Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 8)

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 8)
Chào các vị bằng hữu! Quan hệ thầy trò Chúng ta tiếp theo bài giảng vừa rồi là quan hệ thầy trò. Quan hệ thầy trò hoàn toàn không có trong quan hệ ngũ luân, nhưng quan hệ ngũ luân nếu không có quan hệ thầy trò thì không thể chung sống thật hòa hợp. Bởi vì đạo lớn ngũ luân này đều cần phải thông qua sự chỉ dạy của thầy mới có thể khiến tất cả mọi người hiểu được đạo lớn luân thường, biết làm tròn bổn phận đời người của mình. Cho nên từ xưa đến nay, tất cả người có học thức đối với thầy của mình đều vô cùng tôn kính. Chúng ta hãy cảm nhận một chút người cổ đại dùng thái độ, tâm cảnh như thế nào để đối xử bậc thầy của họ? Vào thời triều Minh, có một vị danh thần tên Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp lúc còn trẻ tuổi đi học vô cùng khắc khổ, vô cùng chăm chỉ. Người cổ đại thường nói: “Thập niên song hàn vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri”. Rất nhiều người có học thức đều khắc khổ, đèn sách hơn mười năm, sau đó vào kinh ứng thí, hy vọng có thể đạt được công danh để vì nhân dân phục vụ. Đương thời có một vị đại thần tên là Tả Trung Nghị Công, ông đảm nhiệm chức quan chủ khảo của lần thi này. Tả Trung Nghị Công luôn luôn nghĩ phải giúp nước chọn ra những nhân tài ưu tú, ngõ hầu tạo phúc cho dân, cho nên

Chào các vị bằng hữu!

Quan hệ thầy trò

Chúng ta tiếp theo bài giảng vừa rồi là quan hệ thầy trò. Quan hệ thầy trò hoàn toàn không có trong quan hệ ngũ luân, nhưng quan hệ ngũ luân nếu không có quan hệ thầy trò thì không thể chung sống thật hòa hợp. Bởi vì đạo lớn ngũ luân này đều cần phải thông qua sự chỉ dạy của thầy mới có thể khiến tất cả mọi người hiểu được đạo lớn luân thường, biết làm tròn bổn phận đời người của mình. Cho nên từ xưa đến nay, tất cả người có học thức đối với thầy của mình đều vô cùng tôn kính. Chúng ta hãy cảm nhận một chút người cổ đại dùng thái độ, tâm cảnh như thế nào để đối xử bậc thầy của họ?

Vào thời triều Minh, có một vị danh thần tên Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp lúc còn trẻ tuổi đi học vô cùng khắc khổ, vô cùng chăm chỉ. Người cổ đại thường nói: “Thập niên song hàn vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri”. Rất nhiều người có học thức đều khắc khổ, đèn sách hơn mười năm, sau đó vào kinh ứng thí, hy vọng có thể đạt được công danh để vì nhân dân phục vụ. Đương thời có một vị đại thần tên là Tả Trung Nghị Công, ông đảm nhiệm chức quan chủ khảo của lần thi này. Tả Trung Nghị Công luôn luôn nghĩ phải giúp nước chọn ra những nhân tài ưu tú, ngõ hầu tạo phúc cho dân, cho nên ông liền thay hết quan phục, cải trang đi tuần vào trong những ngôi tự miếu vùng phụ cận kinh thành để thử xem tố chất của người học trò đi thi lần này như thế nào. Bởi vì học trò đều không có tiền nên đều ở tự viện. Lúc Sử Khả Pháp viết xong một bài văn, mệt quá ngủ thiếp đi, đúng lúc Tả Trung Nghị Công đến ngôi tự viện. Tả Trung Nghị Công nhanh chóng xem qua bài văn của học trò này, trong lòng vô cùng cảm động, cảm nhận ra được loại khí tiết đền ơn nước, và còn có tấm lòng lợi ích nhân dân của người học trò này. Ông ngoài cảm động ra, liền lấy áo khoác ngoài xuống khoác lên mình của Sử Khả Pháp. Sau đó chính thức thi. Khi Tả Trung Nghị Công sửa đến bài văn của Sử Khả Pháp, lập tức phê cho ông làm trạng nguyên, đứng đầu bảng thi.

Các vị bằng hữu, tại sao Tả Công sau khi xem bài văn xong liền biết là bài văn của Sử Khả Pháp vậy? Có phải là gian dối hay không? Không phải. Bài văn bày tỏ nội tâm của một con người, tỏ rõ khí tiết của một con người. Bởi vì, Tả Công đã từng xem qua bài văn của Sử Khả Pháp, biết cái thái độ đối với nước, đối với dân của người trẻ tuổi này, cho nên vừa nhìn liền biết nhất định là bài văn của ông ấy. Sau khi Sử Khả Pháp thi đỗ rồi, có một quy định chính là phải bái quan chủ khảo ngay lúc đó làm thầy. Cho nên khi Sử Khả Pháp vào trong nhà của Tả Công, Tả Công lập tức nói với vợ của ông: “Về sau người kế thừa chí nghiệp của tôi không phải là con ruột của tôi mà là cậu học trò này”.

Chúng ta từ chỗ này có thể cảm nhận được, bậc Thánh Hiền cổ đại không sợ trong nhà không có con nối dõi, điều họ đáng sợ hơn là học vấn Thánh Hiền bị đứt từ chỗ của họ, điều họ sợ là không giúp quốc gia tìm ra trụ cột đích thực để lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia. Điều này còn căng thẳng hơn việc bản thân họ không có con cái. Cho nên thật sự lòng dạ của người có học thức đều là vì nước, vì dân, đều là chí công vô tư.

