Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 118)
- Thứ bảy - 24/10/2020 07:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các vị đồng học! Xin chào mọi người.
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 110:
“Tác vi vô ích. Hoài cáp ngoại tâm.” (Làm chuyện vô ích. Ngầm đổi lòng thay dạ).
Trong chú giải cũng nói rất hay: “Vạn sự trong thế gian, chớp mắt đã thành rỗng không”. Người có đầu óc trầm tĩnh một chút thì đều có thể thể hội được. Đặc biệt là chúng ta sống trong thời đại loạn thế, hồi tưởng suy nghĩ lại mấy mươi năm qua của chính mình, phiêu bạt bất định. Đây là thể hội việc “chớp mắt đã thành rỗng không” vô cùng vô cùng sâu sắc. Tôi trong mấy mươi năm qua vẫn còn nhớ được những sự việc ở quê hương khi còn nhỏ. Từ lúc 9 tuổi đã rời khỏi quê hương và không quay trở lại lần nào. Mỗi một nơi mà tôi ở, tôi cũng đã ở mấy mươi thành phố và khu vực. Sâu sắc mà thể hội việc đến thế gian này là để làm khách, là đến để du lịch. Trong Kinh Bát-nhã Phật đã nói: “Bất khả đắc”, “vô sở hữu”. Chúng tôi đã thể hội được rất sâu rất sâu. Phật đã nói với chúng ta duy chỉ có tích đức hành thiện, vì nhân dân mà phục vụ, giúp đỡ đại chúng giải quyết khốn khổ thì những việc này đời đời kiếp kiếp đều có thể mang theo. Cho nên cổ Thánh tiên Hiền dạy bảo chúng ta, những gì mang đi được phải nên làm nhiều một chút, thứ không mang đi được thì không nên làm. Tài sản không mang đi được, vợ con không mang theo được, những thứ vật chất mà bạn ưa thích về mặt thọ dụng cũng đều không mang đi được. Nếu cứ dụng tâm để làm những việc này thì sai rồi. Chúng ta hãy nhìn xem thế gian này, những người làm sai như vậy có bao nhiêu? Đâu đâu cũng là như vậy. Đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian đều dạy bảo chúng ta phải làm những việc mà có thể mang theo. Tích công lũy đức là từ đâu mà làm? Trong hết thảy kinh luận Phật dạy chúng ta phát Bồ-đề tâm. Thế nào là Bồ-đề tâm? Rất ít người có thể nói được rõ ràng, nói được minh bạch. Nhà Nho dạy học ở trong quá khứ là từ khi trẻ nhỏ được 7-8 tuổi thì phải đọc Tứ Thư. Cương mục mà trong sách Đại Học đã nói với chúng ta chính là Bồ-đề tâm mà Phật pháp đã nói.
Tổng vụ của Tịnh Tông Học Hội chúng ta là cư sĩ Lý Văn Phát gần đây sắp kết hôn. Tôi đã gửi tặng ông một món quà. Ông muốn tôi viết vài chữ tặng cho ông. Tôi đã viết 8 chữ để chúc phúc cho ông, khuyến khích ông, đặt kỳ vọng vào ông. Tám chữ này bốn chữ đầu là “Trị Bình Sơ Cơ” (nền tảng trước hết của việc bình trị). E rằng hiện nay những người hiểu được những chữ này rất ít. Nghĩa là “nền tảng trị quốc bình thiên hạ” là ở tại gia đình. Bốn chữ phía sau là “Đại Đạo Chi Thủy” (khởi nguồn của đạo lớn). Đại đạo là gì? Là đạo thành Phật, là đạo chuyển phàm thành Thánh, đây là bắt đầu. Hôn nhân là việc đại sự, gia đình là nền tảng của thế xuất thế pháp. Hiện tại chúng ta đọc đoạn này ở trong Cảm Ứng Thiên cũng toàn nói về gia đình. Cho nên Thánh Hiền thế xuất thế gian giáo hóa chúng sanh điều gì vậy? Dạy chúng ta làm người. Người chưa được tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền thì không biết làm người. Người không biết làm người thì sẽ tạo nghiệp. Quả báo của tạo nghiệp là ở trong ba đường ác. Năm xưa tôi ở Đài Trung cầu học, tôi thỉnh cầu Lý lão sư giảng Lễ Ký cho chúng tôi. Chúng tôi đã thỉnh mời dường như là đến 6-7 lần, Lý lão sư mới nhận lời. So với việc khải thỉnh Ngài giảng các kinh luận khác thì không như nhau. Những kinh luận khác vừa khải thỉnh thì lão sư liền nhận lời ngay. Ngài không muốn giảng nên sau đó đã nói với chúng tôi nguyên nhân là vì sao. Ngài nói: “Ta giảng cho con nghe thì con có chịu học không?”