Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 338)

Thứ sáu - 25/12/2020 12:37

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 338

Vốn là không một vật”, cái ý này rất sâu. Nếu nói bạn nhập vào cái cảnh giới này thì sông núi đất đai thảy đều không có, không phải như vậy, nếu bạn có cách nghĩ như vậy là bạn hoàn toàn sai rồi. Cái cảnh giới này vẫn tồn tại, tồn tại cùng với chúng ta nhưng không liên quan vì ta đã giác ngộ rồi. Giống như chúng ta xem phim điện ảnh, màn ảnh chiếu phim, bạn biết chân tướng sự thật trên màn ảnh chiếu phim vốn là “không một vật”. Khi nó đang chiếu hình ảnh thì vẫn là “không một vật”, màn ảnh chiếu phim xưa đến giờ chưa từng bị tiêm nhiễm, bạn đã mê nên không biết, bạn nghĩ rằng trên màn bạc cả thảy đều biến thành những hình ảnh đang được chiếu, hợp lại thành một. Màn bạc là màn bạc, hình ảnh là hình ảnh, hai bên không có liên quan, chúng ta xem truyền hình cũng giống như vậy. Cho nên trước đây tôi giảng kinh cũng nói qua mấy lần, người biết xem phim điện ảnh, người biết xem truyền hình thì khai ngộ, từ đó bạn hướng vào trong Phật pháp sâu rộng mà thể hội. Bạn xem truyền hình, những thứ trong truyền hình bạn không cần để ý đến nó diễn như thế nào, đó là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, cái có thật đó là tấm màn bạc, bạn tuyệt đối không có một chút tiêm nhiễm nào, như vậy mới gọi là biết xem. Người biết xem, xem phim điện ảnh, xem truyền hình thì sẽ khai ngộ, người không biết xem thì sẽ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, nó cười thì bạn cười theo, nó khóc thì bạn khóc theo, bạn nói xem bạn có đáng thương hay không? Bạn hoàn toàn bị nó lôi cuốn. Người biết xem khi xem thì như như bất động, biết được trong đó “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, không có phân biệt chấp trước một chút nào, đủ dạng đủ kiểu trong đó bạn đều biết được rất rõ ràng thông suốt, đó là có trí huệ. Trong tâm bạn không khởi phân biệt vọng tưởng chấp trước, đó chính là định. Thiền định là bạn không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Thiền định rất là sâu, tu ở chỗ nào vậy? Xem truyền hình mà tu.

Cho nên người biết dụng công thì ở chỗ nào mà không thể dụng công, chỉ sợ là bạn không biết dụng công. Đi đến ngã tư đường, bạn dừng ở trên đường một chút, nhìn xem “hễ thứ có hình tướng đều là hư vọng”, vậy thì giống như xem truyền hình rồi, những thứ chuyển động đó đều là vọng động, bạn hiểu rất rõ, rất thông suốt, trong tâm của bạn không có phân biệt, không có chấp trước, không có khởi tâm, không có động niệm, tu thiền định ở ngay chỗ đó. Cho nên thiền định không phải là xếp bằng quay mặt vào vách, xếp bằng quay mặt vào vách thì thiền định như vậy không có tác dụng, đó là công phu thiền định của người mới bắt đầu.

Thiền định cấp cao, trong Kinh Hoa Nghiêm nói về thiền định cấp cao, bạn xem trong kinh Phật nói trưởng giả Dục Hương tu thiền định, tu ở nơi nào? Ở nơi chợ búa, ngày xưa gọi là thị triền (quán chợ), tức là Mall, công ty bách hóa hiện nay của chúng ta, nơi này rất náo nhiệt. Nơi chợ búa, nơi thị trường náo nhiệt nhất, trưởng lão ở nơi đó tu thiền định, ở nơi đó đi tới đi lui mà tu thiền định, Thiện Tài Đồng Tử đến tham vấn Ngài. Cho nên bạn phải biết, “Na-già thường tại định, vô hữu bất định thời” (lúc nào cũng trong định, không lúc nào chẳng định). Bạn hiểu được điều này, vậy tâm Bồ-đề của chúng ta luyện ở chỗ nào? Là luyện trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc, trong xử sự đối người tiếp vật, trong cảnh giới sáu căn tiếp xúc với sáu trần, như vậy bạn mới thật sự dụng công. Không phải bảo bạn lìa xa cái cảnh giới này, nếu bạn vẫn còn có xa vẫn còn có gần, bạn vẫn còn rơi vào vọng tưởng phân biệt chấp trước. Không có rời xa, không có đến gần, xa gần không hai, xa gần đồng thời, như vậy mới thật sự khế nhập cảnh giới. Sau đó bạn mới hiểu được, những điều mà Phật pháp mang đến cho chúng ta hoạt bát sinh động vô cùng, không phải là thứ khô khan cứng ngắc, thật sự là hạnh phúc mỹ mãn. Từ chỗ này mà sanh trí huệ, sanh phước đức, không sanh phiền não, không sanh tà niệm. Bồ-đề tâm liền hiện tiền, chân thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm cả thảy đều hiện tiền, hiện tiền không có trước sau. Cho nên những đạo lý này, nếu bạn không thường xuyên tụng kinh, nếu không hiểu sâu nghĩa thú thì làm sao bạn biết được, bạn làm sao biết tu hành.

Tu hành không phải là chuyện dễ dàng. Đến khi nào bạn có thể thực hiện được lý sự vô ngại thì bạn được một chút tự tại, nếu được sự sự vô ngại thì bạn được đại tự tại. Lý sự vô ngại thì thông thường Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát trong mười pháp giới đạt được điều này. Sự sự vô ngại là nhất chân pháp giới, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ, Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Thế giới Hoa Tạng là sự sự vô ngại. Điều này chúng ta phải học, mới bắt đầu học là luyện tâm. Từ xưa đến nay bất luận là tông môn, giáo hạ, hiển giáo, mật giáo, Tổ sư Đại đức dạy chúng ta tu hành đều là dạy tu từ căn bản. Người công phu thượng thừa cũng là tu từ căn bản, căn bản là gì? Căn bản chính là khởi tâm động niệm, bạn tu từ ở chỗ này. Mọi lúc ở mọi nơi, căn bản không có bất kỳ sự ràng buộc nào, đi đứng nằm ngồi đều là đạo tràng. Thứ bạn mỗi ngày đều tiếp xúc đến, cảnh giới mà sáu căn tiếp xúc, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng đều là nơi để bạn công phu. Hiện nay chúng ta nói chung là được một chút thông tin, trước tiên là tu điều gì?

