Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 328)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 328)
Cho nên chúng ta phải học tập, trước tiên chúng ta phải hiểu được lời nói của chúng ta là thuộc về khẩu nghiệp, mặt ảnh hưởng của nó, thời gian ảnh hưởng của nó. Từ đó chúng ta nhận thức được nghiệp của lời nói là như vậy, thân nghiệp, ý nghiệp cũng là như vậy. Ý nghiệp là khởi tâm động niệm của chúng ta, thân nghiệp là hành động việc làm của chúng ta. Khẩu phóng quang, thân có phóng quang hay không, ý có phóng quang hay không? Tất cả đều phóng quang, là vô lượng quang. Sau khi hiểu được những sự việc này thì quang minh của chúng ta phải thiện, phải thuần tịnh thuần thiện. Hai, ba năm nay chúng tôi đề xuất điều này, mười mấy năm trước chúng tôi đã đưa ra yếu lĩnh của việc tu hành là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chúng ta khởi tâm động niệm nhất định phải tương ưng với mười chữ này, vậy thì vô lượng quang, vô lượng thọ của ý nghiệp chúng ta mới tương đồng với chư Phật Như Lai. Thân nghiệp của chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục thì thân nghiệp của chúng ta tương đồng với chư Phật Như Lai. Ba nghiệp thân khẩu ý tương đồng thì khoảng cách của chúng ta với chư Phật Như Lai càng lúc càng gần, vậy thì niệm Phật không có đạo lý nào mà không vãng sanh. Việc vãng sanh thật sự là đã nắm chắc. Bạn có

 

Cho nên chúng ta phải học tập, trước tiên chúng ta phải hiểu được lời nói của chúng ta là thuộc về khẩu nghiệp, mặt ảnh hưởng của nó, thời gian ảnh hưởng của nó. Từ đó chúng ta nhận thức được nghiệp của lời nói là như vậy, thân nghiệp, ý nghiệp cũng là như vậy. Ý nghiệp là khởi tâm động niệm của chúng ta, thân nghiệp là hành động việc làm của chúng ta. Khẩu phóng quang, thân có phóng quang hay không, ý có phóng quang hay không? Tất cả đều phóng quang, là vô lượng quang. Sau khi hiểu được những sự việc này thì quang minh của chúng ta phải thiện, phải thuần tịnh thuần thiện.

Hai, ba năm nay chúng tôi đề xuất điều này, mười mấy năm trước chúng tôi đã đưa ra yếu lĩnh của việc tu hành là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chúng ta khởi tâm động niệm nhất định phải tương ưng với mười chữ này, vậy thì vô lượng quang, vô lượng thọ của ý nghiệp chúng ta mới tương đồng với chư Phật Như Lai. Thân nghiệp của chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục thì thân nghiệp của chúng ta tương đồng với chư Phật Như Lai. Ba nghiệp thân khẩu ý tương đồng thì khoảng cách của chúng ta với chư Phật Như Lai càng lúc càng gần, vậy thì niệm Phật không có đạo lý nào mà không vãng sanh. Việc vãng sanh thật sự là đã nắm chắc.

Bạn có đầy đủ niềm tin rồi, không có một chút hoài nghi nào, cho nên ở thế gian này bất luận là việc lớn hay việc nhỏ, việc thiện hay việc ác, chỉ có cười mà thôi, tuyệt đối không để ở trong tâm. Bản thân mình luôn sống trong hoàn cảnh chân thành thanh tịnh, thuần tịnh thuần thiện. Vậy thì bạn sống được tự tại biết bao, vui sướng biết bao! Pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Những người như vậy đương nhiên là khỏe mạnh sống lâu, không có bệnh tật.

Khi giảng kinh, tôi cũng đã nói rất nhiều lần, con người bị bệnh là có nguyên nhân, nguyên nhân đó là gì? Nguyên nhân là tham sân si, trong kinh Phật có nói tham sân si là tam độc phiền não, là bệnh độc. Bên trong của bạn có bệnh độc, bên ngoài thì luôn có cảm nhiễm, phải nhổ bỏ bệnh độc tham sân si bên trong của bạn thì mới không sanh bệnh. Chư Phật Như Lai không sanh bệnh, Pháp Thân Bồ-tát không sanh bệnh, do nguyên nhân gì vậy? Các Ngài không có bệnh độc, cái gốc bệnh đã bị nhổ bỏ. Các Ngài ứng hóa đến thế gian này, có lúc các Ngài cũng bị bệnh để cho bạn thấy, đó là thị hiện, gọi là giả bệnh, các Ngài thật sự không phải bệnh. Cư sĩ Duy-ma bị bệnh, mọi người đến thăm Ngài, Ngài dùng việc bệnh này để triệu tập mọi người đến để nghe Ngài giảng kinh thuyết pháp, Ngài thật sự không phải là bị bệnh. Chúng ta ngày nay phải hiểu cho rõ ràng sự bí ẩn của đạo lý này.

