Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Thứ hai là “Vô úy”.
“Vô úy” chính là không có lo sợ. Có bốn loại vô úy.
Loại thứ nhất là “Nhất thiết trí vô sở úy”.
Phật giảng kinh nói pháp với đại chúng (đại chúng là bao gồm chúng sanh chín pháp giới), Phật nói Ngài là người nhất thiết chánh trí. “Nhất thiết chánh trí”, nếu dùng lời thông tục của chúng ta mà nói, thế xuất thế gian quá khứ, vị lai không gì không biết, hơn nữa, cái biết này là nhất định chính xác, không có sai lầm. Lời nói như vậy, người thông thường không dám nói, thánh nhân của thế gian cũng không dám nói, chỉ có Phật mới dám nói. Do đây có thể biết, Phật đích thực đã chứng được trí tuệ cứu cánh viên mãn. Hơn nữa, Phật nói với chúng ta, loại trí tuệ cứu cánh viên mãn này là trong tự tánh của tất cả chúng sanh vốn đủ, không phải từ bên ngoài đến, hay nói cách khác, người người đều có. Tại vì sao nhất thiết chánh trí của chúng ta bị mất đi? Phật nói với chúng ta, tuyệt nhiên không mất đi, chỉ là mê mất mà thôi. Nếu như thật sự mất đi, vậy thì không thể hồi phục; còn mê mất thì có thể hồi phục, chỉ cần phá mê thì trí tuệ năng lực của bạn liền hồi phục. Đây là chân tướng sự thật, cũng mang đến cho chúng ta tín tâm viên mãn.
Hiện tại chúng ta rất muốn phá mê khai ngộ. Có rất nhiều đồng tu nêu ra câu hỏi: “Phải làm thế nào để đoạn phiền não, làm thế nào mới có thể nắm chắc phần vãng sanh thế giới Cực Lạc, chứng được Phật quả viên mãn?”. Những câu hỏi này, chúng ta đã nghe được rất nhiều. Do đây có thể biết, mọi người đích thực có nguyện vọng này. Nghiệp chướng của chúng ta từ trước đến giờ không thể đột phá, nguyên nhân ở chỗ nào? Phải dùng phương pháp gì mới có thể đột phá? Đây đều là vấn đề quan tâm bức thiết của mọi người. Đại sư Ấn Quang nói rất hay, Ngài dạy bảo chúng ta, thường hay nghĩ đến ta sắp chết rồi, ta phải chết. Nếu như chúng ta có ý niệm này, các vị phải biết, ý niệm này chính là chánh niệm. “Sau khi chết, nhất định sẽ đọa địa ngục”. Nếu như chúng ta ngày ngày nghĩ đến vấn đề này, ngày ngày nhắc nhở chính mình, tổ sư nói: “Bạn niệm Phật không được khẩn thiết cũng tự nhiên liền khẩn thiết, không tương ưng, tự nhiên tương ưng”. Vì sao vậy? Bạn chân thật có thể buông xả rồi.
Chúng ta ngày nay nghiệp chướng không thể đột phá, nguyên nhân này do đâu? Không thể buông xả. Tại vì sao không thể buông xả? Không biết được giờ chết sắp đến, không biết được ba đường là đáng sợ, không hề đem việc này nghiêm túc mà nghĩ tưởng. Đương nhiên thông thường người trẻ tuổi rất khó tưởng tượng vấn đề này. Ở người tuổi già, từ 60 tuổi trở lên, ở nơi cương vị công tác thoái hưu rồi, ý thức này tương đối mạnh một chút. Vì sao vậy? Họ đã già rồi, tiếp cận cái chết, cho nên họ mới nỗ lực mà quan tâm đến vấn đề này. Người trẻ tuổi thì lơ là, bạn nói với họ, họ không tin tưởng, họ cho là ngày tháng còn dài, cho nên công phu không có lực. Ấn tổ là Bồ Tát Đại Thế Chí của thế giới Tây Phương tái sanh. Ngài thị hiện ra như vậy để cho chúng ta xem thấy, chúng ta phải hiểu được. Ngài ở trong niệm Phật đường nhỏ của chính mình chỉ cúng một tôn tượng A Di Đà Phật, trên bức tường viết một chữ “Chết” thật to. Đây chính là dạy chúng ta làm thế nào để đoạn ái dục, làm thế nào để đạt đến nhất tâm chuyên niệm.
Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc quyết định một đời thành tựu, bạn có thể hồi phục mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng ở trong tự tánh. Những năng lực này là của quý trong nhà, không phải từ bên ngoài đến.
Loại thứ hai là “Lậu tận vô sở úy”.
“Lậu” là đại danh từ của phiền não. Phật có thể nói, thế xuất thế gian bao gồm tất cả phiền não, Ngài đã đoạn hết rồi. Nếu không phải ở trên Như Lai quả địa, thì kể cả Bồ Tát Đẳng Giác nếu muốn nói lời nói này cũng là đại vọng ngữ. Vì sao vậy? Họ vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, vậy làm sao có thể nói là đoạn hết rồi?
Loại thứ ba là “Thuyết chướng đạo vô sở úy”.
Chướng đạo là tất cả thế gian chướng ngại chánh đạo, chướng ngại Phật pháp, Phật biết được. Thời đại khác nhau, khu vực khác nhau, chúng sanh khác nhau, do vì mê hoặc điên đảo, thấy sai đi Phật pháp, thấy lệch đi, cho rằng đây là tà pháp, chướng ngại sự truyền bá Phật pháp, phá hoại tăng đoàn của Phật pháp, cản trở người tu hành, không có thứ nào Phật không biết. Nghiệp nhân quả báo trong đây, Phật rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo.
Trong kinh luận nói, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là mười hai ngàn năm, trong đó Chánh Pháp là một ngàn năm, Tượng Pháp là một ngàn năm, Mạt Pháp là mười ngàn năm. Chúng ta hiện ở thế kỷ thứ nhất của một ngàn năm thời kỳ Mạt Pháp, về sau vẫn còn chín ngàn năm nữa, cho nên trong Phật pháp không nói ngày tàn của thế giới, thế nhưng pháp vận của thế gian này có hưng suy, có chìm nổi. Khi tôi mới học Phật, Đại Sư Chương Gia nói với tôi, pháp vận Phật pháp ở vào giai đoạn hiện tiền này là suy, đi xuống dốc. Có thể hưng khởi hay không? Sẽ hưng khởi. Sự hưng suy của pháp vận là ở người tu học, không phải ở pháp. Pháp làm gì có hưng suy? Pháp làm gì có sanh diệt? Không có, hưng suy là do ở người. Ở một thời kỳ nào lòng người hướng thiện thì Phật pháp liền hưng; ở một thời kỳ nào lòng người hướng ác thì Phật pháp liền suy. Phật pháp là tối thiện, nếu người ưa thiện, ghét ác, mọi người đều bằng lòng tu học thì Phật pháp hưng; nếu như lòng người khác thường, ưa ác, ghét thiện, người học Phật ít thì Phật pháp liền suy.
Chúng ta xem xã hội hiện tiền này, đích thực mọi người thông thường thích ác, ghét thiện. Bạn nói với họ những việc thiện thì họ sẽ lắc đầu, họ không tin tưởng, không chịu tiếp nhận. Nếu bạn nói với họ về sát đạo dâm vọng thì họ ưa thích. Cho nên, ở vào thời đại này pháp vận suy. Có thể hưng khởi hay không? Khẳng định là có thể. Con người vào thời này nhất định nhận chịu nhiều tai nạn, đến khi tai nạn chịu đủ rồi thì họ mới giác ngộ, mới biết được con đường này là sai, họ sẽ quay đầu; quay đầu thì Phật pháp liền hưng.
Phật Bồ Tát đại từ đại bi, cho dù chúng sanh làm những việc diệt Phật pháp, Phật cũng sẽ không bỏ họ, Phật vẫn cứu độ họ. Phật vĩnh viễn là từ bi, vĩnh viễn là bình đẳng, quyết định không phân biệt, chấp trước. Việc này chỉ có Phật cùng Pháp Thân Bồ Tát mới có thể làm được, người thông thường không làm được.
Loại thứ tư là “Thuyết tận khổ đạo vô sở úy”.
