Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 300)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 300)
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ở trong đoạn Kinh văn này đã làm chú giải rất nhiều, trích dẫn ra từ Kinh điển thật vô cùng hiếm có. Chú giải này đã lưu thông rất rộng rãi, quyển sách này rất dễ dàng tìm thấy, hy vọng các vị hãy xem nhiều. Các vị nghe tôi giảng, lại xem nhiều, thì các vị sẽ rất dễ dàng thể hội được nghĩa thú chân thật ở trong Kinh. Mời xem đoạn kế tiếp. Đoạn kế tiếp nói là: “Y tự tại”. Kinh văn: “Phục hữu chúng bảo diệu y, quan, đới, anh lạc, vô lượng quang minh, bách thiên diệu sắc, tất giai cụ túc, tự nhiên tại thân”. Thế giới Tây Phương lục căn nào cũng xứng tánh, đều là công đức vốn có của tự tánh hiển hiện ra, cho nên là vô lượng trang nghiêm, vô cùng trang nghiêm. Chúng ta xem tượng chư Phật Bồ Tát, xem thấy y phục của các Ngài, xem thấy mũ nón của các Ngài, trên thân đều có đeo vòng “anh lạc”, trên cổ trên tay đều đeo rất nhiều các loại trang sức, nhưng vì sao Phật lại không cho phép chúng ta đeo những thứ này? Các Ngài đều đeo, vì sao lại không bảo chúng ta đeo? Các vị phải nên biết, trên thực tế, chư Phật Bồ Tát khi tu hành cũng không có đeo gì cả, các Ngài thật sự là đã làm được tấm gương cho chúng ta xem. Những ai nhìn thấy các

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ở trong đoạn Kinh văn này đã làm chú giải rất nhiều, trích dẫn ra từ Kinh điển thật vô cùng hiếm có. Chú giải này đã lưu thông rất rộng rãi, quyển sách này rất dễ dàng tìm thấy, hy vọng các vị hãy xem nhiều. Các vị nghe tôi giảng, lại xem nhiều, thì các vị sẽ rất dễ dàng thể hội được nghĩa thú chân thật ở trong Kinh.

Mời xem đoạn kế tiếp. Đoạn kế tiếp nói là: “Y tự tại”.

Kinh văn: “Phục hữu chúng bảo diệu y, quan, đới, anh lạc, vô lượng quang minh, bách thiên diệu sắc, tất giai cụ túc, tự nhiên tại thân”.

Thế giới Tây Phương lục căn nào cũng xứng tánh, đều là công đức vốn có của tự tánh hiển hiện ra, cho nên là vô lượng trang nghiêm, vô cùng trang nghiêm. Chúng ta xem tượng chư Phật Bồ Tát, xem thấy y phục của các Ngài, xem thấy mũ nón của các Ngài, trên thân đều có đeo vòng “anh lạc”, trên cổ trên tay đều đeo rất nhiều các loại trang sức, nhưng vì sao Phật lại không cho phép chúng ta đeo những thứ này? Các Ngài đều đeo, vì sao lại không bảo chúng ta đeo? Các vị phải nên biết, trên thực tế, chư Phật Bồ Tát khi tu hành cũng không có đeo gì cả, các Ngài thật sự là đã làm được tấm gương cho chúng ta xem.

 

Những ai nhìn thấy các Ngài cả người đều đeo châu báo anh lạc vậy? Là thiên nhân. Phật ở trên trời giảng Kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh thì phải phục trang đẹp đẽ, còn ở tại nhân gian chúng ta thì Ngài quyết định không đeo, tùy vào từng trường hợp mà Ngài ăn mặc khác nhau. Đây chính là hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức, trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói là “tùy tâm ứng lượng”, chính là cái ý này. Tại nơi này của chúng ta, vì sao lại không đeo? Con người ở nơi này có lòng tham, có phân biệt, có chấp trước, cho nên Phật hết thảy đều không cần làm việc này, để giúp đỡ chúng ta trừ bỏ niệm tham, phân biệt chấp trước. Thiên nhân trên trời là người có trí huệ, phước báo của họ rất lớn, tuy là có những thứ này nhưng những thứ này là tự tự nhiên nhiên nên quyết không có cái tâm tham.

