Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Nữ Đức Vi Yếu

Nữ Đức Vi Yếu - Chương Hai: Phu Phụ

Chủ nhật - 29/09/2019 18:37

Nhãn

Kính thưa các thầy cô giáo, hôm nay chúng ta tiếp tục học tập chương thứ hai trong sách “Nữ Giới” là chương “Phu Phụ”.

Chương này nói về đạo vợ chồng, chúng ta biết vợ chồng là mối quan hệ then chốt nhất trong nhân luân. Trong năm mối quan hệ ngũ luân thì mối quan hệ vợ chồng là vô cùng quan trọng. “Thuyết Quái Truyện” trong “Chu Dịch” có nói: “Có trời đất rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi mới có cha con, có cha con rồi mới có quân thần, có quân thần rồi mới có trên dưới, có trên dưới thì mới có lễ nghĩa, nên đạo vợ chồng không thể không trường cửu”. Đoạn văn này nói rõ vợ chồng là điểm khởi nguồn của nhân loại, có vợ chồng thì mới có năm loại quan hệ nhân luân, mới có tôn ti lớn nhỏ. Trong xã hội hiện nay mối quan hệ vợ chồng là đề tài được mọi người quan tâm nhất. Hiện nay tỉ lệ ly hôn rất cao, làm thế nào để xử lý mối quan hệ vợ chồng? Đều là “người nhân có cách nhìn của người nhân, kẻ trí có cách nhìn của kẻ trí”, mỗi người nói một kiểu, nên mọi người không tìm ra được căn bản của vấn đề. Vậy cái căn bản của vấn đề là gì?

Trong phần Tiên Chú của Vương Tương có nói: “Phụ nữ nếu làm đủ ba điều trên, thì sau đó có thể làm vợ”. Cũng chính là nói khi bạn đã hiểu rõ ba việc cần làm trong chương “Ti Nhược” rồi thì bạn mới có tư cách làm vợ người, bạn mới đủ điều kiện gả vào nhà người khác. Nếu như nhắm mắt gả cho người thì đây là việc rất nguy hiểm. Thế nên, trong mối quan hệ vợ chồng thì người phụ nữ chiếm một vị trí rất quan trọng. Trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là trong quá trình tôi học tập Nữ Đức đã gặp phải rất nhiều trường hợp phát sinh từ thực tế. Có một vị thầy kể cho tôi nghe rằng người bạn trai mà cháu gái của thầy quen không được người nhà của cháu gái thầy đồng ý, thầy hỏi tôi nên làm thế nào? Tôi nói trước tiên phải trao đổi với cháu gái về tiêu chuẩn mà cô ấy lựa chọn bạn trai là gì? Từ nhỏ cha mẹ đã dạy dỗ cô ấy như thế nào, vì sao cô ấy lại có tiêu chuẩn chọn bạn đời như vậy? Hiện nay cha mẹ chỉ đơn thuần cực lực phản đối, nên cô ấy không thể tiếp nhận. Lúc cô ấy còn nhỏ cha mẹ đã không dạy dỗ, nên hiện giờ cô ấy yêu chỉ dựa trên cảm tình, người nhà đã cảm thấy hai đứa không phù hợp nên chúng sẽ không ở với nhau lâu đâu. Tôi nói cần phải tùy duyên, có khi áp đặt quá cũng không tốt. Thế nên, sự kết hợp của vợ chồng không thể vì lợi, không thể vì sắc, không thể vì quyền thế, nếu như xem trọng về mặt nghĩa, thì nên dùng lý trí chứ không nên dùng cảm tình.

Trong quá trình chúng ta trưởng thành, lý tính của con người rất quan trọng, nếu như thời thời có thể đặt lý tính ở vị trí đầu tiên, đặt cảm tình ở vị trí thấp hơn thì khi làm việc sẽ dễ dàng đề khởi được chữ nghĩa, sẽ nghĩ làm như thế này có phù hợp đạo nghĩa hay không, có phù hợp ân nghĩa, tình nghĩa hay không, sẽ không dễ dãi lựa chọn đối tượng. Chúng ta đã xem thấy rất nhiều ví dụ rất hay, như ví dụ về thầy Chung Mao Sâm chẳng hạn, mẹ của thầy đã bồi dưỡng và dẫn dắt thầy cách lựa chọn người bạn đời đầy lý trí và chín chắn. Lúc thầy học năm thứ hai đại học đã thích một người bạn gái, mẹ của thầy đã nói chuyện một cách chính thức với cô gái đó, đồng thời cũng nói chuyện với thầy, giúp con trai xác lập chí hướng xa rộng, không nên đem tinh lực đặt vào chuyện tình cảm cá nhân sớm như vậy, cho dù người đó có ưu tú đến đâu cũng phải nên có cái nhìn xa rộng hơn. Bởi vì thầy Chung từ nhỏ đã được mẹ dạy dỗ rất tốt, nên khi nghe mẹ giải thích như vậy, thầy đã buông việc này xuống một cách dễ dàng, cô gái kia nghe xong cũng cảm thấy tiếp nhận được. Thế nên, thầy Chung mới có thể ra nước ngoài học lên Tiến Sĩ một cách thuận lợi, sau đó còn dấn thân vào sự nghiệp của Thánh Hiền. Rất nhiều người mẹ đối với quan niệm lựa chọn bạn bè và bạn đời của con cái không xử lý một cách nghiêm túc, không thể phân tích một cách lý trí, cho nên con của họ đã đi sai ngay từ bước đầu tiên. Nhân sinh có một câu nói là “thận ư thủy” (cẩn thận từ lúc ban đầu), lúc mới bắt đầu rất quan trọng. Thầy Thái đã từng giảng rằng, chúng ta rất nỗ lực, rất dụng công nhưng phương hướng đã sai mất rồi thì bước đầu tiên vẫn là sai, cho dù có dụng công nỗ lực đến đâu thì cũng sẽ hành động trái với mục đích, sẽ không có được hiệu quả. Thế nên, lúc ban đầu cần bồi dưỡng cho con quan niệm chính xác trong việc lựa chọn bạn, sau đó giúp con biết lựa chọn người bạn đời của mình như thế nào. Bên cạnh đó cũng phải giáo dục con gái cho tốt, có câu rằng “không có cây ngô đồng thì không thể nào dẫn chim phượng hoàng vàng đến được”, nếu như bản thân không có đức hạnh và học vấn tốt thì người nam có tốt đến mấy cũng không chịu lấy bạn về làm vợ.

Tôi còn nhớ vào năm 1989, tôi mới vừa 17 tuổi, đi học đại học, thời đó vẫn còn rất đơn thuần không giống như hiện nay, tôi còn trẻ nên cũng không hiểu chuyện lắm. Vào học không bao lâu thì tôi nhận được một lá thư tình của bạn học nam. Lúc đó tôi đọc không hiểu, tôi còn hỏi bạn cùng phòng với tôi, bạn ấy nói là người kia muốn kết bạn, tôi nói tôi chưa từng có kinh nghiệm. May mà lúc đó ông nội tôi đến Bắc Kinh công tác, bởi vì từ nhỏ gia giáo trong nhà của tôi là có việc gì phải trình lên người lớn, nên tôi đã đưa lá thư đó cho ông tôi xem, ông nội đã nghiêm khắc nói với tôi rằng không được yêu đương khi học đại học, phải chuyên tâm học tập, học xong rồi hẵng tính. Mặc dầu bốn năm đại học có vài bạn nam bày tỏ tình cảm với tôi nhưng tôi đều từ chối, cho nên bốn năm đại học tôi không quen bạn trai, thực sự là chuyên tâm học tập. Chồng của tôi là bạn học cấp ba với tôi, sau khi tốt nghiệp đại học chúng tôi mới bắt đầu qua lại. Chồng tôi là người bạn trai duy nhất trong đời này mà tôi kết giao, sau khi chúng tôi tìm hiểu hơn một năm thì kết hôn, cho đến hôm nay tôi đã kết hôn mười bảy năm, có hai đứa con trai, tôi thấy việc này phải cảm ân sự gia giáo nghiêm khắc của trưởng bối. Kỳ thực nhân sinh không cần quá nhiều lựa chọn, quá nhiều lựa chọn sẽ dễ bị hoa mắt, đặc biệt là đối với phụ nữ. Chúng ta đều có kinh nghiệm khi đi mua sắm quần áo, chọn tới chọn lui, đi thêm năm sáu tiệm nữa rốt cuộc cả buổi sáng cũng không mua được bộ nào. Bạn chỉ cần vào một tiệm nhỏ, chỉ có vài bộ quần áo thôi thì bạn sẽ nhanh chóng lựa chọn được. Thế nên quá nhiều lựa chọn không phải là một việc tốt. Tôi cũng gặp rất nhiều bạn nữ chọn bạn đời, lựa tới chọn lui, sau cùng lại kết hôn với người ít vừa ý nhất. Vợ chồng là duyên, có thiện duyên, ác duyên, không duyên thì không gặp, giữa vợ chồng với nhau không được đòi hỏi quá khắt khe, muốn tìm một người thập toàn thập mỹ thì có thể cả đời này sẽ tìm không ra. Đối với nam giới cũng vậy, nếu như “không phải Tây Thi thì không lấy” thì có thể cả đời này sẽ không kết hôn. Thế nên, khi gặp nhau, tuổi tác tương xứng, hoàn cảnh tương xứng, điều kiện bản thân đều đầy đủ thì các bạn có thể kết hợp với nhau. Tôi kết hôn với chồng cho đến ngày nay, cả hai đều có thay đổi rất lớn, bất luận là chồng tôi hay tôi thay đổi đi chăng nữa, anh ấy nói tôi đã thành tựu cho anh ấy, còn tôi cũng cảm thấy anh ấy thành tựu cho tôi. Chúng tôi đều là cùng nhau tiến bộ, mười mấy năm sánh bước cùng nhau, trải qua những bước thăng trầm, và cũng đã từng đi trên thảm đỏ, đến ngày hôm nay tôi tự xét chính mình ít ra cũng xứng đáng với cha mẹ, không như những gia đình hiện nay bất hòa, ly hôn, sự nghiệp sa sút. Thế nên, tôi cảm thấy hôn nhân cũng giống như học tập, cũng cần phải “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Chỉ có như vậy thì mới có thể dụng tâm vào sự nghiệp gây dựng cuộc sống gia đình, biết trân quý cái duyên được làm vợ chồng này.

PHU PHỤ CHI ĐẠO, THAM PHỐI ÂM DƯƠNG, THÔNG ĐẠT THẦN MINH, TÍN THIÊN ĐỊA CHI HOẰNG NGHĨA, NHÂN LUÂN CHI ĐẠI TIẾT DÃ. (Tạm dịch: Đạo nghĩa vợ chồng là sự phối hợp âm-dương, cảm ứng thần minh. Đây là đại đạo nghĩa trong trời đất, cũng là đạo lớn trong quan hệ nhân luân.)