Phật giảng kinh nói pháp, trong đó có nói “tận khổ đạo”. “Khổ” là ba ác đạo khổ, sáu cõi luân hồi khổ. “Tận” là ở trong đó chịu hết rồi, thoát khỏi rồi, vĩnh viễn thoát khỏi. Phật Bồ Tát vĩnh viễn thoát ly ác đạo, các Ngài còn đến ác đạo hay không? Các Ngài vẫn thường đến. Đây là một cảnh giới không thể nghĩ bàn. Các Ngài đến, nhưng các Ngài không chịu khổ. Nói “cảnh giới không thể nghĩ bàn”, tức là các Ngài đến, nhưng các Ngài ở pháp giới nhất chân. Không giống như chúng ta, chúng ta ở trong sáu cõi, còn các Ngài ở trong pháp giới nhất chân. Đây là nguyên nhân gì? Trong kinh Đại thừa nói rất nhiều về điều này, Phật nói với chúng ta, cảnh giới của mỗi người, mỗi một chúng sanh đều không giống nhau. Pháp giới thì vô lượng vô biên (“Thập” là đại biểu vô tận), mỗi một người có pháp giới của chính họ, có cảnh giới của chính họ. Pháp giới từ chỗ nào mà có? Là từ tâm tưởng sanh. Không cần nói vô lượng chúng sanh có vô lượng pháp giới, mà mỗi một chúng sanh cũng đã có vô lượng pháp giới. Ta rất kiền thành đang niệm Phật thì pháp giới Phật hiện tiền; ta niệm đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát thì pháp giới Bồ Tát hiện tiền; ta niệm tham-sân-si thì pháp giới ba đường ác hiện tiền. Mỗi một người, ngay trong một ngày, từ sớm đến tối có vô lượng vô biên pháp giới, không phải từ bên ngoài đến, mà là trong tâm chính mình biến hiện ra. Trên kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, “thức” chính là tâm tưởng. Cho nên, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Phật dạy chúng ta chuyên môn nghĩ thiện, không nên nghĩ ác, đạo lý chính ngay chỗ này.
Trong “Đại Trí Độ Luận” nói “bốn vô sở úy”. Trong “Câu Xá Luận” cũng nói “Phật bốn vô úy”. Thứ nhất là “Chánh Đẳng Giác vô úy”, thứ hai là “Lậu Vĩnh Tận vô úy”, thứ ba là “Thuyết Chướng Pháp vô úy”, thứ tư là “Thuyết Xúc Đạo vô úy”. Ý nghĩa trong “Câu Xá Luận” cùng “Trí Độ Luận” có thể nói hoàn toàn như nhau.
Phía sau là “mười tám pháp bất cộng”. Những danh từ thuật ngữ này có thể nói sơ lược qua.
Trong mười tám pháp bất cộng, ba điều phía trước là nói “Thân - Khẩu - Ý vô thất”, vĩnh viễn không có lỗi lầm. Điều này thì phàm phu, Nhị thừa, Bồ Tát đều không thể làm được. Đến thuần thiện vô quá thì tánh đức viên mãn hiện tiền.
Điều thứ tư, thứ năm, thứ sáu nghiêng nặng ở nơi tâm.
Thứ tư là “Vô bất định tâm”. Chúng ta biết được, trên Như Lai quả địa, cái định cảnh đó của họ gọi là “Tịch Diệt Định”, thanh tịnh tịch diệt, vĩnh viễn trụ ở ngay trong đại định. “Na già thường tại định, vô hữu bất định thời”. Bồ Tát phải đến Bát Địa mới có thể đến cảnh giới này. Bát Địa gọi là “bất động địa”, không thoái chuyển. Do đây có thể biết, từ thất địa trở về trước, “định” có lúc còn có thể mất đi (mất đi chính là thoái chuyển), thế nhưng thời gian rất ngắn thì họ có thể hồi phục lại. Bồ Tát Bát Địa thì không thoái chuyển, còn Như Lai quả địa thì đạt cứu cánh viên mãn.
