Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 25)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 25)
Kinh văn: “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”. Lần trước, chúng ta đã giảng đến câu này. Hàm nghĩa trong câu này rất sâu, rất rộng. “Hạnh” là hành vi đời sống của Bồ Tát, cũng chính là nói đời sống, công việc của Bồ Tát, thậm chí đến đối nhân xử thế tiếp vật, thông thường chúng ta gọi là thù đáp qua lại. Phàm phu và Phật Bồ Tát rốt cuộc thì có những khác biệt gì? “Nguyện” là mong cầu, là hy vọng. Trong tâm phàm phu mong cầu thứ gì, Bồ Tát mong cầu thứ gì, chúng ta không thể nào không biết. Đời sống hành trì của chúng ta, trên thực tế mà nói là rất lộn xộn, rối rắm. Chúng ta phải bắt đầu nói từ đâu? Thế Tôn ở ngay trong tất cả Kinh luận, vì chúng ta nói ra rất nhiều qui phạm, cương lĩnh. Chúng ta nắm được những qui phạm, cương lĩnh này thì liền có cửa để đi vào. Sau khi Tịnh Tông Học Hội thành lập, trong rất nhiều cương lĩnh, chúng ta chọn ra năm khóa mục. Thứ nhất là “Tam Phước”. Lần trước tôi đã nói qua với các vị rồi, Tam Phước thành tựu đức hạnh của chính mình. Con người nhất định không thể rời khỏi xã hội mà đơn độc sinh tồn. Con người là động vật xã hội, hay nói cách khác, con người ở ngay trong đời sống nhất định phải

Kinh văn: “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.

Lần trước, chúng ta đã giảng đến câu này. Hàm nghĩa trong câu này rất sâu, rất rộng. “Hạnh” là hành vi đời sống của Bồ Tát, cũng chính là nói đời sống, công việc của Bồ Tát, thậm chí đến đối nhân xử thế tiếp vật, thông thường chúng ta gọi là thù đáp qua lại. Phàm phu và Phật Bồ Tát rốt cuộc thì có những khác biệt gì? “Nguyện” là mong cầu, là hy vọng. Trong tâm phàm phu mong cầu thứ gì, Bồ Tát mong cầu thứ gì, chúng ta không thể nào không biết.

Đời sống hành trì của chúng ta, trên thực tế mà nói là rất lộn xộn, rối rắm. Chúng ta phải bắt đầu nói từ đâu? Thế Tôn ở ngay trong tất cả Kinh luận, vì chúng ta nói ra rất nhiều qui phạm, cương lĩnh. Chúng ta nắm được những qui phạm, cương lĩnh này thì liền có cửa để đi vào. Sau khi Tịnh Tông Học Hội thành lập, trong rất nhiều cương lĩnh, chúng ta chọn ra năm khóa mục. Thứ nhất là “Tam Phước”. Lần trước tôi đã nói qua với các vị rồi, Tam Phước thành tựu đức hạnh của chính mình. Con người nhất định không thể rời khỏi xã hội mà đơn độc sinh tồn. Con người là động vật xã hội, hay nói cách khác, con người ở ngay trong đời sống nhất định phải có mối quan hệ với mọi người. Làm thế nào cùng ở chung với mọi người? Vậy thì phải nói đến “Lục Hòa”.

LỤC HÒA KÍNH

“Lục Hòa Kính” là qui củ mà Thế Tôn định ra cho chúng ta. Chúng ta chung sống với mọi người cần phải tuân thủ nguyên tắc này. Lục là sáu điều. Trong sáu điều này đều có hòa, không những phải hòa mà còn phải kính, gọi là “lục hòa kính”. Năm xưa, Pháp sư Minh Sơn đến Singapore, ông đã viết cho chúng ta sáu phép hòa kính. Chúng ta cũng in ra rất nhiều, phổ biến cũng rất rộng. Sáu điều này, chỉ cần là đồng tu học Phật, không luận tại gia hay xuất gia, không luận từ ngành nghề nào cũng đều cần thiết. Mỗi niệm không rời sáu điều này, phải thường ghi nhớ trong tâm, chăm chỉ, nỗ lực y giáo phụng hành.