Câu mở đầu của chương này nói về quan hệ vợ chồng. Ở đây mượn câu nói trong sách “Lễ Ký” là “phu giả, thị phụ chi thiên dã”, tức “chồng là bầu trời của vợ”. “Dương cứng rắn, âm nhu thuận là đại khí của trời đất, vợ chồng hòa hợp yêu thương nhau là điều quý giá.” Câu này nói về sự kết hợp giữa vợ chồng. Âm đại biểu cho nhu, dương đại biểu cho cương, chữ “tham” có nghĩa là hòa, tức nói quan hệ vợ chồng là sự phối hợp giữa âm và dương, cương và nhu, không phải đơn thuần chỉ có một mặt, như vậy thì không thể hòa được. Khi có sự phối hợp thỏa đáng thì mối quan hệ hài hòa này phù hợp với đạo của trời đất, phù hợp với bản tính con người, có thể thông đạt thần minh. Chữ “thông” ở đây có nghĩa là “minh liễu” (thấu suốt), “đạt” có nghĩa là “cứu cánh” (rốt ráo), chính là thấu suốt rốt ráo. Chúng ta xem chữ “thần”, nếu tra chữ “thần” trong “thuyết văn giải tự” thì không phải như chúng ta hiện nay nghĩ là “thần” trong “thần tiên”, theo cách viết phồn thể thì phần bên trái của chữ “thần” này, phía trên có hai nét ngang, còn bên dưới thì giống như chữ xuyên (川 : con suối), ở đây có nghĩa là tam tài, bao gồm thiên, địa và nhân, giống như con suối vậy, suối không ngừng chảy thì nước mới trong, mới thấu suốt. Nói một cách khác, người mà đối với hết thảy sự việc của vũ trụ vạn vật không gì không biết thì được gọi là thần. Thế nên, phối hợp với chữ “thần” là chữ  “minh”, bởi vì người này đã thấu suốt, đã thông đạt rốt ráo rồi. Vì sao có thể liễu giải, thông đạt, hiểu rõ thấu đáo vậy? Là do hai phần cương và nhu phía trước đã phối hợp hết sức tốt đẹp, từ đây mà hiểu ra được đạo lý vận hành của vạn vật trong vũ trụ. Vì vậy, muốn hiểu rõ đạo, muốn thấy đạo thì hãy bắt đầu từ mối quan hệ vợ chồng mà tìm ra lẽ đạo. “Tín thiên địa chi hoằng nghĩa”, “hoằng” có nghĩa là lớn, chính là tin tưởng cái nghĩa to lớn trong trời đất. “Nhân luân chi đại tiết dã”, đại tiết là đại đạo, chính là đạo lớn trong mối quan hệ giữa người với người. Cổ huấn có nói: “trời đất hòa hợp rồi thì vạn vật hưng, âm dương hòa hợp rồi thì mưa tuôn xuống, vợ chồng hòa hợp thì gia đạo thành, đó chính là cái nghĩa của cương-nhu hòa hợp vậy”. Đoạn này có hàm nghĩa rất sâu, trong lúc học tập thường ngày chúng ta cần tham cứu nhiều lần để tỏ ngộ, nếu như ngộ ra đạo lý này rồi thì sẽ hiểu thấu được tất cả. Ví dụ như chúng ta xem thấy quan hệ giữa vợ chồng có hai loại, một loại là thiện duyên, tức là duyên phận rất tốt, cả một đời không cãi cọ, ân ái cho đến bạc đầu. Cái còn lại là ác duyên, hễ gặp mặt là cãi nhau, sau đó thậm chí chưa hết một đời mà mới vừa kết hôn thì đã ly hôn, như vậy vẫn còn tốt, còn có khi đánh đập nhau, tạo thành án hình sự. Hai mối quan hệ này rất là vi diệu, có khi thiện duyên biến thành ác duyên, có khi ác duyên dần dần chuyển hóa thành thiện duyên. Thế nên, số mạng không phải là cố định, mà có thể thay đổi. Thế nhưng, sự thay đổi này cần dựa vào sự tích đức hành thiện của bản thân, cần không ngừng nỗ lực, không chán nản mệt mỏi. Hai loại duyên phận này nếu như nói một cách tường tận hơn nữa thì có thể có đến bốn loại, bốn loại quan hệ này nếu như từ góc nhìn đơn thuần hiện nay mà nói thì rất nhiều người sẽ khó mà hiểu thấu. Tôi xin giới thiệu với mọi người một cuốn sách, tôi đã mua tặng cho rất nhiều bạn bè, là cuốn sách “Kiếp trước kiếp này” của tiến sĩ Weiss của Mỹ. Cuốn sách này từng là cuốn sách bán chạy nhất trong một thời gian, hiện nay trên mạng vẫn là sách bán chạy. Tiến sĩ Weiss là một bác sĩ tâm lý học nổi tiếng, là tiến sĩ y học, ông chủ yếu làm nghiên cứu về tâm lý và thôi miên tâm lý. Trong quá trình ông thôi miên cho bệnh nhân tình cờ phát hiện con người có đời trước, có đời này, không phải đơn thuần chỉ sống đời này. Sách “Kiếp trước kiếp này” chủ yếu kể về một nữ bệnh nhân tên Catherine, thông qua quá trình thôi miên, cô ấy đã nhớ đến rất nhiều sự việc trước đây, thông qua thôi miên cô ấy có thể nhìn thấy được những người hiện tại ở bên cạnh cô có duyên phận gì với cô, có một người đã làm mẹ của cô trong rất nhiều đời, thật bất khả tư nghị. Còn có ác duyên, duyên phận không tốt, cho đến đời này vẫn là không tốt, hai người vẫn là gặp mặt là cãi nhau. Xem cuốn sách này bạn sẽ hiểu rõ rằng, vợ chồng trên thực tế là từ hai loại duyên phận này mà triển khai ra, duyên phận tốt thì là báo ân, trả nợ, duyên phận không tốt thì là báo oán, đòi nợ. Nếu là báo ân thì hai người đều rất tốt, cảm ân lẫn nhau. Còn nếu là trả nợ thì có thể sẽ không có tâm cung kính, chỉ là cung cấp tiền tài cho gia đình. Ví dụ như người chồng chỉ có đưa tiền chứ không thực sự hết lòng, người vợ cũng là như thế. Báo oán thì quan hệ rất không tốt, rất tệ. Còn đòi nợ thì cũng như thế, dày vò nhau xong rồi, xài hết tiền rồi cuối cùng thì đường ai nấy đi. Cho dù là mối quan hệ như thế nào, tôi nghĩ chỉ cần giữ trọn bổn phận của chính mình, sau khi đã thông đạt, minh liễu thì số mạng có thể thay đổi. Chúng ta học Nữ Đức, bản thân phụ nữ thuộc về tính âm, tính âm đi với tính nhu. Sự nhu hòa này nhất định phải là sự nhu hòa xuất phát từ trong tâm thể hiện ra bên ngoài, chứ không phải là sự nhu hòa bề ngoài mà trong tâm thì rất cang cường, như vậy hoàn toàn không đúng rồi. Thế nào gọi là tâm nhu hòa? Chính là cần phải nhân từ, nếu như tâm của phụ nữ không mềm mỏng, tâm cang cường bất thiện thì còn độc hơn cả bọ cạp, có thể là ngoài mặt thì tươi cười nhưng có thể giết người chết tươi, từ xưa đã có câu nói: “không gì độc hơn tâm địa phụ nữ”. Có một ông chủ rất có tiền, chúng tôi đã từng ăn uống trò chuyện với nhau, ông ấy nói đùa rằng, ông ấy nhất định phải đối xử tốt với ba người, thứ nhất là phải đối tốt với bà xã, nếu không thì sẽ không biết mình vì sao mà chết. Thứ hai là phải đốt tốt với người giúp việc, đặc biệt là người giúp việc nấu cơm, không được tùy tiện mắng cô ấy. Thứ ba là phải đối xử tốt với tài xế, nếu không anh ấy ngủ mất thì không biết sẽ lái chiếc xe về hướng nào, thế nên bản thân ông phải cẩn thận. Lời nói đùa này của ông bên trong có hàm nghĩa rất sâu. Cho nên, tôi cảm thấy phụ nữ cần phải có tâm nhu hòa, tâm phải thiện, thế nhưng trong sự nhu hòa và thiện này nhất định cần phải có nguyên tắc của chính mình, có trí tuệ của chính mình. Trong nhà Phật chúng ta có một câu nói là: “từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”, đừng vì cái tâm mềm yếu, tốt bụng của mình mà trở thành người không có nguyên tắc, như vậy thì rất là phiền phức. Thế nên, mẹ chồng tôi dạy tôi làm bất cứ việc gì cũng đều chừng mực, không được đối tốt với người một cách quá mức, nhưng đối với người không tốt thì không đúng mực. Cái tâm này khi cần cứng rắn thì phải cứng rắn, không thể quá mềm yếu, quá mềm yếu kỳ thực là đã nhân nhượng cho dục vọng nào đó của bản thân, nhưng như thế có thể khiến cho đối phương sinh ra phóng túng mà làm một số việc không tốt. Vì vậy, sự nhu hòa của chúng ta bên trong cần có nguyên tắc, phải nhu hòa nhưng vẫn chánh trực, nhu và hòa đi đôi với nhau. Chữ “hòa” có rất nhiều hàm nghĩa, chúng ta làm thế nào để hòa với người? Trước tiên về mặt kiến giải, chúng ta có hòa với người hay không? Nếu không hòa về mặt kiến giải thì không phải là hòa chân thật. Mỗi người chấp vào thành kiến của riêng mình, gọi là “đạo bất đồng không thể cùng mưu sự”, kiến giải của bạn và kiến giải của họ hoàn toàn là hai con đường khác nhau thì không cần cứng nhắc mà kết hợp với nhau làm gì, cũng không nên chỉ trích người kia có chỗ nào không tốt, người ta đến lúc hồi đầu giác ngộ thì có khi còn tốt hơn cả chúng ta. Chúng ta cần phải lùi một bước. Sau cùng cần phải quay về chữ “kính”, chính là chương phía sau “Kính Thuận”. Đi với nhu là hòa, đi với hòa là kính, cho nên chữ “nhu” của phụ nữ kỳ thực có hàm nghĩa rất sâu. Chân thực thâm nhập vào việc học tập Nữ Đức, nhất định phải đào sâu và những hiện tượng bề ngoài, tham thấu vào bên trong, đừng chỉ học trên lời văn mà thôi. Nếu học và thực hành trên mặt văn tự thì đó là việc chúng ta về nhà bưng nước rửa chân, mua thức ăn ngon, giặt quần áo, toàn bộ đều là hình thức bên ngoài. Nếu thực sự đã học hiểu thấu đáo rồi thì thế nào? “Một khi thấu hiểu rồi thì thế thái nhân tình thảy đều là học vấn”. Hiểu rõ ngọn ngành nhân tình thế thái rồì thì sẽ có biểu hiện như thế nào? Trong tâm của chính mình không có bất kỳ phiền não gì, làm bất kỳ việc gì cũng đều vô cùng có trí huệ, trong lúc làm đều hết sức an định vững chãi, vô cùng tự tại, vô cùng điềm đạm. Người khác vừa nhìn sẽ khen ngợi bạn, nhưng không biết khen bạn tốt ở chỗ nào, đó là cảm giác không thể diễn đạt được, không quá nồng nhiệt, cũng không quá lãnh đạm, mọi thứ đều rất vừa vặn thỏa đáng. Thế nên, tôi nghĩ có thể học đến sau cùng, đến trình độ như thế này chúng ta sẽ có một chút cảm giác “thông đạt thần minh”, làm vợ, làm mẹ đều rốt ráo. Sau cùng xin nói thẳng ra là, khi bạn làm phụ nữ một cách hoàn thiện rốt ráo rồi thì sẽ thông đạt được mọi thứ. Có thể cả đời này chúng ta trên phương diện này mà học tập, nhưng không nhất định là sẽ học tới nơi, không sao cả, chỉ cần mỗi ngày tiến bộ hơn một chút là tốt rồi.

THỊ DĨ LỄ QUÝ NAM NỮ CHI TẾ, THI TRƯỚC QUAN THƯ CHI NGHĨA, DO TƯ NGÔN CHI, BẤT KHẢ BẤT TRỌNG DÃ. (Tạm dịch: Thế nên chương đầu tiên của sách “Lễ Ký” xem trọng đến sự khác biệt về vai trò giữa nam và nữ. Bài thơ đầu tiên trong “Kinh Thi” là “Quan Thư” cũng ngụ ý rằng vợ chồng nên có quan hệ tình nghĩa như đôi chim Thư Cưu một đời trung thành với nhau. Từ những lời dạy trên có thể thấy, đạo vợ chồng là điểm khởi đầu của nhân luân, ngàn vạn lần không được xem nhẹ.)

Câu nói này vô cùng quan trọng, là phần tiếp theo câu ở phía trước. Trong phần Tiên Chú của Vương Tương, câu này nói về Thánh Vương, tức chỉ cho Thánh nhân, tiên Vương, như Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, các ngài chế lễ (Lễ được chế định bắt đầu từ Chu Văn Vương, nên được gọi là Chu Lễ). Cẩn thận từ lúc bắt đầu, từ sự khác biệt vai trò giữa nam và nữ, bởi vì giữa nam và nữ có rất nhiều điểm không giống nhau. Trong khi Khổng Tử biên soạn “Kinh Thi”, bài thơ đầu tiên trong 300 bài “Kinh Thi” là “Quan Thư” nói về việc Văn Vương muốn tìm người thục nữ để việc nội trị được tốt đẹp, phần này nói về Nữ Đức và mối quan hệ giữa vợ và chồng. Đạo vợ chồng là điểm khởi đầu của nhân luân, không thể không xem trọng. Phần này lời ít ý nhiều, ý nghĩa được nói đến bên trong thật sâu xa vô cùng.

LỄ QUÝ NAM NỮ CHI TẾ.

Ý nghĩa của câu này là nam nữ qua lại giao thiệp với nhau cần chú trọng lễ. Trước tiên nhìn chữ “lễ”, trong sách “Lễ Ký” phần đầu tiên nói lễ tức là “không được bất kính”. Như thế nào mới gọi là kính? Phần phía sau nói chữ “lễ” này quý ở chỗ “nam nữ chi tế”, chữ “tế” này nếu như tra trong “Thuyết Văn Giải Tự” thì thấy nó có nghĩa là gì? Chỗ cát và đá kết hợp với nhau, sự kết hợp này không có kẽ hở, không có vết tì hằn, vô cùng hoàn hảo, đây được gọi là “tế”. Nam nữ làm thế nào kết hợp với nhau một cách hoàn hảo không sai khuyết? Quý ở chỗ có cái “lễ” này. Từ bên trong mà nói thì lễ chính là đối xử với hết thảy người, sự, vật đều giữ lòng cung kính. Biểu hiện bên ngoài của lễ là làm người hiểu lễ tiết và có lễ độ. Lễ tiết là gì? Là làm bất kỳ việc gì đều có tiết chế, ví dụ như cúi chào, gật đầu chào một chút như vậy chưa gọi là cúi chào, nhưng nếu như bạn cúi người mà như muốn nằm sấp xuống thì hơi quá lố rồi. Thế nên, cần có tiết chế, vừa vặn thích hợp, cho nên chữ “lễ” đi kèm với chữ “tiết”. Còn lễ độ chính là hiểu quy củ, đối người tiếp vật đều hiểu rõ và giữ bổn phận. Ví dụ như tiếp đãi các lãnh đạo khác nhau thì cần dùng lễ nghi không như nhau, chúng ta đi du lịch đến các quốc gia khác nhau thì cần phải biết nhập gia tùy tục, việc này nhằm thể hiện tâm lễ kính của chúng ta. Cho nên, đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật đều cần có tâm cung kính. Tâm cung kính đó trước tiên là giữa nam nữ với nhau. Vào thời xưa lễ là để “định thân sơ, dứt hiềm nghi, phân biệt giống nhau khác nhau, hiểu rõ phải trái”, có thể thấy lễ rất quan trọng. Cổ lễ quy định nam nữ từ nhỏ phải ăn khác chiếu, ngồi khác chiếu, không được tùy tiện cùng nhau đùa giỡn. Vì sao vậy? Bởi vì cần phải xác định tính quan trọng của lễ trong sự qua lại giữa nam và nữ, một khi đã xác định tính quan trọng thì bản thân sẽ sinh khởi tâm hổ thẹn, sinh khởi sự tôn trọng đối với người khác và chính mình, sẽ không làm ra những việc trái ngược luân lý đạo đức.

Người thời nay chúng ta nhìn người xưa thường cảm thấy quá nhiều quy củ, dường như không cần thiết phải lắm thứ như vậy, nhưng lại không biết có câu thành ngữ gọi là: “ngăn lỗi ngay từ ban đầu”. Con trẻ từ nhỏ cùng nhau ăn uống, vui chơi, tùy tiện nói đùa, sau này có thể sẽ cùng nhau làm những việc trái với luân lý đạo đức. Hôm qua sau khi tôi giảng bài xong, về nhà, cha mẹ tôi kể với tôi về một chuyện có thật được phát trong truyền hình. Có một em học sinh nam, điều kiện gia đình rất tốt, cha mẹ đều là giáo viên, hình như là giáo viên trung học của huyện, mẹ dạy ngữ văn, cha dạy toán, em trai đó từ nhỏ học tập rất ưu tú. Khi em lên cấp hai, trường học cho học ở ký túc xá, cha mẹ em cảm thấy điều kiện trong ký túc xá của trường học không tốt, họ rất cưng chiều em nên đã thuê riêng cho em một căn nhà kế bên trường học để cho em ở một mình, thỉnh thoảng dì và mẹ của em đến thăm em, giúp đỡ chăm sóc em. Kết quả không ngờ rằng sau khi ở một mình em bắt đầu lên mạng, chơi game, vào những trang web sắc tình, lúc đó em cũng đã 15-16 tuổi rồi, em đã có quan hệ bất chính đối với một bạn nữ cùng lớp. Em học sinh nữ này cũng có điều kiện gia đình rất tốt, ở biệt thự, cha mẹ của em cảm thấy em là một cô gái rất ngoan, mỗi ngày tan học đều về nhà, đúng giờ đi ngủ. Không ngờ rằng biệt thự có căn phòng ở dưới tầng hầm, căn phòng tầng hầm có cửa garage, em mỗi tối đợi khi cha mẹ đi ngủ đã len lén đi ra ngoài bằng cửa garage, hẹn hò với bạn trai. Sau khi quen nhau nửa năm thì không muốn qua lại với người bạn trai đó nữa, kết quả người bạn trai đó không đồng ý. Không đồng ý thì như thế nào? Có một lần nọ, cậu ta giả vờ hẹn người bạn gái ra ngoài, trong túi thủ sẵn con dao gọt trái cây, sau khi nhìn thấy người bạn gái đó chẳng nói chẳng rằng muốn đâm cho chết. Do ở kế bên trường học, cô bé đó la lên kêu cứu, hai người bạn nam học cùng lớp chạy đến muốn cứu cô, đều là những em 14-15 tuổi, kết quả người bạn trai đó đã đâm chết luôn hai người bạn học nam kia, giết luôn ba mạng người, lại đâm bị thương hai người nữa, sau cùng đã bị bắt giam vào ngục. Cha mẹ của em trai này đau đớn vô cùng, cảm thấy mình là giáo viên mà dạy ra đứa con trai như vậy, vì sao con của mình đã trở nên như vậy?

Vì sự việc này mà cha mẹ tôi bảo với tôi rằng việc giáo dục con cái thực sự là rất quan trọng, may mà tôi đã học văn hóa truyền thống nên không thể không hiểu đạo lý, lời dạy của tổ tiên không thể không nghe. Sau khi bản thân học tập văn hóa truyền thống, tôi luôn luôn giáo dục con cái phải làm việc nhà, không được kết bạn lung tung, không xem truyền hình, không lên mạng, dựa vào lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền trong “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” mà áp dụng từng ly từng tí vào trong cuộc sống, cắm vững nền tảng giáo dục căn bản. Ví dụ, trước đây con trai của tôi rất thích chơi con quay Yo-Yo, bảo rằng bạn trong lớp ai cũng có, nó nói với cha của tôi mấy lần, tôi nói nếu muốn mua thì mua loại rẻ tiền nhất, nên đã dùng năm tệ mua cho con một cái. Một ngày nọ, nó cùng với các bạn chơi trong xóm, phát hiện con quay Yo-Yo của các bạn rất tốt, nó rất hâm mộ. Tôi hỏi thăm một bé ở đó mới biết loại rẻ nhất là 180 tệ, đắt nhất là 390 tệ, đều là hàng nhập khẩu. Con trai của tôi lúc đó đã nói với tôi một cách ủ rũ rằng con Yo-Yo của nó chẳng ra sao cả. Tôi đã cười mà nói với con rằng: “Đây chỉ là một món đồ chơi mà thôi, càng tốn nhiều tiền thì phúc báo của con càng bị tổn hao nhanh chóng, không phải là việc tốt, chúng ta có một cái như vậy chơi là tốt rồi, con và em trai đừng nên so sánh với người khác về cái này, mà hãy so sánh về đức hạnh, về sự hiếu thuận cha mẹ, lao động tiết kiệm, vậy thì đức hạnh và phúc báo của các con sẽ càng tích càng dầy, tương lai mới đạt được niềm vui hạnh phúc thực sự”. Con trai nghiêng đầu lắng nghe xong cảm thấy rất vui, nó không còn bận lòng nữa. Những phụ huynh chúng ta trong quá trình học tập văn hóa truyền thống xin đừng hành động cực đoan, ví dụ như vừa mới học văn hóa truyền thống thì không cho con đi học nữa, nói rằng hoàn cảnh ở trường học không học “Đệ Tử Quy” nên không tốt, không thể để cho con bị ô nhiễm, không cho con chơi đồ chơi nào cả v.v. Có khi như vậy sẽ phản tác dụng, nếu như áp đặt thái quá, dù sao chúng cũng chỉ là đứa trẻ 8-9 tuổi, chúng ta cũng không thể hoàn toàn cách ly chúng với hoàn cảnh bên ngoài, thế nên sự giáo dục mưa dầm thấm lâu của cha mẹ mỗi ngày là vô cùng quan trọng. Nhất định phải giúp con hiểu rõ đạo lý, trường thời huân tập có thể giúp con sinh ra sức mạnh miễn dịch, có thể tự động chế ngự được sự ảnh hưởng của tà tri tà kiến lên chúng. Thế nên, chúng ta làm mẹ phải biết hoàn thành sự giáo hóa con cái một cách tùy thuận mà có trí huệ.

