Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (Tập 21)

Thứ sáu - 08/12/2023 21:11

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 21)

Kinh văn:

“PHỤC THỨ PHỔ QUẢNG. NHƯỢC HỮU THIỆN NAM TỬ, THIỆN NỮ NHÂN NĂNG ĐỐI BỒ-TÁT TƯỢNG TIỀN TÁC CHƯ KỸ NHẠC CẬP CA VỊNH TÁN THÁN, HƯƠNG HOA CÚNG DƯỜNG NÃI CHÍ KHUYÊN Ư NHẤT NHÂN ĐA NHÂN. NHƯ THỊ ĐẲNG BỐI HIỆN TẠI THẾ TRUNG CẬP VỊ LAI THẾ, THƯỜNG ĐẮC BÁCH THIÊN QUỶ THẦN NHẬT DẠ HỘ VỆ, BẤT LỆNH ÁC SỰ TRIẾP VĂN KỲ NHĨ, HÀ HUỐNG THÂN THỌ CHƯ HOẠNH”.

(Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có người thiện nam, người thiện nữ nào có thể đối trước tượng của Địa Tạng Bồ-tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người. Những hạng người đó ở trong đời hiện tại cùng thuở vị lai sau, thường được trăm nghìn vị Quỉ Thần ngày đêm hộ vệ còn không cho những việc hung dữ đến tai người đó, huống là để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ).

Trong "Kinh Địa Tạng" chúng ta xem thấy rất nhiều cách thức cúng Phật. Chỗ này là dùng kỹ nhạc. “Kỹ” chính là chúng ta hiện nay gọi là ca múa, âm nhạc. Ở trong Phật Pháp Đại Thừa, chúng ta xem thấy trong những bức tranh biến tướng đồ vẽ Thế Tôn hoằng pháp vào thời cổ đại, chư thiên ca hát, nhảy múa để cúng dường khi Thế Tôn đang giảng Kinh thuyết pháp. Những sự việc này là nhất định không có trong Phật pháp Tiểu Thừa. Như “Bát Quan Trai Giới”, “Sa Di Giới”, “Tỳ Kheo Giới” tuyệt đối ngăn cấm đến những chỗ ca múa, nhưng Bồ-tát Đại Thừa thì khác. Chúng ta có thể thấy vô cùng rõ ràng, Tiểu Thừa là phương tiện thiện xảo mà Phật thiết lập ra đối với xã hội bảo thủ, đối với người bảo thủ. Phật pháp Đại Thừa là đối với xã hội cởi mở, là đối với những chúng sanh cởi mở này. Đây là chứng tỏ Phật quả thật không có pháp cố định, không có pháp nhất định, Phật giáo hóa chúng sanh đều là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Chúng ta thấy ở trong "Kinh Hoa Nghiêm" đặc biệt nói rất rõ ràng những chỗ này, Ngài thật sự là ứng cơ. Phật đương nhiên là có trí tuệ, có đức năng, Ngài nhìn một chúng sanh có thể nhìn thấy nhân duyên vô lượng kiếp về trước. Chúng ta không có năng lực này. Cho nên Phật nhiếp thọ chúng sanh, Ngài dùng tứ nhiếp pháp rất viên mãn. Sau cùng của Tứ Nhiếp Pháp là lợi hành, đồng sự. Đồng sự đây là cởi mở. Nếu như không cởi mở thì sao có thể đồng sự với chúng sanh được? Đây là trí tuệ cao độ, thiền định rất sâu, Ngài có thể thuận chúng sanh, có thể ở trong đó dẫn dụ chúng sanh, khiến cho chúng sanh giác ngộ, khiến cho chúng sanh quay đầu, cải tà quy chánh, đoạn ác tu thiện, Phật có năng lực này. Nếu như mình không có trí tuệ, không có định công, mà cũng muốn học làm như thế này thì rất khó chống lại sự cám dỗ của cảnh giới bên ngoài. Có rất nhiều người không đủ định tuệ, bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ mà thối chuyển, mất đạo tâm, chúng ta thấy nhan nhản khắp nơi, từ thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni đến nay mỗi thời đại đều có. Người xuất gia đọa lạc, người xuất gia hoàn tục, thực ra hoàn tục vẫn tốt hơn so với đọa lạc. Họ từ bỏ hình ảnh người xuất gia để hoàn tục làm người tu hành tại gia, cũng tốt, cũng có thể thành tựu. Cho nên xuất gia ở trong cửa Phật hoàn tục là một hiện tượng rất bình thường, cũng là hiện tượng tốt, chúng ta không nên nhìn bằng ánh mắt khác, như vậy thì bản thân chúng ta có tội. Như hiện nay những quốc gia Tiểu Thừa, họ có hình thức xuất gia trong thời gian ngắn. Ở Thái Lan ngay cả Vua cũng phải xuất gia ba tháng, sau ba tháng lại hoàn tục. Đây là tiếp nhận nền giáo dục Phật giáo, sống đời sống Phật giáo, điều này chắc chắn có lợi ích, giúp ích đối với xã hội.

