Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 332)

Thứ sáu - 25/12/2020 12:31

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 332

 

Mỗi ngày có một thời gian nhất định để học kinh giáo, hoặc là hai giờ đồng hồ hoặc là bốn giờ đồng hồ đọc kinh. Khi đọc kinh thì tâm phải chuyên chú vào trong kinh giáo, cũng là tu định, cũng là tu huệ. Sau khi đọc kinh xong, sau khi gấp quyển kinh lại thì câu A Di Đà Phật liền hiện tiền, nhất định là không có một tạp niệm nào. Bạn cứ ngày ngày luyện tập như vậy, niệm được ba đến năm năm, nếu muốn vãng sanh thì thật sự sẽ đi được. Thông thường 3 năm thì công phu đã đủ rồi, bạn muốn vãng sanh thì bạn sẽ vãng sanh. Chẳng qua là tôi vẫn khuyên bạn chưa nên đi, vì sao vậy? Bởi vì công phu mới 3 năm bạn vãng sanh sẽ sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ, phẩm vị của bạn không cao. Chẳng phải đã nghe Phật nói ở trong kinh, niệm Phật một ngày ở thế giới Ta-bà chúng ta bằng ở Thế Giới Cực Lạc tu hành 100 năm. Ở nơi này thì nhanh hơn, cho nên khuyên bạn không nên đi, ở lại dụng công thêm vài năm nữa thì bạn có thể vãng sanh đến Phương Tiện Hữu Dư Độ, vãng sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Bạn ở nơi này phải tranh thủ, đến thế giới Cực Lạc nếu muốn từ Phàm Thánh Đồng Cư Độ sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ, thông thường phải cần thời gian từ 3 kiếp đến 4 kiếp, phải cần thời gian nhiều đến như vậy. Ở tại nơi này của chúng ta nếu có nền tảng như vậy rồi, quả thật có thể giống như tôi đã nói, bạn chân thật chịu làm được 10 năm, 20 năm thì ngang bằng với tu 3-4 kiếp ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây chính là nguyên nhân mà tôi khuyên bạn chưa nên vội đi. Không phải nói lưu luyến cái thế gian này, không phải vậy, tu hành ở tại thế giới này còn thù thắng hơn so với tu hành ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây có nghĩa là tu hành ở thế giới này không dễ dàng một chút nào, chướng ngại thì quá nhiều, đây là rèn luyện cho bạn mạnh mẽ, chính là ngày ngày đều có bài kiểm tra lớn. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thuận buồm xuôi gió, không có ai kiểm khảo bạn cả, cho nên bạn sẽ tiến bộ rất chậm. Đích thực là họ không có thối chuyển, đây là thật, họ không thối chuyển nhưng tiến bộ thì rất chậm. Không giống như ở nơi này, ở nơi này thì thay đổi rất là nhanh, tiến thì tiến rất nhanh, thoái thì cũng thoái rất nhanh, bạn có thể giữ gìn được chỉ có tiến mà không thoái thì chính là siêu vượt hơn việc tu hành ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Lời nói này không phải là lời của tôi nói, là Phật đã nói ở trên kinh. Cho nên chúng ta nhất định phải trân quý cái duyên hiện tiền này, hết thảy tùy duyên không phan duyên, Phật Bồ-tát thật sự sẽ bảo hộ cho bạn, thật sự sẽ gia trì, bạn thật sự chịu làm thì Phật Bồ-tát sẽ gia trì cho thọ mạng của bạn, khiến cho bạn ở nơi này tinh tấn vượt bậc. Thế nên nhất định phải hiểu, vãng sanh Tịnh Độ thì tâm thanh tịnh là chánh nhân.

Hiện tại người hoằng truyền Tịnh Độ rất nhiều, thuyết pháp cũng không như nhau, rất nhiều người đến hỏi tôi, họ có rất nhiều sáng kiến mới lạ, hỏi tôi nghe xong thì làm như thế nào? Không cần để ý đến họ, mỗi người có cách tu của mỗi người, mỗi người đều có phước báo của mỗi người. Nếu nói người này là do vị Bồ-tát nào đó truyền lại pháp môn cho họ, bạn vừa nghe thì liền động tâm, bạn liền đi học họ. Lại có một người khác nói là vị Phật nào đó truyền cho họ, vậy thì tâm của bạn lại lung lay, ngày ngày đều một dạ hai lòng, ngày ngày đều thay đổi phương pháp thì bạn không thành tựu được một việc nào. Có rất nhiều người đến hỏi tôi, khi hỏi tôi thì tôi nói với họ, chúng tôi trước đây đã từng giảng qua Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đặc biệt là chương “Thượng phẩm thượng sanh”, chương này đã giảng riêng qua một lần rồi. Trong chương này có bài khai thị của Thiện Đạo Đại sư, mọi người đều biết Ngài Thiện Đạo là A Di Đà Phật tái lai, lời của Ngài Thiện Đạo chính là lời của A Di Đà Phật tự mình nói ra, chúng ta phải tin. “Nhất môn thâm nhập” là chọn một pháp môn, dù có pháp môn nào tốt hơn đi nữa thì cũng đều như như bất động không thay đổi, vậy thì bạn khẳng định sẽ thành công. Nếu bạn nghe pháp môn này cũng được, pháp môn kia cũng hay, do dự chần chừ, vậy thì hỏng rồi, bạn sai rồi. Cho dù A Di Đà Phật tái lai nói là Ngài có một pháp môn hay, so với pháp môn này còn nhanh hơn, vậy thì bạn nói: “Cảm ơn A Di Đà Phật, con chỉ tu pháp môn này thôi, con sẽ không thay đổi”, vậy thì bạn mới có thành tựu. Tối cực quan trọng chính là tâm thanh tịnh, bạn không dao động thì tâm mới thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, đây là chánh nhân của việc niệm Phật vãng sanh. Hiện tiền bạn nhất định đạt được công đức lợi ích thù thắng, bạn nhất định được chư Phật hộ niệm, thiện thần sẽ âm thầm gia trì cho bạn.

 Trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích Đại sư nói rất hay, “duy hữu đại trí phương năng đế tín”(chỉ có đại trí mới có thể chân thật tin tưởng). Trong chú giải An Lạc Tập nói đến tam tâm, trên thực tế “tam tâm” này cùng với “đại trí” được nói ở trong Yếu Giải  là cùng một ý nghĩa, trong đó nói tương đối rõ ràng một chút. Cái thứ nhất là “thuần tâm”, thuần hậu, tâm phải chân thật, tín tâm thâm hậu. Cái thứ hai là “nhất tâm”, tín tâm thuần nhất, nhất định không có nghi hoặc, nhất định không xen tạp một tạp niệm nào khác, một ý niệm nào khác. Thứ ba là “tương tục tâm”, cái tâm này có thể tương tục, cái tâm này không gián đoạn. Thực tại mà nói, cách nói này cùng với Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-tát đã nói: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn” là cùng một ý nghĩa, so với cách nói “đô nhiếp lục căn tịnh niệm tương kế” (thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối) của Đại Thế Chí Bồ-tát là hoàn toàn tương đồng. Nếu có thể tương tục không gián đoạn, đây chính là hành, nhưng có thể nhất tâm thì cái tâm này thuần hậu. Nếu có ba tâm này mà không được sanh [Tây Phương] thì chẳng có lẽ đó, nhất định sẽ được sanh. Những lời này của Tổ sư chúng ta phải xem nhiều, phải nhớ kỹ thì chúng ta mới có thể thật sự thể hội được.

Ví dụ trong Sớ Sao nói “tín tức tâm tịnh” (tin thì tâm tịnh), câu nói này rất đáng để cho chúng ta làm tham khảo, chúng ta có tin hay không? Tâm của chúng ta không thanh tịnh, không thanh tịnh thì không phải là tin, lòng mà tin thì thanh tịnh, thanh tịnh thì tin. Trong tâm chúng ta vẫn còn có ý niệm khác xen tạp ở trong đó, sai rồi! Cuộc sống không nên có ý niệm, hãy học tùy duyên, học cách chuyển cảnh giới, không được để bị cảnh giới chuyển. Nếu bạn nghe không hiểu cái chuyển này, tôi nói một cách khác, đó là học làm sao để không bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng, ta phải học làm sao mà ta có thể ảnh hưởng đến nó, không được để nó ảnh hưởng đến ta, vậy thì mới đúng. Nhất định không để bị ảnh hưởng bởi hết thảy người, việc, vật bên ngoài. Ví dụ như ăn uống, chua ngọt cay mặn đắng, có người nói mặn quá, nhạt quá, chua quá, bạn có thể đem những chữ quá đó bỏ đi không? Bất luận là mùi vị gì, khi vào trong miệng thì là một mùi vị, biến thành một mùi vị, một vị thì là pháp vị, chư Phật Bồ-tát các Ngài có cái năng lực này. Năm vị khi vừa vào trong lưỡi thì thành một vị, các Ngài có thể chuyển cảnh giới, các Ngài không bị cảnh giới chuyển, đây là việc người bình thường không biết. Người phàm rơi vào trong vọng tưởng phân biệt chấp trước, món này ngon thì ăn nhiều một chút, món kia không ngon thì không muốn ăn, liền cự tuyệt, vậy sai rồi. Mùi vị gì cũng biến thành một vị, một vị là vô thượng pháp vị. Học Phật là học từ những chỗ này, những chỗ này chư Phật Như Lai và cả Tổ sư Đại đức đều đã thị hiện cho chúng ta xem.

