Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 35)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 35)
Kinh văn: “Điều chúng sanh, tuyên diệu lý, trữ công đức, thị phước điền, dĩ chư pháp lạc, cứu liệu tam khổ”. Đoạn Kinh văn này chính là nói “bi trí liệu khổ”. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, tam giới đều là khổ, đó là nói đến trên trời và nhân gian. Cái khổ của nhân gian, người hiện đại chúng ta, nhất là trong mấy năm gần đây, cảm xúc của chúng ta rất là sâu sắc. Trên Kinh Phật nói có hai mươi tám tầng trời, trời cũng là rất khổ. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, cái khổ vô lượng vô biên, có thể phân làm ba loại lớn là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, ba loại lớn này thảy đều bao gồm trong đó. “Khổ khổ”, chữ khổ phía sau là danh từ, chữ phía trước là động từ. Sự bao hàm ở trong đó, thực tế mà nói là quá nhiều quá rộng, Phật cũng đem nó quy nạp lại thành tám loại, nên gọi là tám khổ. Các vị phải nên biết, tám khổ chính là thuyết minh rõ khổ khổ, trong đó có sanh-lão-bệnh-tử, có cầu bất đắc, có ái biệt ly, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh (những danh từ này, tôi nghĩ không cần phải nói tỉ mỉ, vì nói tỉ mỉ sẽ chiếm rất nhiều thời gian). Tám khổ giao nhau. “Hoại khổ”, đối với tất cả sắc tướng nó luôn có biến

Kinh văn: “Điều chúng sanh, tuyên diệu lý, trữ công đức, thị phước điền, dĩ chư pháp lạc, cứu liệu tam khổ”.

Đoạn Kinh văn này chính là nói “bi trí liệu khổ”. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, tam giới đều là khổ, đó là nói đến trên trời và nhân gian. Cái khổ của nhân gian, người hiện đại chúng ta, nhất là trong mấy năm gần đây, cảm xúc của chúng ta rất là sâu sắc. Trên Kinh Phật nói có hai mươi tám tầng trời, trời cũng là rất khổ. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, cái khổ vô lượng vô biên, có thể phân làm ba loại lớn là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, ba loại lớn này thảy đều bao gồm trong đó.

“Khổ khổ”, chữ khổ phía sau là danh từ, chữ phía trước là động từ. Sự bao hàm ở trong đó, thực tế mà nói là quá nhiều quá rộng, Phật cũng đem nó quy nạp lại thành tám loại, nên gọi là tám khổ. Các vị phải nên biết, tám khổ chính là thuyết minh rõ khổ khổ, trong đó có sanh-lão-bệnh-tử, có cầu bất đắc, có ái biệt ly, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh (những danh từ này, tôi nghĩ không cần phải nói tỉ mỉ, vì nói tỉ mỉ sẽ chiếm rất nhiều thời gian). Tám khổ giao nhau.

“Hoại khổ”, đối với tất cả sắc tướng nó luôn có biến hoại. Khi nó tồn tại, chúng ta cảm thấy được rất tốt đẹp, đến khi biến hoại thì liền cảm thấy rất khổ, cho đến điều sau cùng nói đến là “hành khổ”. Thí dụ như người thế gian thường nói “không thể trẻ mãi”, đây chính là thuộc về hành khổ. Sát na sát na nó đang thay đổi, sát na sát na nó đang xê dịch, luôn luôn thay đổi, đó là thuộc về hành khổ. Phật nói với chúng ta, trong Dục Giới, ba loại khổ này đều có, ngày tháng rất khó qua.