Trong kinh này nói lời thành thật rất là quan trọng. Không những là học Phật mà trong pháp thế gian, vào thời xưa đọc sách của Khổng Tử, đây là nói pháp thế gian, xem trọng nhất là thành tín. Trong lịch sử chúng ta thấy Tư Mã Quang, sự thành tựu của Tư Mã Quang do chính ông nói, cả cuộc đời của ông không có điều gì mà không nói được với người khác. Tâm của ông ngay thẳng trong sáng, cả cuộc đời của ông làm việc gì cũng đều nói với người khác. Không thể nói được với người khác thì đó là việc không tốt, không có việc gì mà không thể nói cho người khác biết. Ông đã làm được sự chân thành không giả dối.

Cổ Đại Đức thường dạy chúng ta việc tu hành phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ không vọng ngữ, đây là bạn thật sự có công phu. Tội vọng ngữ rất nặng, nặng ở chỗ nào? Không phải là dối gạt người khác, dối gạt người khác tội thì không nặng, dối gạt chính mình, tự dối gạt thì tội rất nặng, đối với bản thân mình đã bị tổn hại quá lớn, bạn nói thử tổn hại cái gì? Là che lấp tánh đức, che lấp trí huệ, bạn sẽ không khai trí huệ, trí huệ đức tướng vốn có trong tự tánh của bạn sẽ không hiện tiền, việc vọng ngữ này đã che mất rồi. Ngũ nghịch thập ác đã làm chướng ngại hết thảy tướng hảo quang minh. Trí huệ đức năng của tự tánh, xin nói với quý vị, chỉ bị chướng ngại chứ không bị mất đi, khi nào sự chướng ngại này mất đi thì trí huệ đức tướng trong tự tánh của bạn liền hiện tiền.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Đây là Thế Tôn vì chúng ta mà nói, do vậy mới biết, chúng ta chỉ cần buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì tất cả đức năng của tự tánh chúng ta đều hiện tiền. Đó là cái vốn đã có. Bồ-tát Mã Minh nói trong Khởi Tín Luận nói rất hay: “Bản giác vốn có, bất giác vốn không”, bất giác chính là mê hoặc, mê hoặc vốn là không có, vốn là không có thì đâu có đạo lý không đoạn được? Chỉ vì tập khí quá sâu, hình như rất khó đoạn, nhưng một đời chắc chắn có thể đoạn được. Trong kinh Phật thường nói, phàm phu tu hành thành Phật phải trải qua vô lượng kiếp, trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp. Lời nói này là phương tiện mà nói, là thuận theo chúng sanh mà nói, chúng sanh khắc phục phiền não tập khí của chính mình quá khó, cho nên Phật mới nói như vậy. Nếu bạn thật sự hạ quyết tâm, đoạn trừ tập khí phiền não thì một đời sẽ thành tựu.

Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm đã thị hiện cho chúng ta thấy một đời thành tựu, Long Nữ trong kinh Pháp Hoa thị hiện cho chúng ta thấy một đời thành tựu, đó là gì vậy? Là thật sự hạ quyết tâm khắc phục phiền não tập khí của chính mình, bắt đầu làm từ đâu? Từ việc không vọng ngữ, bạn phải học nói lời thành thật, từ điều này mà bắt đầu làm. Làm được điều này thì khẩu nghiệp đã thanh tịnh rồi, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ỷ ngữ, không ác khẩu, bạn từ ở chỗ này mà công phu. Bạn mất khoảng ba năm, năm năm, thậm chí là mười năm cũng không coi là dài, tại sao vậy? Sau khi sự công phu này thành công, thân nghiệp và ý nghiệp chuyển sẽ rất nhanh. Chuyển khẩu nghiệp phải mất mười năm, tương lai chuyển thân nghiệp và ý nghiệp của bạn khoảng hai, ba năm là thành công, bạn có thể khế nhập cảnh giới.

Sự khế nhập cảnh giới này là hiện tượng thông thường nhất, bạn xem kinh thì liền hiểu, hiểu như thế nào? Từng câu từng chữ có vô lượng nghĩa, nói dài nói ngắn, nói sâu nói cạn đều được tự tại, tại sao vậy? Vì phiền não của bạn đã tiêu một phần thì tánh đức của bạn sẽ lưu lộ ra được một phần, đạo lý là như vậy. Đây là sự công phu chân thật, không phải là khi lên giảng đài giảng kinh, ta phải tham khảo tài liệu, phải viết bản thảo, như vậy chẳng có tác dụng, rất cứng ngắc, như vậy thì sẽ không khai trí huệ. Đã khai trí huệ rồi, bạn không những thông suốt bộ kinh này, lời của cổ nhân: “Một kinh thông thì tất cả kinh thông”, tôi xin nói với các bạn, tất cả kinh không phải là chỉ có kinh Phật, mà hết thảy kinh điển của các tôn giáo bạn đều thông suốt. Không những thông suốt hết thảy kinh điển của các tôn giáo mà hết thảy những học thuật của thế gian bạn cũng thông suốt, thật sự là không thể nghĩ bàn. Không có gì khác, chỉ là loại trừ phiền não mà thôi, bạn xem điều này quan trọng biết bao!