Năm xưa tôi giảng kinh tại Hồng Kông, đây là chuyện hơn 20 năm về trước, có một số lão cư sĩ, hiện tại những vị lão cư sĩ này đều không còn nữa, những vị lão cư sĩ này đã từng thân cận với lão Hòa thượng Hư Vân. Họ nói với tôi, Hòa thượng Hư Vân một năm cạo đầu một lần, cho nên bạn xem thấy có một số hình chụp là đầu đã cạo rồi, đại khái đó là năm mới nên Ngài vừa mới cạo xong. Một năm chỉ cạo một lần, dường như là một năm mới tắm một lần, xưa nay không thay y phục, nghĩa là xuân hạ thu đông cũng đều mặc bộ đó. Cổ của chiếc áo bị mồ hôi cặn dầu tích tụ lại rất dày, Ngài không hề giặt qua, mồ hôi rất dày, khi ngửi thì có mùi hương của hoa sen. Chúng ta ngày ngày giặt quần áo, hương hoa sen đều đã giặt sạch mất, đều không còn nữa. Ngài không giặt, Ngài giữ nó lại, nguyên nhân là gì vậy? Tâm thanh tịnh, Ngài có thể chuyển cảnh giới, Ngài không bị cảnh giới xoay chuyển. Sự việc này các vị cũng thấy nhà khoa học của Nhật Bản là Giang Bổn Thắng đã làm thực nghiệm, ông dùng nước để làm thực nghiệm. Ông dùng đều là ly thủy tinh, nhìn xuyên thấu được nước đựng ở bên trong. Trên ly nước này chúng ta dán một chữ “ái”, chúng ta viết một chữ “ái”, có tâm ái. Viết chữ “ái” này dán lên trên ly nước, sau hai giờ đồng hồ, đem mẫu nước này đông lạnh -5 độ C, vừa đủ đóng băng, đem mẫu nước đóng băng này để ở dưới kính hiển vi mà quan sát, những tinh thể ấy vô cùng đẹp đẽ, là chữ “ái”. Ông đã làm thực nghiệm trong 10 năm, bức hình đẹp nhất là chữ “ái”. Cho nên ông nói “ái” là chân lý của vũ trụ. Nếu bạn viết một chữ là “tôi hận bạn, chán ghét bạn”, cũng đem dán trên ly nước, sau đó hai giờ đồng hồ bạn lại quan sát dưới kính hiển vi, nó sẽ vô cùng khó coi. Thí nghiệm này chứng minh được lời Phật đã nói trong kinh là “cảnh tùy tâm chuyển”. Vì sao chúng ta không dùng tâm yêu thương này yêu thương hết thảy người, yêu thương hết thảy mọi vật? Tế bào ở trên toàn thân của chúng ta, nếu đem quan sát ở dưới kính hiển vi thì đều có sự kết tinh tốt đẹp, thân thể sẽ khỏe mạnh; nếu có sự oán hận thì tế bào trên thân thể bạn xem dưới kính hiển vi sẽ rất khó coi. Cho nên bản thân bạn muốn khỏe mạnh, muốn trường thọ, muốn tràn đầy trí huệ thì bạn hãy dùng tâm yêu thương đối với hết thảy chúng sanh, tế bào trên toàn thân của chúng ta đều là tâm yêu thương, đều là tâm thiện lành. Thuần tịnh thuần thiện thì đó chính là tâm Phật, chính là Bồ-tát, khẳng định hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới là một pháp tánh. Trong kinh thường nói, “thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất pháp thân, nhất tâm nhất trí huệ, lực vô úy diệc nhiên”, Phật đã nói rất nhiều rồi, hoàn toàn là chân tướng sự thật, chúng ta nhất định không thể hoài nghi. Đặc biệt là thực nghiệm này của ông đã cho chúng ta sự khải thị rất lớn, thực nghiệm chứng minh điều mà Phật nói ở trong kinh là chính xác. Hiện tại thực nghiệm của ông chỉ nhìn thấy sắc tướng, sắc tướng của sự đẹp xấu, tôi nói với ông hãy cố gắng nỗ lực thâm nhập mà làm thực nghiệm.

Tất cả vật chất từ đâu mà có? Tâm hiện thức biến, tâm chính là chân tâm, chính là bản tánh, chân tâm bản tánh là thuần tịnh thuần thiện. Cho nên nó có đức, nó có năng, năng chính là kiến văn giác tri. Hiện tại thì ông đã thực nghiệm được rồi, nước có thể xem, có thể nghe, có thể hiểu ý của con người. Con người gieo cho nó ý niệm thiện, nó sẽ có sự hồi đáp rất tốt; ác niệm thì nó hồi đáp sẽ không tốt, nó hiểu được ý của con người. Nếu bạn mở rộng ra tất cả khoáng vật, vật chất, bởi vì vật chất chính là tâm biến, tâm chính là vật chất, vật chất chính là tâm, tâm có bản năng, tâm còn có đức, vốn có đủ đức năng. Đức là gì? Đức là sắc thanh hương vị, hiện tại ông chỉ mới nghiên cứu được sắc mà thôi, nó vẫn còn âm thanh. Chúng ta dùng tâm yêu thương, tâm yêu thương chân thật thì nó sẽ có âm thanh vô cùng tuyệt diệu, ông vẫn chưa khám phá được. Nó còn có hương, nó còn có vị, vì vậy nếu bạn chán ghét nó, hận nó, nó sẽ không thơm nữa mà sẽ là hôi thối. Sắc thanh hương vị của nó đều biến đổi, thiên biến vạn hóa, một niệm thiện thì xinh đẹp vô cùng, một niệm ác thì xấu vô cùng, thiên biến vạn hóa. Trong lần vừa rồi đến Nhật Bản tôi đến thăm ông, tôi bảo ông thâm nhập thêm nữa, vẫn còn nữa, không dừng lại ở chỗ này. Bao nhiêu năm qua những thực nghiệm khoa học của ông tránh né vấn đề tôn giáo, bởi vì ông muốn siêu vượt hơn tôn giáo, ông muốn thuần khoa học. Hiện tại thì tôi nói với ông, tôn giáo thật sự cao hơn khoa học rất nhiều, có thể chỉ dạy bạn cách thâm nhập sâu hơn nữa, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu cho ông. Nếu ông có thể thật sự đem việc này nghiên cứu ra được thì sẽ chứng minh điều Phật đã nói ở trong kinh không sai một chút nào. Vì vậy tôi nói báo cáo thực nghiệm này của ông, các đồng học của chúng ta ngẫu nhiên xem thấy được từ trên mạng Internet, trích chép lại từ trên mạng rồi đưa cho tôi xem, tôi vừa xem liền hiểu. Vì sao vậy? Trong kinh đã nói nên tôi vừa xem liền hiểu. Tôi đến thăm ông, ông cũng rất ngưỡng mộ đối với tôi. Ông mới hơn 60 tuổi mà sức khỏe lại kém hơn tôi rất nhiều. Ông hỏi: “Pháp sư à, Ngài điều dưỡng thân thể như thế nào vậy?” Tôi nói với ông, cách tôi điều dưỡng thân thể chính là dùng tâm yêu thương như ông thực nghiệm với nước vậy. Chính là cách như ông đang thực nghiệm, tôi nói tôi chính là dùng tâm yêu thương để điều dưỡng, ông thực nghiệm ra được rồi vậy ông có áp dụng vào trong cuộc sống của mình không? Nhờ kinh Phật nên tôi đã hiểu ra từ sớm rồi, tôi có thể đem cái tâm yêu thương này, đem tâm chân thành, tâm cảm ơn, áp dụng vào trong đời sống, dùng vào trong công việc, dùng vào trong xử sự đối người tiếp vật, tôi là dùng cách này để điều dưỡng thân thể, ông thực nghiệm ra được rồi vì sao lại không dùng? Ông nhỏ hơn tôi mười mấy tuổi.

