Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 302)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 302)
Gia đình nào cũng đều có thể cúng phụng một bộ “Đại Tạng Kinh”, việc này ngày xưa là việc không thể tưởng, không có ai dám tưởng tượng ra được. Đây là sự tiện lợi của ngày nay, nhưng nó cũng có tác dụng mặt trái. Tác dụng mặt trái là gì? Là tăng trưởng phiền não. Sự tiến bộ của khoa học ngày nay dụ hoặc bạn, đã dẫn khởi ra tất cả những tham sân si mạn có ở trong “A Lại Da Thức” của bạn. Chiêu trò mới của khoa học rất nhiều, ngày ngày dạy bạn nghĩ tưởng lung tung đến nỗi thân tâm bạn bất an, cho nên Kinh điển tuy rất nhiều nhưng bạn không có cách nào khế nhập. Tâm phải thanh tịnh thì mới có thể khế nhập Kinh điển. Cho nên ngày xưa tự viện am đường đều xây dựng ở thâm sơn cùng cốc, không một bóng người, thậm chí là chùa trên núi và làng ở dưới chân núi cũng không có qua lại. Rất là có đạo lý. Cư sĩ Hạ Liên Cư cũng thường nói, ví như có một người, bất luận là học pháp môn nào, chỉ cần một môn thâm nhập, buông bỏ vạn duyên, ba năm không nói chuyện, người đó nhất định sẽ khai ngộ. Cái thân này thật sự mà đạt được thanh tịnh thì có sự liên quan rất lớn với bên ngoài. Ngoại duyên ở hiện tại thật sự không tốt, sáu căn của bạn tiếp xúc đều là sự mê hoặc nghiêm trọng, bạn có thể cưỡng lại

Gia đình nào cũng đều có thể cúng phụng một bộ “Đại Tạng Kinh”, việc này ngày xưa là việc không thể tưởng, không có ai dám tưởng tượng ra được. Đây là sự tiện lợi của ngày nay, nhưng nó cũng có tác dụng mặt trái. Tác dụng mặt trái là gì? Là tăng trưởng phiền não. Sự tiến bộ của khoa học ngày nay dụ hoặc bạn, đã dẫn khởi ra tất cả những tham sân si mạn có ở trong “A Lại Da Thức” của bạn. Chiêu trò mới của khoa học rất nhiều, ngày ngày dạy bạn nghĩ tưởng lung tung đến nỗi thân tâm bạn bất an, cho nên Kinh điển tuy rất nhiều nhưng bạn không có cách nào khế nhập. Tâm phải thanh tịnh thì mới có thể khế nhập Kinh điển. Cho nên ngày xưa tự viện am đường đều xây dựng ở thâm sơn cùng cốc, không một bóng người, thậm chí là chùa trên núi và làng ở dưới chân núi cũng không có qua lại. Rất là có đạo lý.

Cư sĩ Hạ Liên Cư cũng thường nói, ví như có một người, bất luận là học pháp môn nào, chỉ cần một môn thâm nhập, buông bỏ vạn duyên, ba năm không nói chuyện, người đó nhất định sẽ khai ngộ. Cái thân này thật sự mà đạt được thanh tịnh thì có sự liên quan rất lớn với bên ngoài. Ngoại duyên ở hiện tại thật sự không tốt, sáu căn của bạn tiếp xúc đều là sự mê hoặc nghiêm trọng, bạn có thể cưỡng lại được sự mê hoặc này hay không? Người xưa cưỡng không nổi thì người hiện nay càng không cần phải nói. Cho nên chân thật tu hành, chân thật muốn khai ngộ, xem ra vẫn là phải dùng cách cũ, lên núi sâu tìm một chỗ nào mà không có ai biết đến, đi đến nơi thâm sơn đó để bế quan tịnh tu, đoạn tuyệt với hết thảy thế duyên. Có lẽ như vậy mới có thể thành tựu. Tôi tin rằng ở Trung Quốc đại lục, trong các thâm sơn cùng cốc thật sự là có cao nhân. Những người này không có bước ra ngoài, tuy rằng công phu tu hành thành tựu rồi nhưng họ cũng không bước ra. Vì sao vậy? Bước ra ngoài thì có lợi ích gì? Nói với bạn, bạn cũng sẽ không tiếp nhận, bạn cũng sẽ không chịu tin.

Tại chỗ này chúng ta xem thấy “tự nhiên đức phong trừ khởi”. Phong là hiện tượng tự nhiên, cũng có đầy đủ đức năng vốn có của tự tánh.

“Xuy chư la võng, cập chúng bảo thụ, xuất vi diệu âm”. Sự việc này là do Phật A Di Đà biến hóa ra, đây là oai thần bổn nguyện của Phật đang khởi tác dụng, nói pháp cho mọi người nghe, “xuất vi diệu âm”. Diễn thuyết, diễn là biểu diễn, thuyết là diễn thuyết. Thuyết khổ, không, vô thường, chư Ba La Mật. Trong câu nói này đã đem tất cả ba đời chư Phật ở thế giới mười phương ở trong mười pháp giới hiện thân thuyết pháp, độ chúng sanh, hết thảy đều bao gồm ở bên trong. “Khổ, không, vô thường” là Tiểu Thừa, chư Ba La Mật là Đại Thừa. Nếu dùng lời hiện nay mà nói, từ lớp mầm non đến tiến sĩ. Câu nói này không phải là có ý như vậy hay sao? Tất cả đều bao gồm ở trong.

Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã chú giải được khá tường tận ở trong quyển chú giải, có thể đem làm tham khảo. “Khổ, không, vô thường, vô ngã” là bốn tướng của Khổ Đế ở trong pháp Tứ Đế. Chúng tôi vừa mới giảng phẩm “Tứ Thánh Đế” trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Tứ Thánh Đế có Tạng - Thông - Biệt - Viên, Tứ Thánh Đế bao hàm tất cả pháp. Kinh văn trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói là vô lượng Tứ Đế, là cái mà Bồ Tát Đại Thừa học. Trong Tứ Đế thì mỗi một pháp đều bao gồm hết thảy pháp. Phẩm Kinh này là nói Như Lai thuyết pháp. Ngài vì sao không nói gì khác mà lại nói Tứ Đế? Hầu hết đều cho rằng Tứ Đế là Tiểu Thừa, không biết rằng Tứ Đế thông tất cả pháp, Tứ Đế bao hàm tất cả pháp.

“Khổ, không, vô thường” là từ trên quả mà nói. Đây là Thế Tôn chân thật trí tuệ, thiện xảo phương tiện, thuyết pháp đối với chúng sanh mà nói từ trên quả thì họ dễ dàng hiểu, cảm nhận ngay hiện tiền, ấn tượng rất sâu sắc. Sau đó lại nói nhân với bạn, cái khổ của bạn là từ đâu mà đến, vậy thì bạn mới có thể nghe vào được. Sau đó lại tiến thêm một bước nói với bạn, làm sao để có thể đem cái khổ này diệt trừ, lìa khổ được vui, từng bước từng bước mà hướng dẫn bạn, giúp đỡ bạn phá mê khai ngộ, hồi quy về tự tánh. Cho nên Phật pháp đến mục tiêu cứu cánh, viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc. Đây là đến cứu cánh viên mãn, chân thật bất hư, hồi quy về tự tánh mà thôi. Chư Phật Như Lai đã viên mãn quay về tự tánh, Pháp Thân Bồ Tát tuy rằng quay về tự tánh, nhưng chưa viên mãn, chưa cứu cánh. Trên quả địa Như Lai thì cứu cánh viên mãn. Sau khi viên mãn cũng không nghỉ ngơi, gọi là thừa nguyện tái lai, giúp đỡ pháp giới, hư không giới. Còn có rất nhiều, rất nhiều những chúng sanh mê hoặc điên đảo chưa chịu quay đầu, các Ngài đi giúp đỡ họ. Đây là sự nghiệp của Phật Bồ Tát, cho nên vì tất cả chúng sanh làm ra các loại thị hiện, làm ra các loại diễn thuyết.

Diễn là biểu diễn, làm ra cho người khác xem. Diễn đặt ở phía trước. Diễn là làm được, làm được rồi sau đó mới nói ra, người nghe sẽ tin tưởng. Bản thân không có làm được thì khi nói ra cũng thấy e ngại, cũng ngập ngừng ấp úng. Vì sao vậy? Bản thân còn chần chừ do dự thì bạn làm sao có thể khiến người khác sinh lòng tin? Cho nên Phật dạy chúng ta trước tiên phải học làm cho được, sau đó mới nói. Phật như vậy, Bồ Tát như vậy, chư Tổ sư Đại đức cũng như vậy, chỉ có người hiện nay là không như vậy. Người hiện nay chỉ học cho biết mà không sẵn lòng làm cho được, đi hy vọng người khác làm được. Nguyên nhân của thất bại là ở chỗ này.

“Khổ, không, vô thường” - ba danh từ này hàm chứa ý nghĩa rất sâu, sâu rộng vô tận. “Vô ngã”, ngã ý nghĩa là chủ tể, là ý nghĩa tự tại. Chúng sanh ở trong lục đạo vô ngã, chúng sanh ở trong mười pháp giới cũng vô ngã.

Trong pháp Đại Thừa Phật thường hay nói “thường, lạc, ngã, tịnh”. Bốn cái này là đức, là tứ tịnh đức, ở trong chân tâm tự tánh vốn có đầy đủ. Đây là tánh đức. Trong tánh đức có thường, lạc, ngã, tịnh. Bạn hãy xem, “Lạc” chính là không khổ. Bạn giác ngộ rồi thì bạn sẽ có lạc, bạn mê rồi thì bạn sẽ có khổ. Khổ và lạc là một không phải hai, chỉ có giác và mê không đồng. Sự việc là như vậy.

