Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 323)

Thứ tư - 07/10/2020 21:35

 

PHẨM 23

MƯỜI PHƯƠNG PHẬT TÁN THÁN

Kinh văn: “Phục thứ A-nan! Đông phương Hằng hà sa số thế giới, nhất nhất giới trung như Hằng sa Phật, các xuất quảng trường thiệt tướng, phóng vô lượng quang, thuyết thành thật ngôn, xưng tán Vô Lượng Thọ Phật bất khả tư nghị công đức”. Đến chỗ này là một đoạn. Đoạn này là nói “chư Phật tán thán”. Đông Phương được nói rất chi tiết, chín phương còn lại thì được nói giản lược. Trước tiên chúng ta xem đoạn Kinh văn này. Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có câu: “Thủ tiêu Đông phương, thuận thế tục cố” (phương Đông đứng đầu vì thuận theo thế tục). Thế gian pháp nói đến phương hướng đều nói Đông Nam Tây Bắc bốn hướng trên dưới, nên Phật vì chúng ta giảng Kinh thuyết pháp cũng thuận theo pháp thế gian.

Tất cả chư Phật, Pháp Thân Bồ-tát thị hiện ở thế gian này giáo hóa chúng sanh như thế nào? Các Ngài có một nguyên tắc, đó là y theo nhị đế mà thuyết pháp, chính là căn cứ theo hai nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là pháp thế gian. “Phật pháp ở thế gian, không phá hoại pháp thế gian”, phải thuận theo, ở đây nói Đông phương đầu tiên, không nói Tây phương. Đây là thuận theo thế gian.

Nguyên tắc thứ hai chính là y theo chân đế mà thuyết pháp. Chân đế chính là cảnh giới trên quả địa của Như Lai, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói là thật tướng của các pháp, chân tướng của các pháp. Chân tướng thì người thông thường chúng ta không thể hiểu được. Cho nên Phật y theo hai nguyên tắc này để giảng Kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh.

Hai nguyên tắc này thường hỗ trợ, phối hợp với nhau, lúc nào nên dùng tục đế thì Phật dùng tục đế, lúc nào nên dùng chân đế thì dùng chân đế. Đại khái đối với người mới bắt đầu học thì dùng tục đế nhiều, chân đế ít. Đối với Pháp Thân Bồ-tát thì dùng chân đế nhiều, tục đế ít. Hay nói cách khác, phải xem trình độ của thính chúng, không thích hợp với trình độ của thính chúng là không khế cơ.