Cho nên việc này thì chúng ta nhất định phải học. Đối với chính mình, đặc biệt là từ trung niên trở đi thì việc khỏe mạnh sống lâu là điều ai ai cũng quan tâm, rất dễ dàng đạt được, không cần phải ăn đồ bổ, đồ bổ dưỡng đều là thuốc độc, đều không phải là thứ tốt. Nếu thật sự muốn được bổ dưỡng thì nhất định phải nhờ đến Trung y, để cho họ chuẩn đoán cho bạn, xem bạn thiếu cái gì thì kê một toa thuốc dành riêng cho bạn, không thể tùy tiện như người này nói loại thuốc này hay, người kia nói loại thuốc kia tốt, toàn bộ đều là thuốc độc, vậy thì bạn đã mắc lừa rồi. Cho nên tôi thứ bổ gì cũng không uống, tôi bình thường chính là uống nước, trà thì có uống một chút, tôi chỉ uống trà rất nhạt, trà đậm quá thì không được, uống một ít trà nhạt thì được. Cuộc sống phải có quy củ, quan trọng nhất là không nên nghĩ tưởng lung tung, nghĩ tưởng lung tung rất có hại. Cơ thể con người là một bộ máy hoạt động, bộ máy này đang vận hành hoạt động, đương nhiên là nó cần có năng lượng, năng lượng chính là việc ăn uống bổ sung mà biến thành năng lượng, sự tiêu hao của năng lượng thì 95% là tiêu hao vào trong vọng tưởng, tiêu hao vào trong tạp niệm, cho nên tạp niệm càng ít thì bạn càng ít tiêu hao năng lượng, thứ bạn cần ăn uống cũng càng ít. Cho nên Thế Tôn năm xưa tại thế, trong tăng đoàn mỗi ngày ăn một bữa, vì sao vậy? Ngài không có vọng niệm, Ngài tiêu hao năng lượng ít, một bữa thì đủ rồi. Chúng ta từ trong kinh xem thấy, A-la-hán bảy ngày thì đi trì bát một lần, nghĩa là nói bảy ngày mới ăn một bữa thì bạn biết được tâm của họ rất thanh tịnh. Bích-chi Phật thì nửa tháng mới đi trì bát một lần, nửa tháng ăn một bữa thì bạn liền biết được tâm địa của các Ngài thanh tịnh, một trần không nhiễm. Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện mỗi ngày ăn một bữa, đây là làm cho phàm phu chúng ta xem, làm một sự thị hiện. Chúng ta nghe rồi, trong kinh điển đã xem thấy rồi, phải tỉ mỉ mà suy nghĩ, sau khi đã hiểu thông lý rồi, nhất định phải áp dụng, phải đi làm. Cho nên phải học không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, chính là “đại trí” mà trong Yếu Giải đã nói, “duy hữu đại trí phương năng đế tín”. Xem như vậy thì sẽ hiểu được đại trí có ý nghĩa gì, làm thế nào có đủ đại trí thì chúng ta mới hiểu được.

Phần chú giải tiếp theo nói “chí tâm hồi hướng, nguyện sanh bỉ quốc”. Chữ “chí tâm” này chính là lấy “Bồ-đề tâm” mà trong Quán Kinh đã nói. “Bồ-đề tâm” mà Quán Kinh đã nói là chí thành tâm, thâm tâm, và hồi hướng phát nguyện tâm. Thiên Thân Bồ-tát ở trong Vãng Sanh Luận thì gọi là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”. Cho nên cổ Đại đức thường đem kinh luận hợp lại, như vậy mà xem thì sẽ dễ dàng hiểu ý nghĩa hơn. Chí thành tâm chính là trực tâm, trong Vãng Sanh Luận thì gọi là trực tâm, thật sự là không dễ hiểu, “chí thành tâm” thì dễ hiểu hơn. Chí thành tâm chính là chân thành đến cùng cực, đây chính là trực tâm. Thâm tâm thì kinh và luận đều tương đồng, đều gọi là thâm tâm. Thâm tâm chính là tự thọ dụng của chí thành tâm. Đại bi tâm và hồi hướng phát nguyện tâm thì kinh và luận gọi không giống nhau, danh từ không giống nhưng đều là nói đến tha thọ dụng. Chính là chúng ta dùng cái tâm gì đối với chính mình, dùng cái tâm gì để đối với người, đối với mình thì gọi là thâm tâm, đối với người thì gọi là đại bi tâm.

Mười mấy năm trước, tôi ở Mỹ giảng kinh đến chỗ này, bởi vì tôi thường giảng Kinh Vô Lượng Thọ nên tôi dùng từ “thanh tịnh bình đẳng giác” trong Kinh Vô Lượng Thọ. “Thanh tịnh bình đẳng giác” chính là thâm tâm, phải dùng cái tâm này đối với chính mình. Đại bi tâm, hồi hướng phát nguyện tâm chính là từ bi tâm. Cho nên tôi đã dùng 10 chữ: Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đây là “Bồ-đề tâm” mà trên kinh luận đã nói. Chân thành là bản thể của “Bồ-đề tâm”, có thể có dụng. Thâm tâm là tự thọ dụng, tự thọ dụng là thanh tịnh bình đẳng chánh giác. Chính mình đối với chính mình thì bạn không thể không biết. Bạn có thể tương ưng với 10 chữ này vậy thì bạn đã không rời “Bồ-đề tâm”, không rời “Bồ-đề tâm” vậy thì bạn đã phát “Bồ-đề tâm”, phát “Bồ-đề tâm” thì chính là Bồ-tát, không phải là người phàm. Mức độ thấp nhất, trong Kinh Hoa Nghiêm nói có 51 cấp bậc Bồ-tát thì bạn là Sơ Tín Vị Bồ-tát, Sơ Tín Vị nghĩa là vừa mới vào cửa, vì sao vậy? Đã phát “Bồ-đề tâm” hay chưa? Phát rồi nhưng không kiên cố, thường quên mất. Đến khi nào thì mới không quên mất “Bồ-đề tâm”? Hoàn toàn tương ưng, niệm niệm tương ưng, là Sơ Trụ, cho nên Sơ Trụ gọi là Phát Tâm Trụ. Mười cấp bậc phía trước là thập tín vị, không có địa vị, bởi vì họ cứ tiến tiến thối thối. Đến khi bất thối, “Bồ-đề tâm” bất thối rồi thì đó chính là Sơ trụ, chính là Pháp Thân Bồ-tát minh tâm kiến tánh. Thập tín vị gọi là Quyền Giáo Bồ-tát, ngang với Quyền Giáo Bồ-tát.