Thế giới Hoa Tạng, Thế giới Cực Lạc, người đới nghiệp vãng sanh tuy là có phiền não có tập khí nhưng mà họ không có cái duyên cho nên nhất định không sanh khởi phiền não, cho nên sự thị hiện của Ngài là bình đẳng. Vĩnh viễn nên nhớ, quả đức của Phật là bình đẳng. Nếu như người ở thế gian này của chúng ta giàu có đều như nhau, mỗi một người đều có những thứ châu báu này thì Phật Bồ Tát cũng sẽ đeo những thứ châu báu này, là bình đẳng mà. Nếu như không bình đẳng thì Phật sẽ không cần, không đeo thì bình đẳng. Nếu như mà Ngài cần thì sẽ không bình đẳng. Nguyên tắc của sự thị hiện sắc thân là ở chỗ này. Vì vậy, thân tướng dung mạo sắc thân, hoàn cảnh cuộc sống của mỗi một người Thế giới Tây Phương Cực Lạc, phía trước đã nói qua với mọi người, chẳng qua là oai thần 48 nguyện của Phật A Di Đà đã gia trì. Sự gia trì này chính là duyên. Cái nhân thật sự là gì? Nhân thật sự là tự tánh của bạn vốn có vô lượng trí huệ, quang minh, đức năng, tướng hảo, thần lực của Phật giúp đem những điều mà tự tánh bạn vốn có hiển hiện ra. Là sự việc như vậy. Nếu như mà tự tánh của bạn không có những thứ này thì Phật cũng hết cách. Cho nên Ngài là bình đẳng, Phật có thì tất cả chúng sanh đều có, cho dù là người hạ hạ phẩm vãng sanh, họ cũng đầy đủ, không có khác gì so với Phật cả. Vì thế mà tâm tham không khởi lên. Chỉ cần là xứng tánh thì phiền não quyết định sẽ không sanh khởi. Tại thế gian này của chúng ta đã mê mất tự tánh, cho nên mới sanh khởi phiền não. Chúng ta chịu sự tổn hại của phiền não rất lớn, việc này quá khổ.

Ở chỗ này Phật dạy chúng ta đoạn phiền não, ở tại Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dạy chúng ta khôi phục tự tánh, cho nên mục đích là hoàn toàn không giống nhau. Đoạn phiền não thì có phương pháp của đoạn phiền não, khôi phục tự tánh thì có phương pháp của việc khôi phục tự tánh. Tự tánh vốn có vô lượng trí huệ đức năng tướng hảo, đây là thuộc về tướng hảo. Nhưng mà ở đây là “vô lượng quang minh”, ở trong quang minh cũng là trí huệ, cũng mang theo trí huệ.

Trong một đoạn này, chúng ta cần phải chú ý chính là “phục hữu chúng bảo”. “Y” là chúng bảo, “quan” là cái nón, “đới”, “anh lạc” đều là chúng bảo tạo thành. Ở trên Kinh Phật nói, thất bảo của Thế giới Tây Phương thì nhu nhuyễn, không giống như thế gian này của chúng ta. Vàng bạc ở thế gian chúng ta thì rất cứng, không thể làm quần áo được. Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì vàng bạc mềm mại, có thể đem làm vải, có thể làm thành quần áo để mặc, vả lại nó cũng rất mỏng. Đại khái chúng ta cũng đã thấy qua giấy tráng vàng rất mỏng, cũng như việc chúng ta tạo ra những tấm lá vàng mỏng để thiếp tượng Phật, rất mỏng, rất dễ bị rách. Vàng ở Thế giới Tây Phương còn mỏng hơn so với độ mỏng của chúng ta ở đây nhưng nó không rách, nó vô cùng chắc chắn, cho bạn làm ra những thứ trang phục. Cũng không cần dùng kim chỉ để may, không cần may vá. Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có nhà may, bạn muốn loại y phục như thế nào thì y phục liền hiện ra mặc trên thân.

Không những là Thế giới Tây Phương Cực Lạc, người xưa ở Trung Quốc có cái gọi là “thiên y vô phùng”. Phước báo của thiên nhân lớn hơn chúng ta nhiều, y phục mà thiên nhân mặc là hóa hiện, cũng là do biến hóa hiện ra, không cần phải may vá. Bởi vì tất cả đều là chúng bảo tạo thành. Cái chúng bảo này là tánh đức của chính mình lưu lộ ra.

Vì vậy tôi đã từng nói qua, Cực Lạc và Ta Bà là một, không phải hai, không có khác nhau. Vì sao mà thế giới bên đó tạo thành từ chúng bảo, còn thế giới này của chúng ta thì tạo thành từ đất cát sỏi đá? Kỳ thực là hoàn toàn tương đồng, nhưng duy thức sở biến, chúng ta đem nó làm ra tình trạng như vậy. Tình trạng vốn có là giống như Thế giới Cực Lạc vậy, quyết định không có sai khác. Thân thể của chúng ta vốn là không khác gì với Phật A Di Đà, hiện tại biến thành ra như vậy; hoàn cảnh cuộc sống chúng ta, tình trạng vốn có thì y báo trang nghiêm không khác gì với Thế giới Cực Lạc, vì sao lại biến thành ra như vậy? Duy thức sở biến.

