Trong nhà Phật, chúng ta xem qua sự cầu học của đại đức xưa, cái lễ cử này rất nhiều. Thân cận một vị đại đức, sau khi nói chuyện với họ qua một lúc, họ sẽ nói với bạn: “Nhân duyên của bạn không ở chỗ tôi, nhân duyên của bạn ở nơi nào đó, bạn đến nơi đó cầu học nhất định sẽ thành tựu”. Họ có năng lực chỉ điểm, họ không thể dạy. Do nguyên nhân gì vậy? Trên văn tự tuy không ghi chép rõ ràng nhưng chúng ta có thể tưởng tượng ra được, họ đến tham phỏng đương nhiên nhất định sẽ phải nói qua rất nhiều, người xưa không ghi tỉ mỉ nhưng nhất định hỏi qua bạn bao nhiêu tuổi? Bạn họ gì? Nhà của bạn ở đâu? Trước đây đã học những gì? Bạn thích những thứ gì? Bạn kính phục nhất, tôn kính nhất đối với những người nào? Nếu bạn nói bạn thích người nào đó nhất, tôn kính người nào đó nhất, vậy thì đó là thầy của bạn, bạn đến chỗ ông ấy mà học thì liền có thành tựu, bạn ở chỗ tôi đây sẽ không có thành tựu. Do đó, họ sẽ giới thiệu bạn đến chỗ người khác.
Chúng ta muốn gần gũi thầy giáo là ngay trong tâm của mình phải rất ngưỡng mộ thầy đó, rất tôn kính thầy giáo đó. Như vậy thì lời ông ấy nói chúng ta mới chịu nghe, chúng ta mới làm theo. Nếu như không tin tưởng, không tôn kính vị thầy này, ông ấy dạy ta, ta cũng không làm theo. Không thể làm theo làm sao có thành tựu? Chúng ta hiểu được đạo lý này, cũng biết để không chỉ sai đường cho người khác, cho nên Phật pháp là sư đạo, Phật pháp không phải là thần đạo, không phải tôn giáo.
Do đó, năm đầu dân quốc, tiên sinh Âu Dương Cảnh Vô, vào lúc đó ở trong trường Đại học Trung Sơn Đệ Tứ đã có một buổi diễn giảng. Lần diễn giảng đó rất nổi tiếng, lúc đó cũng làm chấn động giới Phật giáo toàn quốc. Đề mục của Ngài là: “Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải là triết học mà là người đời nay cần phải có”. Ngài đã giảng đề mục như vậy. Trường đại học Trung Sơn Đệ Tứ lúc đó chính là Trường đại học sư phạm Nam Kinh ngày nay. Ngài diễn giảng và học sinh của Ngài là cư sĩ Dương Ân Dương ghi lại, cho ra một quyển sách nhỏ. Vào năm 1977, tôi giảng kinh ở Hồng Kông nghe được. Ngài phân tích rất rõ ràng. Trong lần diễn giảng này Ngài đã làm hai sự kết luận. Ngài nói: “Tôn giáo là cội gốc của mê tín. Triết học là cội gốc của đấu tranh. Phật giáo không phải là tôn giáo cũng không phải là triết học. Phật giáo là giáo dục trí tuệ, giáo học của trí tuệ. Chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết tất cả vấn đề, huống hồ Phật giáo lại là trí tuệ chân thật cứu cánh viên mãn”.
Hiếu đạo và sư đạo chúng ta hiểu rõ rồi, làm sao áp dụng ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta? Vậy thì chính là ở hai câu sau, hai câu phía sau này là thực tiễn: “Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Nếu không làm được hai câu này, bạn bất hiếu đối với cha mẹ, bạn bất kính với lão sư. Chỗ này đặc biệt là nói giữ cái tâm. Bậc Thánh nhân, Phật Bồ tát họ giữ cái tâm nhân từ. Nhà Nho gọi Nhân, nhà Phật gọi Từ Bi. Nhân từ bác ái là bao gồm tất cả thánh hiền thế xuất thế gian, bao gồm người sáng tạo ra tôn giáo, cùng đồng một cái tâm thiện. Thiện tâm chân thành, trong Phật pháp gọi chân tâm. Chân tâm là nhân từ bác ái. Trong Phật pháp đại thừa gọi là Tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề cũng là nhân từ bác ái.
