Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 361)

Thứ hai - 15/03/2021 01:14

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 361

Xin chào chư vị đồng tu, chúng ta tiếp tục xem kinh văn phẩm thứ hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sanh”, đoạn thứ nhất, thượng phẩm thượng sanh:

 “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

  Từ đây mà biết, thật sự mong muốn ngay trong đời này, đạt được thành tựu cứu cánh viên mãn thì gia phải xả, phải buông bỏ mọi ham muốn. Chúng ta nhìn xem Thích-ca Mâu-ni Phật đã thị hiện cho chúng ta, Ngài làm tấm gương cho chúng ta, 19 tuổi thì Ngài “xả gia khí dục” để tu đạo, sau khi thành đạo thì hoằng pháp lợi sanh, không trở về nhà nữa. Chúng ta phải từ chỗ này mà suy nghĩ, lại xem Đại Sư Huệ Năng trong Thiền tông, Ngài tiếp xúc với Phật pháp là năm 24 tuổi, là người lợi căn, thật sự là người thượng thượng thừa, tuy là không biết chữ, cũng không có đi học. Năm 24 tuổi thì Ngài rời xa mẹ, cha của Ngài sớm đã lìa đời, hai mẹ con trải qua cuộc sống khó khăn nghèo khổ, nương nhau mà sống. Sau khi nghe được Phật pháp, may mắn gặp được một vị cư sĩ tốt bụng phát tâm thay Ngài chăm sóc mẹ già, để Ngài không còn lo lắng mà đến Hoàng Mai học đạo. Trong Đàn Kinh, chúng ta nhìn thấy, Ngài ở Hoàng Mai được tám tháng, sau khi Ngài được Ngũ Tổ truyền y bát liền trốn về phương Nam ẩn cư trong đám thợ săn hết 16 năm, không trở về nhà.

Điều khó xả nhất của người thế gian là tình thân, nếu bạn không xả được thì bạn sẽ không ra khỏi sáu cõi luân hồi, bạn không thể có được sự thành tựu. Cho nên nhà Phật nói hiếu dưỡng cha mẹ, không giống với pháp của thế gian. Có nhiều vị đồng tu, tôi tin là đã nghe qua câu “Nhất tử thành Phật, cửu tổ thăng thiên”, bạn nói xem đây có phải là hiếu thuận hay không? Hiếu dưỡng của thế gian làm sao có thể sánh được chứ? Một người tu hành được thành tựu rồi thì cửu huyền thất tổ đều được sanh lên trời hưởng phước, đây là nói hiếu dưỡng cha mẹ đến chỗ cùng cực. Bạn rời xa gia đình để đi học đạo, cha mẹ bạn có ai chăm sóc hay không? Bạn thử nghĩ xem, chư Phật Bồ-tát, hộ pháp thiện thần nếu họ không chăm sóc, vậy thì còn gọi là Phật pháp hay sao, còn gọi là học Phật hay sao? Ngay cả phàm phu chúng ta cũng đều nghĩ đến việc này thì Phật Bồ-tát đâu có đạo lí nào không chăm sóc chứ?

Ở Lô Giang chúng tôi đã xây một trung tâm, hy vọng đào tạo vài giáo viên giỏi, điều kiện đầu tiên chúng tôi thu nhận học viên là 10 năm không được rời khỏi trung tâm. Trong những ngày lễ của 10 năm này hoặc gia đình có việc gì quan trọng đều cũng không được về, đây là điều kiện đầu tiên. Thật sự là giống như một tu viện vậy, tuy là bạn không thể về nhà nhưng chúng tôi cũng đã nghĩ đến, cha mẹ thân nhân quyến thuộc của bạn có thể đến trung tâm để thăm bạn, chúng tôi tiếp đãi. Cho nên trung tâm chúng tôi đã mua hai tòa chung cư, hai tòa chung cư hợp lại cũng được ba mươi mấy căn hộ, mỗi căn hộ có ba phòng ngủ và một phòng khách, nhà theo kiểu chung cư dùng để làm gì? Chuyên dùng để tiếp thân nhân của học viên. Điều này phàm phu chúng ta còn biết nghĩ đến thì Phật Bồ-tát đâu có lí nào mà không nghĩ đến đạo lý này? Con cái của bạn xuất gia tu hành thật sự được thành tựu, cha mẹ của họ nếu chịu đói, chịu lạnh thì sau này ai dám xuất gia nữa chứ? Như vậy thì ngay đến Phật Bồ-tát cũng không sánh bằng phàm phu chúng ta, đâu có đạo lý này! Xả gia li dục là điều kiện đầu tiên để tu hành chứng quả. Người thế gian gọi là gánh nặng gia đình, đây là sự phiền toái, sự phiền toái này sẽ khiến cho bạn đời đời kiếp kiếp không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi.