Trong bộ Kinh này, đại khái phân nửa là chân đế, phân nửa là tục đế. Đầu tiên là chỉ ra Đông phương. Trên thực tế thì phương hướng này không phải là thật, nếu như nói lời thật thì không có phương hướng. Mọi người đều biết trái đất hình tròn, chúng ta đi theo hướng Đông, đi đến cuối cùng lại quay về chỗ cũ. Vậy thì đâu là Đông? Đâu là Tây? Đi theo hướng Đông đến cuối cùng là từ hướng Tây trở lại. Cho nên Đông Nam Tây Bắc, bốn phương trên dưới không nhất định. Sự việc này, người hiện nay so với người thời xưa thì càng dễ hiểu được chân tướng sự thật, phương hướng chỉ là giả thiết. Singapore chúng ta so với Hong Kong thì chúng ta là ở phương Nam còn Hong Kong là ở phương Bắc. Phương hướng là tùy nơi mà thay đổi, làm gì có sự nhất định! Chúng ta hiểu được chân tướng sự thật thì sẽ không còn chấp trước nữa. Để thể hiện nơi chốn thuận tiện cho việc giả thiết vị trí, máy bay bay trên không, hành trình của tàu thủy nhất định phải nương theo kinh độ và vĩ độ. Kinh độ và vĩ độ là do con người đặt ra, từ kinh độ, vĩ độ mà sinh ra tọa độ. Chúng ta biết được máy bay hiện đang bay ở chỗ nào thì có thể chỉ cho nó vị trí hướng bay chính xác. Hành trình của tàu đi trên biển đi theo hướng nào đều phải dựa vào kinh độ, vĩ độ mới có thể tính toán ra mục tiêu chính xác. Cho nên giả thiết sắp tới sẽ đi vào trong khu vực nào, nó vẫn có tác dụng, sau khi rời khỏi khu vực đó nó sẽ không còn tác dụng. Ở đây Phật nói với chúng ta phương hướng, nhưng vì thế giới quá lớn, không phải là một thế giới nhỏ. “Hằng hà sa số thế giới”. Ấn Độ có một con sông lớn, giống như Trường Giang, Hoàng Hà của Trung Quốc, dài mấy ngàn dặm. Con sông này cát rất là mịn, các đồng tu chúng ta đang ngồi ở đây, có một số vị đã đi hành hương ở Ấn Độ rồi. Đi hành hương ở Ấn Độ nhất định sẽ đến sông Hằng. Có nhiều người mang cát ở sông Hằng về cho tôi xem, xác thực là rất mịn giống như bột mì vậy, Phật nói số lượng nhiều thường dùng cát của sông Hằng làm thí dụ. Năm xưa Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, đại đa số thời gian là ở lưu vực của sông Hằng, cho nên nói cát sông Hằng, người thông thường đều rất quen thuộc, đều biết được. Số cát này rất nhiều không tính đếm được, hình dung được số lượng thế giới là nhiều. Trên thực tế, chúng ta biết cát sông Hằng vẫn là có số lượng, chỉ là không có ai tính đếm, nhưng số thế giới mà Phật nói với quý vị là không có số lượng. Số cát sông Hằng không thể so bì với số lượng thế giới, số lượng thế giới thật sự là không có giới hạn. Phật nói thế giới này không phải chỉ là một quả địa cầu này, không phải chỉ có thái dương hệ, thậm chí chúng ta có thể nói không phải là chỉ có hệ ngân hà này. Ngày nay chúng ta nói những hiện tượng thiên văn trên trời, các nhà khoa học luôn luôn lấy hệ ngân hà làm một đơn vị, đây là tinh hệ lớn nhất hiện nay được theo dõi. Trong quá khứ, những đồng tu học Phật cho rằng thế giới mà Phật nói ở trong Kinh