Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Chia sẻ Tâm đắc học tập Đệ tử quy

Chia Sẻ Tâm Đắc Học Tập Đệ Tử Quy (Tập 8)

Thứ ba - 18/05/2021 22:48

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 8

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 4 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu, xin chào mọi người! Chúng ta tiếp tục thảo luận chương thứ tư “Tín” của "Đệ Tử Quy". Xin xem điều thứ hai:

“Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”

Ở đây nói, khi nói chuyện mấu chốt nằm ở chỗ nói đúng mực là được. Nhất định không được nói quá nhiều, nói nhiều có thể đều là những lời vô ích, chẳng bằng ít nói đi vài câu, vừa đỡ mệt lại tránh được sai sót do nói nhiều. Khi nói quá nhiều, nói lỡ lời thường sẽ gây ra rất nhiều lỗi lầm. Thậm chí là người nói thì vô tâm, người nghe lại để ý. Người nghe có thể bị một câu nói nào đó của bạn làm tổn thương, thậm chí họ sẽ oán hận bạn, ôm hận trong lòng. Như vậy thì thường sẽ kết oán thù, nhưng bản thân mình lại không hề hay biết. Cho nên cổ nhân nói: “Miệng là cửa của họa phước”. Nói chuyện nếu không chú ý thường sẽ gây ra tai họa. Bạn xem Khổng Tử nhắc nhở chúng ta “Quân tử phải thận trọng trong lời nói nhưng phải mẫn tiệp trong hành động”. Đó là người quân tử chân thật. Nhìn bề ngoài dường như họ không phải là người có tài ăn nói biện biệt. Họ nói chuyện không nhiều, họ ít nói trầm tĩnh, nhưng những người này thường có đại trí huệ, tâm họ có thể tập trung, cho nên họ làm việc hành động đều rất mẫn tiệp, nhanh nhẹn. Người nói chuyện rất nhiều thì họ làm việc thường lề mề chậm chạp.

Nói chuyện cần phải như thế nào? “Phải nói thật, chớ xảo nịnh”, nói chuyện phải đúng mực, thực sự cầu thị là được. Nhất định không được dùng những lời nói ngon ngọt để che đậy hoặc là lừa dối, những việc đó đều không tốt. Không những nói chuyện với người phải như vậy, cho dù là đối với chính mình cũng không được dùng tâm xảo nịnh, dùng những lời hư dối, lời ngon tiếng ngọt để tự lừa gạt bản thân, đó gọi là tự lừa dối mình. Cho nên, con người không được tự gạt chính mình, càng không được lừa gạt thiên địa quỷ thần.

Thời nhà Tống có một người tên là Triệu Duyệt Đạo, trong "Liễu Phàm Tứ Huấn" cũng có nhắc tới ông. Ông là một người vô cùng chánh trực, mỗi buổi tối ông đều nhất định mặc y phục chỉnh tề, ở trong nhà thắp nhang để bẩm báo với Thượng Đế, đem những việc ngày hôm nay mình đã làm báo cáo với Thượng Đế. Ví dụ ngày hôm nay đã làm một việc mà ông không dám báo cáo với Thượng Đế, vậy thì bản thân ông sẽ biết việc này không đúng, trái nghịch với thiên lý, trái ngược với lương tâm thì sau này ông sẽ không tái phạm chuyện đó nữa. Cho nên ông là người rất chánh trực, ông làm quan cũng hết sức thanh liêm. Từng có một nơi có rất nhiều người chết do bệnh truyền nhiễm, rất nhiều người vì bệnh truyền nhiễm này mà không có nhà để về. Triệu Duyệt Đạo đã làm một trăm chiếc thuyền, hơn nữa còn phát công văn đi khắp các châu phủ khác nói rằng: “Nếu trong nhà có người chết, người già trẻ nhỏ trong nhà không có cách nào để về quê được thì mời họ đến nơi ông cai quản”. Nơi ông cai quản gọi là Kiềm Châu. Bạn xem tấm lòng từ bi, tấm lòng yêu người thương vật của ông, lúc đó ông làm như vậy nên đã cứu được rất nhiều người. Khi đó là thời Tống Nhân Tông, bởi vì ông làm quan rất chánh trực, không sợ cường quyền mà vạch tội những kẻ tham ô hối lộ, nên người ta gọi ông là “Thiết diện ngự sử”. Chức quan của ông là Ngự sử. Ông là người vô cùng chánh trực, sau này ông cũng làm quan lớn.

Đó đều là thiện có thiện báo, những việc ông báo cáo với trời đều vô cùng chân thực, tuyệt đối không gạt trời, không lừa mình. Bởi vì ông không tự gạt mình nên trời đặc biệt ban phước lành cho ông. Đến khi ông lâm chung đầu óc rất tỉnh táo, nói chuyện ngôn từ đều không loạn, vì sao? Vì cả đời ông nói chuyện đều là “Phải nói thật, chớ xảo nịnh”. Do vậy lúc lâm chung ông nói chuyện cũng là như vậy, vô cùng an định, không loạn chút nào, cuối cùng được thiện chung.

Bạn có thể thấy nói chuyện chân thật không lừa dối lương tâm, không gạt thiên lý thì họ có thể được thiện chung. Người niệm Phật chúng ta đều mong cầu lúc lâm chung “Thân không bệnh khổ, ý không điên đảo, tâm không tham luyến”, có thể tự tại vãng sanh. Muốn cầu như vậy thì trong cuộc sống hằng ngày, phẩm hạnh, tu trì đều phải vô cùng thận trọng.

