Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Làm thế nào để trở thành một người tốt chân thật đúng như Pháp

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 37)

Thứ tư - 22/02/2017 20:06

Các vị bằng hữu, xin chào mọi người!

Hôm qua, chúng ta đã bàn đến việc tu thân phải bắt tay từ sáu phương diện, đó là từ “ngôn trung tín”, “hành đốc kính”, “trừng phẫn”, “truất dục”, “thiên thiện”, “cải quá”. Sáu phương diện này áp dụng thực tiễn vào trong công phu tu thân. Sáu lời giáo huấn này lại hoàn toàn tương ưng với lời giáo huấn của Phật Thích Ca Mâu Ni trong đạo Phật, chính là “thành thật, lễ kính, không tham, không sân, không si”. Lời giáo huấn của đức Phật cách thời đại chúng ta khoảng 3.000 năm, lời giáo huấn của lão tổ tông thì cách chúng ta trên 4.500 năm, vì vậy những lời giáo huấn này của Thánh nhân Trung Hoa đã có trước khi Phật nói hơn 1.500 năm. Chúng ta từ chỗ này cũng lý giải được một câu tục ngữ:“Những tư tưởng lớn gặp nhau”. Người chân thật có trí huệ, có đức hạnh, họ có cách nhìn giống nhau đối với đạo lý của vũ trụ nhân sanh.

Chúng ta vô cùng may mắn khi có cơ hội học tập những văn hóa triết lý này, có thể quý trọng cơ hội này để lĩnh hội giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, vì vậy chúng ta phải biết tri duyên, nghĩa là phải biết cái duyên phần này hiếm có. Giả như 4.500 năm nay, nếu có một đời không truyền lại thì sẽ như thế nào? Đã đoạn mất rồi. 4.500 năm nay chính là nhờ liên tục có Thánh Hiền trao truyền lại. Có câu nói: “Chánh pháp không có người nói, dù có trí nhưng không thể lý giải”. Giáo huấn của Thánh Hiền giả như không có nhờ vào sự truyền thừa của sư đạo thì có thể đã bị đoạn dứt mất ngay trong quá trình này rồi, gọi là “có kế thừa cái đời trước mới có thể để lại cho đời sau”. Cho nên, nếu như mỗi chúng ta đều có sứ mạng thừa truyền trí huệ của lão tổ tông thì nó sẽ không bị đoạn mất. Vậy thời đại này của chúng ta, chúng ta cũng có trách nhiệm đem chúng truyền trao lại. Trước phải kế thừa, sau đó mới có thể truyền lại. Các vị bằng hữu! Chúng ta đã kế thừa được chưa? Chúng ta đã lý giải được chưa? Việc này quả thật quan trọng. Cho nên, mỗi một người đều có trách nhiệm đem giáo huấn của Thánh Hiền truyền trao lại đời sau, từ việc tu thân mà bắt đầu làm, từ gia đình của mình mà bắt đầu thực hiện.

Có nhiều người nói, đại đạo Thánh Hiền nghe ra thì thấy vô cùng tinh thâm quảng bác, kỳ thực đạo lý chân thật sâu xa của nó thì cũng là đạo lý bình thường. Chúng ta nói đến luân thường đại đạo, không có cái nào cao hơn nó nữa, vậy xin hỏi luân thường đại đạo là gì? Ngũ luân à? Các vị không thể trả lời sao? Chắc tôi đau lòng quá đi mất! Đó là: Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín.

Các vị bằng hữu! Trong mười ngày này, khóa trình mà chúng ta cùng nhau nghiên cứu thảo luận chính là cương lĩnh thâm sâu quảng bác của văn hóa Trung Hoa. Nắm được cương lĩnh, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Nếu như bản thân giải hành tương ưng thì sự lý giải của bạn cũng sẽ càng sâu, càng rộng hơn, bạn cũng có thể có một phần đắc lực thì có thể truyền thừa một phần, mười phần đắc lực thì truyền lại mười phần. Mỗi một người chúng ta ở trong thời đại rộng lớn này phải canh cánh vấn đề hưng vong của đất nước. Đất nước này không đơn thuần là đất nước hiện nay của chúng ta mà là chỉ cái văn hóa mấy nghìn năm nay của chúng ta, chúng ta đều có trách nhiệm tận một phần tâm sức. Vì vậy, từ việc tu thân mà bắt đầu làm.

Trong quyển “Đại học” đã đem bước đầu tiên của việc lập thân hành đạo nói ra rất rõ ràng, đó là “từ thiên tử cho đến thứ dân đều lấy việc tu thân làm gốc”. Đây là bước đầu tiên. Trong quyển “Trung Dung” cũng nói: “Đăng cao tất tự ti”. Bạn muốn leo lên cao thì phải bắt đầu từ đâu vậy? Chữ “ti” này nghĩa là dưới cùng, bạn leo lên núi thì nhất định phải từ chân núi mà đi lên. Có người nào trực tiếp một cái là lên tới núi được hay không? Trừ phi người đó có khinh công, nếu không thì bạn sẽ phải từng bước từng bước mà leo lên. Cho nên, chúng ta nhất định phải từ việc tu thân của chính mình. Đây chính là bước đi mở đầu.

Cách đây hai tuần, chúng tôi đi đến Cửu Hoa Sơn. Cửu Hoa Sơn dốc rất đứng, từng bậc từng bậc nối tiếp nhau. Giả như khi chúng ta leo lên, trước tiên nhìn vào một điểm cao khoảng mấy nghìn mét, bạn sẽ nói cao như vậy chắc sẽ mệt chết mất, chắc là thôi, chúng ta không leo nữa vậy. Rất nhiều người mơ ước viễn vông, mới nhìn thì nhìn cho xa rồi cảm thấy mình chắc là không được. Nhà cao vạn trượng thì cũng xây từ mặt đất.

