Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 16)
Kinh văn:
“HỮU ĐẠI ĐỊA NGỤC HIỆU CỰC VÔ GIÁN, HỰU HỮU ĐỊA NGỤC DANH ĐẠI A TỲ”.
(Trong đó có địa ngục lớn tên là Cực Vô Gián. Lại có địa ngục tên là Đại A Tỳ).
Hôm qua giới thiệu đến chỗ này, ý nghĩa ở trong đây rất sâu rất rộng. Nếu nói tường tận thực ra là không thể nói hết. Nhưng điểm quan trọng chúng ta phải hiểu, là do nguyên nhân gì tạo thành địa ngục? Tại sao lại ở trong đây thọ những khổ báo này? Điểm này vô cùng quan trọng. Trong “Kinh Địa Tạng Thập Luận” nói: Tội ngũ nghịch là tội cực ác. Ngũ nghịch phần sau sẽ nói rõ tỉ mỉ.
Thứ nhất là giết cha, giết mẹ. Ơn đức của cha mẹ quá lớn, mạng sống của chúng ta có được từ cha mẹ. Nếu như chúng ta có thể quan sát tỉ mỉ, khi cha mẹ chăm sóc con cái cẩn thận tỉ mỉ từng li từng tí, từ khi mới sinh ra cho đến ba tuổi, đứa bé không thể rời khỏi vòng tay người mẹ, từng giây từng phút được mẹ quan tâm yêu thương bảo vệ, mới không đến nỗi tổn thương đến tính mạng. Còn người cha, hiện nay người làm cha làm tròn trách nhiệm với con cái không bằng người xưa. Người xưa làm cha, không những là phải dạy lúc còn nhỏ, phải dạy lúc còn ẵm bồng, mà lúc người mẹ mang thai đã phải dạy rồi, gọi là thai giáo, đây mới là làm tròn trách nhiệm của một người cha. Cho nên ơn đức của cha mẹ rất lớn, ở trong pháp thế gian không có gì có thể sánh bằng. Không biết ơn đức, không biết báo ơn, lại còn thêm chuyện giết hại, thì tội này cực nặng, bị đọa Cực Vô Gián, đọa Đại A Tỳ.
Loại tội nghiệp thứ hai là giết A-la-hán. A-la-hán là Thánh nhân tu hành chứng quả, là bậc thầy mô phạm của nhân thiên, là ruộng phước đích thực của thế gian. Nơi họ cư trú là nơi để tất cả chúng sanh gieo trồng phước. Bạn giết A-la-hán, tức là phá hủy mất ruộng phước của chúng sanh đang gieo phước, khiến người nơi này đều không có phước báo, nên tội này là nặng rồi! Cho nên giết A-la-hán, là không phải kết tội với một mình A-la-hán, không phải kết tội với họ, mà là kết tội với tất cả chúng sanh ở nơi này, nên tội này rất nặng. Hiện nay thế gian này có A-la-hán không? Chúng tôi tin là nhất định có A-la-hán ứng hóa thật. Phật, Bồ-tát hóa thân ở thế gian cũng rất nhiều, làm gì không có A-la-hán chứ? Nhưng phàm phu chúng ta không nhận ra. Bạn muốn tìm A-la-hán để giết cũng không thể tìm được, nhưng vẫn có loại tội tương đương. Tương đương nghĩa là tội ngang bằng với tội giết A-la-hán. Tội ngang bằng là ai vậy? Thiện tri thức. Ở trong địa phương này, người có đức hạnh, có học vấn, vừa có thể từ bi giáo hóa chúng sanh nơi đó. Giết hại người này là ngang bằng với giết hại A-la-hán. Tội này là rất nặng. Không những không được phép giết hại, mà ngay cả phỉ báng tội cũng không nhẹ. Đây là điều chúng ta nhất định phải biết. Nhưng thế gian có một số người không biết, hữu ý hay vô ý tạo ra những lời phỉ báng đối với thiện tri thức. Vô ý là không biết. Hữu ý đó là có ý đồ riêng. Ở trong có ý đồ riêng thì đố kỵ là chiếm phần lớn. Hiện nay còn có một số người có những sách lược, làm sao đề cao thân phận của mình, đề cao mức độ nổi tiếng của mình, đề cao danh vọng của mình ở trong đại chúng xã hội. Dùng phương pháp gì? Họ phê phán, bài bác người nổi tiếng để được đại chúng ở nơi đó ngưỡng mộ, để nâng họ lên. Đây là có ý đồ riêng, tạo tác tội nghiệp đều là tội nghiệp địa ngục A Tỳ, Vô Gián. Đây là trong tâm ôm giữ ý tà ác cực nặng, họ không sợ nhân quả báo ứng. Vì chút danh lợi trước mắt, lợi ích trước mắt, mà dám tạo loại tội nghiệp rất nghiêm trọng này, đây là nghiệp nhân của địa ngục Vô Gián.
Loại thứ ba là làm cho thân Phật chảy máu. Phật hiện nay không còn tại thế nữa, nên có tội tương đương, chính là dùng tâm ác phá hoại hình ảnh của Phật. Bất kể là tượng Phật bằng xi măng, hay điêu khắc gỗ, hoặc giả là đúc bằng kim loại, hoặc là tranh vẽ, vẽ những hình ảnh Phật Bồ-tát này, họ dùng tâm sân hận phá hoại những hình tượng đó, thì tội này chính là tội ngũ nghịch. Nếu như nói là vô ý thì sao? Vô ý làm tổn hại là lỗi chứ không phải tội, là rất nhẹ, là do vô ý. Sám hối được không? Được, có thể sám hối. Ác ý thì không thể sám hối được.
Điều sau cùng là phá hòa hợp Tăng, chính là phá hoại Tăng đoàn. Tăng, tăng đoàn hòa hợp, thật sự là rất khó gặp được. Ở trong đây cũng có tội tương đương, là phá hoại tín ngưỡng của người khác, phá hoại tâm nguyện của người khác, phá hoại việc tu học của người khác, là có tội ngang với phá hòa hợp Tăng. Tội này cũng là nặng vô cùng, chúng ta không thể không biết. Ở trong đây cũng có cố ý và vô ý, cũng cần phải phân biệt rõ ràng. Cố ý là ác ý. Vô ý là đối với những lý luận và chân tướng sự thật này chưa có hiểu rõ thấu triệt. Ví dụ trong Kinh thường nói đến “tự tán hủy tha”, là tự mình tán thán pháp môn tu học của mình mà mặc tình phỉ báng những pháp môn tu học khác cũng là thuộc vào loại tội nghiệp này. Hiện nay ở thế gian, rất nhiều nơi chúng ta nghe thấy người tạo tác những tội nghiệp này, và chuyên tạo tác tội nghiệp này, chúng ta cần phải hiểu rõ. Phật, Bồ-tát thuyết pháp là ứng cơ mà thuyết. Cho nên Phật pháp không có pháp cố định, trong “Kinh Bát Nhã” nói rất rõ ràng: Phật không những không có pháp cố định để nói, mà Phật cũng không có pháp để nói. Thậm chí là nói đến chỗ cùng tột, nếu như có người nói Phật thuyết pháp chính là phỉ báng Phật. Nói đến chỗ này, những lời khai thị này của Phật, chúng ta phải thâm nhập thể hội thật kỹ, sau đó mới không tạo tội phỉ báng pháp, bạn mới không còn tạo nữa. Bởi vì Ngài là ứng cơ mà tiến hành dạy bảo. Căn tánh của tôi với căn tánh của bạn không hoàn toàn giống nhau, tức là cùng tu pháp môn Tịnh Độ, cùng niệm A-Di-Đà Phật, cũng không hoàn toàn giống nhau. Nghĩa là thế nào? Tôi thích truy đỉnh niệm Phật là A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật… câu nọ tiếp nối rất nhanh với câu kia. Họ thích niệm từ từ, A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật. Vậy hai người này là khác nhau rồi, hai người đều có thể vãng sanh. Người này nói cách niệm này của tôi chính xác, cách niệm đó của anh chắc chắn sai lầm! Thế chẳng chẳng phải đối lập với nhau sao? Khác nhau mà. Cho nên nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Cùng là bị bệnh cảm mạo giống nhau, thầy thuốc kê toa cho bạn, đương nhiên thuốc đại thể là giống nhau, nhưng cũng có khác nhau. Bạn uống thuốc này thấy khỏe rồi, nhìn thấy trên toa thuốc đó của bạn có một vài vị thuốc không đúng, bạn bèn phê bình họ! Thể chất của họ khác với thể chất của bạn. Cùng một toa thuốc, cùng là một vị thầy thuốc, nhưng liều lượng cho tôi và liều lượng cho bạn khác nhau. Cho tôi chỉ ba đồng, nhưng cho bạn tốn đến bốn đồng. Thế hai người bạn còn nghịch nhau nữa không? Rốt cuộc cái nào đúng, cái nào không đúng? Thể chất khác nhau.
