Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Học Phật vấn đáp - Pháp Sư Tịnh Không trả lời câu hỏi của các đồng tu

Học Phật vấn đáp - Pháp Sư Tịnh Không trả lời câu hỏi của các đồng tu (Tập 17)

Chủ nhật - 12/06/2022 06:53

Giảng đường Nhân Ái Hoà Bình

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP

Giảng ngày 02 tháng 05 năm 2008

HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA ĐỒNG TU TẠI HỒNG KÔNG – KỲ 95

Tại: Hiệp hội Giáo dục Phật Đà Hồng Kông.

TẬP 17
------------------------------

Các vị đồng học, xin mời ngồi.

Hôm nay có hơn ba mươi câu hỏi, trước hết là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc.

 Câu hỏi: Người học Phật có tranh chấp tài chính với nhau, liệu có thể kiện ra tòa không? Nếu không kiện ra tòa thì phải nên xử lý thế nào cho ổn thỏa ạ?

Giáo huấn của Đức Phật đối với chúng ta, điều đầu tiên chính là bố thí. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa thực sự của bố thí. Bố thí là buông xuống, bố thí là xả. Trong Kinh giáo nói với chúng ta, nhân của tài phú chính là bố thí. Người ở trong đời này vô cùng giàu có, là do trong đời quá khứ bố thí tài nhiều, người mà trong đời này thông minh trí huệ, là tu bố thí Pháp nhiều, người khỏe mạnh sống lâu là tu bố thí vô úy nhiều, không gì không phải là từ bố thí mà được. Bạn hiểu rõ đạo lý này thì khi gặp phải tranh chấp tài chính, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề ở phương diện tài chính, hoặc là có người khuyên bạn đầu tư, hoặc là vay tiền của bạn. Khi bạn cho họ vay tiền thì bạn phải nghĩ đến việc không hi vọng họ trả lại món tiền này, thì bạn sẽ lý đắc tâm an, bạn sẽ rất vui vẻ. Họ trả lại thì rất tốt, không trả lại thì cũng tốt, phải giữ được thái độ này. Thí xả! Trong mạng ta có tiền, có tài phú thì càng xả càng nhiều, cho nên nhất định không được vì tiền bạc mà xảy ra tranh chấp. Hiện nay, trong xã hội, tranh chấp tài chính là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, đệ tử Phật phải làm ra tấm gương tốt, đối với tiền tài thì phải nhìn được thấu, buông được xuống, như vậy thì tốt. Nhất định không kiện cáo, nhất định không đòi nợ người khác, chính mình có khó khăn đến mấy, có khổ đến mấy, cũng đừng làm ra những sự việc này. Ta tin tưởng nhân quả là: “Khổ hết thì lại ngọt bùi”, về sau nhất định sẽ có tài phú lớn hiện tiền, đừng nghĩ đến những thứ này, đây là Thí xả thật sự.

Câu hỏi: Gặp phải Trưởng bối mắc chứng mất trí nhớ ở người già, trong nhà thường hay đưa ra rất nhiều yêu cầu vô lý, lại làm ầm ĩ. Xin hỏi phận là con cháu thì phải nên giúp đỡ người già như thế nào ạ?

Việc này phải nhẫn nại, phải có trí huệ, phải hiểu rõ được tình trạng bệnh tình của người già, khi cần tùy thuận thì nên tùy thuận, khi không nên tùy thuận thì có thể dùng phương pháp xí gạt. Đây không gọi là vọng ngữ, không gọi là lừa dối, đây là một loại phương thức giúp bệnh nhân có thể an ổn. Nếu có thể đạt được mục đích này thì phương thức nào cũng có thể dùng, nói chung là phải giúp bệnh nhân có thể giảm bớt sự thống khổ. Phương pháp tốt nhất, nếu họ có thể tiếp nhận Phật pháp thì hãy để trong phòng bệnh của họ Phật hiệu không gián đoạn, treo ảnh Phật ở phía đối diện giường của họ, họ nằm ở đó, phía dưới chân treo một bức ảnh Phật, mắt họ vừa mở ra liền nhìn thấy. Kể cho họ nghe các câu chuyện về niệm Phật, niệm Phật được khỏi bệnh, niệm Phật được vãng sanh, đến Thế giới Cực Lạc làm Bồ Tát, làm Phật, kể cho họ nghe những câu chuyện này. Người xưa niệm Phật vãng sanh, hiện nay có rất nhiều người niệm Phật vãng sanh, cứ như vậy mà khuyên bảo họ.

Tình trạng như vậy thì liệu có liên quan gì đến nghiệp sát quá nặng khi còn trẻ không, hay là bị sự ô nhiễm của xã hội quá nhiều ạ?

Đúng là như vậy, đây là nói ra được nguyên nhân gây bệnh thực sự. Cho nên khi gặp phải người thân trong nhà có bệnh, xác thực là không được tạo nghiệp sát nữa, đương nhiên tốt nhất là ăn chay, đừng ăn thịt nữa. Niệm Phật, nghe Kinh, trong nhà thì kể cho người già một số câu chuyện về Hiếu Đễ Trung Tín, người già đều sẽ tiếp nhận.

Câu hỏi: Học Phật tinh tấn nhưng vẫn bị tai họa đột ngột mà chết, liệu có thuộc về oan gia trái chủ đòi nợ không ạ? Làm sao biết được tai họa đột ngột là thuộc về nghiệp nặng báo nhẹ hay là do học Phật làm thiện không như pháp, không thể cải tạo vận mệnh mà gây ra ạ?

Bạn muốn biết những việc thế này, bình thường phải đọc Kinh nhiều, nghe Kinh nhiều, hiểu rõ lý rồi thì khi gặp việc lập tức có thể thông tỏ, có thể thông đạt tỏ tường. Ngoài điều này ra, trong thời đại hiện nay, bất luận là ở trong nước hay ngoài nước, có rất nhiều nhà ngoại cảm, đúng là có nhà ngoại cảm truyền đến những tin tức này. Việc này phải dè chừng, phải rất cẩn thận. Vì sao vậy? Trong giới ngoại cảm thì có thiện, cũng có bất thiện. Người bất thiện, họ nghe nói bạn tin tưởng quỷ thần, họ sẽ lừa gạt bạn, họ dẫn dụ bạn đi theo tà đạo, sự việc này là thường có, không thể không dè chừng. Nhưng những gì nhà ngoại cảm đưa ra, người học Phật chân chánh chúng ta phải giữ một tâm cảm ân, họ nhắc nhở chúng ta. Phương pháp giải quyết vấn đề, nhất định là nương vào Kinh giáo, vậy thì nhất định không sai. Ví dụ họ hi vọng chúng ta dùng tâm chân thành để sám hối hồi hướng, chúng ta phải dùng tiêu chuẩn trong nhà Phật. Tâm chân thành trong nhà Phật là gì? Buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng tôi thường nói, bạn có thể buông xuống hết thảy chấp trước đối với thế xuất thế gian, không tính toán với người nữa, vậy thì thật sự vào cửa Phật rồi; đây là tâm chân thành; đạt đến mục tiêu sau cùng, đó là chứng quả A La Hán, ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” là Bồ Tát Thất Tín Vị. Lại có thể buông xuống được phân biệt, không những không chấp trước mà còn không còn phân biệt nữa, đó chính là pháp giới Bồ Tát, pháp giới Phật trong Tứ Thánh pháp giới. Lại có thể làm được không khởi tâm, không động niệm thì tâm Bồ Đề sẽ hiện tiền, chân tâm hiện tiền. Đứng đầu trong tâm Bồ Đề là chân thành, bạn sẽ hiểu được, không chấp trước thì được ít phần chân thành; không phân biệt thì nhiều phần chân thành; không khởi tâm không động niệm là chân thành viên mãn. Cho nên Phật có tiêu chuẩn, người thế gian chúng ta không có tiêu chuẩn. Chính mình cho là chân thành, điều đó không được, đó vẫn là ở trong vọng tưởng, vẫn là ở trong vô minh, phải dùng Phật pháp để giải quyết vấn đề. Đó là nói về tâm chân thành.

Còn về sám hối, thế nào gọi là sám hối? Biết lỗi lầm của mình, sau không tái phạm nữa thì gọi là sám hối. Đây là điều mà Lão sư đã dạy cho tôi khi tôi mới học Phật. Mỗi ngày ở trước mặt Phật Bồ Tát đọc văn sám hối, sau khi đọc xong vẫn làm y như cũ, đây không gọi là sám hối. Cho nên Lão sư nói với tôi là Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức. Hình thức không quan trọng, thực chất mới quan trọng. Có thực chất, không có hình thức, có thể siêu độ chúng sanh. Chúng tôi ở trong “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” của Pháp sư Đàm Hư xem thấy câu chuyện “Tám năm chịu lạnh bên song cửa đọc “Lăng Nghiêm””, câu chuyện đó đã nói rõ đó là thật chứ không phải giả. Có một cư sĩ họ Lưu, khi pháp sư Đàm Hư chưa xuất gia, cùng mở một tiệm Thuốc Bắc với ba người bạn, cư sĩ Lưu là một trong số đó. Ông đọc “Kinh Lăng Nghiêm” đã được tám năm, trong tám năm, ngày ngày đọc “Kinh Lăng Nghiêm” nên tâm ông thanh tịnh, đã gặp phải oan gia trái chủ đến tìm ông, cầu ông siêu độ. Ông nói cách siêu độ thế nào? Chỉ cần ông đồng ý là được rồi. Ông nói: “Được, tôi đồng ý”, nói xong thì đã nhìn thấy hồn quỷ này bước lên đầu gối, bước lên vai của ông mà thăng thiên. Đây là thật. Siêu độ thông thường chỉ có thể siêu độ đến cõi trời Đao Lợi, liệu có thể siêu độ đến Thế giới Cực Lạc không? Nếu họ là người niệm Phật, chân thật sám hối, nhất tâm hướng Phật, vậy có thể vãng sanh. Chúng tôi tin việc này. Không có thiện căn phước đức này, cho dù có nhân duyên cũng không được. Nhưng siêu sanh đến cõi Trời cõi Người, đây là điều rất bình thường, không đọa ba đường ác. Cho nên vãng sanh là Phước báo hi hữu không gì sánh được! Chúng ta phải nhận thức cho rõ ràng điều này.

Bạn nói xem chúng ta có thiện căn hay không? Không có Thiện căn thì bạn sẽ không gặp được. Gặp được rồi, chân tín chân nguyện. Thế nào gọi là chân tín chân nguyện? Buông xuống vạn duyên là chân tín chân nguyện. Ta có Tín có Nguyện, nhưng vẫn không buông xuống được duyên đời, đây không phải là chân tín chân nguyện. Cho nên rất nhiều người nói bạn học Phật là giả học Phật, bạn phát nguyện là nguyện giả, trong Tín Nguyện của bạn xen tạp tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, xen tạp tham sân si mạn, vậy thì không phải là chân. Không phải chân, không phải là nói bạn không có chút gì; bạn có Tín có Nguyện, nhưng những phiền não tập khí trong bạn đã phá hoại Tín Nguyện của bạn, Tín Nguyện của bạn không khởi tác dụng. Là đạo lý như vậy, luôn phải rõ ràng, phải thấu suốt.