Chúng tôi có một vị giáo viên, anh ấy nói: “Leo lên Cửu Hoa Sơn thì bạn chỉ nên nhìn vào bậc thềm kế tiếp, từng bước nối tiếp từng bước thì tự nhiên rồi bạn sẽ lên được đến đỉnh”. Cho nên phải sống trong thực tại, sống trong việc đôn luân tận phận, tận hết bổn phận của mình trong gia đình, tận hết bổn phận công việc của mình, tận bổn phận làm gương cho xã hội của mình. Chúng ta làm tốt vai trò người vợ, chúng ta đem vai diễn của một người mẹ làm cho tốt, chúng ta đem vai trò của một đồng nghiệp làm cho tốt, tự nhiên đức phong trong xã hội không thổi cũng tự bay. Kỳ thực, sức ảnh hưởng của nó tuyệt đối không phải là mỗi ngày bạn ở đó cứ suy nghĩ ở trong đầu là “tôi sẽ ảnh hưởng bạn, tôi sẽ ảnh hưởng bạn”, như vậy thì người cũng nhất định sẽ không để cho bạn làm ảnh hưởng, mãi mãi đều là vì bản thân bạn cảm thấy đây đều là bổn phận mà chúng ta nên làm. Bạn mà làm được một cách chân thành, làm được tự nhiên đến như vậy thì mới khiến cho người ta cảm động. Cho nên, vĩnh viễn những người làm rất nhiều việc đều cảm thấy chính họ chưa làm được gì. Người mà cảm thấy mình đã làm rất nhiều thì kỳ thực họ chưa làm được gì. Câu nói này hơi khó hiểu một chút. Người làm rất nhiều việc, họ đều cảm thấy họ không có làm gì cả, bởi vì họ cho rằng đó chính là bổn phận của mình. Ngược lại, người mà mỗi ngày đều nghĩ rằng mình đã làm rất nhiều việc, họ nói: “Anh xem, tôi đã làm rất nhiều việc, có ai nhìn thấy hay không chứ? Tôi làm như vậy có ai nhìn thấy hay không?”. Mỗi ngày đều suy nghĩ đến cái danh của chính mình, cái lợi của chính mình. Nếu đã dùng tâm danh lợi để mà làm việc thì vĩnh viễn không thể khiến cho người ta nhìn thấy mà cảm động, mãi mãi khiến cho người ta cảm thấy là “những người học tập Thánh Hiền đó đều làm việc kiểu như vậy”, làm một chút việc tốt mà muốn người ta biết đến. Vào lúc này có thể không những không có hiệu quả, thậm chí phức tạp hơn biến thành hiệu quả xấu. Mãi mãi những danh lợi mà chúng ta chiếm được, đi được nửa đường thì đã quên mất mục tiêu rồi, trong tâm lúc này chỉ quan tâm đến danh đến lợi, lúc này thì đã quên mất học vấn của Thánh Hiền rồi.

Cho nên, tôi tin rằng ông Tần Cối ban đầu khi bắt đầu đi ứng thí cũng suy nghĩ đến việc làm sao để lợi ích cho nhân dân, vậy vì sao mà đi đến sau cùng lại thành ra kẻ lộng quyền hại nước? Vì sức mạnh của danh lợi rất lợi hại. Các vị bằng hữu! Không nên đợi cho đến khi tám cơn gió thổi đến rồi thì mới bắt đầu luyện công phu, mọi lúc đều phải nên xây dựng tốt cái gốc rễ cho chính mình, chân thật vì người mà làm việc. Khi làm việc vì nhân dân thì mới có thể vượt qua được những thử thách khảo nghiệm.

Chúng ta lúc trước đã có nói qua về câu chuyện “Tám gió thổi không động” hay chưa? Ông Tô Thức, tức Tô Đông Pha cùng với Thiền sư Phật Ấn giao hảo rất tốt. Có một hôm, Tô Đông Pha cảm thấy cảnh giới của mình rất cao, tu dưỡng cũng rất cao. Khi tọa thiền ông đã viết một bài thơ: “Đảnh lễ bậc giác ngộ, hào quang chiếu đại thiên, tám gió thổi không động, ngồi vững tòa sen vàng”. Viết ra một bài như vậy, cảnh giới như thế nào? Tám gió đó là gì vậy? Là “lợi”, “suy”, “khổ”, “lạc”, “xưng”, “cơ”, “hủy”, “dự”. Chúng ta trong mối quan hệ giữa con người với nhau và trong cảnh giới chúng ta đang sống, tám loại tình huống này đều xảy ra.

“Lợi” chính là khi bạn đang thuận lợi, “suy” chính là là khi bạn đang thoái trào, đang trong nghịch cảnh. Bạn đều có thể thuận cảnh mà không tham, nghịch cảnh mà không oán trách. Chúng ta tiến bộ nhất là khi nào vậy? Là khi nghịch cảnh. Bởi vì nghịch cảnh rèn luyện cho con người, thuận cảnh thì đào thải con người. Con người hễ ở trong nghịch cảnh thì tự cảm thấy mình cao, liền quên thì bắt đầu suy thoái, vào lúc này liền bị đào thải. Cho nên, dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh đều phải xem xét lại sự tu dưỡng của chính mình.

Bạn xem, vì sao mà chúng ta nói hầu hết doanh nghiệp, hơn nữa số doanh nghiệp trong vòng năm năm đều bị đóng cửa? Tại Hải Khẩu của chúng ta, mỗi một năm công ty tiếp nhận sự kiểm tra của đơn vị chủ quản, hơn một nửa trong đó đều không vượt qua được một năm, có nghĩa là trong vòng một năm những công ty này đều bị sập tiệm. Mặc dù khi bắt đầu tiền vốn đầu tư rất lớn, vậy vì sao mà đóng cửa nhanh đến như vậy? Có một công ty nọ cũng rất lớn, trong vòng mười năm mà đầu tư hết hai mươi triệu. Kết quả là do ông chủ của công ty là người ăn xài vô độ, lại rất háo sắc, thế là công ty đã sụp đổ rất nhanh, cưới vợ mới hai tháng thì đã bỏ trốn đi, sau đó trở về nước thì bị bắt. Cho nên chúng ta nhìn thấy được, khi ông tiếp nhận hai mươi triệu là một tình trạng rất tốt, nhưng mà rốt cuộc vì tự cho mình là cao, bắt đầu ăn tiêu phung phí, sau đó lại không chịu nghe lời khuyên, thế là đành bại sụp. Vì vậy, chúng ta luôn thấy là “giàu sang học đạo nan”. Khi một người có rất nhiều tiền, đều không nghĩ đến việc nâng cao tu dưỡng của chính mình, cũng không nghĩ đến việc nên đi giúp đỡ người khác, phúc lợi cho xã hội. Cho nên, hầu hết nghiệp tội của con người đều không phải được tạo ra trong nghịch cảnh, mà tạo ra trong những lúc thuận cảnh. Đúng vậy! Cho nên thuận cảnh đào thải con người. Bạn ở trong thuận cảnh, giả như không có cái tâm muốn lợi ích cho người khác, rất có thể bạn sẽ bị suy trở lại. Chúng ta phải nên hiểu đạo lý này. Trong thuận cảnh phải thời thời cảm ân người khác, trong thuận cảnh phải thời thời nghĩ đến việc tạo phước cho xã hội, thì phước đó của bạn mới có thể lâu dài chẳng suy, mới có thể giữ được tài phú lâu dài cho bạn, giữ được gia đạo của bạn.

