Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 345)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 345)
Tập 345 Các vị Pháp sư, các vị đồng học, mời mở kinh ra, “Khoa Hội” trang 49: “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”. Ngày hôm qua chúng tôi đã giảng đến “phát Bồ-đề tâm”. Phát tâm vô cùng quan trọng. “Bồ-đề” là tiếng Phạn, dịch ra có nghĩa là “giác ngộ”. Chân tâm bổn tánh của chúng ta không những là giác ngộ, mà còn là giác ngộ viên mãn. Cho nên trong kinh Phật nói với chúng ta, hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, vốn dĩ là Phật mà hiện tại không phải là Phật. Thực tại mà nói, chư Phật Như Lai xem hết thảy chúng sanh đích thực là Phật, việc này không hề giả, nhưng phàm phu chúng ta bản thân không thừa nhận chính mình là Phật, như vậy thì cũng hết cách. Cách nói này thật sự không dễ hiểu cho lắm, chúng ta vẫn là dùng cách tỷ dụ của Đại đức xưa, người xưa nói “lấy vàng làm đồ dùng thì mọi đồ dùng đều là vàng”. Đem chân tâm tự tánh của chúng ta tỷ dụ cho vàng, vậy thì chúng ta là đồ dùng làm từ vàng. Vì sao chư Phật Như Lai xem hết thảy chúng sanh đều là Phật? Các Ngài xem ở trên chất, bất luận là loại đồ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 345

 

Các vị Pháp sư, các vị đồng học, mời mở kinh ra, “Khoa Hội” trang 49:

 “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

 Ngày hôm qua chúng tôi đã giảng đến “phát Bồ-đề tâm”. Phát tâm vô cùng quan trọng. “Bồ-đề” là tiếng Phạn, dịch ra có nghĩa là “giác ngộ”. Chân tâm bổn tánh của chúng ta không những là giác ngộ, mà còn là giác ngộ viên mãn. Cho nên trong kinh Phật nói với chúng ta, hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, vốn dĩ là Phật mà hiện tại không phải là Phật. Thực tại mà nói, chư Phật Như Lai xem hết thảy chúng sanh đích thực là Phật, việc này không hề giả, nhưng phàm phu chúng ta bản thân không thừa nhận chính mình là Phật, như vậy thì cũng hết cách. Cách nói này thật sự không dễ hiểu cho lắm, chúng ta vẫn là dùng cách tỷ dụ của Đại đức xưa, người xưa nói “lấy vàng làm đồ dùng thì mọi đồ dùng đều là vàng”. Đem chân tâm tự tánh của chúng ta tỷ dụ cho vàng, vậy thì chúng ta là đồ dùng làm từ vàng. Vì sao chư Phật Như Lai xem hết thảy chúng sanh đều là Phật? Các Ngài xem ở trên chất, bất luận là loại đồ dùng gì thì thể tánh của nó đều là làm từ vàng, vàng đó chính là Như Lai, vàng chính là chư Phật. Phàm phu đã quên mất thể tánh, chấp trước cái tướng này, nhìn vào tướng. Ví dụ như chúng ta đem vàng đúc thành tượng Phật, bên kia thì dùng vàng đúc thành tượng người, bên này thì dùng vàng đúc thành tượng súc sanh, làm thành con chó con mèo, phân lượng vàng hoàn toàn như nhau, giá trị như nhau, chỉ là hình tướng làm ra thì không như nhau mà thôi. Người biết xem thì họ nói đều là vàng, không có gì khác, có hiện tướng nhiều hơn đi nữa thì cũng không khác. Chư Phật Bồ-tát nhìn chúng sanh trong chín pháp giới giống như các Ngài nhìn tánh của chính mình, tánh là pháp tánh, tướng là tướng pháp giới, tướng có sai biệt, tánh thì không có sai biệt. Cho nên từ trên tánh mà nhìn thì hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Chúng sanh thì không như vậy, chúng sanh đã quên mất thể tánh, hoàn toàn chấp tướng, đây là Phật, kia là người, kia nữa là súc sanh, đây là chấp tướng. Chấp tướng thì không thấy tánh, đã mê mất tự tánh, một mê thì hết thảy đều mê. Trong mê mới sanh ra thị phi nhân ngã, mới sanh tham sân si mạn, trong chân tánh thì không có những thứ này. Đại sư Huệ Năng ở trong Đàn Kinh đã nói rất hay, bên trong tự tánh vốn không một vật, chúng ta mê mất tự tánh, do đây mới đọa lạc vào trong hư vọng. Ngã chấp pháp chấp, thị phi nhân ngã, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn đều là từ trong vọng tưởng mà biến hiện ra, bên trong tự tánh đích thực là không có những thứ này. Phật nhìn vào tự tánh của chúng sanh, hết thảy là Phật tánh, không khác gì với chư Phật Như Lai. Tự tánh là vĩnh hằng, sẽ không thay đổi tùy theo tình thức, vĩnh viễn bất biến, không sanh không diệt. Thứ thay đổi là tướng, tướng đổi được, tướng có sanh diệt, tánh không có sanh diệt, nhất định phải biết đạo lý này. Người tu hành chúng ta phải chú trọng ở tâm tánh, ngộ rõ tâm tánh thì mới có thể siêu vượt mười pháp giới, không những là sáu cõi, mà siêu vượt mười pháp giới. Siêu vượt mười pháp giới thì mới có thể giúp đỡ được chúng sanh khổ nạn trong mười pháp giới, giúp họ phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.