Lấy tiểu chuẩn này mà xem thì có mấy người thật sự tin Phật? Chính chúng ta hãy bình lặng mà phản tỉnh một chút, ta có tin Phật không? Ta có phát nguyện không? Ta tín rồi, ta có nguyện rồi liệu có xen tạp không? Có xen tạp. Có xen tạp thì Tín Nguyện của chúng ta chưa phải là thuần chánh. Có thể vãng sanh không? Một chút cũng không nắm chắc được. Khi tôi còn trẻ vừa mới xuất gia, gặp một số Lão hòa thượng, Lão hòa thượng nói lời thật trước mặt chúng tôi, niệm Phật niệm mấy chục năm rồi, tám chín mươi tuổi còn chưa nắm chắc phần vãng sanh. Tôi nghe rồi rất kinh ngạc, hiện nay chúng tôi hiểu rõ rồi, vì sao chưa nắm chắc phần vãng sanh? Xen tạp, công phu không thuần, tín tâm không thanh tịnh, vấn đề phát sinh ở chỗ này. Cho nên phải hiểu là, quá khứ, hiện tại, vị lai nhất định phải tu tâm thanh tịnh, nhất định phải nghe Phật pháp nhiều, dần dần các đạo lý bạn đều hiểu rõ, nắm bắt được nguyên lý nguyên tắc, gặp phải sự việc thì tự nhiên sẽ thông tỏ.

Câu hỏi: Phải nên giúp đỡ những đồng tu học Phật này hành thiện như thế nào để họ xây dựng lại tín tâm chân thật?

Lời này khi chúng tôi giảng Kinh đã nói rất nhiều, bắt đầu làm từ chính mình, chính mình làm ra tấm gương cho người xem, người ta mới có thể sanh tín tâm; không làm ra được tấm gương tốt, bạn nói thì người ta không tin tưởng, bạn gạt tôi, chính bạn còn chưa làm được. Cho nên hết thảy phải bắt đầu làm từ tâm, chúng tôi gọi là làm từ tâm ta, thì có thể giúp cho thiện căn, phước đức, nhân duyên của rất nhiều người được chín muồi, hoặc chưa chín muồi thì sẽ chín muồi, thật sự giúp được họ. Họ nhìn thấy hình tượng của bạn, họ thật làm. Cho nên điều này trong Phật pháp gọi là trọng thực chất. Trong Tín Giải Hành Chứng thì xem trọng ở Hành Chứng, chúng ta có Hành, có Chứng cho người ta xem, vậy mới có thể độ chúng sanh. Đặc biệt là ở thời đại này, thời đại này nói khoa học, khoa học nói chứng cứ. Học Phật, ăn chay có chỗ nào tốt? Thân thể khỏe mạnh, tôi hơn tám mươi tuổi rồi, so với họ thì tướng mạo trông đẹp hơn, thân thể khỏe mạnh hơn, họ sẽ tin. Nếu bạn không có tấm gương cho họ xem, họ sẽ không tin tưởng. Khi ra đi thì rất tự tại, không sanh bệnh, bạn xem: đứng mà đi, ngồi mà đi, vậy là tin rồi. Cho nên người hiện nay tin tưởng chứng cứ, chính là bạn làm ra tấm gương cho người ta xem. Nếu tấm gương không tốt thì người ta càng không tin tưởng.

Điều này ở nước ta, không những là Phật pháp mà Nho Thích Đạo cũng không ngoại lệ. Dáng vẻ bên ngoài đầu tiên chính là thành kính, cung kính một cách chân thành. Trong “Đệ Tử Quy” dạy bạn chào cúi sâu chín mươi độ với người, đối với người lớn như vậy, đối với người nhỏ cũng là như vậy. Có cần thiết làm vậy với người nhỏ không? Đối với người nhỏ là dạy họ. Khi tôi ở Đài Trung, chính Lão sư Lý đã biểu diễn cho chúng tôi xem, khi Lão sư Ngài mở giảng tòa Đại Chuyên Phật Học, học trò đều là từ bên ngoài đến Đài Trung, đều là người trẻ tuổi, Ngài là bậc Tổ phụ. Nhưng đối xử với những học trò này, Ngài vẫn là cúi chào chín mươi độ, chúng tôi ở bên cạnh xem thấy. Đến sau này đã thấy rõ, là dạy những người trẻ tuổi này. Dạy thế nào? Chính mình làm gương. Chính mình không làm gương thì bạn dạy người ta, người ta không tin bạn; chính mình làm gương, không cần nói, người ta cũng cảm động. Học khiêm tốn, học tôn trọng người khác. Người trẻ đến Liên Xã, đến Thư viện Từ Quang, nhân viên làm việc chúng tôi ít, nhân viên làm việc pha bình trà để ở đó, Lão sư tự mình rót trà cho người, rót trà cho học trò. Bởi vì học trò hiện nay không biết, người trẻ tuổi không biết, nên phải dùng phương pháp như vậy để dạy, đây gọi là đại từ đại bi. Bậc trưởng bối lớn tuổi có đạo đức, có học vấn đều làm như thế, họ học được rồi, họ về nhà sẽ biết rót trà cho cha mẹ, biết cúi chào cha mẹ, biết lễ phép với Trưởng bối của họ. Dạy học thì phải làm từ chính mình.

Người xưa có một câu nói: “Điều mình không thích, chớ làm cho người”. Ta mong người khác đối với ta thế nào thì trước hết ta phải đối với người như thế. Đặc biệt là trong thời đại này, thời đại này đã lơ là đi giáo dục, ít nhất cũng đã lơ là ba đến bốn thế hệ rồi, căn bản là không biết lễ nữa. Lễ là nền tảng an định và hòa bình của xã hội, chúng ta khôi phục như thế nào? Phải từ chính mình làm gương. Chính mình phải nhún nhường trước, vậy mới có thể giúp đỡ xã hội khôi phục an định hòa bình.

Câu hỏi: Nếu người niệm Phật không đặc biệt hồi hướng cho oan gia trái chủ thì liệu có tạo thành chướng ngại vãng sanh không ạ?

Điều này rất khó nói, nếu oan gia trái chủ tìm bạn gây phiền phức thì sẽ tạo thành chướng ngại; họ không tìm bạn gây phiền phức thì chướng ngại này không có. Nhưng người học Phật chúng ta phải bồi dưỡng tâm Từ bi của chính mình, điểm này rất quan trọng. Người xưa nói Phật pháp, thế nào là Phật pháp? Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa. Bạn xem, đặt Từ bi ở số một. Từ bi chính là Bác ái. Đối với hết thảy chúng sanh đều có tâm thương xót, đều có tâm kính yêu, đây là tánh đức. Chúng ta ngày nay đối với người không có ý niệm này, đây là mê mất tự tánh, đây là phàm phu. Phật Bồ Tát giác ngộ rồi, người giác ngộ thì họ đối với người là một mảng Từ bi, không phân biệt đẳng cấp, là bình đẳng. Giống như Phật đã nói ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” là: “Hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật”, họ là bình đẳng. Thật đúng vốn dĩ là Phật, chỉ là mê ngộ khác biệt không như nhau. Chư Phật và Pháp thân Bồ Tát các Ngài giác ngộ rồi, phàm phu lục đạo còn mê, mê rồi nhưng vẫn là Phật. Trong mắt của Phật Bồ Tát nhìn họ thì họ là Phật, cho nên Phật Bồ Tát cung kính đối với phàm phu. Giống như tôi vừa mới đưa ra ví dụ, Lão sư Lý của chúng tôi cung kính với những học trò lớp Đại Chuyên, học trò lớp Đại Chuyên mê hoặc, họ không biết, nên Lão sư làm ra tấm gương cho họ xem. Tự tánh của họ vốn dĩ chính là như vậy. Bạn xem chúng tôi không những đối với những vãn bối này, đối với hàng hậu sanh như vậy, mà đối với ruồi muỗi kiến gián chúng tôi cũng chắp tay: Bồ tát Kiến, Bồ tát Gián, Bồ tát Chuột. Bạn xem đối với những loài vật này còn cung kính thì đối với người sao không cung kính chứ! Cho nên nếu cung kính với súc sanh mà không cung kính với người thì đây là xen tạp. Xen tạp điều gì? Xen tạp phân biệt, chấp trước của bạn trong đó, bạn không có cách gì làm được cung kính hết thảy, điều này thì phải học. Đối với oan gia trái chủ, phải thường hay nghĩ đến khi xưa tôi đã làm sai, hoặc cố ý hoặc vô ý có lỗi với các vị. Bây giờ hiểu rõ rồi, tôi xin sám hối, sau không tạo lại nữa. Đem công đức tu học của mình hồi hướng cho oan gia trái chủ, hi vọng oan gia trái chủ cùng học Phật, cùng niệm Phật với chúng ta, đồng sanh Cực Lạc Quốc, vậy tốt biết bao! Đến Thế giới Cực Lạc làm đồng tham đạo hữu tốt!

Câu hỏi: Cơ Đốc giáo và Thiên Chúa giáo ở quê nhà của Đệ tử phá hoại tượng Phật, vì vậy mà con đã tìm đến Cục Tôn Giáo, hi vọng Cục Tôn Giáo xem trọng, tăng cường quản lý, nói rõ Tôn giáo là một nhà, nên đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Xin Lão pháp sư chỉ điểm, con làm như vậy liệu có ổn thỏa viên mãn không ạ?

Phải nên làm như vậy. Những Tôn giáo này đều tốt, Chúa Giê-su của Cơ Đốc Giáo, Đức mẹ Maria của Thiên Chúa Giáo nhất định rất tôn kính Thích Ca Mâu Ni Phật. Rất thân thiện. Vì sao vậy? Các Ngài rõ lý. Còn những tín đồ này họ không rõ lý, có thành kiến, gọi là thành kiến cá nhân. Tôi giỏi, anh không bằng tôi, bên tôi là chân thần, các vị là ma quỷ. Đó là gì? Đó là tri kiến phàm phu, đó không phải là tri kiến của Chúa Giê-su, không phải là tri kiến của Đức Mẹ Maria. Chúng ta phải biết điều này. Cho nên nói chung phải tăng cường giáo dục, phải tăng cường dạy học. Bất luận là Tôn giáo nào thì cũng độ người thế gian, đều là quan tâm đến chúng sanh, đều là mong cầu xã hội an định, thế giới hòa bình. Không có tôn giáo nào nói đến tạo ra xã hội động loạn. Nếu bạn thù địch tôn giáo khác thì không phải là bạn đã gây ra đối lập, gây ra động loạn rồi sao? Điều này là hoàn toàn trái ngược với giáo nghĩa của các Ngài, đây không phải là tín đồ Cơ Đốc Giáo chân chánh, họ vẫn chưa lý giải được giáo nghĩa của Cơ Đốc Giáo. Hiện nay trong xã hội này, loại tình trạng giống như vậy rất nhiều, đúng là hi vọng Cục Tôn Giáo xem trọng vấn đề này, phải đề xướng giáo dục tôn giáo, giao lưu tôn giáo.

Câu hỏi: Gần đây Nhất Quán Đạo lấy danh nghĩa Phật Giáo bắt đầu lan truyền đến Mẫu Đơn Giang, xin Lão pháp sư từ bi khai thị sự khác biệt giữa Phật giáo và Nhất Quán Đạo ạ.