Nói đến câu “lễ quý nam nữ chi tế” tôi cũng nghĩ đến một sự việc nhỏ vừa mới xảy ra. Tối hôm qua con trai lớn của tôi ở nhà làm thiệp chúc mừng năm mới, nó đến trưng cầu ý kiến của tôi, nói muốn tự mình làm thiệp chúc tết mẹ, thầy cô và bạn học, sau đó nó còn nói rằng: “Mẹ ơi, con muốn tặng thiệp cho một bạn học nữ, bạn ấy là lớp trưởng lớp con, nhân phẩm rất tốt, có thể tặng bạn ấy được không ạ?” Bởi vì tôi thường nói với con trai rằng nam nữ có sự khác biệt, cần chú ý việc qua lại với bạn học nữ, con trai tôi tuy mới 8 tuổi nhưng rất nghe lời. Tôi nghe con trai nói như thế, suy nghĩ rồi nói rằng có thể được, nhưng làm xong phải đưa tôi xem. Kết quả, nó dụng tâm làm xong tấm thiệp đến đưa cho tôi xem, tôi lập tức liền nói không phù hợp, không thể tặng. Nó rất ỉu xìu hỏi rằng vì sao không thể tặng? Tôi nói con xem tấm thiệp này phía trên dán một trái tim, phía sau trái tim còn có vòng tròn, nếu như mẹ là phụ huynh của bạn nữ này thì sẽ nghĩ, ai đã tặng cho con mình cái thiệp này vậy, người này muốn gì đây? Con tôi nói: “Mẹ ơi, đây là sự thể hiện của tình yêu, giữa người và người đều cần nói lời yêu thương”. Tôi nói không thể tùy tiện nói yêu được, đặc biệt là người không học văn hóa truyền thống sẽ hiểu nhầm, tôi nói con hãy đem tấm thiệp này tặng cho bà ngoại. Thay vào đó, con có thể vẽ ngôi sao, hoặc mặt trăng, mặt trời, rồi dán thêm vài bông hoa và cỏ, viết vài lời chúc bạn ấy học tập tốt, giúp đỡ lẫn nhau. Con trai tôi sau khi nghe hiểu thì rất vui mừng mà đồng ý. Chúng ta trong lúc học tập đừng cảm thấy việc học này xa rời cuộc sống thực tế của chúng ta quá. Thế nào gọi là: “Lễ quý nam nữ chi tế” vậy? Không hề xa rời chút nào, từ việc giáo dục con cái cho đến việc tiếp xúc với chồng, rồi việc giao tế qua lại với người trong xã hội. Cổ nhân có dạy rằng: “Mắt tùy tiện nhìn thì ắt bị dụ hoặc, tai tùy tiện nghe thì ắt bị mê hoặc, miệng tùy tiện nói thì ắt bị loạn, ba điều này phải cẩn thận mà giữ gìn vậy”.

Những chi tiết nhỏ mà chúng ta cần phải chú ý trong cuộc sống hằng ngày rất nhiều. Có một cuốn sách rất hay tên là “Thường Lễ Cử Yếu” do Thầy Lý Bỉnh Nam biên soạn. Chúng ta có thể thông qua việc học tập “Thường Lễ Cử Yếu” để biết làm thế nào nói chuyện với người, làm thế nào xử sự, thậm chí làm thế nào ăn cơm, đi đứng, nằm ngồi. Người không học thì không biết đạo lý. Khi học “Thường Lễ Cử Yếu” tôi nhớ lời dạy như thế này: “Qua ruộng dưa thì chớ buộc giày, dưới cây mận thì đừng sửa mũ”, bởi vì khi bạn chỉnh mũ lại cho ngay ngắn thì người khác nghi ngờ là có phải bạn muốn ăn trộm mận hay không? Ở trong ruộng dưa thì chớ cúi người xuống mà buộc giày, người khác sẽ nghĩ có phải bạn muốn trộm dưa hay không? Sự hiềm nghi này thông thường khi giao tiếp qua lại với người khác giới đặc biệt cần chú ý, bao gồm cả việc tiếp xúc với chồng, ví dụ bạn gọi điện thoại, len lén lút lút vào trong phòng gọi điện thoại cho một người nam, chồng của bạn sẽ cảm thấy vì sao mà lại tránh mặt mình thế không biết? Khi bạn đi ra ngoài công tác mà không nói với chồng một câu, đến nơi cũng không báo một tiếng, đúng lúc lại cùng đi với một người nam khác, cùng nhau làm việc, thế thì phiền phức rồi. Bởi vì phụ nữ thời nay không giống thời xưa, vào thời xưa không có phụ nữ ra ngoài đi làm, đều đóng cửa ở trong nhà, quy phạm khá tốt. Hiện nay chúng ta ra ngoài làm việc, có rất nhiều mối quan hệ giao tế, lúc này chúng ta cần chủ động đặt cho mình một vài quy củ. Những quy củ này chính là lễ tiết và lễ độ mà chúng ta hôm nay đã học, sau đó chúng ta cần phải cung kính thể hiện lễ tiết và lễ độ này trong cuộc sống, như vậy mới là xác lập cái “lễ” trong mối quan hệ vợ chồng.

THI TRƯỚC QUAN THƯ CHI NGHĨA.

“Thi” là chỉ cho “Kinh Thi”. Đoạn này thể hiện rằng “Kinh Thi” chú trọng việc hiển bày nghĩa lý của chương “Quan Thư”. Nghĩa lý ở phần này là gì? Như trong chương “Chu Nam” có viết: “Quan Thư, hậu phi chi đức dã,  Phong chi trị dã, sở dĩ phong thiên hạ nhi chánh phu phụ dã. Cố dụng chi hương nhân yên, dụng chi bang quốc yên”. Ý nói rằng, bài thơ “Quan Thư” nhằm nói lên đức hạnh của bà hậu phi, khởi nguồn từ thể thơ tên là “Phong”, dùng để giáo hóa thiên hạ, đồng thời đoan chính đạo vợ chồng, có công dụng rất lớn đối với dân chúng ở thôn quê và phong khí của đất nước. Ngoài ra, “thị dĩ Quan Thư nhạo đắc thục nữ dĩ phối quân tử, ưu tại tiến hiền, bất dâm kỳ sắc, ai yểu điệu, tư hiền tài, nhi vô thương thiện chi tâm yên. Thị Quan Thư chi nghĩa dã”. Trên thực tế ở đây là tán thán tâm lượng của bà Thái Tự, một trong ba bà Tam Thái khai quốc triều nhà Chu, bà có thể không có tâm đố kỵ, vì Chu Văn Vương tuyển chọn hiền nữ, hy vọng triều nhà Chu có người kế thừa.

Quan Thư là cách nói rút gọn của “Quan Quan Thư Cưu”, “quan quan” là âm thanh tiếng chim kêu, Thư Cưu là một loại chim, khá giống loài Thủy Ưng, chúng quen sống ở phần mỏm đất nhô lên trên sông. Loài chim này vì sao được đưa và trong “Kinh Thi” và được khen ngợi như vậy? Bởi vì loài chim này có hai đặc tính. Thứ nhất là con trống và con mái suốt đời chỉ có một người bạn đời, khi chúng đã chọn được đối tượng tốt rồi thì sẽ kết hợp với nhau, không hề có người bạn đời thứ hai, nếu một trong hai con chết đi thì con còn lại sẽ ở một mình cả đời. Đặc điểm thứ hai là khi chúng giao phối thì đều tránh né con người và những loài chim khác, chúng núp vào phía sau bụi cỏ, chúng cũng có lễ tiết và cảm giác xấu hổ. Từ hai điểm này chúng ta có thể nhìn thấy cái nghĩa của chim Thư Cưu. Cái “lễ” mà phần trước đã nhắc đến nên thực hiện ra sao, chính là đến sau cùng thể hiện được cái nghĩa của loài chim Thư Cưu, nếu như không làm được thì không có cái lễ thực sự. Nói một cách khác, cho dù bạn có đối xử tốt với chồng như thế nào, làm việc nhà có tốt đến đâu, đồng thời còn thể hiện ra sự khiêm hạ và chăm chỉ, nhưng sau lưng bạn lại cùng một người đàn ông khác làm những chuyện không hay, không giữ trinh tiết thì vợ chồng không thể nào có thể sống với nhau đến bạc đầu được. Thế nên, làm phụ nữ trước tiên cần phải giữ trinh tiết, tâm phải chuyên, phải định, phần “Chuyên Tâm” ở phía sau sẽ giảng làm thế nào để nhất tâm. Phụ nữ nhất tâm thì sẽ thành tựu đức hạnh lớn nhất của phụ nữ, đó là đức hạnh gì? Đó chính là toàn bộ đức hạnh sâu dày của cô ấy (là hậu đức).

Chúng ta xem chữ “trinh” có 4 lớp hàm nghĩa.

Tầng nghĩa thứ nhất chỉ cho sự trong sạch trinh tiết, phụ nữ cần giữ trinh tiết, đối xử tốt với bản thân bắt đầu từ việc giữ trinh tiết. Tầng nghĩa thứ hai của chữ “trinh” là “chính”, chính thì sẽ chuyên, chuyên thì sẽ không đối lập, không đối lập với tất cả người, sự, vật. Không có đối lập thì có thể buông xuống tự ngã, buông xuống tự ngã thì có thể mở rộng tâm lượng, thành tựu cho người khác. Phụ nữ có tâm lượng lớn thì phúc báo sẽ lớn. Tầng nghĩa thứ ba của chữ “trinh” chính là “thành” trong “chân thành”. Tâm chân thành thì không có tạp niệm, không có hai ý niệm, đối xử với người bằng tâm chân thành là phẩm hạnh rất hiếm có của người phụ nữ. Tầng nghĩa thứ tư của “trinh” là “định”. Định chính là làm bất kỳ việc gì tâm cũng không động, tâm không bị cảnh giới bên ngoài dao động. Nếu bên ngoài gió vừa thổi thì cỏ đã lay động rồi, tâm thần lỏng lẻo dễ lay động như thế thì sao được. Ví dụ như có người gọi điện thoại cho bạn nói chồng của bạn ở bên ngoài thế này thế nọ, bạn liền lập tức cảm thấy đất trời sụp đổ, về nhà la hét ỏm tỏi không chút an định, kỳ thực có thể là chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Những sự việc như thế này rất nhiều, bất luận trên sự nghiệp gặp phải thách thức gì, hay là trong gia đình xuất hiện mâu thuẫn gì, thì người phụ nữ phải giữ được “định”, giữ được “chính” không loạn, giữ tâm như như bất động, định tâm trong công việc gia đình thì hết thảy sự việc bên ngoài người chồng sẽ tự nhiên có thể giải quyết được.

Có một câu chuyện về một phụ nữ rất đức hạnh đã khiến tôi xúc động sâu sắc. Khi cô còn trẻ thì chồng của cô ra ngoài ngoại tình, đối với việc chi trả tất cả những chi phí trong gia đình cô ấy đều không một lời than oán. Có khi chồng của cô còn dắt cả nhân tình về nhà, cô còn phải làm đồ ăn cho họ, nhưng không hề than trách, cũng không oán trách. Sau đó, chồng của cô và người phụ nữ đó có với nhau một đứa con, họ cũng chẳng nuôi dưỡng, đem về cho cô, cô ngoài việc nuôi đứa con trai lớn của mình ra còn phải nuôi đứa con trai nhỏ của họ. Đứa bé ấy ở với cô cho đến năm 17 tuổi, nó không hề biết cô không phải là mẹ ruột của nó. Sau này, chồng của cô cùng người phụ nữ kia ra ngoài sống, không quay về nữa. Đột nhiên có một ngày có người bảo cô vào bệnh viện, nói có người tìm cô, không tìm được người khác thay thế. Hóa ra chồng của cô bị ung thư giai đoạn cuối, nằm ở trong bệnh viện, không có người chăm nom, còn người phụ nữ kia của chồng cô đã bị tai nạn xe cộ trở thành người thực vật rồi, cả hai người đều nằm viện. Người thân bạn bè của họ không có người nào đến thăm, đều khinh bỉ họ. Vì vậy, bệnh viện phải tìm đến người vợ trước, thật ra vợ chồng họ vẫn chưa ly hôn, bệnh viện mong người vợ đến chăm sóc cho chồng. Người phụ nữ đó thật là vĩ đại, cô lấy đức báo oán, không hề có chút oán trách, đến bệnh viện không chỉ chăm sóc hầu hạ chồng mà còn chăm sóc cho người phụ nữ kia của chồng. Cô gọi đứa con mà cô đã nuôi nấng đến kể hết sự tình cho nó nghe, cô nói “hiện giờ con cần phải vì mẹ ruột của mình mà tận hiếu, tận nghĩa vụ, con phải giúp mẹ chăm sóc cho mẹ của con, mẹ đã 60 tuổi rồi, tuổi tác đã lớn sợ không lo xuể”. Đứa con trai đó đã không thừa nhận, nói rằng không thể được, “mẹ chính là mẹ của con!”. Cô ấy nói không phải vậy, sau cùng cô ấy đã dẫn con trai đến trước giường của người vợ hai của chồng, nói “con của cô đây, hôm nay tôi để nó đến chăm sóc cô”. Kết quả, kỳ tích xuất hiện, người phụ nữ đó vốn là người thực vật nằm trên giường bệnh đã chảy nước mắt. Chúng tôi nghĩ đó là giọt nước mắt hổ thẹn, xấu hổ, hối hận. Người chồng của cô cũng mắc bệnh nặng đầy thân, sống không còn bao lâu nữa, cô mỗi ngày đều chăm sóc tận tình. Kết quả, một ngày nọ người chồng của cô đột nhiên giật hết tất cả các ống truyền dịch trên người mình ra, dùng hết sức lực lăn xuống dưới giường, quỳ xuống chân vợ khấu đầu rất lâu, nói lời xin lỗi. Câu chuyện này tôi đã đọc được từ nhiều năm trước, mỗi lần đọc xong đều rất cảm động, cảm thấy trên thế gian này vẫn còn có người như vậy, đáng cho phụ nữ chúng ta học tập. Chúng ta có bao giờ ngẫm xem, cái gì mới là tình yêu thương lớn lao trên thế gian, thế nào mới là người có lòng nhân đích thực? Trong lời dạy xưa có nói về chữ “nhân” (仁) là “trời đất và ta cùng một cội, vạn vật và ta cùng một thể”, đây chính là lòng nhân đích thực, nên mới có câu “nhân giả vô địch” (người nhân không có kẻ thù). Một người thật sự nhân ái từ bi sẽ không đối lập với bất kỳ người nào. Khi không có đối lập thì bên trong không có phiền não, bên ngoài cũng không có kẻ địch. Một người có thể bao dung hòa ái với tất cả người trong thiên hạ thì thực sự sẽ không có người thù địch. Chúng ta vẫn còn gặp phải những người có ác ý với mình, nhất định là do vấn đề của chính mình, buông xuống đối lập chính là buông xuống phiền não, chỉ có buông xuống sự đối lập trong tâm thì hết thảy ô nhiễm trong tâm đều biến thành những đóa hoa sen. Nghĩ đến đời người ngắn ngủi có bao lâu thực sự là không cần tự chuốc lấy phiền não, ngàn vạn lần đừng lấy sai lầm của người khác trừng phạt bản thân, đối xử tốt với người tức là đối xử tốt với chính mình.