Phật giảng Kinh thuyết pháp độ chúng sanh là giống như loại tình hình này vậy. Cho nên nếu bạn nói cái này đúng, cái kia sai, thì bạn chính là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Tại sao vậy? Tất cả Kinh đều là do Phật thuyết, bạn phỉ báng Phật. Bạn tùy tiện phê bình Kinh điển, lấy bộ Kinh này đi phê bình bộ Kinh kia, lấy bộ Kinh kia đi phê bình bộ Kinh này, là phỉ báng pháp. Người dựa theo Kinh luận này tu hành chứng quả, đây là Tăng. Bạn tùy tiện phê bình, phỉ báng Tam Bảo tạo tội nghiệp Vô Gián. Đây đều là ngu muội vô tri, chúng ta phải biết.
Các vị tổ sư đại đức, chúng ta xem thấy ở trong chú sớ của các Ngài có phê bình. Chúng ta có dám học hay không? Không dám học. Họ phê bình là có đối tượng, ứng cơ mà nói. Các bạn nghe qua câu chuyện của Tông Môn: Nam Tuyền chém mèo. Bạn có thể học không? Bạn có thể nhìn thấy mèo bèn giết nó, nhìn thấy chó cũng giết nó, bạn có dám làm hay không? Đơn Hà có thể đem tượng Phật bằng gỗ chẻ ra để nhóm lửa, bạn cũng có thể làm sao? Tại sao họ làm như vậy. Vì họ có người đương cơ, hành động này của họ, có thể khiến cho người đó khai ngộ làm Phật, cho nên họ không phạm tội. Nếu chúng ta đem tượng Phật chẻ ra để nhóm lửa, vậy chúng ta là phạm trọng tội làm cho thân Phật chảy máu. Họ không phạm, họ là người cấp bậc nào, chúng ta sao dám làm loại việc này được? Cho nên điều này là nhất định phải biết. Trước đây học Phật có thầy truyền thừa, tức là chúng ta học Phật đã có bảo đảm, là giống như trẻ sơ sinh vậy, trẻ con vài ba tuổi có cha mẹ chăm sóc. Hiện nay học Phật không có người chăm sóc, trẻ con hai ba tuổi, tạo những sự việc này sống hay chết nó cũng không biết, gặp phải nguy hiểm có khi mất mạng mà bản thân nó không biết. Hiện nay người học Phật chúng ta là giống như loại tình trạng này vậy. Bạn nói đáng sợ biết bao!
Phật hiểu rõ tình trạng của chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp, biết sự khổ nạn của chúng sanh thời Mạt Pháp, nên đã từ bi đến cực điểm, có sự gợi mở đặc biệt đối với chúng sanh thời Mạt Pháp. Trong “Kinh Đại Tập” dạy chúng ta: “Chúng sanh thời Mạt Pháp tu Tịnh Độ sẽ thành tựu”. Đây là lời khai thị quan trọng. Chúng ta sinh vào thời đại Mạt Pháp. Chúng ta học Phật lựa chọn pháp môn nào? Phật nói là tu Tịnh Độ sẽ thành tựu, nên chúng ta chọn pháp môn Tịnh Độ, đây là vâng theo lời di giáo của đức Phật. Đức Phật lại có truyền dạy Tứ Y Pháp cho người đời sau, để cho chúng ta không đến nỗi đi sai đường. Nếu không có thiện hữu tri thức quan tâm, chúng ta tuân thủ theo Tứ Y Pháp, thì chắc chắn không bị đi sai đường.
Điều thứ nhất là “Y pháp bất y nhân”. Pháp là Kinh điển. Nhất định phải dùng Kinh Điển để làm căn cứ. Kinh là do Phật nói.
Điều thứ hai dạy chúng ta: “Y nghĩa bất y ngữ”. Câu này vô cùng quan trọng. Tại sao vậy? Để tránh cho người đời sau tranh luận về Kinh Điển. Đức Phật biết Kinh Điển sẽ lưu thông toàn thế giới, nhất định phải dựa vào phiên dịch. Là cùng một bộ Kinh giống nhau, cùng một bản gốc tiếng Phạn như nhau, người phiên dịch khác nhau, ý nghĩa câu chữ bên trong đương nhiên sẽ có chỗ không nhất quán. Ví dụ chúng ta hiện nay nhìn thấy bản dịch của “Kinh Kim Cang", ở trong "Đại Tạng Kinh" thì "Kinh Kim Cang" có 6 loại bản dịch khác nhau. Bản mà mọi người chúng ta hiện nay đọc đều là chọn bản của Ngài Cưu Ma La Thập. Sáu loại bản dịch quý vị đối chiếu để xem, văn tự bên trong khác nhau, nhưng ý nghĩa đại thể giống nhau. Rốt cuộc chỗ nào dịch đúng, chỗ nào phiên dịch sai? Vậy chẳng phải lại phiền phức rồi sao! Cho nên Phật dạy chúng ta dựa theo nghĩa chứ đừng dựa theo lời nói, vậy mới được. Ý nghĩa đúng là được rồi. Nói nhiều một chút hay nói ít một chút cũng không sao. Phiên dịch dùng chữ này, dùng chữ kia cũng không có sao cả, chỉ cần đúng ý nghĩa là được rồi, tránh được rất nhiều tranh luận.
Đặc biệt là "Kinh Vô Lượng Thọ". "Kinh Vô Lượng Thọ" đến hiện nay có 9 bản dịch, 5 loại bản dịch gốc, ba loại bản Hội Tập, và một loại bản Tiết Hiệu của Bành Tế Thanh. Chúng ta hiểu được y nghĩa bất y ngữ, thì sẽ không còn tranh luận này nữa, không cần phải khăng khăng giữ một nhà nào cả. Bản thân chúng ta tu học thì có thể nắm chắc một bản, nhưng đối với những bản còn lại nhất định phải tôn trọng, nhất định không có phê bình. Chúng ta không có tư cách phê bình, không có năng lực phê bình. Cho nên Tứ Y Pháp này của đức Phật bạn thấy quan trọng biết bao!
Thứ ba, đức Phật dạy chúng ta: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa” (Theo cái đã rõ nghĩa, không theo cái không rõ nghĩa). Thế nào là liễu nghĩa? Đời này chắc chắn có thể thành Phật, đây là liễu nghĩa rốt ráo. Ở mức thấp nhất phải ở trong đời này thoát khỏi lục đạo luân hồi mới được xem là liễu nghĩa. Nếu như bạn tu học, bạn trong đời này không thể thoát khỏi tam giới, lục đạo, vẫn còn tạo lục đạo luân hồi, thì những gì bạn học là không liễu nghĩa. Bất kể tu tốt như thế nào, bạn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi. Không thể ra khỏi lục đạo luân hồi, hay nói cách khác, bạn chắc chắn không thể tránh khỏi quả báo Tam Đồ. Đây là đạo lý nhất định, cho nên là không có thành tựu. Nếu muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, Kinh Luận Đại Tiểu Thừa đều là cùng một đạo lý, phải đoạn kiến tư phiền não. Bạn có thể đoạn nổi không? Kiến tư phiền não suy cho cùng, một cái nguyên tắc chung đó là phá chấp ngã. Bạn đối với pháp thế gian và xuất thế gian vẫn còn chấp trước như vậy, được không? Không được. Điều này quý vị đều biết rõ. Phá chấp trước bạn liền ra khỏi Tam Giới. Lìa phân biệt bạn liền ra khỏi thập pháp giới. Đoạn sạch vọng tưởng rồi, bạn liền thành Phật cứu cánh viên mãn. Đạo lý lớn này đức Phật ở trong Kinh Điển Đại Thừa nói quá nhiều rồi. Đức Phật đã nói ra gốc bệnh của chúng ta là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Quý vị thử nghĩ xem, những thứ này chúng ta có hay không? Việc này là không thể không biết rõ. Nhất định phải dựa theo Kinh liễu nghĩa. Hôm nay nói liễu nghĩa, không những liễu nghĩa, mà phải liễu nghĩa rốt ráo.
Kinh Vãng Sanh, hiện nay tức là nói năm Kinh một luận của Tịnh Tông, gọi là Kinh Vãng Sanh, là liễu nghĩa cứu cánh. Sáu bộ Kinh Luận này, dùng bất kỳ một bộ nào cũng có thể thành công, đều có thể thoát khỏi Tam Giới, thoát khỏi thập pháp giới vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ. Thật sự không thể nghĩ bàn. Nhưng bạn nương theo bất kỳ một bộ Kinh nào cũng không được hoài nghi. Hiện nay có người nương theo "Kinh Vô Lượng Thọ" thì hoài nghi Bản Hội Tập của Hạ Liên Cư. Nếu họ thật thà niệm Phật có thể vãng sanh hay không? Có thể vãng sanh, sanh về Biên Địa Nghi Thành. Trong Kinh này nói, bạn phải niệm Phật, thật sự tin có Phật A-Di-Đà, thật sự tin Tịnh Độ. Bạn có hoài nghi đối với bản Hội Tập của Kinh này, thì sẽ sinh về Biên Địa Nghi Thành. Cho nên tại sao chúng ta làm cái việc này? Bạn có nghi đối với bản này, vậy bạn không dựa vào nó là được rồi. Ở trong chín loại bản này, bạn dựa theo một bản khác cũng được. Thậm chí là nói không dựa theo bản "Kinh Vô Lượng Thọ" này, bạn dựa theo “Kinh A-Di-Đà” cũng được. Nhiều bản Kinh như vậy, bạn dựa theo bất kỳ một bản nào đều cũng có thể vãng sanh. Nhưng đối với những bản khác, tuyệt đối không hoài nghi, để tránh đọa về Biên Địa Nghi Thành, vậy là có lợi ích lớn đối với mình.