  • Điều thứ nhất, “Kiến hòa đồng giải”

Ngày nay, trong xã hội có nhiều người đem khẩu hiệu “hòa bình cùng sống, cùng tồn tại phát triển” gắn ở trên miệng, tuy là phổ biến tuyên truyền khắp nơi nhưng hiệu quả chưa được như ý muốn. Nguyên nhân này là do đâu? Tuy nói cùng tồn tại hòa bình, nhưng dùng phương pháp gì để đạt đến cùng tồn tại hòa bình thì họ không hề nói được. Nếu như nói mà không có lý luận, không có phương pháp, chỉ có câu khẩu hiệu thì đương nhiên là trống không. Phật dạy chúng ta “kiến hoà đồng giải”, đó chính là lý. Nền tảng của hòa thuận được xây dựng trên ý niệm này.

“Kiến” là tư tưởng, kiến giải. Làm thế nào để có thể đạt đến được “cùng hiểu” (tức “xây dựng cùng hiểu” theo cách nói hiện nay)? Mọi người chúng ta có kiến giải như nhau, nhận biết như nhau, đó là căn bản cùng sống với nhau hòa bình. Vậy tiêu chuẩn nào để có kiến giải giống nhau, cách nghĩ giống nhau? Giáp nói tư tưởng kiến giải của ông chính xác, Ất cũng nói tư tưởng kiến giải của ông chính xác, rốt cuộc thì ai chính xác? Chúng ta phải theo ai? Dùng lời thành thật mà nói, chúng sanh thời Mạt Pháp ngày nay cũng giống như Kinh Địa Tạng đã nói là “can cường nan hóa”, đều cho rằng chính mình đúng, người khác sai. Người người đều nghĩ như vậy, cho nên sanh ra rất nhiều mâu thuẫn, xung đột, làm gì có hòa bình. Chúng ta xem thấy đều là đấu tranh kiên cố. Muốn tiêu trừ những đấu tranh này nhất định phải xây dựng cùng hiểu. Tiêu chuẩn Phật nói cho chúng ta nghe thật hay, chúng ta nghe rồi bội phục, khẳng định, có thể phụng hành.

Phật dùng tiêu chuẩn gì để xây dựng cùng hiểu? Phật nói, mỗi người phải buông bỏ thành kiến của chính mình, đem cách nghĩ, cách thấy của chính mình buông bỏ, vậy chẳng phải là cùng hiểu rồi sao? Việc này cao minh. Phật tuyệt nhiên không hề nói “tri kiến của các người là sai rồi, tri kiến của ta là chính xác”. Nếu Phật nói như vậy, chúng ta nghe rồi cũng lắc đầu, “Thích Ca Mâu Ni Phật Ngài cũng chưa chắc gì chính xác, làm sao tôi có thể đi theo Ngài được chứ?”. Phật nói, mọi người chúng ta đều đem cách nghĩ, cách nhìn của chính mình thảy đều buông bỏ, như vậy là chính xác, chúng ta có thể tiếp nhận. Chư Phật Như Lai không hề sỏ mũi chúng ta kéo đi, mà các Ngài dạy bảo chúng ta người người đỉnh thiên lập địa, cho nên trong Phật pháp gọi Phật là “Vô Y Đạo Nhân”.

