỡng, tâm sanh bì yểm”.
Họ liền mệt mỏi, không muốn làm.
“Di Lặc! Thí như hữu nhân chí nhạo, thanh tịnh hoặc vi tử xà tử cẩu, tử nhân đẳng thi, nông huyết lan hoại hệ trước kỳ kinh thị nhân ưu não, thâm sanh yểm ác. Dĩ vi nghịch cố mê mân bất an”.
Ở ngay chỗ này Phật nêu ra một thí dụ để nói. Thí dụ một người, an vui thanh tịnh, không hề có chút ô nhiễm, gặp phải những việc như người chết, chó chết, rắn chết, những thứ này thí dụ cho cái gì vậy? Thí dụ quả báo danh vọng lợi dưỡng ở phía trước, thí dụ cho những thứ này. Những thứ này quấy nhiễu ở trên thân, cũng giống như những tử thi đó đang thối rửa mục nát ra vậy, không hề khác nhau. Thế nhưng người an vui thanh tịnh, cho đây là khổ, loại người nào lấy đây cho là vui vậy? Bồ Tát ngu si không có trí tuệ lấy đây cho là vui, vậy có đáng lo hay không? Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn phía sau:
“Di Lặc đương tri, ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, thuyết pháp chi nhân, diệc phục như thị, ư chư nhất thiết, vô lợi dưỡng xứ, bất thuận kỳ tâm, vô hữu tư vị, tiện sanh yểm quyện, khí xả nhi khứ”.
Thế nên những vị Bồ Tát này, chúng ta vừa nhìn liền biết được, an vui của họ tuyệt nhiên không thanh tịnh, họ bị năm dục sáu trần, danh vọng lợi dưỡng trói buộc, cho nên không có được danh lợi thì họ không chịu làm. Chỗ nào danh lợi nhiều, họ liền hiển lộ phải dõng mãnh tinh tấn, họ đi làm rất siêng năng, toàn là vì danh lợi. Thế nhưng phải nên biết, quả báo của danh vọng lợi dưỡng quyết định ở ba đường ác, cho nên họ tu cái gì? Họ tu ba đường ác, họ không phải tu đạo Bồ Đề, họ tu là ba đường ác.
“Bỉ chư pháp sư, tác như thị niệm, ngã ư thử trung, thuyết pháp vô ích, hà dĩ cố thị chư nhân đẳng, ư ngã sở tu, y phục ẩm thực, ngọa cụ y dược, bất sanh ưu niệm, hà duyên ư thử, đồ tự bì lao”.
Khởi lên cái tâm này, động cái niệm này, thì hoàn toàn trái ngược với giáo huấn của Như Lai. Phật dạy cho chúng ta dùng cái tâm không hy vọng thanh tịnh mà nói pháp, họ nói pháp là tràn ngập hy vọng, hơn nữa hy vọng của họ là vĩnh viễn không có biên giới, sự việc này thì phiền phức lớn. Bộ kinh văn này nói cho các vị đồng tu nghe, không thể giảng tỉ mỉ, không được giảng tỉ mỉ, chỉ có thể nói đến đây thôi, mọi người quay về nhà tỉ mỉ mà thể hội. Nếu giảng tỉ mỉ sẽ đắc tội với rất nhiều người, cho nên nói ra sẽ gặp phiền phức lớn. Vào 30 năm trước tôi giảng “Thiền Lâm Bảo Huấn” đã có người gọi điện thoại, có người gởi giấy đến cho tôi, muốn chỉnh lý tôi, cho nên nói những thứ này sẽ đắc tội với rất nhiều người. Thế nên bộ kinh này nói ra hết tình hình thực tế, cho nên hy vọng mọi người tỉ mỉ mà thể hội, quan trọng nhất là chúng ta không nên xem thấy lỗi lầm của người khác, phải phản tỉnh chính mình có phạm phải những lỗi lầm này hay không, như vậy chúng ta chính mình mới chân thật có thể có được lợi ích. Người khác có làm thế nào đi nữa, việc của họ không liên quan gì với mình, họ thành Phật cũng không liên quan với ta, họ đọa địa ngục cũng không liên quan với ta, chúng ta hà tất phải đi quản họ. Quan trọng nhất là phải quản chính mình cho tốt. Chính mình không dễ gì có được nhân duyên gặp được bộ kinh này, thù thắng không gì bằng. Chúng ta y theo giáo huấn chân thật của Phật Đà nỗ lực phản tỉnh, kiểm điểm, thay đổi tự làm mới, hy vọng ngay trong đời này liền có thể giải thoát, liền có thể vãng sanh cõi Phật, rất nhanh viên mãn Bồ đề, đây mới là mục tiêu chân thật của chúng ta. Chúng ta đọc qua đoạn văn này một lần: “Bỉ chư pháp sư, tác như thị niệm, ngã ư thử trung, thuyết pháp vô ích. Hà dĩ cố? Thị chư nhân đẳng, ư ngã sở tu, y phục ẩm thực, ngọa cụ y dược, bất san ưu niệm, hà duyên ư thử đồ tự bì lao”.
