Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 320)

Thứ tư - 16/08/2017 13:07

Vào thời xưa, các gia đình thế hệ trước dạy cho thế hệ sau là dạy đạo lý này, gia đình của họ không suy bại. Đời này sang đời khác trong nhà đều có hiền nhân, nhà đó không suy. Xã hội ngày nay thì đi theo hướng xã hội công thương nghiệp. Công ty, ngành nghề của các bạn phải hiểu được Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa thì sự nghiệp của bạn sẽ hưng vượng, vĩnh viễn không bị suy. Nếu bạn không hiểu được đạo lý này thì có lẽ công ty sẽ phải đóng cửa khi bạn vẫn còn chưa già. Chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng này rất nhiều rồi, bạn nghiên cứu thử xem là do nguyên nhân gì vậy? Do phá hoại pháp tắc của tự nhiên.

Chúng ta từ ở chỗ này, từ việc quán sát thân thể thì có thể khai trí huệ. Thế nhưng, hiện nay việc phá hoại sinh thái tự nhiên của thân thể rất nhiều, rõ ràng nhất là thẩm mỹ viện. Đó chính là nơi chuyên phá hoại sinh thái tự nhiên. Bạn đi đến đó để chỉnh sửa sắc đẹp là phá hoại sinh thái tự nhiên. Thứ hai là khoa phẫu thuật của bệnh viện, việc này rất đáng sợ, nhất định không nên đi. Ở Bắc Kinh, chúng tôi có quen biết vài vị bác sĩ Đông y rất nổi tiếng. Đông y đích thực có lý luận rất cao siêu. Họ nói với tôi, nếu như người bị bệnh ung thư chưa trải qua phẫu thuật ngoại khoa, đại khái là có thể cứu được, đều có thể trị khỏi. Nếu như đã phẫu thuật rồi thì hết cách cứu, dùng thuốc Đông y chỉ có thể duy trì sự sống được ba tháng. Đó là những vị thầy thuốc đã từng cứu được rất nhiều người bỏ Tây y, không tiếp nhận việc phẫu thuật, tìm đến họ. Họ dùng Đông y đã cứu được không ít người. Chúng ta phải nên tin vào nền văn hóa 5.000 năm lịch sử này, Tây y chẳng qua cũng chỉ hơn 200 năm, không tới 300 năm. Tây y cùng với khoa học kỹ thuật hiện nay giống nhau, phá hoại sự cân bằng sinh thái trên địa cầu này. Thân thể của chúng ta cũng giống như một quả địa cầu vậy. Phương pháp mà họ dùng đang phá hoại sự cân bằng. Vừa phá hoại sự cân bằng thì di chứng sau đó rất nhiều, tai họa liền đến. Phải hiểu được Thái Hòa, hiểu được Trung Hòa, hiểu được Bảo Hòa.

Lần trước, sau khi từ Indonesia trở về, tôi đã bị phong hàn, bệnh cũng không nhẹ. Tôi không đi khám bệnh, cũng không uống thuốc, tôi nghỉ ngơi cho tốt, để cho nó từ từ hồi phục lại. Hồi phục tuy rằng chậm nhưng lành mạnh. Vì sao vậy? Vừa tìm đến bác sĩ lấy thuốc uống xong thì đã phá hoại sự cân bằng sinh thái của ta rồi, di chứng sau này sẽ rất phiền phức. Tôi hiểu được đạo lý này nên nêu ra cho các đồng học làm tham khảo.

Đây đều có liên quan đến Chánh Định tụ đã nói, tâm bạn phải thanh tịnh, phải có lòng tự tin. Phật đã chỉ bảo chúng ta một nguyên tắc cao nhất là: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Tâm của chúng ta thanh tịnh, lành mạnh thì điều hòa sinh lý sẽ rất dễ dàng. Vì sao vậy? Nó tùy tâm mà chuyển. Không thể nào có hoài nghi. Tôi đã hoài nghi thì có thể chuyển trở lại được không? Bạn hoài nghi thì không có hiệu quả. Cho nên nhất định không thể nào hoài nghi, tự mình phải có lòng tin kiên định. Đây là Phật nói “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Chúng ta dùng ý niệm của chính mình, dùng tinh thần của chính mình khiến cho hết thảy những tế bào của chúng ta bị tổn thương khôi phục trở lại bình thường. Việc này khẳng định là sẽ làm được.

Đặc biệt là chúng ta xem tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản thực nghiệm với nước, đã chứng minh được nước có thể hiểu được ý nghĩ của con người. Chúng ta dùng thiện ý đối đãi nó thì nó sẽ kết tinh rất đẹp. Ông Giang Bổn Thắng nói những người có tín ngưỡng tôn giáo thường cầu nguyện trước bữa ăn. Ông nói việc đó rất tốt, vừa cầu nguyện xong thì phẩm chất những đồ ăn liền trở nên tốt vô cùng, so với lúc chưa cầu nguyện thì không như nhau. Đây chính là ý niệm.

