Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 370)

Thứ hai - 15/03/2021 01:23

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 370

 

Xin tiếp tục xem phần chú giải tiếp theo cũng là phần trích dẫn một đoạn trong An Lạc Tập.  “An Lạc Tập tục vân Bồ-tát viễn li như thị tam chủng Bồ-đề môn tướng vi pháp, tức đắc tam chủng tùy thuận Bồ-đề môn pháp” (Sách An Lạc Tập viết tiếp rằng: Bồ-tát xa lìa ba loại pháp trái nghịch với Bồ-đề môn như vậy, liền được ba loại pháp thuận với Bồ-đề môn). Điều này nói rất rõ ràng, rất minh bạch, nếu bạn không thể xả bỏ ba pháp chướng ngại Bồ-đề môn này thì bạn chẳng có cách nào phát được Bồ-đề tâm.

Ba pháp này, thứ nhất là phải buông bỏ ngã tâm tham chấp tự thân, thứ hai là phải buông bỏ vô an chúng sanh tâm. Vô an chúng sanh tâm chính là đối với tất cả chúng sanh chẳng có quan tâm, điều này là không thể, mỗi phút mỗi giây đều phải quan tâm đến khổ nạn của chúng sanh, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, khi không có đủ sức lực thì phải có tâm, phải có nguyện, tâm và nguyện không thể không có. Bản thân có bao nhiêu năng lực thì dùng hết bấy nhiêu năng lực, là thiện xảo phương tiện. Thực tế nếu không có cái duyên phận này thì nên chân thành hồi hướng công đức mà bản thân mình đã tu tập hằng ngày, chúc phúc cho đại chúng.

Thứ ba nhất định là phải viễn li cung kính tự thân tâm, chúng ta đối với người khác nên cung kính cúng dường. Trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện, bạn xem thứ nhất là “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường”, chúng ta  phải làm, không những không mong cầu người khác cung kính ta, cúng dường ta, mà cái ý niệm này chắc chắn là sai lầm. Trong giới Sa-di có “bất tróc trì sanh tượng” (không cho mang tiền), “sanh tượng” chính là tiền bạc, vì sao phải chế ra giới điều này vậy? Để xả cái tham. Cung kính làm tăng trưởng sự ngạo mạn, cúng dường làm tăng trưởng sự ham muốn, không phải là việc tốt.

Cho nên chúng ta nhất định phải biết, ở đây xây dựng một đạo tràng, đạo tràng là của thường trụ, tất cả vật cúng dường đều thuộc về của thường trụ. Quý vị cúng dường cho tôi, tôi cũng không cần xem, toàn bộ đem giao cho thường trụ, thường trụ không những tiếp nhận phần cúng dường này ở đây để lo làm đạo, mà còn cứu giúp chúng sanh khổ nạn trên toàn thế giới. Những việc chúng tôi làm là chú trọng về giáo dục, bởi vì cuộc sống khổ nạn này đã có Hội Từ Tế Công Đức làm rất nhiều rồi, đã có người đi làm rồi, cho nên phần cúng dường này của chúng tôi có dư ra thì chúng tôi giúp cho công việc giáo dục, về mặt này chúng tôi đã đóng góp rất nhiều.

Gần đây có đồng tu liên hệ với tôi, năm ngoái tôi đi thăm đại học Luân Đôn, họ mong muốn thành lập một khóa trình về Phật học Đại Thừa, nhưng nhà trường không có kinh phí, họ mong muốn tôi thành lập một cái quỹ ở trong trường, dùng quỹ này để giúp họ thỉnh mời giáo sư, đây là việc làm tốt. Điều kiện của giáo sư là phải phù hợp với tiêu chuẩn của nhà trường, chính là phải có học vị tiến sĩ, đương nhiên là học vị tiến sĩ này phải là học vị tiến sĩ về Phật giáo Đại Thừa là tốt nhất. Vì vậy khi tôi đọc được khai thị của  Đại sư Ấn Quang, lần trước đã cùng học với quý vị hai giờ đồng hồ, tôi vô cùng cảm động.

Muốn hồi phục Phật giáo giống như thời hoàng kim của đời Tùy Đường, không có giáo dục thì không được. Ngày xưa người xuất gia phải trả qua các cuộc thi, không phải là tùy tiện mà có thể xuất gia được, hơn nữa kỳ khảo thí cuối cùng là đích thân nhà vua đến sát hạch, vì sao vậy? Vì độ điệp chính là bằng cấp, bằng cấp hợp pháp của cuộc thi là do nhà vua phát, nhà vua phải xem xét bạn, xem bạn có đủ tư cách làm thầy của nhà vua không? Bởi vì người xuất gia là thầy của trời và người, nếu nhà vua đồng ý thì bạn mới có thể làm thầy của vua, thay thế vua dạy bảo nhân dân, vua mới trao bằng cấp cho bạn. Vì vậy vào thời đó phẩm chất của người xuất gia rất cao, nhà vua cung kính cúng dường, bá quan văn võ bên dưới chẳng ai dám thất lễ