Trước tiên là tu không chấp trước, đây là công phu chân thật, từ nơi không chấp trước phải đoạn ác tu thiện. Vì sao? [Đoạn ác tu thiện] là tu phước. Không chấp trước là tu định, tu huệ; đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức là tu phước, phước huệ song tu. Mọi lúc, mọi nơi, trong mọi cảnh duyên đều là nơi để cho chúng ta dụng công tu hành. Sau đó thì nhất hướng chuyên niệm, cầu sanh Tịnh Độ, đây mới thật sự là tu Tịnh Độ. Cuộc đời này của ta chỉ có một phương hướng, chỉ có một mục tiêu, cái phương hướng này là Thế giới Tây Phương Cực Lạc, một mục tiêu là phải gặp A Di Đà Phật, ngoài những điều này ra căn bản là đừng để trong tâm điều gì. Tu hành như vậy là vẫn chấp tướng. Chấp tướng là gì? Là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, chúng ta phải từ chỗ này mà bắt đầu. Không thể vãng sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ thì bạn làm sao vãng sanh Phương Tiện Hữu Dư Độ, bạn làm sao có thể vãng sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ? Không thể được! Phải từng giai đoạn, từng giai đoạn mà nâng lên. Chúng ta đạt được Phàm Thánh Đồng Cư Độ, đạt được một cách chắc chắn thì tiếp tục nỗ lực, nỗ lực thêm 2-3 năm nữa ta sẽ thăng cấp, nâng lên đến Phương Tiện Hữu Dư Độ. Đạt được Phương Tiện Hữu Dư Độ, tiếp tục dụng công, tiếp tục nỗ lực, sau vài năm nỗ lực thì ta có thể đạt được Thật Báo Trang Nghiêm Độ, sẽ vãng sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ thượng phẩm thượng sanh. Phàm phu cũng đều có phần, vấn đề là bạn phải biết tu. Việc tu hành này phải tu từ căn bản, phải từ đơn giản đến phức tạp, từ cạn đến sâu, từ từ mà tu. Một bước lên đến đỉnh thì có người không làm được, đó không phải là điều mà phàm phu có thể làm được. Cái gọi là một bước lên trời, đốn siêu đốn ngộ đó là người tái lai, giống như Lục Tổ Huệ Năng, những vị này không phải là phàm phu. Trong số Tổ sư Đại đức của chúng ta, quý vị biết rằng có rất nhiều vị là cổ Phật tái lai, Bồ-tát tái lai, đều là các vị tu hành nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ tái lai. Điều này nhất định phải biết. Những vị tái lai này các Ngài rất từ bi, cũng là thị hiện từng bước từng bước nâng cao, làm gương cho chúng ta, chúng ta thấy được rõ ràng, thấy được thông suốt thì sẽ học theo.

Cho nên chân thành là quan trọng hơn tất cả, tôi đặc biệt nói ba loại phiền não. Đó là kiến tư, trần sa, vô minh. Kinh Hoa Nghiêm thì gọi là chấp trước, phân biệt, vọng tưởng. Vọng tưởng chính là khởi tâm động niệm, Kinh Hoa Nghiêm nói chúng ta nghe tương đối dễ hiểu. Bạn hiểu rồi thì từ nay trở đi bạn hãy học, học không chấp trước, không chấp trước cái gì? Không để ý mọi người như thế nào là được. Họ làm đúng cũng được, họ làm không đúng cũng được, không có gì mà không được. Nhưng trong đó có điều phải chú ý là họ không có sự sai lầm to tát, sai lầm nhỏ thì không sao, không nên so đo tính đoán. Nếu gây ra sự tổn hại nghiêm trọng thì phải uốn nắn cho họ, phải đề phòng, chuyện nhỏ nhặt thì không cần để ý.