 “Bồ-đề tâm” là chân tâm, trong tự tánh vốn sẵn có đầy đủ. Ngày hôm qua đã bàn với các vị về chân thành thanh tịnh bình đẳng chánh giác từ bi, đều là tánh đức mà trong chân tâm của chúng ta vốn có đầy đủ, không phải là từ bên ngoài vào. Chỉ cần trừ bỏ phiền não chướng ngại thì vô lượng trí huệ đức năng tướng hảo trong tự tánh của chúng ta hết thảy đều có thể hiện tiền. Nhất định phải phát Bồ-đề tâm, việc này nói ra thì dễ, làm thì rất khó, khó ở chỗ nào vậy? Chúng ta bị nhiễm ô quá nghiêm trọng, nhiễm ô một cách từ từ không phát hiện được, rồi lại rơi vào trong phiền não tập khí. Cho nên giáo huấn của Phật đích thực là cao minh đến cùng cực.  

Người hiện đại nói giáo huấn của Phật pháp đi về hướng nghệ thuật hóa, nghệ thuật dạy học. Người hiện đại mọi thứ đều bàn đến nghệ thuật, vào 3.000 trước thì Thích-ca Mâu-ni Phật đã nghệ thuật hóa việc dạy học chân thật đến tận thiện tận mỹ rồi. Các vị đọc kinh Đại Thừa, đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm, mọi chỗ đều nói biểu pháp với bạn, biểu pháp chính là nghệ thuật hóa. Từ kiến trúc của đạo tràng cho đến hết thảy những trang trí bên trong đều là giáo dục cả, toàn bộ đều là nhắc nhở chúng ta giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm, mọi lúc đều nhắc nhở chúng ta. Chúng ta cúng dường tượng Phật, người không hiểu thì nói chúng ta lạy tượng đất, nói chúng ta mê tín, việc này cũng khó trách họ, không có ai giải thích cho họ, không có ai giới thiệu cho họ, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với họ thì hãy giảng giải cho họ.

Ở Indonesia có 5 tôn giáo, khi tôi đi thăm viếng họ, tôi đều tặng họ một hình Thiên Thủ Quan Âm. Hiện tại Thiên Chúa Giáo cũng cúng dường, Ki-tô giáo cũng cúng dường, Hồi giáo cũng cúng dường, rất hiếm có, đều vô cùng hoan hỷ. Thiên Thủ Quan Âm đại biểu cho điều gì? Đại biểu cho đại từ đại bi, 1.000 con mắt đại biểu cho cái gì cũng nhìn thấy, 1.000 cánh tay đại biểu khi nhìn thấy rồi thì tay liền làm, liền giúp đỡ, đại biểu cái ý nghĩa này, chứ làm gì có người có đến nghìn tay nghìn mắt, vậy thì mệt chết mất. Nếu bạn không tin, bạn sanh ra bốn cánh tay, sáu cánh tay thì bạn sẽ bận bịu rối rắm cho xem. Cho nên đó chỉ là biểu pháp, không phải là thật, đại biểu điều gì? Mắt thấy tay làm. Khi họ hiểu được ý nghĩa này rồi thì đều sanh tâm hoan hỷ. Chúng ta xem thấy chúng sanh có khổ nạn thì lập tức đi giúp đỡ họ, đại biểu cho cái ý này. Trên tay cầm rất nhiều pháp khí, đó là đại biểu cho cái gì? Đại biểu cho vạn đức vạn năng, không gì mà không biết, cái gì cũng biết. Người hiện tại chúng ta gọi là đa tài đa nghệ, tài nghệ này là để giúp đỡ chúng sanh, là dùng vào việc cứu khổ cứu nạn, tuyệt đối không phải vì việc cầu cho chất lượng đời sống của chính mình được nâng cao, không phải vậy, toàn bộ đều là vì người. Chúng ta nói ra cái ý này rồi, mọi người đều hiểu được, sẽ hoan hỷ mà tiếp nhận. Treo bức hình ở nơi đó thời thời khắc khắc đang nhắc nhở chúng ta, nhìn thấy nó thì chúng ta phải đem tâm từ bi trong nội tâm của chính mình kêu gọi ra, chính là Quan Âm, không phải Quan Âm bên ngoài. Tượng Quan Âm ở bên ngoài đã gọi ra Quan Thế Âm của chính mình, Quan Thế Âm Bồ-tát của tâm tánh. Ai là Quan Âm? Chính mình. Cho nên việc giáo dục trong nhà Phật chính là nghệ thuật hóa.

