Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh
Tập 336
Chúng ta đã đọc bài kệ hồi hướng, “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu ba đường khổ”. Ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tất cả đều phải nghĩ đến. Chúng tôi lên trên giảng tòa này, khi các bạn đang niệm Phật, niệm ba lần danh hiệu “Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật” thì tôi ở trên giảng tòa phát nguyện, không phải niệm Phật cùng với quý vị, mà tôi đang thỉnh chúng sanh, thỉnh chúng sanh nào? Mời chúng sanh đến nghe giảng kinh, mời những chúng sanh nào? Chúng sanh trong chín pháp giới, tất cả các vị thần trong khắp pháp giới hư không giới, tất cả thần linh trong khắp pháp giới hư không giới, tất cả các vị thần, thành hoàng thổ địa ở các thế giới, tất cả vong linh chúng sanh chết vì tai nạn ở thế giới Ta-bà, tôi ở đây thỉnh họ đến nghe kinh. Các bạn đang niệm Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật thì tôi ở đây thỉnh chúng sanh, mắt thường của chúng ta nhìn không thấy, tâm lượng của bạn không lớn thì không được, cho nên vãng sanh thượng phẩm tôi có phần, điều này các bạn nên học theo tôi. Mỗi ngày khi chúng tôi công phu khóa sáng và tối, khi tụng kinh lễ Phật đều phải thỉnh chúng sanh, khi công phu xong phải hồi hướng. Bạn nên mở rộng tâm lượng, đến khắp pháp giới hư không giới, điều này trong kinh Phật thường nói “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, tâm lượng lớn như vậy thì cuộc sống hiện tại của bạn rất an vui. Người nào đắc tội với bạn thì bạn xem là chuyện nhỏ không đáng kể, tâm lượng lớn như vậy tính toán làm gì? Tâm lượng quá nhỏ thì có nhìn cũng nhìn không thấy, làm sao lại mang vào để trong tâm? Tâm lượng nhỏ thì những điều nhỏ bé cũng trở thành vướng mắc lớn nên rất khó chịu, tâm lượng lớn thì được hóa giải hết, điều này vô cùng quan trọng, quan trọng hơn bất cứ thứ gì.
Cho nên ở chỗ này cổ Đại đức nói đại tâm phàm phu được Phật gia trì, họ có thể vãng sanh thượng phẩm. Vãng sanh thượng phẩm chắc chắn là được vô sanh nhẫn, vô sanh pháp nhẫn. Chúng ta biết chứng được vô sanh pháp nhẫn là thất địa Bồ-tát, điều này được nói trong Kinh Nhân Vương. Thất địa là hạ phẩm vô sanh nhẫn, bát địa là trung phẩm, cửu địa là thượng phẩm, thập địa Bồ-tát là tịch diệt nhẫn, tức là sự thanh tịnh tịch diệt giống với Phật, thập địa là hạ phẩm, Đẳng giác là trung phẩm, quả vị Như Lai là thượng phẩm tịch diệt nhẫn. Trong kinh Tịnh Độ gọi vô sanh pháp nhẫn là A-duy-việt-trí Bồ-tát. Bạn thấy trong 48 lời nguyện cũng có, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc đều thành A-duy-việt-trí Bồ-tát, không thể nghĩ bàn, cho nên pháp môn này thù thắng hơn tất cả, chúng ta nhất định phải biết điều này.
Vì vậy nhất định không thể có cách nói đánh đồng phẩm vị ở thế giới Cực Lạc với những kinh luận khác, không thể được, vì đây là pháp môn xác thực là vô cùng thù thắng. Cổ đức cũng nói, thế giới Tây Phương Cực Lạc có phàm phu Tiểu thừa vãng sanh, số lượng người không thể tính đếm được. Ở phía sau bộ kinh này chúng ta nhìn thấy còn có các bậc Đại Thánh vãng sanh. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền đều cầu vãng sanh, đây là các vị Bồ-tát Đẳng giác ở thế giới Hoa Tạng, các Ngài phát nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ là để cho 41 vị Pháp thân Đại sĩ ở Thế giới Hoa Tạng nhìn thấy. Bạn xem Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, huống chi là những vị còn lại. Đó là phổ độ tất cả chúng sanh nhanh chóng thành tựu viên mãn Phật đạo, ý nghĩa là như vậy. Trước tiên chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, cho minh bạch thì chúng ta mới có thể xây dựng được lòng tin, từ lòng tin này mới sanh khởi nguyện tâm.