Bạn xem câu thứ nhất trong Tam Bối Vãng Sanh, Phật vì chúng ta mà nói ra điều căn bản này, phần trước chúng ta cũng đã nhiều lần thảo luận khá tường tận. Sau khi xả gia lìa dục thì then chốt của sự thành bại là ở việc “phát Bồ-đề tâm”. Bồ-đề tâm chính là chân tâm của chính mình, là bản tánh của chính mình, vì sao phải thêm chữ “phát” vậy? Bởi vì chúng ta đã mê mất chân tâm, mê mất bản tánh rồi. Bồ-đề là tiếng Phạn, là ngôn ngữ của Ấn Độ xưa, dịch ra có nghĩa là giác ngộ. Cho nên Bồ-đề tâm nếu dùng tiếng Hoa mà nói thì đó là giác tâm, là giác tri, cổ Đại đức lại thêm hai chữ cho giác tri là “linh minh giác tri”. Linh minh giác tri là chân tâm, chính là Bồ-đề tâm, tất cả chúng sanh cùng với chư Phật Như Lai đều có cái tâm này, không ai mà không có.

Vọng tâm của bạn do đâu mà có? Do Bồ-đề tâm đã mê rồi thì biến thành vọng tâm, vì vậy quý vị nên biết vọng tâm và chân tâm chỉ là một tâm. Vọng tâm mà không có vậy thì chân tâm cũng sẽ không còn, mà chân tâm không có sanh diệt, không có đến đi, nói nó lớn thì nó trùm khắp pháp giới hư không giới, nói nó cứu cánh thì nó là “cứu cực chân tế, cùng tận pháp nguyên” (tột cùng chân thật, tận cùng nguồn pháp), là mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Không những mười pháp giới mà Nhất Chân pháp giới cũng đã bao gồm ở trong đó, nó từ đâu mà ra? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói với chúng ta là “duy tâm sở hiện”, cái tâm này chính là Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm là năng hiện, tại sao lại biến thành mười pháp giới, biến thành lục đạo, biến thành tam đồ? Là do “duy thức sở biến”, tâm tánh là chân tâm, duy thức là vọng tâm, vọng tâm năng biến, chân tâm năng hiện, năng hiện và năng biến là một không phải hai, điều này phải biết cho rõ ràng.

Chân tâm ví như nước, vọng tâm ví như sóng, sóng thì có lớn nhỏ khác nhau, nước thì không khác nhau. Chúng ta đem chân tâm ví như là nước năng hiện cảnh giới, còn vọng tâm, mười pháp giới y chánh trang nghiêm thì giống như sóng, sóng thì có lớn nhỏ khác nhau. Sóng lớn là lục đạo, sóng càng lớn hơn là ba đường ác, sóng yên gió lặng thì đó là tứ thánh pháp giới, tuy là nói sóng yên gió lặng nhưng vẫn có sóng nhỏ, nếu hoàn toàn không có sóng thì đây là chân tâm. Cái gì gọi là sở hiện? Cái gì gọi là hiện? Cái gì gọi là biến? Quý vị có thể hiểu được từ thí dụ này.