Tiếp đến là “khổ” và “lạc”. Con người trong lúc khổ có thể vẫn tu dưỡng được tốt hay không, tâm vẫn có thể giữ được thanh tịnh hay không, việc này chính là công phu. Còn “lạc” là vui, chúng ta nói vui quá hóa buồn, bởi vì con người trong lúc vui thì luôn quên đi bản thân mình là ai, quên đi sự an toàn của chính mình, quên đi rất nhiều bổn phận của chính mình. Cho nên khi mở quyển báo ra, rất nhiều sự việc ngoài ý muốn đều xảy ra trong lúc vui chơi. Cho nên việc vui chơi không nên quá đà, gọi là “không nên vui chơi quá trớn”. Thường là đối diện với cảm nhận của chính mình, tâm tình đều phải thuận theo đạo trung dung, có chừng có mực.

“Xưng” là người ta xưng tán bạn, “cơ” nghĩa là người ta khích bác bạn, châm chọc bạn, mà bạn có thể tu dưỡng được thật tốt, không động tâm.

“Hủy” là người khác hủy báng bạn, bạn có thể tâm bình khí hòa mà tiếp nhận. Người ta phê bình bạn mười câu, chỉ có một câu là đúng, còn chín câu kia là sai, chín câu này bạn đều không nổi giận, còn một câu nói đúng thì bạn tự mình phản tỉnh cho tốt, tôi tin rằng người hủy báng bạn đến sau cùng cũng sẽ bị bạn làm cho cảm động. Bởi vậy, người mà tám gió đời thổi không lay động mới có thể chuyển hóa được người khác. Nếu tám gió vừa thổi mà đã động thì người đó đã bị người khác chuyển, bị hoàn cảnh làm cho xoay chuyển, bị dắt mũi mà đi.

Đường Thái Tông vì sao mà có thể tạo ra sự thịnh thế cho Đường triều? Bởi vì Đường Thái Tông đều có thể tiếp nhận một cách rộng rãi lời phê bình của đại thần đối với ông mà không có trách phạt những thần tử này.

Một lần, có một vị thần tử thao thao bất tuyệt phê bình Đường Thái Tông. Sau khi phê bình xong thì vị thần tử này quay về. Mấy vị đại thần ở bên cạnh liền nói với Hoàng thượng: “Bẩm Hoàng thượng! Những điều mà ông ấy nói hơn một nửa đều là giả, Hoàng thượng sao lại không trách, sao không trừng phạt?”. Đường Thái Tông liền nói: “Ông ấy nói mười câu mà có được hai câu đúng thì ta sẽ đem hai câu ấy ra dùng. Nhưng mà giả như ta ngăn cấm ông, hành động này hễ truyền ra ngoài, người ta sẽ nói Hoàng thượng vẫn còn phản bác đối với những lời can gián, vẫn còn phê bình. Những lời này mà truyền ra bên ngoài, sau này các trung thần khác có còn dám can gián nữa hay không?”. Không dám nữa. Cho nên Đường Thái Tông có thể nhìn thấy được xa rộng, có thể tiếp nhận rộng rãi, sau đó lại dùng sức phán đoán của mình, như vậy sẽ không gây cản trở tất cả những lời can gián của các vị trung thần đối với mình. Vì vậy, khi Đường Thái Tông đối diện với sự khích bác hủy báng của người khác thì ông đều có thái độ như vậy. Cho nên, một người thành tựu cao được bao nhiêu đều có tỷ lệ thuận đối với sự độ lượng và tâm lượng của họ.

“Xưng” là xưng tán, còn “dụ” nghĩa là khi bạn có niềm vinh dự kéo đến, bạn cũng có thể không bị tiêm nhiễm. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều người, họ vừa được bằng khen thưởng thì liền đem trưng nó lên. Kết quả là khi đến phòng làm việc của họ, toàn bộ đều là bằng khen hạng nhất, là bảng vàng, treo đầy cả. Khi Cư sĩ Hứa Triết được phỏng vấn, chúng tôi có chú ý một chút, nhìn thấy căn phòng của bà rất là sạch sẽ trống trải. Bà là quốc bảo của Singapore, xin hỏi, bà có biết bao nhiêu bằng khen chứ? Rất nhiều bằng khen, nhưng bà không treo một bằng khen nào cả, chỉ treo duy nhất một chữ “Ái” mà Hòa thượng Tịnh Không đã tặng cho bà mà thôi. Cho nên người chân thật có đức hạnh, họ đều cảm thấy tất cả những việc đó đều là việc họ nên làm, việc này không có gì để khoe khoang, cho nên khi vinh hoa đưa tới thì cũng như gió thổi qua, không để lại một vết tích nào trong tâm của bà. Đây mới gọi là tám gió thổi không động.

