Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Học Phật vấn đáp - Pháp Sư Tịnh Không trả lời câu hỏi của các đồng tu

Học Phật vấn đáp - Pháp Sư Tịnh Không trả lời câu hỏi của các đồng tu (Tập 12)

Thứ ba - 26/10/2021 08:12

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA CÁC ĐỒNG TU

Giảng ngày 07 tháng 12 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

 

TẬP 12
------------------------------

Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin mời ngồi. Hôm nay có bốn mươi câu hỏi, chúng ta y theo thứ tự để trả lời, đầu tiên là đồng tu Hồng Kông có ba câu hỏi.

Câu hỏi: Ở Hồng Kông, sau khi tử vong ở bệnh viện thì lập tức bọc thi thể lại, đáng tiếc là Hồng Kông không có Thôn Di Đà có thể trợ niệm vãng sanh, nên làm thế nào mới tốt ạ?

Đương nhiên phương pháp tốt nhất là có thể xây dựng được Thôn Di Đà ở Hồng Kông để trợ niệm giúp người niệm Phật vãng sanh, đây là tốt nhất. Nếu ở Hồng Kông không có điều kiện này, đương nhiên phương pháp tốt hơn là công phu niệm Phật của chính mình thành thục, khi lâm chung thì không phải lo lắng. Thật sự vãng sanh, ở nơi này vừa dứt hơi thở thì bạn đã đến Thế Giới Cực Lạc rồi, không có thân trung ấm, đây là người thật sự có công phu thành phiến mới có thể làm được; Công phu kém một chút thì cần trợ niệm. Duyên phận của con người không như nhau. Nếu như khi tuổi tác lớn, thân thể suy yếu mà mong muốn vãng sanh thì trong nước vẫn có một số đạo tràng, như Đông Thiên Mục Sơn, Chùa Bách Quốc Hưng Long. Ngoài những nơi này ra còn có không ít đạo tràng đều xem trọng sự chăm sóc khi lâm chung, đều có thể cho chúng ta xem xét.

Câu hỏi: Đệ tử làm công quả ở đạo tràng, buổi sáng mỗi ngày vừa thức dậy thì trong tâm đều sanh khởi rất nhiều ác niệm, hơn nữa khi tập trung tinh thần hoặc nhìn Thánh tượng Phật Bồ Tát thì trong tâm cũng thường xuyên khởi ác niệm, xin hỏi con phải nên đối trị như thế nào ạ?

Nguyên nhân này chính là do trong A-lại-da thức tập khí ác nhiều, quá nhiều, hơn nữa lực rất mạnh, tương lai nó khởi tác dụng, chính là khi lâm chung thì nó sẽ dẫn dắt bạn vào ba đường ác. Tập khí tham luyến là nghiệp nhân của cõi Ngạ quỷ, tập khí sân hận là nghiệp nhân của cõi Địa ngục, ngu si là nghiệp nhân của cõi Súc sanh, ngạo mạn là nguyên nhân đọa vào A-tu-la, La-sát. Phải biết điều này. Nếu bạn không muốn tương lai đến những nơi ác đạo này thì hiện tại bạn phải đoạn dứt những tập khí bất thiện này. Có thể đoạn được không? Có thể. Không có gì không thể đoạn được, chỉ cần bạn biết sợ cái khổ nơi ác đạo thì bạn sẽ thật sự làm được. Bạn muốn nói điều này rất khó khăn, con không đoạn nổi, vậy thì bạn vẫn thờ ơ với cái khổ nơi ác đạo. Thật sự sợ cái khổ nơi ác đạo thì dũng khí của bạn sẽ đề khởi ra thôi, tâm dũng mãnh tinh tấn sẽ hiện tiền. Còn việc dùng phương pháp gì thì căn tính của mỗi người không như nhau, nếu mình không biết chọn pháp môn thì niệm Phật là thuận tiện nhất, ba căn nhiếp trọn, lợi độn đều thâu. Trong suốt hai mươi bốn giờ không để câu Phật hiệu này gián đoạn thì sẽ sinh ra hiệu quả rất tốt. Niệm Phật ban đầu, đại khái là tuần đầu tiên sẽ khó, sau một tuần thì sẽ rất bình thường. Tuần đầu tiên thì phải cắn răng chịu đựng, phải vượt qua tuần này, dần dần sẽ vào được trạng thái bình thường.

Câu hỏi: Có đồng tu nói chữ “Bát Nhã” ở trong “Tâm Kinh” có nghĩa là trí huệ, có đồng tu khác thì nói là duyên khởi tánh không, xin hỏi rốt cục là ý nghĩa gì ạ?

 “Kinh Hoa Nghiêm” chúng ta đã học được một thời gian rất dài rồi, đối với câu trong kệ khai Kinh: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” đáng lẽ bạn phải có ít phần thể hội rồi chứ. “Như Lai chân thật nghĩa” là trong tự tánh vốn có, trong Kinh giáo Đại thừa thường nói: “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”. Thế nào là “Như Lai chân thật nghĩa”? Buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là Như Lai chân thật nghĩa. Nếu bạn vẫn còn có phân biệt chấp trước thì không phải là ý của Phật, vậy là ý của ai? Là ý của chính bạn. Bạn hiểu rõ rồi, vị đồng tu đó của bạn nói trong “Tâm Kinh”, Bát Nhã nghĩa là trí huệ, đó ý của anh ấy, không phải ý của Phật; Bạn đồng học kia nói là Duyên khởi tánh không, đó là ý của bạn đồng học kia. Hôm nay bạn đến hỏi tôi ý nghĩa là gì? Đó là ý của bạn, không phải là “Như Lai chân thật nghĩa”. Vậy thì điều gì là Như Lai chân thật nghĩa? Trong “Khởi Tín Luận” nói rất hay, bạn nghe Kinh, bạn đọc Kinh, gọi là nghe giảng, đọc Kinh thì “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”, đó chính là Như Lai chân thật nghĩa. Cái ý này sâu hơn một chút, bạn tỉ mỉ mà thể hội, đáp án ở ngay trong câu hỏi.

Tiếp theo là câu hỏi của đồng tu trong nước, có sáu câu hỏi.

Câu hỏi: Xin hỏi ý nghĩa của “Phật Bồ Tát gia trì” có phải chính là thiện tâm thiện hạnh của mình dần dần hiển hiện ra, Phật tánh cũng từng tầng từng tầng lộ ra, thật ra là chân tánh của chính mình đang bảo hộ cho mình. Cách giải thích này có đúng không ạ?

Đúng được một nửa, không thể nói là không đúng, đúng một nửa nhưng chưa viên mãn, vì sao vậy? Đúng thật là Phật Bồ Tát ở trong âm thầm đang giúp bạn. Nhưng việc Phật Bồ Tát giúp đỡ bạn cùng với đạo lý mà bạn vừa nói là như nhau, nó là tương đối, bạn có một phần thiện hạnh thì Phật Bồ Tát giúp bạn một phần; Bạn có hai phần thiện hạnh thì Phật Bồ Tát giúp bạn hai phần, bạn không có thiện hạnh mà cầu Phật Bồ Tát giúp đỡ thì Phật Bồ Tát không giúp được. Đạo lý này bạn thường hay nghe tôi giảng Kinh, tôi cũng thường hay lấy thí nghiệm của Tiến sĩ Giang Bổn Thắng ở Nhật Bản làm chứng minh, bạn có thể hiểu rõ nguyên lý của thí nghiệm này thì vấn đề này liền được giải quyết. Do đây có thể biết, thật sự được Phật Bồ Tát gia trì là phải buông xuống. Nếu không buông xuống thì sự gia trì đó rất có hạn, không thể nói là không có. Nếu bạn có thể buông xuống chấp trước, trong thế xuất thế gian pháp, đối người, đối việc, đối vật đều không chấp trước thì bạn nhập vào Chánh Giác. Chánh Giác là gì? Là A-la-hán. Nói cách khác, bạn đã thành A-la-hán, vậy bạn là Đệ tử Phật thật sự, bạn rất gần với Phật rồi. Lại có thể buông xuống phân biệt, hết thảy pháp thế xuất thế gian không còn phân biệt nữa thì bạn là Chánh Đẳng Chánh Giác. Thật sự có thể làm được không khởi tâm, không động niệm, bạn là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trí huệ, đức năng, tướng hảo ở trong tự tánh của bạn tự nhiên hiện tiền. Cho nên chỗ này không thể giải thích, vì sao vậy? Vừa giải thích thì rơi vào trong vọng tưởng phân biệt chấp trước. Trọn đủ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì đây là tiêu chuẩn Phàm phu lục đạo. Phân biệt chấp trước của phàm phu lục đạo là tâm luân hồi, học Phật vẫn tạo nghiệp luân hồi thì không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nhưng trong lục đạo có ba đường thiện, có ba đường ác, bạn đoạn ác tu thiện thật tốt thì sanh vào ba đường thiện, bạn sẽ không bị đọa ba đường ác, nhưng bạn không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Không thể không hiểu đạo lý này.

Câu hỏi: Đệ tử xuất gia y theo cuốn “Khóa Tụng Sáng Tối Tịnh Tông” để làm công khóa, nhưng không tụng Tiểu Mông Sơn thì có được không ạ?

Có thể. Học Phật, bạn có thể đem sự tu học của chính bạn hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho hết thảy vong linh khổ nạn trên toàn thế giới này, công đức bằng với Tiểu Mông Sơn. Siêu độ vong linh thì quan trọng nhất là công phu tu học của chính mình chứ không phải ở hình thức. Khi tôi mới học Phật thì Lão sư của tôi là Đại Sư Chương Gia đã nói với tôi: “Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức”. Mấy năm trước tôi ở Singapore, Tổng thống Nathan của Singapore đã đến gặp tôi, cùng ăn cơm với tôi. Ông theo Ấn Độ Giáo. Ông nói với tôi, ông tôn kính Phật giáo, ông nói Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức. Ông cũng nói ra câu nói này, rất hiếm có, thật không dễ. Câu nói này lần đầu tiên tôi nghe được là từ Đại sư Chương Gia, từ trước tới nay chưa có ai nói ra được điều này, ông Nathan đã nói ra được. Điều này rất có đạo lý. Chỉ cần bạn có công phu thật sự, dùng ý niệm của bạn thì có thể siêu độ được vong linh. Trong “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” của Đại sư Đàm Hư có sự việc này, các bạn có thể đi tra thử xem, không cần hình thức.

Câu hỏi: Khi xưa cố ý hoặc vô ý ăn trộm tài vật Tam Bảo của Chùa chiền Đạo tràng, hiện tại muốn dùng tiền để bù đắp, hoặc làm công đức để hồi hướng cho thập phương thì có hiệu quả không ạ? Như lý như pháp nhất thì phải nên làm thế nào ạ?