Tận hư không khắp pháp giới là tâm hiện thức biến. Từ tâm, tâm năng hiện chính là Bồ-đề tâm, thức năng biến chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước, nếu bạn có đủ vọng tưởng phân biệt chấp trước, vậy thì giống như gió to sóng lớn. Không có chấp trước, mà có phân biệt, có vọng tưởng thì đây là sóng gió ở mức độ trung bình. Nếu không có phân biệt mà chỉ có khởi tâm động niệm thì chúng ta gọi đây là sóng nhỏ, nếu sóng nhỏ cũng không có vậy đó là quả Phật cứu cánh. Điều này nói rõ Bồ-tát Đẳng Giác vẫn còn một chút sóng rất vi tế, sự vi tế của làn sóng này vi tế đến nỗi chúng ta không có cách nào phát hiện ra, nó thật có nhưng chúng ta không nhìn ra được. Hiện nay nếu dùng loại máy móc chuẩn xác nhất thì có thể đo lường được. Nhất Chân pháp giới thì sóng yên gió lặng, ngay cả sóng nhỏ cũng không có.

Chúng tôi đem mười pháp giới để thí dụ thì mọi người sẽ dễ hiểu. Tứ thánh pháp giới là sóng nhỏ, tam thiện đạo là sóng trung bình, tam ác đạo là sóng lớn, dùng cái thí dụ này thì quí vị sẽ dễ hiểu. Thập pháp giới là duy thức sở biến, chính là do vọng tưởng phân biệt chấp trước biến hiện ra. Trong tứ thánh pháp giới có vọng tưởng phân biệt nhưng không có chấp trước, trong lục đạo thì có đủ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Trong lục đạo càng hướng lên trên thì càng nhẹ, càng hướng xuống dưới thì càng nghiêm trọng, nghiêm trọng đến cực độ chính là cõi địa ngục, vọng tưởng phân biệt chấp trước rất nặng, chúng sanh trong cõi địa ngục rất khổ, thật sự gọi là một ngày trôi qua bằng một năm. Chúng sanh trong cõi địa ngục có khi cũng có duyên thổ lộ tin tức với chúng ta, họ vô cùng khổ sở, trăm ngàn năm trước đã tạo tội nghiệp đọa xuống địa ngục mà họ cảm nhận như là vô lượng kiếp.

Hiện nay khoa học kỹ thuật đã tiến bộ, chúng ta biết được rất nhiều sự việc, giống như hiện nay nói thời gian khác nhau, thực tại mà nói có thời gian hay không? Không có thời gian, chẳng những thời gian không có mà không gian cũng không có, thời gian và không gian đều là từ trong vọng tưởng phân biệt chấp trước biến hiện ra, lìa khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước thì thời gian và không gian đều không còn. Bởi vì có thời gian nên có sự sai khác về thời gian, con người trong lúc vui thì cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh, con người trong lúc đau khổ thì cảm thấy thời gian trôi qua rất chậm, thời gian có nhanh chậm hay không? Không có, do sự cảm nhận khác nhau. Trong nhân gian mấy ngàn năm, mấy trăm năm nhưng trong địa ngục thì thấy như là mấy ngàn kiếp, mấy vạn kiếp, điều này chúng ta có thể lí giải được, cũng có thể tin sâu không nghi.

Trong Bồ-đề tâm không có thời gian, không có không gian, cho nên quá khứ hiện tại vị lai đều ở ngay trước mặt. Thế giới Tây Phương Cực Lạc cách xa nơi này của chúng ta mười vạn ức cõi nước Phật, nếu bạn đã thấy tánh rồi thì Thế giới Cực Lạc ở nơi đâu? Thế giới Cực Lạc ở ngay chỗ này, vì không có không gian nên cũng không có xa gần, không có thời gian nên không có trước sau, nên quá khứ hiện tại vị lai cũng đều không có, đây là nói Bồ-đề tâm.