Đoạn này là nói rõ phước báo có được khi dùng ca múa, âm nhạc cúng dường Bồ-tát. Đoạn phía trước là nói cúng dường, đoạn phía sau là nói họ được phước. Từ đoạn Kinh văn này, chúng ta cũng có thể thể hội được, và suy rộng ra dùng cách thức nghệ thuật để hoằng pháp lợi sinh. Ở trong "Đại Tạng Kinh", tôi xem thấy ở trong “Gia Khánh Tạng”, “Gia Khánh Tạng” là biên tập vào thời Minh, “Tạng Kinh” rất dày, hiện nay là đóng bìa cứng, đại khái là hai cuốn dày cỡ này. Nội dung là gì? Toàn là ca từ, phổ nhạc, ca từ phổ thành nhạc, cũng có thể biểu diễn. Từ đó cho thấy, thời xưa dùng cách thức này để khuyến hóa chúng sanh là việc rất thường thấy. Bởi vì chúng sanh thích tiếp nhận cách thức này, biên tập thành kịch bản để biểu diễn tương đối ít. Tại sao vậy? Phải nhiều điều kiện, không phải một người, vài người là có thể làm được. Một vài người dùng ca hát, loại biểu diễn nghệ thuật dân gian này, vào thời xưa là rất thường thấy, đặc biệt là biểu diễn trong pháp hội. Bởi vì lúc có pháp hội thì người nhiều, dùng cách thức này để tuyên dương Phật pháp, dùng phương thức này để khuyến hóa chúng sanh, là một cách thuyết pháp hay vô cùng. "Kinh Địa Tạng", nếu như chúng ta đem những câu chuyện về Quang Mục Nữ, Bà La Môn Nữ ở phía trước này, dùng phương thức ca múa, kịch tuồng để biểu diễn ra, thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với chúng ta giảng Kinh trên bục giảng. Đường lối này hy vọng các đồng tu phải nhớ kỹ. Chúng tôi ngày nay là lực bất tòng tâm. Nếu như có đủ điều kiện thì phải đem Phật pháp Đại thừa lên sân khấu. Nếu như có dựng thành phim truyền hình nhiều tập, chiếu trên đài truyền hình, bạn thử nghĩ xem sẽ giáo hóa được bao nhiêu chúng sanh? Sẽ nhận được sự hoan nghênh của đại chúng khắp nơi. Đây là điều chúng ta cần phải nghĩ đến.

Vào thời xưa, ở trong kịch bản, cổ đức cũng có biên tập. Tác phẩm tôi nhìn thấy là kịch bản Bình Kịch, “Quy Nguyên Kính”. Trong đây có ba câu chuyện, đều là của Tịnh Độ Tông chúng ta. Đoạn thứ nhất là chuyện về Đại sư Huệ Viễn, đoạn thứ hai là chuyện về Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, đoạn thứ ba là chuyện về Đại sư Liên Trì. Biên tập rất hay! Nó là dùng cách thức Bình Kịch để biểu diễn trên sân khấu. Diễn viên đó chính là Bồ-tát, là đang giảng Kinh thuyết pháp. Lần trước cư sĩ Du Bổn Xương đến viếng thăm Singapore, có đến thăm tôi, đặc biệt nhắc đến, ông muốn dùng phương pháp nghệ thuật để giúp Phật giáo. Tôi nói sai rồi! Anh không phải giúp Phật giáo, không phải giúp Pháp sư, anh chính là đại Pháp sư, anh dùng phương pháp này hoằng pháp lợi sinh, vậy mới là chính xác. Cho nên kế hoạch của ông lần này, sau khi làm xong tập thứ hai, tập thứ ba ông sẽ diễn Tế Công thuyết pháp, chính thức là đại Pháp sư. Chúng tôi vô cùng hy vọng nguyện vọng của ông có thể thực hiện được, cũng hoan nghênh ông sẽ đóng vai Bồ-tát Địa Tạng. Trước đây tôi nghe nói ở trong điện ảnh có người đóng vai Bồ-tát Quan Âm, Bồ-tát Địa Tạng, nhưng không có dựa theo nghĩa Kinh của Kinh văn để biểu diễn. Dựa theo nghĩa Kinh biểu diễn mới thật sự là lợi ích tất cả đại chúng.

Chữ mấu chốt ở trong đoạn Kinh văn này vẫn là chữ “Thiện”. Thiện nam tử, thiện nữ nhân”, vẫn là ở chữ thiện. Có thể thấy mục đích ca múa, biểu diễn của họ là nhằm khuyến hóa chúng sanh, chứ không phải kinh doanh kiếm lời. Hiện nay mục đích của mọi thứ giải trí thế gian đều là nhằm kinh doanh kiếm lời. Nếu như lợi nhuận không khá thì họ sẽ không chịu làm, biểu diễn nhất định phải bán vé. Còn dụng tâm của thiện nam tử, thiện nữ nhân thì khác, mục đích của họ là giáo hóa xã hội, là tuyên dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh. Mấu chốt là ở chỗ này.

