Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh
Tập 346
Cho nên bản thân phải tu hành, tu là sửa lại cho đúng, hành là hành vi. Tư tưởng của chúng ta là hành vi của ý, ngôn ngữ của chúng ta là hành vi của khẩu, tạo tác của chúng ta là hành vi của thân. Nếu hành vi thân khẩu ý ba nghiệp của chúng ta không tương ưng với trong kinh đã nói thì bạn phải thừa nhận mình sai rồi, không phải kinh giáo sai. Hiện tại có rất nhiều người suy nghĩ rất lạ lùng, tôi đúng còn kinh đã sai rồi, Phật giảng kinh vào 3000 năm trước, 3000 năm trước so với bây giờ thì không giống nữa, Ngài đã sai rồi, tôi hiện tại không sai, vậy thì phiền phức to. Lời Phật Bồ-tát đã nói thì vĩnh viễn là chính xác. Vì sao vậy? Vì lời của các Ngài là từ tâm tánh lưu xuất ra, những ngôn ngữ văn tự được lưu xuất ra từ trong tâm tánh thì siêu vượt thời gian, siêu vượt không gian, không bị giới hạn bởi không gian thời gian, cho nên được gọi là “kinh”. Không giống như văn chương người thế gian hiện tại đang viết, những báo chí tạp chí văn chương đó chỉ cần xem một lần là có thể bỏ vào thùng rác rồi, không cần phải xem thêm lần thứ hai nữa. Kinh thì không như vậy, kinh thì phải vĩnh hằng bất biến. Kinh là tự tánh chúng ta lưu lộ ra, vì tự tánh của chúng ta hiện tại đã mê rồi, mê mà không giác, nên hiện tại phải nhờ vào chư Phật Như Lai, những điều lưu lộ ra từ tự tánh của các Ngài sẽ dẫn phát tự tánh của chúng ta. Trí huệ đức tướng ở trong tự tánh của chúng ta không khác gì với chư Phật Như Lai, chúng ta nhờ các Ngài dẫn phát ra. Đây là đúng, cho nên đối với các Ngài phải có lòng tin, không thể có một chút hoài nghi. Nếu có nghi ngờ thì không nên suy nghĩ nữa, không nên phân biệt, không nên đi nghiên cứu, càng nghiên cứu thì càng sai, phải hiểu đạo lý này. Vì sao càng nghiên cứu lại càng sai? Phật giảng kinh là từ lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước ở trong tâm mà nói ra, chúng ta nay lại dùng tâm vọng tưởng phân biệt chấp trước để học thì bạn làm sao có thể lý giải được chứ? Phương pháp không như nhau, vậy phải làm sao mới có thể chân thật hiểu được nghĩa kinh? Chúng ta cũng phải lìa khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn sẽ thật sự hiểu được. Chúng ta lìa một phần thì hiểu được một phần, lìa hai phần thì hiểu được hai phần. Bạn xem Mã Minh Bồ-tát trong Khởi Tín Luận đã chỉ dạy chúng ta tâm thái học tập là “lìa tướng ngôn thuyết”. Dạy chúng ta nghe kinh phải lìa tướng ngôn thuyết, xem kinh thì lìa tướng văn tự, “lìa tướng danh tự”, không nên chấp trước danh từ thuật ngữ. Dạy chúng ta “lìa tướng tâm duyên”, tướng tâm duyên là chúng ta tuyệt đối không nên suy nghĩ về nó, bạn càng nghĩ thì càng sai, bởi vì tâm đó của bạn là tâm phân biệt tâm chấp trước, bạn sẽ nghĩ sai lệch đi ý nghĩa kinh điển. Cái gì cũng không nghĩ, bạn cứ lão thật niệm Phật thì sẽ khai ngộ, hoát nhiên đại ngộ, minh bạch, điều này là thật, vậy thì khế nhập rồi. Tâm càng thanh tịnh thì bạn ngộ được càng sâu, phương diện ngộ được càng rộng, ngày ngày đều có chỗ ngộ, nên sẽ vô cùng vui sướng. Niềm vui này không có niềm vui nào ở thế gian có thể bì được, chân thật là có niềm vui sướng. Người xưa thì cầu “niềm vui Khổng Nhan” (Khổng Tử và Nhan Hồi), niềm vui của Như Lai và Pháp Thân Bồ-tát so với Khổng Tử và Nhan Hồi thì cao thâm hơn nhiều. Niềm vui của Khổng Nhan vẫn không phải xuất ra từ tự tánh, Khổng Tử Nhan Hồi khế nhập không sâu, Phật Bồ-tát khế nhập sâu. Phải nên hiểu đạo lý này, sau đó thì bạn mới sanh lòng tin. Đây là cầu giải, “giải” thì không thể nào dùng vọng tưởng, phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên.
“Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, người xưa nói “đọc sách nghìn lần nghĩa kia tự hiểu”, việc này có đạo lý. Đọc hàng nghìn lần trở đi thì tâm sẽ định, dùng phương pháp đọc kinh để tu định, tu thiền định, định có thể khai huệ. Sau khi đọc cả nghìn lần thì cái huệ của định này sẽ phát ra, huệ phát ra rồi thì ý nghĩa của kinh hết thảy đều rõ ràng, “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Cho nên “nhất hướng” vô cùng quan trọng. Đầu tiên phải lập chí, trong đời này, ta có một mục tiêu, có một phương hướng. Mục tiêu là cầu Tịnh Độ. Tịnh Độ từ đâu mà có? Là từ tâm thanh tịnh mà biến hiện ra, cho nên cầu Tịnh Độ chính là cầu tâm thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, phải hiểu đạo lý này. Tâm bạn không thanh tịnh mà cầu vãng sanh Tịnh Độ sẽ cầu không được vì đó là sai. Vì vậy kinh luận không thể không đọc nhiều, bạn mới hiểu được đạo lý này, nắm được cương lĩnh nguyên tắc trọng yếu. Cho đến khi tự mình dần dần khế nhập, trí huệ khai rồi, thâm nhập được một phần thì bạn có thể giảng được một phần, thâm nhập được hai phần thì bạn có thể giảng được hai phần. Có nên đi ra ngoài giảng hay không? Nên! Có người nói: “Tôi tự mình học vẫn chưa học thành công, sao có thể đi ra ngoài giảng được?” Đợi cho đến khi bạn học thành công thì thế giới này đã tận thế luôn rồi, sẽ không kịp. Cho nên hiện tại chúng ta hiểu một câu thì giảng nói một câu, không giảng sai, hiểu hai câu thì giảng hai câu. Đây là bi nguyện của Di Đà, 48 nguyện, nguyện nguyện đều là vì lợi ích chúng sanh. Bản thân chúng ta muốn đến Thế Giới Cực Lạc, cũng muốn đưa thêm vài người nữa cùng đi, càng nhiều càng tốt, tự hành hóa tha.
Việc giảng kinh sẽ khai trí huệ, bạn không giảng thì không khai trí huệ, bị che mất, bạn giảng càng nhiều thì trí huệ của bạn càng mở rộng, mở càng lớn hơn. Thường là người học giảng kinh thì đều có kinh nghiệm này, mở quyển kinh ra mỗi câu mỗi chữ đều vô lượng nghĩa. Ở đây tôi còn có một bí quyết, tôi không giữ riêng mà cống hiến cho các vị, giảng kinh có cần chuẩn bị trước hay không? Cần chuẩn bị, vì sao phải chuẩn bị? Vì cung kính, cung kính đối với Phật, cung kính đối với người nghe nên phải chuẩn bị. Lên đài rồi, những thứ bạn chuẩn bị đó có tác dụng nữa hay không? Xin nói với các vị là không có, vì sao không có tác dụng? Thì cũng như bác sĩ khám bệnh vậy, trước khi chuẩn bị thì nghiên cứu những toa thuốc, vẫn chưa đi khám bệnh, trước tiên đem đơn thuốc ra viết xong rồi mới cầm toa đi khám bệnh. Không trị được bệnh lại trách bạn không bệnh giống như toa thuốc của tôi, làm gì có đạo lý như vậy? Cho nên chuẩn bị thì phải chuẩn bị, khi lên đài giảng thì có thể không dùng hết hoàn toàn. Lên đài là gì? Lên đài giảng là chẩn đoán bệnh mà kê toa, việc này bạn không có cách nào chuẩn bị được. Lên bục giảng, bạn nhìn những vị thính chúng bên dưới, nhìn đôi mắt của họ, xem thần sắc của họ, xem thái độ của họ thì sẽ biết được họ có những vấn đề gì, vậy thì ta làm sao để giúp đỡ họ, việc này là linh hoạt chứ không khô cứng. Không thể không chuẩn bị, nhưng việc chuẩn bị đó chưa chắc sẽ dùng đến, nhất định nên biết việc này. Thông thường chúng ta chuẩn bị, chúng ta đọc sách là để tăng thêm tri thức cho chính mình, về mặt tri thức thì càng rộng càng sâu càng tốt, đến lúc giảng thì bạn ứng phó mới có thể linh hoạt. Bạn đọc sách ít thì sự ứng phó của bạn sẽ gặp khó khăn. Cho nên việc học này không phải vì mình mà là vì đại chúng, học rộng nghe nhiều là vì người khác, còn đối với chính mình thì một môn thâm nhập.
Vậy một môn thâm nhập và học rộng nghe nhiều có sự xung đột hay không? Nói các vị biết nó không có xung đột, bạn nhất định phải biết việc này. Nhưng khi mới bắt đầu học, người xưa đã định ra là 5 năm, trong 5 năm đầu không thể học rộng nghe nhiều, nhất định phải là một môn thâm nhập, sau 5 năm đó thì mới học rộng nghe nhiều. Như vậy nền tảng của bạn mới được xây dựng tốt, không thể ít hơn 5 năm được. Người hiện tại thì họ không cần, vừa mới bắt đầu học thì đã học rộng nghe nhiều rồi, cho nên bản thân không có nền tảng, những gì đã học đều là những thứ bề ngoài, là thường thức, không thể sanh trí huệ, không những không sanh trí huệ mà còn chướng ngại che kín trí huệ. Đây là do không có ai chỉ dạy cho họ, không phải là người khéo học. Người khéo học thì nhất định phải trồng cho tốt căn bản Giới Định Huệ tam học, trong Phật pháp thì gọi là “Căn Bản Trí”, học rộng nghe nhiều là “Hậu Đắc Trí”. Học tập là có thứ lớp, sau 5 năm thì việc một môn thâm nhập và học rộng nghe nhiều này của bạn có thể xem trọng như nhau. Một môn thâm nhập là tăng trưởng Giới Định Huệ của mình, học rộng nghe nhiều là ứng phó ở nơi quần chúng.
