Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 358)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 358)
Chúng ta tiếp tục xem, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giải thích trong kinh Vô Lượng Thọ về phát Bồ-đề tâm. Ngài nói “Thô thích, thủ dẫn đại kinh, dĩ minh công dụng”. Đại kinh chính là chỉ bộ Kinh Vô Lượng Thọ, Ngài Tịnh Ảnh, Đạo Xước, Thiện Đạo, những vị Tổ sư Đại đức này đều gọi Kinh Vô Lượng Thọ là Đại kinh, đây là Đại kinh của Tịnh Độ tông. Tuy Đại sư Thiên Thai không gọi là Đại kinh nhưng Ngài gọi là Đại bổn, gọi kinh Di Đà là tiểu bổn. Những vị Tổ sư Đại đức này thường nói, Bồ-đề tâm thật sự là cái gốc của việc vãng sanh Tịnh Độ, là điểm khởi nguồn, chính là nguồn gốc. “Nguyên giả bổn dã, cố tri nhược bất phát thử tâm, túng nhiên cần tu, diệc tự vô nguyên chi thủy, vô bổn chi bổn, chung bất năng vãng sanh dã” (Bồ-đề tâm ấy chính là nguồn, là cội gốc của vãng sanh Tịnh-độ. Nên biết, nếu chẳng phát tâm như vậy, thì dẫu siêng tu, nhưng cũng như nước chẳng có nguồn, cây không có gốc, cuối cùng chẳng được vãng sanh). Lời nói này vô cùng quan trọng, xác thực là không những đối với việc vãng sanh, mà hễ là học Phật, trong 84.000 pháp môn thì cái gốc của pháp Đại Thừa chính là Bồ-đề tâm. Pháp Tiểu Thừa, người Tiểu Thừa không có phát Bồ-

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 358

Chúng ta tiếp tục xem, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giải thích trong kinh Vô Lượng Thọ về phát Bồ-đề tâm. Ngài nói “Thô thích, thủ dẫn đại kinh, dĩ minh công dụng”. Đại kinh chính là chỉ bộ Kinh Vô Lượng Thọ, Ngài Tịnh Ảnh, Đạo Xước, Thiện Đạo, những vị Tổ sư Đại đức này đều gọi Kinh Vô Lượng Thọ là Đại kinh, đây là Đại kinh của Tịnh Độ tông. Tuy Đại sư Thiên Thai không gọi là Đại kinh nhưng Ngài gọi là Đại bổn, gọi kinh Di Đà là tiểu bổn. Những vị Tổ sư Đại đức này thường nói, Bồ-đề tâm thật sự là cái gốc của việc vãng sanh Tịnh Độ, là điểm khởi nguồn, chính là nguồn gốc.

Nguyên giả bổn dã, cố tri nhược bất phát thử tâm, túng nhiên cần tu, diệc tự vô nguyên chi thủy, vô bổn chi bổn, chung bất năng vãng sanh dã” (Bồ-đề tâm ấy chính là nguồn, là cội gốc của vãng sanh Tịnh-độ. Nên biết, nếu chẳng phát tâm như vậy, thì dẫu siêng tu, nhưng cũng như nước chẳng có nguồn, cây không có gốc, cuối cùng chẳng được vãng sanh). Lời nói này vô cùng quan trọng, xác thực là không những đối với việc vãng sanh, mà hễ là học Phật, trong  84.000 pháp môn thì cái gốc của pháp Đại Thừa chính là Bồ-đề tâm. Pháp Tiểu Thừa, người Tiểu Thừa không có phát Bồ-đề tâm, cho nên cảnh giới cao nhất của họ chỉ có thể chứng A-la-hán, nhất định không thể minh tâm kiến tánh. Chúng ta gọi pháp giới tứ thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, A-la-hán, Bích-chi Phật, lên cao hơn nhất định là “hồi tiểu hướng đại”, chính là phát Bồ-đề tâm, vừa phát Bồ-đề tâm thì liền hồi tiểu hướng đại, chúng ta phải biết đạo lí này.

