Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Thập thiện nghiệp Đạo Kinh

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 41)

Thứ năm - 13/06/2013 16:55

Kinh văn: “Nhĩ thời Thế Tôn, phục cáo Long vương ngôn, nhược hữu Bồ-tát, y thử thiện nghiệp, ư tu đạo thời, năng ly sát hại, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, trường thọ vô yểu, bất vi nhất thiết, oán tặc tổn hại”.

Lời của Phật là chân thành, quan trọng là tin được. Người học Phật hiện nay đối với lời nói của Phật phần lớn là bán tín bán nghi, còn người không học Phật thì luôn cho rằng đây là lời khuyến thiện của nhà Phật, nhất định không phải là lời chân thật nên họ rất khó tiếp nhận. Nguyên nhân này, nói một cách chân thật, người xuất gia có trách nhiệm rất lớn. Người thế gian tại sao không thể tiếp nhận lời dạy của Phật? Vì hình tượng của người xuất gia khiến họ coi thường. Lời của Phật hay như vậy, các bạn đều là người xuất gia, mục đích là để tuyên dương Phật giáo, nhưng suy nghĩ và hành vi của bản thân bạn thì hoàn toàn không tương ưng với lời Phật dạy. Có thể thấy bản thân các bạn đều không tin Phật. Các bạn không tin mà khuyên chúng tôi tin thì sao có thể được? Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ đạo lý này. Chúng ta đối với lời của Phật vì sao tin vậy? Chúng ta biết thông qua sự tu học giới định tuệ, thật sự khai trí tuệ. Sau khi trí tuệ mở rồi, đối với tất cả hiện tượng thế xuất thế gian ta đều thông đạt hiểu rõ. Đây là điều mà chúng ta không thể sánh với Phật, Bồ-tát. Các Ngài thấy rất rõ ràng, còn chúng ta mê hoặc điên đảo. Người thế gian đang mê nhưng hoàn toàn không thừa nhận mình mê, mà ngược lại còn thừa nhận mình có trí tuệ cao độ và cho cổ thánh tiên hiền là mê muội. Quan niệm sai lầm này phải làm thế nào đem nó chỉnh sửa trở lại là việc không phải dễ dàng.

Trước tiên bản thân chúng ta phải thông qua tu học chứng thực lời của Phật là chân thật. Nếu như không thông qua tu học nghiêm túc thì cảnh giới này không đạt được, vĩnh viễn tùy thuận tập khí phiền não của mình, tùy thuận theo tri kiến của mình, nhất định không chịu tin theo lời của Phật. Trong kinh  Phật nói cho chúng ta biết (đây là nói với sáu cõi phàm phu), trước khi bạn chưa chứng được A La Hán thì nhất định không nên tin theo ý của mình. Tại sao sau khi chứng được A La Hán thì mới có thể tin vào ý của mình? Đạo lý ở chỗ nào? A La Hán đã đoạn kiến tư phiền não rồi, tam giới 88 phẩm kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc đoạn hết rồi. Phật nói, người ở vào trình độ này gọi họ là “chánh giác”, giác ngộ của họ không có sai lầm, cũng tức là nói cách nghĩ, cách nhìn của họ là chính xác.

Danh từ “kiến tư phiền não” không dễ hiểu, đây là danh từ Phật học. Nếu như kiến tư phiền não của bạn chưa đoạn, hay nói cách khác, tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, những thứ này chưa có đoạn, thì tri kiến của bạn là bất chánh. Kiến thức mà bạn học nhiều đi nữa, thậm chí là bạn có thể đem Đại Tạng Kinh đọc thuộc từ đầu đến cuối, giảng đến mức hoa trời rơi rụng, bạn vẫn không phải là chánh kiến. Chỉ có người đầy đủ chánh kiến mới biết tâm đại từ đại bi của Phật Bồ-tát, người thế gian chưa đạt đến cảnh giới này. Nếu như họ có thể tôn sư trọng đạo, có thể thuận theo lời giáo huấn của thánh hiền, y giáo phụng hành, thì loại người này có phước rồi. Đây không phải trí tuệ của họ, mà là thiện căn phước đức nhiều đời nhiều kiếp của họ. Họ có phước, họ có thể tiếp nhận, có thể tin, có thể phụng hành thì họ được phước.