Hiện tại thì cơ hội của việc tu học càng ngày càng khó khăn, càng ngày càng khó được, may mà hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển nên đã giúp đỡ được, vấn đề chính là bạn phải biết lợi dụng nó. Cư sĩ Thái Lễ Húc học Phật, thời gian tiếp xúc với tôi rất ít, cậu nói đã từng đến nơi giảng để nghe tôi giảng kinh, nơi giảng có rất nhiều người, tôi không nhận ra cậu, cậu cũng không đến tìm tôi. Phần lớn thời gian cậu học trên máy truyền hình, truyền hình Hoa Tạng của chúng ta đã phát sóng được 3 năm rồi, trên mạng Internet hình như cũng được 7 năm rồi, cậu học ở trên mạng và trên truyền hình. Từ đó cho thấy việc học tập không nhất định phải đến giảng đường, việc giáo dục từ xa sinh ra hiệu quả rất lớn. Ngược lại những người thường ở bên cạnh tôi thì lại chưa học được gì, việc này cũng khó trách, người ở bên cạnh thì cho rằng cơ hội rất nhiều, hôm nay chưa học được thì vẫn còn ngày mai, ngày mai vẫn còn ngày mốt, năm nay chưa được thì còn năm sau, mãi cho đến khi già chết thì đành thôi vậy, đành phải chờ đến đời sau, đời này hết rồi thì đời sau vậy, nên rất là khó. Người không ở bên cạnh thì sẽ cảm thấy cơ duyên rất là hiếm có, tâm tình học tập sẽ không như nhau, vì vậy những người không theo bên cạnh tôi thì luôn luôn học tốt hơn, học tập thật sự có được thành tựu, đối với những người giảng kinh như chúng tôi đó là sự động viên rất tốt. Tại giảng đường không có ai học, sau khi chúng tôi phát trên mạng Internet thì có rất nhiều người đang chăm chú học tập, việc này đã cho chúng tôi sự khích lệ rất lớn. Chúng tôi cũng cảm thấy thật sự là có người đang làm, nên chúng tôi vẫn phải toàn tâm toàn lực trợ giúp họ. Ở Cư Sĩ Lâm đã xây dựng giảng đường nghe nhìn quy mô lớn, thông thường nơi tôi giảng kinh là một phòng thu hình nhỏ, trong phòng thu hình đó chỉ có mỗi một mình tôi, đối diện với tôi là máy quay phim, vì vậy tôi thường nói, tôi giảng kinh không có thính chúng, tôi dạy học không có học trò, toàn bộ đều ở trên mạng trên truyền hình. Hoàn cảnh này vô cùng thanh tịnh, tôi đã quen với kiểu cuộc sống như vậy rồi, cuộc sống như vậy của tôi đã được mười mấy hai mươi năm rồi, cho nên chúng tôi lưu giữ số lượng băng ghi hình cũng tương đối nhiều. Truyền hình vệ tinh của chúng ta 24 giờ đều không ngừng phát sóng, đã phát sóng được 3 năm rồi, đây là một sự việc không hề dễ dàng. Hiện tại tôi đem 40 giờ giảng này của cư sĩ Thái Lễ Húc, và cả 8 giờ giảng Đệ Tử Quy sau khi làm phụ đề thuyết minh sẽ phát sóng trên truyền hình. Hiện tại chúng tôi rất hy vọng Liên Hiệp Quốc hợp tác với chúng tôi, việc hợp tác này nhanh nhất cũng là một năm, chúng tôi sẽ dành cho họ mười giờ phát sóng mỗi ngày. Hiện tại họ không có cái gì để phát sóng, cho nên phải tìm cho được vị thầy tốt, trước tiên thu hình ở trong phòng thu, thu hình xong còn phải thông qua sự thẩm tra, sau đó mới có thể phát sóng.
Việc dạy học của chúng ta có phương hướng mục tiêu, đó là hóa giải xung đột, thúc đẩy xã hội an định, thế giới hòa bình. Dùng phương pháp gì vậy? Chính là hai bộ kinh Đệ Tử Quy và Thập Thiện Nghiệp Đạo mà tôi đã nói. Đích thực có thể làm được, không cần nói trên trời dưới biển, những thứ như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh của nhà Nho không có tác dụng, nói đến hoa trời rơi rụng thì cũng không thực tế. Đại kinh đại luận chúng tôi đã giảng 54 năm rồi, đối với sự hóa giải xung đột, đối với an định hòa bình có giúp ích được gì không? Không có ích gì, nguyên nhân là vì sao? Vì quá cao, thứ xã hội hiện tại cần đến là giáo dục cuộc sống, đó là nền tảng. Cho nên dạy học thì cũng như vậy, nhất định phải dạy từ khi còn mẫu giáo. Những kinh luận chúng tôi giảng đều là khóa trình Đại Học, đối với các học trò mẫu giáo mà nói thì không có tác dụng gì, không thu được hiệu quả. Phật pháp phải khế cơ khế lý thì mới có thể được thọ dụng, những đại kinh này chỉ khế cơ một số ít người, còn khế hợp căn cơ phổ biến trong xã hội thì nhất định phải là Đệ Tử Quy và Thập Thiện Nghiệp Đạo, việc này chúng ta không thể không biết. Cho nên phải xác định phương hướng của bản thân chúng ta, cũng phải nên biết phương hướng mà chư Phật Như Lai giáo hóa chúng sanh, chúng ta làm sao phối hợp, giúp đỡ chư Phật Như Lai giáo hóa chúng sanh. Tận tâm tận lực chính là công đức viên mãn, đây gọi là nhất tâm chuyên niệm.
