Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Pháp Ngữ khác của HT Tịnh Không

KINH PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC (phần 1)

Thứ sáu - 14/06/2013 17:00
1. Duyên khởi

    Xin chào chư vị pháp sư, chào các vị đồng tu!

    Lần này là lần đầu tiên chúng ta tổ chức đại hội giảng kinh hoằng pháp tại viện Tri Ân Nhật Bản. Hôm nay chúng ta nhìn thấy bản kinh này, đây là bản mà tôi mới nhìn thấy hai ngày nay. Bát Đại Nhân Giác Kinh Giảng Ký là trước đây giảng tại Đài Loan, chính bút ký của cư sĩ Hàn Anh. Chúng ta lần này sẽ dùng bản này, cũng là để kỷ niệm lão cư sĩ Hàn Anh. Phật pháp bất kể là kinh điển đại thừa hay tiểu thừa, có thể nói là từng câu từng chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Lần này chúng ta do vì thời gian hạn chế, cho nên xin giới thiệu giản lược bộ kinh này với quí vị. Tuy thời gian ngắn, nhưng cũng phải giảng bộ kinh này viên mãn. Đây là quy tắc nhất định. Lần này tổ chức pháp hội này tại đây, được sự giúp đỡ tận tình của hai vị là tiên sinh Thủy Cốc và lão pháp sư Trung Thôn, có thể giảng giải kinh điển Phật pháp trong tự viện, nhân duyên thật vô cùng thù thắng. Chúng tôi luôn hy vọng có thể làm hưng thịnh nền giáo dục Phật pháp trong tự viện. Vừa rồi chúng tôi nghe bài diễn văn của tiên sinh Thủy Cốc và lời phát biểu của pháp sư Diêm - đại diện của lão hòa thượng, thì chúng tôi có thể khẳng định, nhân sĩ mà giới Phật giáo Nhật Bản biết tên cũng vô cùng khẳng định đối với việc hoằng dương kinh giáo lợi ích chúng sanh. Chúng tôi nghe vậy cũng hoan hỷ vô cùng, cũng vô cùng tôn trọng, nên muốn dốc hết chút sức hèn mọn này của chúng tôi, tập hợp sức mạnh này, hy vọng có thể đem Phật pháp mở rộng đến toàn thế giới.

    Chúng ta tưởng tượng đến Thế Tôn năm xưa còn tại thế, từ sau khi thị hiện thành đạo liền bắt đầu làm công tác dạy học, mọi người đều biết cái gọi là giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm. Từ hai câu nói này, chúng ta liền có thể thể hội được một cách sâu sắc rằng, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, có thể nói cả đời ngài là phục vụ cho công tác dạy học, 49 năm không hề gián đoạn, không hề nghỉ ngơi. Điều này chúng ta cần phải ghi nhớ, cần phải học tập theo.

    Lần này chúng tôi có nhân duyên thù thắng đã ở lại năm ngày tại Viện Bổn Giác Cao Giả Sơn, ở nơi đó giảng giải với mọi người Tam Phước của Quán kinh, giới thiệu về tâm yếu truyền pháp của Ấn Quang đại sư. Nói rõ cùng quý vị, chư Phật Bồ-tát, các ngài khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, đều là từ tự tánh, tánh đức tự nhiên lưu xuất. Hay nói cách khác, có thể tùy thuận tánh đức, đó liền gọi là Phật Bồ-tát. Đi ngược lại tánh đức, đây là phàm phu. Cho nên học Phật chính là phải học theo Thế Tôn, học theo tổ sư đại đức, chúng ta phải học giống hệt như các ngài vậy, đây gọi là học Phật chân chánh. Sau khi làm được rồi có thể nói, sau khi làm được rồi mới nói, đây chính là thánh nhân. Sau khi nói được có thể làm được, đó gọi là hiền nhân. Nói được mà làm không được, lời tôi nói đây thật khó nghe, đó gọi là kẻ lừa bịp, đó là tự dối mình dối người. Cho nên nền giáo dục Phật pháp, đức hạnh được xếp vào vị trí quan trọng hàng đầu. Không những là Phật pháp, mà nền giáo dục Nho gia cũng xếp đức hạnh vào vị trí đứng đầu. Bốn khoa của Khổng Tử, đứng đầu là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba là chánh sự, thứ tư mới là văn học. Cho nên thánh nhân giáo hóa thế gian hay xuất thế gian, cái dụng tâm lập ý đó chúng ta không thể không hiểu rõ. Không hiểu rõ thì bạn sẽ không biết phải học từ đâu. Cho nên chúng ta phải vô cùng xem trọng việc tu dưỡng đạo đức.

    Phật giáo là nền giáo dục của Phật Đà, là nền giáo dục chí thiện viên mãn của Phật Đà đối với chúng sanh trong chín pháp giới, đây là điều đầu tiên chúng ta cần khẳng định, cần nhận thức rõ ràng, sau đó mới không đến nỗi đi sai đường. Kinh điển là nội dung giảng dạy của Phật. Dùng cách nói hiện nay mà nói thì chính là sách giáo khoa trong giáo dục của Phật Đà. Bộ kinh này được phiên dịch vào thời kỳ đầu. Cho nên chúng ta nhìn thấy thể lệ của dịch kinh, mỗi một bộ kinh vừa mở ra thì nhất định có “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại nơi nào đó, cùng với những thính chúng nào”. Những ghi chép này trong phần mở đầu của kinh đều không có. Đây là thời kỳ đầu khi Phật giáo vừa mới đến Trung Quốc, thể lệ dịch kinh vẫn chưa kiến lập. Bộ kinh này chúng ta xem trong phần nội dung, đại khái là do đại sư An Thế Cao phiên dịch, từ những pháp mà Phật đã nói trong 49 năm này trích ra được tám điều quan trọng nhất để giới thiệu đơn giản nhất cho chúng ta, là mang tính chất như vậy. Rất tương đồng với tính chất của kinh Tứ Thập Nhị Chương. Kinh Tứ Thập Nhị Chương hoàn toàn không phải do Phật nói ra bộ kinh này, mà đều là được trích ra từ trong tất cả các kinh điển, trích ra được 42 điều, đó là Trúc Pháp Lan và Ma Đằng phiên dịch. Kinh Phật phiên dịch bộ đầu tiên là kinh Tứ Thập Nhị Chương. Bộ này [và kinh Tứ Thập Nhị Chương] thời gian [phiên dịch] cũng rất gần nhau, bộ này càng đơn giản hơn so với Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Có thể nói [bộ này] là khái quát của Phật học, là trích yếu những điều khái quát từ trong kinh điển. Hai điều phía trước là pháp tiểu thừa, sáu điều phía sau là pháp đại thừa, có thể nói là giới thiệu tương đối viên mãn, vô cùng tinh yếu, rất đáng để chúng ta học tập. Đặc biệt là người mới học Phật pháp. Chúng ta nói với họ những gì vậy? Mấy điều này là thích hợp nhất.

    1. 2. Tựa đề kinh

    Kinh điển của Phật rất nhiều, chúng ta nhìn thấy đề kinh, đề kinh này là kinh Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác. Có rất nhiều bộ kinh mà đề kinh hoàn toàn không có hai chữ “Phật thuyết” này, vậy tại sao có kinh phải thêm vào hai chữ “Phật thuyết”, có kinh lại không dùng hai chữ “Phật thuyết” này? Đây là ý gì vậy? Chúng ta cần phải hiểu cho được. Thông thường kinh điển, phần chánh tông, câu nói đầu tiên là Phật thuyết thì bộ kinh này đề kinh có thêm hai chữ “Phật thuyết”. Nếu như câu đầu tiên không phải Phật thuyết, là đệ tử của Phật đưa ra câu hỏi, giống như kinh điển dạng này trên thói quen thì không thêm hai chữ “Phật thuyết”. Bộ kinh này là do kết tập, từng câu từng chữ đều do đích thân Phật tuyên giảng, cho nên trên đề kinh cũng thêm vào hai chữ “Phật thuyết” này. Kinh Phật lập đề thì đề mục đều có quy tắc. Cổ nhân nói với chúng ta có bảy loại lập đề, điều này ở đây chúng ta cũng đem nó tỉnh lược bớt.

    Trong bảy loại lập đề, bộ kinh này thuộc vào “Nhân pháp” lập đề. “Phật” là nhân, “Bát Đại Nhân Giác” là pháp. Ở trong đề kinh có nhân, có pháp, không có tỉ dụ, là nhân pháp lập đề. Cái chữ “Phật” này có nghĩa là giác ngộ, có nghĩa là trí tuệ, giác ngộ viên mãn đầy đủ, trí tuệ viên mãn. Hay nói cách khác, giác ngộ triệt để chân lý của vũ trụ nhân sinh, người này chúng ta bèn tôn xưng họ là Phật Đà. Ở chỗ này là để chỉ riêng Phật Thích Ca Mâu Ni vì bộ kinh này là do chính ngài nói ra.

    Giác có ba ý nghĩa: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tự giác là đối với bất giác mà nói. Phàm phu trong sáu cõi bất giác, cho nên bất giác chính là mê. Đích thực giác ngộ thì họ liền thoát khỏi sáu cõi rồi. Thoát khỏi sáu cõi, thông thường chúng ta nói ngoài sáu cõi là pháp giới bốn thánh: Thanh Văn, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ-tát quyền giáo, có Phật của tạng giáo, Phật của thông giáo, những cấp này đều là thuộc vào tự giác. Nếu như tự giác lại có thể giác tha, đó chính là Bồ-tát. Bồ-tát chúng ta gọi là chánh đẳng chánh giác, ở trong Phật pháp nói là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”, trong hội Hoa Nghiêm gọi là pháp thân đại sĩ. Đây là Bồ-tát chân chánh, chánh đẳng chánh giác. Giác hạnh viên mãn chính là vô thượng chánh đẳng chánh giác, là trên 41 vị pháp thân đại sĩ, là Phật quả cứu cánh viên mãn. Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni, chỗ mà ngài đã chứng được là Phật quả cứu cánh viên mãn. Chúng ta gọi ngài là Phật Đà. Bộ kinh này là do Phật nói, cho nên phía trước có chữ “Phật thuyết”.

