Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 253)

Thứ hai - 21/03/2016 06:35

****************

Ngoài ra còn tu hành 8 giờ đồng hồ nữa. Tám giờ đồng hồ này hoặc là đi tham Thiền, hoặc là đi niệm Phật. Mỗi một ngày là 16 giờ đồng hồ. Chúng ta hy vọng làm học viện, hy vọng làm Đại học Phật giáo, chế độ dạy học của chúng ta quyết định là áp dụng những quy củ ngày xưa, phương pháp cũ của Tòng Lâm, xác thực sẽ giúp đỡ các đồng học nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu, thì bạn mới có thành tựu. Chúng ta có một chút tâm chân thành này, hy vọng thành tựu chính mình, hy vọng thành tựu người khác. Cho nên hiện tại chúng ta tại Úc Châu đã có được cái cơ duyên này, chúng ta đã nộp hồ sơ dự án cho Chính phủ, Chính phủ đồng ý chúng ta làm “Học Viện Tịnh Tông”.

“Học Viện Tịnh Tông” của chúng ta hướng về mục tiêu này mà nỗ lực. Tứ chúng đồng tu tương lai tu học tại nơi này quan trọng nhất là phải “làm thật”, về phương diện công việc hành chánh thường trụ thì cố gắng miễn trừ, tuyệt đối không nên để cho các đồng học chúng ta đi làm. Công việc nhà bếp, công việc dọn dẹp vệ sinh, cho đến việc dọn dẹp trong liêu phòng, giặt giũ quần áo của các đồng học, tôi đều không muốn các bạn phải làm, tôi sẽ thuê người làm. Chúng ta thuê người Úc làm thay cho chúng ta và có chế độ đãi ngộ. Tôi nhớ đến Úc Châu, rất nhiều khách sạn có thuê những nhân viên phục vụ này, ta sẽ có chế độ đãi ngộ giống như họ vậy, mời những nhân viên phục vụ này đến làm cho chúng ta. Bản thân chúng ta đối với những công việc này thì hoàn toàn không cần phải bận tâm, mỗi ngày đem công khóa 16 tiếng đồng hồ làm cho thật tốt, việc này mới quan trọng, việc này mới có thể thành tựu. Hiện tại, hoàn cảnh tu học như vậy trong và ngoài nước đều đã không còn nữa. Chúng ta có được cái duyên phần này, cũng có điều kiện này, chúng ta xây một đạo tràng, cái đạo tràng này trong cảm nhận của chúng ta là một đạo tràng làm mẫu.

Thời gian của việc tu học không phải là 6 tháng, 6 tháng thì thành tựu không nổi, đó là “một ngày nhồi nhét mười ngày thảnh thơi” thì chẳng thấm vào đâu. Chúng ta đặt ra thời gian là 9 năm, phân thành ba giai đoạn. Lớp phổ thông là 2 năm, lớp chính khóa là 3 năm, lớp nghiên cứu là 4 năm, tổng cộng 9 năm thì tốt nghiệp. Bước vào ngôi Học viện này, thân tâm thế giới tất cả buông xuống, an tâm ở tại nơi này học tập 9 năm. Trong quyển “Học Ký” của nhà Nho nói 7 năm tiểu thành, 9 năm đại thành, hy vọng trải qua thời gian huấn luyện lâu dài như vậy, tương lai có thể hoằng pháp lợi sanh trên toàn thế giới. Nếu như có cơ duyên, các bạn có thể mở trường nối dòng huệ mạng của Phật. Trường học là đạo tràng, đạo tràng là trường học, khôi phục lại diện mạo vốn có của nền giáo học Phật giáo. Tin tức này vừa mới tiết lộ ra thì đã có một số nhân sĩ nhiệt tâm hưởng ứng. Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, duyên đã thành thục rồi, chúng ta nhất định phải làm. Đây là chư Phật Bồ Tát gia trì. Chư Phật Bồ Tát cho chúng ta cơ hội, cho chúng ta sứ mệnh, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm cho tốt thì mới có thể thật sự làm đến được “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Nếu không mà nói, chúng ta mỗi ngày đọc kệ hồi hướng đọc đến đổ cả mồ hôi, “nguyện đem công đức này”, chúng ta lấy công đức gì chứ? Công đức ở đâu chứ? Ngày ngày đều niệm “nguyện đem công đức này trang nghiêm Phật Tịnh Độ”, bạn đem công đức gì để hồi hướng đây? Sự huân tu như vậy, quả đức không thể nghĩ bàn.

