Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 3)

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 3)
Chư vị bằng hữu, chào buổi tối tốt lành! Chúng ta tiếp tục buổi học lúc chiều. Muốn có thể thâm nhập trí tuệ của Thánh Hiền Trung Quốc mấy nghìn năm qua, nhất định phải có pháp bảo bạn mới có thể trực tiếp đi thẳng vào giáo huấn của Thánh Hiền. Là pháp bảo gì vậy? Là cổ văn. Nhất định phải có chìa khóa này. Khi nhắc đến cổ văn, rất nhiều người cảm thấy sợ, thậm chí phát run. Kỳ thực, lúc tôi còn đang học cấp hai, học cổ văn cũng rất kém. Tôi còn nhớ thời gian lúc còn học cấp hai, thầy giáo ngữ văn của tôi có một hôm chợt nhìn thấy ở trên bàn có một bài văn mẫu được viết rất hay, sau đó được chỉnh lý thành bài văn hoàn chỉnh. Đúng lúc chúng tôi cũng học đến văn mẫu, trên bài văn mẫu đó có viết tên người tác giả là “Thái Dung Thanh”. Họ của người ấy cũng giống với họ của tôi, thế là thầy giáo chúng tôi sau khi xem xong liền nói một câu thế này: “Cùng là con cái được sinh ra trong một gia đình, tại sao năng lực về ngữ văn lại kém xa đến vậy”. Thái Dung Thanh là chị ba của tôi, chị học lớp 9, tôi lớp 7. Các vị bằng hữu, sau khi nghe câu nói này, tâm hồn yếu đuối của tôi đã bị một sự đả kích rất lớn. Cho nên chúng ta làm thầy người khác, những lời nói tổn hại lòng

Chư vị bằng hữu, chào buổi tối tốt lành! Chúng ta tiếp tục buổi học lúc chiều. Muốn có thể thâm nhập trí tuệ của Thánh Hiền Trung Quốc mấy nghìn năm qua, nhất định phải có pháp bảo bạn mới có thể trực tiếp đi thẳng vào giáo huấn của Thánh Hiền. Là pháp bảo gì vậy? Là cổ văn. Nhất định phải có chìa khóa này. Khi nhắc đến cổ văn, rất nhiều người cảm thấy sợ, thậm chí phát run. Kỳ thực, lúc tôi còn đang học cấp hai, học cổ văn cũng rất kém. Tôi còn nhớ thời gian lúc còn học cấp hai, thầy giáo ngữ văn của tôi có một hôm chợt nhìn thấy ở trên bàn có một bài văn mẫu được viết rất hay, sau đó được chỉnh lý thành bài văn hoàn chỉnh. Đúng lúc chúng tôi cũng học đến văn mẫu, trên bài văn mẫu đó có viết tên người tác giả là “Thái Dung Thanh”. Họ của người ấy cũng giống với họ của tôi, thế là thầy giáo chúng tôi sau khi xem xong liền nói một câu thế này: “Cùng là con cái được sinh ra trong một gia đình, tại sao năng lực về ngữ văn lại kém xa đến vậy”. Thái Dung Thanh là chị ba của tôi, chị học lớp 9, tôi lớp 7. Các vị bằng hữu, sau khi nghe câu nói này, tâm hồn yếu đuối của tôi đã bị một sự đả kích rất lớn. Cho nên chúng ta làm thầy người khác, những lời nói tổn hại lòng tin của trẻ có thể nói ra hay không? Không thể nói. Khi chúng ta làm thầy của người mà nói quá nhiều lời làm tổn thương, rất có thể khiến cho trẻ nhỏ mất lòng tin, thậm chí còn khiến học sinh sinh ra tâm hối hận. Việc này phải cẩn thận. Đương nhiên tôi không có sanh tâm hối hận, tôi chỉ cảm thấy bản thân thật xấu hổ vì luôn học không được giỏi.

Tôi còn nhớ, một lần đi thi làm bài thi dạng đề lựa chọn. Đề bài là “Lão khí …”

1/ hoành xuân…                                                 2/ hoành hạ …

3/ hoành thu…                                    4/ hoành đông….

Các vị bằng hữu, nên chọn cái nào? Lão khí … gì?

“Lão khí hoành thu”.

Các vị sao mà trả lời được nhanh vậy? Tôi lúc đó suy nghĩ cả buổi, còn hát một bài nữa. Hễ hát ra một tiếng thì chấm vào một chữ, chấm cho đến hết, xem thử chữ cuối cùng chấm được là ở phần nào thì chọn phần đó. Thế là tôi cũng đã chọn sai. Cho nên bản thân học ngữ văn vốn chẳng có chút lòng tin nào. Cho đến lúc học cấp ba, tôi còn nhớ lúc học “Nhạc Dương Lầu Ký”, vì đều là văn cổ thể văn ngôn văn nên trong lòng tôi cũng rất sợ, đến lớp học được một nửa thì thầy giáo đã gọi tôi đứng dậy. Thầy nói: “Thái Lễ Húc, em hãy đứng lên cho thầy. Nếu như em học môn ngữ văn của thầy mà còn ngủ gục, thầy sẽ ghi là em vắng mặt”. Vì thế, môn ngữ văn của tôi vẫn luôn rất kém cỏi, vẫn không có chuyện hết bỉ cực thì thái lai, cho nên lòng tin của tôi vốn chưa hề được xây dựng. Thậm chí đến khi lên đại học cũng như thế, cảm thấy bản thân mình quá kém cỏi.

Cho đến khi tôi được hai mươi lăm tuổi, nghe được giáo sư Tịnh Không nhắc đến “cổ văn Trung Quốc là ơn trạch lớn nhất mà lão tổ tông để lại cho con cháu đời sau”. Sau khi chúng tôi nghe và hiểu rõ vấn đề này, trong lòng thật sự cảm thấy rất hổ thẹn. Bình thường có một người rót cho bạn một ly nước một cách rất chân thành, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Sẽ hết sức cảm kích. Thế mà tổ tiên từ mấy nghìn năm trước niệm niệm đều là vì cuộc sống của con cháu đời sau có thể có được sự khải thị thật lớn, thậm chí là truyền lại trí huệ của họ. Từ mấy nghìn năm trước tổ tiên đã dụng tâm vì muốn thành tựu cho chúng ta, ơn huệ như thế có lớn hay không? Lớn. Tôi không những không cảm ơn, mà còn đem những sự giáo huấn này ném vào trong thùng rác, trong lòng cảm thấy vô cùng hổ thẹn, đến nỗi rớt cả nước mắt. Hơn hết là cảm thấy dễ chịu sau khi khóc hết những giọt nước mắt này, cảm thấy tôi đã làm sai.