    Bát” là nói tám loại phương pháp giác ngộ, cho nên dưới nó có giác ngộ, có giác tri, chúng ta dùng một danh từ làm đại biểu là được rồi, tám loại phương pháp giác ngộ. Từ đó cho thấy, nó vô cùng quan trọng, hoàn toàn là nói từ trên cương lĩnh, nói từ trên nguyên tắc, chúng ta nhất định phải nắm bắt nó cho thật kỹ để tự mình đi trên con đường giác ngộ.

    Đại Nhân” là cách tôn xưng đối với Phật, đối với pháp thân Bồ-tát. Tám loại phương pháp này đều là nguyên lý, nguyên tắc giác ngộ của chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ-tát, chúng ta cần phải nên học tập, cho nên gọi là “Bát Đại Nhân Giác”.

    Kinh” là thông xưng, trong Phật pháp gọi là khế kinh. Trên thì hợp với lý của chư Phật đã chứng, dưới hợp với căn cơ của chúng sanh để độ, cho nên gọi nó là khế kinh. Kinh có rất nhiều ý nghĩa, trong kinh Hoa Nghiêm nói có mười loại. Hiện nay kinh điển lưu hành cũng rất rộng rãi, nên ở đây chúng tôi cũng lược bỏ nó bớt.

    1. 3. Người dịch Kinh

    Kinh điển đều là từ Ấn Độ truyền qua Trung Quốc, nguyên văn là viết bằng tiếng Phạn. Sau khi đến Trung Quốc, nhất định phải thông qua phiên dịch, đem Phạn văn dịch thành văn tự Trung Quốc thì mới có thể lưu hành phổ biến ở Trung Quốc được. Bộ kinh này là do ai phiên dịch vậy? Nhất định phải có một người phụ trách. Thời xưa phiên dịch kinh vô cùng thận trọng, quy mô của nơi phiên dịch cũng rất lớn, tương đương với viện trưởng viện dịch kinh mà chúng ta hiện nay thường nói, là dùng danh nghĩa của họ, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm, để chúng ta sinh tín tâm. Người phiên dịch là Sa môn An Thế Cao đời Hậu Hán dịch.

    Hậu hán là đại biểu cho năm mà bộ kinh này được phiên dịch. Sa môn là trình độ học vấn, đây là pháp sư vô cùng khiêm tốn. Về sau người dịch kinh đều xưng là Tam Tạng pháp sư. Đại sư An Thế Cao ngài quả thực đúng là Tam Tạng pháp sư, nhưng ngài không dùng cách xưng hô này, mà ngài dùng Sa môn. Sa môn là vô cùng khiêm tốn, vô cùng khách sáo. Nghĩa của Sa môn dịch là “cần tức”. Cần tu giới định tuệ, tức diệt tham sân si, đây là ý nghĩa của Sa môn. Hay nói cách khác, học Phật từ lúc mới nhập môn, cư sĩ tại gia có thể tu ngũ giới thập thiện, cũng có thể xưng là Sa môn. Sa môn không phân biệt tại gia hay xuất gia. Xuất gia Sa Di có thể siêng năng tu mười giới và hai mươi bốn oai nghi, cũng là có điều kiện của Sa môn. Cho nên Sa môn là cách xưng hô vô cùng khiêm tốn và khách sáo. Đây là đại sư đã làm một tấm gương tốt cho chúng ta thấy, đặc biệt là cho chúng sanh thời mạt pháp. Chúng sanh thời mạt pháp quả thật mà nói, họ bất giác, họ mê hoặc, cuồng vọng tự đại. Chúng tôi hôm nay nhìn thấy cách xưng hô này, chúng tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Chúng ta cần phải học tập đức tính khiêm tốn cung kính của những bậc đại đức này, hạ mình và kính người.

    An Thế Cao là đức hiệu của đại sư. Đức hiệu của ngài thực tế là “Thế Cao”, “An” là tên gọi quốc gia của ngài, cũng giống như đại sư Huyền Trang của Trung Quốc chúng ta đến Ấn Độ du học, gọi là Đường Huyền Trang. Ngài hoàn toàn không phải là họ Đường, ngài là người nước Đường, cộng thêm danh hiệu của quốc gia ngài. Pháp sư nước ngoài đến Trung Quốc hoằng pháp thì cũng đều đem danh hiệu của chính quốc gia họ thêm vào phía trước. Cho nên gọi là An Thế Cao. An Là nước An Tức. Nước An Tức là vào triều Hán, đời Đường gọi là Ba Tư, hiện nay gọi là Iran. Hiện nay nói ngài là người Iran, vào lúc triều Hán gọi là nước An Tức. Đại sư Thế Cao của nước An Tức. Ngài là thái tử của nước An Tức, là một người con có hiếu. Phụ thân ngài là vua nước An Tức. Sau khi phụ thân ngài qua đời, ngài kế thừa vương vị không bao lâu thì ngài nhường vương vị lại cho người chú, bản thân ngài xuất gia tu hành. Ngài có duyên vô cùng sâu dày với Trung Quốc, sau này đến Trung Quốc hoằng dương Phật pháp, là một vị đại đức phiên dịch thù thắng nhất của Phật giáo Trung Quốc thời kỳ đầu. Ngài đã ở lại Trung Quốc tổng cộng hơn 20 năm, phiên dịch kinh có 29 bộ, tổng cộng có 176 quyển. Hiện nay đều có thể tìm thấy trong Đại Tạng Kinh.

    Bộ kinh này là ngài đã dịch vào thời kỳ đầu mới đến Trung Quốc, là một bộ ở trong đó. Ngài đến Trung Quốc năm Kiến Hòa Nguyên Niên, là năm 147 sau Công Nguyên. Niên đại cách nói như vậy là rất rõ ràng rồi. Năm nay là năm 2002 sau Công Nguyên. Ngài đến Trung Quốc là năm 147 sau Công Nguyên.

    Trong các kinh điển thông thường đều có phần tự, phần chánh tông, phần lưu thông, cách chia rất rõ ràng. Ơ trong bộ kinh này không có. Năm xưa thầy Lý giới thiệu cho chúng tôi bộ kinh này, thầy nói tuy không có ba phần này, nhưng quan sát tỉ mỉ cũng có ý của ba đoạn này. Mới mở đầu kinh văn, từ “Vi Phật đệ tử” đến “Bát đại nhân giác”, bốn câu này có thể nói tương đương với phần tự. Từ “Đệ nhất giác ngộ” đến “Đệ bát giác ngộ”, tám đoạn này là phần chánh tông của bản kinh, cũng là trọng điểm mà bộ kinh này nói đến. Đoạn văn sau cùng, từ “Như thử bát sự” đến “Thường trụ khoái lạc”, có thể nói là phần lưu thông của bản kinh.

    1. 4. Phần kinh văn

    4.1 Kinh văn phần đầu

    Kinh văn: “Vi Phật đệ tử, thường ư trú dạ, chí tâm tụng niệm, bát đại nhân giác”. Bốn câu này, chúng ta có thể nhận thấy rằng Thế Tôn dùng lời thành khẩn ý sâu xa, giáo huấn chân thực từ bi bảo với chúng ta. Chúng ta muốn làm học trò của Phật thì cần phải thường xuyên ngày đêm “chí tâm”. Chí tâm là dùng tâm chân thành, phải nhớ tụng, phải thường xuyên niệm “Bát đại nhân giác”. Tám điều này là pháp môn giác ngộ của chư Phật, pháp thân Bồ-tát. Như vậy mới không lỗi là đệ tử đích thực của Phật Đà. Đệ tử này là bất kể là tại gia hay xuất gia. Lời khai thị của bốn câu này, chúng ta dứt khoát không được lơ là. Phật dạy chúng ta ngày đêm sáu thời, tức là ngày đêm không được gián đoạn, dùng tâm chân thành nhất, tâm khẩn thiết nhất, không có một mảy may tâm hư ngụy, hướng về chư Phật Như Lai, hướng về pháp thân Bồ-tát mà học tập tám loại phương pháp giác ngộ chân thực này của các ngài.

    4.2 Đệ nhất giác tri

    Kinh văn: “Đệ nhất giác ngộ, thế gian vô thường, quốc độ nguy xuế, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử”.

    Các bạn đồng tu học Phật đều biết, nhà Phật thường hay nói: “Sanh tử sự đại”. Chúng ta học Phật mục đích thật sự là vì cái gì? Chỉ là nhằm mục đích giải quyết cái vấn đề này. Năm xưa khi Thế Tôn còn tại thế, chúng ta thấy từ trong truyện sử, ngài đã từng đi ra ngoài dạo chơi, đây là dạo chơi bốn cửa thành, nhìn thấy cái khổ sanh, già, bệnh, chết của nhân gian, ngài đã được soi sáng từ chỗ này, mới phát tâm xuất gia tu đạo, mục đích chính là để giải quyết vấn đề sanh tử. Mục đích này ngài đã đạt được rồi, ngài đã làm được. Sau khi làm được, liền giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trong sáu cõi giải quyết cái vấn đề lớn không thể giải quyết này, đây là mục đích đích thực của Phật Đà ra đời.

    Kinh điển tuy rất ngắn gọn, tinh giản, nhưng rất vô cùng quan trọng. Phật gợi mở cho chúng ta cái đầu tiên phải giác ngộ. “Thế gian” chính là môi trường sống của chúng ta, đây thì nhỏ, đây là chỉ môi trường xung quanh mà thường ngày chúng ta cư trú học tập, mở rộng ra chính là quả địa cầu này, mở rộng hơn nữa chính là ngày nay chúng ta nói hệ ngân hà. Hệ ngân hà vẫn chưa lớn. Hệ ngân hà lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với chúng ta là Nam Thiệm Bộ Châu ở trong thế giới Ta Bà. Thế Tôn, khu vực giáo hóa của một vị Phật là một tam thiên đại thiên thế giới. Hệ ngân hà là một đơn vị thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới rốt cuộc là bao lớn vậy? Nếu như theo cách nói của lão cư sĩ Hoàng thì mười vạn ức cái hệ ngân hà. Mười vạn ức cái hệ ngân hà là phạm vi mà Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, đây là khu vực giáo hóa của một vị Phật. Quan sát theo cách này thì quả địa cầu này của chúng ta quá nhỏ, quá bé nhỏ. Đây là nói cái thế gian này của chúng ta.