Phật ở trong Kinh đã từng nói, Phật nói bạn tạo tội Ngũ nghịch Thập ác thì Phật còn có thể cứu bạn, còn trộm vật của Tam Bảo, Phật không có năng lực cứu bạn. Đây là ở trong Giới Kinh đã nói, vấn đề này rất nghiêm trọng. Nhưng mà hiện nay, chúng ta vừa nói đến Phật pháp trọng thực chất không trọng hình thức, Phật giáo hiện nay là Phật giáo hình thức hay là Phật giáo thực chất? Bạn hiểu rõ điểm này thì bạn sẽ biết, tội trộm vật của Tam Bảo trong Chùa hiện nay không nặng như trước đây. Hồi đó tôi mới xuất gia chưa bao lâu, tôi vừa xuất gia thì giảng Kinh ở Viện Phật Học. Lúc đó có lão cư sĩ Triệu Mặc Lâm, hiện nay ông đã qua đời rất lâu rồi. Một ngày nọ ông mời tôi ăn cơm, ở Công Đức Lâm trong Ga Tàu Đài Bắc. Khi tôi đến thì chỉ có hai người chúng tôi, không có khách khác, ông chỉ mời một mình tôi. Tôi nói Lão cư sĩ đức cao vọng trọng này, là lão cư sĩ Triệu mà trong lòng chúng tôi rất ngưỡng mộ, tôi hỏi vì sao hôm nay ông mời tôi ăn cơm? Ông nói tôi có vấn đề không thể giải quyết, tôi muốn thỉnh giáo Thầy. Tôi hỏi thỉnh giáo thì tôi không dám gánh, ông ấy học Phật lâu hơn tôi, đã từng thân cận Lão pháp sư Ấn Quang, là sư huynh đệ với Thầy Lý Bỉnh Nam của chúng tôi, tôi nói tôi không dám gánh. Tôi hỏi là vấn đề gì? Ông hỏi trong tội ngũ nghịch, bốn tội đầu tiên đương nhiên không dễ phạm, điều sau cùng rất dễ. Điều sau cùng là Phá hòa hợp Tăng. Tội ngũ nghịch là đọa Địa ngục A-tỳ, ông nói hiện nay thấy người phá hòa hợp Tăng quá nhiều rồi, vậy phải làm sao?

Tôi nói với ông, chúng ta cứ vui vẻ ăn cơm, không sao cả. Ông nói làm sao mà không sao được? Tôi hỏi ngược lại ông một câu: “Lão cư sĩ! Ông học Phật nhiều năm như vậy rồi, có khi nào ông từng thấy Hòa hợp Tăng chưa?”. Khi ông nghe rồi thì suy nghĩ, nghĩ một hồi lâu thì bật cười. Hiện nay trong Chùa có hai người còn đánh nhau, còn cãi nhau, Hòa hợp Tăng đâu ra? Không có hòa hợp Tăng, ông đã thấu tỏ rồi. Hòa hợp Tăng là gì? Là Tăng đoàn tu Lục Hòa Kính, bốn người trở lên sống trong một Đạo tràng cộng tu, bốn người đều tuân thủ Lục Hòa Kính, đó gọi là Tăng đoàn Lục Hòa. Đạo lý đó giống với việc này, thật sự là tăng đoàn tu Lục Hòa Kính thì nếu bạn ăn trộm vật thường trụ ở trong đó thì tội đó nặng, không sám hối nổi. Nếu đạo tràng này, bạn xem thử hai người, ba người đều muốn cãi nhau, đều là dùng mưu đồ tranh đấu lẫn nhau, đây là Đạo tràng gì? Không phải là Đạo tràng Phật. Nhưng Phật từng nói, Phật nói năm lần năm trăm năm rồi mà bạn vẫn không tỏ tường sao? Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ năm trăm năm đầu tiên, giới luật thành tựu; Năm trăm năm thứ hai thì Thiền định thành tựu; Năm trăm năm thứ ba thì Đa Văn thành tựu, nghiên cứu kinh giáo; Năm trăm năm thứ tư thì Tháp miếu kiên cố, xây dựng chùa chiền, xây dựng đạo tràng; Năm trăm năm thứ năm, chính là thời đại của chúng ta hiện nay, đấu tranh kiên cố. Lời tiên tri này của Phật nói không sai, nếu đạo tràng hiện nay không có đấu tranh vậy thì lời Phật nói không phải là đã nói sai rồi sao? Đấu tranh kiên cố thì tương lai đến đâu? Đấu tranh thì chẳng phải đều bị đọa vào ba đường ác đó sao?

Đại sư Ấn Quang là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai, không phải là người thông thường. Ngài xuất hiện ở thời mạt pháp, chúng ta gần nhất. Ngài trong thời kỳ kháng chiến mới vãng sanh. Ngài dạy chúng ta thời kỳ mạt pháp tu pháp môn Tịnh Độ, tốt nhất là đạo tràng nhỏ, nhỏ đến mức độ nào? Không nên quá hai mươi người. Mọi người cùng nhau nhất tâm niệm Phật. Đạo tràng nhỏ dễ duy trì, tìm mấy hộ pháp để hộ trì, đời sống của bạn có thể trải qua được. Phát tâm Bồ Đề, nhất tâm chuyên niệm thì ai nấy đều vãng sanh. Đây gọi là trang nghiêm không gì sánh được, thành tựu mới là trang nghiêm thật sự. Đạo tràng của bạn quá lớn, không dễ quản lý, đặc biệt là điều gì? Không được đào tạo cơ bản. Mấy năm nay tôi cảm khái rất sâu sắc, ở trên toàn thế giới nhìn thấy, chúng ta không nói tôn giáo khác, nhìn vào Phật giáo, đồng học tại gia không làm được Thập Thiện Nghiệp, vậy thì không phải Đệ tử Phật chân chánh. Đặc biệt là Tịnh Tông, y cứ của Tịnh Tông chính là điều đã nói trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, là Tịnh Nghiệp Tam Phước, đây là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất của người tu hành chúng ta. Điều thứ nhất là “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Các vị phải hiểu điều này là điều kiện mà người học Phật tại gia nhất định phải có đủ. Chính là “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” nhắc đến trong Kinh, chữ Thiện đó là có tiêu chuẩn, bốn câu mười sáu chữ này là tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nếu chúng ta không làm được thì không phải thiện nam tử, thiện nữ nhân. Điều thứ hai, đây mới là Quy Y Tam Bảo, bạn có đủ điều kiện này thì bạn mới có tư cách để “Thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, không phạm oai nghi”, đây là bước vào cửa Phật.

Điều thứ hai là Phật pháp Tiểu thừa, Phật pháp là từ Tiểu đến Đại giống như đi học vậy, có Tiểu học, Trung học, Đại học theo tuần tự dần dần đi lên. Điều kiện nhập học là bốn câu phía trước: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Đây là điều kiện nhập học. Trong những năm gần đây chúng tôi đề xướng “Đệ Tử Quy”, “Đệ Tử Quy” chính là hai câu phía trước, Hiếu Thân Tôn Sư thì học “Đệ Tử Quy”; Từ tâm bất sát là giáo dục nhân quả, học “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”; Sau đó bạn mới học Thập Thiện Nghiệp. Đây là ba cái gốc, ba nền tảng của Nho Thích Đạo, không có ba nền tảng này thì không thể vào cửa Phật. Hiện nay không có ba nền tảng này cũng Quy y, cũng thọ giới, thậm chí là cũng xuất gia, cho nên khó trách Phật giáo suy bại. Phải hiểu được nguyên nhân. Đối với người xuất gia còn phải thêm vào một cái gốc, tức là gồm bốn cái gốc, đó là “Sa Di Luật Nghi”. Đây là ít nhất rồi, vậy thì mới là người xuất gia chân chánh. Tỳ kheo, Bồ Tát Giới chúng ta không bàn đến, vì sao vậy? Tổ Sư đã nói với chúng ta, Đại sư Ngẫu Ích làm không được. Đại sư Ngẫu Ích sau khi thọ Tam Đàn Đại Giới thì xả giới Tỳ kheo, cả đời làm gì? Sa Di Bồ Tát Giới. Tổ Sư đã làm tấm gương cho chúng ta xem. Đại sư Ngẫu Ích là thân phận Sa Di, đồ đệ của Ngài đều không dám xưng là Sa Di. Pháp sư Thành Thời cũng rất cừ khôi, trước tác của Đại sư Ngẫu Ích có thể lưu truyền đến đời sau đều nhờ Ngài, Ngài đã biên tập khắc bản để lưu thông. Đại sư Thành Thời tự mình xưng là Ưu Bà Tắc xuất gia, Ưu Bà Tắc là cư sĩ, chính là cư sĩ xuất gia; Nói một cách khác, Lão sư của Ngài có thể làm được giới Sa Di, còn chính Ngài chỉ có thể làm được Ngũ giới Thập Thiện, là Ưu Bà Tắc xuất gia.

Bạn xem thấy người trước đây đều là trọng thực chất không trọng hình thức. Vậy mà ngày nay, chúng ta ngay cả điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước còn làm không được, vấn đề này nghiêm trọng. Cho nên chúng tôi mới cực lực khuyên bảo, khích lệ đồng học phải học bổ túc, trước đây không biết không học, hiện nay học bổ túc, vô cùng nghiêm túc mà học tập. Tôi nghĩ nếu thật làm thì một năm là hoàn thành, bốn môn công khóa này bạn sẽ học được đầy đủ. Phải làm điều này, đây là thuộc về Giới luật, là thuộc về Hành Kinh. Kinh có Giáo, có Lý, có Hành, có Quả. Việc này phải thật làm. Không có nền tảng này thì bạn là nghiên cứu Phật học, bạn không phải là học Phật. Có đủ ba nền tảng này, đồng học tại gia có đủ ba nền tảng này thì bạn là học Phật, là Đệ tử Phật thật; Người xuất gia thì thêm vào “Sa Di Luật Nghi” là bốn cái gốc thì bạn thật sự đang học Phật. Nếu lơ là đi bốn môn này thì bạn là nghiên cứu Phật học, bạn không phải là học Phật. Nghiên cứu Phật học là trồng chủng tử của Phật vào A-lại-da thức, trong đời này bạn không được lợi ích thù thắng của Phật pháp.

Bạn từng cố ý hay vô ý trộm vật của Tam Bảo, biết được tội lỗi này không nghiêm trọng như khi xưa. Khi xưa là đạo tràng như pháp nên nghiêm trọng. Hiện nay đạo tràng cũng không thật như pháp, lấy tiêu chuẩn trước đây thì hiện nay kém rất xa, nhưng đều là có tội lỗi, nói chung là có tội nghiệp. Chỉ cần bạn hiểu được thì biết được, có tâm hổ thẹn, dùng tâm sám hối để làm việc tốt, để sửa sai thì không có vấn đề gì. Phật pháp là thông tình đạt lý, tình người và pháp lý, mọi mặt thảy đều chu đáo.