Khổng Phu Tử dạy bảo chúng ta: “Người không phải Thánh, ai chẳng lỗi lầm, lỗi mà biết sửa còn gì tốt hơn”. Lúc trước không biết trân quý những giáo huấn của tổ tiên, bây giờ đạo lý đã hiểu rõ rồi, mau mau cải tà quy chánh. Cho nên sau khi tâm niệm này được đề khởi, tôi liền bắt đầu học những Kinh điển của Thánh Hiền. Hơn nữa, đã xảy ra một sự việc rất kỳ lạ, khi tôi lật những quyển cổ văn ra để đọc lại lần nữa, đột nhiên lại cảm thấy thân thiết lạ thường. Vì sao vậy? Chúng tôi ấn chứng một câu giáo huấn của Thánh Hiền: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. “Hết thảy pháp là từ tâm mà sanh”, từ tâm tưởng mà sanh ra. Cho nên tại vì sao ngữ văn của tôi lại học không giỏi? Tại vì trong nội tâm của mình có sợ hãi, bản thân đã dựng sẵn rất nhiều chướng ngại, cho nên vẫn luôn không thể học được. Khi ý niệm này chuyển trở lại; chuyển lại để hiểu mà trân quý, rồi tiếp nhận giáo huấn của lão tổ tông, chướng ngại sẽ bị tiêu mất. Cho nên chúng ta phải từ trong tâm lý chân thật thể hội được ơn trạch của lão tổ tông thì chúng ta mới có thể học tập được giáo huấn của Thánh Hiền.

Rất nhiều người đều nói, họ bây giờ học cổ văn có thể sẽ không học thuộc nổi. Các vị bằng hữu, khả năng nhớ của tôi, thời kỳ ghi nhớ tốt nhất vẫn còn giữ được cho đến bây giờ. Sau hai mươi sáu tuổi, tôi đã tham gia rất nhiều lần thi cử. Bởi vì sau khi học cổ văn, sức nhớ càng ngày càng tốt nên thi cử cũng rất là thuận lợi. Vì vậy, đích thực là chúng ta bị chính mình làm cho chướng ngại. Có rất nhiều lý luận đều nói rằng khả năng ghi nhớ tỉ lệ nghịch với tuổi tác, tuổi tác càng lớn sức ghi nhớ càng giảm sút, có đạo lý hay không? Xem ra rất có đạo lý, nhưng đó là một kết quả. Tuổi tác càng cao sức trí nhớ càng kém là kết quả, xin hỏi nguyên nhân nằm ở đâu? Chúng ta phải tìm cho ra nguyên nhân thì mới có thể tùy bệnh cho thuốc. Tuổi tác lớn tại vì sao sức trí nhớ lại giảm sút? Đã nghĩ rất nhiều việc: Già rồi, không được rồi, vô dụng rồi. Không được nghĩ như vậy, việc này tâm tưởng thì sẽ như thế nào? Sự thành. Sự này trái lại không phải là việc tốt. Chúng ta hãy phân tích một chút, người ta tại vì sao tuổi tác càng cao, sức ghi nhớ càng kém? Bởi vì theo tuổi tác ngày một tăng, lại không hiểu đạo lý, cho nên cuộc sống sẽ tăng thêm rất nhiều những sự phiền não. Phiền não mà nhiều, sức trí nhớ càng sụt, năng lực suy nghĩ cũng vì thế mà giảm theo. Thường phải nghĩ những sự việc gì liền cảm thấy “ôi đau đầu muốn chết”, nghĩ không ra nổi. Cho nên nguyên nhân nằm ở việc sau khi con người tuổi tác đã cao, đích thực phiền não chướng của họ càng ngày càng nghiêm trọng, cho nên tự nhiên như thế mà sức trí nhớ đã giảm xuống. Khi con người đối với đạo lý nhân sinh, chân tướng làm người xử sự càng rõ ràng minh bạch, lý đắc thì tâm sẽ an, sẽ thanh tịnh, vì thế sức trí nhớ sẽ có thể tiếp tục duy trì trở lại.

Thầy giáo Lý Bỉnh Nam sống đến chín mươi bảy tuổi mà khi giảng bài có giở sách ra hay không? Không hề giở sách. Trích dẫn Kinh điển Thầy luôn luôn không hề xem sách, vì vậy sức trí nhớ của Ngài không hề theo tuổi mà giảm sút. Cho nên rất nhiều chân tướng phải nhờ bản thân chúng ta ấn chứng, không nên nói sao nghe vậy mà tự hù dọa chính mình.

“Tam Tự Kinh” cũng nói, Tô Lão Tuyền hai mươi bảy tuổi đã cố gắng học Kinh sách. Người cha này của Tô Thức bao nhiêu tuổi bắt đầu học? Hai mươi bảy tuổi. Bởi vì hai người con trai đều giỏi hơn ông, bị kích động nên cảm thấy bản thân rất mất mặt. Kỳ thực cảm thấy rất mất mặt là việc tốt hay là việc xấu? Việc tốt. Cho nên Khổng Phu Tử nói: “Tri sỉ cận hồ dũng”, người mà biết nhục thì mới có thể có dũng khí phấn đấu vươn lên. Vì vậy, Tô Lão Tuyền cũng là hai mươi bảy tuổi mới bắt đầu thâm nhập giáo huấn Thánh Hiền. Sau này ông cũng trở thành học giả thứ tám đời Đường Tống, là một trong tám văn nhân có học vấn đời Đường và đời Tống, thành tựu tương đối cao.

