Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Nguyện thứ hai: “BẤT ĐỌA ÁC THÚ NGUYỆN”
Kinh văn: “Sở hữu nhất thiết chúng sanh, dĩ cập Diệm-ma-la giới, tam ác đạo trung, lai sanh ngã sát, thọ ngã pháp hóa, tất thành A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề, bất phục canh đọa ác thú. Đắc thị nguyện, nãi tác Phật. Bất đắc thị nguyện, bất thủ vô thượng chánh giác”.
Đây là nguyện thứ hai, “Bất đọa ác thú nguyện”. Nguyện này là nối tiếp nguyện trước mà có. Đây là chỗ chân thật thù thắng trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong nguyện thứ nhất đã nói qua với quí vị là thế gian khổ nhất (đây là nói mười pháp giới) không gì bằng ác đạo. Ác đạo từ đâu mà có vậy? Từ ác nghiệp biến hiện ra. Đúng như Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Đây là tư tưởng vô cùng bất thiện biến hiện ra loại cảnh giới này. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác đạo, như vậy đã nói rõ là người của thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người nào là người ác. Phàm là sanh đến thế giới Cực Lạc đều cùng “Chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ”. Dù cho trong A-lại-da thức chủng tử tập khí ác vẫn chưa thể đoạn hết, nhưng thế giới Tây Phương Cực Lạc không có duyên ác, bất kể là môi trường nhân sự hay môi trường vật chất cũng đều tốt đẹp đến cực điểm; nhân ác không gặp được duyên ác thì không khởi hiện hành, đây là nguyên nhân đích thực của thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể không có ác đạo.
Phàm là người vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở chỗ này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, chúng ta cầu mong vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc không thể không biết, về thế giới Tây Phương Cực Lạc cần có điều kiện gì vậy? Cổ đức đã nói với chúng ta, nhất định phải đầy đủ ba điều kiện là tín, nguyện, hạnh. Ý nghĩa của ba chữ này rất sâu, rất rộng, chúng ta dứt khoát không được coi thường. Sao gọi là tín? Sao gọi là nguyện? Sao gọi là hạnh? Nếu như hỏi chi tiết như vậy, thì vấn đề đều được hỏi ra hết rồi.
Chúng ta có phải thật sự tin hay không? Trong “Yếu Giải Kinh A Di Đà”, Ngẫu Ích Đại sư nói với chúng ta tín có sáu loại. Nói sáu loại là giảm đến mức không thể giảm nữa. Sáu loại này đều ở trong kinh Vô Lượng Thọ.
Thứ nhất là tin chính mình. Mình có Phật tánh, mình hiện tại là Phật chưa thành, nên nhớ mình là Phật nhưng hiện tại vẫn chưa thành tựu, là Phật chưa thành tựu. Gọi là chưa thành tựu vì còn mang rất nhiều tập khí, phiền não, ác nghiệp, là một vị Phật như vậy. Đây là thân phận của chúng ta hiện nay.
Thứ hai, tin rằng Phật A Di Đà, Thích Ca Thế Tôn, các Ngài là Phật đã thành. Chưa thành, đã thành gom hết, chúng ta đều là Phật, điều này phải tin chắc. Không tin rằng mình là Phật, thì mình làm sao có thể làm Phật chứ? Tín tâm phải được xây dựng từ chỗ này.
Địa vị của Phật là gì vậy? Ở trong tất cả kinh luận Đại thừa đều nói rất hay: “Đạo sư trong tam giới”, mẫu mực của trời người. Cho nên, tấm gương tốt nhất, mẫu mực tốt nhất của tất cả chúng sanh trong mười pháp giới chính là chư Phật Như Lai. Chúng ta phải có tín tâm, chúng ta có thể làm được.