Tiếp theo là cách tu như thế nào, trong bộ kinh này nói với chúng ta là “xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn”. Xả gia tức là xuất gia, khí dục tức là ly dục, nhi tác Sa-môn tức là làm các vị tăng, đây là Tăng bảo, là một bảo trong Tam Bảo. Ở đây nên chú ý, không phải nói bạn xuất gia là đến một ngôi tự viện tìm sư phụ cạo tóc thì bạn đã xuất gia rồi, không phải là như vậy, bạn sai rồi. Tổng Thống Singapore Nathan của chúng ta, tôi rất tôn kính ông, chúng tôi cũng rất quen thân, lần trước trong lễ Vesak của Ấn Độ giáo, chúng tôi cùng ăn cơm với nhau, chúng tôi nói chuyện hết mười mấy phút. Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy là ông chưa làm tổng thống, khi cùng ăn cơm với nhau, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, ông ấy nói với tôi, trong các tôn giáo thì ông tôn trọng Phật giáo nhất, ông nói Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức. Ông nói câu này tôi nghe xong mà rợn tóc gáy, điều này người thông thường không thể nói ra được. Lần đầu tiên tôi nghe câu nói này là Đại sư Chương Gia nói với tôi, năm đó tôi 26 tuổi, Đại sư Chương Gia nói với tôi Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức. Người thứ hai tôi nghe là do ông Nathan nói, có thể nói ra những lời này đây là người trong nghề chứ không phải người ngoài nghề. Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức, cho nên xuất gia là hình thức.
Vì vậy bạn phải hiểu được việc xuất gia này ở trong Phật pháp nói có 4 loại, xuất gia là những loại “gia” nào? Hiện nay người đã xuất là điền trạch gia, trong cái gia của bạn có nhà cửa, có tài sản, có đất đai, bạn rời bỏ những thứ này mà đi vào trong chùa, đây gọi là xuất gia. Xuất điền trạch gia, xuất khỏi gia đình của bạn, bạn đi vào chùa để xuất gia, loại xuất gia này có tác dụng không? Không có tác dụng, đây là hình thức không phải thực chất. Thực chất là gì? Thực chất là có phiền não gia. Bạn có rời bỏ được phiền não gia hay không? Tam giới là gia, tam giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đó chính là sáu nẻo luân hồi. Nếu bạn ra khỏi sáu nẻo luân hồi thì mới thật sự là xuất gia. Sáu nẻo luân hồi là đại gia đình của chúng ta, bạn có thể xuất được hay không? Ngũ ấm là gia, bạn xem trong Tâm Kinh có nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, vậy là đã xuất ngũ uẩn gia. Cho nên ba cái này bạn xuất không được, ba cái này gọi là sanh tử gia, bạn có thể rời bỏ điền trạch gia nhưng bạn ra không khỏi sanh tử gia.
Có 4 loại gia mà xuất cũng có 4 loại. Một cái là thân xuất mà tâm không xuất, tâm vẫn thường tưởng nhớ, cái này không được. Thứ hai là tâm xuất nhưng thân không xuất, đây là cư sĩ tại gia, thượng thượng phẩm vãng sanh. Tại sao vậy? Vì họ đã thật sự xuất gia, hình thức của họ là không xuất gia nhưng tâm của họ đã xuất gia rồi, tuy là có nhà nhưng tâm họ không đắm nhiễm, chẳng có chấp trước chút nào. Thứ ba là thân tâm đều xuất, đó chính là những vị Tổ sư Đại đức ở trong Phật môn, thân tâm đều xuất. Loại thứ tư là thân tâm đều không xuất, thân tâm đều không xuất là cư sĩ tại gia chẳng có thành tựu gì cả. Thân tâm đều không xuất không phải là chỉ người thông thường, là chỉ cư sĩ tại gia học Phật, thân tâm đều không xuất. Cho nên ở trong đây thật sự có thành tựu, tâm xuất thân không xuất thì tại gia thành tựu, thân tâm đều xuất thì là thành tựu của xuất gia. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của xuất gia.