Các vị bằng hữu, chỉ cần có bắt đầu thì sẽ không quá muộn, cho nên chúng ta phải có lòng tin mà học tập. Học văn ngôn văn phải hạ thủ từ chỗ nào? Vẫn từ chỗ thuộc lòng mà hạ thủ. Các vị có thể thuộc năm mươi bài văn ngôn văn thì các vị có thể học văn ngôn văn. Các vị có thể thuộc 100 bài văn ngôn văn, các vị có thể viết văn ngôn văn. Nhất định là khi học thuộc bài đầu tiên sẽ rất lâu, dần dần rất nhiều năng lực của bạn sẽ bắt đầu hồi phục trở lại.

Chúng tôi có một vị giáo viên, hai mươi bảy tuổi. Anh lần gần đây nhất tham gia thi nói sức trí nhớ của anh chưa bao giờ tốt đến như vậy. Bởi vì trong một năm trở lại anh đều học những Kinh điển của Thánh Hiền Trung Quốc, cho nên anh cũng phát hiện trạng thái của mình luôn trong quá trình đang được tăng lên.

Vậy chúng ta học thuộc những cổ văn nào? Các vị bằng hữu, các vị đọc “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” có thể tương đương với sáu bài thể văn ngôn văn. “Nhập tắc hiếu” một bài, “xuất tắc đệ”, “cẩn”, “tín”, “ái chúng”, “thân nhân”. “Thân nhân” tương đối ngắn và “dư lực học văn” tính thành một đoạn, là bảy bài rồi. Từ từ rồi sẽ đến bài thứ năm mươi. Nếu học cả “Liễu Phàm Tứ Huấn”, tương đương với bốn bài thể văn ngôn văn. Tiếp đến các vị đem “Đại Học”, “Trung Dung”, và cả “Luận Ngữ” học thuộc hết (những bài này đều là cương lĩnh của giáo huấn Thánh Hiền). Các vị đem học thuộc hết, các vị sẽ nắm được hết những tinh túy có trong giáo huấn của Thánh Hiền. Bạn có nền tảng này, lại giở xem đến những Kinh sách khác thì sẽ cảm thấy có thể khế nhập vào trong những tư tưởng quan niệm này rất dễ dàng, đọc ra cũng cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Cho nên mục tiêu này nhất định phải xác lập.

Năm mươi bài thể văn ngôn văn này phải quy định một khoảng thời gian để đọc cho thuộc lòng. Nếu không, năm mươi bài văn ngôn văn này sẽ học hết năm mươi năm, vậy hiệu quả sẽ không tốt. Căn bản học tập của ngày nay là gì? Học quý ở lập chí, phải lập định chí hướng mới được. Chúng ta học về văn ngôn văn phải lập chí gì? Các vị bằng hữu, mục tiêu của việc học văn ngôn văn ở đâu? Các vị hôm nay học giáo huấn Thánh Hiền mục tiêu là ở đâu?

“Là để làm thầy”.

Nào vỗ tay đi chứ! Là vị bằng hữu nào có chí hướng như vậy? Làm thầy cũng được, làm thầy cũng tốt, làm thầy cả cuộc đời dạy mấy trăm học sinh. Cuộc đời của mấy trăm học sinh này sẽ vì việc bạn dạy bảo chúng những giáo huấn Thánh Hiền mà cuộc đời chúng sẽ có sự thay đổi rất lớn, có thể biết được thị phi thiện ác, có thể làm cho cuộc sống được hạnh phúc mỹ mãn. Vả lại, các vị không chỉ là dạy những học sinh này, mặt ảnh hưởng của các vị không ngừng ở đó. Mỗi một học sinh về sau này còn làm cha làm mẹ, còn có thể đem điều bạn dạy về những đạo lý nhân sanh chính xác cho chúng truyền về sau nữa, cho nên công tác giáo dục là nguồn xa chảy rộng. Cái gì là công đức vô lượng? Giáo dục công đức vô lượng không có ngằn mé. Nếu như trong những học sinh mà các vị dạy  có em lại làm thầy cô giáo, cuộc đời em lại dạy ra mấy trăm học sinh. Cho nên, công việc dạy học này rất có giá trị. Có thể lập chí nguyện như vậy, tin rằng việc học tập của các vị nhất định sẽ tiến bộ vượt bậc.

Phạm Trọng Yêm đời nhà Tống từ nhỏ đã biết được lập chí. Có một lần lúc ông đi xem tướng số, đi đến một địa phương nọ thì tìm được một vị xem tướng số. Theo bản tính ông bèn hỏi vị tiên sinh tướng số đó rằng: “Ông giúp con xem thử xem con có thể làm tể tướng được không?”. Vị tiên sinh xem tướng số này có thể cả cuộc đời ông cũng chưa hề xem qua một đứa trẻ còn nhỏ lại có thể mở miệng nói muốn làm Tể tướng. Ông giật mình nói với Phạm Trọng Yêm rằng, tuổi còn nhỏ mà sao khẩu khí lại lớn như vậy? Sau đó Phạm Trọng Yêm cảm thấy có chút xấu hổ, rồi lại nói với ông ấy: “Không thì thôi, ông có thể xem con có thể làm thầy thuốc không?”. Tiên sinh xem tướng ấy có chút bối rối, sao mà chí nguyện lại cách xa đến vậy, bèn hỏi lại cậu tại sao lại chọn hai cái chí nguyện này chứ? Phạm Trọng Yêm liền trả lời, bởi vì chỉ có quan tốt và lương y là có thể cứu người. Vị thầy xem tướng sau khi nghe xong rất cảm động, một đứa trẻ con mà niệm niệm đã nghĩ đến cứu người. Cho nên vị thầy tướng số liền nói với Phạm Trọng Yêm rằng, cậu có cái tâm này chính là cái tâm của một tể tướng chân thật, vì thế cậu sau này nhất định có thể làm tể tướng. Các vị bằng hữu, các vị có tin Phạm Trọng Yêm có thể làm tể tướng hay không? Tôi tuyệt đối tin rằng ông có thể làm tể tướng, tại vì sao vậy? Tại vì ông từ khi nào đã làm ra sự chuẩn bị? Từ nhỏ chí hướng của ông đã rất kiên định, dũng mãnh tiến tới. Một mục tiêu thì giống như là ngọn hải đăng nằm trên biển, tàu thuyền có thể căn cứ phương hướng vào ngọn hải đăng này mà đi, thì có thể nhanh chóng đến được bến. Nếu như ngọn hải đăng này tìm không thấy, mỗi ngày cứ chạy lên đông rồi lại về tây, rất nhiều thời gian đã bị tiêu hao đi mãi mãi. Cho nên người có chí hướng, việc học tập của họ nhất định sẽ rất vững vàng.

