Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 315)

Thứ năm - 20/07/2017 09:58

NGUYỆN THỨ 22

QUYẾT CHỨNG CỰC QUẢ

Phẩm Kinh văn này tổng kết y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, là Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta thế giới Cực Lạc. Phân đoạn trong phẩm này chính là Phật muốn nói với chúng ta sự tán thán của mười phương chư Phật đối với thế giới Cực Lạc, cũng chính là lòng kính trọng đối với A-di-đà Phật. Mười phương tất cả chư Phật đều kính trọng A-di-đà Phật, trên thực tế là biểu diễn cho chúng ta xem, hy vọng là chúng ta nghe rồi, thấy rồi thì khởi lòng ngưỡng mộ A-di-đà Phật và thế giới Cực Lạc. Nhất định trong đời này phải cầu vãng sanh, không nên bỏ phí cuộc đời này nữa. Những người sanh đến thế giới Tây Phương, sống và học tập ở thế giới Tây Phương và đi đến thế giới phương khác tham học, Thế Tôn đều giới thiệu cho chúng ta ở trong Kinh.

Kinh văn: “Phục thứ A-nan! Bỉ Phật quốc độ, vô hữu hôn ám, hỏa quang, nhật, nguyệt tinh diệu, trú dạ chi tượng. Diệc vô tuế nguyệt, kiếp số chi danh, phục vô trụ trước gia thất. Ư nhất thiết xứ, ký vô tiêu thức danh hiệu, diệc vô thủ xả phân biệt, duy thọ thanh tịnh, tối thượng khoái lạc”.

Đoạn Kinh văn này có ba đoạn nhỏ, trong khoa hội đều đã thể hiện. Đầu tiên, chúng ta thấy thế giới Cực Lạc không giống với thế giới của chúng ta. Thế giới này của chúng ta có ban ngày, ban đêm, thế giới Tây Phương Cực Lạc là một vùng quang minh, không có ban đêm, không có bóng tối. Dù là bạn đang ở trong nhà, trong ngôi nhà nhất định là không có ánh đèn. Ở bên ngoài bạn cũng không nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, ánh sao. Vậy là có mặt trời, mặt trăng không? Cổ đại đức nói với chúng ta, mặt trời, mặt trăng đương nhiên là tồn tại. Vậy tại sao không nhìn thấy? Người ở thế giới Cực Lạc, không chỉ A-di-đà Phật phóng quang, mà mỗi người cũng đều phóng quang, mỗi loại vật chất cũng đều phóng quang. Ánh quang minh này che khuất ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, cho nên tuy là có mặt trời, mặt trăng nhưng không nhìn thấy. Cũng giống như ban ngày chúng ta nhìn không thấy ngôi sao vậy. Thật sự là các vì sao trong không trung ban ngày cũng như ban đêm đều nhiều như nhau, nhưng tại sao ban ngày nhìn không thấy? Vì ánh sáng mặt trời quá mạnh nên không nhìn thấy ánh sáng của các vì sao. Chúng ta biết được đạo lý này thì chúng ta hiểu được ý nghĩa của Kinh văn. Phật, Bồ-tát và bản thân chúng ta đều phóng quang, tất cả vạn vật đều phóng quang, cho nên ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không biểu lộ ra được. Trong Kinh thường nói, phóng quang vượt qua ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Thật vậy, điều này không phải giả chút nào, bởi vì thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ngày và đêm. Thời gian ở nơi đây của chúng ta là do sự thay đổi của ngày đêm mà có, trên thực tế là không có thời gian. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ngày đêm, cho nên ở cõi đó không có thời gian, cũng không có ngày giờ, tháng năm. Thế giới Cực Lạc là vô lượng thọ.

Chúng ta biết rằng vãng sanh đến thế giới Tây Phương tất cả đều là hóa sanh. Bốn loại trạng thái này là thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Bậc cao cấp nhất là hóa sanh. Hóa sanh thì không khổ. Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh thì có khổ. Có khổ là bị mê khi cách ấm. Thế giới Tây Phương thì không bị mê khi cách ấm, là hóa sanh nên họ không bị khổ.