“Di Lặc! Thị chư pháp sư, tự cầu cúng dường, cấp thị tôn trọng, nhiếp thọ đồng trụ, cập ư cận trụ”.
Câu này phải lược nói qua. Đồng trụ chính là trong cái đạo tràng này chúng ta, phần nhiều là chỉ người xuất gia, cận trụ là chỉ tín đồ thường tới lui trong cái đạo tràng này, họ đối với đại chúng trong cái đạo tràng này, đối với tất cả tín đồ luôn muốn có phương pháp để bao vây, nghĩ ra biện pháp để khống chế, tất cả phải nghe theo lệnh của họ, ý nghĩa chính ngay chỗ này, ý nghĩa chính là như vậy.
“ Bất vi ư pháp, cập lợi ích sự, nhi nhiếp thọ chi”.
Họ nhiếp thọ những chúng sanh này, không phải chân thật dạy họ Phật pháp, không phải chân thật dạy họ giác ngộ, dạy họ liễu thoát sanh tử ra khỏi ba cõi, không phải thứ này, họ không nói những thứ này.
“Thị chư pháp sư, tự cầu ẩm thực, y phục ngọa cụ, trá hiện dị tướng”.
Trá là gian trá, câu nói này, trong nhà Phật chúng ta cũng có một câu ngạn ngữ: “Hòa thượng không làm trò, cư sĩ không đến lạy”. Trá hiện tướng lạ chính là làm trò quái, nghĩ ra vô số phương pháp bảo bạn ngày ngày đến lạy, thế nên trong đây cũng bao hàm rất nhiều ý, thậm chí đến hiện tại có rất nhiều đặc biệt cường điệu thần thông cảm ứng. Cảm ứng thần thông chính là dị tướng, những thứ này có lúc cũng có, nhưng quyết định không thể nào tuyên truyền. Đạo tràng này của chúng ta cũng đã từng phát hiện qua, khi mọi người đến chụp hình, chụp có ánh sáng, có tướng lạ, chúng ta đều đem những tấm hình đó xé bỏ hết, nếu để thì không tốt, nếu như mọi người tham dính vào việc lạ này, thì dễ dàng bị ma ám. Cho nên, cho dù họ là Phật cũng tốt, Ma cũng tốt một mực không cần, cái đạo tràng này liền có thể bình an vô sự, có thể bảo hộ chánh pháp.
“Nhập ư vương thành, quốc ấp tụ lạc”.
Vương thành chính là hiện tại gọi là thủ đô, chính phủ trung ương. Quốc ấp là đô thị, thành phố lớn. Tụ lạc chính là thôn trấn, hương thôn, hương trấn.
“Nhi thật bất vi, lợi ích thành thục, ư chư chúng sanh, nhi hành pháp thí, sở dỉ giả hà”.