. Lễ Ký nếu ở trong Phật pháp mà nói là “hành kinh”, là bạn phải làm được, phải áp dụng thực tiễn. Giảng cho bạn mà bạn không thể thực tiễn, vậy thì thôi, chi bằng không giảng. Số lần chúng tôi khải thỉnh quá nhiều, lão sư đã miễn cưỡng nói với chúng tôi. Câu đầu tiên lão sư đã nói với mọi người: “Ta giảng Lễ Ký không phải là để cho các con hiểu lễ. Mục tiêu không phải là chỗ này. Mục tiêu ở đâu? Là hy vọng các con ở trong xã hội khi làm người không đến nỗi bị người ta ghét bỏ. Mục đích là ở chỗ này.”. Đây là đem mức độ của lễ hạ xuống mức thấp nhất. Bạn có thể hiểu được một chút lễ thì ở trong xã hội không đến nỗi bị người khác chán ghét, sẽ không bị người khác chán bỏ. Chúng tôi đã học được một chút cũng rất chăm chỉ nỗ lực đi làm. Ở trong xã hội đã làm được viên mãn chưa? Vẫn không viên mãn. Trong xã hội này người ghét chúng tôi vẫn còn rất nhiều, người hiểu lầm cũng còn rất nhiều, người hủy báng rất nhiều. Nguyên nhân do đâu? Chúng tôi quay đầu lại phản tỉnh chính mình, là tôi làm chưa đủ tốt. Vĩnh viễn là đang phản tỉnh. Chư Phật Như Lai, Khổng Phu Tử, Mạnh Phu Tử là đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian. Các Ngài đã làm đủ tốt chưa? Người hiện tại hủy báng Phật vẫn còn rất nhiều, người sỉ nhục Khổng lão phu tử chúng tôi cũng thường nghe thấy. Nghĩa là ngay đến Chư Phật Như Lai hay là người như Khổng Tử mà vẫn làm chưa đủ tốt, không thể khiến cho người trong cả thiên hạ đều tán thán. Thế nhưng nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà hướng thiện.
Chúng ta làm thế nào mới có thể chân thật khiến cho đức hạnh bén rễ trong tâm hạnh? Nhà Nho và nhà Phật nói hoàn toàn tương đồng: “Tề gia”. Bạn có gia đình thì trước tiên phải tu thân. Thân mà không tu thì cái nhà của bạn cũng không thể thành gia được. Trước tiên phải tu thân. Tu thân như thế nào? Trước hết phải tu tâm. Gốc rễ của thân là tâm. Tâm phải tu như thế nào? Nhà nho nói “cách vật trí tri” (buông bỏ vật dục, đạt đến sự thấu tỏ). Đây là căn bản, là đại căn đại bản của đức hạnh. Chúng ta không chăm chỉ làm ở trên phương diện này, cả một đời bất luận là bạn tu pháp môn thế xuất thế pháp gì thì đức hạnh của bạn nhất định là không có. Bạn vẫn tạo nghiệp, vẫn là một thân lỗi lầm vô lượng vô biên. Phạm lỗi lầm mà bản thân mình cũng không biết, nếu tự mình biết thì bạn đã giác ngộ rồi, bạn là một người minh bạch. Tự mình không biết thì chính mình là người hồ đồ. Cách vật là gì? Buông bỏ vật dục. Trong lúc giảng giải chúng tôi cũng thường khuyến khích các đồng học: Buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, xa lìa sự hưởng thụ của ngũ dục lục trần, như vậy mới được. Nếu đối với những việc này không buông được thì tâm của bạn sẽ bất chánh. Tâm bất chánh thì thân làm thế nào có thể chánh được? Cho nên điều đầu tiên trong nhà Nho cũng là “cách vật”. Vật chính là vật dục. Ba câu mà tôi vừa nói chính là “vật” mà trong nhà Nho đã nói. Cách là gì? Là phải chống lại nó một cách kịch liệt. Dùng cách nói hiện nay là chiến thắng vật dục. Chúng ta phải có năng lực chiến thắng tự tư tự lợi, chiến thắng danh văn lợi dưỡng, chiến thắng sự hưởng thụ ngũ dục lục trần. Cư sĩ Hứa Triết của Singapore đã làm được rồi. Trong nhà Phật nói trước tiên phải đoạn phiền não. Bạn xem Tứ hoằng thệ nguyện: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, chính là cách vật của nhà Nho. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, chính là trí tri mà nhà Nho đã nói. Giả như phiền não của bạn chưa có đoạn, bạn muốn học pháp môn thì nhất định không thể thành tựu, bạn nhất định không thể nào khai ngộ. Vì sao vậy? Bạn có chướng ngại của phiền não tập khí, làm sao có thể hiểu được đạo của Thánh Hiền? Cho nên bạn không thể thành tựu. Đạo lý này chúng ta có thể hiểu hay không? Người mà hiểu thì họ chịu làm. Đặc biệt là những người đọc sách nhà Phật như chúng ta, sách nhà Phật xem trọng việc khai ngộ. Không những là Thiền Tông yêu cầu “đại triệt đại ngộ”, Giáo Hạ cũng yêu cầu bạn “đại khai viên giải”, Niệm Phật cũng yêu cầu “nhất tâm bất loạn”. Đây là công phu chân thật, tích công lũy đức là từ đây mà làm. Không thể buông bỏ được vật dục thì cái gì cũng không thể thành tựu. Thế pháp còn không thể thành tựu huống hồ là Phật pháp. Thế pháp là gì? Là bạn nhất định không thể có được quả báo nhân thiên. Sau khi bạn chết thì đi vào trong tam đồ. Sự việc này chúng ta phải nên rõ ràng, phải hiểu thấu. Không nên làm cả đời mà tương lai quả báo vẫn không thể thoát được tam đồ. Việc này có oan uổng hay không chứ? Sự việc này không thể lơ là được. Vì sao vậy? Vì có rất nhiều người học Phật đều đọa vào trong ba đường ác. Ngạn ngữ có câu “trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Đây là lời thật. không phải là lời giả dối. Người xuất gia 10 người chết thì 9 người đi vào địa ngục rồi. Nguyên nhân là gì? Đọc kinh luận qua một lần, tỉ mỉ mà suy nghĩ thì bạn sẽ hoát nhiên đại ngộ. Khởi tâm động niệm của chính mình hoàn toàn trái nghịch với giáo huấn của Phật Bồ-tát. Bạn không học Phật thì chỉ có một tầng tội, học Phật rồi thì có hai tầng tội. Vì sao vậy? Vì đã phá hoại hình tượng của Phật pháp, phá hòa hợp Tăng, tội này nặng lắm. Thế nhưng hiện nay hầu hết mọi người đối với những sự việc này đều lơ là, đều quên sạch. Mặc dù đọc kinh nghe giảng nhưng bản thân không xem những giáo huấn này là một sự việc quan trọng. Trong đời sống thường ngày xử sự đối người tiếp vật vẫn tùy thuận phiền não, không chịu sửa đổi tập khí. Hay nói cách khác, họ vẫn đi vào trong tam ác đạo. Tam ác đạo là tham sân si. Hãy suy nghĩ xem, việc xử sự đối người tiếp vật của chúng ta có phải là y theo tham sân si hay không? Nếu quả nhiên y theo tham sân si thì con đường bạn đi là vào ba đường ác. Ba thứ tham sân si này có đủ thì là địa ngục đạo, nếu không có sân hận thì là đường ngạ quỷ. Nếu tham sân không có, chỉ còn ngu si, ngu si là đối với sự lý, chân vọng, tà chánh, đúng sai, thiện ác không phân biệt rõ ràng, điên đảo, đây là ngu si, là đường súc sanh. Chúng ta bình lặng phản tỉnh suy nghĩ xem khởi tâm động niệm của chính mình có phải là tràn đầy tham sân si hay không? Nếu quả nhiên là như vậy thì trong tâm chúng ta đã rõ ràng, ta nhất định sẽ đoạ vào địa ngục. Tiền đồ là một mảng tối tăm.