“Thường”, ngược lại của thường là vô thường. Đã mê mất chân thường nên mới có vô thường. “Thường” và “vô thường” là một không phải hai. “Ngã” và “vô ngã” cũng là một không phải hai. Khi mê thì ngã sẽ không có. Chấp trước cái thân này, cho rằng thân là ta, đây là sai lầm lớn nhất, là sai lầm căn bản nhất. Phật pháp tu học bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, điều đầu tiên là “phá thân kiến”. Nhập môn từ ngay chỗ này. Chân thật biết được cái thân này không phải là ta, khẳng định thân không phải là ta. Thân không phải ta, vậy thân này là gì? Thân là cái của ta. Việc này nhất định phải biết. Cái của ta chính là thứ mà ta sở hữu. Giống như quần áo, quần áo không phải là ta, quần áo chỉ là cái mà ta sở hữu.Thân này không phải là ta, thân chỉ là cái thuộc về ta sở hữu mà thôi. Vậy thì cái gì là ta?

Hiện tại phương Tây có không ít người đang nghiên cứu đối với luân hồi chuyển thế. Nửa thế kỷ nay, họ đích thực là đã bỏ ra rất nhiều công sức, đã dùng rất nhiều tinh lực, chứng thực sau khi thân này chết đi thì “linh” vẫn tồn tại. Người Trung Quốc gọi đó là linh hồn, hiện tại dịch thành tiếng nước ngoài cũng đã dịch nó thành linh hồn. Linh hồn là bất diệt. Khi con người chết đi thì linh hồn sẽ rời khỏi thể xác. Thân thì có sanh diệt, linh hồn thì không có sanh diệt, vì vậy họ cho rằng linh hồn chính là ta, thân không phải ta. Cách kiến giải này cao minh hơn so với người thông thường chúng ta một bậc, cho nên những người này hiểu được chân tướng sự thật, mục tiêu cuộc đời của họ liền đã chuyển biến. Bạn không hiểu được cái chân tướng sự thật này, cứ cho rằng thân này là mình, mục tiêu của cuộc đời là tham muốn sự hưởng thụ của thân, tạo ra vô lượng vô biên nghiệp tội. Không cần nói gì khác, chỉ nói đến việc tham muốn ăn uống. Ăn uống là cái gì hưởng thụ? Là đầu lưỡi hưởng thụ. Cái lưỡi diện tích nó bao lớn? Người Trung Quốc thì nói là ba tấc, phía dưới của ba tấc lưỡi thì không còn mùi vị gì nữa. Ngày ngày coi trọng sắc, hương, vị, đều là vì ba tấc lưỡi. Vì ba tấc lưỡi mà tạo ra quá nhiều nghiệp tội, thật không đáng mà!

Người ngoại quốc đối với việc ăn uống hay hơn người Trung Quốc. Trong văn hóa ẩm thực mà nói, thì Trung Quốc là tiến bộ nhất, nhưng tôi lại không thích. Bạn xem, người Trung Quốc mỗi lần yến tiệc ăn cơm có đến mười mấy món, những bữa tiệc bình thường đều có đến mười mấy món ăn, còn người ngoại quốc tiệc tùng chính thức đều chỉ có ba món ăn, thật là đơn giản, sạch sẽ. Ở điểm này tôi cho rằng người Trung Quốc nên đi học hỏi người ngoại quốc, không nên làm quá nhiều món. Bởi vì quá nhiều thì nhất định sẽ không tốt cho sức khỏe, ăn uống vẫn là càng đơn giản thì càng tốt cho sức khỏe. Người ngoại quốcthì xem trọng dinh dưỡng, người Trung Quốc thì xem trọng vị ngon mà không xem trọng dinh dưỡng. Thế nhưng người Trung Quốc thời xưa thì rất xem trọng dinh dưỡng, người Trung Quốc hiện tại thì không hiểu việc dinh dưỡng, chỉ chú trọng đến vị ngon, thật là hại người, cho nên mới sanh ra những chứng bệnh lỳ lạ. Bệnh từ miệng vào. Những việc này đều là do coi thân thể này là ta. Nếu như hiểu được thân này không phải là ta, thì ta không cần phải bỏ ra nhiều thời gian, nhiều công sức, nhiều tinh lực đến như vậy để mà phục vụ cho thứ giả tạm này. Việc này là sai. Phải nên như thế nào? Phải nên đề cao linh tánh của chính mình, đây mới là chính xác.

Bồ Tát tu thành Phật như thế nào? Chúng ta đều chưa có nghĩ qua vấn đề này, vì thế chúng ta tu hành không thành Phật được, không thành Bồ Tát được. Bồ Tát tu hành thành Phật không có gì khác ngoài việc đề cao linh tánh của mình lên (người ngoại quốc thì gọi là linh tánh, trong Phật pháp chúng ta thì gọi là tánh đức).

