Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 274)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 274)
PHẨM THỨ MƯỜI SÁU ĐƯỜNG XÁ LẦU QUÁN Ở trong phẩm Kinh này, Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu Phật A Di Đà cùng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chư thượng thiện nhân, hoàn cảnh cư ngụ của các Ngài. Chúng ta từ trong phẩm Kinh này có thể nhìn thấy đại chúng của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cuộc sống tu hành của các Ngài không chỉ đáng để cho chúng ta hướng về, mà còn phát khởi nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ. Điều quan trọng hơn chính là chúng ta phải học hỏi các Ngài, trong hoàn cảnh trước mắt này nên phải tu học như thế nào. Bây giờ mời đại chúng xem Kinh văn. Kinh văn: “Hựu Vô Lượng Thọ Phật, giảng đường tinh xá, lâu quán lan thuẩn, diệc giai thất bảo, tự nhiên hóa thành. Phục hữu bạch châu ma ni, dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỉ”. Đây là đoạn thứ nhất. Trước tiên nói trú xứ của Phật. Chúng ta đã đọc đoạn Kinh này, cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa còn tại thế, nơi cư trú của Ngài là vô định xứ. So sánh ở dưới đây, mới biết được phước báu ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc xác thực là Thế giới Ta Bà không thể nào so sánh được. Nhưng chúng ta nhất định phải hiểu được, Phật Phật đạo đồng, phước đức trí huệ đều là bình đẳng. Tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật lại thị hiện ở thế gian này của chúng ta? Giảng

PHẨM THỨ MƯỜI SÁU

ĐƯỜNG XÁ LU QUÁN
 

Ở trong phẩm Kinh này, Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu Phật A Di Đà cùng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chư thượng thiện nhân, hoàn cảnh cư ngụ của các Ngài. Chúng ta từ trong phẩm Kinh này có thể nhìn thấy đại chúng của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cuộc sống tu hành của các Ngài không chỉ đáng để cho chúng ta hướng về, mà còn phát khởi nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ. Điều quan trọng hơn chính là chúng ta phải học hỏi các Ngài, trong hoàn cảnh trước mắt này nên phải tu học như thế nào. Bây giờ mời đại chúng xem Kinh văn.

Kinh văn: “Hựu Vô Lượng Thọ Phật, giảng đường tinh xá, lâu quán lan thuẩn, diệc giai thất bảo, tự nhiên hóa thành. Phục hữu bạch châu ma ni, dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỉ”.

Đây là đoạn thứ nhất. Trước tiên nói trú xứ của Phật. Chúng ta đã đọc đoạn Kinh này, cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa còn tại thế, nơi cư trú của Ngài là vô định xứ. So sánh ở dưới đây, mới biết được phước báu ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc xác thực là Thế giới Ta Bà không thể nào so sánh được. Nhưng chúng ta nhất định phải hiểu được, Phật Phật đạo đồng, phước đức trí huệ đều là bình đẳng. Tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật lại thị hiện ở thế gian này của chúng ta?

Giảng đường là nơi để thuyết pháp giảng Kinh dạy học, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, nơi thuyết pháp này là ở chỗ nào? Hơn phân nửa là trong rừng núi hoặc dưới gốc cây, hoàn toàn không có nhà cửa phòng ốc. Các vị trong hiện tại, nếu như có thời gian, có thể đi đến Ấn Độ để tham quan du lịch, xem thử cái nơi mà năm xưa Thế Tôn đã dạy học, di tích đó vẫn còn. Tất nhiên là có quốc vương, đại thần trưởng giả cư sĩ cúng dường tịnh xá. Hình như các vị rất hiểu rõ, Trúc Lâm Tịnh Xá ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Chế độ ở vào thời đó, Phật là vì chúng ta mà thị hiện hình tướng xuất gia, xuất gia nếu như mà lại có một cái gia khác thì hỏng rồi, đó không phải là xuất gia. Giống như hiện nay chùa miếu am đường xây dựng rất là nguy nga tráng lệ, các vị hãy suy nghĩ cho tường tận, có phải là bạn xuất cái nhà nhỏ để vào cái nhà lớn hay không? Cái nhà lớn này so với cái nhà nhỏ thì thích thú hơn nhiều. Chúng ta nhất định phải biết được, đây là người đời sau dựng nên, không phải là ý của Phật. Năm xưa, các tịnh xá là Phật nhận sự cúng dường từ quốc vương, đại thần, trưởng giả cư sĩ, quyền sở hữu tài sản là thuộc về người tại gia, chỉ là cúng dường cho Phật và những vị đệ tử của Phật dùng để giảng đạo và tu hành. Cho nên tôi thường nói, người xuất gia có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu, quyền sở hữu là của quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ. Tâm địa thanh tịnh, thật sự rời xa tham sân si mạn.