Các vị bằng hữu, Phạm Trọng Yêm xem “Tứ Thư Ngũ Kinh” có giống với những người khác cũng xem “Tứ Thư Ngũ Kinh” hay không? Cái ý vị ông nhìn thấy được có khác biệt rất xa. Bởi vì ý niệm trong lúc Phạm Trọng Yêm đọc “Tứ Thư Ngũ Kinh”, niệm niệm nghĩ rằng ta phải làm thế nào sau khi học thông những Kinh điển này, đem chỉ dạy trong Kinh điển mà tạo phúc cho dân. Vì thế ông đọc sách, về độ sâu và độ rộng nhất định là nhiều hơn những người đọc sách khác rất nhiều. Cứ tích lũy như vậy trong mấy mươi năm rồi đi thi cử, chênh lệch tuyệt đối sẽ rất lớn. Thế là Phạm Trọng Yêm đích thực đã làm Tể tướng.

Tôi đối với rất nhiều thầy cô giáo ở Hải Khẩu chúng ta, lúc lần đầu tiên được lên đứng lớp giảng, tôi cũng đã nói với họ, học tập văn hóa truyền thống chính yếu là lập chí. Chúng ta lập chí gì? “Vì tiếp nối tuyệt học của Thánh Hiền, vì khai mở thái bình cho vạn thế”, vì những Thánh Hiền nhân quá vãng mà kế thừa học vấn của họ. Chữ “Kế” này rất quan trọng. Chúng ta phải kế tục cái trước mới khai mở cái sau. Nếu như không có kế thừa thì sẽ không thể tiếp tục truyền lại. Cho nên chúng ta học tập trọng điểm là phải có thể học cho thông, tiếp đến mà truyền gửi lại cho con cháu ở đời sau. “Vì khai mở thái bình cho vạn thế”, hy vọng xã hội của chúng ta sau này, con cháu đời sau này có thể được sống những năm tháng thái bình. Kỳ thực hai câu nói này là nhân quả của nhau. Có thể tiếp nối được việc học của Thánh Hiền là nhân. Nhất định phải trọng cái nhân này mới có thể mở ra an định phồn vinh cho xã hội, cho nên khai thái bình là kết quả. Một xã hội mà thái bình có nghĩa là tư tưởng quan niệm con người phải chính xác. Tư tưởng quan niệm muốn chính xác nhất thiết phải thông qua giáo huấn của Thánh Hiền mới có thể làm được. Cho nên tôi đã nói với thầy cô giáo ở Trung tâm Hải Khẩu, văn hóa Trung Quốc mấy nghìn năm truyền thừa trở lại, việc đầu tiên gặp phải có thể cái gì sẽ đoạn mất? Hai lực lượng quan trọng nhất của văn hóa Trung Quốc, một cái là hiếu đạo, một cái là sư đạo.

Các vị bằng hữu, các vị hiện nay nhìn thấy được hiếu đạo không? Hình như không còn nghe được nữa, không còn nghe có hiếu tử. Hiện nay thầy cô có còn tìm được học trò tốt hay không? Rất khó tìm. Hiếu đạo và sư đạo có thể truyền thừa văn hóa Trung Quốc, nhưng hiện nay thì hai lực lượng này càng ngày càng mỏng yếu đi. Cho nên nếu như văn hóa Trung Quốc bị đoạn trong tay của chúng ta thì chúng ta đã có lỗi với lão tổ tông mấy nghìn năm, càng có lỗi đối với con cháu đời sau nữa. Khi tôi nói ra những lời này không phải là muốn hù dọa, chúng ta phải xem rõ hiện trạng mới có thể đề khởi được sứ mệnh của chúng ta.

Chí hướng chính là “vì tiếp nối tuyệt học của Thánh Hiền, vì khai mở thái bình cho vạn thế”. Vậy chúng ta bắt tay từ chỗ nào? Chúng ta nói là phải định vị trước. Định vị là từng giờ từng phút “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”.

Hải Khẩu chúng ta có mấy vị giáo viên, trong thời gian cả trường của họ triển khai ra thì chỉ có họ là đang triển khai, mà sau khi triển khai được vài tháng, biểu hiện của học sinh đã rất tốt. Rất nhiều đồng nghiệp trong lúc đi ngang qua lớp của họ đều cảm thấy học sinh rất có lễ phép, và những vị phụ huynh của các lớp này đều gọi điện đến trường học nói bọn trẻ đã trưởng thành rất nhiều, đặc biệt là về mặt hiếu thuận đã có tiến bộ rất lớn. Do phụ huynh phản hồi, do vì rất nhiều thầy cô phản ứng giống nhau, thầy hiệu trưởng của ngôi trường đó lại mời chúng tôi đến để diễn giảng với các thầy cô trong trường. Trong đó có một ngôi trường học tên là Trường Thực Nghiệm Quốc Khoa Viên. Ban đầu đề nghị với chúng tôi chuẩn bị chín mươi bảy quyển sách, sau đó vì lớp học của vị giáo viên nọ biểu hiện quá tốt, mà mời chúng tôi đến diễn giảng cho giáo viên cả trường, lúc đem tặng đã phải bổ sung thêm hơn 500 quyển. Duyên phần này được thúc đẩy như thế nào? Chính là vị giáo viên này “Học vi nhân sư”, họ học là vì để làm thầy những học sinh này, cho nên học sinh tiến bộ rất lớn. Họ học vì làm gương cho các đồng nghiệp, cho nên “Hành vi thế phạm”, tự nhiên thành sức ảnh hưởng thúc đẩy mọi việc triển khai. Vì thế, các vị bằng hữu, khi lập chí cũng không nên lập quá cao, nên từ ngay trong gia đình của mình, trong công việc mà “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, sức ảnh hưởng này tự nhiên sẽ lan rộng ra.