“Năng đối Bồ-tát tượng tiền tác hư kỹ nhạc cập ca vịnh tán thán hương hoa cúng dường, nãi chí khuyên ư nhất nhân đa nhân” (Có thể đối trước tượng của Địa Tạng Bồ-tát mà trỗi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người).

Tốt nhất là lợi dụng nơi có pháp hội. Thời xưa vào những ngày lễ Phật Bồ-tát thường có diễn kịch. Diễn kịch là có căn cứ, là có trong Kinh văn này. Nhưng xem bạn là diễn kịch gì, nội dung diễn kịch, mục đích diễn kịch là ở chỗ nào. Nếu như mục đích của diễn kịch là nhằm thu hút tín đồ, thế thì sai lầm. Mục đích nhất định là dùng cách thức này để giảng Kinh thuyết pháp, phổ độ chúng sanh, vậy là thiện rồi. Mấu chốt là ở điểm này. Chúng ta hãy bàn một chút, rốt cuộc họ sẽ được những công đức gì? Lợi ích của họ từ đâu mà có? Hiện nay hầu hết người thế gian cho những cách làm này của Phật pháp là mê tín. Thế trong quan niệm của họ, tu phước cần phải tu ở đâu? Cần phải làm nhiều sự nghiệp từ thiện, như giúp đỡ những chúng sanh nghèo khổ, chúng sanh già yếu, chúng sanh tàn tật, chúng sanh nhiều bệnh tật trong xã hội, làm những sự nghiệp từ thiện này, thì được chính phủ nhà nước khen thưởng, đại chúng xã hội khen ngợi. Còn pháp hội Phật giáo chúng ta ở nơi đây diễn một vở kịch không có ai coi trọng. Trong ý nghĩ của họ cho rằng việc đó đâu thể sánh bằng nhà từ thiện xã hội? Chúng ta làm vậy là mê tín, là vơ vét của cải, đem lại ấn tượng rất không tốt cho xã hội. Những chuyện này chúng tôi không dám nói là không có. Nhưng tất cả những phương tiện Phật pháp chân chánh đều là mang mục tiêu giáo dục. Đem giáo dục kết hợp với nghệ thuật trở thành nghệ thuật giáo dục, đây là cách cao siêu nhất, đạt đến đỉnh cao trong phương pháp giáo dục. Thế Tôn từng giây từng phút đang đề xướng, chúng ta ở trong tất cả Kinh, bộ Kinh nào cũng lặp lại rất nhiều lần, Phật Đà dạy chúng ta “thọ trì, đọc tụng, vì người diễn thuyết”. Diễn chính là biểu diễn. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Thế Tôn.

Hôm qua chúng ta có nói đến Chủ Dược Thần ở trong hội Hoa Nghiêm và thuận tiện nói đến tu phước. Bởi vì Chủ Dược Thần là trị bệnh cho người ta. Thế gian có ba loại người không bị bệnh. Phải biết thầy thuốc cao siêu nhất là có thể làm cho người ta không sinh bệnh, thì mới gọi là cao siêu. Họ bị bệnh rồi mới trị bệnh cho họ thì không gọi là cao siêu. Làm sao có thể khiến cho tất cả chúng sanh không sinh bệnh? Phật là đại y vương, Phật có năng lực. Ba loại người này là, loại người thứ nhất là người có phước báo, cho nên bạn phải biết tu phước, người có phước không sinh bệnh. Loại người thứ hai là người có định công không sinh bệnh. Loại thứ ba là người có trí tuệ không sinh bệnh. Tuệ đó không phải là thông minh trí tuệ của thế gian chúng ta. Nhà Phật nói minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Tại sao nói ba loại người này không sinh bệnh vậy? Vì ba loại người này có thể ngăn cản được nhân tố sinh bệnh. Người có phước báo, thì nhân tố sinh bệnh ít. Người có công phu thiền định có thể khống chế được nhân tố sinh bệnh, khiến cho những nhân tố đó không khởi tác dụng, cho nên họ không sinh bệnh. Người khai ngộ, minh tâm kiến tánh thì càng siêu tuyệt hơn nữa, đem tất cả nhân tố của bệnh tật, giống như hóa học hiện nay vậy, đều đem nó hóa giải biến thành trí tuệ, đều biến thành công đức cả, cho nên họ không sinh bệnh. Đạo lý và chân tướng sự thật này chỉ có Phật biết. Phật chỉ dạy chúng ta, chúng ta phải tin. Cho nên Phật pháp là nền giáo dục chí thiện viên mãn của chúng sanh trong chín pháp giới. Lý luận viên mãn, phương pháp xảo diệu. Phật nói trong Kinh là khéo léo tài tình đến cực điểm. Đáng tiếc là đồng tu học Phật chúng ta ngu muội không biết, không thể hội được tâm ý của Phật, không hiểu cách thức Phật giáo hóa chúng sanh. Tuy học Phật mà vẫn không đạt được lợi ích của Phật pháp như cũ.