Phật pháp khi được truyền đến Trung Quốc là lúc Phật đã diệt độ một ngàn năm rồi, tình hình ở Trung Quốc, phong tục tập quán thì khác với người Ấn Độ. Người Trung Quốc xem trọng hiếu đạo, hiếu thân tôn sư, đặc biệt là lúc đó Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Lan đến Trung Quốc, vua chúa Trung Quốc đều thỉnh lão sư về cung để tiếp đãi, đâu có để cho lão sư ở trong rừng núi dưới gốc cây, đâu có để lão sư đi khất thực? Ở Trung Quốc thì nhất định không thể được. Chỗ thù thắng của Phật pháp, chúng ta từ ở chỗ này cũng có thể nghiệm thấy được, Phật pháp là hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức, tuyệt  đối là không có phân biệt chấp trước. Ở trong hội Lăng Nghiêm, Thế Tôn nói rất là hay: “Tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Mọi người thích làm như thế nào, Phật cũng gật đầu, đều hoan hỉ. Cho nên khi đến Trung Quốc mới xây cất tịnh xá, mà nhất định là kiến trúc của tịnh xá này cùng với hoàng cung là như nhau, kiến trúc theo kiểu cung điện, có ý nghĩa là người Trung Quốc đối với Phật rất là tôn trọng, đối với lão sư rất là tôn trọng. Tôn sư là vì trọng đạo. Cho nên ở vào thời đó, tự viện am đường rất nhiều là do nhà nước xây cất. Hiện nay quí vị đi đến Trung Quốc du lịch, nhìn xem các ngôi chùa lớn, trên bức hoành phi là chữ Sắc Kiến. Hai chữ Sắc Kiến này có nghĩa là nhà vua ra lệnh xây cất, tài sản này là thuộc về của quốc gia, tài sản của đất nước, người xuất gia chỉ cần cạo tóc, chính thức thọ giới, có được giới điệp, thì có thể đến ở bất kì đạo tràng nào. Tòng Lâm được gọi Tòng Lâm mười phương, đạo tràng mười phương. Do đó thân tâm người xuất gia luôn an ổn, không sợ không có nơi để ở, không sợ không có chỗ để ăn. Chỉ cần người xuất gia ở trong tự viện am đường có trách nhiệm, đều có thể đi đến ở các chùa khác. Các đạo tràng ở Trung Quốc những năm đầu tiên, đại đa số là do nhà nước xây cất, cũng có người dân phụng hiến, nhưng đều là thập phương thường trụ. Từ thập phương thường trụ lại biến thành chùa miếu của con cháu, lịch sử này không có lâu, nhưng sự phát triển biến đổi của nó rất là nhanh. Hiện nay, hầu như tất cả tự viện đều biến thành tự viện am đường của con cháu. Nếu bạn không quen biết với trụ trì của chùa, không có thân thích, bạn muốn nghỉ lại ở chỗ này một đêm e rằng chẳng có dễ dàng gì, khách sáo lắm thì đãi cho bạn một bữa cơm, cúng dường cho bạn một bữa cơm. Cho nên hiện nay người xuất gia chẳng dễ dàng gì. Điều này chúng ta cần phải nên biết.

Nên biết rằng giảng đường không nhất định phải xây dựng trụ sở. Thế Tôn năm xưa giảng Kinh thuyết pháp, hơn phân nửa là ở dưới gốc cây lót nệm rơm, phát huy tiềm lực vốn có, đệ tử vây quanh bên Phật, Phật giảng pháp cho mọi người, vì mọi người mà giải đáp những vấn đề khó khăn.