Cho nên chúng ta không thể không phát cái tâm này. Bạn phải biết phát tâm này là chúng ta dùng tâm chân thành đối với người, dùng tâm chân thành để sống, nhất định không lừa dối chính mình, nhất định không lừa dối người khác. Phía trước tôi có nói chúng ta phải học Phật nói lời thành thật, bạn phải bắt đầu từ chỗ này mà làm, đây là chúng ta thật sự quyết tâm học Phật, thật sự quyết tâm trong một đời này ta phải thành tựu. Nếu bạn không thể làm như vậy thì bạn thành tựu không nổi. Vì vậy người chân thật học Phật không nhiều, người đến cửa Phật để tiêu khiển thì rất nhiều, đương nhiên tốt hơn so với những trò tiêu khiển thông thường, ở đây còn có thể trồng được thiện căn, hầu hết các trò tiêu khiển thông thường thì đều trồng cái căn bất thiện, bạn không thật sự học Phật. Thật sự học là thật sự làm, nghĩa là từ tâm chân thành nói lời thành thật, bắt đầu từ chỗ này. Đối với chính mình, nhất định phải biết bồi dưỡng tâm thanh tịnh của chính mình, tâm thanh tịnh là không ô nhiễm, trong hoàn cảnh hiện tại không nhiễm ô thì rất khó.

Tôi đã làm ra cho các đồng học tham khảo, tôi đã hơn bốn mươi năm không xem truyền hình, không xem báo chí, tạp chí báo chí truyền thanh truyền hình tôi đều đoạn tuyệt, vì sao vậy? Vì được một chút tâm thanh tịnh. Vì vậy các bạn nhỏ ở Bắc Kinh đọc Đệ Tử Quy hơn một năm, vừa đi đến trường mấy ngày thì đã mất hết, nguyên nhân là gì? Chúng khởi dậy vọng tưởng phân biệt chấp trước, chúng không cưỡng lại được sự mê hoặc, việc này chúng ta không thể không biết, không thể không hiểu. Chúng ta nhất định phải đề phòng, những thứ này đều là ô nhiễm, chúng ta nhất định không xem, nhất định không tiếp xúc. Nghe nói sự ô nhiễm của mạng Internet còn nghiêm trọng hơn, những thứ tân thời này tôi đều không tiếp xúc, những thứ khoa học kỹ thuật này hết thảy tôi đều không tiếp xúc. Những người trẻ tuổi các vị thì vẫn tiếp xúc, nhưng các vị phải cẩn thận, sau khi bị ô nhiễm thì bạn sẽ rất khó quay đầu. Nếu đọa thì sẽ là ba đường ác, ba đường ác thật sự mà nói thì khẳng định là đọa địa ngục. Đây chính là trí huệ cao độ, trí huệ chân thật, bạn phải biết phòng ngừa, sự phòng ngừa này thì bạn biết tôi không tiếp xúc với những thứ đó, tuyệt đối không được theo sự dẫn dắt sai lầm của người khác. Dẫn dắt sai lầm như thế nào? Người ta nói bạn đang sống trong thời buổi hiện đại này mà bạn cái gì cũng chẳng biết, bạn làm sao mà sống đây? Tôi cái gì cũng không biết, cái gì cũng không tiếp xúc, nhưng nếu bạn nói với tôi thì tôi liền hiểu, bạn không nói thì tôi không biết, nói ra thì tôi liền biết, vì sao mà tôi hiểu được? Suy đoán thì đều có thể nghĩ ra được.

Vì vậy, tu tâm như thế nào? Thật sự là bất luận tu hành một tông nào, Thiền, Giáo, Mật, Luật đều nói tu từ căn bản, căn bản chính là tâm. Dùng tâm chân thành đối với chính mình, thanh tịnh bình đẳng giác, thanh tịnh thì không nhiễm ô, bình đẳng thì không có cao thấp, pháp pháp bình đẳng, người người bình đẳng, nhất định là phải hiểu điều này. Trong kinh Phật có hai câu nói “ngày ngày là ngày tốt, giờ giờ là giờ tốt”, tôi thêm hai câu nữa “người người là người tốt, việc việc là việc tốt”. Trong mấy năm gần đây tôi sâu sắc thể hội được, người giúp đỡ tôi thì tôi cảm tạ họ, họ là người tốt; người hủy báng tôi, người nhiễu điều sanh sự, người hãm hại tôi thì cũng là người tốt, tôi cũng cảm ơn họ, vì sao vậy? Vì người tốt đang đến khảo nghiệm tôi, xem tôi có khởi tâm tham hay không? Người không tốt đến khảo nghiệm tôi, xem tôi có sanh tâm sân hận hay không? Họ đến kiểm tra, người kiểm tra thì không có tốt xấu, tốt xấu là ở chính mình. Cho nên Ngẫu Ích Đại sư nói rất hay “cảnh duyên không tốt xấu”, cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự là bình đẳng, việc này nhất định phải biết là bình đẳng. Tôi dùng tâm bình đẳng để đối đãi, ta dùng tâm thiện để đối đãi thì tất cả đều là thiện, ta dùng tâm bất thiện để đối đãi thì đều bất thiện, cho nên mới nói “cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại tâm sanh”. Vậy chúng ta vì sao không dùng tâm thanh tịnh, vì sao không dùng tâm bình đẳng, vì sao không dùng tâm thuần tịnh thuần thiện? Vũ trụ là hài hòa, vũ trụ thuần thiện thuần tịnh, bạn nói xem bản thân chúng ta hoan hỷ an lạc biết bao, trong tâm không có lo âu, không có vướng mắc, không có phiền não, tâm tình như vậy thì con người làm sao lại không khỏe mạnh không hạnh phúc được chứ?