Trời Sắc Giới không có khổ khổ, vì sao vậy? Khống chế được dục, nên gọi là “thiểu dục tri túc”. Họ có trí tuệ, có sức định, có thể đem tham ái hưởng thọ trong năm dục sáu trần xả bỏ, do đó mà họ không có khổ khổ. Người Trời Sắc Giới là hóa sanh, cho nên họ không có sanh-lão-bệnh-tử khổ. Cõi Dục Giới đều có thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh, nhưng thai sanh, noãn sanh, thấp sanh là chiếm đại đa số. Người Trời Sắc Giới đã lìa khỏi dục, thí dụ chúng ta gọi năm dục là “tài, sắc, danh, thực, thùy”, những thứ này họ đều xả bỏ. Việc này khiến cho chúng ta rất khó tưởng tượng ra được. Chúng ta xả tài còn có thể được, xả sắc (sắc tình nam nữ) cũng có thể được, vẫn chưa phải là chết, danh cũng có thể không cần, nhưng ăn thì không được, không ăn thì có người nào chịu nổi, không ngủ cũng không thể được. Các vị phải nên biết, người Trời Sắc Giới có thiền định rất sâu, “thiền duyệt vi thực”, cái ăn là dùng từ để nuôi thân, từ nuôi thân thể không cần phải có thức ăn, mà là thiền định; cũng không cần phải ngủ nghỉ, họ luôn luôn tỉnh táo. Thiền định là tỉnh táo, không phải hôn trầm. Họ ở ngay trong định, luôn luôn tỉnh táo. Họ chứng minh cho chúng ta thấy, năm dục đều có thể xả được. Hiểu rõ được đạo lý này, chúng ta phải nên tận khả năng hạ thấp lòng tham xuống. Hạ thấp tham-sân-si xuống sẽ có cái tốt nhất định đối với chính mình, không chỉ có sự giúp đỡ cho việc tu học, giúp cho bạn khai trí tuệ, mà đối với thân thể còn có sự giúp đỡ rất tốt, người thế gian gọi là khỏe mạnh sống lâu, không dễ dàng già yếu, định huệ khởi lên tác dụng nhất định.

Người sức định càng sâu, họ biết được thân thể này vẫn là một việc phiền phức. Sắc tướng, người Trời Sắc Giới có thân thể, tuy là không có khổ khổ, nhưng họ có hoại khổ, thân hình sẽ có một ngày hoại đi, hoàn cảnh lầu các cung điện nơi ở cũng sẽ có một ngày bị hủy diệt, cho nên họ có hoại khổ. Thế là một số người thông minh, biết được hoại khổ từ do đâu mà có. Bởi vì có thân, bởi vì có sắc tướng nên mới có hoại khổ, vì vậy họ còn tiến thêm một bước nữa là không cần đến cái “thân”, sắc tướng cũng xả bỏ luôn, tiến vào Vô Sắc Giới. Vô Sắc Giới đương nhiên không có hoại khổ và khổ khổ, nhưng họ vẫn có hành khổ. Hành khổ chính là cảnh giới này tuy là tốt, nhưng không thể vĩnh viễn giữ gìn, khi thời gian đến thì họ không thể giữ được. Đó là tầng thứ cao nhất trong tầng trời, không có cao hơn, nên họ không giữ gìn được thì liền phải hướng xuống đọa lạc, đây gọi là hành khổ.

Phật nói với chúng ta, tam giới thảy đều là khổ. Trong “Kinh Pháp Hoa” hình dung ba cõi như nhà lửa, cũng giống như một tòa nhà lớn vậy, bên trong đã bị cháy, không có nơi nào là an toàn. Cho nên chúng ta nhất định phải nên biết, trong sáu cõi chỉ có khổ, không có vui. Cái gọi là vui là gì vậy? Vui là cái khổ tạm thời đình chỉ. Bạn cảm thấy được rất vui, kỳ thật đó là cái thấy sai lầm của bạn. Phật nói rất có đạo lý. Thí dụ nói, con người mỗi ngày không thể ăn ít hơn ba bữa cơm, ba bữa ăn no rồi thì cảm thấy rất an vui, một bữa không được ăn thì đói thấy rất khổ, hai bữa không được ăn thì sẽ càng khổ hơn, có thể thấy được khổ là thật. Ăn uống là gì? Là trị bệnh đói của bạn. Cái thân này có gì tốt, có cái gì vui đâu? Đến lúc thì phải trị một chút, nếu không trị một chút thì chịu không nổi. Đây là chân tướng sự thật. Có mấy người nghĩ đến, mấy người chú ý đến chân tướng sự thật này? Cho nên tỉ mỉ mà nghĩ, lời Phật đã nói mỗi câu đều là chân thật.

Vì sao Phật xuất hiện ở thế gian này? Phía trước đã nói qua, Ngài vì để giáo hóa chúng sanh mà đến. Tám tướng thành đạo, tướng thứ bảy là “chuyển pháp luân tướng”, chính vì sự việc này mà đến. Sự việc này dùng lời hiện tại mà nói là từ nơi công việc giáo dục xã hội, mà đối tượng giáo dục là tất cả chúng sanh sáu cõi, thiết thực vì cảnh giới của chúng ta mà nói, mở rộng hơn nữa là chúng sanh chín pháp giới là đối tượng giáo hóa của Phật Đà.