Trong niệm Phật đường thường treo một câu nói là “Bớt nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật”. Bên ngoài giảng đường của chúng ta cũng có, chính là nhắc nhở chúng ta “Nói nhiều lời không bằng ít”, tốt nhất là không nên nói chuyện, tịnh khẩu niệm Phật có rất nhiều lợi ích. Ở Thâm Quyến chúng ta có một đạo tràng, ở đó có một người thanh niên hơn ba mươi tuổi là cư sĩ Hoàng Trung Xương. Anh niệm Phật ba năm, niệm thành công rồi, biết trước ngày giờ, niệm Phật vãng sanh. Anh dùng công phu gì vậy? Chính là tịnh khẩu niệm Phật, không nói chuyện, tâm có thể an trụ trong tiếng Phật hiệu. Bạn nói nhiều một câu là dư thừa một câu, đó gọi là lời vô ích. Niệm nhiều một câu Phật hiệu thì được thêm một câu, vậy tại sao không cố gắng niệm Phật chứ? Xin xem câu tiếp theo:

“Lời gian xảo, từ bẩn thỉu. Thói tầm thường, phải trừ bỏ”

Câu này giảng về nói chuyện, nói chuyện phải chú ý trừ bỏ một số thứ không tốt, một số lời không tốt. “Lời gian xảo” là thuộc vào những lời nói hư dối xảo trá. Trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” nói mười loại ác nghiệp thì đây thuộc về ỷ ngữ. “Từ bẩn thỉu” là thuộc về ác khẩu. Những thứ ác nghiệp này chúng ta biết nhất định phải trừ bỏ, vì sao vậy? Bởi vì thường nói những lời này sẽ khiến tâm của mình bị lệch lạc. Tâm của chúng ta vốn dĩ là thuần thiện thuần tịnh. Nếu thường bị tiêm nhiễm bởi những tập khí nói chuyện không tốt này thì dần dần tâm cũng biến thành hư ngụy. Cho nên những lời xảo biện vô lý, lời nói ngon ngọt, nói những lời bợ đỡ vô vị, những lời a dua nịnh hót không phù hợp thực tế; hoặc là nói những lời thô lỗ, lời cục cằn thô tục, những lời bẩn thỉu khó nghe, tất cả những lời này đều phải trừ bỏ.

Thói tầm thường, phải trừ bỏ”, thói tầm thường chính là cách nói chuyện thô lỗ, thậm chí là nói những lời bẩn thỉu. Những lời nói như vậy khiến người khác cảm thấy bạn rất không có giáo dưỡng. Chúng ta làm một người chánh nhân quân tử thì từ lời nói, từ cử chỉ đều phải chánh, người học Phật đặc biệt phải chú ý điều này. Bởi vì chúng ta học Phật rồi nên biết được phải bảo vệ hình tượng của Phật giáo. Nếu để người ta thấy bạn nói “lời gian xảo, từ bẩn thỉu”, thấy bạn nói chuyện đều vô cùng khó nghe, vô cùng thô lỗ thậm chí là nói rất tục tĩu, những điều này đều làm tổn hại rất lớn đến hình tượng của Phật giáo. Xin xem câu tiếp theo:

“Thấy chưa thật, chớ nói bừa. Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”

Ở đây nói chúng ta nói chuyện phải rất cẩn thận. Nếu nhìn thấy việc không đáng tin lắm thì đừng tùy tiện nói lung tung. Bạn biết những chuyện không chính xác, không xác thực lắm, những chuyện như vậy thì không được đi loan truyền, không được khinh suất rao truyền. Nếu trong này có những chuyện thị phi, nói người nào đó, anh A nói chuyện thị phi của anh B, nói tốt như thế nào đó hoặc không tốt như thế nào đó, nếu chúng ta không biết chính xác thì không được đi loan truyền. Cho dù bạn biết chính xác nhưng phải biết không được rao truyền chuyện thị phi, nghe là được rồi hà tất phải đi nói cho người khác biết? Nói những chuyện đó không giúp đức hạnh, học vấn của mình tiến bộ mà ngược lại có khả năng sẽ kết oán thù với người ta.

Đặc biệt là lúc nói những tin đồn nhảm, phải biết những tin đồn ấy đến chỗ ta thì phải chặn lại, không được tiếp tục truyền đi nữa, “lời đồn dừng ở chỗ người trí”. Tâm để ở trong đạo, đừng để những chuyện nhỏ nhặt làm động tâm, những chuyện thị phi làm dao động. Đặc biệt là trong đạo tràng, phải biết nói chuyện thị phi trong đạo tràng thì tội tăng thêm một bậc. Bởi vì đây là phá hoại sự hòa hợp trong đạo tràng. Chúng ta nói Tăng đoàn, tức là đoàn thể chân thật cùng tu với nhau, đoàn thể học Phật chí đồng đạo hợp tu lục hòa kính, đó gọi là Tăng đoàn. Nếu nói thị phi ở trong đó, kiếm chuyện sinh sự phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn thì tội đó quả thực là vô cùng nặng, đó là quả báo ở địa ngục A Tỳ.

