Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 272)

Thứ sáu - 06/05/2016 12:20

Xin mời mở Kinh ra, đầu đề là “Kiến Thọ Hoạch Nhẫn”. Xin xem Kinh văn.

Kinh văn: “Phục do kiến bỉ thọ cố, hoạch tam chúng nhẫn: Nhất âm hưởng nhẫn, nhị nhu thuận nhẫn, tam giả vô sanh pháp nhẫn”.

Đây là nói đến lợi ích của chúng sanh, nói đến chỗ cứu cánh. Đây là sự thọ dụng chân thật, người thông thường chúng ta nói tu hành chứng quả, trong Phật pháp nói là khế nhập cảnh giới. Ở chỗ này cùng với “Kinh Nhân Vương” dùng từ nhẫn để biểu pháp. Nhẫn có nghĩa là cho phép, nghĩa là đồng ý. Lời của Phật nói nghĩa lý rất sâu, chúng ta nghe rồi không hoài nghi, có thể khẳng định, có thể thừa nhận thì gọi là nhẫn. Cho nên trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói, tin cái lý khó tin mà không mê hoặc thì gọi là nhẫn. Cổ đại đức vì chúng ta mà giải thích chữ nhẫn này, huệ tâm an pháp được gọi là nhẫn. Dùng lời hiện nay để nói, chính là chúng ta dùng lý trí để chúng ta biết được, khẳng định tất cả các pháp mà Như Lai đã nói, cái này cũng gọi là nhẫn. Nói đến chỗ cứu cánh, chính là ở các buổi giảng của chúng tôi thường nói về chân tướng của vũ trụ nhân sanh, chúng ta đối với Kinh Đại thừa mà Phật đã nói, chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đặc biệt là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, chúng ta có thể tin tưởng, niềm tin này vô cùng khó. Tại sao vậy? Vì chúng ta chưa gặp qua, xưa nay chưa từng nghĩ đến, bây giờ nghe Phật nói như vậy lại có thể tin tưởng, hơn nữa lòng tin này không phải là mê tín, thông thường gọi là chánh tín. Chánh tín là đối với chân tướng sự thật tuy là chưa biết được nhưng mà có lý do để tin tưởng điều đó, là lý do gì vậy? Thích Ca Mâu Ni Phật không nói dối, giống như trong “Kinh Kim Cang” đã nói, Như Lai là bậc nói lời chân thật, nói lời đúng đắn, không nói lời vọng ngữ, không nói lời giả dối, vì vậy chúng ta có thể tin tưởng, niềm tin này gọi là chánh tín. Vậy có phải là đắc nhẫn hay không? Không phải, điều này hoàn toàn chưa đắc nhẫn.

Cái gì gọi là đắc nhẫn? Tự bản thân bạn chứng đắc mới gọi là đắc nhẫn. Chỗ này đã nói ba loại nhẫn, không phải là người thông thường. Trong “Kinh Nhân Vương” có nói vô sanh pháp nhẫn chính là loại thứ ba, người nào mới chứng được? Là thất địa, bát địa, cửu địa Bồ Tát chứng được. Đây không phải là Bồ Tát thông thường. Từ chỗ này chúng ta có thể suy rộng ra, âm hưởng nhẫn là sơ địa, nhị địa, tam địa Bồ Tát chứng đắc; nhu thuận nhẫn là tứ địa, ngũ địa, lục địa Bồ Tát chứng đắc. Ba loại nhẫn này là từ sơ địa đến cửu địa. Thập địa Bồ Tát đã chứng thì không gọi là pháp nhẫn, mà gọi là tịch diệt nhẫn, đây là bậc cao nhất. Do đây có thể biết, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở nơi đó nghe pháp tu học, những câu nói này chính là đảm bảo cho bạn có thể chứng được Bồ Tát Ma Ha Tát, bạn có thể chứng được, đây là giấy bảo đảm cho bạn có thể chứng được quả vị địa thượng Bồ Tát. Dụng ý thật sự của câu nói là ở tại chỗ này. Nếu chúng ta hiểu rõ đối với Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tự nhiên sẽ sanh tâm muốn về. Tại sao vậy? Ở thế gian này của chúng ta, bạn muốn chứng đắc quả vị địa thượng Bồ Tát không dễ dàng gì, hay nói cách khác, hoàn toàn không thể chứng được. Trong cuộc đời này của chúng ta, nếu có thể chứng được quả vị Tu Đà Hoàn thì quá tuyệt vời rồi. Tu Đà Hoàn so với sơ địa Bồ Tát còn kém xa, điều này nhất định phải biết. Đoạn Kinh văn này ý nghĩa thật sự của nó chúng ta đã hiểu rõ, bây giờ chúng ta hãy xem tên gọi của ba loại nhẫn này, trước tiên là giảng rõ ràng cái tên này.