Có thể hóa giải tai nạn của thế giới này hay không? Có thể hóa giải. Chỉ cần tất cả mọi người chúng ta đều có thiện niệm cầu nguyện cho hòa bình thì tai nạn liền được hóa giải hết. Vì sao vậy? Vì “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Mọi người đều nghĩ đến tai nạn thì hỏng rồi, tai nạn sẽ rất nghiêm trọng, sẽ đến rất nhanh chóng. Hết thảy pháp đều từ tâm tưởng mà sanh ra. Đạo lý này chúng ta nhất định phải nên biết. Đặc biệt là hiện nay đã được khoa học chứng minh rồi, không sai một chút nào. Gần đây nhất là báo cáo của họ trong năm nay. Họ vừa in ra thì liền gửi đến cho tôi một trăm quyển. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng có làm thực nghiệm đối với tôn giáo. Khi làm thực nghiệm, ông dùng bình thủy tinh để đựng nước, ông viết tên của mỗi tôn giáo dán lên trên các bình thủy tinh, Phật giáo, Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo. Ông viết lên giấy rồi dán lên, để đó khoảng vài giờ đồng hồ, rồi đem nước đi quan sát dưới kính hiển vi, những kết tinh đó đều rất đẹp. Những năm gần đây tôi đang làm việc thúc đẩy đoàn kết tôn giáo. Ông cũng làm thực nghiệm đó, đem mấy tôn giáo để cùng lại với nhau để làm thực nghiệm, sự kết tinh của nó cũng rất đẹp. Việc này nói rõ là có thể đoàn kết tôn giáo được, là phải nên đoàn kết lại. Hình ảnh kết tinh đó thật không thể nghĩ bàn, hiện rõ cái đầu của một người. Việc này các vị có thể nhìn thấy. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng nói người trong hình kết tinh này chính là Pháp sư. Ông dùng phim đèn chiếu để chiếu cho chúng tôi xem, nhìn thấy rất là rõ ràng, có hình dáng của con người ở trong đó.

Cho nên tâm của chúng ta phải định. Thế Tôn ở trong Kinh Kim Cang đã nói với chúng ta: “Tín tâm thanh tịnh tức sanh thực tướng”. Cho nên lòng tin của chúng ta là trong đời này chúng ta nhất định có thể thành Phật, nhất định có thể vãng sanh, nhất định tin tưởng vào sự dạy bảo của Thích-ca Mâu-ni Phật, tin tưởng vào oai thần bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì, một mảy may hoài nghi cũng không có. Chúng ta từ chỗ này mà xây dựng Chánh Định tụ. Người có công phu tốt chính là có lòng tin thanh tịnh, nhất định không hoài nghi.

Trong Kinh A-di-đà Yếu Giải, Ngẫu Ích Đại sư nói với chúng ta chữ “tin” này. Ngài nói có sáu chữ, thứ nhất là tin chính mình. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói với chúng ta, vũ trụ, pháp giới, sát độ chúng sanh từ đâu mà có? Hiện nay khoa học và triết học vẫn đang nghiên cứu thảo luận vấn đề này, đều chưa đạt được kết luận, cách nói rất nhiều nhưng đều không đủ thuyết phục. Trong Kinh, Phật nói với chúng ta, vũ trụ là do tâm của chính chúng ta biến hiện ra, cũng giống như là nằm mộng vậy. Cảnh giới ở trong mộng từ đâu mà có? Không phải là do tâm ý thức của chính bạn biến hiện ra hay sao? Trong mộng có hư không, trong mộng có pháp giới, có sát độ, có chúng sanh. Trong khoa học thì nói đây là tâm ý thức của chúng ta, ý thức biến hiện ra cảnh mộng. Phật nói với chúng ta thế gian này như mộng như huyễn, không giả chút nào. Đây là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, là do chân tâm của chúng ta biến hiện ra, hiện ra tướng của cảnh giới thiên biến vạn hóa. Vì sao mà nó lại biến hóa vậy? Vì thức biến. Thức là gì? Thức chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Bởi vì bạn có vọng tưởng phân biệt chấp trước nên mới biến hiện ra mười pháp giới, mới biến hiện ra vô lượng pháp giới. Cho nên chân tâm có thể hiện, vọng tâm có thể biến. Chân tâm, vọng tâm đều là tâm của chính mình. Ngẫu Ích Đại sư dạy chúng ta tin vào chính mình, chính là tin cái tâm này. Thế giới Cực Lạc là tâm ta hiện, thức ta biến. Cái gọi là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di-đà”, A-di-đà Phật không phải là người ngoài, mà là trong tâm của chúng ta biến hiện ra. Tịnh Độ cũng là tâm của chính mình biến hiện ra. Do tâm của mình biến hiện ra, cho nên bản thân ta muốn đi thì làm gì có đạo lý đi không được! Vậy thì bạn còn có chướng ngại gì nữa? Cho nên điều đầu tiên là phải tin vào việc này.

Thứ hai là tin các Ngài. Các Ngài là ai? Các Ngài chính là Thích-ca Thế Tôn cùng với A-di-đà Phật. Bởi vì pháp môn này do Thích-ca Mâu-ni Phật đã giới thiệu cho chúng ta, chúng ta có thể nên tin người giới thiệu này. Các Ngài quyết không có vọng tưởng, nhất định không có vọng ngữ. Họ nhất định là không có ý lừa gạt chúng ta. Kế đến là tin vào thế giới Tây Phương Cực Lạc và A-di-đà Phật, đây là tin Ngài.

Thứ ba là tin sự, xác thực là có sự việc này.

Thứ tư là tin lý. Sự thì có đạo lý của riêng nó, sau khi minh bạch được lý rồi thì sự cũng không còn hoài nghi nữa.

