Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 163)

Thứ năm - 26/02/2015 14:38

Nguyện thứ ba mươi bảy: “Y Thực Tự Chí Nguyện”

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, sở tu ẩm thực, y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện”.

Nguyện thứ ba mươi tám: “Ứng Niệm Thọ Cúng Nguyện”

Kinh văn: “Mười phương chư Phật ứng niệm thọ kỳ cung dưỡng. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác".

Đây là đại nguyện chương thứ 18, nói về y báo trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc. Chúng ta sống ở thế gian, mỗi một chúng sanh đều vì cơm áo, đi đứng mà lo nghĩ. Cũng giống như trên Kinh đã nói: “Không có ruộng đất thì mong cầu có được ruộng đất, không có tiền của thì mong cầu có được tiền của”. Chúng ta mỗi ngày tư lự, cần phấn, khổ cực làm việc đều là vì những việc này, do đó học đạo cũng không thể nào chuyên tâm, đây là Thế Tôn đã nói ở trên Kinh: "Bần cùng học đạo khó". Người giàu sang mỗi ngày niệm niệm mong cầu hưởng thụ niềm vui của năm dục sáu trần, thế là họ đem việc tu hành lơ là đi, đây là "giàu sang học đạo khó". Giàu hay nghèo học đạo đều không dễ dàng. Ở xã hội hiện tại này thì càng khó. Khoa học kỹ thuật phát triển, nâng cao mức độ tham muốn hưởng thụ vật chất của tất cả chúng sanh, mà khoa học phát triển thì không có chỗ dừng, thế là dục vọng của tất cả chúng sanh cũng không ngừng tăng cao. Chúng ta có nghĩ đến hậu quả của sự việc này hay không? Nếu như tỉ mỉ mà quán sát, mà tư duy thì chúng ta sẽ thấy, hậu quả không thể nào lường được. Đây không phải là việc tốt, vì nếu là việc tốt, là thiện nghiệp, chư Phật Bồ Tát đều đầy đủ trí tuệ cứu cánh viên mãn, vì sao hai ba ngàn năm trước không đem khoa học kỹ thuật này phát triển ra? Các bạn nghĩ xem, vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật, những Tổ sư Đại đức nhiều đời của chúng ta dạy chúng ta trải qua đời sống nguyên thủy vậy? Không phải các Ngài không có trí tuệ, không phải không có năng lực, không phải không hiểu khoa học kỹ thuật, các Ngài hiểu được còn cao minh hơn rất nhiều so với các nhà khoa học hiện tại, nhưng vì sao các Ngài không phát triển nó? Hiện tại chúng ta cảm nhận sâu sắc cái hại của văn minh khoa học kỹ thuật, chúng ta mới hoát nhiên đại ngộ, thì ra Phật Bồ Tát Thánh Hiền nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta trải qua đời sống nguyên thủy tự nhiên, đó là đời sống chân thật khỏe mạnh, đời sống chân thật của con người.