Họ ở ngay chỗ này, hiện tại gọi là hoằng pháp lợi sanh, thế nhưng mục đích của hoằng pháp lợi sanh hoàn toàn là ở danh vọng lợi dưỡng, không phải chân thật lợi ích thành thục chúng sanh. Lợi ích cùng thành thục có chút sai biệt. Lợi ích là dạy bạn tiếp xúc đến chánh pháp, đem chánh pháp giới thiệu đến cho bạn, đó là lợi ích. Thành thục là giúp cho bạn ngay trong một đời này chân thật vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, chân thật thoát khỏi luân hồi, đó gọi là thành thục. Cho nên không thể vãng sanh, không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, bạn được lợi ích, nhưng không xem là thành thục. Thành thục là lợi ích viên mãn. Như vậy họ hành pháp thí (hiện tại gọi là họ hoằng pháp lợi sanh) là vì cái gì vậy? Ngay chỗ này Phật dùng một câu hỏi, bảo chúng ta chính mình phải phản tỉnh. Phía sau Phật rõ ràng nói với chúng ta, có 15 sự việc Phật không nói. Thực tế mà nói đoạn này là Thế Tôn nêu ra thí dụ để nói cho chúng ta nghe, không chỉ có 15 sự việc đâu. Hy vọng từ nơi những thí dụ này, chúng ta liền có thể thể hội được, có thể tường tận được đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp?
Chúng ta xem kinh văn: “Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn (chữ ngã chỗ này là Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng, Phật không nói như vậy), hữu hy cầu giả, vi pháp thí thanh tịnh. Hà dĩ cố? Nhược tâm hữu hy cầu, tắc pháp vô bình đẳng”,đây là điều thứ nhất. Phật pháp rất dễ dàng bị người mạo dùng giả mạo, yêu ma quỷ quái rất thông minh, trong Phật pháp cái danh từ tốt này, họ đều lấy đi dùng. Một số chúng sanh mê hoặc điên đảo sẽ bị thiệt thòi. Chiêu bài phương pháp rất tốt, rất hào nhoáng, kỳ thật bên trong chẳng phải là như vậy. Cho nên thanh tịnh pháp thí, pháp thí thanh tịnh. Nếu như họ có mong cầu đối với chúng sanh, vậy thì không phải thật, đó là chiêu bài là giả, Phật không có cách nói như vậy. Chư Phật Bồ Tát đối với tất cả pháp, tất cả người, tất cả việc, quyết không có một tí ý niệm mong cầu, phiền phức.
Lần này tôi trở lại, có đồng tu đến nói với tôi, họ muốn in kinh, muốn đến hỏi tôi cái này có thể in hay không, cái kia có thể in hay không? Các vị thích in gì đó thì chính mình tự đi in. Kinh sách của chúng ta đều không có bản quyền. Bạn muốn làm thứ nào thì làm thứ đó, chỉ cần bạn chính mình nghĩ tưởng xem ta làm cái này là đúng, có cái tốt cho xã hội cho chúng sanh, bạn cố gắng mà làm, không nên đến hỏi tôi, tôi sợ phiền phức. Tôi cũng sợ phiền phức, vậy chư Phật Bồ Tát càng sợ phiền phức, có đúng không? Các Ngài làm sao mà quản đến những việc này, cho nên tâm địa thanh tịnh rất là quan trọng.
Thứ hai, “ngã bất thuyết ngôn, tham ô tâm giả, năng thành thục chúng sanh”.
Trong lòng có “tham-sân-si-mạn”, có những thứ phiền não này, câu nói này chính là phiền não chưa đoạn. Chính mình phiền não chưa đoạn, thì bạn làm sao có thể thành thục người khác, làm sao có thể giúp đỡ người khác. “Hà dĩ cố, tự vị thành thục, năng thành thục tha, vô hữu thị xứ”. Vô hữu thị xứ là không có cái đạo lý này.
“Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn, tôn trọng cúng dường, an lạc kỳ thân, tham trước nhiếp thọ, bất tịnh vật giả, vi lợi ích sự”.