Tâm thanh tịnh là chân tâm của chúng ta, là bản tánh của chúng ta, trong đó vốn dĩ không có phiền não, không có chấp trước, không có phân biệt, không có vọng tưởng. Hiện nay có hay không vậy? Xin thưa với quí vị, hiện nay vẫn không có. Nếu như ở trong tự tánh thật sự có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đó không phải chân tánh, ở trong chân tánh nhất định không có. Chư Phật Như Lai từ trong tự tánh nhìn tất cả chúng sanh (tất cả chúng sanh là bao gồm tất cả con người, tất cả chúng sanh hữu tình, chúng sanh vô tình) đều là chư Phật Như Lai. Mắt Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Tại sao vậy? Thấy tánh, không chấp tướng. Chúng ta ngày nay mê rồi. Mê chỗ nào vậy? Chấp tướng không thấy tánh, hoàn toàn tương phản với Phật, Bồ Tát, cho nên gọi là điên đảo vọng tưởng. Chúng ta điên đảo rồi. Điên đảo chính là vọng tưởng, không điên đảo gọi là chánh niệm. Chư Phật Bồ Tát là chánh niệm, chúng ta là vọng tưởng. Chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, sáng tỏ tại sao có những tên gọi này.
Nguyện thứ hai và nguyện thứ nhất có gì khác biệt vậy? Khác biệt ở chỗ thế giới Tây Phương Cực Lạc không những không có ba đường ác, không những không có duyên ác, mà thậm chí là người từ “Diệm Ma La giới” đi vãng sanh. “Diệm Ma La giới” là nói địa ngục, là tầng thấp nhất ở trong lục đạo. Những chúng sanh trong địa ngục duyên chín muồi rồi cũng có thể vãng sanh. Thưa quí vị, Bồ Tát Địa Tạng độ chúng sanh trong địa ngục là độ loại chúng sanh nào vậy? Chúng ta phải hiểu rõ. Ở trong Phật pháp thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Chúng sanh không có duyên, Phật Bồ Tát độ không nổi. Phật độ chúng sanh cũng giống như ở thế gian này của chúng ta vậy. Phật Bồ Tát độ người ở trong thế gian này của chúng ta, người đó cũng phải có duyên với Ngài, không có duyên Ngài cũng không độ nổi. Không có duyên tức là không nghe theo lời chỉ dạy, không tin tưởng, đối với họ thì Phật Bồ Tát cũng đành chịu thôi. Độ chúng sanh ở trong địa ngục cũng như vậy. Xin thưa thêm với quí vị đồng tu, chúng sanh ở trong địa ngục, cơ hội được độ ít hơn so với nhân gian chúng ta. Bạn muốn hỏi đạo lý gì vậy? Phật đã từng nói ở trong kinh rằng: “Giàu có khó học đạo, nghèo cùng khó học đạo”. Người giàu có hằng ngày hưởng lạc, bạn bảo họ đến đây để nghe kinh niệm Phật, họ chịu không nổi, họ sẽ không đến. Người nghèo cùng mỗi ngày ba bữa ăn còn chẳng đủ no, bạn bảo họ đến đây để nghe kinh hai giờ đồng hồ, họ đứng ngồi không yên, họ suy nghĩ không biết ngày mai làm sao có cơm để ăn. Cho nên, cơ duyên được độ nhiều nhất là những gia đình bậc trung, đời sống tạm ổn, không quá giàu có, cũng không phải quá bần tiện. Quí vị thử nhìn thật kỹ người đến Phật đường chúng ta để nghe kinh, để niệm Phật, đều chẳng phải là những người này hay sao?