Pháp Đại Thừa được xây dựng trên nền tảng của Bồ-đề tâm, Tịnh Tông là Đại Thừa, không phát Bồ-đề tâm thì làm sao có thể thành tựu được? Trong 84.000 pháp môn của Đại Thừa vì sao hiện nay người học pháp Đại Thừa rất nhiều mà người thành tựu lại rất ít? Đọc xong đoạn khai thị này, chúng ta phải biết, chúng ta phải giác ngộ, tại sao không thể thành tựu? Do không phát Bồ-đề tâm. Hay nói cách khác, Bồ-đề tâm là chân tâm, tâm ý thức mà phàm phu dùng là tâm phân biệt, tâm chấp trước, vọng tưởng là vọng tâm không phải là chân tâm. Dùng vọng tâm thì làm sao có thể có được sự thành tựu chân thật?

Trong kinh luận nói rất nhiều về Bồ-đề tâm, trong Quán Kinh gọi là chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm; trong Khởi Tín Luận gọi là trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Thế là có người hoài nghi, từ xưa đến nay có không ít người niệm Phật không biết chữ, họ cái gì cũng chẳng biết, chỉ biết niệm một câu A Di Đà Phật. Cái gì gọi là thâm tâm, đại bi tâm thảy đều chẳng biết, tại sao những người này cũng có thể vãng sanh? Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có, trong Vãng Sanh Truyện cũng có, thực tại chúng tôi cũng gặp một số người niệm Phật, các ông cụ bà lão ở miền quê niệm Phật vãng sanh, tướng lành hiếm có, đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, biết trước giờ ra đi, không hề bị bệnh, họ cũng không nghe kinh, họ cũng chưa đọc kinh. Người ta dạy các cụ niệm một câu A Di Đà Phật, các cụ thật thà niệm Phật.

Giống như Pháp sư Đế Nhàn thời cận đại, ông thợ vá nồi niệm Phật, câu chuyện này có rất nhiều người biết. Lão Pháp sư Đàm Hư năm xưa ở Hồng Kông thường xuyên nhắc đến, khuyến khích mọi người. Ông thợ vá nồi không biết chữ, chưa từng học kinh điển, theo lão Hòa thượng Đế Nhàn xuất gia, ông là người đồng hương với lão Hòa thượng Đế Nhàn, thuở nhỏ là bạn chơi chung với nhau. Do gia đình nghèo khó nên ông không đi học, không biết chữ, ông theo lão Hòa thựơng Đế Nhàn xuất gia, lão Hòa thượng cũng không có cách nào, bèn dạy ông niệm một câu A Di Đà Phật, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ khỏe rồi thì tiếp tục niệm, tương lai sẽ có được lợi ích. Ông nghe lời, chỉ niệm một câu A Di Đà Phật này đến cùng, niệm được ba năm, ông đứng mà vãng sanh. Những người dân địa phương nhanh chóng đi báo cho Pháp sư Đế Nhàn biết: “Thưa Pháp sư, đồ đệ của Ngài đã vãng sanh rồi, đứng mà ra đi”. Lão Hòa thượng Đế Nhàn nhanh chóng trở về quê, một chuyến đi về mất ba ngày, ông ấy đã đứng ba ngày, sau khi chết vẫn còn đứng ba ngày đợi Pháp sư Đế Nhàn về lo hậu sự cho ông. Người này đâu có phát Bồ-đề tâm, vì sao ông ấy có thể vãng sanh? Bạn vừa xem thấy “thâm tâm” nói trong Tứ Thiếp Sớ, thâm tâm chính là thâm tín tâm (tâm tin sâu) thì bạn sẽ hiểu được điều này. Nếu chúng ta hỏi ông thợ vá nồi có tin là nghiệp chướng của bản thân quá sâu dày hay không? Điều này chắc chắn là có tin. Đối với sự tiếp dẫn vãng sanh của A Di Đà Phật, ông có nghi ngờ không? Không có nghi ngờ. Chỉ cần có hai sự việc này thì ông đã có thâm tín tâm (tâm tin sâu). Biết bản thân mình tội chướng sâu dày, ngoài việc niệm Phật cầu vãng sanh ra thì không còn cách nào khác có thể thoát ly biển khổ, tin sâu vào sự tiếp dẫn của A Di Đà Phật, tuyệt đối không hoài nghi, đây chính là đại Bồ-đề tâm. Ông thành tâm thành ý mà niệm thì đã có đủ chí thành tâm, có được niềm tin này vậy là có đủ thâm tâm. Kết quả ba năm niệm Phật, ông đứng an nhiên tự tại mà vãng sanh, đây chính là hồi hướng phát nguyện tâm, ông làm cho mọi người xem, để cho những người không tin bắt đầu tin, những người đã tin thì càng tin sâu hơn. Quí vị nghĩ xem, có phải là ông ấy có đủ Bồ-đề tâm hay không? Thật sự là đủ.