Cái gì là Bồ-đề tâm? Rất khó nói, có nói như thế nào cũng không nói được trọn vẹn, phải từ mọi phương diện mà nói, hay nói cách khác, tận hư không khắp pháp giới chính là Bồ-đề tâm. Tất cả cảnh giới là tâm hiện, vừa nghe qua thì chúng ta không thể hiểu, tôi tin là các đồng tu đều đã có kinh ngiệm nằm mộng, sau khi tỉnh dậy thì hãy nghĩ xem, lúc nằm mộng thì cái tâm của bạn ở đâu? Toàn bộ giấc mộng đều là do tâm biến hiện ra, chính là tâm hiện thức biến thì bạn sẽ hiểu được. Cho nên trong kinh Phật có nói rất nhiều thí dụ, nói đến nằm mộng là nhiều nhất. Bài kệ cuối cùng trong Kinh Kim Cang, Phật nói “tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”, tuy là nói bốn thí dụ, mộng là cái đầu tiên, nó là chủ, huyễn bọt bóng chỉ là làm nền cho giấc mộng. Trong Chứng Đạo Ca, Đại sư Vĩnh Gia có nói, “trong mộng rõ ràng có sáu cõi, giác ngộ rồi thì cả đại thiên cũng không còn”. Đại thiên chính là sáu cõi luân hồi, chính là nói sáu cõi luân hồi là cảnh giới trong mộng, không phải thật. Những chân tướng sự thật này nếu bạn nhìn xuyên suốt, nhìn rõ ràng rồi thì gọi là nhìn thấu, nhìn thấu thì bạn mới có thể buông xả được. Tại sao hiện tại bạn không buông bỏ được? Vì bạn chưa nhìn thấu, hay nói cách khác là bạn chưa hiểu rõ chân tướng sự thật, đến khi nào tất cả chân tướng sự thật bạn đều hiểu rõ ràng, thông suốt rồi thì tự nhiên bạn sẽ buông bỏ, không cần người khác khuyên bạn. Vì sao vậy? Vì nó là giả không phải thật. Trong sáu cõi, mười pháp giới cái gì bạn cũng chẳng có được, vậy bạn không thể buông bỏ được hay sao? Buông bỏ thì được đại tự tại, buông bỏ thì giác ngộ, buông bỏ thì chứng quả. Thân bằng quyến thuộc bạn buông bỏ thì mới có thể chăm lo, mới có thể giúp đỡ họ được, bạn không buông xả được thì bạn chẳng có cách nào chăm lo cho họ, bạn không có cách nào giúp đỡ họ. Buông bỏ là tự độ, tự độ thì sau đó mới có thể độ người.

Buông bỏ tất cả thì Bồ-đề tâm liền hiện tiền, tại sao vậy? Vì Bồ-đề tâm là không sanh không diệt, Bồ-đề tâm không đến không đi, Bồ-đề tâm không tăng không giảm. Ở nơi phàm phu không giảm đi chút nào, ở nơi Phật Bồ-tát cũng không tăng thêm chút nào, chỉ có giác và mê khác nhau. Phật Bồ-tát thì giác, nên các Ngài dùng được Bồ-đề tâm trong cuộc sống hằng ngày, phàm phu thì mê nên không dùng được trong cuộc sống hằng ngày. Họ dùng là tâm gì? Là dùng tâm vọng tưởng phân biệt chấp trước, đây là vọng tâm, tuy là có chân tâm nhưng họ không biết nên dùng vọng tâm, sai là sai ở chỗ này.

Hiện nay ở thế gian này tai nạn quá nhiều, bởi vì chúng tôi không nghe tin tức, không xem báo chí, rất nhiều sự việc xảy ra chúng tôi không biết, chúng tôi trải qua cuộc sống hằng ngày là thiên hạ thái bình, nhưng thỉnh thoảng cũng có các đồng tu đưa cho chúng tôi xem những tai nạn ở nhiều địa phương được cắt ra từ những tờ báo. Tôi xem xong những bài báo này mới biết được gần đây có xảy ra những sự việc như vậy, mấy hôm trước thì ở Philippines bị lũ lụt, cả một vùng bị nhấn chìm trong nước, khoảng hơn một ngàn người chết, khiến tôi nghĩ đến năm xưa tôi ở Đài Loan, Pháp sư Khai Tâm nói với tôi, hiện nay tai nạn ở thế gian này rất nghiêm trọng, người chết thì chất từng đống từng đống, đây là chuyện của mười mấy năm về trước. Pháp sư đã nói với tôi, tình huống này có thể thay đổi được hay không? Câu trả lời là chắc chắn có thể thay đổi được, cách thay đổi như thế nào? Phải thay đổi từ nơi lòng người.