Thứ năm là “Vô dị tưởng tâm”. Dị tưởng là vọng tâm. Chân tâm lìa niệm, chắc chắn không có ý niệm. Trong Phật pháp thường nói: “Chánh niệm”, “Chánh niệm vô niệm”. Đối với người sơ học thông thường mà nói, phương tiện nói là “Chánh niệm vô tà niệm”, hay nói cách khác, chánh niệm vẫn là có niệm, nhưng không có tà niệm. Đây là người gì vậy? Đây là Pháp Thân Đại Sĩ. Pháp Thân Đại Sĩ cũng là Phật, phần chứng vị Phật, họ không có tà niệm. Trên Như Lai Quả Địa, chánh niệm, tà niệm đều không có, đó mới gọi là “Chánh niệm”.
Chánh và Tà là tương đối. Lục tổ nói được rất hay: “Tương đối là hai pháp, hai pháp thì không phải là Phật pháp”. Chúng ta mô phỏng theo lời của Lục tổ, tà pháp và chánh pháp là hai pháp, mà hai pháp thì không phải Phật pháp. Phật pháp là pháp không hai. Chân vĩnh viễn không có niệm, đó mới gọi là chánh niệm. Thế nhưng, họ rất tự nhiên có thể cùng với mười pháp giới tất cả chúng sanh cảm ứng tương thông. Chúng sanh có cảm thì các Ngài liền có ứng. Tại vì sao các Ngài không có ý niệm mà có ứng? Pháp vốn như vậy, tự nhiên hiển bày. Loại cảnh giới này, Phật Tổ nói pháp, nói đến không còn cách gì nói tốt hơn được, gọi là “Bất tư nghì giải thoát cảnh giới”. Đây là thật. Thiện - Ác, hai bên đều xả. Thiện - Ác hai bên đều xả thì tại sao chúng ta hiện tại vẫn phải đoạn ác, tu thiện? Vì chúng ta chưa đến cảnh giới Như Lai, nếu chúng ta không đoạn ác, tu thiện thì chắc chắn đọa ba đường ác, cho nên nhất định phải làm như vậy. Chư Phật đến thế gian này để thị hiện, các Ngài cũng tự nhiên mà làm như vậy. Vì sao các Ngài phải làm vậy? Làm cho chúng sanh mê hoặc điên đảo xem, làm ra tấm gương cho họ xem. Đây gọi là “đại từ đại bi”, gọi là “giáo hóa chúng sanh”. Thực tế mà nói, các Ngài chính mình không cần làm như vậy, nhưng các Ngài biểu diễn để cho người khác xem, giống như diễn kịch vậy, biểu diễn ở trên sân khấu. Trên Như Lai quả địa thừa nguyện tái lai, cho nên các Ngài không có dị tưởng. “Vô dị tưởng” chính là tà – chánh hai bên đều không có.
Thứ sáu là “Vô bất tri xả tâm”. Thế xuất thế gian tất cả pháp chắc chắn không có chấp trước. Thế xuất thế gian tất cả pháp thảy đều buông xả. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn chưa làm được, trên Như Lai quả địa thì hoàn toàn buông xả rồi. Vì sao vậy? Bồ Tát Đẳng Giác còn chấp trước một phẩm sanh tướng vô minh, họ còn phân biệt chấp trước. Nếu như họ không còn phân biệt chấp trước, họ liền chứng được Phật quả viên mãn. Cho nên, phải buông xả. Bạn buông xả được càng nhiều thì cảnh giới của bạn càng lên cao, ở trong Phật pháp nói quả vị của bạn càng thù thắng. Phật ở trên kinh Kim Cang nói: “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp”. Chữ “Pháp” này là chỉ Phật pháp. Phật pháp còn phải xả. “Xả” chính là không chấp trước. Chúng ta vạn nhất không nên hiểu lầm ý nghĩa của chữ “xả” này. (Chúng ta chân thật xả rồi, không học nữa, vậy thì đáng lo!). Ý nghĩa của chữ “xả” này là chúng ta phải học, thế nhưng không được chấp trước. Chúng ta xả vọng tưởng, xả phân biệt, xả chấp trước thì đúng, đây là trong Phật pháp Đại thừa thường nói, “Phá lập đồng thời, không có trước sau”.