Nhưng người thông minh, người có trí tuệ, người có phước báo, trong tâm họ biết rõ, pháp môn niệm Phật của Tịnh Tông này, trong những năm gần đây, tại sao có thể phổ biến hoằng dương đến toàn thế giới, nhiều người sinh khởi tín tâm phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ như vậy, là do nhân duyên nào thúc đẩy? Là do bản Hội Tập của Lão cư sĩ Hạ thúc đẩy. Đây là sự thật. Nếu như chúng ta hiểu rõ sự thật này, nếu bạn muốn phỉ báng bản Hội Tập này là bạn tạo tội nghiệp, chắc chắn là địa ngục A Tỳ. Bạn có thể trốn nổi không? Bạn niệm Phật có thể vãng sanh không? Là không thể. Tại sao không thể vậy? Tập khí nghiệp chướng quá nặng. Tuy niệm A-Di-Đà Phật, mà vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không có đoạn được một mảy may nào, vẫn phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng phỉ báng Tam Bảo. Trước tiên đọa địa ngục, sau khi thọ xong tội báo địa ngục rồi, có lẽ sau đó gặp được duyên, ở trong A-lại-da thức vẫn còn hạt giống A-Di-Đà Phật, tiếp tục làm tiếp.
Sự việc này nói ra cũng không có gì lạ, trong đời quá khứ chúng ta cũng đã từng làm, chúng ta cũng đã đọa địa ngục rồi, từng thọ tai nạn vô lượng kiếp, tội đó thọ xong rồi, đời này mới được thân người, gặp được pháp môn này. Suy nghĩ thấy trước đây làm cái việc khờ dại này, phải bị những nỗi khổ đó, nghĩ lại còn rùng mình. Hiện nay chúng ta quay đầu rồi, chúng ta hiểu rõ rồi, không làm việc khờ dại nữa. Cho nên ngay hiện tiền bất kể người phỉ báng ta, người làm nhục ta, người hãm hại ta, thậm chí là người giết hại ta, ta đều chắp tay tán thán, cảm ân đội đức, không có một chút xíu tâm oán hận. Tại sao vậy? Bởi vì ta biết, thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi những người thượng thiện tụ tập về. Ta phải tu tập cho mình thành tiêu chuẩn thượng thiện, thì mới có thể về thế giới Tây Phương Cực Lạc được đại chúng hoan nghênh, không có một mảy may ác ý nào. Đối với tất cả người, tất cả sự, tất cả vật chỉ có một lòng cảm ân đội đức. Bạn muốn hỏi những người hãm hại bạn này, thậm chí là người giết hại bạn, họ có ơn đức gì đối với bạn mà bạn phải cảm ơn họ, phải báo đáp họ? Có ơn đức đấy. Sự phỉ báng, làm nhục, hãm hại của họ giống như người thầy đến kiểm tra bạn vậy. Cửa này ta thông qua rồi, họ đến kiểm tra, cửa này của ta thông qua rồi, sao lại không có ơn đức được? Không có bài kiểm tra này, ta vẫn không biết công phu của mình đến giai đoạn nào. Nếu họ giết ta đi, ta càng phải cảm ơn họ hơn nữa. Tại sao vậy? Về thế giới Cực Lạc sớm hơn một chút, họ giúp đưa mình đi rồi. Thế gian này quá khổ rồi, trí tuệ phước báo của bạn rất lớn rồi, không nên ở đây thọ khổ nữa, mau mau đi thôi! Thế sao không có ơn đức được? Chết sớm, vãng sanh sớm, chết sớm hưởng phước sớm, ơn đức đó quá lớn rồi. Tội phước, thiện ác chỉ trong khoảng một niệm. Cho nên một niệm giác đi tu phước, thì có nơi nào không phải là nơi tu phước đâu? Có lúc nào không phải là lúc tu phước? Có việc nào không phải là việc tu phước đâu? Vấn đề là bạn có giác ngộ hay không thôi? Cho nên chư Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác đối với tất cả chúng sanh chỉ có một tâm cảm ân. Đại Bồ-tát đăng địa lúc nào cũng tri ân báo ân, tư tưởng quan niệm quả thật là khác với phàm phu chúng ta.
Ngoài tội ngũ nghịch trong Kinh nói ra, trong “Kinh Thập Luân” nói, trong Kinh này cũng nói, Phật còn nói với Tăng Hộ, có 9 loại người thường xuyên đọa lạc vào trong đại địa ngục A Tỳ. Lại tăng thêm bốn điều so với ngũ nghịch này.
Thêm bốn điều, điều thứ nhất là thực tăng vật, là ăn thức ăn của người xuất gia. Chúng ta nghe thấy quá sợ hãi rồi! Rất nhiều cư sĩ tại gia đến đạo tràng để ăn thức ăn của người xuất gia, vậy thì làm thế nào? May mà Tịnh Tông Học Hội và Cư Sĩ Lâm đều là đạo tràng của người tại gia. Người xuất gia chúng tôi đến ăn đồ ăn của người tại gia, không phải người tại gia đến ăn thức ăn của người xuất gia. Chúng ta ở đạo tràng này, là người xuất gia đến ăn đồ của người tại gia. Đây là nói thập phương thường trụ. Cách ăn như thế nào vậy? Ăn với tâm trộm cắp, ăn với tâm tham, vậy là có tội rồi. Bạn vào trong chùa chiền, người trụ trì trong chùa mời bạn ăn, vậy thì không có tội lỗi. Đây là quý vị đều biết, trước đây ở trong tùng lâm tự viện, người cư sĩ đến xin tu gieo duyên rất nhiều. Nếu quý vị ở Trung Quốc đại lục thấy tùng lâm tự viện lớn, nó phân ra nội viện và ngoại viện. Nội viện là dành cho người xuất gia ở, ngoại viện là dành cho cư sĩ ở. Bởi vì chế độ xã hội vào thời xưa với hiện nay khác nhau, là thời đại nông nghiệp. Trong xã hội nông nghiệp, thời gian nhàn rỗi dài. Lúc họ không phải ở trong thời gian canh tác, thì mọi người đều nhàn rỗi. Lúc nhàn rỗi, có rất nhiều người vào trong tự viện để xin tu gieo duyên, trú lại đến mấy tháng. Đến tự viện để làm gì vậy? Nghe Kinh, niệm Phật, tham thiền, cho nên họ vào trong tự viện. Vào trong tự viện xin ở lại, là xin ở lại sống trong đó. Ở trong tự viện cũng phân chia công việc cho bạn làm giống như người xuất gia, vậy cái ăn này là không có vấn đề gì cả, đây không phải là ăn không ngồi rồi, là có phân chia công việc cho bạn làm. Thông thường người có học được phân chia công việc phần lớn là chép Kinh. Trước đây chưa có kỹ thuật in ấn, chỉ có chép. Người có học đến đây là rất được hoan nghênh, bạn chép Kinh thay tôi, sao chép bản Kinh. Ở trong lầu tàng Kinh Kinh Tạng rất phong phú. Vốn dĩ chỉ có một bộ Kinh, bạn có thể viết thêm một bộ thì nó sẽ có thêm một bộ nữa, chép thêm hai bộ thì nó sẽ có thêm hai bộ nữa. Cho nên thông thường người có học vào trong chùa chiền làm việc nhất định là mời họ chép Kinh. Nếu không phải chép Kinh thì sắp xếp cho vào những công việc tương đối lao lực một chút, như những việc quét dọn môi trường, giúp việc trong nhà bếp hay giã gạo chẻ củi… Bởi vì trước đây chúng ở trong tự viện đông, đời sống cũng khó khăn, trong nhà bếp hay dùng củi để nấu, nấu củi thì phải có người đi chặt củi. Chặt củi về còn phải chẻ củi, đều là công việc rất nặng nhọc. Gạo đều phải giã, từ hạt lúa giã ra thành gạo lứt, từ gạo lứt phải giã thành gạo, sau đó giã cho trắng sạch, đều cần đến nhân công. Cho nên khi xin ở trong tự viện, phần lớn phải làm thêm những công việc này. Cho nên vào trong tự viện để ở, thật sự là phước huệ song tu, thế thì không có vấn đề gì. Nếu như bạn vào trong tự viện là ăn không ngồi rồi, thì tội lỗi này là rất nặng. Nên thực Tăng vật phải giảng cho rõ ràng, không giảng rõ ràng thì mọi người sẽ sợ, không dám đến tự viện.