Còn có một câu chuyện khác cũng khiến tôi rất là xúc động. Thời xưa có một người phụ nữ, không giữ trinh tiết, ở bên ngoài lang chạ, kết quả chồng của cô ta biết được, nhưng người chồng không hề nói gì cả. Một ngày nọ, người chồng kêu vợ đến nói “hai ngày nữa ta phải đãi khách, nay báo với nàng trước một tiếng”, người vợ không xem chuyện đó là quan trọng, nói “được thôi”. Người chồng mỗi ngày ra ngoài làm việc, phải lao động vất vả, trong lúc làm việc trong tâm anh biết rất rõ là vợ của mình ở nhà tư thông với người đàn ông khác. Trưa hôm đó anh đột nhiên trở về nhà, còn mua rất nhiều rượu và thức ăn. Bởi vì anh ấy về nhà quá đột ngột, gã nhân tình của vợ còn chưa đi khỏi, kẹt ở trong nhà, trong lúc cuống quýt gã liền chui xuống gầm giường. Vợ của anh bước ra hỏi anh sao hôm nay về nhà sớm vậy? Anh nói “chẳng phải ta đã nói với nàng là phải đãi khách đó sao?” Vợ của anh hỏi “khách nào?” Người chồng nói “khách ở trong phòng, nàng hãy giúp ta mời anh ấy ra đây, ta đã làm cơm xong rồi.” Vợ của anh nói “anh đừng có ăn nói linh tinh, trong phòng làm gì có khách nào”. Anh không hề tức giận mà nói “nàng hãy mau mời anh ấy ra đây, đừng để trễ nải thời gian, cơm nước tôi đã làm xong rồi, đừng để nguội lạnh”. Sau cùng, ép người đàn ông đó phải đi ra cùng anh ăn cơm, ăn nửa chừng anh rót một ly rượu, sau đó anh đột nhiên quỳ xuống đất dâng rượu cho người đàn ông kia. Gã kia nói anh đừng làm như vậy, anh nói không sao cả, “bữa cơm này là bữa cơm cuối cùng của tôi, sau khi ăn xong tôi sẽ đưa cho anh ba thứ, thứ nhất là giao cái nhà này cho anh, thứ hai là giao vợ cho anh, thứ ba là giao tất cả tài sản cho anh, sau đó tôi sẽ ra đi, tôi vô cùng biết ơn anh đã đem những gánh nặng này đi cho tôi”. Gã đàn ông kia sợ quá không dám nhận, người chồng nói không nhận không được, “nếu anh không nhận thì tôi sẽ dùng con dao này chém anh”. Gã đàn ông kia đành phải nhận. Người chồng ăn cơm xong thì rất tiêu sái[1] ra đi xuất gia. Xuất gia một thời gian không lâu thì đạo nghiệp thành tựu. Kết quả, chưa đến ba năm gã đàn ông của người vợ cả ngày không chịu làm việc, gia sản nhanh chóng lụn bại, sau cùng đối với người vợ không đánh thì mắng. Ng,ười vợ rất hối hận, chạy đến chùa tìm người chồng, cầu mong anh về nhà. Anh nói “nàng đừng đến tìm ta, việc này không thể được”. Người vợ nhớ đến việc trước đây chồng mình thích ăn cá, liền làm một món cá mang đến nói người chồng nhất định phải ăn, “là do chính tay em làm cho chàng”. Nào ngờ, người chồng ném đĩa cá ấy xuống nước, con cá đột nhiên sống lại, cho đến nay cái hồ nước ấy vẫn còn, gọi là “Đầm Hắc Ngư”.

Từ hai câu chuyện trên có thể thấy rằng, thế nào mới được gọi là “thông đạt”, phía trước đã nói đến câu “thông đạt thần minh”. Hãy từ cái nghĩa của loài chim Thư Cưu mà phản tỉnh chính mình, không ngừng nâng cao đức hạnh của bản thân, đồng thời cũng có thể buông xuống tình chấp của thế gian, không nên quá chấp trước vào cái gọi là “tình cảm”. Vợ chồng là duyên, duyên tụ duyên tan, khi có duyên ở chung với nhau nhất định phải trân quý, đối với nhau có lễ. Còn khi duyên phần không tốt, ví dụ như chồng ở bên ngoài ngoại tình thì cũng đừng nên đau thương quá mức, chúng ta tu cho tốt đức hạnh của chính mình đến đúng lúc thì tự nhiên sẽ có sự chuyển hóa. Người chồng sẽ có báo ứng của anh ấy, giống như câu chuyện thứ nhất, người vợ rất tốt, trong ngoài thôn đều khen ngợi cô ấy, kết quả chồng của cô ấy không bao lâu sau mắc bệnh nặng, rồi chết, trước khi chết rất hối hận, dập đầu nhận lỗi với cô ấy. Ngoài ra, cái nghĩa của loài chim Thư Cưu còn khiến cho chúng ta phản tỉnh rằng là phụ nữ cần phải có tâm biết hổ thẹn. Hiện nay chúng ta rất ít khi nhìn thấy phụ nữ biết yêu thương mình, biết tự trọng, tự tôn. Có một lần tôi đi giảng ở nơi khác trở về, lúc ở sân bay nhìn thấy các cô gái và chàng trai rất trẻ, ở ngay trong nhà hàng tại sân bay, bá vai ôm eo rất phóng túng. Cô gái đó không cảm thấy ngại ngùng, chàng trai kia được thể càng phóng túng hơn. Nếu như đối với bản thân không có sự ước thúc và yêu cầu, chính mình đã không trân trọng bản thân, thì sao đàn ông có thể tôn trọng mình được chứ? Cái gọi là “yêu” đó chỉ là tình dục mà thôi. Nếu phụ nữ không tôn trọng bản thân, mặc tình để người đùa bỡn, trên thực tế đã hạ thấp bản thân mình đến mức không bằng cầm thú. Nếu có một ngày bị người nam kia bỏ rơi thì cũng là việc bình thường. Giống như ở ví dụ trên, cô gái đó chỉ mới 15 tuổi thôi nhưng đã chôn vùi sinh mạng của mình rồi, vì đã không tôn trọng chính mình. Thế nên, sự giáo dục tu dưỡng đạo đức cho bé gái từ nhỏ rất là quan trọng, cần dạy các em tôn trọng chính mình, thông qua việc xem trọng thân thể mà xem trọng tiết tháo của chính mình, xem việc bảo vệ trinh tiết như bảo vệ thanh danh của chính mình. Người xưa có câu, trên thế gian có bốn việc cần phải cẩn thận, thứ nhất là danh tiếng, rất khó để tạo nên tiếng tăm tốt nhưng nếu như muốn đạp đổ thì rất dễ dàng, chỉ cần cử chỉ khinh xuất là tiếng tăm sẽ bị hủy. Thứ hai là sự nghiệp, sự nghiệp thì dễ làm nhưng thành công thì lại khó. Ví dụ như mở công ty rất dễ, nhưng rất ít công ty có sự nghiệp thành công. Thứ ba là dối trá, nói được nhưng làm không được, đó chính là dối trá. Thứ tư là làm được nhưng không nói được, thực sự làm người khi đối mặt với hoàn cảnh, khi phải lựa chọn giữa việc làm và lời nói thì cứ làm đi là tốt rồi.

DO TƯ NGÔN CHI, BẤT KHẢ BẤT TRỌNG DÃ.

“Tư” nghĩa là ở đây, nghĩa là nói từ đây mà học tập, “bất khả bất trọng dã” chính là vô cùng quan trọng. Trong “Luận Ngữ” có nói “bất học lễ, vô dĩ lập”. Vô dĩ lập là thế nào? Là không thể lập thân, không thể cắm được cái gốc làm người trong thế gian này.

Thời xưa, có câu chuyện tên là “Châu Tuyên       Khương Hậu”, xuất phát từ “Liệt Nữ Truyện”. Châu Tuyên Khương Hậu là con gái của Tề Hầu, là hoàng hậu của Chu Tuyên Vương, vô cùng hiền đức. Phàm những gì không hợp lễ bà đều không nói, hành vi cử chỉ không hợp lễ bà đều không làm. Tuyên Vương có một lần thức khuya nên dậy trễ, một vài phu nhân và quý phi cũng chưa ra khỏi phòng. Khương hoàng hậu sau khi bước ra đã gỡ hết trâm cài tóc và hoa tai xuống đứng đợi ở lối đi, giống như người có tội đang đợi sự trừng phạt. Đồng thời nhờ cha mẹ chuyển lời đến Chu Tuyên Vương rằng “thiếp không đủ tốt, tâm ý bất chính để lộ ra ngoài khiến cho quân vương có hành vi lỗi lầm dẫn đến dậy muộn”. Ý muốn nói quân vương dường như tham luyến sắc đẹp mà quên đi đức hạnh. “Nếu như tham luyến sắc dục sẽ phóng túng xa hoa, họa loạn sẽ phát sinh, truy cứu nguyên nhân của họa loạn là khởi nguồn từ hoàng hậu, xin hoàng thượng trừng phạt thiếp”. Nhà vua nghe xong hổ thẹn nói rằng: “Là do trẫm làm không đúng, là do lỗi của trẫm, khanh nào có lỗi gì đâu.” Nhờ vậy, ngôi hoàng hậu vẫn giữ được mà đối với việc chính sự Vua càng thêm cần mẫn, mỗi ngày đều lên triều sớm, tối mới hạ triều, thành tựu nghiệp đế một đời. Vào thời xưa, chúng ta thấy những câu chuyện về việc xem trọng lễ rất nhiều, hiện nay không có người dạy lễ, đây là một vấn đề lớn. Chúng ta rất muốn học, muốn cung kính với người nhưng không biết làm thế nào. Làm sao đây? Chúng ta hãy từ kinh điển mà bắt đầu học, tư duy suy nghĩ nhiều lần. Tôi cũng không biết học, có khi đắc tội với người mà cũng không biết vì sao lại đắc tội, việc gì làm không đúng không biết vì sao lại không đúng, thế nên tôi đem theo bên mình một cuốn sách nhỏ. Ví dụ như khi tôi đi cắt tóc tôi đem theo cuốn sách “Thái Căn Đàm”, bên trong toàn là những câu nói ngắn gọn nhưng rất tinh túy, đơn giản dễ hiểu, hết sức rõ ràng. Tôi ngồi ở đó giở sách ra xem, xem đến chỗ nào thích thú liền dùng bút dạ quang tô đoạn đó, mỗi lần đều xem một ít. Bởi vì thời gian nhãn rỗi như thế này rất nhiều, ví dụ như khi ngồi trên xe, khi tài xế lái xe thì tôi giở sách ra đọc, tôi lợi dụng thời gian như vậy mà học tập, rất là hữu dụng. Năm ngoái có một sự việc như thế này, có một người bạn giận tôi, tôi không biết giận tôi về việc gì, nhưng tôi rất muốn cải thiện. May thay ba ngày sau là tết Trung Thu, tôi nhanh chóng bảo nhân viên đến tặng bánh cho anh ấy, nhưng càng làm càng hỏng, bánh bị trả về. Tôi không hiểu tại làm sao. Kết quả, trong quá trình học tập tôi phát hiện ra có một câu nói: “vũ hậu tán, thiết vật chi; oán hậu ân, thiết vật thí”, nghĩa là đừng đợi mưa tạnh rồi mới giương dù lên cho người khác, không còn cần nữa rồi; người ta vừa mới tức giận bạn xong thì bạn đừng thi ân vào ngay lúc đó, người đó vẫn chưa nguôi giận thì sao nhận đồ của bạn được. Thế nên, lúc đó hãy buông xuống, hãy khoan gấp gáp biểu lộ ý định muốn chuộc lỗi. Trong tâm của bạn có ý định đó là được rồi, là tốt rồi, hãy để thời gian xóa nhòa đi những điều không vui. Đó là lời dạy của tổ tiên, tôi cảm thấy rất có ích.

PHU BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ NGỰ PHỤ, PHỤ BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ SỰ PHU. PHU BẤT NGỰ PHỤ, TẮC UY NGHI PHẾ KHUYẾT. PHỤ BẤT SỰ PHU TẮC NGHĨA LÝ ĐỌA KHUYẾT. PHƯƠNG TƯ NHỊ GIẢ, KỲ DỤNG NHẤT DÃ. (Tạm dịch: Người làm chồng nếu như không có phẩm hạnh hiền đức thì sẽ không thể quản thúc được vợ. Vợ nếu như không phải là người hiền huệ thì cũng không thể phụng sự được chồng. Nếu như chồng không thể quản giáo được vợ thì sẽ mất đi sự uy nghiêm. Vợ nếu như chẳng thể phụng sự chồng thì đạo nghĩa cũng chẳng còn. Tác dụng của hai việc này là như nhau, thiếu đi một thứ cũng không được.)

Ý nghĩa của đoạn này là nếu như người chồng không có tài đức thì không thể quản giáo được vợ. Chữ “ngự” này có nghĩa là tiết chế. Còn nếu như vợ không phải là người tài đức thì không thể phụng sự chồng mình. Nếu như người chồng không thể quản giáo tiết chế vợ thì uy nghi của chính mình sẽ mất, không có uy nghi. Nếu như vợ không thể phụng sự chồng thì thiếu mất đi lễ nghĩa. Hai việc này thiếu mất một điều cũng không được. Phần sau chúng ta sẽ học tập chi tiết.

PHU BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ NGỰ PHỤ.