Nói không đạt được lợi ích của Phật pháp là nói hiện tại, nhưng lợi ích chân thật, lợi ích sâu xa đều đạt được. Quả báo không phải ở đời này, không phải ở kiếp này. Vì thế người thế gian cũng không thể tin được, đối với việc cúng Phật này họ cũng coi thường, cũng lơ là hết. Đồng tu học Phật chúng ta thường hay nghe thấy, cổ đức thường nói: “Vừa qua căn tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, vừa qua căn mắt cũng vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo. Căn là sáu căn. Sáu căn là lấy căn mắt làm đại biểu. Nói căn mắt là nói đến sáu căn, phải hiểu được ý nghĩa này. Nói căn nào bạn liền chấp trước vào căn đó, thì bạn khó dạy rồi. Dạy học trong pháp thế gian còn coi trọng từ một suy ra ba, nghe một biết mười. Trên hội Lăng Nghiêm nói sáu căn, Phật cũng chỉ nói một căn, nói một cái kiến tánh, mười lần hiển thị kiến. Bạn hiểu được mười lần hiển thị kiến, cùng một đạo lý như vậy, cũng liền hiển thị văn, hiển thị giác, hiển thị tri, thảy đều có cả. Cho nên nói: “Vừa qua căn tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo” chúng ta thảy đều hiểu rõ rồi. Mắt thấy cũng là hạt giống đạo, thân xúc chạm cũng là hạt giống đạo, lưỡi nếm cũng là hạt giống đạo, mũi ngửi vẫn là hạt giống đạo như thường. Như vậy bạn mới hiểu được tạo tượng trong Phật pháp, công đức của tạo tượng Phật rất lớn. Trong "Đại Tạng Kinh" có “Kinh Công Đức Tạo Tượng” quả báo không thể nghĩ bàn. Bạn muốn hỏi tại sao? Tượng đúc có thể truyền được dài lâu, còn ảnh vẻ khiến người ta nhìn thấy liền gieo hạt giống thành Phật. Khi họ nhìn thấy tượng Phật, tượng Bồ-tát sẽ đem hạt giống thập pháp giới hàm chứa trong A-lại-da thức của họ, hạt giống của pháp giới Phật, pháp giới Bồ-tát sẽ hiện hành một lần. Tất cả công đức, phước đức thế gian và xuất thế gian, có cái nào có thể lớn hơn so với cái này?

Trong A-lại-da thức của mỗi chúng sanh đều có đầy đủ hạt giống của mười pháp giới. Chúng ta thọ sanh ở nơi nào trong thập pháp giới, sống đời sống ở trong pháp giới nào, điều đó phải xem niệm cuối cùng lúc bạn sắp lâm chung là niệm gì? Nếu như niệm lúc lâm chung là niệm Phật, thì họ sẽ về pháp giới Phật. Niệm lúc lâm chung là niệm Bồ-tát, họ sẽ về pháp giới Bồ-tát. Hiểu rõ đạo lý này mới biết được việc tu phước trong cửa Phật là không thể nghĩ bàn. Công đức của tạo tượng đâu phải là mê tín? Không những không phải mê tín, mà là trí tuệ chân thật, vô lượng phước báo. Bức tôn tượng này không những khiến cho mình được phước, phàm là người có duyên nhìn thấy đều là khơi dậy hạt giống Phật Bồ-tát trong ruộng tám thức của họ. Thấy một lần là giống như tia chớp vậy, tỏa sáng một lần. Nên biết một lần tỏa sáng này là vô cùng hy hữu hiếm gặp. Bởi vì nếu họ không được thân người, không gặp được Phật pháp, thì họ sẽ không có duyên này, không có cơ hội này. Tuy trong ruộng tám thức có hạt giống Phật mà không có duyên khơi nó dậy. Người tạo phước, phía trước nói đắp nặn hình tượng Phật Bồ-tát, thêu vẽ hình ảnh Phật Bồ-tát có thể khơi dậy tính sáng suốt quý báu nhất trong A-lại-da thức của rất nhiều chúng sanh. Tính sáng suốt này nếu thường xuyên phát huy, thì khoảng cách tu hành chứng quả của họ sẽ rút ngắn. Nếu họ thành Phật, thành Bồ-tát, quý vị thử nghĩ xem họ độ được bao nhiêu chúng sanh? Chúng sanh mà họ độ, nhờ chúng ta ở trên nhân địa tu một chút phước cho họ, nên chúng ta được thơm lây, do có duyên với Phật Bồ-tát. Huống chi tự mình tu hành, mình ở trước hình tượng Phật Bồ-tát cung kính hành lễ, hương hoa cúng dường, biểu diễn cho người khác thấy, nhất là người không tin. Họ nhìn thấy những người chúng ta đây, chúng ta không mê tín, không ngu si, cũng không ngốc, cũng không khờ, tại sao nhìn thấy hình tượng Phật Bồ-tát lại lễ kính như vậy? Họ nhìn thấy rồi, có khi họ cũng sẽ hỏi, thỉnh giáo, tại sao anh làm như vậy? Đây là cơ hội giáo dục rồi, bạn bèn có thể giải thích rõ cho họ biết lợi ích công đức này. Đây là thuộc về cơ hội giáo dục.