Phật không dựa vào bất cứ người nào, Phật cũng dạy chúng ta không dựa vào bất cứ người nào. Vừa vào cửa Phật thì nhận lễ “Tam Quy Y”. Trong Tam Quy Y, Phật không hề bảo bạn quy y Ngài, mà Ngài dạy bạn quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Phật là ý nghĩa của giác, tự tánh giác, bạn quy y tự tánh giác của bạn. Tự tánh giác là Phật bảo. Quy y tự tánh chánh của bạn, tự tánh chánh là Pháp bảo, chánh tri chánh kiến. Quy tự tánh tịnh, tự tánh tâm thanh tịnh là Tăng bảo. Cho nên, quy y gọi là Tam Tự Quy. Thích Ca Mâu Ni Phật không hề nói chúng ta phải quy y Ngài. Sự vĩ đại của Phật chính ngay chỗ này, đáng được người tôn kính, bội phục. Cách nói của Phật là chân lý, thế nhưng phàm phu chúng ta nghiệp chướng tập khí quá sâu nặng, thực tế là chúng ta không có năng lực hồi đầu. Chúng ta rất muốn từ mê quay lại, nương vào tự tánh giác, nhưng không làm được. Người nào có thể làm được? Người có thể làm được thì chúng ta không gọi họ là phàm phu. Trong pháp Đại thừa, vừa quay đầu lại thì siêu phàm nhập thánh. Trong Kinh nói, Bồ Tát sơ trụ chân thật đã quay đầu. Sơ trụ gọi là phát tâm trụ, chân thật từ mê quay đầu đến giác ngộ. Quay đầu từ chỗ nào? Từ mê quay đầu. Mê rồi thì có sáu cõi, mười pháp giới, cho nên từ mê quay đầu lại chính là từ sáu cõi quay đầu lại, từ mười pháp giới quay đầu lại. Bạn vừa quay đầu thì vào Pháp Giới Nhất Chân. Đó là chư Phật Như Lai kỳ vọng chân thành đối với tất cả chúng sanh, hy vọng chúng ta ngay trong một đời này siêu phàm nhập thánh. Các Ngài chân thật từ bi đến tột đỉnh, quan tâm thương yêu đến tột đỉnh. Các Ngài lấy pháp chân thật chí thiện truyền thụ cho chúng ta, hy vọng chúng ta ngay trong một đời này đạt đến thành tựu chí thiện viên mãn. Đây là tâm của Phật, nguyện của Phật. Chúng ta từ tất cả tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm quay đầu lại chánh tri chánh kiến. Chánh tri chánh kiến trên “Kinh Pháp Hoa” gọi là “Phật chi tri kiến”, tri kiến trên quả địa của Như Lai. Làm sao vừa quay đầu thì liền được tri kiến trên quả địa của Như Lai? Vừa quay đầu thì gọi là tánh; tri kiến trên quả địa của Như Lai là tri kiến của tự tánh. Tri kiến của bổn tánh chính là Bồ Tát Mã Minh nói trong Khởi Tín Luận: “Bổn giác vốn có”, không phải từ bên ngoài đến. Vì sao chúng ta vốn có? Phật tri Phật kiến có thể bị đánh mất, không khởi được tác dụng, nên biến thành tà tri tà kiến. Then chốt chính là ở một niệm mê của bạn. Khi mê thì chánh tri chánh kiến vốn có trong tự tánh sẽ biến thành tà tri tà kiến. Khi bạn vừa quay đầu thì trí tuệ trong tự tánh liền hiện tiền, đây là tự tánh pháp bảo. Mê mất tự tánh thì đức năng vốn có của chúng ta cũng thay đổi, biến thành phiền não, sanh tử, nơi nơi đều bị chướng ngại, nghiệp chướng hiện tiền. Cho nên, chúng ta phải “quy y Tịnh”; từ trong tất cả ô nhiễm quay đầu lại, nương vào tâm thanh tịnh, hồi phục lại vạn đức vạn năng của tự tánh chúng ta. Tam quy y này thì Phật là thể, pháp là trí tuệ, tăng là tác dụng. Từ chỗ này xây dựng cùng hiểu, xây dựng kiến hòa đồng giải, làm cho chúng sanh chín pháp giới chân thật là tâm phục khẩu phục. Thế nhưng nghiệp chướng của chúng ta thực tế quá nặng, tập khí quá sâu, chúng ta không chuyển đổi được, hay nói cách khác, chúng ta rất muốn quay đầu nhưng không quay đầu được. Vậy thì chúng ta phải làm sao? Vào lúc này chúng ta phải tạm dùng pháp phương tiện. Các vị phải biết, phương pháp này chỉ dùng tạm, có hữu ích đối với phàm phu sơ học. Chúng ta cần phải tìm hình tướng Tam Bảo để nương tựa, chính là trong thế pháp nói chúng ta phải tìm núi để dựa. “Phật” thì chúng ta tìm Phật nào? Có phải là tìm bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật không? Không sai, nhưng thực tế mà nói, đây không phải là kỳ vọng của Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật hy vọng chúng ta học tập với A Di Đà Phật. Bạn thấy trên Kinh tán thán A Di Đà Phật đến tột đỉnh: “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Nếu chúng ta lấy A Di Đà Phật làm thầy, quy y A Di Đà Phật, thì Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỉ, khen bạn thật biết nghe lời, thật hiểu chuyện, vì đây là nguyện vọng của Phật Thích Ca Mâu Ni. A Di Đà Phật ở đâu vậy? A Di Đà Phật không nơi nào không có. Vậy tại vì sao chúng ta không nhìn thấy Ngài, không nghe được Ngài, không tiếp xúc được với Ngài? Ngài chân thật không nơi nào không có, chỉ là mắt thịt phàm phu chúng ta không thấy được. Thế nhưng Thế Tôn đã giảng cho chúng ta “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A Di Đà”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ”, Kinh chính là Phật, Phật không hề rời khỏi Kinh. Chúng ta y theo phương pháp lý luận của Kinh điển mà làm thì chính là chúng ta quy y A Di Đà Phật, thân cận và học tập với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật không hề có chút kém khuyết, mọi thứ đều viên mãn, là tấm gương tốt nhất cả đời cho chúng ta tu hành làm người. Cho nên, quy y A Di Đà Phật là thực tiễn Phật bảo, cũng thực tiễn Pháp bảo.