Có một vị là thầy giáo Vương, làm giáo viên cho Trường tiểu học trực thuộc Viện Sư Phạm Đài Nam. Lúc anh mới vừa bắt đầu phổ biến, mỗi ngày buổi sáng anh đều là người đến trường sớm nhất. Sau khi vừa đến lớp học lập tức giở “Đệ Tử Quy” ra, giở “Hiếu Kinh” ra, bắt đầu đọc. Xác thực là lấy mình làm gương. Cho nên học sinh của anh khi bước vào trong lớp có còn lề mề dây dưa hay không? Chúng có còn ngồi đó để ăn bữa sáng hay không? Không có. Vừa bước vào lớp liền cảm nhận được thái độ hiếu học của thầy, âm thanh đọc sách của vị thầy này lập tức khiến tâm của chúng định trở lại, rồi cũng cùng nhau đọc với thầy giáo. Cho nên lớp của anh tiến bộ rất nhanh. Bọn trẻ sau khi tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, tâm của chúng cũng rất lương thiện.

Vào ngày quốc tế 8/3 năm nay, học sinh đã đến nói với vị giáo viên họ Vương: “Thưa thầy, chúng em quyết định mỗi một người mua hai đóa hoa”. Thầy giáo liền hỏi tại vì sao phải mua hai đóa hoa? Chúng đã nói với thầy giáo: “Thưa thầy, một bông để tặng cho mẹ em, một bông để tặng cho các cô giáo trong trường”. Thầy giáo của chúng nghe xong rất vui mừng, bản thân chưa hề nghĩ đến mà học sinh đã nghĩ đến rồi. Quả thực bọn trẻ đang thực hành giáo huấn của “Đệ Tử Quy”, hiếu đạo, “Nhập tắc hiếu”: “Cha mẹ thích, dốc lòng làm”, và còn niệm niệm nhớ nghĩ đến vất vả của mẹ, cũng có thể nghĩ đến thầy cô đã vất vả chỉ dạy cho chúng. Cho nên ngày hôm đó học sinh trong lớp của họ đã đem hoa đi tặng khắp nơi trong trường. Trong lúc đem đi tặng, hiệu trưởng của họ là một vị nữ hiệu trưởng, sau khi thấy vậy rất cảm động, còn đích thân đi đến lớp ấy để công nhận những việc làm của các học sinh. Trong quá trình nói chuyện, vì quá xúc động, vị nữ giáo viên này đã chảy cả nước mắt. Học sinh chân thật tự mình thể nghiệm mà cảm ân cha mẹ, cảm ân thầy cô, trong quá trình đó nội tâm của bản thân chúng sẽ cảm thấy rất mỹ mãn, cảm thấy rất thiết thực, bởi vì chúng đang làm việc mà chúng nên làm.

Có một đứa trẻ nọ, là một học sinh nam, cầm hoa đi tặng cho một vị giáo viên nữ. Sau khi trở về rất thích thú, liền chạy đến nói với thầy giáo của chúng: “Thầy ơi, lúc mà em đem tặng nhìn thấy được vẻ tươi cười của cô trong lòng em thấy vô cùng vui sướng”. Tiếp theo vị thầy giáo này hỏi, trong lúc này em đã thể hội được điều gì? Đứa trẻ này nói: “Em cảm thấy cho đi có phúc hơn là được nhận”. Cho nên niềm vui sướng vì giúp cho người khác, niềm vui của việc quan tâm người khác tuyệt đối không phải là ở trong sách giáo khoa có dạy, mà sau khi đích thân đi làm thể hội được. Chúng ta là thầy cũng được, phụ huynh cũng được, phải khiến trẻ nhỏ hiểu được để đánh đổi, hiểu được để quan tâm, chúng mới biết cảm nhận được niềm vui của việc ra sức và quan tâm người khác ở đâu. Cho nên những vị làm giáo viên này đều có một định vị. Muốn có thể “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, họ cũng chỉ là từ gia đình của mình, trong công việc mà tận tâm tận lực, nhưng sức ảnh hưởng của duyên phận này tự nhiên như thế đã khai mở rộng ra. Cho nên học kỳ này, môn đức dục của toàn trường họ sẽ mời giáo viên họ Vương này đứng lớp. Vị giáo viên họ Vương còn mở thêm cho họ một môn học, gọi là “Đệ Tử Quy”.

Thánh Hiền nhân giáo huấn chúng ta tu thân mới có thể tề gia, tề gia mới có thể trị quốc, trị quốc thì có thể bình thiên hạ. Đây không phải là bốn sự việc mà là một sự việc. Từ đâu mà bắt đầu? Từ tu thân mà bắt đầu. Sau khi chúng ta tu thân, con cái rồi người nhà sẽ khâm phục, tự nhiên như thế có thể tề gia. Chúng ta đi làm việc, trong một đoàn thể làm việc cũng giống như một đất nước nhỏ, khi bạn làm tốt công việc của mình, tu dưỡng tốt rồi, tự nhiên như thế sẽ có thể cảm động người khác, là có thể trị quốc. Những vị giáo viên này vì chăm chỉ học tập, chăm chỉ dạy học, cho nên đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Những giáo viên này cũng cùng chúng tôi đi đến Thẩm Quyến, đến Hải Khẩu, thậm chí còn giảng học văn hóa Trung Quốc ở Bắc Kinh, dấu chân của họ cũng đã đi qua rất nhiều tỉnh thành, cho nên cũng đang bình thiên hạ. Căn bản nhất định phải từ công phu tu thân của chính mình mà bắt đầu làm. “Quân tử vụ bổn”, nhất định phải bắt đầu từ căn bản. “Bổn lập nhi đạo sinh”, cho nên phải lập chí lớn, cũng phải làm đâu chắc đấy, từng bước từng bước mà đi lên.

Hải Khẩu chúng ta hiện nay mỗi một tuần đều có giáo viên đến giảng, đều có lớp bồi dưỡng cho phụ huynh, có khóa trình dạy giáo dục cho các em nhỏ, không tuần lễ nào gián đoạn cả. Năng lực của các giáo viên này vì có chí hướng này lại thêm sự rèn luyện, cho nên nâng cao rất nhanh.