Hoàn cảnh cư trú của họ, phước báu rất lớn. Phước báu này không phải do chính mình tu được, mà do sự gia trì từ 48 nguyện oai thần của A-di-đà Phật. Nhưng nếu chúng ta tỉ mỉ mà nghiên cứu, quan sát thì oai thần của A-di-đà Phật gia trì cũng có thể nói là phước báu của bản thân chúng ta. Tại sao vậy? Bản thân bạn có thể cầu sanh Tịnh Độ thì mới hưởng được phước báu lớn như vậy. Nếu như bạn không muốn vãng sanh, thì phước báu này cho dù là A-di-đà Phật có muốn gia trì cho bạn cũng không được. Cho nên, đối với thế giới Cực Lạc, chúng ta phải tin, phải nguyện, phải cầu vãng sanh Tịnh Độ, đây chính là đại trí huệ, đại phước báu của bạn. Không có trí huệ chân thật, đại phước báu chân thật thì không thể đi đến thế giới Cực Lạc.

Tại sao lại đến không được? Đó là do bạn có nghiệp chướng. Nghiệp chướng chính là bạn không muốn đi, đây chính là nghiệp chướng lớn nhất. Đối với thế giới Cực Lạc bạn chưa biết được nhiều, hiểu chưa được thấu triệt. Cho nên, không những phải đọc Kinh mà còn phải nghe Kinh. Ý nghĩa của Kinh rất sâu, rất rộng. Rất nhiều đồng tu mới học Phật không có cách nào hiểu được nghĩa của Kinh. Bạn nghe nhiều thì dần dần sẽ thông suốt, bạn sẽ thật sự sanh tín nguyện.

Hiện nay người ta thường nói tín nguyện, cổ đại đức gọi là đạo tâm như hạt sương. Hạt sương thì các bạn đã gặp rồi, buổi sáng sớm hạt sương ở trên cây cỏ, mặt trời vừa lên một chút thì hạt sương không còn nữa. Gọi là đạo tâm như hạt sương, chính là nói đạo tâm của bạn không được vững chắc, rất dễ dàng thay đổi, mất đi nhanh chóng. Đến khi nào bản thân bạn thật sự có niềm tin chân thật, có nguyện thiết tha, thì nhất định bạn thông hiểu tương đối sâu sắc Kinh điển này, pháp môn này. Bản thân bạn có thể nhận thức được trước đây thì tín nguyện không đáng tin cậy, hiện giờ tín nguyện là thật, sẽ không còn thay đổi nữa, thật sự có thể buông xuống thế duyên, Phật duyên, tất cả pháp thế, xuất thế gian, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ.

Có một số đồng tu nghiệp chướng còn rất nặng. Nghiệp chướng gì vậy? Ham thích nghe nhiều. Pháp thế gian họ đã buông bỏ rồi, họ cầu Phật pháp, mong muốn hiểu thêm thật nhiều điều trong Kinh giáo. Cổ đại đức gọi là mong muốn làm thông gia, mong muốn thông hết 84 ngàn pháp môn, không mong chỉ hiểu một môn trong 84 ngàn pháp môn. Quan niệm này quý vị thử nghĩ đúng hay không? Nếu như các bạn hỏi tôi, tôi trả lời là cũng đúng, cũng không đúng. Tại sao nói là cũng đúng? Vì nguyện này của bạn có thể không có. Tại sao nói là không đúng? Vì chắc chắn là bạn không làm được, không những bạn không thể thông mà một môn cũng không làm được. Vậy là bạn sai rồi. Làm sao để trở thành thông gia? Thông gia là từ một môn mà thâm nhập. Bạn nên hiểu rõ, phải thật sự hiểu rõ. Trong Kinh Phật thường nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Bạn nên hiểu ý nghĩa câu nói này của Phật. Pháp môn thật sự là bình đẳng, chính là niệm câu danh hiệu này. Danh hiệu chỉ có bốn chữ “A-di-đà Phật”. Đây là pháp môn đơn giản nhất trong tất cả các pháp môn, chính là niệm câu A-di-đà Phật này, ngoài ra thì không biết thêm điều gì cả. Khi nào bạn niệm câu A-di-đà Phật này đến nhất tâm bất loạn thì bạn đã thông rồi. Chỉ cần bạn chứng được sự nhất tâm thì bạn thông giáo lý rồi. Khi đó không phải chỉ bộ Kinh này, mà bộ Kinh nào có liên quan với bộ Kinh này bạn đều thông toàn bộ. Bạn tiếp tục niệm nữa, niệm đến lý nhất tâm bất loạn, thì tất cả pháp thế, xuất thế gian bạn đều thông. Tại sao vậy? Lý nhất tâm bất loạn là kiến tánh. Pháp thế, xuất thế gian hoàn toàn là đức dụng của tự tánh. Bạn đã kiến được tâm tánh rồi, thì đâu có đạo lý không thông các pháp mà tâm tánh đã hiện. Thế, xuất thế gian pháp không cần phải học cũng thông hết hoàn toàn. Do vậy mới biết, nếu bạn thật sự muốn làm đại thông gia… Chư Phật, Như Lai là đại thông gia, pháp thân Bồ-tát là đại thông gia, bạn đi hỏi các Ngài tu như thế nào? Đều là từ thâm nhập một môn mà tu thành công.