Câu “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật” trong là câu nói quan trọng nhất trong tam bối vãng sanh, đây là tổng cương lĩnh tu học của toàn kinh, chúng ta nhất định phải tuân thủ. Việc niệm Phật rất phổ biến, hiện tại ở Trung Quốc niệm Phật Đường cũng vô cùng phổ biến. Bên đó có một đồng học gọi điện thoại cho tôi, hình như là vào tuần trước, nói với tôi đại khái là cục tôn giáo có một văn kiện gửi đến tận nơi, khẳng định niệm Phật là chánh pháp, các nơi xây dựng Niệm Phật Đường mà được chính quyền địa phương cho phép thì được rồi, không cần báo lên cấp trên. Đây là tin tốt. Mấy năm gần đây đồng tu niệm Phật tu Tịnh Độ nhất định là đã biểu hiện rất tốt nên nhà nước rốt cuộc đã khẳng định với bạn đây là một việc rất tốt. Hy vọng về sau có thể biểu hiện tốt hơn nữa, tôi tin rằng nhà nước sẽ hộ pháp, sẽ hộ trì.
Trong sử sách có ghi chép, tại Trung Quốc từ thời nhà Hán đến thời Nam Tống tổng cộng có 12 lần phiên dịch Kinh Vô Lượng Thọ. Bộ kinh này có 12 loại bản dịch khác nhau, nhưng thời xưa không có kỹ thuật in ấn, sách đều là ghi chép lại, số lượng không nhiều, đặc biệt là gặp phải chiến loạn, cho nên những quyển này bị thất lạc tìm không thấy nữa. Trong mục lục thì có nhưng tìm không thấy sách. Hiện tại trong bộ Đại Tạng Kinh đang lưu trữ 5 loại bản dịch, nên sự hội tập này rất cần thiết, nhằm tiện lợi cho người đời sau tu học. Chúng ta xem thấy 5 loại sách thì rất phiền phức, cũng không dễ gì tìm được. Bản hội tập đầu tiên là của Vương Long Thư người thời Tống, bản hội tập của ông được gọi là “Đại A Di Đà Kinh”, quyển này còn lưu giữ trong Đại Tạng Kinh. Cư sĩ Vương là học giả cũng là một nhà Phật Học, cả đời của ông chỉ thấy được có 4 loại bản dịch, hiện tại thì lưu hành tới 5 loại. Một hội ở trong Kinh Đại Bảo Tích thì cư sĩ Vương Long Thư chưa nhìn thấy, vì vậy mà bản hội tập này không được viên mãn. Đến những năm Hàm Phong thời nhà Thanh thì cư sĩ Ngụy Mạc Thâm đã làm bản hội tập thứ hai, bản hội tập này thì đều có 5 loại bản dịch, đương nhiên là hay hơn quyển của cư sĩ Vương Long Thư, nhưng vẫn còn có những chỗ khiếm khuyết y như cũ, đó là lựa chọn lấy bỏ chưa thỏa đáng, vả lại bên trong cũng có một số văn tự mà cư sĩ Ngụy đã sửa đổi lại. Đây là việc mà tổ sư Đại đức phản đối nhiều nhất, nếu tùy ý sửa đổi kinh thì mỗi một người trong tương lai đều muốn sửa đổi, kinh điển lưu truyền đến đời sau thì sẽ hoàn toàn khác hẳn, cho nên tuyệt đối không thể có cái tiền lệ này. Cho dù cảm thấy văn tự trên kinh điển không thỏa đáng thì bạn có thể ghi chú ở bên cạnh, chữ này có lẽ có cách nói như thế nào đó, để cho người khác tham khảo, không được sửa đổi kinh văn. Việc này đến Ấn Quang Đại sư cũng phê bình, cho nên lần sau cùng vào những năm đầu Dân Quốc cư sĩ Hạ Liên Cư đã hội tập lần thứ ba. Bản hội tập này vô cùng hoàn mỹ, chúng ta hãy đem 3 loại bản hội tập ra đối chiếu xem thử thì các vị sẽ hiểu, thế nên chúng ta tuân thủ bản hội tập này. Quyển sách này lão sư Lý đã giao lại cho tôi, tôi vì muốn đại chúng tin tưởng nên đã đem 5 loại bản dịch và 3 loại bản hội tập hợp lại thành một quyển gọi là “Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn”, để cho mọi người có thể đọc được các bản dịch gốc và 3 loại bản hội tập. Sau đó, bạn thích bản hội tập nào thì bạn chọn quyển đó, y giáo phụng hành thì hết thảy đều thành tựu. Không nên phê bình quyển này có khuyết điểm quyển kia có vấn đề, bạn vừa phê bình thì tâm của bạn liền không thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, vì vậy phê bình thì không thể vãng sanh, đây là điều phải nên biết. Phải biết chúng sanh căn tánh không như nhau, sở thích đều không giống nhau, ta thích loại bản này họ thì thích loại bản kia, đều tốt, đều đáng được tán thán, không nên ép bạn nhất định phải học quyển này của tôi, không thể được. Nếu thật sự gò ép miễn cưỡng thì việc gì cả đời Thích-ca Mâu-ni Phật lại thuyết nhiều kinh đến như vậy? Thuyết nhiều kinh như vậy chính là ứng phó với các căn tánh không như nhau, đây là sự đại từ đại bi của Phật ứng cơ thuyết pháp. Chúng ta phải hiểu được những ý nghĩa này, sau đó thì bạn mới có thể tùy thuận chúng sanh.