Người có tiền đồ quang minh xán lạn thì nhất định sẽ buông bỏ tham sân si mạn, nhất tâm niệm phật cầu sanh Tịnh Độ. Trước khi vẫn chưa đi thì lưu lại cái thân này, cái thân này là vì hết thảy chúng sanh phục vụ. Hiện tại ở đây mọi người gọi là làm nghĩa công. Làm nghĩa công chính là hành thiện. Niệm niệm tiêu trừ tham sân si, nhất tâm hướng Phật cầu nguyện vãng sanh, đây là tích đức. Tích đức tu thiện thì tiền đồ là một mảng quang minh. Cuộc đời này của chúng ta không uổng phí. Thời gian có hạn, nhân sanh ngắn ngủi khổ sở, nhất định phải nắm lấy cơ hội này.
Mỗi ngày đọc kinh, tôi đã nói với các đồng tu rất rõ ràng minh bạch. Sáng sớm đọc kinh làm khóa sáng là nhắc nhở chính mình, lời nói hành vi trong đời sống của ngày hôm nay không được trái nghịch với những giáo huấn trong kinh điển. Khóa tối sau khi đọc xong thì phản tỉnh, những gì Phật dạy chúng ta làm chúng ta đã làm được chưa? Phật dạy chúng ta không được làm chúng ta có tuân thủ hay không? Khóa tối là phản tỉnh, là kiểm điểm, là sám hối. Sửa lỗi đổi mới. Khóa sớm và khóa tối chính là công đức. Tuyệt đối không phải là buổi sáng và buổi tối đem kinh ra đọc cho Phật Bồ-tát nghe thì Phật Bồ-tát liền yêu thích bạn, làm gì có đạo lý này chứ? Quan niệm này là sai lầm. Kinh không phải để đọc cho Phật Bồ-tát nghe, mà đọc để cho mình nghe. Giáo huấn thì nhất định phải ghi nhớ, y giáo phụng hành. Đây là đại ân đại đức của Phật đối với chúng ta. Chúng ta báo đáp Phật Bồ-tát chính là tín nguyện thọ trì. Đây chân thật là người báo ân.
***********
Xin mời xem “Cảm Ứng Thiên” đoạn thứ 110:
“Tác vi vô ích. Hoài cáp ngoại tâm.” (Làm chuyện vô ích. Ngầm đổi lòng thay dạ).
Hai câu này ở phía trước đã khái lược báo cáo qua với các vị rồi. Đời người ở thế gian này rất ngắn tạm. Cho dù sống 100 năm thì cũng chỉ là một khảy móng tay mà thôi. Người có tuổi tác cao thì đều có cảm xúc rất sâu sắc. Nếu không rõ lý, không đọc sách Thánh Hiền thì trong cuộc đời này khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác giống như Kinh Địa Tạng đã nói là “không gì là không phải tội”. Trong nhà Phật cũng thường hay nói: “Thân tgười khó được, Phật pháp khó được nghe”. Được thân người thì có lợi ích gì? Nếu không đọc sách Thánh Hiền, không nghe Phật pháp, chúng ta có thể nói là không được thân người còn tốt hơn. Vì sao vậy? Vì không tạo tội nghiệp. Tạo tác tội nghiệp đọa lạc vào tam đồ, khoảng thời gian đó thật là rất dài. Hà tất trong mấy mươi năm ngắn ngủi này tạo tác tội nghiệp để rồi phải chịu khổ trong luân hồi trường kiếp. Được cái thân người này rồi thì có lợi ích gì? Làm súc sanh. Cho dù là mãnh thú hay rắn độc thì những tội nghiệp tạo ra vẫn còn nhẹ hơn làm con người rất nhiều lần. Cho nên súc sanh sau khi chết đi rất nhiều đều có thể chuyển sanh vào trong thiện đạo, không phải là không có đạo lý.