Có thể bạn nghe trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn học rộng nghe nhiều. Cách nói này là như thế nào? Nếu bạn hỏi tôi câu này, tôi sẽ trả lời là bạn học giáo lý không cẩn thận, câu trả lời nằm trong câu hỏi. Thiện Tài Đồng Tử thâm nhập một môn ở dưới hội của Bồ-tát Văn-thù. Thiện Tài Đồng Tử niệm Phật đạt đến lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Sau khi minh tâm kiến tánh thì điều gì cũng thông. Cái thông này là Ngài dùng tham học để làm thực nghiệm, làm gương cho chúng ta. Ngài có cần đi nghiên cứu không? Trong 53 lần tham vấn, các bạn thấy Thiện Tài Đồng Tử học với vị thiện tri thức nào? Chỉ là đi tham vấn chứ không có học với ai. Dựa vào điều gì mà không cần phải học? Vì Thiện Tài Đồng Tử đã thông rồi, cho nên việc vừa hỏi vừa trả lời điều đó đã chứng minh. Cho nên khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, giống như Đại Sư Huệ Năng đã nói, tăng trí huệ, không sanh phiền não. Bạn xem, khi Ngài gặp được Ngũ Tổ, Ngài nói: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Thiện Tài Đồng Tử chính là thường sanh trí huệ, không sanh phiền não, thấy sắc, nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần hoàn toàn là thể tướng đức dụng của tự tánh, chính là 53 lần tham vấn. Cho nên 53 lần tham vấn, thật sự mà nói, chính là từ sáng đến tối chúng ta tiếp xúc với mọi phương diện của xã hội, tiếp xúc với  già trẻ gái trai trong xã hội. Năm mươi ba vị thiện tri thức là đại biểu cho các ngành, các nghề, già trẻ gái trai trong xã hội. Cho nên những người biết thì đang tham học, 53 tham vấn đều là tăng trưởng trí huệ mỗi ngày. Người không biết thì mỗi ngày làm giống với Thiện Tài Đồng Tử nhưng mỗi ngày đều sanh phiền não. Ngạn ngữ thường nói, biết nhiều chuyện lắm điều phiền não, quen nhiều người lắm nỗi thị phi. Thiện Tài Đồng Tử không có phiền não, không có thị phi, người ta tăng trưởng trí huệ thành đức hạnh. Sự việc này vẫn là ở biết hay không biết.