Trong Phật pháp nói “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”, những lời này là thật, không giả chút nào, vấn đề là bạn phải giác ngộ. Mê tà nhiễm mang lại cho bạn khổ não vô biên, giác chánh tịnh thì mang lại sự hạnh phúc mỹ mãn, bạn phải giác chánh tịnh. Giác nhất định là không mê, bất luận sự việc gì cũng rõ ràng minh bạch thông suốt thấu đáo. Không những hiểu rõ đối với chính mình, hiểu rõ đối với chúng sanh, hiểu rõ đối với thế gian, đối với xuất thế gian cũng hiểu rõ, không cần phải cầu, tu thanh tịnh bình đẳng giác là quan trọng. Đối với hết thảy chúng sanh thì đại từ đại bi, đại có nghĩa là vô điều kiện, không có phân biệt không có chấp trước, tự nhiên hiển lộ ra sự bao dung, tôn trọng, kính ái, quan tâm hợp tác lẫn nhau, bạn nói xem viên mãn đến như vậy. Dùng đức hạnh của chính mình để cảm hóa người thế gian, đương nhiên thế gian này không phải dễ dàng cảm hóa đến như vậy, chư Phật Như Lai xuất hiện tại thế gian này, dường như cũng không khởi được bao nhiêu tác dụng, nhưng kỳ thực thật sự đã khởi tác dụng. Người có thể tiếp xúc và được cảm hóa thì đều là người thiện căn sâu dày, có duyên với Phật, họ thật sự quay đầu. Những người khác, tuy nhìn thấy dường như họ không thể quay đầu, vẫn là đang tạo ác nghiệp, nhưng họ trải qua sự huân tập này, họ đã có tiến bộ rồi, bạn không thể nói việc này không có tác dụng, không khởi tác dụng, vậy thì sai rồi. Nó khởi tác dụng, tác dụng không rõ ràng, đời sau kiếp sau thì sẽ rõ ràng. Vì vậy nếu đời này bạn cảm động thì nghĩa là đời đời kiếp kiếp quá khứ đã huân tu, đời này thì thành tựu, làm gì có chuyện ngẫu nhiên chứ? Thế gian tuyệt đối không có sự việc ngẫu nhiên. Vì vậy vĩnh viễn phải có cái tâm cảm ân, phải có tâm từ bi, việc này rất quan trọng, tu Tịnh Độ chính là phải dùng cái tâm này.

Chúng tôi dùng cách nói của Kinh Vô Lượng Thọ thì mọi người sẽ dễ hiểu. Chân thành thanh tịnh bình đẳng chánh giác từ bi, đây chính là “Bồ-đề tâm”. Niệm không quên, niệm niệm không mất, cái tâm này phải tương tục, phải không gián đoạn thì đối với chính mình sẽ có đại lợi ích. Cái đại lợi ích này là gì? Tiêu nghiệp chướng, khai trí huệ, khỏe mạnh sống lâu, hạnh phúc mỹ mãn, bạn thật sự là có thể đạt được mà không giả dối một chút nào. Đối đãi với người thì đại từ đại bi, nhưng quan trọng nhất không được quên là phải nhất hướng chuyên niệm, vì sao vậy? Chúng ta có tu tốt hơn đi nữa, nếu không cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc thì bạn nên biết việc siêu vượt lục đạo là rất khó. Chúng ta dùng tâm Bồ-đề, tâm thanh tịnh bình đẳng giác để mà tu hành, nếu không vãng sanh thì quả báo khẳng định là sẽ ở Dục Giới Thiên. Nếu dục của bạn vẫn chưa đoạn thì không ở hai tầng dưới của Dục Giới, khẳng định là từ Dạ-ma Thiên trở lên, bạn không thể được lên Đao-lợi Thiên, cũng sẽ không ở Tứ Vương Thiên, thông thường mà nói có lẽ là từ Đâu-suất Thiên trở lên. Đâu-suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, đây là nơi bạn sẽ ở. Nếu công phu của bạn sâu, dục tình của bạn vô cùng mờ nhạt, danh văn lợi dưỡng ngũ dục lục trần, tự tư tự lợi những loại ý niệm này rất mờ nhạt, dường như không có, vậy thì bạn sanh Sắc Giới Thiên, đây là nơi bạn sẽ đến. Ra khỏi sáu nẻo thật không dễ dàng, phải đoạn dứt kiến tư phiền não thì mới có thể ra khỏi, đây chính là nói rõ tám mươi bốn ngàn pháp môn là đạo khó hành. Nhưng nếu chúng ta dùng cái công phu này cầu sanh Tịnh Độ thì lại dễ như trở bàn tay, nhất định được sanh. Công phu kém thì sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ, công phu tốt thì sanh Phương Tiện Hữu Dư Độ, vì vậy nhất định phải nỗ lực, vì sao vậy? Đây là chân thật thành tựu, thế gian này bất luận là loại danh văn lợi dưỡng gì đi nữa thì toàn bộ là giả. Phải thường nhớ đến lời của Vĩnh Gia Đại sư nói “trong mộng rõ ràng có sáu cõi, giác rồi không không cả đại thiên”. Kinh Kim Cang nói “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp  như mộng huyễn bào ảnh”, bạn phải nhìn rõ ràng, phải buông bỏ, không nên xem trọng những việc này nữa. Những sự việc này nếu có thể đạt được, có duyên thì được, vì chúng sanh làm thêm một ít việc tốt; không có duyên, không đạt được cũng tốt, thanh tịnh vô sự.