Sự khác biệt đơn giản nhất, Phật giáo nhất định nương vào Kinh điển, Kinh điển này nhất định phải có trong “Đại Tạng Kinh”. Kinh điển cũng có ngụy tạo, nếu không có trong “Đại Tạng Kinh” thì không đáng tin. Trong “Đại Tạng Kinh” có thì nhất định không có vấn đề gì, cho nên “Đại Tạng Kinh” là tiêu chuẩn thật sự của Phật pháp. Y theo Kinh Điển mà tu học, đây là Phật giáo chân chánh. Nếu không y theo Kinh điển mà tu học thì đó không phải là Phật giáo, chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng điều này. Trước đây rất nhiều người hỏi tôi, Pháp Luân Công có phải là Phật giáo không? Tôi nói tu học của Pháp Luân Công không phải là Kinh điển Phật giáo, vậy thì không phải là Phật giáo. Nếu họ đúng là y theo Phật giáo, Kinh điển Phật giáo rất nhiều, bất luận là y theo một bộ Kinh điển nào mà tu học thì đó đều là Phật giáo, là đệ tử của Phật, bạn cứ nhìn từ trên tiêu chuẩn này thì nhất định sẽ không sai.

Câu hỏi: Xin hỏi Đệ tử Phật trước khi vãng sanh mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát báo cho họ thời gian mà A Di Đà Phật tiếp dẫn vãng sanh, đây liệu có đại biểu cho việc chắc chắn vãng sanh không, phẩm vị như thế nào ạ?

Về vấn đề này, nếu bạn có thể nhớ rõ bạn mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát nói với họ thời gian ngày nào đó vãng sanh, xem họ đến ngày đó có thật vãng sanh hay không. Nếu là thật thì đúng, không sai; nếu là giả thì không đáng tin. Còn phẩm vị như thế nào thì hãy xem bình thường công phu niệm Phật sâu hay cạn, điều đó quyết định phẩm vị vãng sanh của họ. Nhưng mà người niệm Phật chân chánh, nếu thường để phẩm vị cao thấp ở trong tâm thì phẩm vị của họ nhất định không cao. Vì sao biết không cao? Tâm phân biệt chấp trước của họ rất nặng, chưa buông xuống. Nếu không để ý đến phẩm vị, căn bản không nghĩ đến vấn đề này thì phẩm vị của họ có thể rất cao. Vì sao vậy? Phân biệt chấp trước của họ không có nữa, cho nên phải hiểu lý. Đại sư Ngẫu Ích, Đại Sư Ngài là Tổ sư đời thứ chín của Tịnh Độ Tông, Lão pháp sư Ấn Quang vô cùng tán thán Ngài. Ngài thường nói với mọi người, Ngài cầu vãng sanh, thật cầu vãng sanh; đối với phẩm vị, hạ hạ phẩm vãng sanh ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư thì tôi cũng mãn nguyện rồi. Đây là làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta, đừng có phân biệt chấp trước thì phẩm vị của bạn sẽ cao. Có phân biệt chấp trước thì bạn vãng sanh ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư; không có chấp trước nữa thì bạn sanh ở cõi Phương Tiện Hữu Dư; không có phân biệt nữa, không khởi tâm không động niệm thì sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đặt nặng vấn đề phẩm vị như vậy, cho dù vãng sanh thì phẩm vị sẽ không cao, đây là điều chắc chắn chúng ta có thể lĩnh hội được.

Câu hỏi: Xin hỏi chúng xuất gia phát tâm học tập theo Lão pháp sư, trước hết có cần đến Trung Tâm Văn Hóa Thang Trì để học tập không ạ?

Vấn đề này là như thế này, ý niệm này của tôi, nguyên do khởi lên là vào năm 2006, sau khi thăm Đại học Luân Đôn, Cambridge ở nước Anh trở về, tôi cảm thấy sâu sắc rằng nền Hán học trên thế giới thiếu Lão sư giỏi, chuyên gia học giả thì không thiếu nhưng không thấy Thánh Nhân, Hiền Nhân. Học thuật truyền thống của chúng ta là giáo dục Thánh Hiền, mục đích dạy học là thành Thánh, thành Hiền, không phải là thành chuyên gia học giả. Cho nên trở về thì tôi nghĩ nếu chúng ta có cơ hội giúp một số người trẻ tuổi, họ có chí làm Thánh làm Hiền, chúng ta cần phải có nghĩa vụ giúp đỡ. Những người này đến đâu để học? Ban đầu tôi đã nghĩ đến, chúng tôi ở Trung tâm Thang Trì tuyển chọn những thầy cô có phẩm đức ưu tú, họ sẵn lòng làm Thánh làm Hiền, chúng tôi thành lập một học viện nhỏ để giúp đỡ họ. Mục đích, mục tiêu của chúng tôi là hi vọng họ ở Thang Trì dạy học ba năm, ba năm mọi người xem thấy đức hạnh của những người này, việc dạy học của những người này đều đáng được thán thán, họ có nguyện làm Khổng Tử, có nguyện làm Phật Bồ Tát, nên chúng tôi có nghĩa vụ phải toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ. Ý niệm này là khởi lên như vậy.

Đối với việc theo tôi học giảng Kinh, giảng Kinh không khó, bạn xem chúng tôi đã làm thí nghiệm ở Singapore, ba tháng là học được rồi, không khó chút nào. Mà khó nhất là ở đâu? Khó nhất là làm sao cắm xuống được bốn cái gốc, điều này chúng tôi không giúp được, điều này hoàn toàn là việc của bản thân mỗi người, Phật cũng không giúp được. Thật sự phải tự mình phát tâm, ta muốn làm Phật, ta muốn làm Bồ Tát thì bạn cần phải có bốn cái gốc này. Nhiều năm đến nay khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc được nhiều đồng học Phật tại gia không làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo, cũng nhiều đồng học xuất gia không làm được “Sa-Di Luật Nghi”. Phải y theo tiêu chuẩn của Phật pháp, không làm được Thập Thiện Nghiệp thì không phải là đệ tử tại gia, không làm được “Sa-Di Luật Nghi” thì không phải đệ tử xuất gia. Cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật đều không có đệ tử tại gia, xuất gia. Ai muốn thật sự phát tâm làm đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật thì phải làm được Thập Thiện Nghiệp. Vì sao không làm được Thập Thiện Nghiệp? Chúng tôi nghĩ đến người trước đây rất dễ làm được, người hiện nay không làm được, chính là không có giáo dục nền tảng, khiến chúng tôi liên tưởng đến ba cái gốc Nho Thích Đạo. Nho Thích Đạo ở nước ta là nền tảng của văn hóa truyền thống, tuy một mà ba, tuy ba mà một, trên hình thức có Nho Thích Đạo, trên thực tế thì nó hòa thành một thể. Hiện nay không nhìn thấy nữa, một trăm năm trước đây, Đạo Sĩ họ đọc Kinh Phật, họ đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, họ đều hiểu. Người học Nho, họ cũng đọc Kinh Phật, họ cũng đọc Lão Tử, Trang Tử. Pháp sư trong nhà Phật nhất định biết đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, “Lão Tử”, “Trang Tử” là khóa trình bắt buộc phải đọc, cho nên họ thông suốt. Cái gốc này rất sâu, nền tảng rất sâu dày, cho nên họ có thể thành tựu, có thể trở thành Đại Đức Tổ Sư một đời. Nếu ba cái gốc này mất hết thì đây là giả, không phải thật. Cho nên ngày nay Phật giáo đang suy, chúng ta nhất định phải tìm cho ra nhân tố suy vong là ở đâu, vì sao lại suy, suy ở đâu, chúng ta mới có phương pháp để cứu giúp.

Nếu nói ba cái gốc Nho Thích Đạo lỗi thời, đây là di sản của thời đại Phong kiến, hiện nay cần phải phế trừ nó, có rất nhiều người đề xướng quan điểm như vậy. Vậy chúng ta hãy xem hiệu quả, chúng tôi ở Thang Trì làm thí nghiệm chỉ có một cái gốc, không phải là ba cái gốc; một cái gốc này mà đã sinh ra hiệu quả, vậy thì bạn phải hiểu là hiệu quả của cả ba cái gốc lớn biết bao. Đây là nền tảng thật sự của xã hội an định, dân tộc hòa mục ở nước ta suốt năm ngàn năm qua, những thứ này không còn nữa thì xã hội liền động loạn. Dùng phương pháp gì để an định lòng người, để khôi phục hòa bình cho xã hội? Có thể tìm được một thứ như vậy để thay thế thì đương nhiên tốt rồi! Chúng tôi cầu còn không được. Không tìm được thì thí nghiệm những thứ của Tổ tiên xưa một chút, có hiệu quả, nó sinh ra tác dụng. Đích thân chúng tôi chính là thị hiện sống. Chúng tôi ở trong xã hội nhiều năm nay, không bị cuốn theo dòng chảy của xã hội là dựa vào điều gì? Chính là dựa vào cái gốc này. Cái gốc này đã sinh ra hiệu quả ở trên thân chính chúng tôi, cho nên chúng tôi làm thí nghiệm ở Thang Trì cũng đã sinh ra hiệu quả như vậy. Chứng minh đây là chân lý, chân lý vượt qua thời gian, vượt qua không gian, bất luận để ở nơi nào cũng làm được thông suốt, bất luận ở nơi nào cũng được người hoan nghênh. Hiện nay, đại biểu các nước của tổ chức UNESCO Liên Hợp Quốc còn muốn đến Thang Trì tham quan, muốn đến tận nơi để khảo sát, đây là sự việc tốt. Tôi nghe nói Chính phủ của chúng ta cũng đồng ý rồi, đây là một việc tốt. Hi vọng họ đến xem, hi vọng họ đem giáo dục Luân lý, Đạo đức, Nhân quả của văn hóa truyền thống đi tuyên dương trên toàn thế giới. Nếu thực sự có thể thực hiện thì chúng tôi tin là thế giới này có thể khôi phục an định hòa bình.

Câu hỏi: Gần đây bạn con mắc một loại bệnh kỳ lạ, tình trạng bệnh giống như heo bị giết, trong chớp mắt, tim như bị dao đâm, đưa vào bệnh viện thì họ trở lại bình thường. Người bạn này khi xưa là đồ tể giết heo, xin hỏi đây có phải thuộc về bệnh oan nghiệp không, phải nên hóa giải oán kết tương tự như thế nào ạ?

Đúng là báo của oán kết, người giết heo gặp sự việc này, người giết gà cũng thống khổ như vậy, đây đúng thật là oan nghiệp. Từ nay về sau không sát sinh nữa, không ăn thịt nữa, phải thật sự Sám hối. Khi xưa vô tri sát hại những chúng sanh này, nay phải giúp đỡ chúng, siêu độ cho chúng. Chúng ta ở trong cửa Phật lập bài vị cho chúng, mỗi ngày tụng Kinh niệm Phật hồi hướng cho chúng, hi vọng chúng không ôm oán hận này nữa. Khuyên bảo chúng là oan gia nên giải không nên kết, khi xưa tôi làm sai rồi, tôi xin lỗi các bạn, bây giờ chúng ta cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Dùng tâm chân thành thì có thể cảm động được đối phương; Tâm không chân thành mà trông chờ vào may mắn thì những oan gia trái chủ này của bạn sẽ không tha thứ cho bạn. Tâm chân thành có thể hóa giải.