Chế độ thi cử này đã bị hoàng đế Thuận Trị đời nhà Thanh hủy bỏ, truyền thuyết vua Thuận Trị xuất gia, đại khái là ông vì bản thân ông, khi ông xuất gia không có độ điệp vậy thì không được, vậy là vi phạm pháp luật rồi, cho nên ông đã hủy bỏ độ điệp, để cho ông có thể xuất gia. Vào thời đó, việc làm này là có lợi, nhưng mà 200 năm sau, người xuất gia trong Phật pháp phẩm chất sa sút nghiêm trọng, tật xấu quá nhiều, cho nên trong Văn Sao đối với sự việc này Ấn Tổ đã nhiều lần phê bình nghiêm khắc.

Sự việc này làm sao có thể cứu vãn được? Cách này tôi cũng suy nghĩ rất lâu rồi, khoảng 30-40 năm trước, tôi cũng đã nghĩ ra một cách, mong muốn quốc gia tổ chức một đại học tôn giáo, đại học tôn giáo quốc lập. Mỗi một tôn giáo sẽ lập ra một viện, Phật giáo có Phật Học Viện, Ki-tô giáo có Ki-tô Học Viện, Hồi giáo có Học Viện Hồi giáo, mỗi một tôn giáo lập ra một học viện, như vậy trong tương lai các tôn giáo có thể đoàn kết rộng rãi với nhau. Hết thảy các tôn giáo đều phải tốt nghiệp từ trường học, các viện, các hệ khác nhau. Trong Phật Học Viện Phật giáo ở Trung Quốc có mười mấy tông phái thì có mười mấy hệ, như là hệ Hoa Nghiêm học, hệ Thiên Thai học, hệ Tịnh Độ học, hệ Thiền học, những người không phải tốt nghiệp từ trường học, không có bằng cấp này thì họ không thể có được tư cách của truyền giáo sư. Tư cách của truyền giáo sư là tương đương với giáo sư ở trường đại học, chất lượng này sẽ được nâng cao.

Tôi đã suy nghĩ mấy năm nay rồi, đến hiện giờ thì vẫn chưa thể thực hiện được, trong suy nghĩ của tôi, Phật pháp có nói “tất cả pháp do tâm tưởng sanh”, tâm tưởng sự thành, tưởng đã lâu rồi, có lẽ duyên sẽ thành thục. Hiện nay tôi đã thấy cái duyên này có chút dấu hiệu chín muồi, cho nên tôi phải quan hệ tốt với chính phủ Indonesia, với chính phủ Malaysia, mối quan hệ này khá tốt đẹp. Những vị lãnh đạo quốc gia này, chúng tôi đều đã gặp rồi, tôi sẽ kiến nghị với họ, hy vọng là họ sẽ làm trước. Đại học tôn giáo của quốc gia chiêu sinh không hạn chế trong quốc gia của mình, mà chiêu sinh trên toàn thế giới, phải nghiêm túc học tập. Nếu họ làm chúng tôi sẽ toàn tâm toàn lực tài trợ, điều này thù thắng hơn nhiều so với việc mở chương trình dạy đại học trong các trường đại học thông thường. Ở Úc chúng tôi cũng có tài trợ, hiện nay vẫn đang tài trợ cho đại học Sydney, mở chương trình Phật giáo, cũng là trường không thu học phí, mỗi năm chúng tôi đóng góp cho họ một số kinh phí, để họ thỉnh giáo sư, chúng tôi đã làm việc này mấy năm nay rồi, hiện giờ vẫn đang tiếp tục.

Về phương diện giáo dục, chúng tôi đã làm rất nhiều việc cho các trường đại học tổ chức những chương trình tôn giáo thế giới hòa bình, như là trường dại học Queensland, họ có học viện hòa bình, chúng tôi cũng toàn tâm tài trợ cho họ. Trường đại học Griffith thì có trung tâm đa nguyên văn hóa, đoàn kết tôn giáo, tất cả tôn giáo đều có thể hoạt động ở trung tâm này nhằm hóa giải sự hiểu lầm giữa các tôn giáo với nhau, đây là việc làm tốt. Học tập những điều mà các tôn giáo khác đã nói một cách cung kính “quy vinh quang về cho Thượng Đế, về cho đức Chúa”,  tất cả cung kính đều quy trở về với Phật, trở về với Tổ sư Đại đức. Cách dụng tâm như vậy là tốt, tất cả vật cúng dường cho thường trụ, bản thân mình không cần phải có, tất cả đều đem giao cho thường trụ thì tâm của chúng ta liền thanh tịnh.

