Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Giảng ngày 20-07-2003 tại Tịnh tông học hội Thái Lan
Hôm nay chúng tôi có duyên đến nước Thái, nhìn thấy Tịnh Tông Học Hội ở đây để lại ấn tượng rất thù thắng trang nghiêm, vô cùng hiếm có, đặc biệt là vào thời đại động loạn này. Mọi người có duyên gặp được Phật pháp, gặp được Tịnh Tông, tu học như lý như pháp, nhất định trong đời sẽ thành tựu. Hiện nay mọi người, thân tâm chưa có chỗ dựa, chưa có chỗ quay về đích thực, bất luận giàu nghèo sang hèn. Đặc biệt mấy năm gần đây, số tai nạn không ngừng gia tăng, thiệt hại mỗi ngày một nghiêm trọng. Đồng học trong nhà Phật rất chú ý đến những sự việc này. Thỉnh thoảng có người đến hỏi, tại sao tai nạn lại nhiều như vậy?. Phật Bồ Tát và các bậc thánh hiền trong thế gian dạy chúng ta, bất kể là thiên tai nhân họa đều do nghiệp lực chiêu cảm mà có. Nghiệp thì có thiện nghiệp, ác nghiệp. Chúng sanh trong xã hội ngày nay, mỗi ngày họ nghĩ đến điều gì? Họ nhắc đến việc gì? Làm việc gì? Trả lời câu hỏi đó tự nhiên sẽ hiểu được tai nạn triền miên này do đâu. Chính là do nghiệp bất thiện chiêu cảm.
Trên thế giới, người học Phật rất nhiều, người tín ngưỡng tôn giáo càng nhiều hơn. Căn nguyên của tai nạn nghiệp báo là do người ta đã đánh mất đi lời giáo huấn của thánh hiền, không biết nhân nghĩa đạo đức, không biết hành thiện, tích luỹ công đức mới tạo nên hiện tượng xã hội như hiện nay. Như thế học Phật tin giáo cũng thật đáng tiếc. Phật là gì vậy? Thực tế số người có thể hiểu được rõ ràng cũng không nhiều, thế là tín ngưỡng tôn giáo bị một số người trong xã hội cho là mê tín. Cách nói và cách nhìn của họ không sai. Chúng ta có mê tín hay không? Hỏi bạn Phật là gì bạn cũng không biết, đều đáp không được, như vậy bạn đã tin Phật một cách mơ hồ, đây không phải mê tín thì là gì? Có mấy người hiểu Phật pháp một cách rõ ràng minh bạch, sau đó mới khởi lòng tin? Quả thật rất ít.
“Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”
Phật giáo rốt cuộc là gì? Thường nghe nhất là “từ bi vi bổn, phương tiện vi môn” chỉ có tám chữ quá đơn giản này để giảng về Phật giáo.
“Từ bi vi bổn”
Cái gì là từ bi? Cái gì là phương tiện? Từ bi và chữ “ái” trong các tôn giáo khác có cùng một ý nghĩa. Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo, giáo nghĩa của họ là “Thượng đế ái thế nhân, thần ái thế nhân”, ý nghĩa của từ bi và ái giống nhau. Nhưng tại sao nhà Phật nói “từ bi” mà không nói “ái”? Người thế gian nói “ái”, trong “ái” có tình cảm, có tình là có chấp trước, có tình thì có phân biệt. Cho nên Phật giáo không dùng chữ này mà đổi qua danh từ “từ bi”. Từ bi là lý tính của ái. Cái ái này bình đẳng, thanh tịnh, không phân biệt, không chấp trước. Nói cách khác, không phân quốc gia, không phân chủng tộc, cũng không phân tôn giáo tín ngưỡng. Phật nói là một mực từ bi. Chúng ta nhìn thấy trong kinh điển, năm xưa khi Phật còn tại thế, trong số học trò của ngài có rất nhiều tín đồ tôn giáo khác thậm chí là thầy truyền giáo của tôn giáo, người lãnh đạo tôn giáo, đều đến bái Phật làm thầy. Giáo huấn của Phật Đà đối với họ là bình đẳng, cho nên thành tựu tu học của họ cũng thật không thể nghĩ bàn.