Điều này chúng ta nhất định phải biết, trong giáo lí Đại thừa, Phật thường nói, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, câu nói này là sự thật, người hiện nay thì gọi là chân lí. Nếu người thế gian chúng ta thảy đều nghĩ thiện thì vấn đề này sẽ được giải quyết. Bạn hãy xem trong Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là tài liệu giảng dạy cơ bản của nhà Phật, vừa vào cửa Phật thì phải học bộ kinh này, học Thập Thiện Nghiệp thì giống như nhà Nho dạy bộ sách đầu tiên là Đệ Tử Quy, là tài liệu giảng dạy cơ bản, phải bắt dầu từ chỗ này mà học. Trong kinh Phật nói rất hay, Phật nói “Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ của thế gian”. Tất cả thế gian là chỉ mười pháp giới, bao gồm địa ngục A-tỳ, Phật Bồ-tát của mười pháp giới vẫn chưa đoạn vô minh, vẫn chưa minh tâm kiến tánh, đó là cái khổ của họ. Cái khổ trong đời này của chúng ta đã chịu là cái khổ nhỏ, chẳng đáng tí, gì thì đâu có đạo lý không đoạn được chứ. Vậy phải đoạn như thế nào? Phật đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch, rất đơn giản, rất tóm tắt, đó chính là “thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không có một chút bất thiện xen tạp” như vậy mới được.

Thiện pháp là gì? Phật đã nêu cho chúng ta mười điều, mười điều là không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không nói hai lời, không nói lời ác, không ỷ ngữ, không tham, không sân, không si. Nếu mọi người trên thế giới này cả thảy đều có thể thường niệm thiện pháp là tâm thiện, tư duy thiện pháp là tư tưởng thiện, quán sát thiện pháp là hành vi thiện, thân khẩu ý ba nghiệp đều thiện thì thiên tai nhân họa gì cũng chẳng có. Thế giới này chính là Thế giới Cực Lạc, thế giới này chính là Thế giới Hoa Tạng, sự thanh tịnh bình đẳng nói trong Phật pháp đã thực hiện được rồi. Đạo lý này không thể không biết, chúng ta đã hiểu rõ rồi thì nhất định phải biết bắt đầu làm từ bản thân mình, không nên yêu cầu người khác, yêu cầu người khác thì khó. Chuyện khó nhất của thế gian là yêu cầu người khó, lên trời khó, quay trở lại tự cầu nơi mình thì không có việc gì mà làm không được.

Trong kinh Phật thường nói tự độ mình rồi sau mới độ người, tự mình làm được thì mới có thể dạy cho người khác, tự mình chưa làm được, mà đi dạy người khác thì người ta có tin bạn không? Bạn dạy người không sát sanh mà chính mình vẫn sát sanh thì chẳng có ai tin bạn, dạy người không trộm cắp mà bản thân mình vẫn trộm cắp thì đâu có được? Vì vậy chúng ta phải nghĩ đến năm xưa Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, giảng kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, tại sao có nhiều người lại tin và làm theo? Ba ngàn năm sau, hôm nay nhắc đến Thích-ca Mâu-ni Phật, vẫn có rất nhiều người tôn kính Ngài đến tận đáy lòng, đây là đạo lí gì? Bạn hãy xem tôn giáo khác như là chúa Giê-su, Ngài Mohammed, ở Trung Quốc thì bạn thấy có Khổng Tử, Mạnh Tử, tại sao vẫn còn hiệu quả tốt như vậy? Chẳng có gì khác, các Ngài đã làm được, các Ngài tự bản thân đã làm được rồi mới khuyên người khác, sự cảm nhận rất sâu. Bản thân mình làm không được mà đi khuyên người khác thì không có kết quả, ngược lại người ta còn mỉa mai bạn nữa, “anh đem những thứ này ra gạt tôi à, nếu thật sự tốt thì tại sao anh không làm đi?” Cho nên bạn phải thật sự thông suốt, thật sự hiểu được, nhất định trước tiên là phải làm được, chân thật đạt được lợi ích thù thắng từ lời giáo huấn của Thánh Hiền, sau đó mới phổ biến dạy cho người khác thì người ta mới tin, vì sao vậy? Vì nhìn thấy bạn đã làm được, nhìn thấy bạn đạt được lợi ích.