Trong đoạn này nói với chúng ta, nguyên tắc giáo học của Ngài là “điều chúng sanh, tuyên diệu lý”. “Chúng sanh” ở nơi đây chính là tất cả chúng sanh hữu tình. Chúng sanh hữu tình, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói chính là thuộc về động vật, có cảm tình là động vật. Chữ “điều” này là chữ then chốt. Chúng sanh thân tâm không thể điều hòa. Thân không điều, cái gọi là bốn đại không hòa, thì trên sinh lý bạn liền có đau bệnh. Trên tâm lý nếu như không hòa, bạn liền có ưu tư phiền não. Cho nên nguyên tắc giáo học của Phật là giúp cho chúng sanh làm thế nào điều tâm, làm thế nào điều thân. Tiêu chuẩn của điều là pháp tắc tự nhiên. Nếu như chúng ta có thể thuận theo pháp tắc tự nhiên thì thân tâm liền khỏe mạnh. Pháp tắc của tự nhiên ở trong Kinh Phật gọi là pháp tánh, Phật tánh. Tương ưng với thể tánh, đó gọi là điều thuận. Nếu như trái với thể tánh thì phiền phức liền đến. Tất cả chúng sanh mê mất đi tự tánh, chúng ta dùng lời hiện tại mà nói, chính là không hiểu được pháp tắc của tự nhiên. Thân tâm, cái tâm này chính là tư tưởng kiến giải của bạn hoàn toàn trái với pháp tắc của tự nhiên, cho nên chiêu cảm đến tất cả khổ nạn, chiêu đến tất cả những việc không vừa ý, đạo lý chính ngay chỗ này. Pháp tắc tự nhiên là gì? Trên Kinh luận Phật nói rất nhiều, nói ra mọi người đều biết, thế nhưng thân tâm của bạn vẫn cứ trái ngược với pháp tắc này, cho nên bạn không có được thọ dụng của Phật pháp. Nếu như bạn nghe rồi, hiểu được rồi, bạn có thể tương ưng với pháp tắc này thì bạn liền được đại tự tại, bạn liền có được thọ dụng chân thật, hạnh phúc viên mãn chân thật.

Pháp tắc này nói với chúng ta là “tướng có, thể không”, nhà Phật nói “tướng có, tánh không”. Tánh chính là thể. Tướng có, có nhưng không phải thật có. Trên “Kinh Bát Nhã” nói rất hay (“Bát Nhã Tâm Kinh” mọi người ngày ngày đều đọc), “có” gọi là diệu hữu, “không” gọi là chân không, “diệu hữu phi hữu, chân không bất không”, cho nên trước chữ “không” thêm một chữ “chân”. Chân không là nói tâm tánh của chúng ta. Tâm tánh là chân không, tâm tánh biến hiện ra tướng, những cái tướng này gọi là diệu hữu. Sum la vạn tượng, bao gồm chính thân thể của chúng ta, bao gồm tất cả vạn tượng, cái vạn tượng này không phải là thật. Trên Kinh Kim Cang nói với chúng ta: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hư vọng không thể nói là “không có tướng”, tướng có nhưng tướng là hư vọng. Vì sao nói là hư vọng? Tướng không thể vĩnh hằng tồn tại, không chỉ là tướng của mười pháp giới không thể tồn tại vĩnh hằng, mà tướng của Pháp Giới Nhất Chân cũng không thể tồn tại. Thế nhưng chúng ta thấy những hiện tượng này vẫn tồn tại một khoảng thời gian, cái tướng này là tướng tiếp nối tướng, như vậy mới hiểu rõ chân tướng sự thật. Nếu như hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta sẽ không phân biệt đối với tướng, sẽ không chấp trước. Vì sao vậy? Vì nó là giả, là mộng huyễn bào ảnh. Nếu bạn phân biệt nó thì là vọng tưởng; nếu bạn chấp trước nó thì là phiền não. Vọng tưởng, phiền não do đâu mà có? Là tự làm tự chịu. Đây là chân tướng sự thật.

Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt. Thời gian của một khảy móng tay rất ngắn, một khảy móng tay là một phần 60. Trong thời gian ngắn như vậy, cái tướng này có 900 lần sanh diệt. Giống như hiện tại chúng ta xem phim ảnh (dùng phim ảnh để làm thí dụ thì các vị dễ dàng hiểu được), phim ảnh ở trên màn bạc chiếu ra hình ảnh, trong máy chiếu là phim gốc, mọi người đều biết. Trong một giây đầu ống kính của máy đóng mở 24 lần, trong một giây chiếu ra 24 tấm, cái phim gốc đó liên tục tướng tiếp nối tướng, nhưng chúng ta xem thấy thì dường như là thật. Đây là một giây mới có 24 lần đóng mở. Phật liền dùng cách nói này trên Kinh Nhân Vương, cái khảy móng tay của người khỏe mạnh, thân thể của đại lực sĩ rất là khỏe mạnh, dũng mãnh nên khảy được rất nhanh, một giây có thể khảy được bốn lần. Bốn nhân cho 60, rồi lại nhân tiếp cho 900, thì một giây bao nhiêu tấm ảnh, có bao nhiêu tấm phim gốc? Hai lần 180 ngàn tấm. Đó là hiện tượng mà hiện tại chúng ta thấy được. Trên màn bạc một giây 24 tấm thì đã có thể lừa được bạn rồi, bạn liền cho rằng đó là thật, nếu như một giây là hai lần 180 ngàn tấm thì bạn làm sao biết được nó là giả?

Trên “Kinh Nhân Vương” nói với các vị là Thế Tôn phương tiện nói, các vị tỉ mỉ mà tư duy, sau đó mới hiểu được lời Phật nói: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh, như sương cũng như chớp”, chúng ta mới chân thật có mấy phần thể hội. Trong “Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Định” nói được rõ ràng hơn, một sát na không chỉ 900 lần sanh diệt, chúng ta ở trong Kinh Nhân Vương thấy được việc này là Thích Ca Mâu Ni Phật phương tiện nói, không phải nói chân thật. Nói chân thật thì tốc độ này còn nhanh hơn so với đây không biết là gấp bao nhiêu lần. Đây là nói rõ chân tướng sự thật của vũ trụ hiện tượng “sát na sanh diệt”, cho nên Phật cũng gọi hiện tượng này là “bất sanh bất diệt”. Vậy thì các vị phải nên biết, nếu quả nhiên bất sanh bất diệt mà nói một cái bất sanh bất diệt thì chẳng phải là lời thừa hay sao? Câu nói này của Phật là nói tất cả sanh diệt của pháp tướng. Có sanh diệt, nhưng vì sao Phật lại nói bất sanh bất diệt? Vì tốc độ sanh diệt của nó quá nhanh, sanh diệt gần như là đồng thời, cho nên gọi bất sanh bất diệt. Đó là ý nghĩa Phật nói pháp. Chúng ta nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa. Hiểu rõ chân tướng sự thật, các vị nghĩ xem làm gì có pháp tướng tồn tại? Mười pháp giới Y Chánh Trang Nghiêm, bao gồm sáu cõi ba đường, căn bản là không thể tồn tại, chân thật là mộng huyễn bào ảnh. Căn bản là không thể tồn tại, nhưng tất cả chúng sanh mê ở ngay trong cảnh giới này, cho rằng cảnh giới này là thật có, ở ngay trong cảnh giới này mà khởi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước (sự việc này thì phiền phức), thế là đem hiện tượng sát na sanh diệt chuyển biến. Cái tướng đó là sát na sanh diệt, sát na chuyển biến. Dùng sức mạnh gì đem hiện tượng này chuyển biến? Ý niệm, chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Cho nên, ý niệm của bạn thiện thì chuyển biến thành cảnh giới thiện, ý niệm ác thì chuyển biến thành cảnh giới ác. Do đây có thể biết, thiên đường là do ý niệm biến ra, địa ngục cũng là do ý niệm biến ra. Hiểu rõ đạo lý này thì liền biết được học vấn trong đạo lý này thật to lớn.