Chúng ta học phải quý ở lập chí. Trong thời gian trẻ nhỏ đang học học vấn Thánh Hiền, chúng ta phải dẫn dắt chúng lập chí như thế nào. Nếu như chúng nói chúng muốn làm thủ tướng, vậy mục tiêu này đối với cuộc sống của chúng hiện giờ hơi xa một chút, chúng ta sẽ dẫn dắt bọn trẻ lập chí như thế nào? Từ việc lập chí làm một đứa con hiếu thảo trong gia đình, lập chí làm một học sinh tốt ở trường, ngoài xã hội lập chí làm một người công dân tốt. Từ những chỗ này mà bắt đầu. Cho nên chúng sẽ cảm thấy mình bây giờ học học vấn Thánh Hiền, giúp rót cho mẹ một ly trà, giúp mẹ rửa chân, đều đang nỗ lực thực hiện giáo huấn của Thánh Hiền, đều đang làm một đứa con có hiếu.

Rất nhiều đứa trẻ sẽ nói, mẹ ơi sau này lớn lên con nhất định mua một căn nhà lớn cho mẹ ở, mua một chiếc xe lớn cho mẹ lái. Rất nhiều người mẹ sau khi nghe xong thì vui không thể tả xiết, nhưng mà bọn trẻ mỗi ngày đều cãi nhau với họ, chúng mỗi ngày còn mơ mộng là sau này mua căn nhà lớn cho họ ở. Lòng hiếu thuận của trẻ nhỏ không nên kỳ vọng sau mấy chục tuổi rồi thì mới bắt đầu  có hiếu. Một đứa trẻ có tâm hiếu chân thật thì sẽ bắt đầu làm ngay lập tức. Vì thế chúng ta dùng “Đệ Tử Quy” dẫn dắt bọn trẻ. Em nói chuyện với cha mẹ một cách ôn hòa, mỗi ngày có thể giúp mẹ san sẻ vất vả, làm những việc nhà, mỗi ngày có thể lo học hành cho tốt để cha mẹ yên tâm. Những việc này đều thật sự là làm công việc của một người con hiếu, cho nên sẽ không khiến cho chí hướng của chúng và cuộc sống của chúng bị tách rời ra. Vì thế trong quá trình trẻ nhỏ đang thực hiện sẽ rất vui thích, rất vững lòng. Ở trường học làm một học sinh ngoan.

Chúng tôi có mấy học sinh đều được đánh giá là “học sinh ba tốt”, mà quan trọng nhất là những giáo viên này tại sao sau khi xem xong một số hồ sơ của chúng đều chỉ định nhất định phải chọn chúng làm “học sinh ba tốt”? Bởi vì hiếu hành của những đứa trẻ này đều khiến cho họ vô cùng cảm động.

Có một đứa trẻ trong một tuần lễ đã làm được bốn mươi ba việc hiếu hạnh. Rất nhiều thầy cô vừa xem đến, đã cảm động đến tận đáy lòng. Ở trường học có thể làm một học sinh ngoan, ở ngoài xã hội làm một công dân tốt. Rất nhiều trẻ nhỏ nhìn thấy người lớn, một số người già bước lên xe thì chúng lập tức biết nhường chỗ ngồi. Vừa nhường chỗ như thế thì những người lớn khác cũng vậy. Những bạn nhỏ cũng vậy, nhìn thấy rất cảm động. Các vị xem, đứa trẻ nhỏ như vậy còn biết nhường chỗ ngồi, vậy chúng ta phải càng thêm thấy xấu hổ. Cho nên những đứa trẻ này đều rất biết việc nhường chỗ ngồi, khiến cho xã hội thêm hiểu được mà ra sức giúp người.

Chúng tôi cũng thường hướng dẫn bọn trẻ, hết thảy việc mà chúng ta làm không chỉ ảnh hưởng trong một gia đình, những gì chúng ta đã làm thậm chí còn đại biểu cho một nước.

Đã từng có mấy trang báo trên mạng đưa tin, trong đó có nhắc đến ba sự việc.

Sự việc thứ nhất, tại nhà thờ Đức Bà ở Pháp. Nhà thờ Đức Bà ở Pháp là một nơi vô cùng tôn nghiêm trang trọng, thế nhưng bên trong đó viết một hàng chữ tiếng Trung Quốc: “Xin đừng nói chuyện ồn ào”. Chúng tôi mới nói như vậy thì hỏi các bạn nhỏ, tại vì sao phải dùng chữ Trung Quốc để viết hàng chữ đó? Chúng nói bởi vì người Trung Quốc rất vĩ đại. Tôi nói không phải, đó là viết để cho người Trung Quốc xem, nhắc nhở người Trung Quốc khi vào những nơi tôn nghiêm trang trọng như vậy không thể ồn ào lớn tiếng được. Đây là việc không biết suy nghĩ cho người khác, cho nên những người Trung Quốc này đã làm cho người Trung Quốc mất mặt trên khắp thế giới. Cho nên ngôn ngữ hành vi của chúng ta đều đại biểu cho thể diện của một đất nước, phải thay đất nước chúng ta để lại hình tượng tốt, đây là chúng ta tận hết bổn phận cho đất nước chúng ta. Từ đây nhắc nhở hành vi của chúng từng li từng tí, tuyệt đối không thể tùy tiện được, không thể suồng sã.

Tôi cũng nhắc nhở bọn trẻ, đi đến sân bay có thể nói chuyện ồn ào được hay không? Có thể chạy nhảy lung tung hay không? Nhiều người ngoại quốc ở sân bay nhìn thấy sẽ nói: “Người Trung Quốc các bạn đã dạy dỗ ra một thế hệ dáng vẻ như thế đấy à”. Cho nên trẻ con có thể dạy được. Sau khi bạn nhắc nhở chúng thì chúng sẽ tự đề khởi lên thái độ đúng đắn của chúng.

Một sự việc nữa là ở Trân Châu Cảng của Mỹ, phía trên thùng rác cũng là dùng tiếng Trung Quốc viết: “Vui lòng bỏ rác vào đây”. Tại sao lại phải viết bằng một hàng chữ Trung Quốc? Bởi vì người Trung Quốc chúng ta vứt rác lung tung. Phải chú ý, xin hỏi là thế hệ người Trung Quốc thời đại nào vậy? Chúng ta không thể nào đem lão tổ tông kiệt xuất mấy nghìn năm kéo xuống nước, việc này không dám làm. Trung Quốc mấy nghìn năm lại đây vốn là đất nước nổi tiếng về lễ nghĩa, người của đất nước lễ nghĩa, đi đến nhà người ta có vứt rác bừa bãi hay không? Không thể nào. Vì vậy ai đã sai? Chúng ta những người làm cha mẹ, làm thầy cô đã sai, bởi vì không dạy cho tốt. Nên cảnh giác bọn trẻ tuyệt đối không thể đánh mất thể diện người Trung Quốc, không thể vứt rác lung tung.

