Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh
Tập 366
Chúng ta tiếp tục xem cổ nhân đặc biệt nhấn mạnh ở chỗ “thức đạt hữu vô” (nhận thức được có và không), phải hiểu rõ, phải thông đạt, đây là nền tảng tín ngưỡng của chúng ta. Chân thật thông đạt hiểu rõ thì đối với việc giải hành của bản thân chúng ta mới có niềm tin vững chắc. Tôi đã gặp qua một số người, dạng người này rất nhiều, hoài nghi chính mình, thật sự có thể thành tựu hay không? Hay nói cách khác, đối với sự tu học của chính mình hoàn toàn không có niềm tin, tuy là hằng ngày vẫn nỗ lực tu học, do không đủ niềm tin, nửa tin nửa ngờ, thậm chí sự lo ngại này càng lúc càng nặng, điều này không những chướng ngại việc vãng sanh, đồng thời cũng chướng ngại bạn giác ngộ, đóng chặt cánh cửa ngộ lại.
Phía sau tham sân si phiền não này là nghi, nghi thì không thể hiểu rõ thông đạt. Cho nên Thế Tôn từ bi vì mọi người mà giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm, vì sao vậy? Chính là vì sự việc này giúp mọi người phá mê sanh tín, chính là vì điều này. Sự hoài nghi không còn nữa thì tín tâm mới có được, “tín là nguồn đạo, là mẹ của tất cả công đức, trưởng dưỡng tất cả thiện căn”, đều từ nơi tín tâm mà có được. Phật pháp và thế gian pháp không phải là hai pháp, trong Phật pháp yêu cầu bạn phải có được tín tâm, pháp thế gian cũng là như vậy. Hai mươi mấy năm về trước, lúc đó tôi đang ở Mỹ, có một lần bị bệnh cảm, các vị đồng tu đưa tôi đi khám bác sĩ, bác sĩ là người Hoa, chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Ông tin là giữa bác sĩ và bệnh nhân là có duyên với nhau, tôi trả lời là đúng như vậy, trong cái duyên này, điều quan trọng nhất là niềm tin, bệnh nhân có niềm tin vào bác sĩ, có niềm tin vào cách điều trị, có niềm tin vào thuốc trị bệnh, vậy thì uống thuốc mới hết bệnh. Nếu người bệnh này không có niềm tin vào bác sĩ, vẫn hoài nghi đối với thuốc điều trị, cũng không có niềm tin vào loại thuốc trị bệnh, cho dù vị bác sĩ này là giỏi bậc nhất, thuốc tốt nhất, người khác uống thì có tác dụng nhưng họ uống thì không có tác dụng. Vị bác sĩ này rất thông minh, nghe lời tôi nói, ông gật đầu tin tưởng, không sai, tín tâm thành tựu được tất cả.
Cho nên trong Đại kinh, Phật nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, rất là tuyệt vời, xác thực là tâm chúng ta nghĩ thiện thì không có một pháp nào bất thiện, tâm nghĩ bất thiện thì không có một pháp nào là thiện. Những người bi quan yếm thế nhìn xem thế sự việc gì ở gian này cũng đều chán ghét, những người lạc quan, hoan hỷ vì chúng sanh phục vụ, nhìn thấy thế gian này cái gì cũng đều tốt đẹp. Hoan hỷ thì tâm từ bi hiện tiền, từ chỗ này chúng ta thật sự thể hội được, cảnh chuyển theo tâm. Cho nên tôi thường hay nói, người tu hành, công phu có đắc lực hay không thì nhìn vào chỗ nào? Là nhìn vào tướng mạo của bạn, nhìn vào thể chất của bạn, vì sao vậy? Tâm nghĩ thì cảnh giới đầu tiên chuyển chính là thân thể của chính mình, thân thể của chúng ta không thể chuyển thì cảnh giới ở bên ngoài bạn làm sao mà chuyển được? Công phu thật sự đắc lực thì tướng mạo sẽ chuyển đổi, thể chất cũng thay đổi, nếu bạn thật sự thông đạt chân tướng sự thật này thì bạn có bị bịnh không? Không có, bịnh từ đâu mà ra? Bịnh là do hoài nghi mà có, từ việc không có niềm tin mà ra, nguyên nhân trực tiếp chính là tham sân si. Tham sân si gọi là tam độc, trong tâm của bạn đã có độc thì không thể khỏe mạnh, thì sẽ bị bên ngoài ảnh hưởng, bởi vì bên ngoài có phong hàn, nói theo hiện nay là do vi khuẩn gây bịnh cho nên bạn rất dễ bị bịnh. Nếu bên trong không có tham sân si, tâm của bạn là chân thành thanh tịnh bình đẳng giác, cho dù có vi khuẩn gì ở bên ngoài thì bạn cũng không bị nhiễm bịnh, bạn sẽ không bị bịnh. Có bị bịnh thì cũng không cần dùng thuốc để trị bịnh, dùng tâm lý trị liệu. Bỏ tham sân si, bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, tăng cường chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác cho bạn là cách trị liệu tốt nhất.
