Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 41)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 41)
************ Kinh văn: Viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, nhập không vô tướng, vô nguyện pháp môn, thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa, ư thử trung hạ, nhi hiện diệt độ. Đó là tướng thứ bảy trong tám tướng thành đạo: “Chuyển pháp luân”. Đoạn này đến một tiết sau cùng, như trong Kinh đã nói, đều là Chư Phật Như Lai thị hiện ở trong sáu cõi vì chúng ta làm ra tấm gương hoằng pháp lợi sanh tốt nhất. Đợi sau khi tiết này giảng xong, chúng ta sẽ làm một tổng kết, làm thế nào đem thị hiện của Phật để thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày của chính ta và trong hoàn cảnh công tác của chính mình, như vậy chúng ta mới có thể học được Phật pháp chân thật. “Viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa” chính là quyết định sẽ không đọa lạc vào Nhị Thừa. Trong cái nhìn của phàm phu chúng ta, hàng Nhị Thừa cũng là thánh nhân, cũng không phải là phàm phu, họ có năng lực siêu việt sáu cõi luân hồi. Loại công phu nghị lực tu trì đó của họ, người thông thường chúng ta đích thực là không thể nào so sánh được, thế nhưng khi họ so với Bồ Tát thì cự ly này kém rất xa. Ở điểm này chúng ta cần phải hiểu rõ. Đối với người Tiểu Thừa, Thanh Văn chính là A La Hán, Bích Chi Phật chính là Duyên Giác, ở trong pháp Đại Thừa, Thế Tôn

************

Kinh văn: Viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, nhập không vô tướng, vô nguyện pháp môn, thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa, ư thử trung hạ, nhi hiện diệt độ.

Đó là tướng thứ bảy trong tám tướng thành đạo: “Chuyển pháp luân”. Đoạn này đến một tiết sau cùng, như trong Kinh đã nói, đều là Chư Phật Như Lai thị hiện ở trong sáu cõi vì chúng ta làm ra tấm gương hoằng pháp lợi sanh tốt nhất. Đợi sau khi tiết này giảng xong, chúng ta sẽ làm một tổng kết, làm thế nào đem thị hiện của Phật để thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày của chính ta và trong hoàn cảnh công tác của chính mình, như vậy chúng ta mới có thể học được Phật pháp chân thật.

Viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa” chính là quyết định sẽ không đọa lạc vào Nhị Thừa. Trong cái nhìn của phàm phu chúng ta, hàng Nhị Thừa cũng là thánh nhân, cũng không phải là phàm phu, họ có năng lực siêu việt sáu cõi luân hồi. Loại công phu nghị lực tu trì đó của họ, người thông thường chúng ta đích thực là không thể nào so sánh được, thế nhưng khi họ so với Bồ Tát thì cự ly này kém rất xa. Ở điểm này chúng ta cần phải hiểu rõ. Đối với người Tiểu Thừa, Thanh Văn chính là A La Hán, Bích Chi Phật chính là Duyên Giác, ở trong pháp Đại Thừa, Thế Tôn thường hay trách cứ hai người này. Việc trách cứ này trên thực tế chính là khích lệ cho họ, là khuyên họ bỏ Tiểu hướng Đại.

Tiểu Thừa tuy là phá được ngã chấp, cũng chính là nói họ đã bỏ được chấp trước, thế nhưng họ vẫn còn phân biệt, cho nên họ có thể siêu việt sáu cõi nhưng không thể siêu việt mười pháp giới. Phật đã nói qua, những người này cũng chẳng qua là ở trong Thiên Chân Niết Bàn trụ được một giai đoạn mà thôi, không thể nào vĩnh viễn đọa ở trong Nhị Thừa, nhất định họ sẽ quay đầu, nhưng quay đầu sớm hay trễ không đồng. Duyên Giác tương đối thông minh, căn tánh tương đối sắc bén, quay đầu được nhanh. A La Hán căn tánh tương đối độn, quay đầu tương đối chậm, nhưng nhất định là sẽ quay đầu. Quay đầu cũng chính là quay Tiểu hướng Đại. Một là do căn tánh không đồng, ngoài ra là gặp duyên có khác biệt, thông thường chúng ta gọi là cơ hội, họ phải thường gặp được Đại Thừa, thường gặp được thiện tri thức thì quay đầu liền nhanh.