Thông thường chúng ta cúng dường một vị Phật, hai vị Bồ-tát. Phật thì đại biểu cho tự tánh viên mãn, Bồ-tát là đại biểu từ thể khởi tác dụng. Giống như việc chúng ta cúng dường hình tượng Tây Phương Tam Thánh, Quan Thế Âm Bồ-tát đại biểu cho từ bi, Đại Thế Chí Bồ-tát đại biểu cho trí huệ, từ bi nhất định phải có trí huệ thì từ bi của bạn mới có tác dụng ở mặt chánh. Nếu từ bi mà không có trí huệ, nếu làm việc bằng tình cảm thì phiền phức sẽ rất lớn. Nhà Phật thường nói “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, đồng thời cũng nói “từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Vì sao mà lại có họa hại hạ lưu vậy? Từ bi mà không có trí huệ thì họa hại hạ lưu liền theo đến, cho nên không thể nào không có Đại Thế Chí. Không có Đại Thế Chí thì Quan Âm Bồ-tát cũng sẽ hại người, việc này nhất định phải nên biết. Đại Thế Chí Bồ-tát đại biểu cho lý trí mà người chúng ta hiện nay nói, không phải tình cảm. Từ bi là lòng yêu thương chân thật, lòng yêu thương phải có trí huệ, phải có lý tánh, không thể nào dùng tình cảm để làm việc. Bạn xem ba tôn tượng này cúng dường ở nơi đó, là thời thời khắc khắc nhắc nhở chính mình, nhất định phải áp dụng thực tiễn vào trong đời sống thường ngày. Bạn chân thật đã làm được rồi, vậy thì thân phận của chúng ta là như thế nào? Là sự dung hợp của Di Đà - Quan Âm - Thế Chí, thảy đều dung hợp vào trong bản thân mỗi một người chúng ta thì biểu hiện và hành vi trong cuộc sống thường ngày đối với người với việc với vật có gì là mê tín chứ?

Trong những đồ dùng để cúng Phật thì nước là quan trọng nhất. Nước đại biểu cho điều gì? Đại biểu cho thanh tịnh bình đẳng, là Bồ-đề tâm. Nhìn thấy ly nước thì tâm của ta phải thanh tịnh, tâm của ta phải bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng là chân tâm, biểu thị cái ý này, không phải là Phật Bồ-tát cần nước để uống. Vì vậy không được cúng trà, nước trà thì có màu sắc, không thanh tịnh, nhất định phải cúng nước trong. Cúng đèn, hiện nay rất nhiều người dùng đèn điện, ngày trước thì dùng đèn dầu, dùng đền cầy, đèn biểu thị điều gì? Biểu thị quang minh, trong quang minh còn có ý nghĩa rất sâu, “đốt cháy chính mình, soi sáng cho người”. Vì vậy đèn đại biểu cho việc chúng ta vì xã hội mà phục vụ, vì chúng sanh mà phục vụ, xả mình vì người. Dầu thì càng đốt càng hao, ánh sáng thì càng ngày càng mãnh liệt, bạn phải hiểu được cái ý này. Nếu không thì việc đốt đèn của bạn cũng vô ích, thắp đèn thì có lợi ích gì chứ? Đèn cầy là rõ ràng nhất, đại biểu cho việc đốt cháy chính mình soi sáng cho người khác. Cúng hoa, hoa là đại biểu cho nhân, bạn xem thực vật trước là nở hoa sau mới kết thành quả, hoa tốt thì quả nhất định sẽ tốt. Hoa đại biểu cho điều gì? Cho thiện hạnh, bạn hành thiện trên thế gian này chính là hoa, hoa của bạn tốt thì tương lai sẽ có quả tốt, thiện nhân thì có thiện quả, ác nhân thì ắt có ác báo. Cho nên hoa và quả đại biểu cho nhân quả, dạy bạn nhìn thấy cúng hoa cúng quả thì bạn liền nghĩ đến nhân quả, có nhân ắt có quả, có quả thì phải có nhân. Chúng ta trong cuộc sống thường ngày khởi tâm động niệm đối người đối việc đối vật phải nghĩ đến việc ta phải trồng nhân tốt thì ta mới có quả báo tốt. Nếu ta trồng nhân ác thì tương lai sẽ có ác báo, đạo lý là như vậy, không có cái gì mà không phải là biểu pháp. Ngay cả kiến trúc cũng đều như vậy, bạn nhìn xem đại điện nơi cúng Phật, bạn thấy bên ngoài có hai tầng, bên trong là một tầng. Bởi vì sao có kiến trúc như vậy? Đại biểu Phật pháp là nhị đế viên dung, bên ngoài mà nhìn thì có chân tục nhị đế, chúng ta thì gọi là có thế gian pháp có xuất thế gian pháp; bên trong thì thế gian và xuất thế gian là một không phải hai. Bạn xem cái ý nghĩa này sâu biết bao, không có sự sắp xếp nào là tùy tiện cả, sự bài trí đều có ý nghĩa rất sâu của nó. Sau khi bạn chân thật biết được tự viện là viện bảo tàng giáo dục của Phật, bạn đi vào trong đó để tham quan, đi một vòng thì bạn liền giác ngộ, bạn không còn mê nữa. Hiện tại thì rất ít người hiểu, thực tại mà nói rất ít người chăm chỉ đọc đại kinh, kinh Đại Thừa đều có nói đến. Đặc biệt là chú sớ của cổ Đại đức sợ chúng ta xem không hiểu, xem không rõ ràng, các Ngài đều làm chú giải tường tận. Trong Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao của đại sư Thanh Lương, Kinh Hoa Nghiêm Hợp Luận của Lý Trưởng Giả, Kinh Địa Tạng thì chúng tôi thường trích dẫn chú giải của Pháp sư Thanh Liên, ý nghĩa sự biểu pháp này đều được nói rất rõ ràng. Phật dạy chúng ta niệm niệm không quên, thời thời khắc khắc phải áp dụng thực tiễn giáo huấn của Phật Bồ-tát thành tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ hành vi của chúng ta, vậy thì chúng ta thật sự được thọ dụng, việc học Phật này không vô ích. Nếu bạn có thể y giáo phụng hành, cũng chính là Khổng Tử đã nói “học rồi thường luyện tập không phải vui lắm sao”. Bạn nhất định sẽ pháp hỷ sung mãn, cuộc đời này của bạn nhất định là hạnh phúc mỹ mãn, xa lìa ác nghiệp, xa lìa tai họa.