Hiện tại Tịnh Tông lưu truyền năm Kinh, một luận. Trong tất cả tông phái, tất cả pháp môn, số lượng Kinh điển của Tịnh tông là ít nhất, rất thích hợp với thời hiện đại này. Thời đại này mọi người phân công rất là chặt chẽ, công việc rất bận rộn, tranh thủ từng giây, cho nên Kinh luận bộ lớn chúng ta khó mà tiếp nhận, Kinh điển của Tịnh tông thì dễ dàng hơn nhiều. Nếu như thực tế công việc rất bận, đến mức năm Kinh một luận chúng ta không cách gì thọ trì, thì chúng ta tùy tiện chọn ra một loại trong năm kinh một luận, cả đời phụng hành đều được lợi ích viên mãn, như vậy thì thật thuận tiện.

Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tường tận nhất là trong “Kinh Vô Lượng Thọ”. Trong năm Kinh, đơn giản nhất là “Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật Viên Thông Chương”, toàn bộ Kinh văn chỉ có 244 chữ, còn ít hơn so với “Bát Nhã Tâm Kinh” 260 chữ mà các vị thường đọc, làm gì có chuyện không thể thọ trì. Nhất định chúng ta phải làm được thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói, đó mới là chân thật quy y, chân thật quay đầu.

Chúng ta đọc tụng Kinh văn phải thâm giải nghĩa thú, phải tường tận, thông hiểu càng sâu càng tốt, hiểu cạn không được, phải hiểu sâu, phải không ngừng hiểu sâu vào, từ sơ phát tâm mãi đến thành Phật đều không thể gián đoạn. Kinh này hiểu được bao sâu? Xin nói với các vị, “nghĩa sâu không đáy, ý rộng vô biên”. Nghĩa thú của Kinh Phật gọi là tánh, cho nên sâu rộng của Ngài cũng gọi là tánh. Chúng ta phải từ trên nền tảng này mà xây dựng cùng hiểu, y theo giáo huấn của Phật. Đây chỉ là giai đoạn ban đầu. Vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng đều là y tự tánh Tam Bảo. Đó là pháp chân thật, không còn là pháp phương tiện. Phật pháp thù thắng dường nào!

Khi “cùng hiểu” đã làm được rồi thì cần phải dùng phương pháp gì để đạt đến hòa thuận cùng sống? Trì giới!