Tô Đông Pha cảm thấy cảnh giới của mình rất cao, cho nên đã viết ra bài thơ: “Đảnh lễ bậc giác ngộ, hào quang chiếu đại thiên, tám gió thổi không động, ngồi vững tòa sen vàng”. Sau đó liền cho người đem đến cho Thiền sư Phật Ấn xem. Thiền sư Phật Ấn xem xong liền viết hai chữ “đánh rắm”lên bài thơ đó, rồi sai người đem về. Tô Đông Pha suy nghĩ như thế nào, trong tâm ông vốn mong đợi là điều gì? Hãy khen tôi đi, Thiền sư xem cảnh giới của tôi tốt như thế nào, kết quả lại là một chữ “đánh rắm” gửi cho ông. Ông liền đùng đùng nổi giận, nổi cơn lôi đình muốn đi tìm Phật Ấn để nói cho ra lẽ. Kết quả là còn chưa bước vào cửa, Phật Ấn cũng không mở cửa, chỉ viết hai hàng chữ ở trên cánh cửa là “tám gió thổi không động, đánh rắm đã qua sông”. Nói là tám gió thổi không lay động, thế là một cái đánh rắm đã bay qua sông rồi, việc đó đã đem cảnh giới của ông phá bỏ hết cả. Tô Đông Pha nhìn thấy như vậy rất xấu hổ, đành mau chóng quay trở về. Vì vậy, việc tu dưỡng của con người đích thực là không thể lừa gạt được người khác. Phải nên thường xuyên nhìn thấy sự khởi tâm động niệm của chính mình, ở trong cảnh giới mà xem có bị tập khí của thế gian làm cho cảnh giới của bạn bị đảo lộn hay không. Cho nên lúc nào là tu dưỡng, lúc nào là tu thân, thời thời khắc khắc tất cả đều là chỗ học tập của chúng ta, đều là nơi học tập.

Công phu của việc tu thân chân thật phải nhờ vào công phu “nước chảy đá mòn” của chúng ta. Nước chảy đá mòn cũng cần phải bắt đầu bước đi từ những bước đầu tiên. Cho nên, khi chúng ta làm như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ tương ưng với Kinh điển, “đi từ thấp lên cao, từ gần đến xa”. Đây là giáo huấn ở trong “Trung Dung”.

Ngoài việc tu thân ra, việc quan trọng thứ hai là công phu “đốc hành”, phải dùng vào trong việc xử sự, dùng xử lý sự tình. Mỗi ngày không rời khỏi chính mình, không rời khỏi người khác, không rời khỏi xử lý công việc. Mỗi ngày nhất định đều có việc, vậy rốt cuộc xử lý sự việc phải nên tuân thủ theo nguyên tắc nào, tuân theo phép tắc nào? Việc này thì chúng ta không thể không hiểu. Nguyên tắc làm việc của bạn, thái độ làm việc của bạn cũng không thể y theo tiêu chuẩn cách nghĩ của con người hiện nay. Giả như bạn nói con người hiện tại đại đa số đều nghĩ như vậy, nếu như vậy thì bạn đành tới đâu hay tới đó. Suy cho cùng thì người biết rất ít, người mê hoặc thì chiếm số nhiều. Giả như hiện tại bạn y theo sự nhận biết của đại đa số con người hiện nay, thì cuộc đời của bạn sẽ một mạch đọa lạc đi xuống. Xin thỉnh giáo một chút, bạn hỏi sinh viên hiện nay tốt nghiệp ra trường là căn bản của việc làm người là gì, họ sẽ chau mày một chút rồi nói với bạn: “Sao anh lại hỏi một câu vô vị thế? Sao anh không hỏi tôi là ca khúc thịnh hành đang xếp hạng nhất hiện tại là ca khúc nào?”. Sinh viên ra trường mà bạn muốn nói chuyện căn bản làm người với họ, chưa chắc gì họ có thể nói ra được, nhưng mà nếu trở về 200 năm trước, các vị có thể đi trên một con đường nhỏ bất kỳ, nhìn thấy một bác nông dân làm ruộng, các vị đi đến chào bác nông phu và hỏi: “Xin được thỉnh giáo với bác căn bản của việc làm người là gì?”, bác nông dân không cần phải chuẩn bị gì cả, có thể nói bạn nghe suốt nửa giờ đồng hồ. Vì sao vậy? Xã hội hiện nay, đi học mười mấy năm trời mà chưa chắc đã biết cách làm người. Nhưng người thời xưa, dù không biết một chữ nào nhưng họ lại biết cách làm người. Bởi vì họ được học thân giáo từ cha mẹ, bởi vì khi đó nếp sống của xã hội tốt đẹp, mỗi một người đều biết căn bản nhất của việc làm người là hiếu thuận cha mẹ, cho nên dù là cả đời không biết chữ nhưng họ biết phải hiếu thảo cha mẹ, họ biết yêu thương anh em. Anh em của họ hễ có sự tình gì thì họ nhất định sẽ hết sức tương trợ. Họ cũng biết cần cù thì mới có thể thành tựu được sự nghiệp. Vì thế mà họ làm việc rất chăm chỉ, bởi vậy mà tình trạng xã hội vào khi đó, cả nền nghệ thuật, bao gồm cả những tác phẩm nghệ thuật về ca kịch đều là đang nhắc nhở người ta phải làm người như thế nào, biểu diễn ra đều là Hiếu - Đễ - Trung - Tín - Lễ - Nghĩa - Liêm - Sỉ. Trong việc đọc sách thì cũng đều lấy học vấn của Thánh Hiền làm chủ, ở nhà thì cha mẹ cũng diễn cho họ xem, cho nên cho dù không biết một chữ nhưng cũng đều biết cách làm người. Nhưng hiện tại, dù là học lực có cao đi nữa thì chúng có thể là ngay cả việc đồng tình với tâm tư của người khác cũng chưa chắc gì khởi lên được.

Con người hiện nay y theo tiêu chuẩn nào vậy? Chúng ta có thể nắm được tình hình cụ thể thông qua đoạn nói này trong sách. Chúng ta cùng nhau đọc đoạn nói về việc xử sự này một lần.

“Chánh kỳ đạo bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đạo bất kế kỳ công, dĩ đạo nghĩa vi nguyên tắc, vi y cứ, bất vi tư lợi, bất đồ dĩ công, chỉ vấn thị phù hợp hồ đạo nghĩa, bất vấn thị phù lợi dĩ, diệc bất cầu hữu công”.