Câu hỏi: Súc sanh chết rồi thì phải nên xử lý thế nào? Liệu có cần trợ niệm mười hai tiếng rồi mới có thể di chuyển không ạ?

Câu hỏi này của bạn rất hay, rất hiếm có. Súc sanh có lẽ là không cần thời gian dài như vậy, vì sao vậy? Con người chấp trước vào thân người rất nặng, tôi nghĩ thân súc sanh thông thường giảm một nửa là đủ rồi. Phật nói với chúng ta, con người sau khi chết thì ít nhất tám tiếng đồng hồ không được di chuyển, bởi vì thần thức của họ chưa đi. Chúng tôi nghĩ súc sanh thông thường, đặc biệt là động vật nhỏ, động vật càng nhỏ thì chúng đi càng nhanh. Như ruồi mỗi kiến gián, bò bay máy cựa, đối với những động vật nhỏ này, bạn nên niệm cho chúng mười phút, tối đa nửa giờ là đủ rồi. Nếu là trâu, dê, heo, chó, đối với những động vật lớn này thì bạn niệm cho chúng khoảng một tiếng đồng hồ cũng được rồi, không cần phải mười hai tiếng như vậy.

Câu hỏi: Quê hương của Đệ tử ở Bắc Lâm Hoàng Hà, mỗi tuần đều có phóng sanh, có mấy vấn đề xin Lão pháp sư chỉ dạy. Thứ nhất, hiện nay cá phóng sanh phần lớn đều là do con người nuôi, hơn nữa nước sông Hoàng Hà bị ô nhiễm, cũng không thích hợp để phóng sanh. Có cư sĩ nói đây không phải là phóng sanh mà là phóng tử. Nhưng cũng có người nói còn tốt hơn là bị người giết, còn có thể làm Tam Quy Y, rốt cục chúng con nên làm thế nào ạ?

Đây là điều mà trong Phật pháp nói là dụng tâm không như nhau. Nếu tâm chúng ta là thiện tâm thì trước khi phóng sanh làm Tam Quy cho chúng, niệm Phật cho chúng, khuyên chúng Quy Y Tam Bảo, khuyên chúng Quy Y A Di Đà Phật, cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nguyện chân thành cũng có thể khởi tác dụng cảm ứng đạo giao với chúng. Làm như vậy là chính xác, là tốt. Còn việc nước ô nhiễm, không thích hợp để thủy tộc sinh sống thì điều này phải suy nghĩ, bạn nên tìm nơi thích hợp để phóng sanh. Nếu thực sự không tìm được, vậy thì không có cách gì, cho nên việc phóng sanh của chúng ta hiện nay càng ngày càng khó khăn. Ở nước ngoài cũng không dễ, nước ở nước ngoài là nước sạch, họ không để cho bạn phóng sanh. Vì sao vậy? Bạn làm ô nhiễm nguồn nước. Chính phủ có lệnh cấm không được phép. Cho nên hiện nay chúng ta thay bằng một phương pháp. Chính là cố hết sức khuyên người hộ sanh, khuyên mọi người có tâm yêu thương, ăn chay. Ăn chay trường, không sát sanh, yêu thương bảo vệ chúng sanh, đây là việc tốt. Ủng hộ bạn bè làm trong ngành ăn uống mở nhiều quán chay, khuyên người ăn chay trường. Trong quán chay còn phát một số câu chuyện nhân quả, thậm chí những Kinh Phật đơn giản. Khi họ bước vào quán chay, cho họ một cơ duyên để họ có thể tiếp xúc với Phật pháp, đây đều là phương thức rất tốt. Ấn tống số lượng lớn các sách liên quan đến yêu thương bảo vệ động vật, như cuốn “Truyện Tranh Hộ Sanh” của Phong Tử Khải, chúng tôi đã in rất nhiều, đây đều khuyên người thế gian giác ngộ, không ăn thịt chúng sanh nữa.

Câu hỏi: Cá chạch có sức sống tương đối khỏe trong môi trường nước, dễ sống sót. Do vậy mọi người mua cá chạch để thả rất nhiều, kết quả khiến cho giá cá chạch tăng cao, người bắt cá chạch cũng tăng lên nhiều. Có người cho rằng phóng sanh dẫn đến càng nhiều sanh mạng bị bắt, đây là tổn hại sanh mạng, nhưng nếu chúng ta không mua phóng sanh thì chúng sẽ bị người giết, rốt cục nên làm thế nào ạ?

Điều này phải có trí huệ để xử lý. Phóng sanh là việc tốt, bạn đừng cố định thời gian, hôm nào đó tôi làm pháp hội, báo cho những người đánh bắt cá này là tôi sắp phóng sanh rồi, các vị hãy đi bắt cho nhiều. Đây không phải là phóng sanh, mà là sát sanh, đây là hại chúng sanh. Những người đánh bắt này hôm nay có việc làm ăn, họ dốc sức đi bắt nhiều hơn để kiếm thêm chút tiền, vậy là sai rồi. Phóng sanh là không định kỳ, cũng không phải là cố ý, Phật dạy chúng ta phóng sanh, bình thường bạn đi đến chợ mua rau, ngẫu nhiên phát hiện có một số động vật này đang sống, bạn tỉ mỉ quan sát, nếu chúng có thể tiếp tục sống thì bạn hãy mua chúng; nếu chúng bị thương, chúng sống không được bao lâu nữa thì bạn hãy niệm Tam Quy Y cho chúng, bạn hãy niệm Phật hồi hướng cho chúng. Vì sao vậy? Chúng không thể sống được nữa. Cho nên phải có trí huệ, nếu không thì sẽ biến thành điều như Cổ đức đã nói: “Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Bạn không có trí huệ, sự từ bi của bạn trái lại sẽ gây ra họa hại, khiến cho những người này đi bắt khắp nơi, vậy thì sai rồi. Khi có lễ hội ở Đền Chùa thì không nên phóng sanh, không nên làm trong Lễ hội ở Đền Chùa, vì sao vậy? Đây là nơi tập trung sự chú ý của những người bắt động vật này, các bạn thường hay phóng sanh vào dịp Lễ hội, chỉ cần họ nghe thấy ngày nào đó có lễ hội ở đền chùa, họ sẽ ra sức đến bắt. Đây là sai lầm. Phóng sanh tốt nhất vẫn là cử hành không định kỳ.

Câu hỏi: Có cư sĩ phóng sanh ở hồ chứa, người khác thì cho là nước tù nên dễ bị người ta đánh bắt, nên kiên trì đến sông Hoàng Hà phóng sanh. Ý kiến không nhất trí, phải nên làm thế nào ạ?

Hồ chứa, nói thật ra, pháp luật Trung Quốc thì tôi không biết, nhưng ở nước ngoài thì tuyệt đối không cho phép. Ở nước ngoài, phóng sanh ở hồ chứa là làm ô nhiễm nguồn nước, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Cho nên hiện nay phóng sanh càng ngày càng khó, chúng ta phải biết điều này. Cho nên khuyên người ăn chay là được, khuyên người nhất định không được sát sanh, nói nhiều với mọi người về Phật pháp, nói nhiều với mọi người về nhân quả, đây là một loại phương thức của chúng ta đối với việc hộ sanh trong xã hội hiện nay.

Câu hỏi: Tu hành ở đạo tràng thì phải nên như thế nào mới có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc nhanh nhất ạ?

Thật sự muốn nhanh nhất, Kinh Phật có lý luận này, lý luận này chính là buông xuống vạn duyên. Bạn thật sự buông được xuống, không những vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, mà bạn còn thành Phật, còn thù thắng hơn vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc! Bạn hãy xem Đại sư Lục Tổ Huệ Năng của thiền tông, chỉ sau một câu nói, Ngài đã có thể buông xả hết thảy vọng tưởng phân biệt chấp trước. Phàm phu thành Phật, theo lý luận mà nói chính là trong một niệm. Một niệm giác thì phàm phu thành Phật, tai nạn nào cũng không còn nữa. Vấn đề là bạn không giác, vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn chưa buông xuống, cầu nhanh chóng vãng sanh, có phải là đang bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm chủ hay không? Vậy thì bạn là tâm phàm phu, tâm luân hồi, không tương ưng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc, việc này không phải là bạn muốn đi là đi được, muốn thành tựu là thành tựu được. Ai nấy đều muốn đi, vì sao không đi được? Bạn phải hiểu lý. Cách nghĩ của bạn phải như lý như pháp, vậy thì đúng rồi; cách nghĩ của bạn không như lý, không như pháp thì suy nghĩ này là vọng tưởng.

Người căn tánh trung hạ, không đoạn được phiền não tập khí, không đoạn được thì mới dạy bạn: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Bạn thật chịu làm, đây là những trường hợp chúng ta nhìn thấy ở người xưa, chúng ta xem thấy ở trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, nhìn thấy trong “Vãng Sanh Truyện”, rất nhiều người niệm Phật đại khái là ba năm, họ thật sự vãng sanh, vãng sanh biết trước ngày giờ, đó là thật. Cho nên có rất nhiều đồng tu hỏi tôi, vậy thì thọ mạng của họ vừa đến ba năm thì đã hết rồi, điều này theo logic thì nói không thông, đâu có việc trùng hợp như vậy! Một người, hai người ngẫu nhiên thì còn có thể; nhiều người như vậy thì không thể nào. Vậy phải nên giải thích thế nào? Phải nên nói là ba năm, họ niệm đến công phu thành phiến, có thể niệm đến công phu thành phiến thì có thể tự tại vãng sanh. Tuy có tuổi thọ nhưng không cần nữa, tôi muốn đi sớm hơn, vậy mới có thể nói được thông. Giống như Oánh Kha thời nhà Tống, đúng là ông niệm Phật thành khẩn tinh tấn, không có tạp niệm, không có hoài nghi, không có tạp niệm, niệm niệm liên tục không ngừng, mặc dù chỉ niệm được ba ngày nhưng điều kiện niệm Phật ông có đủ, không hoài nghi, không xem tạp, không gián đoạn, ông niệm ba ngày thì A Di Đà Phật đến. A Di Đà Phật nói với ông: “Ông còn mười năm dương thọ, mười năm sau ta đến tiếp dẫn ông”. Nhưng Pháp sư Oánh Kha buông bỏ rồi, ông nói: “Con không cần mười năm dương thọ nữa, bây giờ con muốn đi với Ngài”. A Di Đà Phật cũng đồng ý, ba ngày sau đến tiếp dẫn ông. Ba ngày sau quả nhiên Phật đến tiếp dẫn ông đi, ông cũng không sanh bệnh. Đây là điều mà trên Kinh Phật nói, trong “Kinh A Di Đà” đã nói “hoặc một ngày đến bảy ngày”, ông là ba ngày. Cho nên chỉ cần bạn làm được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì đây là tịnh niệm tương tục mà Bồ Tát Đại Thế Chí đã nói. Bạn có nghi hoặc thì tâm của bạn không thanh tịnh, bạn có vọng niệm xen tạp ở trong đó, công phu của bạn bị phá hoại rồi, cho nên không thể thành tựu.

