Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 351)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 351)
Kính thưa chư vị đồng tu, xin mời xem Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, phần Tam Bối Vãng Sanh, phẩm thứ 24. Kinh Vô Lượng Thọ từ lúc bắt đầu giảng đến hiện giờ thời gian cũng rất dài, có lúc ngừng có lúc giảng, cũng giảng được rất tường tận, chúng tôi đã tốn không ít thời gian. Lần này ở học viện Towoomba chúng tôi tiếp tục giảng bộ kinh này, cho nên lần này chúng tôi bắt đầu giảng phẩm thứ 24 Tam Bối Vãng Sanh. Phẩm kinh này vô cùng quan trọng. Chúng ta đều biết đại kinh của Tịnh Tông chính là Kinh Vô Lượng Thọ, cổ Đại đức thường nói phẩm thứ sáu về 48 lời nguyện của A Di Đà Phật là quan trọng nhất, Tịnh Tông xác thực là lấy 48 lời nguyện làm trung tâm. Ngoài đoạn kinh này ra, những đoạn kinh khác cũng rất quan trọng, đó là phẩm 24 và phẩm 25. Phẩm 24 là Tam Bối Vãng Sanh, phẩm 25 là Vãng Sanh Chánh Nhân. Nói cách khác, chúng ta phải làm thế nào để trong một đời này thật sự vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật. Phương pháp nằm ở trong hai đoạn kinh này, cho nên cổ Đại đức đã chú giải hai đoạn kinh này đặc biệt nhiều, đặc biệt tỉ mỉ. Hiếm có là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã sưu tập những chú giải của cổ Đại đức, hội tập vào trong chú giải Kinh

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 351

 

Kính thưa chư vị đồng tu, xin mời xem Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, phần Tam Bối Vãng Sanh, phẩm thứ 24.

Kinh Vô Lượng Thọ từ lúc bắt đầu giảng đến hiện giờ thời gian cũng rất dài, có lúc ngừng có lúc giảng, cũng giảng được rất tường tận, chúng tôi đã tốn không ít thời gian. Lần này ở học viện Towoomba chúng tôi tiếp tục giảng bộ kinh này, cho nên lần này chúng tôi bắt đầu giảng phẩm thứ 24 Tam Bối Vãng Sanh. Phẩm kinh này vô cùng quan trọng.

Chúng ta đều biết đại kinh của Tịnh Tông chính là Kinh Vô Lượng Thọ, cổ Đại đức thường nói phẩm thứ sáu về 48 lời nguyện của A Di Đà Phật là quan trọng nhất, Tịnh Tông xác thực là lấy 48 lời nguyện làm trung tâm. Ngoài đoạn kinh này ra, những đoạn kinh khác cũng rất quan trọng, đó là phẩm 24 và phẩm 25. Phẩm 24 là Tam Bối Vãng Sanh, phẩm 25 là Vãng Sanh Chánh Nhân. Nói cách khác, chúng ta phải làm thế nào để trong một đời này thật sự vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật. Phương pháp nằm ở trong hai đoạn kinh này, cho nên cổ Đại đức đã chú giải hai đoạn kinh này đặc biệt nhiều, đặc biệt tỉ mỉ. Hiếm có là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã sưu tập những chú giải của cổ Đại đức, hội tập vào trong chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, đối với hậu học chúng ta mà nói thì tiện lợi vô cùng. Bây giờ chúng ta xem đoạn kinh văn này, đoạn kinh văn thứ nhất “Tổng tiêu tam bối” ở trong Khoa Phán trang thứ 49.

Phật cáo A-nan, thập phương thế giới, chư thiên nhân dân, kỳ hữu chí tâm, nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu tam bối.”

Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ vừa mở đầu đã nói, phẩm kinh phía trước tên là “Thập Phương Tán Thán” (mười phương tán thán), Kinh A Di Đà thì nói sáu phương. Quí vị phải biết bản dịch Kinh A Di Đà của Đại sư La-thập là ý dịch, không phải là trực dịch, nên rất thích hợp với người Hoa, còn bản dịch Kinh A Di Đà của Đại sư Huyền Trang là trực dịch, cho nên bản dịch của Đại sư Huyền Trang là mười phương Phật. Đại sư La-thập dịch là sáu phương đã lược bỏ tứ duy. Tứ duy, tứ phương và trên dưới là mười phương. Cổ Đại đức dịch kinh thể lệ không giống nhau, tuy 10 phương và 6 phương dường như có khác biệt trên hình thức, nhưng trên thực tế thì không có khác biệt. Trên thực tế 10 phương chính là 6 phương, 6 phương chính là 10 phương, hoàn toàn không khác biệt.