Bản tin thứ ba là tại cung điện ở Thái Lan, trong nhà vệ sinh cũng viết một hàng chữ: “Đi vệ sinh xong nhớ dội cầu”. Ý nói người Trung Quốc chúng ta có thói quen như thế nào? Không sạch sẽ,  không có vệ sinh. Người Trung Quốc như vậy chỉ có trong mấy trăm năm, mấy chục năm nay, tuyệt đối không phải là mấy nghìn năm trước. Cho nên bọn trẻ sau khi nghe xong, chúng sẽ cảm thấy không thể để mất mặt như vậy, từ ngay trong cuộc sống bản thân chúng bắt đầu sửa đổi những khuyết điểm này.

Chúng ta hãy thử suy nghĩ một vấn đề. Các vị bằng hữu, các vị đi Paris của Pháp chưa? Các vị đi đến Trân Châu Cảng ở Mỹ chưa? Các vị đi qua cung điện ở Thái Lan chưa? Người có thể đi đến những nơi này là những người nào? Người có tiền, có địa vị xã hội, thậm chí rất nhiều những học sinh đến du học, ở trong xã hội đều được xem thuộc tầng lớp tương đối cao. Thế mà ở tầng lớp cao, thậm chí nhận được sự giáo dục cao độ mà cái quy củ căn bản của cuộc sống này cũng không trang bị tốt. Vì thế, thứ lớp của việc học không thể điên đảo. Thứ tự đảo lộn, sau khi học ra quả thật là ngả nghiêng xiêu vẹo. Cho nên học tập nhất định phải chú trọng thứ tự. Giáo dục hiện nay tương đối chú trọng đến việc truyền đạt tri thức và kỹ năng, cho nên những người có quá trình học cao có tri thức hay không? Có. Có kỹ thuật kỹ năng hay không? Có. Nhưng cái gốc đức hạnh của họ như thế nào? Chưa trồng được tốt, chưa trồng được chắc chắn.

Tôi có một đứa cháu mới hơn hai tuổi đã bắt đầu học Anh văn. Dì của nó dạy cho nó học Anh văn. Kết quả sau khi học một thời gian, bà ngoại của nó dắt nó đi đến nhà của chúng tôi chơi, sau đó bắt đầu biểu diễn. Các vị bằng hữu, các vị có làm qua việc kiểu như vậy chưa? “Với người lớn chớ khoe tài”. Đứa trẻ này từ nhỏ đã đứng trước mặt rất nhiều người lớn tỏ ra là không ai bằng mình, tỏ vẻ giống như là rất có năng lực. Từ nhỏ nó đã hình thành cái gì? Ngạo mạn. Ngạo mạn là một trong những kẻ thù lớn nhất của việc cầu học vấn. Tâm ngạo mạn mà sinh thì không coi ai ra gì.

Lúc nó đi đến nhà chúng tôi chơi, bà ngoại của nó đã bắt đầu nói với nó: “Nào! Chúng ta đọc tiếng Anh cho mọi người nghe đi”. Lúc mới đầu hỏi: “Quả táo nói thế nào?”. Đứa trẻ nói: “Apple”. “Cái dù nói thế nào?”. “Umbrella”. Nói rất nhiều từ mà không sai chút nào. Có giỏi hay không? Có thể các vị nghe thì “Wa! giỏi quá” và sẽ còn vỗ tay cho nó. Đột nhiên đứa trẻ này hỏi lại bà nội của nó một câu hỏi: “Bà ngoại, quyển sách nói thế nào?”. Bà ngoại của nó vừa nghe liền nói: “Bà làm sao mà biết?”. Đứa bé đó nói: “Bà ngoại, sao mà bà ngoại ngốc thế”. Có tri thức rồi, có kỹ năng rồi, vẫn chưa hiểu được thái độ đối đãi với người lớn. Tri thức càng cao càng ngạo mạn, cho nên thứ tự của việc học tuyệt đối không thể đảo lộn, không được đảo lộn.

Mười Điều Vô Ích

Lâm Tắc Từ dùng sự từng trải cả đời mình đem viết thành mười sự việc mấu chốt của đời người, được gọi là “Thập vô ích”. Trong đó có hai điểm nhằm vào thái độ học tập mà nêu ra.

Thứ nhất, “Hành vi bất đoan đọc sách vô ích”.

Một đứa trẻ mà cuộc sống thiếu quy củ, đối với người lớn cũng không có lễ phép, học chữ có giúp được gì không? Ngôn ngữ hành vi của nó với giáo huấn của Thánh Hiền hoàn toàn trái ngược, chỉ cần là tình huống này, học càng nhiều có thể sau này sẽ gieo hại càng lớn. Có thể nó được bảy hay tám tuổi thì có thể lấy những lời trong sách “Luận Ngữ” mắng cha mẹ của nó. Vì thế, các vị bằng hữu, những người hại nước hại dân trong lịch sử có được học hành không? Hơn cả có, còn học rất nhiều nữa, nhưng mà tại vì sao cuối cùng lại hại nước hại dân? Bởi vì họ học tập mục đích là vì công danh lợi lộc của họ, bởi vì từ nhỏ họ học tập chưa trồng được gốc rễ đức hạnh cho tốt. Một người mà gốc đức hạnh trồng tốt rồi, nhất định sẽ muốn hiếu thuận cha mẹ, muốn lợi ích nhân dân, không thể nào lại làm ra những sự việc như thế. Cho nên nhất định phải khiến chúng thực hành giáo huấn của Thánh Hiền cùng với phẩm hạnh cuộc sống phải tương ưng mới được. Việc này rất quan trọng. Việc học cũng phải coi trọng công phu nỗ lực thực hiện.

Điểm thứ hai, “Tâm cao khí ngạo học rộng vô ích”.