Tâm Bồ Đề nếu nói cụ thể một chút, nói được rõ ràng hơn chính là tứ hoằng thệ nguyện độ. Bạn xem câu thứ nhất: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đây là tâm từ. Chúng sanh thì không phân cõi nước, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo. Đối với tất cả chúng sanh thì dùng tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh, tâm chân thành để giúp đỡ. Chúng sanh có khổ, có nạn thì đến giúp cho họ không điều kiện. Chữ “Độ” dùng lời hiện đại mà nói chính là giúp đỡ, chính là hiệp trợ, giúp cho họ giải trừ khổ nạn.
Cội gốc của khổ nạn là gì? Là mờ mịt, không hiểu biết đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Đây chính là cội gốc của tất cả khổ nạn. Do đó, giúp đỡ họ tuy là nhiều phương diện, nhưng then chốt nhất là giúp cho họ khai ngộ, cũng chính là giúp cho họ phá mê thành ngộ. Đây là chân thật giúp đỡ, giúp đỡ cứu cánh viên mãn. Họ không có y phục mặc, bạn cho họ y phục; họ không có đồ ăn, tặng cho họ đồ để ăn, đây chỉ là giúp đỡ nhất thời, không giải quyết được vấn đề. Nhất định họ phải chính mình giác ngộ, họ phải chính mình trí tuệ sáng tỏ, năng lực đầy đủ.
Trí tuệ năng lực đều là sẵn có ở trong tự tánh. Phật ở trong kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng Như Lai”. Đức là đức năng, năng lực. Tướng là tướng tốt. Trí tuệ, năng lực, tướng tốt của tất cả chúng sanh không hề khác biệt với chư Phật Như Lai. Vậy thì trí tuệ, năng lực đức tướng của chúng ta ngày nay vì sao lại biến thành như vậy? Vì chúng ta mê mất đi tự tánh cho nên mới ra nông nỗi này.
Vì sao mà mê vậy? Ngày nay chúng ta không có cách gì rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phật nói ba loại này đã làm hại chúng ta. Cách nói này của tôi mọi người dễ hiểu. Danh từ của Phật học gọi là kiến tư phiền não chính là chấp trước, Trần sa phiền não chính là phân biệt, Vô minh phiền não chính là vọng tưởng. Dùng danh từ Phật học mà nói thì không dễ hiểu. Chúng ta đổi lại danh từ, mọi người đều rất dễ dàng thể hội được.
Nếu như chúng ta thật có thể đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tất cả đều buông bỏ thì trí tuệ liền sáng tỏ, tướng mạo sẽ thay đổi. Tướng tùy tâm chuyển. Không chỉ tướng mạo có thể thay đổi, phong thủy cũng có thể chuyển. Cái gì gọi là phong thủy? Hoàn cảnh cư trú của chúng ta. Hoàn cảnh cư trú cũng có thể thay đổi. Cho nên xem tướng, đoán mạng họ cũng hiểu được một ít việc này, cái gọi là người phước ở đất phước, đất phước người phước ở. Cho nên Phật trước khi dạy chúng ta học tập, thì dạy cho chúng ta ba phước. Nếu chúng ta có phước rồi thì người phước phải ở đất phước thôi.
Bồi dưỡng tâm từ bi chính là bồi dưỡng chân tâm. Chúng ta đối với tất cả chúng sanh phải dùng cái tâm từ bi chân thành, bình đẳng mà đối nhân xử thế tiếp vật. Phải thanh tịnh, bình đẳng, đây là chân tâm, là tâm thường hằng.