 Mục đích chính là mười phương chư Phật khuyên dạy, Phật đã chứng được quả vị viên mãn, Ngài chỉ có một nguyện vọng là mong muốn tất cả chúng sanh chứng được cứu cánh viên mãn giống như Ngài, đây là tâm Phật. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh vốn là Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, vì sao chúng ta hiện nay lại trở thành chúng sanh, trở nên đáng thương như vậy? Nguyên nhân này được Thế Tôn nói rất rõ ràng trong Kinh Hoa Nghiêm, nguyên nhân xác thực là chính mình đã mê mất đi tự tánh, không thể trách người khác. Trong phẩm “Xuất Hiện”, Phật nói rất rõ ràng, “tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”. Trí huệ là thứ quan trọng nhất, chúng ta biết Như Lai có trí huệ cứu cánh viên mãn, Phật nói tất cả chúng sanh ai ai cũng có, so với Phật chẳng kém chút nào. Vì sao hiện nay bạn lại không có trí huệ? Bạn đã mê mất tự tánh nên trí huệ biến thành phiền não. Kinh Vô Lượng Thọ thường nói “phiền não tức Bồ-đề”, ý nghĩa của lời nói này rất sâu. Đã giác ngộ rồi thì vô lượng vô biên phiền não biến thành trí huệ, cho nên phiền não và trí huệ là một thể mà hai mặt, bạn có thể chuyển trở lại, chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ.

Phật pháp chú trọng ở khai ngộ, những lời giáo huấn của Thánh nhân phương Đông đều xem trọng ngộ tánh, kể cả nhà Nho cũng không ngoại lệ. Lúc chúng tôi còn nhỏ đi học thường nghe giáo viên thảo luận, giáo viên đang nói chuyện chúng tôi ở bên ngoài nghe được, học sinh nào có ngộ tánh, học sinh nào học còn kém một chút. Do vậy mới biết, giáo viên ở trong trường quan sát học sinh cũng xem trọng ngộ tánh, vì vậy khai ngộ rất quan trọng. Phải làm như thế nào mới có thể khai ngộ? Vậy thì bạn phải hiểu được tam học Giới Định Huệ “nhân giới được định, nhân định khai huệ”.

Nền giáo dục phương Đông vô cùng xem trọng sự định tĩnh, nhà Nho có nói “tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự”. Lự chính là trí huệ dần dần hiện tiền, tĩnh sau đó có thể an, chúng ta gọi là tâm an, không khai ngộ thì tâm làm sao an được. Lự thì sau đó có thể đắc, đắc này chính là chứng quả, đắc đạo, chúng ta phải biết đạo lý này. “Tri chỉ” là giới luật, bạn xem trong giới luật của nhà Phật có chỉ trì, có tác trì. Trước tiên tu chỉ trì, ngũ giới, thập thiện đều thuộc về chỉ trì. Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, chữ “không” này chính là chỉ trì. Tri chỉ thì sau đó có định, tâm của bạn mới có thể định lại được, có định thì mới có huệ. Chữ “Thiền” phiên dịch sang Trung Văn thì gọi là tĩnh lự, tĩnh chính là định. Cái định này của lự không phải là cái định chết mà là định sống. Vì sao vậy? Vì trong định có quán, có chiếu. Trong Phật môn gọi là “quán chiếu”, nhà Nho gọi là “lự”. Chữ “lự” này là chánh tri chánh kiến,  không phải tà tri tà kiến. Vì vậy trong sách Đại Học của nhà Nho vẫn có tam học Giới Định Huệ. Do vậy mới biết, bạn không trì giới thì bạn không thể được định, bạn không được định thì trí huệ của bạn không hiện tiền, bạn có học nhiều hơn nữa, có học giỏi hơn nữa, cũng chẳng qua là “kí vấn chi học” (học kiểu ghi nhớ kiến thức). Cho dù bạn có nhớ được nhiều, học được nhiều cũng không khai trí huệ. Nhà Nho nói rất hay “kí vấn chi học bất túc dĩ vi nhân sư dã” (lối học ghi nhớ kiến thức không đủ để làm thầy của người khác). “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, điều này bạn không làm được. Vì sao vậy? Vì bạn không sửa được khuyết điểm tập khí, thế nên trì giới là quan trọng hơn tất cả.