Cái chữ “hiền” này của người chồng nghĩa là gì? Trong giáo dục của văn hóa truyền thống, giữa vợ chồng với nhau cần phải làm được “phu nghĩa phụ thính”, nên cái “hiền” của người chồng quan trọng ở chỗ hiểu nghĩa, đạo nghĩa đối với người nam rất quan trọng. “Nghĩa giả nghi dã”, người có nghĩa thì làm bất kỳ việc gì cũng hợp đạo lý, khí chất mạnh mẽ, có thể cầm được lên, có thể buông được xuống. Người đó ở bên ngoài có thể thành tựu sự nghiệp, ở nhà nhờ vào sự thành công của sự nghiệp nên có quyền lực mà hoạch định phương kế cho vợ. Đối với sự việc nhỏ nhặt trong gia đình thì không bận tâm, chuyện tiểu tiết như dầu muối trong nhà không bàn đến, nhưng đối với hoạch định lớn lao thì nắm rất vững. Ví dụ như việc dạy con cái thành người như thế nào, phát hiện ra vợ mình có sai sót chỗ nào thì cần kịp thời dẫn dắt, đây chính là tài đức của người chồng. Trong quá trình học tập tôi cũng không ngừng tư duy, người nam nhất định cần có khí chất mạnh mẽ, nếu như người nam không có khí chất mạnh mẽ thì người phụ nữ của họ sẽ khó mà thành tựu khí chất nhu thuận của nàng. Như thế thì bầu trời sẽ sụp xuống, còn mặt đất cũng không thể nào gánh chở nổi, dù có đức dầy đến đâu thì cũng sẽ rất khó khăn để gánh vác bầu trời. Thế nên, người nam cần phải đứng thẳng chống đỡ một vùng trời thì người nữ mới có thể an nhiên trở thành một dải đất được. Trong quá trình mười mấy năm chung sống với chồng, trước giờ tôi luôn cho rằng chồng tôi là người gia trưởng. Thế nhưng hiện nay tôi thấy rằng sự gia trưởng đó ngược lại có một khí chất mạnh mẽ, việc hy hữu hơn là từ chồng tôi có thể nhìn thấy được ý nghĩa của chữ “hiền” của người nam là như thế nào. Đó là có sự nghiệp, trọng nghĩa khí, hiếu thảo với cha mẹ, đối đãi khoan hậu với người nhà, không xét nét những tiểu tiết, thế nhưng đối với một vài phương diện nhỏ cần phải ngăn ngừa phòng lỗi anh ấy vẫn có thể làm được rất tốt. Lúc chúng tôi mới kết hôn, đối với những việc nhỏ anh ấy đã yêu cầu tôi làm một cách nghiêm khắc. Cho nên, tổ tiên có một câu nói “dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Ai sẽ là người “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về” vậy? Trước tiên người chồng phải dạy, khi vừa bước vào cửa nhà thì phải dạy ngay, nếu như không dạy vào lúc này, bỏ qua thời cơ này thì về sau có dạy như thế nào cũng rất khó. Lúc tôi mới về nhà chồng hai ba năm đầu đã được dạy dỗ rất nhiều, anh ấy đã dạy tôi buông xuống dục vọng khống chế đối với tiền tài, đồng thời dạy tôi buông bỏ một số tập khí của một đại tiểu thư, phải làm việc, làm đến mức nào? Chồng tôi bảo, quan trọng là ở hai nơi: nhà bếp và nhà vệ sinh. Nhà bếp không được dính dầu, nhà vệ sinh không được có mùi hôi, đây chính là hai tiêu chuẩn lớn của việc nhà. Phòng khách thì anh ấy không cần kiểm tra vì anh ấy nói phụ nữ đi ra ngoài lúc nào cũng tươi tắn, nhưng nhìn vào nhà thì thấy bừa bãi lộn xộn, như thế làm sao được? Chồng tôi còn dạy tôi làm thế nào tiếp đãi khách, nói chuyện có chừng mực. Chồng tôi quả thực là một vị thầy quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Những việc anh ấy yêu cầu lúc mới kết hôn đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong cả đời này của tôi. Tôi còn nhớ lúc mới kết hôn, có một lần anh ấy mời bạn bè ăn cơm, lúc ở bàn ăn tôi cảm thấy là tôi không nói nhiều, hình như chỉ nói có hai câu, vậy mà về nhà bị anh ấy dạy cho một bài học. Anh ấy nói “lúc ở bàn ăn khi có bạn bè là nam giới nhiều thì phụ nữ không cần nói nhiều lời xen vào, em chỉ cần ăn cơm, ngồi nghe là được rồi.” Đó chính là cổ lễ. Tôi cũng đã đem những ví dụ về sự dạy dỗ của chồng tôi chia sẻ cho các nhân viên nam trong công ty thì họ đặc biệt là những người đã kết hôn nói rằng “cho tôi xin, giám đốc Trần à, chúng tôi sao dám làm như thế, chúng tôi đều nộp lương và tiền tiết kiệm cho vợ cả rồi, sao dám ăn nói mạnh bạo như thế được, nếu làm như vậy chắc thế nào chúng tôi cũng bị họ lấy chổi quét ra khỏi nhà”. Tôi nói: “Thế không được, vậy nam tính mạnh mẽ của các anh để ở đâu?”. Họ nói: “Cần gì nam tính mạnh mẽ chứ, có thể chung sống với nhau là tốt rồi”. Thế nên, thời đại ngày nay không như vậy nữa, chúng ta nhìn thấy có một số việc không thể nào làm được, đó là vì bản thân các anh ấy không có cách nghĩ và sự yêu cầu như thế, mà đều muốn xuôi theo, đều đồng ý về nhà làm cơm, giặt đồ, vợ ra ngoài bươn chải làm sự nghiệp, làm việc điên đảo như thế. Thế nhưng điều này trái ngược với đạo của trời đất, trái ngược đạo âm dương. “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nói “nam bất trung lương, nữ bất nhu thuận”. Khi giảng bài ở một số buổi luận đàn, tôi cũng không dám nói chữ “ngự” này có nghĩa là tiết chế, nhưng trên thực tế nó mang nghĩa tiết chế. Vì sao tôi không dám nói ra, là vì cảm thấy nói ra nghe không dễ chịu, “lễ giáo của phong kiến truyền thống dựa vào điều gì mà tiết chế chúng tôi chứ?”. Kỳ thực, hai từ “tiết chế” này nếu như tách ra để xét thì chữ “tiết” có nghĩa là làm bất cứ sự việc gì cũng cần có tiết độ. Vì sao người nam lại đến để giúp chúng ta làm việc gì cũng có tiết độ? Bởi vì người nam có phương thức tư duy tương đối thiên về lý tính, còn người nữ thì thường tư duy theo cảm tính. Nếu bạn không tin thì cứ ra cửa hàng mà xem, trước những quầy hàng khuyến mãi lớn chắc chắn đều là phụ nữ, bất kể thế nào cũng mua về cái đã, thực tế khi mua về một đống rồi lấy ra tính lại thấy cũng chẳng khác gì với giá chưa khuyến mãi. Còn nam giới thì rất ít người bị kích động bởi những sự việc này. Thế nên, sự kết hợp vợ chồng chính là sự phối hợp tốt đẹp của nam và nữ, đối với một số sự việc anh ấy có thể giúp cho bạn không xử sự quá dựa trên cảm tình. Chữ “chế” có nghĩa là ngăn chặn, ngăn chặn không để bạn làm một số việc không tốt. Thiên tính nào của phụ nữ thì nặng hơn so với nam giới? Chính là đố kỵ, ngạo mạn, hẹp hòi, thích than phiền. Rất nhiều phụ nữ như thế, xem trọng tiền bạc, không xem trọng tình bằng hữu bằng nam giới. Nam giới ở bên ngoài đối với bạn bè rất rộng rãi, có thể liều mình vì bạn, có thể buông xuống một vài thứ vì bạn, còn phụ nữ thì quan tâm đến những tình cảm nhỏ cho riêng mình. Thế nên, nam giới có thể ngăn chặn sự lan rộng của tâm đố kỵ, than phiền, tham lam của phụ nữ, phát hiện mầm mống liền kịp thời ngăn ngừa cô ấy làm việc ác. Bởi vì giữa vợ chồng với nhau dễ câu thông và lắng nghe lẫn nhau. Có lúc tôi nghĩ phải chăng chúng ta dễ nghe lời của chồng hơn lời của cha mẹ? Lúc mới kết hôn, dường như những gì chồng nói chúng ta có thể tiếp nhận, nhưng cha mẹ nói thì không dễ tiếp nhận. Thế nên, ở trong đây có một đạo lý rất sâu.

PHỤ BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ SỰ PHU.

Trong sách “Tăng Quảng Hiền Văn” có câu “thê hiền phu họa thiểu, tử hiếu phụ tâm khoan”. Nghĩa là nếu vợ là người hiền thì người chồng gặp ít họa hoạn; nếu con cái là kẻ hiếu thuận thì lòng của cha mẹ sẽ thư thái dung dung. Từ xưa đến nay quả thực là như thế, nhỏ là bá tính bình dân, lớn là gia đình quyền quý, đa số gặp họa đều khởi nguồn từ chốn khuê môn. Những ví dụ như thế từ xưa đến nay rất nhiều, chúng ta xem “Liệt Nữ Truyện” có riêng một chương chuyên nói về các quốc gia đã bại vong trong bàn tay của người nữ như thế nào. Thế nên, Lưu Hướng trong cuốn thứ ba của “Liệt Nữ Truyện” có nói “Thánh Vương thuở xưa, chính việc phi thất, phi thất chính tất hưng, bất chính tắc loạn. Nhà Hạ hưng thịnh do Đồ Sơn Thị, diệt vong bởi nàng Muội Hỷ; nhà Ân hưng thịnh ở Hữu Nhung, diệt vong bởi vì Đát Kỷ; nhà Chu hưng nhờ Thái Tự, diệt vong bởi nàng Bao Tự”. Có thể thấy quốc gia hưng vong đều có quan hệ mật thiết đến hàng nữ nhân. Chúng ta có thể không đến nỗi làm hại quốc gia, nhưng có thể khiến cho gia đình mình bị hủy hoại hay không? Chúng ta phản tỉnh lại xem, nếu như chính mình không tham phấn son quần áo, không tham nhà cao cửa rộng, không tham lái xe đẹp thì chồng sẽ không dốc hết trí xảo, thậm chí làm ra những việc tham ô lừa đảo. Dục vọng của người nữ luôn luôn thôi thúc chồng mình, mỗi lần chồng về nhà liền thúc một tí, đến sau cùng người chồng như uống phải thuốc độc, mỗi ngày một chút nhưng không cảm giác, lâu ngày chầy tháng cho đến sau cùng vì tiền tài mà bất chấp thủ đoạn. Thế nên chúng ta nói người hiện nay đều là “Nhị Lang Thần”, một cái là “tài lang” (sói mê tiền tài), một cái là “sắc lang” (sói mê sắc đẹp). Tài lang và sắc lang này có phải nói về nam giới hay không? Tôi cảm thấy không phải, nếu như phụ nữ không có hai thứ dục vọng này thì nam giới sẽ không như vậy. Nếu như bạn không hề tham tài, bản thân đối với tiền tài không hề có cảm giác gì, thì người nam trong nhà bạn sẽ nghĩ “mình ra sức kiếm tiền để làm gì?” họ sẽ nhìn được thông. Bản thân tôi sau khi học văn hóa truyền thống được sáu năm thì dục vọng đối với vật chất càng ngày càng nhạt, nghĩ đến người ta đến với thế gian này với hai bàn tay trắng, lúc ra đi cũng hai bàn tay trắng, tất cả những thứ bên thân giống như khói mây thoáng qua trước mắt, vì sao không lợi dụng đời người tốt đẹp này mà hành thiện tích đức, nỗ lực nâng cao cảnh giới của chính mình? Dục vọng vật chất đều là gánh nặng và khối u của cuộc đời, chẳng có gì tốt đẹp cả. Thế nên, tôi thường nói với chồng rằng tiền gửi trong ngân hàng chỉ là một dãy số, cầm trên tay thì là một nắm giấy, nhưng lúc tiêu tiền phải xem bạn có trí tuệ hay không, nếu dùng tiền sai chỗ thì nguy rồi, sẽ rước lấy phiền phức vào thân. Ví dụ như dùng tiền đánh bạc, uống rượu, vui chơi, làm những việc thế này chính là rước họa vào thân. Không có tiền rất tốt, không tiền thì nhẹ người. Thế nên có một lần chồng tôi có một hạng mục cần phải đàm phán, anh ấy về nhà nhìn có vẻ hơi u sầu, chắc là có chướng ngại. Sau đó, tôi đã nói với anh “anh đừng suy nghĩ nhiều như thế, trước tiên anh đừng nghĩ cần phải kiếm được bao nhiêu tiền, mà anh hãy nghĩ đến việc thành tựu sự nghiệp, nghĩ đến việc thành tựu cho các nhân viên trong công ty, anh hãy nghĩ như thế, anh phải đặt cái tâm mong cầu xuống. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, làm được thì tốt, có thành hay không cũng không nên mong cầu quá mức, “nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” (người không mong cầu thì phẩm hạnh tự nhiên cao”. Ngày hôm sau, anh ấy đàm phán rất thuận lợi, anh ấy cảm thấy dường như đã buông xuống được cái tâm mong cầu, không có nhiều phiền não nữa. Ngược lại, nếu như chúng ta nói để kiếm được tiền thì cần phải thế này thế kia, sau đó nghĩ đến khi có tiền rồi thì chính mình sẽ hưởng thụ ra sao, nếu không kiếm được thì sẽ rất đau khổ. Cho nên, cần phải biết buông xuống, buông xuống tự tư tự lợi, buông xuống danh văn lợi dưỡng, buông xuống ngũ dục lục trần. Ví dụ như phụ nữ nếu như quá để ý đến vóc dáng, diện mạo của chính mình, mỗi ngày đều ra vào thẩm mỹ viện, lo trang điểm, thì nam giới cũng sẽ như thế, bạn chú trọng điều này họ cũng sẽ như vậy. Nếu như bên ngoài họ nhìn thấy người khác xinh đẹp hơn bạn, vậy thì phiền phức rồi, con “sắc lang” (con sói mê sắc đẹp) đó đã bị bạn dắt đến rồi. Thế nên, hai con sói này cần phải tránh xa chúng, đừng dẫn sói vào nhà, phụ nữ trước tiên hãy tự mình làm trước, bạn đối với chúng không có hứng thú, thì sẽ không rước lấy chúng vào cửa, chồng của bạn sẽ không gặp phải chúng.

Sáu chương đầu trong sách “Liệt Nữ Truyện” đều nói về đức hạnh của phụ nữ: chương thứ nhất là Mẫu Nghi, chương thứ hai là Hiền Minh, chương thứ ba là Nhân Trí, chương thứ tư là Trinh Thuận, chương thứ năm là Tiết Nghĩa, chương thứ sáu là Biện Thông Truyện. Trong đó có phần chú giải của chương Hiền Minh là: “Duy nhược hiền minh, liêm chính dĩ phương. Động tác hữu tiết, ngôn thành văn chương. Hàm hiểu sự lý, tri thế kỷ cương. Tuần pháp hưng cư, chung nhật vô ương. Phi hậu hiền yên, danh hiệu tất dương.” (Chỉ có hiền minh, liêm chính thì mới có thể giữ được chính khí. Hành động quy củ, lời nói ý tứ. Hiểu rõ sự lý, biết kỷ cương thế đạo. Hành theo phép tắc thì không tai ương cho đến cuối đời. Nếu Hoàng Hậu và Phi tần đều là bậc hiền đức thì danh ấy ắt được tuyên dương). Ý của câu này là chỉ có hiền đức thì mới có thể minh lý, mới có thể thanh liêm, giữ được chính khí. Liêm là biểu thị cho kiệm, thanh liêm chính trực, buông xuống dục vọng đối với tiền tài, nói một cách khác, trước tiên đối với tiền tài cần phải xem nhẹ, không nên quá chú trọng vào tiền tài. “Chính” là giữ gìn được chính tâm, chính niệm của mình. “Động tác hữu tiết” chính là có lễ, biết lễ độ, hiểu lễ tiết. “Ngôn thành văn chương” chính là có văn tài, câu này ý nói phụ nữ cần phải đọc sách để biết lễ, chứ không phải là con mọt sách nhưng không hiểu lễ tiết, như vậy thật phiền phức. “Hàm hiểu sự lý, tri thế kỷ cương” nghĩa là hiểu đạo lý của sự việc, đồng thời biết kỷ cương chính sách. “Tuần pháp dữ cư, chung nhật vô ương” nghĩa là sống theo pháp luật, không làm trái cương thường, luân thường đạo lý thì như vậy mỗi ngày đều không có tai nạn. “Phi hậu hiền yên, danh hiệu tất dương”, nếu người phụ nữ này có thể trở thành Hoàng Hậu của một nước, thì thanh danh của bà nhất định sẽ được lưu truyền đến tận thiên thu về sau. Quả thật là như vậy, chúng ta hiện nay vẫn đang học tập và noi gương Tam Thái của nhà Chu, danh tiếng của các bà đã siêu vượt thời gian, siêu vượt không gian.