Học Phật nếu muốn thành tựu thì không có gì khác, nhất định phải buông xuống! Trong Kinh đã nói được rõ ràng đến như vậy, buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn vốn dĩ là Phật, không cần phải đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn đã thành Phật rồi. Là bởi vì chúng ta nói thật ra là không buông xuống được, nơi này không buông xuống được, chúng ta đến Thế giới Cực Lạc mới buông, là thay đổi hoàn cảnh. Vậy bạn đến Thế giới Cực Lạc thì mức độ thấp nhất phải buông xuống được một phần chấp trước, chấp trước quá nhiều, không buông xuống được, bạn có thể buông xuống ít phần là được rồi, đây gọi là Đới nghiệp vãng sanh. Vẫn còn chấp trước kiên cố đến như vậy thì không có cách nào. Chấp trước tạo thành lục đạo luân hồi, chấp trước kiên cố thì tạo thành tam đồ địa ngục. Vậy có chỗ nào tốt chứ? Việc này nhất định phải là tôi làm, không phải tôi thì không được, đây là tâm địa ngục, đó là ý niệm địa ngục. Tâm Bồ Tát không phải là như vậy, hết thảy chúng sanh đều là Phật, hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng. Ta làm được thì người khác cũng làm được, người khác có thể làm còn tốt hơn, họ tạo phước, ta hưởng phước, một người giác ngộ thì quá quý rồi. Cho nên hiểu rõ lý rồi thì vấn đề tự nhiên dễ giải quyết thôi; không hiểu rõ lý thì giải quyết vấn đề sẽ khó khăn.

Ở Đạo tràng, cố gắng phải nên vì Đạo tràng mà phục vụ, bởi vì trong “Kinh Di Đà” có câu nói: “Không thể lấy chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước đó”. Phục vụ ở Đạo tràng là tích lũy Công đức, Phước đức này làm tăng thượng duyên cho bạn. Đạo tràng không có những người tu phước này thì Phật pháp không thể tồn tại. Ví dụ nói các bạn đồng học hiện nay ở nơi đây đều muốn học Kinh giáo, nếu đạo tràng này không có người Hộ trì thì đạo tràng này sẽ giải tán, duyên này sẽ không còn nữa. Cho nên chúng ta phải xem trọng người Hộ trì đạo tràng, là vị thầy nương tựa của chúng ta, chúng ta nương vào họ, không có người nương tựa như vậy thì đúng là chúng ta không có cách gì thành tựu. Tôi là có Lão sư chỉ điểm, nhờ Lão sư chỉ đường, khi đi đường thì sự giúp đỡ chính là nương vào Hộ pháp. Cho nên tôi cảm tạ Quán trưởng Hàn Anh, bà hộ trì cho tôi ba mươi năm, tôi không phải lo lắng chút nào về hoàn cảnh sinh sống của tôi, vậy bạn mới có thể một lòng hướng đạo, mới có thành tựu. Không có hoàn cảnh này thì không có cách gì, bạn làm sao thành tựu được? Cho nên Đạo tràng này thật sự có người phát tâm đến hộ trì Đạo tràng này, cho dù chính họ không thành Phật được thì khi các bạn đều thành Phật rồi, bạn nói xem bạn có phải báo đáp ân của họ không? Bạn có phải giúp họ thành tựu không? Đây là đạo lý tất nhiên, đâu có Phật Bồ Tát nào là vong ân phụ nghĩa đâu! Cho nên họ nhất định cũng có thể thành tựu, người đồng tâm ấy, tâm đồng lý ấy, chúng ta hiểu được đạo lý này.

Phật pháp có thể trụ ở thế gian hay không, không phải là ở người giảng Kinh, mà là ở người Hộ pháp, cho nên công đức hộ pháp là lớn hàng đầu! Tự Viện Am Đường là trường học, Hộ pháp là Hiệu trưởng, là người chấp sự ở trong đó, người hoằng pháp chúng ta là học trò, từ học trò dần dần nâng lên đến thầy giáo, giáo viên. Giáo viên vẫn là cần nhà trường đến mời bạn thì bạn mới có cơ hội ở trong đây dạy học. Nếu nhà trường không mời bạn thì bạn là giáo viên giỏi cỡ nào cũng không có đất dụng võ. Bạn mới hiểu được, pháp trụ ở thế gian này thì công đức là của ai? Trước đây, Thích Ca Mâu Ni Phật giao công việc Hộ pháp cho Quốc vương Đại thần, họ có thế lực; giao cho cư sĩ trưởng giả đại đức, họ rõ lý. Cho nên bạn hãy xem Phật giáo, từ xưa đến nay ai hộ pháp? Quốc gia hộ pháp, Đế vương hộ pháp, cho nên pháp này mới có thể ở thế gian lâu dài. Không có những Hộ pháp này, Phật pháp đã diệt rồi. Cá nhân tu học đa phần đều biến thành học giả Phật học, Phật học gia, điều đó không liên quan gì đến liễu sanh tử, nó biến chất rồi, Phật pháp biến thành thế gian pháp rồi. Phải biết điều này.

Ngày nay Phật pháp ở thế gian này, đúng là đã đi đến bờ vực của sự sống còn, ai có thể cứu được thì Công đức này vô lượng vô biên, tuyệt đối không kém hơn Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa sáng lập ra Phật giáo. Người này chính là Phật Bồ Tát tái lai, không phải là người thông thường. Người thông thường không làm được, người thông thường có tự tư tự lợi, người thông thường có danh văn lợi dưỡng. Họ cái gì cũng là lấy tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng làm tiêu chuẩn để đo lường, vậy thì Phật pháp sẽ không hưng vượng. Phật Bồ Tát là vì chánh pháp trụ lâu dài, là vì kế thừa huệ mạng Phật, là vì cứu độ chúng sanh khổ nạn, dụng tâm đó hoàn toàn không giống nhau, không có một mảy may tư tâm, hơn nữa các Ngài có đại phước báo.

Bản thân tôi cả đời này, từ nhỏ khi chưa học Phật thì rất nhiều người xem tướng đoán mệnh đã nói với tôi, cả đời của tôi không có phước báo, đời trước không tu phước, trong ba loại bố thí thì không tu bố thí tài, không tu bố thí vô úy, không những không có phước báo, mà còn không có thọ mạng, là đoản mạng. May mà có một chút bố thí pháp, có một chút thông minh trí huệ, cho nên tiếp xúc với Phật pháp có thể lý giải, có thể tin, có thể giải. Lão sư dạy tôi bù đắp những thiếu sót trong quá khứ, dạy tôi phải nghiêm túc tu bố thí tài, tu bố thí vô úy, chính là tài, pháp, vô úy ba loại bố thí này phải nghiêm túc đi làm. Đúng vậy, chính mình cả đời này tu đến hơn bảy mươi tuổi, mới có được một đạo tràng, ở đây các vị biết là đạo tràng ở Úc Châu. Mặc dù Phật pháp không phải là khởi đầu ở Trung Quốc, nhưng Trung Quốc kế thừa, Ấn Độ không có kế thừa. Ngày nay ở trên toàn thế giới khi nói đến Phật pháp là Phật pháp ở Trung Quốc. Đạo tràng của chúng tôi là ở nước ngoài, chính mình tu hành thì không có vấn đề gì. Nếu muốn Phật pháp ở thế gian này phát dương quang đại, phổ độ chúng sanh, thì hoàn cảnh ở Trung Quốc thù thắng hơn nhiều so với hoàn cảnh ở nước ngoài, cho nên vẫn là nghĩ đến quay về Trung Quốc. Nếu duyên ở Trung Quốc không chín muồi thì chỉ nên ở Úc Châu, duyên ở Úc Châu là thật sự chín muồi rồi. Ở bên đó chính mình tu hành, dạy học đều không chướng ngại, chính phủ Úc hoan nghênh, quan hệ của chúng tôi vô cùng tốt. Ở Trung Quốc tôi biết mình không có phước, cho nên tôi không thể làm trụ trì, tôi không thể làm Hội trưởng hội Phật giáo, tôi quay về là thân phận bình dân, ở trong Chùa là thân phận thanh chúng. Cho nên phải nương vào đại chúng, phải nương vào Phương trượng, Trụ trì và những đại chúng chấp sự trong chùa hộ trì, họ không hộ trì thì tôi không có chỗ đứng, cả đời phiêu bạt, đến già vẫn là phiêu bạt. Tôi hiểu rất rõ về chính mình, cho nên những điều tôi nói, tôi biết bao nhiêu đều nói ra hết, vì sao vậy? Sợ sau này không có cơ hội. Đặc biệt là người tám mươi tuổi trở lên, các vị phải hiểu là lúc nào cũng có thể ra đi, đối với thế gian này không có một mảy may lưu luyến, lúc nào cũng có thể đi. Tôi tuyệt đối không nói tôi vẫn muốn sống bao nhiêu năm, không có sự việc này.

Tôi giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, nếu các bạn là người biết nghe thì mỗi buổi giảng tôi đều giảng viên mãn “Kinh Hoa Nghiêm”, vì sao vậy? Nói hết lòng hết dạ vì lợi ích đại chúng. Người biết nghe đúng là có thể làm tăng thượng duyên để họ khai ngộ; người không biết nghe thì trồng thiện căn. Cho nên điều quan trọng nhất với các đồng học, người thành công trong thế xuất thế gian không có gì khác, là nhận ra cơ duyên, nắm bắt lấy cơ duyên thì thành tựu. Sau khi đánh mất cơ duyên rồi thì lần tới gặp lại cũng không dễ dàng, không biết đến đời nào kiếp nào nữa. May mà trong nước đúng là có đại thiện tri thức, có người nhận biết cơ duyên, có người nắm được cơ duyên, chúng tôi tin là người như vậy ở nước ta càng ngày càng nhiều, cho nên đất nước có tiền đồ, có hi vọng. Rõ ràng nhất là chúng tôi ở Sơn Đông nhìn thấy, chúng tôi ở Thang Trì - Lô Giang, ở những nơi này lãnh đạo cũng vô cùng hiếm có, đạo tràng này phải nương vào các vị hộ trì, điều này quan trọng hơn bất cứ điều gì. Người lãnh đạo quan tâm chăm sóc bạn, chính bạn không nghiêm túc nỗ lực tu học, không như pháp, bạn không thể trách người khác.

Câu hỏi: Đệ tử mỗi ngày sớm tối đọc “Đệ Tử Quy” và niệm Phật, mỗi ngày nghe Giảng Tòa Nhân Sinh Hạnh Phúc hai tiếng đồng hồ, niệm Phật sáu tiếng đồng hồ, nhưng cảm thấy công phu không đắc lực, một chút nắm chắc về vãng sanh cũng không có. Tu hành như vậy có thể được không ạ? Có thể nhanh chóng vãng sanh không ạ?