Bạn hãy quan sát thật kỹ những người vãng sanh, chắc chắn họ phải là người  phúc hậu, thật thà, trung hậu. Họ tự biết mình khổ, khổ là do nghiệp chướng của mình sâu dày, đời trước không có tu phước. Đối với lời dạy bảo của lão sư, lời giáo huấn của Phật-đà họ chưa được tiếp xúc, cũng chưa tiếp xúc với kinh điển, nhưng lời dạy bảo của lão sư thì họ tin sâu không hoài nghi, y giáo phụng hành nên họ thành công. Bản thân chúng ta hãy cố gắng nỗ lực, kiểm điểm lại mình, đối chiếu với họ, sở trường của họ, chúng ta có hay không? Tội nghiệp đã tạo trong đời này của chúng ta, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, nghĩ xem họ có hay không? Họ không có. Họ một lòng một dạ niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, đối với thế gian này không hề có một chút lưu luyến gì, không hề có một chút tham chấp nào, cho nên họ đã thành công.

Bất luận là tu pháp môn nào, nếu không có Bồ-đề tâm thì giống cái gì? Giống hoa cắm trong bình không có gốc, chỉ được vài hôm là chết khô. Nước không có nguồn thì nước làm sao có được, sẽ bị khô cạn. Bồ-đề tâm giống như nước suối vậy, là nước đầu nguồn; giống như gốc rễ của cây cỏ lá hoa, có nguồn, có rễ thì nó mới sống, nếu không có thì nó sẽ chết. Những năm gần đây, tôi dùng cách đơn giản nhất để giúp đỡ các đồng tu, mọi người cùng cộng tu với nhau, tôi giảng chữ Bồ-đề tâm này thành 20 chữ cho dễ hiểu. Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi là Bồ-đề tâm. Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật là Bồ-tát hạnh. Những điều tôi đã học, đã tu trong một đời là dạy mọi người không nên rời xa 20 chữ này, giảng kinh thuyết pháp cũng không rời xa 20 chữ này, ai có thể hiểu được, ai có thể nhận thức được? Người chân thật nhận thức, chân thật hiểu được không nhiều, người nhìn thấy 20 chữ này hoan hỷ tán thán thì rất nhiều, nhưng chân thật hiểu được để khế nhập thì không nhiều. Hoan hỷ tán thán trên thực tế không có được lợi ích, chân thật nhận thức, chân thật khế nhập thì bạn mới có được lợi ích lớn.