Giảng đường của Thích Ca Mâu Ni Phật có giống tịnh xá giảng đường của A Di Đà Phật thất bảo tự nhiên hóa thành hay không? Xin thưa với quí vị là có. Thế giới Ta Bà cũng có tứ độ, cõi nhân gian này của chúng ta là phàm thánh đồng cư độ. Thích Ca Mâu Ni Phật ứng hóa đến ở nơi này, Thích Ca Mâu Ni Phật có pháp thân cũng có báo thân. Pháp thân, chúng ta đọc ở trong “Hoa Nghiêm”, Tì Lô Giá Na là pháp thân Phật, Lô Xá Na là báo thân Phật, thiên bá ức Thích Ca Mâu Ni Phật là hóa thân. Hóa thân tùy theo tâm của chúng sanh mà ứng sở tri lượng. Chỗ này phước báo của chúng sanh rất lớn, lúc Ngài ứng hóa hiển thị phước báo cũng lớn. Chỗ này chúng sanh không có phước báo, Phật đã thị hiện cũng không có phước báo. Nhất định phải cùng với chúng sanh đã giáo hóa là bình đẳng. Chỗ này người dân dễ dàng chấp nhận. Nếu như chúng sanh không có phước, Phật thị hiện phước báu thật là lớn, chúng sanh nhìn thấy đều lẩn tránh, không dám đến gần, không dám gặp Phật. Cái đạo lý này không khó hiểu.

Cư sĩ Hứa Triết mọi người đều biết, bà năm nay khoảng 105 tuổi, cả cuộc đời của bà luôn giúp đỡ người nghèo khó, người khốn khổ, người có hoàn cảnh đáng thương, cho nên cuộc đời của bà, quần áo của bà phải giống những người đó. Cả cuộc đời của bà chưa bao giờ mặc bộ quần áo mới nào. Tôi đã gặp bà mấy lần rồi, tôi hỏi bà là quần áo của bà từ đâu mà có? Là bà nhặt ở trong thùng rác. Người thông thường quần áo mặc cũ rồi, không cần nữa, vứt bỏ đi, bà nhặt lại. Sau khi nhặt lại thấy mặc vừa với mình, đem giặt sạch sẽ rồi bà mặc. Cái nào mặc không vừa thì sửa lại một chút. Tôi hỏi bà là tại sao bà lại thích làm những việc như vậy? Bà liền trả lời tôi: “Người mà tôi gần gũi đều là những người nghèo khổ, nếu như tôi không sống cuộc đời nghèo khó giống như họ, thì họ sẽ chẳng chịu qua lại với tôi”. Đây là hằng thuận chúng sanh. Bạn muốn độ chúng sanh ở tầng lớp nào, nhất định là phải sống cùng hoàn cảnh giống họ, họ mới thích bạn, mới tôn trọng bạn, mới có thể nghe lời dạy bảo của bạn.

Phật Bồ Tát đối với chúng sanh thì hiểu rất rõ, cho nên ở vào thời đại đó, Phật xuất hiện ở Ấn Độ, ở Ấn Độ thì người nghèo nhiều, Ngài muốn lấy mức sống của người nghèo để giáo hóa chúng sanh, tuyệt đối không thể lấy đế vương, đại thần, phú hộ, trưởng giả, không thể dùng cách này. Dùng cách này chỉ có thể độ cho số ít người, không thể phổ độ chúng sanh. Phổ độ chúng sanh nhất định là phải có cùng hoàn cảnh sống giống như họ. Cho nên giảng đường (nếu là chỗ để giảng Kinh thì gọi là giảng đường), ở trong “Kinh Duy Ma” chúng ta thấy được, dưới gốc cây giảng Kinh thì chính gốc cây đó là giảng đường, giảng Kinh ở bên bờ sông thì bờ sông đó là giảng đường, không nhất định là có cơ sở kiến trúc mới gọi là giảng đường.

Chúng ta xem đến đoạn này, đây là Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tứ độ là nói những độ nào? Là nói phàm thánh đồng cư độ, hiển thị ra người dân của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, người ở Phàm Thánh Đồng Cư độ thì có phước báo lớn như vậy. Hễ là vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là vãng sanh hạ hạ phẩm đồng cư độ cũng có phước báo thù thắng như vậy. Điều này chúng ta nhất định phải biết.

Tịnh xá là nơi để cư trú, phần lớn là chỗ để nghỉ ngơi. Giảng đường là nơi để giảng Kinh, nơi để dạy học. Tinh xá giống như ngày nay chúng ta gọi là ký túc xá, gọi là tinh, tinh là tinh thuần. Người như thế nào mới cư trú ở nơi này? Là hành giả chuyên tu thuần tịnh thuần thiện, nơi cư trú các vị ấy được gọi là tinh xá. Chúng tôi nhìn thấy chỗ ở của cư sĩ Hứa Triết, tôi thấy nó thật sự là một ngôi tinh xá. Tôi đã đi xem qua, chỗ ở của bà thật là đơn giản vô cùng, nhưng mà rất sạch sẽ, chẳng có chút dơ bẩn nào. Căn phòng không lớn, một phòng đọc sách, một gian nhà bếp nhỏ, một phòng ngủ. Quí vị ở Singapore có thể đi đến nơi đó của bà để tham quan, bạn đi xem thử, đó là điều mà Phật đã nói trong Kinh, thật xứng với cái tên tinh xá. Cho nên tinh xá hoàn toàn không phải là lộng lẫy tráng lệ hoành tráng, mà là nơi cư trú của một người tu hành thật sự. Bạn xem, bà Hứa Triết đơn giản vô cùng.