Nếu bạn muốn nhanh chóng vãng sanh thì Hoàng Trung Xương là một tấm gương rất tốt. Là như thế nào? Bế quan, buông xuống vạn duyên. Bạn cũng tìm một thiện tri thức thật sự làm đại hộ pháp, hộ trì bạn bế quan, chăm sóc thật tốt cho bạn trong ba năm. Bạn ở trong quan phòng phải xác thực làm được, một câu Phật hiệu, một bộ “Kinh Di Đà”, vọng niệm nào cũng không có, một tấm lòng chính là cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chính là thân cận A Di Đà Phật, vậy thì không khác gì so với nhiều người cầu vãng sanh xưa nay. Hoàng Trung Xương niệm được hai năm mười tháng, vẫn còn hai tháng nữa mới tròn ba năm, anh ấy đã gặp được A Di Đà Phật rồi, biết trước ngày giờ, không bị bệnh mà đi. Điều này đã nói rõ người xưa dùng phương pháp này có hiệu quả, hiện nay như Pháp mà làm thì vẫn có hiệu quả. Nếu hằng thuận chúng sanh thì không cần gấp gáp như vậy, hết thảy tùy duyên, vậy trước hết bạn hãy cắm cho tốt ba cái gốc “Đệ Tử Quy”, “Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp”, sau đó ở trên một bộ Kinh mà nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, muốn cầu sanh Tịnh Độ, hoặc là bạn học giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, hoặc là bạn học giảng “Kinh A Di Đà”, một đời giảng một thứ, thì tâm được định. Định sanh huệ, đâu có đạo lý nào không vãng sanh chứ! Cứ cho là tuổi thọ của bạn hết rồi thì cũng sẽ kéo dài. Việc kéo dài này không phải là chính mình cầu, vì sao lại kéo dài? Kéo dài chính là bạn có duyên với chúng sanh ở nơi này, hi vọng bạn trụ thêm mấy năm nữa, mang theo một số người vãng sanh. Kéo dài là ý nghĩa này, không phải là cầu sống lâu. Cầu sống lâu nói thật ra là thọ tội thêm, chịu khổ thêm, vậy có gì ý nghĩa chứ? Sớm vãng sanh, sớm hưởng phước, Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có những thứ khổ sở như vậy! Cho nên đừng cầu sống lâu, cầu sống lâu là sai rồi, đó là tự nhiên, đó chính là cảm ứng. Chúng sanh có duyên thì còn có thể mang theo một số ra đi.  

Câu hỏi: Niệm Phật Đường ở nơi đệ tử ở khi mới bắt đầu có hai trăm người tinh tấn niệm Phật, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà hiện nay chỉ có mười người niệm Phật, chúng con mong được Lão pháp sư chỉ đạo, để noi gương Viễn Công Đại Sư thành tựu nhân duyên thù thắng niệm Phật vãng sanh ạ.

Thành tựu nhân duyên niệm Phật vãng sanh không phải ở vấn đề Niệm Phật Đường, mà là ở đâu? Là ở người thật sự phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Loại người này khó, không dễ, là Đệ tử Phật chân thật. Thời đó của Viễn Công Đại Sư, Phật pháp thù thắng, gặp được pháp môn này là vừa mới gặp, Kinh Luận Tịnh Độ chỉ có một loại được phiên dịch ra là “Kinh Vô Lượng Thọ”, còn “Kinh Di Đà” và “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” lúc đó còn chưa phiên dịch ra. Đại sư Huệ Viễn chính là y theo “Kinh Vô Lượng Thọ”, có một số người chí đồng đạo hợp như vậy, một trăm hai mươi ba người, mọi người xây dựng một niệm Phật đường để cùng nhau niệm Phật, nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ, không có ý niệm thứ hai. Một trăm hai mươi ba người thành tựu, quá thù thắng! Nơi này hiện nay là ở núi Lô, hiện nay gọi là Chùa Đông Lâm, lúc đó gọi là Niệm Phật đường Đông Lâm. Đây là nơi khởi nguồn của Tịnh Độ Tông. Thật sự có những người chí đồng đạo hợp này thì đạo tràng đó đúng thật là Lục Hòa Kính. Kiến Hòa Đồng Giải chính là được xây dựng từ trên “Kinh Vô Lượng Thọ”; Giới Hòa Đồng Tu chính là xây dựng ở chỗ không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, đây thuộc về Giới luật; Thân Đồng Trụ, Khẩu Vô Tranh, Ý Đồng Duyệt, Lợi Đồng Quân. Đạo tràng có sáu phép hòa kính này được chư Phật hộ niệm, Long Thiên Thiện Thần ủng hộ. Họ thật sự không ra khỏi suối Hổ, họ lấy suối Hổ làm biên giới. Ở đó có một con suối nhỏ gọi là suối Hổ, lấy đó làm biên giới, người của Niệm Phật Đường đó không ra khỏi suối Hổ. Hơn ba mươi năm không xuống núi, trong tâm của họ nghĩ gì? Trong tâm nghĩ A Di Đà Phật, nghĩ Thế giới Cực Lạc. Hiện nay chúng ta có thể tìm ra người này không? Hiện nay người niệm Phật còn có danh văn lợi dưỡng, còn có ngũ dục lục trần, thậm chí còn có địa vị, quyền lực, còn có ý niệm này thì khó rồi.

Cho nên chúng ta hãy bình lặng tỉ mỉ mà quan sát, duyên nói thật ra là không dễ dàng, thiện căn phước đức nhân duyên. Nhưng trước hết bạn phải có thiện căn, phước đức. Thiện căn là có thể tin, có thể giải; Phước đức là có thể hành, có thể chứng, chỉ cần trọn đủ thiện căn, phước đức này, thì duyên, tôi tin là Tam Bảo gia trì, sẽ không thiếu. Nếu không có thiện căn, phước đức thì Phật muốn gia trì cũng không được, không giúp được. Bạn có đủ điều kiện này thì Phật Bồ Tát có thể giúp đỡ bạn, cho nên chúng ta cầu Phật Bồ Tát, cầu cảm ứng là phải dùng tâm hạnh của chúng ta để cầu, phương pháp khác không cầu được. Chân tâm của chúng ta, chân hạnh của chúng ta, đến đúng lúc thì đạo tràng tự nhiên thành tựu, hộ pháp tự nhiên sẽ đến. Đây đều là thật. Dù chúng ta không có đạo tràng tốt, đạo tràng tu hành chân chánh, ở trong đó thân tâm bất an, hoặc là thường trụ đều làm không như pháp, nhưng tâm hạnh của chính chúng ta như pháp, ở trong đây rèn luyện tâm nhẫn nại, rèn luyện nhẫn nhục Ba la mật của chính mình. Đến khi bạn thật sự thành tựu nhẫn nhục Ba la mật rồi, tín giải thành tựu rồi thì Phật Bồ Tát sẽ đến đổi người, hoặc là có đạo tràng mới để đi, duyên đến cho bạn đổi đạo tràng, cho bạn đổi duyên, Phật Bồ Tát sắp xếp. Cho nên chúng ta đối với bất kỳ người nào chỉ có một câu nói, cung kính đến cùng, cảm ân đến cùng, vậy mới gọi là chân tu hành. Họ làm có không như pháp đi chăng nữa là để cho chúng ta tu nhẫn nhục Ba la mật, chúng ta ở trong đó nếu khởi một ý niệm bất thiện, khởi một ý niệm không vừa ý, tâm oán hận, thì Phật Bồ Tát sẽ không để ý đến chúng ta, vì sao vậy? Bạn không phải là người chân tu hành. Người chân tu hành nơi nơi đều có thể chịu được khảo nghiệm, thuận cảnh thì không được khởi một chút tham ái, có một chút niệm tham thì hỏng rồi. Nghịch cảnh thì không được sanh một chút sân khuể, hay nói cách khác, thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, ở trong đây tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, tu tâm chân thành, bạn là người chân tu hành, bạn mới có thành tựu!

Người chân tu hành thì đâu có ai mà không có đạo tràng? Một người thì Phật Bồ Tát giúp bạn, thành tựu cho một mình bạn; chúng đông thì sẽ có đạo tràng. Tôi học Phật nói thật ra đắc lực là nhờ câu nói của Lão sư nên tâm được định. Lão sư nói với tôi: “Cả đời con nếu con thật vì kế thừa huệ mạng của Phật, vì hoằng pháp lợi sanh, vì chánh pháp cửu trụ, thì cả đời của con hết thảy đều do Phật Bồ Tát chăm sóc cho con, bản thân con không cần phải lo lắng chút gì”. Tôi tiếp nhận, tôi hoàn toàn y giáo phụng hành, cho nên cả đời này của tôi, tôi biết đều là Phật Bồ Tát sắp xếp, thuận cảnh là Phật Bồ Tát sắp xếp, khảo nghiệm tôi, nghịch cảnh cũng là Phật Bồ Tát sắp xếp, tôi ở trong đây rèn luyện, rèn luyện đến khi Tham Sân Si Mạn Nghi thảy đều luyện mất hết, Tánh đức dần dần tăng trưởng, dần dần nâng lên. Muốn thành tựu người khác, trước hết phải thành tựu chính mình, chính mình không thể thành tựu thì không có chút mảy may giúp đỡ nào đối với người khác. Thời gian không đủ, tuổi thọ ngắn ngủi thì nó tự nhiên sẽ kéo dài. Tôi không cầu tuổi thọ. Việc kéo dài này, tôi rất cảm kích, vì sao vậy? Không có thời gian dài như vậy thì tôi không đến được cảnh giới này, nhờ thời gian kéo dài mà cảnh giới không ngừng nâng lên, vậy mới xứng đáng với Phật Bồ tát, xứng đáng với các thiện hữu hộ trì này.

Câu hỏi: Xin hỏi pháp bảo bên trong đạo tràng, như băng đĩa chẳng hạn, nếu thu tiền thì có như pháp không ạ?

Sự việc này, nếu là có tín chúng đưa ra một khoản tiền, hi vọng lưu thông những băng đĩa pháp bảo này, miễn phí cho tặng, thì chúng ta phải y giáo phụng hành, làm sai thì không gánh được nhân quả. Nếu là thường trụ, thường trụ chùa chiền chúng ta phát tâm làm những băng đĩa này để lưu thông, chúng ta muốn thu hồi lại tiền vốn thì có thể được, hoặc là tăng thêm một chút lợi nhuận cũng có thể. Vì sao vậy? Đây là thu nhập của thường trụ, đây đều là như pháp. Nếu thật có tín tâm thì thường trụ cũng không thu tiền, cũng hiểu là càng bố thí thì càng được nhiều, vậy thì càng tốt, đây là thật sự có hiệu quả.