Sau cùng là “tin nhân, tin quả”. Ở chỗ này nói chính là cái nhân chân thật, Chánh Định tụ là nhân, vãng sanh bất thối thành Phật là quả. Từ chỗ này mà xây dựng lòng tin thì đều gọi là Chánh Định tụ. Người được vãng sanh bất luận là phàm hay Thánh, bất luận vãng sanh vào độ nào, vào phẩm vị nào, đều có thể nói là đã nhập Chánh Định tụ, đều có thể nói họ ngay trong một đời nhất định sẽ thành Phật. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì người người đều là vô lượng thọ. A-di-đà Phật vô lượng thọ, người vãng sanh đến cũng là vô lượng thọ, hạ hạ phẩm vãng sanh so với A-di-đà Phật cũng không khác, thế giới đó là thế giới bình đẳng. Phần trước chúng ta đã đọc qua, cảnh bình đẳng. Cảnh thì bao gồm cả thân thể này của chúng ta. Bạn sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc dù là hạ hạ phẩm thì tướng mạo của bạn cùng với A-di-đà Phật đều hoàn toàn không khác, thân thể này cũng vậy, tuyệt đối không có khác nhau.

Hiện nay chúng ta vẽ tranh thế giới Tây Phương Cực Lạc, A-di-đà thì được vẽ to ngồi ở chính giữa, Quán Âm, Thế Chí thì nhỏ hơn một chút, người vãng sanh được vẽ nhỏ xíu như vậy. Sai rồi, đây là dùng tâm phàm phu để vẽ. Đó không phải là sự thật. Thực tế thì hoàn toàn như nhau, nhất định bạn sẽ nhìn không ra, phàm phu chúng ta xem thấy thì hoàn toàn như nhau. Thế nhưng, ở bên đó người ta đều có thần thông, đều biết được, tuyệt đối sẽ không nhận lầm người. Diệu không thể nói hết. Cho nên thế giới Cực Lạc là thế giới chân thật bình đẳng. Thế giới chư Phật thì không bình đẳng. Vì sao vậy? Cái nhân của nó không bình đẳng, công phu tu hành của mỗi người không như nhau. Cũng như 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ của Hoa Tạng thế giới, 41 cấp bậc của họ là không bình đẳng. Vì sao vậy? Đoạn vô minh không như nhau. Sơ Trụ mới đoạn một phẩm, Nhị Trụ đoạn được hai phẩm, Sơ Hạnh Vị Bồ-tát đoạn được 11 phẩm, Đẳng Giác Bồ-tát đoạn được 41 phẩm, vẫn còn một phẩm chưa đoạn, họ không như nhau. Cũng giống như chúng ta đi học ở trường vậy, học lớp một, lớp hai, lớp ba, lớp bốn, trình độ không như nhau. Nhưng khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì họ bình đẳng, họ đều như nhau. Trên thực tế thì trình độ của họ không như nhau, nhưng ở bên ngoài thì hoàn toàn tương đồng. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, chính là oai thần 48 nguyện của A-di-đà Phật gia trì, chúng ta không thể nào không biết.

Đại nguyện Di-đà sâu rộng vô biên, không những là sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đã trụ Chánh Định tụ, mà nhất định trong một đời sẽ chứng được vô thượng Bồ-đề. Thậm chí là chúng sanh ở trong thế giới mười phương hiện nay đang tu Tịnh Độ, chân thật phát tâm, buông bỏ vạn duyên, mong cầu vãng sanh cũng là Chánh Định tụ. Những lời này cũng rất có đạo lý. Thậm chí là người Tà Định tụ và người Bất Định tụ, hiện nay thì không tin, nghe đến pháp môn này liền lắc đầu. Chúng ta hiểu được trong Đại Kinh Phật đã nói với chúng ta: “Một khi nghe qua tai, vĩnh viễn trồng thiện căn”. Họ không chịu tin, nhưng hôm nay, ở nơi đây, chúng ta để tượng Phật, họ cũng nhìn thấy. Sau khi nhìn thấy thì ấn tượng đó đã rơi vào trong ý thức của họ, ấn tượng này không thể lấy ra được. Đây chính là hạt giống niệm Phật vãng sanh trong tương lai của họ, hạt giống kim cang vĩnh viễn không hoại. Hiện nay thì không tin, chúng ta biết được đời sau kiếp sau họ sẽ tin, hoặc là vô lượng kiếp về sau, khi nhân duyên thành thục rồi, họ sẽ tin tưởng. Từ đây mà biết, cái gọi là Bất Định tụ và Tà Định tụ chỉ là tạm thời, Chánh Định tụ là vĩnh hằng. Đạo lý như vậy, sự lý nhân quả này chúng ta đều thông đạt hiểu rõ.