    “Vô thường” nói rõ cái thế gian này có thành, trụ, hoại, không. Tất cả mọi sự vật có trong cái thế gian này đều đang thay đổi theo từng sát na, hoàn toàn không có thường hằng. Cho nên nói rõ ràng cho chúng ta biết là “Quốc độ nguy thúy”. Cái thế gian này ngày nay chúng ta có biết bao nhiêu tai nạn từ thiên nhiên, có nạn lửa, có nạn nước, có nạn gió, có động đất, nó không có một giây phút nào ngừng nghỉ. Hiện nay nhà khoa học đã chứng minh cho chúng ta, và đã đưa ra rất nhiều những thường thức phong phú này cho chúng ta thấy. Chúng ta biết trái đất này, sự thay đổi của tâm trái đất, sự thay đổi của vỏ trái đất, đích thực đúng như lời Phật đã nói, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng. Đối với cái thế gian này chúng ta phải khéo lợi dụng, Phật pháp thường nói “mượn giả tu thật”. Chúng ta phải học cái chân thường từ trong cái vô thường. Cái gì là chân thường vậy? Pháp tánh là chân thường, pháp tánh thân là chân thường, pháp tánh thổ là chân thường. Làm sao có thể từ vô thường tu thành chân thường? Đây là công phu, đây là giác ngộ chân chánh.

    “Tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã”. Hai câu này là nói vô ngã, cái thân này của ta là giả. Cái thân thể này tế bào mới thay thế tế bào cũ, cũng đang thay đổi theo từng sát na. Hay nói cách khác, cái cơ thể mà lúc chúng ta bước vào giảng đường này so với cái cơ thể mà chúng ta nghe xong hai giờ giảng kinh này bước ra có giống nhau hay không? Xin thưa với quí vị là không giống nhau. Rất nhiều tế bào đã chết và rất nhiều tế bào mới được sinh ra, đã chuyển hóa rồi. Cho nên sự thay đổi của hai giờ là vô cùng lớn. Năm ấm vô ngã.

    “Bốn đại” là nói vật chất. “Năm ấm” là nói tinh thần. Chúng ta đem toàn bộ hiện tượng của giới sự sống quy nạp lại thì không ngoài hai loại lớn này. Vật chất, hiện nay khoa học đã chứng minh cho chúng ta rồi, tất cả mọi hiện tượng vật chất đều do vật chất cơ bản tổ hợp thành. Như hiện nay nhà khoa học phân tích cho chúng ta, chúng ta hiểu rõ tất cả mọi vật chất đều có thể phân tích ra thành phân tử, phân tử phân tích nữa là nguyên tử, điện tử, hạt tử. Nghe nói hiện nay hạt tử còn có thể phân tích gọi là hạt “Quark”, đây là đơn vị nhỏ nhất. Động vật, thực vật, khoáng vật, tinh cầu, thế giới đều do những vật chất cơ bản này tổ hợp thành, cho nên vật chất quả đúng là bình đẳng. Ở trong kinh Kim Cang nói “Tướng nhất hợp”, chúng ta đã chứng minh từ khoa học. Thật đúng là lớn như vũ trụ, nhỏ như vi trần là hiện tượng do một loại vật chất tổ hợp thành, cho nên nó là bình đẳng. Vật chất cơ bản nó có bốn hiện tượng, gọi là “Tứ đại”. Hiện tượng thứ nhất là nó quả đúng là vật thể, rất nhỏ, mắt thường chúng ta không nhìn thấy, nhưng dùng thiết bị khoa học có thể phát hiện nó tồn tại, cái này chúng ta gọi nó là “Đất”. Đất chính là nói nó là vật chất. Cái vật chất này nó có độ nóng. Độ nóng chúng ta gọi nó là “Hỏa đại”. Nó có độ ẩm, độ ẩm chúng ta gọi nó là “Thủy đại”, thủy đại biểu cho độ ẩm. Đây là người Trung Quốc, người phương đông nói.

    Hiện nay người phương tây họ không nói độ nóng, không nói độ ẩm, mà họ nói mang điện âm, mang điện dương. Mang điện dương chính là hỏa đại, mang điện âm chính là thủy đại. Nó là thể mang điện, nó có một hiện tượng, nó động chứ nó không đứng yên. Cái động này gọi là “Phong đại”. Phong là động, không động thì không gọi là phong. Bốn hiện tượng này của hạt cơ bản chính là đất, nước, gió, lửa. Bốn hiện tượng này đang thay đổi theo từng sát na. “Khổ không”, nó không phải tồn tại vĩnh hằng, nó thay đổi theo từng sát na. Thời gian của sự thay đổi đó tốc độ rất nhanh, chúng ta không cách gì tưởng tượng được. Đây là để chúng ta hiểu rõ chân tướng của thế giới vật chất.

    Sau đó lại nói với chúng ta chân tướng của thế giới tinh thần, ngũ ấm. “Ngũ ấm” là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cái đầu tiên là “Sắc”, chính là tứ đại đã nói phần trước, là thế giới vật chất. “Thọ” là cảm thọ. Tưởng là vọng tưởng của bạn, thảy đều không phải chân thực, vọng tưởng. “Hành” có nghĩa là không đứng yên, tức là bạn không có cách gì dừng lại được, bạn nhất định là đang thay đổi theo từng sát na. Sau cùng là “Thức”, chính là A Lại Da thức mà trong Phật pháp nói, ở trong pháp tướng duy thức học nói vô cùng tường tận. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức “sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ”. Nói tóm lại, bất kể là thế giới tinh thần hay là thế giới vật chất, bao gồm cả thân tâm này của chúng ta cho đến môi trường sống, nói tóm lại chân tướng của nó là “sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ”. Tám chữ này Phật đem nó nói hết rồi.

    Xem tiếp hai câu dưới đây: “Tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử”. Hai câu phía trước vô cùng quan trọng, là hai câu quan trọng nhất ở trong giác ngộ đầu tiên. “Tâm”, cái tâm này là vọng tâm, chính là nói ý nghĩ của chúng ta. Ý nghĩ là căn nguyên của tất cả ác nghiệp. “Hình” là nói thân của chúng ta, khẩu của chúng ta, thân khẩu tạo nghiệp. “Tội tẩu”, tẩu là tụ họp, tất cả mọi tạo tác bất thiện đều do thân khẩu tạo nên. Trong kệ sám hối chúng ta thường niệm: “Xưa kia đã tạo các ác nghiệp”, các ác nghiệp này do ai tạo nên vậy? Tất cả là do thân, khẩu, ý, ba loại này tạo nên. Đây là dạy pháp môn cầu sám hối chân chánh cho chúng ta. Phải nhận thức rõ ràng, khởi tâm động niệm là nguồn gốc của ác. Chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ-tát, chỗ mà các ngài không giống với phàm phu chúng ta là chỗ nào vậy? Chính là ứng hóa ở trong chín pháp giới, các ngài tùy thuận chúng sanh, ở trong tất cả các cảnh duyên, các ngài đích thực là làm được không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Dù cho đang làm đủ dạng thị hiện cho chúng ta, khi dạy bảo chúng ta cũng chưa từng có khởi tâm động niệm. Đây chính là “Na già thường tại định, vô hữu bất định thời” mà trong kinh đại thừa thường nói. Chúng ta thì hoàn toàn ngược lại, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần thì khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, đây là nguồn gốc của ác. Sau đó mới biểu hiện ra trong hình tượng thân thể của chúng ta, liền tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Cho nên Phật ở chỗ này, điều thứ nhất dạy chúng ta, phải từ chỗ này mà quán sát. Bạn đích thực thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ rồi, cái “Quán sát” này là phát hiện thấy chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

    Quốc độ thế gian là vũ trụ, bốn đại năm ấm là nhân sinh, đích thực thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ chân tướng của vũ trụ nhân sinh rồi, thì bạn sẽ không khởi tâm động niệm, bạn sẽ không tạo tội nghiệp nữa, như vậy bạn mới dần dần có thể thoát khỏi sáu cõi sanh tử luân hồi. Phật Bồ-tát đại nhân, các ngài quán sát, tức là trong Phật pháp đại thừa thường nói quán chiếu, chiếu kiến. Trong Bát Nhã Tâm kinh nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, quán sát ở chỗ này chính là chiếu kiến. Do đó, kinh văn tuy rất ngắn gọn, nhưng nghĩa lý sâu rộng vô cùng. Chúng ta là phàm phu, hơn nữa là phàm phu có tội chướng sâu nặng, chúng ta làm sao nhập môn? Làm thế nào học đây? Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trước mắt chúng ta. Chúng ta học tập, phương pháp nhập môn chỉ có một cách, nếu như nói không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước thì phàm phu trong lục đạo không ai có thể làm được. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, làm gì có đạo lý là không khởi tâm động niệm chứ? Vậy làm thế nào? Chúng ta khởi tâm động niệm không phải vì bản thân, vậy liền có thể nhập môn. Khởi tâm động niệm là vì bản thân, vậy chắc chắn là “tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu”, bạn không thể không tạo nghiệp. Nếu bạn tạo nghiệp thì bạn không thể không nhận quả báo. Quả báo là do nghiệp lực biến hiện ra, hoàn toàn không phải do Phật Bồ-tát ban cho bạn, cũng không phải vua Diêm La, cũng không phải Thượng Đế, hay nói cách khác, là hoàn toàn không liên can gì đến cảnh giới bên ngoài, đều là do quả báo tội nghiệp của chính bạn biến hiện ra. Cái đạo lý này, ở trong kinh đại thừa nói vô cùng tường tận, chúng ta không thể không biết. Tất cả đều là tự làm tự nhận, Phật Bồ-tát đứng bên cạnh nhìn thấy sinh tâm thương xót mà thôi, không thể giúp được. Cũng giống như bạn thấy ác mộng vậy, bạn đang thấy ác mộng, thọ khổ, thọ nạn ở trong mộng, người tỉnh táo ở bên cạnh nhìn thấy nhưng không cách gì giúp đỡ bạn được. Cái đạo lý này cũng vậy. Cho nên trong kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Lời nói này là hoàn toàn chính xác.