Chân tâm, tâm thường hằng vĩnh viễn không hề bị bệnh. Người thế gian này chúng ta tại vì sao có nhiều bệnh khổ đến như vậy? Tâm của bạn không thường hằng, không thanh tịnh, không bình đẳng nên dễ dàng biến thành bệnh độc. Cái này không thanh tịnh, không bình đẳng quả nhiên biến thành bệnh độc nghiêm trọng. Bệnh độc này biến thành thứ gì vậy? Tham- sân- si, gọi là ba độc. Trong có ba độc, bên ngoài thì bị ô nhiễm, nội ngoại giao cảm nhau thì người làm gì mà không bị bệnh. Cái bệnh là do đây mà ra. Làm thế nào diệt được ba độc? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng hiển lộ thì ba độc phiền não liền bị tiêu trừ. Từ trong thanh tịnh bình đẳng sanh tâm từ bi. Từ bi là bình đẳng, thương yêu tất cả chúng sanh, đây là chân tâm của bạn, chính là bổn tánh của bạn, chính là minh đức mà nhà Nho gọi. Lại thực tiễn ngay trong hành vi đời sống thường ngày của chúng ta chính là mười việc thiện mà Phật ở trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy bảo chúng ta.
Tất cả Bồ Tát có một phương pháp có thể đoạn trừ tất cả khổ não (Tất cả khổ não này là nói đến mười pháp giới), phương pháp này là gì? Phật đã nói cho chúng ta nghe là ngày đêm thường nghĩ thiện pháp thì tâm của bạn thiện; ngày đêm thường nghĩ đến thiện pháp, tư duy thiện pháp là tư tưởng của bạn thiện; quán sát thiện pháp là hành vi của bạn thiện. Mỗi niệm khiến cho thiện pháp viên mãn, không để mảy may bất thiện xen vào. Đoạn khai thị này của Thế Tôn rất quan trọng.
Nếu như chúng ta muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, hoàn cảnh của thế giới Tây Phương Cực Lạc là như thế nào? Ở trong kinh Phật nói rõ với chúng ta, nơi đó là nơi các bậc thượng thiện nhân tụ hội, nếu chúng ta không thiện làm sao có thể đi? Phật A Di Đà có từ bi đến tiếp dẫn chúng ta đến thế giới Cực Lạc nhưng những người đó cự tuyệt chúng ta, không để chúng ta bước vào, vậy cũng thật oan uổng. Tại vì sao vậy? Ở nơi đây đều là người thiện, ông là một người bất thiện, ông đến đây chẳng phải đã làm ô nhiễm hoàn cảnh nơi này hay sao? Nhất định không cho phép người có bất thiện bước vào. Cho nên Thế Tôn ở nơi đây đem điều kiện mở ra cho chúng ta. Chúng ta nhất định phải tu mười thiện nghiệp.
Áp dụng mười thiện chính là thực tiễn hiếu dưỡng cha mẹ, áp dụng mười thiện chính là thực tiễn phụng sự sư trưởng. Đồng tu học Phật phải từ chỗ này mà hạ thủ công phu. Mười thiện, tôi nghĩ mỗi người đều có thể ghi nhớ. Đây là pháp căn bản tu học của Phật pháp. Không từ ngay chỗ này mà chân thành hạ thủ công phu thì bạn không phải học Phật, bạn cũng không phải là học trò của Phật, bạn cũng không phải là hiếu tử của cha mẹ.
Mười thiện thì thân có ba, khẩu bốn và ý ba.
Thứ nhất, không sát sanh.
Không những không sát sanh, nếu như khiến cho tất cả chúng sanh vì ta mà sanh phiền não thì ta đã sai.
Người Trung Quốc nói đến hiếu đạo, trước tiên ta nghĩ đến Đại Thuấn. Vua Thuấn thật đã đem mười nghiệp thiện thực hiện. Ngay lúc đó Phật giáo chưa truyền đến Trung Quốc, nhưng hành vi việc làm của ông viên mãn tương ứng với mười thiện. Do đây có thể biết, mười thiện không phải do học mà có, mà là lưu xuất ra từ trong tánh đức tự nhiên. Cả đời vua Thuấn chỉ thấy lỗi của chính mình, không thấy lỗi của người khác, cùng Đại sư Lục Tổ Huệ Năng - Thiền Tông triều đường đã nói trong Đàn Kinh hoàn toàn giống nhau. Lục Tổ nói: “Nếu là người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Nếu như con người chỉ có thể nhìn thấy lỗi của chính mình mà không thấy lỗi của người khác thì đạo nghiệp của bạn có thành tựu. Người đạo Nghiệp không thể thành tựu do họ làm ngược lại, chỉ thấy lỗi của người mà không thấy lỗi chính mình. Con người này không luận họ tinh tấn dõng mãnh thế nào đều không thể thành tựu vì đã phạm sai lầm từ căn bản. Cho nên chúng ta vạn nhất không nên cho rằng đây đều là không đúng của người khác, tôi không có gì là không đúng. Đây chính là sai lầm lớn của chính mình.