Sau đó vào cuối năm triều Minh, lúc đó hoạn quan nắm quyền, Tả Công vì tính tình thanh liêm đã đắc tội với một số tiểu nhân cho nên đã bị hãm hại, bị giam vào trong nhà tù.

Thưa các bạn, sau khi vào trong nhà tù sẽ như thế nào vậy? Nhất định sẽ bị nghiêm hình bức cung. Con mắt của Tả Công đã bị miếng sắt thiêu, cho nên khiến da đều dính liền lại với nhau, chân bị cắt cụt đến đầu gối. Sử Khả Pháp vô cùng sốt ruột, vô cùng lo lắng cho người thầy của ông ở trong nhà tù, nghĩ đủ mọi cách, hy vọng có thể vào trong nhà tù để thăm thầy của mình. Binh sĩ ở trong nhà tù bị ông cảm động, kiến nghị cho ông ngụy trang thành người lao công vào trong nhà tù quét dọn. Cho nên ông đã hóa trang thành hình dạng này, bí mật vào trong nhà tù. Kết quả khi Sử Khả Pháp từ từ tiếp cận thầy của ông ở trong nhà tù đó, bỗng nhiên nhìn thấy toàn bộ tình trạng cơ thể của thầy, tâm trạng vô cùng xúc động, dòng lệ tuôn trào. Sau đó, khi nhà tù mở cửa, Sử Khả Pháp liền phủ phục bên chân thầy, bắt đầu khóc nức nở. Tả Công vừa nghe thấy tiếng của học trò của mình cũng vô cùng kinh ngạc, lập tức dùng đôi tay vạch mắt của mình ra, ánh mắt vô cùng nghiêm túc nhìn vào Sử Khả Pháp nói: “Con hiện nay là thân phận gì? Con là rường cột nước nhà, sao có thể để mình rơi vào tình cảnh nguy hiểm như thế này? Thà bây giờ ta sẽ đánh chết con, chứ không để những loạn thần này hại chết con”. Vừa dứt lời, Tả Công liền nhặt cục đá dưới đất lên, ném thẳng vào Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp khi nhìn thấy thầy giận dữ như vậy cũng nhanh chóng rời đi. Các vị bằng hữu, tại sao Tả Công đối với Sử Khả Pháp giận dữ như vậy? Ông là vì cái gì? Là vì quốc gia, là để bảo vệ học trò của ông.

Sau đó, Tả Công bị hãm hại qua đời. Sử Khả Pháp thường hay được quốc gia phái đến những nơi rất trọng yếu để bảo vệ, vì nơi có ông bảo vệ thì quân địch không dám đến xâm chiếm. Ông mỗi tối đều không ngủ, dặn dò binh sĩ chia thành ba ca, đều đấu lưng dựa vào nhau. Binh sĩ của ông sau khi nhìn thấy rất khó chịu, nói với Sử Khả Pháp: “Đại nhân, Ngài như vậy cơ thể tuyệt đối sẽ chịu không nổi, Ngài cứ nghỉ ngơi một chút đi!”. Sử Khả Pháp nói với binh sĩ của ông: “Nếu như ta ngủ rồi, vào lúc ta ngủ quên mà quân địch đến xâm phạm thì ta sẽ có lỗi với quốc gia, ta cũng có lỗi với thầy của ta”. Cho nên trong mỗi niệm của ông luôn vì nước, và vì những lời giáo huấn của thầy, phải y giáo phụng hành, không dám ngủ.

Sử Khả Pháp mỗi lần trở về quê nhà của ông, mối quan tâm chăm sóc đầu tiên là nhà của ai vậy? Chính là gia đình của Tả Công, chính là sư mẫu của ông và con cháu của thầy, ông đều tận tâm tận lực chăm sóc. Cho nên Sử Khả Pháp quả thật sự đã làm được câu: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Chúng ta cũng thể hội được Sử Khả Pháp đối với lời dạy của thầy từng giây từng phút không dám quên. Cho nên chúng ta nói, thật sự báo đáp thầy, điều quan trọng nhất là không phải mỗi ngày tặng thức ăn, tặng đồ mặc cho thầy, việc quan trọng hơn là phải biết y giáo phụng hành. Lời giáo huấn của bậc Thánh Hiền chẳng qua là muốn chúng ta tu thân, muốn chúng ta tề gia, muốn chúng ta vì xã hội, vì quốc gia mà tận tâm tận lực dốc sức. Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thể hội được tình thầy trò của người xưa.

Ở trong bài học phía trước, tôi cũng nói với các vị, tôi đời này vì lúc còn nhỏ đã hình thành thái độ lễ phép cho nên có được rất nhiều lợi ích trong đời sống. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút, một đứa trẻ nếu như từ nhỏ vô cùng có lễ phép thì cuộc đời của nó sẽ có được rất nhiều sự trợ giúp, sức mạnh giúp đỡ. Một đứa trẻ nếu như từ nhỏ vô lễ thì cuộc đời của nó không chỉ không có tăng thêm sự trợ giúp, mà còn tăng thêm rất nhiều trở lực, chướng ngại. Bởi vì lúc nhỏ thường hay thất lễ, và đối tượng mà đứa trẻ thất lễ này nếu như không có tu dưỡng thì sẽ luôn luôn nghĩ cách muốn kiếm chuyện với nó, muốn chướng ngại nó. Cho nên có lễ phép sẽ giúp ích rất lớn đối với đời sống.