Bạn có thể thật sự thông đạt có và không thì không những là bịnh chẳng có mà sanh tử cũng chẳng có, sanh tử từ đâu mà có? Bản thân mình giống như Phật Bồ-tát, trong mười pháp giới xả thân thọ thân, thật sự là chúng sanh có cảm thì bạn liền có ứng, dùng ứng thân này, dùng công cụ này. Công cụ này, ứng thân này là có, để làm gì? Hiện nay chúng ta nói, vì tất cả chúng sanh khổ nạn mà phục vụ, không vì chính mình, tại sao không vì chính mình? Chính mình chẳng có, chính mình đã giải thoát rồi, nhất định không còn chấp trước phân biệt ngã nhân, chúng sanh, thọ giả nữa. Không còn chấp trước nữa, không chấp trước tức là đã lìa bốn tướng, không phân biệt tức là đã lìa bốn kiến, vì tất cả chúng sanh khổ nạn mà phục vụ, cái gì gọi là chúng sanh khổ nạn? Vẫn chưa buông bỏ phân biệt, vẫn chưa buông bỏ chấp trước, đó chính là chúng sanh khổ nạn. Chưa buông bỏ phân biệt là khổ, chưa buông bỏ chấp trước thì có nạn.
Bản thân tuy là ứng hóa trong mười pháp giới, nhất định không có ý niệm khống chế, đối với người, việc, vật nhất định không có một chút ý niệm khống chế, vì si mê đã đoạn rồi. Không có một chút ý niệm chiếm hữu, vì san tham đã đoạn rồi. Không có một chút ý niệm đối lập, vì sân giận đã đoạn rồi. Ba độc phiền não đã đoạn rồi, vậy đó là ai vậy? Ít ra cũng là A-la-hán, hay nói cách khác, bạn không còn nghiệp nhân của sáu cõi luân hồi nữa, nói cách khác, quả báo là đã ra khỏi mười pháp giới rồi, bạn không phải là Tiểu Thừa, bạn là Đại Thừa. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói Đại Thừa là từ Viên Giáo Thất Tín Vị trở lên, bạn xem Kinh Hoa Nghiêm thì sẽ hiểu, đó là sự thật chứ không phải là giả.
Cho nên phải phát tâm đại từ bi giúp đỡ tất cả chúng sanh, nếu bạn hỏi tại vì sao? Vì bạn đã phát cái nguyện này rồi, tứ hoằng thệ nguyện cho dù bạn có ý hay vô ý mà phát. “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, bất luận là có ý hay vô ý, bạn đã phát cái tâm này thì phải thực hiện cho được. Nếu không thì bạn đã vọng ngữ, trong tánh đức không có vọng ngữ, trong tánh đức không có dối gạt. Do vậy mới biết, bốn cái nguyện này là tánh đức, sau khi kiến tánh thì tự nhiên nó sẽ lưu lộ ra, trong Phật pháp gọi là “pháp nhĩ như thị”, nó vốn là như vậy.
Thực tế mà nói, tứ nguyện chính là một nguyện, là nguyện nào vậy? Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, cái nguyện này, dùng lời hiện nay mà nói, vì chúng sanh mà phục vụ vô điều kiện. Vì chúng sanh mà phục vụ thì có rất nhiều hạng mục, vô lượng vô biên. Tám mươi bốn ngàn pháp môn, trong số các hạng mục này, có một hạng mục quan trọng nhất, điều này không thể không biết, điều quan trọng nhất là gì? Là giúp đỡ chúng sanh nhận thức được cái có và cái không, điều này quan trọng, cũng chính là giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, phá mê khai ngộ, đây chính là điều quan trọng nhất.
Khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, nhìn thấy chúng sanh cần phải giúp đỡ, không cần mọi người mở lời mà Ngài tự động đi giúp. Nhìn thấy cụ già gánh hàng quá vất vả, Phật liền đến giúp đỡ cụ già, gánh thay cho cụ một đọan đường. Nhìn thấy đứa trẻ té ngã, Phật liền đến đỡ đứa bé dậy, nhìn thấy cụ già ngồi xỏ kim, xỏ rất lâu vẫn chưa được, vì bị hoa mắt, người xưa không có mắt kính, Phật liền đến xỏ kim giúp cụ già. Ở đây chỉ là nêu lên những việc nhỏ bình thường, Phật nhìn thấy không có việc gì mà không giúp đỡ, trong lúc đi đường, trên đường có hòn đá, sợ trúng vào chân người khác, nhất định là Ngài dời hòn đá này vào lề đường. Từ những chỗ này bạn hãy nghĩ xem, hằng ngày Thế Tôn giảng kinh, lên lớp, dạy học, đó chính là làm công việc lớn hàng đầu, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, mọi lúc mọi nơi đều giải đáp thắc mắc cho tất cả chúng sanh. Mọi người có điều thắc mắc đều xin Phật chỉ dạy, bất cứ lúc nào Phật cũng giải đáp cho họ. Trong sự giúp đỡ cho chúng sanh thì việc làm này là quan trọng nhất. Ngoài việc làm này ra thì đoạn phiền não, học pháp môn là làm ra tấm gương để mọi người xem, đây là khuyến học. Khuyên mọi người mà họ không tin thì bản thân mình phải thật sự làm được, để cho mọi người nhìn thấy, nghe thấy, tiếp xúc được, đều được Phật cảm hóa. Từ giãi đãi lười biếng liền hồi đầu, chăm chỉ siêng năng học tập.
Phiền não tập khí thì Phật Bồ-tát đã đoạn hết rồi, nhưng vẫn phải giả vờ đoạn phiền não, các Ngài đang diễn kịch, vân du ở thế gian, việc làm nào cũng đều là giáo hóa chúng sanh. Bản thân thì nghiêm khắc giữ gìn giới luật, khuyên mọi người giữ giới, vì sao vậy? Là để nhiếp thọ tâm tán loạn, tâm tán loạn thì bạn không thể được định, không thể được thanh tịnh, tâm thanh tịnh mới sanh trí huệ. Phật làm tấm gương cho chúng ta xem, cả một đời làm tròn giới định huệ tam học, điều này thật hiếm có.
Cuối cùng là Phật dạy cho chúng ta niệm Phật cầu sanh Thế giới Cực Lạc, đây là việc gì vậy? Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Chúng ta ở thế gian này mạng sống ngắn ngủi, tập khí phiền não quá nặng, đoạn không hết, học thuật thế xuất thế gian quá nhiều, trong một đời học không xuể, cho nên khuyên dạy chúng ta nên đến Thế giới Cực Lạc. Sanh đến Thế giới Cực Lạc, thọ mạng báo thân của chúng ta có được lâu dài, vô lượng thọ. Có thọ mạng vô lượng lâu dài thì phiền não có thể đoạn hết, pháp môn có thể thành tựu viên mãn. Cuối cùng có một sự việc là bạn không ngờ được, bạn thành Phật rồi, bạn đạt được Phật quả cứu cánh viên mãn, tứ hoằng thệ nguyện liền viên mãn. Do vậy mới biết, dùng lời Phật mà nói độ chúng sanh, nếu không thể giúp chúng sanh vãng sanh Thế giới Cực Lạc thì cái nguyện này chưa viên mãn. Bạn chân thật giúp đỡ chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ thì nguyện này mới viên mãn.
Phải làm thế nào để giúp đỡ chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ? Trước tiên bản thân mình phải vãng sanh Tịnh Độ, chính mình không thể vãng sanh thì làm sao nói người khác tin được chứ? Cho nên chính mình phải làm tấm gương cho mọi người xem, điều này rất quan trọng. Hiện nay căn tánh chúng sanh thực tế mà nói, người trung và hạ căn thì nhiều, quá nhiều quá nhiều, trong tam chuyển pháp luân cần phải xem trọng tác chứng chuyển. Khoa học ngày nay nói chứng cứ thì bạn đem chứng cứ ra, bạn không đem chứng cứ ra thì người ta không tin.