Chúng ta hãy đọc to lại lần nữa câu đầu tiên: “Chánh kỳ đạo bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đạo bất kế kỳ công”. Câu này nói với chúng ta, làm bất kỳ việc gì thì nguyên tắc quan trọng nhất phải tuân thủ là đạo nghĩa. Chữ “nghị” này đồng với chữ “nghĩa”, chứ không phải là y theo “lợi”. Cho nên người xưa tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, khi làm việc đều là y theo đạo nghĩa mà làm, không theo công danh lợi lộc, không tự tư tự lợi, bởi vậy mà xã hội an định, gia đình hạnh phúc. Hiện tại không y theo đạo nghĩa, mà theo công danh lợi lộc. Vì vậy, thanh niên hiện nay vẫn chưa có bản lĩnh, bạn muốn hợp tác với họ, câu đầu tiên họ nói với bạn là“Tôi sẽ có được những lợi ích gì?”. Họ có thể thành nhân tài được không? Rất khó! Họ có thể đưa tay đòi lợi ích đối với người ta, vậy họ có đưa tay đòi lợi ích đối với cha mẹ hay không? Có. Đúng vậy! Vì thế, Thánh Hiền nhân nhìn xa trông rộng, đã nói với chúng ta từ rất sớm, đó là phải giáo dục đạo nghĩa cho con cái từ nhỏ. Nếu không thì hậu quả sẽ không thể nói thành lời. Vì vậy, Mạnh Phu Tử nói: “Thượng hạ giao trưng lợi”. Quân vương và thần dân, người lãnh đạo và người được lãnh đạo, cấp trên và cấp dưới, khi chỉ biết đến cái lợi của mình mà thôi thì quốc gia sẽ nguy nan.

Lúc trước, chúng tôi đã đưa ra một ví dụ Trụ vương ăn cơm thì dùng đũa ngà voi, uống ly làm bằng sừng tê giác, lại dùng rất nhiều những dụng cụ bàn ăn vô cùng quý giá. Dụng cụ bàn ăn vô cùng quý giá thì không thể chỉ ăn rau xanh đậu hủ, mà  nhất định đều là sơn hào hải vị. Ăn sơn hào hải vị thì cũng không thể mặc quần áo giản dị, mà sẽ là lụa là gấm vóc. Xin hỏi, tiền của này từ đâu mà có vậy? Họ muốn lấy lợi từ lão bá tánh, lão bá tánh thì muốn giành lợi từ họ, thế là một người tham lợi thì một nước làm loạn. Cho nên từ sớm, giáo huấn của mấy nghìn năm trước đã có biết bao quân vương, biết bao nhiêu người phạm qua cái lỗi này rồi. Hiện nay không chỉ đất nước nguy nan, mà gia đình cũng nguy nan, biết bao người cha người mẹ đã bị con cái giết hại. Vì sao vậy? Vì lợi, chỉ vì cần tiền để mua một chiếc điện thoại mà giết chết cha mẹ để lấy tiền bảo hiểm. Những việc như vậy không đơn thuần chỉ xảy ra một vài lần. Chúng ta phải có tâm cảnh giác chứ không thể xảy ra rồi mới biết. Cho nên nhất định phải trong việc xử sự làm việc biểu diễn ra thái độ lấy đạo nghĩa làm nguyên tắc cho con cháu xem, cho thân bằng đạo hữu của chúng ta xem, để thức tỉnh lương tri của họ. Người chân thật tuân theo đạo nghĩa để làm việc thì sẽ như thế nào? Người tuân theo công danh lợi lộc thì như thế nào? Việc này thì chúng ta phải suy nghĩ cho thấu đáo, so sánh một cách thấu đáo.

Mạnh Tử có một câu nói rất có đạo lý: “Đắc đạo giả đa trợ, thất đạo giả quả trợ, đa trợ chi chí”. Một người đắc đạo được giúp đỡ nhiều đến mức độ nào? “Đa trợ chi chí, thiên hạ thuận chi”, nghĩa là tất cả thiên hạ đều đến quy thuận người đó. Nếu người đó chân thật vì đạo nghĩa thì có thể chiếm được lòng dân rộng khắp. “Quả trợ chi chí”, chính là người mất đạo, ít được giúp đỡ, đến sau cùng thì “Thân thích bạn chi”, nghĩa là ngay cả thân bằng quyến thuộc cũng bỏ họ mà đi, gọi là chúng bạn xa lánh, người thân ghét bỏ.

Vì sao mà Đường Thái Tông nói ông có ba cái gương phản chiếu mà trong đó có một cái gọi là lấy sử làm gương. Lấy lịch sử làm tấm gương soi có thể biết được chuyện hưng vong. Một con người vì sao lại hưng? Vì tuân theo đạo nghĩa. Người có đạo thường được người giúp. Một người vì sao lại bại? Vì thất đạo, người thất đạo thì ít được giúp đỡ, không phù hợp đạo nghĩa thì sẽ bại. Cho nên y theo tiêu chuẩn này, bạn không chỉ có thể nhìn thấy được từ trong mấy nghìn năm lịch sử, mà các vị chỉ cần từ những người thay đổi lên xuống nhanh chóng bên cạnh các vị hiện nay, các vị có thể nhìn thấy được vấn đề cụ thể là ở đâu.