Pháp sư Tịnh Ảnh đời nhà Tùy có “Kinh Vô Lượng Thọ Nghĩa Sớ”, pháp sư y theo bản dịch của Khang Tăng Khải. Bản dịch này trước kia chúng tôi đã đọc qua, ngày trước ở Đài Trung lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã từng giảng qua, tôi cũng đã nghe qua. Ở trong chú giải pháp sư có nói: “Tầm thanh ngộ giải, tri thanh như hưởng, danh âm hưởng nhẫn”, đây là sơ địa, nhị địa, tam địa Bồ Tát đã chứng được. Cách nói này cùng với “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, Bồ Tát Mã Minh dạy cho chúng ta cách tu học là như nhau. Bồ Tát Mã Minh dạy cho chúng ta phải nghe Kinh học giáo như thế nào để bạn có thể ngộ nhập, hay nói cách khác, bạn mới có thể nhận được sự thọ dụng chân thật? Ngài nói cho chúng ta ba việc.

Việc thứ nhất là ly ngôn thuyết tướng. Âm hưởng nhẫn chính là ly ngôn thuyết tướng, tức là không chấp vào lời nói. Lời nói là phương tiện, không nên chấp trước, bạn phải nghe điều gì? Bạn phải nghe nghĩa lý trong ngôn ngữ đã nói, không chấp vào lời nói, như vậy gọi là biết nghe. Còn đọc Kinh, Kinh điển là do văn tự viết ra, văn tự là ký hiệu của lời nói, khi đã không chấp vào lời nói thì chúng ta còn chấp vào văn tự hay sao? Đương nhiên là không chấp. Cho nên, có những người vô cùng chú trọng vào việc khảo chứng, đây là người có học ở thế gian họ làm công việc này, họ không phải là người tu hành. Người tu hành là ngộ nhập cảnh giới. Là hai sự việc. Một mực chấp vào khảo chứng thì chắc chắn không thể ngộ nhập cảnh giới, họ xem Phật pháp như một môn học của thế gian để nghiên cứu, Kinh điển trở thành thế gian pháp. Bên trong thế gian pháp là gì? Chúng ta có thể nói là văn học ở trong pháp thế gian, xem Kinh điển như là tác phẩm văn học để nghiên cứu. Việc này cùng với học Phật không có liên quan, sai phương hướng rồi, đương nhiên mục tiêu cũng khác nhau.

Những người học Phật chúng ta, đặc biệt là đồng tu xuất gia, trong một đời này bạn thật sự muốn thành tựu tam học giới định huệ, thì bạn không thể không biết, ngôn ngữ văn tự không được chấp trước. Có cần hay không?  Cần, vì nó là phương tiện, nó sẽ hướng dẫn chúng ta nhập vào cảnh giới. Trong “Kinh Kim Cang” có một thí dụ rất hay, Thế Tôn đã nói tất cả các pháp trong suốt 49 năm, Ngài thí dụ như một chiếc thuyền, chúng ta muốn qua sông, từ xưa muốn qua sông cần phải có thuyền. Pháp là gì? Pháp là thuyền qua sông, chúng ta nhờ chiếc thuyền này đưa qua sông. Sau khi qua sông rồi thì cần chiếc thuyền này nữa không? Không cần nữa, nếu như còn mang theo chiếc thuyền này thì bạn làm sao lên bờ được? Nên không cần thuyền nữa. Thí dụ này rất hay. Lúc bạn chưa qua sông đến được bờ bên kia, thì chiếc thuyền này rất hữu dụng cho bạn. Sau khi đến bờ bên kia, thì chiếc thuyền này không còn tác dụng gì. Hay nói cách khác, đến một ngày nào đó bạn thật sự đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh rồi, thì ba tạng 12 bộ Kinh giáo trong cặp mắt của các bạn xem đó là một đống giấy vụn mà thôi, Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm ngày nào cũng thuyết pháp, thuyết pháp nhiều như vậy cả thảy đều vô ích, đến lúc đó bạn mới vào được cảnh giới này. Khi bạn chưa minh tâm kiến tánh, thì lời Phật nói là có ích cho bạn, sẽ giúp ích cho bạn, nhưng bạn không thể chấp trước. Bạn một mực chấp trước, thì vĩnh viễn bạn không thấy tánh. Đây là chỗ khó trong việc học Phật pháp. Vì sao có người rất chăm chỉ, có người rất cố gắng, thậm chí có người đã tu học mấy chục năm, tu học cả cuộc đời, theo người thế gian của chúng ta nói chỉ là nhà Phật học mà thôi, họ không thành Phật được, họ không vào được cảnh giới Phật? Đạo lý là ở chỗ này, vọng tưởng phân biệt chấp trước họ không buông bỏ được.