Tiếp theo, “Vân hà dĩ hạ, thân minh kỳ nghĩa, cái Bồ-đề giả giác dã, vô thượng giác tức Phật dã, thị cố Bồ-đề tức vô thượng Phật đạo chi danh” (Từ chữ ‘vì sao’ trở đi là trình bày rõ ý nghĩa. Bồ-đề nghĩa là Giác. Vô Thượng Giác chính là Phật. Vì vậy, Bồ-đề chính là tên của Phật Ðạo Vô Thượng). Bồ-đề là tiếng Phạn, là tiếng Ấn Độ cổ, dịch ra có nghĩa là giác. Bồ-đề tâm chính là tâm giác, một niệm giác thì phàm phu liền thành Phật, một niệm mê thì trở thành phàm phu. Phàm phu khác với Phật ở chỗ nào? Không có sự khác nhau, chỉ do giác và mê không đồng mà thôi, Đại sư Lục Tổ Huệ Năng đã nói rất tường tận ở trong Đàn Kinh. Người Ấn Độ gọi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là Phật, gọi Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ-tát, chỉ có Chánh Giác thì gọi là A-la-hán, A-la-hán là chánh giác. Bồ-tát là Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cho nên Bồ-đề chính là danh hiệu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Phát tâm tác Phật, tức phát khởi thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật chi tâm, cái năng phát như thị tâm giả, bổn lai thị Phật” (Phát tâm làm Phật tức là phát khởi tâm: tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Phát khởi được tâm như thế thì vốn đã là Phật. Tâm làm Phật này, chính là tâm vốn sẵn là Phật.) Đoạn khai thị này vô cùng quan trọng, mọi người nên có chí hướng như thế này thì bạn mới có thành tựu. Trước đây tôi đọc Đàn Kinh, giảng Đàn Kinh, tôi vô cùng cảm động. Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, người học Phật rất nhiều, nếu bạn hỏi họ, tại sao bạn học Phật? Tuyệt đại đa số người đến với cửa Phật là mong cầu phước báo, mong cầu thăng quan phát tài, cầu con cầu cháu, cầu được bình an, cầu khỏe mạnh sống lâu, chưa từng nghe nói “tôi học Phật là để làm Phật”. Chỉ có trong Đàn Kinh mới thấy Lục Tổ Huệ Năng đến Hoàng Mai gặp Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi Ngài, “ông đến đây làm gì?” Ngài trả lời dứt khoát, “con đến là muốn làm Phật, không cầu gì khác”, điều này thật tuyệt vời! Ngài phát tâm làm Phật, quả nhiên Ngài đạt được. Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, Ngài đã đạt được rồi. Chân tướng sự thật này chúng ta phải biết rõ ràng, thông suốt, ngày nay chúng ta không có thành tựu là không phát cái tâm này. Xuất gia rồi thì phát tâm gì? Phát tâm làm đại Pháp sư, thậm chí là muốn phát tâm đời đời kiếp kiếp tôi đều làm Pháp sư. Làm Pháp sư cũng được, có rất nhiều người cúng dường, hồ đồ cho nên mới như thế, đời này bạn làm Pháp sư, kiếp sau cũng phát nguyện làm Pháp sư, thật sự là bạn có thể làm được không? Thật sự mà nói là không thể làm được, tại sao làm không được? Nghiệp thiện ác chiêu cảm bạn có nghĩ đến hay không? Bạn làm Pháp sư, thiện niệm của bạn nhiều hay ác niệm nhiều? Không cần nói gì khác, Phật dạy chúng ta Tịnh Nghiệp Tam Phước bạn đã làm được chưa? “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, bạn đã làm được bao nhiêu rồi? “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”, bạn đã làm được mấy điều? Nếu hoàn toàn không làm được vậy thì thật là đáng sợ, sợ cái gì vậy? Lời cổ nhân nói “trước cửa đị ngục, Tăng đạo nhiều”. Cho nên bạn phải biết, Đại sư Ấn Quang vì sao cả  đời không thế phát cho ai cả, không truyền giới, không làm trụ trì, không quản lý gì cả, chấp sự trong tự viện Ngài đại khái cũng không muốn làm, Ngài làm chúng đơn thuần, là do đạo lí gì? Sau khi vãng sanh, mọi người gọi Ngài là Tổ sư, bản thân Ngài khi còn tại thế tuyệt đối không có cái ý nghĩ này. Văn Sao là từ khi Ngài còn tại thế đã cho lưu thông, lúc đó tôi cũng đọc qua Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, không phải là Đại sư mà là Pháp sư. Sau khi Ngài vãng sanh mọi người mới gọi Ngài là Đại sư, khi còn tại thế nếu có ai gọi Ngài là Đại sư thì Ngài sẽ quở trách cho một trận, gọi như vậy là quá đáng. Đại sư là dành để gọi ai? Là xưng hô với Phật, Đại Đạo Sư giảng Kinh Vô Lượng Thọ, là dùng để xưng hô với Phật. Bồ-tát cũng không dám xưng là Đại Đạo Sư, Bồ-tát được gọi là Đại Sĩ. Bạn gọi họ là Đại sư thì họ cao hơn Quán Âm, Thế Chí một bậc, có gánh vác nổi hay không? Không gánh vác nổi. Đây là kiến thức thông thường.