Cho nên chúng ta có nghĩa vụ đem pháp môn này giới thiệu với tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh có duyên hay không có duyên đều giới thiệu. Giới thiệu như thế nào? Để cho họ nhìn thấy tượng Phật, để cho họ nghe được danh hiệu của A-di-đà Phật, như vậy thì đã trồng thiện căn rồi. Chúng ta chính là tiếp dẫn họ vãng sanh Tịnh Độ. Sự tiếp dẫn này không nhất định sẽ thành thục trong đời này. Trong đời này thì không chắc lắm, đời sau kiếp sau, vô lượng kiếp sau chắc chắn sẽ thành tựu. Năm xưa, khi tôi đang theo học Kinh giáo, lão sư thường hay nhắc nhở chúng tôi phải kết pháp duyên với tất cả chúng sanh. Nếu như bạn không kết pháp duyên, dù cho bạn giảng rất hay cũng không có ai nghe. Cho nên phải rộng kết pháp duyên. Câu nói này chúng ta mở rộng ra, chúng ta ngày nay kết pháp duyên với hết thảy chúng sanh, tương lai sau khi thành Phật rồi thì sẽ quảng độ khắp chúng sanh. Phật không độ người vô duyên. Ta tương lai sau khi thành Phật, pháp duyên của chúng ta cũng hy vọng có thể giống như A-di-đà Phật. Mười phương ba đời tất cả chư Phật nếu luận về pháp duyên thì không thể so được với A-di-đà Phật. A-di-đà Phật đã kết cái duyên này quá sâu rộng, thế giới chư Phật mười phương đều giúp đỡ A-di-đà Phật kết pháp duyên với chúng sanh. Vì sao vậy? Vì đem pháp môn này giới thiệu với tất cả chúng sanh chính là kết pháp duyên. Hiện nay, nơi chúng ta đang ở, Singapore là đô thị lớn tương đối phiền phức, nếu trong nhà bạn có để tượng Phật, e rằng hàng xóm sẽ báo cảnh sát đến để can thiệp. Sống ở Úc châu thì không có sự kiêng kỵ này. Mỗi nhà có sân vườn rất rộng, trong vườn có cây cối, có chim thú, động vật hoang dã cũng rất nhiều. Chúng ta mở Phật hiệu ngày đêm không gián đoạn để cúng dường cho chúng nghe. Chúng tôi cũng phát băng đĩa giảng Kinh cho chúng nghe, kết pháp duyên với hết thảy chúng sanh, ngay cả ruồi muỗi kiến gián cũng đều kết pháp duyên. Có một hôm, buổi sáng ngủ dậy đi vào rửa mặt, có lẽ là ngày đầu tiên có người thay chúng tôi dọn dẹp nhà vệ sinh đã để rơi thứ gì đó, nên đã có rất nhiều rất nhiều kiến kéo đến. Tôi xem thấy có đến mấy nghìn con kiến ở trong phòng vệ sinh, tôi không thể dùng phòng rửa mặt được nữa. Tôi liền rời khỏi và chắp tay nói: “Bồ-tát kiến, các vị từ đâu tới hãy trở về đó đi, chúng ta không thể làm phiền lẫn nhau như vậy được". Đại khái hai giờ sau thì không còn một con nào hết, chúng rất biết nghe lời, quan hệ của chúng tôi rất tốt. Cho nên nhất định không thể động đến họ, không thể diệt trừ họ, mà bạn phải mời họ đi. Có một hai con thì còn được, chứ cả đàn thì không thể, chỉ có cách là trao đổi với họ cho tốt, mời họ rời đi, sau hai giờ nữa tôi cần dùng đến chỗ này. Chúng thật sự là rất nghe lời, rất ngoan, chúng dọn đi hết. Cho nên nhất định không thể có tâm sát hại tất cả những con vật nhỏ bé, nhất định không thể có tâm khinh mạn. Chúng ta cung kính Phật, Bồ-tát như thế nào thì cũng cung kính những con vật nhỏ bé này như vậy. Người xưa có câu nói: “Lòng thành cảm động đá vàng cũng vỡ”. Tâm chân thành của chúng ta có thể khởi tác dụng cảm ứng đạo giao với chúng. Cho nên ở trong nhà có gián, kiến cũng không cần phải lo, cả ruồi muỗi sâu mọt cũng không cần phải sợ, bạn khơi thông cho tốt, bản thân chúng sẽ tự ra đi, mở cửa sổ ra thì chúng sẽ tự đi. Nếu như ban đêm mà có ánh sáng là chúng sẽ đến, bên ngoài sân nhà hãy dùng đèn điện thắp sáng, bên trong nhà tắt đèn đi, mở cửa sổ ra thì chúng sẽ tự ra. Nhất định phải nói chuyện, nhất định không được làm hại. Khi tổn hại chúng thì oan oan tương báo không bao giờ dứt, phiền phức càng lớn hơn.

Hiện nay, một số nhà làm nông nghiệp đều dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu, càng trừ thì càng nhiều, giết không hết. Vả lại, những thuốc trừ sâu này, tôi nghe những người trồng trọt nói lại, thời gian hiệu nghiệm chỉ có sáu tháng. Vì sao vậy? Vì sau sáu tháng thì những con sâu có sức kháng thuốc, loại thuốc này không có kết quả nữa, cần phải phát minh ra loại thuốc trừ sâu mới, liều lượng nặng hơn. Con người ăn những thứ này vào thì bị tổn hại. Cho nên đồ ăn hiện nay không thể ăn, rất đáng sợ. Ở Úc Châu, chúng tôi tự mình trồng rau, chúng tôi không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu, hoàn toàn để cho nó sanh trưởng tự nhiên. Chúng tôi sử dụng phân bón là các loại lá cây rụng, số lá cây này chúng tôi đem chôn xuống dưới đất để cho nó từ từ mục đi, nó sẽ biến thành phân bón, đây là thứ rất tốt. Chúng ta nhất định phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng chung sống hòa thuận với tất cả chúng sanh trong vũ trụ.