Trên ngàn Kinh vạn luận, Phật đã lặp lại vô số lần, dạy bảo chúng ta xa rời phiền não, tập khí, ngày ngày đoạn phiền não. Đoạn được một phẩm phiền não thì tánh đức của chúng ta được nâng lên một tầng. Mục đích của cuộc sống này không giống với những người thế gian. Mục đích cuộc sống của người thế gian hiện tại thì trong đầu luôn theo đuổi tài, sắc, danh, thực, thùy, mong cầu đều là ngũ dục lục trần, họ lấy cái này làm mục tiêu. Việc này thì sai rồi. Những thứ này cho dù bạn có đạt được đi nữa thì bạn có thể hưởng thụ được mấy ngày? Chết rồi chẳng mang theo được, “mọi thứ không mang được, chỉ có nghiệp theo thân”. Cho nên phải hiểu việc này là sai rồi.

Phật nói với chúng ta, thứ không mang theo được thì ta phải buông xả, chúng ta phải tu những thứ có thể mang theo được. Mang theo được là nghiệp, không nên mang ác nghiệp mà phải mang thiện nghiệp. Đây là Phật đối với hầu hết những người chưa hiểu rõ về Phật pháp (hầu hết là chiếm đại đa số), cho dù là học Phật nhiều năm rồi mà vẫn là chấp trước danh văn lợi dưỡng, vẫn là chấp trước tự tư tự lợi, Phật mới có cách nói như vậy với những người này. Chính là khuyên họ mang nghiệp thiện không nên mang nghiệp ác, họ không ra khỏi sáu nẻo luân hồi thì cũng không đọa ba đường ác, vậy thì cuộc đời này của họ xem như cũng không tệ lắm. Trong đời này được thân người, đời sau biến thành súc sanh, biến thành ngạ quỷ, vậy thì bạn đã sai rồi, sai lầm lớn rồi. Thế nhưng, những người như vậy lại rất nhiều. Nếu như học Phật công phu đắc lực, Phật sẽ khuyên bạn mang theo tịnh nghiệp, không nên mang theo nhiễm nghiệp. Nhiễm nghiệp là gì? Sáu nẻo là nhiễm nghiệp. Hay nói cách khác, bạn hãy khiến cho chính mình ngay trong một đời này có thể siêu vượt sáu nẻo luân hồi, thì cuộc đời này của bạn không uổng phí. Siêu vượt sáu nẻo, vượt trên sáu nẻo là pháp giới bốn Thánh, thông thường chúng ta gọi là Tiểu Thừa, hoặc gọi là Nhị Thừa. Nhị Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, trong đây đã bao gồm cả Quyền Giáo Bồ Tát, chưa có kiến tánh. Do đây mà biết, học Phật mục đích chính là không ngừng nâng cao linh tánh của chính mình. Đây mới là đúng.

Nâng cao linh tánh như thế nào? Muốn nâng cao thì tất phải biết buông bỏ, bất thiện phải buông bỏ, nhiễm ô phải buông bỏ. Ở trong tất cả Kinh luận Phật đã dạy chúng ta cần phải buông bỏ thì phải chăm chỉ cố gắng buông bỏ, dạy bảo chúng ta cần phải học tập thì chúng ta chăm chỉ nỗ lực mà học tập, không phải sống đến già học đến già, ở trong Phật pháp là đời đời kiếp kiếp không ngừng học tập. Bồ Tát từ sơ phát tâm mãi cho đến tu hành thành Phật thời gian thật sự là quá dài, không phải một đời là được thành tựu, mà đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp không ngừng nâng cao chính mình. Vậy thì đúng.

Thế nhưng chỗ này vẫn còn một sự thật vô cùng phiền phức, đó chính là sự “lưu chuyển theo nghiệp”. Bạn có thể gìn giữ được trong đời này, trong đời này bạn giác ngộ rồi, học cũng khá lắm, đều là đang làm những việc nâng cao chính mình. Nếu như bạn lại không thoát ra được sáu nẻo luân hồi, bạn vẫn tiếp tục bị luân hồi, mà luân hồi thì sẽ đọa lạc, đến đời sau bạn có còn nhớ nữa hay không? Bạn còn có thể tiếp tục làm việc này nữa không? Nếu vậy thì phiền phức lớn rồi.