“Thức” là gì vậy? Thức chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Nếu như chúng ta đem vọng tưởng phân biệt chấp trước buông bỏ, triệt để buông bỏ, biết những thứ này là bất thiện, từ vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp chúng ta đã chịu thiệt thòi lớn rồi. Trong quá khứ không biết, hiện tại thì đã hiểu rồi. Sau khi hiểu rồi thì chúng ta phải buông bỏ, ta không làm những việc này nữa, chúng ta mới thật sự hiểu được người xưa có hai câu nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, việc tốt không bằng không việc gì”. Thật sự hiểu được ý nghĩa của hai câu nói này. Việc nhiều là ý gì? Là tạo nghiệp. Bạn đã đem y chánh trang nghiêm trên quả địa Như Lai của chính mình biến thành ra tình trạng như hiện nay còn chưa chịu tỉnh ngộ, còn chưa chịu hối hận sao, còn chưa chịu quay đầu hay sao? Người không thể tỉnh ngộ, không thể quay đầu là đối với chân tướng sự thật hiểu chưa được thấu triệt.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư ngày trước đã nói, ở trong tình trạng như vậy thì chỉ có một phương pháp đó là xem sách nhiều (sách ở đây chính là nói Kinh sách), chỉ có phương pháp này mà thôi. Bạn đọc nhiều, mãi mãi không để cho gián đoạn thì bạn sẽ giác ngộ. Hạ lão đã từng nói qua, nhưng những lời này tôi vẫn chưa thấy có người nào thực nghiệm. Ngài nói, người thật sự tu hành thì một bộ Kinh, một câu Phật hiệu, những cái khác đều buông bỏ hết, một lòng chuyên chú ba năm không nói chuyện. Bí quyết là ở chỗ này. Ba năm không nói chuyện thì nhất định sẽ khai ngộ. Đây là Ngài dạy người niệm Phật. Vậy chúng ta hiểu được, nếu như một lòng chuyên chú trong ba năm không khởi một vọng niệm thì thật sự sẽ khai ngộ, họ sẽ được định. Định khởi dụng thì chính là khai ngộ. Để xem xem đồng học chúng ta có ai phát tâm đi thực nghiệm trước. Quan trọng nhất là phải có lòng tin kiên cố, tâm nguyện kiên cố, buông bỏ vạn duyên, một lòng chuyên chú.

Ngoài ra, Ngài còn có một câu nói cũng rất hay. Ngài nói người lợi căn, một năm thì thành công, chậm thì ba năm, chậm nhất là chín năm. Cái ý này chính là nói chín năm thì khẳng định cũng sẽ thành công, cũng gần như là như vậy. Chín năm không nói chuyện thì tương đối là có công phu rồi, là suốt chín năm không nói chuyện thì cái tâm này sẽ hoàn toàn định trở lại, được niệm Phật tam muội. Tổ sư Đại đức xưa đến nay đều không có lừa gạt người khác, những lời mà các Ngài nói đều là chân thật, đều là nói ra từ kinh nghiệm. Chúng ta nói chuyện phiếm, tâm tạp loạn thì đã phá hoại hết công phu rồi. Cho nên chúng ta phải dụng công như vậy, ngày ngày đọc Kinh niệm Phật. Ngày ngày động tâm nói chuyện thì công phu tự tu không nhiều, kết quả toàn bộ đều bị phá hỏng hết. Cho nên học hết mấy mươi năm vẫn là như vậy thôi, đều không biết nguyên nhân ở chỗ nào. Tổ sư Đại đức đem nguyên nhân nói với chúng ta rồi, chính là bạn một mặt tu, một mặt thì phá hỏng, cho nên bạn không thể thành tựu. Nếu bạn biết tu thì sẽ không phá hỏng nó. Thành công không khó, nhanh thì chỉ một năm, chậm thì ba năm, chậm nhất thì cũng chín năm.

Kinh văn: “Bách thiên diệu sắc, tất giai cụ túc”.

“Bách thiên diệu sắc” là tùy theo ý muốn, “tự nhiên tại thân”. Hoàng Niệm lão đã dẫn dụng hai câu ở trong “Quán Kinh” là “Lưu ly sắc trung xuất kim sắc quang, pha lê sắc trung xuất hồng sắc quang”. Pha lê mà trên Kinh Phật nói không phải là pha lê của chúng ta hiện nay, bởi vì thời kỳ của đức Phật khi đó vẫn chưa có pha lê. Vậy pha lê là gì vậy? Chúng ta hiện nay thì gọi là thạch anh, pha lê chính là thạch anh mà chúng ta nói hiện nay, là một trong thất bảo, so với pha lê hiện tại của chúng ta không như nhau. Đây chính là nói rõ Thế giới Tây Phương tướng trạng y phục và trang sức là vô cùng trang nghiêm, quang sắc trùng trùng vô lượng vô tận.

“Tự nhiên tại thân” nói rõ nó không phải là chế tạo ra, mà là ứng niệm mà thành. Người chúng ta hiện tại ở thế gian này thường nói là tâm tưởng sự thành, họ ở bên đó xác thực là tâm tưởng thì liền thành tựu. Do đó, người ở trên thế giới đó không có lòng tham, họ không dụng được lòng tham (nghĩ đến cái gì thì đều hiện ra, còn gì đáng để tham nữa chứ?), cũng không có sân hận, không có đố kỵ (bởi vì mọi người đều như nhau, bạn cũng không có hơn tôi, tôi cũng không có hơn bạn, tâm đố kỵ liền không còn nữa). Thế giới đó là một pháp giới bình đẳng, huống hồ ngày ngày thấy Phật.