Ngày xưa chưa học Phật, không hiểu đạo lý này, chúng ta đã hại không ít chúng sanh, cho nên trên con đường đạo Bồ-đề khó đi. Vì sao vậy? Oan gia trái chủ quá nhiều. Quá khứ ta hại họ, nay thì họ muốn hại ta để báo thù, cho nên khi gặp phải tình hình này ta phải hoan hỷ mà tiếp nhận. Biết được chủ nợ đã đến rồi, phải trả nợ rồi, mau mau trả nợ cho họ, hoan hỷ làm mà không một mảy may tính toán. Đặc biệt là người hủy báng, người sỉ nhục, người hãm hại ta, bất luận là cố ý hay vô ý, chúng ta biết được là trong đời quá khứ hoặc là trong đời này, khi chưa học Phật đã kết oan nghiệp với chúng sanh. Sau khi gặp họ, chúng ta ngày ngày tụng Kinh niệm Phật lạy Phật hồi hướng cho oan gia trái chủ. Họ chịu tiếp nhận thì cái oán này sẽ được hóa giải. Người có oán hận sâu nặng thì họ sẽ không phục, vẫn không tiếp nhận. Thỉnh thoảng cũng sẽ gặp phải, gặp rồi thì chúng ta hoan hỷ mà tiếp nhận, vậy thì sẽ trả hết nợ, lần sau gặp lại thì sẽ thành bạn tốt, chính là đồng tham đạo hữu. Trong nhà Phật, trong các đạo tràng, vì sao mà mọi người sống chung không thể nào hòa thuận, đấu đá nhau? Bạn phải hiểu đều là có nhân duyên, không phải là đơn giản, trong đời quá khứ có oan nghiệp, hiện nay gặp được. Có câu nói: “Không phải oan gia thì không gặp nhau”. Đạo tràng cũng không là ngoại lệ, đạo tràng cũng là oan gia gặp nhau. Sau khi đã hiểu rồi thì dễ xử lý. Trong tâm mỗi người đều bất bình, không phục, sau khi hiểu rồi thì tâm mới bình được, tâm bình thì khí hòa, mới có thể chung sống hòa thuận với những người này. Bất luận là họ dùng thái độ gì đối với ta, ta đối với họ cũng đều thành tâm thành ý. Họ gầm mặt với ta, ta tươi cười đáp lại họ, từ từ sẽ hóa giải được. Đây đều là học được trong Đại Thừa giáo, hiểu được lý sự nhân quả. Trong cuộc đời này, quan trọng nhất chính là hóa giải oán hận, phải biết hóa giải tất cả những oán đối với tất cả chúng sanh trong vô lượng kiếp đến nay. Lão Tử đã nói: “Hòa đại oán”, và: “Tất hữu dư oán”, đây là hoàn cảnh hiện thực. Làm sao để hóa giải dư oán? Đây là đại học vấn, Chánh Định tụ có thể hóa giải dư oán.

Câu sau cùng: “Bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố” là nói điều gì? Nói người tà định, người tâm tánh bất định, hai loại này chiếm đại đa số trong số đồng tu chúng ta. Tà định là gì? Người tà định chấp trước cái thân này rất nghiêm trọng, chấp trước cái thân này là ta, phải phục vụ cái túi da hôi thối này của mình, phải vì nó mà tạo nghiệp. Vì ăn uống mà tạo ra biết bao tội nghiệp. Ăn uống vì cái gì? Vì cái đầu lưỡi, qua khỏi đầu lưỡi thì không còn cảm thấy gì nữa. Vì ba tấc lưỡi này mà trong cả đời bạn đã tạo ra biết bao nghiệp tội. Đó là một ví dụ. Thật là không đáng. Đây đều là quan niệm sai lầm, vì cái thân này mà tạo ra nghiệp danh văn lợi dưỡng, tạo ra nghiệp thị phi, ta người, tạo nghiệp tham sân si mạn. Trong đời này không làm cho rõ ràng thì có thể được sao? Cho nên không thể không giác ngộ, không thể không quay đầu. Quay đầu là bờ. Chân thật giác ngộ, không tiếp tục vì cái thân này mà tạo nghiệp nữa chính là bạn đã nhập Chánh Định tụ. Bạn vẫn không buông xả được, vẫn còn vì cái thân này mà tạo nghiệp, không thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, vẫn còn thứ mà bản thân mình thích, ghét thì rất phiền phức.

Trong việc ăn uống, Phật Thích-ca Mâu-ni đã làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta xem. Tăng đoàn đức Phật năm xưa khi đi thác bát, người ta cho cái gì thì ăn cái đó, không có phân biệt, không có chấp trước. Thác bát không phải chỉ một nhà, quy định là đi bảy nhà. Nếu như nhà này cúng dường rất nhiều cơm, đủ để bạn ăn, thì bạn không đến nhà thứ hai nữa, nếu thấy chưa đủ thì đến nhà thứ hai, nhà thứ ba. Thác bát bảy nhà rồi mà vẫn chưa đủ ăn thì không thể đi đến nhà thứ tám. Việc này dạy bạn điều gì? Biết đủ thường vui, dẹp trừ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Bình bát đựng cơm là bữa ăn bình đẳng. Bình đẳng là thù thắng nhất, viên mãn nhất. Bất luận là cảnh giới gì, khi đến trước mặt người tu đạo thì hết thảy đều bình đẳng. Trong cuộc sống thường ngày, việc thiện không sanh tham ái, việc ác, việc bất thiện thì không sanh sân hận. Trong ăn uống ngủ nghỉ thì tu điều gì? Tu trừ bỏ tham sân si mạn. Bạn không ở trong cảnh giới này thì làm sao có thể trừ bỏ nó được. Nhất định phải mài dũa sạch tham sân si mạn ở ngay trong cảnh giới này, sau cùng quy về chỗ bình đẳng thì tâm của bạn mới thật sự bình đẳng. Tâm bình đẳng thì cảnh giới cũng bình đẳng, cảnh tùy tâm chuyển. Ở trên thiên đường và dưới địa ngục thì sự cảm thọ đó hoàn toàn bình đẳng, ở thiên đường không tham luyến sự vui sướng, ở địa ngục không chán ghét sự khổ nạn. Bồ-tát giáo hóa chúng sanh ở trong sáu nẻo, các Ngài trụ trong cảnh giới bình đẳng. Bình đẳng là nhất chân pháp giới, không bình đẳng là sáu nẻo, mười pháp giới. Pháp thân Bồ-tát trụ ở nhất chân pháp giới, là bình đẳng pháp giới. Bình đẳng nhất định phải đến chứng Pháp thân thì cảnh giới bình đẳng mới có thể hiện tiền. Thế nhưng người chưa đoạn một phẩm phiền não nào sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì được nhập vào hàng bình đẳng pháp giới. Chúng ta phải nên biết, nếu như bạn không tu pháp môn này mà tu các pháp môn khác thì phải cần thời gian vô lượng kiếp mới có thể chứng được nhất chân pháp giới. Tu pháp môn này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, trong đời này liền có thể thành tựu.