Chúng ta cũng đã biết câu chuyện của lão Lâm trưởng Trần Quang Biệt. Lão cư sĩ Trần lúc cuối đời sanh bệnh, đành phải nghỉ dưỡng ở nhà, đây là một cơ hội vô cùng thù thắng của ông. Ông đem tất cả công việc đều buông bỏ hết, ngày ngày nghe Kinh. Những băng ghi hình chúng tôi giảng Kinh, toàn bộ đều gửi đến nhà ông. Mỗi ngày ông nghe 8 giờ đồng hồ. Tôi đi đến nhà ông và đã thấy qua, ông đem chiếc truyền hình của ông để ở góc giường, ông nằm ở trên giường, mở mắt ra là nhìn thấy rồi. Mỗi ngày xem 8 giờ đồng hồ, huân tập 4 năm, ông đã giác ngộ, ông đã minh bạch. Ngoài việc nghe Kinh ra thì ông niệm Phật, dường như là cứ mỗi ngày 8 giờ đồng hồ nghe Kinh, 8 giờ đồng hồ niệm Phật. Tập trung huân tu như vậy trong suốt 4 năm, không đến 4 năm, thời gian chỉ hai năm, ông đã nói với cư sĩ Lý Mộc Nguyên là ông muốn vãng sanh đến Cực Lạc Thế giới. Lý Mộc Nguyên nói với ông: “Không được, ông không thể đi, sau khi ông đi rồi thì Cư Sĩ Lâm sẽ khó khăn, không có ai duy trì”. Lão cư sĩ nói: “Được thôi, vậy thì đợi thêm hai năm nữa”. Quả nhiên là đã đợi hai năm. Con trai và con dâu của ông đã kể với tôi: “Trước khi vãng sanh ba tháng, có một hôm, lão cư sĩ đã viết ở trên tờ giấy là mồng 7 tháng 8, đã viết mười mấy lần mồng 7 tháng 8. Người trong nhà nhìn thấy cũng không dám hỏi ông. Đến mồng 7 tháng 8 ngày hôm đó, ông đã vãng sanh”. Ba tháng trước thì đã biết ngày giờ ra đi, ra đi một cách bình thản như vậy, thoại tướng tốt như vậy, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy. Thời gian chỉ 4 năm, mỗi ngày 8 giờ đồng hồ nghe Kinh, 8 giờ đồng hồ niệm Phật, thì đã tự tại vãng sanh. Vì vậy, tôi tin rằng hai năm ông đã thành tựu. Ông nói với cư sĩ Lý Mộc Nguyên rằng ông muốn vãng sanh, vào lúc đó thì ông đã nắm phần chắc rồi. Cư Sĩ Lý mời ông trụ thế thêm hai năm nữa, để nhiệm kỳ mới của Cư Sĩ Lâm ổn định trở lại, đợi cho uy tín của cư sĩ Lý Mộc Nguyên trong 2 năm được nâng cao lên.

Từ sự thật này chúng ta lại quan sát, nếu như Phật Học Viện của chúng ta mà dùng phương pháp này để dạy học, chế độ học dài 9 năm, có ai mà không thành tựu chứ? Người người thành tựu, đến lúc tốt nghiệp 9 năm, các vị đồng học có thể nói đều là người tái lai. Vì sao vậy? Sanh tử tự tại, bản thân nắm chắc phần vãng sanh Cực Lạc Thế giới, bất cứ khi nào cũng có thể đi được. Vì lòng từ bi, chúng ta đem cái thân này lưu lại ở thế gian để phổ độ chúng sanh. Đúng như trong các Kinh Tiểu Thừa thường nói: “Sở tác dĩ biện bất thọ hậu hữu”. Bạn xem, lúc này thì tự tại biết bao, viên mãn biết bao. Chúng ta ngày nay nếu như có hoàn cảnh này, có điều kiện này, quả thật là có thể đạt đến “sở tác dĩ biện bất thọ hậu hữu”, thật sự làm đến nhìn thấu buông bỏ tự tại tùy duyên, quảng độ chúng sanh. Chúng ta từ nhiều năm học tập, quan sát như vậy, chúng ta có lòng tin như vậy, chúng ta tin sâu Tam Bảo gia trì, chúng sanh có phước. Chúng sanh có kiếp nạn mặc dù là sự thật, nhưng mà Phật thường nói, chúng sanh càng có tai nạn lớn, Phật Bồ Tát đến thế gian này càng nhiều. Chúng sanh tạo tác tội nghiệp, nếu không dựa vào phước báo của những người tái lai này, thế gian sẽ không thể tưởng tượng nổi.