Quí vị thường hay đọc tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, chúng ta thấy tiền thân của Bồ tát Địa Tạng là nữ Bà La Môn. Đó là Bà La Môn giáo, chính là Ấn Độ giáo ngày nay. Hoặc trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thắng Nhiệt Bà La Môn, Biến Hành Ngoại Đạo, rất nhiều người là lãnh đạo các tôn giáo khác. Vậy Phật rốt cuộc là người như thế nào? Người học Phật chúng ta không thể không hiểu rõ. Từ kinh điển chúng ta hãy bình lặng quan sát tỉ mỉ, Phật Thích Ca Mâu Ni là thầy giáo, ngài đã buông bỏ vương vị, sự nghiệp. Cả đời ngài theo đuổi việc dạy học, bắt đầu từ năm 30 tuổi. Dùng cách nói hiện đại thì ngài đã làm công việc giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá. Chúng ta không thể không biết ngài dạy những gì. Tổng hợp 49 năm ngài chỉ giảng một câu của kinh Bát Nhã: “Chư pháp thực tướng”. Chư pháp thực tướng chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chân tướng của vũ trụ vạn hữu. Cụ thể nói cho chúng ta ba việc.
- Việc thứ nhất là quan hệ giữa người với người, chân tướng của nhân sinh, để chúng ta hiểu rõ làm người phải như thế nào
- Việc thứ hai là mối quan hệ thật sự giữa con người và hoàn cảnh tự nhiên. Đời sống con người trên thế gian không thể tách rời môi trường. Nếu hiểu rõ môi trường, chúng ta sẽ biết đối xử tốt và chung sống hài hòa với môi trường.
- Việc thứ ba, Phật nói rõ quan hệ giữa người và trời đất quỉ thần, chân tướng của con người với trời đất quỉ thần
Xử lý thật tốt ba mối quan hệ này thì thiên hạ thái bình, chúng ta sẽ có được đời sống hạnh phúc mỹ mãn đích thực, không hề có bất cứ tai nạn gì. Còn xử lí không tốt quan hệ con người thì sẽ có nhân họa, chiến tranh; môi trường tự nhiên, trời đất quỉ thần làm loạn, tai nạn tự nhiên ập tới. Cho nên giáo huấn của Phật Bồ Tát đã dạy chúng ta, tất cả vạn vật trong vũ trụ phải chung sống hòa thuận, phải đối xử bình đẳng, đây gọi là đại từ đại bi.
“Phương tiện vi môn”
“Phương” là phương pháp, phương pháp chung sống giữa người với người, phương pháp chung sống giữa người với môi trường tự nhiên, và phương pháp chung sống giữa người với trời đất quỉ thần. “Tiện” là thuận tiện. “Phương tiện” là phương pháp thích hợp thỏa đáng nhất để chung sống với đại chúng trong vũ trụ.
Hai câu của Phật, “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, đã nói lên tất cả giáo hoá suốt 49 năm của Thế Tôn. Nếu chúng ta dùng nhãn quan của người hiện đại để nhìn thì Phật giáo là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa đối với tất cả chúng sanh. Những điều mà cả đời đức Phật đã làm cho thấy ngài là một nhà giáo dục xã hội. Cả đời Phật Đà dạy học nhưng không hề thu học phí, không yêu cầu người khác cúng dường quá mức. Đời sống của ngài đơn giản, ngày ăn một bữa, tối ngủ gốc cây, sống đời thanh tịnh vô vi, tự tại, tùy duyên. Cho nên ngài không những chỉ dùng lời nói để dạy chúng ta mà ngài còn hiện thân thuyết pháp cho chúng ta, làm tấm gương cho chúng ta học hỏi. Chúng ta học Phật cần phải lấy ngài làm tiêu chuẩn. Phải học cái từ bi của ngài, học cách ứng xử với mọi người mọi vật của ngài, luôn vì hạnh phúc chân thật của tất cả chúng sanh.
Phật dạy “Từ bi tế thế” không phải vì người này không có gì ăn, ta tặng họ chút thức ăn; họ không có quần áo, ta cho vài bộ mặc. Đây chỉ là ân huệ nhỏ, không thể cứu người, vì sao? Người ta ỷ lại vào bạn, họ sẽ không sống nổi nếu rời xa bạn. Phật không cứu người như vậy mà Phật cứu người bằng cách giúp tất cả chúng sanh khai ngộ. Họ có trí tuệ rồi, giác ngộ rồi, có năng lực rồi thì tự họ có thể sống không cần dựa vào người khác nữa. Cho nên giáo dục của Phật, việc quan trọng nhất trong đời này chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Từ bi giúp đời đích thực chính là giáo dục.
Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày dạy người, ngài tự mình nêu gương hoàn toàn thực tiễn. Chúng ta triển khai trong kinh điển đều thấy học trò của ngài, 1250 học trò tu học thành tựu, không tính đến số học trò không thành tựu. Người Trung Quốc thế tục chúng ta thường gọi là “người tu hành chứng quả”, họ có khả năng kế tục huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sinh, đem giáo dục từ bi của Phật Thích Ca Mâu Ni đời đời truyền tiếp. Khoảng hơn 2000 năm trước, thánh nhân Trung Quốc đã nói “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, xây dựng một chính quyền, một quốc gia, giáo dục là quan trọng nhất.
Đặt mục tiêu giáo dục gia đình là nền tảng trong xã hội hiện đại
Xã hội hiện nay loạn động, mục tiêu phương hướng sai lầm. Ngày nay bạn thấy mỗi quốc gia, mỗi chính quyền đều lấy khoa học kỹ thuật làm đầu. Họ chú trọng phát triển kinh tế công thương. Không sai, người ta sẽ giàu có hơn, nhưng đạo đức luân lí không còn nữa. Quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa người và môi trường tự nhiên cũng không còn nữa.
Mỗi người khởi tâm động niệm đều tổn người lợi mình, việc này thật quá đáng. Từ sáng đến tối luôn phải đề phòng người khác, bạn nói xem sống như vậy khổ nhường nào. “Mình không hại người ta, nhưng người ta muốn hại mình”, hai bên đều có ý đề phòng, nên trở thành đối lập, trở thành oan gia trái chủ của nhau dẫn đến ngày tháng sống rất khổ. Chúng ta ngày nay nghĩ đến lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, đó là chân lí không thể trái ngược, đó không phải là bị người xỏ mũi. Lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền là chân tâm, chân tình, lưu xuất từ tự tánh. Người ngày nay thường bộc lộ tham, sân, si, mạn, từ vọng tâm lưu xuất ra, cái đó ô nhiễm, không thanh tịnh.
Giáo dục, trước hết là giáo dục gia đình. Làm cha mẹ nhất cử nhất động đều phải chuẩn mực tốt cho con cái. Trẻ con ra đời, vừa mới mở mắt chúng liền biết nhìn tuy chưa biết nói, những ấn tượng thấy được đều để lại trong tâm nó, gọi là “tiên nhập vi chủ”. Sau này lớn lên muốn sửa sẽ rất khó khăn. Hiểu đạo lí này, bạn phải tạo ấn tượng tốt nhất cho chúng. Đừng nên để chúng nhìn thấy hoặc nghe thấy những ấn tượng không tốt. Trước đây cha mẹ đối với con cái, rất quan tâm điều này nên yêu quí thật sự. Muốn dạy chúng, trước tiên bạn phải xây đắp nền móng, sau đó mới giao cho thầy giáo.
Tối hôm qua, mọi người cùng nhau ăn cơm, tôi nghe một vị đồng tu nói, hiện nay học sinh rất nghịch ngợm, ngồi không ra ngồi, đứng không ra đứng, cứ nghiêng qua nghiêng lại, bàn thì đẩy tuỳ tiện. Thầy giáo quả thật không biết phải làm sao, rốt cuộc đánh đứa bé đó. Nó về nhà báo lại, ngày hôm sau cha mẹ đến mách hiệu trưởng, yêu cầu hiệu trưởng đuổi việc thầy vì thầy giáo đã đánh con của họ. Thời trước, thầy giáo xử phạt học sinh, học sinh về báo lại với cha mẹ, ngày hôm sau cha mẹ mua lễ vật tặng thầy, cảm ơn thầy đã dạy con giúp họ. Xã hội ngày nay lại khác, điên đảo mất rồi, điều này không hiểu nổi. Cho nên ngày nay cha mẹ không quản nổi con cái, thầy giáo không quản nổi học sinh. Nguyên nhân do đâu? Do đã bị hỏng từ căn bản, trẻ con không còn nghe theo chánh giáo. Hiện nay trẻ con bị giáo dục kiểu gì? Ai dạy chúng? Truyền hình dạy, mạng internet dạy chúng. Chúng biết chơi điện tử, mỗi ngày tiếp xúc với nội dung truyền hình và mạng, toàn dạy sát đạo dâm vọng, tự tư tự lợi, chẳng có gì tốt cả. Từ nhỏ đã được hun đúc như vậy, tương lai chúng lớn lên sẽ như thế nào? Cho nên xã hội sau này nhất định sẽ loạn động hơn gấp mười lần so với hiện nay, người thế gian sẽ rất khổ.