Xác thực là từ nói lời thành thật mà bắt đầu, từ chỗ này mà nhập môn, mười phương chư Phật đều dạy chúng ta như vậy, chúng ta nên học tập ở chỗ này. Chúng ta phải lấy sự chân thành mà gây ảnh hưởng cho thời đại này thì ánh sáng đó chiếu rộng khắp. Hy vọng sự tu học, việc làm, hành vi của chúng ta có thể gây ảnh hưởng lâu dài giống như năm xưa Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế. Ngài vì mọi người mà giảng kinh thuyết pháp, về mặt thời gian, pháp vận của Ngài là 12 ngàn năm, chính là sự ảnh hưởng của Ngài có thể đến 12 ngàn năm. Hiện nay là đã ba ngàn năm rồi, vẫn còn chín ngàn năm nữa. Về mặt không gian mà nói, theo cảm giác của phàm phu chúng ta thì sự ảnh hưởng khắp cả thế giới, trên thực tế thì sao? Thực tế là chúng ta không biết được, chúng ta nghĩ sức ảnh hưởng của Ngài ít ra là cả thế giới Ta-bà này.

Thế giới Ta-bà không phải là một hệ ngân hà, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với chúng ta, hệ ngân hà ở trong Phật pháp là một đơn vị thế giới, vậy thì quá to lớn. Nếu hệ ngân hà là một đơn vị thế giới thì một đại thiên thế giới là một con số đại khái là mười ức (một tỉ) hệ ngân hà. Ngày nay các nhà khoa học vẫn chưa có cách nào đột phá ngoài mười ức hệ ngân hà. Điều này là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi. Trước đây tôi cho rằng đơn vị của thế giới là Thái Dương hệ, tam thiên đại thiên thế giới là hệ ngân hà, Ngài nói với tôi cách hiểu này là sai. Ngài nói trong kinh nói rất rõ ràng, mặt trời và mặt trăng của chúng ta chuyển động quanh núi Tu-di. Trung tâm của hệ ngân hà, chúng ta gọi là hoàng cực, xác định đó là núi Tu-di, cách nói này mới hợp pháp. Chúng ta nghĩ thấy rất là có lý, phạm vi này rất là rộng lớn. Phạm vi giáo hóa của một vị Phật là mười ức hệ ngân hà, sự ảnh hưởng ít nhất là phải rộng lớn như vậy.

Hai, ba năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thời gian và không gian không phải là thật. Tôi nghe được báo cáo của các nhà khoa học, trong một điều kiện nào đó thì không gian bằng không, không gian bằng không tức là không có khoảng cách. Trong một điều kiện nào đó thì thời gian cũng bằng không, thời gian bằng không chính là không có trước sau. Cách nói này giống như Phật nói ở trong kinh, đặc biệt là kinh Hoa Nghiêm có nói rất nhiều. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Niệm kiếp viên dung”, một niệm chính là vô lượng kiếp, vô lượng kiếp chính là một niệm, chính là không có thời gian.

Tịnh Độ của A Di Đà Phật ở nơi đâu? Chính là ở chỗ này. Bạn hãy xem Thiền sư Trung Phong khai thị trong Tam Thời Hệ Niệm, “Tịnh Độ chính là cõi này, cõi này chính là Tịnh Độ”, không gian không còn nữa. Lời nói này không phải là nói tùy tiện, Ngài làm sao mà biết vậy? Tôi tin là Ngài đã khế nhập rồi. Tôi có lý do tin tưởng Ngài, Ngài là một Đại Đức của Thiền tông, là vị Pháp sư đã minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, nhưng cuối cùng Ngài vẫn niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ. Ở trong định thì lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước, vọng tưởng phân biệt chấp trước đã buông bỏ rồi thì thời gian và không gian không còn nữa. Do vậy mới biết, khái niệm trừu tượng thời gian và không gian từ đâu mà có? Là từ vọng tưởng phân biệt chấp trước biến hiện ra. Hễ bạn khởi tâm động niệm thì liền có thời gian, có không gian. Nếu đối với tất cả pháp không khởi tâm, không động niệm thì không có cái hiện tượng này. Cho nên pháp giới được gọi là nhất chân, khởi tâm động niệm là vô minh. Pháp Thân Bồ-tát đã chứng được, đây là ba cảnh giới khác nhau, hiện tượng khác nhau.

Phàm phu lục đạo chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước thảy đều có đủ, cho nên đời đời kiếp kiếp bạn không thể bỏ được cái nghiệp nhân này, bạn không thể ra khỏi quả báo của lục đạo luân hồi. Nếu đã giác ngộ rồi, ta đối với tất cả pháp không còn chấp trước nữa, nhưng còn phân biệt, vẫn còn khởi tâm động niệm, vậy thì ở thế gian này bạn đã thoát khỏi lục đạo rồi. Bạn còn lại cảnh giới Tứ Thánh, chính là pháp giới Thanh Văn, pháp giới Duyên Giác, pháp giới Bồ-tát, bạn vẫn luân hồi ở đó. Bạn vẫn còn luân hồi, bởi vì công phu có tiến có thoái, tiến thì làm Bồ-tát, thoái thì trở thành A-la-hán, nguyên nhân gì vậy? Chính là bạn còn khởi tâm động niệm, phân biệt. Nếu không còn phân biệt thì pháp giới Tứ Thánh cũng không còn. Bạn vẫn còn khởi tâm động niệm, lúc đó gọi là nhất chân pháp giới hiện tiền, khởi tâm động niệm thì phiền não vô cùng vi tế, không nghiêm trọng. Lúc này gọi bạn là Pháp Thân Bồ-tát, trong kinh Hoa Nghiêm gọi là 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, chẳng những không còn lục đạo mà mười pháp giới cũng không còn nữa, thời gian, không gian cũng không còn, cho nên gọi là nhất chân pháp giới. Ở chỗ đó thì loại bỏ sự vô minh cuối cùng, sự vô minh phiền não này chính là khởi tâm động niệm.