Hãy nghĩ xem tại sao Ấn Tổ không thế phát cho người? Bởi vì thế phát rất dễ, truyền giới cũng rất dễ, nhưng bạn xuất gia rồi không thể khiến Phật rạng ngời, nghĩa là bạn không thể làm rạng rỡ Phật môn, vậy là bạn đã gây tội lỗi rồi, bạn đã phá hoại hình tượng Phật giáo. Tư tưởng, kiến giải, lời nói của bạn làm cho xã hội đại chúng hiểu sai, “người xuất gia là hình tướng như vậy sao?”. Người ta không tôn trọng bạn chính là không tôn trọng luôn cả Phật pháp, tội lỗi này của bạn nặng biết bao nhiêu, cổ nhân nói “trước cửa địa ngục Tăng đạo nhiều” chính là cái ý này. Bạn không xuất gia thì bạn không phá hoại hình tượng của Phật, sẽ không đọa địa ngục; nếu bạn xuất gia nhưng không y giáo phụng hành thì bạn đã phá hoại hình tượng của Phật giáo rồi. Cho nên điểm này nếu bạn thật sự nghĩ kỹ thì đau xót vô cùng. Ngày nay đồng tu xuất gia, tại gia tự mình phải quay đầu, nghiêm túc kiểm điểm, ta có phá hoại hình tượng Phật giáo hay không? Nếu bản thân bạn thật sự phá hoại hình tượng Phật giáo, vậy thì bạn phải biết, bạn giống với Pháp sư Oánh Kha, chắc chắn là đọa tam ác đạo. Ngài Oánh Kha biết hoảng sợ mà quyết lòng cầu vãng sanh, không vãng sanh thì chắc chắn đọa ba đường ác, bạn không sợ bị đọa, vẫn là muốn làm gì thì làm, điều này thật nguy hiểm.

Hình tượng của Phật giáo là gì? Chúng tôi đề ra năm khoa mục, năm khoa mục này chính là hình tượng Phật giáo. Tịnh Nghiệp Tam Phước bạn đã làm được chưa, Lục Hòa bạn đã làm được chưa? Còn có Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền Thập Nguyện. Chúng tôi đề xướng năm khoa mục, đây là hình tượng Phật giáo, bản thân mình phải làm tấm gương cho mọi người xem. Những nhà tôn giáo phương Tây đã nói câu này của chúng ta là “quy tất cả vinh quang về đấng Thiên Chủ”, tất cả sự quang vinh này, người khác tán thán chính là tán thán Phật, không thể tán thán mình. Bản thân chúng ta giữ thanh quy, tuân thủ giới luật, điều này phải làm, vì đó là bổn phận, còn tất cả vinh dự là của Phật, tất cả vinh dự là của Tăng đoàn. Tăng đoàn không phải là đạo tràng của riêng mình, mà là của Phật pháp toàn thế giới, bạn phải có cái tâm lượng lớn này, không thể để Phật pháp mất thể diện. Đương nhiên những sự việc này cùng với phước báo của chúng sanh có liên quan với nhau, có liên quan với phước báo của chính bạn.

Chúng tôi ngày nay giảng kinh có truyền hình vệ tinh, có mạng Internet, đây đều không phải là ý của tôi, tôi không kêu người đi làm, là tự bản thân họ phát tâm đi làm, làm có như pháp hay không như pháp, điều này trong nhà Phật thường nói “Nhân quả của ai thì người đó chịu”. Trước đến giờ chúng tôi không hề can thiệp, tôi không ủng hộ họ, tôi cũng không can thiệp họ, nhưng chúng tôi có nghe nhiều người nói, truyền đến tai tôi nói là những người làm công việc này có lỗi với Pháp sư, tôi chỉ mỉm cười, đâu có liên quan gì với tôi, thật sự mà nói là có lỗi với Phật pháp, không phải có lỗi với Pháp sư. Chúng tôi muốn đem chánh pháp giới thiệu cho tất cả chúng sanh, phương pháp dạy học từ xa này là một phương tiện tốt. Làm thế nào mới có được công đức? Tận tâm tận lực đem nó triển khai đến tận thiện tận mỹ đó là công đức. Tuy là giới thiệu nhưng rất qua loa, so với những đài truyền hình khác thì trình độ kém quá xa, điều này vì sao vậy? Tuy là làm công việc này, nhưng bạn không tận tâm tận lực, bạn có được công đức không? Công đức rất nhỏ bé, tội lỗi thì nhiều, phải biết điều này. Không phải nói là chúng ta đang làm, bạn không tận tâm tận lực mà làm thì đó là tội lỗi, chính là đang tạo nghiệp tội. Đặc biệt là làm những công việc này, giương tấm biển hiệu lên, tất cả chi phí này là do tín đồ mười phương cúng dường, bạn không được phụ lòng họ, nếu không tận tâm tận lực thì bạn có lỗi với họ. Đối với mạng Internet, đối với truyền hình vệ tinh, tôi không đóng góp đồng nào, tôi cũng không tán thán mọi người, tôi thường nói những lời không dễ nghe, tôi làm việc của tôi, họ làm việc của họ. Nhiều năm nay, việc giảng kinh dạy học của chúng tôi thật sự đắc lực, năm xưa có băng ghi âm, về sau thì có băng ghi hình, hiện nay là đĩa CD, VCD, những thứ này có tác dụng rất lớn. Tác dụng của mạng Internet tôi biết so với truyền hình thì có tác dụng lớn hơn, bởi vì nó tiện lợi. Truyền hình vệ tinh chúng tôi nhìn thấy rất rõ ràng, khoa học kỹ thuật không ngừng tiến bộ, cách nhìn của tôi là sau năm năm, mười năm nữa truyền hình sẽ bị đào thải, thay thế vào đó là mạng Internet. Hiện nay mạng Internet có sự đột phá rất lớn, có sự tiến bộ rất lớn, những công việc này có người khác đi làm, cho nên việc lưu thông Phật pháp trước đến giờ tôi không có cái ý niệm này, người khác ưa thích thì tự mình đi lưu thông, chúng tôi không có bản quyền nên kinh sách bạn tùy ý in ấn, đĩa thì bạn copy thoải mái, chúng tôi nhìn thấy rất hoan hỷ. Vì sao hoan hỷ? Nói chung là bạn tôn trọng, nếu bạn không tôn trọng, tôi có yêu cầu thì bạn cũng không làm.