Trong “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh” có nói một ví dụ như vậy. Có hai vị Pháp sư xuất gia, họ giảng pháp rất hay. Có một nhóm Tỳ Kheo trì giới tinh nghiêm nhưng bởi vì sanh tâm đố kị. Do vì đố kị nên đã kiếm chuyện sanh sự, nói những lời thị phi, nói hai vị Pháp sư giảng pháp này làm chuyện dâm dục. Thính chúng nghe thấy như vậy thì nói: “Ồ! Vì sao nhân phẩm của Pháp sư lại kém như vậy, không nghe ông ta giảng nữa”. Kết quả nhân duyên nghe pháp của chúng sanh bị đoạn mất. Sau khi đoạn mất, không ngờ nhóm Tỳ Kheo này ngay đời đó bị đọa địa ngục.

Người kiếm chuyện sanh sự sẽ bị đọa địa ngục. Trước tiên là địa ngục A Tỳ, sau đó trải qua từng địa ngục một. Trên Kinh ghi chép đọa ở trong đó mười tám triệu năm. Sau khi thoát khỏi địa ngục, dù được thân người nhưng là người nghèo cùng hạ tiện, các căn không đầy đủ, là người tàn phế. Cho nên từ đây thấy được, nói chuyện thường tạo ác nghiệp rất nặng, chúng ta không thể không cẩn thận.

 Có lúc bản thân người học Phật chúng ta thường chứng một số cảnh giới. Ví dụ đạt được sự khinh an, có một chút pháp hỷ, niệm Phật cũng rất tốt, lúc này họ thường hiểu lầm bản thân có thể đã chứng được một số quả vị gì đó, có những việc như vậy. Họ cảm thấy có phải mình đã chứng quả A La Hán rồi không, niệm Phật có phải đã niệm được công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn rồi không. Những chuyện này có thể là do họ không hiểu rõ kinh giáo, cho nên họ không chắc chắn, họ hiểu lầm, xem những cảnh giới này của bản thân rất cao, sau đó họ nói với người khác. Lúc nói như vậy thường sẽ có nhân quả. Bởi vì trên Kinh nói rằng “Chưa chứng mà nói chứng, tội này thuộc vào đại vọng ngữ”. Bản thân chưa đạt được công phu đó, cảnh giới đó mà bạn nói mình đã đạt được thì đó là đại vọng ngữ, nhân quả đó cũng rất nghiêm trọng. Cho nên bản thân không chắc chắn lắm thì tốt nhất đừng nên nói, tu hành là chính mình dụng công, hà tất phải để người khác biết? Xin xem câu tiếp theo.

“Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”

Câu này nói bất cứ việc gì cũng phải biết nên chừa một con đường rút lui. Những chuyện không nên nhận lời thì bạn đừng nên dễ dàng nhận lời. Bởi vì nếu bạn nhận lời nhưng đến lúc đó làm cũng sai mà không làm cũng sai, tiến không được mà thoái cũng không xong. Cho nên “Chớ dễ nhận”. Nếu bạn dễ dàng nhận lời mà tiến thoái cũng đều sai thì sẽ trở thành khó cả đôi đường, cưỡi lên lưng hổ rồi thì rất khó xuống. Cho nên, chúng ta nói chuyện phải vô cùng chú ý. Tóm lại là nói ít thì sai ít, nói nhiều thì sai nhiều.

Người xưa khi họ nói chuyện thì một lời có thể khiến đất nước hưng vượng, đương nhiên một lời cũng có thể khiến đất nước suy bại. Cho nên nói chuyện không thận trọng không chú ý có thể sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Nhất là những người ở địa vị cao và những người có sức ảnh hưởng rất lớn thì nói chuyện phải đặc biệt thận trọng.

Có lúc chúng ta làm việc, ví dụ trong một đạo tràng đều có phân công công việc khác nhau, một công việc đương nhiên đều có người phụ trách công việc đó. Người phụ trách sẽ đưa ra quyết sách, nếu bạn không phải là người phụ trách thì bạn không được thay người phụ trách nhận lời bất cứ việc gì, nếu không đến lúc đó sẽ “tiến lui sai”. Cho nên người xưa nói rằng: “Không ở vị trí đó thì không đưa ra sách lược”. Những việc này đều là học vấn trong cuộc sống mà chúng ta cần phải hiểu. Nếu bạn không ở vị trí đó mà bạn thay những người ở vị trí đó đưa ra quyết định thì thường sẽ dẫn đến rất nhiều phiền phức.

Tóm lại, một bí quyết chính là nói ít, nói ít thì sai ít. Người thường dễ dàng nhận lời thì chữ “Tín” của họ cũng ít. Nếu thường ít nói chuyện, ít nhận lời thì ngược lại chữ “Tín” của họ có thể sẽ tốt hơn. Cho nên thà ít nhận lời còn hơn ít giữ chữ “Tín”, việc này còn tốt hơn. Xin xem câu tiếp theo:

“Phàm nói chuyện, nói trọng điểm. Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ”

Ở đây nói, phải hiểu khi nói chuyện, âm thanh của từng chữ phải có lực, từng chữ từng chữ nói cho rõ ràng rành mạch. Mặc dù nói rõ ràng rành mạch nhưng mỗi chữ nói ra cũng không cần phải nặng như búa, người nghe thấy cũng rất khó chịu. Cần hiểu, phải nói từng chữ một cách thoải mái, rất thư thái, rất tự nhiên, người nghe cũng cảm thấy dễ chịu. Thông thường mọi người nói chuyện thường có hai khuyết điểm, một là “nói nhanh” tức là nói chuyện nói rất nhanh, còn một cái là “mơ hồ”. Nói chuyện mơ hồ không rõ ràng, nghe không rõ họ đang nói cái gì.