  • Điều thứ hai, “Giới hòa đồng tu”

Chữ “giới” này cùng ý nghĩa với “trì giới” trong lục độ là như nhau, là nghĩa rộng, không phải nghĩa hẹp. Các vị vừa xem thấy “giới hoà đồng tu”, trì giới, liền nghĩ tưởng hạn hẹp ở năm giới, bát quan trai giới, mười giới, cho đến các Bồ Tát tại gia thọ giới Bồ Tát, như vậy là sai. Lục hòa kính cùng trì giới trong lục độ Bồ Tát phải hiểu theo nghĩa rộng, dùng ngôn ngữ ngày nay để nói là giữ phép. Nói giữ phép thì mọi người đều dễ hiểu, ý này thì rộng. Phật trong tất cả Kinh luận giáo huấn chúng ta, chúng ta đều phải tuân thủ. Tuân thủ không chỉ ở giới điều, không chỉ nắm lấy cương lĩnh mà còn phải biết tế hạnh. Lễ tiết nhỏ nhất ngay trong cuộc sống thường ngày đều phải tuân thủ. Nếu như bạn xem thường, quên mất những lễ tiết vi tế này thì bạn mê hoặc điên đảo, bạn vẫn là bất giác. Không chỉ giáo huấn của Phật, mà pháp căn bản của quốc gia, hiến pháp, pháp tắc và quy luật của địa phương, thậm chí đến phong tục tập quán, đạo đức, quan niệm lý luận (việc này không thành văn tự, pháp không có văn tự), chúng ta thảy đều phải tuân thủ. Cho nên, học Phật, tất cả chư Phật Bồ Tát là người tuân thủ pháp tắc. Người biết pháp tắc qui củ nhất thì đó là Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát làm tấm gương cho chúng ta xem.

“Giới hòa đồng tu” chính là dạy cho chúng ta phải giữ phép. Người thông thường từ nhỏ đến lớn, khi còn thơ ấu phải tiếp nhận giáo dục của cha mẹ,  của thầy giáo, phải được nuôi thành quan niệm giữ phép. Chúng ta học Phật, vừa vào cửa Phật thì phải được bồi dưỡng quan niệm giữ phép. Chỉ cần giữ phép thì nhất định có thể hòa thuận cùng sống với mọi người. Sau đó, áp dụng ngay trong cuộc sống,“thân hòa đồng trụ”.

  • Điều thứ ba, “Thân hòa đồng trụ”

Chúng ta cùng với rất nhiều chúng sanh hiện tiền ở trên địa cầu này phải thương yêu địa cầu này, phải mỗi giờ mỗi phút giữ gìn hoàn cảnh đời sống của chúng ta. Chúng ta hưởng thụ cũng phải để người khác hưởng thụ, đời này ta hưởng thụ còn phải nghĩ đến còn đời sau, phải để đời sau có được sự hưởng thụ tốt. Đây là từ đại hoàn cảnh. Thu nhỏ lại thì quốc gia này của chúng ta cùng hòa thuận với người quốc gia khác. Thu nhỏ nữa thì đoàn thể này cùng hòa thuận đoàn thể khác. Như Cư Sĩ Lâm là một đoàn thể có rất nhiều đồng tu. Các đồng tu chọn ra một lãnh đạo đoàn thể là Mộc trưởng. Mộc trưởng và cán bộ lãnh đạo các bộ phận khác cũng chế định ra pháp qui, chương trình. Chúng ta là một phần tử của xã đoàn, qui củ trong xã đoàn này thảy đều phải biết tuân thủ. Các cư sĩ tại gia khi trở về nhà thì gia đình chính là xã đoàn nhỏ nhất. Người cả nhà phải hoà thuận, đều có thể nghe lời dạy bảo của Phật, tiếp nhận giáo huấn của Phật, y theo lời dạy trong Kinh điển mà làm, cả nhà bạn hòa thuận. Như vậy thì gọi là “thân đồng trụ”. Chúng ta cùng với tất cả chúng sanh sống trong hoàn cảnh này thì làm sao không thương yêu hoàn cảnh này, làm sao có thể tùy tiện phá hoại hoàn cảnh này? Ý nghĩa trong đây rất sâu rộng, phải tỉ mỉ mà thể hội. Mỗi niệm bảo hộ an toàn cho đoàn thể, mỗi niệm phải nghĩ đến hạnh phúc mỹ mãn cho tất cả mọi người trong đoàn thể.