Dùng ví dụ này để xem lục đạo, cõi trời cũng giống như nhà giàu có, Phật độ chúng sanh ở cõi trời không dễ đâu! Người được độ rất ít. Độ chúng sanh ở ba đường ác cũng khó! Ba đường ác cũng giống như nhà bần tiện vậy, đặc biệt là địa ngục, khổ nạn quá nhiều rồi, rất khó quay đầu. Phật Bồ Tát gặp được họ, chỉ dạy cho họ, nhưng họ thật không dễ gì tiếp nhận. Ở trong ác đạo, những chúng sanh nào có thể được độ vậy? Thưa với quí vị, vẫn là người thiện căn phước đức sâu dày. Tôi muốn hỏi bạn, thiện căn phước đức sâu dày tại sao bị đọa địa ngục? Đọa địa ngục là nhất thời hồ đồ, sai chỉ một niệm, tạo nên ác nghiệp địa ngục, đã tạo nghiệp ngũ nghịch thập ác, nhưng thiện căn của họ quả thật rất dày. Người này đọa vào địa ngục, Bồ Tát Địa Tạng giúp họ tương đối dễ dàng thôi. Bồ Tát chỉ dạy, họ thật sự sám hối ngay, thật sự quay đầu, thật sự giác ngộ rồi, thì một niệm cũng có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Cho nên pháp môn Tịnh-độ thù thắng, không thể nghĩ bàn. Cửu giới chúng sanh, từ Bồ Tát cho đến tận địa ngục A Tỳ, chúng sanh chín pháp giới đều bình đẳng được độ. Pháp môn này hy hữu, tám mươi bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, khiến tất cả chúng sanh bình đẳng được độ. Ngoài pháp môn này ra không tìm được pháp môn thứ hai nào nữa. Chúng ta cần hiểu rõ sự thật này. Gặp được pháp môn này thật không dễ dàng. Gặp được nhất định phải nắm lấy cho thật chắc.
Khi nào chúng ta vãng sanh về thế giới Cực Lạc vậy? Càng sớm càng tốt, còn chờ đợi gì nữa chứ! Thế giới này quá khổ rồi! Thế nhưng vẫn xả không được, muốn chịu khổ thêm chút nữa, khổ vẫn chưa ngán hay sao? Vãng sanh càng sớm càng tốt. Nhất định phải dụng công, nhất định phải nỗ lực.
Đây là chỗ khác nhau giữa nguyện thứ hai và nguyện thứ nhất, chứng tỏ “Ngũ thừa bình đẳng tề nhập báo thổ”. Đây là câu mà ở trong kinh Phật thường hay nói. Chúng ta thuận theo ý của câu này, hay nói cách khác, chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng vãng sanh bất thối thành Phật. Cách nói này mọi người nhận thức sẽ càng rõ ràng hơn. Chín pháp giới bao gồm ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đều bình đẳng vãng sanh bất thối thành Phật. Nhưng nhất định nhân duyên phải đầy đủ. Nhân là thiện căn từ vô lượng kiếp, chỉ vì trong đời này nhất thời hồ đồ. Chữ “Nhất thời” này xin thưa với quí vị, không phải thường ngày, là khi sắp mạng chung nhất thời hồ đồ, một niệm cuối cùng vẫn là tham sân si, người này liền đọa ba đường ác. Có vãng sanh được hay không quyết định là ở một niệm sau cùng là có niệm A Di Đà Phật không. Một niệm sau cùng mà niệm A Di Đà Phật, thì người này chắc chắn được vãng sanh. Cho nên phàm là người vãng sanh, không có ai mà không đại thiện, đại phước; thiện phước mới được vãng sanh. Một niệm sau cùng niệm A Di Đà Phật là đại thiện, đại phước báo, họ đến thế giới Cực Lạc để làm Phật rồi.