điển, khu vực của một vị Phật giáo hóa chúng sanh là một tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới có tiểu thiên, trung thiên, đại thiên, ba cái này hợp thành khu vực giáo hóa của một vị Phật, thật ra là một đại thiên thế giới. Có rất nhiều người hiểu lầm tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Cách tính này không phải là cứng nhắc, đây là cách tính đại khái. Thực ra là có tăng có giảm. Trong kinh nói một đơn vị thế giới có một núi Tu-di, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao đều xoay xung quanh núi Tu-di này. Chúng ta nói về tinh hệ, trái đất của chúng ta quay quanh mặt trời, mặt trời thì quay quanh ngân hà. Ngày trước chúng ta cho rằng hệ ngân hà có thể là đại thiên thế giới trong Kinh Phật nói. Thái dương hệ của chúng ta có phải là một đơn vị thế giới không? Hãy thử nghĩ và đối chiếu với Kinh Phật xem có vấn đề gì nói không thông, bởi vì trong Kinh Phật nói là mặt trời, mặt trăng đều xoay quanh núi Tu-di. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là người học khoa học, đã nói với tôi về vấn đề này. Ông nói “đơn vị thế giới” trong Kinh phải là hệ ngân hà, bởi vì mặt trời, mặt trăng, ngôi sao đều chuyển động quanh hệ ngân hà. Cách nói này rất có lý, ông nói núi Tu-di là hình dung từ, hoàn toàn không phải là một ngọn núi lớn, đó là trung tâm của hệ ngân hà. Ở Trung Quốc, trong danh từ thiên văn, gọi trung tâm của ngân hà là hoàng cực, hoàng là màu vàng, ông nói đây chính là núi Tu-di mà trong Kinh đã nói. Hiện nay các nhà thiên văn học nói trung tâm của hệ ngân hà là một lỗ đen, có lẽ Phật lấy cái này để thí dụ cho núi Tu-di. Hệ ngân hà này là một đơn vị thế giới, cái thế giới này thật quá lớn. Một ngàn hệ ngân hà là một tiểu thiên thế giới. Sau đó lại lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Vậy một đại thiên thế giới có bao nhiêu hệ ngân hà? Một tỷ cái. Các nhà khoa học hiện nay không có cách nào, kính viễn vọng vô tuyến điện tiên tiến nhất cũng không nhìn thấy nhiều tinh hệ như vậy. Khoa học ngày nay so với những điều Phật nói trong Kinh là quá nhỏ bé. Đây là một thế giới, đi về phương Đông có bao nhiêu? Vô lượng vô biên vô số thế giới, trong mỗi thế giới có “hằng sa Phật”, giống như thế giới Ta-bà của chúng ta vậy. Thích-ca Mâu-ni Phật nói giai đoạn này gọi là Hiền kiếp, chính là nói cái đại kiếp này. Chữ “kiếp” này là Phật vì chúng ta mà nói ra đơn vị thời gian. Ngày nay chúng ta nói đơn vị của thời gian là ngày tháng năm. Trong ngành thiên văn thì tính khoảng cách bằng năm ánh sáng, ánh sáng một năm đi được bao xa? Đơn vị năm ánh sáng này, các nhà thiên văn học gọi là lượng thiên xích. Đường kính của hệ ngân hà của chúng ta từ bên này qua bên kia là bao xa? Các nhà thiên văn học nói, nếu dùng năm ánh sáng để đo là hai mươi năm ánh sáng. Con số này không có cách nào để tính toán, ánh sáng một giây đi được ba trăm ngàn km. Cái vũ trụ này thật là quá lớn.