Bạn xem các vị làm quan trước đây rất cao minh, thời xưa các vị quan chức của chính phủ, mũ của họ đội đều có chuỗi ngọc. Làm quan càng to thì chuỗi ngọc ở trên mũ càng nhiều, quan nhỏ thì chuỗi thưa hơn. Bạn xem các vị đại phu thông thường, đại phu đại khái giống như quan trưởng ở cấp huyện của chính phủ hiện nay, họ quản lý một khu vực. Chuỗi ngọc của họ chỉ có 5 sợi rất là thưa thớt, cao hơn quan cấp huyện một bậc  thì có 7 sợi, cao hơn một bậc nữa thì có 9 sợi, vua thì có 12 sợi, giống như một tấm màn che vậy. Điều này có dụng ý gì? Không nên xem xét quá tỉ mỉ, như vậy thì công việc của cấp dưới mới có thể làm tốt, việc gì bạn cũng xem xét quá kỹ thì cấp dưới của bạn  không thể làm việc được, không dám làm việc. Cho nên bạn thấy xâu chuỗi ngọc đó có dụng ý rất tốt, hễ là địa vị càng cao thì hạt chuỗi trước mặt của bạn càng nhiều, để cho bạn không nên để ý quá kỹ. Trên xâu chuỗi ngọc của vua còn có bông vải che hai lỗ tai, không nên nghe quá kỹ, không nên nhìn quá kỹ, nền chính trị như vậy rất tốt. Nếu việc gì bạn cũng làm quá rõ ràng, thông suốt thì chẳng có ai dám làm việc, có ai dám làm việc với bạn chứ? Đến lúc đó thì trở thành người cô độc lẻ loi, bạn rất tội nghiệp, bạn rất mệt mỏi. Cho nên người lãnh đạo thì có quyền, người làm việc cấp dưới của họ có năng lực có thể làm việc, hãy phát huy khả năng làm việc của họ, để cho họ làm, để họ đóng góp ý kiến. Nếu ý kiến đó khả thi, không tổn hại điều gì thì bạn cứ [để họ] làm, họ mới có thể làm tốt được, họ mới có thể phát huy sở trường của họ, không nên ngăn cản họ. Bạn xem hiện nay các chế độ đều không có, bạn xem chế độ thời xưa vô cùng thú vị, quần áo mũ mão của họ đều là biểu pháp, đều là dạy cho bạn từng giờ từng phút cảnh giác bản thân nên làm như thế nào. Bạn thấy cấp trên của quan chức, bên trên cái mũ của họ là cái đỉnh bằng phẳng, bình là đại biểu cho sự bình đẳng, bạn nên dùng tâm bình đẳng, bạn xem trên cái mũ là bằng phẳng. Nhưng cái mũ của các quan bề tôi thì không bằng phẳng mà có cao thấp. Trước đây các bạn đi xem hát, họ đội cái mũ giống như có hai tầng vậy, phía trước thì thấp, phía sau thì cao, cái mão này gọi là tiến hiền quan. Người đội cái mão này thì luôn nghĩ, luôn mong muốn người đời sau sẽ giỏi giang hơn mình, chúng ta ở phía trước, đời sau sẽ ở trên, luôn luôn phải biết đề bạt người đời sau, mong muốn người đời sau có thể giỏi hơn mình, cao siêu hơn mình. Luôn luôn nhắc nhở chính mình, không phải bản thân mình ở trên cao rồi chèn ép người khác, vậy là xong rồi, quốc gia đó chắc chắn sẽ đi trên con đường diệt vong. Cho nên con người có thân phận như thế nào thì quần áo họ mặc, mũ mão họ đội đều không giống nhau, đây là học vấn, trong Phật pháp của chúng ta gọi là biểu pháp. Người xưa biết biểu pháp, dùng cách này thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân, cảnh tỉnh bản thân. Chúng ta không thể làm sai, không thể gây tổn thương người khác, không thể gây tổn thương cho xã hội, không thể làm tổn hại đại chúng, niệm niệm là vì quốc gia, vì xã hội, vì nhân dân mà phục vụ,  sự thật là như vậy. Nói nhiều như vậy cũng là nói về sự chí thành, chúng ta có khái niệm về chí thành rồi thì chí thành tâm khởi tác dụng.

Mười năm trước tôi còn ở nước Mỹ đã viết 20 chữ, đây là từ trong Kinh Vô Lượng Thọ, từ đầu đề của Kinh Vô Lượng Thọ mà được khải thị. Thanh tịnh bình đẳng chánh giác là thâm tâm, chính là tự thọ dụng. Thanh tịnh là chắc chắn không bị nhiễm ô, mỗi phút mỗi giây đều giữ tâm thanh tịnh cho chính mình, không bị nhiễm ô. Cái gì gọi là nhiễm ô? Là bạn đối với tất cả sự vật có phân biệt chấp trước, đó là nhiễm ô. Khởi tâm động niệm cũng là nhiễm ô, khởi tâm động niệm là nhiễm ô nhẹ, phân biệt chấp trước là nhiễm ô nặng. Trong sự phân biệt chấp trước, nếu khởi lên tham sân si mạn thì đó là sự nhiễm ô nghiêm trọng. Nếu bạn biết được những đạo lý này, hiểu được nghiệp nhân quả báo trong đó thì tự nhiên bạn sẽ biết tu.

Khi thấy sắc nghe tiếng, người sơ học chúng ta công phu ở chỗ nào? Là không khởi tham sân si, [nhưng] thật sự có phân biệt có chấp trước. Phân biệt chấp trước không dễ đoạn, không phải là chuyện dễ dàng, trước tiên là đừng để phân biệt chấp trước quá nghiêm trọng. Trước tiên phải thực hiện được bước không tham sân si thì bạn vẫn còn bị nhiễm nhưng không quá nghiêm trọng. Thành tựu của sự công phu cũng được khảo nghiệm ở tại chỗ này. Thí dụ như thuận cảnh, đối với thuận cảnh thì dễ sanh tâm tham ái, nghịch cảnh thì dễ sanh tâm sân nhuế. Chúng ta làm sao để giảm bớt tâm tham ái và sân nhuế, có thể mỗi năm mỗi nhẹ đi, mỗi năm mỗi nhạt dần thì công phu của chúng ta mới có tiến bộ, đây chính là cảnh giới tốt. Nếu mỗi ngày chúng ta đang niệm Phật tụng kinh, đang trong thời khóa công phu, sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, thuận cảnh thì tâm ưa thích của chúng ta không giảm đi, nghịch cảnh thì tâm sân nhuế của chúng ta không giảm xuống thì ta chẳng có một chút công phu nào. Không phải nói bạn mỗi ngày tụng bao nhiêu bộ kinh, dập đầu bao nhiêu cái, niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, đều không tính. Tổ sư Đại đức nói rất rõ ràng, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, phẩm vị cao hay thấp là do công phu sâu hay cạn, không phải nói bạn niệm Phật nhiều hay ít, không phải là nói bạn dập đầu bao nhiêu cái, bạn làm bao nhiêu việc tốt, không phải như vậy, là do bạn công phu sâu hay cạn. Công phu sâu hay cạn là gì? Công phu cạn chính là nói phiền não của bạn mỗi ngày mỗi giảm, mỗi năm mỗi giảm đi, mỗi ngày mỗi nhẹ đi, đây là công phu. Thuận cảnh cũng không còn ham thích nữa, nghịch cảnh cũng không còn sân nhuế nữa. Cho nên mỗi ngày đều phải khảo nghiệm bản thân mình, giống như học sinh đi học vậy, thầy giáo mỗi ngày đều kiểm tra bài, mỗi ngày bạn phải vượt qua, không thể mỗi ngày đều nộp giấy trắng.