Những ai là người tái lai? Chúng ta tin tưởng sâu sắc, tương lai có thể tham dự đạo tràng này, những người tu hành ở đạo tràng này, nhất định là có rất nhiều rất nhiều người tái lai. Đến một lúc nhất định, thì chúng ta sẽ phát hiện. Lý và sự của nghiệp nhân quả báo, chúng ta nhất định phải tin sâu, không nghi.

****************

Kinh văn: “Phật ngữ A Nan: “Bất tư nghị nghiệp, nhữ khả tri da? Nhữ thân quả báo, bất khả tư nghị. Chúng sanh nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị. Chúng sanh thiện căn, bất khả tư nghị. Chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới, diệc bất khả tư nghị. Kì quốc chúng sanh, công đức thiện lực, trụ hành nghiệp địa, cập Phật thần lực, cố năng nhĩ nhĩ””.

Chúng ta hãy xem hai câu đầu này, đây là Thế Tôn đã nói rõ với chúng ta cái gì gọi là “bất tư nghị nghiệp”. Những gì là “bất tư nghị nghiệp”?. Vừa mở đầu, Phật gọi A Nan tôn giả và hỏi Ngài, ông có biết hay không? A Nan không có câu trả lời, Phật cũng không hy vọng ông sẽ trả lời. Tiếp đến Phật liền nói “nhữ thân quả báo bất khả tư nghị”, tiếp theo lại nói “chúng sanh nghiệp báo diệc bất khả tư nghị”, thực tế là Phật nói câu nói này.

“Nhữ thân”, “nhữ” chính là chỉ A Nan, thân của ông (thân cũng bao gồm cả tâm), quả báo thân tâm của ông không thể nghĩ bàn. Các vị thử nghĩ xem ở chỗ này hàm chứa những ý nghĩa gì? Phật gọi A Nan và nói với Ngài, A Nan là đại diện cho tất cả chúng ta, cái ý đó chính là nói cái quả báo thân tâm của chính chúng ta là không thể nghĩ bàn. Trong ý còn có ý, dụng ý sâu rộng vô biên. Quả báo là chỉ tất cả nghiệp thiện ác đã tạo ra trong quá khứ, cảm được cái kết quả cùng hồi báo, ở chỗ này Tướng Tông đã nói là “Dẫn Nghiệp”, “Mãn Nghiệp”. Dẫn nghiệp cảm được là quả, mãn nghiệp chỗ cảm được là báo. Dẫn là dẫn dắt, dẫn dắt bạn đi đến nơi nào để đầu thai. Mọi người chúng ta hiện tại đều ở trong nhân đạo, đều được thân người, cái nghiệp này là cùng chung, là cái nghiệp gì? Phật nói với chúng ta, quá khứ chúng ta đã từng tu ngũ giới thập thiện, công đức của ngũ giới thập thiện dẫn dắt chúng ta đến thế gian, được cái quả báo này, được cái thân này. Thân là quả báo. Tuy rằng chúng ta người người đều là có một thân người, nhưng mà ngay trong một đời này, các vị được hưởng phước không giống nhau, giàu nghèo sang hèn không như nhau. Những cái không giống nhau này là một loại quả báo khác, là quả báo gì? Là những nghiệp thiện và bất thiện mà bạn đã tạo. Việc này ở trong Tướng Tông thì gọi là Mãn Nghiệp. Dẫn nghiệp của chúng ta không sai, dẫn dắt chúng ta đến nhân gian. Mãn nghiệp không tốt, trong đời quá khứ đã tạo thiện quá ít, tạo ác quá nhiều, cho nên cuộc sống trong đời này của chúng ta không được như ý muốn. Không những là một người không được như ý, mà đại đa số người đều không được như ý. Ngạn ngữ đã nói: “Việc thế gian không như ý thường đến tám chín phần”.

Việc có thể được như ý muốn chỉ có một hoặc hai phần, những sự việc không được như ý chiếm đến 8 - 9 phần, đây là nguyên nhân gì vậy? Rõ ràng nói với chúng ta, trong đời quá khứ đã tạo thiện ít mà ác thì nhiều. Việc này rất có đạo lý. Trong Kinh luận Duy Thức nói với chúng ta, phàm phu lục đạo khởi tâm động niệm không rời khỏi 8 thức 51 tâm sở. 51 tâm sở, tâm sở chính là khởi dụng ở trong tâm. Ác tâm sở có 26 cái, thiện tâm sở chỉ có 11 cái. Từ đây có thể thấy, chúng ta khởi tâm động niệm khẳng định là thiện thì ít mà ác thì nhiều, lực lượng của thiện thì nhỏ, lực lượng của ác thì quá lớn mạnh. Đến khi mà quả báo hiện tiền, Phật thường nói ở trên Kinh là “cường giả tiên khiên”, lực lượng nào mạnh sẽ thọ báo trước. Nếu lực lượng ác của chúng ta rất mạnh thì sẽ thọ quả báo bất thiện trước. Đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta không phải không có thiện nghiệp, nhưng lực lượng của thiện yếu, quá yếu.

Hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật, chúng ta có cách nào để đem thiện nghiệp thọ báo trước được hay không? Được, chỉ cần bạn hiểu được thì tốt rồi. Làm sao để đến trước? Thiện nghiệp của bạn, phải nên biết là nghiệp nhân nếu không có duyên thì không khởi hiện hành, bạn nỗ lực bồi dưỡng cái duyên thiện, bạn có cái nhân của thiện, lại thêm cái duyên của thiện, thì quả báo của thiện liền sẽ hiện tiền. Cái đạo lý này và sự thật, ở trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” đã biểu thị ra rất rõ. Thiền sư Vân Cốc đã chỉ dạy cho Tiên sinh Liễu Phàm, nguyên lý căn bản ở ngay chỗ này. “Du Tịnh Ý Gặp Táo Thần ký”, Thần Táo đã điểm hóa cho ông, nguyên lý nguyên tắc cũng ở tại chỗ này. Có hiệu ứng hay không? Có, hiệu ứng đã quá rõ ràng, đặc biệt là hiệu ứng của Du Tịnh Ý còn vượt hơn cả Viên Liễu Phàm. Cho nên, vận mạng là do chính mình tạo ra. Vận mạng của chính mình có thể cải tạo, chúng ta chỉ cần hiểu được nguyên lý nguyên tắc, hiểu được phương pháp cải tạo, chúng ta có thể ngăn ngừa tất cả những quả báo nghiệp bất thiện trong đời quá khứ. Các vị phải nên biết là không thể nào tiêu trừ được, nhưng có thể ngăn cản nó, có thể đề khởi sớm được nghiệp thiện ít ỏi đã tạo ở trong đời quá khứ, khiến nó hình thành ra báo ứng. Phương pháp này là đoạn ác tu thiện. Chân thật giác ngộ rồi, khiến cho tâm chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, xử sự đối người tiếp vật tu sửa lại thành thuần tịnh thuần thiện, như vậy thì bạn đã đem tiểu thiện nghiệp đã tạo trong đời quá khứ biến thành đại thiện, có thể che chắn hết thảy những ác nghiệp đã tích lũy trong đời quá khứ. Điều này không phải là làm không được.

Tại vì sao chúng ta làm lại khó khăn đến như vậy? Nguyên nhân khó khăn là bạn không đủ nhận thức đối với những lý luận phương pháp cảnh giới này, bạn thấu hiểu chưa đủ triệt để. Thật sự minh bạch thấu hiểu, thì đem nó chuyển trở lại không phải là chuyện khó. Cho nên chúng tôi thường nói, tôi đã nói 50 năm rồi, Phật pháp là “biết khó, hành dễ”. Phàm phu thành Phật ở phương diện “làm” mà nói thì cách nhau có một niệm, phàm phu một niệm mà giác thì họ thành Phật, một niệm mê thì thành phàm phu. Thật sự không có khó. Khó là ở chỗ nào? Khó là ở chỗ hiểu cho rõ, thật sự là khó. Bạn đối với đạo lý này, đối với chân tướng sự thật không có thấu hiểu triệt để, cho nên mới khiến Thích Ca Mâu Ni Phật khổ cực giảng Kinh thuyết pháp suốt 49 năm, cực nhọc đến như vậy. Cho nên chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh, khó là khó ở chỗ thấu hiểu đạo lý và chân tướng sự thật. Quả nhiên đã giác ngộ rồi thì làm không khó.