Kinh văn từ đoạn lớn dưới đây là nói thập thiện nghiệp thực tiễn vào trong pháp hành của Bồ-tát. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được thập thiện nghiệp là cơ sở của tu hành. Không có thập thiện thì làm gì có lục độ? Cho nên, phía sau lục độ nói tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp, 37 phẩm trợ đạo, đủ dạng pháp môn đều lấy thập thiện làm cơ sở. Không có thập thiện là không có Phật pháp, chúng ta phải biết đạo lý này.

Phật ở đây nói rất rõ ràng: “Nhược hữu Bồ-tát, y thử thiện nghiệp, ư tu đạo thời”. Bạn phải hiểu được “thiện nghiệp” này là thiện nghiệp của trời người. Người có đầy đủ thập thiện, cho dù không học Phật, không có nương theo Phật pháp Đại, Tiểu Thừa tu hành, họ tuyệt đối không bị đọa ba đường ác. Tại sao vậy? Vì họ vô tham, vô sân, vô si, họ lìa tham sân si rồi. Tham sân si là nghiệp nhân của ba đường ác. Tâm tham đọa ngạ quỷ, sân hận đọa địa ngục, ngu si đọa súc sanh. Họ có thể xa lìa ba đường ác, xa lìa tham sân si nên chắc chắn không đọa ba đường ác. Đây là căn bản của hai cõi trời, người. Trong lục đạo, muốn đạt được điều kiện căn bản của hai đường trời, người mà chúng ta không nghiêm túc tu hành thì làm sao được?

Phần trước kinh văn nói rất rõ ràng, Phật yêu cầu chúng ta: “Ngày, đêm thường niệm thiện pháp (thường niệm thiện pháp chính là chỉ thập thiện), tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp”. Thường niệm là tâm thiện, tư duy là tư tưởng của bạn thiện, quan sát là kiến giải, hành vi của bạn thiện, như vậy mới “khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng”. Cách tăng trưởng thế nào vậy? Tăng trưởng ở đây là học Phật, từ trên cơ sở này mà tu học, đủ dạng Phật pháp ở trong cửa Phật. Nếu không có cơ sở của thập thiện thì hành pháp gì cũng vô ích, đều miễn bàn đến. Điều này chúng ta nhất định phải biết.

Phật ở chỗ này rất từ bi, nói từng điều từng điều với chúng ta. Đoạn này đều là nói bố thí. Trước tiên Phật nói với bạn, lìa sát hại, tức là không sát sanh mà thường hành bố thí, thì quả báo bạn được là “thường phú tài bảo”. Người thế gian thường cầu phú quí, nhưng sát sanh mà được phú quí sao? Phú quí từ đâu mà có vậy? Tuyệt đối không phải do sát sanh mà có được, mà là do họ đời trước tu tích nhân thiện nên đời này được quả báo thiện. Phật nói rất hay: “Muốn biết nhân đời trước, xem thọ nhận đời nay”. Nếu như ta muốn biết nghiệp ta tạo trong đời quá khứ là nghiệp gì thì cứ xem những cái mà ta thọ nhận trong đời này. Đời trước gieo nhân, đời nay nhận quả báo. “Muốn biết quả đời sau, thì xem đời nay gieo nhân gì”. Đời sau ta có quả báo gì, hãy xem hành vi tạo tác đời này của ta thì sẽ biết quả báo ở đời sau.

Đời này được phú quí là do trong đời quá khứ tu nhân thiện. Nếu như đời này được phú quí mà không biết tu thiện, thậm chí còn dùng thủ đoạn phi pháp để giành lấy phú quí, Phật Bồ-tát hiểu rõ, phú quí bạn có được không phải do nhờ thủ đoạn phi pháp này mà có, mà là do nhân thiện bạn tu trong quá khứ mà được. Ngày nay bạn dùng đủ thứ thủ đoạn không chính đáng, cho rằng là đạt được phú quí rồi. Không phải vậy. Nghiệp mà bạn tạo đời nay thì đời sau sẽ thọ báo. Thế gian có mấy người hiểu được đạo lý này, có mấy người hiểu rõ chân tướng sự thật này?