Hiện tại chúng ta nói những lời này, người bảy tám mươi tuổi nghe được, họ sẽ gật đầu, cảm thấy lời nói này rất có đạo lý. Người trẻ tuổi nghe được cách nói này thì họ không thể tiếp nhận, họ cho rằng đó gọi là lật đổ xe, không hợp khoa học, không hợp thực tế. Người thanh niên hiện đại có cách nghĩ như vậy. Đây là một hiện tượng rất tự nhiên. Họ vừa sanh ra liền bị khoa học mê hoặc rồi, mê đã quá sâu, mê đã quá lâu, không thể quay đầu lại. Bạn thử hỏi người già bảy tám mươi tuổi, để họ rất bình lặng mà hồi tưởng lại khi họ còn trẻ (mười tuổi, hai mươi tuổi), những thứ ăn uống lúc đó như rau, gạo, nước để uống có giống như hiện tại hay không? Việc này vừa nghĩ thì tường tận, là hoàn toàn không như nhau. Rau cải của sáu bảy mươi năm trước, mùi vị rất ngon, thật tươi tốt, thật bổ dưỡng. Hiện tại rau cải cắt ra, màu sắc đẹp hơn trước, nhưng không có mùi vị. Vì sao vậy? Dùng hóa học, nhân công để bồi dưỡng, không phải tự nhiên. Những thứ này ăn vào thì không bổ dưỡng. Không những không bổ dưỡng, mà ăn rồi cả thân đều bệnh, cho nên bệnh là từ miệng mà vào. Bạn nói xem, có đáng sợ không? Nước để uống, trong nước cũng thêm vào rất nhiều hóa học, không giống như nước lúc trước đây. Chúng tôi khi nhỏ không có nước máy, ở trên núi thì uống nước suối, thông thường trong đô thị thì uống nước sông. Muốn có nước sông thì phải gánh, dùng hai thùng nước mà gánh. Khi nước không được trong, thông thường dùng phèn chua để lóng nước, khoảng một hai giờ đồng hồ thì hoàn toàn lắng xuống. Khi lắng xuống rồi thì nước đó rất trong, không cần phải đun sôi cũng có thể uống. Khi tôi còn nhỏ, nhớ lại khi học tiểu học, học sơ trung, làm gì có nước đun sôi để uống? Xách nước sông lên thì liền uống được, chất nước cũng tốt, mùi vị cũng ngon, không có vi khuẩn gây bệnh, nên chúng tôi rất khỏe mạnh. Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển, ăn không phải giống như ăn thức ăn, uống nước thì hoàn toàn không phải là nguyên vị, cho nên ngày tháng này làm sao mà dễ qua chứ? Thế gian này còn có cái gì đáng để lưu luyến chứ? Hoàn cảnh đại tự nhiên hoàn toàn bị phá hoại. Chúng ta nghĩ lại, làm sao mà không đau lòng? Lời nói này, Lão Hòa thượng Minh Sơn Ngài thể hội còn sâu hơn so với tôi, vì ông lớn hơn tôi mười mấy tuổi.

Thế giới hiện tại, lòng người biến đổi, hoàn cảnh đời sống đều là chuyển biến lớn đến 180 độ. Sự chuyển biến này không phải chuyển biến theo hướng tốt, mà là chuyển biến ngược lại. Người có tâm, người có lòng từ bi làm sao mà không lo lắng, làm sao có thể không cảm thán? Trên địa cầu này, hiện tại muốn tìm một hoàn cảnh thanh tịnh, đích thực không dễ gì có, càng là một đất nước mở cửa thì càng không có. Những khu vực chưa phát triển, khu vực lạc hậu có lẽ vẫn còn giữ được đời sống bình thường một chút. Tôi đã đi qua rất nhiều nơi, tôi thích Úc Châu. Mãi đến hiện tại, Úc Châu vẫn chưa bị ô nhiễm. Chính phủ Úc Châu rất thông minh, không phát triển công thương nghiệp, họ biết được chỗ hại của công thương nghiệp. Úc châu đến ngày nay vẫn là xã hội nông nghiệp, quốc gia nông nghiệp, ăn uống đi đứng vẫn giữ hình thái nguyên thủy, rất là đáng yêu. Khu đất này cũng được thiên nhiên hậu đãi, đất rộng người thưa, diện tích đất của họ đại khái lớn gần bằng với Trung Quốc, lớn cũng gần bằng với nước Mỹ, nhân khẩu toàn quốc chỉ có một ngàn bảy trăm vạn, còn ít hơn so với Đài Loan (Đài Loan là hai ngàn hai trăm vạn). Đất rộng người thưa cho nên không bị ô nhiễm, đến ở nơi đó mới chân thật là thấy được trời xanh mây trắng. Ở nơi đó, hơn 200 năm gần đây không có chiến tranh, giữa người và người rất là thân thiết, vì người sinh sống ít, cho nên xem thấy người ở đó rất là hoan hỷ, con người rất thành thật, rất là trung hậu, “tri túc thường lạc” mà. Cho nên đến Úc Châu cũng giống như đi trên con đường làng vậy. Các khu vực khác đều không xem thấy hiện tượng này. Chúng ta xem thấy được đoạn Kinh văn này, nghĩ lại hoàn cảnh đời sống hiện tại của chúng ta, vẫn phải di dân đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc là tốt hơn, Úc Châu cũng không thể sánh bằng.

A Di Đà Phật chỗ này nói với chúng ta: "Ngã tác Phật thời", chữ "ngã" này là A Di Đà Phật tự xưng. Ngài hiện tại đã làm Phật rồi, đương nhiên nguyện này cũng đã hiện thực.