Chúng ta tỉ mỉ quan sát những loài rắn độc mãnh thú. Bạn không xâm phạm nó thì nó cũng sẽ không xâm phạm bạn. Những loài hổ, sói, sư tử đến những lúc bị đói mới săn bắt những động vật nhỏ để ăn. Chúng ta xem trong “động vật kỳ quan” thấy có rất nhiều hình ảnh. Những con hổ, sư tử khi ăn no rồi, nó nằm ở nơi đó, những con vật nhỏ vây xung quanh nó, nó đều không thèm để ý, tạo nghiệp nhẹ hơn con người rất nhiều. Tâm sân hận của con người vô cùng đáng sợ. Chúng ta luôn luôn nhìn thấy những thủ đoạn tàn độc. Tạo tác tội nặng hại đến nghìn vạn thân mạng người ta, hà tất gì phải tạo những loại tội nghiệp này chứ? Phật tán thán được thân người rất đáng quý là vì được thân người dễ giải thoát. Dễ giải thoát thì nhất định phải nghe Phật pháp, phải đọc sách Thánh Hiền. Phải giác ngộ thì thân người này mới đáng quý. Con người nếu không giác ngộ thì có gì là đáng quý chứ? Ngược lại không bằng chúng sanh ba đường ác. Lý và sự chúng ta phải hiểu, phải rõ ràng. Chân thật rõ ràng minh bạch rồi thì chính là giác ngộ, hết thảy pháp thế gian tự nhiên sẽ có thể nhìn thấu. Có thể buông xuống, một lòng hướng đạo, vậy thì cái thân người đó đáng quý biết bao. Năm xưa chúng ta chưa được nghe Phật pháp, đến tuổi trung niên mới được nghe Phật pháp, vẫn chưa muộn. Tu học pháp môn này nếu bạn thật làm ba năm thì có thể thành tựu. Chúng ta ở trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện đã nhìn thấy hơn một nửa người niệm Phật vãng sanh đại khái là họ đã dùng thời gian khoảng 3 năm đến 5 năm chuyên tâm. Chúng ta ngày nay tu mười mấy năm mà không có một chút tin tức gì cả. Nguyên nhân là gì? Tâm không chuyên, ý không thành. Đối với danh lợi thế gian, ngũ dục lục trần chưa chịu buông xuống, nguyên tắc tu học mà Phật nói ở trong kinh chúng ta chưa có nắm được.
Trong “Đại Thế Chí Viên Thông Chương” dạy chúng ta “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Chúng ta chưa làm được. Chúng ta sáu căn thâu nhiếp không được. Mắt vẫn tham sắc, tai vẫn tham âm, lưỡi vẫn tham vị. Đây chính là không biết thâu nhiếp sáu căn. Biết thâu nhiếp sáu căn thì ý niệm tham sân si mạn đã đoạn rồi. Ở thế gian này đời sống ăn ở hết thảy đều tùy duyên, tất cả phải không chấp trước, không phân biệt, một lòng hướng đạo. Như vậy thì 3 năm 5 năm mới có thể thành công. Tâm của chúng ta vẫn còn bị ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng xoay chuyển thì cuộc đời này dù niệm cả đời cũng không thể thành công.