Phật pháp được gọi là “Bảo” là dựa vào điều gì? Hiểu rõ thấu triệt đối với chân tướng sự thật của nhân quả ba đời, . Nhân quả chỉ dạy chúng ta làm sao được giàu có, trong đây mỗi điều đều là được giàu có. Bạn tu bố thí tài thì được giàu có, lìa thập ác được giàu có, đây là sự thật. Trong mỗi một câu đều có “không thể xâm đoạt”. Sự giàu có của bạn tuyệt đối không có ai có thể xâm phạm, tuyệt đối không có ai có thể đoạt lấy. Ngày nay người đạt được giàu có thì ngày đêm thường lo lắng, lo được lo mất, sợ của cải bị mất hết. Thật sự dùng thập thiện để tu bố thí thì của cải bạn được sẽ mỗi ngày tăng trưởng, tuyệt đối sẽ không tiêu tan.

Không sát sanh là bố thí vô úy. Quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh trường thọ. Câu phía dưới là “trường thọ vô yểu”. “Yểu” là chết yểu, đoản mạng.

“Bất vi nhất thiết oán tặc tổn hại”. “Oán” là oan gia. “Tặc” là trộm cướp. Oan gia của bạn có rất nhiều, tại sao có vậy? Vì quá khứ kết oán thù với chúng sanh. Quá khứ không phải một đời một kiếp, mà là từ vô lượng kiếp đến nay. Thử nghĩ xem bạn kết oán thù với bao nhiêu người, đã kết oán thù với bao nhiêu chúng sanh? Oan oan tương báo không bao giờ dứt. Sự việc này Phật nói rất rõ ràng. Bạn kết oán thù với người ta, đây là nhân. Nhân muốn biến thành quả thì phải có “duyên”. Nếu như không có duyên, tuy có nhân ác nhưng quả ác sẽ không hiện tiền. Đời nay gặp được Phật pháp, tin nhận phụng hành, đem tâm hạnh của mình biến thành thuần thiện, như vậy là duyên ác đoạn mất rồi, cho dù có gặp rất nhiều oan gia trái chủ nhưng không có duyên thì quả sẽ không khởi hiện hành. Cho nên nhà Phật nói, điểm mấu chốt của quả báo chuyển biến là do duyên. “Nhân”, chúng ta không có cách gì điều khiển được, nhưng “duyên” thì chúng ta có thể điều khiển. Chúng ta tu tất cả duyên thiện, đoạn tất cả duyên ác, thì sự tổn hại của oán tặc sẽ xa lìa. Cho dù gặp phải một số tổn hại nhỏ cũng không đến nỗi trở ngại việc lớn. Cho nên, kiết hung họa phước là ở trong tâm chúng ta mà chuyển. Điều quan trọng là nhất định không được sát sanh. Không những không được sát sanh, mà dứt khoát không được phép làm tổn hại việc của người. Tất cả chúng sanh vì ta mà khởi phiền não là chúng ta sai rồi. Người tạo tác những nghiệp ác đều là ngu muội vô tri. Bạn hãy quan sát tỉ mỉ, tư tưởng, kiến giải, hành vi của họ đều là tương ưng với thập ác, không tương ưng với thập thiện.