"Sanh ngã quốc giả". Thế giới Tây Phương Cực Lạc có bốn cõi Tịnh Độ, mỗi cõi đều có ba bậc chín phẩm. Người vãng sanh đến đây, không luận là sanh đến cõi Tịnh Độ nào, ở phẩm vị nào, cho dù cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng đạt được sự đãi ngộ này.

"Sở tu ẩm thực y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện". "Mãn" là đầy đủ, đầy đủ mong cầu của chính chúng ta. Kinh văn chỉ nêu lên vài thí dụ. Khi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, những nhu cầu trong cuộc sống thường ngày tất cả đều đầy đủ. Đến nơi đó, cung cầu đối với đời sống vật chất không có một chút tâm lo lắng, trong tâm tự nhiên được an. Chúng ta tu hành ở thế gian này, tâm không thể an định được, nguyên nhân này do đâu? Đời sống vật chất của chúng ta không có bảo đảm. Không luận ngày nay bạn trải qua hoàn cảnh như thế nào đều không cách gì bảo đảm, bạn lo lắng trùng trùng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, những nhu cầu cho đời sống không cần chính mình đi kinh doanh, thế giới đó là "biến hóa sở tác”. Trên Kinh giới thiệu được rõ ràng, gọi là "nghĩ áo được áo, nghĩ ăn được ăn". Bạn muốn ăn món gì, ý niệm vừa khởi, món mà bạn muốn ăn liền bày ra trước mắt, đó là "biến hóa sở tác". Ăn xong rồi thì không còn nữa, bạn cũng không cần phải đi rửa chén đĩa. Đây là thần thoại. Kỳ thật, lời nói này rất hợp lý về khoa học. Khoa học gia hiện tại nói với chúng ta, vật chất và năng lượng là một sự việc, năng lượng có thể biến thành vật chất, vật chất cũng có thể biến thành năng lượng. Lý luận của đạn hạt nhân chính là căn cứ vào việc này mà phát minh ra.

Đem vật chất giải phóng thành năng lượng, khoa học gia đã tìm ra được biện pháp, thế nhưng hiện tại làm thế nào đem năng lượng hồi phục thành vật chất thì họ không có biện pháp. Khoa học của Thế giới Cực Lạc cao minh hơn so với chúng ta ở đây, họ có biện pháp đem năng lượng biến thành vật chất. Cho nên, bạn sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ được bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì (bổn nguyện ở đây chính là nguyện thứ ba mươi bảy này), bạn liền biến thành một khoa học gia đệ nhất đẳng. Cái bạn có được là gì? Năng lượng này là tận hư không khắp pháp giới, chân thật là lấy không hết, dùng không cạn kiệt, bạn biến nó thành vật chất mà bạn cần đến. Khi bạn không cần nữa, vật chất này liền giải phóng thành năng lượng, thì không còn nữa. Bạn nói xem, tự tại dường nào! Loại khoa học kỹ thuật cao này không cần đến máy móc, làm gì giống như trên thế giới ngày nay tạo hạt nhân còn phải phiền phức đến như vậy. Người ta vừa nghĩ đến thì liền biến ra, đây mới là trí tuệ chân thật, mới là khoa học cao đẳng. Khoa học kỹ thuật của chúng ta đối với khoa học của Thế giới Cực Lạc chân thật là tiểu kỹ gặp đại kỹ, không thể nào sánh được. Đây chính là sự chuyển biến của năng lượng và vật chất. Từ các nhà khoa học thế gian phát hiện ra những lý luận này, chúng ta sâu sắc tin tưởng Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây là sự thật, quyết định không phải là huyễn tưởng. Trên Kinh Đại Thừa, Phật thường hay nói cho chúng ta: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh". Tất cả những nhu cầu về đời sống tinh thần, vật chất ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là từ tâm tưởng mà sanh ra, nghĩ cái gì liền biến thành cái đó. Đây mới gọi là chân thật tự tại, chân thật an lạc.