Làm sao chúng ta có thể đảm bảo bản thân mình một niệm sau cùng là niệm Phật? Đây là vấn đề quan trọng nhất của chúng ta hiện nay. Chúng ta ở niệm Phật đường niệm ngày đêm không gián đoạn, tại sao vậy? Huấn luyện, luyện tập, hy vọng lúc sắp mạng chung có thể dùng được. Nhưng có rất nhiều sự thật cho chúng ta thấy, lúc sắp mạng chung bị bệnh ngặt, rơi vào hôn mê, không biết gì cả, thì làm thế nào? Đây là ngưỡng cửa nguy hiểm nhất. Con người ở trong tình trạng này, trợ niệm cũng không thể giúp được. Cho nên, không thể không có phước. Phước là thường ngày chúng ta phải tu tích, tích lũy công đức, đây là tu phước. Tích đức chính là giữ tâm tốt, niệm niệm lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội. Tích công, công chính là làm việc tốt, nói lời hay. Chúng ta ngày nay đề xướng bốn tốt. Phải làm cho thật nghiêm túc, thật nỗ lực, vì chúng sanh, không nên vì mình. Có sức thì toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác. Mong điều gì vậy? Chẳng mong điều gì cả, chỉ mong lúc sắp mạng chung tinh thần thật tỉnh táo, thật sáng suốt, không điên đảo, không mê hoặc, đây là đại phước báo. Vì bạn thật rõ ràng, thật sáng tỏ, mười pháp giới là do chính bạn lựa chọn, bạn có năng lực lựa chọn. Lúc này mà mê hoặc điên đảo thì bạn không có năng lực lựa chọn. Không có năng lực lựa chọn thì nhất định là tùy theo nghiệp chuyển, bị nghiệp lực của bạn lôi kéo đi, bản thân bạn không làm chủ được, người đó gọi là người không có phước báo. Lúc còn sống hưởng hết vinh hoa phú quý, phước báo của họ hưởng hết rồi, khi sắp đi không có phước báo. Chúng ta hiểu rõ những đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta ở trong một đời phải học đại thánh đại hiền, đời sống phải tiết kiệm, phải giản dị. Phước báo chúng ta tích lũy, lúc sắp lâm chung hãy hưởng thụ. Đây là nói rõ, đi đầu thai vào giới nào trong mười pháp giới là có thể tự mình chọn lựa. Tự mình lựa chọn sẽ quyết không lựa chọn đường ác. Đâu có người nào khờ như vậy? Nhất định lựa chọn nơi mà bản thân bạn thích đến. Nhưng ở trong đây có điều kiện, chúng ta cần phải chuẩn bị những điều kiện này. Những điều kiện này thường ngày phải tu tích. Bình thường người không biết tích lũy công đức, người chỉ biết ham mê hưởng thụ, không cần nói đến lúc sắp mạng chung, mà lúc về già phước báo đã hưởng hết rồi, đời sống về già vô cùng bần hàn, không có ai chăm nom. Thậm chí như chúng ta cũng thường nghe nói, có một số người già đã chết mấy ngày rồi hàng xóm mới phát hiện. Bạn thấy điều này đáng thương biết bao! Lúc sắp mạng chung bản thân biết rõ, không đau ốm, có bạn bè tốt, đồng tu tiễn đưa, trợ niệm giúp bạn, đây đích thực là đại phước báo. Sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều này trong kinh nói rất rõ ràng, những lời này chúng ta không được phép lơ là một chữ nào.
“Thọ Phật giáo hóa”, câu nói này rất quan trọng. “Thọ ngã pháp hóa”, “ngã” là Phật A Di Đà tự xưng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thù thắng cũng là ở một câu này. Phật A Di Đà vì người vãng sanh giảng kinh thuyết pháp xưa nay chưa từng gián đoạn, ở nơi đó sáu trần thuyết pháp. Không những chánh báo, Phật A Di Đà thị hiện đủ loại thân, mà Phật A Di Đà thậm chí còn biến hóa thành đủ loại chim mà bạn thích, hiện thành thân chim đến thuyết pháp cho bạn. Bạn ưa thích Khổng Tước thì Ngài hiện thân Khổng Tước, bạn ưa thích Hạc Trắng thì Ngài hiện thân Hạc Trắng, thảy đều là hóa thân của Phật A Di Đà. Ngay cả nước chảy dưới cầu ở thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng là hóa thân của Phật A Di Đà, không thể nghĩ bàn. Thuyết pháp không gián đoạn, chúng ta ở trong môi trường đó sẽ không còn thời gian mê hoặc lại nữa, bạn muốn mê cũng không có cơ hội. Những cái mà lục căn tiếp xúc đều là Phật đang thuyết pháp. Ý niệm chúng ta vừa khởi thì Phật liền giảng một hồi đạo lý lớn cho chúng ta, vừa nghe xong thì ý nghĩ đã biến mất rồi. Chúng ta thấy từ chỗ này, thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là trường học lớn của Phật A Di Đà, chúng ta đến đó để đi học, là lên lớp, tốt nghiệp rồi sẽ làm Phật, sự tình là như vậy. Nhìn đi nhìn lại vẫn là giảng kinh đứng đầu. Dĩ nhiên có nói đến tọa thiền, có nói đến kinh hành, niệm Phật, nhưng chiếm tỉ lệ không nhiều bằng giảng kinh thuyết pháp. Thế giới này hành giải tương ưng.