Thứ hai là Phật vật. Là tùy tiện dùng những phẩm vật cúng Phật này. Cái tội này là rất nặng. Cho nên tất cả phẩm vật là cúng Phật Tăng trước, sau đó bản thân chúng ta mới được thọ dụng.
Thứ ba là giết cha, thứ tư là giết mẹ, thứ năm là giết A-la-hán, thứ sáu phá hòa hợp Tăng, đây là có trong tội ngũ nghịch. Thứ bảy là phá Tỳ Kheo tịnh giới. Xúi giục, sai khiến Tỳ Kheo phạm giới, đây là tội đọa địa ngục A Tỳ. Thứ tám là phạm tịnh hạnh ni. Là Tỳ Kheo ni, Tỳ Kheo ni thanh tịnh, bạn xâm phạm họ sẽ bị đọa địa ngục A Tỳ. Thứ chín là làm Nhất Xiển Đề. Nhất Xiển Đề là tiếng Phạn, dịch qua ý nghĩa của tiếng Trung Quốc là người không có thiện căn. Tức là chúng ta thông thường nói trong tâm tràn đầy tà ác, niệm niệm đều là tương ưng với tà tri tà kiến và mười nghiệp ác, người như vậy chính là Nhất Xiển Đề. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không có gì không phải tà ác, cho nên nói họ không có thiện căn. Phật nói chín loại người này thường xuyên ở địa ngục. Sau khi ở địa ngục ra, quý vị phải biết, họ vẫn còn tập khí ác. Mặc dù đời trước tu có phước báo được thân người, nhưng tập khí này vẫn còn, dường như họ không làm ác họ sẽ thấy rất khó chịu, họ không thể sống nổi vậy. Đây là tâm ác, ý ác, lời nói ác, hành vi ác đã thành thói quen rồi. Đây là vô cùng vô cùng đáng sợ. Cho nên thời gian đến cõi nhân thiên không dài, họ lại tạo tội nghiệp rồi. Sau khi mất thân người họ lại quay về địa ngục. Kinh này nói rất tường tận về sự việc này, làm nhọc Bồ-tát Địa Tạng. Bồ-tát Địa Tạng là thật sự từ bi.
Trong “Kinh Chánh Pháp Niệm” nói, nỗi khổ trong địa ngục A Tỳ khổ hơn gấp ngàn lần trong mười địa ngục lớn. Trong Kinh chúng ta thường nói đến tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh, mười tám tầng địa ngục. Nỗi khổ trong địa ngục A Tỳ và địa ngục Vô Gián còn khổ hơn gấp ngàn lần so với họ. Người tuổi thọ ngắn thì một kiếp. Một kiếp này xin thưa với quý vị, là đại kiếp chứ không phải tiểu kiếp. Tạo tác nghiệp nhân địa ngục rất dễ dàng, nhưng sau khi đọa lạc vào địa ngục muốn ra thì quá khó quá khó. Cho nên nghiệp nhân quả báo này chúng ta phải biết rõ, phải rõ ràng, phải nhớ kỹ, loại sự việc này dứt khoát không được làm, tuyệt đối không được tham một chút lợi nhỏ trước mắt mà tạo tác tội ác nặng như vậy. Đọc “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện" để đề cao cảnh giác chính mình, cảnh giác cao độ. Cho nên Kinh này quả thật sự mà nói, phải thường xuyên đọc, chúng ta nên đọc nó như là đọc Giới Kinh vậy. Giới Kinh nửa tháng tụng giới, mỗi nửa tháng phải đọc một lần. Căn tánh của người hiện nay khác với trước đây, nửa tháng đã không còn hiệu quả nữa, bữa có bữa không. Cho nên tôi yêu cầu đồng tu niệm Phật, sau thời khóa tối mỗi ngày, đem “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” đọc một lần, đem nó xếp vào trong thời khóa tối. Hai quyển sách này văn tự cũng không dài, hai quyển hợp chung lại có lẽ chỉ có hai ngàn chữ, không dài lắm, xem nó như là Giới Luật để đọc, hằng ngày nhắc nhở chính mình, từng giây từng phút soi lại, thì mới có thể giữ được thân người không bị đọa lạc ác đạo.
Mời xem Kinh văn dưới đây:
“PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT TỨ GIÁC, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT PHI ĐAO, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT HỎA TIỄN, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT GIÁP SƠN, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THÔNG THƯƠNG, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIẾT XA, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIẾT SÀNG, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIẾT NGƯU, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIẾT Y, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIÊN NHẪN, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIẾT LƯ, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT DƯƠNG ĐỒNG, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT BÃO TRỤ, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT LƯU HỎA, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT CANH THIỆT, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT TỎA THỦ, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIÊU CƯỚC, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT ĐẠM NHÃN, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIẾT HOÀN, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT TRANH LUẬN, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT THIẾT THÙ, PHỤC HỮU ĐỊA NGỤC DANH VIẾT ĐA SÂN”.
(Lại có địa ngục tên là Tứ Giác, lại có địa ngục tên là Phi Đao, Lại có địa ngục tên là Hỏa Tiễn, lại có địa ngục tên là Giáp Sơn, lại có địa ngục tên là Thông Thương, lại có địa ngục tên là Thiết Xa, lại có địa ngục tên là Thiết Sàng, lại có địa ngục tên là Thiết Ngưu, lại có địa ngục tên là Thiết Y, lại có địa ngục tên là Thiên Nhẫn, lại có địa ngục tên là Thiết Lư, lại có địa ngục tên là Dương Đồng, lại có địa ngục tên là Bảo Trụ, lại có địa ngục tên là Lưu Hỏa, lại có địa ngục tên là Canh Thiệt, lại có địa ngục tên là Tỏa Thủ, lại có địa ngục tên là Thiêu Cước, lại có địa ngục tên là Đạm Nhãn, lại có địa ngục tên là Thiết Hoàn, lại có địa ngục tên là Tranh Luận, lại có địa ngục tên là Thiết Thù, lại có địa ngục tên là Đa Sân).
Bồ-tát Địa Tạng nói tên của địa ngục, đã nói cho chúng ta biết hai mươi hai loại, là nói sơ lược. Nếu như nói tường tận, nói tỉ mỉ thì nói không hết. Ngài nói “Lại có”, tức là nói rõ những địa ngục phụ thuộc của địa ngục A Tỳ và địa ngục Vô Gián, rất nhiều chủng loại, chỉ nói sơ lược mà thôi.
Thứ nhất nói địa ngục “Tứ Giác”. Trong “Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ” nói rõ nghiệp nhân quả báo của địa ngục này. Ngài nói có người thật sự không phải là người tu hành. Ở Trung Quốc nói Sa Môn là từ chuyên dùng để gọi người xuất gia, nhưng ở Ấn Độ xưa thì không phải. Ấn Độ xưa thì tại gia hay xuất gia đều gọi là Sa Môn. Cho nên xưng là Sa Môn thì không nhất định là người xuất gia. Định nghĩa của từ Sa Môn gọi là cần tức. Nghĩa là siêng tu giới định tuệ, dập tắt tham sân si, người này bèn xưng là Sa Môn. Cho nên tại gia hay xuất gia đều có thể xưng được. Nhưng sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc thì từ Sa Môn biến thành từ chuyên dùng để gọi cho người xuất gia. Người tại gia không xưng là Sa Môn. Họ không phải người xuất gia, tự mình xưng là người xuất gia, thì tội này là nặng rồi, đây là giả mạo người xuất gia. Điều này chúng ta thật sự phải đề cao cảnh giác cao độ. Chúng ta ngày nay xuất gia rồi, có phải là người xuất gia thật hay không? Chúng ta ngày nay đã thọ giới rồi, có phải là đã thọ giới thật hay chưa? Chưa có. Điểm này nếu như chúng ta tự xưng là Tỳ Kheo, thì tội lỗi là nặng rồi, phạm tội nghiệp cực nặng.