Thí dụ như trong lúc bạn ăn, nếu thức ăn ngon thì có phải là bạn sẽ thích ăn nhiều hơn mấy bát không? Bạn vẫn còn có ý niệm như vậy, cái ý niệm này thì không được, là bạn chưa vượt qua được, chưa đạt yêu cầu. Làm sao trong việc ăn uống hằng ngày, dần dần để nó trở nên bình thường, món ăn ngon thì chỉ ăn một chút, món ăn không ngon thì cũng là ăn một chút, từ chỗ này mà bắt đầu sự công phu. Công phu được sâu rồi, có thể chuyển hết thảy tất cả vị năm vị. Có thể chuyển năm vị thành một vị, vậy thì công phu cao. Một vị là pháp vị, một vị là bình đẳng vị. Trong bình đẳng vị có chua ngọt đắng cay mặn không? Có! Tại sao gọi là bình đẳng? Bạn đối với chua ngọt đắng cay mặn đều không có sự ưa thích, đều không có sự ưa chuộng hơn, vị nào cũng được, không có vị nào mà không được, ngọt thì có cái hay của ngọt, cay thì có cái hay của cay, đều là bình đẳng, đó chính là một vị. Không phải là trong một vị thì không có chua ngọt đắng cay mặn, không phải như vậy. Không phải là trộn năm vị lại làm thành một vị, vậy là bạn sai rồi. Phải dùng tâm bình đẳng mà đối với năm vị, tâm đã bình đẳng rồi thì cảnh giới bên ngoài mới bình đẳng, đạo lý là như vậy. Đó là tất cả các pháp không có pháp nào mà không bình đẳng. Mắt thấy sắc, sắc bình đẳng, tai nghe tiếng, tiếng bình đẳng, lưỡi nếm vị, vị bình đẳng, đây là chúng ta tu bình đẳng. Bình đẳng thì không có cao thấp, thanh tịnh thì không có nhiễm ô, không nhiễm một trần.

Sự thật là không có cao thấp, nếu triển khai điều này ra, ngày nay chúng ta nói là đối với tất cả mọi người, tất cả nam nữ già trẻ, đối với người thiện người ác, đều là bình đẳng. Triển khai thêm nữa là sáu cõi, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, chư thiên cũng bình đẳng. Cho nên bạn phải biết, trong kinh Phật thường nói “sanh Phật bình đẳng” (chúng sanh và Phật bình đẳng), cảnh giới này cao, là Bồ-tát đã giác ngộ rồi. Giác ngộ điều gì?  Giác ngộ là Phật cùng tất cả chúng sanh là bình đẳng, Phật cùng với súc sanh là bình đẳng, Phật cùng với địa ngục là bình đẳng, không có cái nào mà không bình đẳng. Vì sao vậy? Hết thảy vật chất, bản thể của vật chất là pháp tánh, vật chất được gọi là pháp tướng. Pháp tướng từ đâu mà có? Là do pháp tánh biến thành. Pháp tánh là bình đẳng nên hết thảy các hiện tướng đâu có đạo lý không bình đẳng, đây là nói trên lý. Cho nên không bình đẳng là do chúng ta vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không bình đẳng, những điều này sau khi khởi lên thì không bình đẳng, lìa bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì sẽ bình đẳng. Lìa bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước là Phật, khi vừa lìa bỏ thì liền thành Phật, trong Tông môn nói rất hay: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Kiến tánh tức là bạn thấy được tánh của hết thảy tất cả tướng, vốn dĩ đều là pháp tánh, ngoài pháp tánh ra không có một vật nào có thể đạt được. Pháp tánh là bất sanh bất diệt, pháp tánh là không đến không đi, không nhơ không sạch, không một không khác. Trong Trung Quán Luận nói tám cái không, đều là miêu tả pháp tánh. Tướng hiện ra của pháp tánh cũng là như vậy, cho nên lúc này mới thật sự khế nhập được tiêu chuẩn của thanh tịnh bình đẳng. Tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn của Phật, đạt được tiêu chuẩn này thì gọi là Phật, trong Tông môn thì nói “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Đại Sư Thiên Thai gọi Phật này là “Phần Chứng Tức Phật”. Trong Lục Tức Phật, Phần Chứng Tức Phật là thật chứ không phải giả.