Vua Thuấn thời xưa chỉ một lòng một dạ tận hết tâm hiếu của mình. Đây là gốc của đức. Bởi vì vua Thuấn không có tiền, không có quyền, không có danh, không có thế, Ngài chỉ là một lòng một dạ thuận theo đạo nghĩa mà làm, cho nên bất luận là cha mẹ tổn hại Ngài như thế nào, chà đạp Ngài như thế nào, Ngài cũng không để ở trong lòng, chỉ biết hết lòng chân thành tận hết hiếu đạo. Do vì có tâm hiếu thuận này, tâm đạo nghĩa này mà đã cảm động được những người làng xóm xung quanh. Làng xóm chung quanh lại truyền rộng ra đến những làng xóm bên cạnh nữa, xa hơn nữa, chúng ta nói là “viễn giả hoài chi”, những người dân ở cách Ngài rất xa cũng sinh khởi lòng cung kính đối với đức hạnh của Ngài. Vậy xin hỏi, vua Thuấn có thể nào lái xe đi tranh cử không, có nói bỏ phiếu cho tôi, tôi rất giỏi hay không? Không có, mà là dùng đức phong của mình tự nhiên đã cảm hóa được. Đến sau cùng vua Nghiêu rất cảm phục, đem hai cô con gái gả cho ông. Mà vua Nghiêu cũng rất có trí huệ, tuy rằng người khác đều công nhận, nhưng mà suy cho cùng tính đến thiên hạ thì phải kiểm tra lại, thế là quan sát ông mấy mươi năm, xác định được ông chân thật là người có đức hạnh mới đem thiên hạ giao lại cho Thuấn vương. Chúng ta từ mỗi một việc làm dù nhỏ của cổ Thánh tiên Vương cũng đều có học vấn ở trong đó. Cho nên chúng ta phải nhìn với góc độ là người trong nghề, chứ không thể như người ngoài đứng xem náo nhiệt. Cho nên vua Thuấn chỉ là tận hết đạo nghĩa của mình, ngược lại đã cảm động cả thiên hạ, về sau ngay cả cha mẹ cũng cảm động.

Giả như chúng ta ngày nay làm đế vương, làm người đức hạnh, kết quả cha mẹ thì đang tạo ác, vậy thì tâm của chúng ta có vững nữa hay không? Không vững rồi. Cho nên nhờ vào phần kiên trì này của ông mà có thể cảm hóa được ngay cả người cha người mẹ ngang ngược như vậy. Vì thế, khi có người không thể bị chúng ta làm ảnh hưởng thì chúng ta phải tự phản tỉnh lại chính mình tu đức chưa đủ, cho nên cảm không được. Phải lấy đại Thuấn làm gương. Cho nên, y theo đạo nghĩa thì được giúp đỡ nhiều. Mà người hành sự theo đạo nghĩa, những việc mà họ làm tuyệt đối sẽ không ngưng nửa chừng, sự ảnh hưởng của họ đối với nhân loại cũng không vì họ không còn sống mà mất đi. Có câu nói: “Thành giả vật chi chung thủy”. Một sự việc bạn chỉ cần tuân theo nguyên tắc của nó, y theo tinh thần quan trọng nhất của nó mà làm, tuyệt đối là mỗi một sự việc đều có thể làm được, sự tình không hề khó như tưởng tượng.

Xin hỏi, vua Thuấn có điều kiện gì mà có thể cảm hóa cả một thiên hạ vậy? Có phải ông có năm mươi triệu đô la Hồng Kông hay không? Đương nhiên không phải. Vậy có cái gì? Căn bản ở tại tâm chân thành. Chân thành thì có thể cảm, cảnh giới là chỗ cảm được. Cho nên, khi người khác có được rất nhiều trợ lực thì bạn cũng đừng ước ao, bạn phải nhìn thấy được đó là vì họ có cái tâm chân thành. Bất kỳ một sự nghiệp lớn nào trên thế gian này tuyệt đối không phải là khi mới bắt đầu đã có rất nhiều người cùng nhau đến làm, đều là nhờ những người cùng chung chí hướng, đều có tâm chân thành tự nhiên sẽ có thể cảm hóa, có thể cảm động được nhiều người hơn đến gia nhập.

Có câu nói: “Đức bất cô, tất hữu lân”. Chúng ta xem đời nhà Đường cai quản thiên hạ, vẫn chính là những vị đại tướng đó, còn không phải là Lý Uyên và con trai của ông Lý Thế Dân hay sao? Cho nên chân thành mới là mấu chốt thành bại của sự việc, chúng ta nhất định phải nắm cho được điểm này. Bạn không nên thay đổi trên cành nhánh, cứ ở đó phiền não mãi: “Nào là năng lực của tôi, tiền bạc của tôi đều không đủ”. Đó đều là cành nhánh, phải nên từ chân thành mà bắt đầu làm. Vì thế, chúng ta xem Phạm Trọng Yêm có quyền quý hay không, có tiền bạc hay không? Đều không có, chỉ dựa vào một tấm lòng hết sức chân thành vì lợi ích quốc gia, vì tạo phước cho nhân dân, cho nên “chí thành như thần”, tự nhiên liền có thể cảm được rất nhiều trợ lực đến thành tựu sự nghiệp của ông. Điều này tương đối quan trọng.

“bất thành vô vật”. Khi chúng ta không dùng tâm chân thành để kinh doanh cuộc đời của mình, kinh doanh sự nghiệp của mình thì thành cũng là bại. Câu nói này không biết mọi người nghe có hiểu hay không vậy? Một con người không có sự chân thành thì sao có thể thành công? Họ không chân thành mà có thể thành đó đều là nhờ tổ tông che chở, họ không thành mà có thể chống đỡ lèo lái được một công ty đi lên, đó là vì họ vẫn còn phước phần để hưởng, không phải là họ thật sự có tâm chân thành và năng lực để làm nên. Mà khi họ không có sự chân thành thì sức mạnh của sự trợ giúp sẽ dần dần mất đi, cho nên tuy thành nhưng rồi sẽ bại.

Xem sự việc không thể chỉ xem một điểm nào đó mà phải xem đầu đuôi ngọn ngành. Giả như, bạn không thể xem thấy được cả quá trình lên xuống của một người, thì trong xã hội ngày nay bạn sẽ lo được lo mất. “Anh xem, người không chân thành như vậy mà có rất nhiều tiền, người không chân thành như vậy mà lái được chiếc xe sang trọng như vậy”. Kỳ thực đó chỉ là phù du sớm nở tối tàn, như mây bay trước mắt vậy. Cuộc đời nếu như bạn có thể thấy được rõ ràng, thì bạn sẽ cảm thấy trong lòng sẽ thoải mái, sẽ vững lòng. Thậm chí là bạn xem thấy những người không biết tuân theo đạo nghĩa mà lại có thành tựu thì không những không giận họ, mà bạn còn cảm thấy thương cho họ, tìm thời cơ để xem có thể nào khiến cho họ quay đầu sửa đổi hay không. Cho nên trong tâm tuyệt đối không có chút bất bình nào.