Trong số đồng học các vị, tôi biết có rất nhiều người từ Trung Quốc đại lục, từ Đài Loan, từ Mỹ, từ Canada qua đây, còn có người gần hơn là từ Indonesia, từ Malaysia muốn qua đây để xem tôi. Tôi chẳng có gì để mà xem cả. Các vị vì sao lại không muốn đi đến Thế giới Cực Lạc, đi xem Phật A Di Đà chứ? Điều này là cần thiết, chúng ta cần có cái nguyện này, cần có cái ý niệm này, chúng ta phải đến Thế giới Cực Lạc để thấy Phật A Di Đà. Chúng ta đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, trải qua cuộc sống giống như Phật A Di Đà, ngày ngày nhìn thấy Phật, nhìn thấy vô lượng vô biên vị Phật, không phải chỉ nhìn thấy một vị Phật. Vô lượng vô biên Phật làm sao mà đi gặp mỗi ngày được? Là hóa thân để mà đi gặp. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc tự mình liền có thuật phân thân. Phật có vô lượng vô biên thì thân của ta biến ra vô lượng vô biên thân, ở chỗ của mỗi một vị Phật đều có thân của ta. Ta ở nơi đó bái Phật cúng dường Phật, nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp. Sau khi nghe xong thì tất cả các thân đều trở về thành một. Bạn xem, mỗi một ngày bạn tu được bao nhiêu là phước báo.

Cúng Phật là tu phước, nghe Kinh thì khai trí huệ, vì vậy mà một ngày ở tại Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì ức ức kiếp ở thế giới này của chúng ta cũng không thể sánh bằng. Bạn mới hiểu được Thế giới Tây Phương vì sao mà không bị thối chuyển. Mỗi một ngày có thể gặp được vô lượng vô biên Phật. Trên “Kinh Di Đà” thì nói là “cúng dường mười vạn ức Phật”, đó là Thích Ca Mâu Ni Phật phương tiện nói. Vì sao mà không nói nhiều nói ít mà nói mười vạn ức? Vì bởi Thế giới Ta Bà này của chúng ta cách Thế giới Tây Phương Cực Lạc mười vạn ức quốc độ Phật, ý nghĩa này chính là nói với bạn là bạn đến Thế giới Cực Lạc mỗi ngày đều có thể trở về để thăm nhà, chính là cái ý như vậy. Kỳ thật, thần thông quảng đại không chỉ là như thế, việc này chúng ta phải hiểu. Thích Ca Mâu Ni Phật hiểu được người chúng ta ở thế giới này tình chấp rất nặng, cứ muốn về thăm quê nhà, được, ngày ngày đều có thể về nhà, bất kỳ lúc nào cũng đều có thể trở về nhà. Không những là bà con thân thuộc ở quê nhà hiện tại bạn biết được rất rõ ràng, mà trong đời quá khứ và vị lai thì bạn hết thảy đều có thể nhìn thấy. Người có duyên với mình thì bạn nhất định sẽ đi giúp đỡ họ, đi độ hóa họ, họ cũng vui vẻ tiếp nhận sự giáo huấn của bạn, đây gọi là người có duyên. Vì vậy mà kết pháp duyên là vô cùng quan trọng, rộng kết pháp duyên.

*************************

Kinh văn: “Sở cư xá trạch, xứng kỳ hình sắc, bảo võng di phú, huyền chư bảo linh, kỳ diệu trân dị, châu biến hiệu sức”.