Câu hỏi: Đệ tử tham gia Tam Thời Hệ Niệm, vì Pháp Hội đã đăng tải trên báo chí trước bốn mươi chín ngày, có lập bài vị cho tất cả chúng sanh không may chết đột ngột vì hỏa hoạn, động đất, lũ lụt, tai nạn, v.v... Xin hỏi những bản ghi bài vị đã lập, sau Pháp Hội thì nên xử lý thế nào ạ?

Có thể hóa chúng đi, tốt nhất là hóa ở trong lò hóa của Chùa. Nếu xung quanh không có hoàn cảnh này thì tự mình tìm một nơi sạch sẽ rồi đốt hóa cũng có thể được, sau khi đốt hóa thì đóng gói tro lại, hoặc chôn ở trên đất sạch sẽ, hoặc cho chìm xuống nước, đều có thể được, có tâm cung kính là được rồi.

Câu hỏi: Đệ tử là một người tàn tật, mãi không tìm được việc làm, con vì điều này mà từng tụng “Kinh Địa Tạng” và niệm Thánh Hiệu Quán Âm, nhưng mãi vẫn không được quả báo tốt, con phải nên làm thế nào ạ?

Đây là do công phu tụng “Kinh Địa Tạng” và niệm Thánh hiệu Quán Âm không đắc lực. Giống như ăn cơm, bụng thì rất đói, ăn một bát thì không no, vậy phải làm sao? Tiếp tục ăn! Bạn ăn được hai bát, ba bát, bốn bát, không phải là đã no rồi sao? Hiện nay bạn tụng “Kinh Địa Tạng” và niệm Thánh hiệu Quán Âm không đắc lực, giống như vừa mới ăn được một bát cơm vậy, đâu có nhanh như vậy. Bạn chỉ cần tụng “Kinh Địa Tạng”, niệm Thánh Hiệu Quán Âm không hoài nghi, không nghi ngờ gì, có tín tâm thanh tịnh, cứ một mực tiếp tục niệm, cảm ứng sẽ hiện tiền. Không được hoài nghi, có một mảy may hoài nghi thì sẽ phá hoại toàn bộ công phu của bạn. Phật ở trong Kinh đã nói rất hay: “Nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh”, tâm tưởng sự thành, phải chuyên tâm; Có nghi thì không được, một niệm nghi hoặc sẽ phá hoại toàn bộ.

Ngoài ra Đệ tử muốn kết hôn, làm thế nào mới có thể có hôn nhân tốt được ạ?

Đây là câu hỏi của cùng một người, bạn vẫn phải tiếp tục tụng “Kinh Địa Tạng” và niệm Thánh hiệu Quán Âm thì sẽ có thể mãn được nguyện vọng của bạn.

Câu hỏi: Nhóm trợ niệm nhỏ của chúng con bởi vì gần đây không đủ thành viên pháp khí nên không không có cách gì trợ niệm được như trước đây, xin hỏi ở nhà nhất tâm chuyên niệm tốt hơn hay là giống như trước đây, có chúng sanh cần thì mới đi. Làm sao cho viên dung ạ?

Phật dạy chúng ta tùy duyên chứ không phan duyên, nếu có người mời bạn thì bạn nên đi làm, đây là việc tốt, tiễn người vãng sanh là công đức chân thật.

Tiếp theo là câu hỏi của đồng tu trên mạng, câu hỏi hơi nhiều một chút.

Câu hỏi: Là đồng tu ở nông thôn, ở trong nhà có nuôi heo, xuất bán cho đồ tể, lấy một nửa số tiền để in Kinh, bố thí để hồi hướng công đức thì có được không ạ?

Làm còn hơn không, phải nên làm. Làm heo là nghiệp báo của nó, nó cũng là phải trả nợ, bạn có thể làm một chút công đức cho nó là việc tốt. Tôi tin là nó cũng sẽ cảm ơn bạn. Bởi vì khi nó sinh ra và lớn lên ở nhà người khác thì người ta không nghĩ đến điều này, cho nên bạn làm, nó sẽ cảm ơn bạn.

Câu hỏi: Người nhà theo đạo Cơ Đốc, khi lâm chung thì phải nên dùng cách của Cơ Đốc giáo để siêu độ, hay là có thể dùng phương pháp của Phật giáo ạ? Lúc còn sống thì họ phản đối Phật giáo, đệ tử lo họ sẽ khởi tâm sân hận mà đọa lạc, xin lão Pháp sư khai thị.

Lúc còn sống họ không tin tưởng nhưng sau khi chết bạn tụng Kinh hồi hướng cho họ thì họ sẽ tin tưởng. Trường hợp này rất nhiều, rất nhiều. Nếu thật sự tin tưởng Cơ Đốc Giáo cũng tốt, vì sao vậy? Họ sẽ không đọa tam đồ, họ sẽ sanh lên trời, họ đến bên đức Chúa Cha. Cõi trời đó, theo như trong Kinh điển của họ mà nghiên cứu thì có lẽ thuộc về Trời Đao Lợi, vì sao vậy? Dục của họ chưa đoạn, chưa đoạn dục thì sanh về cõi trời Dục Giới. Từ Dục Giới đi lên trên thì phải tu định, họ không có định công, cho nên đa phần là ở cõi trời Tứ Vương và Trời Đao Lợi. Cõi trời Tứ Vương, Đao Lợi thì Phật Bồ Tát đến giảng Kinh thuyết pháp rất nhiều, họ vẫn có cơ hội nghe được Phật pháp.

Câu hỏi: Nếu phục tùng sự sắp xếp của lãnh đạo để làm giả sổ sách, đồng lõa tham ô với lãnh đạo, tương lai lấy tiền phi pháp để dùng vào sự nghiệp phúc lợi của đại chúng, như vậy có trái với nhân quả không ạ? Liệu có vì do vi phạm pháp luật mà bị đi tù không ạ?

Việc này phải xem phát tâm của chính bạn. Tổ Sư đời thứ sáu của Tịnh Độ Tông chúng ta là Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, Ngài đã từng làm mẫu. Trước khi xuất gia thì Ngài là một nhân viên công vụ nhỏ, làm thu ngân trong cơ quan quản lý tài chính, Ngài đã dùng trộm tiền của công để phóng sanh. Sau đó sự việc này bị phát hiện. Sau khi phát hiện thì pháp quan cũng rất thông cảm cho Ngài, vì sao vậy? Ngài không lấy tiền để hưởng thụ, Ngài lấy để phóng sanh. Cho nên đã tâu sự việc này lên Hoàng Đế. Hoàng Đế xem thấy cũng buồn cười, chiếu theo pháp luật quốc gia thì đó là tội tử hình chém đầu. Cho nên Hoàng Đế truyền lệnh phán tử hình, nhưng dặn dò viên quan giám sát xử trảm ở trên pháp trường khi thi hành án chém đầu thì xem ông ta có sợ hãi không, nếu sợ hãi thì giết bỏ, xem như xong; Nếu ông ta không sợ hãi thì dẫn về đây, trẫm muốn gặp ông ta. Kết quả là ở trên pháp trường, Ngài không một chút lo sợ, viên quan giám sát xử trảm hỏi Ngài, vì sao Ngài không chút sợ sệt? Ngài trả lời, một mạng của ta đánh đổi với ngàn ngàn vạn vạn sinh mạng khác, xứng đáng lắm! Viên quan giám sát xử trảm tâu sự việc này lên Hoàng Đế, Hoàng Đế liền mời Ngài đến gặp mặt. Ngài đã giảng Phật pháp cho Hoàng Đế nghe. Hoàng Đế liền hỏi Ngài: “Ông có nguyện vọng gì không”? Ngài mong muốn xuất gia, Hoàng Thượng nói với Ngài: “Ông xuất gia thì trẫm sẽ hộ pháp”. Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ thật sự là vì chúng sanh, không màng đến sống chết của mình, chính mình bị phán tội ngồi tù, tội tử hình cũng không màng đến. Câu chuyện này có thể đáng để bạn làm tham khảo.

Câu hỏi: Xin hỏi bệnh viêm mũi dị ứng có phải là bệnh oan nghiệp không ạ? Xin hỏi loại bệnh này có phải thuộc về oan gia trái chủ dựa thân không, làm sao mới có thể tiêu trừ được gốc bệnh này?

Phật pháp nói gốc bệnh có ba loại, một loại là bệnh sinh lý. Những bệnh sinh lý này, ví dụ như nói bạn bị nhiễm virus, ăn uống sinh hoạt không cẩn thận bị nhiễm bệnh, bệnh này thì phải tìm bác sĩ. Loại thứ hai chính là oan gia trái chủ, bác sĩ không có cách chữa trị, bệnh này nhất định phải hóa giải, đàm phán điều kiện để hóa giải với họ. Giống như tụng Kinh niệm Phật hồi hướng cho họ, nếu họ chịu tiếp nhận thì họ sẽ rời đi. Loại thứ ba là bệnh nghiệp chướng. Bệnh này rất khó, không thuộc về bệnh sinh lý, cũng không thuộc về oan gia trái chủ, là do ác nghiệp trong đời quá khứ quá nhiều. Có thể cứu được không? Có thể. Không gì là không cứu được. Vậy cứu thế nào? Chân thật sám hối, sau không tái phạm nữa. Sự sám hối này không phải là nằm ở hình thức, đây là điều trước đây Đại Sư Chương Gia nói với tôi, biết sai rồi thì có thể sửa, giống như Khổng Phu Tử đã nói là: “Không phạm lỗi lần thứ hai”. Lỗi lầm chỉ có một lần, mình biết rồi thì sau này không phạm lỗi giống như vậy nữa, đây gọi là chân sám hối, ngay cả bệnh nghiệp chướng cũng có thể hóa giải.

Câu hỏi: Mấy năm trước đệ tử vì Trưởng bối và Tổ Tiên mà đã lập một bài vị vãng sanh ở trong một ngôi chùa lớn, tên của người chưa vãng sanh được che bằng giấy đỏ. Lúc đó Chùa có quy định phàm là người viết tên trên bài vị, sau khi vãng sanh thì nhất định phải làm Phật sự siêu độ ở Chùa này, y theo giá cả mà thu phí. Nhưng Phật sự trong Chùa phần lớn chỉ là hình thức, hiện nay Đệ tử nghe Kinh đã rõ lý rồi, hi vọng trong tương lai sau khi người thân vãng sanh thì đến nơi khác làm Tam Thời Hệ Niệm và Bố thí. Nếu không thông báo cho ngôi chùa khi xưa mà vẫn để nguyên bài vị còn giấy đỏ che tên của người mất ở đó, xin hỏi làm như vậy có ảnh hưởng gì đến người mất không ạ? Rất nhiều người đều có câu hỏi như vậy ạ.