Trong sáu cõi mười pháp giới, chúng ta biết trong mười pháp giới có pháp giới Phật. Phật trong pháp giới Phật đó không bằng Phần Chứng Phật. Phật của mười pháp giới được gọi là “Tương Tợ Tức Phật”, tương tợ chứ không phải là thật. Đại Sư Thiên Thai Trí Giả là Thích-ca Mâu-ni Phật tái lai, Ngài nói rất hay: “Tương tợ không phải là thật”. Ngài có thí dụ cho sự tương tợ này. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói “Niết mục sở kiến”, các bạn có hiểu được cái ý nghĩa này không? Hãy nhìn mặt trăng ở trên trời, mặt trăng tượng trưng cho Phật thật, chúng ta dùng tay ấn vào con mắt một chút thì sẽ thấy ở trên trời có hai mặt trăng, một mặt trăng biến thành hai mặt trăng. Trong hai mặt trăng này thì có một cái là thật, một cái là mặt trăng tương tợ. Phật trong mười pháp giới thì giống như ấn tay vào mắt mà thấy được, là tương tợ chứ không phải là thật. Phật minh tâm kiến tánh là thật, là thật thì vì sao có 41 cấp bậc? Cổ đức dùng mặt trăng để thí dụ rất là hay. Thí dụ ngày mùng một không nhìn thấy mặt trăng, mặt trăng hoàn toàn bị trái đất che khuất, nhưng đến mùng hai mùng ba thì có trăng non, mặt trăng non tuy rất là nhỏ bé, có một chút ánh sáng nhưng nó là mặt trăng thật, không phải là mặt trăng giả, nó không phải là “niết mục sở kiến” (lấy tay đè mắt mà thấy được), nó là mặt trăng thật. Giống như Viên Giáo Sơ Trụ, minh tâm kiến tánh, phá một phẩm vô minh thấy một phần chân tánh, các Ngài là thật không phải là giả. Mặt trăng tròn đầy ngày 15 chính là Phật quả cứu cánh. Từ trăng non cho đến mặt trăng của ngày 14 giống như 41 vị pháp thân Đại Sĩ, cả thảy đều là thật không phải là giả, thí dụ này rất hay. Tu hành trong lục đạo, Đại Sư Thiên Thai nói, cái này vẫn không bằng Tương Tợ Tức Phật, nên gọi là “Quán Hành Tức Phật”. Quán Hành Tức Phật thí dụ cho cái gì? Thí dụ buổi tối chúng ta ngồi bên hồ nước nhìn thấy mặt trăng trong nước, ánh trăng chiếu xuống hồ nước, trong hồ nước cũng có mặt trăng, trong mặt nước cũng có mặt trăng, đó là Quán Hành Tức Phật. Phàm phu chúng ta mới bắt đầu thì được gọi là “quán hành tức”. Gọi là “quán hành” là bạn đã công phu đắc lực rồi. Có được công phu quán hành tức thì chắc chắn bạn sẽ vãng sanh Thế giới Cực Lạc, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Thế giới Cực Lạc. Nếu được tương tợ vị thì bạn sanh về Phương Tiện Hữu Dư Độ. Nếu được phần chứng vị thì sanh về Thật Báo Trang Nghiêm Độ.

Đây là do công phu sâu cạn, công phu sâu cạn là ở đâu? Trong việc ăn cơm mặc áo của cuộc sống hằng ngày, từ trong việc ứng xử mà luyện công phu. Cho nên nếu bạn biết luyện công phu thì nơi đâu mà không phải là đạo tràng. Khắp mọi nơi đều là đạo tràng. Ở đâu mà không phải là thiện tri thức, mỗi người đều là thiện tri thức. Người này là thiện tri thức tán thán ta vài câu, ta cư xử rất khiêm nhường, hoàn toàn không phải thật sự sanh tâm hoan hỷ. Nếu vừa được tán thán liền vui vẻ dương dương tự đắc, vậy là xong rồi, không đạt yêu cầu rồi. Gặp được thiện tri thức nghiêm khắc phê bình ta một trận, ta cũng vui vẻ chấp nhận, thản nhiên như không có việc gì, trong tâm chẳng có một chút tỳ vết nào cả. Đây là ngày ngày thiện tri thức đến dạy cho ta, mỗi ngày thiện tri thức đến huấn luyện cho ta, luyện tập cho ta thành tựu. Trong cuộc sống hằng ngày, trong hoàn cảnh đối người tiếp vật, ta phải mài cho sạch sẽ những thứ thị phi nhân ngã, tham sân si mạn thì ta thành công rồi. Vì sao ta thành công? Là những vị thiện tri thức này giúp cho ta, không có ai mà không phải là thiện tri thức, không có ai mà không phải là ân nhân của ta. Người tán thán, hủy báng, mắng ta cũng là có ơn đối với ta. Vì sao vậy? Vì ta luyện tập từ chỗ này, nếu không có cảnh giới này thì ta tìm nơi nào để rèn luyện?

Bởi vậy có người nói tu hành phải vào trong núi sâu, khi chúng tôi còn trẻ chưa hiểu biết, cũng cho rằng phải vào trong núi sâu ở nơi am tranh mà bế quan. Lúc đó có một cơ duyên, có đồng tu có một ngôi biệt thự ở trên núi, đã hai lần dùng để tránh ném bom, phía sau còn có hang phòng thủ máy bay ném bom. Hiện nay thái bình yên ổn rồi, ngôi biệt thự đó không có ai ở, họ mời tôi đến đó ở, chỗ đó xây cất cũng tốt. Tôi cùng với lão sư Lý đến Đài Trung để giảng kinh, tôi có cơ duyên ở am tranh bế quan. Lão sư đã mắng tôi một trận: “Con chẳng biết tu hành, tu hành thì phải ở trong hoàn cảnh đối người tiếp vật mà rèn luyện, như vậy mới thật sự tu.” Ngài nói: “Con bế quan, con ở am tranh, con ở 10 năm, 20 năm, 30 năm, cảm thấy bản thân mình cũng tốt rồi, vừa xuống núi đi đến nơi thành thị thì tâm lại động, vậy là xong rồi.” Ngài nói từ xưa đến giờ có rất nhiều rất nhiều người như vậy, người thật sự thành công là phải trong thế gian mà trui luyện. Cho nên chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Về sau tôi không dám có cái suy nghĩ này nữa. Lão sư cũng rất từ bi nói cho tôi, người xưa ở trên núi bế quan, sống ở am tranh, là do nhân duyên gì? Là bản thân các Ngài đã thành tựu rồi, sự thành tựu này là minh tâm kiến tánh. Chúng tôi nói ba loại thành tựu thì [các Ngài] là thượng đẳng thành tựu, đã thành tựu rồi. Lúc này thì nên hoằng pháp lợi sanh, giáo hóa chúng sanh, nhưng không có ai mời các Ngài. Không ai mời thỉnh thì bạn không thể đi, bạn không thể tự mình tự giới thiệu, điều này không thể được, như vậy là không tôn trọng đối với đạo, phải tôn sư trọng đạo. Làm sao để cho người khác biết được ta đã thành tựu rồi? Thì tuyên bố với mọi người là hiện nay ta đã bế quan rồi, ta hiện nay sống ở nơi am tranh, vừa nói điều này thì mọi người liền biết được bạn đã thành tựu rồi, bạn không cần phải tham học nữa. Bạn chưa có thành tựu thì bạn phải đi khắp nơi tầm sư học đạo.  Bạn ở trên núi, bạn bế quan thì chẳng khác nào bạn tuyên bố với thiên hạ, tôi đã thành tựu rồi, tôi không cần tham học nữa, các bạn muốn tham học thì đến chỗ của tôi, ở đây có đạo vị. Vì vậy họ mới làm ra hành động này, chính là mong muốn có người lên núi để mời họ, mời họ xuống núi, ngừng việc bế quan, giảng kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, ý nghĩa là như vậy. Người chưa có thành tựu, nếu bạn bế quan, chẳng khác nào nói là bạn không học nữa, vậy là bạn ngu si cả cuộc đời, làm sao bạn có được thành tựu? Chúng ta phải thực sự hiểu được đạo lý này. Đây là thanh tịnh bình đẳng.