Thập thiện tu hành đến tầng thứ tương đối, kinh văn phần trước Phật nói: “Bất dung hào phân bất thiện gián tạp”, đó là trình độ cao. Ở trình độ này là trực tiếp tu pháp Bồ-tát. Cho nên, Phật ở chỗ này đem pháp Bồ-tát đặt ở đoạn văn thứ nhất. Nếu như còn có mảy may bất thiện xen tạp thì thiện của bạn không thuần rồi. Phật dạy người như vậy, nhà Nho cũng dạy người như vậy, nhưng nhà Nho nói không cặn kẽ như Phật nói. Nhà Nho nói: “Minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện, tri chỉ, nhi hậu hữu định”. “Tri chỉ”, biết dừng là gì vậy? Là chí thiện, dừng ở chí thiện. Ngay ở chỗ này chúng ta liền có thể thể hội được, nhà Nho là khuyên người “lập chí”, Phật pháp khuyên người “phát tâm”. Chúng ta nên phát cái tâm gì? Tâm chí thiện. Tâm chí thiện đối với mình là cái thâm tâm ở trong tâm Bồ-đề. Tâm chí thiện đối nhân, xử thế, tiếp vật là tâm đại bi ở trong tâm Bồ-đề. Từ chí thiện có thể kiến tánh. Tánh là tâm chân thành, trong “Quán Kinh” gọi là tâm chí thành. Nhà Nho khuyên người lập chí làm thánh nhân. Phật dạy chúng ta phát tâm, chính là dạy chúng ta phải phát tâm làm Phật, vậy mới đích thực là “chỉ ư chí thiện”. Cho nên, dứt khoát không được có một mảy may cái tâm tổn hại người khác, không được có ý niệm tổn hại tất cả chúng sanh.

Phật Bồ-tát độ chúng sanh không nôn nóng nhất thời. Vô lượng kiếp, lại vô lượng kiếp luôn luôn trồng thiện căn cho tất cả chúng sanh. Trong kinh nói rất hay, danh hiệu của chư Phật Bồ-tát là “một khi nghe qua tai thì mãi mãi trồng được thiện căn”. Tất cả chúng sanh ở trong một đời có cơ hội nhìn thấy tượng Phật, nghe thấy danh hiệu Phật là thiện căn đã được gieo vào rồi. Đời này không thể thành tựu thì đời sau, hoặc đời sau nữa, hoặc giả ở nhiều kiếp về sau, khi gặp duyên chín mùi thì chắc chắn được độ. Chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng, biết được tầm quan trọng của thập thiện nghiệp đạo thì phải cố gắng nỗ lực tu học. Thành tựu bản thân cũng là thành tựu người khác, tự lợi lợi tha.

Kinh văn: “Ly bất dữ thủ, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, tối thắng vô tỉ, tất năng bị tập, chư Phật pháp tàng”.

Trong lục độ thì đây là điều thứ hai:“trì giới Ba La Mật”.

“Bất dữ thủ”, đây là giới trộm. Có thể lìa trộm cắp (không cho mà lấy là trộm cắp), cũng chính là trì giới bố thí. Một điều này chính là trì giới bố thí. Phần trước là không sát sanh bố thí, còn đây là trì giới bố thí. Bố thí nhất định được phước báo. Ở chỗ này nói, “tài bảo” là quả báo thông ba đời. Bố thí tài thì được giàu có. Tài cũng được xem là bảo. Bố thí pháp được thông minh trí tuệ. Thông minh trí tuệ là pháp bảo. Bố thí vô úy được khỏe mạnh trường thọ. Chúng ta ai cũng xem khỏe mạnh trường thọ là quí báu đứng đầu. Cho nên, tài bảo là thông ba loại nhân quả.