Hiện nay nói đến trì giới, đây thật sự là một chuyện khó, khó ở chỗ nào? Vì những tập khí bất thiện đã được huân tập, hơn nữa những tập khí này rất sâu dày, không dễ gì sửa đổi. Những tập khí này đã làm chướng ngại cái định của bạn, tự nhiên sẽ chướng ngại sự khai huệ của bạn, định và huệ đều bị chướng ngại. Nếu chúng ta muốn thành tựu cho chính mình, đặc biệt là hy vọng ngay trong đời này được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, thân cận A Di Đà Phật, nếu bạn không y giáo tu hành thì làm sao bạn vãng sanh được. Cho nên ngày nay chúng ta không thể tự dối gạt mình, không thể che giấu người khác, phải nên nói thật, bất luận là tại gia hay xuất gia, thập thiện nghiệp có làm được hay chưa? Chưa làm được thập thiện nghiệp đạo thì tam qui ngũ giới là giả. Tam qui là giác mà không mê, còn chúng ta thì như thế nào? Là mê mà không giác. Chánh mà không tà, còn chúng ta là tà mà không chánh. Tịnh mà không nhiễm, còn chúng ta thì nhiễm mà không tịnh. Sự thật này bày ra trước mặt chúng ta, chúng ta phải thừa nhận, biết lỗi thì phải sửa. Nếu không chịu thừa nhận thì cả cuộc đời của bạn vĩnh viễn không có hi vọng sửa chữa lỗi lầm, hay nói cách khác, là vẫn tiếp tục đi trong luân hồi, tiếp tục chịu khổ. Cho nên phải giác ngộ, muốn giác ngộ thì nhất định phải trì giới.

Vì sao Thập Thiện lại khó như vậy? Thập Thiện cần phải có nền tảng. Chúng tôi mấy năm gần đây đề xướng Đệ Tử Quy, Đệ Tử Quy là nền tảng của thập thiện, đã có nền tảng của Đệ Tử Quy rồi thì học Thập Thiện không khó. Cho nên tôi hi vọng chư vị đồng tu phải giác ngộ, bất luận là mới tu hay là đã tu lâu, tu lâu mà công phu không đắc lực thì nên học bổ túc Đệ Tử Quy. Nhất định phải yêu cầu bản thân mình thực hiện Đệ Tử Quy được 100%. Không cần yêu cầu người khác, người khác có làm được hay không chẳng liên quan gì với ta, ta thì phải làm cho được, như vậy mới đúng.