Thời nhà Minh, sách “Nội Huấn” do Nhân Hiếu Hoàng Hậu viết cũng có sự giải thích hết sức tường tận về sự hiền đức của phụ nữ. Thế nào là sự hiền đức của phụ nữ? “Trung thành dĩ vi bổn, lễ nghĩa dĩ vi phòng, cần kiệm dĩ suất hạ, từ hòa dĩ xử chúng, tụng đọc thi thư”. “Trung thành dĩ vi bổn” mở đầu đã nói đến chữ “trinh”, chữ “trinh” này quán thông hết toàn chương, về phương diện này phụ nữ nhất định không thể phạm sai lầm. Chữ “trinh” này không những chỉ cho thân thể, nếu như thân thể phạm sai lầm thì quá đáng rồi, ở đây còn bao gồm cả ý niệm. Ngày nay chúng ta có Internet, có thể ở sau lưng chồng lên mạng làm ra một số việc trái với luân lý đạo đức. Nếu tích lũy nhiều ác niệm thì sẽ dễ gặp phải ác duyên mà kết thành ác quả, ngàn vạn lần chớ nên khinh suất. Có câu “tâm tưởng sự thành”, tâm thường nghĩ ác thì việc ác sẽ hiện tiền, vậy sao chúng ta niệm niệm không nghĩ thiện, thành tựu thiện sự? Ví dụ hiện nay trên mạng có một số trang web chat xấu, không nên tham gia. Bởi vì chỉ cần vào rồi thì cũng giống như hút ma túy vậy, càng lún càng sâu, rất khó dừng lại. Chỉ cần bạn bước vào không gian như thế, từ trường như thế, giao lưu với loại người như thế thì sẽ giống như đặt mình bỏ vào trong đống cá ươn vậy, bản thân thì lại không cảm thấy hôi thối. Kế bên mình là một con cá ươn, thời gian lâu dần họ lại quăng thêm vào những con cá ươn nữa, đến sau cùng khi bạn không còn ngửi thấy mùi hôi thối của chính mình thì bạn đã hết thuốc chữa. Nếu như bạn tiếp xúc với người tốt, bạn nói hiện nay tìm không ra người tốt, vậy thì hãy đi xem sách tốt, đọc sách của cổ thánh tiên hiền, cho dù mỗi ngày đọc một trang, nhưng trong tâm có ý niệm tìm kiếm bạn lành thì “người có thiện nguyện, ông trời ắt phù hộ cho”, ông trời nhất định sẽ đưa một người bạn tốt đến bên bạn, như thế sẽ giống như bước vào căn phòng chứa đầy hoa lan vậy, có thể bạn cũng chẳng cảm thấy có gì là thơm, như thời gian lâu dần khi bạn bước ra thì người khác sẽ ngửi được hương thơm trên thân bạn. Thế nên, chúng ta cần có cái tâm chứa đựng mùi hương, đồng thời còn có thể xông mùi hương đó đến mọi người xung quanh, chứ đừng để thân mình phát ra mùi hôi thối. Người khác khi nhìn thấy ánh mắt của người phụ nữ như vậy, nhìn đến hành vi cử chỉ của cô ấy, lại nghe tiếng cô ấy nói chuyện, cảm thấy cô ấy rất bộp chộp xốc nổi thì quả thực làm xấu chính mình, xấu lây cả người nhà, nếu bản thân vẫn không cho đó là xấu thì quả thật là một sự việc rất hổ thẹn. Câu sau nói “lễ nghĩa dĩ vi phòng”, cái lễ này đi cùng với nghĩa trong từ “đạo nghĩa”, có lễ thì mới có nghĩa, mang ý nghĩa phòng thủ. “Trung thành dĩ vi bổn, cần kiệm dĩ suất hạ, từ hòa dĩ xử chúng”, căn bản làm người chính là tâm trung thành, trung thì không nghiêng lệch, xiêu vẹo, thành tức tâm không hư dối. Đối với người nhà của chính mình, người phụ nữ cần lấy mình làm gương trong việc dùng cần kiệm để tề gia, cần có thái độ nhân từ, an tường, bình hòa mà đối đãi với hết thảy mọi người trong và ngoài nhà. Then chốt là cần phải học tập, cần phải đọc thơ, đọc sách. Cho nên, sự dạy dỗ từ xưa đến nay đều không nói rằng phụ nữ không được đọc sách, không được học tập, trước giờ chưa từng nói câu đó. Vì vậy, giáo dục đức hạnh phụ nữ là yêu cầu bạn cần phải học, điều quan trọng trong việc học tập là không được kiêu ngạo tự đại, không được cảm thấy thứ mình học, thứ mình xem đều nhiều hơn chồng mình, hiểu biết hơn chồng mình. Thế nên, trước tiên dạy bạn phải khiêm hạ, dạy bạn phải buông xuống sau đó bạn mới học. Học ở đây là học đạo lý của học vấn chân thật. Phía sau lại nói “bất vong quy gián, tẩm dữ túc dạ, duy thức ái quân”, ý câu này nói đối với chồng thì không được quên khuyên can nhắc nhở. Sự hiền đức của phụ nữ không phải là một mực nhắm mắt nghe theo, mà khi chồng có hành vi không phù hợp thì mình phải biết khuyên can.

Trong chương “Sự Phu” của “Nữ Luận Ngữ” cũng nói về sự hiền đức của phụ nữ. Phụ nữ không hiền đức thì như thế nào? Chính là phụ nữ ngu si, ngây ngốc, lười biếng, ngang ngược. Một người phụ nữ ngu ngốc, lười biếng, ngang ngược thì không phải là người hiền. Thế nên trong chương “Sự Phu” khuyên phụ nữ thứ nhất là “đừng học theo những phụ nữ thiếu trí tuệ, sẽ rước lấy họa vào thân”. Khi chồng làm việc xấu ác thì cần phải chân thành khuyên can. Từ xưa đến nay những ví dụ về việc khuyên can chồng như thế này rất nhiều. Chúng ta trong xã hội hiện nay có biết khuyên can hay không? Then chốt ở chỗ là chính mình cũng không nhận ra. Khi chồng vừa mới chớm có hành vi bất thiện, bản thân chúng ta lại không nhận biết được. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân mình cũng như thế, nên bạn mới nhìn không ra. Điều không đúng lại cảm thấy là rất tốt. Cho nên, chỉ có tu dưỡng đức hạnh, thiện căn của chính mình, sau khi phúc báo của chính mình xuất hiện thì trí huệ sẽ hiện tiền, mới phát hiện được chồng mình làm như thế này hình như không đúng, kịp thời nói cho anh ấy biết, khuyên can anh ấy. Phụ nữ lười biếng và ngang ngược thì không cần phải giảng chi tiết, việc này mọi người đều biết rõ. Lười biếng là căn bệnh phổ biến của hiện nay, bởi vì một khi hưởng lạc thì sẽ dễ phóng dật, hễ phóng dật thì sẽ lười biếng. Đời sống vật chất nâng cao đến một trình độ nhất định thì rất nhiều dục vọng của con người bị phóng túng, dẫn khởi lên sự đọa lạc của con người. Thế nên, khi điều kiện cuộc sống càng tốt thì chúng ta càng cần kiểm điểm, xét lại bản thân, đây có phải là khởi nguồn của sự xa hoa dẫn đến bại hoại hay không? Cuộc sống nhất định cần phải có kiểm soát, có tiết chế, không được phóng túng thái quá. Lúc đời sống chưa được tốt thì mình còn có thể làm được, nhưng rất nhiều người khi điều kiện cuộc sống tốt lên thì dễ xuất hiện ra vấn đề. Bản thân tôi có sự thể hội rất sâu sắc. Điều kiện gia đình của chúng tôi rất tốt, làm thế nào trong điều kiện như thế này giữ được sự tiết kiệm trong sinh hoạt, có thể yêu cầu con cái tiết kiệm theo. Chứ không phải do gia đình có điều kiện thì không thành vấn đề, một khi nghĩ như vậy thì đã mở ra một tiền đề, về sau cứ thế mà phóng túng cho đến khi lụn bại, nhất định là sẽ như thế. Thế nên, người phụ nữ hiền minh là một sự việc then chốt, chúng ta trong cuộc sống nhất định cần chú ý đến điểm này.

PHU BẤT NGỰ PHỤ, TẮC UY NGHI PHẾ KHUYẾT.

Người làm chồng nếu như không biết tiết chế vợ mình thì bản thân sẽ chẳng có uy nghi. Làm thế nào để chính mình có đức tướng uy nghi? Trong tâm của người nam nhất định phải có đức thì biểu hiện ra bên ngoài trong lúc xử sự nhất định sẽ trong vuông mà thấy tròn. Còn phụ nữ thì ngược lại, trong tròn mà thấy vuông. Hai mặt này vừa vặn khớp với nhau. Người nam rất chính trực, nhìn sự việc tuy không được chuẩn chỉnh nhưng vẫn cảm thấy viên dung, không quá để ý đến những thứ vặt vãnh tiểu tiết, như vậy nên họ có uy nghi, có sự độ lượng. Người nam cũng cần học tập văn hóa truyền thống, cũng cần không ngừng học tập. Nếu như nam giới không học tập thì họ sẽ không hiểu. Nếu như người chồng trong gia đình mình không học thì chính mình hãy học rồi dần dần dẫn dắt anh ấy, nuôi dưỡng thành bầu không khí học tập trong gia đình, từ từ anh ấy sẽ chịu học.

PHỤ BẤT SỰ PHU, TẮC NGHĨA LÝ ĐỌA KHUYẾT, PHƯƠNG TƯ NHỊ GIẢ, KỲ DỤNG NHẤT DÃ.

Phụ nữ nếu như không biết làm thế nào phụng sự chồng thì đạo nghĩa và đạo lý làm người của cô ấy sẽ dần dần mất đi, thế nên câu này có hàm nghĩa rất sâu sắc. Thường ngày bạn bạn biết cách giao tiếp chung sống với chồng thì đối với rất nhiều sự việc ở bên ngoài bạn sẽ dễ dàng hiểu thấu. Ở đây, một chính là nhiều, nhiều chính là một, không có đối lập. Nếu bạn không biết cách giao tiếp chung sống với chồng thì bạn cũng không biết cách giao tiếp với người khác. Nếu bạn biết cách giao tiếp chung sống với chồng thì bạn sẽ có thể thấu hiểu được rất nhiều đạo lý nhân sinh từ đây, thế nên trong chốn khuê môn xác thật là có đại học vấn. Ví dụ như, sự nghiệp của chồng vô cùng khó khăn rối rắm thì bản thân mình nhất định phải biết quán xuyến tất cả sự việc trong nhà. Nếu như bản thân chồng mình không có năng lực thành tựu sự nghiệp, là một người bình phàm, là một anh chồng bình thường trong các gia đình phổ thông hiện nay thì chúng ta cũng cần giữ tâm bình lặng, điềm nhiên mà trải qua cuộc sống của một người bình thường cũng là việc rất tốt. Đại phú đại quý vốn rất ít, không có được mấy người, nên nghèo thì an phận nghèo, giàu thì an phận giàu. Chúng ta sống cuộc đời của một người dân bình thường, cả hai người chung sống với nhau chỉ cần cảm thấy thoải mái thì tốt rồi. Trong quá trình học tập Nữ Đức có một số thầy cô đến hỏi tôi có cần phải thay đổi một số phương thức sinh hoạt để hoàn toàn dựa trên Nữ Đức mà làm hay không? Tôi nói, chúng ta học tập Nữ Đức thứ nhất không được chấp trước vào công phu bề mặt của văn tự, chấp trước vào tướng văn tự, bắt chước một cách máy móc cứng nhắc. Thứ hai, không được chấp trước vào tướng danh từ, bạn rất là chấp trước vào một từ ngẫu nhiên nào đó, rồi đào sâu vào nó một cách chấp trước thì sẽ có vấn đề, cần phải vào được và ra cũng được. Thứ ba, không được chấp trước vào tướng ngôn thuyết, không phải tôi nói việc đó thế nào thì nhất định phải làm thế đó, mà phải thông hiểu đạo lý, còn về mặt sự thì dùng phương tiện thiện xảo mà xử lý.

Có một lần tôi giảng bài ở bên ngoài, có một phụ nữ chung sống rất tốt với chồng của cô ấy, khi nghe bài giảng của tôi cô ấy nói rằng “gia đình tôi trước giờ chồng tôi là người nấu cơm, bây giờ có cần thay đổi ngược lại hay không?” Tôi nói không sao cả, chỉ cần hai anh chị chung sống hòa thuận là được rồi. Nếu như anh ấy cam tâm tình nguyện, chị cũng cam tâm tình nguyện trải qua đời sống của người dân thông thường, có thể là không có sự nghiệp gì, nhưng cũng chẳng bận rộn. Anh ấy đồng ý về nhà giúp chị, chị có thể là cũng tương đối vất vả, chăm sóc con cái, chăm sóc cha mẹ chồng, công việc có thể là khá bận bịu thì việc này không có gì là không được cả. Nếu như anh ấy ở bên ngoài có sự nghiệp rất lớn, rất bận, về nhà lại còn làm cơm cho chị thì việc này không được rồi. Tôi nói với chị ấy “chỉ cần chung sống hài hòa là được”. Có một số người sau khi nghe tôi giảng rồi về nhà phê bình chồng của mình, nói chồng của cô ấy không tốt bằng chồng tôi. Sau đó, chồng của cô ấy rất là ấm ức. Từng có một giám đốc gọi điện thoại cho tôi một cách đau khổ, anh nói “tôi để cho vợ tôi nghe chị giảng bài, kết quả cô ấy chẳng thay đổi gì cả, ngược lại còn trách tôi không bằng chồng của chị”, việc này như vậy là không được. Kỳ thật, con người nào phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi? Quan trọng là chúng ta cần nhìn nhiều vào ưu điểm của người khác, khen ngợi sở trường của người khác. Khi nghe bất kỳ người nào giảng về Nữ Đức, trước tiên cần phản tỉnh những chỗ mà mình làm chưa được tốt, chứ đừng đem lời người giảng nói ra mà đối chiếu với những người xung quanh, đây chính là sai lầm lớn. “Làm người đừng sợ mình mắc lỗi, chỉ sợ không nhìn ra lỗi của mình”. Cho nên, kỳ thật có lỗi cũng không sao, quan trọng là mình không nhìn ra, nhưng khi có người khác chỉ ra cho mình thì mình lại phủ nhận hoàn toàn, như vậy thì phiền phức rồi. “Phương tư nhị giả, kỳ dụng nhất dã” nghĩa là hai phương diện này kỳ thật chỉ là một sự việc. Chữ “dụng” chỉ cho tác dụng, tác dụng gì? Khi người nam và người nữ kết hợp lại thành một gia đình thì có tác dụng gì? Trên phương diện nhỏ thì là tiếp nối hương hỏa của gia tộc, trên phương diện lớn là làm cho nhân loại được tiếp nối về sau, đây là tác dụng quan trọng nhất. Làm thế nào mới có thể thực sự làm được việc truyền thừa đời đời cho con cháu? Phần then chốt không phải là nuôi dưỡng ra một sinh mạng mà là có thể biểu diễn ra được sự hiền đức của người nam và người nữ trong cuộc sống gia đình. Một người có lỗi thì người kia giúp đỡ sửa chữa để nâng cao và ngược lại. Chúng tôi kết hôn với nhau được 20 năm, cả hai đều có sự nâng cao. Sinh ra thế hệ sau thì phải có thể “con hơn cha là nhà có phúc”, con gái giỏi hơn mẹ, con trai giỏi hơn cha, đây là tác dụng lớn nhất. Thông qua sự kết hợp giữa hai người, đứa con được sinh ra cùng với cha mẹ là một thể, là sản phẩm cùng một thể với cha và mẹ, tác dụng này từ đứa trẻ có thể phát sinh ra sức ảnh hưởng rất lớn, và được gìn giữ bởi từng thế hệ kế tiếp. Sự việc này là một thể không thể tách rời, nếu như người chồng là một người thật sự tốt thì người vợ không thể không tốt; người vợ nếu thực sự tốt thì người chồng cũng tốt. Thế nên, đôi bên cũng đừng trách người nào cả, khi kết hợp lại cả hai có thể làm được việc quy về nhất thể.

SÁT KIM CHI QUÂN TỬ, ĐỒ TRI THÊ PHỤ CHI BẤT KHẢ BẤT NGỰ, UY NGHI CHI BẤT KHẢ BẤT CHỈNH, CỐ HUẤN KỲ NAM, KIỂM DĨ THƯ TRUYỆN. (Tạm dịch: Hãy nhìn những bậc quân tử xem trọng đạo đức hiện nay, biết phải quản giáo vợ cho tốt, không thể không giữ oai nghi của người làm chồng. Thế nên họ thường xuyên dạy dỗ con trai trong gia đình đọc các sách xưa, Kinh điển, truyện ký. Dùng kinh nghiệm truyền lại trong các Kinh điển mà kiểm điểm lời nói, hành vi, phẩm đức của mình)

Ý nghĩa của đoạn này chính là: hãy xem những người nam thời nay, họ biết là cần phải tiết chế vợ mình, cần phải chấn chỉnh lại uy nghi, thế nên cần phải không ngừng dạy dỗ con trai đọc sách, đọc truyện, dùng Kinh điển mà kiểm điểm lời nói hành vi của mình. Chính là nói từ nhỏ phải bồi dưỡng cho con trai có năng lực của hiền nhân, nhằm hy vọng chúng sau này biết làm thế nào tiết chế vợ chúng, làm thế nào chấn chỉnh uy nghi của chính mình. Nhưng nam giới thời nay đều không biết điều này, phải làm sao đây? Cho nên “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, người nam tốt là do dạy mà ra, người phụ nữ tốt cũng do dạy mà ra, tất cả mọi thứ đều do dạy mà ra, quan trọng là dạy ra sao. Bạn dạy con tốt, dẫn dắt nó hướng thượng, thông qua sự truyền thừa của Kinh điển thời xưa tự thân chúng sẽ có thể hiểu rõ, những giáo viên học tập văn hóa truyền thống đều có sự thể hội rất sâu sắc. Thực tế điều này bắt nguồn từ đạo vợ chồng, tiếp theo là làm thế nào giáo dục tốt con cháu đời sau. Bạn muốn thành tựu đạo vợ chồng, thì nhất định phải từ cái gốc mà làm, phải giáo dục con cái từ thuở nhỏ. Nếu không khi con cái trưởng thành thì tập tính đã sâu, bạn mới nghĩ đến việc dạy chúng thì trừ phi phước báo, phước đức, thiện căn của chúng rất sâu dày, chúng mới có thể nhanh chóng quay đầu, nếu không thì mấy mươi năm bị ô nhiễm, vừa nghe được văn hóa của Thánh Hiền liền nhanh chóng quay đầu, thay đổi hoàn toàn, người như vậy rất ít. Thế nên, việc giáo dục từ nhỏ rất quan trọng. Từ nhỏ thông qua Kinh điển mà giáo dục, trong lúc giáo dục chúng ta cần chú ý đến một vài vấn đề, tôi xin nêu ra với mọi người như sau.