Câu phía dưới đây là nói thành tựu của họ: “Tất thành A-Nậu-Đa-La tam miệu tam Bồ Đề”. Câu này là câu mà người học Phật luôn mong cầu. Đây là thành tựu của học vị. Quả vị thì sao? Quả vị là học vị. Học vị là Phật Đà. Câu nói này là hoàn toàn dịch theo âm tiếng Phạn, không phải không dịch được. Thời xưa dịch kinh, ở trong quy tắc dịch kinh có năm loại không dịch, câu này là thuộc về “tôn trọng nên không dịch”. Ý nghĩa của nó là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. “A” dịch thành vô, “Nậu-đa-la” dịch thành thượng, “Tam” dịch thành chánh, “Miệu” dịch thành đẳng, chữ “Tam” dưới đây cũng là chánh, “Bồ Đề” dịch thành giác, A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh giác nói cách khác là không phải ảo giác, không phải tà giác. Phàm phu chúng ta, quả thật mà nói, cái giác của phàm phu là ảo giác. Có một số người tu hành ở trong lục đạo cũng có định công, cũng có trí tuệ, thần thông đức năng của họ người thông minh của thế gian chúng ta đều không thể so sánh. Những người này ở trong Phật pháp đều không thể gọi họ là chánh giác.
Tiêu chuẩn của “Chánh” là gì vậy? Kinh Phật có một tiêu chuẩn, tiêu chuẩn rất rõ ràng, phiền não chướng dứt hết rồi thì cái giác đó được gọi là chánh giác. Phiền não chưa dứt hết thì cái giác của bạn không chánh, ở trong cái giác này của bạn còn xen tạp phiền não trong đó. Sao gọi là phiền não? Còn có ngã chấp ở trong đó, nói hơi thô thiển một chút, vẫn còn ý nghĩ lợi ích riêng tư ở trong đó. Chỉ cần có ý nghĩ lợi ích riêng tư, có một ý nghĩ về cái tôi thì không phải chánh giác. Cho nên ở trong quá trình tu học Phật pháp, người chứng được quả A-la-hán mới được gọi là chánh giác. Tam quả dưới A-la-hán cũng không được gọi là chánh giác, họ còn phải đi trên con đường hướng về chánh giác, vẫn chưa đạt được chánh giác. Hướng lên trên nữa, phải đoạn hết phân biệt, đoạn hết trần sa phiền não (trần sa phiền não là phân biệt) thì liền gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác. Cách nói này, quả thật mà nói, vẫn là phương tiện mà thôi, nhưng cũng là sự thật. Tại sao vậy? Bồ Tát quyền giáo không phải Thanh Văn, Duyên Giác, họ đích thực là Bồ Tát, nhưng là Bồ Tát ở trong mười pháp giới. Nếu phá một phẩm vô minh thì liền kiến một phần tự tánh, kinh Phật cũng có nói chứng một phần pháp thân, đây mới là Chánh Đẳng Chánh Giác, danh phù hợp với thực. Bốn mươi mốt phẩm vô minh đoạn hết rồi thì mới gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là quả vị của Như Lai, Phật quả của Viên Giáo.