Quý vị xem đến điều này, phải “xả gia khí dục”, điều này đại khái là cư sĩ tại gia chúng ta không có phần, vậy là bạn sai rồi, bạn hoàn toàn sai rồi. Cư sĩ tại gia có thể vãng sanh thượng thượng phẩm, tâm xuất thân không xuất, cư sĩ tại gia cũng được viên thành Phật đạo. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa tại thế, cư sĩ Duy-ma là Phật tại gia, đồng thời có hai vị Phật xuất hiện ở thế gian, Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện là Phật xuất gia, Ngài Duy-ma thị hiện là Phật tại gia. Cho nên bạn xem trong Kinh Duy-ma có nói, các vị A-la-hán là những đại đệ tử của Thế Tôn, như là Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên khi thấy cư sĩ Duy-ma phải đảnh lễ 3 lễ, đi nhiễu bên phải 3 vòng, hành lễ hoàn toàn giống như khi nhìn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật vậy, đó là Phật tại gia. Những điều này dạy cho hậu thế chúng ta, hậu thế chúng ta thường hay hiểu lầm, cho rằng vừa xuất gia thì hơn hẳn tất cả mọi người, cũng không xem trọng cư sĩ Đại đức tại gia. Sai rồi, đây là lỗi lầm. Bạn tuy là đã xuất gia, đắp lên chiếc y, nhưng đức hạnh, tâm lượng của bạn không bằng người khác, còn kém xa, người ta niệm Phật tương lai có thể vãng sanh, có thể thành tựu, người xuất gia thường hay đọa địa ngục. Ngạn ngữ thường nói: “Trước cửa địa ngục, tăng đạo nhiều”, nguyên nhân tại sao vậy? Bạn không phải là thật sự xuất gia, bạn là thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia, bạn tạo tác nghiệp tội, cả thảy đều là nghiệp tội của địa ngục, bạn muốn hỏi tại sao là nghiệp tội địa ngục? Trước tiên là phá hoại hình tượng Phật giáo, bạn nói xem tội này lớn như thế nào. [Bạn cho rằng] ta là người tốt, ta chẳng có phạm tội gì, ta cũng không phá giới, [nhưng] bạn phá hoại hình tượng Phật giáo, là cái tội này, bạn sẽ đọa A-tỳ địa ngục. Cho nên bạn nhất định phải biết, Thích-ca Mâu-ni Phật là tấm gương của người xuất gia, cư sĩ Duy-ma là tấm gương học Phật tại gia, đó là một tiêu chuẩn tuyệt đối, bạn nên học tập theo các Ngài. Người tại gia thì học theo cư sĩ Duy-ma, người xuất gia thì học theo Thích-ca Mâu-ni Phật vậy thì chắc chắn bạn không sai. Hai vị đó chính là hiện nay chúng tôi nói là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của hai Ngài đều có thể làm tấm gương tốt nhất, mẫu mực nhất cho chúng sanh trong chín pháp giới, đây là Phật Bồ-tát, điều này chúng ta phải nên học theo. Chúng ta khởi tâm động niệm, nói một câu nói, làm một việc gì, có suy nghĩ hay không? Nếu mọi người trong xã hội đều học theo ta việc làm này có được hay không? Nếu đây là gương tốt thì được, vậy chúng ta có thể làm, nếu không phải là gương tốt, vậy thì không thể làm, nhất định phải làm tấm gương tốt.
Tấm gương tốt chính là giới định huệ, nhất định không thể làm trái ngược với giới định huệ. Cho nên trước tiên là nói người xuất gia, trong lúc xuất gia phải ghi nhớ, Bồ-tát tại gia thì tâm xuất, thân không xuất; người xuất gia thì thân tâm đều xuất. Hai dạng này mới có thể thành tựu. Ngoài hai dạng thân xuất gia tâm không xuất và thân tâm đều không xuất: thân xuất gia, tâm không xuất là nói người xuất gia; thân tâm đều không xuất là nói cư sĩ tại gia, hai dạng người này đều sẽ bị đọa lạc.
Trong hai dạng của xuất gia, chúng ta thuộc loại nào? Trong hai dạng tại gia thì bạn thuộc loại nào? Bạn nên hiểu cho rõ. Tại sao vậy? Liên quan đến đời này của chúng ta có thể vãng sanh hay không, liên quan rất nhiều, không phải là chuyện nhỏ. Nhất định phải hiểu được chúng ta phải xuất sanh tử gia, chúng ta phải xuất lục đạo gia, chúng ta phải xuất phiền não gia, điền trạch gia. Tự viện cũng thuộc về điền trạch gia, tự viện xây cất lớn, được cúng dường nhiều, ở nơi đó các vị xuất gia nhận không hết thì khởi lên cái gì? Khởi lên tham sân si, tham sân si vừa khởi lên tương lai tất cả đều đọa địa ngục, nếu họ không xuất gia thì họ không đọa địa ngục, vừa xuất gia thì liền đọa địa ngục. Cho nên tự viện lớn là cái gì? Cửa lớn của tự viện lớn là cánh cửa địa ngục, rất đáng sợ.
Vì vậy tôi thường hay nghĩ đến lời giáo huấn của Đại sư Ấn Quang, Ngài dạy chúng ta, trong thời đại này chúng ta nên làm như thế nào? Chùa nhỏ, chúng ở không nên vượt quá 20 người, bạn xem lời của Đại sư Ấn Quang nói xây đạo tràng nhỏ, bởi vì người ít, có vài cư sĩ đắc lực hộ trì thì vấn đề gì bạn cũng chẳng phải lo. Đạo tràng nhỏ này không làm pháp hội, không làm kinh sám Phật sự, cũng không nhận xuất gia cho đệ tử, cũng không cần truyền giới, cứ thật lòng mà niệm Phật. Thời đại hiện nay, đơn độc một mình niệm Phật thì không đắc lực. Có đồng tu nói với tôi, ông ấy nói với tôi: “Thưa Pháp sư, Ngài không thể đề xướng chỉ niệm Phật không nghe kinh, Ngài không thể nói như vậy. Tại sao vậy? Rất nhiều người niệm Phật, trong tâm còn hoài nghi không thể đoạn, niệm Phật lâu, trái lại công phu không đắc lực, rất dễ thoái tâm.” Tôi suy nghĩ thấy cũng có lý, cho nên chúng tôi hiện nay đề xướng phải đọc kinh. Niệm Phật đường nhỏ, mỗi ngày ít nhất 2 giờ đồng hồ đến 4 giờ đồng hồ nghe kinh, có thể có 8 giờ đến 10 giờ đồng hồ niệm Phật, như vậy tốt, cứ như vậy mà làm. Sau 3-5 năm, trong số 20 người này chắc chắn có thành tựu, có thể nói mỗi người đều có thành tựu, ít nhất cũng thành tựu một nửa, đạo tràng này công đức vô lượng.