Nếu bạn thường xuyên đọc Kinh, nghe Kinh thì những sự việc này bạn đều hóa giải được cả, đều không có vấn đề gì. Chúng sanh trong thế giới u minh, độ nhạy cảm của họ vượt hơn chúng ta nhiều lần, chúng ta khởi tâm động niệm họ đều có cảm ứng, không nhất định là ở một nơi nào, cho dù bạn ở nước ngoài cũng là tâm tương ứng. Chỉ cần thật sự có thành ý đem công đức tụng Kinh, lạy Phật, niệm Phật, hoặc là công đức đoạn ác tu thiện của mình hồi hướng cho họ, thảy đều có hiệu quả thù thắng, mà không cần quan tâm đến những siêu độ trên hình thức ở trong chùa. Phải hiểu đạo lý này. Ở trong Chùa dùng hình thức siêu độ, người thân quyến thuộc của mình nhất định phải tham gia, phải theo các pháp sư cùng làm Phật sự siêu độ, vì sao vậy? Bạn không hiểu nghi thức Siêu độ, các Pháp sư dẫn dắt bạn, bạn làm theo họ, tâm của bạn thành khẩn hơn, thân thiết hơn tâm của Pháp sư, hiệu quả đó sẽ rất lớn. Cho nên nói hai bên làm tăng thượng duyên, các Pháp sư dẫn dắt bạn, bạn giúp các Pháp sư, hiệu quả rất thiết thực, hiệu quả rất thù thắng. Nếu như nói chỉ để Pháp sư làm mà chính mình không quan tâm thì hiệu quả đó sẽ rất ít. Quan trọng nhất vẫn là tâm của mình, phải dùng tâm chân thành mà làm.

Câu hỏi: Nếu có thể thật thà chuyên niệm A Di Đà Phật có phải là A Di Đà Phật cũng có thể gia trì khiến cho đệ tử từ Tín Nguyện không kiên định mà dần dần đi về hướng Tín Nguyện kiên định không ạ? Cho dù trong tâm có nghi hoặc, có phải là A Di Đà Phật cũng niệm con, dưới sự gia trì của Phật lực thì dần dần tiêu trừ hoài nghi của con, từ đây mà tiến vào vòng tuần hoàn tốt đẹp: không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn phải không ạ?

Đạo lý là như vậy, không sai, nhưng thật sự không hoài nghi thì quá khó. Đây là chúng tôi ở trong quá trình giảng Kinh có nói đến tin Phật, thật ra là không dễ. Vì sao vậy? Tin thật sự là bạn phải làm được mới là tin thật sự, bạn không làm được thì đó không phải là tin thật sự. Làm được điều gì? “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư trưởng, Từ tâm bất sát, Tu thập thiện nghiệp”, bạn làm được chưa? Bạn chưa làm được thì tín tâm của bạn không đáng tin. Cho nên thật sự tin Phật chính là phải y giáo phụng hành, không phải là giảng giải, giảng giải không có tác dụng, giảng Kinh mà không y giáo phụng hành là tu phước báo, là phước đức chứ không phải công đức. Phước đức, Lục Tổ Huệ Năng trong “Đàn Kinh” nói rất hay, chẳng giúp được gì cho sanh tử đại sự cả. Nói một cách khác, tương lai bạn vẫn luân hồi, đáng luân hồi thế nào phải chịu luân hồi thế đó. Công đức có thể giúp đỡ. Công đức là gì? Công đức là Giới Định Huệ, nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ, đó là công đức, có thể giúp đỡ bạn thoát khỏi Lục đạo. Công đức lớn thì thoát khỏi Thập pháp giới. Không thể không biết điều này. Nói một câu tổng kết thì nhất định phải nghiêm túc làm, có thể làm được thật thà chuyên niệm A Di Đà Phật, một đời này của bạn sẽ thành Phật!

Thế nào gọi là thật thà? Bạn ở trong đời sống hàng ngày, công phu niệm Phật đắc lực. Đắc lực chính là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Làm việc thì cứ làm, nhưng Phật hiệu không gián đoạn, đây gọi là thành phiến, đây là nhất định vãng sanh, hơn nữa phẩm vị rất cao. Bởi vì bạn thật sự làm được điều đã nói trong “Phẩm Tam Bối Vãng Sanh” của Kinh Vô Lượng Thọ: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Tâm Bồ Đề chưa phát! Thật thà chuyên niệm chính là phát Bồ Đề tâm, lời này là Đại sư Ngẫu Ích đã nói. Ở trong “A Di Đà Kinh Yếu Giải” đã nói rất hay, chỉ cần bạn thật thà, không xen tạp, không hoài nghi chính là Bồ Đề tâm, nhất tâm nhất ý cầu sanh Thế giới Cực Lạc, đối với thế gian này thì tan nhạt, thế gian này không có gì để tham luyến, một lòng cầu sanh Thế giới Cực Lạc, một lòng muốn thân cận A Di Đà Phật, tâm này chính là tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Câu hỏi: Trong giai đoạn tu học mà Tín Nguyện đối với vãng sanh Cực Lạc chưa kiên định, trong tâm chưa hoàn toàn tương ưng với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật. Khi có bệnh khổ tai nạn có thể thật thà niệm Phật, liệu A Di Đà Phật có thể giúp đỡ chúng sanh thoát khỏi khổ ách được không?

Bạn không cần phải hoài nghi những điều này, A Di Đà Phật vĩnh viễn chăm sóc chúng sanh khổ nạn, nhưng chúng sanh quên mất A Di Đà Phật, khi nào bạn nghĩ đến thì cảm ứng hóa ra ở ngay trước mắt. Điều này ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã giảng vô cùng thấu triệt, bạn nghe nhiều thì tự nhiên hiểu rõ thôi.

Câu hỏi: Đệ tử có ý Quy y cửa Phật, không biết phải nên làm thế nào mới có duyên tốt này ạ?

Quy y trên hình thức thì rất dễ, quy y thực sự thì thật không dễ, vì sao vậy? Quy y thực sự thì bạn nhất định phải làm được điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, đó chính là “Hiếu Thân Tôn Sư, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Nói cách khác, tôi nói rõ ràng hơn, minh bạch hơn, bạn đem ba bộ kinh “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” thực hiện được ở trong đời sống, thực hiện ở trong công việc, thực hiện ở nơi đối người tiếp vật, sau đó bạn lại “Thọ trì Tam quy, trọn đủ các giới” thì bạn là đệ tử Phật chân chánh, chân thật là quy y. Nếu chưa có ba nền tảng phía trước, thì như Đại sư Trí Giả của tông Thiên Thai đã nói, Quy y của bạn là Danh tự vị, chính là hữu danh vô thực. Trên hình thức đã làm quy y cho bạn rồi, đã trao chứng nhận Quy y cho bạn; bạn thọ giới rồi thì trao Giới Điệp cho bạn, nhưng bạn còn chưa làm được, bạn là hữu danh vô thực.

Câu hỏi: “Nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh” có phải là ý nói tạo tác của ba nghiệp Thân Khẩu Ý, hay là chỉ nói riêng ý nghiệp thôi ạ?

Trong tam nghiệp thì ý nghiệp là chủ tể, không có ý nghiệp thì nhất định không có tạo tác của Thân và Khẩu, tạo tác của Thân Khẩu và Ý Nghiệp là kết thành một khối. “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh” ý nghĩa rất sâu, rất rộng, bạn nhắc đến ba nghiệp Thân Khẩu Ý, phạm vi này vô cùng nhỏ hẹp. Nói không sai, nếu bạn học Phật, càng học thì cảm thấy câu này càng sâu, càng rộng. Rộng lớn đến mức nào? Toàn bộ khởi nguồn của vũ trụ là từ tâm tưởng sanh. Vũ trụ từ đâu mà có? Sanh mạng từ đâu mà có? Vạn pháp từ đâu mà có? Đều là từ tâm tưởng sanh, Thập pháp giới y chánh trang nghiêm không lìa tâm tưởng.

Câu hỏi: Đệ tử đã niệm Phật được mấy năm nhưng vẫn rất sợ bóng tối, mấy người chị của con cũng là như vậy, xin hỏi làm thế nào mới tốt ạ?

Một số người trong một số hoàn cảnh đặc thù thì có sự sợ hãi, như là sợ tối, sợ bóng tối, đây đều do nhân từ trong đời quá khứ. Tôi giới thiệu cho bạn xem một bộ sách. Tiến sĩ Weiss người Mỹ có bốn cuốn sách, bốn cuốn sách này hiện nay lưu thông rất rộng, tôi đều đã xem qua. Điều quan trọng trong đó tôi đều trích lục ra rồi, làm thành một đĩa DVD gọi là “Trích lục bốn cuốn sách của Weiss”. Bạn xem thử đĩa này, vấn đề của bạn có thể được giải quyết. Nhân ở trong đời quá khứ, cho nên bạn mới có loại tình trạng này. Ở nước ngoài, bác sĩ tâm lý rất nhiều, rất phổ biến, ở Trung Quốc có thể không giống như ở nước ngoài. Bạn tìm bác sĩ tâm lý làm thôi miên cho bạn, để bạn quay về đời quá khứ, tìm nguyên nhân này thì sẽ tìm được. Sau khi tìm được thì bạn sẽ hiểu rõ, nỗi sợ này sẽ tiêu trừ.

Câu hỏi: Bạn bè tặng cho con một cái Chuyển Kinh Luân, Mật Tông nói tay lắc Chuyển Kinh Luân có công đức bất khả tư nghì, căn cứ vào điều gì ạ? Người tu trì Tịnh Độ có thể thường dùng được không?

Trong “Kinh Bát Nhã” nói rất hay: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Phật nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, vì sao vậy? Là vì căn tánh của chúng sanh không tương đồng. Tu học thì phải hiểu. Người xưa không giống như người hiện nay, người xưa biết, đời đời tương truyền “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, đây là dạy học truyền thống trong suốt năm ngàn năm của chúng ta. Trong nhà Phật, các vị cũng thường hay nghe thấy hai câu nói: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, cùng với câu “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” không hẹn mà gặp, là cùng một ý nghĩa. Cho nên dù học gì thì sau khi lựa chọn pháp môn rồi bạn phải nhất môn thâm nhập, bạn không được thay đổi, khi bạn thay đổi thì hiệu quả sẽ không còn nữa, bị phá hoại rồi. Nếu bạn muốn học Mật thì bạn y theo phương pháp của Mật tông để tu hành; Nếu tu Tịnh thì bạn chuyên môn y theo phương pháp của Tịnh Tông mà tu hành. Không được lẫn lộn với nhau, lẫn lộn với nhau thì không có chỗ tốt. Cổ Đại Đức có nói Thiền Tịnh song tu, Thiền Mật song tu, Mật Tịnh song tu. Cách nói này gọi là phương tiện nói, vì sao vậy? Vì họ không buông xuống được, họ là người học Thiền, không buông xuống được. Người nói với họ rất cao minh, nhìn thấy họ học Thiền không có thành tựu, khuyên họ học Mật họ lại không chịu làm, cho nên mới nói với họ là Thiền Mật song tu rất tốt! Đây là tiếp dẫn họ, dẫn dắt họ. Hoặc là Mật Tịnh song tu, đều là một loại phương pháp tiếp dẫn.