Cái lợi ích này trong các buổi giảng tôi thường nói, trong Phật pháp lợi ích công đức thù thắng mà chúng ta đạt được là ở chỗ nào? Là ở trên hình tướng, nơi khuôn mặt của chúng ta, trên thân thể của chúng ta, tư duy của chúng ta, lời nói hành động của chúng ta, hoàn toàn biểu hiện ra không có giấu diếm chút nào, người thông minh vừa nhìn thấy là biết liền. Họ vừa nhìn thấy bạn liền sanh tâm hoan hỷ, họ sẽ phục liền, trong ngạn ngữ thường nói là “đã tin phục”, họ liền học theo bạn, vì sao vậy? Vì có lợi ích, không có lợi ích thì ai theo học với bạn chứ? Có lợi ích, thân tâm khỏe mạnh. Trong kinh, Phật thường nói “phiền não nhẹ, trí huệ tăng”, điều này ai mà chẳng muốn? Trong kinh Phật thường nói trí huệ đức tướng, đức là đạo đức là năng lực, tướng là tướng hảo, người ngày nay gọi là phước báo. Cầu sống lâu, cầu phước báo, cầu thông minh, điều này trên toàn thế giới không phân dân tộc, không phân văn hóa, không phân chủng tộc cũng không phân tín ngưỡng, không ai mà không muốn, có thể cầu được hay không? Được! Bạn hiểu được đạo lí, hiểu được cách thức thì có cầu liền có ứng, bạn không hiểu được đạo lí, không hiểu được cách thức thì không có cách nào, thì không có cảm ứng. Bạn cầu được là do trong mạng của bạn có, hay nói cách khác, trong mạng đã có thì không cầu cũng có. Trong Phật pháp nói có cầu thì có ứng, là nói trong mạng của bạn không có, trong mạng không có mà bạn vẫn cầu được, như vậy mói gọi là thù thắng.

Liễu Phàm Tứ Huấn là một điển hình rõ ràng nhất, trong nhiều đời ở Trung Quốc, người như Viên Liễu Phàm rất là nhiều, không có viết ra hết, nhưng tâm cầu, hạnh nguyện cầu của họ thù thắng hơn chuyện của Viên Liễu Phàm, quả báo đạt được còn thù thắng hơn tiên sinh Viên Liễu Phàm, những người như vậy có rất là nhiều. Điều mà tiên sinh Liễu Phàm đạt được thì không bằng Ngài Du Tịnh Ý. Ngài Du Tịnh Ý thì không viết lại tỉ mỉ cuộc đời từng trải của ông để cung cấp cho người khác làm tham khảo. Ông không có làm việc này, mà do bạn của ông dùng cách thức bút kí viết ra để lưu truyền cho đời sau mà chúng ta đã xem thấy. Hiện nay cũng có một số người thiện tâm, đã đem câu chuyện này quay thành phim tập, tôi đã xem ba bản phim, tôi đều xem qua rất là hoan hỷ, phim không dài, khoảng từ 4 đến 6 tập, rất có ích, tiện lợi lưu thông, mỗi tập khoảng một giờ đồng hồ, làm thành đĩa cũng có thể lưu thông được số lượng lớn.