Trong tương lai nếu tôi có đủ duyên trở về Trung Quốc thì tôi sẽ đề xướng đạo tràng nhỏ, xây dựng đạo tràng nhỏ, nhà tranh nhỏ, chúng ở không quá 20 người. Tôi vẫn phát nguyện, nếu có thể có được cái duyên này, nếu tôi có dạy học trò thì chỉ dạy 5 vị, 5 vị học chính thức, 5 vị dự thính, tôi chỉ phụ trách 10 vị, ngoài ra còn có vài vị hộ pháp chăm sóc đạo tràng, tổng cộng không vượt quá 20 người. Chúng tôi phải đi đầu thực hiện lời giáo huấn của Ấn Tổ, phải áp dụng. Không nên ở đạo tràng lớn, đạo tràng lớn đều trở thành nơi tham quan du lịch, làm sao có thể tu hành? Từ sáng đến tối chỉ tiếp khách, cả thảy đều là danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tâm không thanh tịnh, cho nên đạo tràng phải nhỏ, đạo tràng nhỏ thật sự thành tựu. Ở trong Văn Sao, Đại sư Ấn Quang đã nhiều lần khuyên nhủ điều này, chúng ta phải nên nhớ, phải áp dụng, phải làm cho được. Đoạn tuyệt với tất cả mọi phan duyên, tâm bạn đã phan duyên thì không thanh tịnh.
“Khí dục” (lìa dục) chính là điều quan trọng nhất, phải dẹp bỏ cái ý niệm phan duyên, tùy duyên mà không phan duyên. “Nhi tác Sa-môn”, Sa-môn là âm tiếng Phạn, nghĩa gốc của nó không nhất định là người xuất gia, bởi vì Ấn Độ xưa những người tại gia học Phật cũng được gọi là Sa-môn, người tại gia tu hành cũng được gọi là Sa-môn. Ở Ấn Độ tôn giáo rất nhiều, không phải là từ chuyên dùng của Phật giáo. Nghĩa của Sa-môn là cần tức, cần tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si. Cho nên tại gia, xuất gia đều có thể dùng được, sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc thì từ Sa-môn này chỉ có người xuất gia dùng, người tại gia rất ít dùng. Phải nên biết điều này, người tại gia hay xuất gia đều dùng được, nhưng thông thường đa số là người xuất gia dùng, người tại gia rất ít dùng cách xưng hô Sa-môn này, nhưng người tại gia dùng cũng được, không thể coi là sai lầm. Vì vậy chúng ta phải biết điều này, chính là phải thật sự đoạn ác tu thiện, đoạn ác tu thiện thì mới có thể xưng là Sa-môn.
Cổ đức nói “gia” là nhân duyên của phiền não, xuất gia chẳng qua là rời xa phiền não, tu tâm thanh tịnh. Ngày xưa người xuất gia rất khó tạo nghiệp ác. Tại sao vậy? Vì họ không có cơ hội, bởi vì ngày xưa tự viện đều được xây dựng ở trên núi, ở xa nơi dân cư, đều có một khoảng cách với người thế tục. Cho nên hoàn cảnh nơi cư trú được gọi là A-lan-nhã, A-lan-nhã cũng là tiếng Ấn Độ, tức là không có âm thanh tạp loạn. Đúng theo tiêu chuẩn như trong kinh Phật nói, vì đạo tràng đều là ở vùng nông thôn, người ở vùng nông thôn đa số là chăn nuôi gia súc. Ngài nói, không nghe được tiếng trâu kêu thì chỗ này mới gọi là thanh tịnh, vẫn còn nghe được tiếng trâu kêu thì chưa được, lấy điều này làm tiêu chuẩn. Hiện nay thì phiền phức rồi, hiện nay bạn xem âm thanh của xe hơi, máy bay, bạn đến nơi nào để tìm dược một chỗ thanh vắng? Không dễ gì mà tìm được, cho nên phải biết được điều này, biết được nơi cư trú của người xuất gia là phải thật yên tĩnh, là nơi có rất ít người lui tới. Chùa chiền hiện nay rất hoan nghênh mọi người đến tham quan du lịch, cho nên chùa chiền hiện nay xác thực là không thích hợp cho người tu hành.