Khi xưa tôi ở Singapore hơn ba năm, gần bốn năm giúp đỡ Cư Sĩ Lâm Singapore, chúng tôi đã làm một thí nghiệm, chính là cúng trai. Cúng trai này là hai mươi bốn giờ không gián đoạn, lúc nào đến bên đó đều có đồ ăn nóng. Món ăn không ít, đại khái có mười lăm món, tiệc buffet bạn tự mình chọn món. Buổi tối có bánh bao nóng, màn thầu, đậu nành, sữa bò, buổi tối cúng dường điểm tâm, hai mươi bốn giờ không gián đoạn. Hồi đầu Cư Sĩ Lâm lấy tiền ra để làm, làm chưa đến một tuần thì người bên ngoài đến tặng dầu, tặng gạo, tặng rau, cái gì cũng tặng, tặng đến mức bạn ăn không hết. Ăn không hết, các loại như rau củ, gạo mì, bạn không thể để lâu, để lâu thì sẽ bị hỏng, cho nên không có cách gì, chúng tôi lại đi tìm những Tôn giáo khác, họ xây các Viện dưỡng lão, xây Cô nhi viện, chúng tôi mỗi ngày dùng một chiếc xe tải nhỏ đem những đồ ăn dư thừa đi tặng khắp nơi, tôn giáo nào cũng đều kết duyên, càng thí thì càng có nhiều. Bữa cơm ở Cư Sĩ Lâm, mỗi ngày trung bình một ngàn người trở lên, ngày chủ nhật có ba, bốn ngàn người. Cho nên rất nhiều người thấy kỳ lạ, các vị lấy tiền ở đâu vậy? Không tốn một xu tiền nào, chỉ có đi vào, càng vào càng nhiều. Thí nghiệm này của chúng tôi, thí nghiệm cho điều mà Phật nói trong Kinh là càng bố thí thì càng được nhiều, lời này không sai chút nào. Không bố thí thì không có gì, càng thí thì càng được nhiều. Thí tài được tài phú, thí pháp được thông minh trí huệ, thí vô úy thì mạnh khỏe sống lâu. Đây là khi tôi vừa mới học Phật, Lão sư đã dạy tôi tu ba loại bố thí, bù đắp cho thiếu sót trong đời quá khứ. Đời này thật đúng là có được hiệu quả, điều đã nói trong Kinh không sai chút nào. Cho nên bạn có thể giúp đỡ người khác, đây là công đức vô lượng vô biên. Đặc biệt là bố thí pháp. Trong hết thảy bố thí thì bố thí pháp là đệ nhất, giúp người khác khai trí huệ. Cho nên tôi thường nghĩ đến rất nhiều người phía dưới chúng tôi, giảng đường của chúng tôi vẫn có ghế trống, người có duyên đều nên gọi họ đến nghe, đây là bố thí pháp. Quả báo tột cùng của bố thí pháp là thành Phật, cho nên có cơ hội dốc sức giúp đỡ người khác là việc tốt; có cơ hội mà chướng ngại người khác thì đây không phải là việc tốt. Chúng ta chướng ngại người khác, không cho người khác cơ hội, tương lai chính mình sẽ gặp phải chướng ngại. Gặp được nhân duyên thù thắng, cũng sẽ bị người khác chướng ngại, nghiệp nhân quả báo không mảy may sai lệch.

Câu hỏi: Xin hỏi siêu độ người quá vãng thì có phải mỗi vị đều phải viết sớ văn, hay là một sớ văn chung là được ạ?

Một sớ văn chung là được rồi. Đặc biệt là pháp hội lớn, vong linh siêu độ rất nhiều, một sớ văn chung là được rồi. Sớ văn riêng biệt đa phần là dùng cho người khi lâm chung, mời Pháp sư, Đạo sĩ đến nhà tụng Kinh siêu độ, đó là vì một người. Trong đạo tràng thì nhất định là rất nhiều người.

Câu hỏi: Thầy xuất gia không trì ngọ thì có phải là không thể truyền bát quan trai giới cho Cư sĩ không ạ?

Trong Kinh không có cách nói này, việc này phải nương theo Kinh điển làm y cứ. Nhưng hiện nay bạn phải hiểu là, hiện nay thời đại này, chúng tôi cũng nói rất nhiều, người tại gia không làm được “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, người xuất gia không làm được “Sa Di Luật Nghi”, cho nên Bát Quan Trai Giới cũng là hình thức, cũng rất khó thọ trì. Cho nên trong thời kỳ này, chư Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức vô cùng từ bi, chỉ dạy chúng ta một Pháp môn, thật thà niệm Phật, Công đức đó đã viên mãn rồi. Vấn đề là bạn có tin tưởng hay không. Tôi tin tưởng, một câu Phật hiệu là viên mãn công đức rồi. Phải hiểu đạo lý này. Trong thời đại này phải lựa chọn pháp dễ hành, chính là phương pháp dễ tu hành, dễ thành tựu, đơn giản, dễ dàng, ổn định, đáng tin cậy, vậy là đúng rồi.

Tiếp theo là nghi vấn liên quan đến đoàn trợ niệm, họ có không ít câu hỏi nhỏ.

Câu hỏi: Có đồng tu khi trợ niệm hoặc hỏa táng thì làm quán tưởng rõ ràng, quán tưởng nơi đến của người chết, kết quả của việc quán tưởng như vậy liệu có đáng tin không ạ?

Việc quán tưởng này tùy vào công phu của cá nhân, còn phải xem đến tình hình tu hành của chính người vãng sanh, nếu có thể tương ưng thì đó là thật; nếu không thể tương ưng thì không phải là thật. Ví dụ nói một người không tin Phật pháp, cũng không niệm Phật, tà tri tà kiến. Bạn là một người tu hành rất tốt, khi họ lâm chung, bạn có thể ở đó quán tưởng họ ngồi ở trên hoa sen vãng sanh Thế giới Cực Lạc, được không? Nếu nói là được thì chư Phật Bồ Tát đại từ đại bi, mỗi người chúng ta đều không cần niệm Phật nữa, đều không cần tin Phật nữa, đến lúc đó Phật Bồ Tát vừa quán tưởng cho chúng ta thì chúng ta đều thành tựu rồi. Điều này trên lý thì nói không thông. Có thể nói quán tưởng có chỗ tốt đối với bản thân bạn, đặc biệt là thiện niệm của bạn, có thể giúp cho bạn tăng trưởng thiện căn, đối với người mất thì không nhất định là có hiệu quả chân thật. Nếu người mất thật sự có công phu thì họ niệm Phật vãng sanh, bạn có quán tưởng đi nữa, bạn nhìn thấy được, đó không phải là do bạn quán tưởng mà thành, mà cảnh giới của họ bị bạn nhìn thấy, khi tâm của bạn thanh tịnh thì có thể nhìn thấy được. Phải hiểu những đạo lý này.

Câu hỏi: Bình thường Đệ tử y theo sự dạy dỗ của Lão pháp sư để tu học, nhưng khi trợ niệm cho người chết thì liệu có thể tham chiếu pháp cứu độ thân trung ấm của Mật Tông không ạ?

Nếu có người chỉ đạo thì có thể; nếu không có người chỉ đạo thì không cần, cứ dùng phương pháp của Tịnh Tông thì rất hiệu quả rồi. Đồng thời cũng làm ra một tấm gương “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, thật sự làm được không hoài nghi, không xen tạp.

Câu hỏi: Khi trợ niệm, không xuất hiện thoại tướng thì có phải là Phật không nhiếp thọ vong linh này phải không ạ?

Phật không có nhiếp thọ hay không nhiếp thọ. Nếu nói Phật còn có nhiếp thọ hay không nhiếp thọ thì vị Phật này là phàm phu. Vì sao vậy? Vì có phân biệt, có chấp trước, vậy thì nói không thông. Chúng sanh với Phật Bồ Tát chỉ là nói cảm ứng, chúng sanh có cảm, Phật có ứng; nhiếp thọ cũng là nói cảm ứng. Phật đến tiếp dẫn chúng sanh như thế nào, hoàn toàn là do niệm lực, nguyện lực của chính chúng sanh mà thành tựu. Không phải là ngoài tâm có một vị Phật đến tiếp dẫn, vậy thì sai rồi. Cho nên Di Đà đến là tự tánh Di Đà; Quán Âm đến là tự tánh Quán Âm, nơi bạn vãng sanh đến là duy tâm Tịnh Độ. Đây là chính xác. Ngoài tâm tánh mà thật có cõi Tịnh Độ khác thì đây là sai lầm, không có việc này. Cho nên phải nhớ là tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, bạn phải nhớ kỹ đây là thật.

Câu hỏi: Khi đệ tử ở tổ chức trợ niệm, chỉ cần có người thỉnh, bất luận người chết có học Phật hay không, chúng con đều đi, có khi trong một ngày có ba người đồng thời vãng sanh, chúng con không có cách gì sắp xếp trợ niệm cho toàn bộ, càng không thể đảm bảo chất lượng, làm thế nào để trợ niệm được viên mãn ạ? Xin Lão pháp sư khai thị.

Trợ niệm viên mãn thì phải nương vào tu hành của chính mình. Cho nên chính mình phải hiểu rõ được Kinh giáo của Tịnh Tông, phải hiểu lý, phải rõ sự, cũng phải biết phương pháp thì bạn mới có thể giúp được cho người mất. Mỗi đồng tu trong đoàn niệm Phật đều phải hiểu rõ, thật sự giúp cho người niệm Phật thì chính mình nhất định phải có niệm Phật đường, chính mình thường xuyên cùng nhau niệm Phật, khi có người tìm đến thì bạn giúp đỡ họ, vậy mới thật sự giúp được. Nếu không thì chỉ có hình thức, trên thực chất thì rất khó nói. Giống như bạn nói, chất lượng ở đây không đạt được lý tưởng. Tóm lại mà nói, vẫn là chính mình thật sự Tu hành thì mới có thể giúp được người khác. Nếu người vãng sanh tự mình thật sự niệm Phật cầu vãng sanh, họ cũng giúp được những người trợ niệm này. Vì sao vậy? Họ tự nhiên sẽ hiện ra thoại tướng, giúp người trợ niệm tăng trưởng tín tâm. Đây là đạo lý nhất định, cho nên phàm việc gì cũng là hỗ trợ lẫn nhau.

Câu hỏi: Tang lễ ở địa phương có một phong tục, người nhà của người mất phải tặng bao đỏ cho người tham gia tang lễ, nhiều thì ngàn đồng, ít thì trăm đồng, khiến cho gia đình người quá cố bị choáng ngợp. Con hi vọng kiến nghị Đệ tử Phật dẫn đầu, lấy tiền này làm công đức cho người mất, thay đổi loại phong khí này, hay là nên nhập gia tùy tục mới tốt ạ?

Đương nhiên thay đổi phong khí này là tốt, không nên tăng thêm gánh nặng cho người mất. Nếu họ rất giàu có, họ cũng muốn làm thì được; nếu họ cũng không giàu có gì, hoặc là phải vay mượn sống qua ngày thì càng không được, mà phải nên giúp đỡ họ. Đây là tùy theo cơ duyên mà quan sát, phải nên làm thế nào thì làm như thế đó.

Câu hỏi: Trong quá trình trợ niệm, có cần phải sái tịnh không? Làm trước khi dứt hơi thở hay là sau khi dứt hơi thở là lý tưởng nhất?

Sái tịnh là khi bạn đến địa điểm trợ niệm thì nên làm, càng đơn giản càng tốt, đừng làm phức tạp. Đây là tôn kính đối với địa điểm, cung kính đối với các chúng sanh vô hình ở nơi này, giúp người này vãng sanh, cũng phải hi vọng oan gia trái chủ của họ có thể hóa giải oán kết, cùng đến giúp họ, như vậy thì được.

Câu hỏi: Khai thị trong thời gian trợ niệm đối với bệnh nhân hoặc người mất không như nhau, khẩn cầu Lão pháp sư làm cho chúng con một quy phạm về nội dung khai thị để thuận tiện cho đồng tu tham khảo.