    Do đó chúng ta nhập môn, tức là khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác quyết không vì bản thân, chúng ta vì tất cả chúng sanh, đặc biệt là xã hội này hiện nay, vì chúng sanh khổ nạn, vì chánh pháp trụ thế. Tâm hạnh của chúng ta quyết định phải tương ưng với thánh giáo. Chúng ta ngày nay nói tương ưng với tự tánh, đây là việc rất khó làm được, vì chưa minh tâm kiến tánh thì bạn làm sao có thể tương ưng với tự tánh được? Nhưng kinh giáo của Phật Bồ-tát chính là tự tánh, là lưu xuất từ tự tánh. Chúng ta có thể tùy thuận kinh giáo chính là tùy thuận tự tánh, chính là tương ưng với tánh đức, đây là chỗ nhập môn học Phật của chúng ta. Công phu đắc lực thì thọ dụng không có cùng tận.

    4.3 Đệ nhị giác tri

    Kinh văn: “Đệ nhị giác tri, đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”.

    Kinh văn có tám đoạn, ở đoạn thứ nhất chúng ta nhìn thấy là giác ngộ, đoạn thứ hai nhìn thấy là giác tri. Giác ngộ với giác tri có gì khác biệt vậy? Điều này nhất định phải xem xét thật tỉ mỉ. Ý nghĩa của giác tri phải sâu hơn giác ngộ. Giác ngộ là bạn mới vừa bắt đầu ngộ nhập, giác tri ở trong đây liền sinh ra trí tuệ cao độ. Nếu như không có trí tuệ tương đối, thì bạn không cách gì, tuy bạn giác, giác ngộ, nhưng bạn biết chưa đủ thấu triệt. Cho nên ý nghĩa của tri sâu hơn ngộ. Chúng sanh trong sáu cõi, từ vô lượng kiếp đến nay, do không thể giác ngộ, đương nhiên càng không có giác tri, cho nên sanh tử luân hồi ở trong sáu cõi. Sự việc này, người hiểu rõ, chư Phật Bồ-tát thậm chí là A La Hán nhìn thấy hiện tượng này đều cảm thấy đây là sự việc vô cùng đau buồn. Cho nên chư Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian, mục đích của các ngài là giúp chúng ta thoát khỏi nỗi khổ lớn là sanh tử luân hồi, chứng đắc niềm vui lớn là chân thường. Chúng sanh ở trong lục đạo, quả thật giác ngộ thì cần nên nghĩ đến phải cố gắng lợi dụng một đời này. Thời gian của đời này tuy không dài, nhưng nếu như thực sự đi theo con đường giác ngộ thì thời gian cũng đủ dùng. Không những là thoát khỏi sáu cõi luân hồi, mà thoát khỏi mười pháp giới, thời gian cũng đủ để dùng. Chúng sanh không ra khỏi luân hồi thì không có cách gì hành Bồ-tát đạo. Quả thật mà nói, gốc bệnh chính là vì lợi ích riêng tư, chính là “Đa dục” như đoạn này đã nói, nó hại chúng ta khởi mê hoặc, tạo nghiệp, thọ báo.

    Chúng tôi bình thường trong các buổi giảng thường hay khuyên các đồng tu, nếu thực sự muốn thành tựu ngay trong đời này, thì bạn không thể không xả bỏ ý niệm vì lợi ích riêng tư, xả bỏ danh vọng lợi dưỡng, xả bỏ sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, xả bỏ tham sân si mạn. Trong đoạn thứ nhất, Phật dạy chúng ta, quốc độ thế gian, thân tâm chúng ta đều không phải chân thực, đều là huyễn hóa vô thường. Nếu như thật sự hiểu rõ cái đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta liền có thể buông xả ý niệm khống chế tất cả người sự vật ở thế gian hay xuất thế gian, không còn có cái ý niệm này nữa, không còn có ý nghĩ chiếm hữu nữa. Trong ý nghĩ còn không có thì làm gì có loại hành vi này? Ý nghĩ chính là “Ác nguyên” mà phần trước đã nói, ý nghĩ là cội nguồn của tội ác, hành vi là tội tẩu. Nếu được như vậy thì chúng ta ngay trong đời này liền có thể đem nghiệp chướng tiêu trừ thật sạch sẽ, nhất định được Phật lực gia trì, nguyện vọng cầu sanh tịnh độ của chúng ta chắc chắn có thể thành tựu. Dục vọng là không có cùng tận. Cái ý này chứng tỏ, một người ở trong lục đạo, thời gian mê quá dài, vô lượng kiếp đến nay mê trong lục đạo, mê quá sâu rồi, cho nên mới sinh ra phiền não tập khí nghiêm trọng như vậy. Nên biết rằng dục vọng là không có ở trong tự tánh, ở trong chân tâm hoàn toàn không có dục vọng. Từ đó cho thấy, ý niệm dục khởi lên chúng ta nhất định phải cảnh giác được, đây là vọng tâm, đây là đã đi ngược lại tánh đức. Cho nên giác ngộ phải bắt đầu giác từ đâu vậy? Là ngay tại những chỗ này. Nếu như không có sự huân tập tiếp nhận Phật pháp thường xuyên, thì sự huân tập của tập khí phiền não là không cách gì gián đoạn được. Loại huân tập này tất nhiên sẽ khiến cho thân khẩu của chúng ta tạo nghiệp. Thân tạo ra sát, đạo, dâm; khẩu tạo ra vọng ngữ, hai lời, ác khẩu, thêu dệt. Đây chính là “Hình vi tội tẩu” mà phần trước đã nói. Ý nghĩ của chúng ta bất chánh, tạo nghiệp thì chắc chắn phải thọ quả báo. Quả báo chính là phía dưới nói: “Sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi”.

    Đoạn kinh văn này tổng cộng có năm câu. Năm câu chia làm ba đoạn. “Đa dục vi khổ” đây là đoạn thứ nhất, đem tổng cương lĩnh này dạy bảo chúng ta. Hai câu ở giữa chính là nói sanh tử luân hồi trong lục đạo là việc như thế nào, là do đâu mà có, đây là nói phàm phu. Hai câu sau cùng đó là nói chư Phật Bồ-tát. Chư Phật Bồ-tát làm thế nào giải thoát, làm thế nào có thể thoát khỏi sáu cõi, thoát khỏi 10 pháp giới, đạt được thân tâm tự tại? Nói đến “Đa dục” thì danh vọng lợi dưỡng là dục vọng; tài, sắc, danh, thực, thùy là dục vọng. Ở trong kinh Phật thường hay nói ngũ dục. Người thế gian không ai mà không tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ. Ở trong kinh luận Phật thường nói: “Tài sắc danh thực thùy là năm điều gốc của địa ngục”, có một điều thì bạn không thể không bị đọa địa ngục. Nếu năm điều mà đều có đủ, bạn muốn thoát khỏi địa ngục thì khó rồi.

    Có lẽ có người sẽ nói: “Hiện nay tôi đang ở trong cõi người, mọi thứ đều rất tự tại, rất thoải mái”. Bạn thử đọc kinh Địa Tạng liền hiểu rõ thôi. Chúng ta thấy ở trong kinh Địa Tạng, Bồ-tát Địa Tạng khó khắn lắm mới khuyên bảo được chúng sanh, giác ngộ rồi, đích thực sám hối quay đầu rồi, từ địa ngục chuyển sanh đến cõi người nhưng nhân gian rất ngắn, sau mấy mươi năm chết đi họ lại đến địa ngục tiếp. Quỷ vương ở trong địa ngục nhìn thấy họ, sao ông vừa mới ra liền quay lại vậy? Tại sao nói vừa mới ra liền quay trở lại vậy? Vì thời gian ở trong địa ngục khác với thế gian chúng ta, hiện nay nói lệch giờ thì mọi người hiểu. Bạn thấy Đài Loan lệch giờ so với Nhật Bản là một giờ đồng hồ. Địa ngục lệch giờ so với nhân gian rất lớn. Chúng ta đọc thấy trong kinh luận, một ngày ở địa ngục là hơn 1700 năm ở nhân gian. Thế gian hơn 1700 năm chỉ là một ngày ở địa ngục. Dù cho bạn sống đến 100 tuổi, sống đến 200 tuổi, ở trong địa ngục chỉ mấy giờ đồng hồ. Quỷ vương trong địa ngục nhìn thấy nói: “Ngươi mới vừa đi ra, sao chẳng mấy chốc ngươi liền quay lại vậy?” là trong kinh Địa Tạng nói, chúng ta có sự cảnh giác này hay không? Thật vô cùng đáng sợ! Nếu như thật sự có sự cảnh giác này, thì một cách tự nhiên họ sẽ lợi dụng cái khoảng thời gian ngắn ngủi này để thoát khỏi sáu cõi, thoát khỏi mười pháp giới, người này gọi là người có chí khí, người này gọi là anh hùng hảo hán. Phật có năng lực này, cho nên đại điện thờ Phật gọi là “Đại hùng bảo điện”. Chữ hùng đó chính là anh hùng vậy.