Chúng ta cũng thấy Phạm Trọng Yêm không có điều kiện gì nhiều, nhưng ông cũng có thể thành tựu được rất nhiều công lao sự nghiệp lợi ích cho triều Tống. Mà sự nghiệp làm ra từ sự chân thành đó đã siêu vượt thời không mà không bại.

Các vị bằng hữu! Phạm Trọng Yêm đã chết hay chưa vậy? Câu giáo huấn đó của Phạm Trọng Yêm vẫn còn khiến tôi cảm thấy chói chang năm giây đồng hồ (khi đó còn học Cao trung): “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, đã lóe lên được một chút, lại qua đi cũng đến bảy - tám năm sau. Cho nên cuộc đời nhất định phải quý trọng duyên phận. Cuộc đời có được bao nhiêu lần bảy - tám năm chứ? Cho nên đức hạnh của Phạm Trọng Yêm vì phát xuất từ tâm chân thành, cho nên từ đời nhà Tống trở về sau có biết bao nhiêu người đọc sách có khí tiết đều ảnh hưởng từ ông. Thậm chí là con người chúng ta hiện nay đều nhận được cảm hóa từ đức hạnh của Phạm Trọng Yêm, mà tôi là một trong số đó.

Tôi có một lần thể hội rất sâu sắc, bởi vì tôi đến rất nhiều nơi... Chúng ta nói, bất kỳ nơi nào cũng đều có thiên văn, cũng có nhân văn, mỗi một nơi nuôi dưỡng một dạng người, cho nên nếu một nơi nào mà có non xanh nước biếc thì có lẽ sẽ sinh ra rất nhiều nhân tài. Mà cái nhân văn này chính là những Thánh triết xuất hiện ra ở nơi đó cũng sẽ ảnh hưởng đến phong thổ của vùng đất. Cho nên, ngoài việc xem thiên văn thì bạn cũng phải xem nhân văn.

Tôi đi đến Hải Khẩu, tôi cố tình đến thăm mộ của Hải Thụy. Hải Thụy là một trung thần thời nhà Minh. “Hải Thụy bãi quan”. Hải Thụy là một người vô cùng ngay thẳng chính trực, vô cùng liêm khiết, giữ lễ. Trong thư pháp của ông có viết một câu: “Thịt nát xương tan cũng chẳng màng, chỉ mong thanh bạch lưu nhân gian”. Chân thật chữ “nhân gian” này không phải chỉ lưu ở đời nhà Minh, mà chánh khí đó đã tồn tại và lưu đến ngày nay. Tôi đã đem câu nói này lại mở rộng ra nữa: “Thịt nát xương tan cũng chẳng màng, chỉ mong chánh pháp lưu nhân gian”. Vào lúc này, điều thiếu thốn nhất chính là đạo Thánh Hiền. Chúng ta đi tham phỏng những Thánh Hiền nhân này, bản thân chúng ta cũng phải có sự thể ngộ, từ trên tinh thần của ông có thể nhìn thấy được định vị cuộc đời của mình ở đâu.

Trong quá trình tôi đi xem giới thiệu về Hải Thụy, có thấy một bức tranh vẽ cảnh tượng đời sống trong nhà của Hải Thụy. Bước vào cổng lớn của ngôi nhà trên cửa có viết hai câu: “Ở miếu đường trên cao tất lo cho dân, ở sông hồ ngoài xa tất lo cho vua”. Hai câu nói này không phải là của Hải Thụy, hai câu này là câu nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm, vì thế khí tiết của Phạm Trọng Yêm đã trực tiếp ảnh hưởng đến Hải Thụy. Cho nên, những việc làm từ sự chân thành tuyệt đối sẽ siêu vượt thời không. Chúng ta hiện tại có thể dùng sự chân thành của mình để đi làm việc đạo nghĩa hay không, để cho khí tiết của chúng ta, để cho đức hạnh của chúng ta truyền thừa gia phong đến trăm năm về sau. Cuộc đời phải nên lập ra chí hướng cao xa. Trong công việc của chúng ta có thể nào dùng chân thành và đạo nghĩa để làm ra tấm gương hay không? Để có thể lưu danh thanh sử ở tại công ty này, việc này thì còn phải xem thái độ của chính chúng ta. Cho nên, việc hành sự nhất định phải y theo đạo nghĩa mà làm.

Chúng tôi trong quá trình thực hiện việc thúc đẩy văn hóa truyền thống suốt chín kỳ mà không phải tốn tiền bạc gì. Lần trước cũng đã báo cáo qua với các vị rồi. Lần đầu tiên nhờ có một ông chủ của một khách sạn sang trọng, họ đều giúp chúng tôi chuẩn bị chu đáo nơi tổ chức. Sau đó, vì bà chủ nghe giảng quá xúc động nên đã chi trả hết chi phí cho năm ngày tổ chức. Kỳ thứ hai và kỳ thứ ba tổ chức tại Thẩm Quyến, mỗi lần tổ chức mười ngày. Sau khi thực hiện xong thì cũng không có tốn tiền, vả lại còn dư ra được hơn 1.000 đồng, trả hết chi phí tất cả vé máy bay cho các giáo viên vẫn còn dư lại một chút. Cho nên các vị xem, ngay cả sức mạnh của sự giúp đỡ cũng chỉ cần vừa đủ là được rồi, nếu dư quá nhiều tiền thì cũng sẽ rất phiền phức. Và nhiều kỳ tổ chức sau đó cũng đều nhờ có rất nhiều người đến tương trợ, tất cả đều giải quyết sự việc tốt đẹp. Mà tất cả những người có công góp công, có của góp của này cũng đều là cùng chung tay góp sức. Bạn không thể nói việc tốt này đều do bản thân làm, như vậy đều không đúng. Rất nhiều người cũng rất khảng khái, đúng lúc hôm nay mời khách ăn cơm, những người khách cũng rất hoan hỷ có thể mời được những vị bằng hữu này nên cùng nhau đến giành trả tiền thay cho bạn, bạn lại đẩy người ta lùi ra: “Hãy để tôi trả được rồi”. Những học vấn này cũng là chưa được linh hoạt. Việc tốt thì hãy để người khác cùng nhau làm, bạn cũng không thể khải khái như vậy đến sau cùng lại sinh ra sự chấp trước. Cho nên, học vấn là linh hoạt sống động.