Nhìn thấy cái hay, chỗ tốt của người khác, chúng ta phải học tập nơi họ. Nhìn thấy chỗ không tốt của người khác, hồi đầu lại phản tỉnh, xem ta có hay không. Nếu ta có thì khẩn trương sửa đổi lại. Thế nên người tốt, người không tốt ở thế gian đều là lão sư của chúng ta, đều là thiện tri thức của chúng ta. Những người không tốt đó làm ra những việc không tốt là họ đến dạy chúng ta để chúng ta phản tỉnh, mà chưa chắc việc họ làm là sai. Chúng ta phải thường dùng tâm trạng này để học Phật. Ngay ở đời này thành Thánh, thành Hiền, thành Phật, thành Bồ tát không phải là việc khó. Khó là ở chính chúng ta không biết tu học như thế nào? Chúng ta học sai.
Cho nên, nhất định không thể làm khổ chúng sanh. Phải thành tựu tánh đức viên mãn của chính mình. Đối với người chân thật bất thiện phải dùng tâm chân chánh chí thiện mà cảm hóa họ.
Lần trước tôi ở Hồng Kông, khi đài truyền hình Á Châu đến phỏng vấn tôi, ông Hạ Thủ Tính nêu ra một vấn đề. Ông nói, ngày trước lúc còn đi học, đọc qua Mạnh Tử chủ trương tánh thiện: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, Tuân Tử chủ trương tánh ác: “Nhân chi sơ tánh bổn ác”, tôi đã tìm hiểu mấy mươi năm mà vẫn chưa hiểu ra, rốt cuộc thì tánh người là thiện hay là ác? Tôi nói với ông ấy: “Đó là kiến giải của học trò nên không viên mãn, kiến giải của thầy mới viên mãn”. Lão sư là Khổng Lão Phu Tử, Khổng Lão Phu Tử nói: “Nhân chi sơ, tánh tương cận, tập tương viễn”. Tánh tương cận cùng tự tánh của Phật là như nhau, là Phật tánh. Từ trên tánh mà nhìn tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật, đó gọi chí thiện. Mạnh Tử, Tuân Tử là người hiền, không phải thánh nhân, cho nên thiện ác mà họ đã nói là tập tánh, không phải bản tánh. Chư Phật Bồ Tát nhìn tất cả chúng sanh là nhìn bản tánh, không nhìn tập tánh. Tập tánh thì có thiện ác, bản tánh không có thiện ác, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Chúng ta phải học Phật, Bồ Tát, phải học đại thánh đại hiền thế xuất thế gian nhìn bản tánh của tất cả chúng sanh, không nên nhìn vào tập tánh. Tập tánh không phải là thật, bản tánh mới là chân thật. Tập tánh đã nhiễm phải tập khí không tốt, có thể thay đổi.
Chúng ta phải có lòng nhẫn lại, phải có trí tuệ, phải có phương tiện khéo léo giúp cho họ quay đầu, giúp cho họ thay đổi. Chúng ta có nghĩa vụ, có trách nhiệm, tại sao vậy? Bao gồm tất cả chúng sanh cùng chính mình là đồng một pháp thân, cùng đồng một bản thể. Như vậy mà học tập, mà hạ công phu thì bạn mới có thành tựu, bạn mới có thể chuyển mê thành ngộ, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm thành thánh. Như vậy thì cho dù hiện tại bạn trải qua đời sống như thế nào, là thân phận như thế nào, địa vị thế nào đi chăng nữa thì tiền đồ của bạn vẫn là một mảng sáng lạn, nhà Phật nói kim sắc quang minh, đối với tất cả thế xuất thế gian pháp, tánh tướng, sự lý, nhân quả rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, bạn không còn mê hoặc. Bạn thông đạt sáng suốt rồi, bạn làm sao có thể tổn hại chúng sanh chứ? Chúng sanh nhục mạ ta, ức hiếp ta, hãm hại ta, giết hại ta, ta không những không trách họ, mà ta cũng không thấy họ có cái gì không tốt.