Nhẫn Nhục tiên nhân bị vua Ca Lợi cắt xẻ thân thể mà thấy dễ dàng, chỉ là việc nhỏ. Ở trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, gặp phải người khác hủy báng ta, ức hiếp ta, sỉ nhục ta, hãm hại ta, chúng ta gặp chỉ cười một cái mà không thèm để ý, rất dễ dàng, không khó. Cho đến khi bạn  cũng giống như Nhẫn Nhục tiên nhân bị vua Ca Lợi cắt xẻ thân thể, vui mừng mà nhận chịu, một vọng niệm cũng không hề khởi, vậy thì chúc mừng bạn, bạn đã thành Phật rồi, bạn đã đem cảnh giới chuyển trở lại một cách rất viên mãn. Họ biết có cái đạo lý này. Người đến hại ta, bản tánh con người vốn là thiện, như câu đầu tiên trong “Tam Tự Kinh” nói “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, một chút cũng không sai, nhưng tại vì sao hiện giờ biến thành bất thiện? Họ mê hoặc rồi. Đã mê cái gì? Đã mê mất cái bổn thiện đó rồi. Cái mê này không phải là cái mê vĩnh viễn, chỉ là mê tạm thời, họ vẫn sẽ giác ngộ, vậy thì việc gì phải trách họ, việc gì phải khởi tâm oán hận, việc gì phải khởi tâm báo thù? Khởi oán hận báo thù khẳng định là sai lầm, hại ai? Hại chính mình, không phải hại người, mà hại chính mình. Chính mình đã khởi tam độc phiền não, sau khi khởi lên tam độc phiền não thì quả báo sẽ ở nơi nào? Tam đồ địa ngục, vậy không phải là chính mình đã hại chính mình rồi hay sao? Nếu như đối với những nghịch cảnh ác duyên này không khởi một ý niệm, thật sự làm được không động tâm không khởi niệm, không phân biệt, không chấp trước, cảnh giới của chính bạn liền lập tức nâng lên, Tín Vị Bồ Tát liền nâng lên đến Thập Trụ, Thập Trụ Bồ Tát liền nâng lên đến Thập Hạnh, những nghịch cảnh ác duyên này đã đem bạn nâng lên cao. Bạn mà không tiến lên thì phải đọa lạc trở xuống, bạn ngu si rồi. Cái đạo lý này tôi nghĩ cũng không phải là rất khó thấu hiểu. Sự thật này, cái quả báo của thiện này thực tế mà nói là đang hiện tiền, xem bạn có thể thọ dụng hay không? Ví dụ các vị đang làm việc tại một công ty, bạn nảy sinh tranh chấp với đồng nghiệp, hai người mắng nhau, đánh nhau, có thể ông chủ sẽ sa thải cả hai người. Sự việc này là rất có thể. Nếu như một người nổi giận chỉ vào bạn mà mắng, mà đánh bạn, bạn cũng không mắng lại, cũng không đánh lại, ông chủ và đồng nghiệp nhìn thấy bạn rồi sẽ nghĩ: “Con người này có tu dưỡng”, lập tức cho bạn thăng chức. Tại vì sao bạn lại được ông chủ xem trọng và đề bạt? Là bởi vì người kia đã mắng bạn, đánh bạn, họ không phải giúp đỡ bạn thành tựu cho bạn hay sao? Chính họ bị tổn hại, bản thân họ có thể bị giáng chức, cho dù không bị giáng chức thì cũng không dễ được thăng chức, tính tình không tốt thường thường gây sự. Họ giúp đỡ bạn nâng cao, bạn nên phải biết cảm ơn họ, cảm tạ họ mới đúng. Đây là nói cái gì? Quả báo trước mắt đã tức khắc có được chỗ lợi ích, trước mắt gọi là hoa báo, còn quả báo về sau thì không thể nghĩ bàn. Những đạo lý này, những sự thật này, bạn có thể hiểu không, bạn có thể nhìn thấy được không? Nếu quả nhiên có thể hiểu, có thể thấy, thì có ai mà không vui lòng để làm cái việc này?

Nhà Phật nói là nhẫn nhục Ba La Mật, trên “Kinh Kim Cang” Phật nói với chúng ta “nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Phật nói lục độ với Bồ Tát, trong lục độ quan trọng nhất là hai pháp môn. Thứ nhất là bố thí, buông xả, đó là công đức. Cái quan trọng thứ hai chính là nhẫn nhục, nhẫn có thể giữ gìn công đức mà không bị mất đi. Có câu: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, công đức đều bị tiêu tan mất. Nhẫn nhục là thành tựu pháp môn không hai, thế xuất thế pháp đều không ngoại lệ. Bạn tương lai có thành tựu được bao lớn, thì phải xem bạn nhẫn nhục được bao nhiêu. Việc cỏn con mà không nhẫn nhục được, con người này người xưa nói là không có tiền đồ, không thể thành tựu, không thể làm việc đại sự. Cho nên tỉ mỉ quan sát một con người ở trong cảnh giới, thiện duyên, thuận cảnh sanh hoan hỷ, cảm thấy kiêu ngạo, cảm thấy rất tài giỏi thì không thể thành tựu; nghịch cảnh, ác duyên thường thường còn sanh tâm oán hận, thường hay biểu hiện ra sự không hài lòng, thì con người này không thể thành tựu. Thế pháp, Phật pháp đều không ngoại lệ. Tổ sư muốn thành tựu một người học trò, ở trong thế pháp thì những người lãnh đạo này muốn đề bạt những người dưới quyền, họ đều sẽ rất tỉ mỉ mà quan sát từ xa những người này. Bản thân chúng ta khi còn trẻ luôn là vô tri, ở trong cuộc sống thường ngày chung sống cùng với mọi người, trong vô tình đã hoàn toàn bộc lộ khuyết điểm ra, còn ưu điểm thì ngay đến chính mình cũng không phát hiện ra.