Chùa chiền Phật giáo Trung Quốc, hầu như mỗi một huyện thị, thậm chí là làng xã đạo tràng mọc lên như nấm, những đạo tràng có lịch sử, có giá trị nghệ thuật này, hiện nay quốc gia mở cửa làm điểm tham quan du lịch. Bạn phải biết công đức này lớn cỡ nào? Rất nhiều khách tham quan nước ngoài, cả đời họ xưa nay chưa có tiếp xúc được Phật pháp, chưa từng thấy hình tượng Phật Bồ-tát, họ đến nơi này tham quan du lịch nhìn thấy, là đã gieo vào hạt giống Phật Bồ-tát trong A-lại-da thức rồi. Lợi ích thù thắng chúng ta không có cách gì nói hết được, nhưng người thế gian không biết. Đây là nói thấy tượng, nghe tên. Nếu như có đệ tử Phật thông đạt Phật pháp nữa, bất kể là tại gia hay xuất gia, có thể nhân cơ hội này, đem nghĩa thú tượng trưng của hình tượng Phật, Bồ-tát giới thiệu tỉ mỉ, thì họ được lợi ích ngay trong hiện tại, lợi ích này của họ không phải đến đời sau, không phải đời sau nữa, mà họ hiện nay đã được lợi ích. Cũng như nói đến nơi đây để tham quan du lịch là đến để đi học, bạn đã dạy cho họ một tiết học. Số tiền họ bỏ ra để đến đây tham quan du lịch cũng như trả học phí, học phí không có vô ích. Chúng ta thu học phí rất ít, lợi ích họ thu được rất lớn. Đây là tại sao ở trong trường hợp này chúng ta phải đặc biệt làm đúng như pháp, chúng ta đang diễn kịch, biểu diễn cho những người chưa có học Phật đó thấy, khiến cho họ sinh tâm cung kính, khiến cho họ khởi lên nghi vấn, sau đó chúng ta giải đáp cho họ. Chúng ta giải đáp cho một người, thì rất nhiều người tham quan du lịch họ sẽ vây quanh lại, mọi người đều đến nghe. Trong trường hợp này phải biết biểu diễn. Nếu không có người hỏi, thì tìm một người của mình giao hẹn trước, tôi ở đây biểu diễn, anh đến hỏi, hát kịch, hát cho người khác xem, cho người ta nghe. Cách hỏi này trong Kinh có, gọi là hỏi vì lợi lạc hữu tình. Họ không hiểu, họ có thể hỏi thì tốt! Thử xem bên cạnh không có người hỏi, nếu không có người hỏi thì người của chúng ta đến hỏi vậy. Hỏi để họ được lợi ích. Cho nên những đạo tràng, chùa chiền này là giảng đường, lớp học để giáo hóa chúng sanh trên toàn thế giới. Đây là sự cống hiến của Phật pháp Đại Thừa đối với nhân dân toàn thế giới. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này, sau đó bạn mới biết lợi ích công đức thù thắng. Những nhà từ thiện thế gian đó tuyệt đối không thể sánh bằng. Nhà từ thiện giúp đỡ người ta chỉ một đời một kiếp, còn Phật pháp giúp đỡ người ta đời đời kiếp kiếp, lợi ích này làm sao có thể sánh bằng, cho nên quả báo đương nhiên là khác nhau.

Phía dưới đây là nói phước báo của họ:

“Như thị đẳng bối” tức là nói những người tu phước này.

“Trong đời hiện tại và đời vị lai”, câu phía sau này quan trọng. Họ không phải một đời, họ còn có phước báo đời sau. “Thường được trăm nghìn quỷ thần ngày đêm hộ vệ”. Thần hộ pháp phù hộ bạn. Tại sao họ phù hộ bạn? Bởi vì bạn hoằng pháp lợi sinh, vì bạn hoằng dương Phật pháp. Những vị thần hộ pháp này đều là đệ tử Phật. Thậm chí là trong những vị quỷ thần này thật sự có chư Phật Như-lai, Pháp Thân Đại Sĩ thị hiện trong đó. Mặc dù quỉ thần ngu muội không biết, các Ngài ở trong đó hướng dẫn, ở trong đó làm mẫu, đây là khuyến thiện. Làm một chút việc thiện này mà được lợi ích lớn như vậy thì ai không muốn làm việc thiện? Ai không muốn đi làm việc tốt? Đây là một loại cách thức khuyến thiện.