Ngày nay giáo dục gia đình không còn, giáo dục nhà trường cũng không còn. Giáo dục xã hội, quí vị biết đấy, báo chí, truyền hình, phim ảnh, ca nhạc đều có thể nhìn thấy điềm báo. Người xưa tiên đoán, tôn giáo phương Tây bình thường cũng đã nói đến ngày tận thế, đây chính là hiện tượng của ngày tận thế.
Đoàn kết tôn giáo
Chúng tôi suy nghĩ rất kỹ, biện pháp duy nhất là cầu ở tôn giáo, hy vọng tôn giáo phải giác ngộ thì thế giới này vẫn còn một tia hy vọng. Tôn giáo phải dựa vào sự từ bi của Phật Bồ Tát, sự đại ái của thượng đế và đức Ala, có thể xả mình vì người. Phải khuyên bảo hay giáo hóa tín đồ chú trọng giáo dục gia đình, thúc đẩy giáo dục nhà trường và xã hội thì mới cứu được thế giới. Ngày nay có thể nói hỗn loạn đã đến cực điểm. Một số người có sự cảnh giác tương đối cao, phản tỉnh tư duy nghiêm túc, muốn tìm ra con đường hòa bình đích thực. Tôi đã từng tiếp xúc những học giả đó, họ đang bắt đầu làm công việc này. Cũng có một số nhà truyền giáo, nhà lãnh đạo các tôn giáo đang làm, đây là hiện tượng tốt.
Hiện nay, làm thế nào kết hợp lực lượng để có thể mở rộng, có thể sinh ra hiệu dụng, và có thể hoá giải được tại nạn của xã hội. Cho dù không thể hóa giải hoàn toàn nhưng chúng ta tin rằng nó có thể giảm bớt, thời gian tai nạn có thể rút ngắn, đây chính là việc công đức vô lượng. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Nhất định phải từ chỗ mở rộng tâm lượng, như trong Phật pháp thường nói “Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”. Phải có lòng bao dung, biết khiêm nhường, tất cả vì chúng sanh, vì xã hội yên bình, vì thế giới hoà bình, dứt khoát không vì lợi ích bản thân. Nếu chỉ vì lợi ích của mình thì việc này sẽ rất khó. Khi lợi ích đại chúng và lợi ích của bản thân có sự xung đột, lợi ích của mình không muốn buông bỏ thì lợi ích của đại chúng nhất định bị tổn hại. Cho nên trước tiên phải buông bỏ sự tự tư tự lợi, buông bỏ danh vọng lợi dưỡng, buông bỏ tất cả những hưởng thụ về vật chất và tinh thần của mình, phải thật sự dâng hiến và hy sinh thì mới có thể làm công tác hòa bình, tham gia hoạt động giáo dục tôn giáo cứu độ tất cả chúng sanh.
Mấy năm gần đây tôi tiếp xúc rất nhiều tôn giáo. Khi tiếp xúc, tôi đều đem những đạo lý này truyền đạt cho họ, họ phản ứng rất tốt. Lúc đầu có số ít không dễ dàng tiếp nhận, nhưng sau đó, họ thường hay qua lại, hai bên hiểu nhau đều tiếp nhận cả. Việc này phải bắt đầu từ chính bản thân chúng ta. Hiện nay trong xã hội, chúng ta thường gặp không ít học giả, chuyên gia, chí sĩ có lòng nhân ái, đang nghiên cứu phương pháp hóa giải tai nạn xung đột. Tôi cũng tham dự hội nghị này. Lắng nghe mọi người báo cáo chúng ta có thể biết vì sao không thể hoá giải được xung đột, tại sao không thể tránh được chiến tranh. Chủ yếu do họ chưa tìm ra nguồn gốc đích thực của tai nạn và xung đột.
Tôi nói với họ, nguồn gốc của xung đột và tai nạn là gia đình. Bạn thử nhìn xã hội ngày nay, gia đình bất hòa, vợ chồng bất hòa, cha con bất hòa, anh em bất hòa. Rõ ràng nhất như việc chỉ vì một chút tài sản là có thể tranh chấp ra tòa, như thế còn gì là anh em nữa. Họ không nhường nhịn nhau, còn tranh danh tranh lợi. Tình thân mất hết thì danh lợi có nghĩa gì. Điều này thật đáng sợ, nhưng quả thật mà nói vẫn chưa phải là nguồn gốc đích thực. Nguồn gốc đích thực là những mâu thuẫn xung đột trong chính nội tâm chúng ta. Phật pháp gọi là xung đột giữa bản tánh và tập tánh. Đây mới là nguồn gốc đích thực.