Người xưa có phước hơn so với người thời nay, ở nhà có cha mẹ giáo hóa, ở trường học thì thầy cô ra sức giáo huấn. Người làm thầy ngày trước thật sự là xem học trò cũng như con cái của mình, thật sự yêu thương dạy dỗ, cho nên chúng ta đối với ân đức của người thầy, cả đời cũng sẽ không quên, thường có lòng cảm ân, thật sự tồn tại cái ân tình. Không giống như mối quan hệ thầy trò hiện nay, hiện nay thực tại mà nói, cũng là năm xưa Tiên sinh Phương Đông Mỹ thường hay nói, tôi theo học triết học với ông, hy vọng được đến trường để dự thính bài giảng của ông, ông nói với tôi là không cần phải đi, hiện nay trường học thầy cô không giống thầy cô, học trò không ra học trò, có đi cũng không học được thứ gì. Thầy đã nói lời này 50 năm về trước. 50 năm sau, trường học ngày nay tôi chưa từng bước chân tới, không biết là đã biến thành như thế nào rồi. Tôi thường hay nghe nói học trò đánh thầy cô, thường thường nghe thầy cô nói học trò hiện nay không nghe lời, vậy sao mà được chứ? Con cái không nghe lời cha mẹ, học sinh không nghe lời thầy cô, đây là nguồn gốc của thiên tai nhân họa xã hội động loạn.

Quả và báo vốn dĩ là một thể, nếu như tỉ mỉ mà phân chia, ngạn ngữ thường nói: “Một giọt nước, một hạt cơm đều do tiền định”. Chúng ta ngày nay tất cả những cảnh giới mà mình gặp phải, đều là trong đời quá khứ đã tạo tác ra cái nhân và kết hợp cái duyên hiện tiền mà sản sinh ra quả báo. Có mấy người có thể nghĩ đến vấn đề này? Mọi lúc mọi nơi, nếu quả nhiên có thể nghĩ đến có thể quan sát được, dù cho gặp phải những chuyện cực kỳ không như ý, thì cũng không có cái ý niệm oán trời trách người. Vì sao vậy? Vì biết tự làm thì tự chịu, bạn sẽ rất an nhiên mà thọ nhận, bạn sẽ rất vui vẻ, thiếu tiền thì trả tiền, thiếu mạng thì đền mạng,  vậy sao mà không tự tại, không vui vẻ chứ? Nếu như mê hoặc điên đảo, không hiểu rõ chân tướng sự thật, oán trời trách người, vậy thì vừa thọ quả báo lại tạo ác duyên. Việc này thì phiền phức lớn rồi, khổ báo trong tương lai so với hiện tại còn nghiêm trọng hơn, thật sự là đã tạo ra một sai lầm đặc biệt, không thể nghĩ bàn, chứng tỏ cái nhân của sự việc này rất sâu rất sâu, duyên thì vô cùng phức tạp, đó quyết không phải là người bình thường. Người bình thường không biết, cả thiên nhân ở trong lục đạo cũng không biết.