Mọi người tụng kinh Kim Cang rất nhiều, bạn xem trên kinh Kim Cang, Nhẫn Nhục tiên nhân bị Ca Lợi Vương cắt xẻ thân thể, Nhẫn Nhục tiên nhân có nhìn thấy việc làm bất thiện của Ca Lơi Vương hay không? Không hề nhìn thấy. Câu chuyện này ghi chép rất rõ ràng, tường tận trong kinh Đại Niết Bàn, trên kinh Kim Cang nói đơn giản. Ca Lợi là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung Quốc là hôn quân vô đạo, bạo chúa, nhưng trong mắt của Nhẫn Nhục tiên nhân thì không có gì bất thiện. Vì sao Nhẫn Nhục tiên nhân không có cái thấy như chúng ta? Vì Nhẫn Nhục tiên nhân nhìn vào bản tánh của tất cả chúng sanh. Bản tánh là chí thiện. Họ làm ra một việc bất thiện, một lúc hồ đồ thôi, việc này có thể tha thứ, vì vậy không đáng để ở trong lòng chúng ta.
Bạn xem, người ta dùng tâm gì để đối nhân xử thế đối người tiếp vật, dùng cách nhìn như thế nào để xử xự vậy? Do đó họ có thể làm Bồ tát, họ có thể làm Phật. Chúng ta đã dùng tâm sai, cái nhìn cũng sai, do đó khởi tâm động niệm, lời nói việc làm vô lượng vô biên tội nghiệp, tạo thành sáu cõi luân hồi, tạo thành ba đường ác. Đây là lỗi lầm của chính chúng ta, quyết không phải là việc của người khác.
Người chân chính tu hành làm gì có chuyện oán trời trách người. Phàm là hễ oán trời trách người đều là đối với chân tướng sự thật không rõ ràng, không thấu hiểu, cho nên sanh ra hiểu lầm. Đây chính là mê hoặc điên đảo. Cho nên chúng ta phải ở trên sự mà tu, vĩnh viễn sống trong thế giới biết ơn. Đây là đệ tử Phật, đây là hiếu tử. Phải nên học tập, phải ứng dụng.
Thứ hai là không trộm cắp.
Không trộm cắp, chúng ta dùng lời đơn giản mà nói là nhất định không nên khởi tâm động niệm chiếm tiện nghi của người khác. Nếu như có ý nghĩ như vậy gọi là tâm trộm. Bạn vẫn chưa phạm phải giới trộm này, nhưng tâm trộm của bạn đã khởi, vậy thì sai rồi. Đệ tử Phật mỗi niệm phải giữ tâm bố thí, phải giữ tâm cúng dường, làm sao có thể giữ tâm chiếm tiện nghi của người. Cái tâm này không nên có. Niệm niệm phải giúp đỡ tất cả chúng sanh, niệm niệm phải nghĩ thí xả. Xả thì được đại phước.
Chúng ta nhìn thấy người thế gian có rất nhiều người có phước báu, vậy phước báu từ đâu mà ra? Nếu như nói trời sanh ra là có phước báu, tôi phải nên cũng có phước báu, không thể nói không công bằng, không thể có khác biệt. Sự khác biệt này là trong đời quá khứ người ta tu phước, đời này người ta được phước báu, nghiệp nhân quả báo tự nhiên mà cảm ứng đến. Ta đời trước không có tu phước, vậy thì đời này không có phước báu. Người ta buôn bán thành công, phát tài, giao cho ta làm mấy ngày thì lỗ cả vốn. Tại sao vậy? Vì trong mạng không có phước, không có tài. Việc này làm gì có thể miễn cưỡng?
Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng. Người đời nay nói cầu phước, cầu tài. Phật biết cách làm cho bạn phát tài, thật sự phát tài, một chút cũng không giả. Làm sao có thể phát tài? Bố thí tài. Ta dùng tài giúp đỡ người khác thì chính mình được tài phú. Càng thí càng nhiều. Không nên cho rằng sau khi thí rồi thì mất, thì tất cả chúng ta không còn gì nữa, đời sống của ta ngày mai phải làm sao. Nếu bạn nghĩ đến việc này thì bạn không dám bố thí, vì bạn không tin lời nói của Phật, đối với lời Phật nói không thể tin tưởng, không dám tin tưởng. Bạn vẫn là tin theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình, vậy thì sai rồi. Chân thật tin tưởng Phật, Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta thật làm, sau khi làm rồi quả báo quả nhiên hiện tiền. Cho nên xả, sau khi xả là được, bạn xả thì liền được. Xả tài được tài, xả pháp được pháp. Cho nên bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Bạn xem, ba thứ này mọi người đều muốn. Họ muốn tài phú, muốn thông minh trí tuệ, nếu muốn khỏe mạnh sống lâu nhưng họ lại không chịu tu. Không tu nhân thì lấy đâu ra quả báo. Nếu như chân thật hiểu rõ đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật, tiếp nhận giáo dục Phật Đà, y giáo phụng hành, ý niệm trộm cắp sẽ không còn, nhổ sạch từ gốc.
Tôi lúc còn trẻ tuổi phải chịu rất nhiều sự khổ cực, vì đời trước không tu tài bố thí nên đời sống rất gian nan. Lão sư của tôi, Đông Phương Mỹ tiên sinh, cũng rất thông minh, nhưng đời trước cũng không tu tài bố thí, cả đời dạy học nhận chút tiền thù lao để sống qua ngày, trải qua đời sống cũng rất gian khổ. Chúng ta sau khi học Phật hiểu rõ ra được. Sau khi học Phật, tuy là thu nhập mỗi tháng rất ít, ngoài vật phẩm cần thiết cho cuộc sống ra còn lại đem đi bố thí, đem đi làm việc thiện. Ngay trong mười mấy năm, càng tu càng tự tại, cảm ứng không thể nghĩ bàn. Trên kinh Phật giảng một số lý cùng sự đều ứng nghiệm trên bản thân tôi, đều ứng hiện cả. Do đó, tôi càng ngày càng tin tưởng, tin càng sâu đậm, làm cũng càng thiết hơn.
Mọi người biết được pháp duyên của tôi rất tốt. Trước đây, pháp sư Diễn Bồi ở Singapore một hôm đặc biệt mời tôi đến dùng cơm. Tôi hỏi cụ ấy rằng: “Hôm nay vì sao Ngài mời tôi đến dùng cơm?”.
Pháp sư nói: “Hôm nay tôi có một việc muốn thỉnh giáo với ông, ông phải chỉ cho tôi”.
Tôi nói: “Thật không dám, Ngài là tiền bối của tôi”.
Tôi hỏi: “Là việc gì vậy?”
Ngài nói: “Pháp duyên của ông rất tốt, ông có thể dạy cho tôi không?”.
Tôi nói: “Việc này rất đơn giản, bố thí thôi”.
Bố thí thì pháp duyên tốt. Bố thí tài, bố thí pháp. Tôi đến giảng kinh bất cứ nơi nào, người còn chưa đến thì những kinh sách, băng đĩa, VCD để kết duyên tất cả đều đến rồi. Kết duyên cùng mọi người không điều kiện, muốn bao nhiêu cho bấy nhiêu. Pháp duyên chính là do từ đây mà có. Nếu như tôi giống như pháp sư khác thì tiếp nhận cúng dường của tôi, tôi có thể cất được một cái chùa to, pháp duyên của tôi cũng không còn.
Rất nhiều pháp sư cùng đồng xuất gia như tôi, cùng xuất gia một lượt, họ đều có rất nhiều đạo tràng, tôi thì một cái đạo tràng cũng không có. Đây là gì vậy? Đây là bố thí pháp mang đến trí tuệ.
Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời không có đạo tràng, tôi học tập với Ngài, vâng lời dạy của Ngài, cả đời ở đạo tràng của người khác, tôn trọng người khác. Hay nói cách khác, đạo tràng là trường học, việc này chúng ta phải biết.