Khai thị này, Tổ sư xưa nay đã có quy củ, chúng ta không được lập nữa. Người mất, điều quan trọng nhất lúc này chính là không được khởi một vọng niệm, chỉ có một ý niệm, nhất tâm niệm A Di Đà Phật, cho nên không được có loại khai thị thứ hai. Lúc này mà nói khai thị là sai rồi, lúc này còn bảo họ nghe Kinh nữa cũng là sai. Lúc này một câu Phật hiệu là quan trọng, một niệm sau cùng là Phật hiệu thì nhất định vãng sanh. Cho nên Phật pháp nói mười niệm, một niệm, trong bốn mươi tám nguyện nói mười niệm, một niệm đều nhất định được vãng sanh. Có thể vãng sanh hay không là ở một niệm sau cùng, cho nên phải quan tâm đến một niệm sau cùng của họ, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, không được có niệm thứ hai. Khi nào thì nói khai thị? Là khi họ thấy điều gì đó rồi nói với bạn, tôi nhìn thấy người nào đó trước cửa, nói ra đều là người đã chết, đều là người trong quá khứ, người nhà của họ nói tôi nhìn thấy người nào đó rồi. Lúc này thì nói “hãy niệm A Di Đà Phật, đừng để ý đến họ”, chỉ một câu như vậy. Đây là một câu khai thị tốt nhất cho người lâm chung. Cảnh giới nào hiện tiền cũng đừng để ý, họ nhìn thấy Bồ Tát Địa Tạng, họ nhìn thấy Bồ Tát Di Lặc, nhìn thấy Thích Ca Mâu Ni Phật, đừng để ý đến, A Di Đà Phật đến thì đi theo Ngài, nhìn thấy Phật Bồ Tát nào cũng đừng để ý. Đây là khai thị quan trọng. Cho nên nói, không được có một lời vô nghĩa, không được có một câu xen tạp, vậy mới quan trọng! Đây không phải là lúc giảng Kinh, giảng khai thị!

 Câu hỏi: Khi trợ niệm, có một số Cư sĩ thích niệm thầm, niệm như vậy thì người chết liệu có thể có được lợi ích chân thật không ạ? Bình thường khi niệm Phật thì niệm thầm, niệm ra tiếng, lợi ích khác nhau thế nào?

Khi niệm thầm thì Quỷ thần biết. Khi niệm ra tiếng thì không những độ người chết, mà còn độ một số chúng sanh có thể nghe thấy bạn, nghe thấy âm thanh, ngay cả loài bò bay máy cựa bên cạnh đều có lợi ích. Đây là việc tốt. Cho nên niệm Phật ra tiếng tốt hơn niệm thầm, đạo lý là ở chỗ này. Nhưng xã hội hiện nay dân số quá đông, nhà ở trong thành phố là căn hộ chung cư, chúng ta lớn tiếng như vậy thì sẽ làm ồn nhà bên cạnh. Ở nước ngoài, luật pháp của họ không cho phép quấy nhiễu hàng xóm, bạn ở đó ồn ào, họ có thể báo cảnh sát, cảnh sát sẽ đến nhắc nhở bạn, điều này sẽ có ảnh hưởng đối với chúng ta khi trợ niệm. Ở trong hoàn cảnh này, khi trợ niệm thì có thể nhỏ tiếng một chút, vẫn là có âm thanh nhưng âm thanh nhỏ một chút, không quấy nhiễu hàng xóm, lấy điều này làm nguyên tắc. Niệm nhỏ tiếng, kim cang trì, kim cang trì là miệng động mà không phát âm thanh, đây đều là phải xem hoàn cảnh lúc đó. Nói chung, niệm ra tiếng là tốt nhất. Hiện nay cũng có rất nhiều người khi lâm chung ở trong bệnh viện, trong bệnh viện niệm Phật cũng giữ âm thanh ở mức thấp, không được quấy nhiễu phòng bệnh kế bên, đây đều là việc cần phải cân nhắc.

Câu hỏi: Hình thức đưa tang và chôn cất người mất, đơn giản tốt hay phức tạp tốt hơn ạ? Đơn giản hay phức tạp liệu có như pháp, có ảnh hưởng gì đến việc vãng sanh không ạ?

Điều này phải tùy tục. Phong tục tập quán ở mỗi địa phương không như nhau, yêu cầu của người nhà của họ cũng không như nhau, cứ hết sức tùy thuận. Người mất đến khi động quan, nếu họ thật sự niệm Phật vãng sanh thì họ đã sớm đi rồi, việc này không liên quan đến họ, đây là việc của người sau. Cho nên người xuất gia, người học Phật chân chánh không muốn làm phiền người khác, càng đơn giản càng tốt, thậm chí tro hỏa táng cũng không lưu lại, rải xuống sông, rải xuống biển, rải ra không trung, đều có rất nhiều phương thức như vậy, những điều này không ảnh hưởng đến người chân thật vãng sanh.

Câu hỏi: Ý nghĩa siêu độ là gì? Người có thoại tướng, cứ cho là đã vãng sanh, sau này còn phải lập bài vị siêu độ cho họ nữa không ạ?

Có thoại tướng chưa chắc đã vãng sanh, nhưng có thoại tướng thì chắc chắn họ không đọa ba đường ác. Đọa ba đường ác thì tuyệt đối không có thoại tướng. Cho nên có thoại tướng thì ít nhất họ lại đầu thai đến nhân gian. Họ đầu thai đến nhân gian, nhất định là thù thắng hơn đời này, phước báo càng lớn, cho nên họ có thoại tướng. Còn sanh lên trời thì thoại tướng không khác nhiều so với vãng sanh, cho nên nói có thoại tướng nhất định là đi đến nơi tốt lành.

Còn việc lập bài vị, sau này có lập bài vị thì đó là kỷ niệm của người sau đối với họ. Có hiệu quả hay không? Cổ đại đức nói là có, tăng cao phẩm vị cho họ. Nhưng liệu có thể thật giúp cho họ tăng cao được không? Chính bạn là người siêu độ, thật có tu hành, chúng tôi tin là phẩm vị có thể thật sự được nâng lên, bạn nâng cao, nước nâng thuyền lên cao, bạn cao thì họ sẽ càng hướng thượng. Điều này trên lý nói được thông. Điều quan trọng hơn chính là đề xướng hiếu đạo, đây mới là quan trọng, cho nên thận chung truy viễn, đây là nói cúng tế. Hiệu quả là gì? Dân đức quy hậu, khiến cho người dân địa phương này đều biết nghĩ về cha mẹ, hiếu kính cha mẹ hiện tiền, tôn trọng người già, nó có hiệu quả này. Khi thật sự vãng sanh rồi thì vẫn phải làm, đạo lý là ở chỗ này.

Câu hỏi: Có đồng tu cho rằng chỉ cần ráng cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn thì cũng sẽ vãng sanh. Cách nghĩ này có đúng không ạ?

Cách nghĩ này không đúng. Bạn ráng cầu mãi thì Ngài có đáp ứng không? Ví dụ con của bạn lên trường đi học, thi cử không đạt, bạn ráng cầu Hiệu trưởng thì nhà trường có thể đồng ý không? Nếu khi dùng phương pháp này mà Ngài đồng ý thì chúng ta thảy đều không cần niệm Phật nữa, chúng ta ép A Di Đà Phật, con không thể không đi, không đi thì Ngài không từ bi, con sẽ gây đủ loại áp lực cho Ngài, vậy được không? Những áp lực này đến sau cùng đều ép đến A Tỳ Địa Ngục. A Di Đà Phật không có ở Địa ngục, chính mình đi đến Địa ngục. Làm sao có thể dùng loại tâm thái này để đối với với Phật Bồ Tát được! Vậy thì chắc chắn bạn không đi được, nơi bạn đi chính là phương hướng ngược lại. Cho nên phải nghĩ rằng điều này không thuận nhân tình! Ở nhân gian người ta còn không tiếp nhận, Phật Bồ Tát làm sao tiếp nhận đây? Đâu có đạo lý này chứ, cho rằng Phật Bồ Tát dễ bắt nạt vậy ư, vậy thì sai rồi.

Câu hỏi: Có người cho rằng thoại tướng là do trong tâm ý thức của chính người niệm Phật biến hiện ra, vì sao có người có thể nhìn thấy, có người không nhìn thấy?

Có thể nhìn thấy hay không thể nhìn thấy là duyên phận. Trong duyên phận nói ra thì rất phức tạp, không phải là đơn giản, trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, bất kỳ pháp nào cũng trọn đủ vô lượng nhân duyên. Vậy thì có thể nhìn thấy, nói chung là có mấy phần tương ưng, không thể nhìn thấy là do công phu của chính chúng ta vẫn chưa thể tương ưng với hiện tướng này. Không thể không biết về lý, nếu là từ tâm ý thức biến hiện ra thì đây là chính xác. Đâu có pháp nào không phải là do tâm ý thức biến hiện ra, hết thảy pháp đều không lìa khỏi tâm ý thức.

Câu hỏi: Hiện nay tai nạn trên thế giới nghiêm trọng như vậy, vì sao giữa các tôn giáo không thể đoàn kết hòa mục chung sống với nhau để hóa giải tai nạn và cứu vãn lòng người? Khẩn xin lão Pháp sư từ bi khai thị ạ.

Sự việc này, trong những năm gần đây chúng tôi đều đang nghiêm túc nỗ lực đi làm. Năm 2006 trong sự kiện tại Paris, chúng tôi mời chín tôn giáo của Singapore, ở Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc cầu nguyện vì thế giới hòa bình. Đây là một khởi đầu rất tốt. Cho nên bản thân chúng ta phải nỗ lực, chính mình phải đi làm.

Câu hỏi: Trong Sớ văn của Tam Thời Hệ Niệm có đoạn “Đại Viên Mãn Giác, ứng tích Tây Càn, Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, là ý nghĩa gì ạ?

Trong lúc giảng giải về Phật sự Tam Thời Hệ Niệm này tôi đã từng nói rất tỉ mỉ, Đại Viên Mãn Giác chính là nói Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật là Đại Viên Mãn; chúng ta gọi Bồ Tát là Viên Mãn Giác, gọi Phật là Đại Viên Mãn Giác. Ứng tích Tây Càn chính là Ngài ứng hóa ở Ấn Độ. Ấn Độ là ở phía Tây Trung Quốc. Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới đều là tán thán Phật, tâm của Phật, tâm lượng của Phật đúng là trọn hư không trùm pháp giới, chu biến hằng sa thế giới, đây là chân tánh của chính chúng ta, bổn tánh của chính chúng ta. Hiện nay tâm lượng biến thành nhỏ bé như vậy, mê mất đi tâm tánh của chính mình nên mới biến thành nhỏ như vậy. Biến thành nhỏ thì liền có tai nạn, nếu có thể khôi phục được thì tai nạn nào cũng không còn. Cho nên nhất định phải biết tâm tánh của chúng ta không khác so với của chư Phật Như Lai, hiện nay biến thành hình dạng như vậy thì đó là tội lỗi, chính là sai lầm. Học Phật không có gì khác, là khôi phục lại tự tánh mà thôi. Chỉ có khôi phục lại tự tánh thì mới có thể giải quyết được vấn đề của chính mình, giải quyết được tất cả vấn đề của chúng sanh.

Được rồi, hôm nay đã hết giờ rồi. Chúng tôi trả lời đến chỗ này.

A DI ĐÀ PHẬT!

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 211


Hôm nayHôm nay : 20437

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 969649

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43213793

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.