Có nhiều đồng tu hỏi tôi, họ muốn thân cận với một vị thiện tri thức để tu học cho tốt. Sự việc này phải có đủ duyên, có đủ duyên thì sẽ gặp được. Học trò gặp được một vị thầy tốt là do duyên phận, vị thầy tốt gặp được học trò tốt cũng là duyên phận. Thực tế mà nói từ xưa tới nay việc này rất hiếm có. Thế nhưng bản thân chúng ta tu học nếu muốn thành tựu, then chốt không ở chỗ này, then chốt là chính mình biết được cách học như thế nào. Chúng tôi gần đây giảng Kinh Hoa Nghiêm, phẩm “Tịnh Hạnh” có một câu khai thị của Bồ-tát Văn Thù: “Nếu chư Bồ-tát khéo dùng tâm này thì được tất cả công đức thù thắng”. Câu nói này vô cùng quan trọng, biết khéo dùng tâm này thì bạn sẽ thành tựu. Nhà Nho có một thí dụ rất hay, năm xưa khi Khổng Tử còn tại thế, Ngài có 3.000  đệ tử, 72 hiền nhân, trong số 3.000 đệ tử này thì có 72 vị là nhân vật kiệt xuất, nhưng người thật sự truyền pháp của Khổng Tử không phải là các vị đó, ngay cả 72 vị hiền nhân cũng không truyền pháp của Khổng Tử. Vậy ai là người truyền pháp của Khổng Tử? Là Mạnh Tử. Mạnh Tử và Khổng Tử cách nhau một đời, khi Mạnh Tử được sinh ra thì Khổng Tử đã qua đời rồi. Mạnh Tử thì như thế nào? Là “khéo dụng tâm này”. Ngài học theo Khổng Tử, tuy Khổng Tử không còn nhưng Ngài có để lại sách vở, vào thời đó sách vở không giống với sách vở thời của chúng ta hiện nay, thời đó là dùng thẻ tre. Mạnh Tử có được những sách vở đó thì rất chăm chỉ học tập, chỗ nào không hiểu thì ông tìm học trò của Khổng Tử, lúc đó học trò của Khổng Tử vẫn còn nhiều vị tại thế, ông thỉnh giáo với họ. Cho nên Mạnh Tử là người truyền pháp của Khổng Tử, ông không phải là học trò của Khổng Tử. Khổng Tử ở Trung Quốc được đại chúng tôn xưng là Chí Thánh, còn Mạnh Tử thì được tôn xưng là Á Thánh. Lúc đó 72 vị hiền nhân của Khổng Tử vẫn kém hơn Mạnh Tử. Điều này đã nói rõ việc gì? Là khéo học, bạn biết học thì bạn sẽ học được, không cần thiết phải ở bên cạnh thầy. Những điều thầy dạy bạn nên ghi nhớ, những điều thầy nói bạn có thể lí giải, sự lí giải của bạn có độ sâu nhất định, sau đó bạn đem những lời thầy đã dạy làm thành tư tưởng kiến giải, hành vi cuộc sống của chính mình thì bạn sẽ thành công.

Ngày nay chúng ta muốn học Phật, thực tế mà nói, một bộ Kinh Vô Lượng Thọ có thể đại biểu cho toàn bộ Phật pháp. Sự thật này bạn phải nên hiểu. Vào thời đại Tùy Đường, các vị cao Tăng trong và ngoài nước, thời đó có rất nhiều vị cao Tăng từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc tham học. Có một giai đoạn các vị đó cùng nhau nghiên cứu thảo luận, năm xưa Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế đã giảng kinh thuyết pháp 49 năm, trong 49 năm Ngài đã thuyết pháp rất nhiều, bộ kinh nào là quan trọng nhất, có thể làm đại biểu cho tất cả kinh mà Phật đã thuyết trong 49 năm? Kết quả của sự nghiên cứu, hầu như mọi người đều công nhận là bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.

Lúc tôi mới bắt đầu học Phật, Ngài Phương Đông Mỹ giới thiệu cho tôi bộ kinh này, Ngài nói với tôi đây là khái luận của kinh Phật, là triết học kinh Phật, là khái luận triết học của kinh Phật. Ngài nói hay vô cùng, tất cả sách triết học trên toàn thế giới, không tìm ra được một quyển nào hay như vậy. Trong bộ kinh này có những lí luận viên mãn, có những phương pháp rất tinh tế, có lí luận có phương pháp, phần sau còn kèm thêm sự biểu diễn, 53 lần tham vấn là biểu diễn. Phương pháp biên soạn này ở trên thế giới không tìm ra được bộ thứ hai. Ngài giới thiệu cho tôi bộ kinh này, cho nên lúc mới tiếp xúc với Phật pháp, trong quan niệm của tôi, kinh Phật là triết học. Sau này tôi theo học với Đại sư Chương Gia, với lão sư Lý, từ Phật học mới chuyển thành học Phật. Phương hướng của Thầy Phương Đông Mỹ là học Phật.