Nơi cư trú của cả cuộc đời của các vị Cao tăng Đại đức ngày xưa phần lớn là am tranh, ngoài ba y một bát ra, thật sự là chẳng có thứ gì khác. Các Ngài có thể buông xả danh văn lợi dưỡng, buông xả sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, nhất tâm hướng về đạo. Nơi cư trú của các Ngài đều được gọi là tinh xá. Bởi vì chữ Tinh này không phải nói vật chất, mà nói về người.

Ở trong Phật pháp chúng ta thường hay nhắc đến “một môn thâm nhập chuyên tu lâu dài”. Một môn này chính là tinh, tinh nhất. Phật pháp thường hay nói 84 ngàn pháp môn, chúng ta nên theo pháp môn nào để tu hành? Lựa chọn pháp môn nhất định phải biết căn tánh của bản thân mình, trình độ của bản thân mình, sở thích của bản thân mình, hoàn cảnh cuộc sống của mình đều có thể khế hợp, thì tu học mới thuận lợi. Bạn nói thử pháp môn nào hay nhất? Quí vị đã đọc “Kinh Kim Cang”, trong “Kinh Kim Cang” Phật nói rất hay: “Pháp môn là bình đẳng, không có cao thấp”. Các pháp môn đều tốt, không có pháp môn nào không tốt. Cho nên, người sơ học nhất định phải chọn một môn, không thể nào cùng lúc học hai, ba môn. Cùng lúc hai, ba cửa thì bạn không thể vào trong được. Thí dụ như hiện tại chúng ta đang ở chỗ giảng đường này, giảng đường của chúng ta cửa cũng nhiều, bạn không thể nào cùng một lúc đi vào từ hai cửa, bạn không làm được, bạn chỉ có thể đi vào từ một cửa. Sau khi đi vào từ một cửa thì các cửa khác đều thông. Chư vị đồng tu, tôi nghĩ các bạn cũng đã nghe qua, trong Phật pháp thường nói: “Một Kinh thông tất cả Kinh thông”. Cùng một đạo lý giống như vậy, vào một cửa, tất cả các cửa đều vào được. Đây gọi là tinh.

Sự thành tựu của người học Phật ngày nay chẳng bằng người xưa, nguyên nhân do đâu? Người hiện nay vừa mới học Phật thì muốn học rộng nghe nhiều, các pháp môn đều muốn học, kết quả là một môn cũng không thâm nhập được, vĩnh viễn ở bên ngoài. Đây là không hiểu được cách tu, hoàn toàn không phải là trí huệ của chúng ta không bằng người xưa, không phải là năng lực của chúng ta không bằng người xưa, mà là do cách học của chúng ta không bằng người xưa. Cách học của người xưa so với chúng ta thì tinh hơn, thuần hơn. Chúng ta hiện nay thì học tạp, học loạn, cho nên không vào được cửa. Học rộng nghe nhiều cũng là Phật dạy cho chúng ta, nhưng không phải dạy cho người mới học Phật. Người mới học Phật thì phải thâm nhập một môn.

Vậy lúc nào mới học rộng nghe nhiều? Khi bạn đã khai ngộ từ trong một môn. Tiêu chuẩn là ở tại chỗ này. Một môn có thể khai ngộ, một môn có thể đoạn phiền não, tại sao vậy? Tâm các Ngài đã định rồi, tâm là một, tâm là định, cho nên các Ngài có thể khai ngộ. Sau khi ngộ rồi thì lúc đó có thể học rộng nghe nhiều, học dễ dàng, nhanh chóng. Tại sao vậy? Vừa tiếp xúc thì bạn thông đạt, hiểu rõ, cho nên 84 ngàn pháp môn, tất cả các Kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt 49 năm, bạn cần bao nhiêu thời gian để học cho xong? Thời xưa có Bồ Tát Long Thọ đã biểu diễn một tấm gương cho chúng ta xem: Trong ba tháng, không cần nhiều thời gian.