Sự khác biệt giữa Tiểu Thừa và Bồ Tát là người Tiểu Thừa không chịu chủ động đi giúp người khác, như phía sau của đoạn Kinh này đã nói là “làm bạn không mời của tất cả chúng sanh”, chỗ này người Tiểu Thừa nhất định không làm được. Người Tiểu Thừa không phải không độ chúng sanh, nếu chúng sanh cầu đến họ thì họ còn phải xem chúng sanh đó có thiện căn hay không, có duyên phận hay không. Nếu bạn có thiện căn, có duyên phận thì họ hoan hỉ giúp bạn, dạy bảo bạn. Nếu họ xem thấy bạn không có thiện căn, không có duyên phận thì họ sẽ rất lãnh đạm với bạn. Không như Bồ Tát, Bồ Tát dùng tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, không có phân biệt, không có chấp trước. Về điểm này trên mặt đức hạnh thì A La Hán không thể sánh với Bồ Tát, đương nhiên sức định, đạo lực, trí tuệ cũng không thể bằng Bồ Tát. Tuy là công phu đoạn chứng của Bồ Tát giống y như họ nhưng trí tuệ đạo lực không như nhau.

Thí dụ, trong Đại Kinh nói với chúng ta, Bồ Tát Viên Giáo Thất Tín Vị đã đoạn kiến tư phiền não, tầng công phu này của họ giống như A La Hán, A La Hán cũng đoạn kiến tư phiền não, Bồ Tát Thất Tín Vị cũng đoạn kiến tư phiền não, cho nên đó là bình đẳng; đoạn phiền não thì giống nhau, nhưng thần thông, đạo lực, trí tuệ, thiền định thì không giống nhau, Bồ Tát Thất Tín Vị thì cao hơn rất nhiều so với A La Hán. Đạo lý này chúng ta tuyệt nhiên không khó hiểu, tâm lượng của Bồ Tát lớn, tâm lượng của A La Hán nhỏ, cho nên không như nhau, khác biệt ngay chỗ này.

Cho nên trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói, ở thời kỳ Mạt Pháp, người đương cơ là người như thế nào? “Đại Tâm Phàm Phu”. Đại Tâm Phàm Phu còn đáng quý hơn so với Thanh Văn, Duyên Giác. Thanh Văn, Duyên Giác không có cơ duyên tu học Đại Kinh, như “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, họ không có phần. Không phải Phật không bình đẳng mà là vì họ không tin tưởng, họ không bằng lòng tiếp nhận, ở điểm này họ còn thua xa với Đại Tâm Phàm Phu.

Gọi là phàm phu là vì một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, không cần nói A La Hán không thể so sánh, mà Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn cũng không thể so sánh, thế nhưng luận tâm lượng, luận kiến giải thì chân thật là siêu việt Tiểu Thừa, siêu việt Thanh Văn, Duyên Giác, đó là nói “căn tánh một loại Nhất Thừa Viên Giáo”, chân thật rất là đáng quý.

Những Bồ Tát dự hội này siêu vượt hơn rất xa hàng Nhị Thừa, đó là tán thán đối với Bồ Tát.

Đoạn nhỏ thứ sáu phía sau trong kinh văn: Khế nhập Tam Muội, nhập không, vô tướng, vô nguyện pháp môn. “Không, vô tướng, vô nguyện” còn gọi là “tam giải thoát pháp môn”; vô nguyện có Kinh gọi là vô tác, ý nghĩa như nhau, Đại - Tiểu Thừa đều có. Trong Tiểu Thừa nói, bạn có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, nhất định là từ trong ba pháp môn này mà thành tựu. Trong pháp Đại Thừa nói, ba pháp môn này có thể giúp bạn siêu việt mười pháp giới, bạn liền chứng được Pháp Giới Nhất Chân, cho nên “tam giải thoát pháp môn” thông cả Đại - Tiểu Thừa. Danh tướng tuy là như nhau, nhưng cảnh giới không giống nhau.

Thí dụ nói “Không môn”, người Tiểu Thừa chứng được ngã không, chỗ này có thể siêu việt được sáu cõi; người Đại Thừa chứng được “pháp không” thì không chỉ ngã là không mà pháp cũng không, cho nên họ có thể siêu việt mười pháp giới, họ có thể chứng được Pháp Giới Nhất Chân. Cửa không là từ tự tánh và từ trên lý thể tất cả vạn sự vạn vật mà nói, đó là trên Kinh thường nói “tướng có tánh không, sự có lý không”. Họ có thể từ tướng thấy được tánh, từ sự có thể quan sát được lý. Họ chân thật tường tận được sự tướng là huyễn hoá, như trên “Kinh Kim Cang” đã nói “mộng huyễn bào ảnh”. Bạn không thể nói nó không có, bạn cũng không thể nói nó có. Nếu bạn nói nó không có, nó hiện tướng, đích thực có cái tướng này tồn tại. Nếu bạn nói nó có, cái tướng này là giả tướng, không phải thật tướng, cái tướng này là sát na sanh diệt không thực tại. Nếu như bạn cho rằng tướng là thật có thì bạn sai rồi, thì bạn mê trên cái giả tướng đó. Tướng là giả, không phải là thật. Từ nơi cửa này mà bước vào, cũng chính là từ nơi pháp môn này, phương pháp này ngộ nhập mà thoát sanh tử siêu ba cõi thì bạn chính là từ cửa không mà vào, từ trong cửa không mà chứng đạo. Nếu như không vào được cửa này thì học môn này không có được lợi ích, chúng ta thường nói là không khế cơ, không khế hợp căn cơ của chính mình. Chính mình không phải căn cơ này thì tu học pháp môn này sẽ không dễ gì khế nhập.