    Anh hùng là nghĩa gì vậy? Là việc mà người bình thường làm không được nhưng họ có thể làm được, gọi là anh hùng. Người bình thường không có cách gì thoát khỏi sáu cõi luân hồi, không có cách gì thoát khỏi ba đường ác, Phật Bồ-tát có năng lực. Chúng ta đi theo Phật Bồ-tát thì chắc chắn không sai, con đường này là có thể đi thông suốt. Người đi thông suốt rất nhiều rồi. Các bạn thử xem Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh truyện, vô cùng cảm động lòng người. Tại sao những người đó đều làm được, vì sao ta làm không được? Những người đó có thể khắc phục được tập khí phiền não của mình. Tại sao ta vẫn tùy thuận theo tập khí phiền não, vẫn hằng ngày đang tạo nghiệp vậy? Hằng ngày đang khởi ác niệm, đang tạo ác nghiệp, làm sao xứng đáng với chính mình? Chỗ thù thắng nhất của Phật pháp, khiến chúng ta phải bái phục sát đất là Phật pháp chỉ dạy mỗi một mình ta, chứ không dạy người khác. Đây là sự thể hội rất sâu của tôi.

    Thông thường rất nhiều bạn đồng tu học Phật, cả đời không được lợi ích, vẫn cứ làm chuyện lục đạo luân hồi, họ học Phật pháp là học cho người khác, học Phật pháp để đi nhìn thấy lỗi người khác, họ quên mất chính mình. Điều này là hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của Phật pháp. Tinh thần của Phật pháp là hoàn toàn soi lại chính mình, không nên đi tìm lỗi của người. Người khác đều là người tốt, đều là Phật Bồ-tát, lời nói việc làm của người khác đều là đúng. Họ tạo ác nghiệp là tạo cho chúng ta thấy, họ đọa địa ngục là đọa cho chúng ta thấy, để ta cảnh giác. Bên ngoài bất kể là thuận duyên hay ác duyên, là cảnh thuận hay cảnh nghịch, thảy đều là chư Phật Bồ-tát từ bi thị hiện cho chúng ta thấy, độ mỗi một mình ta. Ta thành công rồi. Cho nên học Phật nhất định phải học Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, chỉ có một mình không có bạn đồng hành. Nếu như có bạn đồng hành thì ông ấy là phàm phu, ông ấy không thành tựu. Tại sao vậy? Anh cũng giống như tôi thôi, hằng ngày nhìn thấy lỗi của người khác, không nhìn thấy lỗi của mình. Trên đạo Bồ-đề người làm học trò phàm phu là mỗi mình ta, người khác đều là chư Phật Như Lai. Mười đại nguyện vương “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai”, cái tánh đức đó tự nhiên liền hiển lộ. Tại sao vậy? Bên ngoài thảy đều là chư Phật Như Lai, phàm phu chỉ mỗi mình ta. Mười pháp giới đều là chư Phật Như Lai đại từ đại bi vì chúng ta biến hiện, đến cảnh giác ta, đến khuyên răn ta.

    Lục tổ đã từng nói trong Đàn kinh là “nếu là người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Thế gian không có lỗi, chỉ thấy mình có lỗi thì mình mới có thể thành tựu. Điều đáng sợ nhất là chính mình không có lỗi, người khác thảy đều có lỗi, người này chính là chúng sanh trong địa ngục, họ không phải là người phổ thông, họ là chúng sanh địa ngục. Chúng ta nhất định phải hiểu được, ta có phải là chúng sanh địa ngục hay không? Học Phật như vậy, bạn mới có tiến bộ, mới có tiến triển, bạn mới không đọa lạc, bạn mới thật sự có thể đạt được pháp hỷ trên đường Bồ-đề, mới thật sự có thể đạt được lợi ích chân thực. Quyết định không nên nhìn thấy lỗi của thế gian, đây là chư Bồ-tát, là những người giác ngộ, đây chính là “Giác đạo”. Không thấy lỗi thế gian là giác đạo, thấy lỗi của mình là giác đạo. Nếu như thấy mình không có lỗi, người khác đều có lỗi, đó là mê đạo, đó không phải là giác đạo. Điểm này các bạn đồng tu phải đặc biệt chú ý. Nếu như chúng ta thật sự muốn thành công, muốn đi trên con đường của Phật Bồ-tát, Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức lúc nào cũng cho mình là người mang đầy tội nghiệp, người khác đều hoàn toàn không có lỗi gì hết.

    Phước báo của chúng sanh, trong số mệnh đều đã định sẵn. Ngạn ngữ xưa của Trung Quốc nói: “trong số mạng có”, tức là bạn muốn bỏ, bạn cũng bỏ không được. “Trong số mạng không có” thì bạn dùng mọi cách để cầu, bạn cũng cầu không được. Vậy thì số mệnh rốt cuộc là do ai định đoạt vậy? Chúng ta phải hiểu rõ, Phật Bồ-tát bảo với chúng ta rằng: “Số mệnh định sẵn là do trong đời quá khứ bạn đã tu tích”. Giàu có là do tích lũy từ bố thí tài, là của cải trong số mệnh. Hôm qua tôi đã hỏi luật sư Định một câu, Nhật Bản nơi này người xem tử vi, xem tướng, xem phong thủy có nhiều không? Ông trả lời là rất nhiều. Vậy là không khác gì so với phong tục của Trung Quốc. Tử vi chấm trong số mạng của bạn có của cải hay không, tiền của của bạn có được bao nhiêu? Đó chính là sự tích lũy của tu bố thí tài ở trong đời quá khứ của bạn.

    Trí tuệ trong số mệnh của bạn là do tích lũy bố thí pháp ở trong đời quá khứ của bạn. Trí tuệ cũng tương đối phức tạp, có cái được công danh, có cái không được công danh. Điều này trong lịch sử Trung Quốc chúng ta đều nhìn thấy rất nhiều. Phàm là được công danh thì phải tích âm đức, không có âm đức thì không đạt được. Cho nên trong kinh Phật dạy chúng ta, bất kể sự việc gì đều không phải do ngẫu nhiên, mà do vô lượng nhân duyên mới thành tựu. Chúng tôi học Phật nhiều năm như vậy, tỉ mỉ dựa theo tiêu chuẩn của Phật pháp quán sát thế gian, chứng minh từng câu từng chữ mà Phật đã nói đều là chính xác. Phật đúng là người nói lời chân, nói lời thật, nói lời như thị, Phật không lừa dối mọi người. Cho nên gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, gieo nhân bất thiện thì quả đương nhiên là bất thiện. Cho nên muốn mong cầu danh vọng lợi dưỡng trên thế gian thì bạn phải biết tu nhân. Dùng phương pháp chính đáng mà tu học thì bạn chắc chắn có thể đạt được. Bạn không tạo tội nghiệp, bạn có thể hưởng thụ phước báo trời người.

    Nhưng bạn nên biết rằng phước báo trời người có thể hưởng thụ, còn thoát khỏi luân hồi sanh tử cái này thì không thể được. Trong Đàn kinh nói rất hay: “Việc ấy phước không thể cứu”. Việc ấy chính là chỉ việc lớn sanh tử. Muốn thoát khỏi sáu cõi luân hồi thì phước báo lớn bao nhiêu cũng đều vô ích. Thoát khỏi sanh tử lục đạo luân hồi thì nhất định phải đoạn dục. Đa dục là khổ, thiểu dục có được không? Thiểu dục cũng không được. Phải đoạn hết dục bạn mới có thể ra khỏi sáu cõi luân hồi. Sáu cõi luân hồi là do dục vọng mà biến hiện ra. Vốn dĩ không có sáu cõi, sáu cõi là do tham sân si mạn kiến tư phiền não biến hiện ra. Điều này chúng ta cần phải biết. Cho nên kiến tư phiền não đoạn rồi liền chứng quả A La Hán, thoát khỏi lục đạo. Trần sa phiền não đoạn rồi, bạn liền thoát khỏi mười pháp giới. Vô minh phiền não đoạn rồi bạn liền chứng được Phật quả cứu cánh. Phiền não đoạn được bao nhiêu thì cảnh giới của bạn được nâng lên bấy nhiêu. Phiền não không đoạn, mỗi ngày còn nặng thêm thì bạn nhất định phải biết rằng, tiền đồ của bạn sẽ ngày càng đọa lạc, chứ không được siêu thăng. Đây là cái đạo lý sống còn, không thể không biết. Người thế gian đều là mê hoặc điên đảo, đều chưa giác ngộ. Chưa giác ngộ, nếu như bạn đắc tội với họ thì càng đáng sợ. Tại sao vậy? Họ sẽ báo thù. Bạn đã có hiềm khích kết oán thù với người ta thì oan oan tương báo, không bao giờ dứt, đời đời kiếp kiếp cũng không thể hết, đây là việc đáng thương nhất, việc đáng buồn nhất, việc ngu si nhất. Ở trong kinh Phật thường nói kẻ đáng thương nhất không gì bằng kẻ này.

    Ngày nay chúng ta học Phật đã học nhiều năm như vậy, coi như là cũng hơi hiểu rõ giác ngộ được một chút rồi. Sau khi giác ngộ, bản thân ta đi theo con đường nào? Trong đời này quyết định không đắc tội với một ai. Người khác hủy báng ta, làm nhục ta, hãm hại ta, ta vui vẻ tiếp nhận. Tại sao vậy? Vì trước đây ta đã từng đối với họ như vậy, hôm nay họ đối với ta như vậy đó là trả báo lại. Trả báo lại thì ta tiếp nhận thôi. Ta không có tâm oán giận, ta không có tâm trả thù, thì món nợ của chúng ta liền hóa giải rồi, từng món từng món thanh toán sạch. Cái vui sướng này toàn thân nhẹ nhàng tự tại. Nếu như trong tâm còn có một chút xíu không phục, còn có một chút oán giận, còn có một chút muốn trả thù, thế là không xong rồi! Tại sao vậy? Cái oán thù này, món nợ này của ta không những không dứt hết, mà còn sâu thêm. Đời sau làm thế nào? Niệm Phật không thể vãng sanh. Tại sao không thể vãng sanh vậy? Vì oan gia trái chủ lôi kéo bạn, bạn đi không được. Nghiệp chướng tiêu trừ mới có thể vãng sanh, nghiệp chướng không tiêu trừ thì Phật A Di Đà cũng kéo bạn không nổi, dưới bạn oan nghiệp còn quá nặng, quá nhiều. Điều này là chúng ta cần phải hiểu rõ.