Chúng ta xem đoạn này trước. Đây là nói hoàn cảnh cư trú. Nghĩ đến trước mắt chúng ta, địa cầu không lớn lắm mà người thì càng ngày càng nhiều, không gian cư trú càng ngày càng bị thu hẹp. Đặc biệt là mật độ nhân khẩu ở các đô thị lớn, hoàn cảnh cư trú là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Tôi đi đến Hồng Kông rất nhiều lần, nên biết rõ con người sinh sống tại Hồng Kông rất là khó khăn. Một gia đình thông thường, hiện tại đều là gia đình nhỏ, hai vợ chồng và một đứa con nhỏ, không gian sinh sống lớn chừng nào vậy? Rất nhiều người Hồng Kông đã nói với tôi, đại khái khoảng 250 thước Anh vuông. Họ sống trong các chung cư 30 tầng lầu trở lên, nhà dính liền nhà, giống như là cái tổ ong vậy. Tôi hiện tại vẫn nghĩ không ra, vì sao mà lại ở cái nơi như vậy chứ? Lý do là vì cuộc sống? Tôi thì không cho là như vậy. Nếu mà bạn đi về dưới quê ở, đảm bảo là bạn sẽ không chết vì đói, chưa hề nghe qua có ai chết vì đói ở đó. Việc gì phải đua tranh với người. Thế gian này con người tuy là nhiều, nhưng đích thực là vẫn có rất nhiều nơi hoang vu hẻo lánh. Hầu hết mọi người đều không muốn đi đến đó. Úc Châu là một ví dụ. Úc Châu nhân khẩu ít, diện tích đất đai rất lớn, đất đai thật sự là rất rẻ. Tôi đi cách đây hai năm, hiện tại thì bất động sản đã tăng lên gấp đôi, hai năm tăng gấp đôi, nhưng vùng hẻo lánh một chút thì vẫn là rất rẻ. Hoàn cảnh sinh sống ảnh hưởng đến thân tâm của chúng ta, ảnh hưởng đến tâm trạng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại Singapore này, sinh sống cũng rất là khó khăn, diện tích đất đai quá nhỏ, đành phải mở rộng lên trên cao. Tôi ở Singapore thì ở chung cư, đất đai không có. Còn ở Úc Châu thì tôi ở vùng thôn quê, Học Viện Tịnh Tông của chúng tôi thì ở trong thành phố, tôi thì sống ở vùng thôn quê, là một cái trấn nhỏ, cách xa thành phố 12 km. Cái trấn nhỏ ấy tôi ở chỉ có 3.000 người. Mỗi một hộ gia đình, đây là chính phủ đã quy hoạch, diện tích đất đai là 10 mẫu Anh. Nếu dùng cách tính là đơn vị thước Anh để tính thì là 400.000, sân vườn của mỗi gia đình phải rộng 400.000 thước Anh. Bạn thử suy nghĩ xem, đó là mỗi một cái nền nhà, nhà nào cũng là như vậy, rất là rẻ. Tôi đi đến nơi đó, tôi mua ba cái nền nhà rồi xây một cái nhà, cho nên sân vườn chúng tôi lớn hơn của người khác. Sân vườn chúng tôi tổng cộng là 28 mẫu Anh, vì thế khi sống ở đó thì cảm thấy thoải mái. Tôi sống nơi đó là trên một ngọn núi, cao hơn mực nước biển 700 mét, thường thường có thể xem thấy cảnh quang rất đẹp. Những đám mây bay thấp mặt đất, phủ trên mặt đất, bạn sẽ nhìn thấy cây cối đều nằm trong mây, nhà cửa cũng chìm trong mây. Bạn có thể thường xuyên nhìn thấy cái cảnh quang này, thật là tình thơ ý họa, cây cối nhiều. Hiện tại chúng tôi vẫn đang trồng thêm nhiều cây ăn trái. Giống như những nơi như vậy thì người ở Singapore, người ở Hồng Kông thật là có phước. Vì sao vậy? Căn nhà nhỏ đó của bạn sau khi đem bán đi, đi đến nơi đó có thể mua được hai ba căn nhà, số tiền còn dư bỏ vào ngân hàng lấy tiền lãi để sống, không cần phải làm việc gì cả. Bạn nói xem, thoải mái biết bao, thật sự là đi hưởng phước rồi. Việc này là phải có trí tuệ, phải thông minh, chân thật trải qua cuộc sống của con người. Nâng lên cao nữa là trải qua cuộc sống của Phật Bồ Tát. Đây là nói đến hoàn cảnh sinh sống. Hoàn cảnh sinh sống ở Tây Phương thì thù thắng, nhà cửa mà họ ở có thể trên mặt đất, có thể trên không trung tùy theo ý muốn.

“Xứng kỳ hình sắc”. “Hình” là nói độ lớn nhỏ của nhà cửa mà mình ở. “Sắc” là nói màu sắc. Chữ “xứng” này cũng có thể nói là màu sắc của nhà cửa thì có thể điều phối được vô cùng chan hòa, đây là xứng. Ý nghĩa thứ hai là xứng tâm ý của chính mình, chân thật là xứng tâm vừa ý. Sự thay đổi của màu sắc cũng là tùy theo ý muốn của bản thân mình, muốn nó có hình dạng như thế nào thì ngôi nhà này liền biến thành ra hình dạng như thế đó, muốn màu sắc ánh sáng như thế nào thì nó phát ra màu sắc như thế ấy, ngôi nhà cũng có thể phát ra ánh sáng. Đây là chúng bảo tạo thành. Vả lại, ngôi nhà còn có thể bay đi trên không trung, cho nên đến Thế giới Cực Lạc, muốn đi du lịch ở đâu cũng không cần phải đi máy bay, nhà của bạn có thể bay và còn bay rất nhanh nữa, máy bay hiện tại của chúng ta không có cách nào so sánh được. Nhà cửa bên đó có thể bay. Ngày nay, ở thế gian này của chúng ta, những người giàu sang phú quý, nhà nhà có xe hơi thì rất là phổ biến, nhà nhà đều có máy bay thì rất khó. Đến Thế giới Cực Lạc thì người người đều có, không phải nhà nhà có, mà người người đều có. Bạn nói xem, tự tại biết bao.

“Bảo võng di phú”. “Võng” là La võng, là một loại đồ trang sức. Vào thời xưa, trong các cung điện thường thường dùng các loại la võng này. Hiện tại ở trong các tự miếu Nhật Bản chúng ta vẫn còn có thể nhìn thấy được, gọi là La võng, dùng những sợi dây bằng đồng để làm. Dụng ý của nó là để bảo vệ các công trình kiến trúc. Vào ngày xưa, cung điện là kiến trúc nghệ thuật, rường cột chạm trổ, vẽ khắc hoa văn, rường hoa xà chạm, là những đồ nghệ thuật cao độ, có thể để cho bạn thưởng lãm. Bên ngoài thì dùng lưới làm bằng đồng để bao bọc nó lại, chủ yếu phòng ngừa chim chóc làm tổ, cũng là đề phòng khi không cẩn thận làm nó hư hỏng. Đây là tác dụng của nó. Nó trông cũng rất đẹp.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc bảo võng thì rất nhiều, trong nhà cửa phòng ốc bạn sẽ thấy rất nhiều. Chúng ta xem thấy trên Kinh, cây cối có thể xem thấy, cây cối cũng có La võng, cho nên nó đã trở thành một loại đồ trang trí, cũng giống như chúng ta đeo các loại phục sức vậy, khi chúng ta mặc quần áo cũng có tô điểm thêm các loại trang sức.