Khi tiếp xúc với nhiều nhân sĩ nước ngoài, chúng tôi nói về bản tánh tập tánh, họ nghe không hiểu và không có khái niệm này. Chúng tôi đành phải đổi đề tài sang “tự lợi lợi tha” họ mới hiểu. Khi suy nghĩ quan tâm sao có lợi cho mình mà không nghĩ đến lợi ích của người khác thì xung đột sẽ xảy ra. Làm sao hóa giải mâu thuẫn trong nội tâm? Giải được vấn đề đối lập giữa nội tâm và bên ngoài, bạn mới có thể làm việc vì thế giới hòa bình được. Nếu xung đột trong nội tâm chưa hoá giải thì đừng nên nói vấn đề xã hội. Bạn cũng sẽ bất lực, vì vấn đề trong chính nhà bạn mà bạn còn chưa giải quyết xong.
Ngày nay sự việc đã trở nên vô cùng nghiêm trọng. Vấn đề giáo dục như vậy là do con người không có trí tuệ. Sự thông minh chỉ tạo ra phiền phức, chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết. Trí tuệ có năng lực phán đoán lợi hại được mất, đúng sai chân vọng, nó có năng lực phán đoán nên nó mới giải quyết được. Hiện nay không có năng lực này nên nhìn đâu cũng không thể thấy tà chánh thị phi, nói chung quy lại vẫn là vấn đề giáo dục. Hiện nay chúng ta phải dựa vào giáo dục tôn giáo, muốn thế thì phải đoàn kết tất cả tôn giáo trên thế giới lại. Các tôn giáo phải chung sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, hỗ trợ hợp tác thì thế giới này mới có hy vọng sáng sủa.
Mấy năm nay chúng tôi bôn ba khắp thế giới cũng chỉ vì công việc này. Lần này đến tham gia hội nghị mấy ngày, đây là hội nghị do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Mặc dù rất hiếm thấy nhưng hiện nay Liên Hiệp Quốc cũng đã nhắc đến vấn đề giáo dục hoà bình, đây là sự khởi đầu tốt. Tôi có cơ hội tham dự cũng sẽ đưa kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc, hy vọng họ tiếp nhận. Tôi kiến nghị Liên Hiệp Quốc nên xây một trường đại học tôn giáo quốc tế. Mỗi tôn giáo thành lập một học viện. Tương lai tất cả tín đồ tôn giáo đều tốt nghiệp từ một trường đại học, chỉ khác nhau ở khoa hệ mà thôi. Bản thân chúng ta học tôn giáo của mình nhưng cũng cần hiểu về các tôn giáo khác, thậm chí còn tôn trọng, học tập lẫn nhau, như vậy là đem sở trường của người bù vào sở đoản của mình, không ngừng nâng cao chính mình.
Hội nghị này vốn dĩ sẽ tổ chức vào tháng 6 tại Nhật Bản, nhưng vì dịch bệnh SARS nên Hội nghị dời đến tháng giêng năm sau. Vì là Hội nghị do Liên Hiệp Quốc giáo khoa văn tổ chức mười năm liên tiếp tại Nhật Bản bàn về giáo dục hòa bình quốc tế, cho nên tôi đã tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo. Hy vọng mỗi tôn giáo đều phải chú trọng giáo dục tôn giáo, việc này quan trọng hơn cả. Tôn giáo nào chỉ có hình thức nghi thức mà không có nội dung kinh điển giáo dục thì tôn giáo đó sẽ biến thành mê tín, sẽ bị người trong xã hội bài xích. Nếu kinh điển của chúng ta là sách giáo khoa thì bất kỳ tôn giáo nào cũng đều dạy người trở thành người tốt, dứt khoát không dạy giết người, phóng hoả, lừa gạt. Mỗi tôn giáo đều tuân thủ theo lời giáo huấn trong kinh điển của họ thì ai ai cũng là người tốt, tại sao không thể hợp tác chứ? Xung đột giữa tôn giáo và tôn giáo là do con người, không liên quan đến thần thánh, cũng không liên quan đến kinh điển.