Cho nên, phàm những thứ không thể vì sanh tử, không thể phát Bồ-đề tâm, không thể cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc đều gọi là Bất Định. Thế giới Tây Phương Cực Lạc tuy rất tốt, nhưng thế giới này, bao gồm sanh thiên cũng rất tốt, cho nên không muốn đi, đây gọi là Tà Định. Sanh thiên so với thế giới Cực Lạc thì vẫn xem đó là Tà Định, không thể xem là Chánh Định.

Nói đến lợi ích, Thiện Đạo Đại sư triều Đường nói rất hay, Ngài nói đại nguyện của A-di-đà Phật nhập Chánh Định tụ lợi ích vô lượng vô biên. Lợi ích của thế gian này của chúng ta là “mật ích”. “Mật” là thâm mật. Trong nhà Phật không có bí mật. Quá sâu, chúng ta không dễ gì hiểu được thì gọi là thâm mật. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là “hiển ích”, lợi ích này rõ ràng, nên sự khác biệt chính là chỗ này.

Ý nghĩa của câu sau cùng rất là sâu, phàm không phải chân thật vì liễu sanh tử, chân thật vì sự thành tựu trong đời này, nguyên nhân chính là không thể hiểu biết được cái nhân mà A-di-đà Phật xây dựng thế giới Tây Phương Cực Lạc, giúp đỡ tất cả chúng sanh ở thế giới mười phương thành tựu Phật quả nhanh chóng và vững vàng. Cái nhân này nói ra thì rất dài.

Chúng ta từ trên đọc đến phẩm thứ 22 này là nói về nhân duyên A-di-đà Phật xây dựng thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hiểu được rõ ràng thì bạn mới hoan hỷ tiếp nhận. Ở chỗ này giới thiệu y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, phần trước đã giới thiệu qua lịch sử rồi, nếu bạn không nhận thức được thì tâm hoan hỷ không thể sanh khởi. Cùng đạo lý như vậy, ở thế gian này, nếu như chúng ta không nhận thức được rõ ràng văn hóa lịch sử nguồn gốc của đất nước dân tộc mình thì lòng yêu nước, yêu dân tộc của mình rất mờ nhạt. Thậm chí bạn biết rất rõ ràng, minh bạch bao nhiêu đời tổ tông của gia đình mình thì bạn rất yêu quý gia đình của mình. Nếu như đối với cuộc đời của cha mẹ bạn mà cũng không biết thì lòng yêu thương làm sao có thể sanh khởi được? Từ điểm này mà thấy, người Trung Quốc thế hệ hiện nay đã mờ nhạt rồi, tuy phai nhạt nhưng nếu so với người nước ngoài thì vẫn còn có gốc hơn. Người Trung Quốc đã lơ là việc xem trọng lịch sử gia đình của mình, đã ra khỏi quỹ đạo đại khái cũng không quá một trăm năm. Những người tuổi tác cỡ như tôi đều nhận qua sự giáo dục này, đều hiểu rất rõ nhiều đời của gia đình mình, có thể là người chừng năm mươi tuổi thì sẽ kém hơn một chút, tuổi càng nhỏ thì sự việc này càng nghiêm trọng. Hiện nay thì không có ai dạy nữa. Ngày trước trong gia đình có từ đường, mỗi năm vào dịp tế tự tế tổ mùa xuân mùa thu, chúng tôi đều phải tham gia. Mỗi gia đình đều có gia phả, cái họ này của chúng ta là từ đâu mà có, bắt đầu từ khi nào chuyển đến sống ở nơi này, đã được bao nhiêu đời rồi, đều rất rõ ràng. Cho nên yêu gia đình, yêu quê hương, yêu tổ quốc thì cái gốc phải cắm từ ở chỗ này. Thông thường chúng ta không sanh khởi nổi tâm yêu thương đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Không sanh khởi tâm yêu thương thì rất khó có nguyện, cho nên không thể vãng sanh. Do vậy, phải giới thiệu rõ quyển Kinh này. Nói rõ một lần thì đích thực không dễ dàng. Trước đây chúng tôi đã giảng qua quyển Kinh này mười lần rồi, nhưng chưa nói được rõ ràng, thấu triệt. Lần này là lần thứ mười một, chúng tôi sẽ nói kỹ càng. Cách giảng cũng giống như Kinh Hoa Nghiêm, phải thâm nhập vào bên trong thì chúng ta mới có thể được thọ dụng chân thật. Như Thiện Đạo Đại sư đã nói, nếu như chúng ta có sự lý giải tương đối sâu Kinh này, thì chúng ta có thể sanh khởi tín nguyện thế giới Cực Lạc. Sự sanh khởi này chính là Chánh Định tụ, lợi ích vô lượng vô biên. Trong Kinh Di-đà tiểu bổn nói: “Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sanh A-di-đà Phật quốc giả, thị chư nhân đẳng, giai đắc bất thối chuyển ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”. Đây chính là mật ích, tương đương nói trụ định, bạn nhất định có thể thành Phật quả vô thượng. Tuy rằng hiện tại chưa được, nhưng khẳng định tương lai bạn sẽ được. Phần Kinh văn chuyên nói y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc trong bổn Kinh này đến chỗ này là một phân đoạn, phần sau là “Thập Phương Phật Tán” và “Tam Bối Vãng Sanh”, cũng là phần Kinh văn vô cùng quan trọng.