Trước đây mấy ngày, là ngày đầu của tháng này, ở Khánh Vân, Sơn Đông Trung Quốc có sự việc bị hồn ma nhập, chuyện này rất xôn xao, hình như là trong bốn ngày hồn ma nhập bảy lần. Không phải người ta giả bộ làm chuyện đó, có rất nhiều người nhìn thấy, lúc đó mọi người cảm thấy đó là sự thật chứ không phải giả. Bản báo cáo này chúng tôi mới nhận được hai hôm nay, sau khi nhận được, xác thực là giống như lời quỷ thần đã nói, chúng tôi cho in bản báo cáo này ra, để cho đồng tu chúng ta tham khảo, làm tư liệu tham khảo nội bộ, không phát hành ra bên ngoài. Cho chúng ta sự cảnh giác tốt vô cùng, nhất định là phải nghiêm chỉnh nỗ lực học tập, trong đời này nhất định phải làm một người tốt, người tốt thì có quả báo tốt. Nhất định phải tu hành y theo lời dạy, thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Sau khi bạn xem bản báo cáo này thì sẽ hiểu rõ, sự việc này quan trọng. Trong một, hai ngày nữa chúng tôi sẽ in xong bản báo cáo, sau đó sẽ cúng dường cho đại chúng, đây là giáo dục nhân quả thuộc bốn loại giáo dục mà chúng tôi thường nói. Đại sư Ấn Quang một đời cực lực đề xướng giáo dục nhân quả, không phải là không có đạo lý. Hiện nay giảng kinh nghiên cứu giáo lý đều rất khó khơi gợi tín tâm, sự thật như vậy. Nếu chính mắt bạn nhìn thấy, chính tai nghe thấy thì bạn không thể không tin, niềm tin rất dễ sanh khởi.
Trong bộ kinh này, đoạn kinh văn “Tam Bối Vãng Sanh” cùng với đoạn phía sau “Vãng Sanh Chánh Nhân” là đoạn quan trọng nhất trong bộ kinh này. Chúng ta tu Tịnh Độ mục đích chính là việc vãng sanh, cách tu như thế nào đều nằm ở trong đây. Bạn xem khi nói đến “phát Bồ-đề tâm nhất hướng chuyên niệm”, Tổ sư Đại đức từ xưa đến nay nói “phát Bồ-đề tâm” nhiều như vậy, hiện nay chúng ta biết được vì sao không phát được Bồ-đề tâm? Vì chúng ta không biết có và không, nói một cách hời hợt, cuối cùng là nhân quả có hay là không? Bạn xem khi chúng tôi nói đến đoạn kinh văn này thì có một sự trợ duyên tốt như vậy, cái tin tức này truyền đến cho tôi, nhân quả thật sự có, lục đạo thật sự có, luân hồi thật sự có, bạn có tin hay không? Nếu bạn tin thì những chuyện này đều nằm ngay trước mắt của bạn, mỗi ngày bạn đều nhìn thấy, nhìn thấy thì như thế nào? Không giác ngộ, tại sao không giác ngộ? Vì đã mê mất tự tánh.
Chữ “thức đạt” phía trước có nói, “thức đạt tự tánh thanh tịnh tâm” (hiểu rõ tâm thanh tịnh của tự tánh). Cổ nhân đối với hai chữ “thức đạt” còn có một cách giải thích, giải thích rất hoàn hảo “thức tâm đạt bổn”. Cách giải thích này rất hay, thức là gì? Là thức tâm (hiểu được tâm). Đạt là gì? Đạt bổn (hiểu rõ bổn tánh). Cách giải thích này có sự chú trọng, tâm là A-lại-da, bổn là chân như bổn tánh. Tâm tánh trong kinh điển Đại Thừa có lúc là một ý nghĩa, có lúc lại phân ra làm hai ý nghĩa. Tánh là nói chân tâm, tâm là nói vọng tâm. Bản tánh mê rồi thì gọi là tâm, trong Pháp Tướng gọi tâm là tám tâm vương. A-lại-da, mạt-na, ý thức khởi tác dụng, biểu hiện ở bên ngoài là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là thức. Tám thức, tám cái tâm khởi tác dụng, tác dụng của tâm gọi là tâm sở. Tâm sở có tất cả 51 loại. Tám cái tâm này, mỗi cái khởi tác dụng có bao nhiêu tâm sở khác nhau? A-lại-da là ít nhất, nó có 5 tâm sở. Ý thức thứ sáu là viên mãn nhất, nó có 51 tâm sở, nó có đầy đủ.