Bồ Tát Long Thọ bằng cách nào mà trong thời gian ba tháng có thể thông đạt hết tất cả các Kinh giáo mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong 49 năm? Trước tiên Ngài thâm nhập một môn, khai ngộ rồi, trong Phật pháp nói là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Đây là tiêu chuẩn để cầu học. Không thể đạt đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, vậy là bạn học chưa xong bộ Kinh này, chính là nói bạn vẫn chưa đủ độ sâu để thâm nhập, bạn vẫn chưa đủ độ sâu. Tiêu chuẩn sâu này chính là minh tâm kiến tánh. Tông môn nói là kiến tánh, Giáo hạ gọi là đại khai viên giải. Đạt được cảnh giới này, tất cả Kinh vừa mở ra cả thảy đều hiểu rõ.

Ở trong “Đàn Kinh”, chúng tôi đọc đến Pháp Đạt Thiền sư, Ngài chuyên nghiên cứu về “Kinh Pháp Hoa”. Ngài trước khi đến gặp Lục Tổ Đại Sư đã tụng “Kinh Pháp Hoa” ba ngàn bộ. Chúng ta biết rằng “Kinh Pháp Hoa” có phân lượng tương đối, mỗi ngày tụng một biến, tụng ba ngàn biến thì mất khoảng 10 năm. Thời gian 10 năm thâm nhập một môn, cho nên sự công phu của Ngài không tệ, nhưng mà vẫn còn kém một chút, là chưa khai ngộ. Khi gặp Lục Tổ Đại Sư, đương nhiên khi gặp thì phải đảnh lễ. Lục Tổ rất cẩn thận, nhìn thấy Ngài đảnh lễ đầu vẫn chưa chạm đất, cho nên sau khi Ngài lạy ba lạy xong, Lục Tổ liền hỏi Ngài: “Ông nhất định vẫn còn có chỗ để kiêu ngạo, việc gì đáng để cho ông kiêu ngạo vậy? Lúc ông đảnh lễ tôi đầu vẫn chưa chạm đất”. Ngài liền nói với Lục Tổ rằng Ngài đã tụng “Kinh Pháp Hoa” được ba ngàn bộ rồi. Lục Tổ liền hỏi Ngài đại ý của “Kinh Pháp Hoa” là gì? Ngài không trả lời được, quay đầu lại thỉnh giáo với Lục Tổ. Lục Tổ nói: ““Kinh Pháp Hoa” tôi chưa nghe qua (vì Lục Tổ không biết chữ, cũng chưa có ai đọc bộ Kinh này cho Lục Tổ nghe), vậy ông đọc cho tôi nghe thử”. Thiền sư Pháp Đạt thì đọc thuộc làu làu, Ngài liền đọc từ đầu cho Lục Tổ nghe. Lục Tổ nghe đến phẩm thứ hai (“Kinh Pháp Hoa” có 28 phẩm, phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện), Lục Tổ liền nói được rồi, không cần đọc nữa, bộ Kinh này tôi biết hết rồi.

Từ chỗ này chúng ta có thể hiểu được, thật sự sau khi khai ngộ rồi thì có cần xem hết bộ Kinh hay không? Không cần, chỉ xem vài trang thì biết hết rồi. Cho nên bộ Đại Tạng Kinh, Ngài Long Thọ Bồ Tát có ba tháng đã thông đạt, đọc xong hết, đạo lý là ở chỗ này. Lục Tổ giảng giải đại ý “Kinh Pháp Hoa” cho Ngài Pháp Đạt, sau khi Ngài Pháp Đạt nghe xong liền khai ngộ. Sau khi ngộ xong thì lại đảnh lễ Lục Tổ, lần này thì đầu chạm sát đất.

Từ ở chỗ này chúng ta có thể hiểu được, ngày nay chúng ta học một bộ Kinh không đủ kiên nhẫn, nôn nóng vội vàng, làm sao mà khai ngộ được? Đừng nói là đại triệt đại ngộ, tiểu ngộ cũng chẳng có. Học đạo như vậy thì đến năm nào mới thành tựu? Thật khó. Cho nên phải thật sự nghĩ đến sự thành tựu trong đạo nghiệp, không học theo Tổ sư Đại đức thì vô cùng vô cùng khó. Các vị Tổ sư Đại đức đều là thật sự tuân theo nề nếp. Nhất định phải để cho tâm định lại, chúng ta mới có thể được thành tựu.