Giai đoạn này là Hiền kiếp, trong Hiền kiếp này có một ngàn vị Phật ra đời. Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta là vị Phật thứ tư, vị Phật thứ năm là Phật Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc trong tương lai đến thế gian này thị hiện thành Phật. Thích-ca Mâu-ni Phật có phải thật sự đã nhập diệt rồi hay không? Không phải vậy. Bạn nghĩ thử xem, khu vực của Ngài giáo hóa rộng lớn như vậy, tam thiên đại thiên thế giới, Ngài xuất hiện ở nơi này của chúng ta rồi Ngài đi, Ngài lại đi đến thế giới khác. Giống như chúng ta đem đại thế giới này so sánh với quả địa cầu, xem những thành phố của chúng ta như là thế giới nhỏ, khu vực giáo hóa của Thế Tôn, hôm nay ở đô thị này, ngày mai ở đô thị kia, vẫn không rời khỏi địa cầu. Tinh hệ nào Ngài cũng đều đi, nhưng hiện tại thì không ở trên quả địa cầu này của chúng ta, không ở trong thái dương hệ của chúng ta, Ngài đã đi đến thái dương hệ khác. Đạo lý và chân tướng sự thật chúng ta nhất định phải hiểu.

Phật nói với chúng ta, Phật Bồ-tát không sanh không diệt, mỗi người chúng ta thì có sanh có diệt không? Không có. Thí dụ như già rồi chết, bạn ở quả địa cầu này chết rồi thì lại đến quả địa cầu kia sinh ra. Sanh diệt chỉ là cái thân này, cái thân bằng thịt, linh tánh thì không sanh không diệt. Điều này nhất định phải hiểu. Hiện tượng sanh diệt của tất cả chúng sanh chỉ là thay đổi cái thân thể mà thôi. Giống như chúng ta mặc quần áo vậy, quần áo mặc cũ rách rồi, không cần nữa thì phải thay bộ đồ mới. Cho nên thân này không phải là ta, điều này nhất định phải hiểu. Thân không phải là ta, linh tánh mới là ta, ta không sanh không diệt. Nếu thân này là ta, vậy khi thân này chết đi thì chẳng lẽ ta không còn hay sao? Đâu có cái đạo lý này. Thân thì có sống chết, linh tánh thì không có sống chết, không có sanh diệt theo cái thân thể của bạn, linh tánh là vĩnh viễn bất sanh bất diệt. Trong Trung Quán Luận miêu tả rất hay, không đến không đi, không thường không đoạn, không cấu không tịnh, đây là linh tánh. Linh tánh thì không thêm bất cứ điều gì vào được, nhưng mà linh tánh mê rồi, khi đã mê thì hiện tượng này biến thành lục đạo, khi giác ngộ rồi thì thành nhất chân pháp giới. Cho nên cái thế giới này là giả, không phải là thật, tùy theo ý nghĩ thay đổi của chúng ta. Niệm của chúng ta là giác thì thế giới này là nhất chân pháp giới, chính là thế giới Cực Lạc. Niệm chúng ta mê thì là thập pháp giới, chính là tam đồ, lục đạo. Cho nên nó không phải là thật. Điều này Phật thường nói trong Kinh, chúng ta cũng thường nghe đến quen thuộc, thế nhưng tại sao nó vẫn chưa khởi tác dụng? Chúng ta không được thọ dụng, sai là sai ở chỗ này. Phật nói với chúng ta “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Tất cả pháp nói từ phương diện lớn là vũ trụ, thập phương hằng hà sa thế giới, nói nhỏ thì nhỏ như vi trần, chính là đem hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ bao gồm trong đó, không bỏ sót cái nào. Nó làm sao mà có được vậy? Là do tâm tưởng mà sanh ra. Trong tâm bạn nghĩ thiện thì nó sẽ hiện ra cảnh giới thiện, trong tâm nghĩ ác thì sẽ biến ra cảnh giới ác. Trong tâm nghĩ thiện nghĩ ác, cái tâm này là vọng tâm, không phải là chân tâm, chân tâm không có ý nghĩ. Trong giáo lý Đại Thừa, Phật thường nói “chân tâm ly niệm”, vĩnh viễn không khởi ý niệm là chân tâm. Cho nên phàm và Thánh khác nhau, chỉ dùng một câu nói thì có thể rõ ràng, minh bạch: Chư Phật Như Lai ở trong tất cả cảnh giới, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Chúng sanh ở trong lục đạo, không những là lục đạo mà bao gồm cả mười pháp giới, họ có hiện tượng gì? Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, đây gọi là phàm. Khác nhau là ở chỗ này. Nếu như phàm phu chúng ta ở trong lục đạo, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần mà không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước thì bạn đã thành Phật rồi. Một câu nói rất là rõ ràng, minh bạch. Bạn không có năng lực này nên Phật phân thành ba giai đoạn để nói, trước tiên dạy bạn không chấp trước với tất cả pháp.

Chiều hôm nay có một đồng tu ở Úc Châu gọi điện thoại nói với tôi là có người đặt chuyện gây sự hủy báng ông, nói những lời lẽ không hay, ông rất tức giận. Tôi nói với ông ấy rằng ông là phàm phu trong tam đồ lục đạo. Ông ấy nghe xong thì hỏi tại sao vậy? Tôi nói vì ông vẫn còn tức giận. Ông nói làm sao mà không giận được chứ. Tôi nói người ta mắng người khác thì tại sao ông không tức giận? Ông nói người khác thì đâu phải là tôi. Tôi nói cái thân này không phải là mình, họ mắng mặc họ, không liên can gì với linh tánh của ta, trong linh tánh của ta không khởi lên một niệm nào. Tại sao lại như vậy? Bởi vì bạn chấp trước cái thân này là chính mình, chấp trước cái tên này chính là mình, người ta chấp vào cái tên mà mắng bạn. Họ kêu tên của người khác thì bạn không phản ứng nữa, điều này cho thấy là bạn có chấp trước. Chỉ cần không chấp trước thì vấn đề gì cũng đều không có, bạn vừa chấp trước thì có phiền phức. Người chấp trước thì không thể ra khỏi sáu nẻo luân hồi. Sáu nẻo luân hồi là do chấp trước mà sanh ra. Ta không còn chấp trước nữa, bạn có kêu tên ta mà mắng, người cùng tên cùng họ rất nhiều, ta đâu biết bạn mắng ai, cớ gì mà tự mình lại thừa nhận? Con người sao ngốc như vậy! Không việc gì, việc gì cũng không có. Cho dù họ lấy roi đánh bạn, thân không phải là ta, có đánh thì bạn cũng không bị đau. Bị đánh tại sao bị đau? Vì thân này là ta, điều này phiền phức rất lớn. Nếu không tin thì bạn hãy đọc Kinh Kim Cang: Nhẫn Nhục tiên nhân bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể. Người thông thường nói là đau đớn không chịu nổi, Nhẫn Nhục tiên nhân bị vua Ca-lợi dùng dao cắt từng miếng thịt, ông không bị đau đớn. Tại sao ông không bị đau vậy? Vì thân không phải là ta, bạn tha hồ mà cắt. Bỏ chấp trước thì được tự tại, bỏ chấp trước thì ra khỏi luân hồi, cớ gì phải chấp trước chứ?