Đúng như lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”: “Việc chú bác như việc cha, việc anh họ như anh ruột”. Khi chúng ta đọc đến câu Kinh văn này, chúng ta cũng cảm nhận được sâu sắc, cha mẹ của người khác đối với gia đình, đối với xã hội đều rất gian lao, đều rất vất vả. Cho nên sau khi giảng xong tiết học đó, đúng lúc tám - chín nam chúng ở cùng với nhau, và tôi vừa về đến phòng ngủ, tôi liền bắt đầu thỉnh giáo một số bậc trưởng bối. Tôi gặp được một bậc trưởng bối, chú họ Đàm, tôi liền thỉnh giáo chú: “Xin hỏi năm sinh của chú là năm nào?”. Kết quả hỏi mới biết tuổi chú còn lớn hơn cha của tôi. Tôi lập tức nói với chú: “Con chào bác Đàm!”, cúi chào bác một cái. Xin thưa các bạn, cái cúi chào xuống này có biến đổi gì vậy? Cuộc đời luôn luôn là ở trong một vài động tác thật chân thành của bạn, liền tạo ra thay đổi ngay. Cho nên cái cúi chào xuống này của tôi, ngẩng đầu lên thì bác Đàm này mỉm cười ra tới mang tai, trong miệng còn hét lên: “Ngồi máy bay mấy vạn dặm mới quen được một đứa cháu trai”, và rất vui mừng. Bên cạnh lại có một bậc trưởng bối khác, tôi hỏi và biết chú họ Trần. Tôi nói: “Con chào chú Trần!”. Chú nhỏ tuổi hơn cha tôi. Sau khi xong hai cái cúi chào này của tôi thì có một vị trưởng bối khác đi đến nói: “Tôi cũng muốn làm chú”. Người chú cuối cùng này họ Lư. Tôi nói: “Con xin chào chú Lư!”. Thực ra sau đó tôi nghĩ lại, vị trưởng bối này vô cùng nhân từ, cũng rất có trí tuệ. Ông muốn giúp đỡ tôi, tự mình tạo ra cơ hội cho tôi, chạy qua nói: “Tôi cũng muốn”. Ông sợ chúng ta “không biết mặt mũi thật của Lô Sơn”. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì vị trưởng lão này từ ngày đầu tiên vào học đã ngồi bên cạnh tôi, vẫn không còn chỗ trống, là ngồi sát bên cạnh tôi. Bởi vì tính tình chú rất khiêm nhường, khi nhìn thấy chú là giống như nhà sát vách vậy, bản thân cũng không cảm thấy rất đặc biệt. Sau khi tôi cúi chào xuống, ngày hôm sau vị trưởng lão này (chú Lư) liền gọi tôi đến phòng khách, bắt đầu đem rất nhiều kinh nghiệm và trí tuệ trong cuộc sống của chú rủ rỉ nói ra cho tôi nghe. Tôi bắt đầu nghe cảm thấy rất kinh ngạc, vì vị trưởng bối này năm hai mươi chín tuổi đã làm Tổng giám đốc. Chức Tổng giám đốc này của chú tuyệt đối không phải chú tự mình phong cho mình. Nghe nói hiện nay, bảng hiệu rơi xuống sẽ tóe ra đến mấy cái Tổng giám đốc, quá nhiều rồi! Chú không phải loại Tổng giám đốc này, mà là chú ngồi giữa hai hàng cổ đông, sau đó mỗi người chất vấn vấn đề với chú. Chú nói nhân sự phát sinh biến đổi như thế nào, phải ứng đối ra làm sao? Tài vụ xảy ra nguy cơ gì bạn phải xử lý như thế nào? Cứ như vậy từng người nêu vấn đề với chú, chú phải như vậy đối đáp trôi chảy. Sau khi đáp xong, cổ đông mở hội nghị có cần mời người này làm Tổng giám đốc hay không. Sau khi được mời, chú chỉ một mình đến trấn giữ công ty này, thời xưa gọi là làm nguyên soái nhảy dù. Công việc như vậy có dễ làm hay không vậy? Không dễ làm. Một công ty lớn như vậy, bên trong rất nhiều đoàn thể nhỏ, khi bạn bước vào đều là tứ cố vô thân. Vào lúc này làm thế nào? Chỗ dựa này chính là trí tuệ và đức hạnh của bạn.

Chú Lư kể, có một lần chú đến một nhà hàng lớn để làm Tổng giám đốc. Sau khi chú đến đó, lập tức xắn tay áo lên, vào trong nhà bếp phụ họ rửa chén, rửa đĩa. Cho nên những công nhân này cảm thấy chú rất thân thiết, vả lại ấn tượng sâu hơn nữa là Tổng giám đốc rửa còn sạch hơn họ, khiến họ rất khâm phục. Khi tôi nghe được những trải nghiệm này của chứ Lư, bỗng nhiên trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn. Vị trưởng bối này rõ ràng là ngồi ở bên cạnh tôi, mà tôi lại còn không thể nhìn ra được. Tục ngữ nói: “Không biết mặt mũi thật của Lô Sơn”, cho nên tự mình cảm thấy năng lực nhìn người của mình quá kém cỏi. Nhưng mà tôi cũng đồng thời phát hiện một đạo lý rất quan trọng: “Người càng có năng lực thì càng khiêm hạ”, giống như cây lúa được mùa đều là cúi xuống vậy.