Ở đây nói ba nhân tố chướng ngại Bồ-đề tâm mà chúng ta phải tiêu trừ thì Bồ-đề tâm mới có thể hiện tiền. Sau khi trừ sạch hết rồi, cũng chính là điều tôi vừa mới nói, ý niệm khống chế đối với tất cả người việc vật không còn nữa, ý niệm chiếm hữu không còn nữa, ý niệm chi phối không còn nữa, ý niệm đối lập cũng không còn nữa, bạn nói xem tâm này thanh tịnh biết bao, tự tại biết bao, bạn mới có được pháp hỷ sung mãn, bạn mới thường sanh tâm hoan hỷ. Nếu không thì bạn chẳng có cách nào được hoan hỷ, đều phải biết buông bỏ.

 Cách này của tôi, xin thưa với quí vị, là do Đại sư Chương Gia dạy cho tôi. Lúc đó, tôi 26 tuổi mới học Phật, lần đầu tiên tôi thấy người xuất gia, chính là thấy Đại sư Chương Gia, trước đó tôi chưa từng qua lại với người xuất gia, người xuất gia đầu tiên tôi thấy là Đại sư. Tôi liền xin Ngài chỉ dạy, Đại sư dạy cho tôi “nhìn cho thấu, buông cho được”. Tôi hỏi Ngài, tôi nói: “Con biết sự thù thắng của Phật pháp, điều này là tiên sinh Phương Đông Mỹ dạy cho con, có cách nào để cho con được nhanh chóng khế nhập hay không?” Tôi đưa ra vấn đề này, Đại sư trầm ngâm hết nửa giờ đồng hồ, ánh mắt của Đại sư nhìn tôi, Ngài không nói câu nào, sau nửa giờ đồng hồ hình như chúng tôi đang ngồi trong định. Cách dạy học này rất thù thắng, thật sự làm cho bạn chẳng sanh một niệm nào, lúc này mới nói với bạn, suốt cuộc đời bạn sẽ không quên, bạn sẽ tin nhận làm theo. Vấn đề được đưa ra, Ngài nhìn tôi nửa giờ đồng hồ, tôi cũng nhìn Đại sư nửa giờ đồng hồ, tôi chờ đợi, đợi sự chỉ dạy của Đại sư, đợi nửa giờ đồng hồ Ngài mới nói ra một từ “có”. Tôi nghe được chữ “có” này, tôi liền chú tâm lắng nghe, Đại sư nói rất chậm, nói xong từ “có” thì Đại sư dừng lại hết mấy phút, cũng không lâu khoảng 2-3 phút, Đại sư nói sáu từ “nhìn cho thấu, buông cho trót”. Cách giáo học này chúng tôi liền biết được Đại sư thật sự là người có học vấn, thật sự là có đức hạnh. Đại sư không dùng thuật ngữ Phật học, Ngài dùng từ ngữ thường dùng của chúng ta, nên tôi hiểu, nếu dùng thuật ngữ Phật học thì tôi không hiểu.

Hai câu nói này có nghĩa là gì? Chính là chỉ quán, đây là Thiền, nhìn cho thấu là quán, buông cho trót là chỉ. Nghĩa của thiền là tĩnh lự, thiền là tiếng Phạn, dịch từ Phạn văn của Ấn Độ, có nghĩa là tĩnh lự, buông cho trót chính là tĩnh, nhìn cho thấu là lự. Đại sư không dùng thuật ngữ của Phật học, Ngài dùng từ ngữ phổ biến của chúng ta, tôi vừa nghe xong là hiểu liền. Nếu dùng từ chỉ quán của nhà Thiền thì tôi không hiểu, tôi sẽ hiểu một cách mơ hồ, đây là chỗ có học vấn chân thật, Đại sư có thiện xảo phương tiện. Sau khi tôi nghe xong tôi nói điều này phải bắt đầu từ đâu? Chính là tôi muốn hỏi tôi phải bất đầu từ đâu để nhìn thấu buông xả? Đại sư dừng lại khoảng 3-4 phút rồi nói với tôi “bố thí”.  Đại sư và tôi ngồi với nhau hai giờ đồng hồ mà nói chưa được mấy câu, ấn tượng vô cùng sâu sắc, một đời thọ dụng không hết.

Khi tôi từ biệt Đại sư, Ngài rất từ bi, tiễn tôi ra tận ngoài cổng, đó là số 8, đường Thanh Điền, Đài Bắc. Từ đó về sau, mỗi tuần tôi đều gặp Ngài xin chỉ dạy. Tôi theo Đại sư ba năm, nền tảng của Phật học đều là do Đại sư xây dựng cho tôi. Tiễn tôi ra đến cổng, Ngài vỗ vỗ vai tôi và nói: “Ngày hôm nay ta dạy cho con sáu chữ, con hãy dốc lòng thực hiện sáu năm nhé”. Tôi thật sự nghe lời, thật sự làm theo, học bố thí. Trước đó tôi rất keo kiệt, sau này thì trở nên rất phóng khoáng. Sau này Đại sư nói với tôi “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Lúc đó tôi sống vô cùng gian khổ, lời của Đại sư dạy tôi thật sự là cải tạo vận mạng, bố thí tài thì được giàu có, bố thí pháp thì được thông minh trí huệ, bố thí vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu, điều này tôi thật sự đã học được, tôi đã làm 55 năm.