Cho nên ở trong nhất chân pháp giới sự tu hành chính là tu không khởi tâm, không động niệm, bởi vì sự phân biệt chấp trước không còn nữa, chúng ta phải biết cái đạo lý này. Trong cuộc sống hiện thực hằng ngày của chúng ta, tu như thế nào thì bạn đã hiểu, bất luận là người, là việc, là hoàn cảnh nào, bạn phải chịu được sự thử thách, thuận cảnh thì không sanh tâm vui mừng, nhất định không có sự tham luyến, nghịch cảnh ác duyên thì nhất định không sân hận, phải như thế nào mới có thể làm được? Không phân biệt, không chấp trước thì làm được.

Có phân biệt, chấp trước thì bạn có sân hận, có tham luyến, việc này sẽ đưa đến oan oan tương báo không bao giờ dứt. Việc này thì rắc rối quá lớn, quá khó, hình như là rất khó làm được, đúng là như vậy, khó ở chỗ nào? Bạn không hiểu được chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là gì? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (hễ có hình tướng đều là hư vọng). Đây mới là chân tướng sự thật, bạn xem hư vọng cho là chân thật, bạn bị thiệt thòi ở chỗ này, bị mê ở chỗ này rồi. Nếu bạn biết được hết thảy các tướng đều là hư vọng, vậy bạn còn phân biệt gì nữa? Tự nhiên sẽ không còn.

Chân tướng sự thật, trong kinh Phật gọi là thật tướng của các pháp, cho nên chúng ta phải đọc kinh Kim Cang thật nhiều. Kinh này nói rất rõ ràng, phần kinh văn không dài khoảng năm ngàn chữ, khoảng 15 phút đến 20 phút thì đọc xong. Trong kinh có rất nhiều yếu lĩnh tu học quan trọng, chúng ta nhất định phải biết được. Trong vũ trụ không có thứ nào là thật cả, tất cả pháp hữu vi như mộng, ảo, bọt, bóng. Đây là nói về tướng, thời gian tồn tại thì như sương, như điện. Tôi đã giảng câu nói này rất tỉ mỉ, nói về thời gian tồn tại. Khi giảng kinh Hoa Nghiêm tôi đã dùng bảy, tám giờ đồng hồ để giảng câu nói này, có thứ gì tồn tại hay không? Không có. Thật sự đã chứng minh không có thứ gì tồn tại.

Bạn hiểu được chân tướng sự thật thì tự nhiên bạn sẽ buông bỏ, tự nhiên sẽ không còn phân biệt, không còn chấp trước, lúc đó mới được thanh lương tự tại. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài thì sanh trí huệ, không sanh phiền não. Không sanh phiền não thì không sanh thất tình, ngũ dục, không sanh tham sân si mạn. Sanh trí huệ không sanh phiền não, trí huệ chính là rõ ràng, thông suốt. Trong tự tánh của chúng ta vốn có đầy dủ thập thiện nghiệp, phải học ở chỗ nào? Không cần phải học. Vọng ngữ lưỡng thiệt vốn là không có, vốn là không có cho nên hiện tại không có, tương lai cũng không có, bạn xem, tự tại biết bao nhiêu, vui sướng biết bao nhiêu! Thường xuyên lừa dối người khác thì lương tâm của mình bất an, đó chính là đau khổ, đó gọi là nghiệp chướng, huống chi là có báo thù. Bạn dối gạt người ta như thế nào thì người ta sẽ dối gạt bạn như thế đó, oan oan tương báo, đời này sang đời khác không bao giờ hết, đây là đau khổ thật sự, không thể nói thành lời. Cho nên ở những chỗ này chúng ta phải học, thật sự hiểu rõ, thông suốt rồi thì chắc chắn là tánh đức của chúng ta có thể khôi phục được.