Năm rồi tôi đến thăm Nhật Bản. Tịnh Độ tông Nhật Bản cũng có rất nhiều giáo phái. Mọi người cùng nhau tổ chức lễ đón tiếp tôi, tôi cũng vô cùng cảm ơn. Xong việc, một số bạn Nhật Bản nói với tôi, “Những giáo phái này thường ngày không qua lại với nhau, vì hôm nay có pháp sư đến nên họ mới ngồi lại với nhau, đây là chuyện rất ít thấy”. Tôi nghe xong cũng không cảm thấy kỳ lạ, vì sao? Chúng ta ở Đài Loan, Trung Quốc, hay rất nhiều nơi, Phật giáo hai bên cũng đâu qua lại, nên ở Nhật không qua lại hoàn toàn không có gì kỳ lạ. Tuy nhiên, cảm xúc của chúng tôi rất sâu sắc. Khi rời khỏi Nhật Bản, họ cũng vẫn tụ hội với nhau để đưa tiễn.
Phật giáo Trung Quốc có mười tông, trong tông thì có phái, trong phái vẫn có phái, rất phức tạp. Quả thực hai bên không qua lại với nhau, thậm chí còn tự khen mình nói xấu người, đạo tràng này nói xấu đạo tràng khác, lôi kéo tín đồ lẫn nhau, bất kể thủ đoạn. Tôi cảm khái mà nói rằng, bất kể ở tông phái nào, kinh điển mà các bạn đọc đều là kinh điển do Phật Thích Ca Mâu Ni nói. Cũng như cha mẹ sinh rất nhiều con cái, con cái trưởng thành lại chống đối lẫn nhau và biến thành kẻ thù. Thử hỏi lòng người cha mẹ khó xử cỡ nào. Điều này mọi người dễ dàng hiểu được. Phật giáo truyền đến ngày nay, nếu mỗi tự viện đều độc lập, trở thành kẻ thù của nhau thì Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ rơi lệ. Đó không phải là đệ tử Phật mà là phá hoại Phật giáo, chúng ta có thể làm được việc này sao? Nếu ta không thể đoàn kết được người trong nhà thì làm sao có thể đoàn kết được tôn giáo khác, thế giới này dứt khoát sẽ đi đến huỷ diệt.
Cho nên tôi đặc biệt trịnh trọng nói với quí vị, những tông phái khác nhau trong Phật giáo là anh em ruột của chúng ta, do một Phật tổ truyền xuống, bất kể là đại thừa hay tiểu thừa, hiển giáo, mật giáo, đều là người một nhà, là anh em ruột. Những tôn giáo khác là anh em chú bác, cô cậu, cũng đều là người một nhà. Tại sao lại nói các tôn giáo khác là anh em chú bác, cô cậu? Tôi tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo khác, mỗi tôn giáo đều có câu: “Vũ trụ có một chân thần duy nhất, chân thần này sáng tạo ra vũ trụ”. Mọi người khác tôn giáo với chúng ta đều thừa nhận không hề chối cãi. Vậy chân thần này rốt cuộc là ai? Cơ Đốc giáo gọi là thượng đế, Hồi Giáo gọi là thánh Ala,... Tôi nói không sai, quả thực chỉ có một chân thần, tùy từng tôn giáo mà có danh xưng khác nhau nhưng kỳ thực chỉ có một.
Nếu bạn phản đối tôn giáo kia, há chẳng phải bạn đang phản đối chân thần của chính mình, vì do một chân thần biến hiện. Chân thần có thần thông quảng đại, ngài biết biến hiện nên ở dân tộc quốc gia này thì biến hiện thân phận này, ở nơi khác ngài lại biến ra thân phận khác, kỳ thực chỉ là một. Họ nghĩ thấy có lý. Cho nên không được phản đối những tôn giáo khác, vì phản đối chính là phản đối chân thần của chính mình. Đó là lý do tôi nói, những tôn giáo khác đều là anh em chú bác cô cậu của chúng ta. Tất cả tín đồ tôn giáo trên toàn thế giới đều là người một nhà, nhất định phải tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, chung sống hoà bình, hợp tác hỗ trợ. Chúng ta cùng hướng đến con đường bình yên, phồn vinh hạnh phúc. Nhất định phải tuân theo lời giáo huấn của thánh thần, phải buông bỏ thành kiến của mình, cố gắng học tập theo lời giáo huấn trong kinh điển.