Con người bất luận là người ở địa phương nào, bất luận là dân tộc nào, bất luận là tôn giáo nào thì đều có ý nguyện tránh họa cầu phước. Tránh họa cầu phước đều nằm trong sự giáo dục của Thánh Hiền, chúng ta thật sự chịu học, thật sự có thể áp dụng thực tiễn thì cuộc đời này của bạn sẽ lìa xa được tai họa, thường gặp được sự tốt lành. Đây chính là vì sao phải phát Bồ-đề tâm, phải phát chân tâm. Xã hội ngày nay có sự chướng ngại đối với người phát tâm, vả lại còn chướng ngại một cách nghiêm trọng, các loại ngoại duyên vô cùng nhiều. Mọi người thường nói, ta dùng tâm tốt đối với người, người ta lại không lấy tâm tốt hồi báo lại ta, ta vẫn phải dùng tâm tốt đối với người sao? Các vị nghĩ thử xem có cần hay không? Cần, vẫn là phải dùng tâm tốt để đối với người. Vì sao vậy? Tâm tốt về sau sẽ có quả báo tốt, người khác dùng tâm bất thiện đối với ta thì họ sẽ không có quả báo tốt, bạn lắng lòng mà suy nghĩ, họ sẽ không có quả báo tốt. Vậy nếu ta cũng giống như họ, họ dùng tâm bất thiện đối với ta, ta cũng dùng tâm bất thiện đối với họ, vậy thì quả báo trong tương lai của chúng ta cũng sẽ giống như họ, vậy thì sai rồi. Chúng ta đối với chân tướng sự thật rõ ràng minh bạch, không thể giống như họ được. Bất luận là người nào, bất luận họ dùng tâm thái không tốt như thế nào đối với ta, chúng ta vẫn dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, bình đẳng đối với họ, lấy đại từ đại bi đối với họ, lâu ngày chầy tháng thì họ sẽ bị cảm động, họ sẽ quay đầu. Việc này cần phải có thời gian, không thể nói hôm nay ta đối với họ tốt thì ngày mai họ liền quay đầu, không mau như vậy, đại đa số là phải 1-2 năm họ mới cảm động. Có một số người phiền não rất sâu nặng thì phải cần đến 10 năm, 20 năm họ mới hồi đầu, thậm chí sâu nhất là đến khi nào hồi đầu vậy? Là đến lúc lâm chung. “Một người nào đó thật tốt, cả đời này tôi đều không tốt đối với họ”, đến lúc lâm chung mới giác ngộ, cũng không phải là trễ. Cho nên nhất định phải dùng thiện tâm đối với người, cảm hóa thời gian dài, vậy thì bạn đã thật sự độ được một người. Giúp đỡ một người phá mê khai ngộ, giúp một người lìa khổ được vui, đây là việc tốt, đây là việc làm của chư Phật Bồ-tát, chúng ta nhất định phải khéo học, học tập cho thật tốt.

Hôm nay chúng ta thảo luận câu “nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Ở đây quan trọng nhất là “nhất hướng chuyên niệm”. Bình thường chúng ta khuyên người “Nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”, những lời này là cổ Đức nói, người xưa dạy người đều là giáo pháp này, quyết không thể nào cùng một lúc học hai thứ được. Vì sao vậy? Học hai thứ cùng một lúc thì bạn sẽ phân tâm, tinh thần ý chí của bạn không thể tập trung. Hiện tại bạn xem trong trường học, hầu hết các trường học đều là học rất nhiều môn một lúc, việc này là học từ người ngoại quốc. Thời xưa ở Trung Quốc cách dạy học không phải là như vậy, đều là dạy một môn, học xong một môn rồi mới có thể học đến môn thứ hai, tuyệt đối không phải là cùng lúc học đến mấy môn. Đây là chỗ dạy học không giống nhau giữa phương Đông và phương Tây, loại nào có hiệu quả hơn? Có thể làm thực nghiệm, sau khi thực nghiệm rồi thì chúng ta mới biết phương pháp này của lão tổ tông thật sự có hiệu quả. Ví dụ chúng ta lấy trường học ngày nay mà nói, các em nhỏ đi học, trong học kỳ này, hiện tại tôi cũng không biết chúng có bao nhiêu môn phải học. Ví dụ như chúng có sáu môn cần phải học, học kỳ này đại khái có khoảng hơn 20 tuần, bạn đem sáu môn học này phân ra dạy riêng biệt, dạy từng môn từng môn một, một môn đại khái hai đến ba tuần, trong hai đến ba tuần chỉ dạy một môn mà thôi, môn này dạy xong rồi thì mới dạy đến môn khác, hiệu quả so với việc một ngày học nhiều môn như vậy sẽ không như nhau, khác biệt rõ ràng. Bởi vì trong hai đến ba tuần này trong đầu của chúng chỉ có một thứ mà thôi, chúng không nghĩ đến thứ khác, tinh thần ý chí của chúng sẽ tập trung hoàn toàn. Bạn xem trong một học kỳ dạy xong hết như vậy nhưng tâm đắc của việc học tập của hai học trò sẽ khác nhau, do phương thức dạy học không giống nhau.