Đoạn tiếp theo là “dư phương đồng tán” (các phương khác cùng tán thán). Trong mười phương, phương Đông được nói nhiều nhất, các phương khác thì được nói sơ lược. “Nam Tây Bắc phương hằng sa thế giới, chư Phật xưng tán diệc phục như thị” (chư Phật trong hằng sa thế giới nơi phương Nam, Tây, Bắc cũng khen ngợi như thế), đây là nói phương Nam, phương Tây, phương Bắc. “Tứ duy thượng hạ” (bốn phương, trên, dưới), ‘tứ duy” là Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, “thượng hạ” là phương trên và phương dưới, mười phương đều nói hết. “Hằng sa thế giới, chư Phật xưng tán diệc phục như thị” (chư Phật trong hằng sa thế giới cũng khen ngợi như vậy). Ở chỗ này chúng ta phải lưu ý, trong chú giải của cổ đức có nói, chư Phật đã chứng được nhất chân pháp giới, bình đẳng pháp giới. Ở quốc độ của mười phương chư Phật đều có chúng sanh đã mê mất tự tánh, hay nói cách khác, hầu như cũng có thập pháp giới, cũng có lục đạo, vậy có quốc độ nào không có lục đạo và thập pháp giới không? Có, là số ít không phải số nhiều. Chúng tôi xem thấy ở trong kinh Hoa Nghiêm, có thế giới thuần nhất thanh tịnh, trong kinh Hoa Nghiêm có nói đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, là thuộc về thế giới thuần nhất thanh tịnh.

Ở thế giới Cực Lạc không có thập pháp giới, không có lục đạo, đây chính là thế giới thuần nhất thanh tịnh. Tuy là nói không nhiều, cái không nhiều này là sự so sánh, nếu không phải là so sánh thì thế giới thanh tịnh cũng có không ít. Ở nơi đó không có người mê hoặc, cả thảy đều là người giác ngộ. Quốc độ của chư Phật có Phàm Thánh Đồng Cư Độ, cho nên lợi ích của việc niệm Phật vãng sanh là diệu pháp không cùng tận của Di Đà. Chư Phật Như Lai khác với phàm phu chúng ta, phàm phu chúng ta không chịu nhường nhịn nhau, thường hay chiếm giữ cho mình. A Di Đà Phật đã xây dựng thế giới Cực Lạc, các vị Phật Như Lai khác thì không có năng lực này hay sao? Tất cả chư Phật đều có khả năng này, mỗi vị đều xây dựng thế giới Cực Lạc thì không tốt hay sao? Tại sao chỉ xây có một thế giới vậy?

Ý nghĩa giáo học ở chỗ này rất là sâu xa, nếu mỗi vị Phật đều xây dựng một thế giới Cực Lạc thì sẽ cho chúng ta ấn tượng gì? Là Phật vẫn còn tâm riêng tư, họ có thì ta cũng có. Khuyết điểm của người thế gian chúng ta là như vậy, nhìn thấy bạn có thì ta cũng có. Cho nên Phật thị hiện cho chúng ta, cái công đức này rất lớn, A Di Đà Phật xây dựng thế giới Cực Lạc, tốt! Ta đưa cả thảy chúng sanh chưa giác ngộ đến chỗ của A Di Đà Phật, đến đó để khai ngộ. Cho nên tất cả chư Phật tôn sùng A Di Đà Phật, A Di Đà Phật xây dựng trường đại học Phật giáo, tất cả chư Phật đều vì A Di Đà Phật mà chiêu sinh, đều tuyên truyền cho mọi người những điểm tốt trường học này, khuyên mọi người nên đến trường học này để học tập, thân cận A Di Đà Phật.

Các vị Phật giống nhau, tất cả chư Phật và A Di Đà Phật là cùng chung pháp thân, mười phương ba đời chư Phật đều cùng một pháp thân, chúng ta phải biết điều này. Tôn sùng A Di Đà Phật chính là tôn sùng chính mình, cái dạo lý này không thể không biết. Hiện nay thế gian này của chúng ta, hầu như ở khắp nơi bạn đều nhìn thấy, đều nghe thấy sự xung đột, xung đột do đâu mà có? Do hai bên không nhường nhịn nhau. Nếu mọi người học theo chư Phật đều tôn sùng A Di Đà Phật thì thế giới này ổn định hòa bình, không có chuyện gì. Bất luận là người nào làm cũng tốt, cớ gì phải tranh giành nhau? Tranh giành cũng vô ích. Cho nên cổ Đại Đức nói rất hay, “chư Phật nhượng đức, lệnh quy nhất Phật” (chư Phật nhường đức, dạy quy về một Đức Phật), ý nghĩa câu nói này rất sâu xa, thảy đều dạy chúng ta tuyệt đối nhường, nhau không tranh giành. Trong cõi nước của chư Phật không thấy có hiện tượng tranh giành, cũng không nghe thấy cái danh từ tranh giành, danh từ còn không có thì làm gì có chuyện tranh giành.

Cổ nhân nói Phật với Phật thì giống nhau, trí huệ, đức tướng đều là bình đẳng, cứu cánh viên mãn, không có cao thấp, nhưng pháp môn niệm Phật là do A Di Đà Phật tạo ra, cho nên lợi ích của việc giáo hóa chúng sanh của Ngài cùng với tất cả chư Phật thì không giống nhau, tại sao vậy? Vì tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh, chúng ta thường nói có vô lượng pháp môn, tám mươi bốn ngàn pháp môn, đều phải đoạn phiền não mới có thể chứng Bồ-đề. Đối với tất cả người, việc, vật bạn phải buông bỏ chấp trước thì mới chứng được Tứ Thánh pháp giới, mới có thể ra khỏi lục đạo luân hồi. Đây là mười phương tất cả chư Phật dạy cho chúng sanh, trên lý là như vậy. Nếu bạn xả bỏ tâm phân biệt đối với tất cả người, việc, vật thì bạn mới có thể ra khỏi mười pháp giới. Đây chính là nguyên lý nguyên tắc trong các pháp môn của tất cả chư Phật, không có một vị Phật nào làm ngược lại với nguyên tắc này.