Mười tám pháp bất cộng, từ điều thứ bảy đến sáu khóa mục sau là “Dục, Niệm, Tinh Tấn, Trí Tuệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến”. Sáu loại này đều viên mãn đầy đủ, không có chút kém khuyết nào. Đây là quả đức của tự tánh. Thế nhưng, chữ “Dục” phía trước, trên Như Lai quả địa vẫn còn “dục” hay sao? Chữ “dục” này cùng “ái dục” trong phàm phu thông thường, danh từ giống nhau, ý nghĩa hoàn toàn như nhau. Trên Như Lai quả địa là lìa niệm, không có niệm (phía trước đã nói qua, trong tâm họ không có niệm). Do đây có thể biết, trong đây đã nói, đều là quả đức cứu cánh viên mãn. Cái “dục” này là gì? Thực tế mà nói, đây là nguyện tất cả chúng sanh viên thành Phật đạo. Chúng ta phải biết, Như Lai chỉ có một nguyện vọng là “Nguyện tất cả chúng sanh mau thành Chánh Giác”. Các Ngài ứng hóa ở mười pháp giới, hiện vô số thân, nói vô số pháp chỉ vì một mục tiêu đơn thuần như vậy. Việc này chúng ta nhất định phải biết. Cho nên từ ngay chỗ này mà nhìn, phàm phu, Nhị thừa Bồ Tát thảy đều không có. Không có chính là không viên mãn, chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Chỉ có trên Như Lai quả địa mới là cứu cánh viên mãn.
Phía sau có ba điều là “Thân - Khẩu - Ý ba nghiệp”. Nghiệp là tạo tác. Phía trước nói “Thân - Khẩu - Ý vô thất”, chắc chắn không có lỗi lầm. Ở chỗ này nói “Thân - Khẩu - Ý, ba nghiệp” là nói ứng hóa của họ. Họ ứng hóa ở mười pháp giới, họ cũng hiện thân, cũng nói pháp, họ cũng có vô số tạo tác, thế nhưng ứng hóa thân “tùy trí tuệ hành”, không giống như phàm phu chúng ta. Phàm phu chúng ta, Thân - Khẩu - Ý là tùy phiền não tập khí, tùy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà tạo vô số nghiệp. Các Ngài thì không như vậy. Thí dụ 53 tham trên “kinh Hoa Nghiêm”, năm mươi ba vị thiện tri thức trên kinh Hoa Nghiêm đều là cứu cánh viên mãn Phật quả thị hiện. Họ thị hiện thân phận nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, nhưng Thân - Ngữ - Ý của họ không có lỗi lầm, tùy trí tuệ hành. Không chỉ bốn tướng không có, mà bốn kiến cũng không. Do đây có thể biết, vô số thị hiện không ngoài vì lợi ích tất cả chúng sanh. Có một số đồng tu sau khi nghe cách nói này thì có nghi hoặc. Vì sao vậy? Như Lai vô số thị hiện, đích thực lợi ích chúng sanh, nhưng cũng có lúc dẫn chúng sanh sai đạo. Phật có cố tình hay không? Phật không cố ý. Những chúng sanh nào có được lợi ích? Thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ thì được lợi ích. Những chúng sanh nào có thể bị dẫn đạo sai? Phiền não tập khí sâu nặng, xem thấy thị hiện của Phật, họ luôn là hướng về phía ác mà nghĩ thì liền biến thành ngộ nhận. Nếu như vô số thị hiện đều có thể hướng về phía thiện mà nghĩ thì họ liền có được lợi ích. Phật vô tâm mà thị hiện, chúng sanh mỗi mỗi cảm thụ không như nhau, đạo lý chính ngay chỗ này. Chúng ta nhất định phải hiểu được, phải thông đạt.
Tại vì sao trên bộ kinh này, Phật dạy bảo chúng ta một tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp? Hành vi bất thiện, chúng ta dùng cái tâm này mà quán sát thì là thiện. Cho nên, trên kinh Đại thừa mới nói, thế xuất thế gian pháp không có thiện - ác, không có tà - chánh, không có chân - vọng, bao gồm tất cả tương đối đều không có. Những tương đối này đều là từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng của bạn thiện, thì thế xuất thế gian không có pháp nào bất thiện. Tâm địa của bạn bất thiện thì thế xuất thế gian pháp không có pháp nào là thiện. Tất cả đều là từ tâm tưởng sanh. Cho nên, các tổ sư đại đức mới dạy bảo chúng ta “tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? Tâm tưởng là căn bản. Đạo lý chính ngay chỗ này.