Biết bao nhiêu người tu hành rất tốt, có lúc thật sự là rất tốt, nhiều đời nhiều kiếp đều tu hành nối tiếp, thật không dễ dàng. Đó là những người nào? Là người thật làm. Các vị đã xem qua “Từ Bi Tam Muội Thủy Sám” thì các vị sẽ thấy Ngộ Đạt Quốc sư, trong một đời của ông tu hành cũng rất tốt, được làm đến thầy của vua, là Quốc sư. Đó không phải là tu hành trong một đời, một đời quyết định là không làm được, mà đến mười đời không gián đoạn. Việc này thật quá giỏi. Bạn mới hiểu được ông thật sự dụng công, ông thật sự có quyết tâm, thật sự có nghị lực, ông không hề bị dụ hoặc, có thể giữ gìn được suốt mười đời, mười kiếp, suốt mười đời đã không ngừng nâng cao chính mình, nâng lên đến địa vị Quốc sư. Về điểm này chúng ta sau khi đọc xong đều nên tỉ mỉ mà quan sát, mà suy nghĩ, sau đó bạn mới hiểu được một đạo lý, thế xuất thế gian pháp tuyệt đối không phải là việc một đời một kiếp, mà đều là sự tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp. Như Ngộ Đạt Quốc sư thì thật chẳng dễ dàng, mười đời không mất thân người, mười đời đều xuất gia, mười đời đều tu hành, đều không ngừng nâng cao, rất là hiếm có. Đến khi làm được Quốc sư rồi thì ông lại phạm sai lầm. Hoàng đế cúng dường một cái bảo tọa bằng trầm hương, chúng ta thường gọi là ghế Thái Sư. Trầm hương bảo tọa được làm từ trầm hương. Trầm hương thì các vị đều biết nó vô cùng nổi tiếng quý hiếm. Chúng ta đốt một chút trầm hương, trầm hương hiện tại bán là tính bằng lượng, tính thành tiền, dùng tiền Singapore để tính thành tiền thì nửa kg đại khái phải đến mấy chục ngàn đô la mới mua được, vậy thì cái bảo tọa trầm hương đó thật quá đắt đỏ. Sau khi ông tiếp nhận liền sanh khởi cái tâm ngạo mạn, nghiệp chướng liền hiện tiền. Thuận cảnh chính là sợ cái này, tự cho rằng mình rất giỏi, là thầy của Hoàng đế, người xuất gia trong thiên hạ không có ai có thể sánh bằng ông, ăn trên ngồi trước. Ý niệm này vừa mới động thì thần hộ pháp đã bỏ đi mất. Thần hộ pháp vừa bỏ đi thì oan gia trái chủ liền bám vào thân. Bạn xem, đáng sợ biết bao! Ông bị mụt nhọt hình mặt người, chút nữa thì mất mạng, nhờ có Tôn giả Ca Nặc Ca đã cứu ông. Như vậy thì bạn mới hiểu nhân quả thật đáng sợ. Biết được nhân quả đáng sợ thì bạn mới thật sự không dám tạo ác nghiệp. Không những không dám hại người, mà động vật cũng không dám hại. Vì sao vậy? Vì oan oan tương báo.

Tôi nghe nói tối hôm kia, chúng tôi giảng Kinh tại nơi này, có một vị cư sĩ bị linh quỷ nhập vào thân. Đây là việc mà trong đạo tràng thường hay xảy ra, đó đều là bản thân công phu chưa đắc lực, nên oan gia trái chủ nhập thân. Có một số linh quỷ nhập thân, họ cũng là để đến nghe Kinh. Kỳ thực là họ không nhập vào thân thì cũng được, vẫn là người bị nhập vào thân đó trong quá khứ đã có những sự trở ngại đối với họ, nhìn thấy bạn thì họ ghét, liền gây phiền phức cho bạn. Cho nên những linh quỷ đó cũng là phàm phu, tham sân si mạn chưa đoạn. Nếu tham sân si mạn đoạn rồi, thật sự nghe Kinh hiểu được rồi, thông suốt rồi, thì họ sẽ hộ trì đạo tràng, họ tuyệt đối sẽ không có những hành vi này. Những sự việc này chúng ta hiểu được. Có người hỏi tôi gặp những việc này thì phải làm sao? Gặp những chuyện này thì phải khai thông cho họ, phải khai đạo cho họ, phải khuyên bảo họ: “Thân người khó có được, Phật pháp khó được nghe, nếu đã được gặp Phật pháp rồi, phải nên tu học cho tốt, hy vọng ngay trong một đời này có thể thoát ly được sáu cõi luân hồi, có thể vãng sanh Tịnh Độ”. Quỷ đạo niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ cũng tương đối nhiều, không phải không có. Pháp môn Tịnh Tông ở trong sáu cõi hết thảy đều có, thực tại mà nói là đến cả địa ngục Phật cũng không bỏ.

Việc “phóng diệm khẩu - cúng cô hồn” trong hầu hết các chùa chiền, “diệm khẩu” có nghĩa là gì? Cũng giống như chúng ta mỗi khi cuối năm đều tổ chức buổi tiệc đêm hội thân thiết như vậy, đó chính là phóng diệm khẩu cúng cô hồn, là mời khách ăn cơm. Diệm khẩu là mời quỷ đến ăn cơm, là mời họ đến làm khách. Mời họ đến ăn cơm, lại giảng Kinh thuyết pháp cho họ nghe, đây chính là một phương thức siêu độ. Đây là một buổi học, có ăn uống, có thuyết pháp, cũng có tán tụng. Việc tán tụng này chính là âm nhạc, ngày nay chúng ta gọi là giải trí. Có giải trí, có thuyết pháp, lại có cúng dường ăn uống, chính là làm những việc như vậy. Pháp hội Thủy Lục thì quy mô lớn, “phóng diệm khẩu” thì quy mô nhỏ. Đây là Phật dạy bảo chúng ta nên kết duyên với tất cả chúng sanh, cùng với tất cả chúng sanh phải hiểu được tứ nhiếp pháp, nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, khuyên bảo họ giác ngộ quay đầu cầu sanh Tịnh Độ. Đây là với quỷ đạo.