“Bất lệnh ác sự triếp văn kỳ nhĩ, hà huống thân thọ chư hoạnh” (Còn không cho những việc hung dữ đến tai người đó, huống là để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ). Đây chính là chúng ta hiện nay gọi là tiêu tai miễn nạn. Tất cả mọi thứ tai nạn, không những bản thân bạn không gặp phải, mà âm thanh của tai nạn bạn cũng không có nghe thấy, tin tức bạn cũng không nghe thấy, có thể được phước báo lớn như vậy. Chúng ta phải khẳng định, tin tưởng lời Phật nói trong Kinh mỗi câu đều chân thật, không có một chữ nào là hư dối. Như-lai quả thật là nói lời chân, nói lời thật, nói lời như, nói lời không dối, từng câu đều là thành thật. Trong Chú Giải hy vọng quý vị đồng tu xem cho thật kỹ, đoạn chú giải này của Pháp sư Thanh Liên chú giải rất hay. Trích dẫn sách vở thời xưa để chứng minh nhạc giáo, là công năng giáo hóa của âm nhạc.

Chúng ta xem tiếp đoạn Kinh văn dưới đây:

“PHỤC THỨ PHỔ QUẢNG, VỊ LAI THẾ TRUNG NHƯỢC HỮU ÁC NHÂN CẬP ÁC THẦN, ÁC QUỈ KIẾN HỮU THIỆN NAM TỬ, THIỆN NỮ NHÂN QUY KÍNH CÚNG DƯỜNG, TÁN THÁN CHIÊM LỄ ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT HÌNH TƯỢNG, HOẶC VỌNG SANH CƠ HỦY BÁNG VÔ CÔNG ĐỨC CẬP LỢI ÍCH SỰ”.

(Lại nữa này Phổ Quảng Bồ-tát! Trong đời sau, như có người ác và ác thần, ác quỉ nào thấy kẻ thiện nam, người thiện nữ quy y cung kính, cúng dường khen ngợi chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng không có lợi ích).

Cũng chính là nói không có công đức, không có lợi ích, nói bạn mê tín.

“HOẶC LỘ XỈ TIẾU, HOẶC DIỆN BỐI PHI”

(Hoặc nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng hay chê trước mặt).

Diện là trước mặt, bối là sau lưng.

“HOẶC KHUYÊN NHÂN CỘNG PHI, HOẶC NHẤT NHÂN PHI, HOẶC ĐA NHÂN PHI, NÃI CHÍ NHẤT NIỆM SANH CƠ HỦY GIẢ”

(Hoặc khuyên bảo người khác cùng chê, hoặc khuyên bảo một người cùng chê hay nhiều người cùng chê, cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm).

Đây là nói tạo nghiệp. Hiện nay người tạo loại nghiệp ác này quả thật là có, chúng ta thường hay nghe thấy, có khi cũng nhìn thấy. Đặc biệt ở thời đại này của chúng ta, trong "Kinh Lăng Nghiêm" nói thời đại này là “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Tà sư là ai vậy? Yêu, ma, quỉ, quái. "Kinh Lăng Nghiêm" quyển thứ tư, Phật nói cho chúng ta biết bốn loại thanh tịnh minh hối, đoạn Kinh văn đó vô cùng quan trọng, nói rõ cho chúng ta biết trong thế gian này loại nào là yêu? Loại nào là ma? Loại nào là quỉ? Loại nào là quái? Chúng ta nhìn thấy đều là người, diện mạo là con người, nhưng tâm của họ không phải tâm người, mà là tâm yêu ma quỉ quái. Cho nên Phật ở trong “Kinh Diệt Pháp” có tiên tri (người hiện nay gọi là tiên đoán), tương lai Phật pháp, bộ Kinh đầu tiên bị tiêu diệt là "Kinh Lăng Nghiêm", bộ cuối cùng bị tiêu diệt là "Kinh Vô Lượng Thọ". Tại sao "Kinh Lăng Nghiêm" bị tiêu diệt đầu tiên? Tôi đọc đến quyển Kinh văn đó, tôi liền biết Kinh này nhất định sẽ bị tiêu diệt trước. Kinh này không còn nữa thì yêu, ma, quỉ, quái ở thế gian bạn sẽ không nhận biết được. Bạn không những không nhận biết họ là yêu ma quỉ quái, mà còn xem họ như là Phật Bồ-tát, họ giả dạng rất giống, rất giống Phật Bồ-tát. Họ không phải là Phật Bồ-tát thật. Cho nên chương Kinh văn thanh tịnh minh hối đó, trước đây tôi giảng "Kinh Lăng Nghiêm", tôi nói đoạn này là kính chiếu yêu. Yêu ma quỉ quái nhức đầu với Kinh này, luôn nghĩ cách tiêu hủy Kinh này, không để cho bạn lưu thông, để cho nó dễ dàng tác oai tác quái.