Bồ Tát Mã Minh dạy cho chúng ta điều thứ hai là lìa tướng danh tự. Danh tự là gì vậy? Ở trong Kinh Phật có rất nhiều danh từ thuật ngữ, giống như ở chỗ này đã nói cho chúng ta ba danh tự: âm hưởng nhẫn, nhu thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn, đây đều là danh tự. Tam bảo Phật pháp tăng cũng là tướng danh tự. Tướng danh tự là vì muốn truyền đạt ý nghĩa cho dễ dàng nên mới đặt ra, là giả thuyết, bạn không nên cho là thật. Nếu bạn cho là thật, vậy là chấp trước rồi, bạn thêm phiền phức, bạn đã lấp kín cửa ngộ rồi, tắc nghẽn rồi. Danh từ thuật ngữ của Phật học không nên chấp trước.

Điều thứ ba thì càng sâu hơn: Lìa tướng tâm duyên. Tướng tâm duyên là gì? Sau khi chúng ta nghe rồi, thử nghĩ cái câu này có ý nghĩa gì? Cái đoạn này ý nghĩa là gì? Đây chính là trong tâm của bạn đang phan duyên, bạn lại sai rồi. Cho nên nghe Phật pháp không thể phan duyên, không thể nghĩ nó có ý nghĩa gì. Nó không có ý nghĩa thì bạn mới có chỗ ngộ. Nếu bạn mà nghĩ ý nghĩa của nó, bạn đã nghĩ thì không phải là ý của Phật nói ở trong Kinh, không phải là ý của Phật. Là ý của ai? Là ý của chính bạn, như vậy không phải là phiền phức hay sao? Phật đâu có ý. Không những Phật Bồ Tát không có ý, mà A La Hán cũng không có ý, bạn mà nghĩ nó có ý nghĩa gì là sai rồi, không thể nghĩ. Lúc nghe, nghe hiểu thì hiểu, nghe không hiểu cũng không cần phải nghĩ, tuyệt đối không nói nghe không hiểu thì tôi đi nghiên cứu, hãy thử nghĩ, càng nghĩ càng sai, càng nghĩ càng đi xa. Vậy phải làm sao? Nghe không hiểu cũng chẳng sao, nghe lại lần thứ hai, tuyệt đối không nên suy nghĩ, không nên tưởng tượng, không nên nghĩ ra nhiều giả thuyết. Cho nên cách đọc Kinh Phật cùng với cách đọc sách của thế gian là hoàn toàn khác nhau. Dùng phương pháp của thế gian để mà đọc Kinh Phật, thì Kinh Phật trở thành văn học của thế gian, không thể nào khai ngộ. Nhất định phải hiểu điều này.

Thứ nhất, Âm Hưởng Nhẫn

Âm hưởng nhẫn, Bồ Tát của địa vị này chính là sơ địa, nhị địa, tam địa, họ đã thật sự làm được nguyên tắc của Bồ Tát Mã Minh dạy họ. Khi họ nghe Kinh nghe pháp, thì có thể lìa tướng nói năng, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, dùng cái gì để nghe? Dùng tâm như như bất động, dùng tâm thanh tịnh, ở đây nhất định không có phân biệt, không có chấp trước. Nếu như không có vọng tưởng thì đương nhiên là cảnh giới rất cao. Ở chỗ này vọng tưởng có thể là vẫn còn, nhưng họ không còn chấp trước, không có phân biệt, cho nên sau khi họ đã nghe thì họ có thể hiểu được ý nghĩa trong Kinh. Bài kệ khai Kinh đã nói nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa, họ có thể chứng được âm hưởng nhẫn. Lời của người xưa nói rất có ý nghĩa.

Tầm thanh ngộ giải, tri thanh như hưởng. Đối với âm thanh, họ đã hiểu được âm thanh là sự việc gì. Danh tự tánh không. Phật giảng rất là nhiều danh tướng, danh tự là tánh không, âm thanh cũng là tánh không, cho nên họ có thể đối với âm thanh danh tướng không phân biệt, không chấp trước. Nghe như vậy mới có thể ngộ nhập. Đây không phải là cảnh giới của phàm phu. Cảnh giới của phàm phu khi nghe Kinh nghe pháp thì khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, cho nên điều mà họ đạt được, dùng lời hiện tại mà nói là Phật học thường thức, bạn có thể đạt được chỉ là Phật học thường thức mà thôi, bạn chưa có chỗ ngộ, bạn chưa ngộ nhập.