Còn với con người thì sao? Chúng ta làm buổi tiệc thân thiết. Đây là đối với người, đều là cùng một ý nghĩa, cho nên cũng có mời khách ăn cơm, có thuyết pháp. Chúng ta mời các vị khách lên khán đài diễn giảng thì chính là thuyết pháp. Thế nhưng chúng ta không có sự quy hoạch tốt, bởi vì có một số người lên khán đài giảng nói không phải là Phật pháp. Nếu như diễn giảng hết thảy đều là Phật pháp thì cũng sẽ không khác gì việc “phóng diệm khẩu”. Cũng có biễu diễn múa hát. Biểu diễn múa hát thì cũng là biểu diễn nội dung giáo dục của Phật pháp, biểu diễn những câu chuyện về nhân quả báo ứng, làm thành kịch ngắn, có thể sẽ phát huy tác dụng giáo hóa rất sâu sắc.

Vào thời xưa, ở đất nước Trung Hoa, giáo dục không phát triển, không có trường học, đều là tư thục. Tư thục nhất định cần phải có những người giàu có thì mới có thể mời được thầy về nhà mình dạy cho các con em, thậm chí là cả con cháu trong họ hàng bạn bè, làm một trường học nhỏ tư nhân. Thông thường học trò chừng hai - ba mươi người, nhiều hơn ba mươi người thì rất ít, mười mấy người là nhiều nhất. Đây là quy mô rất nhỏ. Trường học của nhà nước thì một huyện chỉ có một cái, gọi là huyện học. Thật sự khi đó mà gọi là trường đại học là “Quốc Tử Giám”, cả nước chỉ có một cái. Giáo dục không phát triển, đất nước Trung Quốc rộng lớn nhiều người như vậy mà vì sao lại lương thiện như vậy, vì sao mà lại hiểu lễ nghĩa, hiểu được đạo lý đối nhân xử thế đến như vậy? Đạo lý là gì vậy? Có một phương pháp giáo dục khác, đó là gì vậy? Là diễn kịch. Vì vậy ngày xưa ở Trung Quốc diễn kịch là giáo dục. Vào dịp lễ tết, địa phương nhất định mời đoàn kịch đến biểu diễn. Lễ tế tổ tiên bái thần, trong các miếu thần có biểu diễn kịch, đều là giáo dục. Cho nên hầu hết người ở thôn quê đều hiểu được luân lý đạo đức, đều là học từ những chỗ này. Tuồng Côn Sơn, Kinh Kịch, kịch tuồng địa phương, nội dung của nó không gì ngoài Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa. Trong tiết mục biễu diễn đều là luân lý đạo đức, đều là giảng nói về nhân quả báo ứng, thiện có thiện báo, ác có ác báo. Một năm đại khái có thể xem được mười mấy vở kịch, họ đều học được là ở trong đó. Nhờ vào cách giáo dục này, người lớn xem hiểu thì dạy cho trẻ con. Cho nên việc giải trí của người Trung Hoa xưa không phải thuần túy là giải trí, mà có ý nghĩa giáo dục ở trong đó, ngụ ý giáo dục mà giải trí, nó có ý nghĩa như vậy. Người hiện tại đem những sự diễn xuất này gọi là biểu diễn văn nghệ.

Tiêu chuẩn của việc biểu diễn văn nghệ từ xưa đến nay chính là “tư vô tà” mà Khổng Lão Phu Tử đã nói ở trong “Luận Ngữ”. Bất kể là kịch tuồng, múa hát, âm nhạc, đều lấy điều này làm tiêu chuẩn, là tư vô tà. Hiện nay người ta đã không còn tin vào Khổng Lão Phu Tử nữa, cho nên hiện tại là chỉ sợ tư tưởng của bạn không đủ tà.

Bạn hãy xem tất cả truyền hình, phim ảnh đều là đang dẫn dụ bạn, hy vọng bạn ngày một tà hơn, tà đến mức không thể tà hơn mà vẫn còn tà. Vậy thì còn cách nào nữa chứ? Đây là nguồn gốc động loạn của xã hội. Chúng ta ngày nay trong cuộc sống gặp phải những khổ nạn lớn đến như vậy, nhân của nó nằm ở đâu thì bạn phải nên biết. Cho nên nếu như chúng ta ở trong xã hội hiện nay mà muốn trải qua một cuộc sống bình lặng, sống một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn thì phải xa rời những sự dụ hoặc này. Chúng tuy rằng đang dụ hoặc, chúng ta không xem là được.