Người thường hoan hỷ hành bố thí nhưng vẫn tạo mười ác nghiệp thì họ có được phước báo hay không? Được phước báo, nhưng phước báo của họ hưởng thụ ở ba đường ác vì chưa có đoạn tham sân si. Họ có thể đọa vào trong cõi súc sanh. Cõi súc sanh cũng có phước báo. Chúng ta hiện nay thấy rất nhiều người nuôi thú cưng, bạn thấy nó có phước báo biết bao. Một gia đình nuôi một chú thú cưng, đó là cục cưng của gia đình ấy, không có ai không ưa thích nó, không có ai không quan tâm nó. Cái phước báo đó của nó là do đời trước tu bố thí. Nếu chú thú cưng này rất thông minh là do đời trước nó còn có bố thí pháp; hoặc nếu như nó khỏe mạnh trường thọ là do nó còn có bố thí vô úy. Cho nên, hãy quan sát tỉ mỉ người ta chăm nuôi thú cưng, bạn có thể biết được những con thú nào trong đời quá khứ đã hành ba loại bố thí. Vì chúng chưa có xa lìa tham sân si nên phải thọ cái quả báo này. Nếu như phước báo lớn thì họ sẽ biến thành La Sát, biến thành A Tu La. A Tu La là lãnh tụ trong cõi súc sanh, là quỷ vương trong cõi ngạ quỷ, có được phước báo như vậy. Loại phước báo này sau khi hưởng hết rồi thì ác nghiệp hiện tiền, lúc đó mới thật sự là khổ báo. Từ đó cho thấy, nếu không tu thập thiện nghiệp thì tất cả phước tu được đều không chân thật. Chỉ có tu thập thiện, nương thập thiện, lại tu bố thí, trì giới, lục độ vạn hạnh nữa, thì phước báo này mới là chân thật, mức thấp nhất cũng là hưởng phước báo trời người. Nhưng quí vị phải biết, phước báo trời người vẫn không phải là cứu cánh. Chúng ta xem, trước đây còn thấy người có phước báo lớn, còn hiện nay thì không thấy người có phước lớn đến như vậy.

Thời tiền Thanh, các vị vua như Khang Hy, Càn Long, họ có phước báo rất lớn, do đời đời kiếp kiếp tu tích. Không biết họ đã tu, đã tích lũy bao nhiêu đời mới trở thành đế vương của nhân gian. Phước báo này do tu mà có, chắc chắn ba loại phước báo họ thảy đều tu, cho nên họ giàu có, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh, trường thọ. Khang Hy đã làm Hoàng đế 61 năm. Càn Long đã làm Hoàng đế 60 năm và làm Thái Thượng Hoàng 4 năm. Nếu các ông không tu ba loại phước báo này thì phước từ đâu mà ra? Dĩ nhiên hai vị hoàng đế này đều là anh minh tài đức, các đế vương này anh minh, thật sự vì quốc gia dân tộc, vì nhân dân đã làm nên không ít việc tốt. Họ có lỗi lầm hay không vậy? Vẫn có, vì giam oan những người trí thức có tội nhỏ bé, không đáng kể nên đã làm tổn thương biết bao người có học. Đây là tội nghiệp. Khi phước báo hưởng hết rồi, họ còn có phước dư. Phước dư lại hưởng hết nữa thì tội báo liền hiện tiền ngay. Cho nên, quả báo ở trong lục đạo đều không phải cứu cánh.

Người thông minh nhất định phải thoát khỏi sáu cõi. Dẫu rằng chúng ta phát nguyện muốn đến lục đạo cứu độ chúng sanh khổ nạn, nhưng chúng ta nhất định phải là thừa nguyện tái lai, tại sao vậy? Vì người thừa nguyện tái lai thì họ là thân nguyện lực, không phải thân nghiệp báo. Người thừa nguyện tái lai chắc chắn không tạo nghiệp. Chúng ta có thể từ chỗ này mà quan sát, họ là người tích lũy tu phước tu tuệ mà đến hay là người đích thực thừa nguyện mà đến. Nếu như vẫn còn niệm ác, vẫn còn yêu ghét, thì họ không phải thừa nguyện tái lai. Người thừa nguyện tái lai thì tình đã chuyển đổi thành trí tuệ rồi, cho nên nhất định tình cảm không có khởi tác dụng. Họ đối nhân xử thế tiếp vật là trí tuệ chân thật, nhất định không phải cảm tình. Nếu còn có tình thì đây là thân nghiệp báo, tùy nghiệp lưu chuyển. Pháp tướng tông trong nhà Phật nói là “chuyển thức thành trí”. “Thức” chính là tình thức. Cho nên nói chuyển tám thức thành bốn trí Bồ-đề, đây là người thừa nguyện tái lai. Người mà chưa có đem tâm, tâm sở chuyển biến thành bốn trí Bồ-đề thì người này là phàm phu sáu cõi. Phàm phu sáu cõi phước báo lớn đi nữa, cho dù làm đến Ma-hê-thủ-la thiên vương, nhưng khi phước hưởng hết rồi vẫn phải đọa lạc trở xuống, hay nói cách khác, dứt khoát không thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Chúng ta hãy bình tĩnh mà quan sát, Đại Phạm thiên vương, Ma-hê-thủ-la thiên vương không sánh bằng Tu-đà-hoàn. Tuy Tu-đà-hoàn còn trở lại nhân gian và cõi trời bảy lần, nhưng chắc chắn thoát khỏi lục đạo luân hồi. Chư thiên, thiên vương không có cách gì thoát khỏi luân hồi.