Thế gian hết thảy đều là giả, không có một cái gì là thật. Trong Kinh Kim Cang Phật đã nói với chúng ta rõ ràng minh bạch biết bao: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Chúng ta phải thường niệm, thời thời khắc khắc nhắc nhở cảnh giác chính mình: toàn bộ đều là giả. Toàn là những phương diện hư giả này thì làm gì có đạo lý không ở trong luân hồi? Làm gì có chuyện không đọa lạc? Vậy cái gì là thật? Vạn duyên buông xuống là thật, tùy thuận chúng sanh là thật. Phật dạy chúng ta tùy duyên, tùy duyên thì tự tại, đây là thọ dụng chân thật, chân thật lợi ích. Lại có thể tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, là chân thật ở trong chân thật, không có gì thật hơn việc này. Phải thường nghĩ đến “thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”. Chúng ta ngày nay được thân người, được nghe Phật pháp, cơ duyên đáng quý như vậy nếu không nắm lấy thì thật là đáng tiếc. Một khi mất thân người thì vạn kiếp khó có lại được. Để có lại được thân người không phải dễ dàng. Cho dù được thân người nhưng có cơ hội nghe Phật pháp hay không? Nếu đến khi có được thân người, mà thế gian này lại không có Phật pháp thì thân người đó cũng vô ích. Thời gian có Phật pháp rất ngắn, thời gian không có Phật pháp rất dài. Bạn hãy xem pháp vận của Thích-ca Mâu-ni Phật là 12.000 năm. Sau khi hết 12.000 năm này thì thế gian không còn Phật pháp nữa. Thời gian không có Phật pháp là bao lâu vậy? 5.670.000.000 năm nữa Di Lặc Bồ-tát mới thị hiện thành Phật. Để thế gian này có lại Phật pháp thì các vị nghĩ thử xem 12.000 năm so với 5.670.000.000 năm có thể so sánh được không? Không thể so sánh được. Cho nên Phật nói với chúng ta là lời thật. Thân người mất đi rồi mà để có lại được là không dễ dàng. Có được thân người lại có thể nghe được Phật pháp thì càng không dễ dàng. Cuộc đời này không thể chăm chỉ tu học thì làm sao xứng đáng với Phật Bồ-tát? Làm sao xứng đáng với vận may được thân người lần này của chúng ta? Cho nên trong hoàn cảnh đời sống, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt. Hết thảy người và việc trong hoàn cảnh xung quanh, người thiện cũng tốt, người ác cũng tốt. Ta vẫn luôn dùng tâm chân thành thanh tịnh bình đẳng để đối đãi. Cho dù có bị giày vò như thế nào cũng có thể cam tâm nhẫn chịu, thật thà niệm Phật. Mấy năm nữa là vãng sanh rồi, hà tất phải tính toán? Vì sao không buông xuống được? Chúng ta từ chỗ này mà thể hội thì sẽ có được sự thọ dụng chân thật từ Phật pháp, không so đo tính toán với mọi việc mọi người ở thế gian này nữa, mà hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Công đức chính là thật thà niệm Phật.
Suy nghĩ xem nếu là những việc vô ích thì không làm. Thế nào là việc vô ích? Là những việc không thể mang đi. Chúng ta phải phân biệt cho rõ ràng. Những việc tổn người lợi mình thì càng không thể làm, vì chắc chắn sẽ đọa vào ba đường ác. Cho nên chúng ta phải làm những việc lợi ích cho chúng sanh, xả mình vì người. Có bao nhiêu sức lực, chúng ta cống hiến bấy nhiêu thì phước báo của bạn là viên mãn. Ta có 10 phần sức lực, mà chỉ cống hiến 1-2 phần thì phước báo này rất nhỏ, có khiếm khuyết, không phải là viên mãn. Vì thế chúng ta ở trong Phật Pháp mà xem xét, mà tư duy, ở thế gian này người trồng phước, người tu được đại phước báo luôn là người nghèo khổ, họ tu được phước báo viên mãn. Chúng ta ở Singapore nhìn thấy cư sĩ Hứa Triết, có thể nói là trong số 7 tỷ người của thế giới ngày nay không có một người nào có thể so bì được với bà. Phước báo của bà là viên mãn. Người thế gian tất nhiên là có người phú quý, có tài sản hàng ức vạn. Họ bố thí cho người ta thì cũng như là trên thân con trâu mất đi một sợi lông thôi. Hơn nữa bố thí mà không mấy vui vẻ, luôn nghĩ có lợi cho mình thì mình mới làm một chút việc từ thiện, không có lợi cho mình thì họ không bỏ ra chút nào. Những người như vậy chúng ta biết họ một khi chuyển thế thì sẽ thành người bần cùng. Thế gian ngày nay tài sản ức vạn là từ đâu mà có? Chúng ta nhìn thấy cư sĩ Hứa Triết đang tu nhân đó, bà đang tu nhân. Cái nhân đó của bà là nhân của tài sản ức vạn.