Chỉ có pháp môn của A Di Đà Phật là khác lạ, pháp môn của Ngài là đới nghiệp vãng sanh. Bạn không cần phải đoạn phiền não tập khí, cũng chính là nói có thể không đoạn sự phân biệt chấp trước của bạn thì cũng được vãng sanh, thật là tuyệt vời! Cho nên đây là pháp khó tin, chư Phật trong mười phương thế giới không có cách nói này. Lời của Ngài nói có thật không? Là sự thật. Nhưng sự thù thắng nhất không phải là ở chỗ này, sự thù thắng thật sự là bạn không phải đoạn phiền não mà vẫn sanh về thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc có bốn Độ, người chưa đoạn phiền não thì sanh về Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Kiến tư phiền não đã đoạn rồi, chính là chúng tôi vừa nói là đã đoạn chấp trước rồi thì sanh vào Phương Tiện Hữu Dư Độ. Phương Tiện Hữu Dư Độ chính là Tứ Thánh pháp giới của mười pháp giới. Nếu không còn phân biệt nữa thì bạn sẽ sanh vào Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Thật Báo Trang Nghiêm Độ chính là nhất chân pháp giới, chính là bạn giống với tất cả chư Phật. Không giống với cõi nước của tất cả chư Phật là Phàm Thánh Đồng Cư Độ và Phương Tiện Hữu Dư Độ. Phàm Thánh Đồng Cư Độ chính là lục đạo của chúng ta, Tứ Thánh pháp giới thì khác với cõi nước của tất cả chư Phật, đây là chỗ thù thắng của của Tây Phương Tịnh Độ.

Người ta có hỏi thì chúng ta phải trả lời được, Tây Phương Tịnh Độ không giống với cõi nước của tất cả chư Phật ở chỗ nào? Không giống là ở hai Độ này. Thật Báo Độ, Thường Tịch Quang Độ thì giống nhau, không khác nhau chút nào. Công đức thù thắng chẳng gì sánh bằng chính là bốn Độ của Tây Phương Tịnh Độ ở cùng một chỗ, trong đó không có chướng ngại. Lục đạo của chúng ta có chướng ngại, con người chúng ta không thấy ma, không thấy cõi trời, người cõi trời cũng không nhìn thấy chúng ta. Đây là có chướng ngại, vì chúng ta không đồng số chiều không gian, không thể đột phá số chiều không gian, nhưng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì số chiều không gian đã bị đột phá, nó không còn chướng ngại, cho nên bốn Độ cùng ở chung một nơi. Thí dụ như chúng ta nói Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền Bồ-tát, các Ngài là Bồ-tát ở nhất chân pháp giới, các vị Bồ-tát ở Thật Báo Độ, những người ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ mỗi ngày đều gặp được các Ngài, điều này thật không thể nghĩ bàn. Điều này thì trong mười phương thế giới không có, thật sự là chưa nghe nói bao giờ.

Điều hiếm có nhất là thọ mạng dài lâu, là cái đức bậc nhất của thế giới Tây Phương. Sanh đến nơi đó, Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là vô lượng thọ, thật là tuyệt vời. Vô lượng thọ chính là cho chúng ta một viên thuốc định tâm, thời gian học Phật, thời gian chứng quả có lâu dài cũng không sao, chúng ta đã có thọ mạng lâu dài. Không giống như ở thế gian này, thọ mạng ngắn ngủi, bạn học Phật chưa thành công thì thọ mạng đã hết rồi, lại phải đi đầu thai đến nhân gian này, lại tiếp tục học Phật, ít nhất phải mất 20 năm, bạn xem sự việc này phiền phức có lớn hay không? Ở thế giới Tây Phương thì không có chuyện này, cho nên họ tiến bộ rất nhanh, huống chi là có lão sư tốt, lão sư là mười phương tất cả chư Phật Như Lai, lão sư đều là Phật. Bồ-tát Đẳng Giác là bạn học của chúng ta, là bạn học tốt của chúng ta. Hoàn cảnh tu học là như vậy, ở các nơi khác không thể sánh bằng, trong mười phương thế giới tìm không được hoàn cảnh tu học lý tưởng như thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Chúng ta muốn thành tựu mà không đến nơi đó vậy thì bạn phải đi đâu? Công đức lợi ích của thế giới Tây Phương Cực Lạc thật là thù thắng, tìm không thấy ở quốc độ của mười phương chư Phật. Chư Phật nhìn thấy cách làm của A Di Đà Phật, vô cùng khâm phục, vô cùng hoan hỷ, Ngài đã làm rồi thì chúng tôi không cần làm thêm nữa, chúng tôi giới thiệu hết thảy học trò cho A Di Đà Phật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc lớn bao nhiêu? Pháp giới lớn như thế nào thì thế giới Cực Lạc lớn như thế đó. Trong tự tánh không có lớn nhỏ, phải hiểu được cái đạo lý này, tuyệt đối không nên cho rằng thế giới Cực Lạc là một tinh cầu, e rằng người ở vô lượng vô biên thế giới di dân đến nơi đó thì không có đủ chỗ chứa.