Quan trọng nhất là điều tâm, vì sao vậy? Thân không cần phải lo, thân là tùy tâm, tùy ý niệm mà biến hiện. Chúng ta phải chú trọng điều năng biến. Sở biến thì không quan trọng, năng biến tương ưng với pháp tắc tự nhiên, còn sở biến thì thuận lý thành chương, liền biến thành Thế giới Cực Lạc, liền biến thành Thế giới Hoa Tạng, biến thành khu vườn tốt đẹp thế gian, người người sinh hoạt đều hạnh phúc tràn đầy, vậy thì quá tốt. Có thể làm được hay không? Có thể! Khẳng định được, vấn đề là bạn phải hiểu được đạo lý ở trong đó, hiểu được cảnh giới có diễn biến thế nào. Cho nên Phật dạy chúng ta, thực tế ra mà nói, là đem Thế giới Hoa Tạng, đem Thế giới Cực Lạc phổ cập đến tất cả thế gian, khiến cho tất cả thế gian đều biến thành Thế giới Cực Lạc, đều biến thành Thế giới Hoa Tạng. Cách biến thế nào vậy? Trước phải điều tâm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc vì sao tốt đẹp đến như vậy? Lòng người ở nơi đó tốt, trên Kinh nói “các bậc thượng nhân cùng ở một nơi”. Nếu như con người thế gian ngày nay mỗi mỗi đều là thượng thiện, thì hoàn cảnh y báo của chúng ta ngày nay nhất định giống y như Thế giới Cực Lạc. Đạo lý chính là như vậy. Thế giới Hoa Tạng vì sao tốt đẹp đến như vậy? Mỗi một người trong Thế giới Hoa Tạng kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não cũng đoạn luôn, vô minh cũng phá được mấy phẩm, cho nên thế giới đó tốt đẹp. Thế giới ngày nay của chúng ta vì sao mà không tốt? Tư tưởng kiến giải, lời nói tạo tác của tất cả chúng sanh hoàn toàn trái ngược với pháp tắc tự nhiên, trong lòng nghĩ ra trái với pháp tắc tự nhiên, nên gọi là tà tri tà kiến; nói và làm ra đều trái ngược với pháp tắc này, tạo mười ác nghiệp. Việc này trên “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” đã nói là “chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội”. Tội nghiệp biến ra cảnh giới gì? Biến ra hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta, đặc biệt là trong một hai năm gần đây, thiên tai nhân họa đến đâu cũng có. Có một số đồng tu đến hỏi tôi là có thể tránh khỏi hay không? Tôi nói với mọi người không cách gì tránh khỏi. Các vị nếu muốn di dân, nếu muốn tìm một khu vực trên thế giới không bị tai nạn, xin nói với các vị, không hề có. Nếu bạn đi tìm, bạn đến các nơi trên thế giới tham quan du lịch một lần, có nơi nào mà con người không có tham-sân-si thì nơi đó chính là đất phước. Bạn đi xem thử, tìm thử xem, có nơi nào mà con người không có tham-sân-si không? Có nơi nào mà con người không tạo ác nghiệp không? Bạn có thể tìm được nơi này thì tốt. Hiện tại chúng ta đều biết, trên địa cầu không hề có, không thể tìm ra. Thế nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc có, vì vậy người niệm Phật, người học Phật là người sáng suốt, tai nạn đến rồi có sợ hay không? Không sợ. Tai nạn đến rồi có thể tránh được hay không? Nhất định có thể tránh khỏi. Tránh khỏi không phải nói cái thân thể này của chúng ta không bị nạn, thân gặp nạn hay không gặp nạn không hề gì, thân ở thế gian này không thể thường trụ, vì có sanh-lão-bệnh-tử thì làm gì có thể thường trụ? Việc này chúng ta phải triệt để giác ngộ. Tai nạn đến rồi thì làm sao? Rất bình thường, không một chút lạ kỳ nào, nghiệp nhân quả báo trong đây, ngõ ngách, ngọn nguồn rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, bạn còn gì mà khẩn trương chứ? Cho nên ở trong cảnh giới này, đại nạn đến đầu không khiếp không sợ, tâm là định, tâm là thanh tịnh, không luận tai nạn như thế nào cũng đều có thể tiếp nhận, không hề có vấn đề gì. Thân thể bị huỷ diệt ở trong tai nạn, nhưng tinh thần của bạn, trong Phật pháp gọi là “thần thức”, trong thế pháp gọi là linh hồn, sẽ đi tìm một thân thể khác, đó không phải là chết. Thân thể của chúng ta có sanh diệt, trong sanh diệt vẫn có một cái “Ta” không sanh diệt. Ta không sanh diệt, nhưng cái thân này của ta có sanh diệt. Thân không phải là ta. Nếu như chúng ta nhận biết thần thức, linh hồn là ta, thân không phải là ta thì bạn đã nâng cao cảnh giới của chính mình lên rồi. Thân không phải là ta, thân là sở hữu của ta. Cũng giống như chúng ta mặc quần áo vậy, quần áo là sở hữu của ta, khi quần áo mặc cũ rồi, rách rồi, bạn sẽ bỏ đi đổi một bộ mới khác, thân này hoại rồi thì đem nó bỏ đi, lại đổi một cái thân khác. Cho nên bạn chân thật có được chút công phu, công phu này không phải rất cao, bạn liền sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại là xả thân thọ thân cũng giống như lột bỏ quần áo, thay bộ quần áo khác, tự tại như vậy. Người thế gian không biết được sự việc này. Thay quần áo mà cảm thấy rất khổ là ai vậy? Trẻ con. Trẻ con mặc một bộ quần áo, bảo nó đổi một bộ khác thì cảm thấy thật là khổ sở, chạy đông chạy tây, nó không cam tâm, không tình nguyện, cảm thấy việc đó như cực hình. Người lớn thì không như vậy, quần áo dơ rồi phải giặt, kiểu dáng không thích hợp thì đổi một kiểu dáng mới, họ rất an vui xả thân thọ thân. Học Phật công phu đến rồi thì đối với sanh tử xem như thay bộ quần áo vậy, một chút đau khổ cũng không có, một chút khẩn trương cũng không có, một chút khiếp sợ cũng không có. Người như vậy xả thân thọ thân, thành thật mà nói, khi đổi một thân khác quyết định phải tốt đẹp hơn nhiều so với cái thân thể này. Đó là thiện báo. Nếu như khi xả thân mà cảm thấy hoang mang, khiếp sợ, sợ hãi, thì khi bạn đổi một thân khác sẽ xấu đi, đổi ra cái thân gì vậy? Đổi cái thân súc sanh, đổi cái thân ngạ quỷ, vậy thì rất khó có thể quay lại. Cũng giống như thay đổi quần áo vậy, càng đổi quần áo càng rách nát, càng khó coi hơn, vậy thì bạn hỏng rồi. Học Phật có thể có được chút thọ dụng này thì rất cừ khôi rồi. Đây là thọ dụng nhỏ ở trong Phật pháp thôi, không phải thọ dụng lớn, vì sao vậy? Bạn nhận biết thần thức là “Ta”.