Thứ hai, Nhu Thuận Nhẫn

Tiến thêm một bước nữa, đích thực là trong khi nghe Kinh nghe pháp bạn có thể thật sự khế nhập nghĩa lý lời chư Phật Bồ Tát đã nói, hoàn toàn có thể tùy thuận lời giáo huấn của Phật Đà, trong cuộc sống, trong công việc, trong xử sự đối người tiếp vật, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều có thể tùy thuận theo nghĩa lý của Phật dạy, điều này gọi là nhu thuận nhẫn. Địa vị này cao hơn địa vị trước, là tứ địa, ngũ địa, lục địa Bồ Tát, các Ngài đã làm được. Trong các buổi giảng, chúng tôi thường xuyên khuyến khích đồng tu, cái gì mới gọi là tu hành thật sự? Tùy thuận theo lời dạy bảo của Phật Bồ Tát là thật sự tu hành. Phật Bồ Tát ở đâu? Lời giáo huấn của Phật Bồ Tát chính là Kinh luận, ba tạng Kinh - Luật - Luận. Số lượng của ba tạng rất nhiều, người xưa dùng từ mênh mông như biển cả để thí dụ. Chúng ta tu học, trong vô lượng pháp môn thì giống như biển lớn, chúng ta chỉ lấy một ngụm nước để uống là đủ rồi. Hay nói cách khác, trong vô lượng pháp môn, chúng ta chỉ chọn một pháp môn. Ở phía trước tôi có nói với các đồng tu thâm nhập một môn, phải thâm nhập đến lúc nào mới dừng? Đến lúc minh tâm kiến tánh. Chưa thấy được tánh thì không nên nghiên cứu thêm pháp môn thứ hai. Cái gì gọi là thấy tánh? Trong Giáo hạ không gọi là thấy được tánh, không dùng danh từ này, Giáo hạ gọi là đại khai viên giải. Lúc chưa đạt được điều này, thì bạn không nên xem Kinh khác. Đến lúc đại khai viên giải, tự mình có biết hay không? Dĩ nhiên là biết. Đại khai viên giải chính là minh tâm kiến tánh của Thiền tông, vào lúc đó thì tình trạng như thế nào? Có thể tham khảo trong Lục Tổ Đàn Kinh, khẳng định là không sanh phiền não, thường sanh trí huệ. Trong công việc, trong cuộc sống, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần không sanh phiền não, thường sanh trí tuệ, vào lúc đó bạn đã đại khai viên giải rồi. Còn có một hiện tượng rất rõ ràng, Kinh điển của Phật giáo, bất luận là bộ Kinh nào, khi bạn vừa mở ra xem nhất định là không có hoài nghi, trong từng chữ từng câu, chúng tôi thường nói là vô lượng nghĩa, bạn xem đều có thể hiểu nghĩa. Lúc này bạn muốn giảng Kinh có cần phải chuẩn bị trước hay không? Không cần chuẩn bị, bạn lật quyển Kinh ra, đối diện với đại chúng, bạn có năng lực quán cơ. Đại chúng ở tại buổi giảng này căn cơ như thế nào, nên giảng sâu hay là giảng cạn, nói dài hay là nói ngắn, thật sự tự tại vô ngại. Đến lúc đó bạn có thể xem được tất cả Kinh điển. Vì sao vậy? Không tốn sức lực.

Ngài Long Thọ là sơ địa Bồ Tát, ở chỗ này bạn nên biết, Ngài đã đắc nhẫn gì? Âm hưởng nhẫn. Ở trình độ này thì bộ Đại Tạng Kinh chỉ có ba tháng là đọc xong, không phải là đọc một lần, trong ba tháng tất cả Kinh điển trong Đại Tạng Kinh Ngài đều đọc thông hết. Đây gọi là đại khai viên giải. Không có năng lực này, chúng ta xem một bộ Kinh thì còn rất nhiều chỗ xem không hiểu, được rồi, chẳng muốn xem nữa, lãng phí thời gian, tự biết là trình độ bản thân còn kém. Lúc lật Kinh ra xem, hình như là mình đã học thuộc Kinh này rồi, lúc này thì được. Tiêu chuẩn của người xưa là ở chỗ này, cho nên họ có thành tựu. Chưa đạt đến trình độ này, tuyệt đối không nên xem thêm một bộ Kinh nào khác. Đây là gì? Là nhẫn, họ có thể nhẫn nại. Hiện nay tại sao người ta không thể thành tựu? Người hiện nay  không có tâm nhẫn nại, chỉ mơ ước viển vông.