Vì vậy đối với chính mình mà nói, phải phát tâm làm Phật, đối với  xã hội mà nói, chúng ta phát tâm làm Phật sự, đây là pháp môn thù thắng chẳng gì bằng trong vũ trụ này. Sách vở, kinh điển là pháp bảo danh xứng với thực, cổ Đại đức nói với chúng ta: “Thế gian hảo ngữ Phật thuyết tận” (Những lời hay đẹp trên thế gian Phật đã thuyết hết rồi), lời nói tốt đẹp của thế gian nằm ở đâu? Đều ở trong kinh Phật, những lời nói tốt đẹp của thế xuất thế gian thì kinh Phật đã nói hết rồi. Cho nên bản thân chúng tôi đối với phương diện hoằng truyền Phật pháp thì xem trọng việc in kinh. Tôi hiểu được ý của Đại sư Ấn Quang, cả cuộc đời của Ngài là in kinh hoằng pháp. Hoằng Hóa Xã ở Tô Châu, những cúng dường của tứ chúng Ngài không dùng làm việc gì khác, chỉ dùng để in kinh. Thời đại này của chúng ta kỹ thuật in ấn phát triển, giá thành in kinh giảm rất nhiều, chúng tôi mới có cái duyên này, in được càng nhiều hơn, in càng thuận tiện hơn. Đặc biệt là hai năm nay, chúng tôi đã in 4.000 bộ Long Tạng, trước đây chúng tôi đã từng in 1.000 bộ Long Tạng hình như vào năm 1999, tặng cho Cục Tôn Giáo Đại Lục Trung Quốc 500 bộ, còn lại 500 bộ thì tặng cho nước ngoài. Việc này trước đây chúng tôi đã hợp tác với nhà in để in ấn, bởi vì lúc đó tài lực không đủ để hợp tác in ấn. Tôi đã in Đại Tạng Kinh hai lần, lúc đó một lần tôi in 400 bộ, một lần tiệm sách in 600 bộ, hai lần chúng tôi in được 800 bộ. Trước đó tôi cũng nhiều lần mua lẻ tẻ một số Đại Tạng Kinh để tặng kết duyên với mọi người, tổng cộng lại cũng hơn 6.000 bộ, ngoài ra thì còn có rất nhiều loại kinh sách khác, chúng tôi cũng không có thống kê. Đặc biệt là 4.000 bộ gần đây in rất đẹp, cho dù là giấy rời đóng thành sách tôi cũng rất hài lòng, vượt trội hơn mười mấy lần trước in Đại Tạng Kinh ở Đài Loan, lần in này thật sự là đủ trình độ, làm cho mọi người nhìn thấy liền sanh tâm hoan hỷ, so với năm 1999 thì tiến bộ hơn rất nhiều.