Đại sư Ngẫu Ích triều Minh, đây là người rất tuyệt vời trong các Tổ sư Tịnh Tông. Đại Sư Ngẫu Ích là hạng người nào? Không có ai biết. Nhưng Ấn Quang Đại Sư chúng ta biết, Ngài là Bồ-tát Đại Thế Chí hóa thân tái lai. Lời tán thán của Ấn Quang Đại Sư đối với “Kinh Di Đà Yếu Giải” (“Yếu Giải” do Đại Sư Ngẫu Ích biên soạn), Ngài nói “Kinh Di Đà Yếu Giải” cho dù là cổ Phật tái lai làm thêm một bản chú giải nữa cho "Kinh Di Đà" thì cũng không thể hơn quyển này. Là tán thán đến cực điểm rồi. Năm xưa tôi ở nơi này, Pháp sư Diễn Bồi đã từng hỏi tôi, thầy nói lời nói này của Ấn Quang Đại Sư có phải là nói hơi quá không? Sao có thể tán thán như vậy được? Tôi chân thành nói với ông rằng, tôi nói không quá đâu. Tôi đã đọc qua “Yếu Giải”, cũng đã giảng qua “Yếu Giải” mấy lần, quả thật vô cùng hiếm có. Tôi khẳng định cách nói của Ấn Quang Đại Sư. Đại sư Ngẫu Ích là ai? Nếu như không phải là Phật A-Di-Đà tái lai, thì nhất định cũng là Bồ-tát Quan Thế Âm, là Phật, Bồ-tát tái lai. Ngài đến thị hiện, thị hiện ở thời kỳ Mạt Pháp, thị hiện người xuất gia, đã thọ giới rồi. Ngài hiểu giới luật, Ngài nghiên cứu giới luật, lúc đó cũng có người gọi Ngài là Luật Sư. Ngài đã nói cho chúng ta một câu kết luận rằng, Trung Quốc từ Nam Tống trở về sau là không có Tỳ Kheo nữa.
Chúng ta muốn thọ giới, trong Giới Kinh nói về giới Tỳ Kheo, ít nhất phải có năm vị Tỳ Kheo đích thực truyền giới, thì bạn mới có thể đắc giới. Nam Tống trở về sau là không có Tỳ Kheo rồi, vậy chúng ta đắc giới từ đâu đây? Cho nên sau khi Ngẫu Ích Đại sư tự thọ giới xong, Ngài bèn xả giới ngay trước Phật Bồ-tát, không có đắc được. Ở trước hình ảnh Phật Bồ-tát cầu thọ giới Sa Di. Cho nên cả đời Ngài tự xưng là Sa Di Bồ-tát giới, đây là thân phận của Ngài. Cho nên khí phách của Ngẫu Ích Đại Sư đã thị hiện làm tấm gương cho chúng ta, chúng ta phải biết học tập. Học trò của Ngài, đồ đệ của Ngài là pháp sư Thành Thời. Sau khi Ngẫu Ích Đại sư viên tịch, tất cả những trước tác của Ngài là do Pháp sư Thành Thời chỉnh lý, khắc bản in lưu thông. Đây là đại công trình của Ngẫu Ích Đại sư. Thầy đã dùng Sa Di để tự xưng, nên học trò không dám xưng là Sa Di. Ngài Thành Thời xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc. Đây là danh phù hợp với thực, không phải phạm lỗi. Thân phận của chúng ta ngày nay là gì? Thật sự làm được xuất gia Ưu Bà Tắc là đã khá lắm rồi. Có thể tu tốt ngũ giới, thập thiện, vậy chúng ta thật sự là đệ tử của Di Đà rồi. Cư sĩ tại gia tu ngũ giới thập thiện, chúng ta cũng là tu ngũ giới thập thiện. Chúng ta là thân phận xuất gia tu ngũ giới thập thiện. Địa vị đích thực của chúng ta là xuất gia Ưu Bà Tắc.
Ở trong “Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo” nói thời kỳ Mạt Pháp không có Tỳ Kheo truyền giới nữa. Nếu bạn thật sự muốn cầu giới, từ đâu đắc giới? Đắc giới từ trên Luân Tướng, chiêm sát luân tướng. Cho nên Ngẫu Ích Đại sư là dùng chiêm sát luân tướng để cầu Bồ-tát giới và Sa Di giới. Người xưa cẩn thận như vậy, nghiêm khắc như vậy là có đạo lý. Đến đầu năm Dân Quốc, Đại sư Hoằng Nhất, vị này mọi người vô cùng tôn kính. Ngài là tu Tịnh Độ, cũng rất có nghiên cứu về giới luật. Ngài có một số buổi diễn giảng tại Viện Phật Học Mân Nam, được sưu tập vào trong “Hoằng Nhất Đại Sư Diễn Giảng Lục”, quý vị có thể xem qua. Ngài khuyên nhủ người xuất gia chúng ta không thể không đi thọ giới, thọ hình thức, nhưng tự mình nhất định phải biết, chắc chắn không thể đắc giới. Tại sao phải thọ hình thức này vậy? Để tránh người thế gian hiềm nghi nói bạn chưa thọ giới. Trên hình thức chúng ta có đi thọ giới, nhưng tự mình phải biết rõ là chưa có đắc giới. Không phải thọ giới Tỳ Kheo rồi thì đã thành Tỳ Kheo, thọ giới Bồ-tát rồi thì đã thành Bồ-tát. Đâu có chuyện đơn giản như vậy chứ? Cho nên ở trong Lục Tức của Tông Thiên Thai, chúng ta là Tỳ Kheo gì? Là Tỳ Kheo danh tự, hữu danh vô thực, phải biết mình là thân phận này. Đại sư Hoằng Nhất cả đời mình cũng tự xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc, danh xứng với thực, vậy là đúng rồi. Mình chưa có đắc giới, mình chưa có trì giới mà tự xưng là Tỳ Kheo là vọng ngữ, là đại vọng ngữ, vậy thì có thể có phần ở “địa ngục Tứ Giác” rồi.
Còn một nghiệp nhân khác nữa, đây là chúng ta nói nghiệp duyên, đó là xem nghe ca múa. Người thế gian gọi là nơi vui chơi giải trí, nơi chốn ăn chơi. Tuy chúng ta không đến nơi đó, người xuất gia Trung Quốc có cái hay là, người xuất gia mặc bộ y phục này, nếu bạn vào rạp hát để xem kịch, người ta sẽ mắng bạn, bản thân bạn cũng rất ngại đi. Hòa thượng người xuất gia Nhật Bản, lúc họ đi bạn không thể nhận ra được, họ mặc Âu phục, đi giày Tây. Áo Cà Sa để ở đâu vậy? Để ở trong túi Âu phục. Áo Cà Sa của họ lớn chỉ có ba tấc, khi làm Phật sự, thì lấy ra choàng lên cổ, khi không dùng đến thì cuộn lại, cho vào trong túi áo, đi giày da bạn không thể nhận ra họ. Khi họ đến những nơi đó người ta không thể nhìn ra được. Chúng ta thì không được, chúng ta vừa bước vào nơi đó, thì mọi người đều không còn xem ca múa nữa, mà nhìn bạn. Sao thầy lại đến chỗ này? Cho nên y phục này không được sửa đổi, có tác dụng rất lớn. Ở Đài Loan đã từng có một dạo có người đề xướng phải sửa đổi trang phục này. Rất may là có một số lão Hòa thượng kiên trì tuyệt đối không được sửa đổi. Bạn không đi xem, nhưng trong tiết mục truyền hình có rất nhiều. Hiện nay ở trong rất nhiều đạo tràng có truyền hình, đây cũng là chuyện phiền phức. Bạn nhìn thấy những chương trình ca múa biểu diễn này, nếu như bạn không khéo quan sát, sinh tâm dính mắc tham ái cũng bị đọa địa ngục này. Người khéo quan sát, họ nhìn như thế nào vậy? Mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương như điện chớp, càng đề cao cảnh giác hơn nữa. Từ trên hình ảnh này thể hội được, thì có thể quan sát toàn bộ cõi nhân sinh, toàn bộ vũ trụ là một vở kịch, là giả, không phải thật. Đây là khéo quan sát, bạn ở trong đây sẽ có chỗ ngộ. Không khéo quan sát, sẽ sinh tâm dính mắc, tham ái, thế thì phiền phức lớn rồi!
Địa ngục Tứ Giác, trong Kinh nói với chúng ta, xung quanh là tường sắt bao bọc. Sắt đều nung cháy đỏ rực, địa ngục là một biển lửa. Lửa là phun ra từ trong bốn góc địa ngục, người ở trong đó bị lửa thiêu, bị lửa nung nấu. Địa ngục đó giống như cái nồi lớn vậy, đã cháy đỏ rực mà còn phun lửa nữa, ngày đêm không có gián đoạn.