Thế nên có rất nhiều đồng tu xuất gia, tại gia muốn tu tích công đức, chỗ này trên kinh Phật nói tích công bồi đức, mọi người xem thấy đều rất hoan hỉ, chúng ta phải nỗ lực mà làm, làm bằng cách nào vậy? Nếu như có những việc này, có những quan niệm này, vậy thì sai rồi, bạn có ham muốn tôn trọng cúng dường hay không? Có ham muốn hưởng thụ hay không? Có ham muốn nhiếp thọ vật bất tịnh hay không? Cái gì gọi là vật bất tịnh? Việc này chính mình phải nên biết, phải tường tận, trong đây bao gồm phạm vi cũng rất rộng, chúng ta nêu ra một thí dụ. Thí dụ bố thí cúng dường, nếu như dùng một thủ đoạn bảo tất cả đại chúng, không phải họ cam tâm tình nguyện cúng dường, mà ép bức họ đến cúng dường thì việc cúng dường này là bất tịnh. Bức bách thế nào vậy? Tìm một số người tương đối gần, trước tiên nói với họ, các người viết cúng dường phải viết số nhiều một chút, người sau xem thấy sẽ rất ngại ngùng, vào lúc đó không thể không cúng dường. Không cúng dường thì thật là mất mặt, kỳ thật họ không cam tâm, không tình nguyện, thế nhưng không thể không làm, đó gọi là bất tịnh chi vật.
Tôi chỉ nêu ra một thí dụ, những sự việc này nhiều vô số kể. Cho nên, người học Phật học được rất khổ cực, áp lực rất nặng. Phật Bồ Tát dạy chúng ta học Phật học được đại tự tại, ngày ngày học được rất hoan hỉ, vậy mà chúng ta xem thấy có rất nhiều người học Phật nhíu mày nhăn mặt, nhiều nhân tố trong đây rất là phức tạp.
Phía sau Phật lại nói: “Hà dĩ cố, vi cầu tự thân, an ẩn phong lạc, nhiếp thọ chúng hội, bất năng linh kỳ, an trụ chánh tín”, không thể khiến cho tất cả chúng sanh an trụ ở trong chánh tín, những tín nguyện đó của họ đều không phải là thật.
Kinh văn, tờ thứ 12, từ hàng thứ hai, đoạn kinh văn này là không phải Thế Tôn Ngài nói, dụng ý của Ngài là phòng ngừa thời kỳ mạt thế, mạt pháp, có một số Bồ Tát ngu si, trên thực tế kinh văn phía sau cũng nói đến, con cháu của Ma vương, vào thời đại này, họ cũng xuất gia, cũng đắp lên Ca Sa, phá hoại Phật pháp. Họ giả mượn danh của Phật pháp, nhưng trên thực tế là đến để phá hoại Phật pháp. Trong số những người này có một số là hữu ý, có một số là vô ý. Vô ý tại vì sao cũng phá hoại Phật pháp? Vì bị ma khống chế. Chính họ tuyệt nhiên không hề biết được làm như vậy là phá hoại Phật pháp, mà cho rằng họ còn tu tích vô lượng công đức, việc này chúng ta phải nên phản tỉnh, phải nên giác ngộ.
Chúng ta xem đoạn thứ tư, “Di Lặc ngã bất thuyết ngôn, kiểu trá chi nhân, trụ A Lan Nhã”, câu này chính là hiện tại gọi là bế quan, ở chòi tranh. Mục đích của bế quan ở chòi tranh là vì sao? Là dùng phương thức này để lừa gạt tín đồ, mọi người vừa xem thấy một người nào đó đã từng bế quan qua, nhất định sẽ rất tốt rồi, cho nên mục đích đó đều là chiêu dụ danh vọng lợi dưỡng, mục đích chính ngay chỗ này. Chính bản thân họ không phải là chân thật tu hành, cũng không phải vì hoằng pháp lợi sanh, đây là người gian trá, những việc này đích thực là có. Nếu như các vị tỉ mỉ mà quán sát thì các vị sẽ không khó phát hiện. Phát hiện rồi cũng không cần nói, chính mình không bị thiệt thòi thì được rồi, người khác thiệt thòi là nhân duyên của họ.