Chúng ta học Phật tu đạo, khóa trình của chúng ta phải ít hơn trường học rất nhiều, phải tập trung tinh thần thời gian lại. Đặc biệt là trong xã hội hiện tại, sức mạnh dụ hoặc bên ngoài vô cùng to lớn, chúng ta chỉ cần hơi buông lơi một chút thì liền bị ngoại cảnh ảnh hưởng, bạn sẽ rất khó thành tựu. Vả lại thâm nhập một môn, sau khi khế nhập rồi thì bạn nhất định sẽ sanh pháp hỷ, gọi là pháp hỷ sung mãn. Một khi pháp hỷ sung mãn, bạn học tập môn này muốn ngưng mà ngưng không được, không cần người nào đốc thúc, bạn đọc kinh đọc ra được đạo vị, đạo vị gì vậy? Là chỗ ngộ, mỗi lần đọc đều có chỗ ngộ, ngày ngày đều có chỗ ngộ thì làm sao bạn không hoan hỷ chứ? Đọc sách mà chán ngán là do bạn không có tâm đắc, cũng chính là nói bạn không có chỗ ngộ. Bạn có chỗ ngộ thì nhất định sẽ sanh tâm hoan hỷ; không có chỗ ngộ, đọc khô khan vô vị thì sẽ không muốn đọc nữa. Bạn xem nhà Nho của Trung Quốc, chúng ta gọi là thế gian pháp, cách dạy học của thế gian pháp cũng chú trọng một môn thâm nhập. Cương lĩnh dạy học của nhà Nho thì ở trong Tam Tự Kinh, Tam Tự Kinh nói “giáo chi đạo quý dĩ chuyên”, đạo của việc dạy học quý ở chỗ chuyên nhất thì đạo của việc học đương nhiên cũng quý ở chuyên rồi. Dạy và học là cùng một sự việc, tinh chuyên thì bạn mới có thể có thu hoạch.

Ở nơi đây, trong các vị có một số đồng học đã nghe cư sĩ Thái Lễ Húc giảng Đệ Tử Quy, các vị nghe xong đều sanh tâm hoan hỷ. Tôi nghe băng ghi âm của thầy ấy giảng tại Hồng Kông, tổng cộng đã giảng hết 40 giờ đồng hồ, tôi đã nghe từ đầu đến cuối hết mười lần. Một lần là 40 tiếng, mười lần thì đã nghe hết 400 giờ đồng hồ. Vì sao lại nghe nhiều lần đến như vậy? Tôi phải dẫn dắt đồng học cùng nghe, tôi không cùng nghe thì họ sẽ không chuyên tâm. Cư sĩ Thái vì các đồng tu học Phật chúng ta hiện thân thuyết pháp, cậu ấy học môn này chỉ mới hai năm thôi, chưa lâu, có thể giảng tới trình độ như vậy thì không có gì khác là do cậu ấy đã nắm được câu “Nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”, chính là hiểu được quý ở chuyên. Cậu ấy đã dùng thời gian một năm để học tập, học tập như thế nào? Mỗi một câu đều áp dụng vào trong cuộc sống, đều làm được, nếu bạn không áp dụng, không làm được thì không có tác dụng gì. Chân thật làm được, thời gian một năm luyện tập ở trên bục giảng, cậu ấy đã giảng đến mức cảm động như vậy là vì sao? Vì cậu đã làm được, cậu nói đó đều là tâm đắc báo cáo của cậu.