Đại sư viên tịch đến nay đã 49 năm rồi, sang năm là 50 năm, sang năm tôi phải làm lễ kỷ niệm Đại sư. Đại sư cùng với Hàn Quán Trưởng vãng sanh gần ngày với nhau, cách nhau một ngày. Đại sư vãng sanh ngày 4 tháng Ba, Hàn Quán Trưởng vãng sanh ngày 5 tháng Ba, có thể làm chung lễ kỉ niệm. Sang năm là tròn 50 năm ngày vãng sanh của Đại sư, Hàn Quán Trưởng là tròn mười năm vãng sanh. Năm mươi năm tu học của tôi đều hồi hướng cho Đại sư, con đường tôi đi là do Ngài chọn, nền tảng học Phật của tôi được xây dựng dưới hội của Ngài trong ba năm. Vì vậy lão sư là mấu chốt cho sự tu học thành tựu của tôi, đặc biệt là vị thầy đầu tiên, “tiên nhập vi chủ”, ấn tượng rất sâu đậm.

Có thể rời xa ba loại vừa nói phía trước thì được ba loại tùy thuận Bồ-đề môn pháp. Ba loại đó là, “Nhất giả vô nhiễm thanh tịnh tâm, bất vị tự thân cầu chư lạc cố” (một là: tâm thanh tịnh vô nhiễm, không vì thân mình mà cầu các sự vui). Tiếp theo Ngài nói “Bồ-đề thị vô nhiễm thanh tịnh xứ, nhược vị tự thân cầu lạc, tức vi Bồ-đề môn” (Bồ-đề là chỗ thanh tịnh vô nhiễm, nếu vì bản thân cầu sự vui thì trái ngược với Bồ-đề môn). Thế nên tâm vô nhiễm thanh tịnh là thuận với Bồ-đề môn. Nhiễm là nhiễm ô, chư vị đồng tu phải nên biết, nếu bạn chân thật phát Bồ-đề tâm, nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật thì đời này chắc chắn vãng sanh thượng thượng phẩm. Thượng phẩm thượng sanh, đoạn văn này vô cùng quan trọng, nhất định không bị cảnh duyên làm ô nhiễm, trong thuận cảnh nhất định không tham luyến, ưa thích thuận cảnh vậy là bạn đã bị sự ưa thích làm nhiễm ô rồi. Trong nghịch cảnh nếu chán ghét, vậy là bạn bị sự chán ghét làm nhiễm ô rồi. Quí vị phải nên biết, thất tình ngũ dục là nhiễm ô, cho nên phải xa lìa thất tình ngũ dục, ở trong cảnh duyên thì phải tùy duyên, việc gì cũng đều hoan hỷ. Nghịch cảnh cũng hoan hỷ, nghịch cảnh sẽ giúp cho ta, thử thách ta, xem ta có còn sân giận hay không. Vì vậy phải đoạn tham, sân, si, ở trong cảnh duyên phải đoạn ba độc phiền não này. Hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh nhân sự, thuận cảnh không tham luyến thì đã đoạn được tham rồi, si cũng được đoạn luôn, ở trong nghịch cảnh không có sân giận thì đã đoạn được sân rồi, si cũng được đoạn luôn rồi, đều chẳng phải là hoàn cảnh tốt hay sao? Làm gì có hoàn cảnh xấu? Vì vậy người tu không có điều gì mà không tốt, nếu bạn vẫn còn chọn lựa thì bạn vẫn còn phân biệt, vẫn còn chấp trước, vậy thì sai rồi.

Người chân thật tu hành thì điều mà tất cả chúng sanh cần là bạn phải có định, phải có huệ, bạn phải hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Chính mình không có đủ định huệ, vậy thì phải “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, không nên đi khắp nơi bên ngoài, không nên tùy tiện tiếp xúc cảnh duyên. Bởi vì bạn chưa có định, chưa có huệ, hễ bạn tiếp xúc thì tâm của bạn sẽ thuận theo sự chuyển đổi của cảnh giới bên ngoài, vậy là hỏng rồi. Cho nên chưa thành tựu được định huệ thì chúng ta không chịu nổi sự thử thách, vậy tốt nhất là bạn nên trụ lại với núi non.

Người mới bắt đầu tu thì cổ nhân hạn chế một cách nghiêm khắc,  phải kiết giới an cư. Bạn xem Đại sư Viễn Công ở Lô Sơn lập ra Liên Xã đầu tiên, niệm Phật đường Đông Lâm, 123 huynh đệ đồng tu cùng chung chí hướng ở trên núi tu hành, lấy suối Hổ làm ranh giới. Xung quanh đó có con suối nhỏ, con suối nhỏ này gọi là suối Hổ, họ không đi vượt quá ranh giới con suối, tâm định rồi.