Thần thức vẫn không phải là ta. Chân thật là ta là gì vậy? Chân thật là ta chính là pháp tánh, trong Thiền tông gọi là “minh tâm kiến tánh” (kiến tánh là thấy được chân ngã), Tông môn gọi là “mặt mũi trước khi cha mẹ chưa sanh ra”. Chúng ta nhận định thần thức là ta, xin nói với các vị, nếu chúng ta không nhận cái thân này là ta thì chúng ta có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, nếu ở trong sáu cõi mà không rời khỏi sáu cõi luân hồi, thì bạn quyết định được hưởng phước trời, bạn sanh lên trên cõi trời; còn nếu cao minh hơn thì siêu việt sáu cõi, có thể nâng cao lên pháp giới của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Pháp giới bốn thánh trong mười pháp giới là không gian sinh hoạt của bạn, đó là nơi đến của bạn, thù thắng hơn nhiều so với sáu cõi. Nếu như bạn biết thần thức vẫn không phải là ta, vẫn là giả không phải là thật, tự tánh mới là ta, thì công đức của bạn liền viên mãn, bạn liền siêu việt mười pháp giới, đi đến Thế giới Hoa Tạng thân cận Tỳ Lô Giá Na Phật, làm bạn, làm người một nhà với bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ, hoặc giả là vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn siêu việt mười pháp giới. Đó là chân tướng sự thật. Phật xuất hiện ở thế gian này chính là muốn nói cho chúng ta nghe sự việc này, đó mới là chân tướng sự thật. Chân thật có thể “điều chúng sanh”.

Chúng ta học Phật, hiện tại quan trọng nhất phải tu “tâm thanh tịnh”. Đề Kinh của Kinh Vô Lượng Thọ đã đem nguyên tắc tu học nói với chúng ta, đó là Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác, ba nguyên tắc này. Chúng ta ở mọi lúc, ở mọi nơi, đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta tu cái gì? Tu tâm thanh tịnh, tất cả mọi người không nhiễm ô tâm tánh. Nếu như đối với mọi người, thuận với chính mình khởi lên ý niệm thương yêu, không thuận với ý của chính mình thì sanh sân hận, sanh đố kỵ, tâm của bạn bị ô nhiễm, không thanh tịnh. Cho nên, tu hành là tu ở đâu vậy? Tu chính ngay đây, khi tất cả cảnh giới này hiện tiền thì rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, không bị ô nhiễm, bạn mới có được công phu chân thật, bạn tu hành công phu đắc lực, bạn thật có công phu, không bị cảnh giới bên ngoài ô nhiễm. Hay nói cách khác, cảnh giới ở trước mắt rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, đó là huệ; trong lòng chính mình như như bất động, không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, đó là công phu. Chúng ta tu hành phải tu ở ngay đây, tu ở ngay trong hoàn cảnh nhân sự, tu ở ngay trong hoàn cảnh vật chất. Mỗi ngày sáu căn chúng ta tiếp xúc tất cả người, tất cả vật, tất cả mọi việc, chính là làm công phu này. Ý niệm vừa khởi lên, cho dù là niệm thiện hay là ác niệm đều là ô nhiễm, ác niệm là ô nhiễm, thiện niệm cũng là ô nhiễm, ý niệm vừa khởi lên, dùng câu “A Di Đà Phật” làm cho ý niệm này lắng xuống. Tịnh tông chúng ta dùng phương pháp này, một câu Phật hiệu làm cho ý niệm này lắng xuống, hóa giải hết các ý niệm này. Tất cả vọng niệm thảy đều quy về câu A Di Đà Phật.