Trên cách thức nói chuyện đều cần phải lưu tâm chú ý những điểm này. Khi nói chuyện cần biết nhanh chậm phải có mức độ. Trong những trường hợp không giống nhau, thì tốc độ nói chuyện của bạn cũng phải điều chỉnh cho tương đối phù hợp. Ví dụ khi giảng bài, đối diện với đông đảo thính chúng, thì bạn giảng bài không được nói quá nhanh, nói quá nhanh thì thính chúng bên dưới sẽ nghe không rõ ràng. Khi nói chuyện riêng thì bạn không cần nói quá nghiêm túc, nói quá chậm, như vậy sẽ ảnh hưởng đến cách thức giao lưu nói chuyện giữa hai bên.

Cho nên phải hiểu khi nói chuyện cần có một sự kết hợp giữa cương và nhu với khí chất quang minh chính trực. Nếu bạn chú ý điểm này, người nói chuyện từ tốn thì thấy được người này rất có khí chất ung dung rộng lượng. Ở đây cũng phải đặc biệt nhắc đến việc niệm Phật, khi niệm Phật cũng phải niệm từng chữ, từng chữ rõ ràng. Trong miệng niệm A Di Đà Phật, miệng niệm ra thì tai cũng phải nghe rõ ràng. Phật hiệu nghe từ tai đi vào trong tâm mình, khắng khít như vậy. Niệm cho tốt từng tiếng Phật hiệu, không được niệm lướt qua trên miệng, niệm lướt qua trên miệng thì tâm bạn không tập trung, đương nhiên sẽ không có hiệu quả.

Cho nên pháp môn niệm Phật mà chúng ta tu là trì danh niệm Phật, phải hiểu được đạo lý “miệng niệm tâm nghe”. Đây là cách niệm Phật mà lão cư sĩ Hạ Liên Cư khuyên dạy chúng ta. Miệng niệm ra tiếng, có thể nhỏ tiếng một chút nhưng phải niệm rõ ràng rành mạch, sau đó dùng tâm để nghe, dùng tâm nghe thì tai sẽ được thu nhiếp. Bạn dùng tâm để nghe thì tâm cũng được thu nhiếp, miệng cũng thu nhiếp. Ba căn tâm, miệng, tai được thu nhiếp thì sáu căn cũng có thể được thu nhiếp. Đây gọi là “thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục”. Niệm Phật như vậy thì sẽ dễ đắc lực. Xin xem câu tiếp theo:

“Kia nói phải, đây nói quấy. Không liên quan, chớ để ý”

Ở đây là nói chuyện tốt xấu của người, chính là nói thị phi. Họ nói tốt, bạn nói xấu, họ Trương tốt, họ Lý xấu. Đó đều thuộc về chuyện thị phi. Phải hiểu nhất định không được nói chuyện thị phi. Cho dù bạn thấy người ta làm sai, nếu không phải nơi thích hợp thì chúng ta không nên tùy tiện nói ra. Những việc không liên quan đến mình thì đừng quan tâm, đừng nên nhiều chuyện, trong tâm thanh tịnh không có việc gì thì vui vẻ biết bao tự tại biết bao. Hà tất phải đem những chuyện thị phi nhân ngã chất chứa vào trong tâm mình khiến bản thân không được thanh tịnh. Hơn nữa chúng ta đi nói chuyện đúng sai, nói chuyện thị phi của người khác thì thường đều kết oán thù với người ta. Có thể bạn cho rằng kết quả của việc kết oán thù này không xem là nghiêm trọng lắm, nhưng không ngờ rằng trong tâm họ rất oán hận bạn. Người xưa nói rằng: “Dao sắc cắt thân còn dễ lành”. Bạn lấy dao cắt vào thịt trên thân mình thì trước sau vết thương này cũng sẽ lành nhưng “Lời ác tổn hại người thì hận khó phai”, họ và bạn không lành lại được.

Trong lời di chúc của tiên sinh Dương Tiêu Sơn thời nhà Minh có nhắc đến “Có người nói: người nào đó oán hận bạn, hủy báng bạn”. Ý nói có người nói với bạn rằng người nào đó oán hận bạn, còn phỉ báng bạn. Lúc đó bạn sẽ nói như thế nào? Bạn nên nói như thế nào? “Bình thường anh ấy và tôi quan hệ rất tốt, làm gì có chuyện oán hận hủy báng chứ”. Bạn nên trả lời họ như vậy, bình thường người đó và tôi quan hệ rất tốt thì làm sao họ có thể oán hận tôi, làm sao có thể phỉ báng tôi được chứ? Nhất định phải buông bỏ lời thị phi này, chặn đứng những lời nói xấu tốt, không để những lời thị phi xấu tốt này lan truyền ra ngoài, như vậy tốt biết bao. Cho nên cổ đức có câu: “Đừng nói thị phi chuyện của người. Nói qua nói lại chuốc tai ương. Nếu như tịnh khẩu không lên tiếng. Là cách tu hành đệ nhất phương”. Đây đều là những lời nói chân thật đầy trí huệ.