“Huyền chư bảo linh”. Những thứ này, người phương Đông phương Tây đều rất ưa thích, đặc biệt là người Trung Quốc ưa thích phong linh là cái chuông gió. Hiện tại, tôi xem thấy trong nhà của rất nhiều người nước ngoài cũng có treo loại chuông gió của người Trung Quốc. Cái này khi có gió thổi thì tự nhiên phát ra âm điệu.

“Kỳ diệu trân dị, châu biến hiệu sức”. Đây là hình dung về ngôi nhà đẹp đẽ quý hiếm, giá trị hiếm có. Đây đều là tán thán sự thù thắng của chư bảo bên trong la võng và phong linh. “Châu biến”, biến là phổ biến, ở đâu cũng có thể nhìn thấy. “Hiệu sức” là giao nhau, trang nghiêm lẫn nhau. Trên Kinh ở chỗ này gọi là trang nghiêm, chính là người chúng ta hiện nay gọi là trang sức, trang trí cho phòng ốc cung điện. Bất luận là đồ trang trí bên ngoài hay bên trong, vẻ đẹp tự nhiên không gì sánh bằng. Những thứ này cũng không phải do con người thiết kế, cũng không phải do con người làm ra, mà đều là tùy theo tâm niệm của con người biến hiện ra. Ở chỗ này có một câu nói chúng ta phải ghi nhớ, sự lưu lộ của tánh đức. Vì sao vậy? Tánh đức có đức có năng, tự tánh chúng ta có đức có năng. Đức là thứ tự, không hề mất trật tự. Vả lại, việc biến hiện ra chính là sự hoàn mỹ nhất.

Những lời này phải nói như thế nào chúng ta mới có thể thể hội được? Chúng tôi lấy một ví dụ đơn giản. Thân thể con người của chúng ta, khi cha mẹ sinh ra là vô cùng viên mãn, vô cùng hoàn chỉnh, không hề có một khiếm khuyết nào cả, tuyệt đối không phải ngày ngày cha mẹ đều đang suy nghĩ phải tạo ra nó như thế nào, cha mẹ không hề có cái ý niệm này. Cái này chính là tánh đức. Cho nên ở tại Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tất cả sự thọ dụng hoàn toàn là do tánh đức tự nhiên biến hiện, lưu lộ ra mà không hề có một khiếm khuyết nào. Ngày nay chúng ta đến thế gian này, mỗi một người thân thể đều không như nhau. Đây là nguyên nhân gì vậy? Xác thực là tánh đức lưu lộ, nhưng tánh đức này đã bị sai lệch đi. Cái gì đã làm cho nó sai lệch đi? Tánh đức này bên trong đã bị xen tạp vọng tưởng. Thế giới Tây Phương là “duy tâm sở hiện”, không có “duy thức sở biến”. Chúng ta nơi này đã xen tạp “duy thức sở biến”, nên đã đem sở hiện làm nó sai lệch đi, không phải là thập toàn thập mỹ, mà khiếm khuyết rất nhiều. Thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ có “duy tâm sở hiện”, không có “duy thức sở biến” bởi vì thức đã chuyển thành trí, chuyển tám thức thành bốn trí, cho nên quyết định là không có “duy thức sở biến”, không một mảy may sai lệch, hoàn mỹ nhất, thiện lành nhất, chân thật là người xưa có câu nói là tột cùng hoàn mỹ. Chánh báo của bạn chí thiện thì y báo của bạn cũng là chí thiện, nhất định là không có mảy may khiếm khuyết. Đây là Thế giới Tây Phương.

Ở trong tất cả chư Phật sát độ thế giới mười phương, chỉ có Thật Báo Trang Nghiêm Độ là giống như Thế giới Tây Phương Cực Lạc, còn Đồng Cư Độ và Phương Tiện Độ thì cũng giống như thế giới này của chúng ta vậy, sự khiếm khuyết rất nhiều. Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ và Thật Báo Trang Nghiêm Độ của Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì lại hoàn toàn tương đồng. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Việc này ở trên Kinh thì gọi là pháp khó tin. Chúng ta tu Tịnh Độ, cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, sự thù thắng nhất chính là ở chỗ này.

Kinh văn: “Quang sắc hoảng diệu, tận cực nghiêm lệ”.

 “Quang” là quang minh. “Sắc” là sắc tướng. “Hoảng” là rực rỡ. “Diệu” là soi chiếu. Trong quang minh có sắc tướng, trong sắc tướng có quang minh, tô điểm lẫn nhau, cho nên nói là “quang sắc hoảng diệu”. “Nghiêm” là trang nghiêm. “Lệ” là tốt đẹp. Trang nghiêm tốt đẹp vô cùng.