Tôi còn phải giảng chánh giác, ở bên này có vẽ chữ chánh giác. Chánh giác tức là mỗi phút mỗi giây phải luôn duy trì giác mà không mê, là điều thứ nhất trong Tam Quy Y: giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Cho nên ba câu này của đề kinh trên thực tế chính là Tam Bảo. Thanh tịnh chính là không nhiễm, bình đẳng chính là không tà, chánh thì mới bình đẳng, bình đẳng chính là chánh. Giác mà không mê là Phật bảo, chánh mà không tà là Pháp bảo, tịnh mà không nhiễm là Tăng bảo. Tam Bảo tự tánh này, mỗi một người đều có đủ tự tánh Tam Bảo, cho nên không được mê hoặc. Thế gian hiện nay, mê hoặc điên đảo rất là phổ biến. Thế Tôn đã nói trong Kinh Lăng Nghiêm, thời kỳ mạt pháp của chúng ta hiện nay, tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng.

Mấy ngày hôm trước có một đồng tu tặng cho tôi một túi đồ lớn, tôi mang về mở ra xem, bên trong có một quyển sách rất dày về sự tích Pháp sư Liễu Trần ở Quý Châu. Vị Pháp sư này trước đây tôi chưa biết, tôi liền xem quyển sách này trong hai ngày, tôi vô cùng cảm động. Ngài là người cuối đời nhà Thanh, viên tịch vào năm Dân Quốc thứ ba, viên tịch đến ngày nay vừa đúng 90 năm. Ngài thật sự là một đại thiện tri thức đã khai ngộ, trong thời đại hiện nay của chúng ta tìm một người như vậy thì tìm không ra. Nho, Phật, Đạo Ngài đều thông suốt. Quyển sách này được in ấn ở Trung Quốc Đại Lục, tôi vừa lật ra xem thì rất kinh ngạc, được in bằng chữ phồn thể. Trung Quốc Đại Lục hiện nay sách được in ấn đều là chữ giản thể, quyển sách này là chữ phồn thể. Lúc Pháp sư còn tại thế đây thật sự là tác phẩm nổi tiếng. Ngài đã làm rất nhiều việc tốt, đặc biệt là trong thời đại đó người mê hoặc rất nhiều, người tín ngưỡng tà giáo rất nhiều, Ngài đã khai đạo cho họ, cùng tranh luận với họ, cuối cùng khiến cho tất cả đều giác ngộ cải tà quy chánh, đều quy y với Phật môn, đây không phải là chuyện dễ dàng. Các tôn giáo trên thế giới hiện nay, tôn giáo mới xuất hiện không biết là nhiều bao nhiêu, đây chính là điều Kinh Lăng Nghiêm đã nói. Chỗ này chúng ta không thể không khâm phục trí huệ của Phật, sự biết trước của Phật.