Trong “Đàn Kinh” Lục Tổ Đại sư cũng khuyên dạy chúng ta rằng “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá”. Tức là người chân thật tu hành thì không nên nhìn lỗi của người thế gian, dù có nhìn thấy thì họ cũng không để ở trong tâm. Họ không nhìn, không nghĩ tới lỗi lầm của người khác, thật sự làm được “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Đây là một điểm vô cùng quan trọng đối với người học Phật chúng ta. Xin xem câu tiếp theo:

“Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp”

Câu này ý nói chúng ta nhìn thấy chỗ thiện của người khác, nhìn thấy người khác có ưu điểm thì phải hiểu được “thấy người tốt nên sửa mình”, hiểu được phải noi theo họ, học tập họ. Cho dù là cách họ rất xa, “dù còn xa” thì bạn cũng phải cố gắng dần dần để theo kịp họ, noi gương họ. Thấy người tốt nên sửa mình, mong muốn học tập, mong muốn noi gương người tốt chính là một cách giúp chúng ta không ngừng nâng cao chính mình. Thánh nhân chẳng qua là mỗi ngày đều sửa lỗi hướng thiện mà thôi.

Bạn xem học trò của Khổng Tử, môn sinh đắc ý nhất là Nhan Hồi, người Khổng Tử tán thán nhất là ông, ông là truyền nhân của Khổng Tử. Tại sao Khổng Tử lại tán thán Nhan Hồi rằng: “Đắc nhất thiện, tắc quyền quyền phục ưng nhi phất thất chi hĩ”. Ý nói: Nhan Hồi nhìn thấy người khác có một điều thiện, nhìn thấy họ có một ưu điểm thì ông luôn giữ trong lòng, luôn muốn bản thân học được ưu điểm này, ông không buông bỏ đối với việc theo đuổi điều thiện lành. Bạn xem trên Kinh Phật đều khuyên dạy đại chúng chúng ta rằng “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Tức là hết thảy các việc ác đều không làm, đều không được làm, hết thảy việc thiện lành đều phải làm, phải phụng hành. Như vậy thì có thể trở thành thiện nam tử, thiện nữ nhân như trong kinh đã nói, họ sẽ có tư lương để vãng sanh.

Chúng ta phải biết, kỳ thực bổn tánh của con người vốn là thiện, mỗi người vốn dĩ đều không hề khác biệt. Người học Phật chúng ta càng hiểu rõ hơn. Thích Ca Mâu Ni Phật sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, câu đầu tiên Ngài đã nói rằng: “Chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”. Chúng sanh và Như Lai không hề khác biệt. Chư Phật có trí huệ đức tướng của Như Lai, chúng sanh như chúng ta cũng đều có, bạn cũng có, tôi cũng có. Đã có vậy tại sao không sánh bằng chư Phật Như Lai vậy? Tại sao chúng ta khác biệt với Thánh Hiền xa như vậy? Không phải vì trên bổn tánh của chúng ta có gì khác biệt, trên bổn tánh không có khác biệt. Đó là vì tập khí của chúng ta, chúng ta lớn lên đã tiêm nhiễm những tập khí tật xấu đó.

Trong “Tam Tự Kinh” nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập tương viễn”. Tập khí tật xấu khiến chúng ta cách xa Thánh Hiền nhân, chư Phật Bồ Tát, nhưng chúng ta biết những tập khí tật xấu đó vốn dĩ đều không có. Vốn dĩ đã không có thì chúng ta có lòng tin rằng có thể trừ bỏ chúng. Chúng ta vốn có bổn thiện, vốn có trí huệ đức tướng của Như Lai thì chúng ta có thể hồi phục lại. Cho nên “Dù còn xa, cũng dần kịp”, dần dần chúng ta cũng có thể trở thành Thánh Hiền. Mạnh Tử nói rằng: “Ai cũng có thể trở thành Nghiêu Thuấn”. Nghiêu Thuấn là Thánh Hiền nhân, mỗi người chúng ta đều có thể trở thành Thánh Hiền nhân như Nghiêu Thuấn. Xin xem câu tiếp theo:

“Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác”

Điều này ý nói nhìn thấy người khác không tốt, có khuyết điểm, có chỗ xấu ác thì chúng ta nên dùng thái độ gì? Có phải là phê bình họ thậm chí là đi khắp nơi nói thị phi hay không? Không phải, mà phải quay lại suy xét chính mình, xem mình có hay không, tự mình phản tỉnh một chút. Bởi vì bản thân chúng ta không dễ dàng nhìn ra lỗi lầm của mình mà thường rất khó khăn. Bạn dễ dàng nhìn ra lỗi lầm của người khác. Thấy lỗi lầm của người khác thì phải như thế nào? Lập tức nghĩ xem bản thân mình có hay không, “lấy người làm gương, có thể hiểu rõ được mất”. Bản thân mình có thì phải lập tức sửa đổi, “có thì sửa”. Nếu bản thân không có, không có thì càng phải cố gắng phát huy, cảnh giác, không để tương lai mình phạm phải những lỗi này.

Đó chính là như Khổng Tử đã nói: “Ba người cùng đi, ắt có người là thầy ta”. Ba người này là ba người nào? Một người là người thiện, họ có những ưu điểm tốt. Một người là người bất thiện, họ có những khuyết điểm rất xấu ác, còn một người nữa là chính mình. Ba người này cùng đi với nhau thì nhất định có người làm thầy của ta. Tức là hai người họ đều là thầy của mình. Người thiện dạy ta thấy người Hiền phải học tập, cố gắng hướng thiện. Người ác, người bất thiện dạy ta phải phản quan nội tỉnh xem mình có những tật xấu, có những khuyết điểm đó hay không. Có thì phải nhanh chóng sửa lại, không có thì khuyến khích, tương lai không được vi phạm. Cho nên, “chọn điểm tốt của người để học tập, còn khuyết điểm của họ thì để sửa đổi”, chính là đạo lý này.