Cho nên cổ nhân nói: “Dục tốc tất bất đạt”. Khi chúng tôi còn trẻ, trong lúc đang cầu học, lão sư thường xuyên dạy, chỉ ra khuyết điểm hay mắc phải của thanh niên thời đó. Là điều gì? Lòng nôn nóng, lúc nào cũng hy vọng bản thân mình tu giỏi hơn người khác, nói hay hơn người khác. Có lòng nôn nóng này là không tốt. Tại sao vậy? Họ không thể tuân theo quy tắc. Thí dụ như học giảng Kinh, lão sư dạy cho người sơ học chúng ta, sơ học cũng là luyện tập giảng Kinh. Trong lúc luyện tập giảng Kinh nhất định phải tuân theo quy củ. Ở trong “Nghiên Cứu Về Nội Điển Giảng Tọa” đã nói một số quy củ, đều phải tuân thủ. Mới học giảng Kinh nhất định phải có chỗ nương tựa, nương theo cái gì? Nương theo chú giải của cổ nhân, chỉ có thể nương theo một loại chú giải, không thể nương theo hai loại. Hai người giảng, hai người chú giải sẽ không như nhau. Chỉ có thể nương theo một loại. Trong loại này mà gặp sự khó hiểu, cái câu này, cái đoạn này họ chú giải không được rõ ràng, trường hợp này là có. Tại sao cái câu trong đoạn này họ chú giải không được rõ ràng? Vì bản thân người chú giải cũng chưa hiểu rõ, đây là chỗ uyên bác của người ta, họ không dùng ý của bản thân mình để giải thích, cho nên cái đoạn này không được rõ ràng, chỉ đọc theo đoạn văn này, căn cứ theo mặt chữ mà giảng, chẳng có sai. Đây là người tài giỏi. Cho nên người mới học giảng Kinh nên nhớ một nguyên tắc, chẳng cầu có công, chỉ cầu không phạm lỗi, bạn mới học được tốt, mới có thể học có kết quả, nền tảng của bạn mới được chuẩn bị vững chắc. Mới bắt đầu thì học tốt, giành công lao, bạn khẳng định sẽ thất bại, chắc chắn là bạn sẽ bị đào thải. Cho nên, người học giảng Kinh rất nhiều, nhưng cuối cùng người thật sự có thể giảng Kinh không có bao nhiêu, nguyên nhân do đâu vậy? Chúng tôi thấy được là không vâng theo lời dạy bảo của lão sư. Đây chính là không trì giới. Tuân theo lời dạy bảo của lão sư chính là trì giới. Không muốn tuân theo, luôn mơ ước viển vông, bản thân muốn tùy tiện phát huy, đến sau cùng phiền phức xảy ra. Từ xưa đến nay biết bao nhiêu người đã thất bại đều là do nguyên nhân này. Tuổi của lão sư lớn hơn chúng ta, thời gian tu học của lão sư lâu hơn chúng ta, kinh nghiệm của lão sư phong phú hơn chúng ta, Ngài dạy cho chúng ta chẳng có sai. Nếu không có lòng nhẫn nại thì làm sao thành công được?

Ở trong “Kinh Kim Cang” Thế Tôn đã nói một câu rất hay, sự thành tựu của các pháp là do nhẫn. Tất cả các pháp là nói thế gian và xuất thế gian, cả thảy bao gồm bên trong. Tất cả pháp thế và xuất thế gian muốn được thành tựu, mấu chốt là phải nhẫn. Bạn muốn làm việc lớn thì phải có sự nhẫn nại lớn, làm việc nhỏ phải có sự nhẫn nại nhỏ. Tâm địa nóng nảy,  không có sự nhẫn nại thì làm việc gì cũng không thành công. Đây là kinh nghiệm của người xưa. Chúng ta tỉ mỉ quan sát, những người ở chung quanh hiện nay, bạn quan sát tỉ mỉ, bất luận họ làm ngành nghề nào, họ đã thành tựu thì chắc chắn là họ có sự nhẫn nại. Bạn học đại học cũng mất bốn năm, bạn mà không có sự nhẫn nại trong bốn năm thì bạn chẳng có cách nào để tốt nghiệp, bạn không thể rút ngắn bốn năm còn hai năm, điều này không làm được. Nhất định phải có lòng nhẫn nại, phải luôn nhẫn nại.

Chỉ có nhu thuận thì họ mới có thể khế nhập cảnh giới của Kinh giáo. Cảnh giới của Kinh giáo chính là cảnh giới của chư Phật Bồ Tát. Cho nên không có lòng nhẫn nại thì không thể thành tựu.

Thứ ba, Vô Sanh Nhẫn

Vô sanh nhẫn, địa vị này càng cao. Giải thích của cổ đức rất là đơn giản: Chứng thật lìa tướng, là bốn chữ này. Thật là gì? Là thật tướng, tự thân chứng được thật tướng của vũ trụ nhân sanh. Lìa tướng, lìa cái tướng gì? Là lìa tướng nói năng, tướng danh tự, xác thực là lìa tướng tâm duyên, ba tướng này đã lìa rồi. Sơ địa Bồ Tát thì bắt đầu lìa, nhưng lìa vẫn chưa hết, đến thất địa, bát địa thì lìa được tất cả. Sở dĩ vô sanh nhẫn, biết rõ tất cả các pháp thế xuất thế gian vốn là không sanh. Vốn là không sanh thì làm gì có diệt? Cho nên nói các pháp không sanh không diệt. Đến khi nào bạn có thể chứng được tất cả pháp không sanh không diệt, thì bạn chính là Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn. Tất cả pháp không sanh không diệt, cái thân này của chúng ta là một pháp trong tất cả các pháp, có sanh tử hay không? Không có. Có bị già đi hay không? Xin nói với các vị, không có. Đạo lý này rất là sâu sắc. Đây là lời nói thật với các vị. Nếu thật sự không có sanh diệt mà nói rằng không sanh không diệt, đây là lời nói vô ích, chẳng có ý nghĩa gì cả. Thật sự là có sanh diệt, sanh diệt cùng với không sanh không diệt là hoàn toàn giống nhau, đó là nói tốc độ của sự sanh diệt này là quá nhanh, quả thật là bạn nhìn không thấy sự sanh diệt.