Chúng ta phải nên học Phật Bồ Tát, xem ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh tạo tác vô số bất thiện, nhưng nếu ở ngay trong tâm, mắt của bạn đều là nghiệp thanh tịnh thì bạn liền thành Phật. Họ không có thành tựu, bạn thành tựu. Tại vì sao bạn có thể nhìn thấy đó đều là nghiệp thanh tịnh? Bởi vì “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Chân thật thanh tịnh, “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bèo bọt”. Nhân duyên sanh ra pháp, ngay thể là không, không thể nào có được, thì họ làm sao mà không thanh tịnh? Đích thực là thanh tịnh, nhưng đáng tiếc chúng ta không nhìn ra. Chúng ta cho rằng nó là ô nhiễm, kỳ thật nó là thanh tịnh. Sau đó bạn mới biết được cái gì gọi là “Tánh vốn thiện”, ý nghĩa của ba chữ này, bạn mới có thể có chút thể hội. Đích thực vốn thiện, thuần thiện, vô ác.
Trên Như Lai quả địa thuần thiện vô ác, tất cả chúng sanh cũng là thuần thiện vô ác, cho nên Phật nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Câu nói này là tuyệt đối chính xác, một chút cũng không sai. Sai lầm là ở chỗ nào? Sai lầm không ở ngoại cảnh, sai lầm không ở người khác. Người tu hành chúng ta nhất định phải ghi nhớ giáo huấn chân thành của Phật, ngoại cảnh không sai lầm, người khác không có sai lầm, chư Phật Bồ Tát, ngạ quỷ, súc sanh, La-sát, Tu-la đều không có lỗi lầm, đều là thanh tịnh vô vi. Lỗi ở chỗ nào? Lỗi ở ý niệm của chúng ta sai, cách nhìn của chúng ta sai, cách nghĩ của chúng ta sai. Đạo lý này sâu, chúng ta là người sơ học Phật, rất không dễ dàng thể hội. Bởi vì bạn thể hội không đến, cho nên bạn không chịu làm, cái “làm” này ở trong Phật pháp gọi là “tu”, bạn không chịu tu. Bạn có thể thể hội được mấy phần thì bạn học và làm theo, thọ dụng vô cùng! Chân thật như người thông thường đã nói: “Tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh, cảnh giới bên ngoài thanh tịnh”, chúng ta mới biết được thì ra Phật trụ thế giới Cực Lạc, Bồ Tát trụ ở thế giới Hoa Tạng.
Thế giới Hoa Tạng ở đâu vậy? Chính ngay nơi đây, cùng thế giới này của chúng ta vốn dĩ không cách gì phân ra, thế nhưng mỗi người có cảnh giới của mỗi người, bạn mới có thể có chút thể hội. Bạn không có tư tưởng này, không có quan niệm lý luận này, không chịu khế nhập cảnh giới này thì bạn vĩnh viễn không đạt được, bạn vĩnh viễn hoài nghi, vĩnh viễn không thể hiện tiền. Sự việc này thì khó, cho dù Phật Bồ Tát có năng lực hơn, đừng nói 18 pháp bất cộng, 180 pháp bất cộng cũng không giúp gì được cho bạn, cũng không có cách nào đối với bạn. Vì sao vậy? Phật giúp tất cả chúng sanh, chỉ có thể làm đến hai chữ “Khai Thị”, chỉ có thể làm đến chỗ này. “Khai” là nói rõ với bạn, “Thị” là làm ra tấm gương để cho bạn xem, làm mô phạm. Trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, ba phần phía trước là “khai”, vì chúng ta giảng kinh nói pháp; một phần sau cùng là “Phẩm Nhập Pháp Giới”, Thiện Tài Đồng Tử 53 tham là “thị”, làm ra tấm gương để chúng ta xem.