Trước khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, đã dạy cho chúng ta tứ y pháp, bạn phải thật sự hiểu được tứ y pháp thì bạn sẽ không bị mắc lừa, sẽ không bị mê hoặc. Điều thứ nhất của tứ y pháp là “y pháp bất y nhân”, nếu bạn gặp Phật giáo giả mạo hoặc là Đạo giáo giả mạo, Nho giáo giả mạo thì bạn hãy y theo kinh điển, “anh đem ra cho chúng tôi xem, anh có kinh điển thật sự để y theo không?” Không có kinh điển để y theo thì là giả, không phải là thật. Cho nên có rất nhiều người hỏi tôi Pháp Luân Công có phải là Phật giáo không? Tôi nói đối với Pháp Luân Công thì tôi không rành lắm, nhưng chắc chắn nó không phải là Phật giáo. Vì sao vậy? Vì pháp này không phải là y cứ theo kinh Phật, Phật giáo cho phép nhiều tông phái, bạn lập ra tông phái mới cũng được, nhưng nhất định phải căn cứ theo kinh điển, kinh điển của tông phái bạn không có trong Đại Tạng Kinh, vậy là giả tạo, kinh điển ngụy tạo, điều này không thể được. Cho nên “y pháp bất y nhân”, đây là điều Phật dạy cho chúng ta. “Y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức”, bốn câu này quá hay. Bạn thật sự biết được bốn câu này mà y giáo phụng hành thì bạn sẽ không bị những vị tà sư mê hoặc, bạn sẽ không đi vào con đường sai lầm. Ngày nay chúng ta y theo quyển kinh này là bản hội tập, nhưng có rất nhiều người bài trừ, nói rằng không thể y theo quyển hội tập, nên y theo quyển được phiên dịch. Trong Đại Tạng Kinh thì bản phiên dịch của Kinh Vô Lượng Thọ có 5 loại. “Không thể y theo bản hội tập, bản hội tập có vấn đề”, cách nói như vậy sẽ làm cho chúng ta hoài nghi. Kinh tụng thời khóa sáng và tối của đạo tràng chúng ta hiện nay là quyển hội tập, không phải là do Phật nói, đó là do Tổ sư Đại đức chọn lọc ra, kết hợp lại với nhau làm thành quyển khóa tụng này, vậy quyển khóa tụng này không thể đọc sao? Hiện nay trong Phật môn còn có rất nhiều kinh sám Phật sự đều là được hội tập. Lương Hoàng Bảo Sám là quyển hội tập, quyển Thủy Lục Pháp Hội cũng là quyển hội tập, Từ Bi Tam Muội Thủy Sám cũng là quyển hội tập, toàn bộ là được hội tập. Vậy thì được rồi, những vị xuất gia trong chùa chiền sau này đừng làm kinh sám nữa, là việc tốt. Thời khóa công phu sớm tối cũng không cần nữa, vì đều là kinh điển hội tập hết mà, các vị Tổ sư Đại đức làm việc này đều là làm sai hết phải không? Điều này nói không thông. Một số người nghe được lời nói đó, cảm thấy cũng có đạo lý liền đi theo họ, không dám đọc quyển hội tập này, đây là ngu si, đây thật sự là đoạn huệ mạng của mọi người. Tại sao trước đến giờ Tổ sư Đại đức lại dùng quyển hội tập này? Chẳng qua là dạy cho bạn đọc hết năm bản phiên dịch gốc, ý nghĩa là như vậy. Nếu bạn không dùng bản hội tập thì bạn đọc Kinh Vô Lượng Thọ phải đọc năm loại bản dịch, năm loại bản dịch thì quá phiền phức, quá nhiều chuyện, trong đó có điều giống, có điều không giống. Bởi vì Tổ sư Đại đức từ xưa đến nay để cho chúng ta tiện lợi học tập, lược bỏ những phần giống nhau, những phần khác nhau cả thảy hội tập lại. Cho nên quyển hội tập này có năm loại bản dịch gốc, bạn có thể đọc toàn bộ. Công tác kết tập lại là việc tốt. Cho nên lời nói tưởng là đúng nhưng mà sai, chúng ta phải biết, chúng ta không tranh luận với họ, tranh luận cũng chẳng có ý nghĩa gì, bạn tu theo cách của bạn, tôi tu theo cách của tôi, mỗi người có cách tu riêng của mình. Tôi vẫn tôn trọng bạn, bạn có phê bình tôi, tôi biết là tôi vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, còn bạn thì không đến đó được, nguyên nhân là gì vậy? Chưa đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà vẫn còn cãi nhau, đâu có đạo lý như vậy? Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà vì bản hội tập cãi lộn một trận phải không? Không thể có cái chuyện này. Vì vậy bản thân chúng ta tín tâm nguyện tâm tuyệt đối không dao động, cứ thật lòng y giáo phụng hành thì chắc chắn sẽ có thành tựu.

Trong kinh gọi là nhất hướng chuyên niệm, nhất hướng chuyên niệm là trì danh niệm Phật. Bạn xem Phật đối với phàm phu nghiệp chướng sâu nặng như chúng ta, Ngài từ bi vô cùng, dạy chúng ta tín nguyện trì danh. Tin sâu nguyện thiết, thực tại mà nói điều này chúng ta thật sự là có thể làm được. Trong Vãng Sanh Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chúng ta nhìn thấy có rất nhiều, nếu tỉ mỉ mà để ý thì trong một đời này chúng tôi tận mắt thấy được, tận tai nghe được người niệm Phật vãng sanh. Ký ức của chúng tôi vẫn nhớ rõ ràng minh bạch, ít nhất cũng có hai ba mươi người vãng sanh, trong số những người này hầu như phân nửa là trình độ văn hóa rất thấp, thậm chí có người không đi học, có người không biết chữ. Nhưng họ niệm Phật vãng sanh, họ có thể đứng mà vãng sanh, họ không bị bịnh, họ biết trước giờ ra đi. Họ cũng chưa nghe kinh, chưa đọc qua kinh, chỉ biết một câu A Di Đà Phật, tại sao họ được vãng sanh? Vì họ có tín, họ có nguyện. Ấn Tổ nói “tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”, họ đã thật sự làm được. Đồng tu pháp môn Tịnh Độ chúng ta đối với những sự việc này rất khó hiểu, bởi vì trong kinh nói “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, họ không phát Bồ-đề tâm, họ chỉ có nhất hướng chuyên niệm, vậy làm sao họ lại thành công? Trong Di Đà Kinh Yếu Giải, Đại Sư Ngẫu Ích đã nói ra sự việc này. Trong Yếu Giải, Đại Sư nói, có đủ tín nguyện chính là tâm vô thượng Bồ-đề, chúng ta mới hiểu được thì ra tin sâu nguyện thiết chính là tâm vô thượng Bồ-đề. Tuy là họ chưa đọc qua kinh, chưa nghe qua kinh, cái gì cũng không biết, họ chỉ có tin sâu, họ chỉ có nguyện thiết. Tin sâu là chắc chắn không dao động, nhất định không thay đổi, chúng ta thường nói là quyết một lòng một dạ, cho nên họ mới thành tựu.