Bạn xem trong “Kinh Nhân Vương” có nêu thí dụ, chúng tôi đã có nói một khảy móng tay có 60 sát na, tức là một phần 60 cái khảy móng tay gọi là một sát na. Chúng ta khảy móng tay rất nhanh, dùng lực khảy nhanh thì một giây chúng ta có thể khảy bốn lần. Bốn nhân 60, Phật nói trong một sát na có 900 lần sanh diệt. Chúng ta tính thử một giây khảy móng tay 4 lần, 4 nhân 60 rồi nhân cho 900, vừa đúng hai lần 10 vạn 8 ngàn. Trong một giây có 216 ngàn lần sanh diệt, làm sao bạn có thể nhìn thấy được nó có sanh diệt? Không sanh không diệt là Phật từ ở chỗ này mà nói ra. Cho nên ở trong “Kinh Kim Cang” có nói: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bèo bọt, như sương cũng như điện” (điện là điện chớp), dạy chúng ta hãy nên quán như vậy. Bạn có thể từ chỗ này mà khế nhập thì bạn chứng được vô sanh pháp nhẫn, bạn thật sự biết được tất cả pháp không sanh không diệt. Đoạn này, tôi còn nhớ ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, hình như là dùng sáu - bảy giờ đồng hồ để giảng một câu này. Khi tôi giảng câu này, đặc biệt nói với chư vị đồng tu, trong “Kinh Nhân Vương”, cách nói này của Thế Tôn không phải là pháp cứu cánh, mà là phương tiện nói. Nếu nói thật thì tốc độ đó còn nhanh hơn nữa. Một phần 200 ngàn giây cũng không phải là nhanh. Một phần hai triệu giây, một phần 20 triệu giây, một phần 200 triệu giây, đây mới là nói đến sự chân thật cho bạn biết, làm gì có sanh diệt? Nhưng thật sự là có sự sanh diệt, sanh diệt đồng thời, trong sự sanh diệt, chắc chắn là bạn không có cách nào đem nó phân chia giới hạn, nên gọi là không sanh không diệt. Mỗi một tướng đều là độc lập nhau. Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, đối với đạo lý mà Phật đã nói, chúng ta tương đối dễ nhận thức hơn.

Khi tôi còn trẻ, thích công việc quay phim, tôi đã dùng hơn hai mươi mấy cái máy quay phim. Hiện giờ thì không còn nữa, một cái cũng không còn. Tôi đã dùng qua loại máy 16mm, tức là máy quay phim điện ảnh, tôi có hai máy. Tôi còn có một bộ thiết bị, tự tôi có thể cắt ráp. Phật nói ở trong Kinh thì tôi có thể hiểu. Tốc độ của máy quay phim là 24 tấm một giây, ống kính đóng mở 24 lần, mỗi lần mở là chụp một tấm, lập tức đóng lại, lại mở ra lần thứ hai chụp tấm tiếp theo. Cho nên bạn xem cái cuộn phim, một cuộn phim lúc chiếu tốc độ rất nhanh, lúc chiếu ra cũng là 24 tấm trong một giây, ống kính cũng là đóng mở 24 lần, bạn ở trước màn bạc nhìn thấy được những người này đang chuyển động, thật ra là họ không có chuyển động, từng tấm từng tấm hình, họ có chuyển động đâu? Căn bản là không có chuyển động. Bạn xem thử, một giây có 24 lần sanh diệt, đóng mở chính là sanh diệt, mở ra là sanh, đóng lại là diệt, trong một giây có 24 lần sanh diệt, đã đánh lừa được chúng ta rồi, chúng ta cảm giác được đó là thật. Bạn hãy nghĩ lại xem, giống như trong “Kinh Nhân Vương” đã nói một giây có 200 ngàn lần sanh diệt, bạn làm sao mà có thể biết được đó là giả chứ? Cho nên hiện nay sáu căn chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, tôi nói cho quí vị biết đó là sanh diệt của một phần 100 triệu giây, nhất định là nhìn không thấy được sanh diệt. Cho nên sanh diệt chính là không sanh diệt, không sanh diệt chính là sanh diệt, sanh diệt xác thực là cùng một lúc, là vô sanh pháp nhẫn. Bạn có thể thể hội được cảnh giới như thế này, đạo lý này, chân tướng sự thật này, bạn đối với thế xuất thế gian pháp thì tâm của bạn đã bình rồi. Bạn có khởi tâm động niệm không? Không có. Tại sao vậy? Là giả, không phải thật. Tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt, con người có sanh tử hay không? Không có sanh tử. Đây là nói thật với các vị, sanh tử đều không có. Vậy đối với sanh tử có sợ hãi nữa không? Không có. Rời xa điên đảo vọng tưởng, vượt qua tất cả khổ ách, vậy là bạn đã thật sự mở mang trí huệ rồi, bạn cũng hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Cái chân tướng này là bao gồm Nhất Chân Pháp Giới, tuyệt đối không phải nói chín pháp giới của chúng ta là cái hiện tượng này, đại khái là không phải Nhất Chân Pháp Giới, nhưng vẫn là Nhất Chân Pháp Giới. Cho nên trong tất cả các pháp thế xuất thế gian nói rõ ra chỉ có nhân quả báo ứng. Trong Kinh Phật nói là nhân duyên quả báo, đây là chân lý. Vạn pháp giai không, nhân quả bất không. Vì sao nhân quả bất không? Nhân quả cũng là một pháp trong vạn pháp, làm gì mà có đạo lý bất không?