    Ở chỗ này, đọc đến hai câu: “Sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi” này, chúng ta cần hiểu rằng, thật sự phải giác tri, so với giác ngộ còn phải sâu hơn một bậc. Tuyệt đối không kết oán thù với người khác, quyết định tiếp nhận sự hãm hại, làm nhục của người khác, thậm chí bị giết hại chúng ta cũng tiếp nhận. Tại sao vậy? Thân của tôi bị anh giết đi, nhưng linh hồn của tôi được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, tôi còn cảm kích anh, vì anh tiễn tôi vãng sanh sớm một ngày. Không nên có một mảy may oán hận, không được có một mảy may trả thù. Học Phật phải hoàn toàn hạ công phu từ trên thân tâm của mình, chứ không liên quan gì đến cảnh giới bên ngoài.

    Hai câu phía sau: “Thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”. Đây là Phật dạy chúng ta trước mắt cần phải làm như thế nào, hay nói cách khác, chúng ta cần phải sống như thế nào, trải qua đời sống ra sao, xử sự đối nhân xử thế như thế nào? Phật dạy chúng ta tám chữ này: “Thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”. Dục đã không thể đoạn, nhưng phải giảm thiểu nó hết sức. Thế Tôn năm xưa còn tại thế đã làm nên tấm gương tốt nhất cho chúng ta thấy, ngài sống đời sống, dùng cách nói của chúng ta hiện nay chính là nhu cầu mức sống vật chất thấp nhất. Ấn Độ nơi đó là xứ nhiệt đới, cho nên y vật thực của ngài không cần quá nhiều, ba y một bát là đủ cho ngài rồi. Ở Ấn Độ đây là mức sống thấp nhất. Phật pháp sau khi truyền vào Trung Quốc. Trung Quốc ở phía bắc của Ấn Độ, có bốn mùa, ba y không thể đủ giữ ấm., cho nên sau khi truyền đến Trung Quốc thì Phật pháp hoàn toàn biến thành Trung Quốc hóa. Đây là một phương sách rất độc đáo của Phật pháp.

    Trong kinh Phật đã nói, chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian không có thân tướng nào nhất định, cần thân gì để được độ thì các ngài liền hiện thân ấy. Các ngài không có chấp trước. Cần nên nói pháp gì cho chúng sanh thì các ngài nói pháp ấy, cho nên không có nói một pháp cố định nào cả, không có hình trạng nhất định. Cái đạo lý này chúng ta phải hiểu. Phật pháp quả đúng là có trí tuệ siêu việt, quyền biến uyển chuyển, cho nên nó thông suốt vô ngại trong mười pháp giới, không có chướng ngại. Chỗ này có chướng ngại liền đến chỗ khác, nó không có chướng ngại, nó không cố chấp. Chúng ta thử xem có không ít tôn giáo truyền đến Trung Quốc, nhưng hoàn toàn không có tôn giáo nào chung sống dung hòa với người Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc như Phật giáo, trở thành như người một nhà vậy. Nguyên nhân gì vậy? Họ có chấp trước.

    Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, khi học phổ thông cấp hai, vào lúc đó học tiếng Anh, học lớp bổ túc. Thầy giáo của lớp bổ túc là một vị mục sư, là tín đồ Cơ Đốc Giáo, rất cảm khái nói với học sinh chúng tôi rằng, Cơ đốc Giáo truyền vào Trung Quốc hơn 100 năm rồi…. Người Trung Quốc nhiều, vào thời đó cũng xấp sỉ gần hơn 500 triệu người, lúc mà kháng chiến vừa mới thắng lợi. Thời kỳ kháng chiến của chúng ta thường hay đọc là tứ vạn vạn, ngũ thiên vạn, đại khái lúc kháng chiến thắng lợi có hơn 500 triệu người. Ông nói, Trung Quốc người theo tín ngưỡng Cơ Đốc Giáo mới một triệu người. Chúng tôi rất ngần ngại khi thốt ra lời này, cũng giống như là không thể tiếp nhận họ vậy. Tại sao Phật giáo với người Trung Quốc trở thành người một nhà vậy? Ở trong đây có đạo lý của nó. Phật giáo quyền biến uyển chuyển, Cơ Đốc Giáo khư khư theo khuôn cũ nên người Trung Quốc không thể tiếp nhận. Bạn thử xem họ nhất định phải xây giáo đường theo kiểu Phương Tây, người Trung Quốc chúng ta mới nhìn thấy cái hình thức giáo đường đó, đó là văn hóa nước ngoài, liền không muốn bước vào. Phật giáo đến Trung Quốc thì xây dựng theo hình thức cung điện của Trung Quốc, nhìn vào thì đây là chỗ của hoàng đế chúng ta ở, liền bước nhanh vào tham quan một chút, lễ bái một chút. Cho nên không giống nhau là ở chỗ này.

    Chúng ta hiện nay, đến thời đại này, người học Phật đã dần dần lơ là kinh giáo rồi, không xem trọng nghiên cứu kinh giáo. Cho nên những pháp sư này của Trung Quốc ra nước ngoài hoằng pháp, xây đạo tràng cũng xây theo kiểu cung điện, vậy là sai rồi. Đại khái vào 40 năm trước tôi ở Đài Loan, vẫn còn chưa rời khỏi Đài Loan, có một số đạo hữu xuất gia ra nước ngoài hoằng pháp, tôi liền khuyên họ, mấy huynh ra nước ngoài không nên xây chùa chiền. Họ hỏi tôi, vậy xây cái gì? Xây từ đường. Tôi khuyên họ xây từ đường, đề xướng đạo hiếu. Đạo Phật là đạo làm thầy. Đạo làm thầy phải được xây dựng trên cơ sở của đạo hiếu. Bạn không có hiếu, làm sao làm thầy? Tôi thường hay khuyên, nhưng mà người thật sự nghe lời tôi thì không có, không có ai nghe cả. Đi ra nước ngoài vẫn là xây chùa chiền, kiến trúc chùa chiền vẫn xây theo kiểu Trung Quốc, cho nên đối tượng chúng sanh hóa độ là Hoa kiều, không có một người Mỹ nào vào cả. Quí vị thử nghĩ xem, nếu như 2000 năm trước, khi mà Phật giáo truyền vào Trung Quốc, những cao tăng Ấn Độ đó xây đạo tràng đều là xây theo kiểu kiến trúc Ấn Độ thì e rằng chỉ độ được kiều dân của Ấn Độ, Trung Quốc cũng sẽ không có một người nào đi học Phật pháp cả. Không biết cách quyền biến uyển chuyển, không biết cách độ hóa chúng sanh. Cho nên ra nước ngoài, đến nước Mỹ xây đạo tràng, tôi cũng thường hay nói, đạo tràng của chúng ta xây theo kiểu nào vậy? Xây giống kiểu nhà Trắng, xây theo kiểu tòa nhà quốc hội của Mỹ vậy, để người Mỹ vừa nhìn thấy thì cảm thấy đây là văn hóa của chính họ, thì tự nhiên họ sẽ vào thôi.

    Phật Bồ-tát không có hình tướng nhất định, cần thân gì độ được liền hiện thân ấy, cho nên tượng Phật, tượng Bồ-tát ở nước Mỹ, vẻ mặt cũng giống người Mỹ mới được. Họ nhìn thấy mới hoan hỷ, họ mới bước vào. Tạo vẻ mặt đều giống người Trung Quốc, khi người ta vừa nhìn liền thấy ghét, thì sẽ không đến tiếp nhận. Cho nên Phật pháp là trí tuệ phương tiện thiện xảo chân thực. Trước đây những pháp sư này họ biết dùng, họ hiểu được, đáng tiếc người hiện nay không hiểu. Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều về mặt này. Tôi thường hay nói, Phật pháp phải làm theo bản địa hóa và hiện đại hóa, chú trọng bản địa hóa và hiện đại hóa. Ở trên quốc gia nào thì phải tùy thuận theo dân tình, phong tục, tập quán của quốc gia đó. Phật pháp là giáo dục, nền giáo dục trí tuệ, điều này chúng ta không thể không biết, là chân thực lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh đoạn ác tu thiện, giúp đỡ chúng sanh chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Cho nên tôi thấy Phật pháp chính là “Giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa” mà ngày nay người bình thường hay nói. Đối tượng mà nó dạy không phân biệt quốc gia, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo. Giáo dục không phân biệt là ai. Phật dùng tâm chân thành, bình đẳng, từ bi để tiếp dẫn quảng đại chúng sanh, đây là điều chúng ta cần phải học tập.

    Cho nên dục vọng phải ít. Người thế gian nhiều dục vọng, ít dục chính là giáo hóa chúng sanh. Bạn thấy, các bạn dục vọng nhiều rất khổ, ta thanh tâm bớt dục, ta tự tại, ta rất vui sướng. Chúng ta nhất định phải từ trên hình tượng làm ra cho người ta thấy. Cho nên thành tựu mình mới là đích thực thành tựu chúng sanh. Tự mình không thể thành tựu, mà muốn giúp đỡ người khác, trong kinh Phật thường nói: “Vô hữu thị xứ”.

    Bớt dục còn phải cộng thêm “vô vi”. Vô vi là gì vậy? Chúng ta ngày nay nói tùy hỷ, tùy duyên. Dứt khoát không có thành kiến, dứt khoát không được nói tôi phải làm thế này thế kia, thế thì chắc chắn tạo nghiệp. Tất cả tùy duyên, “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức” thì chúng ta mới có thể được thân tâm tự tại. Tự tại là không có phiền não, không có dục vọng, bạn mới có thể được tự tại. Chỉ cần thân tâm được tự tại thì phước báo, trí tuệ, sức khỏe trường thọ theo đó mà có, đều có trong đó cả. Hết lòng mong cầu tự mình nhất định phải làm như thế nào đó, đó gọi là tự tìm quả khổ vậy. Chúng ta chỉ cần thật bình tĩnh mà quan sát, những sự lý, nhân quả này đều ở ngay trước mắt. Người thông minh có cần đợi Phật nói không? Bạn đã thấy rõ hết rồi, bạn đều sáng tỏ cả rồi, làm gì có đạo lý là không giác ngộ, là không giác tri chứ? Phật pháp là một môn học vấn trí tuệ viên mãn.