Đệ Tử Quy không dài, toàn bộ kinh văn chỉ có 1080 chữ, ba chữ một câu, tổng cộng 360 câu. Chúng ta thấy hiện tại hầu hết mọi người học tập, vì sao không thể thành công? Vì quá tạp quá loạn, không chăm chỉ áp dụng thực tiễn, mấu chốt là ở chỗ này. Cậu ấy cũng là một người thông thường, không phải là người thượng thượng căn, là căn tánh trung hạ, chỉ là đã nắm chắc phương pháp. Phương pháp của người xưa cậu ấy vô cùng chăm chỉ không dám lơ là, cho nên trong thời gian hai năm thì có thành tựu, có thể thấy việc học không khó. Nếu bạn không nắm được cương lĩnh, không hiểu phương pháp vậy thì sẽ vô cùng khó khăn, sẽ học rất vất vả mà không có được thành tích. Cậu ấy đã thị hiện một tấm gương tốt, bạn xem thấy dáng vẻ đó thì có muốn học cho thành công không? Tôi nhìn thấy dáng vẻ như vậy thì rất hoan hỷ, tôi sẽ giúp cậu ấy, tôi sẽ làm hộ pháp, làm tăng thượng duyên cho cậu. Cậu ấy giảng ở Trung Quốc mười mấy lần, thời gian ngắn thì năm ngày, mỗi ngày giảng sáu giờ đồng hồ. Trong năm ngày thì giảng 30 tiếng đồng hồ, lâu thì giảng mười ngày, mỗi ngày bốn giờ đồng hồ, mười ngày thì giảng được 40 giờ đồng hồ. Giảng được mười mấy lần rồi, càng giảng càng thành thục, giải hành tương ưng, càng giảng càng hoan hỷ. Tôi nói với cậu: “Con hãy phát đại tâm một đời này giảng một môn này, không nên giảng môn thứ hai nào khác, đi khắp thế giới mà giảng”. Cho nên khi cậu ấy giảng tại Trung Quốc tôi nghe nói rất hay, tôi liền thông báo với cư sĩ Lại ở Singapore mời cậu qua bên đây giảng ba ngày. Tịnh Tông Học Hội Malaysia của chúng ta bên đó đã mời cậu giảng ba lần rồi, giảng ở ba nơi. Ở Indonesia cậu cũng đã giảng ba lần rồi, cũng ở ba nơi, thời gian mỗi một nơi đại khái cũng giảng hết mấy ngày. Sau khi giảng bên này xong thì tôi sẽ mời cậu qua Úc để giảng ở Tịnh Tông Học Hội Úc Châu tám ngày, mỗi ngày giảng năm tiếng đồng hồ, tám ngày thì 40 tiếng đồng hồ. Sau đó lại mời cậu đến Melbourne để giảng hai ngày, mười tiếng đồng hồ, một ngày là năm tiếng. Đến Sydney giảng ba ngày, 15 tiếng đồng hồ. Đến Brisbane giảng một ngày. Đi diễn giảng luân chuyển ở nước ngoài, cuối nửa năm nay thì đến bốn nước ở miền Nam và Bắc Châu Mỹ sắp xếp giảng chín lần. Tại Âu Mỹ, thời gian mười ngày thì quá dài, họ không thể xin nghỉ phép lâu như vậy để đến nghe, cho nên thời gian của chúng ta chỉ khoảng 3-5 ngày thôi, đây là ở nước ngoài. Đi giảng khắp thế giới, không ngừng giảng. Nếu không đi giảng thì ở nhà bồi dưỡng nhân tài giảng Đệ Tử Quy, việc này cũng cần thiết cấp bách. Chỉ có Đệ Tử Quy mới có thể trồng vững được cái gốc cho thế xuất thế gian pháp, đây là giáo dục trồng gốc rễ.

Rất nhiều người hỏi tôi, vì sao lại đề xướng hai môn này (Thập Thiện Nghiệp Đạo và Đệ Tử Quy)? Đặc biệt là Đệ Tử Quy không phải của Phật giáo. Tôi nói bạn đã sai rồi, Đệ Tử Quy là gốc của Phật giáo. Không những là Tịnh Tông mà Phật pháp bất luận là Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ đều được xây dựng trên nền tảng Tịnh Nghiệp Tam Phước. Phật nói rất hay, “Tịnh Nghiệp Tam Phước là chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”. Ba đời là quá khứ hiện tại vị lai, hết thảy Bồ-tát tu hành chứng được quả vị Như Lai đều là y theo Tịnh Nghiệp Tam Phước làm nền tảng. Vậy thì bạn nói xem Tịnh Nghiệp Tam Phước quan trọng biết bao. Điều đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước có bốn câu, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Tôi hỏi hiếu dưỡng phụ mẫu như thế nào, phụng sự sư trưởng ra làm sao? Có mấy người có thể trả lời được, có mấy người biết được cách làm như thế nào? Các vị phải nên biết, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” chính là Đệ Tử Quy, vậy thì Đệ Tử Quy sao lại không phải là Phật pháp chứ? Đương nhiên là Phật pháp rồi. “Đệ tử” là học trò, bạn xem bản thân chúng ta tự xưng là đệ tử Tam Bảo mà quy củ của việc làm đệ tử cũng không biết thì đệ tử Tam Bảo này của bạn không phải là thật rồi, không xứng là đệ tử Tam Bảo. Làm đệ tử Tam Bảo phải có quy củ. Đệ Tử Quy chính là thực tiễn hai câu đầu tiên trong điều thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước. Thập Thiện Nghiệp Đạo thì thực tiễn hai câu sau của điều phước thứ nhất “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Cho nên hai môn học này, bất luận là chúng ta học thế pháp hay Phật pháp thì căn bản, nền móng là ở chỗ này. Bạn không trồng cái gốc ở ngay chỗ này, bất luận bạn tinh tấn như thế nào, bạn nỗ lực như thế nào, đến sau cùng bạn cũng uổng công. Đây là chí ít tôi học Phật được 50 năm nên tôi thấy rất rõ ràng, phàm là có thành tựu thì đều trồng cái gốc ở chỗ này cả, không có cái nền móng này thì không một ai thành tựu, việc này chúng ta không thể không biết. Đặc biệt là đồng tu xuất gia đại diện cho chánh pháp cửu trụ, nếu chúng ta biểu hiện không tốt thì quả báo không thể tưởng tượng nổi. Cho nên xuất gia không phải là một việc dễ dàng, nếu muốn phát tâm xuất gia thì càng phải xây dựng cái nền móng này cho tốt. Sau khi đã xây dựng nền tảng tốt rồi thì bạn mới đi xuất gia. Xuất gia không cần cầu sư phụ, nếu bạn cầu một vị sư phụ để xuất gia, cầu họ xuất gia cho bạn, họ không nhận lời thì bạn sẽ buồn lòng biết bao.