Cho nên hiện nay rất nhiều người trẻ tuổi vừa ra xã hội làm việc, gặp phải một số chủ quản ở trong công ty, lập tức liền nói năng lực của họ có cỡ nào, lập tức lại nói quan hệ của họ với ai đó đặc biệt tốt. Người như vậy có thể tin được hay không? Không thể tin. Nhưng có rất nhiều người trẻ tuổi khi nghe thấy những người này nói ba hoa thiên địa, liền bị họ dắt mũi đi. Cho nên năng lực nhìn người của một người đặc biệt quan trọng. Đương nhiên làm thế nào nhìn người cũng phải thâm nhập giáo huấn Thánh Hiền Trung Quốc mới có thể làm tốt được. Tiêu chuẩn nhìn người thấp nhất, tiêu chuẩn đơn giản nhất chính là “Đệ Tử Quy”. Nếu như một người làm được “Đệ Tử Quy” rồi thì bạn có thể đảm bảo họ là người có đức hạnh, là người đáng được tín nhiệm. Cho nên chúng tôi nói “Đệ Tử Quy” là kính hiển Thánh, có thể hiển hiện một người có phải thật sự có đức hạnh hay không? “Đệ Tử Quy” đồng thời cũng là kính chiếu yêu. Bạn đối chiếu thử xem người này làm được những phần nào trong “Đệ Tử Quy”, nếu như đều chưa có làm được, cho dù họ nói có dáng vẻ đường hoàng, ba hoa thiên địa, bạn tuyệt đối không nên tin. Cho nên nhìn người rất quan trọng.

Khi chú Lư đem những kinh nghiệm cuộc sống này của chú rủ rỉ nói với tôi, nội tâm của tôi rất cảm động. Chú nói đúng hơn hai giờ đồng hồ. Sau hai giờ đồng hồ, trong lòng của tôi chỉ muốn làm một động tác. Anh bạn này nói cúi đầu 90 độ! Cúi đầu thì không thể biểu đạt loại cảm tạ trong lòng của tôi. Ngay lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ, chính là quỳ xuống. Lúc đó tôi thể hội, tại sao người Trung Quốc coi trọng sư đạo đến như vậy? Bởi vì sự gợi mở của thầy đối với cuộc đời của một con người là không có cách gì thay thế được. Cho nên tôi ngay đó liền quỳ hai gối xuống như vậy. Bởi vì chú Lư khi còn trẻ có học qua nhu đạo, tay chân đặc biệt khỏe, kết quả tôi còn chưa kịp quỳ xuống, chú lập tức nắm kéo tôi đứng lên. Chú nói: “Không được làm vậy!”, lập tức nắm một cái liền kéo tôi đứng lên. Cho nên, người càng có đức hạnh thì càng khiêm tốn.

Sau hơn hai giờ đồng hồ nói xong, về sau mỗi ngày chỉ cần chúng tôi học xong, ăn cơm xong, chú Lư liền tìm tôi nói: “Nào chúng ta đi dạo đi”. Chú hỏi tôi: “Cậu hôm nay nghe giảng có gì tâm đắc không?”. Tôi liền đem tâm đắc của tôi báo cáo với chú. Sau khi tôi nói xong, chú nói với tôi: “Cậu nhìn sự việc chưa đủ độ sâu, chưa đủ độ rộng”. Chú còn bắt đầu phân tích cho tôi từng li từng tí, chỉ dạy cho tôi. Cho nên trong thời gian hơn hai tháng đó, kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống của tôi nâng cao lên đặc biệt nhanh. Sau khi rời khỏi Úc Châu, chỉ cần có thời gian rảnh rỗi chú đều đến thăm tôi. Chỉ cần tôi có đến làm việc gần nhà chú thì tôi nhất định đến viếng thăm chú Lư trước tiên, tiếp tục cố gắng học hỏi nơi chú. Thậm chí ở Hải Khẩu, ở trên khắp đại lục Trung Quốc, khi có vấn đề tôi điện thoại cho chú, chú đều vô cùng chu đáo, vô cùng quan tâm hồi đáp mọi vấn đề của tôi. Bởi vì có cơ hội nhận được sự chỉ dạy của chú Lư thì tôi càng phải tận tâm tận lực đem lời chỉ dạy của chú để lợi ích cho càng nhiều người hơn. Cho nên mỗi một lần tôi báo cáo với chú Lư những công tác này ở Trung Quốc đại lục, chú cũng đều vô cùng vui mừng. “Kinh sư dị đắc, nhân sư nan cầu”. Người thầy thật sự toàn tâm toàn ý có thể dạy chúng ta làm người, làm việc quả thật sự là rất hiếm có, rất quý báu, và tôi thật may mắn đã gặp được rất nhiều vị thầy tốt.