Nhân quả có ba hiện tượng bất không. Nhân quả chuyển biến bất không, nhân sẽ biến thành quả, quả sẽ biến thành nhân, thì nói là chuyển biến bất không. Nhân quả tương tục bất không, cảnh này nối tiếp cảnh kia một cách liên tục. Từ trên cuộn phim điện ảnh, bạn có thể hoàn toàn xem thấy rõ ràng, bạn sẽ thật sự hiểu rõ ràng về nhân quả bất không, chuyển biến bất không, tương tục bất không, tuần hoàn bất không. Thật sự hiểu được đạo lý này là đại Bồ Tát, không phải là người thông thường, nghiệp chướng của họ thật sự đã tiêu hết rồi, họ không còn nghiệp chướng nữa. Không còn nghiệp chướng thì họ vẫn còn đến chín pháp giới, cũng có thể nói họ đến mười pháp giới, bởi vì pháp giới Phật trong mười pháp giới, mỗi vị Phật này chưa kiến tánh. Bên Thiên Thai đã nói là Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật chưa kiến tánh, trên thực tế họ vẫn là ở quả vị Bồ Tát. Những vị minh tâm kiến tánh thật sự khế nhập chân tướng của vũ trụ nhân sinh, họ rất là từ bi, ứng hóa trong mười pháp giới là để giáo hóa chúng sanh. Các Ngài không phải là vì chuyện khác, các Ngài đến để giáo hóa chúng sanh, các Ngài đến giáo hóa. Tại sao vậy? Không có lý do, không có nguyên nhân. Cho nên trong Kinh Đại thừa có nói “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Duyên chính là ngày nay chúng ta nói nguyên nhân, điều kiện. Không có điều  kiện, không có nguyên nhân. Không có nguyên nhân, không có điều kiện thì làm sao đến? Chúng sanh có cảm thì các Ngài có ứng. Giống như chuông mõ để ở trước mặt ta vậy, nó có âm thanh hay không? Không có âm thanh, bạn gõ nó thì nó mới phát ra âm thanh. Đây gọi là cảm ứng. Chúng sanh có cảm thì các Ngài tự nhiên có ứng. Bạn hỏi các Ngài lý do gì có ứng? Không có lý do, bạn đánh chuông thì chuông kêu, nếu đánh mạnh thì nó kêu tiếng lớn. Bạn hỏi nó nguyên nhân gì? Không có nguyên nhân. Bên trong không có nguyên nhân, chỉ có một chân lý, chân lý này là đồng thể. Tận hư không biến pháp giới cùng một pháp thân, đây là đồng thể. Mắt chúng ta nhìn thấy vô số chúng sanh, chúng sanh từ đâu đến? Là từ trong tự tánh của chúng ta mà biến hiện ra, là từ tâm tưởng sanh. Thuận cảnh nghịch cảnh, người thiện người ác đều là từ nơi tâm của mình biến hiện ra. Tâm của bạn thiện thì cảnh giới này thiện, tâm địa bất thiện thì cảnh giới bất thiện. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, bạn không thể trách cảnh giới bên ngoài, bạn nên trách bản thân mình. Cho nên phàm phu chúng ta đã sai phương hướng, tâm chạy theo bên ngoài, tất cả đều trách móc người khác. Người giác ngộ thì không phải như vậy, người giác ngộ thì họ tìm cầu ở bên trong, cho nên bạn phải từ ở bên trong mà học, mà quan sát, thì bạn mới có thể chứng vô thượng đạo. Nếu bạn phan duyên từ bên ngoài, vậy thì phiền não của bạn lớn rồi, tập khí phiền não vĩnh viễn không đoạn được, mỗi ngày sẽ tăng trưởng. Tu học như vậy, cách học này ở trong Phật pháp gọi là ngoại đạo. Cho nên nói ngoại đạo không phải là mắng người ta, vì ngoại đạo là tâm cầu pháp bên ngoài.