Phật pháp nói tam chuyển pháp luân: ba loại phương thức dạy học [thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển]. Ở Singapore hết thảy đều nhìn thấy. Mở quyển kinh ra thì đây là trực tiếp chỉ thị (thị chuyển). Thiện hữu ngày ngày khuyên bảo bạn (khuyến chuyển). Cư sĩ Hứa Triết, cư sĩ Lý Mộc Nguyên là làm minh chứng cho bạn (chứng chuyển). Trong các tôn giáo nói là kiến chứng, trong Phật pháp chúng ta thì nói là chứng minh. Biết được họ tu như thế nào, chúng ta nhìn thấy thì trong tâm sẽ rất rõ ràng, rất minh bạch. Bạn xem cư sĩ Hứa Triết tự nói, tiền đồ của bà là quang minh xán lạn. Đây là thật. Chúng thần bảo hộ cho bà, bà có tín tâm đầy đủ, chỉ có một tấm lòng thiện lương, giúp đỡ hết thảy người khổ nạn ở thế gian. Toàn tâm toàn lực mà làm, có 1 đồng thì làm việc 1 đồng. Có 2 đồng thì làm việc 2 đồng. Bạn xem trên báo chí có đăng, tài khoản ngân hàng của bà chỉ có 37 đồng Singapore. Hiện tại xã hội đại chúng khi nhắc đến bà thì đều tỏ lòng tôn kính. Đây mới chỉ là hoa báo. Quả báo thì không thể nghĩ bàn. Đây là việc mà chúng ta phải học tập.
Câu phía sau là “Ngầm đổi lòng thay dạ”. Trong chú giải nói rất hay: “Bề tôi lừa dối vua, con ngỗ nghịch cha mẹ, vợ phản bội chồng, anh em xâm phạm lẫn nhau, bạn bè khuynh đảo lẫn nhau, đều là do cái tâm rong ruổi theo ngoại cảnh sai khiến”. Việc này vô cùng rõ ràng. Phía sau lại nói “Nhưng chẳng đợi đến khi cái tâm ấy thể hiện ra hành động, hễ có mảy may ý niệm chớm động, người chưa biết mà quỷ thần đã biết rành rẽ cái tâm ấy!”. Gọi là người điên rồ mất trí mới tạo tác ra những tội nghiệp này. Xã hội ngày nay nơi đâu cũng như vậy. Bất luận là đến nơi nào, bất luận là thời gian nào, chúng ta đều có thể nhìn thấy. Thế giới ngày nay là thế giới gạt người, ai giỏi gạt hơn thì càng có thể giành được quan cao, giành được địa vị cao. Họ ở được địa vị cao thì sẽ lừa gạt tất cả nhân dân, lừa gạt hết thảy chúng sanh. Thế nên ngày nay ở địa vị cao có lợi ích gì chứ? Trước mắt nhìn thấy họ đang làm mưa làm gió, nhìn xa hơn nữa thì thấy là A-tỳ địa ngục. Những tội nghiệp mà họ tạo là A-tỳ địa ngục. Chớp mắt thì họ sẽ phải đi vào rồi. Đọa lạc vào trong đại địa ngục này thật sự là vạn kiếp không thể siêu sanh. Con người mê hoặc, hồ đồ đến chỗ như vậy đấy. Chúng ta hãy xem người xưa, các vị đọc các sách xưa thì có thể hiểu được. Ngày xưa các Đế vương là nhân từ bác ái, niệm niệm đều là giải trừ gian nan khốn khó cho nhân dân, giúp cho nhân dân an cư lạc nghiệp, nên người đời sau mới xưng họ là cổ Thánh tiên Vương. Họ hành Vương đạo, giáo hóa luân lý đạo đức cho chúng sanh. Cái mà họ hành chính là làm tấm gương cho xã hội đại chúng. Nhà Nho thường nói là “tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư” (Làm vua dẫn dắt dân, làm cha mẹ nuôi dưỡng dân, làm thầy dạy bảo dân). Ba chữ này họ đều làm được rồi, đó là vô lượng vô biên công đức. Các vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, các vị xem tiên sinh Liễu Phàm làm huyện trưởng. Ông có cái tâm gì vậy? Là tâm vì