Một nguyên tắc chủ yếu nhất đó là đứng trên cương vị của người khác mà nhìn sự việc, phải suy nghĩ thay cho người khác. Điểm này rất quan trọng. Giả như tuân theo công danh lợi lộc để hành sự, để làm việc, đến sau cùng nhất định sẽ khiến cho người ta cảm thấy thật sự không có nhân tình gì, đến sau cùng nhất định sẽ rời bỏ bạn mà đi. Một khi những người ở bên cạnh rời bỏ bạn ra đi thì bạn có nhiều tiền hơn đi nữa cũng vô dụng, bạn nhiều tiền hơn đi nữa cũng không giữ được. Bởi vì thành sự tại nhân tài, cho nên kinh tế học cao siêu nhất là “Đại học”.

Trong quyển “Đại học” nói: “Hữu đức thử hữu nhân”, có đức hạnh thì bạn mới giữ được người. “Hữu nhân thử hữu thổ”, khi có người rồi thì bạn mới có quốc độ, giống như hiện nay là có công ty xí nghiệp. “Hữu thổ thử hữu tài, hữu tài thử hữu dụng”. “Đức” là căn bản của sự nghiệp. “Đức giả bổn dã”, “tài giả mạc dã”. Con người hiện tại thì đầu đuôi đã đảo lộn hết rồi. Bạn giữ được con người tuyệt đối cũng không phải nhờ vào công danh lợi lộc, mà là nhờ đạo nghĩa. Cho nên trong “Đại Học” mới nói “Tài tán”. Chữ “tán” này không phải là tán tài mà là tán đạo nghĩa, nghĩa là phân phát đi sự quan tâm của bạn đối với người nhà của họ, phân phát đi sự bồi dưỡng của bạn đối với cá nhân họ. Cho nên tài tán thì người sẽ tụ lại. Có người, bạn còn sợ sự nghiệp làm không thành nữa hay sao? Nhưng mà bạn tài tụ, công danh lợi lộc chỉ nghĩ đến bản thân thì con người sẽ tan rã rời đi.

Rất nhiều người nói, tôi dùng tiền để giữ nhân tài, nhân tài mà ở lại vì tiền thì một ngày nào đó họ cũng sẽ vì tiền mà bỏ ra đi. Tiền bạc của bạn dù sao cũng không phải lúc nào cũng ở trong tình trạng tốt nhất. Doanh nghiệp hiện nay vì sao lại chuyển đổi nghiêm trọng đến như vậy? Bởi vì họ nghĩ rằng tiền đang giữ được người. Kỳ thực là sai rồi! Tiền tuyệt đối không thể giữ được nhân tài chân thật, chỉ có đạo nghĩa mới giữ được nhân tài chân thật. Bởi vì nhân tài chân thật thì chỉ nghĩ đến làm việc gì đó cho gia đình, làm một số việc cho xã hội. Cho nên bạn chỉ cần có cùng chung nhận thức đó với họ, thì họ nhất định sẽ cùng nhau đến để phù trợ cho bạn.

Chúng tôi ở tại Hải Khẩu, nhân viên chính thức để làm việc chỉ có bốn người, mà đa số những người đến làm việc đều là thiện nguyện, đều là những vị giáo viên tuyến đầu, đều là những người rất bận rộn với công việc của mình. Chúng tôi cũng không có chi trả cho họ một đồng phí nào cả, nhưng chỉ cần có thời gian thì họ nhất định đến giúp đỡ. Thậm chí là rất nhiều người sau khi tan ca, buổi tối họ còn đi dạy học (dạy học miễn phí), người có lương cao một chút thì càng nỗ lực hơn nữa. Động lực gì đang thúc đẩy họ vậy? Là đạo nghĩa. Cho nên nhân tài chân thật thì phải dùng đến đức hạnh. Khi bên cạnh chúng ta không có nhân tài chân thật thì vấn đề là ở đâu? Ngược lại phải phản tỉnh chính mình, nâng cao đạo đức học vấn của chính mình. Việc này rất quan trọng.

 “Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sinh”. Khi chúng ta đối diện với sự tình mà có thể nắm bắt được nguyên tắc cơ bản của nó, chính là chân thành, chính là đạo nghĩa, vậy thì cái “bổn lập” đó của bạn, “đạo” sẽ như thế nào? Tự nhiên xây dựng nên. Mà sự chân thành của một người thì bắt đầu luyện tập từ lúc nào? Bạn nói chân thành thật tốt, chúng ta rất dễ sinh ngưỡng mộ. Chân thành thật là tốt, tâm thanh tịnh thật là tốt, tâm nhân từ của con người thật là tốt, “thật là tốt” đó của bạn cũng là vô dụng thôi. Nếu “thật là tốt” thì phải đề khởi thì bạn mới có được thọ dụng. Sự chân thành đó được đề khởi trong những lúc bạn nói chuyện với người khác. Chân thành chính là phải có thể đề khởi được trong việc bạn sống chung với người khác, thậm chí là khi bạn không có một ai ở bên cạnh, khi một mình ở nơi nào đó, bạn nghĩ đến người khác cũng đều có thể đề khởi được sự chân thành, thì sự chân thành đó của bạn mới chân chánh nội hóa được cái tâm của bạn. Sự chân thành này một khi đã nội hóa được thì sẽ biểu hiện ra ở chỗ bạn khởi tâm động niệm, sẽ biểu hiện ra ở trong cử chỉ đi đứng, lời nói, hành vi của bạn. Vào lúc này thì người khác liền có thể cảm nhận được tâm chân thành này của bạn.

Được rồi! Tiết học hôm nay của chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. Xin cảm ơn mọi người!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 37)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 194


Hôm nayHôm nay : 41000

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 990212

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43234356

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.