Còn việc giảng kinh thuyết pháp, thực tại mà nói, cũng không cần giảng đường lớn như vậy. Hiện nay lợi dụng khoa học kỹ thuật, chúng tôi giảng kinh ở trong phòng ghi hình, phát lên trên truyền hình vệ tinh, bản thân các bạn ở tại nhà có thể xem được ở trên truyền hình. Tốt, thanh tịnh! Truyền hình hiện nay của chúng tôi, phát băng giảng kinh suốt 24 giờ đồng hồ không gián đoạn, ở Singapore muốn xem thì có thể kết nối máy tính, máy tính của chúng tôi cùng với truyền hình hiện nay kết nối với nhau, bạn không cần phải lắp thêm ăng-ten, máy tính của bạn có thể thu được truyền hình vệ tinh của chúng tôi, suốt 24 giờ lúc nào cũng có thể xem được hết, điều này rất hay, thuận tiện. Bạn ở trong nhà thanh tịnh, không có ai đến tìm bạn, trong lúc nghe kinh thì tắt điện thoại, tuyệt đối không có ai làm phiền bạn, đóng cửa lại, tắt điện thoại. Vì vậy hiện nay chính mình phải có trí huệ, mỗi ngày phải có một khoảng thời gian thanh tịnh, nghe kinh niệm Phật thì chúng ta mới có thể thật sự tu cho chính mình, mong muốn bản thân mình trong đời này có được sự thành tựu, không bị đọa lạc. Nói tóm lại là tâm phải thanh tịnh, tâm thanh tịnh rồi thì thân mới thanh tịnh.
Tại sao vậy? Vì thân là vật chất, vật chất thì tùy theo tâm lý mà thay đổi. Sự việc này chúng tôi cũng đã chia sẻ với quý vị rất nhiều rồi, tiến sĩ người Nhật, Giang Bổn Thắng đã làm thí nghiệm. Ông lấy nước làm thí nghiệm, nước là khoáng vật, chứng minh rằng nước cũng biết nhìn, biết nghe, hiểu được ý của con người. Thân thể con người chúng ta 90% là nước, cho nên tâm chúng ta tốt, thanh tịnh, thiện lương thì 70% nước trên thân chúng ta đều sẽ rất đẹp, kết tinh vô cùng đẹp, thân thể của bạn sẽ khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh không phải là đến từ bên ngoài, là do tâm của bạn thiện, tâm thanh tịnh, tâm thiện, đây mới là cái nhân thật sự. Về phương diện ăn uống thì càng thanh đạm càng tốt, không nên ăn thực phẩm chứa nhiều dầu, không nên ăn thức ăn chiên nhiều dầu, không nên ăn thức ăn không sạch sẽ, nếu không thì bạn sẽ sinh bệnh. Ở trong Phật môn phải thật sự biết được những phương pháp lý luận này, xác thực là cuộc đời này sống rất hạnh phúc, rất mỹ mãn. Đời sau thì càng thù thắng hơn, thù thắng chẳng gì bằng, thù thắng đến nỗi bạn không ngờ được, vậy thì tại sao bạn không chăm chỉ học? Cho nên bất luận là đồng tu xuất gia hay tại gia, đồng tu tại gia nên nhớ là tâm xuất thân không xuất, đồng tu xuất gia nên chú ý cả thân và tâm đều xuất, thì tiền đồ của chúng ta là một vùng xán lạn.
Vào đời nhà Đường, nước Hàn có một vị đại thần là Nguyên Hiểu, rất nhiều người đều biết Đại sư Nguyên Hiểu, Ngài cũng tu Tịnh Độ, Ngài có một quyển sách là “Du Tâm An Lạc Đạo”, đây là quyển sách do Ngài viết. Ngài cũng nói đến 3 bậc công phu tu hành của Kinh Vô Lượng Thọ, trong phần thượng bối có 5 câu. Quý vị phải biết, Kinh Vô Lượng Thọ có 5 bản dịch, vào đời nhà Đường còn có nhiều hơn, đời nhà Đường lúc đó phải có 6-7 bản dịch. Ngài đã thấy được bản dịch nào thì chúng tôi không biết, ở trong tác phẩm của Ngài đã nói Kinh Vô Lượng Thọ nói thượng phẩm có 5 loại nhân. Loại thứ nhất là “xả gia ly dục, nhi tác Sa-môn”, chính là câu thứ nhất chúng ta vừa đọc, đây là biểu thị phương tiện phát tâm. Thứ hai là “phát Bồ-đề tâm”. Bồ-đề tâm là chánh nhân. Thứ ba là “chuyên niệm bỉ Phật”, là chuyên niệm A Di Đà Phật, trong kinh này có nói “nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Thứ tư là “tác chư công đức”, đây là trợ hạnh. Đại sư Nguyên Hiểu cho rằng niệm Phật là trợ nghiệp, nhưng cách nói này, cổ Đại đức cho rằng không được thỏa đáng. Loại thứ năm là “nguyện sanh bỉ quốc”, đây là ý nguyện. Bốn loại phía trước là hạnh, hạnh hòa hợp với nguyện như vậy thì mới có thể được sanh. Đại sư Nguyên Hiểu đã nói 5 loại nhân hạnh thì trong bộ kinh này cũng có đủ.