Hiện tại chúng ta đã biết được sự lợi ích này, làm sao để đi? Phần sau sẽ nói với chúng ta phương pháp đi như thế nào? Hiện nay chúng ta gọi là di dân, chúng ta muốn di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, địa cầu này hiện nay đã trở nên phiền phức rồi. Phiền phức nghĩa là sự phá hoại cân bằng sinh thái của địa cầu mà tôi thường nói đến, cho nên chúng ta cần phải thay đổi hoàn cảnh, môi trường. Nghĩ lại ở trên trời cũng không an toàn gì cả, tuy rằng thọ mạng dài lâu một chút, đó cũng chẳng phải là biện pháp cứu cánh. Chân thật cứu cánh vẫn là thế giới Tây Phương Cực Lạc tốt hơn cả. Đặc biệt là chư Phật mười phương khuyên dạy chúng ta, thật sự có thể đi được, không phải không đi được, không phải là việc giả dối, chúng ta nhất định phải nắm chặt cái cơ duyên ngay trong đời này. Bất luận sự tình gì của thế gian cũng là việc nhỏ, không có việc gì là trọng đại. Việc trọng đại chân thật chính là di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Bộ Kinh này vô cùng quan trọng, trước khi giảng bộ Kinh này, tôi đã đặc biệt nói với mọi người rằng bộ Kinh này là giấy bảo đảm cho việc chúng ta vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bạn có được bộ Kinh điển này thì trên tay bạn đã có được giấy bảo đảm rồi, thế nhưng bạn phải y giáo phụng hành mới được. Trên tay cầm quyển Kinh này mà tâm tưởng cùng với điều Kinh điển nói không như nhau thì bạn vẫn sẽ không đi được. Cho nên nhất định phải làm cho rõ ràng minh bạch những đạo lý, phương pháp, cảnh giới ở trong đó, vậy chúng ta mới có thể nhất định được vãng sanh.

Ở đoạn này, cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã dẫn một đoạn trong Vãng Sanh Luận để làm tổng kết giới thiệu về y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương. Trong Vãng Sanh Luận nói: “Như thượng chủng chủng trang nghiêm, chủng chủng Phật sự”. Trang nghiêm là nói tốt đẹp. Câu nói này chúng ta phải đặc biệt chú ý. Vì sao vậy? Hiện nay rất nhiều siêu độ gọi là Phật sự, nhưng Phật sự nói ở trong Kinh không phải là việc này. Phật Bồ-tát ứng hóa đến thế gian này là để độ người, không phải để độ quỷ thần. Độ quỷ thần thì các Ngài đến quỷ thần đạo, nếu không đến quỷ thần đạo thì các Ngài sẽ không độ được quỷ. Các Ngài không đến địa ngục đạo thì không độ địa ngục được. Nếu không đi đến súc sanh đạo thì các Ngài không độ được súc sanh. Không chỉ là Quan Thế Âm Bồ-tát tùy loại hóa thân mà hết thảy chư Phật Bồ-tát đều là tùy loại hóa thân. Nên dùng thân gì để độ thì các Ngài liền hiện thân đó, nên nói pháp gì thì các Ngài sẽ nói pháp ấy. Phật Bồ-tát không có thân tướng nhất định, cũng không có định pháp có thể nói. Trong Kinh Đại Thừa này cũng nói rất nhiều, chúng ta phải lý giải. Nếu đã thị hiện tại nhân gian thì đó là giáo hóa người chứ không phải giáo hóa quỷ thần.