Cái cửa này không thể vào thì còn có một cái cửa nữa là “Vô tướng”. Nhập không là vào từ cửa không. Cái vô tướng này, tướng là hữu môn, có thể từ nơi hữu môn mà vào. “Hữu”, vì sao gọi là vô tướng? Bởi vì tướng là duyên sanh. Trên “Kinh Bát Nhã” thường nói: “Vạn pháp duyên sanh”, phàm hễ pháp do nhân duyên sanh đều không có tự tánh, cho nên từ ngay chỗ này tỉ mỉ mà quan sát, thấy ra được tướng là giả tướng. Nếu bạn chân thật có thể thấy ra được tất cả tướng đều là giả tướng thì bạn đã nhìn thấu. Nhìn thấu là chân thật thông suốt, chân thật thông đạt, chân tướng sự thật này đã bị bạn nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu thì bạn liền tự nhiên không còn chấp trước đối với hiện tướng này, bạn liền có thể buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ chấp trước! Vừa buông bỏ chấp trước thì liền siêu việt sáu cõi, như vậy mà vào cửa thì bạn chính là từ cửa vô tướng mà vào.

Nếu như không cách gì vào được cửa này, thì vẫn còn một cửa nữa là “Vô nguyện”. Vô nguyện vừa rồi mới nói qua, cũng gọi là “Vô tác”. Trong Phật pháp, việc thứ nhất chính là dạy bạn phát nguyện. Bạn không có nguyện thì làm sao được? Không có nguyện thì làm sao có thể thành công? Cho nên có một số đồng tu đến hỏi tôi, họ nói chúng ta làm việc tốt, nếu như không cầu bất cứ thứ gì, đó mới là việc tốt chân thật. Lời nói này không sai, nhưng trên thực tế như đúng mà sai. Bạn không có mong cầu, bạn thật đạt đến không mong cầu chăng? Bụng đói rồi còn phải có cơm ăn, bạn vẫn là có sở cầu. Mệt rồi bạn còn phải nghỉ ngơi, thì sao bạn có thể nói là vô sở cầu? Nếu như chân thật đến được vô cầu, đó không phải là cảnh giới phàm phu của chúng ta, mức độ thấp nhất phải là Pháp Thân Đại Sĩ mà trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói, đó là chân thật đến được vô niệm. Họ thì có thể được, chúng ta không thể được. Cho dù ở trong cảnh giới đó, họ vẫn thị hiện có sở cầu. Đừng nói là Bồ Tát Viên Sơ Trụ, Bồ Tát Đẳng Giác, mà chư Phật Như Lai thừa nguyện tái lai đến giúp chúng sanh chúng ta cũng phải thị hiện phát nguyện. Thích Ca Mâu Ni Phật không phải ở nơi đây thị hiện tám tướng thành đạo hay sao? Không phải đã dạy chúng ta phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện hay sao? A Di Đà Phật phát ra bốn mươi tám nguyện, vì sao mà vô nguyện? Vô nguyện thì làm sao có thể thành tựu? Cho nên văn tự trong đây, hàm nghĩa của nó nhất định phải hiểu cho tường tận. Nếu là nhìn văn hiểu nghĩa thì ba đời chư Phật đều bị hàm oan, bạn hiểu sai đi ý nghĩa của Ngài.

Cái “vô nguyện” ở ngay chỗ này là nói “lìa tâm năng sở”, nguyện này mới gọi là nguyện chân thật. Người thế gian đều có nguyện vọng, thế nhưng nguyện vọng của người thế gian không dài lâu, qua vài ngày thì họ lại thay đổi chủ ý, gặp được duyên họ lại thoái tâm. Đó là do nguyên nhân gì? Đó là bởi vì cái nguyện mà họ phát ra là vọng tâm, không phải chân tâm. Thông thường người thế gian chúng ta nói là, bạn vì sao phải phát ra cái nguyện này? Đó tại vì bạn vẫn còn có một đạo lý, có một lý do để mà đi làm. Cái lý do đó của bạn mất đi thì bạn phải làm sao? Cái nguyện đó không thoái chuyển thì là thay đổi. Đây có thể biết đó là giả, không phải là thật.

