Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 55)

Thứ bảy - 26/07/2014 18:57

Kinh văn: “Hà dĩ cố? Đương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh, giai nhân nhữ vấn, nhi đắc độ thoát cố”.

Lần trước nói đến chỗ này, ý nghĩa vẫn chưa nói hết, hơn nữa rất quan trọng, cần phải bổ sung một chút. Đây là nói rõ, công đức thỉnh pháp không thể nghĩ bàn. A Nan thỉnh giáo với Thế Tôn, nhìn thấy Thế Tôn ngày hôm nay hiển thị tướng hảo thù thắng không gì bằng. Mọi người chúng ta điều biết tướng tùy tâm chuyển, cái tướng này đạt đến trang nghiêm cực độ thì tâm nhất định cũng chuyển đến tốt đẹp không gì bằng, cho nên tướng mới có thể cùng chuyển theo. Trong tất cả tướng hảo trang nghiêm, không tướng nào hơn tướng của Phật. Trong tất cả ý niệm, không ý niệm nào thù thắng hơn niệm Phật. Cho nên A Nan đã đoán trúng, Thế Tôn vào lúc này quả nhiên đang niệm A Di Đà Phật, cho nên được Di Đà và tất cả chư Phật Như Lai gia trì. Phật cũng phải được chư Phật gia trì, cho nên tướng của Phật đặc biệt tốt đẹp. Tôn giả A Nan ngày ngày ở ngay bên cạnh Phật, nhưng từ trước đến giờ chưa từng thấy qua. Điểm này khải thị cho chúng ta rất lớn. Nếu như chúng ta hy vọng chính mình có tướng hảo, thân thể tốt, ngay chỗ này cũng nói với chúng ta phải nên niệm Phật, niệm Phật tất nhiên có thể mãn nguyện.

A Nan không vì tư lợi, mà vì lợi ích tất cả chúng sanh thỉnh giáo với Phật, cho nên Phật nói với ông, lời ông vừa hỏi công đức rất thù thắng. Người thế gian chúng ta thỉnh pháp, cư sĩ, trưởng giả, đại đức ở ngay nơi đây diễn giảng Phật pháp lợi ích chúng sanh, công đức đó cũng giống như A Nan vừa hỏi. Đặc biệt là ở trong Thời kỳ Mạt Pháp có thể vì tất cả chúng sanh thỉnh pháp, lợi ích này thực tế mà nói là quá lớn. Nhất là ở thời đại hiện tại này và thời quá khứ không hề như nhau. Ngày trước khoa học kỹ thuật chưa phát triển, mời pháp sư giảng Kinh nói pháp chỉ có thính chúng ở hiện trường được lợi ích, thính chúng ngoài hiện trường thì không cách gì được lợi ích. Cho dù ngay trong thính chúng có số ít người phát tâm ghi chép lại những gì pháp sư đã nói ra, in thành sách để lưu thông ở đời, nhưng số lượng cũng vẫn rất có hạn, cho nên sức ảnh hưởng không thể nào mở rộng. Hiện tại khoa học kỹ thuật đại tiến bộ, ghi âm thu hình càng ngày càng thuận tiện. Hiện tại gần như mỗi một đạo tràng, mỗi một trường hợp đều có những thiết bị này. Máy móc càng ngày càng tiến bộ, giá cả càng ngày càng rẻ, càng ngày càng đại chúng hóa, cho nên chúng ta ở một nơi giảng Kinh thì toàn thế giới đều có cơ hội tiếp sóng nghe được. Hiện tại đường truyền internet còn có hình ảnh, âm thanh, văn tự, gần như đồng thời đều có thể xem thấy, cho nên công đức thỉnh Kinh so với quá khứ thật không biết là phải mở rộng đến bao lớn. Ở ngay chỗ này chúng ta có thể thể hội được, Phật nói pháp, mặt ảnh hưởng càng lớn, mức độ ảnh hưởng càng sâu, chúng sanh ảnh hưởng càng nhiều. Tất cả chúng sanh nhờ pháp môn này mà được độ, công đức của A Nan sẽ càng lớn, công đức của người thỉnh pháp này sẽ rất lớn. Việc này chúng ta phải nên biết, chúng ta phải nên học tập. Cho nên khi vừa hỏi, công đức chân thật như Thế Tôn đã nói, không thể nghĩ bàn. Phía trước Thế Tôn tán thán đối với ông hai chữ “Thiện tai”, câu hỏi này quá hay, thật là hợp với bổn hoài của Phật.