Đây là thức tâm, nhận thức được tâm mà chưa rõ bổn tánh là chưa có kiến tánh, chưa có thể chuyển thức thành trí, chuyển thức thành trí chính là đạt bổn. Tướng Tông gọi là chuyển thức thành trí, Tánh Tông thì gọi là minh tâm kiến tánh, cách nói thì không như nhau nhưng cảnh giới và ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Cho nên hoàn toàn hiểu được chân tâm của chính mình là thanh tịnh, chân tâm là bình đẳng, chân tâm là chân thành. Bồ-đề tâm là gì? Là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi đều là bạn. Trong chân tâm vốn có đầy đủ, không phải có từ bên ngoài.
Trái ngược với chân tâm chính là thức tâm, là vọng tâm, là giả tạo. Trái ngược với chân thật là giả tạo, trái ngược với thanh tịnh là nhiễm ô, chúng tôi thường hay nói là tự tư tự lợi, tham sân si mạn là nhiễm ô. Trái ngược với bình đẳng là ngạo mạn, cống cao ngã mạn, bất bình, người khác không bằng ta, ta mạnh hơn người khác, đây là ngạo mạn. Trái ngược với chánh giác là ngu si, trái ngược với từ bi là tự tư tự lợi. Quí vị phải hiểu những điều trái ngược là không có, có những điều trái ngược là sau khi mê, Bồ-đề tâm bị biến dạng thành những thứ này, thật sự là không bị mất đi. Những giả tướng biến dạng này không phải là thật, một ngày nào đó khi đã giác ngộ thì những thứ giả này không còn nữa, những điều hiển lộ ra toàn bộ là thật. Từ chỗ này bạn mới hiểu được, vì sao chư Phật, Bồ-tát, Tổ sư Đại đức giáo hóa chúng sanh, đều chú trọng việc giác ngộ. Chỉ cần bạn giác ngộ thì tất cả lỗi lầm phiền não, tội nghiệp đều không còn nữa.
Trong kinh cũng có thí dụ, tội chướng giống như bóng tối, thắp ngọn đèn lên thì có ánh sáng, bóng tối không còn nữa. Ánh sáng tiêu biểu cho giác, chỉ cần giác thì tất cả những thứ đó không còn nữa. Bạn xem trong Chứng Đạo Ca, “giác ngộ rồi thì cả đại thiên cũng không còn”. Đại thiên chính là sáu cõi luân hồi, sau khi giác ngộ thì sáu cõi luân hồi không còn nữa. Nhưng quý vị phải biết đối với bản thân mình là không còn nữa, nhưng đối với những người chưa giác ngộ thì vẫn còn. Lúc này thì chúng ta biết cái gì là thật cái gì là giả, đối với những người chưa giác ngộ thì nên giúp đỡ họ. Chúng sanh có cảm thì Bồ-tát có ứng, điều này là gọi đại từ đại bi, lúc ứng hóa thì thật sự như người hiện nay gọi là vô tư cống hiến. Tại sao họ có thể làm được vô tư cống hiến? Chẳng có gì khác là họ đã giác ngộ rồi, là đạo lý này. Thức tâm của họ đã đạt bổn rồi, cho nên họ làm được vô tư cống hiến một cách tự nhiên. Vẫn còn một chút tâm riêng tư xen vào trong đó thì thức tâm của họ chưa đạt bổn, hay nói cách khác là họ vẫn còn tạo nghiệp. Trong việc tạo nghiệp này thì có thiện nghiệp và ác nghiệp, nếu là thiện nghiệp thì quả báo là cõi trời và cõi người, nếu tạo ác nghiệp thì quả báo ở trong ba đường ác. Vì vậy thức tâm chưa đạt bổn thì không ra khỏi tam giới, không ra khỏi luân hồi.