Trong Khởi Tín Luận nói: “Dĩ xuất gia vi Tịnh Độ chánh nhân” (lấy việc xuất gia làm chánh nhân Tịnh Độ), câu này nói rất là chính xác. Quý vị nên nhớ kỹ câu nói này, từ xuất gia này là bao gồm đồng tu tại gia, tu tại gia là tâm xuất mà thân không xuất, đều gọi là xuất gia. Nếu tâm còn lưu luyến thế gian này, vậy là trở ngại vô cùng, lúc lâm chung A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, bạn vẫn còn những chuyện vụn vặt của gia đình chưa buông xuống, A Di Đà Phật sẽ không đợi bạn. Cho nên nhất định là phải buông xuống, tuy thân ở tại gia nhưng tâm đã buông bỏ nhà cửa, đối với nhà tuyệt đối không có một chút lưu luyến nào. Không còn một chút lưu luyến, hoàn toàn không phải là nói đối với gia đình bạn không có trách nhiệm, vậy là bạn sai rồi. Trong nhà Phật có một câu nói: “Làm Hòa thượng một ngày thì đánh chuông một ngày”; người tại gia cũng như vậy, bạn ở nhà một ngày thì bạn nhất định phải gánh vác trách nhiệm ở trong nhà, đó là gia nghiệp của bạn. Khi bạn sắp ra đi thì phải buông bỏ hoàn toàn, sắp ra đi bạn muốn buông bỏ được thì lúc bình thường bạn phải buông bỏ được. Bình thường ở trong nhà, người nào bạn cũng quan tâm chăm sóc, nhưng trong tâm phải buông xuống, trong tâm không thể có mảy may ái dục lưu luyến, điều này không thể được, bạn có điều này thì lúc lâm chung sẽ sanh ra sự chướng ngại, sự việc này rất là phiền phức. Vì vậy tâm phải thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì sanh trí huệ, có trí huệ thì quản lý nhà cửa, chăm sóc người nhà rất là chu đáo, rất viên mãn, trong việc này chắc chắn là sẽ không sanh phiền não, không thể không biết điều này.
Trong đoạn kinh này, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trong chú giải của ông đã trích dẫn rất nhiều kinh điển, những điều này đều đáng để cho chúng ta tham khảo. Điều quan trọng nhất, đối với Tịnh Tông chúng ta phải có niềm tin vững chắc, biết được những điều trong kinh điển đã nói hoàn toàn là lời nói chân thật, toàn là vì tất cả chúng sanh chúng ta, tất cả chúng ta đều có phần. Thích-ca Mâu-ni Phật xuất hiện ở thế gian này, giảng kinh thuyết pháp 49 năm, nếu nói bộ kinh này mà những người ở thế gian này như chúng ta đều làm không được, chúng ta nghĩ xem Ngài có nói hay không? Những điều mà Ngài nói chúng ta không thể làm được, chẳng lẽ Ngài trêu đùa chúng ta hay sao? Chẳng lẽ Ngài dụ ta hay sao? Thích-ca Mâu-ni Phật làm sao mà có thể làm những việc như vậy? Chúng ta có thể thông cái đạo lý này thì bạn liền hiểu, hễ là lời Phật nói ở thế gian này thì nhất định đối với người ở thế gian này đều có lợi ích, người ở thế gian này có thể làm được. Người thế gian này không thể làm được thì Phật tuyệt đối không nói, chúng ta phải hiểu cái đạo lý này. Chúng ta qua lại với người thông thường, nhìn thấy người ta làm không được, chúng ta cũng không dụ người ta, cũng không trêu đùa họ, huống chi là Phật không có hí luận, ngày nay gọi hí luận là nói đùa, Phật không nói đùa với chúng ta, mỗi câu nói đều là lời chân thật.
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ chúng ta đã thấy phu nhân Vi-đề-hi vãng sanh, phu nhân Vi-đề-hi không xuất gia, bà là chúng nữ tại gia vãng sanh thượng phẩm. Điều này nói rõ, là tâm của bà xuất gia nhưng thân không xuất gia. Xem thêm trong Vãng Sanh Truyện, bạn hãy xem niệm Phật đường Đông Lâm của Đại sư Huệ Viễn. Niệm Phật đường Đông Lâm có nhiều cư sĩ tham gia niệm Phật, tổng cộng là 123 người, có cả chúng tại gia. Lưu Di Dân không xuất gia, năm đó ông ở trong niệm Phật đường 3 lần thấy A Di Đà Phật. A Di Đà Phật sờ lên đầu của ông, chiếc y của A Di Đà Phật còn phủ lên người của ông, đây là tướng thượng phẩm, vị này cũng không phải là người xuất gia. Hãy xem Kinh Vô Lượng Thọ, bộ kinh này rất là thú vị, phía trước có liệt kê những vị Đại đức, “Hiền Hộ đẳng thập lục chánh sĩ”, 16 vị này đều là Đẳng Giác Bồ-tát, giống như Bồ-tát Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, là Bồ-tát tại gia. Mười sáu vị cả thảy đều là Bồ-tát tại gia, là Đẳng Giác Bồ-tát thì sao không được thượng thượng phẩm vãng sanh chứ? Những điều này chỉ cần bạn tỉ mỉ mà quan sát thì những đồng tu tại gia chúng ta liền phát khởi tín tâm.