Chúng ta tu hành, tu ở chỗ nào vậy? Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, làm thế nào đem tình thức chuyển đổi thành tứ trí Bồ-đề, chuyển A Lại Da thức thành đại viên cảnh. Đại viên cảnh có nghĩa là gì vậy? Chính là chúng tôi hiện nay đem lời giáo huấn của Phật tổng kết thành mười câu là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi; nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới, đây là đại viên cảnh. Tâm chân thành bao thái hư, trùm pháp giới. Tâm thanh tịnh bao thái hư, khắp pháp giới. Thậm chí là tự tại bao thái hư, khắp pháp giới. Tùy duyên cũng là bao thái hư, khắp pháp giới, đây là đại viên cảnh trí. Chuyển Mạt-na thành bình đẳng tánh trí. Chuyển thức thứ sáu thành diệu quan sát trí. Chuyển năm thức trước thành sở tác trí. Sức chứa của cái “trí” này đều là bao thái hư, trùm pháp giới. Chúng ta chuyển ở chỗ nào vậy? Là ngay trong đời sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật, làm một bước chuyển đổi lớn, dứt khoát không khởi tự tư tự lợi, thuận cảnh nhất định không khởi tham ái, nghịch cảnh nhất định không khởi sân hận, chúng ta liền “chỉ ư chí thiện”. Tiếp xúc với tất cả chúng sanh, khởi tâm động niệm không có gì là không thiện, quyết định tương ưng với thập thiện nghiệp, quả báo là xứng tánh. Cho nên “thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt”. Tài sản xứng tánh, người nào có thể xâm phạm, người nào có thể đoạt lấy được? Nếu người ta cần đến, ta đều biếu cho họ cả. Tài sản ở đây đi rồi thì ở kia liền đến, vĩnh viễn không bị mất đi, cho nên nói càng thí càng nhiều.

Hiện nay thế gian này, chúng ta nhìn thấy chúng sanh sống khổ đến như vậy, trình độ văn hóa mỗi ngày một sa sút. Đời sống vật chất gian khổ là do không biết bố thí tài. Trình độ văn hóa sa sút là do không biết bố thí pháp. Khi xem một cuốn sách, lật đến trang cuối, chúng ta thấy dòng chữ “Sở hữu bản quyền, in sao bị truy tố”, họ không chịu bố thí pháp thì làm sao có thể tăng thông minh trí tuệ được? Niệm niệm luôn tính toán với người khác, ham muốn lợi nhỏ, quả báo khỏe mạnh trường thọ sẽ không đạt được.

Chúng ta quan sát tỉ mỉ xã hội này, mọi người đều đang tạo nghiệp, không biết tu phước. Họ cho rằng mình thông minh, tài giỏi hơn người khác, cho rằng mình tạo tác những ác nghiệp này nên có được phước báo này. Họ không hiểu được rằng, cái phước báo mà họ đang hưởng đó là do trong mạng họ có. Thật ra, phước báo trong mạng họ có, lớn hơn rất nhiều, rất nhiều so với phước mà họ hiện nay đang hưởng thụ. Bởi do họ tạo tội nghiệp nên đã bị giảm bớt rất nhiều. Bị giảm bớt mà họ vẫn còn hưởng phước lớn như vậy thì bạn thử nghĩ xem, nếu như khi không bị giảm bớt thì phước báo của họ còn lớn đến cỡ nào.