Chúng ta học Phật phải nên biết, phía sau sự biết này phải thêm vào mấy chữ: “Biết chuyển cảnh giới”. Người không biết thì sẽ bị cảnh giới chuyển. Người bị cảnh giới chuyển thì thật đáng thương, họ sẽ sanh phiền não, sanh thị phi. Người biết chuyển cảnh giới thành đức hạnh thì sanh trí huệ, cho nên hoàn cảnh sống của họ sẽ theo tâm mà chuyển. Dùng lời hiện nay mà nói là tùy duyên, trong tâm muốn chỗ ở như thế nào thì liền hiện ra chỗ ở như thế đấy. Tất cả pháp là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Cõi Đồng Cư Độ, Phương Tiện Độ ở Tây Phương thế giới vẫn chưa chuyển thức thành trí, chỉ là được sự gia trì của oai thần A-di-đà Phật. Cho nên hoàn cảnh cuộc sống của họ có thay đổi, giống như ỏ trong Kinh Phật giới thiệu với chúng ta, phía trên chúng ta đã đọc qua. Nhà của bạn ở, muốn lớn thì nó lớn, muốn nhỏ thì nó nhỏ, muốn ở trên mặt đất thì nó ở trên mặt đất, muốn ở trên không trung thì nó ở trên không trung. Sự muốn này chính là thức biến thành. Nếu như là ở Thật Báo Trang Nghiêm Độ thì không có hiện tượng này. Tại sao vậy? Người ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm Độ tuyệt đối không khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm còn không có, thì làm gì có phân biệt chấp trước. Điều này chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Cho nên, căn phòng của họ ở không có biển hiệu, số phòng, nơi của họ ở cũng không có tên đường phố. Điều này đối với chúng ta thật là bất tiện, cuối cùng thì họ sống ở nơi nào? Nhưng bạn hãy yên tâm, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là vãng sanh đến Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm, thậm chí vãng sanh về biên địa, đều được sự gia trì bởi oai thần nguyện lực của Di Đà. Tuy là phiền não của bạn chưa đoạn nhưng trí huệ, thần thông, đạo lực của bạn đều hiện tiền. Bạn nhận ra tất cả mọi người, tuyệt đối là không nhận lầm, tuy là người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc diện mạo hoàn toàn giống nhau. Thế giới này của chúng ta, nếu như là người sinh đôi, có khi không thể nào nhận ra ai là lớn ai là nhỏ. Người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc có diện mạo hoàn toàn giống nhau, nhưng chắc chắn là bạn không nhận lầm người. Tại sao vậy? Vì bạn có thần thông. Không những là bạn biết người này, mà bạn còn biết cuộc đời quá khứ của họ, họ sống ở thế giới nào, họ từ đâu đến, đời đời kiếp kiếp của người này trong quá khứ bạn đều biết hết. Bạn có túc mạng thông, có tha tâm thông, cho nên chắc chắn sẽ không nhận lầm người. Thân tướng của bản thân chúng ta cùng A-di-đà Phật hoàn toàn giống nhau, thế giới này gọi là thế giới bình đẳng. Ngày nay chúng ta vẽ hình thế giới Cực Lạc đều là vẽ A-di-đà Phật lớn hơn một chút, vẽ người thường ở bên cạnh nhỏ một chút. Thực ra, ở thế giới Cực Lạc không phải như vậy, đều là hoàn toàn giống nhau, gọi là thế giới bình đẳng. Đây chính là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Đây là quả. Tại sao họ lại có quả báo thù thắng như vậy? Câu tiếp theo sẽ cho biết do nhân gì.

Kinh văn: Diệc vô thủ xả phân biệt”. Đây chính là nhân. Thế gian này của chúng ta tại sao có sự khác biệt nhiều như vậy? Chính là bạn lấy rồi bỏ, bạn có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước. Sự phân biệt chấp trước của tất cả chúng sanh đều không giống nhau, cho nên ở thế gian này không tìm thấy có người nào hoàn toàn bình đẳng, hoàn toàn giống với người kia. Lìa bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì liền bình đẳng. Ở thế giới Tây Phương còn phân biệt chấp trước hay không? Ở hai cõi Phương Tiện Độ và Đồng Cư Độ, phiền não tập khí của bạn vẫn còn chưa đoạn hết, vậy tại sao lại có cảnh giới bình đẳng? Bởi vì khi đến thế giới đó, tuy là bạn có ý niệm tham sân si mạn nhưng bên ngoài không có cái duyên tham sân si mạn nên nó không có tác dụng. Thí dụ như bạn tham tài, báu vật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc vô lượng vô biên, cho nên tuy bạn có ý niệm này nhưng nó không có tác dụng. Người ở thế gian này của chúng ta rất xem trọng vàng bạc, là của báu, nhưng vàng bạc ở thế giới Tây Phương dùng để lót làm đường nên bạn có đem một ít về nhà cất giấu hay không? Làm gì có việc này, vì nó có quá nhiều mà! Người ở thế giới này ham thích châu báu vì nó có giá trị, ở thế giới Cực Lạc, mọi người đều dùng những vật báu này làm vật liệu để xây dựng nhà cửa. Bởi vì nó có quá nhiều nên không có tâm tham. Hết thảy sự thọ dụng vật chất đều là vô tận, vô lượng, vô biên. Tất cả vật chất là tùy theo tâm mà hiện. Cho nên thế giới Tây Phương Cực Lạc thật sự là tốt đẹp, đời sống ở nơi đó thật sự thoải mái, không bị phiền toái. Tại sao vậy? Vì quần áo của bạn không cần đến bộ thứ hai, không cần thiết phải may quá nhiều quần áo, mất công cất giữ rất mệt. Bạn muốn mặc quần áo kiểu gì thì kiểu quần áo đó liền hiện ở trên thân, không có quần áo cũ. Bạn thấy điều này tự tại biết bao! Quần áo cũ thì không cần phải đi giặt, không cần phải tìm nơi cất giữ. Cho nên đi đến nhà của mọi người, nhà nào cũng rất sạch sẽ, không có một hạt bụi, vậy thì làm sao mà không thông thoáng cho được! Có khách đến, đến một người thì có một cái ghế, khách về rồi thì cái ghế liền biến mất, rất kỳ lạ. Trong lúc tiếp khách, muốn cần vật gì đãi khách thì tự nhiên nó sẽ hiện ra, khách về rồi thì toàn bộ không còn nữa, không cần thiết phải dọn dẹp. Ở thế gian này của chúng ta, bạn xem những gia đình giàu có cần rất nhiều người giúp việc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc của A-di-đà Phật không cần người giúp việc nào cả. Hết thảy đều do biến hóa mà thành, tùy theo tâm mà hiện. Điều này có nghĩa là gì? Bạn nên nhớ kỹ, không có sự lấy bỏ phân biệt, thì cảnh giới này liền hiện tiền.