Bạn xem, ngày nay đạo tràng Phật giáo gọi là “Tự”. Tự là ý gì vậy? Hiện tại người hiểu được ý nghĩa của chữ tự này không nhiều. Tự là trường học, là cơ cấu chính phủ làm việc. Người nước ngoài gọi là Office, hiện tại chúng ta gọi là nơi làm việc. Nếu như các vị đến nơi này của Trung Quốc để tham quan du lịch, bạn xem qua Hoàng Cung của Bắc Kinh, bên trong tên gọi của chữ “Tự” vẫn còn. Thời xưa là cơ quan làm việc trực tiếp thuộc Hoàng đế quản lý, gọi là Tự. Tự là ý gì vậy? Tự là cơ cấu vĩnh viễn tồn tại, Tự là ý kế tục, chính là kế tục không dứt. Cơ cấu này vĩnh viễn không thể bị tan rã, không thể nào thay đổi, gọi là tự. Bởi vì là cơ quan của Hoàng gia, cơ cấu của tể tướng cấp dưới gọi bộ, gọi viện thì có thể bị hủy bỏ có thể bị thay đổi, tự thì không thể thay đổi. Đây là Đế Vương thời xưa Trung Quốc đối với giáo dục của Phật Đà trực tiếp dùng từ để đặt tên, rất là tôn trọng.
Phương Trượng trụ trì trong tự là hiệu trưởng. Cái tự này là làm những việc gì? Phật tự là cơ cấu giáo dục của Phật Đà, trước đây là tính chất này. Cho nên ở trong đó dịch kinh, giảng kinh, dạy học, đây là Phật Tự, hoàn toàn không liên quan đến tôn giáo. Tôn giáo gọi là Miếu. Tự cùng Miếu không giống nhau, Miếu là tôn giáo. Chúng ta nhất định phải hiểu được nghĩa của văn từ. Văn không chánh thì ngôn không thuận. Hiện tại mọi người đối với ý nghĩa của chữ “Tự” này hoàn toàn không biết. Do đó, cư sĩ Hạ Liên Cư đưa ra một danh từ mới gọi là “Học hội”. Mọi người nhìn thấy danh từ Học Hội này rất mới, không đến nỗi phải hiểu lầm. Cho nên Tự viện của Tịnh Độ Tông, cụ ấy đã thay đổi thành Tịnh Tông Học Hội. Quá hay! Khiến cho người có cái nhìn mới, không đến nỗi mê hoặc. Bao gồm tất cả những cơ cấu giáo học và đạo tràng của nhà Phật đều đổi thành Học Hội. Thiên Thai tông thành Thiên Thai Học hội, Lăng Nghiêm tông thì đổi thành Lăng Nghiêm Học Hội, Pháp Hoa học hội, Hoa Nghiêm Học Hội, như vậy người ta vừa xem thì biết được đây là cơ cấu giáo học, không đến nỗi nghĩ đến mê tín.
Cho nên chúng ta giúp đỡ xã hội chuyển mê thành ngộ thì không thể không dùng một số danh từ mới. Cho nên Hạ Lão Cư sĩ đề xướng, tôi rất tán đồng, thế nhưng tôi không phụng hành. Mãi đến khi tôi đến thăm Bắc Kinh, gặp được học trò của Ngài là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Hoàng lão cư sĩ khuyên tôi: “Pháp sư ông ở trên toàn thế giới hoằng dương kinh Vô Lượng Thọ, ông nên đề xướng Tịnh Tông Học Hội”. Tôi nói: “Được, việc này dễ thôi”. Thế là mỗi một nơi giảng kinh Vô Lượng Thọ đều ở nơi đó thành lập Tịnh Tông Học Hội. Kỳ thật Tịnh Tông Học Hội chính là Liên Xã từ thời xa xưa, cùng với tính chất của Liên Xã là hoàn toàn giống nhau. Mỗi một Tịnh Tông Học Hội đều là cơ cấu độc lập giáo học, giữa đôi bên chúng ta có sự giúp đỡ lẫn nhau. Thế nhưng hành chánh, nhân sự, tài vật,... mỗi mỗi đều là độc lập. Không quản chung, không tổ chức, như vậy chúng ta mới thoải mái làm việc. Chân thật là một loại kết hợp đạo nghĩa, đạt đến hợp tác lẫn nhau để thúc đẩy giáo học của Phật Đà.