Hiện nay tôi đã lập ra trung tâm văn hóa dạy học ở Thang Trì,  điều kiện thứ nhất chiêu sinh học viên là mười năm ở đó học không rời khỏi thị trấn Thang Trì. Thị trấn Thang trì chính là ranh giới của chúng tôi, nếu bạn muốn đến chỗ này học thì mười năm không được rời khỏi chỗ này, ngày lễ, ngày tết, trong gia đình có hữu sự cũng không được về. Thân bằng quyến thuộc của bạn thì có thể đến trung tâm để thăm bạn, chúng tôi sẽ tiếp đãi nhưng bạn thì không thể về nhà, chấp nhận điều kiện đầu tiên rồi thì sau đó mới bàn. Nếu điều kiện mười năm bạn không thực hiện được thì bạn không thể tham gia khóa học này.

Người mới tu học cần phải được bồi dưỡng định huệ, nếu đi tới đi lui thì không có được giới định huệ. Giới định huệ thành tựu rồi thì bạn mới có đủ tư cách tham học. Thiện Tài đồng tử năm mươi ba tham đều có thể đi khắp nơi, vì sao vậy? Vì không bị nhiễm ô, bản thân mình có thể làm chủ trước cảnh giới thuận nghịch, điều này có thể làm được. Tự mình không làm chủ được thì không nên đi, thuận cảnh thì sanh tham ái, nghịch cảnh thì khởi sân giận, vậy thì hỏng rồi, như vậy mỗi ngày làm cho bạn tăng trưởng tham sân si, chứ không phải tăng trưởng giới định huệ. Điều này không phải dễ, thật sự muốn thành tựu ngay trong đời này, đặc biệt là muốn vãng sanh, muốn thượng phẩm thượng sanh, nếu bạn không biết được đạo lí này thì làm sao mà được chứ?

 Vì vậy tôi thường khuyến khích đồng tu, tôi dùng 16 chữ, bạn buông bỏ được 16 chữ này thì bạn mới có thể bước vào cửa Phật, nếu không thì bạn không làm được. Mười sáu chữ này chính là “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn”, phải buông bỏ 16 chữ này, một chữ cũng không được có thì chúng ta mới có thể được thượng phẩm thượng sanh, sự lợi ích này vô cùng lớn. Vì vậy buông bỏ lợi ích nhỏ để được lợi ích lớn, cái lợi ích nhỏ này buông bỏ rồi, trong lúc chưa đi đến Thế giới Cực Lạc thì bạn cũng thường sanh tâm hoan hỷ. Đây chính là lời của Khổng Tử nói “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ, hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ, nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ” (Học mà thường ôn tập, cũng chẳng thích ư? Có bạn từ phương xa tới đàm đạo, cũng chẳng vui sướng ư? Người đời không biết đến mình, cũng chẳng vì thế mà buồn, như vậy há chẳng phải là bậc quân tử sao?). Bạn mới thật sự hiểu được đoạn ba câu kinh văn này, bạn chưa được cảnh giới này thì hằng ngày bạn có đọc thì vẫn thể hội chưa được cảnh giới đó. Bạn buông bỏ 16 chữ này thì ba câu kinh văn này của Khổng Phu Tử tất cả bạn đều hiểu rõ, thật sự gọi là “như người uống nước, tự biết nóng lạnh”.

Cho nên điều thứ nhất là tâm vô nhiễm thanh tịnh hiện tiền, thật sự là “tâm tịnh thì quốc độ tịnh”, không những Thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm, chúng ta lấy công đức hồi hướng cho cõi nước hiện tiền được thanh tịnh, mà thiên hạ đại loạn nhưng ta không loạn. Hiện nay địa cầu nhiễm ô, hoàn cảnh nhiễm ô, lòng người nhiễm ô, nhưng tâm ta thanh tịnh không nhiễm ô. Tôi thấy hoàn cảnh này không có nhiễm ô, nó hoàn toàn thanh tịnh, dùng tâm thanh tịnh nhìn thế giới thì thế giới thanh tịnh.

 Ô nhiễm là gì? Ô nhiễm là một đám mây giăng, hiện thời có một chút mây che phủ, nhưng mà bạn có con mắt thanh tịnh, tâm thanh tịnh chính là con mắt thanh tịnh, con mắt thanh tịnh có thể nhìn xuyên qua lớp sương mù dày đặc. Giống như lớp mây mù này nó có thể bị nhìn thấu bởi ra-đa ở trên máy bay vậy, đám mây mù có dày hơn đi nữa thì nó cũng có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng. Con mắt thanh tịnh có thể nhìn xuyên qua đám mây mù, tâm tịnh thì nơi này thanh tịnh. Trong Tam Thời Hệ Niệm, thiền sư Trung Phong nói rất hay “Tịnh Độ chính là nơi này”. Cực Lạc cùng với Ta-bà là một không phải hai, Di Đà chính là tâm ta, tâm ta chính là Di Đà, tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. Chúng ta cư trú ở nơi này có phải là duy tâm Tịnh Độ không? Phải, tâm của bạn thanh tịnh thì bạn liền nhìn thấy Tịnh Độ ở nơi này, bạn không có tâm thanh tịnh thì bạn sẽ không nhìn thấy. Vì vậy “nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh”, chẳng sai chút nào. Chúng ta có thể chứng minh câu nói này trong kinh Phật.