Người thật làm thì sao? Người thật làm không phải như vậy, người niệm Phật chân chánh, nói cho bạn biết, họ chỉ có một câu Phật hiệu. Họ cần phải đọc Kinh không? Không cần. Cần phải nghe Kinh không? Không cần. Vì sao vậy? Nghe Kinh, đọc Kinh đều không thể khiến họ được nhất tâm, nhất tâm là chuyên niệm. Vậy tại sao bảo bạn nghe Kinh? Bởi vì bạn có nghi hoặc, hiệu quả của Kinh sẽ giúp bạn đoạn nghi sanh tín, tín tâm thật sự sanh khởi rồi thì không cần nghe Kinh nữa. “Kinh Vô Lượng Thọ” là giảng giải cho bạn lý luận về Tịnh Độ, những phương pháp tu Tịnh Độ, những cảnh giới tu Tịnh Độ, bạn đối với những điều này không có mảy may nghi hoặc. Tôi đã một lòng niệm câu Phật hiệu đến cùng, vậy thì thành công rồi, còn phải nghe gì nữa! Cho nên người thượng thượng căn và người hạ ngu, hai loại người này dễ độ, họ không nghi hoặc, họ không có nghi vấn. Người thượng thượng căn vừa nghe thì hiểu toàn bộ, giống như Đại sư Huệ Năng, đó là người thượng thượng căn. Có rất nhiều người, bạn xem giống như ông già bà lão ở dưới quê, họ không biết chữ, là người hạ hạ căn, họ không nghi hoặc, bạn bảo họ niệm một câu A Di Đà Phật thì cả đời họ sẽ niệm A Di Đà Phật đến cùng, họ cũng không thay đổi, họ tin tưởng, một lòng một dạ. Bạn nói với họ bất kỳ pháp môn gì họ cũng không nghe, sau cùng vãng sanh thoại tướng thù thắng, phẩm vị rất cao. Còn lại một số lượng rất lớn khó độ nhất, đó là thượng chẳng ra thượng, hạ chẳng ra hạ. Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn tại thế, giảng Kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm là vì ai? Chính là vì những người rất khó độ này, đã chẳng phải thượng căn, lại chẳng phải hạ ngu, cho nên người trung căn rất khó độ. Vì sao vậy? Vấn đề của họ rất nhiều, nghi ngờ rất nhiều, ý kiến rất nhiều, nên rất phiền phức, vậy mới mở ra tám vạn bốn ngàn pháp môn. Phải hiểu đạo lý này.

Có người xem thấy người học Phật tinh tấn thì nói quá chấp trước. Xin lão Pháp sư khai thị chỗ khác nhau của “chấp trước” và “tinh tấn” ạ?

“Tinh” là tinh thuần, cũng chính là nói thuần mà không tạp gọi là tinh, đồng thời học hai thứ thì là tạp rồi. Một môn thâm nhập là tinh. “Tấn” hay tiến là tiến bộ, không thoái lui. Chúng ta tu Tịnh Độ, Phật ở trong Kinh dạy dỗ chúng ta, đây là đích thân từ Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra: “Chấp trì danh hiệu”, chấp chính là chấp trước, trì là bảo trì. Đây là nói với người nào? Là nói với người căn tánh trung hạ, bạn nhất định được vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chấp trì danh hiệu là bạn có chấp trước. Nếu không có chấp trước thì sao? Không có chấp trước thì bạn sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Bạn có phải là tinh tấn không? Tinh tấn, tinh tấn thật sự mà không chấp trước. Nếu bạn không tinh tấn thì không thể vãng sanh, cho nên chấp trì danh hiệu nhất định được vãng sanh Tịnh Độ. Tịnh Độ là pháp môn rất đặc biệt, rất thù thắng, vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở bậc hạ hạ phẩm trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, có thể hưởng thụ bình đẳng với người sanh về Thượng Thượng Phẩm ở cõi Thật Báo. Hưởng thụ điều gì? Trí huệ, thần thông, đạo lực là bình đẳng, điều này bất khả tư nghị. Đây là điều mà trong tám vạn bốn ngàn pháp môn không có, đây cũng là Phật nói với chúng ta, hơn nữa là A Di Đà Phật đích thân nói, đã nói trong bốn mươi tám nguyện. Bạn xem chúng sanh mười phương niệm Phật vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc “đều làm Bồ Tát A Duy Việt Trí”. A Duy Việt Trí là địa vị như thế nào? Là Bồ Tát Thất Địa, Thất Địa trở lên gọi là A Duy Việt Trí.

Bạn xem người vãng sanh về Hạ Hạ Phẩm ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư, ngay cả tư cách Tu Đà Hoàn còn không đủ, vừa sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc tự nhiên trí huệ, thần thông đạo lực của họ bằng với Bồ Tát Thất Địa. Việc này nói không thông, không có ai tin, cho nên gọi là pháp môn khó tin. Đây là nguyên nhân gì? Bạn tỉ mỉ  quan sát thì sẽ hiểu rõ, đến Thế Giới Cực Lạc là nương vào quang minh của A Di Đà Phật, cũng chính là nói thần thông, đạo lực, tướng hảo của bạn là được A Di Đà Phật gia trì, không phải là tự bạn tu được, công phu tu của bản thân bạn chưa tới. Chúng ta đang nói về vãng sanh đến hạ hạ phẩm ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư, đến khi nào bạn mới tu đạt đến công phu này? Mười hai kiếp, ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc tu hành mười hai kiếp. Điều này là ở trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” có nói, mười hai kiếp bạn mới tu đến được, lúc đó thì thần thông, đạo lực là của chính bạn, còn trước đó thì là của A Di Đà Phật. Chúng tôi lấy ví dụ để bạn dễ hiểu, bạn là người nghèo hèn, nghèo là không có tiền, không có tài phú, phải đi xin ăn. Hèn là gì? Không có địa vị trong xã hội, nghèo hèn đến mức cùng cực phải đi ăn xin. Đột nhiên bạn được Nhà Vua nhìn thấy, Nhà Vua bảo bạn theo hầu vua, ra khỏi cửa, Nhà vua ngồi trên xe, bạn cũng ngồi trên xe; Nhà vua mặc y phục, bạn cũng mặc y phục; Nhà vua ăn uống, bạn cũng được ăn, là giống sự việc này. A Di Đà Phật giống như Nhà vua vậy, chúng ta giống như người ăn mày, vừa chạy vào Hoàng cung thì được thơm lây từ Ngài, là đạo lý như vậy.

Đến khi nào thì chính chúng ta mới có trí huệ, thần thông, đạo lực như vậy? Sau mười hai kiếp thì mình tu thành, khi đó cũng là như vậy, nhưng đây là của chính mình, chính mình dần dần nâng lên từng tầng từng tầng, nâng lên đến vị thứ này. Cho nên đây là môi trường đặc thù, trong cõi nước mười phương chư Phật không có, tận hư không khắp pháp giới chỉ có Thế Giới Cực Lạc có, cho nên mười phương ba đời tất cả chư Phật đều khuyên người vãng sanh về Tịnh Độ. Thích Ca Mâu Ni Phật không khuyên người vãng sanh về Tịnh Độ của Thế giới Ta Bà, Ngài có cõi Thật Báo, Ngài có cõi Phương tiện, bạn xem Ngài đều khuyên người vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc. Rất có đạo lý. Phật rất từ bi, tuyệt đối không keo kiệt, nhất định con phải đi theo Ta. Ngài không như vậy, Ngài giới thiệu người khác cho bạn, cho nên ân đức này quá lớn. Chúng ta tin tưởng lời giới thiệu của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tin tưởng bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, mỗi nguyện đều thành hiện thực, không có nguyện nào là nguyện suông. Thật sự làm cho rõ ràng, làm cho thấu đáo, bạn sẽ một lòng một dạ nhất tâm tu pháp môn Tịnh Độ, đời này nhất định đến Tịnh Độ.

Nhưng bạn phải thật sự buông xuống thế gian này, nếu danh văn lợi dưỡng, tự tư tự lợi, hưởng thụ ngũ dục lục trần, tham sân si mạn không buông xuống được thì bạn không đi được. Những thứ này là gì? Là gánh nặng. Nó sẽ kéo bạn lại Thế giới Ta Bà, trói buộc bạn vào Lục đạo luân hồi, vậy thì bạn không có cách gì. Cho nên những thứ này thảy đều phải buông xuống. Khi nào thì buông xuống? Không phải nói đến lúc lâm chung mới buông xuống, mà hiện tại phải buông xuống. Hiện tại buông xuống thì bạn nắm chắc, lâm chung mới buông xuống thì không nắm chắc, cho nên phải làm cho rõ ràng đạo lý này.

Câu hỏi: Đệ tử đang theo học ngành Giáo dục triết học và phương diện đạo đức, Phật pháp nói nhất môn thâm nhập, nhưng chúng con khi còn học tập, phải xem rất nhiều tác phẩm trong và ngoài nước. Làm thế nào mới có thể kết hợp việc học tập bình thường để làm được nhất môn thâm nhập ạ?

Vấn đề bạn đang hỏi, trong lúc giảng Kinh tôi nói rất nhiều, bạn có thể tham khảo. Nhưng tốt nhất tôi mong bạn có thể đến Thang Trì ở Lô Giang, tỉnh An Huy để học tập một tuần. Gần đây một vị là du học sinh ở Canada trở về, anh ấy đến đó học tập bốn ngày, đã khóc lóc thảm thiết khi làm báo cáo học tập của anh. Anh đi du học ở nước ngoài, tiêu phí của cha mẹ hơn năm trăm ngàn đô-la để học suốt ba năm, anh nói không bằng học ở Lô Giang ba ngày. Báo cáo này vô cùng cảm động lòng người, bạn hãy đến Thang Trì học tập một tuần thì bạn sẽ biết. Còn việc làm thế nào kết hợp văn hóa truyền thống và học thuật hiện đại, để cho người hiện nay đều có thể có được trí huệ chân thật, lìa khổ được vui, bạn hãy đích thân tự đi xem thì bạn mới có thể hiểu rõ.