Chân thật phát nguyện thì không có điều kiện. Chư Phật Như Lai là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, chính là không có điều kiện, đối với tất cả chúng sanh hữu tình vô tình đều quan tâm thanh tịnh bình đẳng, thương yêu bình đẳng. Đó là thật, không phải là giả. Phàm hễ có điều kiện thì đều là giả, đều là không thật. Có điều kiện là có năng có sở. Năng sở là hai pháp. Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư đã nói, hai pháp thì không phải Phật pháp, Phật pháp là pháp không hai. Có thể đoạn dứt hai bên năng sở thì đó mới gọi là vô nguyện, mới thật gọi là vô tác, sau đó chúng ta mới có thể hiểu được câu đại đức xưa đã nói là “làm mà không làm, không làm mà làm”. Đó là lìa khỏi cả hai bên, hai bên đều không chấp trước. Không phải nói vô nguyện thì không làm. Phải làm! Bạn xem A Di Đà Phật phát bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện đều hiện thực, đó là có nguyện. Chúng ta lại hỏi A Di Đà Phật có chấp trước đối với bốn mươi tám nguyện hay không? Không có, tâm địa thanh tịnh không nhiễm một trần, Ngài liền vô nguyện. Có nguyện cùng vô nguyện là một, không phải là hai, điều này tuyệt diệu.

Do đây có thể biết, cái cửa vô nguyện này chính là thường gọi pháp môn không hai. Cho nên vào đạo, có từ cửa không mà vào, có từ cửa có mà vào, có từ cửa không hai mà vào. Vô tác, vô nguyện chính là cửa không hai, hai mà không hai, “nguyện tức vô nguyện, vô nguyện tức nguyện”. Rất nhiều Bồ Tát Đại Thừa từ cái cửa này mà khế nhập cảnh giới của Như Lai quả địa, chính là Pháp Giới Nhất Chân.

Chúng ta tu học Tịnh Độ, sanh vào thời kỳ Mạt Pháp, chúng ta phải hiểu những đạo lý này. Chúng ta có năng lực từ ba cửa này mà vào hay không? E rằng bất cứ cửa nào trong ba cửa này chúng ta cũng không thể vào được, không cách gì tiến vào được. Ba cửa này là con đường thông lộ, hiện tại chúng ta phải mở con đường sau, không đi ba cửa này, cho nên Tịnh Độ Tông gọi là pháp môn đặc biệt, “môn dư đại đạo”. Ngoài ba cửa chính qui ra vẫn còn có một cửa, cửa này rất đặc biệt, cửa này rất nhiều Bồ Tát đều không biết, cho nên cửa này gọi là pháp khó tin.

Nếu bạn nói cho người khác nghe “không, vô tướng, vô nguyện”, mọi người đều biết, sẽ không hoài nghi, họ rất dễ dàng tin tưởng. Nếu bạn nói “niệm Phật vãng sanh” thì họ không tin tưởng. Niệm Phật vãng sanh dường như không có trong ba cái cửa này, đây là một pháp môn đặc biệt riêng biệt, “pháp ngoài cửa lớn”. Đó là nói thông thường Đại - Tiểu Thừa khế nhập, không luận họ tu học một pháp môn nào, nên gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, đến sau cùng quy nguyên đều không ngoài ba cửa này. Đó là trên Kinh Đại-Tiểu Thừa thường nói.

Còn Tịnh Tông chúng ta cũng có bí quyết vào cửa. Hiện tại chúng ta xây dựng niệm Phật đường, mỗi một vị đồng tu bước vào niệm Phật đường đều sanh tâm hoan hỉ, được Phật lực gia trì. Bạn xem, trước khi bạn chưa bước vào niệm Phật đường thì bạn hoài nghi, bạn rất khó tin tưởng, cũng có người hoài nghi thể lực chính mình không đủ, một ngày một đêm làm sao có thể chịu nổi, hai ngày hai đêm thì càng không thể chịu nổi. Thế nhưng sau khi bước vào niệm Phật đường rồi, càng niệm càng hoan hỉ, chính mình đều cảm thấy ngoài sức tưởng tượng, không tin tưởng chính mình có được thể lực này, vì sao hai ngày hai đêm cũng qua được. Tín tâm của bạn liền sanh khởi. Không chỉ hai ngày hai đêm mà bảy ngày bảy đêm cũng được, thể lực của bạn nhất định đủ. Làm sao biết được đủ? Ngạn ngữ thường nói: “Người gặp việc vui tinh thần thoải mái”. Bạn bước vào niệm Phật đường một mảng hoan hỉ, hoan hỉ thì tinh thần liền lên cao. Nếu bạn bước vào niệm Phật đường không hoan hỉ, thì bạn sẽ không có tinh thần. Từ hoan hỉ mà có, hoan hỉ là thứ bổ dưỡng tốt nhất cho sinh lý chúng ta, bất cứ thứ dinh dưỡng nào cũng không thể sánh được với dinh dưỡng hoan hỉ. Việc này phải biết.