****************

Kinh văn: “A Nan! Như Lai dĩ vô tận đại bi căng ái tam giới, sở dĩ xuất hưng ư thế, quang xiển đạo giáo, dục chửng quần minh, huệ dĩ chân thật chi lợi”.

Chúng ta xem trước hai đoạn nhỏ này. Thế Tôn gọi tên của A Nan, đó là nhắc nhở ông chú ý, thực tế là nhắc nhở mọi người chúng ta chú ý, phía sau có lời rất quan trọng cần nói. Trước tiên nói ra “Như Lai” ứng hóa ở thế gian này với mục đích gì? Nói “Như Lai”, không nói Thế Tôn, ý nghĩa này rất rộng. Mười phương thế giới có rất nhiều chư Phật Như Lai, có rất nhiều Pháp Thân Đại Sĩ mỗi giờ mỗi phút ứng hóa ở thế gian này, đúng như trong “Phẩm Phổ Môn” đã nói là đáng dùng thân gì để độ, Phật Bồ Tát liền hiện ra thân đó để độ; chúng sanh có thể nghe được những pháp môn nào, Phật liền vì mọi người nói ra những pháp môn đó, ứng cơ nói pháp. Tại vì sao Phật phải đến thị hiện, tại vì sao phải đến nói pháp? Đạo lý này ở ngay chỗ này viên mãn tròn đầy, vì chúng ta nói ra. Như Lai dùng “vô tận đại bi thương xót ba cõi”, tám chữ này nói rõ Phật Bồ Tát tại vì sao ứng hóa ở thế gian này. Phàm phu đến thế gian này thì không cách nào, quả báo của nghiệp chiêu cảm, nghiệp đời quá khứ đã tạo cảm được quả báo, không thể không đến, đến thế gian này là chịu quả báo mà đến, đó là phàm phu. Chư Phật Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, các Ngài đã thoát khỏi sáu cõi luân hồi, có thể không cần trở lại, tại vì sao vẫn còn đến? Các Ngài đến thế gian này không phải chịu quả báo. Sau khi thoát khỏi sáu cõi, không còn tạo ra nghiệp luân hồi nữa, tại vì sao các Ngài phải đến? Là vì nguyện lực mà đến, nhà Phật thường nói thừa nguyện mà đến, thừa nguyện tái lai. Nguyện gì vậy? Các Ngài học Phật đã từng phát ra nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Nguyện đã phát ra rồi, hôm nay có trí tuệ, có năng lực, nếu các Ngài không quan tâm đến chúng sanh thì chỉ là nói suông, nói mà không làm, vậy thì làm sao được? Một người thiện quân tử thế gian đều giữ chữ tín, lời nói có chữ tín, thánh nhân xuất thế gian làm gì còn có thể vọng ngữ chứ? Quyết định không có vọng ngữ, quyết định giữ chữ tín, vĩnh viễn giữ chữ tín. Nguyện lực này chính là “vô tận đại bi”, tâm bi mẫn chúng sanh không có cùng tận.