Trước đây, trên thế gian có nhiều bậc thánh hiền, cho nên môi trường tu học tốt. Trong nhà có người già làm tấm gương cho bạn thấy, trong xã hội có biết bao học giả làm tấm gương cho bạn thấy. Sách xưa Trung Quốc, không cần nói nhiều, cuối năm triều Thanh về trước, có tác phẩm văn học nào phần sau có dòng chữ sở hữu bản quyền, in sao bị truy tố không? Không có! Cái mà các bạn nhìn thấy đều là “Hoan nghênh lưu hành, công đức vô lượng”, đều là khuyên bạn hãy lưu hành, không hề ngăn cấm. “Sở hữu bản quyền, in sao bị truy tố” là đến đầu năm Dân Quốc mới có. Người ở thời đại Dân Quốc này khổ, đáng thương, không biết tu phước. Những trưởng giả đại phú, quí tộc quyền thế trong xã hội này mà chúng ta nhìn thấy đều là đã tu phước ở những thời đại đế vương trước đây, hiện nay họ đến đây hưởng thụ. Chúng ta đời này thật sự là có may mắn gặp được Phật pháp nên mới có thể nhìn ra được. Thế gian này nhân duyên quả báo, chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, thế là chúng ta tự mình biết cần phải làm như thế nào.

Lìa trộm cắp thì được phước báo là “tối thắng vô tỉ, tất năng bị tập”. Hai câu này ý nói, cái mà bạn có được là phước đức tối thắng không gì sánh bằng. Không chỉ như vậy, phía sau hai câu này là “tất năng bị tập, chư Phật pháp tàng”. Phước và tuệ, hai loại phước báo này bạn đều đạt được rồi, quả báo này thật sự là thù thắng vô song. Trí tuệ là cái có được từ bố thí pháp. Thật sự người có tâm thí thì trước tác của họ nhất định không được có những dòng chữ “Sở hữu bản quyền, in sao bị truy tố” này. Những cái phước họ được này vô cùng hữu hạn.

Hiện nay, trong cửa Phật có một số đại đức cũng lơ là không chú ý, đã sơ suất đi sự việc này. Trước tác của mình cũng in lên dòng chữ “Sở hữu bản quyền, in sao bị truy tố”, đem pháp duyên của mình đoạn mất, đã đi ngược lại thệ nguyện của mình. Thệ nguyện mỗi ngày vẫn cứ tụng trên cửa miệng: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, thế nhưng “Sở hữu bản quyền, in sao bị truy tố” thì bạn độ chúng sanh cái gì? Bạn đã đi ngược lại thệ nguyện của mình. Bạn độ chúng sanh là có điều kiện, “bạn đem tiền đến mua sách của tôi”. Đây là biến thành hàng hóa làm ăn mua bán rồi, làm gì có pháp duyên? Tâm thái của bạn như vậy thì niệm Phật không thể vãng sanh, thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người hẹp hòi như vậy. Bản thân chúng ta học Phật có một chút tâm đắc viết ra cúng dường đại chúng, tiếc là không thể in nhiều một chút để biếu tặng cho người khác. Bản thân ta không có năng lực in thì để người khác in, chẳng phải càng tốt hay sao? Ta càng bớt việc. Bạn không cho phép người khác in, nhất định muốn tự mình in để bán kiếm tiền thì bạn thành cái gì được đây? Tâm thái như vậy thì niệm Phật không thể vãng sanh. Một người từ thiện ở thế gian còn không làm như vậy.