Một người cầu học vấn đã trưởng dưỡng tâm ngạo mạn của họ trước tiên, học tập có nhiều nữa, có thể cũng đem học vấn này để đi đo lầm lỗi của người khác mà không nhìn thấy lỗi lầm chính mình.

Chúng ta thấy xã hội bây giờ tỉ lệ ly hôn rất cao, xin hỏi tỉ lệ ly hôn cao nhất là thuộc người ở tầng lớp nào? Đều là người có học thức cao. Bởi vì họ nghĩ rằng họ là người học cao hơn người khác nhiều, thế là tự cao tự đại, không biết kiểm điểm chính mình. Vì thế đây đều là những đại kỵ của việc học, không thể phạm phải. Thánh Hiền nhân Trung Quốc đã dạy chúng ta thứ tự của việc học tập, trong “Tam Tự Kinh” đã có chỉ dạy qua. Trong Kinh văn có nêu rằng: “Vi học giả tất hữu sơ”. Người học sách nhất định phải có thứ tự trước sau của họ.

Quyển sách quan trọng nhất để bắt đầu là quyển nào? “Tiểu Học Chung Chí Tứ Thư”. Cho nên trong quá trình học, quyển giáo trình thứ nhất là quyển Đồng Mông Dưỡng Chánh do ông Chu Hy Chu Phu Tử đời nhà Tống viết. Quyển “Tiểu Học” này quan trọng nhất chính là dạy cách xử sự đối người: Hiếu thuận cha mẹ thế nào? Tôn kính người lớn ra sao? Quét dọn nhà cửa như thế nào? Những căn bản của làm người làm việc đều nằm trong quyển “Tiểu Học” này. Sau khi trồng gốc này lại học “Tứ Thư Ngũ Kinh”, như thế thì đứa trẻ sẽ không biết ngạo mạn, đứa trẻ sẽ biết học vấn Thánh Hiền quan trọng nhất là nhất định phải thực hành ở trong cuộc sống. Cho nên chúng ta hiện nay muốn thâm nhập học vấn Thánh Hiền, nhất định cũng phải đi con đường cũ. “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Vì thế rất nhiều người đã học rất nhiều năm nhưng vẫn luôn cảm thấy học vấn không vững chắc, nguyên nhân là vì nền móng chưa được xây tốt. Cho nên chúng ta bắt đầu thì giảng dạy từ “Đệ Tử Quy”, từ lão tổ tông 4.500 năm trước đã giáo huấn chúng ta mà bắt đầu thâm nhập. Bài đầu tiên mà chúng ta học, đó là tổ tiên xa xưa của chúng ta đã dạy dỗ con cháu của họ như thế nào. Cương lĩnh này với “Đệ Tử Quy” là cùng một thứ. Nội dung của “Đệ Tử Quy” là đem những giáo huấn này áp dụng từng li từng tí trở lại vào trong cuộc sống. Cho nên chúng ta khi bắt đầu nghiên cứu thảo luận sẽ đem cả hai thứ này gộp vào nhau mà giảng.

Quyển “Tiểu Học” này là Chu Phu Tử đời nhà Tống biên soạn, cách thời đại của chúng ta bây giờ cũng gần nghìn năm, cho nên rất nhiều những giáo huấn cùng với tình trạng cuộc sống bây giờ có một ít khác biệt. Vì thế, học giả Lý Dục Tú đời nhà Thanh đã căn cứ giáo huấn trong quyển “Tiểu Học”, lại thêm của Khổng Phu Tử, một đoạn khai thị bên trong quyển “Luận Ngữ - Học Nhi Biến”: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đệ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”, từ trong câu nói này khuyên bảo cho chúng ta bảy cương lĩnh của học vấn Thánh Hiền. Lý Dục Tú Phu Tử đã đem bảy cương lĩnh để biên soạn thành một quyển “Đệ Tử Quy”, cho nên “Đệ Tử Quy” chính là y cứ nhập tắc hiếu, xuất tắc đệ, cẩn, tín, ái chúng, thân nhân, dư lực học văn mà đem viết ra. Vì thế chỉ cần chúng ta học sẽ rất dễ nắm được tất cả cương lĩnh vốn có của Thánh Hiền.

Chúng ta học tập phải “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Nhất môn nào? Nhất môn ở đây là nắm được tất cả cương lĩnh của giáo huấn Thánh Hiền trong quyển Kinh sách này, các vị phải nắm một môn này. Khi các vị đem một môn này thật sự thực hành, thật sự làm được rồi, thì tất cả giáo huấn của Thánh Hiền vừa tiếp xúc thì có thể hiểu biết, có chỗ ngộ.

Vậy thâm nhập thế nào? Thâm nhập nhất định phải giải hành tương ưng. Giải là hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ thì phải làm. Càng làm thì càng có thể hiểu được sâu. Hiểu được càng sâu thì làm được càng thấu triệt. Nhưng các vị nếu như chỉ hiểu mà không làm, vậy thì sẽ tăng trưởng ngạo mạn. Cho nên “Đệ Tử Quy” nói: “Không gắng làm, chỉ học văn, chỉ bề ngoài, thành người nào?”. Nhưng nếu chỉ có làm mà không hiểu, cũng không đi tìm hiểu Thánh Hiền chỉ dạy thế nào, toàn là bản thân muốn sao làm vậy. Được rồi, hiếu thuận thì hãy thuận theo phương pháp của tôi mà hiếu. Nhưng “gắng làm mà không học” thì sẽ “theo ý mình, mù lẽ phải”. Nếu chỉ biết dùng phương pháp của chính mình, rất có thể sẽ làm sai nhiều thứ, cho nên nhất định phải giải và hành tương ưng mới có thể thâm nhập.

Còn phải huân tu trường kỳ. “Trường kỳ” này là chỉ mỗi giờ mỗi phút không thể gián đoạn. Học tập chỉ cần gián đoạn thì hiệu quả sẽ khác xa. Cho nên vào lúc đó Khổng Phu Tử đã nói: “Ba ngày không đọc sách cảm thấy khí chất đã bị sa sút trở lại”.

Được rồi, tiết học này chúng ta chỉ nói đến đây thôi. Xin cảm ơn.

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 03)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