Lần này ở tôi Úc Châu bị bệnh, tôi đã làm thí nghiệm. Làm thí nghiệm gì vậy? Không chấp trước. Lúc tôi bị bệnh, có người chấp trước nhanh chóng đi tìm bác sĩ, phải uống thuốc. Nếu bạn không tìm bác sĩ, không uống thuốc thì bệnh sẽ không hết. Tôi không đi bác sĩ cũng không uống thuốc, nghỉ ngơi vài hôm thì bệnh tự nhiên sẽ hết. Nếu như bạn chấp trước, đã sanh bệnh không vào bệnh viện thì không được, không đi khám bác sĩ là không được, vậy là bạn không thể không đi khám. Nếu như bạn không đi khám thì bệnh của bạn sẽ nghiêm trọng, bạn sẽ không hết bệnh. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng tôi đã làm thí nghiệm tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Tôi không muốn bị bệnh, chúng tôi muốn sớm hồi phục khỏe mạnh, cảnh chuyển theo tâm. Chúng ta đem cái ý niệm này chuyển thành cái ý khỏe mạnh, không nên có suy nghĩ tôi bị bệnh rồi. Nghĩ không có bệnh thì bệnh sẽ không có. Tại sao vậy? Bạn nghĩ đến bệnh, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, tưởng bệnh thì làm sao mà không có bệnh chứ? Nghĩ già thì liền già, nghĩ chết thì không chết cũng không được. Cho nên tâm lý phải khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh thì sinh lý của bạn nhất định khỏe mạnh. Sinh lý phụ thuộc vào tâm lý, nó tùy theo tâm mà chuyển. Chúng ta không thể không hiểu cái đạo lý lớn này.

Thế giới lớn cùng với thế giới nhỏ là bình bẳng. Thế giới nhỏ là gì? Thân thể của chúng ta là thế giới nhỏ, vũ trụ là thế giới lớn. Ở trong Kinh, Phật thường nói vói chúng ta, thế giới lớn không lớn, thế giới nhỏ không nhỏ, là bình đẳng, không hai không khác. Hiểu được thế giới nhỏ thì hiểu được thế giới lớn, biết được thế giới lớn thì chúng ta biết được thế giới nhỏ, nó là một chứ không phải là hai. Cho nên ở trong tâm tánh không có lớn nhỏ, không có phàm Thánh. Phàm Thánh thực tế mà nói chính là một niệm mê ngộ. Ngộ thì làm Thánh, mê thì là phàm.