“Căng ái”, căng là thương tiếc, ái là ai mẫn, chính là thương xót chúng sanh ba cõi. Ba cõi là nói Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, cũng chính là sáu đường. Nói ba cõi, sáu đường là một ý nghĩa. Những chúng sanh trong ba cõi, sáu đường rất khổ, không có cơ hội thoát khỏi ba cõi, thoát khỏi sáu nẻo luân hồi. Cơ hội này nhất định phải nhờ Phật xúc tiến cho họ. Vậy thì Phật vào lúc nào vì những chúng sanh này mà xúc tiến? Phải chờ thời tiết nhân duyên. Đúng như Phật pháp thường nói: “Phật không độ người vô duyên”, cho nên Phật phải đợi thời tiết nhân duyên. Cái gì gọi là thời tiết nhân duyên? Chính là trên “Kinh Di Đà” đã nói: “Thiện căn, phước đức, nhân duyên”. Cần phải đầy đủ điều kiện này thì Phật mới xuất thế. Ở trong đây, then chốt nhất chính là thiện căn, phước đức. Nếu như thiện căn, phước đức của chúng sanh chín muồi, Phật sẽ đến xúc tiến nhân duyên. Cho nên có thể thấy, trong ba điều kiện này, bản thân chúng ta phải có đủ hai điều, Phật đến giúp chúng ta một điều. Ba điều kiện này đều đầy đủ rồi, ngay đời này quyết định thoát khỏi. Thoát khỏi chính là ra khỏi sáu cõi luân hồi. Bạn chứng được quả vị như thế nào? Hoặc là chứng A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, thành Phật, quả vị cao thấp không như nhau. Sự việc này cũng giống như trên “Kinh Địa Tạng” đã nói với chúng ta, chúng sanh Diêm Phù Đề tu phước, quả báo mà họ chiêu cảm không như nhau. Trong đây có nguyên nhân gì vậy? Đại Sư Thiện Đạo nói với chúng ta rất hay: “Chỉ ở gặp duyên khác nhau”. Tóm lại mà nói, quả báo này của bạn có khác biệt đều ở gặp duyên không đồng. Duyên cũng không phải là ngẫu nhiên, “duyên kết đa sanh”, chính mình nhất định phải kết thiện duyên với mọi người. Nhà Phật nói rất hay: “Phật không độ người vô duyên”. Năm xưa, khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời đã làm chứng minh cho chúng ta, không có duyên với Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật đi tìm họ, họ thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thì lắc đầu liền bỏ đi, không thèm để ý đến Ngài, vì không có duyên. Phật có thần thông, lại biến một thân khác, Phật đi về bên kia, từ bên kia chặn đường anh ta, anh ta nhìn thấy liền xoay mình chạy đi mất. Phật liền hiện rất nhiều thân, vây quanh hết anh ta lại, anh ta làm thế nào vậy? Khóc òa lên, nằm trên đất mà khóc, vẫn là không thèm ngó đến. Việc này nói rõ, không có duyên với Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật không thể độ được anh ấy, anh ấy không tin, không thể tiếp nhận. Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Ngày nay chúng ta có thể có được cơ duyên ở ngay trong pháp hội này, mọi người cùng nhau học tập “Kinh Vô Lượng Thọ”, đây là nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp đã chín muồi, làm gì có chuyện ngẫu nhiên. Thế gian không có chuyện ngẫu nhiên, đích thực có câu là “một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định”, không có chuyện ngẫu nhiên. Cho nên, chư Phật Như Lai cũng phải xem khu vực này có duyên với mình hay không. Có duyên với vị Phật nào thì vị Phật đó liền đến thị hiện để giáo hóa. Không có duyên thì những vị Phật Bồ Tát này có thể cùng với vị Phật Đà thị hiện kết duyên với đại chúng, giúp đỡ Phật giáo hóa chúng sanh, đó chính là kết duyên với đại chúng. Có duyên thì họ dẫn đầu, không có duyên thì chúng tôi cùng theo phía sau, thảy đều là kết thiện duyên. Chỗ này chúng ta phải nên học tập.