Phật học và học Phật là hai sự việc. Trước kia tôi không biết, khi theo học với lão sư Lý thì Ngài mới đem sự việc này giảng rõ ràng, giảng tường tận cho tôi. Phật học là xem Phật pháp như là một môn học vấn để nghiên cứu, hoàn toàn không nghiêm khắc yêu cầu bản thân mình phải làm cho được, cho nên không có sự ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, lời nói việc làm trong thực tế của chính mình. Nhưng học Phật thì khác hẳn, học Phật là gì? Là chúng ta phải học theo Thích-ca Mâu-ni Phật, phải học giống như Ngài vậy. Ngày nay Thích-ca Mâu-ni Phật đã giới thiệu A Di Đà Phật cho chúng ta, Ngài không cần chúng ta học theo Ngài mà Ngài muốn chúng ta học theo A Di Đà Phật. Trong Kinh Vô Lượng Thọ Ngài đã tán thán A Di Đà Phật đến chỗ cùng cực, dụng ý này sâu vô cùng. Ngài tán thán A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, sự tán thán của Phật Thích-ca chính là đại diện cho mười phương ba đời tất cả chư Phật, Phật Phật đạo đồng. Tám chữ này thù thắng vô cùng, không thể nghĩ bàn, những người học Phật không thể không biết, không thể không ghi nhớ. Cũng chính là nói mười phương ba đời tất cả chư Phật đều khuyên chúng ta học theo A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở đâu? Ở trong bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, cho nên bạn thật sự học tập theo Kinh Vô Lượng Thọ thì mục tiêu của bạn trong tương lai sẽ thành tựu, là “Phật trung chi vương, quang trung cực tôn”. Theo phương hướng này, theo mục tiêu này mà tiến lên, nhất định phải y giáo phụng hành.

Phần trước Phật đã dạy chúng ta phải bắt đầu từ chỗ khéo giữ ba nghiệp. Khéo giữ ba nghiệp thì Phật xếp khẩu nghiệp đứng đầu, thân nghiệp xếp thứ hai, thứ tự này khác với những bộ kinh mà Phật đã nói. Những bộ kinh khác xếp thân nghiệp đứng đầu, khẩu nghiệp xếp thứ hai, ý nghiệp xếp thứ ba, “thân khẩu ý” ba nghiệp. Còn trong bộ kinh này thì không phải như vậy, trong bộ kinh này là “khẩu thân ý”, dụng ý rất sâu. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, khuyết điểm dễ phạm nhất là khẩu nghiệp. Sự dạy bảo của cổ Đức cũng vô cùng xem trọng việc này, có câu “bịnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Khổng Tử dạy học có bốn khoa, thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là lời nói, bạn liền biết Ngài xem trọng khẩu nghiệp đến chừng nào. Điều này cùng với dụng ý trong  Kinh Vô Lượng Thọ là như nhau. Sự giáo học của Thánh nhân đối với lời nói cũng rất xem trọng, “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Trong Đệ Tử Quy có nói, nói lỗi người khác chính là ác, khen điều thiện của người tức là thiện. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không thể không kiểm điểm, thấy người khác có lỗi lầm thì không được nói. Vậy phải làm như thế nào? Sau khi nhìn thấy thì hãy quay lại xem xét chính mình, phải phản tỉnh mình có phạm lỗi như vậy không? Có thì phải sửa đổi, không có thì phải tránh. Nếu chúng ta có lỗi lầm thì phải nhanh chóng sửa đổi, chúng ta không có lỗi lầm này thì chúng ta phải tự khuyên bảo mình không nên phạm lỗi lầm này. “Trong ba người cùng đi, ắt có một vị là thầy ta”, ba người là những ai? Bản thân ta là một, một người thiện, một người ác. Người thiện thì chúng ta phải học theo họ, thấy người ác thì chúng ta phải biết sửa đổi lỗi lầm, chúng ta không nhìn thấy được lỗi lầm của chính mình, nhưng dễ dàng nhìn thấy lỗi lầm của người khác, người khác là cái gương để chúng ta soi, nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì phải lập tức nghĩ bản thân ta có hay không? Những người tạo tác tội lỗi chính là thiện tri thức của ta, là bạn lành của ta. Vì sao vậy? Vì khi ta nhìn thấy thì ta liền phản tỉnh, ta có được lợi ích, nếu ta đem lỗi lầm của họ để trong tâm, còn thường xuyên đi khắp nơi tuyên truyền, vậy là quá sai lầm rồi, chúng ta đã phạm lỗi quá nặng. Thế nên khẩu nghiệp được xếp thứ nhất, giữ khẩu nghiệp là không nói dối, là sự chân thành trong tâm Bồ-đề. Chân thành bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ không nói dối; không lưỡng thiệt, lưỡng thiệt là khiêu khích thị phi. Trong khiêu khích thị phi thì có ý và vô ý, các đồng tu học Phật của chúng ta có ý thì ít, sẽ không làm; vô ý có lẽ là nhiều, vô ý nói sự đúng sai của người, phê bình người khác đó chính là lưỡng thiệt. Không ỷ ngữ, không ác khẩu.