Phật pháp Đại Thừa dạy người thường sanh tâm hoan hỉ, thế nhưng làm gì có được nhiều việc vui đến như vậy? Niệm Phật mới là chân thật hoan hỉ. Hoan hỉ của niệm Phật phải chính bạn đích thân cảm thọ, bạn không bước vào niệm Phật đường thì bạn không có được cảm thọ. Giống như đạo lý này, ở trong sáu cõi chúng ta, bạn thấy người Trời Sắc Giới không cần ăn uống, họ đã đoạn tuyệt hết tất cả ăn uống, không chỉ họ không cần phải ăn đồ ăn, mà nước họ cũng không cần phải uống, người Trời Sắc Giới không nghe nói bị bệnh. Vậy chúng ta muốn hỏi, họ dùng phương pháp gì để duy trì sắc thân của họ? Trên Kinh nói với chúng ta: “Thiền duyệt vi thực”. Thực là thí dụ thứ bổ dưỡng. Chúng ta phải dùng ăn uống để bổ dưỡng thân thể, họ không cần ăn uống, họ dùng thiền duyệt, an vui trong thiền định có thể nuôi được thân thể của họ.

Ngày nay chúng ta ở trong niệm Phật đường Niệm Phật Tam Muội, còn cao hơn so với thiền duyệt của người Trời Sắc Giới. Thiền duyệt của họ, thành thật mà nói, không có Phật lực gia trì. Chúng ta Niệm Phật Tam Muội, không chỉ được A Di Đà Phật oai thần bổn nguyện gia trì, chỗ này tôi thường nói qua với các vị, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều gia trì thì chúng ta làm sao mà không hoan hỉ chứ? Ta chưa bước vào niệm Phật đường, ta nghe được đều hoan hỉ, huống hồ ở ngay trong đó, đích thực là pháp hỉ sung mãn, tinh thần phấn khởi trăm phần, càng niệm càng hoan hỉ, càng niệm càng có tinh thần, càng niệm càng có thể lực. Các vị nào có sức khỏe không tốt, thường hay có bệnh, nếu thường ở trong niệm Phật đường thì những thứ bệnh nhỏ đó đều không còn, đều niệm tiêu hết. Chúng ta chính mình phải có lòng tin, phải biết oai thần gia trì của Phật Bồ Tát là không thể nghĩ bàn. Cho nên, pháp môn niệm Phật thù thắng không gì bằng.

Mỗi một vị đồng tu đều rất quan tâm đến công phu niệm Phật đắc lực. Luôn nhìn thấu, buông bỏ thì công phu của chúng ta mới chân thật có lực. Ngày nay chúng ta không thể hy vọng quá cao, quá cao thì không đạt đến, chúng ta đem mức độ yêu cầu giáng xuống thấp nhất là “công phu thành khối”. Chỉ cần bạn niệm đến công phu thành khối thì tương lai vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc quyết định nắm được phần chắc, hay nói cách khác, ngay đời này bạn nắm chắc sẽ làm Phật. Trong mười pháp giới, sự chọn lựa này của bạn là thù thắng nhất.

Có đồng tu đến hỏi tôi, công phu thành khối là như thế nào? Việc này phải nên biết. Công phu thành khối thì trong lòng chỉ có nhớ Phật niệm Phật, ngoài nhớ Phật niệm Phật ra, các vọng niệm khác đều không có. Vọng niệm là phiền não, gốc của phiền não tuyệt nhiên chưa đoạn. Nếu gốc đoạn được rồi thì cảnh giới đó cao, không dễ gì làm được. Chúng ta niệm Phật, nhớ cũng là niệm, trong lòng tưởng Phật thì sức niệm này mạnh, làm cho phiền não bị đè xuống, phiền não tuy là có nhưng không khởi tác dụng, không khởi hiện hành, đó gọi là làm được công phu thành khối. Nếu như chúng ta lìa khỏi niệm Phật đường, ở ngay trong cuộc sống thường ngày vẫn còn khởi lòng tham, gặp phải việc không vui vẫn còn khởi tâm sân hận, thì chúng ta phải biết công phu của chúng ta chưa đạt đến trình độ này. Công phu chân thật đạt đến thành khối thì gặp việc hoan hỉ không khởi tâm tham ái, gặp việc không vui cũng không khởi tâm sân hận, tâm của bạn vĩnh viễn giữ được bình lặng, vĩnh viễn giữ được cảnh giới ở trong niệm Phật đường, đó gọi là thành khối. Ở trong niệm Phật đường rèn luyện, chí ít phải luyện đến công phu này thì bạn mới xem là có thành tựu, bạn niệm Phật đúng cách. Niệm Phật đúng cách thì là quyết định vãng sanh. Phải đạt đến mục tiêu này.