Trước mắt có một câu chuyện mới xảy ra gần đây, vào đầu tháng này, xảy ra mấy hôm trước, tôi thấy không kém hơn chuyện Du Tịnh Ý gặp Táo Thần, để xem có ai phát tâm đem nó quay thành phim hay không, chuyện người thật việc thật này ở ngay trước mặt. Tam chuyển pháp luân mà nhà Phật nói, thứ nhất là thị chuyển chính là thị hiện, vừa nhìn thấy liền biết thì là người thượng căn; thứ hai là khuyến chuyển, là người trung căn, họ vừa khuyên bạn, nghe xong thấy có lí liền quay đầu; thứ ba là tác chứng chuyển, có khuyên thì bạn cũng không tin, nên đem chuyện quỷ thần trong lục đạo luân hồi bày ra trước mắt của bạn, chính mắt bạn thấy, chính tai bạn nghe thì việc này không thể không tin, đây là tác chứng chuyển. Các nhà khoa học hiện nay gọi là đem bằng chứng ra, chứng cứ này bày ra trước mắt của bạn thì người hạ căn cũng phải tin. Cho nên tôi thường khuyến khích các đồng tu, nên để ý chân tướng sự thật của nhân quả báo ứng trên toàn thế giới, những thứ đã đăng trên các loại tạp chí, được đăng trên các tờ báo là những chuyện gần đây có tính thuyết phục vô cùng. Cũng có không ít những học giả chuyên gia đối với sự việc này vô cùng xem trọng, nghe được những tin tức này thì họ đích thân đi đến nơi điều tra, sau đó thì chép thành bản báo cáo, viết thành sách, việc này thì chúng tôi đã thấy rất nhiều. Nếu tiến thêm một bước thì có thể quay thành phim tập, cho phát trên truyền hình, trên mạng Internet để cho nhiều người xem, khiến cho họ tỉnh ngộ.

Chưa ra khỏi sáu cõi luân hồi, chưa ra khỏi mười pháp giới thì nhân quả báo ứng là sự thật, gọi là “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Thế giới Cực Lạc là Nhất Chân pháp giới, là cõi nước của chư Phật, là pháp giới thù thắng chẳng gì bằng trong Nhất Chân pháp giới, điều này không thể không biết. Có rất nhiều đồng tu rất là quan tâm chuyện này, rất là lo lắng, người thân của họ niệm Phật lúc ra đi, tướng lành hiếm có, nhưng cả ngày từ sáng đến tối họ niệm niệm chẳng quên người thân, người thân của họ sanh đến Thế giới Cực Lạc là sanh vào phẩm vị nào? Họ rất quan tâm, bất luận là bạn lo lắng như thế nào thì bạn cũng không thể nâng cao phẩm vị, cũng không thể hạ thấp phẩm vị của người thân, đây là sự thật. Bạn không biết niệm Phật, ngày ngày cứ quan tâm chuyện này, cứ khởi vọng tưởng, người thân của bạn vãng sanh còn bạn thì đọa lạc, bạn suy nghĩ kỹ lời tôi nói có đúng hay không? Trong tâm người ta thường nhớ A Di Đà Phật, thường niệm A Di Đà Phật, còn bạn thì nghĩ đến người thân của bạn ở phẩm vị nào, cứ khởi vọng tưởng, phân biệt chấp trước quá nghiêm trọng!

Tôi xin nói với quý vị, Thế giới Tây Phương Cực Lạc có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, tình hình tổng thể này cùng với cấp bậc của 41 vị Pháp Thân đại sĩ được nói trong Kinh Hoa Nghiêm, hiện tượng này là giống nhau, vì sao vậy? Dưới Nhất Chân pháp giới là thập pháp giới, trong thập pháp giới có vọng tưởng phân biệt chấp trước, còn trong Nhất Chân pháp giới không những phân biệt chấp trước không có, mà cả vọng tưởng cũng không. Cái gì gọi là vọng tưởng? Là khởi tâm động niệm, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị thì bạn khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm gọi là vô minh, cũng gọi là vọng tưởng. Khởi tâm động niệm có phân biệt hay không? Không có, không có phân biệt cũng không có chấp trước chỉ là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm chính là vọng tưởng, chính là vô minh, không ra khỏi mười pháp giới.

Không có khởi tâm động niệm, các bạn hãy nghĩ xem đó là cảnh giới gì? Phân biệt chấp trước đương nhiên là không có, cũng không có khởi tâm động niệm, cảnh giới này chính là Nhất Chân pháp giới, cảnh giới này chính là Thế giới Cực Lạc. Vì vậy bạn phải nên biết Nhất Chân cùng với Cực Lạc là bình đẳng, trong bình đẳng thì đâu có sai biệt. Mọi người đều không khởi tâm, không động niệm thì làm gì có sai biệt? Chỉ cần khởi tâm động niệm thì liền có sai biệt, thì không còn gọi là Nhất Chân, thì không còn gọi là Cực Lạc. Cho nên trong Nhất Chân và Cực Lạc không có khởi tâm động niệm.