Những người học Phật chúng ta đây phải có thể ngộ, phải có thể nhập. Phật không thể giúp chúng ta “ngộ nhập” được, mà chúng ta phải dựa vào chính mình. Căn tánh lanh lợi thì rất nhanh ngộ nhập, căn tánh độn thì rất là khó khăn. Lợi độn từ chỗ nào mà phân? Thành thật mà nói, người lợi căn nghe lời, phục tùng 100%. Đại sư Thiện Đạo ở trong “Quán Kinh Thượng Phẩm Thượng Sanh Chương” đã nói: “Tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ Tát”. Phật Bồ Tát dạy ta làm thế nào thì ta làm như thế đó, dạy chúng ta không nên làm thì ta quyết định không làm. Đây là người thượng thượng căn, loại người này chắc chắn có thể ngộ nhập. Không thể tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ Tát, vẫn tùy thuận phiền não tập khí của chính mình, tùy thuận vọng tưởng, chấp trước của chính mình thì bạn vĩnh viễn không thể ngộ nhập. Đừng nói đại ngộ, mà tiểu ngộ cũng không thể làm được. Đọc qua Phật kinh thì thế nào? Sau khi đọc Phật kinh rồi hoài nghi, hoài nghi đầy bụng, vậy làm gì có thể thành tựu? Học Phật như vậy không chỉ không thể có được lợi ích, mà ngược lại còn hại chính mình. Phật không hại người, mà là chính mình tự hại chính mình, đạo lý này nhất định phải hiểu.
Ba điều sau cùng là “Tri quá khứ thế vô ngại, Tri hiện tại thế vô ngại, Tri vị lai thế vô ngại”. Đây là đức dụng Bát Nhã trong tự tánh vốn đủ. Mười phương ba đời vô sở bất tri, không có chướng ngại. Loại năng lực trí tuệ này cùng A La Hán, Bồ Tát không như nhau. A La Hán cũng có thể biết ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai, thế nhưng thời gian của họ biết chỉ có 500 năm. Họ có thể biết quá khứ 500 năm, vị lai 500 năm, trên 500 năm thì họ không có năng lực, họ không biết.
Trên kinh Pháp Hoa có một thí dụ, đây là một công án, là một đoạn cố sự. Có một người phát tâm muốn xuất gia với Phật (xuất gia với Phật chắc chắn phải có thiện căn, không có thiện căn thì không cách gì xuất gia được). Phật bảo những vị đại A La Hán này quán sát xem anh này có thiện căn hay không. Những vị A La Hán này xem qua đều lắc đầu: “Không có thiện căn, không có duyên với Phật”. A La Hán chỉ có thể xem 500 đời. Người này 500 đời trước không có kết duyên qua với Phật thì làm sao có thể xuất gia? Phật liền nói: “Anh này có thiện căn từ vô lượng kiếp trước”. Vô lượng kiếp thì thời gian quá dài, A La Hán, Bồ Tát không thể thấy được. Anh này là một tiều phu lên núi đốn củi, gặp phải một con Hổ. Con Hổ muốn ăn thịt anh, anh trèo lên trên cây, niệm một tiếng “Nam Mô Phật!”. Chỉ một chút thiện căn này, mà ngay trong đời này gặp được Thích Ca Mâu Ni Phật, có thể xuất gia. Phật thế phát cho anh ấy. Đây là nói rõ Phật biết được vô lượng kiếp trước, Ngài có năng lực này, người khác không biết, Bồ Tát, A La Hán đều không biết.
Tóm lại, mười tám pháp bất cộng, bao gồm phía trước mười lực, vô úy, đều là hình dung đức năng viên mãn trên Như Lai quả địa. Đức năng này là tự tánh vốn sẳn có, hiển lộ viên mãn, một chút kém khuyết cũng không có.
Một câu phía sau là tổng kết: “Tất cả Phật pháp đều được viên mãn”. “Nhất thiết Phật” là nói mười phương ba đời tất cả chư Phật đều viên mãn, không gì không viên mãn. Dựa vào cái gì mà viên mãn? Dựa vào mười thiện nghiệp. Công đức của mười nghiệp thiện không thể nghĩ bàn.