Thiện căn, phước đức của chúng sanh đến lúc nào chín muồi? Chỉ cần có một ý niệm cầu giải thoát, thông thường chúng ta gọi là ghét bỏ thế gian, không còn có tâm ưa thích thế gian này nữa. Chỉ cần có ý niệm này sanh khởi, Phật Bồ Tát có duyên với bạn sẽ liền đến giúp cho bạn. Đây là nguyên do chư Phật Bồ Tát ứng hiện ở thế gian này. Các Ngài vì “vô tận đại bi, thương xót ba cõi”, các Ngài vì việc này “cho nên xuất hiện ở đời”, đến thế gian này hiện thân nói pháp. Hiện thân không phải hiện một loại thân, mà là vô lượng vô biên thân. Phật Bồ Tát có năng lực này để giúp cho chúng ta giác ngộ. Các Ngài có thể đồng thời đồng nơi hoặc là đồng thời khác nơi hoặc là đồng nơi khác thời, thị hiện của các Ngài rất tự tại, không hề có chút chướng ngại. Chỗ này trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói là “sự sự vô ngại”. Phật thị hiện thân tướng tự tại, Phật nói pháp tự tại, cho nên ở trong xã hội dùng rất nhiều thân phận khác nhau, các loại hình tướng khác nhau, làm cho sáu căn chúng ta tiếp xúc giác ngộ. Sau khi tiếp xúc có sự cảm động, có sự lĩnh ngộ, đều là Như Lai và Bồ Tát thị hiện. Các Ngài thị hiện ở thế gian làm những việc gì? Ba câu phía sau này là nói chung các Ngài đến thế gian này là để làm việc gì. Các Ngài đến đây là để “quang xiển đạo giáo, dục chửng quần minh, huệ dĩ chân thật chi lợi”. Ba câu này có thể nói ra hết sự nghiệp cả đời của Thích Ca Mâu Ni Phật.

“Quang” là quang đại. “Xiển” là xiển dương. Ý nghĩa trong chữ “đạo” rất nhiều. Trong Phật pháp nói, có thể phân làm năm loại lớn là Phật đạo, Bồ Tát đạo, Thanh Văn đạo, Duyên Giác đạo, Thiên đạo và Nhân đạo. Đây là chánh thuyết. Nếu như nói một cách chung chung, có thể nói là tất cả pháp môn. “Quần minh” là chúng sanh trong sáu cõi, đặc biệt là ở trong ba đường. Chúng sanh ở trong ba đường quá khổ. Tại vì sao trải qua đời sống khổ cực như vậy? Do vì mê mất đi chân tướng của vũ trụ nhân sanh, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều trái ngược với chân tướng sự thật. Đó chính là tạo nghiệp mà nhà Phật thường nói, đó là không tương ưng với chân tướng sự thật. Nghiệp mà họ tạo tác nhất định sẽ biến hiện ra quả báo.

Hiện tượng của sáu cõi là do nghiệp lực biến hiện ra. Nghiệp lực có thiện, ác. Thiện nghiệp biến hiện ra ba đường thiện, ác nghiệp biến hiện ra ba đường ác. Tiêu chuẩn của thiện-ác, tóm lại mà nói, chính là tự lợi và lợi tha. Nếu như ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta tạo tác ra chỉ vì tự lợi không màng đến lợi tha, thậm chí đến tổn hại người khác, chỉ cầu tự lợi, đó là ác nghiệp. Nếu như tự lợi đồng thời cũng có thể quan tâm đến lợi tha, đó là tiểu thiện. Nếu có thể xả mình vì người, chỉ cần xã hội đại chúng có được lợi ích, hy sinh chính mình cũng cam tâm tình nguyện, đó là đại thiện. Thiện nghiệp cảm phước báo trời người. Ác nghiệp cảm địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Sáu cõi là do vậy mà có. Những thứ đích thực là có, không phải không có. Có người hỏi địa ngục ở đâu vậy? Thiên đường ở nơi đâu vậy? Người hiện tại nói khoa học, nếu không đem ra được chứng cứ thì họ sẽ không tin tưởng. Nếu chúng ta hỏi bạn có cha mẹ, bạn có tin tưởng không? Tin tưởng, vì bạn thấy qua. Bạn có tổ phụ, bạn có tin tưởng hay không? Cũng tin tưởng, có lẽ bạn cũng thấy qua hoặc là cha mẹ bạn thấy qua. Ông cố ông sơ của bạn, bạn có tin tưởng không? Bạn có tin tưởng bạn còn có lão tổ tông mấy mươi đời, mấy trăm đời trước hay không? Không hề thấy qua. Không thấy qua thì không tin tưởng. Vào thế kỷ trước, có người ban đầu nói là địa cầu này đất là động, đất là tròn nhưng không có người tin tưởng, còn đem những người đã nói lời này đi treo cổ, xử tử hình, nói họ nói năng xằng bậy. Hiện tại hoàn toàn chứng minh rồi, người đó bị chết thật oan uổng. Địa ngục đích thực có người thấy qua, cũng có người đã đi qua. Họ đi qua rồi nói với bạn, bạn vẫn là không tin tưởng, bạn vẫn cho rằng là họ đang gạt bạn. Bạn nhất định phải chính mình đích thân thấy được mới tin tưởng, chính bạn không đích thân thấy được thì bạn không tin tưởng. Con người này thì khó độ!