 “Khéo giữ thân nghiệp, không mất luật nghi”, điều này là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. “Khéo giữ ý nghiệp” là không tham, không sân, không si, đây là mười nghiệp thiện. Bạn muốn tu Tịnh Độ thì phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ mười thiện nghiệp. Quí vị nên biết, mười thiện nghiệp ngày nay của chúng ta phải dùng Đệ Tử Quy để hỗ trợ, để giúp đỡ, hi vọng chúng ta trong một năm phải thực hiện thập thiện nghiệp, thực hiện thập thiện nghiệp chính là thực hiện Đệ Tử Quy, chúng ta đối với pháp tu Tịnh Độ thì đã có nền tảng, hay nói cách khác, những điều kiện cơ bản chúng ta đã có đủ. Nếu chúng ta không có nền tảng của Thập Thiện Nghiệp, của Đệ Tử Quy thì việc cầu sanh Tịnh Độ không phải là chuyện dễ.

Đoạn kinh văn này vừa mở đầu, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói rất hay, chúng tôi xin đọc đoạn chú giải này, những chỗ quan trọng chúng tôi sẽ nêu lên, những chỗ không quan trọng thì quí vị tự xem là được rồi. Ngài nói “kim phẩm” tức là phẩm này, “tắc luận vãng sanh giả nhân hạnh chi loại thứ, cái dĩ phàm phu văn danh hậu, tín nguyện hữu thâm thiển bất đồng, phát tâm hữu đại tiểu bất đồng, trì tụng hữu đa thiểu bất đồng, tu tập hữu cần nọa chủng chủng chi bất đồng” (Bàn về những người vãng sanh thì tùy theo công hạnh mà phân ra thứ loại, bởi vì phàm phu sau khi nghe danh thì tín nguyện có sâu cạn không như nhau, phát tâm có lớn nhỏ không như nhau, trì tụng có nhiều ít không giống nhau, việc tu tập cũng có sự chuyên cần giãi đãi không như nhau). Đoạn chú giải này rất quan trọng, liên quan đến đời này của chúng ta có thể vãng sanh hay không? Chúng ta phải thường nghĩ xem, tín nguyện của bản thân mình có đạt được tiêu chuẩn vãng sanh hay không? Có nhiều vị đồng tu niệm Phật, tín tâm thì lúc có lúc không, có lúc tín tâm hình như rất dũng mãnh, khi gặp phải sự trắc trở thì tín tâm hoàn toàn mất hết, điều này không thể vãng sanh vì không chịu nổi sự thử thách. Bất luận ở trong tình huống nào, thuận cảnh hay nghịch cảnh, tín tâm phải kiên cố.  Kinh Kim Cang có nói “tín tâm thanh tịnh ắt sanh thật tướng”, trong Tịnh Độ Tông của chúng ta nói “tín tâm thanh tịnh được cảm ứng”, không cần cầu cảm ứng, cảm ứng cũng tự nhiên hiện tiền. Cho nên tín tâm thanh tịnh, tín tâm kiên cố. Học tập thì phải nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, phải khéo dùng tâm này, điều này quan trọng hơn tất cả. Vì sao vậy? Vì trong thời đại hiện nay, bạn muốn có một vị lão sư tốt là chuyện không phải dễ, muốn có những bạn đồng tu tốt cũng không phải chuyện dễ, muốn có một hoàn cảnh tu hành lí tưởng cũng không phải là chuyện dễ, điều này thuộc về có thể gặp mà không thể cầu. Thật sự gặp được thì bạn phải có huệ nhãn, bạn phải nhìn cho rõ ràng thì mới nương theo.