Kinh văn: “Lâu quán lan thuẫn, đường vũ phòng các, quảng hiệp phương viên, hoặc đại hoặc tiểu, hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa, thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc, ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc”.

Suy nghĩ lại, chúng ta tại thế gian này, cuộc sống không thể nói là không gian nan khốn khổ. Người xưa nói rất hay, đời người việc không vừa ý có đến tám, chín phần mười, khó có lúc nào được sự xứng tâm vừa ý. Đây là nói rõ đời người tại thế gian khổ nhiều vui ít. Khổ nhiều vui ít thì bạn phải hiểu được, bạn có thể có được một chút vui thì đó gọi là cái vui ở trong khổ, đó không phải là cái vui chân thật. Thời gian của bạn rất ngắn ngủi, cái giá bạn phải trả thì quá lớn, chênh lệch quá lớn. Sau đó quay đầu trở lại xem Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc mọi thứ đều viên mãn, vả lại có được một cách dễ dàng, không phải là không thể đạt được, người người đều có phần. Vì sao mà người người đều có phần? Thế giới Tây Phương Cực Lạc là tự tánh chúng ta biến hiện ra, cho nên mới nói là “tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh Độ”. Đã là từ tâm tánh của ta biến hiện ra thế giới này, biến hiện ra A Di Đà Phật thì sao chúng ta lại không có phần? Có phần một cách tự nhiên. Việc này bạn phải tin tưởng. Cũng như trong thương trường của chúng ta hiện nay, ta có cổ phần ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mọi người đều có cổ phần. Nếu đã có cổ phần thì là cổ đông, vậy thì làm gì có đạo lý không thể đi chứ? Vấn đề là ở chỗ bạn có sẵn sàng đi hay không, có muốn đi hay không? Bạn phải thật sự đi đến bên đó, tất cả đều là hiện mà thành. Vì thế trên Kinh nói những lời này đều là nói hoàn cảnh cư trú sinh sống của chính bản thân mình. Những lời này không phải lời suông. Thế gian này bạn hưởng thụ vinh hoa phú quý, nói cho bạn biết, trên thực tế đó là giả chứ không phải thật. Vì sao vậy? Bạn có thể giữ vinh hoa phú quý được bao nhiêu lâu? Chúng ta hãy bình lặng mà quan sát, đọc lịch sử xem người xưa, bạn lại xem cuộc sống hiện tại những người đại phú đại quý, họ có thể giữ được bao nhiêu lâu? Có rất nhiều người khi trung niên thì phát đạt, khi già thì suy bại. Có người cũng không tệ lắm, có thể hưởng thụ được cả đời nhưng đến đời sau thì không còn nữa. Rất nhiều rất nhiều. Cho nên cổ đức xưa thường hay nói: “Phú quý không giữ được quá ba đời”. Đây là ngày trước, hiện tại trong một đời mình còn không giữ được, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều, rất nhiều rồi. Đặc biệt là người làm quan lớn, đến những năm cuối đời thì cuộc sống rất đáng thương. Khi còn tại vị đương quyền (đây là ngày trước tôi đã thấy qua), có đến mười mấy người giúp việc trong nhà, hô một tiếng thì có bao nhiêu người dạ; đến khi về già, khi suy bại rồi, tự mình phải xách giỏ đi chợ mua rau. Tôi nghĩ, ngày trước ông ấy có nằm mơ cũng không thể nghĩ đến là ông sẽ ra nông nổi như ngày hôm nay. Rất nhiều người như vậy. Nguyên nhân là gì vậy? Trong đời quá khứ việc tu tích phước báo có hạn, khi bản thân hưởng phước mà lại không biết tu phước, hưởng phước tạo nghiệp, đã làm tổn giảm phước báo, cho nên đã nhanh chóng hết phước. Lúc cuối đời, trong Phật pháp chúng ta gọi là hoa báo, cuối đời không tốt thì bạn liền biết được họ đời sau sẽ không tốt. Từ chỗ này bạn có thể nhìn thấy được đời sau của họ.

Người học Phật chúng ta thì không giống như vậy. Người học Phật biết được nhân quả ba đời, chúng ta ở trong đời này nỗ lực tu tâm thanh tịnh, tu tâm thiện. Cho nên trong hai năm gần đây, tôi đặc biệt đề xuất “thuần tịnh thuần thiện”. Nhiều năm qua, chúng tôi đề xuất là chân thành - thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác - từ bi. Hiện tại thì chúng ta lại nâng lên thêm một bậc, phải đem chân thành - thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác - từ bi nâng lên thành “thuần tịnh thuần thiện”, chúng ta nắm chắc phần vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trên Kinh thì nói đó là quê nhà của chúng ta, nói đó là nhà của chính mình, là tình hình sinh sống ở ngôi nhà của mình. Vì thế, hiện tại chúng ta không cần phải tranh giành với người ở nơi này. Tranh giành với người ở đây thì chúng ta không thể về ngôi nhà này được. Không cần tranh với họ, buông xả tất cả, các vị cần thì cứ lấy hết đi, tôi chẳng cần nữa, nhà của tôi ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tranh với họ để làm gì? Chúng ta được đại tự tại. Những ngày tháng này trải qua thật thoải mái, thật là tự tại. Cho nên mọi thứ cứ tùy duyên mà không phan duyên.