Tôi còn nhớ lúc tôi học tiểu học, gặp được thầy Diêu của tôi. Thầy dạy tôi lớp năm, lớp sáu. Vào lúc đó, thành tích của tôi rất kém. Quý vị có thể nhìn ra không vậy? Không thể nhìn ra. Các bạn quá nhân từ, không làm cho tôi khó xử! Tôi trước năm lớp bốn, thành tích đều không phải rất tốt, đều là học lực trung bình, gần như xếp hạng thứ mười mấy, hai mươi mấy. Vào lúc đó, mẹ của tôi dạy cùng trường của tôi học. Thầy Diêu của tôi hỏi mẹ của tôi: “Cháu này dạy như thế nào đây?”. Mẹ của tôi suy nghĩ một lát nói: “Thằng nhỏ này không thích học, nhưng mà rất sĩ diện”. Thầy của chúng tôi vừa nghe xong nói: “Được rồi, vậy tôi biết rồi!”. Kết quả đúng vào lúc chúng tôi vừa bắt đầu đang xếp lớp (tức là đọc đến tên của bạn liền chạy lên trước mặt thầy giáo). Tôi còn nhớ lúc đó tôi thuộc tổ bảy, lớp năm. Sau đó khi đọc đến tên của các bạn tôi, tổ bảy, tổ tám,… cứ như vậy chạy qua. Tôi được xếp vào trong đội ngũ của tổ bảy. Kết quả khi ngẩng đầu lên, thấy bạn quen biết khoảng chừng hai - ba người mà thôi, còn lại đều không quen biết. Cuối cùng, khi bước vào lớp học, thầy của tôi liền nói: “Thái Lễ Húc, dắt hai bạn đi lãnh chổi vệ sinh”. Học trò nhỏ thích nhất là lao động, được thầy gọi đều rất vui mừng, lập tức đi lãnh chổi. Sau khi trở về, thầy lại nói: “Nào Thái Lễ Húc, đi lãnh sách giáo khoa”. Chúng tôi lại dẫn một nhóm bạn đi nhận sách giáo khoa. Sau khi những việc này đều xử lý xong, thầy của tôi nói: “Các em ơi, chúng ta hôm nay hãy bầu lớp trưởng. Vâng, thầy đề cử em Thái Lễ Húc, còn lại các em đề cử”. Bạn xem công bằng biết bao, liền để mọi người tuyển cử.

Thưa các bạn, ai được bầu chọn vậy? Thái Lễ Húc! Sao các bạn đều biết vậy, có trí tuệ như vậy! Nhất định tôi được chọn rồi. Giữa học trò với nhau hoàn toàn là không quen biết, khi nghe cái tên đó đến mấy lần, cho nên tôi tức khắc được bầu trúng. Vừa được bầu như vậy thì thành tích của tôi từ đó về sau không còn rơi ra ngoài hạng ba nữa, vì sao vậy? Vì sĩ diện. Bởi vì lớp trưởng xem như là hạnh kiểm và học lực đều tốt, thành tích tốt. Cho nên thầy của tôi chẳng mất chút sức lực nào, đã đem thành tích của tôi kéo lên. Vị thầy tiểu học này của tôi quả thật là biết dạy theo tư chất, cho nên tôi rất cảm niệm sự bồi dưỡng của thầy đối với tôi.

Cho nên năm đầu tiên khi chính thức làm thầy giáo, tôi đã gọi điện thoại cho thầy Diêu của tôi, tôi mời thầy cùng đến dùng cơm với tôi. Ngay trên bàn cơm, tôi còn thỉnh giáo thầy rất nhiều kinh nghiệm dạy học. Một người thầy truyền cho học trò của ông kinh nghiệm dạy học, khi dùng bữa cơm đó đặc biệt có ý nghĩa. Khi tôi nhắc đến sự việc này, nhắc đến câu chuyện mà thầy để tôi làm lớp trưởng. Thầy của tôi liền nói: “Cậu không chỉ cảm ơn tôi, cậu cần phải cảm ơn mẹ cậu hơn, là từ câu nói đó của mẹ cậu mới khiến tôi có cái linh cảm này”. Cho nên sau khi dùng xong bữa cơm đó, đúng lúc mấy năm tôi tiếp xúc được giáo huấn cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta, rất được lợi ích, tôi liền đem một số sách tặng cho thầy của tôi, chia sẻ cùng thầy một số trưởng thành trong cuộc sống của tôi. Kết quả sau khi thầy của tôi nhận được những cuốn sách này, thầy của tôi mỉm cười nói với tôi: “Từ nay về sau tôi có phải gọi cậu là học trưởng hay không?”. Tôi rất nghiêm túc nói: “Thầy, không được! Một ngày làm thầy, cả đời làm cha. Thầy chính là thầy”.

Tôi đang phổ biến văn hóa của chúng ta, sau khi trải qua một năm, tôi đã gọi điện thoại cho thầy Diêu này của tôi, báo cáo với thầy những việc mà tôi đã làm trong một năm nay. Thầy ở đầu dây kia vô cùng vui thích. Trước khi kết thúc điện thoại, thầy tôi nói: “Có người học trò như cậu đây tôi vô cùng vui thích, vô cùng vinh dự”. Cho nên chúng ta đền đáp thầy, thật sự phải tận tâm tận lực tuân thủ chỉ dạy của thầy, cống hiến cho xã hội này.

Cuộc đời của một con người, người không đố kị với tài hoa của chúng ta nhất chính là cha mẹ chúng ta và thầy của chúng ta. Khi chúng ta thật sự có hiến dâng gì đó, có thành tựu gì đó, thì niềm vui của cha mẹ và thầy cô có thể còn nhiều hơn chúng ta.

Bởi vì có nhiều thầy tốt như vậy bồi dưỡng cho tôi, cho nên chúng tôi niệm niệm cũng hy vọng có thể lợi ích cho càng nhiều học trò hơn. Chúng tôi cảm nhận được sâu sắc một vị thầy tốt ảnh hưởng đối với cuộc đời của một con người lớn như vậy, cho nên chúng tôi cũng hy vọng mình có thể “học vi nhân sư”.