Câu hỏi: Phật nói vạn vật đều bình đẳng, động thực vật đều có sinh mạng, ăn thịt bằng với sát sanh. Nhưng cũng như vậy, rau xanh đều có sinh mạng, chúng ta cắt chúng xuống để ăn, vậy vì sao không phải là sát sanh?

Câu hỏi này của bạn hỏi được rất hay, hỏi được rất sâu, con người có thể không ăn không? Có thể. Bạn xem khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, một ngày ăn một bữa, chúng ta ở trong Kinh xem thấy A La Hán trụ ở thế gian gian này một tuần ăn một bữa, Bích Chi Phật nửa tháng ăn một lần. Lên đến thiên nhân ở cõi trời Sắc Giới thì không cần ăn uống nữa, Trời Sắc Giới là người đắc thiền định. Đắc được Sơ Thiền thì tài sắc danh thực thùy đều không có nữa, đây là công phu. Chúng ta ở thế gian này gọi là nghiệp báo, bạn nhất định phải có ăn uống, không có ăn uống thì sẽ không thể sống được, bạn không thể sống được thì bạn cũng không thoát khỏi Lục đạo luân hồi. Ở trong Lục đạo thì luôn là oan oan tương báo. Đạo lý này rất sâu, nói cho bạn suốt hai tuần cũng không xong. Nhất định phải ăn, bạn thử nghĩ xem, bạn ăn thịt người thì tốt hay ăn thịt động vật thì tốt? Đây là chọn lựa, bạn ăn thịt cha mẹ bạn thì tốt hay là ăn thịt người khác thì tốt? Nếu buộc phải chọn thì bạn sẽ không ăn cha mẹ mình, bạn sẽ ăn người khác. Con người so với động vật thì bạn ăn động vật chứ không ăn người; Nếu so sánh động vật với thực vật, vậy thì bạn vẫn bỏ động vật mà ăn thực vật. Bạn so sánh từng tầng từng tầng, bạn sẽ hiểu được, là không như nhau.

Thực vật là sinh vật, nhưng chúng không có cảm tình, chính là nói không có tâm báo thù, chúng không có tâm oán hận; Khi bạn ăn động vật thì động vật có báo thù, có oán hận. Chiêu cảm đến điều gì? Sự bất như ý ở đời sau. Vấn đề này thì nghiêm trọng. Thực vật thì không, hơn nữa sau khi nó phát triển rồi thì nó hi vọng bạn ăn nó, vì sao vậy? Nó tu cúng dường, nó cũng biết tu phước. Chúng tôi ở Úc tự trồng rau, rau chúng tôi trồng không có hóa chất, không có thuốc bảo vệ thực vật, hơn nữa phát triển còn tốt hơn nông trường thông thường. Chúng tôi để cho những rau củ này nghe Phật hiệu, nghe giảng Kinh, chính là dùng băng ghi âm phát cho chúng nghe, chăm sóc chúng vô cùng chu đáo. Đồng tu quản lý vườn rau có một buổi tối nọ đã nằm mộng thấy trái mướp đến tìm anh ấy, nó nói mướp quá già rồi, anh phải nhanh chóng cắt xuống, nó đã rất già rồi. Anh ấy cảm thấy kỳ lạ, hôm sau đã đến vị trí đó để tìm, quả nhiên tìm được rồi, nó ở phía sau đám lá nên sơ ý không nhìn thấy, thật sự là quá già rồi. Già đến mức nào? Không thể ăn được nữa, cho nên đã giữ lại để làm giống. Bạn xem thực vật, hoa cỏ cây cối đều thông nhân tánh, chúng ta có ân đức với nó, nó cũng báo ân cho chúng ta, báo ân của nó chính là dùng điều này để cúng dường đại chúng. Những sự việc này bạn phải học tập cho tốt thì bạn mới thật sự hiểu rõ được hiện tượng của vũ trụ nhân sinh.

Câu hỏi: Nếu hoa cỏ cây cối có linh tánh, xin hỏi khi chăm sóc vườn tược, chân chúng ta đạp lên cỏ non, thậm chí là vì để làm đẹp vườn mà phải cắt sạch, như vậy có phải là cũng làm tổn hại chúng không? Hay là trước khi đạp lên hoặc trước khi cắt thì nói xin lỗi chúng, đồng thời khuyên chúng vãng sanh về Thế giới Cực Lạc.

Đúng, Phật ở trong Giới Kinh nói với chúng ta: “Tỳ-kheo thanh tịnh không đạp lên cỏ non”. Chỗ này có đường đi, bạn muốn đi đường tắt mà bạn dẫm lên cỏ để đi qua, đây là sai, bạn làm tổn thương cây cỏ, cũng chính là bạn không tôn trọng chúng. Trừ khi bất đắc dĩ không có đường thì được. Cho nên thông tình thông lý, không có đường đi thì bạn chỉ nhẹ nhàng đạp lên cỏ mà đi qua, nếu có đường thì không được. Nếu bạn muốn chặt cây, trong Kinh Phật nói trước đó ba ngày bạn phải tụng Kinh hồi hướng cho chúng, bạn phải thuyết pháp cho chúng, phải nói với chúng ba ngày sau tôi sẽ chặt cây này của bạn nhằm mục đích gì, mời bạn chuyển nhà, đây chính là thần cây, thần hoa, thần cây cỏ, họ sẽ chuyển nhà. Chúng tôi ở Úc có căn nhà rất cũ rồi, chúng tôi không cần nữa và phá bỏ để xây lại. Bởi vì xây lại thì xe phải đi qua, cây cối trồng ở phía trước phải chặt đi mấy cây, trước ba ngày chúng tôi làm Phật sự cho chúng. Sau khi chặt rồi thì thần cây về báo mộng, ông nói chúng tôi vẫn chưa kịp đi, hi vọng sau này các Thầy chặt cây thì báo trước cho chúng tôi bảy ngày. Chúng tôi mới hiểu được, người ở Úc làm việc đều vô cùng chậm rãi, nơi này của chúng ta thì ba ngày là được, còn họ cần đến bảy ngày. Chúng ta phải hiểu hoàn cảnh ở nơi này, quỷ thần giống như con người vậy, không giống như chúng ta ở đây, họ làm gì cũng phải chậm lại nửa nhịp, thậm chí là chậm một nhịp. Thông tình đạt lý thì chúng ta chung sống hòa thuận, đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Cho nên thái độ bạn nói ở phía sau rất chính xác.

Câu hỏi: Có một vị xuất gia đã vãng sanh, lúc sanh tiền đã nói với mẹ chồng của con rằng người ăn chay trường có thể ăn hàu, ăn trai, chính là loài có vỏ. Mẹ chồng con rất chấp trước đối với cách nói này, xin Lão pháp sư từ bi khai thị.

Tốt nhất là không ăn, vì sao vậy? Những loài này thuộc về động vật, trừ khi có bệnh, thầy thuốc kê thuốc thì có thể dùng, nếu không phải thuốc thì không được. Thật sự trì giới tinh nghiêm thì dù cho thuốc cũng không dùng, họ phải tìm sản phẩm khác để thay thế. Đây là dưỡng tâm từ bi của chính mình, không kết oán thù với chúng sanh.

Câu hỏi: Con trai mười một tuổi của con khá là có thiện căn, nhưng thích ăn trứng gà, nó muốn xin Lão pháp sư khai thị, trứng gà đồ mặn hay đồ chay? Người ăn trường chay có thể ăn không ạ? Bởi vì người khác nói, con trai con không tin.

Tốt nhất là không ăn. Trứng, nếu là trứng gà không trống, nó không có sinh mệnh, trứng này có thể ăn. Chính là hiện nay nuôi gà công nghiệp ở trong trang trại, loại này chuyên môn đẻ trứng, không có trống giao phối, trứng này có thể ăn. Nhưng mấy năm trước tôi tham quan một trang trại vịt, sau khi tôi nhìn thấy rồi, tôi đã nói với mọi người, trứng gà công nghiệp, trứng vịt công nghiệp không thể ăn. Vì sao vậy? Tôi tham quan trang trại nuôi vịt này, nhân viên quản lý của họ ở đó lấy một con vịt nhỏ để lên tay tôi, to bằng lòng bàn tay của tôi. Họ hỏi tôi: “Pháp sư, Ngài xem con vịt này sinh được bao lâu rồi?”. Tôi ước tính ít nhất là một tuần đến mười ngày thì nó mới có thể lớn như vậy. Khi vừa mới sinh ra, từ trong trứng thì lớn bằng quả trứng, cho nên lớn như vậy, tôi nói ít nhất phải một tuần đến mười ngày. Họ nói với tôi, mới sinh hôm qua. Tôi hỏi nuôi con vịt này bao lâu thì xuất bán? Hai tuần. Tôi hiểu được, chúng tôi trước đây ở nông thôn muốn nuôi vịt lớn thì cũng phải mất khoảng bốn tháng đến năm tháng, bình thường là nửa năm mới xuất bán được. Hiện nay là hai tuần, bạn liền hiểu đồ chúng ăn toàn là thức ăn hóa học, để cho vịt trông rất lớn, từ sáng đến tối đã khác rồi, chúng  lớn rất nhanh.

Đồ chúng ăn không phải là thức ăn bình thường, không phải là chúng tự kiếm ăn trong tự nhiên mà là con người dùng thức ăn hóa học, trong đó đều mang theo vi khuẩn gây bệnh. Loại trứng vịt này có thể ăn không? Gà cũng không ngoại lệ! Thịt hiện nay đều không thể ăn, nhiều bệnh kỳ lạ đều là từ ăn uống mà đến. Bệnh từ miệng vào, một chút không sai. Sau khi tôi xem rồi nói với mọi người, không thể ăn trứng, nó quá đáng sợ. Tôi xem thấy trang trại đó là ở Sơn Đông, người trong trang trại nói với tôi, vịt của trang trại đó là cung cấp cho các quán vịt quay Bắc Kinh. Vịt quay Bắc Kinh đại khái có một phần ba là do trang trại của họ cung cấp. Vậy là xong rồi! May mà chúng tôi ăn chay đã thành thói quen, đối với đồ mặn không thể nào chịu được. Cho nên hiện nay ăn uống sinh hoạt bị nhiễm rất nhiều bệnh tật, không có cách gì tránh được, điều này không thể không chú ý. Đồ hải sản cũng có vấn đề, nước biển ô nhiễm, trong biển có rất nhiều sinh vật không thể sống sót, đều tuyệt chủng. Hiện nay có thể may mắn sống sót thì đồ chúng ăn mỗi ngày đều chứa độc tố, bạn nói xem đáng sợ biết bao.