Ở trong Chú giải của Đại sư Thanh Liên, Ngài nêu ra lời trong “Lập Thế A Tỳ Đàm Luận” nói, ngoài ra còn có một loại nghiệp nhân nữa là trong đời quá khứ ở cõi người, có khi tự mình làm, có khi bảo người khác sát sinh. Chúng ta thông thường nói dùng dao để chặt, để bằm. Những súc sanh này bạn chặt, bằm tay, chân, đầu của chúng, là tạo loại tội nghiệp này, cũng phải bị thọ báo ở trong địa ngục Tứ Giác. Ví dụ giết gà, giết gà này rồi, đã chết rồi, sau đó đi chặt thân nó ra, nó có đau khổ không? Thần thức chưa có lìa khỏi, vẫn là có cảm giác. Nếu như gặp phải loại quỷ giữ tử thi. Sao gọi là quỷ giữ tử thi? Là chấp trước kiên cố đối với thân phận này của chúng, không chịu rời đi, thì phiền phức đó là lớn rồi! Sau khi nấu chín rồi, khi bạn ăn nó, nó cũng cảm thấy đau khổ. Đó là loại chúng sanh chấp trước kiên cố, không chịu xả bỏ thân của nó, sao nó không ôm hận được? Tội nghiệp bạn tạo nặng cỡ nào? Những sự việc này, nói thực ra đức Phật không nhẫn tâm nói, tuyệt đối không phải hù dọa người. Chỉ có người thiện căn sâu dày, nghe lời đức Phật dạy có thể tin được, mới thật sự chọn ăn chay, trong đời này tuyệt đối không ăn thịt chúng sanh, tuyệt đối không giết hại chúng sanh. Những gì trước đây làm, nay nghiêm túc sám hối, biết sai rồi, siêng tu phước tuệ hồi hướng cho những oan gia trái chủ này. Hy vọng ta thành Phật đạo, thì những oan gia trái chủ này cũng cùng thành Phật đạo với ta. Phải phát chân tâm, chân nguyện, chân tu hành, thì những oan gia trái chủ này mới không gây chuyện với bạn nữa, sẽ không gây chướng ngại cho bạn. Tại sao vậy? Bạn thành tựu, họ được thơm lây. Nếu họ chướng ngại bạn, thế thì họ tự hại chính mình rồi. Nếu như việc chúng ta làm là giả, không phải thật, thì những oan gia trái chủ này tuyệt đối sẽ không tha thứ cho bạn. Trừ khi là không nắm được cơ hội, nếu nắm được cơ hội thì họ nhất định sẽ đến báo thù.
Thứ hai “Địa ngục Phi Đao”, chính là địa ngục Đao Luân, bốn phía đều là núi đao, trên không trung còn có bánh xe đao. Đao Luân không phải một cái, mà vô lượng vô biên giống như mưa vậy, từ trên không rơi xuống. Người ở trong địa ngục này thật sự là bị thịt nát xương tan. Nghiệp nhân này chính là trong đời quá khứ ở trong cõi người sát sanh bừa bãi, đều là quả báo của nghiệp sát. Bạn giết hại rất nhiều chúng sanh, bạn phải ở trong đây thọ cái quả báo này.
Thứ ba “Địa ngục Hỏa Tiễn”. Tiễn là cung tên của thời xưa. Cung tên là mang theo lửa, mũi tên này từng chiếc từng chiếc bắn vào tội nhân. Trong Kinh nói một ngày một đêm sáu trăm ức lần chết đi sống lại. Thọ hình phạt trong địa ngục, nếu như vừa thọ liền chết ngay, thế thì tốt! Đó là niềm vui lớn. Chết xong liền rời khỏi địa ngục ngay. Họ không thể chết, sau khi chết xong, ở trong địa ngục gió vừa thổi qua họ lại sống trở lại, sống dậy thọ tiếp. Cho nên ở trong địa ngục thật sự là muốn sống không được, muốn chết không xong, phải thọ cái tội báo này. Trong Kinh giáo nói nghiệp nhân của họ là lúc còn ở thế gian ngu si, vô cùng tham dục, họ bất hiếu với cha mẹ, bất kính với sư trưởng, không siêng tu việc thiện, giết hại tất cả chúng sanh, cho nên bị quả báo này.
Thứ tư “Địa ngục Giáp Sơn”. Đây là người đi vào giữa hai quả núi, quả núi khép lại, núi kẹp, thọ loại hình phạt này. Cũng có Kinh gọi là địa ngục Chúng Hiệp, là rất nhiều núi khép lại với nhau. Trong Kinh nói, tội nhân trong địa ngục sợ hãi những con quỉ tốt đầu trâu mặt ngựa này cầm những cây gậy nanh sói, rượt đuổi những tội nhân này, tội nhân sợ hãi chạy vào trong núi để lẫn trốn, vừa chạy vào trong núi thì núi này bèn khép lại, không để thoát một người nào cả. Hai quả núi khép lại, khi người bị kẹp ở trong đó, trong Kinh miêu tả xương thịt bầy nhầy, máu chảy thành sông. Chúng ta thấy cái quả báo này phải liền nghĩ đến nghiệp nhân này. Họ đã tạo là nghiệp nhân gì? Nghiệp nhân này vô cùng phức tạp, đủ thứ ác nghiệp chiêu cảm nên quả báo như vậy. Con người không những ở trong một đời, mà trong vô lượng kiếp ác nghiệp đã tạo quá nhiều quá nhiều rồi, cho nên đọa vào địa ngục là quả báo chung. Tất cả tội nghiệp này của bạn thảy đều phải ở trong đây thọ báo cho đến hết. Nói theo lý thì lìa khỏi địa ngục đó là người tốt, nghiệp chướng đều tiêu hết rồi. Không sai, nghiệp chướng hết rồi, nhưng tập khí vẫn còn, phiền phức là ở chỗ này! Tập khí vẫn còn. Nếu như bên trong còn tập khí phiền não, bên ngoài không chịu nổi sự cám dỗ của ác duyên ngũ dục lục trần, thì phiền phức lớn rồi, lại bắt đầu tạo rồi. Ra khỏi rồi vẫn tiếp tục không ngừng tạo. Bạn nói vậy thì nguy hiểm cỡ nào? Nhân quả tuần hoàn, không bao giờ dứt.
“Địa ngục Thông Thương”, cũng gọi là địa ngục Kiếm Diệp. “Thương” là đao thương của thời xưa. Nghiệp nhân vẫn là sát sanh. Trong sát sanh bao gồm tất cả chiến tranh ở trong đó, đặc biệt là ở trong chiến tranh giết người một cách bừa bãi, mặc tình giết hại tất cả chúng sanh, tạo ra nghiệp báo.
“Địa ngục Thiết Xa”, trong "Kinh Lăng Nghiêm" nói: “Tư báo kết vào hơi thở thì thành xe lửa”. Cũng gọi là địa ngục Hỏa Xa. Xe là xe bằng sắt, toàn xe được nung đỏ, tội nhân là phải dùng sợi gân của chính họ, rút gân của mình ra, để làm dây kéo chiếc xe này. Phía sau có những con quỉ tốt thúc giục bạn, rượt đuổi bạn. Trong “Kinh Hiền Ngu” có nói, Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong đời quá khứ đã từng đọa qua địa ngục này. Mấy người kéo chiếc xe sắt này, khi nhìn thấy trong đó có một người bị rút gân thì vô cùng đáng thương, vô cùng đau khổ, nên đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào lúc đó đã phát tâm từ bi, yêu cầu quỉ tốt, tôi có thể rút thêm một sợi gân tặng cho người ấy không? Quỉ tốt nhìn thấy hình ảnh này của Phật Thích Ca Mâu Ni, bèn dùng gậy nanh sói đập chết Ngài. Đập chết liền siêu sanh ngay, liền ra khỏi địa ngục. Ở trong địa ngục động một niệm tâm thiện liền thoát khỏi ngay. Khi khởi một niệm tâm thiện đó, quỉ tốt nhìn thấy căm ghét bạn, nên dùng gậy đập bạn chết, bạn liền thoát khỏi địa ngục rồi. Cho nên chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Chúng ta người niệm Phật A-Di-Đà, tâm tâm niệm niệm tương ưng với Phật, nếu có người đánh chết chúng ta liền được siêu sanh ngay, đánh chết liền về thế giới Cực Lạc, thoát khỏi lục đạo luân hồi. Sao bạn có thể oán hận họ chứ? Còn không kịp cảm ơn nữa là. Đây là thật, không phải giả. Niệm niệm tương ưng với Tây Phương Tịnh Độ, niệm niệm tương ưng với các việc thiện. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi các bậc thượng thiện cùng ở, niệm niệm tâm địa thuần thiện, không có một mảy may ác ý thì chúng ta mới có phần nắm chắc được vãng sanh, một chút cũng không hoài nghi. Tâm thiện, lời nói thiện, hành vi thiện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì đâu có lý nào không vãng sanh? Người như vậy không sanh Tịnh Độ, thì còn người nào có thể sanh Tịnh Độ nữa? Cho nên chúng ta phải giành được phần chắc chắn nhất định về Tây Phương Tịnh Độ. Cách làm này của bạn là không sai. Đối với tất cả người, sự, vật trong thế gian đều vui vẻ, đều cảm ơn, không có một mảy may oán hận, không có mảy may thù địch nào, như vậy là tốt.
Thứ bảy “Địa ngục Thiết Sàng”. Chiếc giường này cũng là dùng lửa nung đỏ lên. Người bị thọ hình phạt bảo họ nằm lên giường, giống như chúng ta hiện nay gọi là nung trên tấm sắt, còn nghiêm trọng hơn cả nung trên tấm sắt nữa. Nung trên tấm sắt, cái tấm sắt đó không có nung đỏ, còn đây là nung đỏ rồi. Đức Phật nói ở trong Kinh, loại hình phạt này phần lớn là do tà dâm, là quả báo của dâm dật.