Đại sư Huệ Viễn vãng sanh, cả cuộc đời của Ngài ba lần thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng không hề nói với bất cứ ai, điều này là Tổ sư làm một tấm gương cho chúng ta. Chúng ta gặp được chút gì là lập tức đi tuyên truyền, sợ rằng người khác không biết, điều này là sai lầm. Bạn xem Tổ sư 3 lần ở trong định thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc, đó là trong lúc đang chỉ tịnh niệm Phật, nhìn thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc, Ngài chưa bao giờ nói. Cuối cùng khi Ngài vãng sanh, cảnh giới Tây Phương hiện ra, Ngài mới nói. Ngài nói cảnh giới Tây Phương hiện ra rồi, trước đó Ngài đã nhìn thấy ba lần. Ngài nói tôi nhất định sẽ vãng sanh, nhìn thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài, đi phía sau A Di Đà Phật còn có mấy người quen nữa, có Phật-đà-da-xá, có Pháp sư Huệ Trì, Pháp sư Huệ Vĩnh, cư sĩ Lưu Di Dân, đều là những vị ở Liên Xã vãng sanh cùng đi với A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài. Cư sĩ Lưu Di Dân còn nói: “Thưa lão Pháp sư, Ngài phát tâm rất sớm, mà sao Ngài lại đi trễ như vậy?” Những vị này đã đi trước rồi, các vị này đều là thượng thượng phẩm vãng sanh, là thượng phẩm thượng sanh. Ở chỗ này nói rõ với quý vị là cư sĩ tại gia phải phát tâm, phải biết cho rõ ràng.
Bạn xem trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn 53 vị thiện tri thức. Chúng ta từ trên sự tướng mà xem 53 vị này, đây là 41 vị Pháp thân đại sĩ. Ngài đã tham vấn Tỳ-kheo Kiết Tường Vân Sơ Trụ Bồ-tát, Tỳ-kheo Hải Vân Nhị Trụ Bồ-tát, Tỳ-kheo Diệu Trụ là Tam Trụ Bồ-tát, trên thực tế phía trước còn có 3 vị là người xuất gia, phía sau cũng có 2 vị xuất gia, chỉ có 5 vị xuất gia. Trong 53 vị thiện tri thức chỉ có 5 vị xuất gia, tất cả còn lại là người tại gia, điều này đã nói rõ là người tại gia học Phật có nhiều triển vọng, có nhiều thành tựu, chắc chắn không thua người xuất gia. Cho nên nhất định phải dũng mãnh tinh tấn, tu hành đúng theo giáo lý là quan trọng không gì bằng.
Thật sự làm một vị Bồ-tát tại gia, điều này trong những lúc giảng kinh, chúng tôi thường hay nhắc đến, trong cuộc sống hằng ngày có thể buông bỏ những ý niệm khống chế đối với tất cả người việc vật. Hà tất gì phải khống chế chứ? Phải buông bỏ ý niệm chiếm hữu, buông bỏ ý niệm chi phối, bạn chỉ cần buông bỏ ba cái ý niệm này thì tâm của bạn liền thanh tịnh, thì bạn sẽ không còn tạo ác nghiệp nữa. Phàm phu sở dĩ không thể thành tựu, điều rắc rối nhất chính là không thể buông bỏ ba cái ý niệm này. Chúng ta thật sự dụng công niệm Phật, ý niệm vừa khởi thì niệm A Di Đà Phật để cắt đứt cái ý niệm này, ý niệm này không còn thì đương nhiên bạn sẽ không gây ra hành vi. Sau này khởi tâm động niệm là nghĩ đến tất cả chúng sanh khổ nạn. Chúng ta làm sao để cứu giúp chúng sanh khổ nạn lìa khổ được vui? Không có gì khác, chính mình phải làm tấm gương tốt, chính mình lìa khổ thì tất cả chúng sanh mới lìa khổ, bản thân mình chưa lìa được khổ thì tất cả chúng sanh không có cách nào lìa được khổ. Thiện pháp của thế xuất thế gian đều phải bắt đầu từ nội tâm mà làm, điều này rất quan trọng, hy vọng chúng ta ghi nhớ cho thật kỹ.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nêu ra trong Mật Tông có rất nhiều phái khác nhau, trong đó có rất nhiều vị Thượng Sư là thân phận của người tại gia, không có người xuất gia. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cũng là Kim Cang Thượng Sư của Mật Tông, ông truyền pháp, ông cũng là cư sĩ tại gia. Lúc lão cư sĩ ra đi là niệm Phật mà đi, nghe nói khi ông lâm trọng bệnh, một ngày niệm 140 ngàn câu Phật hiệu, niệm Phật mà ra đi. Ngày nay chúng ta nghe Thượng Sư của Ngũ Minh Phật Học Viện cũng là niệm A Di Đà Phật mà ra đi, điều này cũng là gợi cho chúng ta niềm tin rất lớn.