Tôn giáo họ nói “chân thần duy nhất” thì trong Phật pháp chúng ta nói là “pháp tánh”. Kinh Hoa Nghiêm dạy, vũ trụ, hư không, pháp giới, cõi nước, chúng sanh từ đâu mà có? “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, tánh thức chính là pháp tánh mà bình thường hay nói. Cho nên chúng ta không những hy vọng các tông phái Phật giáo có thể trừ bỏ thành kiến, qua lại hợp tác với nhau mà đối với những tôn giáo khác, chúng ta cũng thường nên có tình liên kết hữu nghị, thông hiểu lẫn nhau, trao đổi những tâm đắc trong học tập. Điều này giúp ích cho hoà bình thế giới, giúp xã hội an bình, đây là việc tốt, dứt khoát không được bài xích.
Hai năm nay, tôi có cơ duyên sống tại một thành phố nhỏ ở Toowoomba, Úc Châu, thành phố chỉ có 80 ngàn người. Chúng tôi có mục tiêu lý tưởng, hy vọng biến thành phố này thành thành phố kiểu mẫu, nơi chung sống hoà hợp của những tôn giáo, những chủng tộc. Chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền ra toàn thế giới, hy vọng mọi chủng tộc, tôn giáo có thể chung sống hòa thuận, quan tâm lẫn nhau, dứt khoát không xung đột. Nếu nói nhiều mà làm không được, tuy người ta nghe thấy đúng nhưng ấn tượng không sâu, cho nên chúng ta phải làm để họ thấy. Chúng tôi đến Úc Châu mua đạo tràng, đạo tràng này trước là giáo đường Cơ Đốc Giáo. Chúng tôi vẫn giữ nguyên kiến trúc giáo đường cũ, không hề sửa đổi tí nào, chỉ đổi giá thập tự trong giáo đường thành hình tượng Phật A Di Đà, còn những cái khác không hề sửa đổi. Điều đó khiến cảm xúc của người xung quanh đối với chúng ta rất tốt, vì chúng ta không phá hoại văn hóa của họ. Mỗi năm đến lễ Giáng Sinh, chúng tôi cũng ăn lễ, xem như giáo đường bình thường, cũng đặt đức mẹ Maria ở bên ngoài. Họ cảm thấy kỳ lạ và thắc mắc: “Các bạn cũng kỉ niệm ngày lễ này của chúng tôi sao?” Tôi nói: “Đúng. Ngài chính là Phật Bồ Tát, ngài là hoá thân của Quan Âm Bồ Tát, cho nên nhất định phải hòa thành một khối”. Làm như vậy mọi người rất hoan hỷ, không thấy có khoảng cách, không thấy có mâu thuẫn, đương nhiên sẽ không xảy ra xung đột.
Chúng ta phải làm từ chỗ nhỏ, dần dần sẽ ảnh hưởng đến những thành phố khác. Phải thực hiện, thực hiện ngay chính bản thân mình. Hy vọng đồng học Tịnh Tông chúng ta tâm lượng phải lớn, “Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”. Người ta không qua lại với chúng ta là việc của họ, chúng ta hãy cứ hoan hỷ qua lại với họ, dứt khoát không bỏ qua cơ hội này. Phải cảm thấy mỗi tôn giáo đều rất đáng yêu. Đến giáo đường của họ, tôi cũng lạy thần của họ, tôi tôn kính đọc và nghiên cứu kinh điển của họ, họ cảm thấy rất kỳ lạ. Họ không qua lại với ta, thì chỉ có ta biết họ, còn họ không biết ta, như vậy họ bị thiệt thòi. Họ không đọc kinh Phật thì họ sẽ không hiểu ta, nhưng ta đọc kinh của họ có thể hiểu tất cả.
Tam quy ngũ giới
Tam quy ngũ giới là Phật học nhập môn, giống như chính thức vào bái sư. Thầy là ai? Thầy là Phật Bồ Tát. Chúng ta quy y là quy y Tam Bảo, không phải quy y theo một pháp sư nào. Bạn thấy lời thề của chúng ta là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Phật Pháp Tăng không phải hình thức. Hình tượng của Tam Bảo cũng có tác dụng nhưng tác dụng của nó chỉ là phụ. Trong “Đàn kinh” nói rất hay, đại sư Lục Tổ Huệ Năng của Thiền tông khi còn tại thế cách đây hơn 1300 năm đã truyền thọ Tam Quy, ngài không nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, mà ngài nói: “Quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh”. Đọc “Đàn Kinh”, tôi đã suy nghĩ rất lâu, tại sao ngài không dùng Phật Pháp Tăng mà đổi thành Giác Chánh Tịnh? Sau này chúng ta mới hiểu. Pháp truyền đã lâu nên mất hết ý nghĩa, vậy mọi người quy y cái gì? Quy y Phật, Phật là tượng Phật; Pháp là kinh điển; Tăng là người xuất gia, sai rồi. Bồ Tát bằng đất đi qua sông còn khó đảm bảo cho chính mình, bạn quy y ngài mà chính ngài cũng không dám chắc thì làm sao ngài có thể phù hộ cho bạn được.