Tôi qua lại với rất nhiều tôn giáo, đây đều là những tín đồ rất thuần thành, tôi hỏi mọi người có thừa nhận việc trong vũ trụ chỉ có một vị chân thần hay không? Họ đều thừa nhận trong vũ trụ này chỉ có một vị chân thần. Vị chân thần đó là vị chân thần tôn giáo của chúng ta, vị chân thần này là đấng sáng tạo ra vũ trụ, việc này thì mọi người đều thừa nhận. Tôi nói vậy được, các vị nói đấng sáng tạo, ví dụ như Ki-tô Giáo thì họ gọi đó là Thượng Đế, Kinh Koran của Hồi giáo thì gọi đó là thánh Allah của họ, Allah chính là Thượng Đế. Người Trung Quốc thì nói là Bàn Cổ khai thiên địa. Tôi hỏi vậy rốt cuộc là một người hay là hai người, hay là các Ngài đã cùng nhau hợp tác để sáng tạo ra? Bởi vì trong vũ trụ chỉ có một vị, vậy rốt cuộc là vị nào đây? Vấn đề này sau khi nêu ra thì mọi người đều chăm chú suy nghĩ, tôi liền nói với mọi người, chẳng sai, đúng là chỉ có một chân thần, một đấng sáng tạo mà thôi, nhưng vị chân thần này đối với những quần tộc khác nhau, vì ngày trước giao thông không thuận tiện, thông tin không phát triển, vị chân thần này có thể biến hóa có thể phân thân, các vị có tin hay không? Tin, tôi nói các vị tin thì tốt rồi. Vị chân thần này ở Ki-tô giáo thì biến thành Chúa Giê-Su, ở Phật Giáo thì biến thành Phật Thích- ca Mâu-ni, ở trong Hồi Giáo thì biến thành Mô-ha-mét, chỉ là một vị. Nếu bạn phê bình vị nào đó thì bạn đã phê bình vị chân thần rồi. Việc này công bằng, cho nên chúng ta phải cùng nhau xây dựng một tín ngưỡng chung, đều là người một nhà. Tuy không cùng tôn giáo nhưng chúng ta cùng một tổ tiên, cùng một vị chân thần. Cho nên tôi nói mối quan hệ của chúng ta nếu không phải anh em bên nội thì cũng là anh em bên ngoại, vẫn là người một nhà, tôn giáo trên toàn thế giới đều là người một nhà. Họ đều có thể tán đồng cách nói này của tôi. Tôi đã đi qua rất nhiều quốc gia khu vực, đã tiếp xúc với các nhân sĩ tôn giáo, chưa có ai phản đối cả, việc này là nằm ngoài dự tính của tôi, tôi nghĩ có lẽ sẽ có người phản đối, nhưng chưa gặp phải sự phản đối nào, họ đều có thể thừa nhận. Ở Nhật Bản, lão Hòa thượng Nakamura năm nay đã 101 tuổi, năm ngoái ông 100 tuổi, năm ngoái tôi gặp mặt ông. Lần đầu tiên gặp mặt ông tôi đã bàn đến vấn đề này, thật hiếm có, lão Hòa thượng nói, người sáng tạo ra tất cả tôn giáo trên toàn thế giới đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ-tát. Quan Thế Âm Bồ-tát có 32 ứng thân, đáng dùng thân gì để được độ thì dùng thân đó để độ, hết thảy đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ-tát. Những đồ đệ của ông nói với tôi: “Lão Hòa thượng cả đời chưa từng nói qua những lời này, hôm nay lại nói những lời này với Ngài chúng con cảm thấy rất là kinh ngạc.” Cho nên cách nghĩ cách nhìn của chúng tôi là tương đồng, cả vũ trụ là cùng một thể, giữa con người với nhau, giữa con người với chúng sanh, trong Đại Thừa giáo nói là đều chung một pháp thân, “nhất tâm nhất trí huệ” mà trong kinh thường hay nói. Bạn hiểu được chân tướng sự thật thì “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” tự nhiên sẽ liền lưu lộ, tự nhiên bạn sẽ quan tâm đến tất cả chúng sanh. Hết thảy chúng sanh có khổ nạn, bạn nhất định sẽ toàn tâm toàn ý đi giúp đỡ họ.
Việc cứu khổ cứu nạn thì phải biết cái khổ nạn căn bản, khổ là từ đâu mà ra? Là từ mê mà ra, bạn không hiểu được chân tướng sự thật, nên khổ từ đây sinh ra. Vui thì từ đâu mà ra? Vui thì từ hiểu rõ mà ra, đã rõ được chân tướng sự thật rồi thì bạn sẽ lìa khổ được vui. Do đó lìa khổ được vui thì nhất định phải phá mê khai ngộ, phá mê khai ngộ thì nhất định phải được dạy bảo tốt, sau đó bạn mới hiểu được tính chất của tôn giáo là gì.