Có người nói với tôi, họ không muốn đi đến thế giới Cực Lạc, tôi hỏi họ tại sao vậy? Họ nói người ở mười phương thế giới đều đến nơi đó thì nhất định nơi đó phải chật chội rồi, nên họ không muốn đi. Vì họ chưa đọc kinh Hoa Nghiêm, nếu đã đọc kinh Hoa Nghiêm thì sẽ hiểu. Báo độ có pháp tánh độ và pháp tướng độ. Trong pháp tánh độ không có lớn nhỏ, khắp pháp giới hư không giới có một pháp tánh độ. Trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta về vi trần, vi trần thì mắt thường chúng ta không nhìn thấy, trong khoa học ngày nay gọi là thế giới vi quan của lượng tử lực học, đó là nhỏ bé nhất.

Phật nói trong vi trần có thế giới, thế giới lớn bao nhiêu? Lớn cũng giống như thế giới này của chúng ta. Thế giới không có thu nhỏ, vi trần cũng không có phóng lớn, trong vi trần có thế giới, ai có thể vào trong đó? Bồ-tát Phổ Hiền. Ở trong vi trần cũng có vô lượng thế giới, cũng có vô lượng chư Phật, cũng có vô lượng chúng sanh, nói không chừng cái đạo tràng này của chúng ta cũng có ở trong đó. Trong thế giới vi quan nhìn thấy đạo tràng này của chúng ta, nhìn thấy chúng ta đang hoạt động, đây là sự thật. Trong thế giới vi trần còn có vi trần, trong mỗi vi trần lại có thế giới, cứ như vậy mà trùng trùng vô tận. Trong Phật pháp thì nói rộng không bờ bến, sâu không thấy đáy, sâu không thấy đáy là nói thế giới vi quan, nói thế giới trùng trùng vô tận. Đây là tánh đức, pháp tánh là “pháp nhĩ như thị”, nó vốn là như vậy, cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Các nhà khoa học hiện nay đã phát hiện ra vật chất rất nhỏ, vật chất nhỏ nhất này là từ không sinh ra có, hiện nay gọi là năng lượng và chất lượng. Vật chất từ đâu mà có? Là từ năng lượng biến hiện ra, đồng thời nó lại nhanh chóng biến thành năng lượng, sanh diệt trong sát-na, các nhà khoa học mới phát hiện ra điều này, xác thực là từ không sanh ra có. Trong Tâm Kinh có nói, “sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”, trong kinh Bát-nhã đã chứng minh câu nói này là sự thật chứ không phải giả. Nhưng trong vi trần vẫn có thế giới thì họ chẳng có cách nào biết được, khoa học vĩnh viễn không thể đạt đến cảnh giới đó.

A Di Đà Phật lấy trí huệ đức năng tánh đức của tự tánh mà hiện ra cảnh giới này, gọi là 48 nguyện độ chúng sanh, trong bộ kinh này đặc biệt là vì chúng ta mà hiển thị. Vô lượng vô biên công đức của tất cả chư Phật đều hiển thị ra ở nơi Phật Di Đà. Phải nhớ kỹ, “một là tất cả, tất cả là một”. Mười phương ba đời tất cả chư Phật cùng chung một pháp tánh, cùng chung một danh hiệu, cùng chung một trí huệ, lực vô úy cũng vậy, thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng pháp hoàn toàn giống nhau, là một không phải hai. Do phàm phu chúng ta có phân biệt chấp trước khởi tâm động niệm. Chúng ta suy nghĩ về cảnh giới đó, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, không có khởi tâm, không có động niệm, cái cảnh giới đó là thật. Cho nên Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta, Ngài thuyết pháp như vậy, dụng ý của Ngài rất là sâu sắc, sâu rộng không có bờ mé. Nếu chúng ta muốn biết ý nghĩa chân thật của Như Lai, xác thực không phải là một chuyện dễ.

Cổ nhân nói có chứng được thì mới biết, cái cảnh giới này đối với bản thân mình là không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ chính là không có cách giải thích, nhất định phải khế nhập, vào được cảnh giới đó rồi thì bạn mới bỗng nhiên đại ngộ, bạn mới thật sự hiểu được. Cho nên Phật mới hiển bày ý nghĩ, chẳng qua là khiến cho mười phương tất cả chúng sanh, tự mình không có khả năng đoạn phiền não có thể chọn pháp môn này, cầu sanh thế giới Cực Lạc. Đây là ý nghĩa chân thật của nguyện thứ 17 “chư Phật tán thán nguyện”.