Câu cuối cùng, đây là quả báo: Duy thọ thanh tịnh, tối thượng khoái lạc”. Trong những bộ Kinh giống nhau đã nói: Duy hữu vô lượng thanh tịnh hỷ lạc”. Về cơ bản, hoàn cảnh cuộc sống đã hiểu được rồi, điều quan trọng nhất chính là phải hiểu rõ nhân quả báo ứng. Bạn xem, đến thế giới Cực Lạc rồi mà vẫn chưa rời khỏi định luật này. Trong Phật pháp có nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm vẫn chưa thể rời bỏ định luật nhân quả. Cho nên đại Thánh đại hiền thế xuất thế gian chẳng có ai mà không coi trọng nhân quả. Nghiệp nhân sanh khởi phải biết là do ở ý niệm. Niệm phải thanh tịnh, niệm phải thuần chánh. Nhân chánh thì hạnh liền chánh, quả báo liền chánh. Nhân thiện thì quả thiện, thiện nhân thiện quả là tánh đức của tự tánh. Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, điều này ở trong bổn tánh vốn là không có, là do vọng niệm sinh ra, nó không phải là thật. Trong Phật pháp gọi nó là tạo nghiệp. Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước chính là tạo nghiệp. Quả báo của nghiệp biến hiện ra chính là mười pháp giới, là lục đạo, là tam đồ. Điều này chúng ta không thể nào không biết. Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã xa rời lấy bỏ, phân biệt, vậy chúng ta nghĩ thử xem, hiện giờ chúng ta có cần xa rời lấy bỏ, phân biệt không? Nếu như bạn không thể lìa bỏ, thì cuộc đời niệm Phật cầu vãng sanh của bạn chưa hẳn là có phần. Nếu như bạn có thể lìa bỏ được, thì bạn đã nắm chắc phần vãng sanh. Thật sự có thể lìa bỏ thì bạn muốn đi lúc nào là đi ngay lúc đó. Thông thường chúng ta nói là sanh tử tự tại, muốn đi là đi, muốn ở lại thêm vài năm cũng không thành vấn đề, bản thân mình thật sự có thể làm chủ được. Bây giờ chưa làm chủ được, chính là vì bạn chưa buông xuống sự lấy bỏ, chưa buông vọng tưởng phân biệt chấp trước. Đến lúc lâm chung, một niệm sau cùng mà buông xuống được sự lấy bỏ phân biệt, thì bạn sẽ được vãng sanh.

Phần trước chúng ta đã đọc qua, trong nguyện thứ 18 có nói, lúc lâm chung từ một niệm cho đến mười niệm đều có thể vãng sanh. Vậy từ một niệm đến mười niệm là gì? Là thật sự buông xả, trong tâm chỉ có một câu A-di-đà Phật. Ngoài A-di-đà Phật ra, thân tâm thế giới, thế xuất thế gian pháp cả thảy đều buông xuống, thì chắc chắn bạn được vãng sanh. Nhưng chúng ta phải hiểu được, bình thường không dụng công mà hy vọng lúc lâm chung gặp được sự may mắn này là không đảm bảo.

Trước đây thầy Lý có nói với chúng tôi, thầy nói lâm chung từ một đến mười niệm vãng sanh cần có đủ ba điều kiện. Thầy nói, bạn nghĩ xem trong ba điều kiện này, khi lâm mạng chung thời bạn có thể đạt được không?

Điều kiện thứ nhất là khi lâm chung, thần trí tỉnh táo không có một chút mê muội. Bạn hãy tỉ mỉ quan sát người bị bệnh, người bị bệnh nặng, người sắp chết, lúc ra đi đầu óc họ có tỉnh táo hay không? Vào lúc lâm chung, lúc ra đi đầu óc vẫn còn tỉnh táo, trong một vạn người tìm không ra một người. Sự việc này là quá may mắn, chúng ta có thể nắm chắc được không?