Trong khoảng nửa năm trở lại đây, tôi thường xuyên nghĩ đến mấy câu nói trong “Luận Ngữ” của Khổng Lão Phu Tử. Khổng Lão Phu Tử đã từng nói: “Tôi một ngày không ăn cơm, một đêm không ngủ, ở chỗ này suy nghĩ. Nghĩ đi nghĩ lại cũng không có lợi ích, chẳng bằng học vậy”. Nguyên văn của Ngài là: “Tử viết ngô thường chung nhật bất thực,   chung dạ bất tẩm, dĩ tư vô ích, bất như học dã”. Nói rõ là Phu Tử cả cuộc đời chỉ là cầu học, học không thấy chán. Tại sao học không chán vậy? Vì Ngài nếm được pháp vị. Làm sao mà biết được Ngài nếm được pháp vị? Bởi vì một đoạn khác của “Luận Ngữ” có nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ”, đó chính là Ngài đã nếm được pháp vị, làm sao mà Ngài chán được chứ? Hạnh phúc, càng học càng thấy hạnh phúc, đó chính là càng học càng thâm nhập, pháp vị đó càng lúc càng nồng. Tại sao chúng ta càng học càng thấy chán vậy? Là vì không nếm được pháp vị, vị bạn nếm được là vị đắng, cực khổ học tập, bạn chưa nếm được sự vui sướng, cho nên bạn mới không nhẫn nại. Thật sự nếm được pháp vị rồi thì bạn cũng sẽ giống như Khổng Lão Phu Tử, cũng giống như Ngài Nhan Hồi. Ngài Nhan Hồi cũng là người nếm được pháp vị, học không chán, dạy không nản. Dạy là dạy người khác, vui sướng chẳng gì bằng, tuyệt đối sẽ không có mệt nhọc. Tại sao vậy? Câu thứ hai của Phu Tử nói: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ” (nghĩa là có bạn từ phương xa đến thăm chẳng mừng lắm sao). Từ “bằng” này là đến cầu học, là đệ tử. Chúng ta từ hai câu nói này, Phu Tử học vui sướng, dạy học vui sướng, học tập và dạy học là công việc vui sướng nhất. Nếu Ngài không học, nếu Ngài không dạy thì Ngài sẽ nhàm chán, phiền phức sẽ đến với Ngài, cho nên nói là vui sướng chẳng gì bằng. Đây là trong Phật pháp nói thường sanh tâm hoan hỉ, pháp hỉ sung mãn, nếm được đạo vị.

Đoạn ở dưới đây là nói trú xứ của Bồ Tát, đoạn ở trên là nói về A Di Đà Phật.

Kinh văn: “Chư Bồ Tát chúng, sở cư cung điện, diệc phục như thị”.

Thế giới Tây Phương bình đẳng, phàm là Phật Bồ Tát, bất luận là tự hành hóa tha, luôn luôn là bình đẳng. Từ chỗ này chúng ta liền hiểu ra, Thích Ca Mâu Ni Phật tại sao thị hiện ở thế gian này của chúng ta ba y một bát, nghỉ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa. Tại sao phải thị hiện như vậy? Thị hiện như vậy cùng với chúng sanh ở Thế giới Ta Bà bình đẳng. Cái tiêu chuẩn bình đẳng này là lấy cuộc sống thấp nhất làm tiêu chuẩn, không thể dùng mức tối cao. Mọi người đối với Phật đều khâm phục, Phật không phải là không thể sống cuộc đời sung sướng. Ngài có thể chứ, vì Ngài xuất thân là hoàng tử mà. Không cần sự hộ pháp của người khác, song thân của Ngài hộ trì cho Ngài cũng đủ rồi, Ngài có thể sống một cuộc đời sung sướng. Nhưng nếu như Ngài sống cuộc đời sung sướng, những người nghèo khổ thấy được Ngài sống như vậy, trong tâm sẽ nghĩ như thế nào? Cho nên Phật không thể làm như thế được.