Dùng lời hiện tại mà nói tính chất của tôn giáo là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, đó là khi tôi mới vừa xuất gia, tôi đã đề xuất với giáo hội Phật giáo Trung Quốc làm công tác chính danh trong Phật giáo. Nhà Nho nói “danh bất chính thì ngôn bất thuận”, cho nên chúng ta trước tiên phải làm công tác với chính danh. Phật giáo là gì? Phật giáo là nền giáo dục chí thiện viên mãn của Thích-ca Mâu-ni Phật đối với chúng sanh trong chín pháp giới. Điều này tôi đã nêu ra từ rất sớm, muốn cho đại chúng xã hội chân thật nhận thức được Phật giáo là giáo dục chí thiện viên mãn. Hiện tại tôi tiếp xúc qua lại với rất nhiều tôn giáo, chúng tôi dùng một câu nói để xây dựng sự nhận thức chung, đó là “tất cả tôn giáo đều là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa”. Việc này hiện tại mọi người đều có thể tiếp nhận. Hễ tin tưởng vào tôn giáo thì đều tin những gì mà kinh điển đã nói, bao gồm cả kinh điển Phật giáo cũng không ngoại lệ. Nói điều gì vậy? Nói chúng ta đều là phàm phu sanh tử có nghiệp tội, điều này là xác thực. Trong các tôn giáo đều nói luân hồi, đều nói con người có quá khứ có hiện tại có vị lai. Trong đời quá khứ từ vô lượng kiếp đến nay, nghiệp mà chúng ta đã tạo có ác có thiện, luôn là ác nhiều thiện ít, từ khởi tâm động niệm lời nói việc làm, cho nên lưu chuyển trong sáu đường. Nghiệp ác nhiều thì cảm quả báo là ba đường ác, nghiệp thiện nhiều thì cảm ba đường thiện. Tỉ dụ của Phật trong kinh rất hay, thời gian trong ba đường ác thì dài, thời gian trong ba đường thiện thì ngắn, vì vậy mà Phật đã đem ba đường ác ví dụ như quê nhà của chúng sanh trong sáu cõi; ba đường thiện chỉ là nơi chúng ta đi đến dạo một vòng để du lịch, thời gian rất ngắn, không được bao lâu thì bạn lại phải trở về quê nhà rồi. Ví dụ này rất hay, cho nên sau khi chân thật giác ngộ thì chúng ta phải làm sao để thoát ly sanh tử luân hồi, đây mới chân thật là người thông minh. Hiểu được chân tướng sự thật thì mới hiểu được tính quan trọng của việc thoát ly sanh tử luân hồi. Chỉ có tự mình thoát ly được thì mới có thể giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn ở trong luân hồi, những chúng sanh khổ nạn này cùng với chúng ta đời đời kiếp kiếp đều có duyên phận, có duyên thì bạn sẽ có cơ hội giúp đỡ họ. Có câu “Phật không độ người không có duyên”, vậy thì trước tiên chúng ta phải độ chính mình.
“Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” là căn bản, thật sự là đại căn đại bản, nếu chúng ta không hạ công phu từ ngay chỗ này vậy thì sai rồi. Chúng ta muốn thoát ly mà không có năng lực thoát ly, cho nên nhất định phải phát tâm. Nếu tâm không phát ra nổi thì bạn đọc nhiều kinh Đại Thừa, dùng kinh Đại Thừa để huân tập chính mình, rồi dần dần phải trì giới. Giới là căn bản cho nên Đệ Tử Quy là thứ căn bản nhất cần phải chăm chỉ học. Khi đã học rồi thì bất luận ở nơi nào chúng ta đều phải có quy có củ thì tâm của bạn mới định, tâm định rồi thì khai trí huệ, bạn mới đọc hiểu kinh rõ ràng. Sau khi hiểu rõ rồi thì bạn sẽ tu hành, nghĩa là đem những hành vi sai lầm tu sửa trở lại. Tu hành chính là chỉnh sửa những hành vi sai lầm, tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm, lời nói sai lầm của chúng ta. Vì thế Đệ Tử Quy là phương pháp tốt nhất giúp cho việc tu hành, chúng ta từ đây mà bắt đầu làm. Sau đó tiến thêm một bước nữa là y theo giới luật, lấy giới luật làm tiêu chuẩn. Mới bắt đầu thì dùng Đệ Tử Quy, không dùng Đệ Tử Quy mà dùng giới luật thì bạn sẽ làm không được. Không làm được thì con người thường hay quên mất giới luật, không cần nữa, chỉ học kinh không học giới vậy thì cũng sai. Học kinh là định học, tôi chỉ tu định chứ không trì giới, không trì giới thì bạn làm sao được định, do giới được định, do định mà khai huệ. Ngày nay chúng ta tu giới không thể thành tựu, chính là bởi vì không có nền tảng Đệ Tử Quy, Đệ Tử Quy là giới luật căn bản, chúng ta phải bắt đầu học từ chỗ này. Đệ Tử Quy cũng như khóa trình của lớp mẫu giáo, chúng ta hiện tại bỗng dưng muốn học trung học, đại học, nếu không lưu ý việc này thì có học như thế nào cũng không thể tốt nghiệp. Nếu dễ dàng như vậy thì các em nhỏ 6-7 tuổi học luôn nghiên cứu sinh thì tốt biết mấy, chỉ vài năm sau xem có thể nhận được bằng cấp tiến sĩ hay không? Chúng dù có học 60 năm cũng không lấy được. Hễ là có trình tự thì đều có thứ tự, không được nhảy cóc (bỏ qua bước quy định), điều này không thể nào không biết.