Điều kiện thứ hai, cho dù lúc lâm chung đầu óc vẫn tỉnh táo, không chút mê muội, họ còn phải gặp được thiện tri thức. Lúc đó thiện tri thức sẽ nhắc nhở họ, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Điều kiện thứ ba là sau khi nghe rồi thì thật sự tiếp nhận, buông bỏ tất cả, như vậy mới có thể vãng sanh.

Chúng ta nghĩ xem, sự việc này thật không dễ, rất khó. Biết là nó rất khó nên hiện nay phải làm việc này, không thể đợi đến lúc lâm chung. Thật sự là trong một vạn người cũng chẳng có một người có được điều vô cùng may mắn này. Cho nên Tổ sư đại đức khuyên chúng ta nên thừa lúc thân thể này còn khỏe mạnh chăm chỉ nỗ lực tu học. Tu học niệm Phật không khó, học tập tín nguyện cũng không khó, thật sự khó là ở chỗ nào? Khó ở chỗ không buông bỏ được, điều này là quá khó. Việc không buông bỏ được chính là nghiệp chướng nghiêm trọng của chính bạn, chướng ngại sự vãng sanh trong cuộc đời này của bạn.

Kinh văn: “Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược dĩ sanh, nhược đương sanh, giai tất trụ ư, Chánh Định chi tụ, quyết định chứng ư A-nậua-la Tam-miệu Tam-bề”.

Ý nghĩa của câu này rất sâu. Trước tiên phải chú ý Kinh văn: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Bạn nên chú ý chữ “thiện” này, sau đó mới biết lời nói này có phải là nói với chúng ta không. Nếu như chúng ta không phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân, thì đoạn Kinh này không phải nói với chúng ta. Chữ “thiện” này có tiêu chuẩn. Chúng tôi ở trong các buổi giảng đã giảng không biết bao nhiêu lần rồi, vẫn là phải nhắc nhở từng giờ từng phút. Trong các Kinh sách của pháp môn Tịnh Độ có nói tiêu chuẩn “thiện” này, chính là chỉ “Tịnh nghiệp tam phước” ở trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Nó có ba tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn thứ nhất là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Tiêu chuẩn thập thiện này ở trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Hay nói cách khác, chúng ta có thể y giáo phụng hành Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo thì được gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nếu như bạn thực hiện được thập thiện nghiệp đạo, không phải là nói bộ Kinh này tôi biết đọc, tôi đã thuộc lòng, tôi biết giảng, việc này đều chẳng có tác dụng, mà phải thực hành được mới tốt. Bạn có thể thật sự làm được có hiếu với cha mẹ, bạn thật sự phụng sự sư trưởng, bạn thật sự bồi dưỡng thiện căn của bạn cho sâu dày, đó chính là từ tâm bất sát, để chuẩn bị sau này thọ giới. Bạn không có được điều kiện này, thì tương lai bạn không thể thọ giới. Cho nên phước thứ hai được xây dựng trên nền tảng của phước thứ nhất. Phước thứ nhất là cái thiện của trời, người. Thiện nam tử, thiện nữ nhân chính là thiện nam tử, thiện nữ nhân của cõi trời, người, niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ.