Tâm an thì cõi nước an, tâm bình thì cõi nước bình. Cũng cùng một đạo lí, tâm tịnh thì chúng sanh thanh tịnh, tâm an thì chúng sanh an, tâm bình thì chúng sanh bình. Phật nói trong Kinh Lăng-nghiêm “nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai”, ai có thể chuyển được cảnh? Bồ-tát Sơ Trụ, Bồ-tát Sơ Trụ đã minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Minh tâm kiến tánh, minh cái tâm gì? Kiến cái tánh gì? Là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm đại giác. Tâm chính là tánh, tâm và tánh chẳng phải hai, trong đời này của chúng ta có thể làm được không? Đại sư Thiện Đạo nói “đều do gặp duyên không đồng”, hay nói cách khác, bạn gặp được duyên thù thắng thì trong đời này bạn có thể làm được. Vì sao lại có hiện tượng bốn cõi, ba bậc, chín phẩm? Đều do gặp duyên khác nhau, câu này nói quá hay, thật sự là một lời nói thông suốt chân tướng sự thật.

Tôi học Phật, so với người khác thì may mắn hơn một chút, tức là gặp được duyên tốt. Người giới thiệu Phật pháp cho tôi là giáo sư Phương Đông Mỹ, người thầy đầu tiên hướng dẫn cho tôi là Đại sư Chương Gia trong ba năm, Đại sư Chương Gia viên tịch, tôi mới thân cận với lão sư Lý, tôi theo Ngài mười năm, vì vậy tôi đã tiếp nhận nền giáo dục của Phật-đà 13 năm. Nhưng mà 13 năm này thì ba năm đầu tiên là quan trọng, là cái gốc. Nền tảng giáo dục là do Đại sư Chương Gia chỉ dạy cho tôi, đây chính là “dạy con từ thuở còn thơ”, vô cùng quan trọng. Thân giáo của lão sư, thân giáo là ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời của chúng tôi, bạn tỉ mỉ quan sát hình chụp của Ngài thì thấy cũng giống với mọi người, nhưng đi đứng nằm ngồi Ngài đều ở trong định, trong đời tôi chưa bao giờ gặp được người thứ hai như vậy. Mọi việc đều ở trong định, việc gì cũng từ tốn, nói chuyện cũng từ tốn, làm việc cũng từ tốn, đi đứng cũng từ tốn. “Na-già thường tại định, vô hữu bất định thời”, nếu dùng mười chữ này để tán thán Đại sư Chương Gia thì hoàn toàn phù hợp, Ngài thật sự là luôn ở trong định. Ngài ít nói chuyện, nhưng sức mạnh vô cùng lớn, mỗi chữ đều giống như sức mạnh ngàn cân, mọi người vô cùng cảm động.

 “Nhị giả an thanh tịnh tâm, vị bạt nhất thiết chúng sanh khổ cố, Bồ-đề an ổn nhất thiết chúng sanh thanh tịnh xứ, nhược bất tác tâm, bạt nhất thiết chúng sanh li sanh tử khổ, tức tiện vi Bồ-đề, thị cố bạt nhất thiết chúng sanh khổ thị thuận Bồ-đề môn” (Thứ hai là: tâm an thanh tịnh, vì dứt sạch nỗi khổ của chúng sanh. Bồ-đề là chốn thanh tịnh an ổn hết thảy chúng sanh, nếu không khởi tâm làm cho tất cả chúng sanh lìa được khổ sanh tử, thì tức là trái nghịch với Bồ-đề. Nên nhổ sạch tất cả nỗi khổ của chúng sanh là thuận theo Bồ-đề môn).