"Chủng chủng cúng cụ". Phạm vi của chữ “cúng cụ” này rất rộng, không nhất định là chính mình cần thiết, xem thấy nhu cầu cần thiết của tất cả chúng sanh, có năng lực thì giúp đỡ người khác. Những Bồ Tát hạ hạ phẩm vãng sanh (các bạn phải ghi nhớ, các Ngài đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, địa vị cao không thể nghĩ bàn), mỗi ngày mỗi giờ mỗi phút đều đến đạo tràng chư Phật Như Lai khắp mười phương thế giới để tham phỏng. Khi các Ngài đi thăm viếng thì luôn phải mang theo một chút lễ vật (cúng cụ là lễ vật), những lễ vật này cũng là tùy tâm sở biến. Trên Kinh thường hay nêu ra cho chúng ta mấy thí dụ như hương hoa, tràng phan, bảo cái, thiên nhạc v.v... Đây là nêu ra mấy thí dụ thuộc về vật dụng để cúng dường. Những thứ cúng dường này là vô lượng vô biên, thù thắng không gì bằng, không chỉ nhân gian chúng ta không có mà trên trời cũng không có, không có thứ nào không phải tùy ý mà đến. Đọc đến đoạn Kinh văn này, bạn có muốn đi đến Thế giới Cực Lạc hay không? Đây chân thật là lìa khổ được vui. Thực tế, sinh hoạt ở thế gian này thật quá khổ cực, gánh vác của thân tâm quá nặng nề, đây là người thông thường gọi là áp lực. Áp lực của đời sống vật chất, đời sống tinh thần đích thật làm cho người ta mệt đứt cả hơi. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì áp lực này càng trầm trọng.

Đồng tu đến từ Trung Quốc, có rất nhiều người chưa từng ra nước ngoài, ngày ngày họ ở trong nhà suy nghĩ nước ngoài tốt thế này, tốt thế kia. Thế nhưng nước ngoài có phải là thật tốt hay không? Không thấy được. Tôi còn nhớ, việc này đại khái là mười ba năm trước, tôi lần đầu quay về Trung Quốc, tháp tùng cùng Hàn Quán Trưởng đến thành phố Đại Liên, quê hương của bà. Bà đã xa quê hương của mình nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn một số bạn bè người thân. Năm mươi năm rồi không gặp mặt, bà trở về và nhận được tiếp đãi vô cùng thân thiết. Lúc tiếp đãi, đại khái có hơn ba mươi người. Lúc đó chúng tôi từ Hoa Kỳ trở về, mọi người nghe nói nước Mỹ đều rất ngưỡng mộ. Tôi ở trong yến hội đó, nói mấy câu với mọi người. Tôi nói: “Đời sống của người Mỹ không bằng như các bạn”. Họ nghe rồi đều ngẩn người ra và nói: “Người Mỹ ở là phòng tây, ra cửa nhà nhà đều có xe hơi, thiết bị điện khí không thiếu thứ nào, làm sao mà không bằng chúng tôi? Chúng tôi không có thứ gì cả”. Tôi quay lại hỏi họ: “Các bạn, trong hơn ba mươi bằng hữu hiện tại ngồi đây, có ai thiếu nợ mà trải qua đời sống hay không?”. Người này nhìn người kia, không có người nào thiếu nợ. Người xưa Trung Quốc chúng ta thường nói: "Không nợ cả thân nhẹ". Người Mỹ thì không người nào mà không nợ, sinh ra liền thiếu nợ, đến chết mà vẫn trả không hết. Ngày tháng vậy có dễ qua không? Các bạn có muốn trải qua không? Phòng tây, xe hơi, thiết bị điện khí của họ đều là mua trả góp mà có, họ vay tiền từ ngân hàng, vay tiền từ công ty bảo hiểm. Khổ cực để mà kiếm tiền để làm gì? Là để trả nợ! Trả cả đời cũng trả không hết. Bạn muốn trải qua ngày tháng này hay không? Văn hóa của đông - tây phương không giống nhau. Người Trung Quốc chắc chắn không bằng lòng trải qua ngày tháng như vậy. Trải qua ngày tháng như vậy thì thật khổ. Bạn nói xem, áp lực đến cỡ nào! Hôm nào nếu không có việc làm, tất cả những gì bạn có, ngân hàng sẽ đến xiết nợ bạn, công ty bảo hiểm đến xiết nợ bạn, đem đồ của bạn phát mãi hết, bạn sẽ không còn thứ gì. Xã hội đó là như vậy, không giống như xã hội của chúng ta. Cho nên, tôi về nước xem qua, mấy người bạn già sau khi làm công xong thì ở trên bàn nhỏ ngoài cửa đánh cờ, uống rượu, nói chuyện. Loại thanh nhàn, thảnh thời này người Mỹ ngay đến nằm mộng cũng không nghĩ ra. Họ đi đâu có thể tìm được loại đời sống hưởng thụ này? Một ngày từ sớm đến tối, họ nghĩ trong đầu "làm thế nào kiếm tiền trả nợ". Tôi vừa nói như vậy, họ mới bỗng nhiên hiểu ra, mới tường tận. Ngày nay, đời sống vật chất của chúng ta cùng khổ một chút, nhưng cùng mà an vui, cùng mà được tự tại. Đây chân thật là người xưa đã nói“giàu mà không vui thì không bằng nghèo mà vui”. Xã hội của nước Mỹ là giàu mà không vui, người Trung Quốc chúng ta là nghèo mà vui. Phật Đà dạy bảo chúng ta lìa khổ được vui, chúng ta đã chân thật đạt được. Người nước ngoài nếu nói lìa khổ được vui, cái khổ đó của họ không dễ gì ly, thế là được vui thì rất có hạn. Cái vui của họ, nói một lời hơi khó nghe là tự tìm cái khổ. Du lịch, bơi lội, tìm những nơi chốn nghỉ hè đều là họ tự tìm cái khổ, không phải chân thật là an vui. Cho nên, người nước ngoài ngưỡng mộ chúng ta, chúng ta lại ngưỡng mộ người nước ngoài, đôi bên đều khởi vọng tưởng.