Nếu như nâng lên một bậc nữa, bạn có thể làm được điều thiện thứ hai là: “Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi. Đây là điều thiện của Nhị Thừa, điều thiện của Thanh Văn, Duyên Giác. Nếu như bạn có thể có đủ, thì tương lai bạn sẽ vãng sanh Phương Tiện Hữu Dư Độ, như vậy được nâng lên rất cao. Hiện nay chúng ta có được như vậy không? Hiện nay, ngay cả điều thiện thứ nhất chúng ta cũng không có được, cho nên thật sự là không phải dễ. Phước thứ hai là “thọ trì Tam Quy”, Tam Quy là giác, chánh, tịnh. Bạn xem ở trong Đàn Kinh, Lục Tổ Đại Sư truyền thọ Tam Quy cho một người bình thường. Lời phát nguyện của họ là quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh, họ không có nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.  Lục Tổ nói quy y giác, chánh, tịnh, sau đó có giải thích thêm: Phật là giác, Pháp là chánh, Tăng là tịnh. Điều này giống với sự giải thích của chúng tôi. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, bộ Kinh đầu tiên tôi học chính là Lục Tổ Đàn Kinh. Lúc đó không thể nói là học Phật vì tôi mói tiếp xúc Phật pháp. Thời gian nghỉ phép tôi ở nhà người bạn. Trong phòng sách của anh ấy có quyển Chú Giải Lục Tổ Đàn Kinh (chú giải của Đinh Phúc Bảo), tôi lấy ra xem. Tôi xem đến Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh. Tôi xem qua một lượt từ đầu đến cuối chú giải của Kinh văn mất hết ba ngày, xem rất là thích. Sau này khi học Phật, trong nhà Phật khi truyền thọ Tam Quy đều nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Tại sao Lục Tổ có cách nói như vậy? Tôi liền có nghi vấn nên liền tiến hành nghiên cứu tại sao Ngài lại nói như vậy. Lục Tổ Đại Sư sống cách thời đại của chúng ta hơn 1.300 năm, xấp xỉ 1.400 năm. Tôi nghĩ, cổ đại đức truyền thọ Tam Quy đều là nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, không có nói giác, chánh, tịnh, tại sao Ngài lại nói như vậy? Từ chỗ này chúng ta có thể nhận thức được, vào thời đại đó có rất nhiều người hiểu sai, chủ yếu là hình thức không có thực chất. Cũng giống như hiện nay chúng ta truyền Tam Quy vậy, chỉ có hình thức không có thực chất. Sau khi truyền Tam Quy rồi thì có được lợi ích hay không? Không thể nói hoàn toàn là không có lợi ích. Lợi ích gì vậy? Là “một lời qua tai, B-đề muôn thuở”, chỉ là bạn trồng hạt giống quy y trong A-lại-da thức, chứ sự quy y của bạn trong đời này không khởi tác dụng, không có lợi ích. Điều này chúng ta phải biết, nếu như nó khởi tác dụng hiện tiền thì thật tuyệt vời, thật sự là vô lượng công đức. Tại sao vậy? Nếu như bạn có đủ Tam Quy thì thập thiện nghiệp đạo của bạn viên mãn rồi. Giống như tòa nhà lầu ba tầng vậy, thập thiện nghiệp đạo là tầng thứ nhất, Tam Quy là tầng thứ hai. Bạn lên đến tầng thứ hai thì đương nhiên phải có tầng thứ nhất, đạo lý chắc chắn là như vậy. Điều quan trọng nhất của Tam Quy là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm giác mà không mê chính là quy y Phật, chánh mà không tà là quy y Pháp, tịnh mà không nhiễm là quy y Tăng. Khởi tâm động niệm đều tương ưng với giác chánh tịnh, tuyệt đối không rơi vào mê tà nhiễm mới là đệ tử của Tam Bảo. Các bạn xem thập thiện nghiệp đạo, thập thiện là chánh. Ngược với thập thiện là thập ác. Thập ác là tà, là mê tà nhiễm, thập thiện là giác chánh tịnh. Điều này rất là rõ ràng. Nền tảng trì giới này cũng dễ, cho nên “đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”. Sự không phạm oai nghi này, dùng lời hiện nay mà nói, chính là khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của bạn đều là phải là một tấm gương tốt cho mọi người trong xã hội.

Hôm qua tôi vừa từ Cổ Tấn trở về. Theo kế hoạch ban đầu, bắt đầu từ ngày mai, chúng tôi có bốn ngày gặp gỡ đại chúng, sau đó thì đi thăm Indonesia. Không ngờ là hôm nay có bốn vị quan chức chính phủ Indonesia đến đây mời tôi tham dự lễ khánh thành Trung Tâm Đa Nguyên Văn Hóa của họ vào ngày 18 này. Trung tâm này do chính phủ Indonesia xây dựng, là trụ sở của sáu tôn giáo ở Indonesia. Tôn giáo của họ đoàn kết với nhau để cùng hoạt động. Bộ trưởng Bộ Tôn Giáo rất mong muốn tôi tham gia buổi lễ khánh thành này. Buổi lễ sẽ ra diễn vào sáng ngày 18. Hôm nay họ đến mời tôi, ngày mai tôi phải đi rồi, sáng ngày hôm kia sẽ tham dự buổi lễ này. Thực tại mà nói, điều này là hiếm có, tôn giáo của họ có thể đoàn kết lại. Singapore thì làm việc này sớm hơn Indonesia, nhưng chín tôn giáo của Singapore vẫn chưa có một trung tâm để hoạt động, rất khó làm được. Ngài Bộ trưởng đến mời tôi rất thành khẩn, hôm nay tôi trả lời đồng ý với ông ấy. Lần này do Tổng thống Indonesia có việc phải đi viếng thăm nước Iran, cho nên tôi phải ở lại Indonesia vài hôm để đợi Tổng thống trở về. Chúng tôi đã có một cuộc hẹn, trong mấy ngày này, Bộ Tôn giáo của họ sắp xếp cho tôi đi thăm viếng các tôn giáo ở đó. Đây là một việc rất tốt. Chúng tôi hy vọng trên thế giới, các tôn giáo, các chủng tộc đoàn kết lại với nhau, thực sự hóa giải xung đột, xúc tiến hòa bình thế giới. Thế xuất thế gian, bất luận là sự nghiệp như thế nào, đều phải được xây dựng trên nền tảng ổn định hòa bình. Nếu như xã hội động loạn, thế giới không hòa bình, thì sự nghiệp gì cũng không thể xây dựng được. Cho nên đây là một dịp tốt, tôi đến đó sẽ hội đàm với mọi người, chúng tôi sẽ trao đổi một số ý kiến. Mấy năm nay, chúng tôi đã có một số kinh nghiệm, có thể cung cấp cho họ làm tham khảo.