Năm xưa tôi thân cận Đại sư Chương Gia, tôi đã thỉnh giáo với Đại sư, lúc đó tôi chỉ mới 26 tuổi, tôi hỏi có rất nhiều ngành nghề, vậy theo ngành nghề nào thì thỏa đáng hơn cả? Chương Gia Đại sư đã khuyên tôi xuất gia, Ngài nói tôi đi con đường này thì thỏa đáng. Lại nói với tôi, “nếu xuất gia thì con không nên tìm đến chùa miếu, không nên tìm đến các vị Pháp sư, không cầu những Pháp sư này thế độ cho con.” Tôi hỏi “vậy con phải xuất gia như thế nào?” Ngài nói với tôi: “Nếu con đi tìm Pháp sư mà vị Pháp sư đó không nhận lời thì con có buồn không?” Tôi nói sẽ buồn, vậy thì phải làm sao? Ngài dạy tôi hãy cầu Phật, cách này rất hay, thật sự tôi đã đi cầu Phật, tôi nghe theo lời của Ngài. Cơ duyên xuất gia chín muồi rồi, bản thân tôi cũng có linh cảm rằng nhân duyên xuất gia của tôi đã sắp chín muồi. Tôi còn nói với rất nhiều bạn bè, đại khái chừng sáu tháng nữa, kết quả không ngờ mới một tháng thì chín muồi. Tháng sau thì có một vị Pháp sư đến mời tôi đi xuất gia, là vị đó đến tìm tôi chứ không phải tôi đi tìm vị đó, vả lại trong khoảng hơn nửa tháng mà vị đó đến tìm tôi đến chín lần, tôi thấy vị đó cũng rất thành khẩn, tôi đã nhận lời. Vào lúc đó khi tôi còn theo học với lão sư Lý, lão sư Lý cảm thấy rất kỳ lạ, Ngài nói vì sao người ta kêu tôi thì tôi liền đi vậy? Tôi nói: “Thưa lão sư, vị ấy đã đến đây chín lần rồi, Lưu Bị ba lần tới lều cỏ mời thì Gia Cát Lượng xuống núi, vị ấy tới tìm con tới chín lần, rất thành khẩn.” Điều Chương Gia Đại sư dạy tôi có cảm ứng. Sau khi xuất gia, đương nhiên việc đi thọ giới là một sự việc trọng đại, sau khi tôi xuất gia hai năm thì mới thọ giới. Vì sao vậy? Vì đợi duyên phận, cũng phải đợi người khác đến tìm tôi, rất nhiều nơi khai giới, tôi đều không đi đăng ký, tôi không tham gia, tôi muốn đợi có người đến tìm tôi. Đợi được hai năm quả nhiên có người đến tìm tôi, mời tôi đi thọ giới. Người ta đến tìm tôi nghĩa là duyên phần cả thảy đều đầy đủ, bản thân không phải bận tâm chút nào. Chúng ta đi tìm người thì sẽ rất khó khăn, lúc nào cũng phải nhìn sắc mặt của người ta, thật không dễ dàng. Hôm nay tôi đem cái phương pháp này truyền lại cho các vị, là do lão sư của tôi dạy, nếu các vị muốn xuất gia thì cầu Phật cầu cảm ứng, nhất định sẽ chính xác. Bằng không mà nói, biết đạo tràng nào thích hợp với mình, đạo tràng nào không thích hợp với mình, rất khó lựa chọn, cho nên hết thảy hãy cầu cảm ứng, không nên cầu người. Bạn phải thật sự tin vào Phật Bồ-tát, phải tin vào sự cảm ứng. Lão sư đã dạy tôi, sau khi chọn xong pháp môn này thì cả đời phụng hiến cho Phật pháp, phụng hiến cho chúng sanh thì Phật Bồ-tát sẽ chăm lo một đời của bạn, việc gì bạn cũng không cần phải bận tâm, ngày tháng như vậy thật dễ sống. Tôi tin lời của lão sư, không có một mảy may nghi hoặc đối với lời của lão sư, y giáo phụng hành.