Hiện tại trong nhà có trẻ nhỏ, bạn cũng không thể bảo chúng đừng xem, tốt nhất là không nên xem truyền hình. Hiện tại thì vẫn còn có một số thứ tích cực, những loại băng đĩa giáo dục phẩm chất rất tốt, nên mở chiếu những thứ này ở nhà. Đây là điều tích cực, đã qua sự kiểm duyệt của chính mình, như vậy thì được. Hầu hết tiết mục truyền hình nhiều nhất là tin tức, kỳ thực tin tức hiện nay đều không thể xem được, vẫn là không biết thì tốt hơn, mỗi ngày thiên hạ đều thái bình, mỗi ngày thiên hạ đều vô sự, vẫn là sự lợi ích này. Báo chí không thể xem, tạp chí không nên xem, phát thanh truyền hình hết thảy đều không nên xem. Vì thế, những thứ giải trí trong gia đình chính mình có thể chọn lựa.

Hiện nay, luân lý đạo đức tương đối ít, nhưng mà những thứ giới thiệu lịch sử địa lý, những thứ về khoa học thường thức rất nhiều, những thứ này bạn có thể xem. Trong hầu hết nhà sách đều có bán những loại băng đĩa này. Còn như phim bộ nhiều tập thì có thể chọn phim cổ trang của Trung Hoa. Như tôi lần trước trong lần triển lãm sách đã xem thấy bộ “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, thậm chí như bộ “Tây Du Ký”, “Ung Chính Hoàng Đế”, đó đều rất tốt, đều rất có ý nghĩa giáo dục ở bên trong đó, những thứ này ở nhà bạn đều có thể xem, thay thế cho tiết mục truyền hình. Cái truyền hình này quyết định là có hại, đó là thứ độc hại, mầm độc hại, ngày ngày xem nó thì từ từ sẽ nhiễm độc, sẽ rất là phiền phức. Trúng độc này đến một mức độ nào đó sẽ không thể cứu chữa nổi, tính nghiêm trọng của nó sẽ vô cùng đáng sợ. Cho nên đây là việc mà đồng tu học Phật cần phải nên lưu ý đến.

Đài truyền hình Phật giáo thi hiện tại chúng ta xem được vẫn chỉ có một đài, cư sĩ Trần Thái Quỳnh ở Đài Loan đã làm ra đài truyền hình vệ tinh Hoa Tạng, chuyên môn phát sóng những tiết mục giảng Kinh của chúng ta, mỗi ngày 24 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ. Đài truyền hình này không có quảng cáo, cũng không có xen tạp những thứ khác, hình như là mỗi ngày có năm tiết mục, chính là năm bộ Kinh cùng phát sóng. Thời gian phát sóng khác nhau, bạn muốn nghe bộ Kinh nào, mỗi ngày vào thời gian cố định đều có thể nghe được. Nhưng ở Singapore thì bị hạn chế, muốn nhận được sóng vệ tinh này thì phải lắp một cái ăng ten, ở Đại Lục thì gọi là ăng ten chảo (ăng ten họ gọi là chảo, chảo lớn chảo nhỏ, vì hình dạng của nó trông như cái chảo vậy), chính là phải lắp thêm một cái ăng ten hình tròn như vậy. Đây là sự hạn chế ở Singapore, không thể nào lắp đặt tùy tiện. Ở Đại Lục cũng bị hạn chế. Hôm kia tôi gặp một số đồng tu Indonesia mời tôi đi ăn cơm, ở bên đó người giảng Kinh rất ít, tôi liền hỏi họ bên Indonesia có bị hạn chế hay không? Họ nói không bị hạn chế. Không bị hạn chế thì tốt quá rồi, lắp một cái ăng ten rồi định vị cho nó để nó không thể thu tín hiệu khác. Ở tại Úc Châu, chúng tôi đã lắp đặt hai cái ăng ten lớn tại Tịnh Tông Học Viện, đã gắn hai cái rất là lớn, định vị xong rồi thì nó không nhận được tần sóng khác, chỉ nhận được một tần sóng này thôi. Việc này chúng ta rất yên tâm, mở ra liền nghe giảng Kinh. Tương lai chúng ta phải nghĩ đến, có thể nào thêm vào một số tiết mục khác hay không? Nhưng ở bên ngoài mua những loại đĩa này dường như đều có bản quyền. Có bản quyền thì không có cách nào để lưu truyền được, chúng ta phải tự mình sản xuất ra.

Mấy năm trước đã dựng phim “Liễu Phàm Tứ Huấn”, đây là các đồng tu Malaysia đã làm ra tổng cộng hai đĩa, ở Đại Lục thì làm ra đến sáu đĩa, nội dung nhiều hơn một chút. Những thứ này chúng ta đều có thể phát sóng. Nghe nói hiện tại đang làm phim “Du Tịnh Ý Công Gặp Táo Thần Ký”. Bộ này cũng rất hay. Tôi đã khuyến khích họ đem những loại luân lý đạo đức của Trung Quốc dùng phương pháp chiếu nhiều tập để trình bày. Chúng ta tự sản xuất ra những thứ này, hoàn toàn không có bản quyền, có thể hoan nghênh mọi người ấn tống, hoan nghênh mọi người mô phỏng theo. Những việc này chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm. Những điều này đều thuộc về “chư Ba La Mật”.