  • Điều thứ tư, “Khẩu hòa vô tranh”

Phật biết được những hiểu lầm kết oán của tất cả chúng sanh phần lớn (tám-chín phần mười) đều do lời nói tạo thành, nên gọi là “nói nhiều ắt sai”. Không nên nói quá nhiều lời, nói nhiều sẽ có sai lầm, dễ dàng dẫn đến nghi hoặc, hiểu lầm cho người khác, thế là liền kết oán với người. Sau khi kết oán thì oan oan tương báo không hề ngừng dứt, ngay trong hữu ý hay vô ý tạo thành nhiều chướng nạn trên đạo Bồ Đề. Cho nên, người xưa dạy: “Nói ít một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật”. Ngay khi chúng ta muốn nói chuyện, lời nói vừa đến cửa miệng thì biến thành câu “A Di Đà Phật”. Cách này rất tuyệt, “khẩu hòa vô tranh”! Người chân thật làm đến được “khẩu hòa vô tranh” chính là một ngày từ sớm đến tối, nhìn thấy người thì hoan hỉ, vui vẻ niệm “A Di Đà Phật”. Cho dù người ta nói chuyện gì, chúng ta đều nói “A Di Đà Phật”, vậy thì tốt, tâm bình khí hòa! 

Một câu A Di Đà Phật là chân ngôn, ngoài câu A Di Đà Phật thì toàn là vọng ngữ. Đọc Kinh cũng không thể được, chỉ niệm Phật mới có thể vãng sanh, có thể thành Phật. Đọc Kinh vẫn còn có thể khởi vọng tưởng. Vọng tưởng xen tạp ngay trong Kinh văn thì Kinh đó có đọc cũng không hiệu quả, không có tác dụng. Cho nên, người xưa nói: “Đọc Kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật”. Vì sao vậy? Phật hiệu rất đơn giản, vọng tưởng khó mà xen tạp vào. Càng dài thì càng dễ xen tạp. Các vị tưởng tượng xem, bạn đọc chú Lăng Nghiêm nhất định có vọng tưởng xen tạp trong đó, vì thời gian quá dài, sức mạnh nhiếp thọ của chúng ta không đủ. Chú vãng sanh tương đối rất ngắn, tinh thần tập trung từ đầu đến cuối một biến, đại khái không đến nỗi xen tạp. Nếu như bạn đọc một lúc ba mươi biến hay năm mươi biến thì nhất định có vọng niệm xen tạp trong đó. Phật hiệu thì đơn giản.

Ngày trước, tôi truyền dạy cho mọi người niệm một câu Phật hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” sáu chữ, niệm một hơi mười câu. Trong mười câu Phật hiệu không xen tạp một vọng niệm nào. Một phút thì lực nhiếp thọ của chúng ta có thể làm được, nhưng năm phút thì không thể làm được. Cho nên, mỗi ngày thời khóa này của bạn chính là một phút mười câu Phật hiệu. Mười câu Phật hiệu này tương ưng với nguyên tắc niệm Phật của Bồ Tát Đại Thế Chí, đó là “tịnh niệm tương tục”. Tịnh niệm này không hoài nghi, không xen tạp; tương tục là mười câu Phật hiệu liên tục. Mỗi ngày chúng ta niệm ít nhất chín lần, đương nhiên niệm càng nhiều càng tốt, tạo thành một thói quen. Làm được như vậy thì chân thật là một lòng chuyên niệm, lại có nguyện vọng khẩn thiết cầu sanh Tịnh Độ, làm đến được một lòng chuyên niệm thì làm gì không được vãng sanh! Cho nên, bạn đừng xem thường một ngày chín lần niệm, nó chân thật có hiệu quả, đó là thuộc về tịnh niệm liên tục.