Thứ tám là “Địa ngục Thiết Ngưu”, trong Kinh văn phần sau sẽ nói đến.
Thứ chín là “Thiết Y”, là y phục dệt bằng sắt, cũng là nung thật đỏ lên cho tội nhân mặc. Tội nhân mặc Thiết Y vào thì toàn thân đều bị cháy rụi. Trong Kinh nói cho chúng ta biết, loại nghiệp nhân này là họ trong đời quá khứ ở cõi người dùng roi đánh đập tổn hại chúng sanh hữu tình, tạo nên quả báo này. Ngoài ra là xuất gia phá giới, hưởng thụ y phục do tín đồ có tín tâm cúng dường, nên phải bị quả báo này. Cổ đức có hai câu nói nói rất hay: “Nay thấy Cà Sa rời khỏi mình, tương lai sẽ bị áo sắt trói thân”. Chính là nói về quả báo của địa ngục này. Cho nên dưới chiếc áo cà sa mà mất thân người, chúng ta khoác chiếc áo cà sa đi tạo tác tội nghiệp. Cà sa là nhãn mác của nhà Phật. Khoác lên chiếc áo cà sa thì trách nhiệm sứ mệnh là tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sinh. Chúng ta nhận được bảng hiệu của Phật này, mà không đi làm công việc này, đây chính là dưới chiếc áo cà sa mất thân người, tương lai ở trong địa ngục thọ quả báo của địa ngục Thiết Y.
Thứ mười là “Thiên Nhẫn”. Nhẫn là lưỡi dao, lưỡi dao sắc bén. Trong “Kinh Quán Phật Tam Muội” nói, đây là những chúng sanh không vâng theo lời chỉ dạy của lão sư, phản thầy nghịch đạo, không biết ơn đức, trộm cắp đồ của thầy, hãm hại thầy, sỉ nhục, trêu đùa bỡn cợt thầy, thậm chí là phỉ báng, đánh đập giết hại, tạo loại ác nghiệp này, sẽ đọa vào địa ngục Thiên Nhẫn. Ngoài nghiệp nhân này ra, hoặc giả là Sa Môn, Bà La Môn làm chuyện phi pháp, làm những việc không đúng như pháp, không biết xấu hổ, dùng tâm ác phá hoại Tam Bảo. Giống như phá hoại đạo tràng, phá hoại tượng Phật, phá hoại tháp miếu, đoạt lấy pháp vật, giết hại cha mẹ, anh em, chị em thân thuộc. Người tạo những tội nghiệp này, khi mạng chung đều đọa vào địa ngục này. Thiên Nhẫn, ở trong lưỡi dao đều phát ra lửa. Đao Nhẫn giống như địa ngục Đao Luân ở phía trước, từ trên không rơi xuống giống như mưa vậy, người này cũng là bị thịt nát xương tan.
Thứ mười một “Địa ngục Thiết Lư”, thứ mười hai “Địa ngục Dương Đồng”. Dương Đồng là tội báo của khẩu nghiệp, và quả báo của ăn uống, đây là thuộc về khẩu nghiệp. Dương Đồng ác khẩu. Đây là đồng được nấu chảy ra cho tội nhân uống. Nước đồng sau khi đổ vào miệng, thì lục phủ ngũ tạng đều cháy rụi hết.
Thứ mười ba “Địa ngục Bão Trụ”. Đây chính là bào lạc. Cây cột, cột sắt, đốt cho thật đỏ lên sau đó bảo tội nhân ôm cột. Phật ở trong Kinh nói, đây cũng là do chúng sanh ngu si trong thế gian nhiễm ái tà dâm, nên đọa vào địa ngục này. Địa ngục này là vô cùng vô cùng tàn khốc. Đầu năm Dân Quốc, cư sĩ Chương Thái Viêm từng làm phán quan ở Đông Nhạc Đại Đế, ông đọc Kinh cảm thấy địa ngục Bão Trụ quá tàn khốc, đã từng thỉnh cầu Đông Nhạc Đại Đế có thể hủy bỏ hình phạt này được không? Đông Nhạc Đại Đế bèn sai hai Tiểu Quỉ dẫn ông để đích thân ông đến hiện trường xem, trở về sẽ nói tiếp. Tiểu Quỉ dắt ông đến địa ngục này, ông không nhìn thấy gì cả, thế là mới chợt ngộ ra, mới biết đây là do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Bạn không có nghiệp lực này thì bạn không thể nhìn thấy, mới biết là tự làm tự chịu, chứ không phải do vua Diêm La lập ra hình phạt này cho tội nhân thọ nhận. Cho nên vua Diêm La cũng vô phương. Cảnh giới địa ngục là do tự tâm mình biến hiện ra, do nghiệp lực hiện ra, chứ không có quan hệ gì với những quỉ vương này. Những đầu trâu mặt ngựa trong địa ngục này, những con quỉ tốt này từ đâu mà có vậy? Cũng là do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Là giống như một người nằm mộng vậy, cảnh giới nó là như vậy. Cho nên ông mới hiểu ra đạo lý này.
Cảnh giới của địa ngục, trong Kinh phần trước nói rất rõ ràng, chỉ có hai hạng người có thể nhìn thấy, một là người thọ tội, thứ hai là Bồ-tát vào trong địa ngục để độ chúng sanh. Bồ-tát có loại định lực này, có loại công phu này có thể đột phá cảnh giới này, họ có thể nhìn thấy được. Nếu như không phải hai loại người này, dù địa ngục ở trước mặt bạn bạn cũng không thể nhìn thấy được.
Đây là quả báo của tà dâm. Trong Kinh nói một ngày một đêm chín trăm ức lần chết đi sống lại. Sống chết thật sự ở trong từng sát-na.
“Địa ngục Lưu Hỏa”. Ở trong “Tam Pháp Độ Luận” gọi nó là địa ngục Đại Khốc. Trong "Kinh Lăng Nghiêm" nói: “Trong hai tướng mùi vị của quả báo, thì tướng thứ hai là phun ra khí, lửa mạnh tung bay, cháy rụi xương tủy”. Đoạn này trong "Kinh Lăng Nghiêm" cũng là nói địa ngục Lưu Hỏa. Trong địa ngục này khắp nơi đều là lửa thiêu đốt ngùn ngụt, không có đường thoát thân. Quỉ tốt ở trong đây không có một mảy may tâm từ bi nào, rượt đuổi ở phía sau, không có cách gì trốn thoát. Cho nên tình trạng khốn khổ khó mà miêu tả nổi.
Thứ 15 là “Địa ngục Canh Thiệt”. Đây là do tạo khẩu nghiệp: nói dối, nói hai lời, nói lời thô ác, nói thêu dệt. Người tạo loại khẩu nghiệp này, gọi là địa ngục Kéo Lưỡi, sau khi kéo lưỡi ra còn dùng lưỡi cày để cày. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, lưỡi nhỏ như vậy, lưỡi cày lớn như vậy làm sao cày được? Địa ngục là hóa thân. Địa ngục lớn bao nhiêu thì thân hình của họ cũng lớn bấy nhiêu. Cho nên khổ báo này chúng ta không thể nào có thể tư duy tưởng tượng ra được.
“Địa ngục Tỏa Thủ”, ở trong “Tam Pháp Độ Luận” gọi là địa ngục Hoạt (Sống). Trong địa ngục này, những quỉ tốt trong địa ngục đó cầm dao, rìu, những loại vũ khí sắc bén này chặt đầu tội nhân, mổ thân thể tội nhân ra. Nghiệp nhân này chúng ta rất dễ dàng tưởng tượng ra được. Là quả báo của sát sanh, sát sanh ăn thịt. Hình ảnh bạn giết hại chúng sanh như thế nào, đến địa ngục này quỉ tốt sẽ đối xử với bạn giống y như vậy. Nghiệp nhân quả báo không mảy may sai chạy.
“Địa ngục Thiêu Cước”, cũng gọi là địa ngục Nhiệt Khôi. Tro bạn nhìn thấy giống như tro, thực ra trong đó là lửa, đều là đang thiêu cháy. Tội nhân đi qua chỗ này, thì bàn chân, đầu gối, chân đều cháy khét. Tội nghiệp này cũng có rất nhiều loại. Loại thứ nhất là trước đây ở cõi người, đem chúng sanh hữu tình, chúng sanh có mạng sống cho vào trong lửa thiêu, cho vào trong than nóng hoặc giả ở trong cát nóng để nung nấu. Hiện nay chúng ta nhìn thấy, có một số người đi du lịch, đến những vùng có suối nước nóng, nhiệt độ của nước và cát đều rất cao. Mọi người hay làm gì? Luộc trứng gà. Vài ba phút thì trứng luộc chín rồi. Ở trong trứng đều có mạng sống. Hiện nay có một số loại trứng không phải là trứng có trống. Nhưng trước đây, trứng thảy đều là có mạng sống. Giết hại chúng sanh, bạn sẽ gặp phải quả báo này. Trong cái quả báo này còn bao gồm, trong nghiệp nhân này bao gồm cả tà dâm, bao gồm cả phá giới, đều là phải bị cái nghiệp báo này.