Phía trước Thế Tôn dạy cho chúng ta, ở vào thời đại này tu hành làm thế nào mới không sanh phiền não, mới có thể an ổn giải thoát? Phật dạy cho chúng ta bốn loại phương pháp, lại nói thêm bốn loại phương pháp nữa, tất cả tám loại phương pháp, các vị có thể ghi nhớ hay không? Phải cố gắng mà ghi nhớ. Nếu như không thể nhớ được thì nghe uổng phí rồi, kinh này cũng chỉ là đọc suông. Vô cùng là quan trọng! Ngay câu đầu tiên Phật liền dạy cho chúng ta “bất cầu tha quá”, thế nhưng họ có lỗi lầm hay không trong lòng chúng ta biết rõ ràng, chúng ta tuyệt nhiên không tìm họ gây phiền phức. Khi vừa tiếp xúc thì liền tường tận, không nêu lỗi người, họ chính là phạm giới, tạo tác tội nghiệp cũng không cần chúng ta phải nói ra, tự có nhân quả, tự có báo ứng, không cần chúng ta phải đi làm rối thêm. Trong tám sự việc, hai việc thứ nhất vô cùng là quan trọng, cho nên chúng ta cần phải biết.
“Bạc phước đức giả, nhi vi thiểu dục”. Họ chính mình rêu rao thiểu dục, làm bộ tri túc, tại vì sao vậy? Họ không có phước báo, không có phước báo thì làm sao có thể nói là thiểu dục chứ? Khi không có phước báo họ rêu rao thiểu dục. Thiểu dục là hành pháp rất cao siêu trong Phật pháp, bị họ giả mạo dùng.
“Tham thắng vị giả, danh dịch mãn túc”. Thắng là thù thắng, vị ở đây chính là năm dục sáu trần, ham thích hưởng thụ năm dục sáu trần.
“Mỹ kỳ danh vi dịch mãn túc”, dịch mãn túc cũng chính là ý nghĩa tri túc, họ tri túc.
“Đa cầu mỹ thiện, dĩ vi khất thực”. Việc này năm xưa khi Thế Tôn còn tại thế, phương thức đời sống của người xuất gia là khất thực. Họ đi khất thực đến chỗ nào? Chuyên môn đến khất thực nhà giàu có, ham thích vị ngon; nhà nghèo khổ thì không đến khất thực, tại vì sao vậy? Đồ cúng dường không được tốt, cơm thức ăn sẽ không ngon, đây gọi là khất thực. Các vị từ ý này mà dẫn khởi ra, phàm hễ ham thích danh vọng lợi dưỡng thì không phải là người xuất gia, kỳ thật đây lại là người xuất gia, cho nên dẫn ra ý nghĩa này. Ham thích hưởng thụ danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, câu này chính là không thể nào thành người xuất gia.
“Di Lặc ngã bất thuyết ngôn, khất cầu chủng chủng thượng diệu y phục vị như thị trì phẩn tảo y”. Phẩn tảo y là Thế Tôn dạy cho các đệ tử, dụng ý của Ngài là dạy cho người xuất gia mỗi giờ mỗi phúc phải nhắc nhở chính mình thế gian này rất khổ, luân hồi càng đáng sợ, cho nên đời sống đơn giản, y áo đều rất thô. Vào thời xưa, kỹ thuật chưa phát triển, một bộ y phục là rất khó có được, không như hiện tại dễ dàng có được, quần áo của người xuất gia đều là nhặt những quần áo cũ rách của người tại gia, đồ cũ ném bỏ đi, không cần nữa, nhặt nó mang về. Khi nhặt nó, xem trong quần áo này còn có bộ phận nào còn có thể dùng được thì cắt nó ra, sau đó lấy từng miếng từng miếng ráp lại, đó gọi là Ca Sa. Ca Sa là do như vậy kết lại mà thành, đây gọi là phẩn tảo y, kết nối lại đều là vải cũ nên màu sắc, chất liệu đều không như nhau. Phật dạy màu nhuộm, nhuộm thành màu xám, nhuộm thành màu cafe, đó gọi là phẩn tảo y. Cái này người thế gian sẽ không mặc, mặc y phục này mỗi giờ, mỗi phúc cảnh tỉnh chính mình, quyết không ham muốn hưởng thụ.