Trong mấy năm dạy học này của tôi, tôi cũng là tận tâm tận lực đang làm. Đúng lúc tôi có một người học trò, vào lúc đó tôi dạy khoa tự nhiên. Một tháng kiểm tra chỉ có ba em học trò không đạt yêu cầu. Kết quả làm tôi rất kinh ngạc, mới tiểu học thôi, sao mà không đạt yêu cầu? Tôi gọi riêng ba em này ra để thi lại. Sau khi thi kiểm tra lại xong, chúng tôi mới phát hiện có một số em không phải không biết cái đề này, mà là ngay cả chữ chúng còn không thể hiểu được. Tôi cũng từ chỗ này phát hiện năng lực ngữ văn của một đứa trẻ là cơ sở cho tất cả các môn khoa học của nó. Cho nên thầy ngữ văn đặc biệt rất quan trọng. Chúng tôi liền đọc từng đề từng đề cho các em nghe, chúng đều biết cách trả lời. Sau khi hướng dẫn xong, ba em đi thi lại đều đạt yêu cầu, coi như thông qua.

Một hôm, có một em (một em trong ba em thi lại đó) chạy lên trước bục giảng (vì tôi với ba em đó thi lại xong rồi, tình cảm của ba em đó với tôi đặc biệt gần gũi), bỗng nhiên em quỳ xuống một chân, tay vẫn giống thế này, là quỳ xuống như thế này. Em nói: “Tham kiến sư phụ!”. Thưa các bạn, bạn không được cười, tại sao vậy? Bởi vì em rất nghiêm túc. Vào lúc này nếu bạn cười em liền mất hứng ngay. Bỗng nhiên động tác đó của em thể hiện ra rất nghiêm túc, thái độ đó sẽ cảm hóa bạn. Bỗng nhiên tôi rất nghiêm túc, tôi liền một tay đỡ em đứng lên. Tôi nói: “Bái sư là việc rất nghiêm túc, em cần phải suy nghĩ rõ ràng”. Vừa nói như vậy thì em đó dường như suy nghĩ việc gì, suy nghĩ một lát, khoảng chừng gần năm giây, quỳ xuống trở lại lần nữa và nói: “Tham kiến sư phụ!”. Cho nên em nhỏ này đặc biệt thân với tôi. Lần thi tháng thứ hai, em đã thi chín mươi mấy điểm, tiến bộ ba mươi mấy điểm. Bởi vì trẻ em có biểu hiện tốt lớn như vậy thì chúng ta cần phải kịp thời khuyến khích em. Tôi quan sát em những môn học khác đều không được xem là thật tốt, cho nên trao thưởng tuyệt đối không có phần của em. Chúng tôi lập tức đi mua quà, vả lại không thể chỉ mua thêm một phần, như vậy là không công bằng. Cho nên đã mua rất nhiều phần, những em thành tích tốt chúng tôi đều tặng. Tặng đến cuối cùng, tôi liền giữ lại một tặng phẩm cuối cùng, gọi là thưởng cho người có tiến bộ tốt nhất. Tôi nói: “Nào, một phần thưởng cuối cùng tặng cho người tiến bộ nhiều nhất của cả lớp”. Tôi liền hỏi học trò: “Các em thử đoán xem người tiến bộ nhiều nhất là mấy điểm?”. Các em liền bắt đầu đoán 16 điểm, 18 điểm, 20 mấy điểm, đoán cả buổi cũng không thể đoán ra được. Tôi nói: “Đều không đúng! Đã tiến bộ hơn 30 điểm”. Học trò cả lớp liền ồ cả lên! Cuối cùng lập tức vừa gọi tên em học trò này lên, cả lớp không thể tự chủ, vang lên một tràng pháo tay. Cho nên anh bạn nhỏ này lúc bước lên, dáng vẻ hùng dũng oai phong, rất tự tin bước lên bục. Anh bạn nhỏ này từ sau lần thi tháng đó thì môn học tự nhiên đều là chín mươi mấy điểm. Cho nên, quả thật khi một em học trò có tâm cung kính đối với thầy, có tâm tôn kính đối với thầy, thì em sẽ đôn đốc mình cố gắng học tập, cố gắng nỗ lực. Quả thật tấm lòng vi nhân sư của chúng ta học trò đều có thể cảm nhận được.

Cho nên một người trong đời có thể có duyên gặp được một số thầy cô tốt sẽ tạo nên sự biến đổi rất lớn đối với cuộc đời của họ. Cũng bởi vì có phần minh bạch này, cho nên ở trong quá trình làm nghề giáo của tôi, liền tự nói với mình, một khi tôi dừng lại ở trường này thì tôi sẽ không đi. Vì sao vậy? Bởi vì dạy các em không phải dạy vài năm là nhân cách của các em liền tốt ngay, toàn bộ quan niệm, tư tưởng của các em liền thành tựu ngay là không thể. Hai năm này chỉ là khiến các em vô cùng tín nhiệm chúng ta, thậm chí là có một loại cảm nhận rất mãnh liệt, chính là “Thầy của ta nhất định là luôn luôn nghĩ vì chúng ta”. Khi các em có cái cảm nhận này, chỉ cần trong cuộc đời của các em gặp phải một số vấn đề, các em sẽ lập tức trở lại tìm thầy.