Phật khi khởi tâm động niệm, tất cả ngôn hành đều là giáo dục chúng ta. Chúng ta từ ở chỗ này mà thể hội trí huệ của Ngài, lòng từ bi của Ngài là từ trong cuộc sống hàng ngày mà thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta từ ở chỗ này mà có thể thể hội được đức hạnh của Phật Bồ Tát, các Ngài không vì bản thân mình, niệm niệm đều là vì tất cả chúng sanh. Chúng sanh không có áo mặc, các Ngài có áo mặc thì thấy như có lỗi với chúng sanh. Chúng sanh không có gì để ăn, các Ngài có thức ăn ngon, các Ngài làm sao để không có lỗi với chúng sanh vậy? Đều là làm như vậy để cho chúng sanh xem, cuộc sống của các Ngài cùng với chúng sanh là bình đẳng, chỉ có ở dưới thấp hơn bạn chứ nhất định không ở trên cao hơn. Phật là như vậy, Bồ Tát là như vậy, A La Hán là như vậy. Lại tỉ mỉ quan sát, chư vị Đại đức Tổ sư nhiều đời của chúng ta đều cũng là như vậy. Ngay cả đến đầu năm dân quốc, chúng ta thấy được Đại đức Thiền tông Lão Hòa thượng Hư Vân, Đại đức Tịnh tông Ấn Quang Đại Sư, các Ngài đều là thật sự học Phật. Phật là nhân vật điển hình cho chúng ta, là nhân vật kiểu mẫu cho chúng ta.

Ngày nay chúng ta nhận sự cúng dường của Phật tử tại gia, hoàn cảnh cư trú của chúng ta, điều kiện sinh hoạt đều ở trên mức bình thường, so với các vị Tổ sư Đại đức ngày xưa thì vượt trội hơn rất nhiều, nhưng có hồi đầu nghiêm túc mà nghĩ tưởng hay không? Đạo nghiệp của chúng ta có thể cùng với các vị Tổ sư Đại đức là ngang hàng nhau hay không? Nếu như về vật chất, tất cả mọi sự thọ dụng đều vượt hơn các Ngài, nhưng mà trong đạo nghiệp vẫn không bằng các vị tu hành đó, chúng ta có phát khởi tâm sám hối hay không, có động viên bản thân mình phải dũng mãnh tinh tấn hay không? Thời buổi hiện nay là dân chủ tự do mở rộng, đặc biệt là khẩu hiệu về nhân quyền vang tận trời cao, chẳng ai có thể can thiệp vào nhân quyền của người khác, trong hoàn cảnh như thế này, người tu hành phải hoàn toàn dựa vào chính mình, tại sao vậy? Vì chẳng ai dám nói bạn. Chúng tôi chỉ là vào những lúc giảng Kinh thuyết pháp thì nói ra một vài cảm xúc mà thôi, ai có thể chỉ trích ai? Ai có thể quản được ai? Không thể rồi. Cho nên nhất định phải dựa vào bản thân mình để giác ngộ. Phải tự giác, phải dựa vào chính mình để độ chính mình. Người học Phật tuy là rất nhiều, người thật sự học Phật thì lại không nhiều.

Phật làm sao mà chuyên tâm? Phật đối người tiếp vật như thế nào? Phật sinh hoạt như thế nào? Tôi trong lúc trên giảng tòa cũng thường hay nói, chúng ta đối với Thích Ca Mâu Ni Phật rốt cuộc là hiểu được bao nhiêu? Sự việc này tốt nhất là nên đọc “Thích Ca Phổ”, “Thích Ca Phương Chí”. Ở trong “Đại Tạng Kinh” thì có truyện tiểu sử của Thích Ca Mâu Ni Phật. Bạn không đọc thì bạn chẳng hiểu được Ngài, bạn không nhận biết được Ngài. Lúc tôi mới bắt đầu học Phật, Đại Sư Chương Gia bảo tôi nên đọc, quyển sách đầu tiên mà Ngài bảo tôi đọc chính là hai quyển này. Lúc đó không có quyển in riêng lẻ, phải chép ra từ trong bộ “Đại Tạng Kinh”. “Thích Ca Phương Chí” phân lượng tương đối ít, “Thích Ca Phổ” thì phân lượng nhiều hơn một chút. Nhiều hơn một chút nên lúc đó tôi chép điểm chính yếu, về sao chép lại không có tốn nhiều thời gian, thật sự là đọc sách vất vả vô cùng. Cho nên bạn không quen, bạn đi đâu để học?