Nếu như có một chút thường thức khoa học, có một chút đầu óc khoa học, họ có tư duy hợp lý, từ trên lý luận để xây dựng tín tâm. Như gần đây, khoa học gia nói ra tầng không gian khác nhau, khoa học gia gọi là ba độ không gian, bốn độ không gian năm độ không gian. Duy thứ không gian càng cao thì cảnh giới càng không thể nghĩ bàn. Thực tế mà nói, không gian địa ngục, ngạ quỷ, chư thiên không cùng ở trên không gian duy thứ với chúng ta, quyết định không phải là ở trên không gian ba độ, cho nên chúng ta không thể nhìn thấy. Những năm gần đây, có không ít truyền thuyết nói có người ngoài hành tinh đến địa cầu của chúng ta. Những người này có được xem là người cõi trời không? Không thể! Họ vẫn là cõi người. Vì sao vậy? Những người ngoài hành tinh này đến địa cầu chúng ta vẫn còn phải nhờ vào công cụ phi hành của họ. Nếu như là thiên nhân thì không cần, quỷ thần cũng không cần. Chúng ta không hề nghe nói khi thiên nhân hay quỷ thần đến nơi đây là nhờ vào phi cơ, nhờ vào phi thuyền. Cho nên phàm hễ chế tạo những máy móc công cụ phi hành, không luận tốc độ của nó nhanh bao nhiêu, họ có thể vượt qua tốc độ ánh sáng, bay đến địa cầu này, họ vẫn là con người, vẫn là thuộc về cõi người. Đã là cõi người, khoa học phát triển đến như vậy, họ không biết Phật pháp, họ không biết được niệm Phật, những người đó vẫn là có sanh-lão-bệnh-tử, vẫn là không thể giải quyết được vấn đề. Chư Phật Bồ Tát, những bậc thánh hiền nhân này có năng lực siêu việt không gian duy thứ, các Ngài có thể tự do tự tại bước vào bốn độ không gian, năm độ không gian, thậm chí đến không gian vô hạn độ. Các Ngài tự tại bước vào, các Ngài liền có thể rộng độ chúng sanh. Theo cách nói này, khoa học nghe được, tuy là không thể hoàn toàn tin tưởng, nhưng trên lý luận mà nói là có thể. Ngày nay khoa học tuy là đang tiến bộ, tuy là không ngừng đang phát triển, mong cầu tìm được một phương pháp có thể đột phá nhưng hiện tại vẫn chưa tìm ra. Nếu như tìm được thì tốt quá, thì là có thể chứng minh, chí ít có thể chứng minh được sáu cõi luân hồi, sẽ rõ ràng.