Trong “Tả Truyện” của Nho Gia có một câu danh ngôn, dạy cho chúng ta phân biệt được thế nào là yêu. Tả Khưu Minh nói: “Con người mà bỏ đi luân thường thì yêu quái hưng thịnh”. Câu nói này gợi ý cho chúng ta rất lớn. Thường là gì? Nho Gia nói ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nếu con người bỏ đi hết những thứ này, không cần nữa, hay nói cách khác, việc họ làm là bất nhân, bất nghĩa, không nói đến lễ, không giữ chữ tín, thì người này chính là yêu. Bất kể địa vị của họ ở trong xã hội cao cỡ nào, họ giàu có cỡ nào, họ cũng không phải con người. Nho Gia nhận định, khẳng định tiêu chuẩn của con người nhất định phải nói đến nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cũng chính là nói năm điều kiện cơ bản của làm người. Trong Phật pháp bạn thấy từ xưa đến nay, những vị Tổ sư đại đức này đã đem ngũ thường này phối hợp với ngũ giới: Không sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không nói dối là tín, không uống rượu là trí. Từ đó cho thấy, đầy đủ ngũ giới đây là con người. Người nào phá hủy, vi phạm tất cả ngũ giới là yêu, yêu ma, không phải con người. Tuy hiện nay là được thân người, mà nghiệp họ tạo là nghiệp của yêu ma quỉ quái, tương lai chắc chắn đọa tam đồ, đây là điều mà trong tất cả Kinh Đại Tiểu thừa đều nói rất tỉ mỉ. Phật pháp được tất cả đại chúng công nhận là con mắt của trời người, là chỉ dẫn sáng suốt. Người ta tu học tán thán, còn bạn đi chướng ngại, phỉ báng, thì tội nghiệp đó rất nặng rồi!

Ba loại chúng sanh mà chỗ này nói, “người ác” phần lớn là người ngu si. Vì ngu si mới dễ dàng bị những thứ yêu ma quỉ quái này lợi dụng, tin nghe theo lời nói dối của chúng, hoài nghi chánh pháp. Yêu ma quỉ quái cũng có tài tranh biện, cũng có tà tuệ. Năm mươi loại ngũ ấm ma mà phía sau "Kinh Lăng Nghiêm" nói. Loại là chủng loại, đem những thứ ma này chia thành năm mươi loại. Trong mỗi một loại, chúng ta xem thấy trong Kinh, nếu như không phải thật sự thông đạt Phật pháp Đại thừa, thì quả thật chúng ta đều xem chúng là Phật Bồ-tát. Chúng ở thế gian này có phước báo, phước báo rất lớn, có đồ chúng, đồ chúng rất nhiều, có thế lực, chúng cũng có thần hộ pháp. Thân của chúng cũng sắc vàng, có hào quang. Phàm phu đâu thể sánh bằng chúng được? Phật ở trong Kinh nói cho chúng ta biết, hào quang của Phật Bồ-tát là nhu hòa, bạn tiếp xúc cảm thấy rất dễ chịu. Hào quang của ma là có uy lực, mạnh mẽ, bạn tiếp xúc cảm thấy sợ hãi. Hào quang của họ chói mắt, giống như ánh nắng mặt trời vậy, chúng ta không cách gì mở mắt ra nhìn lâu được. Nhìn lâu trong ánh sáng này có tia tử ngoại sẽ hại cho mắt. Cho nên ánh nắng mặt trời nhất định không được nhìn lâu. Hào quang của ma là thuộc loại này. Hào quang của Phật nhu hòa. Tại sao có hiện tượng này? Hào quang của Phật là lưu xuất ra từ trong tâm từ bi của tự tánh. Hào quang của ma vẫn là lưu xuất ra từ tham sân si. Cho nên tuy hào quang rất lớn, mà tính chất khác nhau, đây là điều chúng ta phải biết. Ma lợi dụng con người, có khi con người cũng lợi dụng ma. Con người thích cầu danh vọng lợi dưỡng, ma cho họ danh vọng lợi dưỡng, thế là đạo ma, pháp ma xuất hiện ở thế gian này thôi. Có thể khiến tất cả chúng sanh mê hoặc điên đảo, bỏ thiện theo ác, vậy là tạo nghiệp ác, không chịu tu thiện, từ bỏ chánh pháp. Chúng ta thường hay cảm nhận thấy có rất nhiều người tin tà không tin chánh, thích nghe lừa gạt, không chịu nghe khuyên bảo, đây đích thực là kẻ đáng thương mà trong Kinh điển nói, thật sự rất đáng thương. Họ vẫn tự cho rằng mình thông minh, tự cho mình là đúng. Khi họ nhìn thấy người thiện nam, người thiện nữ quy y cung kính cúng dường, khen ngợi, chiêm ngưỡng, đảnh lễ hình tượng Bồ-tát Địa Tạng. Đây chính là chúng ta thông thường gọi là lễ Phật, lễ Bồ-tát. Nhìn thấy có người lễ Phật, lễ Bồ-tát quý vị nhất định phải biết, hễ là nhìn thấy người nào lễ Phật, lễ Bồ-tát, thì họ là chánh tín, rất tốt! Mê tín cũng tốt. Chỉ cần chịu lễ bái là tốt. Người chánh tín thì hiện tiền được lợi ích, còn người mê tín thì đời sau được lợi ích, không có chuyện không được lợi ích. Trong "Kinh Pháp Hoa" nói: “Một lần xưng nam mô Phật, đều đã thành Phật đạo”. Chữ “Đã thành Phật đạo” đó không phải hiện tiền, có lẽ là ở vô lượng kiếp về sau. Chỉ là ngày nay họ mê tín, nhìn thấy Phật Bồ-tát, họ cung kính cúng dường lễ bái, chỉ tu một lần phước như vậy, vô lượng kiếp sau, nếu như gặp được lúc có Phật ra đời, có thể nhờ nhân duyên này mà có thể xuất gia theo Phật tu hành chứng quả. Chúng ta xem thấy trường hợp này ở trong Kinh rất nhiều. Họ hoàn toàn không thật hiểu rõ, cũng hoàn toàn không thật hiểu đạo lý, lúc gặp tai nạn khẩn cấp, niệm một câu Quan Âm Bồ-tát, niệm một câu A-Di-Đà Phật, công đức đó là không thể nghĩ bàn. Huống chi chúng ta hiểu sâu sắc về những đạo lý này. Xưng một tiếng Phật hiệu là một lần đánh thức tâm. Cung kính hành lễ, khen ngợi cúng dường đều là từ tánh đức lưu xuất. Minh tâm kiến tánh, tánh ở đâu? Tánh là từ đây lưu xuất ra.