Có một số đồng tu nói: “Việc này khó, rất khó”. Không sai, rất khó, làm gì dễ dàng làm Phật như vậy? Sự việc này bình thường phải dụng công. Bình thường dụng công phu gì? Nhìn thấu buông bỏ, cũng chính là nói ngay trong một đời này của chúng ta, đối với tất cả mọi người, mọi việc, mọi vật, phải thấy nhạt đi một chút, không nên quá chấp trước, phàm mọi việc phải học lớn hóa nhỏ, nhỏ hóa không, không nên chấp trước từng ly từng tí thì công phu chúng ta mới có lực. Mọi thứ đều rất chăm chỉ, mọi thứ đều so đo tính toán thì rất đáng lo, bạn muốn đạt đến công phu cảnh giới này thì tương đối không dễ dàng. Việc gì cũng nên qua loa, có cũng tốt, không có cũng tốt, thiệt thòi cũng tốt, chịu lỗ cũng tốt, bị chiếm tiện nghi cũng tốt, thứ gì cũng đều tốt, không nên tính toán, cũng không cần phải hỏi qua, chân thật là nhiều một việc không bằng ít đi một việc, ít đi một việc không bằng không có việc gì, tất cả tùy duyên qua ngày thì tốt.

Những đồng tu lãnh đạo Cư Sĩ Lâm chúng ta chân thật là rất hiếm có. Chúng ta ở bên cạnh quan sát khởi tâm động niệm của họ, tất cả việc làm của họ khiến cho chúng ta rất bội phục. Họ làm được rất đúng pháp, rất tương ưng, đều có thể hóa nặng thành nhẹ, đều có thể tùy duyên mà không phan duyên. Phan duyên chính là ta nhất định phải làm như thế nào đó, nhất định phải chấp trước làm như vậy, vậy thì sai rồi. Trong đó có một đạo lý rất lớn, phía sau đã nói: “Thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa”, chính là thiện lập phương tiện. Thiện là khéo léo. Phật pháp là chú trọng khế lý khế cơ.

Khế lý là nhất định phải tương ưng với tánh đức, trí tuệ đức năng đầy đủ trong tự tánh, phải tương ưng với chỗ này, đó là khế lý. Nếu như chúng ta dùng một câu phía trước là “không, vô tướng, vô nguyện”, đó là tánh đức, cùng tương ưng với đây thì họ liền siêu việt. Vậy thì pháp môn niệm Phật, bạn có thể tương ưng với nguyện của Phật (nguyện của Phật là bốn mươi tám nguyện mà trên Kinh này đã nói), tương ưng với đức của Phật (đức là danh hiệu). Công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Danh hiệu nếu hoàn toàn dịch thành ý nghĩa Trung văn là “Vô Lượng Giác”. “A” dịch là Vô, “Di Đà” dịch là Lượng, “Phật” dịch là Giác. Hay nói cách khác, mỗi giờ mỗi lúc, mọi chỗ mọi nơi, đối với người với việc với vật giác mà không mê, đó gọi là A Di Đà Phật. Mê rồi thì là phàm phu, giác ngộ rồi thì là Phật, cho nên mỗi niệm tương ưng với giác thì mới có thể vào được cửa. Đó chính là khế lý.

Ngoài khế lý ra còn phải khế cơ. Cơ là gì vậy? Căn tánh đại chúng hiện tiền. Phật pháp là sống không phải là chết, Phật pháp là độ người hiện tại, là độ người khu vực này của chúng ta, không phải là để độ người xưa, cũng không phải để độ người vị lai, cũng không phải để người thế giới phương khác, mà là độ đại chúng hiện tiền này chúng ta, bạn phải hiểu được căn cơ của đại chúng hiện tiền. Cho nên, hôm qua tôi đặc biệt nói với đồng tu phụ trách dẫn chúng niệm Phật đường là phải tường tận đạo lý này.

Đồng tu dẫn chúng niệm Phật đường chính mình phải thường hay khích lệ khuyến tấn lẫn nhau, phải nghiên cứu cải tiến lẫn nhau, không được chấp trước thành kiến của chính mình. Bạn nhất định phải tường tận, chư Phật Như Lai, tất cả Bồ Tát đều không có thành kiến. Thành kiến là gì vậy? Là chấp trước. Chư Phật Như Lai đều “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, các Ngài không có ý kiến của chính mình, mà lấy ý nghĩ của mọi người làm ý nghĩ, cho nên mọi người thích làm thế nào thì chúng ta làm như thế đó. Người nhiều thì phải thành lập thanh quy. Quy củ luôn là thiểu số phục tùng đa số, đó là chế độ dân chủ. Nhà Phật hơn ba ngàn năm trước đã nói đến dân chủ, đã nói đến cộng hòa, cũng nói đến lục hòa, “lợi hoà đồng huân”, Phật giáo đề xướng sớm nhất, đã đề xướng hơn 3.000 năm trước. Không chỉ đề xướng mà còn làm theo, chân thật đang làm. Phật không có ý của riêng mình, Bồ Tát cũng không có ý của riêng mình.