Đầu tiên là khi dạy con thì người làm mẹ cần có thái độ như thế nào? Tôi là một người đang học tập, nên con của tôi là đồng học với tôi, thậm chí có khi là thầy của tôi, nó là quan chủ khảo ra đề thi cho tôi, tôi cần phải đưa ra được câu trả lời, sau đó chia sẻ với vị quan chủ khảo này. Đừng có quan niệm rằng tôi là thầy nó, tôi cần giáo dục đứa con này. Có rất nhiều lúc con cái sẽ kháng cự, không chịu tiếp thu, bạn cần nên hạ mình xuống, đặc biệt nếu chúng là con trai thì bạn cần hạ mình, đây chính là sự khiêm hạ của bạn, không chỉ đơn thuần là đối với chồng, mà đối với con cũng vậy, hạ mình xuống thấp, sau đó hãy cùng nhau mà học tập. Dù sao thì sức ảnh hưởng và giáo hóa của văn hóa truyền thống đã bị mai một hơn một trăm năm qua rồi, thế nên trong xã hội hiện thời rất ít người từ nhỏ được dạy dỗ thâm nhập vào sự giáo dục của văn hóa truyền thống, rất ít gia đình có gia giáo, có gia truyền, có gia đạo, có gia quy. Lúc ban đầu khi tôi đưa ra những giáo trình dạy Nữ Đức như “Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”, “Nội Huấn”,  “Nữ Phạm Tiệp Lục”, thì không có người nào hiểu, không biết đây là cái gì. Tôi còn nhớ năm ngoái khi đưa “Đệ Tử Quy” cho một giáo sư đại học xem, tôi tặng cho cô ấy sách này, vị nữ giáo sư xem xong hỏi tôi một câu làm tôi dở khóc dở cười. Cô ấy nói: “Cuốn sách này quả thật là viết rất hay, câu cú đều rất hoàn hảo, không biết là do ai viết, sao người đó thông minh đến như vậy?” Đó là giáo sư đại học đã hơn bốn mươi tuổi rồi, lần đầu tiên đọc sách này. Cho nên, tình hình là như vậy, chúng ta nên giữ lòng khiêm tốn mà học tập cùng với con. Tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh đều than phiền con cái đã không nghe lời ra sao, đủ thứ vấn đề. Trên thực tế trong lòng họ đã đem bản thân đặt ở vị trí cao, đem con cái đặt ở vị trí thấp. Nếu như bạn xem con cái thành Thánh Hiền, xem chúng như thầy giáo ở trước mặt, còn bạn ở vị trí thấp hơn, dùng thái độ như vậy mà học tập từ chúng thì nhất định sẽ học rất tốt. Tối hôm qua con của tôi đã trò chuyện cùng tôi, tôi rất cảm ơn hai đứa con của mình, bởi vì toàn bộ sự học tập của tôi đều là do các con của tôi dẫn dắt. Con của tôi nói: “Mẹ ơi, con có một tâm sự, tối nay con phải nói với mẹ mới được”. Tôi hỏi: “Con có tâm sự gì?” Nó nói: “Mẹ ơi, các bạn học trong lớp con không đoàn kết, các bạn không chơi với nhau, chiều hôm qua còn lén đánh nhau, thầy giáo không biết việc này” Tôi nói: “Vậy con kể cho mẹ nghe để làm gì?” Nó nói: “Con học Đệ Tử Quy mà, con phải khuyên các bạn hòa thuận chứ, nhưng con không biết khuyên thế nào, các bạn rất lợi hại, con cũng hơi sợ”. Tôi nói: “Con nói đúng rồi, dù sao chúng ta cần có trí tuệ, lúc các bạn đánh nhau con đừng đến tụ tập, Đệ Tử Quy chẳng phải đã nói “chỗ ồn náo chớ đến gần” đó sao? Con người khi bị kích động thì ai khuyên họ cũng không nghe, bởi vì kích động là ma quỷ, nơi đó có ma quỷ đến rồi, con nên tránh xa, đợi đến khi các bạn bình tĩnh trở lại, con tìm cơ hội mà nói chuyện với các bạn, hoặc là con nghĩ ra biện pháp ảnh hưởng đến các bạn một chút.” Nó nói: “Như thế này đi, con sẽ đem một vài đĩa “Những câu chuyện đạo đức” đến trường tặng cho Thầy và bạn học.” Kết quả, con trai đã kể với tôi rằng hiện tại có ba lớp hai vào buổi chiều không xem hoạt hình “Tom and Jerry” nữa mà xem hoạt hình “Những câu chuyện đạo đức”, con trai của tôi rất vui. Giống như Sơ Teresa đã nói, con cái là người thầy tốt nhất.

Thứ hai, việc quan trọng nhất khi dạy con cái là gì? Dạy người trước hãy dạy mình, chính kỷ rồi mới có thể hóa nhân, thế nên việc gì thì trước tiên mình hãy làm trước. Khi bản thân mình chưa làm được mà con cái chỉ ra được điều đó, hoặc là khi chính mình phát hiện ra thì phải can đảm thừa nhận và tiếp thu. Ví dụ bản thân có những thói quen không tốt, thay quần áo quăng lung tung, con cái nhìn thấy nói: “Đệ Tử Quy nói rằng nón quần áo để cố định, mẹ ơi, quần áo của mẹ chưa xếp ngay ngắn. Lúc mới đầu bản thân còn có thể diện nên sẽ không nói gì hoặc là nói “mẹ có việc gấp”. Kết quả một ngày nọ phát hiện thấy con cái cũng bắt đầu tùy tiện quăng quần áo, nó nói: “Mẹ đều là như thế, con cũng có việc gấp”, lúc này mới phát hiện bản thân đã sai rồi, phải nhanh chóng thừa nhận sai lầm, nói với con rằng: “Con phê bình mẹ là đúng rồi, mẹ thật là có chút không phải, kỳ thật mẹ đã sai rồi, quần áo cần phải xếp cho ngay ngắn”. Một khi thừa nhận sai lầm với con, chúng sẽ tiếp nhận một cách tự nhiên, đồng thời sẽ rất vui vẻ chủ động đi làm những việc này. Đôi khi thật là cám ơn con cái, ví dụ khi tôi để chúng làm một số công việc, tôi nói “mẹ rất mệt, mẹ tin rằng con là một đứa con vô cùng thấu hiểu mẹ, con nên làm gương cho em trai, con nhất định có thể làm được rất tốt.” Bạn nói xong thì chúng sẽ được nạp thêm sức lực mà lau nhà, làm việc, chạy lên chạy xuống giúp bạn xách đồ, đặc biệt không sợ vất vả.

Thứ ba, đối với con cái cần động viên khích lệ nhiều, bớt trách mắng. Thực ra, đối với chồng và nhân viên cũng như thế. Nếu có thể dạy con tốt thì sẽ có thể dẫn dắt nhân viên tốt, đây là đạo tu thân, tề gia, trị quốc, việc này cần có trí tuệ. Biểu dương khích lệ cần phải hợp lý, không được quá nhiều, đừng để lời nói không khớp với sự thật, động viên khích lệ phải đúng nơi đúng lúc. Khi con cái làm việc tốt cần phải biểu dương khích lệ kịp thời, đừng để 10 ngày sau mới đột nhiên nhớ ra việc chúng làm rồi mới khen. Tốt nhất là khen ngay lúc đó, “việc này con đã làm rất tốt! Nên làm như vậy. Việc làm này thật có nghĩa khí, là một nghĩa cử đẹp”. Khi con biết tắt đèn, chúng ta sẽ lập tức khen con hôm nay rất tốt, biết tắt đèn tiết kiệm điện, rất tốt, cần kịp thời khích lệ con. Khi phê bình con cái thì nên phê bình kín đáo, đối với con trai và con gái cũng đều như thế, thậm chí không được phê bình con trước mặt cha của chúng. Khi chồng của tôi phê bình con trai, tôi đều tránh đi nơi khác, anh ấy dẫn con một mình vào thư phòng, còn tôi thì tựa vào cửa ở bên ngoài nghe ngóng để hiểu được đại khái sự việc, trong lòng biết được việc gì xảy ra. Bản thân tôi cũng làm như vậy, không bao giờ trách mắng con cái trước mặt người khác, bởi vì khi ở trước mặt người khác con cái cho dù 8-9 tuổi hoặc là 2-3 tuổi đi chăng nữa nó cũng sẽ có cảm nhận, nó sẽ ghi nhớ sự việc này. Bạn đối xử với nó như vậy thì sau này nó đối xử với người khác cũng sẽ như thế. Con người đều có thể diện, đều có sự tự ái, thế nên không được làm như thế.

Thứ tư, nhất định phải làm cho được bền lâu, không được “ba ngày đánh cá thì hai ngày đã phơi lưới rồi”. Thông thường sau khi chúng ta nghe xong một buổi luận đàn, xem xong một đĩa giảng thì tràn trề nhiệt huyết, lập tức nhanh chóng đi dạy con, hôm nay chỉ muốn đem “Đệ Tử Quy” và tất cả những điều trong Bách Gia Chư Tử ra dạy hết, qua hai ngày thì bản thân lại xìu xuống, cũng chẳng quản đến con. Học tập là một cuộc chạy marathon, mỗi ngày cho dù chỉ dạy một ít, nhưng quan trọng là làm được lâu bền, mỗi ngày một ít, dần dần mới có sự thay đổi. Vì sao chúng tôi không gọi là giáo dục mà gọi là giáo hóa nhiều hơn? Vì khí chất của con trẻ được chuyển hóa, tâm niệm chuyển hóa, hành vi được chuyển hóa một cách âm thầm không hay không biết, cho nên chúng ta hay lấy việc trồng cây làm ví dụ cho việc trồng người, “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Nếu không có sự tích lũy về thời gian thì sẽ không thành tựu. Ví như việc đọc tụng Kinh điển, quý tại việc kiên trì, mỗi buổi sáng đọc một khoảng thời gian thì lâu dài sẽ thuộc. Việc đọc Kinh điển của con tôi đều do tôi tay nắm tay mà chỉ dạy, không cần dạy quá nhiều, tôi sợ con quên nên mỗi tuần đều kiểm tra tới lui, vì vậy hiện nay nó đọc Kinh điển rất thuộc. Mỗi ngày đều đọc tụng, giữ được bền lâu mới là quan trọng. Đạo lý trong Kinh điển nên cố gắng để con tự mình cảm ngộ, bạn chớ nên gấp gáp đem đạo lý giảng chi tiết cho chúng. Các con thông qua việc đọc tụng Kinh điển, tự mình sẽ tư duy cảm ngộ những điều trong Kinh dạy. Chúng ngộ thấu hoặc chưa thấu đáo cũng không sao, khi chúng giao lưu trao đổi với bạn thì đây là một cơ hội tốt để bạn dẫn dắt chúng, vì chúng đã có sự mài dũa quán chiếu, tư duy, thấm vào trong xương cốt. Chứ không phải chúng bị đặt trong tình thế bị động, còn bạn thì cố hết sức giảng “con phải nên thế này, thế này”, kỳ thực không cần nói mà bản thân chúng sẽ có sự cảm ngộ, đợi đến khi chúng ngộ được tương đối rồi, bạn hãy nắm lấy cơ hội giáo dục chúng, chúng sẽ hiểu rõ những đạo lý mà Kinh điển đã dạy, việc này đối với bạn cũng là một sự nâng cao và nhắc nhở.

THÙ BẤT TRI PHU CHỦ CHI BẤT KHẢ BẤT SỰ, LỄ NGHĨA CHI BẤT KHẢ BẤT TỒN DÃ. (Tạm dịch: Nếu như trọng nam khinh nữ, không dùng những đạo lý trong Kinh điển xưa để dạy dỗ con gái thì phụ nữ sẽ không biết phụng sự chồng và lễ nghi chốn khuê môn. Chồng không thể không phụng sự, lễ nghi không thể không tuân giữ.)

Trong phần Tiên Chú của Vương Tương có nói rằng thời bấy giờ do không có sách chuyên dạy cho phụ nữ, nên đã lơ là việc giáo dục Nữ Đức. Thế nhưng, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Phụ nữ được gả làm vợ người ta thì nên làm thế nào để phụng sự chồng, làm thế nào để hiểu lễ giữ nghĩa? Không có người dạy. Vì thế mới có nhân duyên để Ban Chiêu viết sách “Nữ Giới”. Chúng ta ngày nay có được lời dạy của cổ thánh tiên hiền mà lại không ngó ngàng đến, giáo dục Nữ Đức cũng bị lơ là, chẳng phải là đáng tiếc lắm sao? Không được chỉ chú trọng việc dạy con trai mà lơ là việc dạy con gái. Dạy con trai con gái đều cần dùng đến ý nghĩa trong điển tịch của Thi, Thư, Kinh, Truyện mà dạy dỗ, chứ không được căn cứ vào hàm nghĩa của bạn, dục vọng của bạn, ý riêng của bạn mà dạy dỗ, nếu làm như thế là sai rồi. Vào lúc đó không có sách dạy phụ nữ nên rất ít phụ nữ biết được “cái nghĩa lớn của việc phụng sự chồng”, không hiểu “lễ nghĩa khuê môn”. Dạy con gái lúc nhỏ nhất định cần giảng đi giảng lại những tấm gương về đức hạnh phụ nữ trong “Câu chuyện đạo đức”, có thể ở nhà cho các con xem đi xem lại phim hoạt hình “Những câu chuyện giáo dục đức hạnh”. Nếu như sau này có phim hoạt hình chuyên về giáo dục Nữ Đức, ví dụ như chọn ra trong số hơn 40 câu chuyện trong “Liệt Nữ Truyện” làm phim hoạt hình riêng cho các bé gái xem, dạy con gái thông qua việc huân tập nhiều lần như thế có thể bồi dưỡng ra đức nhân trí, trinh thuận, hiền minh của các con. Nếu như có công ty làm phim hoạt hình nào phát tâm làm thì tôi nghĩ sẽ có công rất lớn, là một nghĩa cử đem lại sự lợi ích lâu dài. Mở trường dạy Nữ Đức, làm tọa đàm giáo dục Nữ Đức, lập ra trang web giáo dục Nữ Đức, đây đều là những việc tốt. Những người có năng lực và sức lực nên phát nguyện làm, lợi mình lợi người, gia đình của bạn nhất định hưng vượng. “Nhà tích điều thiện ắt có thừa niềm vui”, để lại cái gì cho con cháu đều không bằng để lại phước báo từ việc tích đức hành thiện cho chúng. Chúng ta làm mẹ ở nhà dạy dỗ con thì đã có Kinh điển trong tay, nên không sợ dạy sai, bởi vì Kinh điển đã được truyền thừa qua mấy ngàn năm rồi, nếu như là cặn bã thì sao có thể được truyền trong mấy ngàn năm như vậy? Giống như thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ, tôi nghĩ những bài thơ các ngài ấy đã làm đương thời không phải chỉ có mấy bài được truyền lại đến ngày nay mà thôi, nhưng vì sao chỉ có thể xem thấy có mấy bài thơ này thôi, vì đây là những bài tinh hoa nhất được người trong mỗi một thế hệ truyền lại, khi đại chúng cảm thấy không hay thì bỏ qua bài thơ đó, không có tâm tư mà lưu truyền. Đặc biệt là do thời xưa việc in ấn không phát triển, in một cuốn sách rất là phức tạp, những tác phẩm được lưu truyền cho đến ngày nay, chúng ta có thể xem được cuốn thiện thư như “Nữ Giới” đây, xác thực là có đạo lý bên trong.