“Ba La Mật” là tiếng Phạn, dịch ra thành ý nghĩa là cứu cánh viên mãn. Ý nghĩa chính là như vậy. Nếu như dịch ra từ trên văn tự thì ý nghĩa của nó là đáo bỉ ngạn. Đáo bỉ ngạn chính là tục ngữ của chúng ta nói là “tới nơi tới chốn”, nghĩa là công phu đã đạt tới nơi tới chốn. Ba La Mật chính là công phu đã tới nơi, nó có thể ứng dụng ở trên tất cả các pháp. Cũng như bạn xào rau, công phu xào rau của bạn đã hoàn mỹ rồi, hàng số một rồi, đó thì gọi là Ba La Mật. Vẽ tranh công phu hoàn mỹ rồi, đây cũng là Ba La Mật. Cái Ba La Mật này chính là hàng số một, chính là cái ý nghĩa này. Viết chữ, khi viết thư pháp được hay thì đó cũng là công phu hoàn mỹ. Cho nên ở trong tất cả pháp thế xuất thế gian, cái nào mà bạn có được năng lực đặc thù thì đều gọi là Ba La Mật, cho nên ở phía trước chữ Ba La Mật có thêm chữ “chư” vào.

Chúng ta ngày nay phải giúp đỡ chính mình, phải giúp đỡ người khác, phải cho họ sự giáo dục của Thánh Hiền. Trẻ nhỏ có thể nghe Kinh, có thể niệm Phật thì thiện căn sẽ vô cùng sâu dày, đứa trẻ này phải chăm sóc cho tốt. Vì sao vậy? Vì có thể sẽ là người cứu vãn thế giới trong tương lai. Đây là thật chứ không phải giả. Chúng ta dùng toàn tâm toàn lực bảo hộ nó, chăm sóc nó, bồi dưỡng cho nó. Thiện căn rất khó có được, không dễ chút nào.

Ở Đại Lục gần đây cũng đã phát hiện ra không ít trẻ nhỏ, tôi xem thấy thư của các đứa trẻ, là thư viết bởi đứa trẻ lớp một. Chúng học “Đệ Tử Quy” viết cho thầy của chúng một bức thư, cảm ơn thầy mình, nói rằng trước giờ ở nhà không biết hiếu thảo cha mẹ, không biết tôn kính bậc trưởng bối, hiện giờ học rồi mới hiểu chuyện, mới biết được. Hiếm có là những lời này do học trò lớp một viết ra, rất khiến cho người khác cảm động. Từ đây mà thấy, thiện căn không phải không có, không phải không nhiều, mà là không có người khởi phát. Nếu như lơ là, chúng ta không để ý để dẫn dắt chúng cho tốt thì chúng sẽ bị xã hội làm ô nhiễm, vậy thì thật là đáng tiếc, vậy thì bản thân chúng ta đã không tận hết trách nhiệm. Không thể trách con cái bất hiếu, vì bạn đã không dạy chúng cho tốt, đã không dưỡng dục chúng cho tốt. Nếu dạy cho tốt thì tôi tin tưởng quả thật là sẽ có rất nhiều nhân tài.

Ngày hôm qua hay là hôm kia, tôi nghe đồng tu bên này nói với tôi, lý luận quan niệm về giáo dục của Singapore cần phải thay đổi phương hướng. Đây là một tin tốt lành. Họ nói trong quá khứ, sự giáo dục của Singapore đều xem trọng năng lực kỹ thuật, học trò đi học đều xem trọng điểm số, ra sức học tập, biết đọc sách mà không biết làm người. Hiện tại thì thay đổi phương hướng, phải lấy mục tiêu làm người là số một, điểm số không được xem trọng nữa. Đây là sự cải cách tốt. Sự cải cách này thật vô cùng khó có được. Đích thật là bởi vì hiện tại những nhà khoa học này không phải không thông minh, họ thật sự rất thông minh, nhưng không biết làm người; những thứ về khoa học thì họ rất giỏi, còn những thứ về thế sự nhân sinh thì họ không biết gì. Đây là việc khiến cho chúng ta cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Mối quan hệ giữa con người với nhau vì vậy mà vĩnh viễn không xử lý tốt được. Vợ chồng bất hòa, thường thường ly hôn, đây là một hiện tượng rất bất thường, chính là nói họ không hiểu chuyện. Họ tuy rằng học đến thạc sĩ, tiến sĩ, về sự nghiệp thì cũng giỏi, nhưng ở nhà không ra một gia đình, xử sự đối người tiếp vật họ không biết gì cả, giữa con người với nhau không có tình người, không có ân nghĩa, không hiểu được thế nào là hiếu dưỡng, thế nào là tôn kính. Đây là sự thất bại triệt để của việc giáo dục đạo đức nhân văn. Chính phủ Singapore có thể ý thức được đến chỗ này, có thể xem như là tài đức sáng suốt của các lãnh đạo. Việc này rất đáng được tán thán.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 302)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