Mục đích cuối cùng của sự giáo hóa của Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là vô thượng chánh đẳng chánh giác, không giống chư Phật giáo hóa chúng sanh ở thế giới khác. Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa chúng sanh ở thế giới Ta Bà có chia thành ba giai đoạn là Chánh Giác, Chánh Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không chia thành ba giai đoạn. Theo như cách nói trong trường học hiện nay thì thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ có một lớp tiến sĩ, những lớp khác đều không có. Chúng ta ngày nay đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để đi học, Phàm Thánh Đồng Cư độ, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là lớp tiến sĩ. Tại sao vậy? Phật A Di Đà chỉ dạy chúng ta đều là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là chỗ thù thắng không gì sánh bằng của thế giới Tây Phương Cực Lạc, những thế giới khác không có. Chư Phật Như Lai ở thế giới khác lập trường học, có thể nói dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp tiến sĩ, dạy rất vất vả. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không như vậy, chỉ có lớp tiến sĩ, dưới nữa đều không làm. Việc làm này rất cừ khôi! Chúng sanh địa ngục, chúng sanh đường ác, chỉ cần được vãng sanh cũng là tham gia lớp tiến sĩ. Ở chỗ này phải đặc biệt ghi nhớ, chúng sanh đường ác vì một niệm sai lầm mà đọa đường ác, nhưng họ có thiện căn rất sâu dày. Sự việc này không nên nhìn thấy thật kỳ lạ, có thể là bản thân chúng ta nhất thời hồ đồ làm chuyện sai lầm nên đến địa ngục, vậy thì thật sự phải nương vào Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng đến chỉ dạy cho bạn, đánh thức bạn, khiến bạn giác ngộ, khiến bạn quay đầu là bạn được cứu rồi.
“Bất phục canh đọa ác thú”. Nếu như không phải vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, tu hành ở trong cõi nước chư Phật thông thường, chúng ta biết biên độ tiến lên thối xuống rất lớn, cũng tức là nói sẽ thối chuyển. Tại sao nói sẽ thối chuyển vậy? Tập khí ác của chúng ta chưa đoạn hết. Những điều này đều là sự thật. Ở trong đời sống thường ngày của chúng ta, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài vẫn còn khởi ý nghĩ bất thiện, điều này đã chứng minh ác nghiệp của chúng ta chưa hết. Ác nghiệp chưa hết, vào thời điểm này có thiện nghiệp chín muồi, có thể sanh về ba đường thiện. Nhưng phước báo, thọ mạng ở trong ba đường thiện cũng bằng không, cũng không phải chân thực. Điều này tất cả chúng sanh được mấy người hiểu thấu? Sinh vào trong ba đường thiện vẫn mong cầu phú quí, mong cầu trường thọ, vọng tưởng, tham dục một núi, do đó lại tạo ác nghiệp. Đây là vì hưởng phước mà lại tạo ác nghiệp. Cho nên, rất có khả năng họ lại đọa vào đường ác.