ĐẢN GIÁO NAM NHI BẤT GIÁO NỮ, BẤT DIỆC TẾ Ư BỈ THỬ CHI SỐ HỒ. (Tạm dịch: Nếu như chỉ dạy con trai mà không dạy con gái, há chẳng phải đã có sự thiên chấp không rõ lý rồi hay sao?)

Ở đây lại nhấn mạnh thêm lần nữa, nếu như chỉ dạy con trai mà không dạy con gái, như vậy chẳng phải là đã che lấp lễ nghĩa phép tắc rồi hay sao? Chữ “tế” có nghĩa là che lấp. Nếu chỉ dạy con trai hiểu lễ nghĩa, mà không dạy con gái thì chính là sự che lấp. Câu nói này được Ban Chiêu nói trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Đặt trong thời đại hiện nay chúng ta phát hiện ra điều gì? Không những là thời nay con gái không được dạy mà con trai cũng không được dạy, không có người dạy. Ban Chiêu là nhân vật sống cách đây gần 2000 năm, bà có thể nói ra câu nói này, nếu như bà sống đến bây giờ, thì bà sẽ nói “nam nữ đều cần phải dạy, nhưng không có người dạy, đều là bị che lấp mất rồi.” Con trai thì như thế nào? Xem hoạt hình Nhật Bản, chơi game, so ăn so mặc v.v. Còn con gái thì càng bị buông xuôi bỏ mặc, thật không nhẫn tâm mà nhìn. Tương lai, những đứa trẻ này lớn lên sẽ trở thành trụ cột của dân tộc, liệu chúng có thể gánh vác nổi dân tộc hay không? Chúng có cảm thấy mình có sứ mạng gánh vác hay không? Chúng ta làm cha mẹ làm sao có thể ăn nói với tổ tiên đây? Đây là những đứa con do chúng ta dạy ra mà. Thế nên, ngày nay mỗi một người mẹ cần phải phấn chấn lên, nghĩ đến mình phải dạy con cái điều gì đây? Dạy chúng ăn uống chơi bời hưởng thụ cuộc đời, tự tư tự lợi tổn người lợi mình, hay là dạy chúng làm thế nào lập chí, vì cha mẹ, vì gia tộc, vì đất nước, vì toàn nhân loại mà phụng hiến bản thân.

LỄ, BÁT TUẾ THỦY GIÁO CHI THƯ, THẬP NGŨ NHI CHÍ Ư HỌC HĨ, ĐỘC BẤT KHẢ DĨ THỬ VI TẮC TAI. (Tạm dịch: Trong sách “Lễ Ký” có nói: “Con trai từ tám tuổi trở đi thì phải dạy chúng đọc tụng Kinh điển, truyện ký, đến mười lăm tuổi thì dạy chúng chuyên chí vào học vấn để thành nhân”. Nếu như có thể giáo dục con trai như thế thì sao không thể dạy dỗ con gái như vậy chứ?)

Theo cổ lễ, khi con trai con gái lên sáu tuổi thì dạy chúng học các con số và tên gọi. Vào thời xưa dạy con cái tuyệt đối không dạy chúng các bài toán khó như thi Olympiad hiện nay, không dạy chúng học văn tự nhiều như hiện nay chúng phải học Anh Văn, âm nhạc, không dạy những thứ này. Mà quan trọng nhất là dạy chúng làm thế nào quét dọn, làm việc nhà, làm thế nào đối nhân xử thế tiếp vật, làm thế nào hiếu thuận với cha mẹ, đây là ba thứ quan trọng nhất cần phải dạy. Con của bạn có biết làm việc nhà hay không, đây chính là tiêu chuẩn căn bản nhất của một con người,  “lao động mới biết cảm ân”, tâm cảm ân từ đây mà bắt đầu, “tứ chi lười nhác, đầu óc phát triển” thì nhất định là đạo đức bại hoại, chẳng dùng được. Điều thứ hai là dạy chúng đối nhân xử thế tiếp vật, hiểu được lễ tiết và sự tu dưỡng căn bản nhất để làm người, từ đây để đánh giá một đứa trẻ có gia giáo hay không. Trong quá trình dạy học của Khổng Tử, ngài xem trọng đức hạnh đầu tiên rồi mới đến ngôn ngữ. Trong đức hạnh thì “bách thiện hiếu vi tiên” (hiếu đứng đầu trăm nết tốt), thế nên có thể hiếu thuận cha mẹ hay không là điều quan trọng. Hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” chính là tấm gương để chúng ta dạy con cái học tập, dạy cho chúng học được cái tâm hiếu là một thể với cha mẹ. Đồng thời, cách nói chuyện với người khác cũng rất quan trọng, đây cũng là học vấn nền tảng.

Lấy việc ăn cơm mà nói, hiện nay trong gia đình đều đặt những thức ăn đồ uống ngon lành trước mặt con cái, con cái ăn xong cơm là đẩy bát sang một bên rồi chạy đi chơi, thế nên vì sao việc ăn cơm vào thời xưa lại là nội dung để dạy học. Khi con cái vào bàn ăn thì trước tiên phải xem người lớn đã ngồi vào bàn chưa, người lớn đã cầm đũa chưa, nếu người lớn chưa cầm đũa thì nó không được cầm đũa. Thức ăn ngon phải để ở trước mặt trưởng bối, không được phép đem đặt ở trước mặt mình. Ăn cơm xong nếu như muốn rời khỏi bàn thì phải thưa một tiếng “các vị trưởng bối, xin mọi người cứ từ từ dùng, con đã ăn xong rồi”, sau đó cúi đầu lui ra. Tiếp điện thoại hay gọi điện thoại cũng như thế. Hôm qua con trai của tôi gọi điện thoại cho ba của nó, ba của nó đi công tác, con trai cầm điện thoại lên nói: “Ba ơi, khi nào ba về vậy?”, sau đó hai cha con nói chuyện, sau khi nó gác điện thoại, tôi đã nói với nó “ba đang đi công tác ở bên ngoài, mỗi lần con gọi điện thoại trước tiên nên hỏi ba rằng lúc này ba có tiện nói chuyện điện thoại hay không? Nếu như không tiện thì con sẽ gọi cho ba sau. Nếu như ba nói là tiện thì con mới nói chuyện với ba tiếp, sau cùng nên nói với ba một câu, ba ơi, ba vất vả rồi, ba nhớ giữ gìn sức khỏe, mọi việc ở nhà đều ổn, ba hãy yên tâm, sau đó hãy gác điện thoại.” Con trai tôi chớp chớp mắt, nghiêng đầu nói: “Sao trước đây mẹ không dạy con?” Tôi lập tức nhận sai nói với con: “Mẹ xin lỗi, mẹ đã làm không đúng, hôm nay mẹ đã dạy con, hy vọng sau này con hãy làm như thế, khi ba đi công tác, con gọi điện thoại cho ba đừng quên câu mở đầu và câu kết thúc như vậy nhé, bởi vì nếu như ba đang bàn chuyện công việc mà con cứ kể hết chuyện này đến chuyện nọ thì ba sẽ rất khó xử, con nghĩ xem ba có đang nghe con nói hay không? Trước tiên con nhớ hỏi ba có tiện nói chuyện điện thoại hay không, và con cũng nhớ nói hai câu sau cùng để thể hiện lòng yêu thương và quan tâm đối với ba”. Sau đó con trai của tôi nói: “Dạ, con biết rồi ạ, xin mẹ yên tâm”. Sau đó nó quay sang nói với đứa em trai ba tuổi của nó rằng: “Em đã nghe chưa? Hai câu này phải nhớ nói đó nhé.” Đứa em cũng học theo anh: “Dạ, em biết rồi!”.

Những lễ tiết này đều rất nhỏ, nhưng từng chút từng chút một được tích lũy trong vòng mười năm, hai mươi năm sẽ thành tựu nên sự giáo dưỡng căn bản nhất của một con người. Vì sao hiện nay điều kiện kinh tế của người dân Trung Quốc không tệ, đi nước ngoài, rất có tiền, nhưng tại sao rất nhiều người ngoại quốc, nhất là người Âu Mỹ xem thường người Trung Quốc, cảm thấy người Trung Quốc nói chuyện ồn ào giống như hét vậy, mua đồ không chịu xếp hàng, cứ chen lên trước mua, tự tiện xả rác, khạc nhổ, không có lịch sự lễ tiết. Mà chúng ta còn không cho điều này là xấu hổ, ngược lại xem đó là vinh dự. Ví dụ như người nam cảm thấy như vậy là có khí khái to lớn, còn phụ nữ thì cũng to tiếng thành quen, đặc biệt là phụ nữ Đông Bắc thì hơi nghiêm trọng hơn nữa. Có một lần ở Hong Kong đã đăng một loạt các bức ảnh chụp về người Trung Quốc đại lục đi Hong Kong khạc nhổ ở bên đường, xả rác, ăn mì gói trong tàu điện ngầm, đều là những việc thuộc về phép lịch sự. Đều là do từ nhỏ không được dạy, đây là một sự việc rất phiền phức, từ nhỏ cần phải được dạy dỗ.

Phần Tiên Chú của Vương Tương có nói rằng: “Theo cổ lễ, lên bảy tuổi thì nam nữ không được ăn chung với nhau, không ngồi chung với nhau”, đây là quy phạm. Sự phân biệt này để cho nam và nữ tránh được sự tị hiềm, từ nhỏ đã nuôi dưỡng cái tâm liêm khiết, biết hổ thẹn của người nữ. Khi bé gái đó lớn lên sẽ không làm ra những việc phạm quy, vượt lễ. Lên tám tuổi thì con trai vào Tiểu Học, bắt đầu đọc thi, thư, đọc Kinh điển. Mười lăm tuổi thì vào Đại Học, ở Đại Học thì nghe thầy giáo giảng giải Kinh điển. Cho nên, khác biệt giữa Tiểu Học và Đại Học chính là lúc học Tiểu Học thì con trẻ không ngừng đọc tụng, nhưng không cầu giải, đợi đến khi vào Đại Học thì thầy giáo mới bắt đầu giảng giải, vừa giảng giải vừa dẫn dắt đi du sơn ngoạn thủy, đi thăm các vị danh sư, đi trải nghiệm để học trò có thể khai ngộ.

“Bé gái lên tám tuổi thì được mẹ dạy lễ nhượng, dạy may vá thêu thùa, mười lăm tuổi cài trâm, hai mươi tuổi gả chồng”. Thời xưa, khi bé gái lên tám tuổi thì không được học Tiểu Học, người mẹ chính là vị thầy trong gia đình dạy con về lễ tiết và lễ nhượng. Chúng ta trong “Liệt Nữ Truyện” có thể xem thấy rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ quý tộc, khi đi ra ngoài thì có một Bảo A, tức bảo mẫu kiêm làm thầy dạy của gia đình. Những vị thầy dạy của gia đình đều dạy về đức hạnh và lễ tiết, ví dụ như khi y phục không hợp lễ tiết thì vị Bảo A này sẽ lập tức nói cho cô ấy biết. Nếu như cô ấy làm việc không phù hợp với quy phạm thì Bảo A sẽ lập tức chỉ dạy. Phụ nữ còn được dạy may vá, thêu thùa. Lên mười lăm tuổi là tuổi sắp lấy chồng nên dùng trâm cài tóc bới tóc cao lên, không được tùy tiện thả xuống, đến năm hai mươi tuổi thì gả đi. “Đối với trẻ trai thì biết dùng thi, thư để dạy, há nào lại chẳng dạy trẻ gái lễ nhượng hay sao?”. Ý nói đối với con trai, chúng ta biết dùng “Kinh Thi” và sách “Thượng Thư” để dạy, nếu như không dạy con gái lễ nhượng, không hiểu lễ nghĩa thì nam và nữ sẽ rất khó hòa hợp thành một thể, sẽ không tương xứng. Giống như mặt trước và mặt sau của bàn tay vậy, đều là một thể. Mặt này hiểu biết thì mặt kia cũng cần hiểu biết, sau khi trở thành người một nhà thì có thể hô ứng cùng nhau, chồng làm thế này thì người vợ sẽ biết cách hô ứng mà làm theo. Bằng ngược lại, nếu như chồng làm thế này mà người vợ không hiểu thì sẽ phản kháng. Trong xã hội hiện nay, chúng ta đừng nên ỷ y rằng người chồng sẽ làm như thế, bởi vì người chồng chưa được học, không biết nên làm như thế nào, vậy chúng ta hãy làm trước, không ngừng thực hành đạo lễ nghĩa mà Kinh điển đã dạy.

Chương Phu Phụ tổng cộng chỉ có 205 chữ nhưng hàm nghĩa lại thâm sâu vô biên, cảnh giới tu học của tôi còn rất cạn mỏng nên trong hai giờ đồng hồ vẫn chưa giảng được rốt ráo, hy vọng mọi người vừa học, vừa thể ngộ. Bản thân tôi từ lúc bắt đầu giảng thì phần khiến tôi có cảm xúc sâu sắc nhất chính là đạo vợ chồng, nam nữ mỗi người nên giữ bổn phận của mình. Bản thân tôi tuy là giảng Nữ Đức, nhưng cũng xin khuyên nam giới trong thiên hạ nên học Nam Đức. Nam nhi cần có dáng vóc riêng, có thể gánh vác trọng trách nuôi gia đình, làm rường cột kinh tế trong nhà, làm người có khí phách lớn, không tính toán so đo, thực sự giống như bầu trời rộng mở vậy, đem ánh nắng mặt trời và mưa móc đến cho mặt đất, và cũng giống như bầu trời vận hành có trật tự, xuân hạ thu đông, hai mươi bốn giờ không ngừng nghỉ.

Phụ nữ cũng càng nên như vậy, nhất định cần phải biết những điều không hay trong tính cách của mình mà kịp thời sửa chữa. Phụ nữ đều có một số tính cách chung là hâm mộ hư vinh, đố kỵ, nên vì sao hai từ “đố kỵ” (嫉妒) đều có bộ “nữ” (女)ở bên trái, người xưa là nhắm đến phụ nữ mà phát minh ra hai từ này. Người nam cũng có đố kỵ nhưng phụ nữ đố kỵ nghiêm trọng hơn. Trong gia đình, quan trọng là phụ nữ không được xử sự dựa vào cảm tính, cảm tình, động một chút là khóc, trước khóc, sau gào rồi đòi ly hôn, không được như thế. Đời sống hôn nhân cần đến lý trí, cần dùng chân tâm mà gây dựng như vậy thì vợ chồng mới có thể lâu bền, gia đình mới có thể hài hòa. Rất nhiều việc nên xem nhạt đi một chút, không nên nghiêm trọng hóa, vấn đề tạm thời chưa giải quyết được thì thực sự nghĩ cũng nghĩ không thông, trước tiên cứ để đó, khi nào nghĩ thông rồi thì hãy đi làm, đồng thời cần phản tỉnh chính mình xem có chỗ nào làm chưa được, hoặc là làm quá đáng. Giữ cho tâm của chính mình không thiên lệch, thay đổi, khi mới về nhà chồng thì đối xử với người bên nhà chồng rất tốt, qua hai ngày thì tinh lực có hạn, không còn tốt nữa, người ta sẽ oán trách bạn, thế nên bạn cần phải học trung dung, không quá nhiệt tình cũng không quá lạnh nhạt, như vậy là tốt nhất, đây chính là lễ nghĩa, tức là trước sau đều giữ được mức trung dung. Chúng ta cần phải thường xuyên xét lại bản thân xem coi có ở trong đạo trung dung hay không, ví dụ như đối với mẹ chồng lúc đầu thì mỗi ngày thăm một lần, còn bây giờ thì một tháng cũng không thăm được một lần, như thế không phải là đạo trung dung, một tuần hoặc mười ngày đến thăm là được, trước sau cần làm theo quy luật như thế thì rất tốt.

Chương Phu Phụ là một chương rất quan trọng, nói về Nữ Đức đều nhắc đến chương này, chúng ta cần phải học tập tới lui, thể hội nhiều lần, hy vọng chúng ta trong lúc học tập chung với nhau có thể đạt được lợi ích, gia đình hòa thuận, có thể đạt được hạnh phúc, đồng thời có thể không ngừng nâng cao chính mình, hoàn thiện phẩm cách của chính mình, sau cùng có thể thành tựu nhân sinh của chính mình, thành tựu thế hệ sau của mình.

 

 

[1] Thảnh thơi không vướng bận sự đời

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 221


Hôm nayHôm nay : 26248

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 975460

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43219604

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.