Cho nên biết được thế giới nhiều như vậy, trong một thế giới có vô lượng vô biên Phật. Bạn xem trong kiếp này của chúng ta có một ngàn vị Phật, nhưng trong mỗi kiếp, số thị hiện thành Phật không giống nhau. Có kiếp thì chẳng có vị Phật nào, có kiếp thì có mấy mươi ngàn vị Phật, đây là do duyên không đồng. Chúng ta phải biết cái đạo lý này. Bồ-tát có đến thị hiện thành Phật hay không, phải xem duyên của chúng sanh ở nơi đó đã đủ hay chưa? Nếu duyên đã đủ rồi, người tu hành chân thật rất nhiều, Phật Bồ-tát đến để giúp đỡ họ, dạy bảo họ. Người tu hành chứng quả rất nhiều, các Ngài liền đến. Duyên không có thì Phật Bồ-tát liền ẩn mất, các Ngài không đến thị hiện. Những người không có duyên thì không nghe lời giáo huấn, bạn nói với họ, họ nghe không hiểu, nghe có hiểu thì họ cũng làm không được. Không có duyên thì Phật Bồ-tát liền bỏ đi, không xuất hiện nữa. Cho nên có ứng hiện ở thế gian này hay không không phải là chuyện của Phật Bồ-tát, mà do chúng ta có chịu học hay không, cả thảy đều do bản thân mình, cái quyền này không ở nơi người khác. Chúng ta phải biết, phải khuyến khích chính mình, phải chăm chỉ nỗ lực. Chúng ta vừa mới khởi tâm động niệm, cái này gọi là cảm, Phật Bồ-tát liền có ứng, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Ý niệm của chúng ta nhiều, từ sáng đến tối không biết là khởi bao nhiêu ý niệm, mỗi một ý niệm đều có cảm ứng, không phải là cảm ứng với Phật Bồ-tát thì là cảm ứng với yêu ma quỷ quái, cho nên tâm phải thanh tịnh, tâm phải chánh. Phật pháp dạy chúng ta tam Quy Y chính là nguyên tắc chỉ đạo tu hành cao nhất, chính là Giác Chánh Tịnh. Giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Chúng ta đi con đường Giác Chánh Tịnh thì sẽ cảm ứng với Phật Bồ-tát, nếu như đi con đường mê tà nhiễm thì chúng ta sẽ cảm ứng với yêu ma quỷ quái. Phải biết rằng yêu ma quỷ quái cũng là Phật vị lai, không nên ngạo mạn, cũng không nên xem thường họ, cũng phải cung kính họ giống như Phật Bồ-tát vậy. Lễ kính chư Phật vị lai này là đúng rồi. Với cách này, cho dù là có những oán hận với yêu ma quỷ quái từ vô thủy kiếp đến nay, dần dần có thể hóa giải. Có một câu nói “oan gia nên giải không nên kết”, đời người ở thế gian này, sự việc gì có giá trị nhất, có ý nghĩa nhất? Là hóa giải oan kết, đây mới thật sự là có ý nghĩa. Người thế gian nói sự việc này không giống nhau. Người thế gian nói đời người có ý nghĩa là lập công, lập đức, lập ngôn. Lập công, lập đức, lập ngôn, từ vô lượng kiếp đến nay, oán thân trái chủ của bạn chưa từng hóa giải, sự việc này vẫn còn phiền phức. Cho nên bạn mới hiểu được Phật pháp thật sự dạy cho chúng ta cứu cánh viên mãn triệt để, đây là đại học vấn trong đại học vấn. Chúng ta gặp được rồi là vận may chẳng có gì sánh bằng. Trong bài khai Kinh kệ có nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”, cư sĩ Bành Tế Thanh nói: “Từ vô lượng kiếp đến nay hy hữu gặp được một ngày”. Chúng ta gặp được rồi thật sự là không dễ, phải nên quý trọng, thế, xuất thế gian chẳng có điều gì có thể so bì với điều này. Bạn phải trân quý cơ duyên này, nắm chắc cơ duyên này, trong đời này phải nhất định thành tựu.