Cổ Đại đức nói với chúng ta một sự việc mà bạn cho là truyền thuyết cũng được, bạn cho là sự thật cũng được. Trước đây Đại Tạng Kinh ở trong tự viện đều là khắc trên gỗ, sách buộc bằng chỉ, quyển kinh được gấp lại, cho nên mỗi năm đều phải phơi nắng một lần để đề phòng mối mọt, có thể gìn giữ được tốt hơn. Trong lúc phơi kinh có một con trâu đi ngang qua chỗ đó, nó đi quanh và ngửi ngửi quyển kinh này, sau khi con trâu này chết, kiếp sau nó đầu thai làm người, cũng trở thành đại Pháp sư, có duyên tiếp xúc với kinh điển thì có công đức thù thắng như vậy. Bậc tiền bối thường nói với chúng ta, chỗ nào có Đại Tạng Kinh thì được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ. Cho nên rất nhiều người đều biết dùng Đại Tạng Kinh làm bảo vật để trấn trong chùa của mình, cho dù là có người xem hay không, có người đọc hay không nhưng trong ngôi chùa này của tôi có một bộ Đại Tạng Kinh, trước đây như vậy là quá tuyệt vời rồi. Tôi vẫn nhớ lúc còn nhỏ, tôi là người An Huy, lúc đó tôi khoảng mười mấy tuổi, cả một tỉnh chỉ có một bộ rưỡi Đại Tạng Kinh, một bộ đã hoàn chỉnh, một bộ chưa hoàn chỉnh, cả một tỉnh chỉ có nhiêu đó. Vì vậy nếu một người trong nhà có một bộ Đại Tạng Kinh thì đó là một                                                                                                                                                              việc không thể. Hiện nay chúng tôi lại có thể có cái duyên này, có thể in trên 6.000 bộ Đại Tạng Kinh để tặng, điều này trước đây ngay cả vua cũng không làm được. Vì vậy Đại sư Thiện Đạo mói nói “đều là do gặp duyên không đồng”, điều này phải nên biết.

Chúng ta ngày nay biết được, tai nạn ở thế gian này rất nhiều, có nhiều người đến hỏi tôi: “Thưa Pháp sư, chúng ta phải làm sao có thể tiêu tai giải nạn, giữ được bình an?” Tôi liền nghĩ đến việc in Đại Tạng Kinh, là do cái động cơ này, chỉ có kinh điển như thế này mới thật sự có được sự hộ niệm của chư Phật, long thiên thiện thần gia hộ. Nếu ở khu vực này có vài bộ Đại Tạng Kinh thì ở khu vực này tai nạn lớn thật sự sẽ trở thành tai nạn nhỏ, tai nạn nhỏ sẽ trở thành không có tai nạn, có thể hóa giải tai nạn, thời gian bị tai nạn sẽ ngắn lại. Cho nên tôi ở Hồng Kông, Hồng Kông tính ra cũng không tệ, thành phố này có ba mươi mấy bộ Đại Tạng Kinh, phân chia cho các ngôi chùa, các trường học cất giữ. Sự việc này đệ tử Phật chắc chắn tin tưởng, người thế gian thông thường, bạn nói với họ, họ cho là mê tín, họ không tin, nhưng hiện nay có chứng cứ khoa học, là chứng cứ gì vậy? Thí nghiệm của tiến sĩ Giang Bổn Thắng là chứng cứ, bạn thấy dùng một ly nước, để ly nước này lên trên quyển kinh thì kết tinh của nó đẹp vô cùng. Vì vậy bạn có thể nói bộ kinh đang ở trong vùng này thì từ trường của vùng này sẽ thay đổi, đây là chứng minh của khoa học, vô lượng công đức. Nếu có người đọc tụng Đại Tạng Kinh, có người thọ trì, có người y giáo phụng hành thì cái lực này càng thêm lớn, càng mạnh hơn. Trong vùng đó không cần nhiều người, chỉ cần có 2-3 người thọ trì Đại Tạng Kinh thì công đức thù thắng vô cùng, là thiện trong thiện, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, lý này rất là sâu.