Trong Thiền tông gọi đạt bổn là “minh tâm kiến tánh”, trong Giáo hạ thì gọi là “đại khai viên giải”, trong Tịnh độ thì gọi là “lý nhất tâm bất loạn”. Danh từ thì khác nhau nhưng ý nghĩa cảnh giới thì hoàn toàn giống nhau. Nhận thức tâm không khó, nhưng đạt bổn thì không dễ. Phải nỗ lực, tuy là không dễ nhưng phải nỗ lực, nỗ lực vẫn cần điều gì? Thật sự vẫn cần có sự trợ duyên, có sự trợ duyên thì vẫn cần bản thân mình có thể tiếp nhận, như vậy mới có thể làm được, nếu không thì không dễ dàng làm được, vì sao vậy? Vì tập khí từ vô thủy kiếp đến nay quá nặng, cho nên phải chịu đựng sự tôi luyện, ta đồng ý chịu sự tôi luyện. Từ nhỏ cha mẹ đã dạy sống chung mọi người đều phải biết nhường nhịn, việc này đã được dạy dỗ từ nhỏ, sau này chấp nhận sự tôi luyện, là do học được từ trong Thiền Lâm Bảo Huấn.
Lúc tôi mới xuất gia, chùa Thiền Lâm ở miền quê Gia Nghĩa mời tôi đến giảng kinh, mỗi tháng giảng một tuần, tôi vừa nhìn thấy chùa Thiền Lâm, chùa Thiền Lâm có một quyển sách là Thiền Lâm Bảo Huấn, điều này không phải là rất phù hợp sao? Vì vậy ở chùa Thiền Lâm, tôi giảng Thiền Lâm Bảo Huấn, ở chùa Viên Giác ở Nội Hồ thì giảng kinh Viên Giác, giảng kinh trùng với tên chùa xem ra là điều thân thiết. Trong Thiền Lâm Bảo Huấn xem thấy các vị Đại đức từ xưa đến nay làm như thế nào để thành tựu? Là nhẫn nại, sư phụ muốn thành tựu cho một học trò, thường là cố ý gây khó dễ, là để xem học trò có nhẫn được hay không. Gặp nhau nhất định là sắc mặt chẳng dễ coi, lúc mắng, lúc đánh, xem học trò có bỏ đi không. Đánh, mắng mà học trò vẫn không bỏ đi, lần sau cùng là lúc lão Hòa thượng đang rửa chân, sau khi rửa xong, nhìn thấy học trò đi đến, liền lấy chậu nước rửa chân tạt vào người học trò, mà học trò vẫn không bỏ đi. Cuối cùng lão Hòa thượng ra lệnh không cho học trò đến nghe kinh, người đó sẽ không vào được giảng đường. Trong lúc lão Hòa thượng giảng kinh thì người đó ở bên ngoài, ngồi một cách cung kính ở phía dưới của sổ để nghe kinh. Có một hôm lão Hòa thượng truyền pháp, tập hợp đại chúng lại để truyền pháp, truyền người kế vị. Phương trượng trụ trì tuổi của Ngài đã lớn, Ngài về hưu, phải truyền cho người khác, tập họp đại chúng, đại chúng đều đến, vậy truyền cho ai đây? Là người đang ngồi ngoài cửa, đi tìm người đó mời vào, mọi người mới bỗng nhiên đại ngộ. Thật sự muốn thành tựu một người, người đó phải chịu sự tôi luyện, mới biết được lão Hòa thượng từ trước đã có ý, người đó cũng có thể cảm nhận được.