Đặc biệt là lần này tôi tham gia Hội Nghị Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc tại Okayama, Nhật Bản. Tôi có cảm xúc rất sâu sắc, hòa bình phải được thực hiện ở nơi nào? Phải được thực hiện ở trong gia đình. Cái gọi là “gia hòa vạn sự hưng”. Hai chữ “vạn sự” bao gồm sự nghiệp của bạn, bao gồm xã hội, bao gồm khu vực, bao gồm thế giới, bao gồm vũ trụ. “Gia hòa” là thế giới hòa bình, vũ trụ hài hòa. Bạn xem thử mối quan hệ này lớn biết bao nhiêu!

Nếu như gia của bạn bất hòa thì sẽ phá hoại sự hài hòa của xã hội, phá hoại hòa bình thế giới sẽ tạo tội lớn rồi. Ai có được ý thức này? Ai biết được sự việc này? Sự việc này là thật chẳng phải giả chút nào. Trong Kinh Địa Tạng, Phật đã nói: “Chúng sanh ở cõi Diêm-pề khởi tâm động niệm đều là tạo tội nghiệp”. Tội gì vậy? Tội phá hoại sự ổn định của xã hội, phá hoại hòa bình thế giới. Tội này lớn vô cùng. Mọi người ai cũng đều đang tạo tội, nhưng chính bản thân mình lại chẳng hay biết. Ngạn ngữ ngày xưa thường nói: “Trước cửa địa ngục có nhiều người tu”. Cho nên Đại Sư Ấn Quang cả một đời không xuất gia cho ai, không thu nhận đệ tử xuất gia. Tại sao vậy? Bạn mà xuất gia cho một người thì đưa một người vào địa ngục, xuất gia cho hai người thì đưa hai người vào địa ngục. Họ không thể nào không đọa địa ngục. Tại sao vậy? Vì họ phá hòa hợp Tăng, phá hoại hình tượng Phật giáo. Tội danh này chính là địa ngục A-tỳ, nên Tổ Ấn Quang không nhẫn tâm!

Nếu quý vị hỏi dựa vào đâu để thấy được? Chúng ta hãy tỉ mỉ tư duy quan sát, bạn đã cạo tóc xuất gia nhưng bạn đã thực hiện được Tam Quy chưa? Không cần nói đến giới của Bồ-tát, bạn hãy tự hỏi đã thực hiện được Ngũ Giới của Tỳ-kheo chưa? Mười giới của Sa-di bạn đã thực hiện được chưa? Ngũ giới, thập giới, hai mươi bốn oai nghi đều chưa thực hiện được, có phải là bạn đã phá hoại hình tượng của Phật giáo rồi không? Phá hoại hình tượng Phật giáo chính là phá hòa hợp Tăng. Sự kết tội ở trong Giới Kinh, mọi người xem thì sẽ biết. Tội phá hòa hợp Tăng là địa ngục A-tỳ. Nếu bạn tỉ mỉ thâm nhập mà quán sát, bạn đã bất kính, không tôn trọng Tam Bảo, hữu danh vô thực. Mỗi ngày bạn vẫn khởi tâm động niệm, đều là mê tà nhiễm, đều là tự tư tự lợi, đều là tham sân si mạn.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 315)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 198


Hôm nayHôm nay : 33890

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 983102

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43227246

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.