Người Trung Quốc chúng ta vào thời xưa dạy học, những điều hay đều là tìm đủ mọi cách để lưu hành. Chúng ta bình thường rất dễ dàng nhìn thấy những vị thầy thuốc, họ có một số phương thuốc cấp cứu thông thường đều in thành cuốn sổ tay. Sổ tay này cũng là “Hoan nghênh in ấn, công đức vô lượng”, hoàn toàn không hề nhìn thấy in ở phần sau những sách lành này việc hạn chế người khác in sao. Người Trung Quốc trước đây không có loại tư tưởng này, loại tư tưởng này từ nước ngoài truyền vào. Từ xưa đến nay, người nước ngoài tiếp nhận nền giáo dục chủ nghĩa công lợi. Họ phải bảo vệ bản thân, sợ người khác xâm chiếm quyền lợi của mình, cho nên trong pháp luật đã lập ra rất nhiều. Người Trung Quốc từ xưa đến nay tiếp nhận nền giáo dục thánh hiền. Giáo dục thánh hiền là hy vọng tất cả chúng sanh mỗi người đều có thể làm thánh, làm hiền. Nền giáo dục Phật pháp là hy vọng tất cả chúng sanh sớm thành Phật đạo, làm sao có thể có hạn chế? Đây là mức thấp nhất mà chúng ta phải giác ngộ.

Năm xưa, pháp sư Diễn Bồi hỏi tôi: “Làm thế nào để có được pháp duyên thù thắng?”. Tôi nói với ông: “Bố thí! Bố thí vô điều kiện, bố thí vô tư thì pháp duyên của bạn tự nhiên sẽ thù thắng”. Bản thân chỉ cần nghiêm túc thực tiễn lời giáo huấn của Phật Đà, y giáo phụng hành thì pháp duyên tự nhiên thù thắng. Tôi giảng kinh hoằng pháp 41 năm hoàn toàn không hề kéo một tín đồ đến nghe. Tôi cũng hoàn toàn không đi rải quảng cáo. Đây là thầy Lý chỉ dạy tôi, thầy nói vô cùng có đạo lý, tôi hiểu. Thầy nói: “Bạn đi giảng kinh ở bên ngoài, bạn viết rất nhiều quảng cáo, chiêu đến rất nhiều thính chúng. Ngày đầu tiên rất tốt, mọi người đã bị bạn lừa mà đến. Sau khi nghe qua, họ thấy bạn giảng chẳng ra sao cả thì ngày mai số người liền giảm bớt một nửa, ngày kia lại giảm tiếp. Chẳng phải bạn nản lòng rồi sao? Bản thân bạn lòng tin không còn nữa”. Cho nên, không rải quảng cáo, điều này rất có đạo lý.

Ngày đầu tiên tôi giảng kinh có ba người nghe. Ngày thứ hai giảng kinh có bốn người nghe. Ngày thứ ba giảng kinh có năm người nghe. Thính chúng của bạn mỗi ngày đang tăng trưởng. Tăng trưởng sẽ khiến tinh thần của chúng ta phấn chấn lên, đây là thầy Lý chỉ dạy tôi. Cho nên, nhất định không được phép làm quảng cáo. Làm quảng cáo nhiều nhất là bạn giảng được một lần, bạn không thể giảng lần thứ hai. Giảng lần thứ hai, lần thứ ba, thính chúng của bạn sẽ dần dần giảm xuống, trừ phi bạn thật sự giảng hay. Thật sự giảng hay cũng không làm cái việc này. Phật giáo không giống với những tôn giáo khác. Phật giáo là sư đạo. Sư đạo là “chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo”, tuyệt đối không kéo thính chúng. Thính chúng tự họ ngưỡng mộ mà đến, là họ có tâm chân thành. Đây Ấn tổ gọi là “một phần cung kính thì được một phần lợi ích”, họ thật sự đạt được lợi ích. Người bị kéo đến, vì tình cảm hoặc giả bất đắc dĩ miễn cưỡng mà đến, họ sẽ không có tâm cung kính, nên họ không được lợi ích. Đây thật sự là người từng trải mới hiểu được, mới đem đạo lý này truyền cho chúng ta. Đi mời chào tín đồ khắp nơi, đây đều là tư tưởng của người nước ngoài, không phải lời chỉ dạy của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc chúng ta.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 41)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

 

Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 264


Hôm nayHôm nay : 47956

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1517584

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43761728

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.