“A Di Đà Phật” là gì? A Di Đà Phật là đức hiệu trong tự tánh của chúng ta, A Di Đà Phật chính là chân như bổn tánh của chúng ta. Danh tự của chân như bổn tánh gọi là A Di Đà Phật, đó là một câu Phạn ngữ, ý nghĩa là “Vô Lượng Giác”. Tất cả đều quy về vô lượng giác. Danh hiệu đạo sư của Thế giới Tây Phương Cực Lạc gọi là A Di Đà Phật, cho nên ở trên Kinh Phật thường nói “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”, đó là từ trên tâm tánh mà nói. Từ trên chân thật mà nói, câu Phật hiệu này bạn phải biết niệm. Người sơ học biết niệm chính là đem tất cả ý niệm của bạn đều chuyển biến thành A Di Đà Phật, làm cho trong tâm của bạn ngoài câu A Di Đà Phật ra không có một tạp niệm, tâm thanh tịnh của bạn liền hiện tiền. Tâm thanh tịnh hiện tiền chính là trên “Kinh Di Đà” nói “nhất tâm bất loạn”, bạn liền được nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn còn gọi là “niệm Phật Tam Muội”. Tam Muội là tiếng Phạn, ý nghĩa là chánh thọ, hưởng thụ bình thường. Ngày nay chúng ta hưởng thụ không bình thường. Hưởng thụ bình thường là vô niệm, “niệm mà không niệm, không niệm mà niệm”, đó là hưởng thụ bình thường. Cho nên, tông chỉ giáo hóa chúng sanh của Phật, mục đích chính là “điều chúng sanh, tuyên diệu lý”. Diệu lý là chân tướng sự thật, cũng là chúng ta thường nói “thật tướng các pháp”, nói rõ ràng hơn một chút thì là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Phật là vì chúng ta nói rõ sự việc này.

Sự việc này chúng ta hiểu được rõ ràng, ở ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải nên làm như thế nào, có phải chính mình khế nhập cảnh giới này thì tốt rồi không? Không sai, có thể khế nhập cảnh giới này rất tốt, tự lợi công đức bạn được rồi, thế nhưng thế gian này còn có rất nhiều chúng sanh chưa giác ngộ, không thể nói xem thấy họ thì không quan tâm, chính mình trốn tránh hiện thực này. Đó là sai lầm, ở trong Phật pháp gọi là “tự cho mình cao”. Phật không tán thán những người này. Bạn chính mình được độ thì bạn phải giúp đỡ người khác, đó là Bồ Tát. Phía sau liền dạy người “trữ công đức, thị phước điền”, đây là “hóa tha”. Thế nhưng bạn phải nên biết, hóa tha cần phải tự độ. Bạn chính mình đối chân tướng sư thật không thấu triệt, không hiểu rõ, tà kiến, phiền não, tập khí của chính mình chưa đoạn dứt, thì bạn làm sao có thể giúp cho người khác? Thậm chí chúng ta hiện tại, trên thực tế cũng đã từng thấy qua việc mượn danh để tư lợi, giả mượn Phật pháp tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, thỏa mãn dục vọng của riêng mình. Nếu bạn nói họ không hiểu, nhưng họ cũng có thể nói được khéo léo, họ cũng có thể đem Kinh giảng được có đầu có đuôi, cũng xây dựng đạo tràng trang nghiêm, cũng có không ít đồ chúng tu hành theo họ, thế nhưng những gì chính họ làm thì hoàn toàn trái ngược với Phật pháp, họ làm như thế nào? Vẫn cứ là danh vọng lợi dưỡng, vẫn cứ là phải quấy nhân ngã, vẫn cứ mỗi niệm được mất, quá xem nặng cái được mất. Vì sao có lỗi lầm này? Hai câu phía trước họ không có làm, họ không làm được, cho nên công đức liền biến thành phước đức, thậm chí đến công đức phước đức biến thành tội lỗi. Khuyên bảo mọi người cùng xả tài tu phước, mọi người đều xả tài, còn họ thì đựng ở trong túi, đầy đủ cho chính họ, họ chính mình tạo vô lượng tội nghiệp. Người xưa không như vậy, người xưa hiểu được xây dựng đạo tràng trang nghiêm không phải để chính mình hưởng thụ. Cho nên chúng ta thấy những tòng lâm được xây dựng vào thời xưa ở Trung Quốc, các vị tỉ mỉ mà quan sát, phòng ốc của trụ trì và chấp sự ở, hoàn cảnh của họ rất là thô sơ. Do đây có thể biết, đại chúng cúng dường để tu phước, chính họ không có hưởng, hay nói cách khác, ăn mặc ngủ nghỉ, tất cả hoàn cảnh đời sống của họ không hề thay đổi. Đó là rõ lý, không tạo tội nghiệp. Hiện tại mọi người khuyên mộ rất nhiều tiền, xây dựng một đạo tràng lớn, trước tiên phải đem hoàn cảnh cư trú của chính mình bố trí sao cho rất tốt đẹp. Đây là tạo tội nghiệp. Xây dựng đạo tràng là nơi làm đạo, là nơi cúng cho chúng, không phải cúng dường chính mình. Mọi người cũng đều nghe nói qua, nhà Phật có một câu nói:

“Một hạt gạo của thí chủ

Nặng như núi Tu Di

Đời nay không liễu đạo

Mang lông đội sừng trả”.

Lời nói này là thật không phải giả. Bạn có phước báo bao lớn mà có thể hưởng thọ mười phương chúng sanh cúng dường? Làm gì có phước báo lớn đến như vậy? Chỉ có Phật và đại Bồ Tát mới có phước báo này, phàm phu làm gì có phước báo lớn như vậy. Mê hoặc điên đảo! Phước báo này hưởng không được vài năm, khi chết đều là mơ mơ hồ hồ mà chết. Chết rồi thì đi đến nơi đâu vậy? Chỗ này không cần phải nói, tương lai vẫn là không tránh khỏi phải trả nợ. Cho nên, Phật dạy cho chúng ta phải “trữ công đức”, không phải phước đức. Trong công đức có phước đức, trong phước đức thì chưa chắc có công đức. Công đức là nói tu công mà có được. Thí dụ chúng ta trì giới có công thì liền được định, định chính là đức; tu định có công, trí tuệ khai, khai huệ là đức. Do đây có thể biết, công là tu nhân, đức là quả báo, tu nhân được quả là đạo lý nhất định. Chúng ta phải trữ công đức, phải tích công bồi đức.

Làm thế nào mới có thể giữ được công đức? Chữ “trữ” này rất quan trọng. Trữ là tồn trữ, lưu kho, công đức của bạn mới có thể tích lũy được. Trong nhà Phật có một câu nói: “Lửa thiêu rừng công đức”. Công đức rất khó mà tồn trữ, vì sao vậy? Một đám lửa thì cháy sạch. Lửa gì vậy? Lửa sân hận. Khi khởi tức giận, vừa khởi tức giận thì công đức đều hết. Cho nên bạn phải biết, bạn cả đời này tu hành trữ được bao nhiêu công đức, nghĩ lại xem bắt đầu từ lúc nào không khởi tức giận. Nếu như sáng sớm ngày nay khởi lên một cơn giận thì công đức của đời quá khứ và ngay đời này đã tu thảy đều cháy sạch, không còn gì hết. Người hiện tại nói công đức, có thể nói đều là hữu danh vô thực, tu cái tên của công đức, không tu công đức thật. Trong lòng có cái không được vui thì công đức hết rồi. Cho nên phải biết, thế gian này yêu ma quỷ quái rất nhiều, chúng chỉ sợ bạn tích công bồi đức, cho nên thị hiện ra vô số cảnh giới, vô số nhân duyên, muốn phá hoại đi công đức của bạn. Thế nhưng bản thân của họ không có năng lực phá hoại công đức của bạn, bất cứ người nào cũng đều không có cách gì phá hoại công đức của bạn, ai có thể phá hoại? Chính mình phá hoại chính mình, họ ở nơi đó thúc đẩy bạn, làm cho bạn khởi tức giận, làm cho bạn khởi tâm sân hận, làm cho bạn rất nghe lời, quả nhiên khởi tức giận, quả nhiên khởi tâm sân hận, đem công đức của chính mình thiêu hết sạch, ma ở nơi đó vỗ tay vui mừng: “Tốt lắm, ngươi đã làm ra việc ngốc như vậy”.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 35)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