Thế gian việc gì là tốt nhất? Không có việc mới là tốt nhất. Trong nhiều năm qua có rất nhiều người đem tiền đến cho chúng tôi, chúng tôi cũng không có cách nào, họ đã đem tiền đến thì thay họ làm việc. Vì vậy tiền nhiều thì làm nhiều, tiền ít thì ít làm, không có là tốt nhất, không phải làm, đây là lời nói chân thật. Không có tiền thì không phải làm gì cả, cả ngày từ sáng đến tối lão thật niệm Phật thì bạn nói xem cuộc sống như vậy tự tại biết bao. Có cái duyên này thì chúng ta cũng không thể cự tuyệt được, bởi vì có rất nhiều người muốn làm việc tốt mà không biết thế nào gọi là việc tốt, đó cũng như là ủy thác cho chúng ta, chúng ta thay họ làm việc tốt, chúng ta có cái nghĩa vụ này, có trách nhiệm đi giúp đỡ họ. Cho nên không được quên rằng bất luận là hữu sự hay vô sự thì cũng không được quên nhất hướng chuyên niệm. Bạn cả đời này chỉ có một phương hướng, chuyên niệm A Di Đà Phật, chuyên cầu thế giới Cực Lạc.

Ấn Quang Đại sư trong Văn Sao thường  nhắc đến “tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”, tôi đọc Văn Sao, tôi trích lục ra được bốn câu nói, đây là tâm truyền của Ấn Quang Đại sư. Ngài một đời tự hành hóa tha, không rời khỏi nguyên tắc cương lĩnh này. Đó là “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”, chính là 16 chữ này. Đại sư Ngài cả đời đã làm được, danh xứng với thực, tôi đã khắc một con dấu cho Ngài, tôi nói đây là truyền tâm pháp yếu của Ấn Quang Pháp sư. “Chí tâm hồi hướng”, hồi hướng chính là đại từ đại bi; áp dụng thực tiễn của đại từ đại bi đó chính là đem hết thảy công đức mà chính mình tu được tuyệt đối không chiếm làm của riêng mà bố thí cho hết thảy chúng sanh. Hồi hướng chính là giúp đỡ hết thảy chúng sanh, niệm niệm đều hy vọng tất cả chúng sanh đều thành tựu, viên mãn thành tựu giống như chính mình vậy. Do đây mà thấy, ta tu được tốt thì họ được lợi ích càng nhiều, ta tu không tốt thì họ không được lợi ích. Muốn khiến cho tất cả chúng sanh mọi nơi đều được lợi ích thì ta không thể không chăm chỉ tu. Bạn có thể phát cái tâm này thì đối với chính mình là một sự khích lệ rất lớn, chúng ta thường nói dũng mãnh tinh tấn, là ai đang thúc đẩy? Hồi hướng là sức mạnh thúc đẩy. Người thế gian cầu danh cầu lợi, danh lợi là sức mạnh thúc đẩy, họ không có danh lợi thì họ sẽ không làm. Người tu hành danh lợi đều xả bỏ, vậy cái gì đang thúc đẩy? “Bồ-đề tâm” đang thúc đẩy, từ bi tâm chính là hồi hướng phát nguyện tâm đang thúc đẩy, khiến họ vĩnh viễn tinh tấn không giải đãi.

Hồi hướng có ba loại: hồi hướng Bồ-đề, hồi hướng thực tế, hồi hướng chúng sanh. Trong thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát, trong 10 nguyện thì thực tế chỉ có 7 nguyện. Bảy câu phía trước là nguyện: lễ kính, xưng tán, cúng dường, sám hối, tùy hỷ, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế. Bảy điều này là nguyện, ba câu phía sau là hồi hướng. Thường tùy Phật học là hồi hướng Bồ-đề, hằng thuận chúng sanh là hồi hướng chúng sanh, phổ giai hồi hướng là hồi hướng thực tế, thực tế chính là pháp tánh. Ba nguyện phía sau là hồi hướng. Trong mười nguyện mà hồi hướng đã chiếm hết ba điều, bạn hãy nghĩ xem việc hồi hướng này quan trọng đến cỡ nào. Vì sao vậy? Vì có thể phá ngã chấp, có thể phá pháp chấp, nếu bạn không hồi hướng thì hai loại chấp trước này không dễ gì phá bỏ được.