Ngay cả rau củ hiện nay cũng không an toàn, vì sao vậy? Thuốc trừ sâu và phân hóa học rất nặng. Ở Đài Loan tôi từng gặp những nông dân trồng rau bán, rau của họ đều vô cùng tốt, nhưng chính họ không ăn, vì sao vậy? Dùng quá lượng thuốc trừ sâu. Họ bán cho người khác ăn, bởi vì người khác muốn đẹp mã, vậy thì đẹp mã. Chính họ thì ăn gì? Rau của họ ăn thì trồng ở một nơi khác, không có phân hóa học, không có thuốc trừ sâu, có sâu ăn, hình dạng không dễ coi, họ ăn cái đó. Đây là người thời xưa có câu ngạn ngữ “mưu tài hại mạng”, không nghĩ đến sức khỏe của người khác, chỉ nghĩ đến làm sao để moi tiền từ túi người khác, vơ vét về túi của mình, sống chết của người khác không liên quan đến mình. Lúa gạo họ trồng cho mình ăn cũng là trồng ở nơi khác, không bán, bán ra thì họ cho thêm bột tang vào, gạo đó trông đẹp mắt. Hiện nay thành ra thế giới gì? Đúng như trong “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói: “Uống đắng ăn độc”. Trước đây chúng tôi đọc qua câu Kinh văn này không biết ý nghĩa là gì, hiện nay nhìn thấy xã hội này, điều này trong Kinh nói không sai chút nào, chúng ta đúng thật là “uống đắng ăn độc”, bạn nói đáng sợ biết bao. Hiện nay đáng tin nhất là rau tự mình trồng, ngoài cách này ra không có cách nào khác. Ở khu vực Hồng Kông trồng rau rất khó khăn, không có đất đai. Chúng tôi ở Úc Châu có vườn rau rất lớn, rau chúng tôi tự trồng, thông thường có thể cúng dường cho ba trăm, bốn trăm người không có vấn đề gì. Ngay cả khi chúng tôi tổ chức sự kiện, có thể cúng dường cho một nghìn người ăn trong một tuần. Rau tự trồng, đây là đáng tin nhất. Cho nên điều này nói đến vấn đề ăn uống của chúng ta.

Câu hỏi: Hiện nay con không ăn thịt và trứng, nhưng người trong nhà và người thân bạn bè đều không thể hiểu, con phải nên làm thế nào? Có nên tụng “Kinh Địa Tạng” hồi hướng cho họ không ạ?

Đúng là cần tụng Kinh niệm Phật hồi hướng cho họ, đồng thời bạn phải nói rõ vì sao không thể ăn thịt. Không cần nói gì khác, chỉ nói hiện nay trong thịt là không sạch sẽ, vi khuẩn gây bệnh rất nhiều, đề phòng vẫn hơn. Nếu ngày ngày ăn những thứ đó trong lo sợ, chẳng bằng không ăn. Cách nói này mọi người có thể nghe lọt tai. Nếu họ thật sự muốn ăn, bạn dẫn họ đến lò mổ để xem, đến nơi nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt để xem, họ xem rồi không dám ăn nữa, sợ phát khiếp. Đây là phương pháp tốt nhất.

Câu hỏi: Chồng con vô cùng cố chấp không tin nhân quả, cho rằng ăn cá chạch có thể chữa bệnh gan, hơn nữa nhất quyết bắt con phải đi mua, đi giết, đi nấu, nếu không nghe thì anh ấy sẽ nổi giận, khiến cho người già, trẻ nhỏ trong nhà đều không yên. Xin Lão pháp sư khai thị.

Cũng phải nói đạo lý cho anh ấy nghe, nói rõ ràng rồi thì anh ấy bảo bạn đi mua thì bạn đi mua, bảo bạn giết thì bạn cứ giết, cứ nấu. Nhưng làm thế nào? Khi bạn giết nó thì niệm Phật hồi hướng cho nó, làm Tam Quy Y cho nó, khi giết thì niệm chú vãng sanh tiễn nó. Nó cũng là do nghiệp báo, nó cũng sẽ cảm ân, bởi vì khi người khác giết nó thì sẽ không niệm Phật cho nó, không làm Tam Quy Y cho nó, sẽ không tiễn nó vãng sanh, cho nên bạn hãy khai thị cho nó thật nhiều.

Câu hỏi: Xin hỏi về tội phá thai, vì sao tất cả tội lỗi đều đổ lên thân của người mẹ đáng thương, lẽ nào người làm cha không chịu chút nhân quả nào sao ạ?

Phải chịu trách nhiệm nhân quả, nhưng trách nhiệm nhân quả của người mẹ nặng, người cha nhẹ hơn, người mẹ là trực tiếp đi giết con. Cho nên Phật pháp nói được rất rõ ràng. Cha con, anh em, người thân quyến thuộc là có bốn nhân duyên: Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu bạn giết họ, cho dù là họ đến báo ân thì ân cũng chuyển thành oán thù; Nếu họ đến báo oán thì oán thù lại càng sâu thêm. Sau này gặp lại bạn sẽ không chịu nổi, oan oan tương báo không bao giờ ngừng dứt. Nếu bạn thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật, nếu bạn thấy những vong linh thai nhi bị phá mỗi năm, nếu bạn thật sự có thể nhìn thấy họ, nghe thấy tiếng gào thét của họ, nhìn thấy sự thê thảm của họ, bạn mới hiểu là tội lỗi nặng biết bao. Sự việc này nói với người thông thường họ rất khó tin, nhưng là thật, không phải giả.

Câu hỏi: Con đang sống ở Hàng Châu, một thành phố lớn như vậy, không có không khí học tập, cho đến hôm nay đã trải qua thời gian nửa năm rồi mà khi gặp cảnh giới thì ngay cả câu: “Lời nhường nhịn, tức giận mất; Mặt ta vui, lời ta dịu” con cũng không làm được. So với các Thầy cô ở Lô Giang thì lẽ nào con lại vô phương cứu chữa hay sao ạ? Xin hỏi Lão pháp sư, phải nên đột phá như thế nào? Tiếp tục học “Đệ Tử Quy” đến khi hoàn toàn thực hiện được thì mới ngừng. Hay là có thể bắt đầu nghe giảng “Cảm Ứng Thiên”, liệu có thể học “Cảm Ứng Thiên” để hỗ trợ cho thực hành “Đệ Tử Quy” được không ạ?

Đúng thật là học tập, nếu có môi trường học tập tốt thì hiệu quả sẽ vô cùng thù thắng. Ví dụ như học “Đệ Tử Quy”, một mình bạn ở nhà học rất khó khăn, nếu mọi người cùng nhau học ở trường thì hiệu quả chắc chắn lớn hơn khi bạn học tập một mình. Tốt nhất, tôi thường khuyên mọi người đến Thang Trì, Thang Trì đã hình thành bầu không khí học tập Đệ Tử Quy, cho nên việc học tập ở nơi đó không giống với học tập ở bất kỳ nơi nào khác. Vì sao vậy? Hai mươi ngôi làng ở đó của họ, cư dân có bốn mươi tám ngàn người, ai nấy đều thực hiện, không thể nói một trăm phần trăm nhưng ít nhất có bảy mươi đến tám mươi phần trăm người đều đang thực hiện. Cho nên bầu không khí này rất tốt, ở hiện tiền của chúng ta mà nói là hiếm có khó gặp. Bạn đến nơi đó ở ba ngày, ở năm ngày, một tuần, cảm nhận đó đúng thật là giống như du học sinh Canada kia vậy, anh ấy học ở nước ngoài ba năm không bằng sống ở Thang Trì ba ngày. Đây là chân thật. Đến Thang Trì, lợi dụng thời gian rảnh rỗi của bạn để học tập, thường xuyên đi học tập, như vậy nền tảng của bạn sẽ được thiết lập, bất luận bạn ở trong môi trường nào bạn đều có thể thực hiện.

Câu hỏi: Nhà nước đã công khai rõ ràng Pháp Luân Công là tà giáo, nghiêm cấm tu luyện. Nhưng vì bản thân con trong tu luyện thấy có lợi ích, cho nên vẫn không có cách gì tiếp nhận được cách nghĩ này, thân tâm đều vô cùng khổ sở. Rốt cục người sáng lập Pháp Luân Công đã làm những gì, vì sao bị nhà nước cấm đoán? Từ năm 2003 con nhìn thấy đĩa giảng Kinh của Lão Pháp Sư càng nên khởi lên hi vọng với việc học Phật. Nhưng trong tâm con vẫn kiên định với Pháp Luân Công là pháp môn bất nhị, lại khiến cho con không thể y theo lời của Pháp sư mà tu học, ở trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, một mặt khát vọng vãng sanh Thế giới Cực Lạc, một mặt lại không có cách gì cắt bỏ được Pháp Luân Công, con không biết phải nên làm sao.

Tôi khuyên bạn hãy đem cuốn sách nhỏ “Nhận Thức Phật Giáo” ra đọc mấy lượt. Tôi biết có rất nhiều người học Pháp Luân Công, sau khi xem cuốn sách nhỏ này thì quay đầu, vì biết rồi. Đây chính là như trong ngạn ngữ nói “không sợ không biết hàng, chỉ sợ hàng so hàng”, so sánh Pháp Luân Công với Phật pháp thì bạn sẽ thấy rõ, không cần người khác phải nói với bạn. Thành tựu của Pháp luân công, trong tưởng tượng của tôi là thuộc về sức khỏe thân thể, giống như tập Thái Cực Quyền vậy, có thể giúp cho thân thể khỏe mạnh. Nhưng nó có tác dụng phụ, hơn nữa tác dụng phụ rất lớn, bạn không luyện thành công thì rất hạnh phúc, nếu bạn luyện thành công thì phiền phức có thể rất lớn. Khi xưa tôi ở Úc gặp một người luyện Pháp Luân Công, anh ấy luyện thành công rồi, anh nói với tôi, trên rốn bụng của anh ấy có một pháp luân, dùng tay sờ vào cũng cảm nhận được. Tôi đã hỏi anh, một người bình thường thì trên rốn có cái này không? Anh nói không có. Tôi nói đã là người bình thường không có mà anh có cái này, đây chính là bệnh, anh không bình thường, anh mới hiểu rõ. Tôi nói vậy cách làm thế nào? Thứ này là gì? Tâm tưởng sự thành, anh ngày ngày nghĩ đến thứ đó thì nó sẽ tưởng thành thôi. Bây giờ anh phải bỏ nó đi thì anh mới khôi phục lại bình thường, nếu không phiền phức của anh sẽ rất lớn. Tôn giáo thuộc về Chánh Giáo, đều là dạy bạn làm người bình thường, không dạy bạn làm người trái với bình thường. Bạn phải hiểu điều này. Những vấn nạn của nó không chỉ là những điều này, có rất nhiều, bạn phải tự mình tỉ mỉ mà quan sát.