Tôi thường nói nội tâm của một con người chỉ cần có thể cảm nhận được vẫn có người toàn tâm toàn ý yêu thương mình, thì người này tuyệt đối sẽ không đi vào đường cùng, bởi vì nội tâm của họ vẫn còn có một dòng sức mạnh. Thế học trò muốn tìm chúng ta, chúng ta phải để các em tìm cho được. Cho nên chỉ cần dạy trường kỳ ở trong một ngôi trường, bạn dạy mười năm, thì học trò trong mười năm của bạn đều sẽ quay trở lại lần nữa để thỉnh giáo bạn, và chúng ta có thể giúp đỡ kịp thời cho chúng. Nhưng mà người tính không bằng trời tính.

Sau khi tôi đi dạy một năm, thể hội sâu sắc thấy bản thân tôi học vấn không đủ, cơ sở văn hóa Trung Quốc quá kém, cho nên hy vọng nhân lúc còn trẻ có thể thâm nhập, hấp thu giáo huấn Thánh Hiền, liền từ bỏ công việc. Sau khi từ bỏ công việc, trong lòng tôi có hai ý nghĩ. Hy vọng có thể tìm được vị thầy giỏi văn hóa truyền thống. Ngoài ra có thể tìm được một vị trưởng bối, ở trong đời sống từng li từng tí cho tôi những lời nhắc nhở, cho tôi những lời giáo huấn.

Cuối cùng tôi đến Úc châu, đi học nửa năm. Trong sách “Trung Dung” dạy rằng: “Chí thành như thần”, “Thành giả, vật chi chung thủy”. Một người khi thật sự có thành tâm thì nhất định sẽ có được rất nhiều người có trí tuệ, người có đức hạnh giúp đỡ. Cho nên ở trong nửa năm đó, mỗi lần thầy Dương giảng giải “Câu Chuyện Đức Dục” đều khiến trong tâm tôi chấn động đặc biệt.

Tôi còn nhớ khi đang nghe giờ giảng bài của thầy Dương, tôi đều là nước mắt nước mũi đầm đìa. Có một anh bạn người Hồng Kông bên cạnh, dáng người của anh rất lớn, nét mặt nghiêm nghị, rất nghiêm túc, thấy tôi khóc như vậy, len lén đem giấy vệ sinh đẩy qua cho tôi, cũng không dám nhìn tôi. Tôi liền cầm lên lau. Tại sao lại cảm động như vậy? Bởi vì trong quá trình thầy Dương giảng giải “Câu Chuyện Đức Dục” này khiến cho nội tâm của tôi cảm nhận sâu sắc, làm người cần phải như vậy mới có ý nghĩa. Làm người phải “Hiếu - đễ - trung – tín - lễ - nghĩa – liêm – sĩ”, đây mới là hương vị căn bản của làm người, như vậy mới có thể kinh doanh cuộc đời thật vui sướng. Giáo huấn của nửa năm này khiến tôi thể hội sâu sắc chủ tâm của bậc Thánh Hiền là như thế nào.

Cho nên, khi chúng ta thể hội được tấm lòng của bậc Thánh Hiền luôn luôn vì cha mẹ, luôn luôn vì bạn bè, luôn luôn vì xã hội đại chúng này, cảm nhận được sâu sắc rồi, sau đó khi chúng ta mở Kinh điển của Thánh Hiền ra liền cảm thấy vô cùng thân thiết.

Trong quá trình tôi phổ biến văn hóa truyền thống Trung Quốc, có khi một ngày phải giảng hai buổi, đến ba buổi. Trong rèn luyện như vậy, bỗng nhiên lời giáo huấn của Mạnh Phu Tử đã chạy vào trong đầu của tôi. Mạnh Phu Tử nhắc đến: “Thiên tương giáng đại nhiệm ư tư nhân dã. Tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu. Không phiếm kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi. Sở dĩ động tâm nhẫn tánh, tăng ích kỳ sở bất năng”. Tức là phải tăng thêm chỗ chưa đủ của họ. Khi tôi bỗng nhiên hồi tưởng đến đoạn Kinh văn này, cảm nhận hoàn toàn khác với thời học cao trung của tôi. Thời học cao trung khi đọc đến: “Thiên tương giáng đại nhiệm ư tư nhân dã”, thì bỗng nhiên cảm thấy đôi vai nặng khủng khiếp. Sau đó nói với bản thân, ta không nên làm bậc Thánh Hiền, nhất định rất khổ. Bởi vì thầy cũng không có nêu rõ ra tấm gương làm người xử sự của Thánh Hiền, chỉ là nói với chúng ta hãy học thuộc lòng, đến thi lại thi, cho nên chúng tôi cũng không có cách nào tiếp nhận lời giáo huấn này của Mạnh Phu Tử. Sau khi chúng tôi có sự khảo nghiệm này, có loại trải nghiệm như vậy thì bỗng nhiên cảm thấy khi đọc lên bài văn này đặc biệt có ý nghĩa. Tôi đã thêm một câu chú giải ở trong bài văn này, tôi nói: “Ngọt như đường”. Tôi luyện như vậy thấy hương vị rất ngọt ngào.