Chướng ngại nghiêm trọng nhất của hết thảy phàm phu là cái gì? Khởi tâm động niệm đều là “ta”, lợi ích của ta, việc này thì phiền phức rất lớn. Không cần nói Phật Bồ-tát, trong A-la-hán thì cấp bậc thấp nhất là Sơ Quả Tu-đà-hoàn. Tu-đà-hoàn thì đã không còn chấp trước cái thân này là ta, thân tướng phá rồi mới có thể chứng được quả Tu-đà-hoàn, đây là chân thật đã bước vào Phật môn. Phàm phu chúng ta học Phật hết mấy mươi năm, học hết cả đời, không vào được Phật môn, nguyên nhân là ở đâu? Chưa buông bỏ cái “ta”, không biết thân này không phải là ta, thân là của ta chứ không phải ta. Vì vậy nhất định phải học phá thân kiến, phá thân kiến thì không có sanh tử. Biết được cái thân này cũng như quần áo vậy, quần áo dơ rồi thì bạn sẽ cởi ra để thay cái khác, thân thể này hư hỏng rồi thì đổi một thân thể mới. Xả thân thọ thân thì cũng như là thay quần áo, cái thân này có gì mà phải đau buồn, có gì mà phải khiếp sợ? Bạn phải học cho được thật bình thường, phải xem sanh tử thật bình thường, phải xem cho thật nhạt nhẽo, không nên lưu luyến cái thân thể này thêm nữa. Cho nên thân thể bị người ta làm tổn hại, không đáng gì cả. Nhẫn Nhục tiên nhân bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể mà như không có việc gì. Bạn cứ việc cắt, đây không phải là ta thì cũng như một chiếc áo của chúng ta vậy, bạn thích cắt thì cứ cắt, thích xẻo thì cứ xẻo, tùy ý bạn, bạn thích làm gì thì cứ làm, không có liên can gì cả. Con người phải rèn luyện đến được cảnh giới này thì thành Phật sẽ rất nhanh, vì sao vậy? Sau khi nhẫn nhục mới thật sự tinh tấn, chính là một sự nâng cao vượt bậc, sự nâng cao này là định huệ, định huệ nâng lên cao, phước đức cũng nâng cao. Cho nên sự bất lợi đối với người sơ học mà nói là một việc tốt, không phải là việc xấu, tiêu nghiệp chướng thì tiêu từ ngay chỗ này, tốc độ tiêu sẽ rất nhanh, tiêu được sạch sẽ nhất, triệt để nhất. Nhất định không có mảy may tâm oán hận, có mảy may tâm oán hận thì nghiệp chướng không tiêu được, không những không tiêu được mà còn tăng trưởng, vậy thì phiền phức to rồi.

Việc làm của chúng tôi ở thế gian này trong hai năm gần đây là làm việc hóa giải xung đột. Việc hóa giải xung đột thì xung đột nghiêm trọng nhất là nội tâm. Trong nội tâm đối với hết thảy oán hận trong nghịch cảnh thì phải đem nó hóa giải cho thật sạch sẽ, đây là thành tựu, đây là công phu chân thật. Cho nên phải từ chỗ này mà làm, mà tiêu nghiệp. Tiêu nghiệp thì trí huệ liền hiện tiền, phước đức liền hiện tiền, có trí huệ có phước đức thì phải nhớ vì chúng sanh mà phục vụ, ở thế gian này giúp đỡ thêm cho chúng sanh, phải làm tấm gương tốt nhất cho người thế gian, đây đều là giáo hóa chúng sanh, đều là biểu hiện của đại từ đại bi.

Hiện tại thế gian này bạn xem bệnh là ở chỗ nào vậy? Tùy theo căn bệnh mà cho thuốc thích hợp. Hiện tại người thế gian tâm lượng nhỏ hẹp, chúng ta thị hiện là tâm lượng rộng lớn; hiện tại người thế gian đều không thể bao dung, chúng ta hãy biểu hiện là có thể bao dung; hiện tại người thế gian không biết tôn trọng, chúng ta thì mọi chỗ đều bày tỏ sự tôn trọng, làm ra tấm gương cho mọi người xem. Đây chính là trong kinh Phật thường dạy bảo chúng ta “thọ trì đọc tụng vì người diễn nói”. Chúng ta phải đem những lý luận giáo huấn trong các kinh điển mà ta thọ trì trong cuộc sống thường ngày xử sự đối người tiếp vật biểu diễn ra cho người khác xem, đây chính là giúp đỡ chúng sanh. Vì hết thảy chúng sanh mà nói rõ ràng tường tận, trước biểu diễn sau nói rõ. Bạn hãy xem Bồ-tát thành Phật, trước khi thành Phật phải tu phước 100 kiếp, tu cái gì? Tu tướng hảo. Vì sao phải tu tướng hảo? Tướng hảo là dùng để biểu diễn, khiến hết thảy chúng sanh nhìn thấy cái tướng này họ sanh tâm ngưỡng mộ, tự nhiên họ sẽ thỉnh giáo với bạn, tướng của bạn làm sao mà có được vậy? Lúc đó bạn có thể nói cho họ biết, có thể giới thiệu cho họ, đây là điều chúng ta phải học trước tiên. Cho nên học Phật thì tướng của chúng ta không thể không tốt được, không có tướng hảo thì không thể độ chúng sanh. Nếu tướng không hảo, người ta nhìn thấy bạn học Phật học thì ra là cái tướng như vậy, họ sẽ không có lòng tin. Vì vậy người học Phật chúng ta bất luận là ở tại nơi nào, đứng cùng với người ta, quang sắc phải tốt hơn người ta bội phần thì họ sẽ phục. Cho nên trăm kiếp tu tướng hảo là vì độ chúng sanh, không phải vì chính mình, không có cái gì là vì chính mình, hết thảy đều là vì để thuận lợi cho việc nhiếp thọ chúng sanh. Như Lai sớm đã thành Phật, có phải là thật sự dùng hết 100 kiếp để tu tướng hảo hay không? Là biểu diễn cho người khác xem thôi, không phải là thật. Đó là dạy cho chúng ta, tướng hảo là phước báo, phước thì nhất định là có nhân, bạn tạo cái nhân thiện gì thì được cái quả đó. Vì vậy chúng ta phải biểu diễn ra trồng thiện nhân được thiện quả, cái dáng vẻ này phải làm ra cho người khác xem. Trong Tam Chuyển Pháp Luân thì đây gọi là chứng chuyển. Tôi đến làm chứng minh cho bạn, tôi có thể đạt được thì bạn cũng có thể đạt được, bạn chỉ cần như pháp mà làm thì được rồi, không phải là việc khó. Những dẫn dụng từ kinh điển này ý nghĩa nhiều vô cùng.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 332)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 219


Hôm nayHôm nay : 40924

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 924224

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44792955

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.