“Lâu quán lan thuẫn”, đây là chúng ta rất dễ hiểu.

“Đường vũ phòng các”. “Đường” nghĩa là cung điện, cũng là nơi mà đại chúng tụ hội. Cũng như giảng đường của chúng ta hiện nay, đây là thuộc về “đường vũ”. “Phòng các” nghĩa là phòng ốc nơi mình cư ngụ. Đây không phải là đối ngoại, mà là chỗ ở của cá nhân. “Các” là lầu các.

“Quảng hiệp phương viên, hoặc đại hoặc tiểu”. Hoàn toàn là tự tại, đều là thành tựu tùy theo ý niệm của chính mình. Ta muốn nhà cửa lớn một chút thì nó liền lớn lên, muốn nhỏ một chút thì nó liền nhỏ. Chúng ta hiện tại trong hoàn cảnh cuộc sống này, chúng ta cũng hiểu được ngôi nhà mà mình sinh sống. Người thế gian nói đây là phong thủy. Phong thủy là gì? Hoàn cảnh ảnh hưởng đến tâm tư cuộc sống của chúng ta. Thế nào là phong thủy tốt vậy? Là nơi này bạn ở cảm thấy rất vui vẻ, rất thoải mái, cảm thấy việc gì cũng tốt thì đối với bạn mà nói đây là phong thủy tốt. Nếu như sống ở nơi này mà cảm thấy khó chịu, cảm thấy không thoải mái, vậy thì đối với bạn là không tốt. Không cần phải mời thầy xem phong thủy, bản thân chúng ta cũng rất dễ dàng cảm nhận ra được.

Người xưa nói rất có đạo lý, bên trong có kinh nghiệm của mấy nghìn năm: Nhà cửa phải xây cho ngay thẳng. Bạn xây nhà hay bạn mua nhà cũng vậy, phải nên biết, nhà có hình vuông hoặc là hình chữ nhật thì sống trong ngôi nhà này sẽ cảm thấy dễ chịu, không nên có hình thù kỳ lạ, góc cạnh nhiều quá thì cũng không tốt. Góc cạnh nhiều thì bạn sống ở trong đó sẽ nghĩ tưởng lung tung.

Tôi ở tại Brisbane, Tịnh Tông Học Hội dưới chân núi là do chúng tôi xây dựng. Cách đó có một ngôi nhà họ muốn bán. Tôi đến xem thử, nhìn thấy phòng ngủ ở trong ngôi nhà này không có phòng ngủ nào mà có hình vuông cả, chúng đều là có năm hoặc sáu góc tường. Sau khi tôi xem xong, tôi liền hỏi người chủ nhà là trong nhà ông còn có những ai nữa? Ông nói có hai vợ chồng ông và ba đứa con. Tôi nói, những đứa con của ông có phải là cả ngày cứ nghĩ tưởng lung tung hay không? Ông nói phải, hỏi tôi làm sao mà tôi biết vậy? Tôi liền nói với ông, những phòng ngủ như vậy thì người vào ở trong đó 100 ngày sẽ nghĩ tưởng lung tung đủ 100 ngày. Ông muốn bán cho tôi. Tôi không cần kiểu nhà đó, kiểu phòng ốc như vậy mà sửa trở lại thì rất là phiền phức, sửa lại thì cũng như là xây mới. Xác thực là như vậy. Cho nên chúng ta nhìn thấy nhà của người nước ngoài đều là nhọn nhọn, góc góc thì như thế nào? Họ đều không thể ở lâu, họ sống vài năm thì dọn nhà đi mất, liền treo cái biển bán nhà. Nó có đạo lý của nó. Họ đều không hiểu việc này.

Cho nên người Trung Quốc mới gọi nó là “lão gia, lão trạch”, ngôi nhà này mà xây dựng lên thì đều dùng mấy trăm năm, truyền qua biết bao nhiêu đời. Họ rất là có đạo lý. Đặc biệt là ở phía bắc Trung Quốc là tứ hợp viện, rất là có đạo lý. Cho nên cái này không thể không hiểu.

Ngoài ra thì phòng ngủ phải nhỏ. Bạn hãy xem Từ Hy Thái hậu, hoàng cung rất là lớn, nhưng phòng ngủ của Từ Hy thái hậu lại rất nhỏ, là để tụ khí. Phòng ngủ mà lớn quá thì tinh thần khí sức của bạn sẽ bị tản đi hết, không thể tụ hội lại được, đối với sức khỏe của mình sẽ có vấn đề, cho nên phòng ngủ thì phải nhỏ. Phòng khách thì bạn có thể làm lớn một chút, phòng sách cũng có thể lớn một chút, nhưng phòng ngủ thì không nên lớn quá.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 300)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