Chúng ta ngày nay nếu nói về tín và nguyện thì không bằng họ. Vì sao vậy? Tín tâm của chúng ta hay dao động, nghe người khác nói cái này hay thì lập tức đi, nghe cái kia hay thì trở lại, đạo tâm của chúng ta như là giọt sương vậy, như bèo trên mặt nước, trôi theo dòng nước, không có gốc rễ, vì vậy không thể thành tựu. Niềm tin của người ta rất là sâu, nguyện rất tha thiết, nguyện thiết thì sẽ không bị bất kỳ hoàn cảnh nào lay động. Họ nhất hướng chuyên niệm nên thành công, làm bằng chứng cho chúng ta, giúp cho chúng ta hiểu được pháp môn này không khó. Mỗi người chúng ta, chỉ cần tín tâm nguyện tâm của bạn không bị bất kỳ cảnh duyên nào lay động thì bạn chắc chắn thành công. Nếu bạn biết nhiều kinh thì càng tốt. Vì sao vậy? Vì nó giúp bạn nâng cao phẩm vị, đây là điều chắc chắn. Nếu bạn không biết cũng có thể vãng sanh, vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc thì học tiếp, vẫn còn kịp, không muộn. Nhưng trong đời này, tại sao khuyên bạn phải nghe kinh cho thật nhiều? Nghe kinh nhiều là giúp cho tín và nguyện của bạn được vững chắc, đạo lý là như vậy. Nếu tín nguyện của bạn không dao động thì nghe kinh hay không nghe kinh cũng không quan trọng, tín nguyện của bạn vẫn còn dao động vậy thì bạn không nghe kinh không được. Vì sao vậy? Bạn hiểu được càng thấu triệt thì tín nguyện của bạn càng vững chắc, mọi người có nói như thế nào, bạn vừa nghe thì biết được đó là tà tri tà kiến, đó là tà thuyết, đó không phải là chính luận, đạo lý là ở chỗ này. Kinh điển chẳng có gì khác là giúp cho chúng ta phá mê sanh tín, đây là lợi ích thù thắng chẳng gì bằng, kinh điển đối với chúng ta có lợi ích là ở chỗ này, chúng ta không thể không biết.

Chúng ta nhìn thấy nhiều người vãng sanh như vậy, nhìn thấy những hiện tượng này tâm của chúng ta vững tin rồi. Đặc biệt là năm kia lão cư sĩ Trần Quang Biệt – lão Lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm vãng sanh. Sự vãng sanh của ông là oán thân trái chủ của ông nói với chúng tôi, là nhân duyên hiếm có. Oán thân trái chủ của ông trong niệm Phật đường, nhập vào thân cư sĩ Đỗ Mỹ Tuyền. Đỗ cư sĩ không biết hôm nay có đến đây không? Cô ấy đến thăm tôi đặc biệt là nói với tôi câu chuyện này, oán thân trái chủ của cư sĩ Trần Quang Biệt rất nhiều, không phải là số ít, hết thảy đều dựa vào thân cô ấy. Họ đến Cư Sĩ Lâm nói rõ là cư sĩ Trần Quang Biệt vãng sanh, họ rất là vui mừng, không gây phiền phức, không cản trở ông ấy, họ nhìn thấy rất vui mừng. Họ đến Cư Sĩ Lâm để làm gì? Là xin quy y, xin nghe kinh, cho nên chúng tôi đã tiến hành quy y cho họ. Đặc biệt là họ xin nghe Kinh Địa Tạng, lúc đó ở lầu hai và lầu một của chúng tôi mở ti-vi suốt 24 giờ không gián đoạn, mở kinh Địa Tạng cúng dường cho họ. Họ nghe kinh nghe pháp niệm Phật, sau đó rời khỏi Cư Sĩ Lâm và đã vãng sanh, điều này chính mắt chúng tôi nhìn thấy, không giả một chút nào. Cái duyên của lão cư sĩ là do bị bịnh, bị bịnh là việc tốt, nếu ông không bị bịnh thì cả ngày từ sáng đến tối ông bận rộn làm việc, không có thời gian xem kinh, cũng không có thời gian nghe kinh, bị bịnh rồi hết thảy công việc đều buông xuống, nằm trên giường. Ông tìm đến Lý Hội Trưởng, nhờ Lý Hội Trưởng mang băng giảng kinh ở đây của chúng ta đến nhà của lão Lâm Trưởng. Ông mỗi ngày xem 8 giờ đồng hồ, nếu không nghe giảng kinh thì cũng là niệm A Di Đà Phật. Hai năm thì thành công, hai năm ông ấy nói với cư sĩ Lý là ông phải vãng sanh. Cư sĩ Lý nói với ông là không nên vãng sanh lúc này, bởi vì nhân sự của Cư Sĩ Lâm chưa ổn định, nếu ông đi rồi thì nhân sự ở nơi này chưa yên ổn, hoạt động của đạo tràng này sẽ gặp khó khăn. Sau khi ông nghe xong thấy cũng hợp lý, cho nên chưa đi ngay, ông ở lại thêm hai năm nữa. Sau hai năm, ủy viên ban quản trị đã được bầu lại, lão Lâm Trưởng từ chức, chính thức giao chức Lâm Trưởng cho cư sĩ Lý Mộc Nguyên thì ông ra đi. Đây chính là sanh tử tự tại. Hai năm trước ông có thể ra đi, nhưng ông đã lưu lại thêm hai năm, đây là thị hiện cho chúng ta xem. Ông có thể buông bỏ hoàn toàn là nhờ nghe kinh, thời gian hai năm đã nghe mấy bộ kinh, một ngày nghe 8 giờ đồng hồ. Ông thật sự hiểu được, chân thật buông xuống tất cả. Cho nên chúng ta biết được mới bắt đầu học thì tín tâm không kiên cố, nguyện tâm không tha thiết, việc nghe kinh nghe pháp là vô cùng quan trọng. Nghe thì không nên nghe tạp, điểm này rất quan trọng, vì vậy Tổ sư Đại đức thường dạy cho chúng ta “một môn thâm nhập, trường thời huân tu”, điều này rất có đạo lý.

Bạn nghe kinh thì lựa chọn hai ba loại là được rồi, nghe đi nghe lại thì bạn mới có thọ dụng, không nên nghe loạn, không nên nghe tạp, loạn tu tạp tu thì lãng phí thời gian, cùng lắm thì bạn chỉ được một chút Phật học thường thức. Chính là nói bạn không có được tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác. Bạn không được những điều này vậy là bạn uổng phí công tu. Công phu tu hành của chúng ta thành tựu chính là tâm địa của bạn mỗi năm mỗi chân thành, mỗi năm mỗi thanh tịnh, mỗi năm mỗi bình đẳng, mỗi năm mỗi giác ngộ, từ bi.

Ngày mai chúng tôi sẽ giảng tiếp, hôm nay hết thời gian rồi.

A Di Đà Phật!  

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 338)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 203


Hôm nayHôm nay : 34113

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 983325

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43227469

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.