Người và người sống chung với nhau thì phiền não tập khí nặng nhất vẫn là ngạo mạn. Thật không ngờ ngạo mạn là đại phiền não. Sau tham sân si chính là mạn thì bạn hiểu được nó nghiêm trọng cỡ nào. Bất luận là thế pháp hay Phật pháp vì sao con người học không tốt? Chính là ngạo mạn đã làm chướng ngại. Khổng Tử đã nói rất hay, ví như một người có tài hoa như Chu Công, Chu Công là Thánh nhân, là người mà cả đời Khổng Tử bội phục nhất, cũng thường tán thán. Ví dụ có một người có tài hoa như Chu Công nhưng người đó có một tật xấu là kiêu ngạo, bủn xỉn keo kiệt. Người đó ngạo mạn, lại keo kiệt thì Phu Tử nói “những thứ khác không cần bàn đến nữa”, người này là giả không phải là thật. Chu Công có ngạo mạn, keo kiệt hay không? Không có. Phật pháp là phải siêu vượt sanh tử luân hồi, nên phải đoạn phiền não ngạo mạn này. Nhà Nho không nói siêu vượt lục đạo, cho nên họ không nói phải đoạn ngạo mạn, nhưng họ đã đưa ra một sự cảnh báo nghiêm trọng. Bạn xem ở trong Lễ Ký nói “ngạo bất khả trưởng”, ai cũng ngạo mạn, phiền não này là vốn sẵn tính trời cho, không phải là do học mà có. Thứ bạn mang theo từ nhiều đời nhiều kiếp được gọi là phiền não sẵn có, chỉ cần là chúng sanh thì đều có tập khí ngạo mạn này. Chúng ta hy vọng có thể chế phục ngạo mạn, không để nó tăng trưởng.
Nhà Nho dạy người “dục bất khả túng, ngạo bất khả trưởng”, học hành tu đạo, thành tích thật sự thì nhìn từ chỗ nào? Ở tâm bình khí hòa. Người xưa nói “học vấn thâm thời ý khí bình” (người học vấn thâm sâu thì tính khí bình lặng), bạn tu hành có công phu thì nhất định sẽ rất hòa khí với người khác, thông thường chúng ta gọi là không nóng tính. Nếu tính nóng rất lớn, thường hay nổi cơn giận dữ thì người đó không có đạo tâm, con người đó không có tu hành, con người đó cũng không có học vấn, việc này nhất định phải hiểu. Học vấn và học thức là hai sự việc, trong học vấn có đạo đức, trong học thức thì không nhất định phải có đạo đức. Dù họ học được rất nhiều thứ, cũng không nhất định là họ có đạo đức, nhưng trong học vấn thì có đạo đức. Cho nên người chân thật có học vấn thì tâm bình khí hòa. Vậy thì việc tu đạo học Phật càng không cần phải nói nữa. Bạn xem trong kinh Phật thường nói “nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, cho nên việc bạn tức giận, nổi giận với người khác, đối phương bị tổn hại ít. Tôi thường nói là bạn hại người ta nhiều nhất là ba phần, hại chính mình thì đến bảy phần, các vị đều không tính đến chuyện này. Tính toán chuyện này rồi thì việc này không có lợi, bản thân chúng ta bị tổn thất quá lớn, chúng ta tổn thất bảy phần họ thì mới tổn thất có ba phần. Nếu bạn thật sự đã nghĩ thông rồi, hiểu rõ chân tướng sự thật rồi thì bạn sẽ không nổi giận nữa. Cho nên phải bồi dưỡng [điều này], bất luận là vào lúc nào thì đối với người đối việc đối vật cũng đều là một lòng hòa khí. Khẳng định tánh người vốn thiện, việc này vô cùng vô cùng quan trọng. Khẳng định người người đều có Phật tánh, chúng ta phải dùng tâm thái này để đối đãi với hết thảy chúng sanh. Họ đều có Phật tánh, họ đều là bổn thiện, ngày nay họ làm ra hết thảy bất thiện là nhất thời mê hoặc. Cho nên chúng ta nhất định phải từ bản thân chính mình mà tu, việc này là quan trọng nhất.
Tu từ bản thân thì ảnh hưởng đầu tiên là gia đình, một nhà hòa mục. Vấn đề của gia đình hiện nay thì vô cùng nghiêm trọng, vợ chồng bất hòa nên tỷ lệ ly hôn cao đến như vậy. Họ không biết việc ly hôn này rất đáng sợ, tôi nghĩ đại đa số đều đọa địa ngục, tội rất nặng. Đây không phải chỉ là sự việc của hai người, mà bạn đã phá hoại sự hài hòa của cả xã hội, bạn đã phá hoại sự an toàn của thế giới, cái tội này của bạn nặng đến mức nào, bạn có nghĩ đến hay không? Hai người không hợp nhau thì chia tay, hậu quả thật không thể tưởng tượng nổi, nếu bạn có con cái, con cái sẽ mất đi một người cha hoặc mẹ, không có được đầy đủ tình cảm của cả cha và mẹ, tương lai chúng sẽ hình thành tập khí không tốt, dễ gây ra những việc phạm tội trong xã hội hiện tại. Những sự việc tổn hại xã hội thì bạn có phải chịu trách nhiệm hay không? Bạn mới hiểu được vấn đề này thật sự nghiêm trọng. Gia đình giống như một tế bào ở trên cơ thể con người vậy, mỗi một người chúng ta giống như một thế giới, giống như một xã hội, một quốc gia. Gia đình là một tổ chức cơ bản trong tổ chức xã hội, nếu tế bào này hư hỏng, hư hỏng quá nhiều thì sự an toàn của sinh mạng sẽ bị uy hiếp. Vậy thì bạn biết được sự an toàn của xã hội đã bị uy hiếp, sự an toàn của quốc gia, hòa bình của thế giới đã bị uy hiếp. Ai đã làm ra? Hai người các bạn vừa phân ly thì đã tạo ra sự tổn hại nghiêm trọng đến như vậy. Việc này có mấy ai biết được? Vợ chồng vì sao mà bất hòa? Vậy vì sao mà lại kết hôn? Thế nên bạn phải nghĩ đến nguyên nhân. Trước khi kết hôn, hai bên nhìn thấy nhau đều là hết sức tốt đẹp, không thấy có một chút khuyết điểm nào. Sau khi kết hôn rồi thì ngày ngày nhìn thấy khuyết điểm của đối phương, càng nhìn càng không vừa mắt, phiền phức liền xảy ra, đều là từ một niệm vọng tưởng mà sanh ra. Nếu bạn luôn luôn giữ được việc chỉ nhìn thấy ưu điểm của đối phương, không nhìn khuyết điểm của đối phương thì vợ chồng hòa hợp, gia hòa vạn sự hưng. Nếu bạn nói đối phương không có chút ưu điểm nào vậy thì bạn nên cam chịu số phận, bởi vì sao bạn lại đồng ý gả cho anh ấy? Hai bên đều nên cam chịu, cam chịu thì tốt, sự việc này có thể giải quyết được công bằng, đây gọi là tề gia. Tề gia sau đó mới trị quốc, xã hội an định, thế giới hòa bình.