Ý nghĩa của câu này của Ngài rất sâu, sau khi sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, không những bạn sẽ không bị đọa đường ác, (phía trước đã nói rồi, vì không có duyên ác), mà những người của thế giới Tây Phương Cực Lạc này đời sống không gian hoạt động của họ thật là quá rộng, tận hư không khắp pháp giới là không gian sinh hoạt của họ. Chúng ta đọc thấy ở trong kinh, mỗi ngày hầu như lúc nào họ cũng đến mười phương thế giới để tham vấn chư Phật Như Lai, ở trong Kinh Di Đà nói mỗi ngày cúng dường mười vạn ức cõi Phật. Mười vạn ức cũng không phải là con số, nó đại biểu cho đại viên mãn. Mười là đơn vị của chữ số viên mãn, cộng thêm vạn ức là đại viên mãn. Tận hư không khắp pháp giới, chúng ta nói quá khứ, hiện tại, vị lai tất cả chư Phật, Bồ Tát, họ mỗi ngày đều đi cúng dường, hằng ngày gần gũi chư Phật Như Lai. Cúng dường Phật thì Phật nhất định vì họ thuyết pháp. Đến thế giới khác cúng dường Phật, nghe pháp cũng sẽ không đọa đường ác. Cái ý này sâu lắm, rộng lắm! Thế giới Tây Phương bảo đảm bạn sẽ không thoái chuyển, không còn đọa nữa, cho dù đến thế giới khác cũng sẽ không bị đọa nữa. Đây là sự thật không thể nghĩ bàn. Cho nên có một nhóm đồng tu nặng về tâm từ bi, mong muốn đời sau vẫn làm pháp sư, vẫn độ chúng sanh, không muốn vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta không thể không bái phục đối với loại người này, nhưng đời sau họ có được vừa ý thỏa lòng hay không? Quá khó nói! Đời sau mình làm chủ không nổi, nghiệp lực đang làm chủ. Không phải đời sau muốn làm người thì làm người, muốn làm pháp sư thì làm pháp sư, muốn làm vua thì làm vua. Nếu được vậy thì quá tốt rồi, thật đúng là vừa lòng hợp ý. Cái khó là khó ở chỗ gọi là “việc không như ý thường đến tám chín”, đủ thứ pháp ở thế gian này không như bạn tưởng tượng đâu! Bản thân hoàn toàn không thể làm chủ được, cũng không phải Phật Bồ Tát làm chủ cho chúng ta, cũng không phải Thượng Đế làm chủ, mà là nghiệp lực làm chủ. Nghiệp lực là chúng ta ở trong đời sống thường ngày khởi tâm động niệm, lời nói việc làm làm chủ tể. Phàm phu trong lục đạo không có người nào mà không bị nghiệp lực chi phối. Không bị nghiệp lực chi phối, ở trong lục đạo không có. Ở mức thấp nhất là pháp giới tứ thánh ở ngoài lục đạo, những người này quả thực chứng được chánh giác và đang tiến bước hướng về mục tiêu chánh đẳng chánh giác, có thể nói họ không bị trôi theo nghiệp lực, mà giống như nhà Phật thường nói: “Thừa nguyện tái lai”, họ có thể theo nguyện lực.
Nguyện lực và nghiệp lực khác nhau chỗ nào vậy? Khác nhau chỗ, nếu là người theo nguyện lực đến thọ sanh thì đúng như trong kinh Kim Cang đã nói là “ngoài không dính tướng, trong không động tâm”, đó là theo nguyện lực đến. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, trong kinh Kim Cang nói: “Không thủ nơi tướng, như như bất động”, người này mới là người đích thực thừa nguyện tái lai. Nếu như chúng ta thấy sắc, nghe tiếng còn có phân biệt, vẫn còn ý nghĩ sanh khởi thì là nghiệp lực, không phải nguyện lực. Hay nói cách khác, theo nguyện lực mà đến thì thật sự nhìn thấu rồi, thật sự buông xả rồi; còn nghiệp lực là chưa nhìn thấu, cũng chưa buông xả, đây là chỗ không giống nhau. Cho nên đoạn kinh văn này của Phật, chúng ta phải tham cứu thật tỉ mỉ.