Tại vì sao thời học Cao Trung cảm thấy ta không nên làm Thánh nhân, nhưng mà cảm nhận hiện nay lại rất hoan hỷ tiếp nhận cuộc thách thức này vậy? Bởi vì ở trong quá trình phổ biến, chúng tôi thể hội sâu sắc mỗi một cá nhân cũng tốt, mỗi một gia đình cũng tốt, đều cấp bách cần đến giáo huấn Thánh Hiền. Khi những người bạn này có một loại tôn kính từ trong tâm đối với chúng tôi, có ánh mắt khẳng định đối với chúng tôi, khiến chúng tôi luôn luôn khắc ghi trong tim, rất sợ không thể lợi ích cho gia đình của họ. Cho nên sự hối tiếc lớn nhất của đời người là khi chúng ta cảm thấy sự việc này phải nên làm, cần phải làm, nhưng mà chúng ta lại không có năng lực làm, vào lúc này mới là nỗi khổ thật sự của đời người. Và chúng ta đã biết, công việc phổ biến giáo huấn Thánh Hiền này là công việc không thể chậm trễ của xã hội hiện nay. Nội tâm chúng tôi chỉ sợ năng lực của mình không làm nổi, cho nên khi có có cơ hội rèn luyện đến thì rất hoan hỷ, nhanh chóng được nâng cao.

Khi năng lực nâng cao, mới thật sự xứng đáng với những người bạn đã giúp đỡ bạn này, mới thật sự xứng đáng với thầy cô đã dạy dỗ ta. Sau khi chúng ta có loại rèn luyện này, mới có thể thật sự càng thể hội được những giáo huấn của Thánh Hiền này hơn. Cho nên khi trong cuộc sống chúng ta có thầy tốt xuất hiện, tuyệt đối phải hết lòng trân trọng, phải thật ngoan ngoãn nghe thầy chỉ dạy. Sau đó đem lời chỉ dạy của thầy áp dụng vào trong cuộc sống, áp dụng vào trong công việc, áp dụng vào trong đối nhân xử thế tiếp vật.

Ngoài một số thầy lành bạn tốt bên cạnh chúng ta đây, thực ra làm người Trung Quốc là hạnh phúc nhất, bởi vì văn hóa Trung Quốc đã truyền thừa bốn - năm ngàn năm nay. Ở trong bốn - năm ngàn năm nay không biết đã xuất hiện bao nhiêu bậc Thánh Hiền, và những bậc Thánh Hiền này đều dùng cả đời của họ để biểu diễn ra hình mẫu của bậc Thánh Hiền, cũng đã lưu lại rất nhiều áng văn chương vô cùng sâu sắc. Chỉ cần chúng ta có cái tâm cung kính này thì những Thánh Hiền này đều sẽ trở thành thầy lành, bạn tốt trong cuộc đời chúng ta.

Mạnh Phu Tử có cái tâm cung kính học tập theo Khổng Phu Tử. Mạnh Phu Tử cách Khổng Lão Phu Tử đến mấy trăm năm lịch sử, nhưng cái tâm cung kính này của Mạnh Phu Tử đối với thầy đã vượt qua không gian và thời gian, cho nên Mạnh Phu Tử học giáo huấn của Khổng Phu Tử học đặc biệt tốt. Mạnh Phu Tử được chúng ta xưng là Á Thánh, chỉ đứng sau Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử. Có cái tâm cung kính này là có thể cùng với cổ Thánh tiên Hiền nghiên cứu thảo luận học vấn, lấy họ làm thầy.

Rất nhiều bạn cũng đã hỏi tôi một vấn đề. Họ nói: “Thầy Thái, bản thân thầy một mình ở Hải Khẩu phổ biến văn hóa truyền thống như vậy, thầy có cảm thấy rất cô đơn hay không?”. Mỗi lần khi có bạn hỏi tôi như vậy, tôi đều cười lớn. Tiếp theo đó tôi nói với họ: “Tôi chẳng cô đơn chút nào, bởi vì Thánh hiền bốn - năm ngàn năm luôn luôn bầu bạn với tôi”.

Văn Thiên Tường có một bài thơ, bên trong có nhắc đến mấy câu giáo huấn này, rất quan trọng. Văn Thiên Tường nhắc đến: “Triết nhân nhật dĩ viễn, điển hình tại túc tích, phong diêm triển thư độc, cổ đạo chiếu nhan sắc”. Tuy những bậc Thánh Hiền này thời gian cách chúng ta rất xa nhưng mà mẫu mực đối nhân xử thế của họ là luôn luôn. “Túc tích” chính là sáng tối bầu bạn với chúng ta. “Phong diêm triển thư độc”, “Phong diêm” là một cái góc ở dưới mái hiên nhà, là ở dưới cái góc hiên nhà này mở giáo huấn của Thánh Hiền ra để xem, nội tâm sẽ cảm nhận được những khí phách tốt đẹp này của cổ nhân, là giống như ánh mặt trời vậy, chiếu rọi lên mặt bạn, “cổ đạo chiếu nhan sắc”.

Chúng ta thường thường có thể nghĩ đến lời giáo huấn của vua Nghiêu với chúng ta, nghĩ đến lời giáo huấn của Chu Công với chúng ta, nghĩ đến tấm gương của đại Thuấn cho chúng ta, nghĩ đến khí phách của Phạm Trọng Yêm, chúng ta sẽ đốc thúc mình càng tiến lên phía trước hơn, càng nâng cao phẩm đức của mình thêm nữa, tiến tới có thể lợi ích cho gia đình mình, lợi ích cho toàn xã hội quốc gia. Cho nên quả thật bậc Thánh Hiền luôn luôn bầu bạn với chúng ta, khiến nội tâm của chúng ta đều cảm nhận thấy đặc biệt an vui, cho nên tuyệt đối sẽ không cảm thấy rất cô đơn.

Tốt rồi, bài giảng hôm nay của chúng ta chỉ giảng đến đây. Cảm ơn mọi người!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 08)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.