    Ở trong Phật pháp thường hay nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, câu nói này cũng là sự thật. Lúc tôi mới học Phật vẫn còn chưa xuất gia, thầy của tôi nói với tôi rằng: “Ở trong cửa Phật dù cho cầu làm Phật, cầu làm Bồ-tát đều có thể cầu được cả”. Đây là điều khó đạt được nhất. Cầu thoát khỏi luân hồi sanh tử, thoát khỏi mười pháp giới là việc lớn. Danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian, cái đó chỉ là chuyện vụn vặt thôi, chuyện nhỏ, đâu có gì là khó cầu chứ? Vấn đề là bạn phải hiểu được đạo lý của cầu, bạn phải hiểu được phương pháp cầu. Cầu như lý như pháp thì không có gì mà cầu không được. Đại sư Ấn Quang năm xưa hết sức đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn. Liễu Phàm Tứ Huấn chính là một ví dụ vô cùng hay về “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Nếu như quí vị mong cầu đối với tất cả pháp thế gian, cầu danh vọng lợi dưỡng, bạn chỉ cần cố gắng nghiên cứu kỹ Liễu Phàm Tứ Huấn, tôi tin rằng bạn nhất định là cầu gì được nấy. Nhưng học Phật phải có chí hướng thật cao, cái thế gian này quá khổ rồi, quả thật là khổ không thể thốt nên lời. Chúng ta cần phải nên cầu thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi mười pháp giới, chúng ta phải cầu sớm thành Phật, sớm thành Bồ-tát để giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trên thế gian.

    4.4 Đệ tam giác tri

    Kinh văn: “Đệ tam giác tri, tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác. Bồ-tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp”.

    Kinh văn rất rõ ràng, ba câu phía trước là phàm phu, bốn câu phía sau là Bồ-tát, đối chiếu rất rõ ràng. Con người phàm phu thì “tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu”, đây là nói rõ phàm phu trong lục đạo, đặc biệt là cái xã hội hiện nay của chúng ta. Tại sao lại tạo thành tham sân si mạn? Cơ hồ như đã đạt đến tình trạng bão hòa. Nếu như chúng ta bình tĩnh mà quan sát, tư duy thì sẽ phát hiện, đây là vấn đề của giáo dục. Trung Quốc, cũng có thể nói gồm cả phương đông, từ xưa đến nay, không nước nào mà không xem trọng nền giáo dục của thánh hiền. Giáo dục của thánh hiền, bất kể là Nho gia cũng tốt, Đạo gia cũng tốt, thậm chí ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, cái này có thể nói đều là nằm trong một hệ thống văn hóa lớn. Từ xưa đến nay đều là dạy về luân thường, đạo đức, nhân nghĩa. Những quan niệm này luôn luôn không mong cầu quá mức đối với dục vọng về vật chất, mà xem trọng sự hưởng thụ về mặt tinh thần. Cho nên chúng ta thử xem, biết bao nhiêu văn tự của cổ nhân, thi từ, ca phú, ngày nay chúng ta đọc lên vẫn có thể cảm nhận được, cái đời sống đó của họ thật tự tại, an lạc. Cho nên tri túc thường lạc, có thể cảm nhận được. Người hiện nay cả đời ra sức truy cầu dục vọng, dục vọng không cùng tận. Hay nói cách khác, cả đời sống ở trong khổ đau, cả đời sống trong trạng thái thân tâm căng thẳng, cả đời này không hưởng được một tí lạc thú nhân sinh nào cả. Chúng tôi quả thật là nghĩ không ra, họ làm sao sống được cũng hay. Cả đời sống trong thế gian này là để kiếm tiền mà sống, là vì tham cầu ngũ dục lục trần mà sống, vậy thì không tính. Thử xem lại Phật pháp, so sánh thử, chúng tôi phát hiện một cách rất tự nhiên, họ ở trong một đời tạo biết bao nhiêu tội nghiệp, những tội nghiệp này chắc chắn là chiêu cảm khổ báo trong ba đường, cho nên đến mấy chục năm như vậy tội gì phải đến? Khiến chúng tôi sau khi quan sát, quả thật cảm khái muôn vàn.

    Quay lại nghĩ về bản thân chúng ta, ở trong đời này thật vô cùng may mắn gặp được chánh pháp, cũng vô cùng may mắn khi gặp được thiện tri thức giảng giải cho chúng ta biết, dẫn dắt chúng ta tu hành, chúng ta trong đời này mới không đến nỗi bị đọa lạc. Chí ít chúng ta có phạm lỗi lầm, tạo tội nghiệp thì cũng giảm thiểu đến mức thấp nhất. Chúng ta còn phải nỗ lực tinh tấn, hy vọng sau này, tuổi già tuy thời gian không nhiều, vẫn hy vọng có thể tu hành tâm được thuần tịnh, hành vi được thuần thiện, có thể đến một ngày nào đó sẽ làm được. Đó là điều rất đáng vui mừng. Có thể ở trong một đời, có một tuần có thể làm được, có một tháng có thể làm được, có một năm có thể làm được, tôi rất tin tưởng, chúng ta sẽ dứt sanh tử, ra khỏi luân hồi, cầu sanh Tịnh Độ quyết định có đảm bảo, quyết định nắm vững. Có như vậy chúng ta ở trong đời này mới không uổng phí. Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức thị hiện cho chúng ta thấy, đó chính là tấm gương của chúng ta. Là tấm gương gì vậy? Là tấm gương thoát khỏi sáu cõi luân hồi, là tấm gương thoát khỏi phiền não sanh tử. Chúng ta cần phải giác tri, cần phải học tập, làm theo, quyết định không thể tăng trưởng tội ác.

    Học Phật nếu như tăng trưởng tội ác, sự việc này là vô cùng nghiêm trọng. Vì họ mang hình tượng là đệ tử Phật, họ không phải là phàm phu thông thường. Phàm phu thông thường tạo tác tội nghiệp thì họ phải thọ quả báo, đây là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Nếu như bản thân là đệ tử Phật, cũng tức là nói đã mang nhãn mác Phật pháp, biểu hiện của bản thân là hình tượng của Phật, mà cũng đang tăng trưởng tội nghiệp thì đó chính là phá hoại hình tượng của Phật, phá hoại hình tượng của chánh pháp, cái tội này phải nặng hơn. Rốt cuộc nặng cỡ nào vậy? Cái này rất khó nói, phải xem mặt ảnh hưởng của nó là bao lớn, thời gian dài bao lâu. Nếu như mặt ảnh hưởng của nó rất rộng, thời gian ảnh hưởng rất dài, thì cái đó phiền phức to rồi. Cái tội đó là vô cùng vô cùng nặng.

    Quí vị đều biết, đồng tu tại gia, xuất gia đều hiểu rằng, phá hòa hợp tăng đây là tội ngũ nghịch, đọa địa ngục A Tỳ. Tội ngũ nghịch là giết hại cha, giết hại mẹ, giết A La Hán, điều này cũng không dễ, thông thường người phạm cái tội này không nhiều. Làm thân Phật chảy máu chính là ác ý hủy diệt hình tượng của Phật Bồ-tát, đây xem như là làm cho thân Phật chảy máu, cũng không nhiều. Cái dễ bị phạm nhất là phá hòa hợp tăng, chính là phá hoại tăng đoàn. Đây là một tội trong những tội ngũ nghịch dễ bị phạm nhất. Nhưng chúng ta hiện nay thử nghĩ, phá hoại hình tượng của Phật há chẳng phải là nghiêm trọng hơn so với phá hoà hợp tăng hay sao? Bạn phá hòa hợp tăng là bạn hủy hoại một ngôi chùa. Bạn hủy hoại hình tượng của Phật, khiến đại chúng trong xã hội sinh lòng phản cảm, sinh lòng chán ghét đối với Phật giáo. Quí vị thử nghĩ, cái tội lỗi này chẳng phải là còn nghiêm trọng hơn so với phá hòa hợp tăng hay sao? Học Phật là cầu trí tuệ, người có trí tuệ nhìn thấy một sự việc, nhà Nho thường nói: “xem một cái thì biết những cái còn lại”, trong Phật pháp cũng thường nói: “nghe một biết mười, một nghe ngàn ngộ”, chúng ta hiểu rõ một đạo lý thì có thể thông suốt rất nhiều sự lý khác. Cho nên học Phật chân chánh, tôi thường hay khuyên mọi người, hình tượng Phật rất quan trọng. Tôi hiểu rõ, tôi thường hay khuyên mọi người, nhưng rất ít người có thể nghe lọt lỗ tai, rất ít người có thể làm theo, cho nên không thể thay Phật nêu lên một tấm gương tốt ở trong xã hội, để mọi người kính trọng.

    Năm xưa Viện trưởng Hàn vãng sanh, chúng tôi bất đắc dĩ mới rời khỏi thư viện Hoa Tạng Đài Bắc. Tôi không còn cách nào không thể không ra đi. Tôi khuyên đại chúng của thư viện, các anh cố gắng ít nhất phải ở lại thư viện trong ba năm. Ba năm đó là ba năm sau khi viện trưởng Hàn vãng sanh. Các anh xem tình hình, nếu như cần phải rời khỏi thì các huynh có thể ra đi, nhưng chí ít phải ở hết ba năm thì chúng ta mới xứng đáng với công ơn mà viện trưởng Hàn năm xưa đã che chở cho chúng ta. Con người không thể tuyệt tình tuyệt nghĩa, đó không phải là người, còn không bằng loài súc sanh. Cùng đạo lý như vậy, khi tôi rời khỏi Singapore, tôi một lần nữa khuyên các đồng tu, các anh những người ở Tịnh Tông Học Hội Singapore, hoặc giả là có một số người ở Cư Sĩ Lâm, cũng chí ít phải ở nơi đó mãn ba năm. Những người này không nghe lời, sau khi tôi rời khỏi thì họ thảy đều bỏ đi hết, trong lòng tôi vô cùng ái ngại. Tôi ra đi là bất đắc dĩ, đâu có kiểu làm như vậy được?