Ba người cùng đi không phải là tùy tiện tìm ba người, trong đó có một người là thầy của mình, giải thích như vậy thì quá nông cạn. Ba người chính là gì? Người thiện và người bất thiện, hai người đó đều là thầy của chúng ta. Nhìn thấy thiện mà không biết noi theo thì đó gọi là “tự chê tự bỏ”. Thấy ác, thấy bản thân mình cũng có những điểm xấu ác, những khuyết điểm như vậy mà không chịu sửa đổi thì đó gọi là “tự gạt mình”. Những điều này đều phải trừ bỏ. Xin xem câu tiếp theo:

“Chỉ đức học, chỉ tài nghệ. Không bằng người, phải tự gắng”

Câu này ý nói khi chúng ta ở cùng bạn học, nhìn thấy bốn phương diện “Đức, Học, Tài, Nghệ” của họ đều tốt hơn mình thì chúng ta phải tự nỗ lực hơn, học tập họ, cố gắng nâng cao chính mình, gắng sức để theo kịp họ.

“Đức”, chúng ta biết đức là chỉ đạo đức. Thời xưa nói bát đức là “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”. Đây là bát đức, những đức hạnh này là căn bản để làm người. Khổng Tử cũng có năm đức, là do học trò của Khổng Tử tán thán thầy, nói Khổng Tử có “Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng”, là Ôn hòa, Thiện lương, Cung kính, Tiết kiệm, Nhẫn nhường. Năm đức này cũng thuộc về Đức, đều là những đức hạnh rất tốt mà chúng ta nên tu dưỡng, đó gọi là phẩm đức của Thánh Hiền.

“Học” đương nhiên là học vấn, bao gồm cả tri thức, chúng ta phải cố gắng học tập giáo dục của Thánh Hiền.

“Tài” là chỉ tài hoa, tài nghệ, tài năng.

“Nghệ” là chỉ tài nghệ, nghệ thuật, những điều này chúng ta nên cố gắng nỗ lực để nâng cao.

Con người phải biết hiếu học, người hiếu học thì gần với trí. Người hiếu học thì tương tự người trí. Nếu không hiếu học, nhìn thấy người khác đều giỏi hơn chúng ta mà chúng ta vẫn còn cam tâm đọa lạc, không chịu cố gắng khích lệ, không chịu nâng cao chính mình thì chúng ta hiểu được đây gọi là “cam tâm đọa lạc”, đó là điều rất đáng hổ thẹn. Chúng ta biết “Sỉ” thì gần với “Dũng”, hiểu được chúng ta không bằng người là nỗi nhục của chúng ta thì chúng ta phải cố gắng để theo kịp họ, đó là chân thật dũng mãnh.

Trên con đường học Phật, chúng ta nhìn thấy những Tổ sư Đại đức xưa nay các Ngài có thể thành tựu. Hiện tại nhìn thấy lão Pháp sư của chúng ta, nhìn thấy những đồng học ở bên cạnh chúng ta rất tinh tấn, rất nỗ lực, họ đều tiến bộ còn chúng ta vẫn lòng vòng ở dưới, đây là nỗi nhục nhã của chúng ta, chúng ta phải “không bằng người, phải tự gắng”. Xin xem câu tiếp theo:

“Nếu quần áo, hoặc ăn uống. Không bằng người, không nên buồn”

Câu này nói, nếu trên phương diện y phục, ăn uống không tốt bằng người khác thì trong tâm cũng đừng nên buồn rầu khó chịu. Vì sao? Bởi vì người chân thật học đạo, các bậc chánh nhân quân tử chân thật có phẩm đức thì những thứ họ ngưỡng mộ không phải là quần áo ăn uống. Họ ngưỡng mộ bốn điều phía trước vừa nói là “Đức, Học, Tài, Nghệ” của người, cái họ ngưỡng mộ là đạo, cho nên người xưa nói rằng: “Quân tử cầu đạo không cầu thực, lo đạo không lo nghèo”. Nếu bản thân không có đạo, không có đức hạnh, không có học vấn, đây là điều khiến chúng ta lo lắng. Không phải vì quần áo không đủ đẹp, đồ ăn không đủ ngon mà họ lo buồn. Người như vậy gọi là tiểu nhân.

Bạn xem những người chân thật học Phật như chúng ta, đặc biệt là những người trẻ tuổi như chúng ta đi trên con đường giáo dục Thánh Hiền. Tôi cũng đã từ bỏ công việc ở trường Đại học, không làm giáo sư nữa mà làm thầy giáo dạy giáo dục Thánh Hiền. Hiện nay, học giảng kinh thì phải biết học tập người quân tử cầu đạo không cầu thực. Mặc dù được lương bổng rất tốt, nhưng phải hiểu rằng tiền lương đó là cầu thực, hiện nay cái chúng ta cần cầu là đạo. Cho dù là nghèo khổ, cho dù là quần áo, ăn uống không được như trước kia thì trong tâm chúng ta nhất định không được sanh khởi mảy may chút khó chịu nào.