Thứ 18 là “địa ngục Đạm Nhãn”. Đây là trong Kinh này nói có rất nhiều nghiệp nhân bất thiện biến hiện ra loại quả báo này. Bạn thấy ở trong địa ngục có những con chim sắt, chim ưng sắt chuyên mổ mắt tội nhân ăn, bạn không cách gì phòng bị được, cướp mất hai mắt của tội nhân. Sau khi cướp đoạt xong, gió thổi qua, họ lại sống trở lại, mắt lại mọc trở lại, chim đó lại đến ăn mắt bạn tiếp. Phật ở trong Kinh nói nghiệp báo này có quan hệ với nghiệp uống rượu. Thích uống rượu, thích ăn thịt phải gặp quả báo như thế này.
Thứ 19, “địa ngục Thiết Hoàn”. Đói thì nuốt viên sắt, khát uống nước đồng đun sôi, đói ăn viên sắt, những quả báo này đều là có quan hệ với chuyện ăn uống vô độ.
Thứ 20, “địa ngục Thiết Phu”. Trong “Kinh Trường A Hàm” nói, ở trong địa ngục này, người thọ tội sợ hãi bối rối, không có cửa trốn thoát. Nguyên nhân gì tạo thành vậy? Do liên lụy đến oan gia chủ nợ nhiều đời trước, tuy oan gia chủ nợ không có hiện tiền, mà tự nhiên biến hiện ra cảnh giới này. Cảnh giới này có thể có hay không? Chúng tôi nghĩ là có. Khi chúng ta tạo tác tội nghiệp rất nặng, tuy oan gia trái chủ không có tìm đến, nhưng tối nằm mộng, mộng thấy những oan gia trái chủ này tìm đến, sợ toát cả mồ hôi, kinh hoàng khiếp vía. Cảnh giới trong mộng đó chẳng phải là do mình biến hiện ra sao? Trong mộng có thể biến ra những cảnh giới này, sau khi chết rồi ở địa ngục, địa ngục cũng giống như trong mộng vậy. Cho nên cảnh giới này là rất có thể xảy ra. “Phu” chính là chiếc rìu, là cùng ý nghĩa với chiếc rìu. Phần lớn thuộc về khẩu nghiệp. Người xưa nói: Búa rìu ở trong miệng, nên giết người cũng từ lời nói ác độc mà ra. Gây chuyện sanh sự, bới móc thị phi, phỉ báng đối với người thiện, khen ngợi đối với người ác, thì phải thọ cái quả báo này. Thiết Phu, cái rìu lớn này, nặng hơn nhiều so với dao thông thường. Cái rìu này cũng đều là lửa. Tất cả những loại vũ khí bằng sắt, bằng đồng trong địa ngục này đều không thể lìa khỏi lửa, cả một biển lửa, họ phải đọa lạc vào địa ngục để thọ báo.
Thứ 21 là “địa ngục Tranh Luận”, thứ 22 là “địa ngục Đa Sân”. Hai tính chất này tương tự nhau, có thể hợp chung lại nói. Cho nên phía sau, chúng tôi không có dựa theo thứ tự của nó. Ở trong Chú giải của Đại sư Thanh Liên cũng nói “Tranh Luận, Đa Sân” tuy là hai địa ngục, nhưng nghiệp nhân của nó là một. Tranh Luận bắt nguồn từ tham dục, đố kỵ. Bởi do tâm tham, bởi do tâm đố kỵ, cho nên tạo nghiệp sân hận, chiêu cảm nên quả báo như vậy. Bạn thích tranh luận, đọa vào trong địa ngục sẽ tranh luận không ngừng nghỉ. Cuộc sống này rất khổ! Đa sân, sân hận không ngừng nghỉ, đọa vào loại địa ngục này. Trong “Tam Pháp Độ Luận” nói: “Lại do tội, nên tay tự nhiên sinh vuốt sắt, sắc bén như dao, hình giống như nửa mặt trăng vậy. Ai nấy sinh ý oán kết, anh bức bách tôi, nay tôi bức bách anh, vì thế sinh tâm sân hận, vồ chụp xâu xé lẫn nhau”. Đây là giải thích rõ, tội báo không phải đến từ bên ngoài, mà quả thật là do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Tay của tội nhân tự nhiên biến thành dao bén, ở trong đây tự mình giết chính mình, không phải người khác đến giết hại bạn, không phải do người khác đến báo thù bạn. Trong Chú giải của Đại sư Thanh Liên đã làm một cái tổng kết cho chúng ta, tổng kết hay vô cùng: “Nên biết tất cả các pháp đều là hư dối”. Trong "Kinh Kim Cang" nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”. Địa ngục Vô Gián, A Tỳ cũng không ngoại lệ. Những người bị đọa vào trong đó họ không giác ngộ, họ cho hư vọng là thật. Là giống như chúng ta ở thế gian hiện nay vậy. Cho nên bạn phải biết, địa ngục, phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Chúng ta hiện nay thế nào? Chúng ta hiện nay cũng là phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. “Một không thì tất cả đều không, một vọng thì tất cả đều vọng, một chân thì tất cả đều chân”, không có đối lập. Nếu như bạn có đối lập, thế là sai rồi! Nói vọng thì tất cả đều là hư vọng, nói chân thì tất cả đều là chân thật, vậy là đúng rồi, vậy là không trái lại nhân quả, không đi ngược lại chân tướng sự thật. Từ đó cho thấy, tuy là cảnh giới hư huyễn không thật, giống như đời người hư huyễn không thật hiện nay của chúng ta. Chúng ta ở trong đây thật sự là có cảm thọ khổ, vui, lo, mừng không?
Địa ngục là nơi khổ cùng cực. Bạn vào trong đó có phải thọ hay không? Phải thọ. Chỉ có những người thật sự hiểu rõ tình trạng của lục đạo, thập pháp giới họ mới không thọ. Họ ở trong lục đạo, thập pháp giới, họ không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đó gọi là siêu phàm nhập Thánh. Chưa đến cảnh giới này thì bạn phải thọ. Hay nói cách khác, bạn cho rằng vẫn có ta, có người thì lục đạo luân hồi bạn phải thọ. Đến khi nào bạn không còn ta, không còn người, trong "Kinh Kim Cang" nói bốn tướng không rồi: “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”, bạn là Bồ-tát rồi, lúc đó bạn ở trong địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô Gián bạn sẽ không thọ cái khổ này. Bạn là Bồ-tát, có thể vào địa ngục Vô Gián để thị hiện, để độ hóa chúng sanh. Giống như Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở trong địa ngục Hỏa Xa vậy. Người thọ tội, khi con người thọ đau khổ cùng cực, họ không thể hồi tâm chuyển ý được, họ niệm niệm đều là đang khổ, họ không thể nghĩ đến chuyện khác. Bồ-tát thị hiện ở nơi đó, ta rút thêm một sợi gân tặng cho họ, để giảm bớt đau khổ cho họ, là đánh thức chúng sanh địa ngục. Ngài vẫn có thể quên mình vì người. Chúng sanh địa ngục có cái niệm như vậy, họ liền thoát ra rồi. Có một niệm tâm thiện liền thoát khỏi địa ngục, thọ khổ của họ liền giảm nhẹ ngay, và thời gian thọ khổ được rút ngắn. Một niệm tâm thiện, tâm thiện yếu ớt đi nữa cũng có lợi ích lớn đối với họ. Cho nên Bồ-tát ở trong địa ngục làm đủ dạng thị hiện như vậy. Ở trong đó không có dạy bảo, dạy bảo họ không có thời gian để nghe, họ cũng không có tâm trạng để nghe. Cho nên chỉ có thị hiện những hình ảnh như vậy để họ nhìn thấy xong mà giác ngộ. Chư Phật, Bồ-tát ở tất cả nơi chốn của chúng sanh hữu tình (địa ngục cũng là một trong những nơi chốn), cách thức, phương pháp giúp đỡ chúng sanh mỗi nơi mỗi khác. Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Cho nên Bồ-tát chỉ dạy đại chúng, chúng ta nhất định phải xa lìa tất cả tranh đấu, phải thật sự làm được không tranh với người, không cầu gì ở đời. Tại sao vậy? Thân tâm thế giới đều không thể được, bạn tranh cái gì? Bạn cầu cái gì? Thật sự làm được vô tranh, vô cầu, thì tâm chúng ta định rồi, tâm thanh tịnh rồi, vậy mới có thể đạt được lợi ích thù thắng chân thật của Phật pháp.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết rồi. Chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
**********************************
Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện (tập 16)
Người giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Địa Điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Tháng 5, năm 1998.
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 174
Hôm nay : 18240
Tháng hiện tại : 748537
Tổng lượt truy cập : 59961193
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.