Chân thật an vui là ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giới thiệu, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có thứ nào mà không mãn nguyện. Sau khi chúng ta đọc rồi, quả nhiên giác ngộ thì phải hạ quyết tâm, ngay đời này nhất định phải đi. “Có thể đi được hay không?”. Người xưa nói với chúng ta: “Pháp môn này là vạn người tu vạn người đi, không sót một người nào”. Thế nhưng vì sao lại có người nói “một vạn người niệm Phật, chân thật vãng sanh chỉ có hai ba người”, điều này có mâu thuẫn với vạn người tu vạn người vãng sanh hay không? Xin nói với các bạn là không có mâu thuẫn, ngay trong một vạn người, có hai hoặc ba người vãng sanh, hai ba người đó là thật tu thì họ thật được đi, còn hơn chín ngàn chín trăm chín chục người khác là không thật tu. Họ thật tu thì đều được đi, còn giả tu hành, không phải thật tu hành, tu hành của họ không như lý như pháp thì không thể đi. Quả nhiên như lý như pháp mà tu hành thì làm gì có lý nào mà không đi?

Thế nào là như lý như pháp? Trong Kinh điển nói ra những đạo lý, nói ra những phương pháp, bạn đều tường tận, đều hiểu rõ, y theo lý luận phương pháp này mà tu học thì bạn quyết định vãng sanh. Vậy thì do đây có thể biết, Kinh không thể không đọc, Kinh không thể không giảng. Bạn đọc được rất thuần thục, thế nhưng không hiểu thì cũng không được. Chúng ta đọc Kinh không chỉ phải hiểu, ở trong Kinh Đại Thừa, Phật thường hay dạy bảo chúng ta phải thâm giải nghĩa thú, hay nói cách khác, bạn giải được càng sâu càng tốt, bạn sẽ làm được càng tự nhiên, làm được càng tự tại, sự tu hành của bạn sẽ như lý như pháp. Thế nhưng phải thâm giải nghĩa thú, thực tế mà nói cũng không phải là việc dễ dàng. Khi chúng ta còn trẻ học Kinh giáo, chính mình phát tâm muốn đem Phật pháp giới thiệu cho người khác, đây chính là nhà Phật gọi là "hoằng pháp lợi sanh". Bởi vì chúng ta hiểu rõ sự thù thắng của Phật pháp, chỗ tốt của Phật pháp, nếu việc tốt đến như vậy không được giới thiệu rộng khắp cho đại chúng xã hội, thực tế mà nói là quá đáng tiếc. Nhiều nguyện hoằng pháp làm thế nào sanh khởi? Bạn chân thật nhận thức đối với Kinh giáo, nguyện này của bạn mới sanh khởi. Bạn đối với Phật pháp không có nhận biết tương đối thì nguyện này không thể sanh khởi. Việc phát tâm thì không đơn giản, bạn nhất định phải có nhận thức sâu sắc, tâm của bạn tự nhiên liền phát khởi lên. Việc tốt đến như vậy không có người đi tuyên dương, không có người đi giới thiệu, không có người đi thúc đẩy thì thật là đáng tiếc. Cho nên ở trong xã hội, cho dù là công việc tốt đến thế nào, tôi đều buông xả, đều từ bỏ. Tôi phải làm như vậy là vì việc này không có người làm. Nếu như có người làm, tôi cũng không chắc sẽ làm sự việc này. Xem thấy sự việc này không có người làm, ta phải phát tâm làm. Thế nhưng làm sự việc này thì khó. Khó ở chỗ nào vậy? Việc này phải có trí tuệ chân thật, dựa vào thông minh nhỏ của thế gian là quyết định không thể làm được.