Chúng ta phải có sự nhận thức tương đối sâu sắc về thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng phải biết mình hiện nay cần phải tu học như thế nào mới có thể phù hợp với điều kiện vãng sanh, có đủ tư cách vãng sanh. Điều này rất quan trọng. Chúng sanh trong đường ác, tuy trong đó có không ít người thiện căn phước đức sâu dày, nhưng duyên của đường ác rất xấu, có thể làm trổi dậy thiện căn phước đức của họ là rất khó khăn, thật không dễ dàng. Mặc dù được Phật lực gia trì, sự từ bi của Đại sĩ Địa Tạng, nhưng người thật sự có thể giác ngộ quay đầu thật là ít ở trong số ít. Tình trạng này chúng ta không khó nghĩ ra, tại sao vậy? Cõi người thông minh hơn ba đường ác rất nhiều, ở trong kinh Phật tán thán: “Chúng sanh trong lục đạo chỉ có cõi người là dễ giác ngộ”, dễ giác ngộ nhưng được mấy người giác ngộ? Dễ giác ngộ mà người giác ngộ ít như vậy, không dễ giác ngộ thì chúng ta tự nghĩ cũng biết rồi. Tôi nói lời này ý là gì vậy? Là sợ quí vị hiểu lầm, nghĩ đọa vào địa ngục không hề gì, còn có Phật, Bồ Tát, Bồ Tát Địa Tạng Vương vẫn có thể đến cứu tôi nên không sao cả, làm việc ác nhiều một chút, đọa địa ngục cũng không sợ. Như vậy là bạn sai rồi! Cho nên bạn phải biết rằng, cõi người là cõi dễ dàng được độ mà còn khó như vậy, thì ba đường ác mức độ khó đó so với cõi người không biết phải gấp bao nhiêu lần? Chúng ta dứt khoát không được có quan niệm sai lầm là đọa ba đường ác không sao cả, còn có Phật Bồ Tát đến cứu. Tuy Phật Bồ Tát đến, không sai, nhưng chưa hẳn bạn tiếp nhận được, chưa hẳn bạn chịu y giáo phụng hành, có thể thái độ của bạn đối với lời chỉ dạy của Phật Bồ Tát còn tệ hại hơn so với hiện nay, bạn làm sao có thể thành tựu? Những điều này đều là chân tướng sự thật. Chỉ có hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ chân tướng sự thật thì mới biết trân quí nhân duyên hiện tại, mới biết được duyên này giống như kệ khai kinh đã nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Chỉ có người nhận thức rõ ràng, người sáng tỏ mới biết nắm bắt thật chắc cơ duyên này, ở ngay trong một đời này quyết định thành tựu. Một đời này sinh đến thế gian cũng chỉ vì một sự việc này, những việc lớn nào khác cũng đều là vụn vặt tầm thường. Tại sao vậy? Đều là lục đạo luân hồi. Chỉ có đọc kinh, nghiên cứu giáo lý.
Chúng ta đọc kinh, chỉ đọc một bộ kinh Vô Lượng Thọ này, nghiên cứu giáo lý cũng chỉ một giáo lý này, không nên đọc quá nhiều, quá tạp. Quá nhiều quá tạp sẽ đánh mất đi cơ duyên này. Điểm này không thể không biết. Đồng tu chúng ta đang ngồi đây, mỗi vị từ vô lượng kiếp đến nay đã gieo trồng thiện căn phước đức vô cùng sâu dày. Trong đời quá khứ tại sao bạn không thành tựu vậy? Nhiều thứ quá, xen tạp quá nên bỏ lỡ mất việc vãng sanh này của chính mình. Đời này lại muốn nhiều thứ tiếp, xen tạp tiếp nữa thì chẳng phải lại bỏ lỡ mất nữa hay sao? Đừng làm như vậy nữa. Chuyên tinh, thâm nhập một môn. Nếu muốn học những kinh luận khác, học pháp môn khác, hãy đến thế giới Cực Lạc học tiếp, chư Phật Như Lai ở thế giới Cực Lạc đã mở ra vô lượng pháp môn. Chúng ta hiện nay việc đầu tiên là phải nghĩ cách về thế giới Cực Lạc, còn học pháp môn thì sau này hãy nói. Cho nên tôi dạy mọi người tứ hoằng thệ nguyện, hai nguyện trước là “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” hiện nay phải xong, hai nguyện sau là “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” đến thế giới Cực Lạc làm tiếp.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 105)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 179
Hôm nay : 50693
Tháng hiện tại : 503503
Tổng lượt truy cập : 57899921
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.