Phật pháp dùng phương pháp gì để đột phá? Sự việc này chỉ có Phật biết. Không gian duy thứ làm thế nào để hình thành? Có phải là vốn dĩ đã có? Phật nói với chúng ta vốn dĩ không có. Nguyên bổn Phật nói, pháp giới chỉ là nhất chân, làm gì có nhiều thời không cách biệt lớn đến như vậy. Thế nhưng ngày nay nó là sự thật đang tồn tại. Sự thật này đang tồn tại, Phật nói với chúng ta, là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của những chúng sanh này chúng ta biến hiện ra. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh là vô lượng vô biên, cho nên không gian duy thứ sẽ có vô lượng vô biên. Ở trên Kinh Phật nói với chúng ta mười pháp giới, đó chính là mười không gian duy thứ khác nhau. Giống như chúng ta xem kênh đài của truyền hình vậy, mười kênh đài khác nhau, kỳ thật kênh đài là vô lượng vô biên. Mười là đại biểu cho vô tận, đại biểu vô lượng vô biên, không phải là số thứ tự thật. Mười cái trong đó mỗi cái lại có mười cái, lại biến thành 100 cái; trong 100 cái, mỗi cái lại có mười cái, mười mười vô tận, là lấy cái ý này, đại biểu vô tận, đó mới là chân tướng sự thật. Làm thế nào đột phá? Đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta buông bỏ thì đột phá, thế là chín pháp giới tất cả hàm linh bạn thảy đều thấy hết, tận hư không khắp pháp giới bạn cũng thảy đều tiếp xúc được. Sinh mạng của mỗi một chúng sanh đều là vĩnh hằng. Sinh mạng không phải là mấy mươi năm, mà có đời quá khứ, có đời vị lai, quá khứ vô cùng, vị lai vô tận. Trong vô thỉ vô chung, chúng ta quan hệ với tất cả chúng sanh thật là quá mật thiết. Bạn nói chúng ta với tất cả mọi người, với tất cả chúng sanh không có quan hệ thì nói không thông. Trong quan hệ có sâu, cạn, dày, mỏng khác nhau. Quyết định là có quan hệ, cũng chính là nói rõ quyết định có duyên phận. Duyên thì có dày mỏng khác nhau. Duyên chín muồi rồi, họ xem thấy bạn thì sanh tâm hoan hỉ, họ tin tưởng bạn đã nói, lý giải bạn đã nói, cũng chịu y theo phương pháp bạn dạy cho họ mà học tập, đây gọi là duyên chín muồi. Duyên chín muồi, Phật Bồ Tát nhất định đến giúp đỡ họ, nên gọi là “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”. Bạn mới biết được Phật Bồ Tát từ bi đến tột đỉnh. Cha mẹ đối với con cái có lúc còn chăm sóc không chu đáo, nhưng Phật Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh đều là chăm sóc chu đáo. Các Ngài đến vì tất cả chúng sanh giảng Kinh nói pháp, giúp cho chúng sanh giải thoát, thỏa nguyện vọng của bạn.

“Huệ dĩ chân thật chi lợi”. Chân thật chi lợi, câu nói này cũng là sâu rộng vô hạn. Trong Kinh văn có hai chữ “chân thật”, hai chữ này biểu thị nhất định tương ưng với chân như thật tánh, lợi ích này mới là chân thật. Nếu như không thể tương ưng với chân như tự tánh thì lợi ích này không phải chân thật, hay nói cách khác, cũng không viên mãn. Thí dụ bạn chịu khổ ở đường ác, Phật Bồ Tát giúp bạn thoát khỏi đường ác, sanh đến nhân thiên, vậy là có lợi ích rồi, nhưng lợi ích này không chân thật. Tại vì sao vậy? Con người chết rồi vẫn phải luân hồi, vẫn phải đọa lạc, cho nên lợi ích này không phải là chân thật. Nhân gian gặp được Phật pháp, gặp được Đại Thừa, bạn có thể y giáo phụng hành, thoát khỏi ba cõi sáu đường, chứng quả A La Hán, chứng quả Bích Chi Phật, chứng quả Bồ Tát, có phải là chân thật hay không? Vẫn không phải là chân thật, đó là lợi ích rất lớn nhưng không thể xem là lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật phải tương ưng với tự tánh, hay nói cách khác, nhất định phải giúp đỡ bạn “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, cái lợi ích này mới xem là chân thật. Cho nên trong câu nói này lại thêm vào hai chữ “chân thật”, quyết định là Đại Thừa, quyết định giúp đỡ bạn đoạn kiến tư phiền não, đoạn trần sa phiền não, lại phá vô minh phiền não, lợi ích này là lợi ích chân thật.