Chân thật để tâm ở nơi đạo, hết thảy đều giao cho Phật Bồ Tát, để Phật Bồ Tát sắp xếp tương lai cho chúng ta. Không những giao thân mạng của mình cho Phật Bồ Tát, mà ngay đến gia đình của mình, tánh mạng của cả gia đình đều giao cho Phật Bồ Tát thì con đường tương lai nhất định sẽ xán lạn. Bạn xem trong “Luận Ngữ” Khổng Tử nói rằng: “Kẻ sĩ lập chí nơi đạo”. Sĩ là người đọc sách, người muốn học đạo của Thánh Hiền, họ lập chí cầu đạo “mà còn xấu hổ vì áo thô rách cơm đạm bạc thì không cần nói chuyện với họ”. Câu này ý nói người chân thật cầu đạo mà họ còn không vừa ý đối với quần áo của mình, còn cảm thấy xấu hổ vì quần áo không đẹp, đồ ăn không ngon, họ vẫn còn thái độ như vậy thì Khổng Tử nói: “Bất túc dữ nghị dã”, tức là không cần nói chuyện với họ nữa. Người như vậy căn bản là họ không để tâm ở nơi đạo. Chúng ta hiểu được điều này thì phải chân thật học cách làm sao để tâm mình chánh trực. Kỳ thực, khi tâm chúng ta để ở nơi đạo, chúng ta hiểu được mình có thể đạt được niềm vui chân thật từ trong chánh pháp, từ trong kinh sách của Thánh Hiền thì đó gọi là Pháp lạc. Khổng Tử nói rằng: “Học mà thường thực hành thì còn gì vui hơn”. Đây là niềm vui sướng chân thật, niềm hoan hỷ tuôn ra từ nội tâm.

Quần áo, đồ ăn không tốt không đáng để lo buồn. Bạn xem Hồng Ứng Minh tác giả của cuốn “Thái Căn Đàm”. Ông dùng “Thái Căn Đàm” ba chữ này rất có ý nghĩa. Đồ ăn của ông là gốc rau, nhưng ông nói đều là những lời rất trí huệ, niềm vui sướng có ở trong đó. Ông nói “Nhân”, là người đời, phàm phu tục tử “Tri danh vị vi lạc”, tức là họ chỉ biết danh văn lợi dưỡng là vui, họ “không biết không danh không vị là niềm vui chân thật nhất”. Khi chúng ta không có danh văn lợi dưỡng, mặc đồ rất giản dị, ăn uống cũng rất đạm bạc, trong này có niềm vui chân thật mà phàm phu, người đời thông thường không biết. Người đời “Biết đói rét là nỗi lo”. Họ chỉ biết đói bụng, lạnh giá, không quần áo, không đồ ăn là nỗi lo. Nhưng nếu họ “không biết đến cảnh lo đói rét thì càng thê thảm hơn”. Khi một người không biết đến cảnh đói rét có thể họ sẽ ăn tiêu phung phí, sống không thận trọng, mê hoặc điên đảo, tạo nghiệp trong phước báo đó. Phải biết đây chính là điều khiến con người lo lắng nhất. Bản thân họ không biết đến nỗi lo đó. Người ngoài, người có đạo đức, có học vấn nhìn thấy rất rõ ràng, tương lai họ phải đọa ác đạo, đây mới là cái chân thật đáng lo. Xin xem câu tiếp theo:

“Nghe lỗi giận, nghe khen vui. Bạn xấu đến, bạn hiền đi”

Câu này nói khi kết giao với bạn bè cần giữ một niềm tin như thế nào? Chương này nói về “Tín”. Bạn xem vừa rồi nói tới cái đáng ngưỡng mộ là “Đức, Học, Tài, Nghệ” chứ không phải là lo lắng về ăn uống y phục. Đây là một loại lòng tin. Điều phía sau này là nói khi ở cùng bạn bè, chúng ta đều hy vọng được ở cùng bạn lành để có thể nâng cao bản thân. Nhưng bạn muốn có những người bạn tốt chân thật thì mấu chốt vẫn phải dựa vào chính mình. Vì sao? Ví dụ trong tâm chúng ta không có thái độ tốt, bạn tốt ở trước mặt nhưng thường bỏ lỡ cơ hội. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Điều này là một vấn đề “Nghe lỗi giận, nghe khen vui”. Nghe thấy người khác nói lỗi lầm của mình thì liền nổi giận, tức giận, trong tâm vô cùng khó chịu. Thậm chí có lúc bạn vì muốn thể hiện mình có tu dưỡng nên nghe thấy người khác khuyên can mình, thì bề ngoài tuy không biểu hiện ra dáng vẻ tức giận nhưng trong tâm đã khởi lên sân giận.

Khi chúng ta nghe thấy người khác khen ngợi rằng “Anh tu đạo rất có công phu, niệm Phật có thể niệm một ngày một đêm không ngủ nghỉ, thật cừ khôi”, “Anh giảng kinh nói pháp rất hay”, bạn nghe thấy những lời tán thán mình thì dương dương tự đắc. Nếu như vậy thì ai sẽ đến thân cận bạn? Vậy thì những người không phê bình lỗi lầm của bạn sẽ đến, họ đến a dua nịnh hót bạn, đến đều tán thán bạn rất tốt rất giỏi, những người khiến bạn dương dương tự đắc sẽ đến tụ hội cùng bạn. Những người bạn chân thật cho bạn những lời khuyên thẳng thắn, những người bạn tốt giúp bạn nâng cao đạo đức học vấn thì họ sẽ rời xa, họ sẽ không ở cùng bạn. Vì sao vậy? Bởi vì họ khuyên bảo bạn nhưng bạn không thể tiếp nhận, mà họ lại không biết nịnh hót bạn nên đương nhiên họ sẽ rời xa bạn. Vậy cuối cùng ai là người chịu ảnh hưởng? Vẫn là chính mình chịu ảnh hưởng. Cho nên nghe lỗi lầm, người xưa nói rằng: “Được người chỉ ra lỗi lầm thì vui mừng”. Điều này vô cùng quan trọng. Nghe người khác nói lỗi của mình thì chính là lúc mình nên sửa đổi cái lỗi đó. Người ta nếu không phải là bạn bè tri kỷ, không phải là người chân thật từ bi thì họ sẽ không chịu nói ra lỗi của bạn, để tránh đắc tội với bạn. Cho nên chúng ta cảm ơn đội đức họ còn không kịp thì làm sao có thể nổi giận được chứ?