Chúng ta nhất định phải làm đến được “khẩu hòa vô tranh”. Tất cả pháp thế gian đều là giả, không phải thật, có gì đáng để tranh luận? Người khác tán thán ta là giả, đừng ưa thích; người khác hủy báng ta, nhục mạ ta cũng là giả, hà tất phải sân hận. Vì sao họ mắng người khác bạn không tức giận? Vì họ không phải là mắng bạn. Họ mắng người khác, bạn không tiếp nhận, nhưng khi họ mắng bạn, bạn lại tiếp nhận về thì liền tức giận. Nếu bạn đem chính mình cũng xem thành người khác, “họ mắng người khác, không liên quan gì với ta”, vậy thì bạn sẽ không tức giận.

“Ta” là giả, danh là giả, tướng cũng là giả. Người ta mắng, người ta làm nhục, thực tế mà nói cùng với cái danh này, cái tướng này gió thổi qua tai, không hề liên quan. Đây là chân tướng sự thật. Chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật, lại đi học Phật, hiểu được một chút đạo lý thì khi họ mắng ta, ta niệm “A Di Đà Phật”, cám ơn họ đã tiêu tai giải nạn cho ta. Họ là đại thiện tri thức, đại ân nhân của chúng ta. Mỗi câu của họ đều tiêu tai giải nạn thay ta, nghiệp chướng của chúng ta sẽ được tiêu hết. Đây là thật, không phải là giả. Cho nên, bạn có thể hoan hỉ tiếp nhận, như như bất động là tiêu nghiệp chướng, còn nếu như bạn thảy đều tiếp nhận hết, khởi tâm sân hận, vậy thì bạn tạo nghiệp chướng. Một cái là tiêu nghiệp chướng, một cái là tạo nghiệp chướng, chỉ ở ngay trong một niệm. Khi chuyển đổi lại thì không những không tạo nghiệp chướng, mà trái lại còn tiêu nghiệp chướng. Phật thật có trí tuệ, Ngài dạy chúng ta tuyệt chiêu này. Cho nên, đối với tất cả oan gia trái chủ, mỗi ngày chúng ta đem công đức tu tích được hồi hướng cho họ để báo đại ân của họ. Những oan gia trái chủ này ngày ngày giúp ta tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng vô lượng vô biên của ta đã tích lũy từ vô thỉ kiếp, nay được những oan gia trái chủ này ngày ngày tiêu nghiệp thay ta. Các vị phải biết, người mà mỗi ngày tán thán bạn, tâng bốc bạn không thể tiêu được nghiệp cho bạn. Tán thán bạn nhiều thì bạn cống cao ngã mạn, lại sanh ra nghiệp chướng. “Khẩu hòa vô tranh”, chúng ta phải biết nên làm như thế nào.

  • Điều thứ năm, “Ý hòa đồng duyệt”

Bạn chân thật tu học tương ưng, như pháp thì bạn nhất định được pháp hỉ sung mãn, đời sống của bạn chân thật được an vui, chân thật “lìa khổ được vui”. Các vị phải ghi nhớ, sự an vui này không phải nói bạn được tiền của, cũng không phải nói bạn được công danh phú quý, mà sự an vui có được này cùng với công danh phú quý, tiền của không có liên quan. Nếu bạn không tin tưởng, bạn có thể đi hỏi thử những người có địa vị rất cao, những người có nhiều tiền của, xem họ có an vui không? Họ không vui, họ không dám đi trên phố một mình vì sợ người ta ám sát. Ngày ngày đề cao cảnh giác, sống trong sự lo sợ thì làm gì vui chứ? Ra cửa phải có vệ sĩ bảo vệ, bạn nói xem có đáng thương hay không? Họ làm gì được như người nghèo không có thứ gì, muốn đi đâu thì đi, rất tự tại, ai cũng không sợ, với ai cũng đều hoan hỉ. Cho nên, an vui không có quan hệ gì với những thứ này. Sự an vui chân thật là pháp lạc. Thông hiểu đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đó mới là thật an vui. Khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều có thể tương ưng với đạo lý, tương ưng với chân tướng sự thật, vậy làm sao mà không an vui?