Ngày trước, Tổ sư đại đức đã lập ra những quy củ này, tùy theo căn tánh của chúng sanh thời đại đó mà lập ra, lập được rất tốt. Nếu như hiện tại chúng ta một mực không đổi, chiếu theo qui củ của Ngài mà làm, hoàn toàn chiếu theo Bách Trượng Thanh Quy mà làm, vậy thì biến thành cái gì? Đều đem người hiện tại chúng ta đưa ngược về quá khứ, đều thành người triều nhà Đường, các vị đều biến thành người nhà Đường, vậy thì người hiện tại không làm được. Cho nên nhất định phải hiểu được tinh thần của nó, nguyên tắc của nó, thậm chí trên thực tế, cách làm chúng ta cũng cần phải tu đính. Bạn xem, pháp luật của thế gian trải qua mấy năm cần phải tu đính một lần. Vì sao vậy? Pháp luật của mười năm trước định ra, xã hội đương thời vào lúc đó thì có tác dụng, sau mười năm thì xã hội thay đổi rất lớn, pháp luật lúc trước không còn thích hợp cho hiện tại. Không thích hợp thì phải thay đổi, cho nên qui củ có thể cải đính, giới luật của nhà Phật có thể cải đính.

Bạn thấy, Bách Trượng Thanh Quy chính là giới luật của Thích Ca Mâu Ni Phật, vào lúc đó đã làm một cuộc tu đính rất lớn, biến thành Trung Quốc hóa, hiện đại hóa, bổn thổ hóa, nhưng tinh thần nguyên tắc giới luật của Phật không thay đổi. Cách làm thế nào thì phải thích hợp với người hiện đại chúng ta, thích hợp với người địa phương này chúng ta, vậy thì mới có thể nói được thông, đó gọi là khế cơ. Do đó người xưa đã định là Thanh Quy, đáng được để cho chúng ta tham khảo. Bạn xem cách thay đổi của nó như thế nào? Chúng ta làm thế nào có thể thích ứng với niệm Phật đường hiện tiền của chúng ta, thích ứng với đồng tu của niệm Phật đường chúng ta thì mới gọi là chân thật khế cơ. Chúng ta phải hiểu được nguyên tắc này.

Quy củ của niệm Phật đường chúng ta căn cứ vào đâu để định ra? Nguyên lý nguyên tắc không thay đổi, một số điều kiện bên trong căn cứ vào hoạt động hiện thực của chúng ta mà chế định ra. Sau khi chế định vẫn phải thường tu sửa lại, sợ khi định ra có một số đồng tu cảm thấy không được thuận tiện. Cho nên, chân thật là đồng tu dẫn chúng thì phải học loại tinh thần của Khổng Lão Phu Tử là: “Nhập Thái miếu, mỗi sự vấn”. Khi bạn đang dẫn chúng, đồng tu dẫn chúng phải thường hay thỉnh giáo với pháp sư là thời khoá của ngày hôm nay các vị cảm thấy như thế nào? Có chỗ nào cần cải tiến không? Thường hay thỉnh giáo, thành thật cung kính mà thỉnh giáo, không phải qua loa, không phải khách sáo. Ngoài ra, còn thường hay hướng đến mỗi một vị đồng tu đến tham gia niệm Phật để hỏi nhiều ở nơi họ, thỉnh giáo nhiều lần với họ, khiến cho đạo tràng của chúng ta được cải tiến mỗi ngày. Cải sửa khuyết điểm của chúng ta thì chúng ta liền có tiến bộ. Ngày ngày sửa, ngày ngày tiến bộ, vậy thì còn gì bằng! Cho nên đạo tràng này tự nhiên thành đạo tràng mô phạm của thế gian, đạo tràng đệ nhất. Đạo tràng đệ nhất từ do đâu mà có? Ngày ngày cải tiến. Phát hiện không thích hợp thì lập tức sửa đổi, sửa rồi lại không thích hợp thì lại sửa, ngày ngày đang cải tiến, như vậy mới có thể làm được khế cơ, như vậy mới gọi là “ hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức”.