Lại tiếp lên nữa, thì Phật nói chính là A La Hán, Bích Chi Phật, các Ngài đối với cái duyên thì đại khái là biết một ít, cái nhân thật sự thì các Ngài vẫn còn chưa rõ ràng. Năng lực của A La Hán, túc mạng thông có thể thấy 500 kiếp, tha tâm túc mạng có thể quan sát 500 kiếp, xa hơn 500 kiếp thì họ cũng không biết. Cũng như Phật nói ở trên Kinh, có một người muốn xuất gia với Phật (xuất gia thì phải có thiện căn, không có thiện căn thì không xuất gia được), người này tìm đến Thế Tôn, Thế Tôn gọi các đệ tử của Ngài là các A La Hán đến, xem thử con người này có thiện căn hay không. Những vị A La Hán này sau khi quan sát thì đều lắc đầu, người này làm sao có thể xuất gia, ông không có thiện căn. Phật bèn nói, người này có thể xuất gia, thiện căn của ông đã rất lâu xa, các ông chỉ có thể thấy 500 kiếp. Người này trong vô lượng kiếp về trước là một tiều phu. Có một lần, ông lên núi đốn củi thì gặp một con hổ, ông đã leo lên cây, ở trên cây đã niệm một tiếng “Nam Mô Phật”. Chỉ một chút thiện căn này, từ kiếp lâu xa về trước đã niệm một tiếng “Nam Mô Phật”, đến ngày nay đã chín muồi, Phật bèn thế độ cho ông. Cái thiện căn nhỏ nhoi này của ông, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát đều không nhìn thấy được, Phật thì nhìn thấy rõ. Cho nên, chúng ta không nên cho rằng muôn vạn chúng sanh hiện tiền không có thiện căn. Tôi cảm thấy họ đã trồng thiện căn tương đối sâu dày, chính là những người không tin tưởng vào Phật giáo, người tín ngưỡng những tôn giáo khác, họ đều biết có vị gọi là “Phật”, vậy thì được rồi. “Phật” này gieo vào trong tâm của họ, vào trong ấn tượng, vĩnh viễn sẽ không phai mờ. Đến khi nào thì thành thục? Cũng có lẽ vô lượng kiếp sau mới gặp được Phật, thì họ sẽ được Phật thế độ xuất gia, rồi tu hành chứng quả dưới thời của Phật. Điều này rất có khả năng. Vì vậy tôi khuyên bảo đồng tu, chúng ta không cần phải lo ngại gì, không nên sợ tạo tội nghiệp, tôi thì thấy không có tội nghiệp, các vị in hình tượng Phật đăng lên các loại báo chí, đăng tải danh hiệu của Phật, danh hiệu của Bồ Tát, chữ càng to thì càng tốt, càng rõ càng tốt. Vì sao vậy? Khiến cho người xem vừa nhìn thấy thì mãi mãi thành hạt giống đạo. Có một số người băn khoăn: “Tôi mà in những điều này lên báo, người ta đem tờ báo xé nát rồi ném vào thùng rác, đây không phải là có tội rồi sao?”. Phải học “Địa Tượng Bồ Tát”, “ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục? Ta mà vào địa ngục thì biết bao nhiêu chúng sanh đã thành Phật”, rất đáng mà, cho nên không có do dự.

Tịnh Tông chúng ta có tổ thứ sáu là Đại Sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Trước khi chưa xuất gia, Ngài là một tài vụ cho Cục thuế quốc gia, là một viên chức nhỏ. Ngài trộm lấy tiền ở trong ngân khố nhà nước, đó thật sự là trộm cắp. Trộm cắp để làm gì? Để phóng sanh, thường xuyên trộm cắp, thường xuyên phóng sanh. Về sau bị người ta mật báo tố giác, bị xử tội tử hình. Khi tra xét hỏi có phải đã trộm tiền không, Ngài thừa nhận rất là thành thật: “Tôi đã trộm và trộm rất nhiều lần”. “Để làm gì vậy?”. “Phóng sanh. Thế là viên quan thẩm phán đem vụ án này gửi đến chỗ của hoàng đế. Hoàng đế xem qua cũng cảm thấy rất buồn cười, bèn dặn dò cứ chiếu theo pháp luật mà làm, phán quyết chém đầu tử hình, nhưng mà hoàng đế căn dặn quan giám trảm, nếu như ông bị trói ở ngoài pháp trường đến lúc phải chém đầu mà ông không hoảng sợ thì hãy đưa về để Ngài gặp mặt, còn nếu như ông sợ hãi hoảng hốt thì cứ việc giết đi là xong. Đại Sư Vĩnh Minh bị trói lại đem đến pháp trường, sắc mặt không thay đổi, một chút hoảng sợ cũng không có. Quan giám trảm hỏi ông: “Vì sao mà ông không sợ?”. Ngài nói với quan giám trảm: Tôi lấy một mạng này mà cứu được muôn ngàn mạng khác, xứng đáng mà”. Cho nên Ngài rất hoan hỷ, một chút hoảng sợ cũng không có. Hoàng đế triệu kiến, tha tội cho Ngài, hỏi Ngài muốn làm việc gì? Ngài muốn xuất gia, hoàng đế làm hộ pháp cho Ngài, về sau trở thành vị tổ thứ sáu trong Tịnh Độ Tông chúng ta. Vậy chúng ta ngày nay đăng một bức hình lớn của Phật A Di Đà ở trên báo, hay danh hiệu của Phật A Di Đà, có biết bao nhiêu là người đều xem thấy. Cho dù họ đem quăng vào đống rác hay bỏ xuống hầm xí, ta cũng không để ý. Bạn đã trồng thiện căn cho biết bao nhiêu người, bạn độ biết bao nhiêu người, bao gồm cả những người không tin vào Phật, những người hủy báng Phật, những người chống đối Phật, tất cả đều đã được trồng thiện căn, bạn đều đã độ tất cả họ.