Đoạn này nói với chúng ta, Phật thị hiện bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Đây mới thật sự là bố thí từ bi, bố thí ân huệ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu cái ý này. Trong đó chúng ta nhìn thấy Thế giới Tây Phương Cực Lạc, là phàm thánh đồng cư độ, phước báo của họ thù thắng hơn chúng ta rất nhiều. Phật ở nơi đó có thể làm thị hiện như thế, ở chỗ này của chúng ta thì không thể được, khiến cho chúng ta phát tâm hướng về Thế giới Cực Lạc, chúng ta hoàn toàn không phải hướng về phước báo của họ, mà là hướng về đức hạnh của họ. Phước báo từ đâu mà có? Từ ở nơi đức hạnh mà phát sinh ra. Chúng ta chưa có cái đức này, họ thì có cái đức này. Ở chỗ này chúng ta đã nhìn thấy, dùng lời hiện nay mà nói, sự hưởng thụ văn minh vật chất thế giới hiện nay của chúng ta cũng không bằng người ta. Cung điện của người ta là tạo thành từ bảy thứ báu, vật liệu kiến trúc là bảy thứ báu. Giảng đường hiện nay của chúng ta xem cũng là vàng son lộng lẫy, nhưng vàng đó là giả chứ không phải là thật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thật chứ không phải là giả. Từ chỗ này chúng ta có thể nghĩ đến, phước báo làm sao mà tu được? Phước báu ngày nay của chúng ta là do tu phước, phước báu của Thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải do tu, mà là xưng tánh, từ trong tự tánh mà biến hiện ra. Bạn xem thử, ở trong Kinh này không phải là nói rất rõ ràng rồi sao? “Diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành”, nó không phải là do người thợ thiết kế, không phải là đi đến chỗ nào để tinh luyện, mà là tự hiên hóa thành. Đây chính là tự tánh. Pháp nhĩ như thị.

Mỗi một người đều có tự tánh, đều có đức tướng trí huệ của Như Lai. Đức là đức năng, tướng là tướng hảo, tất cả chúng sanh đều có. Thế giới Tây Phương có, chúng ta đều nhìn thấy, đều nghe thấy. Cả thảy chúng ta đều có, nhưng mà ngày nay vẫn phải sống một cuộc sống vất vả. Giống nhau như vậy, nhưng trí huệ của chúng ta chạy đâu mất rồi? Đức năng đi đâu mất rồi? Tướng hảo đi đâu mất rồi? Phật nói ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, tất cả chúng sanh đều có đức tướng, trí huệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Một câu nói mà đã nói rõ ra. Trí huệ của chúng ta, đức năng của chúng ta, tướng hảo của chúng ta là bị vọng tưởng phân biệt chấp trước của chúng ta ngăn cản lại, không thể nào hiện ra được. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đức hạnh ở tại chỗ nào? Họ không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, cho nên từ trong tự tánh tự nhiên lưu lộ ra bên ngoài. Chúng ta hiện nay tuy là có phiền não, có chướng ngại, tánh đức không lưu lộ ra, Phật dạy cho chúng ta tu, chúng ta phải chịu tu.

Điều bạn đã tu thực tại mà nói là điều bạn đã cầu. Bạn xem thử ba thứ này, tất cả chúng sanh hàng ngày đang cầu. Chư Phật Bồ Tát hiện ra ở nơi đó, một cái là trí huệ, trí huệ viên mãn, một cái là năng lực, chúng ta gọi là kĩ năng tài nghệ, trong Kinh thì gọi là đức. Đức chính là năng lực của bạn, tài nghệ của bạn, vạn đức vạn năng, không có thứ gì mà bạn không biết, không những biết mà còn tinh thông. Tướng là tướng hảo. Tướng hảo là hưởng thụ vật chất. Từ tướng hảo của thân đến tướng hảo của hoàn cảnh sống của bạn, trong Phật pháp nói là y chánh trang nghiêm. Bạn xem tất cả chúng sanh, không phân biệt quốc gia, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt dân tộc, bạn hỏi họ trong ba thứ này có cần hay không? Đều cần, muốn có cũng không được. Phật dạy cho bạn tu, tu phải có giáo lí để nương theo. Không có giáo lý để nương theo, bạn sẽ tu không có kết quả.

Cho nên Phật dạy cho chúng ta cách tu là bố thí. Bố thí là xả. Nếu bạn muốn cầu giàu có thì bạn phải xả tài. Tại sao khi xả tài thì bạn có thể được giàu có? Xả tài chính là xả tham sân si của bạn. Bạn đem tham sân si xả hết rồi, thì sự giàu có vô lượng vô biên vốn đã có đầy đủ trong tự tánh sẽ hiện bày ra. Giống như trong Kinh đã nói, bạn muốn cầu thông minh trí huệ thì bạn phải tu pháp bố thí, bạn phải xả pháp. Bạn muốn khỏe mạnh sống lâu, bạn phải bố thí vô úy. Bạn không thể tu học như lý như pháp thì làm sao bạn có thể đạt được những quả báo thù thắng này?

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 274)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