Ngay cả Phật Bồ-tát, các vị Thánh Hiền trong và ngoài nước ở thời đại này cũng bị nhiều người hủy báng. Sau khi bạn nghe thì có động tâm không? Chúng ta thân cận với một vị lão sư, với một thiện tri thức, tôi tin rằng bạn đã nghe có không ít người hủy báng lão sư của quí vị. Ba vị lão sư của tôi, chính tôi đã từng trải qua, đã có kinh nghiệm, khi tôi thân cận với lão sư Phương, những người hủy báng lão sư Phương cũng không ít, thường xuyên ở bên cạnh tôi mà nói, đó là những người nào vậy? Là những người đồng hương, người cùng quê. Sau khi nghe được, niềm tin của tôi có lay chuyển không? Nói cho quí vị biết là không bao giờ, nếu tôi thay đổi niềm tin thì lúc đó đã bỏ thầy ra đi rồi, như vậy sẽ chẳng học được điều gì. Chúng ta phải có niềm tin, cổ nhân đã dạy cho chúng ta, “sĩ biệt tam nhật”, nghĩa là người đi học xa cách ba ngày không thấy mặt thì sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt khác, cho dù ba ngày trước họ có lỗi nhưng hiện nay đã sửa lỗi rồi, sửa đổi lỗi lầm thì họ là người thiện. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật dạy cho chúng ta, “không nhớ ác cũ, không ghét người ác”. Lời của những người đồng hương này nói là lúc lão sư còn ở quê nhà, họ nói lúc lão sư còn trẻ có nhiều việc bất thiện, có nhiều việc không có đạo đức, lúc tôi theo lão sư học thì Ngài đã bốn mươi mấy tuổi rồi, tôi không thấy lỗi lầm của lão sư, lão sư rất ân cần dạy bảo tôi, tôi rất biết ơn lão sư. Những người phê bình lão sư, thời gian gần đây họ đâu có gặp lão sư, không tiếp xúc với lão sư, chỉ là nghe những người đồng hương trước đây đồn đãi, đó là chuyện của hai ba mươi năm về trước, làm sao chúng tôi có thể tin được, làm sao có thể bị dao động được? Phải biết được đạo lý này. Làm người thiện, người tốt thì rất khó, từ xưa đến giờ, những người chuyên hủy báng, những người đố kị, những người gây trở ngại đạc biệt nhiều. Nếu người sơ học không có thiện căn phước đức sâu dày, khi nghe những lời đồn đãi này sẽ động tâm, đánh mất đi niềm tin của chính mình, không thân cận với vị thiện tri thức đó nữa. Tôi đi theo Đại sư Chương Gia, Đại sư Chương Gia địa vị rất cao, rất nổi tiếng, rất nhiều Pháp sư nói với tôi, “Tại sao lại đi theo ông ấy? Ông ấy là Hòa thượng chính trị.” Những người nói như vậy, họ có tiếp xúc với Đại sư Chương Gia chưa? Chưa có, họ chưa tiếp xúc. Tôi đi theo lão sư Lý 10 năm, những người hủy báng lão sư thì quá nhiều, những người đặt chuyện gây sự cũng rất nhiều, chúng tôi nghe qua chỉ cười, cũng không giải thích với họ, không cần tranh cãi với họ. Đại sư Ấn Quang nói rất hay, thân cận với thiện tri thức, “một phần thành kính thì được một phần lợi ích, mười phần thành kính thì bạn được mười phần lợi ích”, điều này thuộc về thiện căn dày hay mỏng của chúng ta, là do sự dụng tâm của chúng ta mà bản thân chúng ta có thể được nhiều hay ít.

Rất nhiều người ở gần với lão sư tốt, lão sư Phương Đông Mỹ có rất nhiều học trò, Đại sư Chương Gia, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng có rất nhiều học trò. Khổng Tử có 3.000 đệ tử, đệ tử của lão sư Lý có hơn 300.000 người, lúc tôi rời khỏi Đài Trung, Ngài có xấp xỉ gần 500.000 đệ tử theo Ngài học Phật, theo Ngài niệm Phật, nghe Ngài chỉ dạy. Ngài mở lớp dạy học, truyền dạy phương pháp giảng kinh, tôi cũng có học lớp của Ngài, lớp của Ngài chỉ dạy được hai năm, có hơn hai mươi mấy đồng tu, tôi học dự thính ở trong lớp này. Tôi là người đến học sau cùng, theo sự thứ tự sắp xếp để dạy, chưa dạy đến tôi thì tôi đã rời khỏi lớp rồi, đến chùa Lâm Tế xuất gia. Tôi dự tính sau khi xuất gia, tôi sẽ trở lại tiếp tục học với lão sư, đây là nguyên nhân gì? Khi chưa xuất gia, mỗi ngày tôi làm việc 8 giờ đồng hồ, không thể toàn tâm toàn lực học tập, nên tiến bộ rất chậm, sau khi tôi xuất gia, không cần làm việc, chẳng đi làm, tôi mỗi ngày có thể học 10 tiếng đồng hồ là ít nhất, lúc học nhiều nhất là 12 đến 14 tiếng đồng hồ. Lúc đó lão sư Lý ở Đài Trung đã dạy học được mười năm rồi, tôi theo học hai năm thì tôi có một phương pháp, khéo học là quan trọng hơn tất cả. Bạn phải biết học, đối với lão sư phải tôn kính, đối với những bài học phải tôn trọng, đối với thái độ học tập của chính mình thì càng phải tôn trọng hơn.