Bạn đã muốn cầu sanh Thế Giới Cực Lạc, điều kiện để đến Thế Giới Cực Lạc, ở trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói rất rõ ràng: “Phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm”, bạn vẫn xen tạp Pháp Luân Công thì bạn không đến được Thế Giới Cực Lạc. Đây là nói lời thật với bạn. Bồ Tát Đại Thế Chí ở trong “Niệm Phật Viên Thông Chương” đã nói với chúng ta, bí quyết niệm Phật là: “Thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Đây là bí quyết niệm Phật. Tịnh là thanh tịnh, không có hoài nghi, không có xen tạp thì mới gọi là Tịnh niệm, tiếp nối chính là không gián đoạn. Đây là pháp môn niệm Phật. Hơn nữa Phật đã giảng rất rõ ràng, Tổ sư càng nhấn mạnh “Trì giới niệm Phật”. Phật đã nói cho người học Phật chúng ta: “Lấy giới làm Thầy, lấy khổ làm Thầy”. Cho nên chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh Tịnh Nghiệp Tam Phước, đặc biệt nhấn mạnh ba cái gốc Nho Thích Đạo, đây là điều mà bạn phải nên học thật sự, sẽ có lợi ích lớn đối với bạn. Bạn luyện Pháp Luân Công không có lợi ích cho bạn, tự bạn nên nghiêm túc mà suy nghĩ. Học “Đệ Tử Quy” là giáo dục luân lý, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là giáo dục nhân quả, “Thập Thiện Nghiệp Đạo” là giáo dục Phật Đà. Bạn cắm ba cái gốc này, rễ sâu gốc vững, thành Thánh, thành Hiền, thành Phật, thành Bồ Tát. Những điều này chẳng liên quan gì đến Pháp Luân Công, bạn nhất định phải biết. Hi vọng bạn đọc cuốn sách nhỏ “Nhận Thức Phật Giáo” nhiều lần.

Câu hỏi: Người niệm Phật rất tinh tấn, oan gia trái chủ sẽ tìm đến gây phiền phức cho chúng ta, nhưng y chiếu theo đạo lý thì đáng lẽ họ phải vui mới đúng, bởi vì chúng ta vãng sanh thì chắc chắn có lợi ích với họ, lẽ nào họ không biết đạo lý này hay sao ạ?

Nói thật ra chính vì họ biết đạo lý này nên họ mới tìm bạn. Bạn không niệm Phật, công phu không đắc lực thì họ không tìm bạn, vì sao vậy? Tìm không có tác dụng gì, tự độ còn không độ nổi, làm sao độ được họ? Phàm là họ đến tìm bạn là công phu của bạn đã đắc lực, họ tìm đến không phải là để làm phiền bạn, mà họ tìm bạn để cầu siêu độ. Bạn có thể đem công đức của mình hồi hướng cho họ, họ sẽ hoan hỉ, họ đến để cầu điều này. Chính bạn không có công đức thì họ không đến tìm bạn, bạn muốn họ đến họ cũng chẳng đến. Cho nên phải biết đạo lý này.

Câu hỏi: Học trò đang học ở Bắc Mỹ, một vị Thầy hướng dẫn yêu cầu học trò phải có sáng tạo, nhưng đa số nội dung này đều trái với Phật pháp, ngày ngày đều phạm khẩu nghiệp, thỉnh cầu Lão pháp sư từ bi khai thị.

Trường học hiện nay dạy điều gì? Giáo viên đang dạy những gì? Học trò đang học những gì? Bạn không thể không biết. Đời này của tôi sinh ra ở trong thời đại chiến loạn, gia đình thì rất nghèo, muốn đi học cũng không có cơ hội, không có tiền đóng học phí. Dù sao vẫn tốt, vì sao vậy? Không bị trường học hiện nay làm nhiễu loạn đầu óc, nhưng hiếu học, rất muốn học. Khi đó ở Đài Loan nghe nói Tiên sinh Phương Đông Mỹ là nhà triết học đương đại, tôi rất có hứng thú với triết học. Tôi nghe nói Ngài là người Đồng Hành, Đồng Hành là đồng hương với tôi, là huyện kế bên. Vậy là tôi tự giới thiệu, chính mình viết một bức thư gửi Ngài, cũng gửi thêm mấy bài văn cho Ngài xem, muốn đến trường để nghe Ngài giảng. Một tuần sau Ngài trả lời thư của tôi, muốn tôi đến nhà Ngài để gặp mặt. Tôi đã bày tỏ yêu cầu của tôi, hi vọng ở bên cạnh lớp để nghe khóa trình của Ngài. Ngài nói với tôi, hiện nay ở trường Thầy giáo không giống Thầy giáo, học trò không giống học trò, anh đến trường nghe giảng thì anh sẽ rất thất vọng. Lời này là nói năm mươi sáu năm trước, lão sư Phương từ chối tôi, đương nhiên trong tâm tôi rất buồn. Không ngờ là Thầy đối với người thật sự muốn học như tôi vẫn là rất từ bi, rất quan tâm, Thầy nói với tôi: “Hay là thế này, từ tuần tới, Chủ nhật hàng tuần thì anh đến nhà tôi, tôi sẽ dạy cho anh 2 tiếng”. Lúc đó bản thân tôi còn không lo nổi đời sống của mình, một xu tiền học phí cũng không có để cúng dường.

Từ trong triết học mới nhận thức được Phật pháp, bởi vì Thầy giảng cho tôi là Khái luận Triết học, chia ra nhiều hạng mục, từ triết học phương Tây cho đến Đông Phương, nói đến Trung Quốc, nói đến Ấn Độ. Hạng mục sau cùng là Triết học Kinh Phật, chúng tôi mới thật sự nhận thức được thế nào gọi là Phật giáo. Phật giáo là giáo dục của Thích Ca Mâu Ni Phật, nó không phải là tôn giáo, mới nghiêm túc học tập môn học này. Thầy nói với tôi: “Triết học Kinh Phật là đỉnh cao nhất của triết học toàn thế giới, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”. Học Phật đương nhiên phải tìm chuyên gia về Phật, cũng rất khó quen biết Đại sư Chương Gia. Đại sư Chương Gia đúng thật là không dễ, dạy tôi đọc cuốn sách đầu tiên là “Thích Ca Phương Chí”, “Thích Ca Phổ”. Ngài nói với tôi, anh muốn học Phật thì anh phải nhận thức được Thích Ca Mâu Ni Phật, học tập theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi đọc xong tôi mới hiểu Thích Ca Mâu Ni Phật không phải là Thần, cũng chẳng phải là Tiên, xem hành nghi trong cả đời Ngài, Ngài không phải là tôn giáo, Ngài không có đạo tràng, Ngài dạy học, Ngài là nhà giáo dục rất bình thường. Mười chín tuổi ra đi học tập, rời bỏ hoàng cung, Ngài xuất thân là Vương tử, ra đi học tập, khi đó những cao nhân này ở Ấn Độ, chúng ta ngày này gọi là Cao tăng Đại đức trong các tôn giáo, những chuyên gia học giả hàng đầu trong giới học thuật, Ngài thảy đều từng thân cận.

Học tập đến sau cùng là mười hai năm, đến năm ba mươi tuổi, bởi vì rốt cục không tìm được đáp án, đó là vũ trụ từ đâu tới? Sinh mạng từ đâu tới? Đây đều là vấn đề lớn của khoa học, triết học. Cho nên Ngài đã ở dưới cội Bồ Đề, ở dưới gốc cây đại thụ bên dòng sông Hằng nhập định, tất cả sở học suốt mười hai năm thảy đều buông xuống. Vừa buông xuống thì đại triệt đại ngộ, hoàn toàn thấu tỏ rồi. Từ đây bắt đầu dạy học một mạch cho đến khi vãng sanh. Ngài bảy mươi chín tuổi thì qua đời, dạy học bốn mươi chín năm. Khi bạn hiểu rõ Ngài rồi, Ngài là người như thế nào? Là một nhà giáo dục, cả đời theo nghiệp giáo dục, nghề nghiệp của Ngài là giáo viên, đây là thân phận thực sự của Ngài. Ngài không có liên quan gì đến tôn giáo! Ấn Độ là đất nước của tôn giáo, cho nên khi Ngài dạy học thì thường hay nhắc đến Tôn giáo, nhưng bản thân Ngài không phải là tôn giáo. Đây là điều mà chúng ta phải nên hiểu rõ, bạn thật sự nhận thức được thì bạn mới học được gì đó. Kinh điển chính là những gì Ngài dạy học suốt bốn mươi chín năm khi Ngài còn tại thế, được người đời sau ghi chép lại,. Lúc đó dạy học không ghi chép, sau này học trò mới ghi chép lại, lưu truyền đến đời sau. Chúng ta mới thật sự làm cho rõ ràng, làm cho minh bạch. Hiện nay những nghi thức này trong Phật giáo đều là do Tổ sư Đại đức sau này làm ra, khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế thảy đều không có, phải hiểu điều này.

Nội dung dạy học của Ngài, chúng tôi hiện nay quy nạp lại, không ngoài năm khoa mục: Luân lý, Đạo đức, Nhân quả, Khoa học, Triết học. Không chỉ Triết học đạt đến đỉnh cao, mà khoa học và những khoa mục khác như Luân lý, Đạo đức, Nhân quả đều giảng đến đỉnh cao, giảng đến cứu cánh viên mãn. Những thứ tốt như vậy, bạn nói xem con người không biết thì đáng tiếc biết bao! Cho nên sau khi lão sư Phương và Đại sư Chương Gia giới thiệu cho tôi, lúc đó tôi một thân một mình ở Đài Loan, không có vướng bận gì, không lo không nghĩ, đã hạ quyết tâm tôi thật làm, tôi thật sự đi học, những thứ này tốt như vậy. Biết rồi mà không chịu kế thừa thì đây là tội lỗi, có lỗi với Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng có lỗi với chính mình, vậy nên cả đời đã chọn nghề nghiệp này. Cho nên Phật và Khổng Tử đều không sáng tạo, cả đời không sáng tác, không phát minh, điều mà các Ngài cả đời truyền là gì? Là những gì người xưa đã nói. Khổng Tử nói là “Thuật lại mà không sáng tác”. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là thuật lại mà không sáng tác. Ngài ở trên Kinh giảng rất rõ ràng, những gì cả đời Ngài dạy, Ngài học, Ngài truyền, đều là của cổ Phật nói, Ngài không thêm vào một chữ nào, là người thật thà. Khổng Tử là người thật thà, Thích Ca Mâu Ni Phật là người thật thà, người thật thà đáng quý.

Được rồi, hôm nay hết giờ rồi, chúng ta học tập đến chỗ này.

A DI ĐÀ PHẬT!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 139


Hôm nayHôm nay : 31877

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 349362

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61249448

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.