Ý hòa đồng duyệt, mỗi người chúng ta đều y theo phương pháp lý luận cảnh giới của Kinh Vô Lượng Thọ để tu học, đều học tập Phật A Di Đà thì thật an vui. Thế xuất thế gian không có bất cứ thứ an vui nào có thể so sánh được với an vui của người niệm Phật. Tu học bất cứ pháp môn nào cũng không thể sánh được với sự an vui của pháp môn niệm Phật. Nếu bạn nói: “Tôi niệm Phật được nhiều năm đến nay, niệm rất khổ sở, không có một chút an vui nào”,  đó là do nguyên nhân gì? Vì bạn vẫn chưa vào được cửa, bạn niệm không được tương ưng; ngày ngày đọc Kinh, nhưng đạo lý trong Kinh nói bạn không hiểu, không rõ ràng, không tường tận, không thể đem những đạo lý này dùng ngay trong cuộc sống của chính mình. Có học mà không thể dùng thì cái khổ của bạn không thể lìa khỏi. Nếu như bạn có thể đem những gì đã học đều áp dụng ngay trong cuộc sống thường ngày, từng li từng tí đều có thể tương ưng với cảnh giới phương pháp lý luận của Kinh điển, thì làm gì có chuyện không an vui? Tây Phương gọi là Thế giới Cực Lạc, tuy hiện tại chúng ta chưa đến, nhưng không khí của Thế giới Cực Lạc, sự an vui của Thế giới Cực Lạc chúng ta có rồi, hiện tại liền có thể có được. Hiện tại có thể có được thì gọi là hoa báo, chứng thật quả báo thù thắng.

  • Điều sau cùng, “Lợi hòa đồng huân”

Điều này rất quan trọng. Phật nói pháp, điều quan trọng nhất là điều thứ nhất và điều sau cùng.

Lợi là gì? Lợi là phước báo cá nhân của chúng ta. “Lợi hòa đồng huân” chính là có phước cùng hưởng. Ta có phước báo thì phải cùng hưởng với tất cả mọi người, họ có phước báo thì ta không cần hưởng của họ. Ta có phước báo thì cho người ta hưởng, người khác có phước báo thì ta không nên hưởng của họ, phải nhận biết việc này. Chúng ta chỉ có bỏ ra, không hề cầu lấy thì tâm của chúng ta mới thanh tịnh, mới tương ưng. Ta có phước báo thì cung cấp cho người cùng hưởng, người khác có phước báo thì ta cũng hưởng, như vậy liền biến thành “có báo có thưởng”. Có báo có thưởng là có qua có lại, đó là làm ăn buôn bán, vậy là chưa giác ngộ. Người chân thật giác ngộ chỉ có phụng hiến, không có cầu lấy, như vậy thì tâm của bạn rất thanh tịnh, tự tại. Thực tế xin nói với các vị, chân thật có thể làm được như vậy, phước báo của bạn càng ngày càng nhiều. Vì sao vậy? Đức năng vốn đủ trong tự tánh hiện tiền, chướng ngại trong tự tánh được thanh trừ. Ta có một ý niệm muốn hưởng phước của người khác, đó là chướng ngại, là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều không còn thì phước đức của tánh hiện tiền. Chúng ta xem Thế giới Tây Phương Cực Lạc trong Kinh điển nói, Thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói, loại thù thắng trang nghiêm đó không những nhân gian không có, mà Đại Phạm Thiên cũng không có. Các vị nên biết, phước báo này của họ không phải do tu được, mà từ trong tự tánh biến hiện ra, trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ. Chỉ cần chúng ta nỗ lực làm “lợi hòa đồng tu” thì tánh đức liền có thể hiện tiền. Giả như vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn chưa đoạn, bạn tu bố thí, tu cúng dường thì có được phước không? Có thể được. Bạn có được là do tu đức cả đời này của bạn, đó không phải là phước đức trong tự tánh vốn có. Phước đức của bạn đã tu có thể báo được hết, cũng chính là có thể dùng hết. Nếu không tiếp tục tu, phước báo dùng hết rồi thì không còn nữa. Việc này chúng ta rất dễ dàng nhìn thấy được rất nhiều trong xã hội. Họ có phước báo do đời trước tu được, cả đời này họ không có tu, phước báo hưởng hết rồi thì không còn.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 25)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