Chúng ta ngày nay xem người trên toàn thế giới đều nói đến nhân quyền, nhân quyền sẽ đưa nhân loại đến ngày tận thế. Đây là thứ mà người ngoại quốc đã nghĩ ra, trong lịch sử Trung Quốc chưa hề nghe nói đến nhân quyền. Chúng ta nói đạo đức, luân lý thì mới có hạnh phúc mỹ mãn chân thật, người ngoại quốc ngày ngày hô hào nhân quyền thế nhưng mỗi một người đều không có cảm giác an toàn. Mỗi một người đều không hiểu được bản thân sống ở thế gian này là vì cái gì? Nhân quyền là một câu nói suông. Phật nói với chúng ta con người sống ở thế gian là vì cái gì? Gọi là “nhân sanh thù nghiệp”, trong quá khứ bạn tạo nhân thiện thì bạn đến hưởng phước, trong quá khứ bạn tạo ác nghiệp thì bạn đến để thọ tội, đây là Phật nói, Phật nói rất rõ ràng rất thấu triệt.
Hôm nay chúng ta học tập câu kinh văn này, phải thật sự làm cho được rõ ràng minh bạch, tâm chân thành thanh tịnh bình đẳng chánh giác từ bi của chúng ta thật sự sanh ra thì gia đình bạn làm sao lại không hòa thuận, sao lại không hưng vượng được? Đặc biệt là giáo dục luân lý, giáo dục luân lý là bắt đầu nói từ gia đình, là từ vợ chồng. “Phu phụ hữu biệt”, biệt là phân biệt, hai vợ chồng đã trở thành một gia đình. Gia đình ngày xưa ở Trung Quốc trên có cha mẹ, có anh em, dưới có con cái, là chế độ đại gia đình, không phải như gia đình nhỏ như hiện nay. Bạn bước vào gia đình này thì trở thành một phần tử trong gia đình, bạn phải biết nên làm người như thế nào. Trong gia đình có hai sự việc to lớn. Việc lớn thứ nhất là duy trì cuộc sống của gia đình, sự việc lớn thứ hai là giáo dục cho thế hệ sau. Nếu bạn không có thế hệ con cháu tốt thì hạnh phúc gia đình của bạn ở đâu? Gia đình hưng vượng của bạn từ đâu mà có? Nhất định phải có thế hệ con cháu tốt. Cho nên vợ chồng có khác biệt là nhiệm vụ có khác biệt. Vào thời xưa, người nam ra ngoài mưu sinh để duy trì cuộc sống của gia đình, người nữ ở nhà dạy dỗ con cái, con cháu đều nhờ vào người làm vợ này, gia đình có tiền đồ hay không hoàn toàn nhờ vào người phụ nữ này. Các vị nên đọc Ấn Quang Đại sư Văn Sao, bạn xem Ấn Tổ trong Văn Sao đã nói hết bao nhiêu lần: quyền của người phụ nữ trong gia đình là lớn nhất, sự an nguy của xã hội, sự hưng vong của quốc gia nằm trong tay của người phụ nữ trong gia đình. Người hiện nay có ai hiểu được điều này? Gia đình bạn có con cái tốt, đời đời có Hiền nhân thì xã hội này mới có Thánh nhân xuất hiện. Thánh nhân từ đâu mà ra? Là từ bạn dạy mà ra. Cách dạy như thế nào? Hết thảy đều là Đệ Tử Quy. Cho nên cha mẹ phải học Đệ Tử Quy, hết thảy đều làm ra tấm gương cho con cái. Trẻ con vừa sanh ra, mắt vừa mở thì chúng biết nhìn chúng biết nghe, chúng liền học tập. Người lớn như thế nào thì chúng thảy đều nhìn thấy, thảy đều nghe thấy, cho nên giáo dục là từ đây mà bắt đầu. Đến khi được 6-7 tuổi thì đã thâm căn cố đế, chúng rất biết chuyện, lúc này mới đưa chúng đến cho nhà trường dạy dỗ. Vậy nên giáo dục nền tảng quan trọng nhất là do cha mẹ dạy, không phải là người khác dạy. Đây chính là vợ chồng có khác biệt, khác biệt là ở chỗ này, họ đều có nhiệm vụ không như nhau. Ngày nay không có người hiểu điều này nữa, cho nên nhà không ra nhà, nước không ra nước, thiên hạ đại loạn.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 346)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 199
Hôm nay : 48380
Tháng hiện tại : 501190
Tổng lượt truy cập : 57897608
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.