Trong Phật môn làm những Phật sự để siêu độ quỷ thần rốt cuộc là nguyên nhân gì? Làm sao thành ra như vậy? Khi tôi còn trẻ, Pháp sư Đạo An làm Đại Chuyên Phật Học Giảng Tọa tại Đài Loan đã mời tôi đến làm tổng chủ giảng. Tôi đem vấn đề này thỉnh giáo Pháp sư Đạo An. Tôi nói tôi không hiểu đây là sự việc như thế nào? Pháp sư nói với tôi, nghĩ lại cũng có đạo lý, việc Phật sự siêu độ này của Trung Quốc có lẽ là khởi nguồn từ Đường Minh Hoàng. Đường Minh Hoàng có liên quan với Dương Quý Phi. Trong An Sử Chi Loạn của An Lộc Sơn gần như là mất nước, lúc đó Quách Tử Nghi là một viên đại tướng đã bình định sự động loạn này. Sau khi bình định thì cứ mỗi chiến trường lớn, Minh Hoàng cho xây một tự miếu để siêu độ những quân dân tử nạn. Những tự miếu này đều được gọi là Khai Nguyên tự. Cho nên các vị thấy ở Trung Quốc có rất nhiều Khai Nguyên tự, là xây dựng vào năm Khai Nguyên, dụng ý chủ yếu của những tự miếu này là để siêu độ những tướng sĩ trận vong và nhân dân tử nạn. Pháp sư nói có thể là vì quốc gia đề xướng việc truy điệu nên dân gian cũng bắt chước làm theo. Dân gian hễ có người qua đời cũng đi mời người xuất gia đến làm truy điệu kỷ niệm này, đại khái là phát sinh như vậy. Vào lúc đó chỉ là việc phụ trợ, một năm thi thoảng làm một hai lần, không như hiện nay, ngày ngày đều làm. Ngày xưa, công việc mỗi ngày trong các tự viện am đường là gì? Là giảng Kinh. Bạn xem Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa còn tại thế, mỗi ngày đều giảng Kinh tám giờ đồng hồ. Ngài dạy học. Chúng ta dùng tiêu chuẩn của xã hội ngày nay để xem thân phận của Thích-ca Mâu-ni Phật, Ngài có lẽ là nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Công việc cả đời của Ngài là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Ngài làm việc thiện nguyện, không thu học phí, cho nên vô cùng hiếm có, đáng để chúng ta tôn kính. Chúng ta nhất định phải nên biết, bản chất của Phật giáo là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Làm thế nào để có thể khiến nó quay trở lại thành giáo dục đa nguyên văn hóa là trách nhiệm của chính chúng ta. Bởi vì Ngài ngày ngày dạy học nên đã sản sinh hiệu quả rất lớn đối với xã hội. Tất cả tự viện am đường hiện nay của chúng ta nếu có thể mỗi ngày đều có Pháp sư giảng Kinh (Kinh điển thì rất nhiều, thích nghe bộ Kinh gì thì đến đạo tràng đó để nghe, không có sự xung đột), thì nếp sống của xã hội trong thời gian ngắn sẽ có sự thay đổi rất lớn. Cho nên “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, sự giáo dục quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Đài truyền hình Phụng Hoàng của Hồng Kông có một tiết mục gọi là Đại Giảng Đường Thế Kỷ, mỗi tuần họ phát sóng một lần. Tôi không xem truyền hình nên không biết, tiết mục thì tôi cũng không hiểu cho lắm, có lẽ các vị đồng học có người đã xem qua. Bên đó đến tìm tôi, mời tôi làm một buổi diễn giảng cho họ. Đề mục lần này tôi diễn giảng là “Ung Chính Hoàng đế và đa nguyên văn hóa”. Ung Chính Hoàng đế đề xướng tam giáo hợp nhất, vào lúc đó tại Trung Quốc có ba nhà là Nho, Thích, Đạo. Tam giáo hợp nhất, tam giáo là một nhà là do ông đề xướng ra. Ngày nay chúng ta đề xướng đoàn kết tất cả tôn giáo lại, đều là một nhà, chúng ta cần phải tôn sùng Ung Chính Hoàng đế là người đã lập ra, là người nêu ra sớm nhất. Công lao này không thể không có. Tôi muốn giảng phần Thượng Luận này một lần. Trong phần Thượng Luận, ông đề xướng đoàn kết tôn giáo, hợp tác tôn giáo, cùng nhau xây dựng sự hòa bình an định, đem lại hạnh phúc mỹ mãn cho tất cả chúng sanh. Ý tưởng này rất hay. Trong Thượng Luận có nói đến Tống Văn Đế, nói đến Hòa thượng Chi, họ có một đoạn hội thoại. Tống Văn Đế là người của thời Nam Bắc triều, cách chúng ta hiện nay khoảng 1.700 năm. Lưu Dụ là người con thứ ba. Hòa thượng Chi, chúng tôi tra tư liệu thấy ông là đồng hương với tôi nữa, người An Huy, Lô Giang, thật là hiếm có. Tống Văn Đế là người đọc sách. Đọc sách thì hiểu lý, rất tiếc là ông sống vào thời đó là thời loạn lạc, thời loạn thế cũng như chúng ta ngày nay vậy, cho nên làm hoàng đế rất vất vả. Ông đề xướng giáo dục nên vào thời đó vẫn còn có một thời kỳ xã hội an định. Trong lịch sử thì gọi là “Nguyên Gia Chi Trị”. Ông đã làm hoàng đế được ba mươi năm, hơn một nửa thời gian đó thì thiên hạ rất thái bình, hoàn toàn đều là nhờ giáo dục. Ông phân thành bốn khoa mục, lập ra bốn trường học là Nho học, Huyền học, Văn học và Sử Học, thỉnh mời bốn vị chuyên gia đến làm trụ trì. Đây là công khai giảng dạy, thính chúng rất nhiều, việc thay đổi nếp sống của xã hội có hiệu quả vô cùng thù thắng. Việc này rất đáng được đề xướng, cũng đáng để cho chúng ta làm tham khảo.

A-di-đà Phật !

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 320)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 212


Hôm nayHôm nay : 47894

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1461872

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43706016

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.