Trí tuệ chân thật từ nơi đâu mà có? Phương pháp thì Phật nói rất nhiều, thế nhưng chúng ta đều không làm được. Phật nói, huệ từ ngay trong định mà có, định từ ngay trong giới mà có, nhưng chúng ta thì một điều cũng không làm được. Ngay trong năm giới mười thiện cũng không thể làm được, vậy thì còn nói đến việc gì? Sự việc này thì rơi vào trống không. Lão sư dạy chúng ta một phương pháp, đó là cầu cảm ứng. Đây là đại học vấn, đại học vấn bậc nhất của thế xuất thế gian. Chúng ta dùng tinh lực của cả một đời để cầu học.

Lúc trước lão sư nói với tôi, các sách khác không cần nói đến, chỉ riêng nói trong pháp thế gian, Trung Quốc có một bộ Đại Tạng Thư gọi là "Tứ Khố Toàn Thư", chúng ta có năng lực đem "Tứ Khố Toàn Thư" đọc qua một lần từ đầu đến cuối hay không? Lúc trước, giám đốc của nhà sách - Thương Vụ Ấn nói với tôi (vào lúc đó "Tứ Khố Toàn Thư" đã in ra rồi, tôi cũng mua một bộ): “Giả sử một đứa bé vừa sanh ra liền biết đọc sách, mỗi ngày đọc tám giờ đồng hồ, đọc đến 100 tuổi, bộ sách này vẫn chưa đọc xong”, không thể đọc nhiều, chỉ đọc một lần, vậy bạn liền biết được bộ sách này số lượng bao lớn. Nếu thêm vào những sách vở của hiện đại này, vượt qua "Tứ Khố Toàn Thư" không chỉ đến mười lần, bạn làm sao lướt qua? Bạn muốn thông đạt thế gian pháp thì khó. Thế gian pháp không thông, bạn làm sao có thể hoằng pháp lợi sanh? Đây là chỗ khó của học pháp thế gian.

Lại nói đến Phật pháp, cũng không cần nói đến chú sớ của người xưa trong và ngoài nước, chỉ riêng nói một bộ “Đại Tạng Kinh” này, sinh mạng chúng ta mấy mươi năm có hạn này có năng lực để đọc tụng hay không? Nghĩ lại cũng không có năng lực. Sự việc này phải làm sao? Lão sư thẳng thắn nói với chúng ta là phải cầu cảm ứng. Cảm ứng gì vậy? Phật Bồ Tát gia trì, chỉ có con đường này. Nếu muốn được cảm ứng, một điều kiện quan trọng nhất là thành tâm, tâm chân thành. Chân thành đến tột độ thì chí thành, chí thành thì bạn liền được cảm thông, thế xuất thế gian pháp không cần học, bạn vừa tiếp xúc thì liền thông. Điều này phải dựa vào cảm ứng, không có cảm ứng thì bạn quyết định không làm được. Bạn phải chân thành đến tột điểm mới có được hiệu quả như vậy. Chúng tôi ngày nay chính là dựa vào cái điểm cảm ứng này để giới thiệu Phật pháp cùng các bạn. Nếu như không có cảm ứng, xin nói với các bạn, tôi không hề biết được thứ gì. Các bạn đồng tu ở nơi đây học Kinh giáo cũng phải ghi nhớ điều giáo huấn này. Bạn phải dùng tâm chân thành, đem việc thù thắng nhất thế gian, pháp môn thiện hảo nhất giới thiệu cho chúng sanh rộng lớn, ngoài việc này ra, ở trong lòng chắc chắn không có vọng tưởng tạp niệm thứ hai thì bạn liền có được cảm ứng. Ở trong đây, nếu như xen tạp một chút nào tự tư tự lợi, xen tạp chút nào danh vọng lợi dưỡng, tham-sân-si-mạn thì bạn không có được cảm ứng. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Chỉ cần thực tiễn mười chữ này, chúng ta xả bỏ tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm vì Phật pháp, vì chúng sanh, quyết định không có một niệm vì chính mình. Đây là điều kiện tiên quyết để cầu cảm ứng. Buông xả tất cả danh vọng lợi dưỡng, buông xả tham-sân-si-mạn, hồi phục tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi của chính mình, cảm ứng liền tương thông. Vào lúc này, bạn mở quyển Kinh ra thì liền thấy được ý nghĩa ở trong Kinh. Tùy theo công phu của bạn sâu hay cạn, bạn xem ý nghĩa của Kinh văn này, càng xem càng sâu, càng xem càng rộng, bạn sẽ xem thấy được từng câu từng chữ trong Kinh văn này hàm chứa vô lượng nghĩa, tự nhiên pháp hỷ sung mãn.