 Chúng sanh gặp khổ vậy bạn có muốn giúp đỡ họ không? Cách giúp đỡ như thế nào? Sự khổ của chúng sanh là do mê mà ra, khổ và vui là quả, giác và mê là nhân, bạn muốn nhổ bỏ cái khổ thì bạn phải lìa xa các nhân khổ. Vì vậy phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, dùng phương pháp nào đây? Giáo dục, việc của Thích-ca Mâu-ni Phật làm cả cuộc đời, chính là tấm gương cho chúng ta, làm mô phạm cho chúng ta, nhất định không từ bỏ gian lao. Bạn xem thời đó không có phương tiện giao thông, phải đi bộ, dấu tích đi bộ của Ngài ở cả năm miền của Ấn Độ, bắc Ấn Độ, đông Ấn Độ, nam Ấn Độ, tây Ấn Độ và trung Ấn Độ, cả thảy Ngài đều đi qua, đệ tử cùng đi theo Ngài. Chúng ta xem ở trong kinh thấy chúng thường tùy là 1.255 vị, một đoàn thể to lớn như thế, hoàn toàn không ở cố định một nơi, nơi nào mời thì Ngài hoan hỷ đi đến nơi đó. Cả cuộc đời Thế Tôn không xây dựng đạo tràng, trong tăng đoàn đề xướng là “nghỉ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa”. Nếu chúng ta nghĩ đến hình tượng tăng đoàn năm xưa lúc Phật còn tại thế thì tâm thiện của chúng ta tự nhiên sanh khởi, sự hổ thẹn sám hối cũng tự nhiên sanh ra. Hôm nay chúng ta đã sống một ngày như thế nào? Các Ngài đã sống như thế nào? Đây là nói cuộc sống vật chất, nhưng trên cuộc sống tinh thần thì mỗi ngày các Ngài đều pháp hỷ sung mãn, vui sướng vô cùng, còn chúng ta thì khổ nói không thành lời, mê hoặc điên đảo, tạo nghiệp thọ báo. Phật Bồ-tát không trách chúng ta, biết chúng ta tạo nghiệp thọ báo, các Ngài gật đầu, là chuyện đương nhiên, do còn mê, đợi bạn từ từ hồi đầu. Lúc nào hồi đầu? Có thể là một ngàn năm, có thể là một vạn năm, có thể là vô lượng kiếp sau này, Phật có lòng kiên nhẫn, các Ngài có thể chờ đợi bạn, đời đời kiếp kiếp làm tăng thượng duyên cho bạn, đến kiếp nào bạn giác ngộ thì kiếp đó bạn sẽ thành tựu.

Các đồng tu chúng ta hôm nay ngồi tại đây, ai ai cũng có thiện căn sâu dày, nếu bạn không có thiện căn sâu dày thì bạn vì sao đến đây chứ? Bạn đến nơi này nghe giảng kinh hai giờ đồng hồ, vậy cái thiện căn này quá tuyệt vời, nếu ngay trong đời này bạn bỗng nhiên giác ngộ thì bạn sẽ thành tựu trong đời này, không còn trôi lăn trong sáu nẻo nữa. Bạn sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc để làm Phật, làm Bồ-tát. Thế giới Tây Phương Cực Lạc còn có một hiện tượng vô cùng vi diệu, sau khi đi đến đó chỉ cần gặp A Di Đà Phật, bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật gia trì cho bạn thì bạn có thể đi khắp mười phương tiếp dẫn chúng sanh, vì sao vậy? Nhờ Phật lực gia trì, tâm thanh tịnh của bạn liền hiện tiền, ở trong mười pháp giới bạn không bị nhiễm ô, đối với cõi trời cõi người bạn không sanh tham luyến, với tam đồ bạn không sanh sân giận. Hay nói cách khác, tuy là phiền não tập khí của bạn chưa đoạn hết, nhưng đức năng trí huệ của bạn cùng với pháp thân Bồ-tát hầu như chẳng khác gì nhau, đây là sự thù thắng của Tịnh Độ. Vì vậy tất cả chư Phật xưng tán A Di Đà Phật là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, vì sao chư Phật tán thán A Di Đà Phật như vậy, đạo lí là ở chỗ này. Học trò trong cõi nước mười phương chư Phật làm không được, nhưng học trò của A Di Đà Phật thì làm được, điều này không thể nghĩ bàn.

Chúng ta gặp được pháp môn này thực tế không phải là chuyện dễ, trong đời quá khứ, chưa kết duyên sâu với Tịnh Độ với A Di Đà Phật, nên chưa gặp được, hiện nay bạn thấy rất nhiều người học Phật trên thế giới này, người tu Tịnh Độ thì không nhiều. Tuy người tu Tịnh Độ rất nhiều nhưng người thật sự hiểu rõ về Tịnh Độ thì không nhiều, có hiểu rõ thì tâm mới phát ra được, mới biết được tham luyến thế gian pháp, hay là chán ghét thế gian pháp là sai lầm, chắc chắn là sai lầm. Cái tâm hạnh này nhất định sẽ chướng ngại sự vãng sanh, cơ duyên trong đời này tốt như vậy mà để luống qua, bạn nói xem đáng tiếc biết bao. Lời của cổ nhân nói không sai, “trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”. Cư sĩ Bành Tế Thanh đời vua Càn Long là một vị đại đức thật tuyệt vời thông tông thông giáo, Ngài nói gặp được pháp môn này là một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, vậy mà bạn đã gặp rồi. Cõi trời cõi người, Bồ-tát La-hán ở thế giới phương khác muốn nghe pháp môn này đều không có cơ hội, đều không nghe được, bạn đã gặp được rồi, bạn nói bạn xem bạn may mắn cỡ nào, khó được biết bao nhiêu. Cho nên trong đời này mới gọi là đại sự, những chuyện khác là chuyện nhỏ nhặt không đáng kể, chuyện nhỏ thì cớ gì phải để trong tâm?  Nên để chuyện đại sự ở trong tâm, ngay trong một đời này nhất định phải thành tựu.