Điều này nói rõ Phật thì nhiều, một thế giới có Phật nhiều như vậy, vô lượng vô biên thế giới thì số lượng các vị Phật không thể tính đếm được, thật sự là vô lượng vô biên vô số chư Phật Như Lai. Chữ “các” này, mỗi vị Phật đều xuất tướng lưỡi rộng dài. Hôm qua tôi đã chia sẻ với quý vị, tướng lưỡi rộng dài là phước tướng, phước nhất định có nhân, nhân này chính là nhiều đời nhiều kiếp không nói dối. “Nói lời thành thật”, “phóng vô lượng quang”, ý nghĩa những câu nói này sâu rộng vô cùng. Trong chú giải của cổ đại đức, Đại sư U Khê nói: “Xuất tướng lưỡi rộng dài là chứng minh cho chúng ta thấy Phật nói pháp chân thật, chắc chắn không có hư vọng”. Tướng lưỡi rộng dài này là từ vô lượng kiếp cho đến nay vĩnh viễn xa lìa bốn tội của khẩu nghiệp, không vọng ngữ, không nói hai lời, không ỷ ngữ, không ác khẩu. Tướng lưỡi này không phải là Thích-ca Mâu-ni Phật biểu diễn cho chúng ta, đầu lưỡi thè ra có thể che kín khuôn mặt. Bạn xem trong Kinh Đại Thừa Phật nói, tướng lưỡi rộng dài của Phật có thể “bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới”, nói rõ là từ vô lượng kiếp đến nay không vọng ngữ. Chúng ta nghe được những lời nói này thì phải nên học, bất luận là vô tình hay cố ý tạo tội vọng ngữ sẽ chắc chắn chướng ngại đời này khai ngộ vãng sanh. Trong đời này chúng ta có hai nguyện vọng là mong muốn bản thân mình có thể khai ngộ và mong muốn bản thân mình có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. A Di Đà Phật thanh tịnh nghiệp thân khẩu ý, Thích-ca Mâu-ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc. Phần chánh tông của bộ Kinh này truyền cho chúng ta cương lĩnh tu hành: “Thiện hộ tam nghiệp” (khéo giữ ba nghiệp). Bạn xem, Ngài đã xếp khẩu nghiệp đứng đầu tiên, đây là sự xem trọng. Chúng ta thường thấy trong Kinh điển Đại, Tiểu Thừa sắp xếp theo thứ tự thân, khẩu, ý. Thế nhưng trong bộ Kinh này, Thế Tôn không sắp xếp như thế, trước tiên Ngài nói khẩu, rồi đến thân, ý. Cách nói như vậy là thể hiện sự từ bi triệt để của Thế Tôn. Tại sao vậy? Ngài biết rằng chúng sanh ở thế gian này dễ tạo nghiệp nhất là khẩu nghiệp, cho nên đem khẩu nghiệp xếp trước tiên, “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Chúng ta ngày nay là đệ tử của Phật, đã thọ tam quy ngũ giới, thậm chí là đã xuất gia rồi, bạn có nói lỗi của người khác không? Nếu như bạn vẫn nói lỗi của người khác thì điều thứ nhất bạn làm chưa được. Điều thứ nhất bạn chưa làm được thì toàn bộ các điều phía sau cũng không làm được. Trong phẩm thứ tám Tích Công Lũy Đức của bộ Kinh này có nói “khéo giữ ba nghiệp”, điều này làm không được thì phần còn lại của bộ Kinh này không làm được phần nào, bạn làm sao mà có thể vãng sanh? Một mặt thì niệm Phật, một mặt thì vẫn phê bình người khác, thường nói người ta không đúng, bạn xem thử có gay go không! Tâm là vọng tâm, tâm là loạn tâm, một ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, tâm không chân thành, lời nói đều là vọng ngữ, hai lời, ỷ ngữ, ác khẩu, có phải là bạn đang tạo tác bốn lỗi này hằng ngày không? Bạn vẫn không biết sửa chữa, không biết quay đầu, khởi tâm động niệm đều nghĩ người khác sai rồi, ta không có sai. Ta không có sai, tương lai thì người ta vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, còn ta vãng sanh A-tỳ địa ngục. Cuối cùng là ai sai, ai đúng? Không cần hỏi người khác, bản thân mình buổi tối trước khi ngủ hãy tự suy nghĩ thì sẽ biết rõ, ác nghiệp nếu không đoạn, thì thật kinh khủng. Cho nên dễ dàng phạm nhất là khẩu nghiệp.