Hai câu nói này của Bồ Tát Phổ Hiền không phải là tùy tiện nói, hai câu nói này chân thật làm đến được khế cơ. Vậy chúng ta tu Tịnh Độ, lý luận chúng ta nương theo, phương pháp, cảnh giới thảy đều nương vào “Kinh Vô Lượng Thọ”. Tương ưng với “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là khế lý. Những phương pháp thúc đẩy này nhất định là mỗi một vị đồng tu đều có thể rất hoan hỉ tiếp nhận, pháp hỉ sung mãn thì niệm Phật đường này thành công. Cho nên, đồng tu dẫn chúng không hề có chút ý riêng của mình trong đó. Lãnh tụ thế xuất thế gian chân thật hiền minh đều không có ý nghĩ của riêng mình, họ lắng nghe người khác, nghe nhiều, sau đó bình lặng mà chọn lựa. Ý kiến nào tốt thì chúng ta chọn lấy. Khi chọn lựa cũng phải trưng cầu sự đồng ý của mọi người. Bạn có trí tuệ, có năng lực, chọn lấy phương thức này của bạn, giải thích tỉ mỉ với mọi người, trưng cầu tán đồng của mọi người, như vậy mà thúc đẩy thì sẽ thuận tiện.

Thiện lập phương tiện”. Trong pháp Đại Thừa nói câu nói này, trong nhà Phật cũng có một thuật ngữ “không trụ hai bên, ở trung đạo”, đó mới là chân thật thiện lập phương tiện. Bạn xem, cái tâm đó mới thật thanh tịnh. Đó là chỗ mà chúng ta phải nên học theo Phật, học theo Bồ Tát. Trong lòng Phật Bồ Tát thanh tịnh trừng thanh, vốn dĩ không một vật, không có một ý kiến nào, một chút thành kiến cũng không có.

Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng Kinh nói pháp 49 năm cũng không có một ý riêng, việc này mọi người phải nên biết. Cho nên, Phật ở trên hội Bát Nhã nói Ngài không có giảng Kinh, nếu như có người nói Phật giảng Kinh là báng Phật, Phật không có giảng kinh. Chúng ta xem thấy ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, trong chú giải của Đại Sư Thanh Lương đã nói, Phật nói Kinh là thuật lại chứ không có sáng tác. Phật chính mình không có giảng Kinh, Ngài nói ra những gì mà cổ Phật đã nói, không phải chính mình nói, không có ý riêng của chính Ngài. Đó là thánh nhân của xuất thế gian.

Thánh nhân thế gian như Khổng Lão Phu Tử của Trung Quốc, Phu Tử Ngài cả đời cũng là như vậy, thuật lại chứ không có sáng tác, chuyển cáo của cổ thánh tiên hiền cho mọi người, không có ý riêng của mình.

Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói 49 năm, nói Ngài không phải là chính mình, xin nói với các vị, chân thật là chính mình. Vì sao nói chân thật là chính mình? Ngài nói ra là lưu xuất từ trong tự tánh, cho nên nói Ngài không có ý riêng mình, không phải lưu xuất từ trong tâm ý thức. Lưu xuất từ trong tâm ý thức chính là có ý riêng. Những gì Ngài nói không phải lưu xuất từ trong tâm ý thức, mà lưu xuất ra từ trong chân như bổn tánh.

Các vị phải nên biết, tâm ý thức mỗi một người đều không giống nhau, nhưng chân như bổn tánh thì mỗi người đều như nhau. Do đây có thể biết, từ trong tự tánh Thích Ca Mâu Ni Phật lưu xuất ra chính là từ trong tự tánh của chính chúng ta lưu xuất ra. Có một ngày chúng ta minh tâm kiến tánh, sau đó mở Kinh điển ra thì thảy đều là từ trong tự tánh của chính ta, sau đó mới biết được Kinh quyển không phải chuyên lợi của Thích Ca Mâu Ni Phật, mà tất cả chúng sanh đều có. Bạn xem, thân thiết dường nào đối với chúng ta! Ngài kiến tánh rồi, chúng ta kiến tánh thì cùng với Ngài kiến tánh không hề khác biệt, cho nên có thể đem công đức tu hành từ trong vô lượng kiếp của Ngài biến thành công đức của chính mình, công đức mà chúng ta tu tích được cũng có thể biến thành công đức của người khác, đến lúc đó không còn có chướng ngại, “ta và người không hai”, “sanh Phật không hai”, chúng sanh cùng Phật không hai.

Câu phía sau là nói ba thừa: Hiển thị tam thừa. Bạn xem, “hiển” là minh hiển, “thị” là thị hiện. Pháp tam thừa là thị hiện, pháp tam thừa là pháp phương tiện. Thế Tôn sau cùng ở trong “Kinh Pháp Hoa” đưa ra kết luận: “Duy hữu nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết”. Chỗ này rất rõ ràng nói với chúng ta, “tam thừa” là Phật phương tiện nói, Phật chân thật nói thì chỉ có pháp nhất thừa. Thế nào gọi là nhất thừa? Thành Phật gọi nhất thừa. Có thể thấy được, bổn nguyện của tất cả chư Phật Như Lai đều hy vọng chúng ta cùng tất cả chúng sanh ngay trong một đời này thành Phật, không phải dạy chúng ta làm Bồ Tát, làm A La Hán.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 41)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