Điều thứ ba, không tà dâm.
Quan hệ của điều này là vô cùng to lớn. Bởi vì động loạn của cả thế giới ngày nay, nguyên nhân căn bản là giáo dục luân lý gia đình đã bị bỏ mất. Thời xưa đối với việc giáo dục gia đình là quan trọng hơn bất cứ thứ gì? Bởi vì gia đình là tổ chức cơ bản của xã hội. Gia đình xảy ra vấn đề thì xã hội động loạn, thế giới không thể hòa bình. Hạt nhân của gia đình là chồng vợ. Vợ chồng hòa vui, gia đình hòa thuận, xã hội an định, thiên hạ thái bình, quan hệ vô cùng to lớn. Cho nên điều giới luật này rất là quan trọng, cần thiết phải tuân thủ. Không tuân thủ điều này, kết cái tội này không phải chỉ là việc của hai người, không phải là việc của cả nhà bạn, bởi vì bạn có trách nhiệm đối với an toàn của xã hội, có trách nhiệm đối với hòa bình của thế giới. Vợ chồng bất hòa, xã hội động loạn, thiên hạ không thái bình, bạn phải có phần. Ai tạo ra vậy? Chính bạn tạo ra. Đạo lý này người phát hiện ra không nhiều.
Khi kết thành vợ chồng, đôi bên đều nhìn thấy chỗ tốt của nhau, đều bao dung khuyết điểm của đối phương, do đó hai người kết hôn. Sau khi kết hôn rồi, chỉ nhìn vào khuyết điểm của đối phương, không còn bao dung khuyết điểm của đối phương nữa thì phiền phức đến ngay. Cho nên Phật không thể không giảng, không thể không học. Hy vọng vợ chồng mãi mãi tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, bao dung lẫn nhau, nhìn chỗ tốt của đối phương, không nên nhìn khuyết điểm của đối phương mới có thể trăm năm hạnh phúc.
Duy trì xã hội an định, thế giới hòa bình, cho nên tôi thường hay xem thấy nơi nào báo cáo khu vực đó tỷ lệ ly hôn cao thì tôi nói nguy to rồi, nơi đây nảy sinh vấn đề rồi, xảy ra vấn đề lớn rồi. Vấn đề vô cùng nghiêm trọng nếu tỷ lệ ly hôn vượt quá năm mươi phần trăm. Hiện tại rất nhiều khu vực quốc gia đã vượt quá năm mươi phần trăm rồi, thật là nguy hiểm. Con cái mà họ sinh ra đều biến thành đơn thân. Đơn thân thì mất đi sự yêu thương của cha mẹ, nó có oán hận, nó có bất bình, sau khi nó lớn lên chính là nhân tố động loạn xã hội. Cho nên vợ chồng ly hôn, tội nghiệp mà họ đã tạo nặng hơn bất cứ thứ gì. Vì thế ngày trước có người hỏi tôi, tôi thẳng thắn mà nói rằng, tội ác của việc ly hôn chính là đọa địa ngục, vì đây không phải là việc của hai người, mà nó ảnh hưởng quá lớn.
Đây là ba điều đầu tiên của mười thiện: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, ý nghĩa sâu rộng vô cùng. Ngày nay chúng ta nói, chỉ nói đến thế giới hòa bình, kỳ thật nếu mở rộng ra, mở rộng đến hư không pháp giới, đây là thật, một chút cũng không giả. Khi nói quá lớn rồi thì người rất khó hiểu được, chúng ta chỉ nói đến địa cầu cư trú ngày nay thôi. An nguy của cả địa cầu là ở hòa hợp của vợ chồng. Đây là giáo hóa của nhà Phật chúng ta, giáo học của nhà Nho, là kỳ vọng trọng yếu giáo học của tất cả tôn giáo.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi. Ngày mai cũng vào giờ này chúng ta giảng tiếp.
Tịnh Nghiệp Tam Phước tập 2
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Đại hội Hoằng pháp Malaysia
Thời gian: 09-09-2000
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Minh