Tiếp theo là nói thân nghiệp không sát, không đạo (trộm), không dâm. Cuối cùng là nói ý nghiệp không tham, không sân, không si. Ngược với mười ác nghiệp chính là mười nghiệp thiện, chư Phật Bồ-tát niệm niệm đều là tương ưng với mười điều thiện, học Phật đầu tiên chúng ta phải học điều này. Học Phật phải bắt đầu học từ đâu? Chúng tôi nói rất nhiều rồi, trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, bạn xem Thế Tôn dạy phu nhân Vi-đề-hy như thế nào? Phu nhân Vi-đề-hy là đại biểu cho chúng ta, chính là dạy chúng ta bắt đầu học từ đâu? Bắt đầu từ Tịnh Nghiệp Tam Phước. Điều thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước là: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Nhập môn ở tại bốn câu mười sáu chữ này. Mười sáu chữ này áp dụng trong mười nghiệp thiện, bạn hiếu thuận với cha mẹ như thế nào? Bạn phụng sự sư trưởng như thế nào? Bạn làm sao để học đại từ đại bi của chư Phật Bồ-tát? Đều ở trong thập thiện nghiệp. Bạn có thể tu mười thiện nghiệp chính là bạn hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, chính là bạn tu tâm từ bi. Bạn không có thập thiện nghiệp thì ba câu nói này (Tịnh Nghiệp Tam Phước) chỉ là lời nói suông. Điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước chính là Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Điều thứ hai thì phạm vi của nó rất lớn, chúng ta mới học Phật, nói quá cao thì không có tác dụng, học xong nhưng làm không được. Cho nên điều thứ hai này tôi áp dụng trong Sa-di Luật Nghi, thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi (Sa-di Luật Nghi gồm mười điều giới, hai mươi bốn oai nghi). Người tại gia xuất gia đều có thể học Sa-di Luật Nghi. Điều thứ ba là Đại Thừa: Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả, chúng tôi áp dụng chúng trong Kinh Vô Lượng Thọ. Người chuyên tu Tịnh nghiệp thì phải biết ba bộ Kinh: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Sa-di Luật Nghi, Kinh Vô Lượng Thọ. Hoàn toàn phải y theo chỉ đạo của Tịnh Nghiệp Tam Phước mà tu học. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo giúp cho chúng ta đạt được tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân. Vừa mở Kinh ra là thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu như chúng ta không có đủ mười nghiệp thiện thì thiện nam tử, thiện nữ nhân nói ở trong Kinh, chúng ta không có phần, Phật không gọi chúng ta. Nếu như mười nghiệp thiện bạn có thể làm được thì trong lúc Kinh gọi, bạn có thể trả lời là đang kêu bạn, bạn có phần. Mười giới, hai mươi bốn oai nghi lại thêm Kinh Vô Lượng Thọ, đâu chỉ có tổ sư đại đức, ngay cả Phật cũng dạy cho chúng ta như vậy, trì giới niệm Phật, như vậy mới có thể thành công. Phật pháp mênh mông như biển, ở đây đã có rút gọn, rút gọn còn lại là tinh hoa của Phật pháp. Chính là ba điều này, nhất định không thể lơ là. Bạn có được ba bộ Kinh này thì nhất định bạn sẽ vãng sanh, một chút nghi hoặc cũng chẳng có. Cuộc đời này không hề uổng công, cuộc đời này sống vô cùng phong phú, có ý nghĩa, có giá trị, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Lần sau bạn trở lại là thân phận của Phật Bồ-tát thừa nguyện tái lai, để giáo hóa chúng sanh, điều này thì chẳng giống nhau. Hôm nay chúng ta xem đến chỗ này, nhiều vị Phật như vậy, hầu như có thể nói không có vị Phật nào bị bỏ sót, bạn nói thử đây là pháp môn gì? Không có vị Phật nào mà không tán thán, xưng tán công đức Vô Lượng Thọ Phật không thể nghĩ bàn. Công đức không thể nghĩ bàn là gì? Là quá nhiều. Bộ Kinh này giới thiệu rất chi tiết, trung tâm của nó chính là bốn mươi tám lời nguyện, đại nguyện đại hạnh, phổ độ tất cả chúng sanh mười phương thế giới viên thành Phật đạo. Đây là công đức không thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật. Công việc độ hóa chúng sanh của chư Phật rất gian nan, rất cực khổ. Nghiệp chướng tập khí của chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay quá sâu, quá nặng. Đọc câu “hòa đại oán, tất hữu dư oán, an khả dĩ vi thiện” (hòa được oán lớn vẫn còn dư oán, sao có thể xem là tốt được) của Lão Tử tôi cảm xúc vô cùng sâu sắc. “Tất hữu dư oán”, trong A-lại-da thức của chúng ta, chủng tử của phiền não tập khí chính là dư oán nhiều đời nhiều kiếp từ xưa đến nay. Trong Kinh Phật nói: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” (cho dù trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất, hội ngộ đủ nhân duyên, quả báo tự thọ lãnh). Cho nên ở trong lục đạo, trong đời này, thứ bạn gặp được, cái bạn nhận được, cả thảy là dư oán, bạn không thể trách người. Nếu bạn trách người thì cái oán này bạn càng kết càng sâu. Thế nhưng người thế gian không có ai mà không trách người, luôn luôn cho rằng người khác có lỗi với mình. Do vậy mới biết cái oán này càng kết càng sâu, không có cách hóa giải. Cho nên Phật Bồ-tát giáo hóa chúng sanh thật là gian khổ.

Phật pháp là sư đạo, trong sư đạo, điều quan trọng nhất là tôn sư, tôn sư trọng đạo, tôn sư không phải là đối với thầy phải cung kính, sự cung kính này là điều tự nhiên. Bạn tôn trọng thầy thì đâu có cái đạo lý không cung kính, đó là điều rất tự nhiên. Sự tôn trọng này, tôn sư thì lời thầy giáo huấn, cả thảy đều thực hiện được. Đây mới gọi là tôn sư, những điều thầy dạy mà bạn không làm thì không phải là tôn sư.

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 323)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 123


Hôm nayHôm nay : 17267

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 701391

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 56763090

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.