Học Phật nhất định là phải khai trí tuệ, không nên chết cứng với những giới điều. Trong các giới điều là nói như vậy, không sai, tại vì sao? Đó là bạn có tâm ác ý, khinh thường, hủy báng hình tượng Phật, đây là có tội, còn chúng ta hiện nay dùng cái tâm không như vậy, chúng ta muốn lợi ích chúng sanh, là muốn giúp đỡ chúng sanh trồng hạt giống Phật vào trong A Lại Da Thức. Giới điều, thực tế nếu dùng lời hiện nay mà nói là vô cùng dân chủ, vô cùng mở cửa, vô cùng tự do, cho nên Ngài chế định ra giới điều, mỗi một giới cấm đều có khai duyên. Khai duyên chính là có thể khai mở ra, khai giới chứ không phải phá giới, không phải phạm giới. Chúng ta ngày nay đăng tải hình Phật ở trên báo chí tạp chí, đăng tải danh hiệu Phật Bồ Tát, đây là khai giới, không phải phạm giới, không phải phá giới. Nhất định phải hiểu cái đạo lý này. Tâm của chúng ta thuần túy là lợi ích cho chúng sanh, thuần túy là giúp đỡ tất cả chúng sanh, trồng hạt giống Phật Bồ Tát vào trong A Lại Da Thức. Họ trong đời này không thể thành tựu, đời sau kiếp sau họ có duyên với Phật, rộng kết thiện duyên.

Thậm chí là tôi cũng khuyến khích một số đồng tu, hiện tại các vị mặc chiếc áo thun, Singapore là vùng nhiệt đới, các vị xem một số thanh niên mặc áo, hình in phía trước và phía sau đều là yêu ma quỷ quái, nhìn thấy là giật mình. Chúng ta có thể in hình Phật A Di Đà lên áo thun, in lên chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, bạn đi một vòng ra chợ thì đã độ được rất nhiều rất nhiều người rồi. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, những việc này đều đã tạo ra nghiệp thiện không thể nghĩ bàn. Thường giữ gìn cái tâm này, lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Chư Phật Bồ Tát ứng hóa tại thế gian này có ba sự việc. Thiện căn đã thành thục rồi thì giúp đỡ họ thành tựu ngay trong đời này, thành tựu hiện tại chính là niệm Phật vãng sanh. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, họ sẽ thành Phật thành Bồ Tát, là thành tựu rồi. Thiện căn mà chưa thành thục thì giúp đỡ cho họ thành thục. Chúng ta hiện tại muốn mở Viện Phật học, muốn làm Trường đại học Phật giáo, áp dụng chế độ dạy học 9 năm, chính là giúp đỡ cho những người mà thiện căn chưa thành thục, giúp đỡ họ thành thục. Việc thứ ba là người không có thiện căn thì giúp đỡ họ trồng thiện căn. Cũng như những ví dụ mà tôi đã nói phía trước, đều là giúp đỡ tất cả chúng sanh trồng thiện căn. Đây là việc tốt, chư Phật Bồ Tát nhìn thấy thì đều hoan hỷ vậy thì có nghiệp tội gì chứ? Cho nên chúng ta làm những sự việc này quyết định là không có kiêng kỵ, không nên có hoài nghi, hãy cứ vui vẻ, chăm chỉ mà làm, đem Phật pháp mở rộng đến mọi tầng lớp. Bất luận là vào thời gian nào, ở tại đâu, đều là có ý nguyện muốn giúp đỡ chúng sanh, đây chính là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Chúng ta niệm niệm không quên làm từng giờ từng phút. Trên người chúng ta đeo vài xâu chuỗi niệm Phật, đem theo vài tấm hình Phật, gặp được người có duyên, họ hoan hỷ thì có thể tặng cho họ, kết duyên với họ, đem thời gian nơi chốn giảng Kinh của chúng ta giới thiệu cho họ, hoan nghênh họ đến nghe giảng.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng tới đây thôi.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 253)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 196


Hôm nayHôm nay : 48551

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1462529

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43706673

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.