Ngày nay, chúng ta chế tác chiếc Ca Sa này, lấy cả một miếng vải lớn, đem nó cắt ra, rồi lại may nó lại, đó không phải là ý của Phật rồi. Chúng ta nghĩ đến giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật, nghĩ tưởng xem năm xưa đời sống của Thế Tôn cùng tăng đoàn, Thế Tôn khổ tâm giáo huấn cũng chẳng ngoài là dạy chúng ta ở mọi lúc, mọi nơi có tâm đề cao cảnh giác, quyết không thể bị năm dục sáu trần thế gian làm mê hoặc.
Cho nên Phật quyết không nói, cầu xin nhiều thứ y phục tốt đẹp mặc ở trên thân, cũng giống như phẩn tảo y, Phật không hề nói lời nói này. Thế nhưng phục trang của người xuất gia hiện tại cũng phải tương đối khảo nghiệm, chất liệu đều là chọn thứ tốt nhất. Loại phương thức đời sống này rất dễ dàng tăng thêm lòng tham, khiến cho bạn lưu luyến đối với thế gian này, không muốn lìa bỏ. Vậy bạn niệm Phật cầu vãng sanh, đến lúc Phật A Di Đà đến tiếp dẫn bạn, bạn nghĩ lại bạn vẫn còn rất nhiều thứ đồ tốt, vẫn không thể xả bỏ được, vậy thì phiền phức rồi. Những thứ đó không thể mang đi, cho nên thông thường thì phải xả bỏ.
Thứ sáu, “Di Lặc ngả bất thuyết ngôn tại gia xuất gia vô thức tri giả vi ly hội náo”. Không luận là Bồ Tát tại gia hoặc là Bồ Tát xuất gia, danh tiếng của bạn không cao, không có người biết bạn, không có người quen bạn, đó là bạn rêu rao bạn là lìa xa hội náo. Bạn xem những danh từ hay đều đã bị họ lạm dụng hết.
“Di Lặc ngã bất thuyết ngôn siểm khúc chi nhân trực Phật hưng thế”. Trong lòng không chánh trực, không thành thật, con người như vậy có gặp được Phật xuất thế hay không? Cho dù Phật xuất thế, họ cũng không gặp được, tại vì sao không gặp được? Họ có chướng ngại, siểm khúc chính là chướng ngại. Loại người nào có thể gặp được Phật? Người chân thành, “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân”, tâm địa bạn chân thành thì cảm ứng tương thông với Phật Bồ Tát, thì họ có thể gặp được. Người có chướng ngại thì quyết định không thể gặp được, không phải Phật không từ bi là do bản thân họ có chướng ngại. Vậy thì những sự việc này vào xã hội hiện tại, trong và ngoài nước chúng ta thường hay nghe thấy, người nào đó là Bồ Tát tái lai, là Phật gì đó tái sanh, chúng ta nghe được rất nhiều. Có rất nhiều người sau khi thân cận cảm thấy chính mình rất là may mắn, vinh hạnh, họ cho rằng thấy được Phật rồi, thấy được Phật sống. Bạn lại tỉ mỉ mà quán sát, họ có chướng ngại thì làm sao có thể thấy được Phật sống, thấy được Bồ Tát vậy? Những người đó nói họ là Phật đến, Bồ Tát đến, nói rồi mà lại không chịu đi, trong lịch sử Trung Quốc có cái thí dụ này, nói ra thân phận thì họ liền đi, vậy đó là thật, nói ra thân phận rồi mà lại không chịu đi, vậy thì thật là kỳ lạ. Cho nên, các vị tường tận những sự việc này rồi thì sẽ không bị họ lừa.
“Cầu tha đoản giả vi như lý tu hành”. Điều này phải ghi nhớ, tại vì sao Phật ở điều thứ nhất phía trước dạy chúng ta “bất cầu tha quá”. Bất cầu tha quá chính là chuyên môn đi tìm việc xấu tốt của người. Con người như vậy họ cho rằng chính mình như lý tu hành, vậy thì sai rồi, Phật không hề có cách nói này.