Câu kinh văn “xả gia khí dục” này, chúng tôi đặc biệt chú trọng tâm xuất gia, chú trọng điều này. “Khí dục” (ly dục) phải chú trọng việc khởi tâm động niệm, thật sự buông bỏ việc khống chế đối với người việc vật, buông bỏ ý niệm chiếm hữu chi phối đối với người việc vật, không nên có những ý niệm này, những ý niệm này chắc chắn sẽ hại bản thân mình. Những ý niệm này là tâm luân hồi, từ những ý niệm này mà sanh ra những hành vi tạo nghiệp luân hồi, chúng ta mỗi ngày vẫn dùng tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi thì làm sao mà vãng sanh, làm sao mà ra khỏi luân hồi? Ta phải buông bỏ, buông bỏ thì tự tại, buông bỏ thì tốt.
Trong cuộc sống mọi người đều than khổ, tôi đã gặp được những người ở trước mặt tôi than khổ, tôi biết tại sao họ lại khổ, vì không buông bỏ được, buông xuống thì liền hết khổ. Khổ là do tự bản thân họ chuốc lấy, không phải là cái khổ nó đến tìm bạn, là bạn đi tìm cái khổ, bạn sai là ở chỗ này. Nếu bạn không đi tìm cái khổ thì cái khổ sẽ không đến tìm bạn, vậy thì tại sao phải đi tìm nó? Cho nên tất cả phải học tùy duyên không phan duyên, tùy duyên thì không bị khổ thì sẽ được vui, phan duyên thì khổ. Trong tâm ta nếu muốn như thế này như thế kia thì sẽ khổ. Cái gì cũng không muốn, nhưng phải có nguyện, nguyện khác với ham muốn, ham muốn là gì? Bạn muốn đạt được, niệm niệm đều muốn đạt được, nguyện thì không phải như vậy, nguyện là niệm niệm muốn cho duyên chín muồi. Cho nên một cái là vì chính mình, một cái là vì chúng sanh, vì Phật pháp không vì chính mình. Vì chúng sanh, duyên đã chín muồi rồi thì chúng sanh có phước, chúng ta có cơ duyên vì chúng sanh phục vụ, chúng ta rất sung sướng. Nếu duyên chưa chín muồi thì chúng sanh chưa có phước, chúng ta chưa có cơ duyên phục vụ cho chúng sanh, vậy thì phải làm sao? Chúng ta càng vui vẻ, không cần làm. Khi duyên đã chín muồi rồi, chúng ta phải nhọc nhằn, phải làm việc cho họ, cho nên duyên chưa chín muồi thì càng tốt. Bản thân nhất định không có được mất, trong sự ham muốn thì có được mất, trong nguyện thì không có được mất, điều này nhất định phải phân biệt cho rõ ràng.
Tiếp theo là nói đến trung tâm của quyển kinh, câu kinh văn này là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”.
Hôm nay thời gian hết rồi, chúng tôi xin giảng đến chỗ này.
A Di Đà Phật.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 336)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
. Thử đẳng chúng sanh, lâm thọ chung thời, A Di Đà Phật, dữ chư thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Kinh tu du gian, tức tùy bỉ Phật vãng sanh kỳ quốc, tiện ư thất bảo hoa trung tự nhiên hóa sanh, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Thị cố A Nan! Kỳ hữu chúng sanh, dục ư kim thế kiến A Di Đà Phật giả, ưng phát Vô Thượng Bồ-đề chi tâm. Phục đương chuyên niệm Cực Lạc quốc độ, tích tập thiện căn, ưng trì hồi hướng. Do thử kiến Phật, sanh bỉ quốc trung, đắc Bất Thoái Chuyển, nãi chí Vô Thượng Bồ Đề. Thử đẳng chúng sanh, lâm thọ chung thời, A Di Đà Phật, dữ chư thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Kinh tu du gian, tức tùy bỉ Phật vãng sanh kỳ quốc, tiện ư thất bảo hoa trung tự nhiên hóa sanh, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Thị cố A Nan! Kỳ hữu chúng sanh, dục ư kim thế kiến A Di Đà Phật giả, ưng phát Vô Thượng Bồ-đề chi tâm. Phục đương chuyên niệm Cực Lạc quốc độ, tích tập thiện căn, ưng trì hồi hướng. Do thử kiến Phật, sanh bỉ quốc trung, đắc Bất Thoái Chuyển, nãi chí Vô Thượng Bồ Đề.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 336)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 127
Hôm nay : 25427
Tháng hiện tại : 549505
Tổng lượt truy cập : 56611204
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.