Nổi giận rất phiền phức, nổi giận chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Ở Mỹ có một nhà sinh lý học tên là Elma, nhà khoa học này nghiên cứu khi con người nổi giận, ông đã nghiên cứu như thế nào? Ông lấy một ống nghiệm nước hòa vào nước đá để đúng ở 0oC. Khi nước ở 0oC, một người sau khi nổi giận xong thổi hơi thở vào ống nghiệm này, kết quả màu sắc của chất kết tủa biến thành màu tím, rất đáng sợ. Phải biết rằng máu trong cơ thể của chúng ta đều là nước, trong cơ thể người bảy mươi phần trăm là nước. Hóa ra khi chúng ta nổi giận thì lượng nước này đều biến thành kết tủa màu tím. Bạn nghĩ xem vậy thì thân thể làm sao có thể khỏe mạnh được chứ? Cho nên một lần nổi giận sẽ khiến thân thể tổn hại vô cùng lớn, ăn bao nhiêu chất dinh dưỡng cũng không bù lại được, trong cơ thể có độc tố. Trong “Văn Sao” Ấn Quang Đại sư nói rằng: “Phụ nữ nếu nổi giận thì không được cho con bú sữa”. Bởi vì họ nổi giận thì sữa trong người đều có độc tố, trẻ nhỏ sau khi bú xong, nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể sẽ chết. Nhà sinh lý học Elma này đã lấy nước mà những người nổi giận thổi hơi thở vào đem cho chuột bạch uống, đem nước tức giận này tiêm vào người chuột bạch, kết quả sau khi tiêm xong vài phút thì những con chuột bạch này đều chết hết. Có thể thấy nổi giận có hại vô cùng lớn.

Cho nên, khi chúng ta nghe người nói lỗi mình mà nổi giận thì sẽ sanh ra ảnh hưởng không tốt đối với thân tâm. Những lúc này thì tiểu nhân và những người bạn xấu thường sẽ tụ hội lại với nhau. Cái gì gọi là bạn xấu? Trong “Luận Ngữ” có một định nghĩa về bạn xấu. Ba hạng người là bạn xấu. Loại thứ nhất là “bạn nịnh hót”, tức là chỉ những người giỏi nịnh bợ, nịnh hót, những người này là bạn xấu. Một loại nữa là “bạn a dua”, tức là họ giỏi xu nịnh, lấy lòng bạn, nói những lời ngon ngọt để lừa gạt bạn. Loại thứ ba là “bạn khéo nói”, tức là họ giỏi ăn nói, rất có khẩu tài, thậm chí họ có thể nói những chuyện thị phi thành điên đảo, nói giả biến thành thật. Những loại người đó đều là tiểu nhân, bạn xấu, họ nhất định sẽ kéo bạn xuống nước. Do vậy nên như thế nào? Nên kết giao với bạn tốt.

Bạn tốt là như thế nào? Bạn tốt cũng có ba loại. Một loại là “bạn chánh trực”, “bạn thành thực”, và “bạn kiến thức sâu rộng”. Bạn chánh trực tức là người chánh trực, tính tình cương trực, đó là người quân tử, họ kết giao với bạn thì đạo đức học vấn của bạn sẽ được nâng cao. Bạn thành thực tức là họ rất trung thực, trọng chữ tín, còn có thể khoan dung, đó chính là lượng. Phía sau nói là “trực lượng sĩ”, lượng cũng chính là ý nghĩa như vậy. Còn có những người bạn hiểu nhiều, bác học hiểu rộng, người rất có học vấn, những người này đều là bạn tốt.

Cho nên, bên cạnh có bạn tốt chân thật hay không, trên đường Bồ Đề của chúng ta có thể thuận buồm xuôi gió hay không thì bạn lành là một nhân tố quyết định. Muốn có thầy tốt, bạn lành thì mấu chốt không ở chỗ họ mà nằm ở chỗ chúng ta đối đãi với những người bạn tốt này như thế nào. Khi nghe thấy những lời khuyên bảo thẳng thắn của họ thì nên nghe lỗi thấy vui, lập tức sửa đổi bản thân. Nghe thấy những lời tán dương thì “nghe khen sợ”, rất sợ hãi người khác tán thán, sợ điều gì? Danh không xứng với thực, trong tâm có một tâm lý cảnh giác sợ sệt, được người trọng mà lo sợ. Người như vậy thì tự nhiên sẽ có nhiều thầy giỏi bạn lành, đạo nghiệp sẽ thăng tiến rất nhanh. Những điều này chúng ta nên bồi dưỡng từ nhỏ.

Hôm nay đã hết giờ rồi, chúng tôi tạm thời giảng đến đây. Cùng thời gian này ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục học tập. Xin cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật!


  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 197


Hôm nayHôm nay : 30184

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 979396

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43223540

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.