Bộ “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” này, bạn phải là ở bên trong bộ Kinh này mà cầu. Nếu tâm cầu ở bên ngoài thì bạn sẽ biến thành ngoại đạo rồi. Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này cầu được vô lượng thọ ở trong tự tánh của mình, vậy là bạn thật sự đạt được rồi. Cổ nhân thường nói duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà. Chúng ta dùng điều này để mà chứng được tự tánh Di Đà duy tâm tịnh độ, vậy là đúng rồi. Cho nên Kinh dạy rằng, người xưa có một thí dụ cũng rất hay, Kinh điển giống như một tấm bảng chỉ đường, các bạn đi trên đường, bạn xem mỗi đầu một con đường đều có một tấm bảng chỉ đường báo cho bạn biết đây là con đường gì. Kinh điển là bảng chỉ đường chứ không phải là con đường, nó có ích nhưng không thể chấp vào nó. Nếu bạn chấp vào nó, kêu bạn đi đến đường Ô Tiết, bạn tìm thấy tấm bảng chỉ đường Ô Tiết liền nói tôi đã đến đường Ô Tiết rồi, các bạn đều sẽ cười người đó nói là người này thật ngốc nghếch. Cho nên người thông minh nhìn thấy cái tấm bảng này thì biết được con đường này chính là đường Ô Tiết, tấm bảng chỉ đường không phải là đường Ô Tiết. Bộ Kinh này không phải là A Di Đà Phật, cũng không phải là Thế giới Cực Lạc. Nhưng bạn phải tìm tự tánh Di Đà, phải tìm duy tâm Tịnh Độ, thì Kinh điển là sự hướng dẫn, là bản chỉ đường, nó có sự hữu ích. Chúng ta từ ở chỗ này mà thể hội. Trong Kinh này nói ba loại nhẫn, thực tại mà nói, đối với trình độ hiện tại của chúng ta mà nói, thực tại là quá sâu, là quá khó, nhưng chúng ta nên biết được đạo lý này. Hiểu được cái chân tướng sự thật thì đâu có cái đạo lý tâm không thanh tịnh? Làm sao mà khởi dậy vọng niệm? Ngay cả Viên Liễu Phàm, ông tin tưởng Khổng tiên sinh đoán mạng cho ông, đoán mạng rất là chính xác, một vọng niệm ông cũng đều không có khởi, tại sao vậy? Khởi vọng niệm làm con người rất mệt mỏi. Ông rất thông minh, vạn duyên buông bỏ, suốt ngày từ sáng đến tối giữ tâm thanh tịnh. Thực tế mà nói, cái tâm thanh tịnh đó của ông ở trong Phật pháp gọi là vô minh. Nếu như ông ta tu hành được thành công, cách tu của ông là vô tưởng định, không phải là chứng quả, không phải là chân tướng sự thật, chúng ta nhất định phải hiểu rõ.

Ở trong chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói, ba loại nhẫn trong Kinh, đem âm hưởng nhẫn xếp vị trí thứ nhất, nhu thuận nhẫn xếp vị trí thứ hai. Ông nói cách sắp xếp này cùng với cách xếp đặt trong Kinh Hiền Kiếp là khác nhau, nhưng mà hoàn toàn giống với thập nhẫn ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”.

Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” có nói mười loại nhẫn. Thứ nhất là âm hưởng nhẫn. Ý nghĩa của âm hưởng nhẫn các vị hãy nên nhớ cho kĩ, đây là Thanh Văn. Tại sao gọi là Thanh Văn? Thanh Văn là A La Hán, nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp mà ngộ nhập thì gọi là Thanh Văn. Các vị đó nghe Kinh nghe pháp mà có thể ngộ nhập, xác thực là phù hợp với ba tiêu chuẩn của Bồ Tát Mã Minh: Không chấp tướng nói năng, không chấp tướng danh tự, chỉ là nghe, tuyệt đối không khởi vọng tưởng, không cần phải suy nghĩ điều của Ngài nói có ý nghĩ gì, nghe lâu thì đột nhiên khai ngộ. Hàng ngày đều huân tập, huân tập một cách liên tục, rồi có một ngày bạn sẽ khai ngộ. Có người khai ngộ rất sớm, thời gian rất ngắn thì khai ngộ, có người thậm chí vài năm hoặc là mấy chục năm đều có. Đây là nguyên nhân gì vậy? Phiền não tập khí của mỗi người không như nhau, tập khí phiền não càng nặng thì bạn phải cần thời gian tương đối lâu. Nhẫn là định, sức định. Bạn xem trong sáu ba la mật, phía sau nhẫn nhục ba la mật mới là tinh tấn, rồi mới đến thiền định, cho nên nhẫn nhục là nền tảng cho thiền định, không thể nhẫn thì làm sao đạt được định? Không định thì làm sao khai huệ? Sau đó bạn mới hiểu được nhẫn là điều quan trọng vô cùng, ở trong Kinh Phật vô cùng xem trọng. Ở trong “Kinh Kim Cang” đã nói Bồ Tát lục độ, ở trong lục độ, chỉ có bố thí và nhẫn nhục được nói nhiều nhất.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 272)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 245


Hôm nayHôm nay : 38142

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1452120

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43696264

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.