Những năm gần đây tôi đã tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo trên thế giới, tôi với họ kết làm bạn tốt. Ở Singapore có một vị bộ trưởng, ông đã từng hỏi tôi hai lần, “Thưa Pháp sư, Ngài dùng cách gì mà có thể đoàn kết được các tôn giáo lại với nhau?” Cách của tôi thì chẳng có gì khác chính là học tập, tôi học tập kinh Phật, tôi cũng học kinh Thánh, là Tân Cựu Ước Toàn Thư, tôi cũng học kinh Cô-ran. Tôi học nhưng tuyệt đối không nói đó là kinh điển của ngoại đạo, tôi không có cái ý niệm này, tôi xem kinh Thánh, kinh Cô-ran đều giống như Kinh Vô Lượng Thọ, cũng xem như là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, nên tôi mới học được những bộ kinh đó. Nếu ở giữa có ranh giới thì bạn chẳng học được điều gì cả, hoặc những điều bạn học được chỉ là một chút kiến thức ở ngoài da thôi. Tôi nói với họ, tôi đọc kinh Cô-ran thì tôi là tín đồ ngoan đạo nhất của đạo Hồi, tôi đọc kinh Tân Cựu Ước thì tôi là tín đồ ngoan đạo nhất của đạo Cơ Đốc. Cho nên tôi có thể giảng, mọi người đã nghe hai đĩa tôi giảng Kinh Mân-côi ở Singapore, là kinh tụng buổi sáng và tối của Thiên Chúa giáo. Tôi giảng kinh Cô-ran, tín đồ Hồi giáo rất hài lòng. Khi giảng kinh Mân-côi thì tín đồ Thiên Chúa, ngay cả các Cha cũng rất tán thán. Thật sự học tập, không có giới hạn, không có phân biệt, không có chấp trước thì bạn mới có thể đạt được kết quả chân thật, chỉ cần bạn có giới hạn, bạn có phân biệt, bạn có chấp trước thì kinh điển của Thánh Hiền bạn chỉ có thể học được chút ít ở ngoài da, không thể vào sâu, không thể thấu triệt. Thật sự thấu triệt thì toàn vũ trụ chỉ là một pháp, là tâm hiện thức biến, Phật pháp gọi là bất nhị pháp môn. Dùng lời hiện nay để nói Cơ Đốc giáo và Phật giáo là hai, là hai thì không phải Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị, bạn có thể hiểu cái ý này hay không? Kinh Cô-ran và Kinh Vô Lượng Thọ là hai, hai thì không phải là Phật pháp, không phải hai thì mới là Phật pháp. Bạn đã hiểu được Phật pháp thì cái gì bạn cũng hiểu, bạn không hiểu Phật pháp thì cái gì bạn cũng không hiểu. Phải ngộ! Phải nhớ kỹ, Phật pháp là pháp không hai. Địa ngục đạo và Phật đạo là hai pháp, Phật pháp là pháp không hai, cho nên mười pháp giới và Nhất Chân pháp giới là một pháp chứ không phải hai pháp. Nhất Chân pháp giới ở đâu? Ở ngay chỗ này. Là pháp không hai, là hai thì không phải là Phật pháp, hai tức là bạn chưa giác ngộ. Phật có nghĩa là giác ngộ, không phải Phật pháp chính là nói bạn chưa giác ngộ, bạn vẫn còn mê. Giác ngộ chân thật thì cả vũ trụ này là pháp không hai, cho nên nhập vào pháp môn bất nhị tức là minh tâm kiến tánh, chính là lý nhất tâm bất loạn của Tịnh Độ tông.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 351)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