Họ “Vọng sanh khinh chê” đối với người tu tích công đức chân thật, người tu tích phước đức chân thật. “Vọng” là họ không hiểu đạo lý, không hiểu chân tướng sự thật ở trong đó, chạy theo vọng tưởng tri kiến của mình, từ trong vọng tưởng của họ nảy sinh ra chê bai phỉ báng, nói đây là mê tín. Lời nói này nếu như nghiên cứu thảo luận cho thật sâu, thì ý nghĩa rất sâu. Phật giáo không phải mê tín. Cho nên người mê tín Phật giáo cũng không phải mê tín. Các bạn nghĩ xem lời nói này của tôi có đúng hay không? Bản thân Phật giáo không mê tín. Dù bạn mê tín nó cũng không mê tín. Âu Dương Cánh Vô nói: Tôn giáo là mê tín, dù biết đúng rồi tin nó vẫn là mê tín. Bản chất của nó là mê. Bản chất của Phật giáo thì không mê. Bạn cần hiểu rõ đạo lý này. Cho nên Phật giáo, bạn bước vào từ mê, sau đó có thể khai ngộ. Nếu như trong bản chất của nó thật sự là mê tín, dù họ biết mà bước vào cũng bị nó mê. Đạo lý này rất sâu, rất đáng để nghiền ngẫm. Sau đó bạn mới có thể khuyên bảo tất cả đại chúng, tuyệt đối không được phép chê bai phỉ báng, nếu chê bai phỉ báng là tạo nghiệp nặng rồi. Bạn nói họ không có công đức, nói họ không có lợi ích. Nói thực ra lợi ích công đức của họ là vô biên. Bạn “Nhe răng cười”, cười nhạo họ. “Phê bình trước mặt hoặc sau lưng” là phê bình họ, phê bình trước mặt, hoặc sau lưng, hoặc là bạn còn khuyên bảo mọi người, cùng nhau đi phê bình họ. Tổng kết cuối cùng:

“HOẶC NHẤT NHÂN PHI, HOẶC ĐA NHÂN PHI”

(Hoặc khuyên bảo một người cùng chê, hoặc nhiều người cùng chê)

Phê bình không phải bổn phận của mình, hoặc phi lý.

“NÃI CHÍ NHẤT NIỆM SANH CƠ HỦY GIẢ”

(Cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm)

Đây là nói ít nhất, động ý nghĩ này. Bên dưới là nói quả báo của họ:

“NHƯ THỊ CHI NHÂN HIỀN KIẾP THIÊN PHẬT DIỆT ĐỘ, CƠ HỦY CHI BÁO THƯỢNG TẠI A TỲ ĐỊA NGỤC THỌ CỰC TRỌNG TỘI”

(Thời những kẻ như thế đến sau khi một nghìn đức Phật trong Hiền Kiếp nhập diệt cả, bị tội báo khinh chê nên còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu khổ rất nặng).

Quả báo vẫn chưa xong, phía sau rất dài. Những người này thường hay tự cho rằng mình thông minh. Ở trong cửa Phật bất kể là họ trí tín hay là mê tín. Chúng ta nhìn thấy đều hoan hỷ tán thán. Tại sao vậy? Bản chất là chánh giác. Người mê tín cũng được phước, không có khác gì so với lời trong Kinh nói. Lợi ích công đức thật sự là vô lượng vô biên, không có cùng tận. Tội báo của phê bình phỉ báng cũng không thể nghĩ bàn, cũng là không có cùng tận.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.

**********************************

Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện (tập 21)

Người giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Địa Điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: Tháng 5, năm 1998

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ

Chứng minh : Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 162


Hôm nayHôm nay : 29875

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 347360

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61247446

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.