chúng sanh phục vụ. Ông muốn đem công việc phục vụ làm cho tốt. Muốn cho bá tánh của cả huyện đều có thể an cư lạc nghiệp. Ông làm công việc này. Biết được nỗi khổ của nhân gian, nghĩ hết các phương pháp để giảm nhẹ tiền sưu thuế. Ngày ngày ông làm việc này. Cuộc sống của mình thì rất tiết kiệm. Thu nhập của ông cũng tương đối khá, mùa đông thì làm áo bông. Bạn xem trong Liễu Phàm Tứ Huấn có ghi là vợ của ông dùng loại bông thô thông thường chứ không dùng loại bông tơ. Bởi vì những chiếc áo bông, nếu dùng loại bông thô thông thường thì có thể làm được 6-7 cái, có thể cho được 6-7 người dùng. Một người hưởng thụ có thể chia cho 6-7 người, là có ý niệm này. Phước báo không phải để dành một mình mình độc hưởng, nên phân chia phước báo cho mọi người cùng được hưởng. Người ngày trước làm quan thì niệm niệm là suy nghĩ cho nhân dân. Ông không vì chính mình, chính mình thì khắc khổ, chỉ hy vọng nhân dân có thể sống những ngày tháng tốt đẹp. Bậc Đế vương thì cũng như vậy, cho nên nơi những bậc Đế vương này ở gọi là “kinh sư”. Kinh là thành phố lớn. Sư là gì? Là mô phạm. Thành phố này là tấm gương mô phạm mẫu mực cho tất cả các thành thị khác, là ý nghĩa như vậy. Ngày nay trên cả địa cầu mà nói thì Singapore là “kinh sư”, là một đô thị gương mẫu mực thước cho cả thế giới. Người Singapore được an cư lạc nghiệp. Lãnh đạo của Singapore, những bộ trưởng, nghị sĩ, mỗi một tuần đều nhất định có một ngày phải gặp mặt quần chúng. Quần chúng có điều gì khó khăn thì có thể trực tiếp gặp họ, là mặt đối mặt để nói chuyện, giúp bạn giải quyết vấn đề. Mỗi một tuần nhất định có một lần, không giống như những nơi khác, khi đã làm quan to chức lớn thì tìm không thấy họ nữa. Ở nơi này ngay cả tổng thống cũng thường tiếp cận với nhân dân. Tôn giáo chúng ta rất nhiều lần tụ hội đều có mời tổng thống, ông đều tham gia, không chút tự cao tự đại gì. Nhân dân an cư lạc nghiệp thì ở nơi này trị an tốt. Nửa đêm canh ba phụ nữ có đi ra ngoài cũng chẳng sao. Trên thế giới ngày nay những thành phố như vậy quá ít. Nhân dân tuân thủ pháp luật, người làm lãnh đạo không tham tiền, vì vậy ở nơi đây khi làm việc gì cũng không cần phải tặng quà. Tặng quà là phạm pháp, người tặng phạm pháp mà người nhận cũng phạm pháp. Ở nơi này hết thảy đều chiếu theo luật pháp mà làm việc. Đây chính là “kinh sư” thời hiện đại của quả địa cầu này. Kinh sư chính là thành phố gương mẫu, là mô phạm, là một thành phố đáng để mọi người học tập noi theo. Bạn xem người ta đã làm như thế nào? Singapore cũng có một số người tội phạm. Các vị hãy tỉ mỉ mà xem trên báo, những người phạm tội đó đều không phải là người Singapore, đều là người ở những nơi khác đến. Người Singapore bản địa cực kì ít phạm tội, vì chính phủ chăm lo mọi mặt, chăm lo rất chu đáo. Cho nên tâm nếu có ý thay lòng đổi dạ, không có trung trinh thì lỗi lầm này rất lớn. Trong chú giải có dẫn câu chuyện về Tần Cối thời triều Tống, các vị có thể tự mình xem qua.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây. A Di Đà Phật!