Tại sao lại nói bốn cõi, ba bậc, chín phẩm? Tại sao lại nói 42 cấp bậc? Thực tại mà nói, Phật nói rất rõ ràng nhưng bạn nghe chưa hiểu. Phật nói như thế nào? Vì tập khí vô thủy vô minh chưa đoạn, tập khí vô thủy vô minh có khởi tác dụng hay không? Không khởi tác dụng, tuy không khởi tác dụng nhưng họ có, cũng chính là không có khởi tâm động niệm nhưng cảnh giới của mỗi người đều khác nhau, cần phải đoạn hết tất cả tập khí vô minh, như vậy mới tương đồng. Cho nên Phật Phật đều như nhau, hai chữ Phật Phật này là chỉ cho Phật cứu cánh viên mãn, như vậy mới hoàn toàn như nhau. Bốn mươi mốt vị Pháp Thân đại sĩ gọi là phần chứng Phật, phần chứng Phật vẫn còn tập khí không như nhau, nhưng chắc chắn không có sự chướng ngại, đạo lý này phải nên biết. Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm ở Thế giới Cực Lạc, đạo lý cũng giống như vậy, hiện tượng cũng như vậy. Cho nên bạn đừng nên nghĩ nữa, vãng sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm đều là cảnh giới không thể nghĩ bàn, không thể nghĩ bàn mà mỗi ngày bạn đều nghĩ, mỗi ngày bạn đều bàn. Bạn suy nghĩ thì đã khởi vọng tưởng, bàn là bàn luận, nói cũng phí lời, không chân thật niệm Phật, vậy là sai rồi. Người thông minh thì buông bỏ vạn duyên, tuyệt đối không có cái suy nghĩ này, họ một lòng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, như vậy mới đúng.

Trong kinh này nói “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”, buốt lòng rát miệng để khuyên bạn, bạn xem trong phần vãng sanh thượng phẩm đã khuyên bạn câu này, vãng sanh trung phẩm cũng khuyên bạn câu này, vãng sanh hạ phẩm cũng khuyên bạn điều này, đều là câu nói này. Câu nói này là cương lĩnh tu học quan trọng nhất của phàm phu niệm Phật cầu vãng sanh, làm sao mà bạn có thể xem thường chứ?

Bồ-đề tâm, chúng tôi dùng lời đơn giản nhất, trực tiếp nhất để nói, chính là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Phải thực hiện những tâm này trong cuộc sống hằng ngày. Người khác đối với ta giả dối không thành thật, ta đối với người phải chân thành, phải chân thật, phải thành tâm thành ý. Bạn hỏi như vậy thì tôi chịu thiệt thòi hay sao? Đúng vậy, bạn bị thiệt thòi, sau khi bị thiệt thòi thì đi về đâu? Đi về Thế giới Cực Lạc, nếu họ lừa gạt ta, ta cũng lừa lại họ, họ đối với ta không thành thật, ta đối với họ càng xảo quyệt, bạn đã đạt được lợi phải không? Đúng, đã chiếm được lợi, nhưng kiếp sau thì đi vào địa ngục, đi vào tam đồ. Trước mắt tuy là bị thiệt thòi, nhưng sau này bạn sẽ thấy bị thiệt thòi chính là thật sự được lợi, đi đến Thế giới Cực Lạc làm Phật, thì ra người chiếm được lợi họ thật sự bị thiệt thòi là phải vào tam ác đạo, điều này phải nhìn cho rõ ràng. Cho nên cổ nhân có nói một câu rất có lí, “thiệt thòi là phước”. Trước mắt thiệt thòi một chút nhưng tương lai có phước báo lớn, cái phước báo đó không có cách nào tưởng tượng được. Bạn làm Phật, làm Bồ-tát, nếu bạn đã thật sự hiểu rồi thì có chịu bị thiệt thòi hay không? Chịu, hoan hỷ chịu thiệt thòi, không sợ người lừa gạt, ta tuyệt đối cũng không lừa gạt người.

Hiện giờ thời gian đã hết, chúng ta học tập đến đây.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 361)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 144


Hôm nayHôm nay : 17793

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 748090

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59960746

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.