    Đến Úc Châu, Úc Châu vốn dĩ có Tịnh Tông Học Hội ở Boston. Chúng tôi năm xưa thường hay đến hoằng pháp ở Úc châu, đều do học hội này tiếp đãi. Tịnh Tông Học Hội đương nhiên trước đây tôi cũng giúp đỡ họ rất nhiều. Chúng tôi cũng có mấy vị đồng tu thế hệ chữ Ngộ ở tại Tịnh Tông Học Hội. Tôi xây học viện ở Toowomba. Sau khi kiến lập học viện tịnh tông xong, tôi liền bảo với những đồng tu ở tại tịnh tông học hội này, quí vị không cần lên núi, quí vị cần phải ở bên đó giúp đỡ họ thật nhiều, đến khi nào họ không thích nữa, bảo anh đi, thì anh mới lên núi lại. Nhưng cũng không có ai nghe theo, chỉ có một vị là pháp sư Ngộ Sanh ở bên đó. Chú là người Việt Nam, chú không hiểu tiếng phổ thông, cũng không hiểu tiếng Anh, ở trên núi với mọi người không tiện lắm, cho nên vẫn còn ở trong học hội như cũ. Họ không nghe lời, họ không biết dụng ý của tôi.

    Chúng tôi ở trong mỗi niệm đều là hy vọng thay Phật pháp xây dựng nên một hình tượng tốt. Người học Phật có tình có nghĩa, có ân có đức thì bạn mới khiến đại chúng trong xã hội tôn trọng. Đại chúng trong xã hội tôn trọng bạn chính là tôn trọng Phật pháp, chính là tôn trọng chư Phật Bồ-tát. Quí vị thử nghĩ cái công đức này bao lớn? Nếu như những điều chúng ta biểu hiện khiến người khác hủy báng, khinh mạn. Xem thường ta là chuyện nhỏ, xem thường Phật Bồ-tát, xem thường Phật pháp, điều này sẽ tạo nên ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội thì bản thân chúng ta sẽ có lỗi, liền tăng trưởng tội ác. Cho nên ba câu này xem ra giống như là rất bình thường, nếu bạn tỉ mỉ quan sát thì ở trong đây có bài học lớn, có ý nghĩa rất sâu rộng. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, là phúc là họa, ở đây Phật đều nhắc nhở chúng ta. Chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát, mỗi ngày phải tư duy.

    Trước đây thầy Lý thường hay dạy bảo học trò, đệ tử Phật phải nhớ kỹ, chúng ta hằng ngày phải dán vàng lên mặt Phật chính là hành vi của chúng ta phải y giáo phụng hành. Phật có vẻ vang thì chúng ta mới có phước, có tuệ, phước tuệ song tu. Dứt khoát không được bôi tro trét trấu lên mặt Phật. Cái tạo tội nghiệp đó, đi ngược lại lời giáo huấn của Phật, tạo nên ảnh hưởng tiêu cực, cái tội nghiệp đó sẽ đọa địa ngục A Tỳ nên không thể không biết.

    Xem tiếp đoạn phía sau này: “Bồ-tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp”. Đây là Phật chỉ dạy chúng ta, chúng ta cần phải nên giác tri, cần phải nên hiểu được biết đủ thường vui. Con người chỉ cần biết đủ thì họ sẽ không mong cầu. Cổ nhân thường nói: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”. Người giác ngộ, người tu hành, ở trong thế gian này chắc chắn là “không tranh với người, không mong cầu gì ở thế gian” thì họ mới có thể vui với cái nghèo mà giữ đạo, mới đích thực có thể làm được. Không những không tham cầu đối với pháp thế gian, mà ngay cả pháp xuất thế gian cũng đều như vậy. Trong kinh Bát Nhã nói rất hay: “Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp”. Chữ pháp đó là Phật pháp, Phật pháp cũng phải buông xả, cũng không nên tham cầu, huống hồ là pháp thế gian. Như vậy là nói hết rồi. Cái đạo lý này rất sâu. Chúng ta cần cố gắng học tập, nghiên cứu. Tại sao ngay cả Phật pháp cũng không được mong cầu vậy? Cái đạo lý này trong kinh đại thừa nói rất hay, Phật pháp là pháp duyên sanh, pháp do nhân duyên sanh. Phàm là pháp do nhân duyên sanh, đều không phải là chân thực, cho nên Phật pháp cũng không ngoại lệ. Cái gì là chân thực vậy? Chỉ có tự tánh là chân thực. Ở trong tự tánh không lập một pháp nào cả. Không những không có thế gian pháp, mà Phật pháp cũng không có. Ở trong tự tánh mà lập một pháp thì liền hỏng ngay.

    Phật nói trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm là: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn”, đây là tôn giả Phú Lâu Na hướng về thế Tôn thỉnh giáo. Ở trong tự tánh vốn dĩ không có vô minh, tại sao lại có vô minh vậy? Vô minh rốt cuộc từ đâu mà có vậy? Phật nói: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn”, chỉ một câu là nói hết cả rồi. Vô minh từ đâu mà có vậy? Chính là bạn hy vọng muốn kiến lập thì phiền phức liền đến ngay. Lục Tổ Đại Sư rất cao minh nói: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”. Một pháp không lập, đó chính là minh tâm kiến tánh. Bạn vẫn còn lập một pháp, bạn liền sai rồi. Đó chính là gốc của vô minh, đó chính là không biết đủ. Người biết đủ trong tâm một niệm không sanh, bất kể là ở trong cảnh giới nào. Thiện duyên cũng tốt, ác duyên cũng tốt, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, ở thế giới Cực Lạc cũng tốt, ở địa ngục A Tỳ cũng tốt, hoàn toàn không khởi tâm động niệm, sẽ không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó chính là biết đủ. Có một niệm tâm tốt xấu, tôi ưa thích thiên đường, tôi chán ghét địa ngục, có một niệm tốt xấu đó chính là vô minh, đó chính là kiến lập, đó chính là không biết đủ, đó là sai rồi. Sở dĩ trong kinh nói rất đơn giản, cũng như nói văn chương từng câu đều là đề bài, mỗi một đề bài đều có thể viết thành một bài văn lớn. Mỗi một câu nếu như viết thành sách đều là trước tác lớn. Điều này chúng ta không thể không biết, không thể không sáng tỏ, không thể không hiểu rõ, không thể không cố gắng học tập.

    Thường niệm tri túc”. Ý nghĩa của câu nói này vô cùng sâu rộng. Có thể nói thế gian hay xuất thế gian, tất cả thánh hiền, bản thân các ngài đều làm được, làm nên cho chúng ta thấy. Các ngài chỉ dạy chúng ta cũng như vậy, giống như Phật vậy. Ở Trung Quốc, chúng ta thấy Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, ở trong Nhà Phật chúng ta thấy Phật Bồ-tát, nhìn thấy các tổ sư đại đức xưa nay, ở trong tôn giáo phương Tây chúng ta thấy đạo công giáo, thấy chúa Giê-su, ở trong kinh Co-ran chúng ta thấy đức Mohamed. Những lãnh tụ tôn giáo vĩ đại này của thế gian, không có vị nào là không tri túc thường lạc, chỉ dùng biết đủ để giáo hóa tất cả chúng sanh. Ở trong kinh điển chúng ta nhìn thấy rất nhiều, đặc biệt trong Phật pháp.

    Bồ-tát muốn thành Phật, thì trước tiên phải đi làm Bồ-tát bổ xứ, tức là làm hậu bổ Phật. Mỗi một vị Bồ-tát thành Phật nhất định trước tiên phải làm hậu bổ Phật, gọi là Bồ-tát bổ xứ. Hậu bổ Phật ở nơi nào vậy? Ở tại trời Đâu Suất. Đâu Suất là tiếng Phạn, ý nghĩa chính là biết đủ. Các bạn thử nghĩ xem, đây là ý gì vậy? Bồ-tát đích thực làm đến mức tri túc viên mãn thì họ liền thành Phật ngay. Tuy là đang tu tri túc nhưng chưa tu được viên mãn, cho nên họ vẫn là Bồ-tát. Tri túc tu viên mãn rồi liền viên thành Phật đạo. Hiện tại Bồ-tát Di Lặc ở trời Đâu Suất, ngài tu công phu gì vậy? Là tu công phu tri túc. Đợi đến khi tu viên mãn rồi, ngài liền đến thế gian này để thị hiện thành Phật. Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong kinh Di Lặc Hạ Sanh nói với chúng ta, khi nào ngài đến thị hiện thành Phật vậy? Phải sau năm tỉ sáu trăm lẻ bảy triệu năm nữa. Chúng ta nghe đến cái thời gian này rất dài, nhưng mà ở trời Đâu Suất thì không dài. Ở trời Đâu Suất so với chỗ chúng ta đây có chênh lệch thời gian. Trong kinh Phật nói với chúng ta, một ngày ở trời Đâu Suất bằng 400 năm ở thế gian, một ngày là 400 ở nhân gian. Ở nơi đó cũng là một năm có 365 ngày. Thọ mạng của họ, thọ mạng thông thường là 4000 tuổi. Như vậy thử tính, đến trời Đâu Suất thọ mạng của ngài hết rồi, ngài liền đến nhân gian để thị hiện thành Phật. Thời gian này, dùng thời gian ở trên cái địa cầu này của chúng ta để tính, tức là năm tỉ sáu trăm lẻ bảy triệu năm.

    Người giảng: Hòa thượng Tịnh Không

    Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ – Viên Đạt cư sĩ

    Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

    (còn tiếp)

    Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

    Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com

    Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
    Click để đánh giá bài viết

    Những tin mới hơn

    Những tin cũ hơn

     

    Video mới nhất

    Pháp ngữ mới nhất

    Thống kê lượt truy cập

    Đang truy cậpĐang truy cập : 242


    Hôm nayHôm nay : 39625

    Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1453603

    Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43697747

    PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

    ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

    Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.