Mười phương chư Phật giáo hóa tất cả chúng sanh, thật tại mà nói, đúng như Đại sư Thiện Đạo đã nói, “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (Như Lai xuất hiện ở đời chỉ để nói biển bổn nguyện của Di-đà), câu nói này là thật, không có giả chút nào. Tất cả chư Phật thị hiện trong chín pháp giới là giúp cho chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, bạn muốn hỏi mục đích thật sự là gì? Mục đích thật sự chính là khuyên bạn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta làm sao lĩnh hội được? Khi tôi mới học Phật, nghe câu nói này thì tôi có nghi vấn, sự nghi vấn này khi tôi đọc được kinh Hoa Nghiêm thì có câu trả lời.

Kinh Hoa Nghiêm, mọi người đều biết, là vua trong tất cả kinh Đại Thừa, là pháp luân căn bản. Tất cả các kinh đều là quyến thuộc của kinh Hoa Nghiêm, giống như một cái cây lớn vậy, tất cả kinh đều là cành lá, hoa quả, kinh Hoa Nghiêm là căn gốc. Phần cuối của kinh Hoa Nghiêm là mười đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền hồi quy Cực Lạc, thì chúng tôi mới bỗng nhiên đại ngộ. Kinh Hoa Nghiêm là đại biểu của 84 ngàn pháp môn, kinh Hoa Nghiêm đại biểu cho vô lượng pháp môn, vô lượng pháp môn cuối cùng đều quy về thập đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Cho nên tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa câu nói của Đại sư Thiện Đạo, chẳng có giả một chút nào.

Vì sao Thích-ca Mâu-ni Phật phải nói nhiều pháp môn như vậy? Vì nhiều người không tin, cho nên pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”. Trong Phật pháp thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, đây là nguyên lý nguyên tắc vĩnh viễn không thay đổi mà Phật giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải học. “Phương” là phương thức là phương pháp, “tiện” là thích hợp nhất. Việc thích hợp nhất đối với mỗi người cũng khác nhau, một người thích ăn ngọt thì cho họ ăn ngọt là thích hợp nhất, người kia thích ăn cay thì cho họ ăn cay là thích hợp nhất.

Câu nói trên rất hay, biết được việc thích hợp chính là phương tiện. Bạn thích tu cách gì thì Phật liền dạy cho bạn tu cách đó. Nhưng bất luận bạn thích tu cách nào, pháp môn nào, Thế Tôn nhất định sẽ đem pháp môn Di Đà giới thiệu cho bạn. Bạn có chấp nhận hay không đó là chuyện của bạn, nhưng Thế Tôn nhất định sẽ giới thiệu cho bạn. Đây là nguyên nhân năm xưa khi Thế Tôn còn tại thế đã nói bộ kinh này nhiều lần. Không giống các bộ kinh khác, trong đời Ngài chỉ giảng có một lần, từ trước đến giờ chưa giảng lần thứ hai.

Ngài đã giảng bộ kinh này nhiều lần, làm sao biết được Ngài đã giảng nhiều lần? Từ những bản kinh được dịch còn lưu lại đến ngày nay, nội dung không giống nhau, thì biết được những người phiên dịch nhất định đã không dùng cùng một bản bản kinh gốc. Nếu cùng một bản bản kinh gốc thì khác nhau là ít giống nhau là nhiều. Nhưng sự khác biệt rất là nhiều, chỗ quan trọng nhất thì khác biệt quá nhiều. Sự khác biệt rõ ràng nhất là các lời nguyện, có bản là 48 nguyện, có bản là 36 nguyện, có bản là 24 nguyện, sự khác biệt này là quá lớn. Sự việc lớn như vậy, những người phiên dịch không thể dịch sai như vậy. Có ba bản dịch khác nhau, cổ Đại Đức phán đoán, năm xưa khi Thế Tôn còn tại thế ít nhất đã giảng bộ kinh này ba lần ở các nơi khác nhau. Kinh được truyền đến Trung Quốc đều là bản gốc, lúc phiên dịch mới có sự việc như vậy. Kinh này được giảng nhiều lần, thật là hiếm có.

Ở Trung Quốc có 12 loại bản dịch bộ kinh này, có 7 loại đã thất truyền. Nếu chúng ta thấy được những bản thất truyền thì có thể là còn nhiều bản khác nhau nữa. Cho nên cổ Đại Đức phán đoán Thế Tôn đã giảng bộ kinh này từ ba lần trở lên. Đây là sự tận tình khuyên bảo của Thế Tôn, đem pháp môn này giới thiệu cho những người căn tánh khác nhau. Nếu họ tin tưởng, chịu nghe theo kinh này mà tu hành thì không có ai mà không thành tựu, thật sự là vạn người tu vạn người đi. Nhờ thiện căn phước đức nhân duyên của chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay nên mới gặp được bộ kinh này. Nếu từ vô lượng kiếp đến nay bạn không có thiện căn phước đức nhân duyên thì bộ kinh này để trước mặt bạn cũng không nhận ra. Đồng tu học Phật ở Singapore không ít, bạn thấy những người có duyên đên đây nghe giảng kinh được mấy người? Đây không phải là một chuyện dễ dàng. Chúng ta có đủ nhân duyên thì phải biết quý trọng, trong đời này nhất định phải thành tựu. Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến chỗ này.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 328)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