Giúp đỡ chúng sanh chính là bản thân mình phải tu hành cho tốt, phải làm một tấm gương tốt cho chúng sanh, đó chính là chân thật giúp đỡ chúng sanh. Chúng sanh rất xem trọng tiền bạc, ta thì buông xả tiền bạc, đây chính là khơi gợi cho họ, đây chính là giáo dục họ. Bạn tỉ mỉ quán sát, chúng sanh ngày nay bất hiếu với cha mẹ, bạn nên làm tấm gương hiếu thảo với cha mẹ cho họ xem, người hiện nay không biết tôn sư trọng đạo, chúng ta làm tấm gương tôn sư trọng đạo cho họ xem, người hiện nay vong ân bội nghĩa, chúng tôi tưởng nhớ Hàn Quán Trưởng nên làm công tác giáo dục tri ân báo ân. Chẳng có việc gì mà không phải là giáo dục, chẳng có việc gì mà không phải là an chúng sanh tâm. Chúng sanh đã quên mất luân lí đạo đức, hiện nay chúng tôi có một nhóm người muốn phục hồi luân lí đạo đức, làm những tấm gương để biểu diễn cho họ xem. Chúng sanh đã quên mất nhân quả, chúng ta phải thể hiện nhân quả báo ứng để cho họ xem, đây chính là nhổ bỏ cái khổ của chúng sanh. Cho nên phải làm, thật sự là từ khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, tất cả hành vi chẳng có điều gì mà không phải là vì chúng sanh.

Đạo tràng này của chúng ta, đạo tràng thông thường là chùa của con cháu, sai lầm rồi, đây là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, chắc chắn là không ra khỏi luân hồi. Đạo tràng của chúng tôi là đạo tràng của thập phương không phải là chùa chiền của con cháu, cho nên chúng tôi xây dựng đạo tràng có thương lượng với chư vị đồng tu, không ai có thể ở đạo tràng để thâu nhận đồ đệ, bạn muốn nhận đồ đệ, vậy tôi xin chúc mừng bạn, vậy bạn hãy đi nơi khác xây đạo tràng, không thể ở nơi này được vì chỗ này là đạo tràng của thập phương. Chúng tôi phải làm đúng như pháp. Trong đạo tràng này không làm kinh sám Phật sự, chỉ có niệm Phật, học giáo lí.

Tam Thời Hệ Niệm là do quỷ thần, oan hồn nhập thân yêu cầu làm, bởi vì Tam Thời Hệ Niệm hoàn toàn là Tịnh Tông. Lời khai thị của thiền sư Trung Phong hay vô cùng “âm dương lưỡng lợi”. Cho nên ở đây chúng tôi có Tổ Tiên Kỷ Niệm Đường để cho chúng tôi cúng dường tổ tiên. Mỗi tuần lễ làm Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm một lần để cúng dường cho tổ tiên, báo ân của tổ tiên, việc làm này không phải là mê tín. Tam Thời Hệ Niệm là pháp hội báo ân, không phải như các ngôi chùa thông thường làm pháp hội, ở đây chúng tôi không thu tiền bài vị, không giống như bài vị của người ta có lớn có nhỏ, có giá cả, chúng tôi ở đây không có, tất cả đều phải như pháp. Của cải trong đạo tràng là do thập phương cúng dường, chúng tôi không hóa duyên, không yêu cầu tiền bạc của mọi người. Nếu vẫn còn hóa duyên, yêu cầu tiền bạc của mọi người, thì thà là không làm, phải biết điều này. Học Phật thì nhất định không nên gây thêm phiền phức cho người ta, không nên gây thêm áp lực cho người ta, nếu tôi yêu cầu bạn đóng góp tiền, mỗi tháng đóng góp bao nhiêu thì người ta sẽ bị áp lực, đây là gì? Không phải là nhổ bỏ cái khổ của chúng sanh, đây là cho chúng sanh thêm cái khổ, bạn quá khổ rồi, tôi lại cho thêm bạn một chút khổ nữa thì Bồ-đề tâm của bạn làm sao mà có?

Không thể không biết, tất cả phải bắt đầu làm từ nơi bản thân, cổ Thánh tiên Hiền đã dạy cho chúng ta, “tu thân vi bổn, giáo học vi tiên” (tu thân là gốc, giáo dục làm đầu), cuộc đời này của chúng tôi là thực hiện hai câu này. Phải tu thân, thân không tu thì làm sao mà dạy? Bản thân bạn không làm được thì bạn dạy cho người ta thế chẳng phải là ngày ngày lừa dối họ hay sao? Lừa dối người thì tâm của bạn không an, tâm của bạn không thanh tịnh, cho nên chúng ta nếu muốn tâm an lí đắc thì bản thân nhất định phải y giáo phụng hành.

Hiện nay thời gian hết rồi, chúng tôi xin giảng đên đây.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 370)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 192


Hôm nayHôm nay : 43624

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 992836

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43236980

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.