“Đa tổn hại giả, danh giới uẩn thanh tịnh”, đây chính là trì giới thanh tịnh. Người trì giới thanh tịnh thì làm sao dám làm những việc tổn hại người khác. Phàm hễ giữ tâm tổn hại những chúng sanh khác thì cái giới đó đã bị phá rồi, làm sao có thể nói giới uẩn thanh tịnh chứ?
“Tăng thượng mạn giả, vi đa văn đệ nhất”. Cái gì gọi là tăng thượng mạn? Dùng lời hiện tại mà nói chính là đáng được kiêu ngạo. Họ học rộng nghe nhiều người khác không thể so sánh được với họ, họ liền sanh ra cái tâm ngạo mạn, chính là hiện tại nói đáng được kiêu ngạo. Những lời nói này là người thế gian hiện tại nói, Phật Bồ Tát quyết định không có cách nói này. Chư Phật Bồ Tát không chỉ là thánh nhân của xuất thế gian này, thế gian thánh nhân cũng nói, nếu như chúng ta đọc sách Khổng Tử, đọc sách Mạnh Tử, trong thánh nhân thế pháp cũng nói, học vấn càng cao càng khiên tốn, càng cung kính, làm gì có người học vấn sâu mà ngạo mạn, không hề có cái lý này.
“Di Lặc ngã bất thuyết ngôn hảo bằng đảng giả danh trụ luật nghi”. Bằng đảng chính là hiện tại gọi là bang phái, làm một tổ chức nhỏ trong tăng đoạn, đó là phá hoại luật nghi, tuyệt đối không phải là trụ luật nghi.
“Tâm cống cao giả danh tôn kính pháp sư”. Trên biểu hiện trên lễ tiết đều rất chu đáo, trong lòng cống cao ngã mạn, đây không phải là thật lòng tôn trọng đối với pháp sư.
“Ỷ ngữ khinh lộng, vi thiện thuyết pháp”. Những tâm bệnh vi tế này, nếu bạn tỉ mỉ mà quán sát, bạn đều có thể xem thấy. Ỷ ngữ là lời nói khéo léo, hý lộng chính là thường dùng những lời nói nô đùa trêu chọc, giảng kinh nói pháp làm cho mọi người cười ầm trong giảng đường, “oh, người này biết cách nói chuyện”. Phật không nói là họ khéo nói pháp.
“Dữ tục giao tạp, năng ư tăng chúng, ly chư quá thất”, chỗ này Phật cũng không nói. Ưa thích qua lại với người thế tục, thích kết giao với người thế tục, họ ở trong tăng đoàn có thể không có lỗi lầm thì việc này quá khó, vì sao vậy? Nhiễm trước tập khí của thế tục, chướng ngại đại chúng tu hành thì làm sao có thể nói là xa lìa các lỗi lầm.
“Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn giản thắng phước điền vi thí bất vọng báo”. Thí bất vọng báo, đây là Phật thường dạy bảo chúng ta, như phía trước đã nói, dùng tâm không hy vọng mà hành bố thí. Tâm không hy vọng chính là thí không mong báo đáp. Có một loại người giản thắng phước điền cho rằng cách làm của họ như vậy chính là thí không mong báo đáp, vậy thì sai lầm rồi, đem những danh từ thuật ngữ mà Phật đã nói hiểu sai hết đi ý nghĩa. Cái gì gọi là giản thắng phước điền? “Thắng” chính là hiếu thắng, “giản” chính là ý nghĩa của khinh mạn, giản mạn, sơ mạn. Họ bố thí, tu phước dùng thái độ cống cao ngã mạn, thế nên có thể họ là người rất có tiền, trong tự miếu tùy tiện thí cho một ít, dùng tâm khinh mạn không có chút tâm tôn trọng, không có chút tâm cung kính, làm như vậy mà cho rằng là thí không mong báo đáp, đó là hiểu sai đi ý nghĩa thí không mong báo đáp rồi.
PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ NHẠO KINH (tập 5)
Người giảng: Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Thư Viện Phật Giáo Hoa Tạng
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền, Phật tử Diệu Hương