Cho nên Tổ Huệ Năng nói có lý, quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. Giác Chánh Tịnh là tự tánh Tam Bảo, luận điểm này mới đáng tin. Bất kể ở đâu, bạn không bao giờ rời khỏi nó, nó cũng không rời khỏi bạn. Giác Chánh Tịnh mới thật có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, trên hình thức Tam Bảo, bạn phải hiểu được tự tánh Tam Bảo. Chúng ta nhìn thấy tượng Phật liền nghĩ đến tự tánh Giác, giác là không mê; nhìn thấy kinh điển liền nghĩ đến chánh tri chánh kiến, không phải tà tri tà kiến; nhìn thấy người xuất gia liền nghĩ đến sáu căn thanh tịnh không nhiễm bụi trần, bất kể là người xuất gia có trì giới hay không. Phạm giới là chuyện của người ta, không liên quan đến mình, chúng ta nhìn thấy hình tượng này phải nhắc nhở bản thân giữ sáu căn thanh tịnh không nhiễm bụi trần, phải tu sáu hòa kính thì công đức mới vô lượng vô biên. Đây mới là Tam Tự Quy đích thực.
Phật Thích Ca Mâu Ni truyền pháp cho chúng ta, chính là Giác Chánh Tịnh. Trong Tam Tạng kinh điển, Tịnh là giới học; Chánh là định học; Tuệ là luận học, dứt khoát không hiểu sai, chúng ta mới có thể học được. Phật đã nhập diệt không còn ở đời, chúng ta muốn tu học Phật pháp thì phải dựa vào kinh điển. Nếu Phật còn tại thế thì trong Tam Bảo, Phật được đặt ở hàng đầu, nhưng Phật đã nhập diệt thì Pháp bảo đặt ở hàng đầu. Tất cả mọi người phải dựa vào Pháp bảo, chính là kinh luận của Phật. Hằng ngày chúng ta phải đọc, nghiên cứu, mỗi ngày phải hành, phải áp dụng vào thực tế. Bạn học mà không áp dụng, không thể biến nó thành đời sống, thành tâm hạnh của mình thì cái học này cũng vô dụng, học mà không hành nên không thu được lợi ích thật sự của Phật pháp.
Nếu chúng ta buông bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước của mình, tất cả đều phải làm y theo lời giáo huấn trong kinh điển thì chúng ta sẽ thu được lợi ích rất thù thắng. Lợi ích thù thắng nhất mà mọi người đều có thể nhìn thấy, đó là tướng mạo thay đổi, thể chất thay đổi nhanh chóng. Ở Trung Quốc xem tướng số thường hay nói “Tướng tuỳ tâm chuyển”. Tâm tốt thì tướng sẽ tốt, tâm không tốt thì tướng không tốt. Khi người ta vui thì tướng mạo của họ đẹp biết bao, nhưng khi người ta giận thì tướng mạo khó coi cỡ nào. Cho nên phải thường giữ tâm hoan hỷ, giữ tâm thanh tịnh trí tuệ thì tướng mạo sẽ dần dần thay đổi tốt lên từng ngày, thể chất cũng như vậy. Thân Kim Cang bất hoại, đó là sự thật. Trí tuệ hiện tiền, phước báu hiện tiền. Thanh tịnh sanh trí tuệ, lương thiện sanh phước báu. Thiện sanh phước, tịnh sanh tuệ. Thuần tịnh thuần thiện chính là phước tuệ song tu. Bản thân chúng ta tu đạt thì hình tướng chính là nhãn hiệu của Phật Bồ Tát, người ta nhìn thấy bạn liền trầm trồ khen đẹp. Lúc đó bạn có thể giới thiệu phương pháp này cho họ. Nếu họ chịu tu thì họ cũng có thể đạt được, đây là điều Phật nói trong kinh, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.
Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 359
Hôm nay : 74385
Tháng hiện tại : 565163
Tổng lượt truy cập : 59777819
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.