Mười nghiệp thiện, bắt tay vào làm từ chỗ nào? Trên kinh Vô Lượng Thọ dạy bảo chúng ta: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Đây chính là đem phương pháp bắt tay vào dạy bảo chúng ta. Bắt đầu từ “Không vọng ngữ, Không hai lời, Không thêu dệt, Không ác khẩu”, trước tiên làm từ chỗ này. Sau đó lại học “Không sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không tham, Không sân, Không si”. Độ sâu, độ rộng, tùy theo tu hành của chính mình. Không chỉ mở rộng, mà phải mở rộng đến hoàn toàn tương ưng với tự tánh. Đó chính là “tánh vốn thiện”.
Phật pháp, các vị đều biết, kinh có bốn loại: “Giáo – Lý – Hành – Quả”. Phật có bốn loại kinh: “Giáo kinh” là giáo hối, giáo huấn; “Lý kinh” là trong giáo huấn bao gồm chân lý; “Hành kinh” là bạn phải y giáo phụng hành. “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” là thuộc về Hành kinh, chúng ta thường hay nói “tu hành”. Tu hành phải dựa vào bộ kinh này. Trong bộ kinh này có đầy đủ tất cả Phật pháp viên mãn, chúng ta làm sao có thể lơ là, làm sao có thể xem thường? Do đây có thể biết, chúng ta chính mình học Phật được nhiều năm như vậy mà vẫn không có thành tựu, có thể nói, mỗi ngày vẫn sanh phiền não, khởi vô minh, tạo ác nghiệp, đây là nguyên nhân gì? Là do xem thường “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, cho đây là việc nhỏ, những thứ này không cần phải học. Không hề biết những việc thiện nho nhỏ này là đại căn đại bổn thành Phật. Tất cả Phật pháp đều không thể rời khỏi mười thiện.
Chúng ta thường hay xem thấy tượng Phật vẽ, trên vầng hào quang của tượng Phật vẽ đều viết ba chữ “Án A Hồng”. Ba chữ này là thường dùng tiếng Phạn để viết, cũng có khi dùng Trung văn hoặc dùng Tạng văn để viết. Cách viết không giống nhau, nhưng ý nghĩa và cách đọc đều như nhau. Năm xưa khi thân cận đại sư Chương Gia, tôi cũng xin đại sư viết tặng tôi mấy chữ. Đại sư Ngài chính mình đích thân viết tặng tôi ba chữ “Án A Hồng”. Ngài dùng Tạng văn để viết. Tôi thỉnh giáo với Ngài thì được biết, ý nghĩa của ba chữ này chính là mười nghiệp thiện. “Án” là thân nghiệp, “A” là khẩu nghiệp, “Hồng” là ý nghiệp. “Thập Thiện Nghiệp Đạo” ở trên đỉnh đầu của Phật, Phật phóng quang là quang gì? Quang của mười thiện, thuần thiện vô ác. Chúng ta phải biết được đạo lý này.
Hai câu sau cùng, Phật khuyên chúng ta: “Thị cố nhữ đẳng, ưng cần tu học”. “Nhữ Đẳng”, chữ “đẳng” này bao gồm chúng ta trong đó. Đây là Thế Tôn chính mình tuyên dương “ưng cần tu học”. Chúng ta phải nên phấn đấu mà học tập, không thể nào xem thường. Bạn xem thường thì bạn sai rồi. Tu học mười thiện, bạn được quả báo thế nào, thành tựu thế nào, hoàn toàn là ở sự dụng tâm của bạn. Nếu bạn dùng Phật tâm (các vị phải nên biết, Phật tâm là tâm bình đẳng), bạn tu mười thiện thì bạn liền thành Phật. Bồ Tát là tâm lục độ, bạn dùng tứ nhiếp, lục độ để tu hành mười thiện thì bạn là Bồ Tát. Bạn dùng từ bi hỷ xả để tu mười thiện thì bạn sanh cõi trời. Bạn dùng tâm gì, bạn tu học pháp môn nào, thì bạn tương lai được quả báo như thế đó. Chúng ta không thể không biết, không thể không chăm chỉ nỗ lực mà tu học, nếu không thì ngay đời này sẽ trống qua.
Tốt rồi, chúng ta giảng đến chỗ này.
A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 79)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 184
Hôm nay : 51794
Tháng hiện tại : 504604
Tổng lượt truy cập : 57901022
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.