Cúng tôi đã tiếp nhận sự hun đúc của Phật pháp 55 năm rồi, không phải là thời gian ngắn, 55 năm học tập, 55 năm kinh nghiệm, tin sâu không hoài nghi, sự thọ dụng không thể nghĩ bàn, hầu như là xoay chuyển 100% nghiệp lực của bản thân mình. Trước khi tiếp xúc với Phật pháp thì đã tạo tác rất nhiều nghiệp bất thiện, những loại quả báo của bất thiện nghiệp đó vô cùng đáng sợ, sau khi học Phật thì bắt đầu chuyển dần dần, 10 năm thì thấy được kết quả. Tốc độ chuyển của tôi chậm cũng bởi vì tập khí rất nặng, sau 20 năm thì kết quả vô cùng thù thắng. Sự tu học này, tôi được lợi ích từ sự khải thị của Liễu Phàm Tứ Huấn. Lúc tôi chưa tiếp xúc với Phật pháp, lão cư sĩ Châu Kính Trụ cho tôi quyển Liễu Phàm Tứ Huấn, tôi xem mà vô cùng cảm động, tự nghĩ bản thân mình, tập khí của tiên sinh Liễu Phàm thì tôi hầu như có đủ, còn ưu điểm của tiên sinh Liễu Phàm thì tôi không có. Đây là do nhân quả của việc giáo dục. Sau khi đọc xong tôi mới thật sự phát tâm làm người tốt, y theo kinh điển của Phật mà nghiêm túc học tập, may mà duyên của mình rất thù thắng, gặp được lão sư tốt, đây là mấu chốt. Nếu bạn không có cao nhân chân thật chỉ dạy thì thật sự là tu mù luyện quáng, không dễ dàng gì được thành tựu. Gặp được thiện tri thức thì mấu chốt của thành bại là do chính mình. Thái độ học tập vô cùng quan trọng, câu đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước là “phụng sự sư trưởng”. Đại sư Ấn Quang nói “một phần thành kính thì được một phần lợi ích, mười phần thành kính thì được mười phần lợi ích”. Bạn có mấy phần tâm thành kính, bạn có mấy phần tâm cung kính thì lợi ích thọ dụng đều là từ nơi chân thành cung kính mà có được. Nếu bạn có được chân thành cung kính thì cảnh giới của bạn là khắp tất cả pháp, không phải tôi cung kính với Phật, tôi cung kính vói lão sư, còn đối với mọi người thì tôi không cung kính, vậy là sai rồi. Không cung kính với mọi người chính là không cung kính vói Phật, chính là không cung kính với lão sư, phải nên hiểu đạo lí này. Tất cả đều phải cung kính, đối nhân xử thế tiếp vật chỉ với một tâm thái, không có hai ý, đây mới là chân thật cung kính Phật. Chân thật cung kính lão sư, người hiểu được đạo lí này không nhiều, cho nên sự thành tựu của họ không lớn, họ không biết được cung kính tất cả. Ngay cả nhà Nho, bạn xem câu nói đầu tiên của “Khúc Lễ” trong Lễ Ký là: “Khúc Lễ viết, vô bất kính” (Khúc Lễ nói không được bất kính), đây là đạo lí căn bản làm người trong pháp thế gian, đối với người phải kính, đây là tánh đức. Bạn không kính thì bạn đã thể hiện sự ngạo mạn, chúng tôi gọi là khinh thường người, chính là xem thường, cống cao ngã mạn. Nếu có cái thái độ này thì tất cả thiện pháp bạn đều không thể tiếp nhận được, kháng cự lại, bài trừ tất cả thiện pháp, vậy thì những thứ bạn tiếp xúc đều là ác pháp. Chúng ta học Phật, đã học nhiều năm như vậy mà không thành tựu thì không thể trách người khác, không thể trách kinh điển, trách bản thân mình không khéo học, không biết học, học sai lầm. Không những không có được lợi ích mà còn học ra cả người đầy nghiệp tội, nghiệp tội gì vậy? Hủy báng Phật pháp, gây trở ngại cho Phật pháp, đối với chúng sanh mà nói là hướng dẫn Phật pháp sai lầm, cái tội này rất nặng, đã phá hoại hình tượng Phật pháp, làm cho mọi người vừa nhìn thấy liền nghĩ “học Phật là như vậy sao”, người ta liền mất niềm tin. Việc này thật sự là có, tôi đã gặp không ít, có cả những người rất nhiệt tâm đến cửa Phật, sau mấy hôm thì họ không đến nữa. Bạn nói xem tội này nặng bao nhiêu, bạn làm một người thoái tâm, bạn làm cho một người hoài nghi, bạn làm cho người này hủy báng, trách nhiệm nhân quả ai chịu đây? Điều này không thể không biết.

Bây giờ thời gian hết rồi, hôm nay chúng tôi giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 358)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