Nhưng trong xã hội hiện nay thì không thể được, hiện nay nếu dùng cách này, mọi người lập tức tố cáo bạn vi phạm nhân quyền, bạn đã phạm pháp. Hiện nay thật khó dạy, tuy là khó dạy nhưng sống trong xã hội hiện nay thật sự chuyện không vừa ý thường là 80-90%, bạn có thể nhẫn chịu được không? Bị người hủy báng là việc không thể tránh khỏi, dạy trong dạy ngoài, bạn bị người ta bắt nạt, bạn bị người ta hủy nhục, bạn bị người ta hãm hại là điều không thể tránh khỏi, bạn có thể nhẫn chịu được không? Có thể xem họ như lão Hòa thượng hay không? Đó là lão sư. Có thể xem họ như cha mẹ hay không? Nếu những người đó vô duyên vô cớ trách mắng bạn, hủy báng bạn, bạn đều xem họ như là cha mẹ, đều xem họ như là lão sư của mình, như vậy là bạn đã thành tựu rồi. Không có oán hận, chỉ có cảm ân, vì sao vậy? Đời này, đời quá khứ chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp rồi, cái nghiệp chướng này làm sao mà tiêu được? Chỉ có cách này mới tiêu trừ được, đây là gì? Quả báo hiện tiền, ác nghiệp của ta tạo, ta phải gánh chịu, thọ nhận quả báo, không có oán hận. Không oán trời, không trách người, nên biết tự mình làm thì tự mình chịu. Nếu đời này không có tạo nghiệp thì do đời trước đã tạo, ác nghiệp của đời trước, đời này ta học Phật, ta tu hành, quả báo hiện tiền, hoan hỷ mà chấp nhận. Tiếp nhận với tâm cảm ân, nhất định phải dùng tâm cảm ân, vì sao vậy? Đối phương hủy báng ta là họ đang tạo nghiệp, tiêu nghiệp chướng cho ta, ta cũng phải giúp họ tiêu nghiệp, ta giúp họ như thế nào? Ta cảm ân họ chính là giúp họ tiêu nghiệp chướng, họ có phải chịu quả báo không? Vẫn phải chịu quả báo nhưng chịu nhẹ hơn.
Đề-bà-đạt-đa hủy báng Thích-ca Mâu-ni Phật, hãm hại Thích-ca Mâu-ni Phật, điều này trong kinh điển có ghi chép, Thích-ca Mâu-ni Phật có oán hận hay không? Không có, Thích-ca Mâu-ni Phật rất là cảm ơn Đề-bà-đạt-đa, cảm ơn điều gì? Thị hiện, làm ra cái cảnh tượng này để cho mọi người xem, để mọi người giác ngộ, giống như đóng kịch vậy. Thích-ca Mâu-ni Phật đóng vai chính, Đề-bà-đạt-đa đóng vai phản diện, như vậy thì có tội hay không? Đương nhiên là có tội, vẫn phải đọa địa ngục, nhưng Phật nói với chúng ta, Đề-bà-đạt-đa ở trong địa ngục, tình hình cuộc sống ở đó chẳng khác gì ở cõi trời Đao-lợi, là do nguyên nhân gì? Thích-ca Mâu-ni Phật không có tâm oán hận, không có tâm báo thù, xem ông ấy như là một tài liệu giảng dạy để giáo hóa chúng sanh, điều này làm cho ông ấy có công đức, cho nên ông ấy có lỗi nhưng ông ấy cũng có công đức. Công đức là Thích-ca Mâu-ni Phật đem việc này làm bài học để giáo hóa chúng sanh, đọa địa ngục là nghiệp báo của ông ấy, tuy ở trong địa ngục nhưng không chịu tội mà vẫn an vui, đó là phước phần của ông ấy. Đạo lý này rất vi diệu, nếu ta có thể nhận thức được, có thể nhìn thấu được thì nên học tập.
Người xưa có câu thành ngữ “nhân giả vô địch”, vô địch tức là không có ai có thể đối kháng nổi nên gọi là vô địch. Giải thích của tôi không giống với mọi người, nhân giả là người nhân từ, họ không có kẻ thù, tất cả đều là bạn, kẻ thù thì như thế nào? Hóa thù thành bạn, hóa kẻ oán thành người thân. Nhân giả trong Phật pháp là sự tôn xưng đối với Bồ-tát, nhân giả chính là Bồ-tát, Bồ-tát đại từ đại bi thì làm sao có oán hận được, làm sao đi hại người khác, đều không có oán hận. Bạn xem, vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể Nhẫn Nhục tiên nhân, nhưng Ngài không có một chút oán hận nào, hơn nữa Ngài còn phát nguyện, tương lai thành Phật, người đầu tiên Ngài độ là vua Ca-lợi. Thích-ca Mâu-ni Phật thành Phật, trước tiên là độ tôn giả Kiều-trần-như, tôn giả Kiều-trần-như chính là vua Ca-lợi ngày xưa, Thích-ca Mâu-ni Phật chính là Nhẫn Nhục tiên nhân. Hai vị này đang giáo dục chúng ta, chúng ta nên học như thế nào thì biết rồi.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 366)
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 109
Hôm nay : 419
Tháng hiện tại : 512409
Tổng lượt truy cập : 61412495
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.