Người Trung Quốc may mắn, hai ngàn năm trước Phật pháp từ Ấn Độ truyền đến Trung Quốc, Trung Quốc tiếp nhận được là Phật pháp Đại Thừa, hay nói cách khác, là lợi ích chân thật. Trung Quốc không tiếp nhận Tiểu Thừa. Lợi ích chân thật của Phật pháp Đại Thừa, trình độ chân thật cũng không như nhau. Việc này chúng ta cần phải nên biết. Bồ Tát có bốn mươi mốt giai đoạn, phía trước Thập Tín không nói. Vì sao vậy? Thập Tín không phải chân thật, vì chưa phá vô minh. Thập Tín Vị, Viên Giáo Thập Tín Vị có thể nói là đại lợi ích, nhưng không phải là lợi ích chân thật. Từ Sơ Trụ trở lên mới là lợi ích chân thật. Từ Sơ Trụ đến Đẳng Giác bốn mươi mốt ngôi thứ, chân thật có lớn nhỏ không như nhau. Chân thật cứu cánh viên mãn là Viên Giáo Phật quả, đó mới gọi là chân thật cứu cánh viên mãn. Cho nên ngay chỗ này có bốn chữ “chân thật chi lợi”, theo nghĩa rộng mà nói là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, theo nghĩa hẹp mà nói chính là Viên Giáo Phật quả, đây mới là lợi ích chân thật. Thích Ca Mâu Ni Phật có cho chúng ta hay không? Cho chúng ta! Chúng ta có tiếp nhận hay không? Có y giáo phụng hành hay không? Đây là việc của chính mình. Thích Ca Mâu Ni Phật đem lợi ích chân thật cứu cánh viên mãn, dâng hai tay tặng cho chúng ta. Nếu bạn muốn nói: “Tôi chưa tiếp nhận được, đưa cho tôi hồi lúc nào mà tôi không biết?”. Đưa cho bạn rồi mà bạn còn không biết, thì bạn làm sao có được thọ dụng?

Lợi ích chân thật này là gì? Chính là một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”. Một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này là dạy bạn ngay trong một đời này thành Phật quả cứu cánh viên mãn. Không giống như pháp Đại Thừa, pháp Đại Thừa không làm được. Ngày nay, bổn Kinh này của chúng ta, theo tôi tính một cách quyết đoán, số lượng hiện tại lưu thông cũng vượt qua con số mười triệu quyển. Đây là tính chung một cách quyết đoán. Bạn có được bổn Kinh này rồi chính là Thế Tôn đem lợi ích chân thật này tặng cho bạn, cúng dường bạn. Phía trước nói qua với các vị, các vị đem Kinh này từ đầu đến cuối đọc qua một lần chính là mười phương tất cả chư Phật Như Lai quán đảnh cho các vị một lần. Mỗi ngày đọc qua một biến thì mỗi ngày nhận chư Phật quán đảnh một lần, bạn nói xem, bạn có bao nhiêu phước báo? Tôi nói như vậy, bạn nghe rồi cũng không tin tưởng, Phật quán đảnh cho tôi sao tôi không hề có cảm giác? Không sai! Bạn không có cảm giác được, Phật quán đảnh cho bạn nhưng bạn không có tiếp nhận. Phải làm thế nào mới có thể tiếp nhận? Bạn phải có tín tâm, bạn phải có nguyện tâm, bạn phải có thể lý giải. Tín-giải-hành-chứng, chứng chính là tiếp nhận, chính là cảm nhận được, cảm nhận được từ bi của chư Phật Bồ Tát, cảm nhận được thương yêu của chư Phật Bồ Tát đối với chính mình, gia trì đối với chính mình, bạn liền có thể thể hội lợi ích chân thật. Cho nên lợi ích chân thật chỗ này, chúng ta tổng quy kết lại chính là bổn Kinh Di Đà đã nói đại nguyện độ sanh. Đại Sư Thiện Đạo nói rất hay: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải”, đó chính là huệ dĩ chân thật chi lợi. Đây mới là Như Lai ở trên quả địa thực hiện đại nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” của Ngài, câu nói này Ngài không nói suông.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 55)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 200


Hôm nayHôm nay : 35820

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 515249

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 56576948

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.