Chúng ta chính mình tu hành, cầu nguyện vãng sanh, chính mình thật có nắm chắc phần, thân tâm thế giới tự nhiên liền buông xả, một chút miễn cưỡng cũng không có. Hiện tiền bạn liền được đại tự tại, liền được đại viên mãn, liền được chư Phật Như Lai đại gia trì. Chúng ta dựa vào việc này, vì ngoài việc này ra, nếu muốn dựa vào năng lực của chính mình, dựa vào túc căn của chính mình, dựa vào trí tuệ của chính mình, dựa vào dụng công của chính mình đều không thể thành tựu. Những đồng tu tại gia dùng chí thành cảm thông để niệm Phật thì công phu sẽ đắc lực, các bạn chắc chắc được sanh Tịnh Độ. Các đồng tu xuất gia dùng tâm chí thành cảm thông cầu Tam Bảo gia trì, đem pháp môn thù thắng này giới thiệu cho quần chúng rộng lớn. Đại Từ Bồ Tát nói rất hay: "Bạn có thể khuyên hai người vãng sanh (vãng sanh thì thành Phật), giúp cho hai người chân thật thành Phật, công đức này còn lớn hơn so với chính mình tu hành. Bạn có thể giúp cho mười mấy người vãng sanh làm Phật, phước đức của bạn thì vô lượng”. Các bạn thử nghĩ, chính mình có thể vãng sanh hay không? Công phu niệm Phật của chính mình cho dù kém một chút, nếu như bạn chân thật đưa mười mấy người vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc làm Phật rồi, những người đó xem thấy bạn sắp lâm chung, nhất định sẽ nói với A Di Đà Phật là “chúng con vãng sanh đều là nhờ người đó. Người đó hiện tại sắp lâm chung rồi, chúng ta phải mau đi tiếp dẫn người đó”. Họ sẽ kéo A Di Đà Phật cùng đi. Tri ân báo ân! Bồ Tát Thế giới Cực Lạc sẽ không vong ân phu nghĩa, sẽ tri ân báo ân. Cho nên công phu của bạn có kém một chút, họ đến kéo một tay thì bạn đi được rồi.

Lão Pháp sư Minh Sơn năm nay đã 88 tuổi, vẫn đến khắp nơi, bôn ba khổ cực như vậy. Ông nói với tôi, ông từ sớm phải nên bế quan rồi, ở trong núi cố gắng niệm Phật, làm việc của chính mình, thế nhưng hiện tại người hoằng pháp quá ít, mọi người đến tìm ông, cho nên ông nghĩ lại: “Hay là hằng thuận chúng sanh, giúp đại chúng nhiều một chút, hy sinh công phu tu học của chính mình”. Đây là Bồ Tát phát tâm, cùng nguyên lý nguyên tắc mà Đại Từ Bồ Tát đã nói hoàn toàn tương ưng. Vì tất cả chúng sanh, vì Phật pháp hy sinh phẩm vị tu hành của chính mình, thế nhưng quyết định được sanh.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 163)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 210


Hôm nayHôm nay : 43117

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 992329

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43236473

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.