 Cho nên trong đời này có thiện duyên có ác duyên, có thuận cảnh có nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên thuận cảnh nghịch cảnh đều là Phật Bồ-tát đã an bài cả, tôi rất là hoan hỷ tiếp nhận, người khác chịu không nổi chứ tôi thì rất hoan hỷ tiếp nhận. Vì sao vậy? Phật Bồ-tát đã thay tôi an bài cả rồi, đã an bài thì nhất định sẽ có chỗ lợi ích. An bài nghịch duyên ác duyên thì tiêu nghiệp chướng cho tôi, nghiệp chướng tiêu trừ rồi thì sẽ nâng lên một bậc. Một số đồng học theo tôi một thời gian khá dài thì họ nhìn thấy được, họ nói mỗi khi tôi gặp phải sự đả kích nghiêm trọng thì nhất định là phước huệ đã được nâng lên một khoảng cách rất lớn. Không những là trí huệ tăng, mà phước báo cũng tăng lên, không sai chút nào, mỗi lần đều như vậy. Tôi gặp phải nhiều lần khó khăn rất lớn, thật sự đều như vậy, vì vậy tôi không oán trời trách người, không có một mảy may tâm sân hận. Tôi biết Phật Bồ-tát đã an bài thì sẽ thỏa đáng hơn hết, hết thảy đều tùy thuận sự an bài của Phật Bồ-tát, tùy thuận sự giáo huấn của Phật Bồ-tát. Vì sao vậy? Chư Phật Bồ-tát đều là từ trong tánh đức mà lưu lộ ra, tùy thuận Phật Bồ-tát là tùy thuận theo tánh đức của chính mình, không tùy thuận theo phiền não, không tùy thuận tập khí, vậy thì đúng. Cho nên ở chỗ này có lý có sự, lý sự đều viên dung.

Quan trọng nhất là “nhất hướng”. “Hướng” là phương hướng, cả đời tôi chỉ có một phương hướng, cái phương hướng này chính là cầu sanh Thế Giới Cực Lạc. Cầu sanh Thế Giới Cực Lạc thì phải học A Di Đà Phật, A Di Đà Phật ở đâu vậy? Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này chính là A Di Đà Phật. Bạn mỗi ngày đọc tụng, mỗi ngày học tập, không rời khỏi A Di Đà Phật, bất luận là ở nơi đâu, bất luận là vào lúc nào, bất luận chúng ta ở trong hoàn cảnh như thế nào, đều không rời khỏi A Di Đà Phật, vậy thì đúng. Đây chân thật gọi là học Phật. Phải biến những đạo lý, lý luận ở trong kinh điển thành tư tưởng kiến giải của chính mình, đem những giáo huấn trong đó biến thành hành vi cuộc sống của chúng ta, khiến cho bản thân và kinh giáo hoàn toàn tương ưng, kinh điển và tư tưởng kiến giải ngôn hành của chính mình dung hợp thành một thể, đây gọi là khế nhập cảnh giới Di Đà. Bạn có thể khế nhập được cảnh giới Di Đà, không cần phải hoàn toàn khế nhập, nếu có thể khế nhập được vài phần, có thể khế nhập được ít phần thì vãng sanh đã nắm phần chắc. Nếu chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm trái ngược lại với kinh điển đã nói, vậy thì bạn ngày ngày đọc tụng cũng vô ích, bạn không thể vãng sanh. Cho nên kinh giáo không phải là để niệm, kinh giáo là dạy bạn phải hành. Bạn xem cổ Đại đức làm phán giáo cho kinh điển, nghĩa là làm chú giải, mỗi bộ kinh đều không rời khỏi Tín Giải Hành Chứng. “Hành” rất là quan trọng, trước tiên bạn phải xây dựng lòng tin, bạn phải lý giải, sau khi đã có tín giải rồi thì phải đem nó áp dụng vào trong cuộc sống. “Chứng” có nghĩa thế nào? “Chứng” chính là chúng ta từ trong cuộc sống thường ngày chứng minh được điều trong kinh nói đều là chính xác. Kinh là cuộc sống của chúng ta, kinh là sinh mạng của chúng ta, chúng ta và kinh đích thực là một không phải hai, là một thể, hoàn toàn hòa lẫn vào nhau. Thân tâm chúng ta hòa vào trong Đại Thừa Vô Lượng Thọ, Đại Thừa Vô Lượng Thọ chính là thân tâm của chính chúng ta, vậy thì ở đây đã có niềm vui thú rồi, chẳng phải là vui sướng lắm sao, nếu bạn không thể khế nhập thì bạn làm gì có được sự vui thú. Niềm vui này là niềm vui của chư Phật Như Lai, của Pháp Thân Bồ-tát, chúng tôi cũng đã nếm được rồi. Bạn không khế nhập thì bạn không nếm được, những thứ này không phải là do người khác truyền cho bạn, là bạn phải tự mình hành chứng thì bạn mới có thể có được. Chư Phật Bồ-tát giúp đỡ đối với chúng ta chỉ dừng lại ở tín giải, các Ngài giúp chúng ta tín, giúp chúng ta hiểu rõ thì đó là giải, còn hành và chứng thì các Ngài không giúp được, chúng ta nhất định phải dựa vào chính mình.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 345)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